PHƯƠNG PHÁP RÈN CHỮ VIẾT CHO HỌC SINH LỚP 1
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Chữ viết đẹp của học sinh là vấn đề được mọi người trong và ngoài ngành Giáo
Dục Đào tạo quan tâm lo lắng . Người xưa có đã nói : “nét chữ nết người” là hàm ý
hai vấn đề : Thứ nhất, nét chữ thể hiện tính cách con người ; thông qua rèn luyện chữ
viết mà giáo dục nhân cách con người . Vì vậy phong trào “vở sạch – chữ đẹp” vừa là
mục đích, vừa là phương tiện trong quá trình rèn luyện học sinh viết đúng, dẫn tới
việc viết đẹp cho học sinh, nó góp một phần vào việc giáo dục toàn diện cho học sinh
ngay từ lớp 1.
Đồng thời trong quá trình dạy ở lớp tôi nhận những sai lầm về tư thế ngồi, kỹ
năng viết chữ. Từ đó tôi đưa ra biện pháp khắc phục trong quá trình giảng dạy để nâng
cao chất lượng viết đúng, viết sạch đẹp cho học sinh lớp 1.Chính vì thế tôi chọn thực
hiện chuyên đề: “ Phương pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp 1”
II/ CÁCH THỨC THỰC HIỆN:
Để rèn chữ viết cho học sinh lớp 1, tôi đề ra những biên pháp sau:
1 – Giáo viên nắm chắc kiến thức, viết tốt mẫu chữ quy định để dạy học
sinh.
Trước hết, giáo viên phải nắm chắc cấu tạo, quy trình chữ viết theo đúng mẫu
chữ viết trong trường Tiểu học.
Cụ thể: Về mẫu chữ - mẫu chữ cái viết thường.
- Các chữ cái được viết với độ cao 2,5 đơn vị: b, l, h, k, g, y.
- Các chữ cái được viết với độ cao 2 đơn vị: d, đ, q, p.
- Các chữ cái được viết với độ cao 1,5 đơn vị: t.
- Các chữ cái được viết với độ cao 1,25 đơn vị: r, s.
- Các chữ cái còn lại được viết với độ cao 1 đơn vị: o, ô, ơ, a, ă, â, u, ư, i, c, e, ê,
n, m.
- Các dấu thanh được viết trong phạm vi 1 ô vuông có cạnh 0,5 đơn vị.
- Mẫu chữ cái viết hoa: Các chữ cái được viết với độ cao 2,5 đơn vị, riêng hai
chữ cái được viết với độ cao 4 đơn vị là: Y, G.
- Mẫu chữ số được viết với độ cao 2 đơn vị.
2 – Dạy học sinh có cách cầm bút và tư thế ngồi viết đung.
Để học sinh có thể tránh được cái gọi là “Bệnh học trò” (tức là bệnh cong vẹo
cột sống, bệnh cận thị) thì giáo viên phải luyện cho học sinh có được một tư thế ngồi
thật đúng, thật thoải mái. Muốn vậy, người giáo viên cũng phải có tư thế ngồi thật
đúng để học sinh bắt trước. Ngay mỗi giờ đầu tập viết tôi đều cho học sinh ngồi đúng
tư thế, lưng thẳng, ngực không áp vào bàn, hai chân đặt song song, vuông góc với mặt
đất, tay phải cầm bút, tay trái giữ mép vở, vai ngang bằng, đầu hơi cúi để cách mắt với
vở khoảng 20 – 30cm (tôi cho học sinh chống cùi chỏ tay trên mặt bàn, ngửa bàn tay
ra, áp trán vào sát lòng bàn tay để ước lượng khoảng cách mặt với vở). Cách cầm bút
tôi cũng làm mẫu và hướng dẫn tỉ mỉ: Ngón cái và ngón trỏ đặt ở phái trên, ngón giữa
ở phía dưới đỡ đầu bút cách đầu bút khoảng 1đốt ngón tay, cán bút nghiêng về bên
phải cổ tay; khi viết đưa bút khoảng 1 đốt ngón tay, nhẹ nhàng không ấn mạnh. Khi
học sinh nắm các cách cầm bút, cách ngồi thì trước lúc viết tôi thường cho học sinh
nhắc lại và thực hiện theo đúng quy định: “Tay phải cầm bút bằng 3 ngón tay, tay
trái giữ mép vở, lưng thẳng, đầu hơi cúi, ngực không tì vào bàn”.
3- Dạy cho học sinh có kỹ thuật viết đúng, viết đẹp.
Ngay từ đầu, Giáo viên hướng dẫn cho học sinh nắm chắc, viết tốt các nét cơ
bản của chữ viết về tên gọi, điểm đặt bút, điểm dừng bút.
Tôi cho học sinh nắm được các thuật ngữ: “Dòng kẻ ngang 1, dòng kẻ ngang
2, …. dòng kẻ ngang 5; Dòng kẻ dọc 1, dòng kẻ dọc 2, … dòng kẻ dọc 5”.
Học sinh nắm chắc cách viết các nét sẽ nắm được cấu tạo của từng chữ cái và
việc nối chữ cái thành chữ sẽ dễ dàng hơn.
