Tải bản đầy đủ (.doc) (134 trang)

Thi pháp thơ nguyễn bình phương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (607.2 KB, 134 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

VŨ THỊ LUYẾN

THI PHÁP
THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Nghệ An, 2015


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

VŨ THỊ LUYẾN

THI PHÁP
THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60. 22. 01. 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học:
TS. LÊ THỊ HỒ QUANG

Nghệ An, 2015



3

LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn tới quý thầy cô trong khoa Ngữ
Văn, trường Đại học Vinh đã tận tình dìu dắt, truyền dạy kiến thức cho tôi
trong suốt thời gian học tập tại trường, tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá
trình học tập cũng như nghiên cứu luận văn này. Đặc biệt, tôi xin được bày tỏ
lòng kính trọng và tri ân sâu sắc nhất tới Tiến sĩ Lê Thị Hồ Quang, người đã
trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ tôi giải quyết các vấn đề trong đề tài, định
hướng, gợi mở, truyền đạt cho tôi những kiến thức vô cùng quý báu và tận
tình chỉ bảo tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn này.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến gia đình, người thân, bạn
bè đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi, quan tâm, động viên, khích lệ tôi trong
suốt quá trình làm luận văn.
Với trình độ và kiến văn còn hạn chế, luận văn này không thể tránh
khỏi những thiếu sót, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được những ý kiến đóng góp,
nhận xét từ phía quý thầy cô và bạn bè về những vấn đề thực hiện trong luận
văn này!
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Vinh, tháng 09/2015
Tác giả luận văn

Vũ Thị Luyến


NHÀ THƠ NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG


QUY ƯỚC VIẾT TẮT


Nxb: Nhà xuất bản
TP: Thành phố
Tr: Trang

Cách chú thích tài liệu trích dẫn: số thứ tự tài liệu đứng trước, số
trang đứng sau. Ví dụ: [40; 12] nghĩa là số thứ tự của tài liệu trong mục Tài
liệu tham khảo là 40, nhận định trích dẫn nằm ở trang 12 của tài liệu này.


MỤC LỤC


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại, tiếp cận thơ ca từ góc
độ thi pháp là một hướng nghiên cứu khá mới mẻ. Nó góp phần nâng cao
năng lực chiếm lĩnh các giá trị văn học cho người đọc, mở rộng khả năng cảm
thụ tác phẩm, chiếm lĩnh đặc trưng bản chất nghệ thuật. Nghiên cứu thơ ca từ
góc độ thi pháp đã loại bỏ sự cảm nhận tác phẩm tùy hứng, ngẫu nhiên, đưa
việc nghiên cứu văn chương vào trong một thể thức, khuôn khổ nhất định,
mang tính tiêu chuẩn. Thơ Việt Nam sau 1975 là giai đoạn thơ có nhiều cách
tân mới mẻ cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện. Sự xuất hiện của
hàng loạt các nhà thơ trẻ với những đổi mới về quan niệm sáng tạo và cách
tân về hình thức đã đẩy việc nghiên cứu thơ ca từ góc độ thi pháp phát triển
thêm một bước mới.
1.2. Trong văn học Việt Nam hiện đại, 1975 là mốc thời gian hết sức
quan trọng đánh dấu những sự kiện lịch sử - chính trị, lớn lao của đất nước và
đồng thời, cũng ghi dấu sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tư tưởng của

giới trí thức, văn nghệ sĩ. Nắm bắt được những đòi hỏi và thách thức của sinh
hoạt xã hội cùng với những đổi mới về thời cuộc, xu hướng nhận thức lại bản
thân và nhận thức lại thơ đã được các thế hệ nhà thơ nhiệt tình ủng hộ. Theo
đó, hàng loạt cuộc thử nghiệm trong thơ ca đã được khơi dậy. Các nhà thơ đã
nỗ lực phấn đấu và dấn thân vào con đường sáng tạo, tìm cho mình một
hướng đi phù hợp, nơi mà cái tôi bản thể được tự do quẫy đạp trong bể tràn
ngôn ngữ thơ. Sự sáng tạo và cách tân mới mẻ của thơ ca sau 1975 đã góp
phần khẳng định nhân cách, tài năng của người nghệ sĩ, đồng thời những cách
tân đổi mới thơ ca này cũng góp phần hình thành nên một hệ hình thi pháp
thơ mới – hệ hình thi pháp thơ sau 1975.


