Tải bản đầy đủ (.doc) (117 trang)

lịch sử và văn hóa đền cờn ở phường quỳnh phương, thị xã hoàng mai, tỉnh nghệ an

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.64 MB, 117 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
=== & ==

HOÀNG THỊ BÍCH HIỀN

LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA ĐỀN CỜN
Ở PHƯỜNG QUỲNH PHƯƠNG, THỊ XÃ HOÀNG
MAI, TỈNH NGHỆ AN
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 602.203.13

ĐỀ CƯƠNG LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: TS. TRẦN VŨ TÀI

Nghệ An, 2014


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU.
1. Lý do chọn đề tài.....................................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.....................................................................................3
3. Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu..........................................................4
3.1. Đối tượng nghiên cứu...........................................................................................4
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu ………………………………………………………………………..………4
3.3. Phạm vi nghiên cứu..............................................................................................4
4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu.............................................................4
4.1. Nguồn tư liệu.......................................................................................................4
4.2. Phương pháp nghiên cứu......................................................................................4
5. Đóng góp của Luận văn.........................................................................................4


6. Bố cục của luận văn...............................................................................................5
CHƯƠNG 1: NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ XÂY DỰNG CỦA ĐỀN CỜN............6
1.1. Vài nét về vùng đất Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai.......................................6
1.1.1. Điều kiện tự nhiên của Quỳnh Phương............................................................6
1.1.2. Về giao thông....................................................................................................9
1.1.3. Đời sống kinh tế...............................................................................................10
1.1.4. Lịch sử hình thành và truyền thống văn hóa giáo dục của Quỳnh
Phương.......................................................................................................................13
1.2. Nguồn gốc của đền Cờn.....................................................................................18
1.2.1. Truyền thuyết về Tứ Vị Thánh Nương.............................................................19
1.2.2. Truyền thuyết về cây gỗ thần...........................................................................27
1.2.3. Giấc mơ của vua Trần Anh Tông....................................................................30
1.3. Lịch sử xây dựng, trùng tu, tôn tạo của đền Cờn................................................31
1.3.1. Địa điểm xây dựng đền Cờn.............................................................................31
1.3.2. Niên đại khởi dựng...................................................................................................32


1.3.3. Quá trình trùng tu, tôn tạo..................................................................................32
Tiểu kết chương1........................................................................................................34
CHƯƠNG 2. DIỆN MẠO VĂN HÓA VẬT THỂ CỦA ĐỀN CỜN........................36
2.1. Cảnh quan của đền Cờn......................................................................................36
2.1.1. Yếu tố địa lý phong thủy.................................................................................36
2.1.2.Không gian của đền Cờn..................................................................................37
2.2. Kiến trúc của đền Cờn........................................................................................38
2.2.1. Kiến trúc mỹ thuật...........................................................................................38
2.2.2. Các hiện vật trong đền.....................................................................................45
2.3. Thực trạng việc bảo tồn, tôn tạo kiến trúc đền Cờn hiện nay..............................50
Tiểu kết chương 2.......................................................................................................53
CHƯƠNG 3. GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA ĐỀN CỜN......................55
3.1. Giá trị của đền Cờn trong đời sống tâm linh.......................................................55

3.2. Giá trị văn hóa trong Lễ hội đền Cờn..................................................................58
3.2.1. Lễ hội đền Cờn trong lịch sử............................................................................58
3.2.2. Lễ hội đền Cờn ngày nay..................................................................................76
3.3. Giá trị lịch sử và nghệ thuật của đền Cờn...........................................................84
3.3.1.Giá trị lịch sử ....................................................................................................84
3.3.2. Giá trị nghệ thuật .............................................................................................86
Tiểu kết chương 3........................................................................................................89
KẾT LUẬN..................................................................................................................91
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................................95
PHỤ LỤC...................... ..............................................................................................100


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
1. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam “thống nhất trong đa dạng” bởi văn
hóa của nhiều tộc người với sắc thái phong phú, đa dạng nhưng lại hoà nhập vào
một dòng chảy văn hoá chung, mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Việt.
Tục thờ thần gắn với các ngôi đền đã trở thành một nét đặc trưng của văn
hóa Việt Nam. Các ngôi đền là nơi in dấu của lịch sử, của thời gian, phản ánh
lịch sử huyền thoại liên quan. Đó là nơi giao tiếp giữa con người và thế giới tâm
linh, đưa con người về qúa khứ, về với cội nguồn hào hùng của dân tộc, cũng là
nơi con người gửi gắm những ước vọng tâm linh về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghiên cứu về lịch sử văn hóa của các ngôi đền gắn với sinh hoạt văn hóa tâm
linh của một cộng đồng dân cư đã trở thành một hướng nghiên cứu có giá trị
khoa học sâu sắc.
2. Đền Cờn là một trong bốn đền thiêng liêng nhất ở Nghệ An: “Nhất
Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Từ xưa thần phả đền Cờn đã ghi
rõ: “Quốc gia Nam hải đại cần thánh nương tứ vị thượng đẳng lối linh tôn
thần”. Đền Cờn nằm trên địa bàn phường Quỳnh Phương - thị xã Hoàng Mai.
Đền ở vị thế trông ra sông, tựa lưng vào làng Dừa mà phía sau là biển, phía

Đông có dãy núi Hùng Vương, dân gian thường gọi là núi Thằn Lằn. Đền Cờn là
công trình kiến trúc khá lâu đời, hài hòa với núi đồi, sông, biển cùng làng Cờn
với những hàng dừa xanh tốt. Ngôi đền cổ vừa in bóng lung linh trên dòng Mai
Giang, vừa lấp ló trong bóng dừa mà xa xa là dáng núi, khiến ngoại cảnh cuốn
hút khách thập phương xa gần.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ XIII, đền Cờn được coi là di tích cổ tiêu
biểu ở xứ Nghệ vì ở đó hội tụ được nhiều giá trị về lịch sử, phong thủy địa lý,
kiến trúc, cảnh quan và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội dân gian của
con người. Có thể nói đây là một di sản văn hoá mang đậm bản sắc văn hoá tâm
linh của người Nghệ.
-4-

-


Đền Cờn gắn với quá trình đấu tranh giữ nước của ông cha ta, là địa chỉ
tâm linh của nhân dân cả nước. Hàng năm, nhân dân Hoàng Mai và cả tỉnh Nghệ
An cùng khách thập phương cả nước thường tụ tập về đây tổ chức lễ hội vào các
ngày: 19,20,21 tháng giêng Âm lịch để ôn lại truyền thống và ghi nhận công đức
của Thánh Mẫu. Lễ hội Đền Cờn mở đầu bằng những đoàn thuyền du xuân có
trang trí cờ, hoa rực rỡ, trong tiếng trống, tiếng chiêng âm vang. Trò diễn trận
thuỷ chiến gắn với truyền thuyết dựng đền, có quân xanh, quân đỏ, giao chiến
trên một dải núi non hiểm trở từ làng Ói về đền Cờn. Trận thuỷ chiến cứ 3 năm
tổ chức một lần, trong đó có tục chạy ói là nét riêng của lễ hội đền Cờn. Những
trò chơi dân gian như: đu tiên, đấu vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát
tuồng, chèo, hát chầu văn đan xen nhau thật nhộn nhịp. Kết thúc lễ hội là lễ cầu
yên, cầu tài, cầu lộc, lễ tạ ơn, bốc thăm, xem quẻ có rất đông người hưởng ứng.
Ngày 29/1/1993, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định số 68/QĐ-BVHTT
công nhận Đền Cờn là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Nghiên cứu các giá
trị lịch sử và văn hóa đền Cờn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị di

