Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thế trong quan hệ pháp luật hành chính

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (148.75 KB, 12 trang )

MỤC LỤC
Trang
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU

1

PHẦN NỘI DUNG

2

I. Khái quát quan hệ pháp luật hành chính
II. Phân tích sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thể trong quan hệ
pháp luật hành chính
III. Một số vấn đề thực tiễn

2
2
8

PHẦN KẾT LUẬN

10

TÀI LIỆU THAM KHẢO

11


PHẦN MỞ ĐẦU
Quan hệ pháp luật hành chính là một trong những nội dung quan trọng trong


môn học luật hành chính, là kết quả của sự tác động của quy phạm pháp luật hành
chính theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương tới các quan hệ quản lí hành
chính nhà nước.
Do luật hành chính được điều chỉnh theo phương pháp mệnh lệnh – đơn
phương, một bên có quyền nhân danh nhà nước ra những mệnh lệnh bắt buộc đối
với bên kia, và bên kia có nghĩa vụ phải phục tùng các mệnh lệnh đó nên quan hệ
pháp luật hành chính thể hiện rõ sự không bình đẳng ý chí giữa các bên tham gia.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, bài viết sau nhằm làm rõ những
nội dung cơ bản của: “Sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thế trong quan hệ
pháp luật hành chính”

2


PHẦN NỘI DUNG
I. Khái quát về quan hệ pháp luật hành chính
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản
lí hành chính nhà nước, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính
giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy
định của pháp luật hành chính
Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
năng lực chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính, mang quyền và nghĩa
vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
Các chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính được phân chia thành chủ thể
đặc biệt và chủ thể thường. Trong đó, chủ thể đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, cá
nhân được nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước trong quan hệ ấy. Chủ thể
thường là bên chủ thể không được sử dụng quyền lực nhà nước và có nghĩa vụ
phục tùng việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể quản lí trong quan hệ pháp
luật hành chính tương ứng. Như vậy, quan hệ pháp luật hành chính không thể phát
sinh và tồn tại nếu thiếu chủ thể đặc biệt.

Tùy thuộc vào từng lĩnh vực phát sinh, các quan hệ pháp luật hành chính sẽ có
những khách thể là trật tự quản lí hành chính nhà nước tương ứng với lĩnh vực đó.
II. Phân tích sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thể trong quan hệ pháp
luật hành chính
1. Sự bất bình đẳng thể hiện ở chỗ chủ thể quản lí có quyền nhân danh nhà
nước áp để áp đặt ý chí của mình lên đối tượng quản lí.
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ giữa chủ thể bắt buộc – chủ thể sử
dụng quyền lực nhà nước và chủ thể thường – chủ thể phục tùng quyền lực, trong
đó chủ thể bắt buộc có quyền nhân danh Nhà nước để áp đặt ý chí đối với bên kia.
Việc áp đặt ý chí của chủ thể quản lí lên đối tượng quản lí trong những trường hợp
khác nhau được thực hiện dưới những hình thức khác nhau như:

3


- Một bên có quyền ra các mệnh lệnh cụ thể hay đặt ra các quy định bắt
buộc đối với bên kia và kiểm tra việc thực hiện chúng. Phía bên kia có nghĩa vụ
thực hiện các quy định, mệnh lệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Các cơ quan hành chính nhà nước và các chủ thể quản lý hành chính nhà
nước, dựa vào thẩm quyền của mình trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình có
quyền ra những mệnh lệnh hoặc các quy định bắt buộc đối với đối tượng quản lý cụ
thể và kiểm tra việc thực hiện chúng. Đối tượng bị quản lí có nghĩa vụ phải thực
hiện những quy định, mệnh lệnh đó.
Ví dụ: Nhằm đảm bảo an toàn và ổn định đời sống của các hộ dân ở khu vực
có nguy cơ sạt lở cao thuộc xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, UBND huyện Cần
Giờ đã ra quyết định di dời khẩn cấp 8 hộ dân sống trong khu vực này. Theo đó,
UBND xã An Thới Đông sẽ giám sát, kiểm tra việc di dời, tiến độ, chất lượng công
trình xây dựng nhà ở tái định cư của các hộ này. Về phía hộ dân, phải di dời theo
đúng quyết định. Ngoài ra, sau khi nhận kinh phí, phải tự tổ chức liên hệ hợp đồng
với đơn vị thi công để xây dựng nhà ở theo đúng mẫu thiết kế của huyện đã ban