2

1.3. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương là một trong số những gương mặt
cách tân tiêu biểu của thơ Việt Nam sau 1975. Ông là một tác giả có quan
niệm, tư tưởng sáng tạo hết sức mới mẻ, độc đáo. Điều này chi phối rất rõ đến
thế giới nghệ thuật thơ ông, với hệ thống hình tượng cũng như bút pháp, ngôn
từ, thi ảnh… riêng biệt, không trộn lẫn. Nhắc đến thế hệ thơ đổi mới sau 1975
không thể không nhắc đến Nguyễn Bình Phương.
Tuy nhiên, cho đến nay, bởi nhiều lý do, thơ Nguyễn Bình Phương vẫn rất ít
người tìm hiểu, đặc biệt trên phương diện thi pháp. Vì những lí do trên, chúng tôi
quyết định lựa chọn nghiên cứu đề tài: Thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nguyễn Bình Phương là cây bút có nhiều đóng góp nổi bật trong hành
trình cách tân chung của văn học Việt Nam đương đại. Ông viết nhiều thể
loại: thơ, tiểu thuyết… Nghiên cứu thơ Nguyễn Bình Phương đã có rất nhiều
công trình, bài viết mang tính học thuật cao, thu hút được sự quan tâm của
giới nghiên cứu văn học.
Bên cạnh các công trình, bài viết tìm hiểu và tập trung khai thác về tiểu

thuyết của Nguyễn Bình Phương, thơ cũng là một lĩnh vực nhận được sự quan
tâm của các nhà phê bình.
Các công trình nghiên cứu về thơ của Nguyễn Bình Phương không nhiều.
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày những ý kiến nhận xét, đánh giá tiêu biểu.
Tác giả Lê Hồ Quang trong bài Đọc thơ Nguyễn Bình Phương đăng trên
Tạp chí Thơ đã nhận định: “Đọc thơ Nguyễn Bình Phương không dễ…việc
“đọc” thơ Nguyễn Bình Phương là một hành trình tìm đường vào “cõi lạ” đầy
nhọc nhằn, với nhiều cảm giác bất an, nghi hoặc. Nhưng dù có lúc cảm thấy
mê man, đuối sức trên hành trình phiêu lưu vào thế giới ấy, ta vẫn khó phủ
nhận vẻ đẹp đầy ma mị của nó. Nó đánh thức và mở ra những đường biên
ranh giới khác, độc sáng, trong cách ta tri giác về thế giới” [44].


3

Tác giả Đoàn Minh Tâm với Nguyễn Bình Phương – Một hồn thơ “tinh
quái”, lại đặc biệt chú ý đến dấu ấn của “thiền” tập trung ở tập thơ Buổi câu
hờ hững của Nguyễn Bình Phương. Theo tác giả: “Tâm thế Nguyễn Bình
Phương trải giữa một bên là hiện thực cuộc sống và một bên là những trạng
thái tĩnh lặng mang dấu ấn thiền - nỗi day dứt về tự thân bộc lộ qua câu thơ
mà tôi cho là đề từ của thi tập này: Đó là đời hay thơ/ Đó là anh hay Phật?
Đôi lúc có cảm giác như ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, suy tưởng
của Nguyễn Bình Phương đều hướng về thiền” [54].
Nhã Thuyên trong Phía khác của mặt trăng đã nhận xét về thế giới thơ
Nguyễn Bình Phương như sau: “Thế giới thơ của Nguyễn Bình Phương
không phải là một hư cấu, nó là một hiện thực khác. Nó có hệ sinh vật riêng,
vừa trùng khít với không gian sống của con người, vừa trở nên khác biệt: linh
miêu, con hươu ma, những quả đồi lơ mơ, ngôi nhà rét, sương mù, khuôn mặt
xanh, những ngôi sao màu hung…”. Tác giả còn nhấn mạnh: “Sự khó hiểu
của thơ Nguyễn Bình Phương, nếu có, có thể có nguyên nhân từ chính người

đọc (thơ): chúng ta thường lơ là việc nhìn ngắm chính cảm giác của mình đến
nỗi, khi lạc vào một thế giới của một tâm hồn khác, ta vẫn giữ thói quen quan
sát và nhìn ngắm một cái gì xa lạ, một cái gì ngoài ta” [59].
Luận văn thạc sĩ Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bình Phương của Phạm
Ngọc Lan, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đi sâu tìm hiểu thế giới
thơ của tác giả Nguyễn Bình Phương, phân tích các yếu tố làm nên thế giới
nghệ thuật thơ trên các phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Đồng
thời luận văn cũng chỉ ra mối quan hệ giữa thế giới nghệ thuật thơ và thế giới
nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
Nông Hồng Diệu trong bài viết Nguyễn Bình Phương: Sống bình thường,
viết không bình thường, đã nhận định: “Chẳng dại khen văn chương Nguyễn
Bình Phương. Ngay khi tập thơ “Buổi câu hờ hững” xôn xao văn đàn, trước