sản văn hóa dân tộc là việc làm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.
3. Thực hiện đề tài này, chúng tôi cũng mong muốn bổ sung thêm nguồn
tư liệu, góp phần vào việc nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa
phương qua đó tăng cường giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn, phát huy các
giá trị văn hóa của dân tộc, khơi thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương làng
xóm, yêu đất nước cho thế hệ trẻ. Đã có những công trình nghiên cứu về lịch sử
và văn hóa đền Cờn dưới những góc độ chuyên môn khác nhau được công bố,
tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn thiếu các công trình mang tính hệ thống, tổng
quát về di tích lịch sử - văn hóa này. Thực hiện đề tài này, chúng tôi mong muốn
góp thêm một phần vào việc nhận diện rõ hơn, tổng quát hơn về di tích đền
Cờn. Trên cơ sở khảo cứu thực trạng di tích để đề ra một số giải pháp trong giữ
gìn và phát huy giá trị của di tích.
Vì những lý do trên đây, chúng tôi quyết định chọn đề tài “Lịch sử và
văn hóa đền Cờn ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ
An” làm luận văn Cao học thạc sỹ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
-5-

-


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Là công trình kiến trúc cổ có giá trị tiêu biểu nên việc nghiên cứu về đền
Cờn và viết về đền Cờn là đề tài thu hút được đông đảo các nhà nghiên cứu và
học giả từ xưa tới nay. Viết về đền Cờn từ xưa có: Đại Việt sử ký toàn thư của
Ngô Sỹ Liên; Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Đại Nam nhất thống chí của
Quốc sử quán triều Nguyễn…Nghiên cứu về đền Cờn ở thời kỳ đương đại có:
Địa chí văn hóa Quỳnh Lưu (Ninh Viết Giao, nhà xuất bản Nghệ An, 1998);
Đền Cờn - địa lịch sử văn hóa trong tâm thức dân gian (Hồ Đức Thọ, Nhà xuât
bản Văn hóa dân tộc Hà Nội, 2001); Đền Cờn - di tích lịch sử nổi tiếng của xứ
Nghệ (Trương Đắc Thành, Sở VHTT Nghệ An xuất bản, 2001); Đền Cờn lịch

sử và Lễ hội (Nguyễn Ngọc Định, Nhà xuât bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2010)
… Các công trình trên đây đã nghiên cứu tương đối chi tiết về đền Cờn dưới góc
độ văn hóa.
Tuy nhiên đến nay vẫn còn thiếu các công trình nghiên cứu một cách có
hệ thống và tổng quát về di tích lịch sử - văn hóa đền Cờn. Trên cơ sở kế thừa
các công trình đã công bố cả về tư liệu lẫn cách tiếp cận, chúng tôi cố gắng hệ
thống và trình bày một cách tổng quát nhất về đền Cờn và các giá trị văn hóa
tiêu biểu của di tích này.
3. Đối tượng, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu.
3.1. Đối tượng nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu về lịch sử và văn hóa của
đền Cờn
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Đề tài đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu chủ
yếu sau:
- Nguồn gốc hình thành, quá trình xây dựng, trùng tu của đền Cờn.
- Diện mạo văn hóa vật thể của đền Cờn.
- Các giá trị văn hóa phi vật thể của đền Cờn.
3.3. Phạm vi nghiên cứu:
- Phạm vi nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu quá trình ra đời, tồn tại
và các giá trị văn hóa tiêu biểu của đền Cờn.
-6-

-


- Phạm vi thời gian: Đề tài nghiên cứu trong phạm vi thời gian từ khi đền
Cờn được xây dựng ở cuối thế kỷ XIII đến nay (2014).
- Phạm vi không gian: Đề tài nghiên cứu trong phạm vi không gian văn
hóa tâm linh của cộng đồng cư dân xứ Nghệ, trong đó tập trung nghiên
cứu ảnh hưởng của đền Cờn đối với cơ dân miền ven biển ở xã Quỳnh
Phương, thị xã Hoàng Mai.

4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu.
4.1. Nguồn tư liệu:
- Tài liệu lưu trữ bao gồm các sắc phong, thần phả, gia phả về đền Cờn
hoặc liên quan đến đền Cờn còn lưu giữ được đến ngày nay.
- Tài liệu thành văn: bao gồm các công trình nghiên cứu về đền Cờn
được xuất bản từ xưa đến nay trên sách, báo, tạp chí và các ấn phẩm khác.
- Tài liệu điền dã và truyền miệng: Tư liệu có được qua quá trình điền dã
của tác giả tại đền Cờn và các lễ hội gắn với đền Cờn, lời kể truyền miệng
của cộng đồng cư dân quanh đền Cờn.
4.2. Phương pháp nghiên cứu:
- Cơ sở phương pháp luận: Lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về lịch sử - văn hóa
là cơ sở xuyên suốt của đề tài.
- Phương pháp nghiên cứu: Chúng tôi sử dụng hai phương pháp chuyên
ngành cơ bản là phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Ngoài ra, chúng tôi
còn sử dụng các phương pháp liên ngành như điều tra xã hội học, điền dã dân
tộc học, phỏng vấn báo chí…nhằm đảm bảo tính khoa học của quá trình phân
tích, lí giải các vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa đền Cờn..
5. Đóng góp của luận văn. Luận văn có những đóng góp sau đây :
- Là đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống về lịch sử và văn hóa của đền
Cờn.
- Làm sáng rõ những giá trị lịch sử và văn hóa của đền Cờn cũng như ảnh
hưởng của đền Cờn trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng.

-7-

-


- Đề xuất một số giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử,

văn hóa của đền Cờn.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tài liệu nghiên cứu và
biên soạn lịch sử địa phương, phục vụ công tác giảng dạy lịch sử địa
phương ở các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, huyện
Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung
chính của luận văn được trình bày trong 3 chương:
Chương 1. Nguồn gốc và lịch sử xây dựng của đền Cờn.
Chương 2. Diện mạo văn hóa vật thể của đền Cờn
Chương 3. Giá trị văn hóa phi vật thể của đền Cờn.