hành. Nếu trong thời hạn 60 ngày kề từ ngày bàn giao, hộ dân không tổ chức di dời
và xây dựng nhà ở thì Nhà nước thu hồi và không được chuyển nhượng đất trái
pháp luật với bất cứ hình thức nào.
Rõ ràng, UBND huyện Cần Giờ có quyền ban hành quyết định buộc di dời 8
hộ dân và kiểm tra, giám sát việc di dời, tiến độ công trình xây dựng nhà ở tái định
cư của các hộ này. Đồng thời, các hộ dân có nghĩa vụ phải thực hiện quyết định của
UBND, phải tổ chức xây dựng nhà ở theo đúng quy định. Điều này thể hiện rõ nét
sự bất bình đẳng ý chí giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật hành chính.
- Một bên có quyền đưa ra yêu cầu, kiến nghị còn bên kia có quyền xem xét,
giải quyết và có thể đáp ứng hay bác bỏ yêu cầu, kiến nghị đó.
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ “quyền lực – phục tùng”, quan hệ bất
bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia. Do đó, trong quan hệ pháp luật hành

4


chính, một bên có quyền đưa ra yêu cầu, kiến nghị còn bên kia có quyền xem xét,
giải quyết và có thể đáp ứng hay bác bỏ yêu cầu, kiến nghị đó.
Ví dụ 1: Công dân có quyền yêu cầu (cùng với những giấy tờ nhất định) công
an quận, huyện giải quyết cho di chuyển hộ khẩu. Công an quận, huyện xem xét và
có thể chấp nhận yêu cầu (nếu hồ sơ của công dân đó là hợp lệ) hoặc không chấp
nhận (nếu hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ)
Ví dụ 2: Anh A có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với mảnh đất
100m2 tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, mảnh đất không nằm trong vùng đã
có quy hoạch xây dựng. Anh A muốn xây một căn nhà hai tầng trên mảnh đất của
mình. Theo điều 62, 68 Luật xây dựng năm 2005, trước khi khởi công xây dựng
công trình, anh A phải có giấy phép xây dựng, anh có quyền “yêu cầu cơ quan cấp
giấy phép xây dựng giải thích, hướng dẫn, thực hiện đúng các quy định về cấp
phép xây dựng”. Theo Điều 66 Luật xây dựng năm 2005, UBND quận Cầu Giấy có
thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho anh A. Tuy nhiên, sau khi tiến hành xem

xét hồ sơ, UBND quận Cầu Giấy có thể ra quyết định cấp phép xây dựng (nếu hồ
sơ của anh A hợp lệ) hoặc không cấp phép xây dựng (nếu hồ sơ của anh A không
hợp lệ). Như vậy, anh A có quyền yêu cầu UBND cấp phép xây dựng nhà nhưng
UBND lại có quyền xem xét, giải quyết, có thể đáp ứng hoặc không đáp ứng yêu
cầu của anh A. Đây chính là sự bất bình đẳng trong quan hệ pháp luật hành chính.
- Cả hai bên đều có quyền hạn nhất định nhưng bên này quyết định điều gì
phải được bên kia cho phép hay phê chuẩn hoặc cùng phối hợp quyết định.
Ta có thể thấy sự bất bình đẳng này trong quan hệ giữa trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ Hà Nội với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Điều 41 Luật Giáo
dục năm 2005: “…Căn cứ vào chương trình khung, trường cao đẳng, trường đại
học xác định chương trình giáo dục của trường mình”. Như vậy, trường Đại học
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có quyền xây dựng kế hoạch đào tạo, giáo trình
giảng dạy,… cho các ngành học mình tổ chức đào tạo trên cơ sở chương trình
khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tuy nhiên, khi muốn mở thêm ngành
5