Để học sinh viết không bị rời rạc, đứt nét phải nhấn mạnh hơn chỗ nối nét, nối
chữ nhất là chỗ rê bút, nhắc các em viết liền mạch đến đâu mới được nhấc bút, ở phần
đầu học chữ ghi âm, học âm nào học sinh nắm chắc độ cao, độ rộng, từng nét từng
chữ. Khi dạy sang phần vần tuy không cần hướng dẫn quy trình viết từng chữ song tôi
vẫn thường xuyên cho học sinh nhắc lại độ cao các chữ cái, những chữ cái nào có độ
cao bằng nhau, khoảng cách giữa các chữ cái trong một chữ, giữa chữ với chữ.
4- Khắc sâu những chi tiết học sinh thường gặp khó khăn.
Đó là, giáo viên cần nhấn mạnh chỗ ghi dấu thanh với vần, từng loại vần, cái
khó với học sinh là không biết ghi dấu thanh ở vị trí nào nhất là những chữ có từ 2,3
chữ cái trở lên. Khi dạy mỗi vần mới, cuối cùng tôi đều cho học sinh nhận xét chốt lại
những chữ ghi vần đó thì viết dấu thanh ở chữ cái ghi âm gì. Đặc biệt ở bài ôn tập mỗi
loại vần tôi đều khắc sâu vị trí ghi dấu thanh.Với chữ có dấu phụ là dấu mũ như ô, ơ,
ê, thì thanh sắc, huyền, hỏi phải ghi ở bên phải dấu mũ còn thanh ngã thì ghi ở giữa,
phía trên của dấu mũ, các dấu thanh phải ngay ngắn, cân đối nằm đúng dòng li quy
định và không được chạm vào chữ cái hay dấu phụ.
5 - Chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ cho dạy – học Tập viết.
Ở lớp ngoài sự trang bị sẵn có như bàn, ghế đúng quy cách, các bóng đèn phục
vụ ánh sáng đầy đủ, tủ đựng đồ dạy – học; tôi còn treo thêm mẫu chữ viết quy định
trong trường Tiểu học, kẻ bảng lớp để thuận tiện cho việc dạy tập viết như: có bảng kẻ
các dòng li phóng to như vở Tập viết để viết mẫu và hướng dẫn viết vở.
Tôi thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh của lớp để giúp đỡ các em.
Ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm tôi đã bàn bạc, thống nhất về sự chuẩn bị và
cách dạy kèm cặp các cháu ở nhà. Tôi đề nghị cha mẹ học sinh chuẩn bị cho các em
bàn học, góc học tập đủ ánh sáng, vở 48 trang có bìa bọc, bảng kẻ ô vuông 1 mặt, ô li
1 mặt, phấn không bụi, hộp đựng giẻ lau, bút chì mềm, bút máy mực đen, thước kẻ,
giấy thấm mực. Sau 8 tuần viết bút chì, học sinh bắt đầu viết bút mực. Để tránh bẩn
tôi phải hướng dẫn tỉ mỉ cách lấy mực, cầm bút , viết xong lắp bút, thấm mực, mỗi
cuốn vở viết cho các em kèm một miếng giấy ăn để thấm mực.
III/. BÀI HỌC KINH NGHIỆM.
Qua quá trình nghiên cứu và thực tế giảng dạy với biện pháp nêu trên, tôi rút ra
những bài học kinh nghiệm sau:
Để học sinh viết đúng, viết đẹp rất cần ở giáo viên sự tỉ mỉ uốn nắn từng nét cho
cả lớp và cho từng bàn tay nhỏ, sự kiên nhẫn làm đi làm lại nhiều lần với tất cả tấm
lòng yêu thương học trò của thầy cô giáo.
Mỗi giáo viên phải nắm chắc kiến thức, quy trình kỹ thuật viết chữ để dạy tốt
từng tiết tập viết cho học sinh. Phải đưa ra phương pháp dạy học cụ thể để phù hợp
với từng đối tượng học sinh của lớp mình tuân theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn
giản đến phức tạp.
Sử dụng phương pháp làm mẫu, bắt trước, mỗi giáo viên phải tự rèn luyện mình
từ chữ viết ở vở, ở bảng đến tư thế ngồi viết, cách cầm bút để làm gương nhất là trước
mắt học trò.
Trong dạy học Tập viết cần phải thường xuyên tổ chức các trò chơi thi viết
nhanh, viết đẹp tạo sự hứng thú rèn luyện cho học sinh.
Sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh với các thầy cô giáo sẽ tạo điều kiện thuận
lợi về cơ sở vật chất về mọi mặt, giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng chữ
viết cho học sinh.
* Tóm lại:
Việc rèn chữ viết đúng và đẹp vẫn đang là mối quan tâm của nhiều người nhất
là những người trực tiếp giảng dạy. Việc tìm ra khó khăn và hướng khắc phục cùng
với sự dạy dỗ công phu của các thầy cô giáo theo một phương pháp khoa học và kinh
nghiệm đã được đúc kết cùng với việc kèm cặp thường xuyên của các bậc phụ huynh,
sự nỗ lực kiên trì của mỗi học sinh thì chắc chắn chất lượng chữ viết ngày càng được
nâng cao.
Trên đây là “ Phương pháp rèn chữ viết cho học sinh lớp 1”mà bản than tôi rút
ra trong quá trình giảng dạy,rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý đồng
nghiệp để chuyên đề ngày càng hoàn thiện hơn.
Tân An,ngày…..tháng….năm 2012
Người viết
Hồ Phúc Minh