4

cơn mưa ca tụng, anh chỉ buông câu: “Tôi thấy đã làm một việc là gói lại một
quãng thời gian sáng tác”. Nhưng cũng chẳng chê Nguyễn Bình Phương làm
gì cho nhọc. Anh thú nhận: “Ở góc độ khen, chê, tôi là người bảo thủ. Tôi chỉ
nghe chính tôi” [4].
Hiện nay, chưa có công trình, bài viết nào nghiên cứu chuyên biệt và hệ
thống vấn đề thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương. Các công trình chủ yếu chỉ
đề cập tới một khía cạnh trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bình Phương,
bàn về một khía cạnh trong một tác phẩm thơ ông, hay phân tích những khó
khăn trong giải mã tín hiệu thơ của tác giả. Như vậy, qua khảo sát các tư liệu,
bài viết, công trình nghiên cứu về Nguyễn Bình Phương, chúng tôi nhận thấy
vấn đề thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương chưa được nghiên cứu một cách cụ
thể và có hệ thống.
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát
3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là Thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương.
3.2. Phạm vi khảo sát
Với đề tài này, chúng tôi đi sâu khảo sát các tập thơ Nguyễn Bình
Phương, cụ thể:
- Lam chướng (1992)
- Khách của của trần gian (1996)
- Xa thân (1997)
- Từ chết sang trời biếc (2001)
- Thơ Nguyễn Bình Phương (2004)
- Buổi câu hờ hững (2011)
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi xác định một số nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản sau:
- Đặt thơ Nguyễn Bình Phương trong dòng chảy chung của thơ ca Việt
Nam đương đại để làm nổi rõ được nét chung và nét riêng tạo nên phong cách
nghệ thuật Nguyễn Bình Phương. Từ đó xác định vị trí của nhà thơ Nguyễn
Bình Phương trong thế hệ các nhà thơ sau 1975.


5

- Phân tích đặc điểm thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương trên phương diện
tổ chức hình tượng nghệ thuật và tổ chức lời thơ. Trên cơ sở đó, thấy được
những đóng góp của ông trên hành trình cách tân thơ Việt Nam sau 1975.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên
cứu sau:
- Phương pháp cấu trúc hệ thống
- Phương pháp loại hình
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp thống kê, khảo sát

- Phương pháp tiếp cận thi pháp học
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn nghiên cứu thơ của Nguyễn Bình Phương từ góc độ thi pháp.
Do vậy, nó thể hiện những đánh giá, tìm tòi của người viết về mặt hình thức,
giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và hiểu đúng về thơ ông. Đồng thời, luận văn
góp phần khẳng định phong cách thơ độc đáo của Nguyễn Bình Phương và
những đóng góp của ông trong hành trình cách tân thơ Việt Nam sau 1975.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Thơ trên hành trình sáng tạo của Nguyễn Bình Phương
Chương 2: Hệ thống hình tượng trong thơ Nguyễn Bình Phương
Chương 3: Ngôn ngữ, kết cấu và bút pháp tạo hình trong thơ Nguyễn Bình Phương.
Chương 1
THƠ TRÊN HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO
CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG


6

1.1. Nguyễn Bình Phương – con người và văn nghiệp
1.1.1. Cuộc đời, con người
Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương sinh ngày 29 tháng 12 năm
1965 tại một vùng quê của Thái Nguyên. Thời chiến tranh, tác giả cùng gia
đình đã sơ tán về xã Linh Nham thuộc huyện Đồng Hỷ và trở lại thành phố
Thái Nguyên năm 1979.
Nguyễn Bình Phương học hết phổ thông trung học năm 1985 rồi vào
bộ đội; học khóa IV trường viết văn Nguyễn Du, bắt đầu viết từ năm 1986.
Sau khi ra trường, Nguyễn Bình Phương công tác ở Đoàn kịch nói quân đội,
tiếp đó làm biên tập viên của Nhà xuất bản Quân đội. Hiện nay, ông là Tổng

biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nguyễn Bình Phương được đánh giá là
một trong những gương mặt văn xuôi đương đại nổi bật.
Trong Đại hội Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội từ
ngày 9 đến ngày 11 tháng 7 năm 2015, Nguyễn Bình Phương đã được bầu vào
Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam. Ông đứng giữa những bậc lão luyện
trong nền văn chương Việt Nam hiện đại và trở thành người trẻ tuổi nhất
trong 6 tác giả được bầu vào Ban chấp hành.
Nói đến ấn tượng về Nguyễn Bình Phương, có thể gói gọn trong một
chữ “lặng”. Là một nhà văn được tôi luyện trong môi trường quân đội, ông
chọn cho mình lối sống trầm lặng, không ồn ào, ngại tiếp xúc và ít xuất hiện
chốn đông người... Trong cuộc trò chuyện với Hạnh Đỗ, phóng viên báo Tiền
Phong, ông chia sẻ: “Tôi vẫn gặp gỡ, uống rượu với bạn bè. Nhưng không
ham. Vài ba người tụ tập có thể là tinh túy, nhưng năm người trở nên là nhức
đầu” [10]. Ấn tượng rụt rè, khó tính, ngại giao tiếp mà nhiều người nhận thấy
ở Nguyễn Bình Phương cũng làm ta khó hình dung về tác giả này. Hạnh Đỗ
cũng chia sẻ cảm nhận của mình về ông: dáng vẻ nhỏ nhắn, thư sinh, mang vẻ
nghệ sĩ hơn nhà quản lý của tác giả khi trực tiếp gặp mặt đã xóa nhòa ấn


7

tượng về sự khó gần ấy. Nói về bản thân mình, nhà thơ tự nhận: “Là một công
chức đơn điệu, điển hình. Sớm vác ô đi, tối vác về” [10]. Nguyễn Bình
Phương cũng tự nhận “tạng” của mình “có lẽ hơi u uất một chút”. Thực tế,
theo như cảm nhận của Việt Quỳnh: “Gần anh, sẽ cảm giác một sự chan hòa,
ấm áp, giản dị, gần gũi từ ánh mắt đến nụ cười. Anh thường nói ít, nhưng câu
nào cũng ngấm vào lòng người nghe” [48].
Sách là một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của ông. Ông
ham đọc sách, có thể dành cả đêm để đọc sách và nghiễn ngẫm về chúng. Ban
ngày chính là thời điểm sáng tác của ông. Nguyễn Bình Phương là một người

rất “thèm” viết, cẩn thận và tỉ mỉ trong sáng tác. Viết đối với Nguyễn Bình
Phương “giống như đi theo một lực hút bí ẩn không biết phía trước là gì. Tôi
kệ bản năng dẫn dắt. Để nó trôi dạt lênh đênh” [10]. Nhà thơ cũng chia sẻ:
“Viết ra được thì thích. Thấy người khỏe ra” [10].
Nguyễn Bình Phương là một người lính gắn bó thời thanh xuân của
mình trong quân đội, một nhà văn, nhà thơ đầy những trang viết trữ tình, chủ
yếu phản ánh cuộc sống bề bộn, đầy lo toan, bất an. Đây là tác giả có tâm và
có tầm, hứa hẹn nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam đương đại.
1.1.2. Văn nghiệp
Mỗi tác phẩm là một trải nghiệm và chắt lọc tinh tế từ trái tim đến lý
trí, sự thực. Dù là sáng tác thơ trữ tình hay văn xuôi thì tác giả cũng phải
chuẩn bị cho mình một góc riêng của cái tôi để tiếp nhận, thích nghi và “chiều
lòng” nó. Việc chuyển đổi luân phiên trong tâm hồn của một nhà văn sang
tâm hồn của một thi sĩ đôi khi không phải điều dễ dàng. Ít có nhà thơ nào
chọn con đường sáng tác bền bỉ và đầy khó nhọc như Nguyễn Bình Phương.
Ông đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết của mình để mang đến cho bạn
đọc một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn. Nỗ lực đó đã giúp Nguyễn Bình


8

Phương gặt hái được nhiều kết quả đáng ngưỡng mộ và thành công khi thể
nghiệm trên cả hai thể loại thơ và tiểu thuyết.
1.1.2.1. Về tiểu thuyết
Nguyễn Bình Phương là một trong những gương mặt văn xuôi đương
đại nổi bật, một nhà văn có sức sáng tác dồi dào. Hầu hết các tác phẩm mới
của ông khi ra đời đều được đón nhận nồng nhiệt và tạo nên sức hút đặc biệt
với bạn đọc. Sức hấp dẫn từ những cuốn tiểu thuyết của ông không chỉ được
tính bằng số lượng độc giả mà còn được đông đảo giới nghiên cứu, phê bình,
báo chí, dư luận quan tâm tìm hiểu.