học trong chương trình đào tạo thì trường cần phải có sự cho phép của Bộ Giáo dục
và Đào tạo.
Một ví dụ khác cho điều này là: Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định của Chính
phủ số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật giáo dục thì: “Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin
phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về chương trình
giáo dục, thời gian đào tạo của các trường, lớp năng khiếu nghệ thuật”. Ta thấy,
việc Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin quy định chương trình giáo dục, thời gian
đào tạo của các trường, lớp năng khiếu nghệ thuật cần phải có sự phối hợp quyết
định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây chính là sự bất bình đẳng trong
quan hệ pháp luật hành chính, khi cả hai bên đều có quyền hạn nhất định nhưng
bên này quyết định điều gì phải được bên kia cho phép hay phê chuẩn hoặc cùng
phối hợp quyết định.

2. Sự bất bình đẳng thể hiện ở chỗ một bên có thể áp dụng các biện pháp
cưỡng chế nhằm buộc đối tượng quản lí phải thực hiện mệnh lệnh của mình.
Cưỡng chế hành chính là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan và
người có thẩm quyền quyết định áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi
phạm hành chính hoặc đối với một số cá nhân, tổ chức nhất định với mục đích ngăn
chặn hay phòng ngừa, vì lí do an ninh quốc phòng hoặc vì lợi ích quốc gia.
Khi mệnh lệnh, quyết định hành chính của chủ thể quản lí không được đối
tượng quản lí tự giác chấp hành thì chủ thể quản lí có quyền áp dụng các biện pháp
cưỡng chế. Tùy từng trường hợp cụ thể mà chủ thể quản lí áp dụng một hay nhiều
biện pháp cưỡng chế khác nhau. Điều này thể hiện rõ nét sự bất bình đẳng về ý chí
giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính, khi một bên có thể áp dụng các
biện pháp cưỡng chế nhằm buộc bên kia phải thực hiện mệnh lệnh của mình.
Sau đây là một số ví dụ về việc chủ thể quản lí áp dụng các biện pháp cưỡng
chế lên đối tượng bị quản lí.

6


Ví dụ 1: Dự án xây nhà máy cán và luyện thép của Công ty An Khánh thi
công trên diện tích gần 5 ha ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom trong tình trạng “ba
không”: không giấy phép, không báo cáo tác động môi trường, không nằm trong
khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Rõ ràng, dự án xây dựng của Công ty An
Khánh đã vi phạm quy định của Luật xây dựng năm 2005. Căn cứ Điều 29 Pháp
lệnh Số 44/2002/PL-UBTVQH10 của Ủy ban thường vụ quốc hội về xử lý vi phạm
hành chính, UBND huyện Trảng Bom đã ra quyết định xử phạt hành chính, buộc
tháo dỡ công trình xây dựng không phép của Công ty TNHH An Khánh. Tuy
nhiên, công ty này không tự nguyện thực hiện quyết định trên, do đó UBND huyện
Trảng Bom đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhằm buộc công ty thi hành quyết
định xử phạt của mình. Rõ ràng, điều này thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ
pháp luật hành chính.

Ví dụ 2: Ngày 21/10/2011, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi
trường đã bắt quả tang và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm
pháp luật về môi trường của công ty Huy Việt, UBND Thành phố Cần Thơ đã ban
hành Quyết định xử phạt với tổng mức tiền phạt là 370.000.000 đồng, buộc Công
ty Huy Việt thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp
luật. Nhưng sau đó, công ty Huy Việt lại không thực hiện bất cứ biện pháp khắc
phục hậu quả nào. Vì vậy, căn cứ vào Điều 12, Điều 19, Điều 30 Pháp lệnh Số
44/2002/PL-UBTVQH10 của Ủy ban thường vụ quốc hội về xử lý vi phạm hành
chính, UBND Thành phố Cần Thơ đã áp dụng biện pháp cưỡng chế, buộc công ty
phải thực hiện quyết định xử phạt. Công ty phải chịu mọi chi phí cho việc áp dụng
các biện pháp cưỡng chế. Đây chính là sự bất bình đẳng trong quan hệ pháp luật
hành chính.
Tóm lại, sự không bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật hành
chính luôn tồn tại, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên tham gia vào
quan hệ đó. Sự không bình đẳng giữa các bên là các cơ quan trong bộ máy nhà
nước bắt nguồn từ quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong tổ chức bộ máy nhà
7