-8-

-


CHƯƠNG 1.
NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ XÂY DỰNG CỦA ĐỀN CỜN
1.1. Vài nét về vùng đất Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai
Phường Quỳnh Phương trước đây là xã Quỳnh Phương thuộc huyện
Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, từ ngày 3 tháng 4 năm 2013 được nâng lên thành
phường thuộc thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An theo Nghị Quyết 47/2013/NQCP của Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nằm ở phía Đông Bắc của thị xã Hoàng Mai với diện tích tự nhiên là
3,45km2. Dân số của Quỳnh Phương theo thống kê năm 2013 là 15.790 người,
mật độ dân số cao với mức trung bình là 4.571 người/km 2. Phường Quỳnh
Phương có vị trí:
- Phía Đông giáp biển Đông.
- Phía Tây giáp phường Quỳnh Dị và xã Mai Hùng.
- Phía Nam giáp xã Quỳnh Liên và một phần xã Quỳnh Lương

- Phía Bắc giáp xã Quỳnh Lộc và một phần xã Quỳnh Lập.
Với vị trí quan trọng về giao thông, cửa ngõ phía Đông Bắc của thị xã
Hoàng Mai, Quỳnh Phương là điểm giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế, có vị
trí chiến lược về công tác an ninh- quốc phòng ở vùng biển Đông Bắc.
1.1.1. Điều kiện tự nhiên của Quỳnh Phương
Theo lịch sử địa chất, vùng đất từ Phương Cần đến Phú Nghĩa là dải đất
cát cổ được hình thành từ hàng vạn năm.
Thời kỳ đồ đá ở Quỳnh Văn, cách ngày nay khoảng 5000 năm vùng
đồng bằng Quỳnh Lưu còn là một vịnh biển nước nông, dải cát bãi ngang là bờ
phía Đông của vịnh, có độ cao từ 3-5m so với mặt nước biển.
Nhánh Bắc của sông Hoàng Mai chảy vòng quanh phía Tây làng rồi đổ
ra cửa biển phía Tây- Bắc tạo nên hình dáng làng Phương Cần như một cù lao
của cửa biển.
-9-

-


Địa hình của Quỳnh Phương bẳng phẳng. Dãy núi Hùng Vương ( còn gọi
là núi Thằn Lằn) án ngự phía Đông, che chắn một phần gió bão từ biển Đông
vào. Núi bên bờ biển, cạnh cửa sông đã tạo nên cảnh quan non xanh nước biếc,
sơn thủy hữu tình.
Hói Vua ở bờ sông xóm Trại, rộng khoảng 10 mẫu. Đây là vết tích biển
cổ. Xưa các loại cây gập mặn như sú vẹt, sác… mọc um tùm, tạo môi trường
sinh thái, chống sự tàn phá của sóng nước. Giờ đây nhân dân Quỳnh Phương đã
đắp đê bao tạo thành đầm nuôi các loại thủy, hải sản cho giá trị kinh tế cao. Địa
hình phía Nam có một số vùng trũng khác, là vùng Tây Nam chùa Càn, giáp với
làng Ngọc Huy (Mai Hùng), nay đã được cải tạo thành đồng muối.
Sông Hoàng Mai bắt nguồn từ rừng núi phía Tây- Nam của tỉnh Thanh
Hóa, đổ ra huyện Nghĩa Đàn, chảy qua huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai,

bắt nguồn từ bến Nghè, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, đoạn chảy qua huyện Quỳnh
Lưu và thị xã Hoàng Mai dài khoảng 24 km, ở phía Thượng nguồn Vực Mấu
hiện nay có hồ chứa nước cung cấp cho cả vùng Bắc Quỳnh Lưu và Hoàng Mai.
Hồ Vực Mấu đã tạo ra môi trường sinh thái, cảnh quan, ngăn lũ cho các xã ở
vùng có sông chảy qua: Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Thiện,
Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Lộc, đoạn tiếp giáp Quỳnh Lập- Quỳnh
Phương tạo ra cửa biển Lạch Cờn.
Lạch Cờn, sông Mai có giá trị đối với làng Phương Cần về nhiều mặt:
Quân sự, kinh tế, giao thông và tiểm năng du lịch, đồng thời còn có khe Son hay
còn gọi là kênh khe Son ở phía Bắc nối từ một con sông ở Tĩnh Gia ( Thanh
Hóa) với kênh Xước ở cửa Cờn.
Cửa Cờn tên chữ là Càn Hải ( còn gọi là Cần Hải) ở vào vị trí trung tâm
của Quỳnh Phương do sông Hoàng Mai tạo ra, thủy triều lên xuống, lúc triều
cường nước dâng rất xa, là chốn sơn thủy hữu tình, quanh năm in bóng ngôi đền
linh thiêng bậc nhất ở xứ Nghệ, đó là đền Cờn.
Điều kiện địa chất và địa hình đã tạo nên ở Quỳnh Phương hai vùng đất
canh tác chủ yếu:
- 10 - -


Dọc theo bờ sông Mai có các bãi sình lầy, từ đồng muối tới cửa biển dài
2km, rộng gần 1km. Đây là loại đất phù sa sông, phủ lên nền đất cát cổ, dày hơn
1m, thích hợp với việc trồng các loại cây vườn, nhất là cây dừa của làng Phương
Cần xưa nay. Vùng đất cát từ chân núi Hùng Vương, dọc bờ biển tới xóm Hữu
Nam ( nay thuộc Quỳnh Liên), tuy được hình thành từ lâu đời nhưng đất đai khô
cằn, vào mùa nắng nóng gió thổi cát bay mù mịt, mùa mưa đồng ruộng lại dễ bị
xói mòn nên việc cải tạo và canh tác gặp nhiều khó khăn. Đất có thành phầm
đạm, lân, ka li kém nên chỉ phù hợp trồng các loại cây phòng hộ ven biển như
cây phi lao, bạch đàn…từ xưa đến nay người dân Quỳnh Phương vẫn cải tạo đất
này để trồng một số cây lương thực ngắn ngày như đậu, lạc, ngô, vừng…Một số

diện tích khác gieo lúa trỉa vãi vào vụ mùa, trồng khoai lang vào vụ Đông Xuân.
Quỳnh Phương nằm trong vùng khu vưc nhiệt đới, lại ở miền biển nên
chịu ảnh hưởng của gió biển. Mùa nóng thường bắt đàu từ tháng 5 đến tháng 10
dương lịch, mùa này thời tiết nóng nực. Từ tháng 5 đến tháng 9 thường có dông
tố. Ở Quỳnh Phương gió Tây Nam thổi mạnh nhất từ tháng 6 đến tháng 8 dương
lịch. Có đợt kéo dài cả chục ngày, ruộng đồng khô nứt nẻ, cây cối hoa màu khô
héo.
Dù ở miền biển nhưng do có dãy núi Hùng Vương chặn gió từ biển thổi
vào làm cho khí hậu ở đây đã nóng càng thêm nóng. Đất mùa mưa bão, mỗi năm
ít nhất cúng có từ 2 đến 3 cơn bão từ biển Đông tràn vào gây không ít thiệt hại
cho đời sống nhân dân, nhất là nghề đi biển, nghề làm muối.
Về mùa lạnh ( Từ tháng 11 năm trước đến tháng tư dương lịch năm sau)
thời tiết lạnh giá. Do tác động của vị trí và địa hình ven biển nên mưa phùn
trong mùa đông ít và muộn hơn do ảnh hưởng của khí hậu đồng bằng Bắc bộ…
Đặc biệt do có sông, biển bao quanh nên địa bàn phường Quỳnh Phương phần
nào mang tính chất khí hậu ốc đảo.
Điều kiện tự nhiên của xã Phương Cần đã tạo những thuận lợi cho đời
sống và hình thành các khu vực dân cư. Dù không thuận lợi để sản xuất nông

