Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Các loại hình xuất khẩu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (67.52 KB, 4 trang )

Các loại hình xuất khẩu

Các loại hình xuất khẩu
Bởi:
Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

Các loại hình xuất khẩu
Xuất khẩu có thể được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau phụ thuộc vào số lượng
và các loại hình trung gian thương mại. Mỗi phương thức có đặc điểm riêng, có kỹ thuật
tiến hành riêng. Thông thường có các loại hình xuất khẩu chủ yếu sau:
Xuất khẩu trực tiếp.
Giống như các hoạt động mua bán thông thường trực tiếp ở trong nước, phương thức
xuất khẩu trực tiếp trong kinh doanh TMQT có thể được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi
trong đó người mua và người bán trực tiếp gặp mặt ( hoặc thông qua thư từ, điện tín...)
để bàn bạc và thoả thuận với nhau về hàng hoá, giá cả, điều kiện giao dịch, phương thức
thanh toán... mà không qua người trung gian. Những nội dung này được thoả thuận một
cách tự nguyện, việc mua không nhất thiết gắn liền với việc bán.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán theo phương thức này khác với hoạt động nội thương ở
chỗ: bên mua và bên bán là những người có trụ sở ở các quốc gia khác nhau, đồng tiền
thanh toán có thể là ngoại tệ đối với một trong hai bên, hàng hoá là đối tượng của giao
dịch được di chuyển qua khỏi biên giới của một nước.
Hoạt động xuất khẩu trực tiếp thường có những ưu điểm sau:
• Thông qua thảo luận trực tiếp dễ dàng dẫn đến thống nhất, ít xảy ra những hiểu
lầm đáng tiếc.
• Giảm được chi phí trung gian.
• Có điều kiện xâm nhập thị trường, kịp thời tiếp thu ý kiến của khách hàng, khắc
phục thiếu sót
• Chủ động trong việc sản xuất tiêu thụ hàng hoá
Tuy nhiên hoạt động này cũng gặp phải một số hạn chế đó là:
• Đối với thị trường mới còn nhiều bỡ ngỡ, dễ bị ép giá trong mua bán
• Khối lượng mặt hàng cần giao dịch phải lớn để bù đắp được chi phí: giấy tờ, đi


lại, điều tra tìm hiểu thị trường.
1/4


Các loại hình xuất khẩu

Xuất khẩu gián tiếp.
Nếu trong xuất khẩu trực tiếp người bán tìm đến người mua, người mua tìm đến người
bán và họ trực tiếp thoả thuận quy định những điều kiện mua bán, thì trong xuất khẩu
gián tiếp, một hình thức giao dịch qua trung gian, mọi việc kiến lập quan hệ giữa người
bán và người mua và việc quy định các điều kiện mua bán đều phải thông qua người thứ
ba. Người thứ ba này gọi là người trung gian buôn bán. Người trung gian buôn bán phổ
biến trên thị trường thế giới là đại lý và môi giới.
Đại lý: là tự nhiên nhân hoặc pháp nhân tiến hành một hay nhiều hành vi theo sự uỷ
thác của người uỷ thác (principal). Quan hệ giữa người uỷ thác với đại lý là quan hệ hợp
đồng đại lý.
Môi giới: là loại thương nhân trung gian giữa người mua và người bán, được người bán
hoặc người mua uỷ thác tiến hành bán hoặc mua hàng hoá hay dịch vụ. Khi tiến hành
nghiệp vụ, người môi giới không được đứng tên của chính mình mà đứng tên của người
uỷ thác, không chiếm hữu hàng hoá và không chịu trách nhiệm cá nhân trước người uỷ
thác về việc khách hàng không thực hiện hợp đồng. Người môi giới không tham gia vào
việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp được uỷ quyền. Quan hệ giữa người uỷ thác với
người môi giới dựa trên sự uỷ thác từng lần, chứ không dựa vào hợp đồng dài hạn.
Việc sử dụng những người trung gian thương mại (đại lý và môi giới) có những lợi ích
như:
• Những người trung gian thường có hiểu biết rõ tình hình thị trường, pháp luật
và tập quán địa phương, do đó, họ có khả năng đẩy mạnh việc buôn bán và
tránh bớt rủi ro cho người uỷ thác.
• Những người trung gian, nhất là các đại lý thường có cơ sở vật chất nhất định,
do đó, khi sử dụng họ, người uỷ thác đỡ phải đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

• Nhờ dịch vụ của trung gian trong việc lựa chọn, phân loại, đóng gói, người uỷ
thác có thể giảm bớt chi phí vận tải.
Tuy nhiên việc sử dụng trung gian có khuyết điểm như:
• Công ty kinh doanh xuất nhập khẩu mất sự liên hệ trực tiếp với thị trường.
Công ty cũng thường phải đáp ứng những yêu sách của đại lý hoặc môi giới.
• Lợi nhuận bị chia sẻ
Trước sự phân tích lợi hại như vậy, người ta chỉ thường sử dụng trung gian trong những
trường hợp cần thiết như: khi thâm nhập vào một thị trường mới, khi mới đưa vào thị
trường mới một mặt hàng mới, khi tập quán đòi hỏi phải bán hàng qua trung gian, khi
mặt hàng đỏi hỏi sự chăm sóc đặc biệt như hàng tươi sống chẳng hạn.

