ĐỀ BÀI SỐ 4
T thường bị bố mắng chửi vì lười lao động lại thường xuyên cờ bạc, rượu
chè nên hận bố. Một lần xào thịt bò ăn, T xúc riêng một ít ra bát rồi đổ thuốc diệt
chuột vào và mang biếu bố mẹ mình là ông G và bà C. Ông G và bà C đã ăn thức
ăn này và bị chết. Giám định pháp y kết luận: nguyên nhân tử vong là do trúng độc
thuốc diệt chuột.
a. Hãy xác định tội danh cho hành vi phạm tội của T. Tại sao?
b. Chỉ rõ các tình tiết định khung tăng nặng được áp dụng trong vụ án trên
và phân tích rõ tai sao?
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
a. T bị truy tố về tội giết người tại Điều 93 BLHS căn cứ vào các dấu hiệu pháp lý
của CTTP tội giết người sau đây:
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi mà T thực hiện ở đây chính là
hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Hành vi tước đoạt tính mạng
người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm
dứt sự sống của họ. Theo tình huống, T đã bằng hành động đầu độc gây ra cái chết
cho chính bố mẹ mình là ông G và bà C. Hành vi khách quan của T đã xâm phạm
nghiêm trọng đến tính mạng của ông G và bà C - là khách thể bảo vệ của luật hình
sự, gây nguy hại rất lớn cho xã hội.
+ Hậu quả của tội phạm: Hậu quả được quy định là dấu hiệu bắt buộc trong
CTTP tội giết người là hậu quả chết người. Trong trường hợp này hậu quả chết
người, cụ thể là ông G và bà C đã xảy ra. Do vậy tội phạm mà T thực hiện là tội
phạm hoàn thành.
+ Mối QHNQ giữa hành vi khách quan và hậu quả: Người có hành vi tước
đoạt trái pháp luật tính mạng người khác chỉ phải chịu TNHS về hậu quả chết
người đã xảy ra nếu hành vi họ thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã
xảy ra đó. Ở đây T bằng hành vi đổ thuốc diệt chuột vào thức ăn mang biếu bố mẹ
mình cùng với việc giám định pháp y kết luận nguyên nhân tử vong của ông G và
bà C là do trúng độc thuốc diệt chuột cho thấy hậu quả chết người xảy ra do chính
hành vi trực tiếp của T . Như vậy, T phải chịu TNHS về hậu quả chết người đó.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Dấu hiệu lỗi: Lỗi của T ở đây là lỗi cố ý trực tiếp đối với cái chết của ông
G và lỗi cố ý gián tiếp đối với cái chết của bà C:
+ Đối với trường hợp ông G, T nhận thức rõ hành vi đầu độc bằng thuốc diệt
chuột của mình là nguy hiểm, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng vì
hận bố nên T đã rắp tâm thực hiện kế hoạch và mong muốn hậu quả đó sẽ xảy ra.
+ Đối với trường hợp bà C, T đã nhận thức được việc đầu độc bằng thuốc
diệt chuột có khả năng nguy hiểm đến nhiều người không chỉ ông G nếu ăn phải (T
mang biếu bố mẹ mình thức ăn có chứa thuốc diệt chuột nhưng có thể không chỉ bố
mẹ T mà tình cờ người khác cũng có thể ăn phải), thấy trước hậu quả chết người có
thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích hại ông G nên T có ý thức để mặc cho hậu
quả xảy ra hay nói cách khác, T có ý thức chấp nhận hậu quả chết người đó (mà ở
đây là bà C). Tuy nhiên ở đây vẫn có thể có trường hợp lỗi cố ý của T là lỗi cố ý
trực tiếp với bà C nếu T thấy trước hậu quả chết người tất nhiên sẽ xảy ra. Nhưng
do vụ án nhấn mạnh về mâu thuẫn giữa T và bố, không nhắc tới bà C nên có thể coi
lỗi của T là lỗi cố ý gián tiếp với bà C.
- Mục đích, động cơ phạm tội : Tuy mục đích và động cơ phạm tội không
phải dấu hiệu bắt buộc của CTTP giết người nhưng trong trường hợp này ta có thể
thấy rõ động cơ phạm tội của chủ thể T, do thù hận bố nên đã bỏ thuốc diệt chuột
vào thức ăn để đầu độc bố mẹ mình. Hậu quả chết ông G và bà C đã thể hiện rõ
mục đích phạm tội của T. T bằng thủ đoạn bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn rồi mời
ông G và bà C ăn khiến ông G và bà C chết. Vậy hậu quả chết người thỏa mãn mục
đích của T và hành vi của T đã cấu thành tội phạm mà CTTP phản ánh.
b. Các tình tiết định khung tăng nặng được áp dụng trong vụ án trên.
- Thứ nhất,“Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của
mình” (Điểm đ Khoản 1 Điều 93).
Trong vụ án trên T là con nhưng đã lên kế hoạch đầu độc nhằm giết chết cha
mẹ mình và như vậy T sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Với hành
vi phạm tội của mình, người phạm tội mà ở đây là T không chỉ vi phạm pháp luật
mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người, cụ thể là đạo lí làm con.
- Thứ hai,“Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”
(Điểm l Khoản 1 Điều 93) và “Giết nhiều người” ( Điểm a Khoản 1 Điều 93).
Có nhiều quan điểm khác nhau khi giải quyết những trường hợp liên quan
đến tình tiết định khung tăng nặng “Giết người bằng phương pháp có khả năng
làm chết nhiều người” và “Giết nhiều người” khiến việc giải quyết các vụ án trên
thưc tế cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và không thống nhất ý kiến. Trong vụ án
này, ta thấy việc sử dụng thuốc diệt chuột cho vào thức ăn để đầu độc là một
phương pháp có khả năng làm chết nhiều người vì bản thân thuốc diệt chuột là một
thứ độc tố đối với con người, ngoài ông G và bà C nếu có thêm người khác ăn cũng
cí thể sẽ bị chết. Hơn nữa, việc cho thuốc diệt chuôt vào thức ăn nhằm che đậy sự
phát hiện đã cho thấy thủ đoạn tinh vi khiến con người khó phát hiện hơn và do đó
có thể có nhiều người bị đầu độc. Bên cạnh đó, T đã lợi dụng việc mình là con nên
dễ tạo lòng tin với bố mẹ và dễ đầu độc hơn.
Còn với trường hợp tình tiết định khung tăng nặng “Giết nhiều người”, giết
nhiều người là trường hợp người phạm tội cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái
chết cho từ hai người trở lên. Có thể nói nếu có căn cứ chứng minh người phạm tội
cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp giết nhiều người thì áp dụng tình tiết đó. T ở trong vụ
án này đã có hành vi giết hai người là ông G và bà C trong cùng thời điểm nên
cũng áp dụng tình tiết tăng nặng này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình luật hình sự Việt Nam – tập 1”.
2. Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
3. Nguyễn Hùng Cường, “Một vài suy nghĩ về tình tiết giết nhiều người và giết
người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người”, Tạp chí Nhà nước và
Pháp luật số 1/2008.
4. Ths. Đỗ Đức Hồng Hà, “Về tình tiết giết nhiều người và giết người bằng phương
pháp có khả năng làm chết nhiều người”, Tạp chí Luật học số 1/2005 .