- 11 - -


nghiệp trồng các loại cây lương thực ngắn ngày nhưng vẫn phù hợp để trồng các
loại cây vườn và rừng phòng hộ ven biển.
Tài nguyên thiên nhiên ở Quỳnh Phương cũng rất đa dạng, ngoài đất đai,
nước biển, nước ngầm…còn có hệ thống thực vật phong phú.
Nước biển là nguồn nguyên liệu để làm muối, tạo nên những cánh đồng
muối với sản lượng lớn. Hiện đã và đang được nhân dân khai thác. Nơi đây có
ba bề bốn bên là nước mặn, nhưng nước ngầm (ở độ sâu 3m) vùng trung tâm
làng và vùng ven biển lại có độ ngọt cao được nhân dân khai thác dùng trong

sinh hoạt và đời sống hàng ngày.
Nguồn tài nguyên biển cũng rất phong phú như: tôm, cua, cá, mực, ốc,
ngao… được nhân dân Phương Cần khai thác từ xưa tới nay và trở thành nguồn
lợi chủ yếu của địa phương.
Về thực vật tự nhiên, xưa trên núi Hùng Vương và các vùng ven sông các
loại cây mọc um tùm. Thúc ước làng Hương Cần còn ghi lại: “ Núi đất, cây cổ
mộc dầm hòa, phơi phới gió đưa mùi đức giáo/Bên Giang kia cánh phượng, bãi
de chàm nhuộm cây xanh eo éo”…
Tài nguyên thiên nhiên phong phú là điều kiện thuận lợi để khai thác và
phát triển sản xuất. Từ bao đời, người dân nơi đây đã cần cù, chịu thương, chịu
khó lao động để khai thác phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày và sản xuất.
Trước đây do việc khai thác còn thiếu quy hoạch, bừa bãi nên một số tài
nghuyên đã cạn kiệt như rừng ngập mặn và cây rừng trên núi Hùng Vương đã
làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và phòng hộ. Ngày nay Đảng bộ và nhân
dân Quỳnh Phương đang phải tốn nhiều thời gian và công sức để phục hồi.
1.1.2. Về giao thông
Quỳnh Phương là nơi có nhiều đường giao thông đi qua, trong đó có
nhiều tuyến giao thông quan trọng:
Về đường bộ, đường tỉnh lộ bắt đầu từ xã Quỳnh Bá tiếp giáp với đường
537A nên gọi là đường 537B đi qua các xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh
- 12 - -


Lương, Quỳnh Bảng (thuộc huyện Quỳnh Lưu), Quỳnh Liên, đến Quỳnh
Phương rồi qua Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện của thị xã Hoàng Mai, cuối cùng nối
với quốc lộ 1A. Đường này gọi là đường Bãi Ngang dài khoảng 30km, nay được
mở rộng và nhựa hóa để phục vụ kinh tế, quốc phòng và nhu cầu đi lại, giao lưu
buôn bán của các xã ven biển.
Về đường sông, Quỳnh Phương có sông Mai Giang chạy qua dai khoảng
2km, thuận lợi cho thuyền bè đi lại.

Cửa Cờn hay cảng Xước xưa kia là một quân cảng lớn, các tướng lĩnh,
vua chúa mỗi lần Nam chinh hay tuần thú phương Nam đều dừng thuyền lại để
nghỉ ngơi. Lê Đại Hành (980-1005), Lý Thái Tông( 1028-1054), Trần Anh Tông
(1293-1314), Trần Duệ Tông(1373-1377), Lê Thánh Tông..đều ghé quân ở cửa
Cờn. Từ cửa Cờn thong thương đến cửa Biện, cửa Trào phía Bắc… vào đến cửa
Quèn (Quyền Môn), cửa Thơi ( Thai Môn), cửa Hội phía Nam…
Từ cửa Cờn trên địa bàn Quỳnh Phương, thuyền buôn, thuyền đánh cá đều
có thể theo đường biển đến nhiều cửa biển, nhiều bãi đánh cá trên cả nước.
Quỳnh Phương tuy không có điều kiện để sản xuất nông nghiệp nhưng lại
hết sức thuận lợi trong việc khai thác các nguồn lợi từ biển như đánh bắt, nuôi
trồng thủy hải sản, làm muối. Có đường bờ biển dài là tiềm năng để phát triển
du lịch.
1.1.3.Đời sống kinh tế
- Đánh bắt thủy hải sản: Quỳnh Phương có hơn 2,7km bờ biển, có cửa
biển là cửa Cờn. Vùng biển Quỳnh Phương còn có nhiều phù du sinh vật và
nguồn thủy sản từ sông Mai Giang, tạo nên một ngư trường có thể khai thác
hàng ngàn tấn cá mỗi năm.
Quỳnh Phương có hai mùa cá. Mùa cá Nam từ tháng 4 đến tháng 9, mùa
này hay có bão tố, nên ngư dân khai thác vùng lộng và vừa khơi vừa lộng; mùa
cá Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mùa nay ít bão tố nên khai thác các bãi
cá ở vùng khơi là chủ yếu.
- 13 - -


Nghề đánh cá biển ra đời sau nghề nông, nhưng là nghề chính của cư dân.
Với lợi thế giáp sông, giáp biển, có điều kiện tự nhiên với nguồn thủy, hải sản
phong phú. Ngay từ thuở ban đầu, khi việc đánh bắt còn thô sơ, dân làng
Phương Cần đã đẩy mạnh việc đánh bắt thủy, hải sản ven sông, ven biển phục
vụ nhu cầu cuộc sống và trao đổi buôn bán.
Qua thời gian các thế hệ ngư dân Phương Cần đã không ngừng vươn lên,

vượt qua mọi khó khăn, từng bước cải tiến công cụ và phương tiện đánh bắt. Từ
chỗ dùng thuyền nhỏ, bè mảng, thậm chí thuyền độc mộc tiến đến dùng thuyền
buồm, thuyền dạ đánh bắt được ở những vùng xa. Lưới nhặt, sợi gai tiến đến
dùng lưới mực, lưới rê để đánh bắt những loài cá to hơn.
Kỹ thuật và phương tiện đánh bắt từng bước được cải thiện trên cơ sở
những kinh nghiệm mà cha ông đã tổng kết, truyền lại cũng như những kinh
nghiệm họ tích lũy được mà năng suất và sản lượng đánh bắt cá của ngư dân
Phương Cần ngày càng cao.
Hiện nay, khi phương tiện đánh bắt cá đã được cách tân, thông tin hiện
đại, tổ chức cấp báo nhanh chóng, ngư dân ra khơi vào lộng bằng thuyền máy,
lưới bằng sợi ni lông, sợi cước. Hiện nay làng đã có trên hàng trăm chiếc tàu lớn
để đánh bắt xa bờ, trên hai trăm chiếc thuyền vừa và nhỏ để đánh bắt gần bờ.
Sản lượng đánh bắt cá ở Quỳnh Phương trong những năm gần đây tăng. Vì vậy
đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhà cửa đã được ngói hóa,
nhiều nhà cao tầng mọc lên. Điện, đường, trường, trạm được tu sữa và nâng cấp.
Nhiều nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy hải sản mọc lên với số vốn đầu tư lớn.
- Nông nghiệp:
Cư dân Quỳnh Phương xưa đã biết canh tác, trồng trọt trên những vùng
đồng bằng nhỏ hẹp ven các dãy núi, nhưng do đất cát, độ xói mòn cao lại thếu
nước ngọt nên cho năng suất thấp. Các loại cây trồng chủ yếu là lúa, lạc, đậu,
ngô với các loại nông cụ là cày chìa vôi, bữa chữ chi, bừa chén, cào,bàn vét,
liềm hái…Do điều kiện tự nhiên cộng với công cụ sản xuất thô sơ, lại thiếu sức
kéo và phân bón nên năng suất nông nghiệp ở Quỳnh Phương thấp, không đáp
- 14 - -


ứng đủ nhu cầu cho nhân dân. Theo thời gian, nhân dân nơi đây đã biết áp dụng
khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất nên năng suất nhờ đó cũng được tăng
cao. Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp ở Quỳnh Phương vẫn chỉ là thứ
yếu.