Văn học Việt Nam đang vận động theo hướng “hòa nhập với tiến
trình văn học thế giới” như một tất yếu. Đây là lẽ tồn tại của văn học nói
chung và của tiểu thuyết nói riêng. Cuộc vận động đã thúc đẩy những nhà
tiểu thuyết của ta nỗ lực hơn nữa trong cuộc đổi mới đầy nhọc nhằn này,
đem đến cho tiểu thuyết những thể nghiệm đầy mới mẻ cả về nội dung lần
hình thức thể hiện. Những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với Nguyễn Bình
Phương, văn học Việt Nam xuất hiện một số gương mặt mới với những thể
nghiệm đáng ghi nhận như: Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ
Duy Anh, … Trong đó có những lối viết hấp dẫn thực sự, có những giọng
văn còn chưa sâu, có những thể nghiệm còn chưa tới đích, song các nhà
văn đều cháy hết mình trên từng trang viết trong một nỗ lực chung, làm
mới văn chương. Nguyễn Bình Phương cũng không nằm ngoài đường đua
ấy. Ông được đánh giá là một cây bút trẻ có nhiều đóng góp cho công cuộc
hiện đại hoá tiểu thuyết.
Nguyễn Bình Phương không phải là cái tên mới mẻ đối với giới phê
bình và các nhà nghiên cứu nhưng đối với nhiều độc giả đây còn là một cái
tên khá xa lạ. Tuy nhiên, khi nhắc đến những tiểu thuyết của ông thì người
đọc dễ dàng nhận ra một lối viết lạ, đầy hấp dẫn. Ông được biết đến nhiều với


9

hàng loạt tiểu thuyết nổi bật như: Vào cõi (Nxb Thanh niên, 1991), Những
đứa trẻ chết già (Nxb Văn học, 1994), Người đi vắng (Nxb Văn học, 1999),
Trí nhớ suy tàn (Nxb Thanh niên, 2000), Bả giời (Nxb Quân đội nhân dân,
2004), Thoạt kỳ thủy (Nxb Hội nhà văn, 2005), Ngồi (Nxb Đà Nẵng, 2006),
Mình và họ (Nxb Trẻ, 2014)…
Từ Bả giời, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy đến Ngồi – là
sự hoàn tất một phong cách mới. Sự trưởng thành trong ngòi bút qua từng tác
phẩm gắn với thời gian lịch sử đất nước, Nguyễn Bình Phương đã mang đến

cho người đọc những cảm quan mới mẻ và phong phú. Nhà văn luôn có ý
thức tiếp thu cái mới và đã táo bạo đặt những dấu ấn đầu tiên trên hành trình
khai mở vùng đất mới với những cách tân độc đáo cả về mặt nội dung và
phương thức thể hiện. Đó là những đóng góp đáng ghi nhận của một nhà văn
luôn nỗ lực sáng tạo, làm mới tiểu thuyết Việt Nam.
1.1.2.2. Về thơ
Trước khi đến với con đường tiểu thuyết, Nguyễn Bình Phương đã gắn
bó với thơ. Với tác giả, thơ chính là bản ngã sáng tác chính, là nơi tác giả có
thể thoải mái thể hiện cái tôi của mình. Ông là một trong số những gương mặt
nổi bật trong khuynh hướng thơ cách tân thơ đương đại. Bằng tài năng và tư
duy nhạy bén của một nhà thơ hiện đại, Nguyễn Bình Phương không mất quá
nhiều công sức cho việc tìm đường, tìm kiếm thủ pháp nghệ thuật hay khuynh
hướng sáng tác. Nhà thơ chọn cho mình một lối đi riêng, một phong cách khó
trộn lẫn trong biết bao gương mặt thơ tiêu biểu hiện nay. Phong cách này đã
làm cho thơ của Nguyễn Bình Phương khó để hiểu và mọi cố gắng giải mã
thơ ông theo lối thông thường đều không thành công. Tuy vậy, người yêu thơ
Nguyễn Bình Phương vẫn nhận thấy trong đó những vần thơ thoáng buồn,
thoáng hụt hẫng, không giống như không khí ảo ảnh mơ mộng, chập chờn
trong từng trong tiểu thuyết của ông. Ta còn bắt gặp trong thơ ông một đời