2/4


Các loại hình xuất khẩu

Buôn bán đối lưu.
Buôn bán đối lưu (counter- trade) là một phương thức giao dịch trao đổi hàng hoá, trong
đó xuất khẩu kết hợp chặt chẽ với nhập khẩu, người bán đồng thời là người mua, lượng
hàng giao đi có giá trị tương xứng với lượng hàng nhận về. Ở đây mục đích của xuất
khẩu không phải nhằm thu về một khoản ngoại tệ, mà nhằm thu về một hàng hoá khác
có giá trị tương đương.
Buôn bán đối lưu đã ra đời lâu trong lịch sử quan hệ hàng hoá- tiền tệ, trong đó sớm
nhất là “ hàng đổi hàng”, rồi đến trao đổi bù trừ. Ngày nay, ngoài hai hình thức truyền
thống đó, đã có nhiều loại hình mới ra đời từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Các loại hình buôn bán đối lưu phải kể đến như:
• Nghiệp vụ hàng đổi hàng (barter): trong nghiệp vụ này hai bên trao đổi trực tiếp
với nhau những hàng hoá có giá trị tương đương, việc giao hàng diễn ra gần
như đồng thời.
• Nghiệp vụ bù trừ (compensation): đây là hình thức phát triển nhanh nhất của

buôn bán đối lưu. Trong nghiệp vụ này hai bên trao đổi hàng hoá với nhau trên
cơ sỏ giá trị hàng giao và hàng nhận đến cuối kỳ hạn, hai bên mới đối chiếu sổ
sách, so sánh giữa giá trị hàng giao với giá trị hàng nhận. Nếu sau khi bù trừ
tiền hàng như thế, mà còn số dư thì số tiền đó được giữ lại để chi trả theo yêu
cầu của bên chủ nợ về những khoản chi tiêu của bên chủ nợ tại nước bị nợ.
• Nghiệp vụ mua đối lưu (counter- purchase): trong nghiệp vụ này một bên giao
thiết bị cho khách hàng của mình và để đổi lại mua sản phẩm của công nghiệp
chế biến, bán thành phẩm, nguyên vật liệu...
• Giao dịch bồi hoàn (offset): người ta đổi hàng hoá và/hoặc dịch vụ lấy những
dịch vụ và ưu huệ ( như ưu huệ trong đầu tư và giúp đỡ bán sản phẩm).
• Nghiệp vụ mua lại sản phẩm (buy- backs): trong nghiệp vụ này một bên cung
cấp thiết bị toàn bộ và/hoặc sáng chế hoặc bí quyết kỹ thuật (know-how) cho
bên khác, đồng thời cam kết mua lại những sản phẩm do thiết bị hoặc sáng chế
hoặc bí quyết kỹ thuật đó chế tạo ra.
Gia công quốc tế.
Gia công quốc tế là một phương thức kinh doanh thương mại trong đó một bên (gọi là
bên đặt gia công) giao (hoặc bán) nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cho một bên khác
(gọi là bên nhận gia công) để chế biến ra thành phẩm giao lại (hoặc bán lại) cho bên đặt
gia công và nhận thù lao (gọi là phí gia công). Như vậy trong gia công quốc tế hoạt động
xuất nhập khẩu gắn liền với hoạt động sản xuất.
Gia công quốc tế ngày nay khá phổ biến trong buôn bán ngoại thương của nhiều nước.
Đối với bên đặt gia công, phương thức này giúp họ tận dụng được giá rẻ về nguyên liệu

3/4


Các loại hình xuất khẩu

phụ và nhân công của nước nhận gia công. Đối với bên nhận gia công, phương thức này
giúp họ giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân lao động trong nước hoặc nhận được

thiết bị hay công nghệ mới về nước mình, nhằm xây dựng một nền công nghiệp dân tộc.
Nhiều nước đang phát triển đã nhờ vận dụng được phương thức gia công quốc tế mà có
được một nền công nghiệp hiện đại như Hàn Quốc, Thái Lan, Xingapo...
Giao dịch tái xuất.
Là hoạt động xuất khẩu trở ra nước ngoài những hàng trước đây đã nhập khẩu chưa qua
chế biến ở nước tái xuất.
Xuất khẩu theo nghị định thư.
Là hình thức xuât khẩu hàng hoá (hay trả nợ) được kí theo nghị định thư của chính phủ.
Xuất khẩu theo hình thức này có ưu điểm: khả năng thanh toán chắc chắn (do nhà nước
trả cho đối tác xuất khẩu), giá cả hàng hóa dễ chấp nhận.

4/4



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×