Ngoài nghề đánh bắt thủy hải sản và nông nghiệp, Ở Quỳnh Phương còn
phát triển nghề làm nước mắm, làm muối và buôn bán.
Nghề chế biến, sản xuất, buôn bán nước mắm ở Quỳnh Phương đã có từ
lâu, gắn liền với nghề đánh bắt cá của cư dân trong làng. Nước mắm Phương
Cần loại đầu nỏ để lâu, nổi tiếng thơm ngon, được nhân dân nhiều nơi ưa chộng.
Nghề làm muối ở Quỳnh Phương trước đây chủ yếu mang tính tự cung, tự
cấp khi có dư thừa thì đem ra trao đổi ngoài thị trường hoặc trong thôn xóm.
Ngày nay nghề muối đã được chú ý đầu tư phát triển, các cánh đồng muối được
mở rộng, các ô nại muối đươc xây dựng chắc chắn. Hiện nay trên địa bàn Quỳnh
Phương có chi nhánh muối của xí nghiệp Vĩnh Ngọc với diện tích 26,49ha.
Dưới chế độ phong kiến, nghề buôn bán ở Phương Cần đã phát triển. Nhà
nước cho lập chợ ( chợ Càn) để phục vụ nhu cầu buôn bán, trao đổi của nhân
dân trong vùng. Mặt hàng trao đổi, buôn bán phát triển nhất ở Phương cần là
thủy,hải sản và nước mắm. Hiện nay, các sản phẩm của người Quỳnh Phương
không chỉ trao đổi, buôn bán trong vùng mà còn mở rộng quy mô trên cả nước
và xuất khẩu.
Phương Cần không chỉ có nghề khai thác thủy, hải sản với điều kiện tự
nhiên thuận lợi mang lại mà người dân nơi đây cũng biết đến buôn bán, khai
thác, tận dụng đất đai để phát triển sản xuất phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng
ngày, tăng thêm thu nhập cho bản thân. Ngày nay, khi đất nước bước vào thời
kỳ đổi mới, Quỳnh Phương ra sức khai thác các tiềm năng thế mạnh của mình,
chế biến và nuôi trồng thủy, hải sản, tiềm năng du lịch biển, dịch vụ … để nâng
cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa của quê hương, đất nước.

- 15 - -


1.1.4. Lịch sử hình thành và truyền thống văn hóa, giáo dục của Quỳnh
Phương.

* Về dân cư:
Hiện nay chưa có một tài liệu khoa học thành văn nào nói đến việc con
người dến cư trú ở Quỳnh Phương từ lúc nào, nhưng qua một số cổ vật còn sót
lại và gia phả cùng lời truyền tụng của bô lão địa phương cho phép chúng ta
khẳng định cư dân đến cư trú ở Quỳnh Phương từ rất sớm.
Theo các bô lão ở địa phương và gia phả họ Bùi ở Diễn Kim (Diễn Châu)
thì tướng quân Bùi Văn Thốn tức Bùi Mạnh Bá đã chỉ huy một cánh quân từ
Trắp, Trẹ ( Hải Lệ) đi đường Biển vào Cửa Hội bấy giờ để ngăn chặn đội quân
của Triệu Đà đang truy kích An Dương Vương. Nhưng công việc không thành,
một số tàn quân đã lui về kẻ Trẹ, kẻ Trắp. Qua đó khẳng định trước Công
nguyên vào khoảng gần 1.300 năm, ở vùng Đông Bắc Quỳnh Lưu đã có người
sinh sống [12, tr 67].
Ngày 3-4-1996, tại xóm Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập (trước là làng Hữu
Lập), ông Vũ Đức Độ khi dời mộ bà cô tổ có đào thấy 5 chuỗi tiền đồng nằm
cách mộ khoảng 3m. Số tiền bị rỉ gần hết. Những đồng còn sót lại có niên hiệu
“Thái Bình thông bảo”, đúc thời Đinh Tiên Hoàng( 978- 989), “Thiên Phúc
thông bảo” đúc thời Lê Đại Hành ( 980-1005), có đồng tiền đúc thời Hồ Quý Ly
“ Thánh Nguyên thông bảo” ( 1400-1401)...xa hơn nữa có những đồng tiền đúc
từ thời Đường Trung Quốc như “Khai Nguyên thông bảo”( 713-742) thời
Đường Huyền Tông và nhiều đồng tiền khác mang niên hiệu các Hoàng đế Việt
Nam và Trung Hoa. Hữu Lập ở sát ngay cửa Cờn, cảng Xước, điều đó không
những khẳng định xa xưa ở Quỳnh Lập cũng như Quỳnh Phương đã có cư dân
sinh sống, hơn nữa còn có sự mua bán trao đổi qua lại giữa người Việt với người
Trung Hoa.
Dân cư làng Phương Cần được hình thành từ hai nguồn chủ yếu là người
bản địa cổ đại và người di cư từ nơi khác về.

- 16 - -



Người bản địa từ những nhóm người cổ đại thuộc văn hóa Quỳnh Văn ở
vùng Bãi Ngang.
Theo phát hiện khảo cổ học thì những người thời đại đồ đá mới Quỳnh
Văn, cư trú ở vùng Bãi Ngang cách chúng ta ngày nay khoảng 5.000 năm. Công
cụ lao động và dụng cụ sinh hoạt đào được ở vùng Lương- Minh- Bảng năm
1978 đã chứng minh điều đó [30, tr 96].
Ở Phương Cần và vùng ven biển Quỳnh Lưu có huyền thoại “Ông Đùng
gánh núi”, “Dấu chân Ông Đùng” cùng các thần thoại và di tích về “ thần Núi”
(Sơn Thần), “ Thần Nông”, “ Thần Nước”, “ Sự tích hạt lúa” v.v.. là những phản
ánh về thời cổ đại tương ứng với thời đại Hùng Vương và Âu Lạc ở nước ta.
Gia phả, thần phả cho biết vào cuối thời Bắc thuộc, có một xóm cổ ở chân
núi Hùng Vương gọi là xóm Cồn (về sau gọi là Cồn Bảy Mả), sau đổi thành Càn
Hải được biết đây là xóm cổ nhất của làng Phương Cần có thể xuất hiện vào thế
kỷ VIII, đời Đường. Lúc đó cả nước ta chia thành 159 hương.
Xóm Càn Hải cư trú bên bờ biển giáp núi. Cư dân ở đây tận dụng những
dải đất ven núi để trồng trọt. Về sau họ chuyển về Cồn Miệu bên bờ sông, nơi có
đất đai thuận lợi hơn để sản xuất nông nghiệp.
Một số cư dân cổ khác cư trú lâu đời ở vùng cửa Ngâm (tức kẻ Xóm). Sau
đó một số cư dân ở xóm này dời về vùng cửa lạch, đánh bắt hải sản làm nguồn
sống chính. Đó là nững cư dân đầu tiên của xóm Trại Lân ( tức Thái Học ngày
nay).
Nguồn dân di cư từ phía Bắc (có nguồn gốc từ Thanh Hóa, từ Trung
Quốc) và một số từ Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ra đây lập
nghiệp. Theo gia phả dòng họ Nguyễn, một dòng họ còn có gia phả và có truyền
thống lâu đời và cũng là dòng họ còn có nhà thờ họ cho biết thì dòng họ này bắt
nguồn từ Thanh Hóa cách đây khoảng 300 năm. Bộ phận dân cư này cư trú ở
các xóm Cồn Miệu, Trại Lân, bên cạnh dân bản địa, dần dần hình thành hai khu
vực dân cư đông đúc như ngày nay.
- 17 - -