nước. Sự không bình đẳng giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức
xã hội, đơn vị kinh tế, các tổ chức và cá nhân khác bắt nguồn từ quan hệ “quyền lực
– phục tùng”. Trong các quan hệ đó, cơ quan hành chính nhà nước nhân danh nhà
nước để thực hiện chức năng chấp hành – điều hành trong lĩnh vực phân công phụ
trách. Do vậy, các đối tượng kể trên phải phục tùng ý chí của Nhà nước mà người
đại diện là cơ quan hành chính nhà nước.
3. Sự bất bình đẳng thể hiện ở tính chất đơn phương và bắt buộc của các quyết
định hành chính.
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, là kết quả của sự
thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước, thông qua những hành vi của các chủ thể
được thực hiện quyền hành pháp trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, tiến

hành theo một trình tự, dưới những hình thức nhất định theo quy định của pháp
luật, nhằm đưa ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp
dụng những quy tắc đó để giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội
nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước.
Quyết định hành chính mang tính quyền lực nhà nước hay tính đơn phương và
bắt buộc. Tính đơn phương, bắt buộc thể hiện ở việc chỉ có cơ quan nhà nước mới
được đơn phương ra các quyết định pháp luật xuất phát từ lợi ích chung (theo quy
định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các tổ chức xã hội chỉ được
phép kết hợp với cơ quan nhà nước để ra một số quyết định cần thiết).
Tính đơn phương, bắt buộc của quyết định hành chính còn thể hiện ở nội dung
và mục đích của quyết định. Quyết định hành chính đưa ra những chủ trương, biện
pháp, đặt ra các quy tắc xử sự, hoặc áp dụng các quy tắc đó nhằm giải quyết các
công việc cụ thể, quản lí các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, quyết định hành
chính có tính chất đơn phương, bắt buộc phải thực hiện.
Tính đơn phương, bắt buộc của quyết định hành chính còn thể hiện ở việc đảm
bảo thi hành của quyết định. Mọi quyết định hành chính đều phải được thi hành, kể
cả những quyết định có sự phản kháng từ phía đối tượng quản lí, có nghĩa là quyết
8


định hành chính được đảm bảo thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà
nước khi cần thiết. Tuy nhiên, các quyết định hành chính đơn phương không phải
bao giờ cũng được thực hiện trên cơ sở cưỡng chế mà được thực hiện chủ yếu
thông qua phương pháp thuyết phục.
Ví dụ: Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đây là một hình thức của quyết
định hành chính do Chính phủ ban hành. Sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thể
trong quan hệ pháp luật hành chính thể hiện ở tính đơn phương, bắt buộc của quyết
định hành chính như sau: thứ nhất, nghị định trên được ban hành bởi Chính phủ cơ quan hành chính nhà nước cao nhất; thứ hai,nghị định trên quy định về hành vi
vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành

chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường bộ, quản lí đời sống xã hội; thứ ba, nghị định trên áp
dụng cho cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông
đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kể cả khi có sự
phản kháng của đối tượng bị quản lí, được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp
cưỡng chế nhà nước. Ví dụ trên cho thấy, trong quan hệ pháp luật hành chính, sự
bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thể luôn tồn tại.
Trong thực tiễn quản lí, có những trường hợp cơ quan hành chính nhà nước ra
quyết định do yêu cầu của cơ quan cấp dưới, đơn vị trực thuộc hay của cá nhân.
Cũng có nhiều trường hợp trước khi ra quyết định các chủ thể quản lí hành chính
nhà nước tổ chức trao đổi, thảo luận về nội dung quyết định với sự tham gia của đại
diện cơ quan cho cơ quan cấp dưới, đơn vị trực thuộc hoặc những đối tượng có liên
quan. Ngay cả trong những trường hợp này quyết định của cơ quan cơ thẩm quyền
vẫn có tính chất đơn phương bởi vì yêu cầu của các đối tượng có liên quan, của cấp
dưới hoặc ý kiến đóng góp trong các cuộc thảo luận không có tính chất quyết định
mà chỉ là những ý kiến để chủ thể quản lí hành chính nhà nước nghiên cứu, xem
xét, tham khảo trước khi ra quyết định.
9


III. Một số vấn đề thực tiễn
Sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính
luôn tồn tại, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, quan liêu, tham nhũng của các cán
bộ, công chức. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của công tác quản lí hành chính, phát
huy hơn nữa ưu điểm của phương pháp “mệnh lệnh – phục tùng”, cần chú trọng
một số hoạt động sau:
- Thứ nhất, cải cách tổ chức bộ máy hành chính. Cần hướng tới xây dựng bộ
máy hành chính nhà nước tinh giản, tổ chức hợp lí, có chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn phù hợp, hoạt động liên tục có kỉ cương trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật; một bộ máy hành chính nhà nước hướng vào phục vụ nhân dân, chịu sự giám

sát của nhân dân, phát huy hợp lí và hiệu quả sức dân, đảm bảo công bằng, văn
minh với mỗi người dân ở mọi vùng đất nước.
- Thứ hai, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Chỉ
tuyển những công dân có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt. Xác lập
quy chế công vụ phù hợp, hiện đại nhằm thiết lập trật tự, kỉ cương, kỉ luật chặt chẽ
đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
- Thứ ba, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra, thanh tra,
giám sát chặt chẽ tất cả cán bộ, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của
mỗi cơ quan, đơn vị và chức phận của mỗi công chức, trước hết là những công
chức trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Có thể thông
qua hình thức hòm thư góp ý, điện thoại trực tiếp cho thủ trưởng cơ quan, thông
qua phương tiện thông tin đại chúng.
Trên đây là một số hoạt động cần được chú trọng hơn nữa nhằm giúp cho nền
hành chính quốc gia thực hiện tốt vai trò của mình trong bộ máy nhà nước. Với đặc
trưng là sự bất bình đẳng về ý chí giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật hành
chính, cần đảm bảo cán bộ, công chức, cơ quan có thẩm quyền không lạm dụng
quyền hạn của mình để hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân, phát huy thực sự ý nghĩa
của sự bất bình đẳng.
10


PHẦN KẾT LUẬN
Tóm lại, sự không bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật
hành chính nhà nước luôn thể hiện rõ nét, xuất phát từ quy định pháp luật, hoàn
toàn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên tham gia quan hệ đó.
Trong gia đoạn hiện nay, cần quan tâm hơn nữa công cuộc cải cách bộ máy
hành chính nhà nước, đặc biệt cần xóa bỏ cơ chế “xin – cho” gây nhiều khó khăn
cho người dân, các tổ chức kinh tế, xã hội... Vì tuy có sự bất bình đẳng về ý chí
giữa các bên trong quan hệ pháp luật hành chính nhưng mục đích của điều đó
không nằm ngoài việc quản lí tốt hơn đời sống xã hội, đảm bảo an ninh – trật tự

trong đời sống nhân dân.

11


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2010
2. Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2010
3. Luật xây dựng năm 2005
4. Nghị định của Chính phủ số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục
5. Pháp lệnh Số 44/2002/PL-UBTVQH10 của Ủy ban thường vụ quốc hội về
xử lý vi phạm hành chính
6. Một số website:
www.vanban.chinhphu.vn
www.moj.gov.vn
www.vneconomy.vn
www.thuvienphapluat.vn
www.dantri.net

12



×