Hiện nay toàn phường Quỳnh Phương có 18 dòng họ với hơn 100 chi họ,
sau dòng họ Nguyễn là các dòng họ như Lê, Bùi, Hồ, Trần…, cư dân Phương
Cần chủ yếu là người kinh theo tín ngưỡng dân gian, chỉ có một số gia đình ở
xóm Quyết Tiến là theo đạo Thiên chúa giáo.
* Lịch sử hình thành xã Quỳnh Phương:
Theo sử sách, xã Quỳnh Phương Thời Hán là đất quận Cửu Chân, thời
Tấn là đất Cửu Đức, thời Tùy là đất quận Nhật Nam, thời Đường thuộc Diễn
Châu, thời Đinh thời Lê thuộc đất Nghệ An. Thời Trần thuộc đất Vọng Giang,
thời Hồ thuộc phủ Linh Nguyên, thời thuộc Minh nằm trong đất Nghệ An.
Ban đầu (khoảng thế kỷ VIII) làng Phương Cần được gọi là xóm Cồn, sau
đổi thành Càn Hải (tức Kẻ Càn) ở phía Bắc và Kẻ Xóm ở phía Nam, về sau hình
thành xóm Trại Lân ở cửa Lạch. Đến thời Trần đổi là Cần Hải, sau đổi thành
Hương Cần rồi Phương Cần. Làng Phương Cần có bốn giáp: Giáp Nhất, Giáp
Nhị, Giáp Tam, Giáp Tứ.
Thời Lê - Nguyễn, xã Phương Cần có 7 làng: Phương Cần, Ngọc Huy,
Hữu Lập, Đông Hồi, Hải Lệ, Đông Lý trong tổng Hoàng Mai, huyện Quỳnh
Lưu.
Thời thuộc Pháp gọi là thôn Hương Cần thuộc tổng Quỳnh Mai sau đổi là
Tổng Hoàng Mai.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Quỳnh Phương gọi là xã
Phương Cần và xóm Thượng Lân. Năm 1946, xã Quỳnh Phương gồm 5 thôn với
tên gọi mới: Thái Học, Ái Quốc, Quang Trung, Hồng Phong và Hữu Nam.
Năm 1954, thôn Hữu Nam hợp về xã Quỳnh Liên, xã Phương Cần mang
tên là xã Quỳnh Phương.
Hiện nay phường Quỳnh Phương có 11 khối, gồm: Hồng Hải, Hồng Thái,
Phương Cần, Tân Hải, Tân Tiến, Quyết Tiến, Thân Ái, Ái Quốc, Quang Trung,
Hồng Phong và Tân Phong. Đền Cờn ngày nay thuộc khối Quang Trung.
* Truyền thống văn hóa- giáo dục
- 18 - -



Với bề dày lịch sử của mình, Phương Cần là vùng đất giàu truyền thống
văn hóa - giáo dục.
Trong một năm ở Phương Cần có nhiều lễ hội thuộc các loại hình tín
ngưỡng như : tế họ, tế thần, tế thánh, lễ chùa với phần lễ trang nghiêm và phần
hội long trọng, trong đó tiêu biểu là lễ hội đền Cờn.
Phương Cần là vùng đất có truyền thống hiếu học. Từ xưa đến nay người
Phương Cần luôn có những quy định động viên con cháu trong làng chăm học,
gắng học, trước hết là để biết viết, biết đọc để giữ gìn phẩm chất, nhân cách, sau
là thi cử đỗ đạt trở thành người có tài, có ích. Bởi thế, từ xưa người đi học được
dân làng rất quý trọng gọi bằng cái tên là anh học, anh nho và nếu được dự thi
thì gọi là anh khóa. Quỳnh Phương đã có nhiều người học hành, thi cử đỗ đạt.
Trải qua các đời từ Lý, Trần, đến Lê, Nguyễn xã Quỳnh Phương có nhiều
người đậu đạt trong học hành khoa bảng.Tính ra có 7 vị đỗ cao (cử nhân trở lên).
Thời Lê: Năm Quang Hưng (1578-1599), Hoằng Định (1601-1619),
Hoàng Hà 19 tuổi thi hương trúng tứ trường. là danh sỹ đương thời. Kinh sư có
câu: “Nghệ An Hoàng Hà, Thanh Hoa (Thanh Hóa) Lương Chí”. Khoảng năm
Cảnh Hưng (1740-1786), Nguyễn Quý Liên, Nguyễn Quý Sỹ thi hương đầu
trúng.
Thời Nguyễn: Gia đình họ Trần có ông và cháu đều thi đậu. Ông là Trần
Đăng Minh đậu năm 1841, cháu là Trần Đạo, Trần Đôn Kính, Trần Đoan Thận
và Phan Tiên Sinh đều đỗ cử nhân. Trong số những người đỗ đạt trên có Hoàng
Hà là vị Quốc sư, dạy ba đời vua. Theo “Quỳnh Lưu Phong Thổ ký” thì: “Hoàng
Hà là người xã Phương Cần, năm tuổi đỗ tứ trường ( tức cử nhân), làm quan tri
phủ Quốc Oai ( Sơn Tây), sau làm Quốc sư ba triều Lê Thế Tông ( 1573-1600),
Lê Kính Tông ( 1600-1619), Lê Thần Tông ( 1619-1643). Ông lấy tên hiệu là
“Cần Giang tiên sinh”.
Ngoài số người đỗ đạt cao, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở
Phương Cần có nhiều người học chữ Hán, từng đi thi trường tỉnh, có người đõ

tới tam trường như cụ Nguyễn Cao Siêu…
- 19 - -


Dù đỗ hay không đỗ các vị đều nêu cao tinh thần hiếu học trước con cháu,
đã mở lớp học chữ Hán ( về sau dạy chữ Quốc ngữ) ở Phương Cần và nhiều làng
khác. Trước cách mạng tháng Tám ở Phương Cần có các thầy đồ như: Nguyễn
Cao Siêu, Ấm Sinh, Hoàng Đức Thùy, Hồ Học Dư, Nguyễn Đức Nghi, Mạch
Hiệng, Hào Nhụy….
Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng ủy và chính quyền, các ban ngành,
đoàn thể địa phương cũng như các gia đình, dòng họ việc khuyên răn con cái
học hành đã có nhiều kết quả tốt. Nhiều năm qua, Quỳnh Phương đã có nhiều
học sinh giỏi, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
Theo thống kê thì hiện nay Quỳnh Phương đã có hàng trăm người đỗ cử nhân,
học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
Người dân Phương Cần cũng là tác giả của một vùng văn hóa dân gian
khá đặc sắc với những bài vè, tục ngữ, ca dao, câu đố... Đó là những tác phẩm
văn hóa dân gian ca ngợi các vị thần và các nghề nghiệp của làng. Trong đó có
các truyện vè dài như “Vè Ninh”, “ Vè lễ hội đền Cờn” được lưu truyền rộng rãi.
Trước đây trong các dịp đầu xuân, người dân thường hát các bài vè này theo
điệu trống rất say sưa, hấp dẫn.
Một truyền thống quý báu khác của người dân nơi đây là chuộng tín
nghĩa, hiếu khách, kính trọng người già cả, biết ơn những người có công với họ
hàng làng nước. Những người có công khai khẩn đất đai, chiêu dân lập ấp, có
công với dân với nước được nhân dân quý trọng tôn làm Thành Hoàng, làm
Phúc Thần và lập đền thờ.
Qua bao thăng trầm biến đổi của lịch sử, thay đổi nhiều lần về địa giới
hành chính, Quỳnh Phương ngày nay không còn tên như: Càn Miếu, Cần Hải,
Hương Cần, Phương Cần… ngày trước. Trên vùng đất này đã hình thành nên
một nền văn hóa bản địa của các thế hệ từng đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương

máu, chung lưng, đấu cật, chia ngọt, sẻ bùi, khai thác, cải tạo đầm lầy, bãi hoang
lau sậy, thau chua rửa mặn từng bước tạo dựng làng xóm yên vui, trù phú.

- 20 - -


Trên vùng đất Quỳnh Phương xưa và nay có nhiều dòng họ, từ nhiều vùng
đất khác nhau đến định cư sinh sống. Họ đã lập làng ở ven biển, quanh năm làm
bạn với biển cả mênh mông cùng muôn trùng sóng gió, chống chọi với thiên
nhiên vô cùng khắc nghiệt. Từ đời nay qua đời khác họ gắn bó với cộng đồng,
cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần
của các thế hệ ông cha để lại. Như một lẽ tự nhiên, vùng đất này bình dị như bao
vùng quê khác, trở thành máu thịt và một phần không thể thiếu trong đời sống
con người Quỳnh Phương. Họ có thể là ngư dân đánh bắt cá ở biển cả, diêm dân
chuyên sản xuất muối, nông dân quanh năm làm bạn với sương gió, ruộng đồng,
là những chị tiểu thương rong ruổi trên khắp các nẻo đường, hoặc cũng có thể là
những anh học trò chuyên đèn sách, mơ một ngày kia rồng mây gặp vận “cửa
Khổng, sân Trình” rộng mở, trở thành ông Nghè, ông Cống làm rạng danh cho
quê hương. Nghề nghiệp, địa vị của họ tuy có khác nhau, song các thế hệ người
dân Quỳnh Phương đều giống nhau ở một điểm là yêu nước, yêu quê hương và
luôn cống hiến cho quê hương. Theo dòng chạy của lịch sử dựng nước và giữ
nước, vùng đất này đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc trên mọi
lĩnh vực. Tên tuổi của họ đi vào lịch sử và luôn là niềm tự hào của các thế hệ
người dân Quỳnh Phương xưa và nay.
1.2. Nguồn gốc của đền Cờn
Đền Cờn tên chữ gọi là Đền thờ Tứ Vị Thánh Nương, thường gọi là Đền
Cờn trong hay Đền Càn. Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, thờ ba mẹ
con công chúa và một bà nhũ mẫu nước Nam Tống, tức là Tứ Vị Thánh Nương.
Đây là một trong bốn ngôi đền linh thiêng nhất ở Nghệ An, đền thuộc phường
Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mại, tỉnh Nghệ An. Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao

đền Cờn lại được xây dựng để thờ tứ vị Thánh nương?
Khi tìm hiểu về nguồn gốc của đền Cờn, chúng tôi đã tiếp xúc được nhiều
nguồn tài liệu nói về sự ra đời của đền và các nhân vật được thờ tự nơi đây,
nhưng tựu trung lại có 3 chủ thể liên quan mật thiết đến sự ra đời của ngôi đền
này, đó là: Tứ vị Thánh nương, nhà vua Trần Anh Tông và “ cây gỗ thần”. Vậy
- 21 - -


tứ vị Thánh nương là ai? Họ có mối liên hệ như thế nào với vua Trần Anh Tông
và “ cây gỗ thần”?
Lý giải được các vấn đề trên, chúng ta sẽ làm sáng tỏ được nguồn gốc
của đền Cờn.
1.2.1. Truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương
Thực tế Tứ Vị Thánh Nương không chỉ được thờ ở đền Cờn - Quỳnh
Phương mà trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu trước đây còn có nhiều làng thờ Tứ
Vị Thánh Nương. Ở các huyện như Diễn Châu, Nghi Lộc… của Nghệ An hoặc
các địa phương khác ở Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Vĩnh
Long, Kiên Giang, Cần Thơ…cũng có nhiều làng lập đền thờ Tứ Vị Thánh
Nương. Dù thế việc thờ Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương có thể nói là phát tích ở
Cửa Cờn, rồi dần dần phát triển rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Vậy Tứ Vị
Thánh Nương là những ai? Để có thể lý giải rộng rãi và xác đáng về Tứ Vị
Thánh Nương chúng ta cần phải căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu.
Chương 47 của bộ Tống sử , bộ sử được biên soạn dưới thời Nguyên, gồm
496 tập, được biên soạn từ năm 1343 đến 1345 do Trần Quỳnh Hương dịch đã
chép về chung cục của nhà Tống như sau:
“ Thừa tướng Lục Tú Phu, …ngậm ngùi nước mắt cõng vị hoàng đế còn
nhỏ tuổi nhảy xuống biển tử tự. Dương Thái Hậu biết tin con trai đã chết, bèn
than khóc rằng: “ Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục nhà Triệu,
hôm nay chết rồi, ta còn sống được nữa ư!”. Nói rồi cũng nhảy xuống biển tử tự
theo con trai. Trương Thế Kiệt và hoàng thất Nam Tống Triệu Nhược Hòa phiêu

dạt trên biển, không ngờ ngặp sóng thần nên cũng bị dìm chết. Hôm sau trên
biển nổi lên hơn 100 nghìn thi thể. Vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nam Tống đã
chết, cuối cùng triều Tống cũng bị tiêu diệt. Sau khi Triệu Bính chết, xác nổi
trên mặt biển. Ngư dân trông thấy một xác chết trẻ con, người mặc long bào,
chân đi tất đen, đi hài, đầu đội vương niệm, còn có ấn vua. Dưới chân sặc mùi
chất hôi. Mọi người nhận ra xác chết đó là Triệu Bính, bèn đưa về mai táng ở
lăng Tống Thiếu Đế - làng Xích Loan- Triều Châu ngay nay”. [69, tr 26]
- 22 - -


Đại Việt sử kỷ toàn thư của Ngô Sỹ Liên cũng chép về sự thất thủ của
nhà Nam Tống: “Thiên Bảo năm thứ nhất, 1279. Người Nguyên đánh úp quân
Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua, tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng
vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua
7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong
số đó.”[30, tr 44]
Sách “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa, Hà Nội,
trang 39 tập II có đoạn viết: “Quân Mông Cổ vào được Lâm An, bắt được Cung
Đế, thái hậu và mấy ngàn người đưa lên phương Bắc (1276). Bọn di thần là Lục
Tú Phu( tể tướng), Trương Thế Kiệt tôn vua Đoan Tống lên ngôi, đưa xuống
Phúc Kiến. Văn Thiên Tường đốc suất nghĩa quân chống Mông Cổ, mấy lần đều
thua.
Năm 1277, Trương Thế Kiệt dắt Đoan Tông xuống Quảng Đông, năm
sau Đoan Tông chết ở Can Châu (Quảng Đông).Văn Thiên Tường, Trương Thế
Kiệt và Lục Tú Phu lại lập em là Quảng Vương (Triệu Bính) lên thay đưa ra đảo
Nhai Sơn (Quảng Đông). Mông Cổ bắt được Văn Thiên Tường, tiến đánh Nhai
Sơn. Không thể chống cự được nữa, Lục Tú Phu cầm kiếm xua hết vợ con phải
gieo mình xuống biển, rồi cõng vua nhảy xuống theo… Văn Thiên Tường bị bắt
đưa về Yên Kinh, Trương Thế Kiệt vẫn chưa tuyệt vọng, đi đường biển qua Việt
Nam mưu sự khôi phục. nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết” [ 19, tr

108].
Những điều trên đã lý giải cho chúng ta tại sao đền Cờn Ngoài thờ Đế
Bính, Lục Tú Phu, Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt.
Sách “Việt điện u linh” do Lế Tế Xuyên biên soạn vào đầu thế kỷ XIV kể
lại: “ Phu nhân họ Triệu, là công chúa nước Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu
nhân là con gái út.
Trong năm Thiệu Bảo thứ 1 (1279), đời Trần Nhân Tông, bên Trung
Quốc Trương Hoằng Phạm đem binh đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân
Tống bị tan vỡ, quan Tả thừa tướng là Lục Tú Phu ôm vua Đế Bính nhảy xuống
- 23 - -


bể, tướng sỹ nhà Tống chết xuống dưới bể có hơn 10 vạn người. Ba mẹ con phu
nhân ôm lấy cột buồm một chiếc thuyền trôi dạt đến một cái chùa bên bờ bể. Sư
chùa thương, bèn cho mẹ con vào ở chùa và nuôi cho ăn. Được mấy tháng, mẹ
con khi đã lại sức, trở nên béo tốt, vẻ mặt phu nhân coi tuyệt đep. Sư động lòng
muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt. Sư xấu hổ quá, gieo mình xuống bể chết.
Mẹ con phu nhân cùng khóc rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì
chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm”. Rồi ba mẹ con cùng nhảy ra biểm trầm
mình mà chết, xác trôi đến cửa Càn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn
Châu nước ta, vẻ mặt tươi như lúc còn sống. Thổ dân lấy làm lạ, vớt lên an táng,
thấy rất hiển linh, mới lập đền thờ. Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió
nguy hiểm, kêu cầu được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào
cũng có tiếng thiêng” [ 19, tr 90].
Như vậy, với “Việt điện u linh” huyền thoại về Tứ Vị Thánh Nương đã
khác:
- Không phải là cung phi mà là phu nhân họ Triệu, công chúa nước Nam
Tống, tất cả có 3 mẹ con, phu nhân là con gái út. Ba mẹ con sao lại là Tứ Vị
Thánh Nương?
- Thêm tình tiết:…ba mẹ con đã lại sức, sư động lòng muốn tư thông…sư

xấu hổ tự vẫn, rồ ba mẹ con cũng tự vẫn.
Với tình tiết mới, thêm nhân vật sư ông, cái chùa, cái chết của sư ông,
huyền thoại Tứ Vị Thánh Nương đã mang sắc thái Phật giáo.
Sách “Thanh Chương huyện chí” của Bùi Dương Lịch (1758-1828)
nguyên văn chữ Hán, Bùi Văn Chất dịch NXB Nghệ An,từ trang 119 đến 124
viết về Tứ Vị Thánh Nương ( sự tích đền Cờn) như sau: “Thánh Nương sinh thời
là hoàng hậu, là đáng thân minh. Khi chết là vị thánh anh minh, vị thần phúc
đức, từ xưa tới nay, trong cõi vũ trụ này chưa có vị thần nào thịnh bằng Tứ Vị
Thánh Nương.
Này xem, các cửa biển ở Hải Dương, Yên Bang, Nghệ An, Thanh Hóa
đều lập đền thờ phụng… Há chẳng là đức của thánh rất thịnh đó sao?
- 24 - -


Kẻ ngu muội này thời trẻ đi học đã nghe được tục truyền rằng:
Tứ Vị Thánh Nương là bốn vị trong cung triều Tống dong thuyền ra biển
để tránh quân Nguyên, gặp gió bão trôi dạt đến cửa Cờn, chết ở đó. Sau khi chết
đã hóa thành thần Nam Hải. Phàm những ai qua lại trên biển, nếu cầu khẩn đều
được linh ứng” [19, tr 94].
Như vậy, “Thanh Chương huyện chí” nói về Tứ Vị Thánh Nương cũng
không khác so với “Tống sử” hay “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Sách “An Tĩnh cổ lục” của tác giả người Pháp Hippolite Le Breton viết
năm 1936, bản dịch, NXB Nghệ An và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây,
2005, trang 78, 79, 80 viết: “Đền Cần: Trên Quy Lĩnh Sơn, ngọn núi che chở
cho bến Cửa Cần chống đỡ với những trận cuồng phong của phương Đông,
được dựng lên Đền Cần hay là đền cửa Cần Hải, một trong bốn di tích đẹp nhất
của An Nam ( Trung kỳ) theo một ngạn ngữ của nhân dân An - Tĩnh.
Quá khứ của ngôi đền này, một chuyện hoang đường cho chúng ta biết
như sau: Đền Cần được dựng lên tại làng Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu, do
nhân dân địa phương làm để thờ “Hoàng Thái Hậu” của triều nhà Nam Tống

(1127 - 1279) bị chết đuối ở đấy (cùng với ba công chúa) trong khi trốn chạy
một kẻ cưỡng đoạt ngôi vua. Thi thể của nữ hoàng tỏa ra một thứ thiên hương và
gợi lên cảm giác của một cuộc sống bất diệt. Trước sự thần kỳ ấy, nhân dân
vùng Cửa Cần bèn đặt tên cho làng mình là Hương Cần và dựng lên một ngôi
đền để thờ nữ hoàng. Về sau uy quyền tác phúc của vị thần này được biểu hiện.
Theo sử Biên niên của nhà Trần có chép lại thì: Năm thứ 19 thời Hưng
long (1311), vua Anh Tông phải tổ chức một cuộc chinh phạt Chăm Pa. Một
đêm, nhà vua cho thả neo ở Cửa Cần và nằm mộng thấy một nữ thần hiện lên
giữa một đám tùy tùng lộng lẫy và nói với nhà vua rằng: “Ta là vợ Hoàng đế
Triệu của triều nhà Tống, bị quân phản nghịch đuổi ta phải trốn chạy về các
biển Phương Nam và ta chết đuối ở đây. Nhưng Ngọc hoàng Thượng đế đã
phong cho ta làm thần ở cửa biển này. Ta sẽ phù hộ cho vua và chiến thuyền
của ngài. Nhà vua sẽ được hưởng sóng êm và sẽ chiến thắng kẻ thù”.
- 25 - -


×