10

sống khác, một thế giới khác, một ngôn ngữ thi ca, một miền thẩm mỹ khác
với đời sống thực tại nhiều bộn bề, cô đơn. Điều này đã làm nên nét đặc biệt
và sức hút đầy ma mị của thơ Nguyễn Bình Phương.
Cho đến nay, nhà thơ đã cho ra đời các thi phẩm: Lam chướng (1992),
Khách của của trần gian (1996), Xa thân (1997), Từ chết sang trời biếc
(2001), Buổi câu hờ hững (2011), Gõ cửa xa xăm (2015). Ở mỗi tập thơ đều
thể hiện những ngã rẽ khác nhau của tâm hồn Nguyễn Bình Phương.

1.2. Hành trình thơ Nguyễn Bình Phương
1.2.1. Đường thơ Nguyễn Bình Phương – nhìn từ tác phẩm
Cảm hứng thi ca trong thơ Nguyễn Bình Phương được chuyển đổi qua
mỗi tập thơ cũng chính là hành trình trở về miền đất của tâm linh, vô thức của
cái tôi trữ tình, hành trình tìm về với bản thể. Đó là một cuộc hành trình đầy
gian nan, vất vả, đơn độc và luôn bị ám ảnh bởi máu, cái chết và những dự
cảm mơ hồ, bất an.
1.2.1.1. Lam chướng (1992)
Lam chướng là tập thơ mở đầu cho hành trình thơ của Nguyễn Bình
Phương. Khi mới ra mắt độc giả, tập thơ đã nhận được nhiều thiện cảm, bởi
xúc cảm tinh tế, liên tưởng tự do, câu chữ được chọn lọc kỹ lưỡng, nhưng
không gò gẫm, cố ý, tạo nên một phong vị thơ rất riêng, đầy trẻ trung. Ngay
từ những vần thơ đầu tiên, thơ ông đã mang tới một sức hút khó cưỡng. Đó là
bầu không khí bảng lảng, cái mờ mờ, ảo ảo của màn sương. Chìm trong bầu
không khí ấy có sắc màu lạnh lẽo của lam chướng, vẻ mịt mù của sông nước,
cái thâm u, lạnh lẽo cô đơn của: một ngôi sao chết trắng, những giông bão u
uẩn, những lối mòn mất hút giữa vườn khuya, ... Lam chướng không chứa một
giọng thơ liền mạch, các hình ảnh và biểu tượng trong thơ chỉ là sự vu vơ, sự
lắp ghép ngẫu nhiên của ngôn từ.
Lam chướng như được Nguyễn Bình Phương giăng mắc bởi một tấm
màn được dệt đan bởi mưa và hơi sương, trong đó nổi lên là cảm giác đầy ám


11

ảnh bởi vẻ âm u, hoang lạnh của núi rừng, vẻ ma mị của đêm vắng với những
vệt lân tinh nhẹ bẫng trong các ngôi làng, sắc màu kỳ dị của cảnh vật nơi
chân trời dĩ vãng.
Trong Lam chướng, ta bắt gặp những trạng thái cảm xúc đa dạng. Đó
chính là cảm xúc của con người ở một vỉa tầng sâu nhất của vô thức, tâm

linh. Từ cái giật mình thảng thốt của con cánh cam chấm đỏ đến sự biến
mất đột ngột của những ngôi sao là một quá trình diễn ra nhanh, khiến độc
giả cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Tiếp nối là những trạng thái cảm xúc, cảm
giác liên tục ùa vào cả chùm thơ: sự trống vắng, cô đơn, cảm giác cô
quạnh, những hoài niệm và sự xuất hiện dày đặc của những giấc mơ, ... Tất
cả những biểu tượng và cảm giác trên đã mở ra một thế giới mới lạ trong
thơ Nguyễn Bình Phương.
1.2.1.2. Khách của của trần gian (1996)
Ngay nhan đề tập thơ đã giúp chúng ta thấy được phần nào ý niệm về
thế giới và về con người của tác giả. Với Nguyễn Bình Phương, sự tồn tại
của con người trong cuộc sống này giống như một vị khách của trần gian, dễ
đến, dễ đi, không ràng buộc, không lưu luyến, con người sống tạm và gửi
nhờ thế giới này.
Qua Khách của trần gian, ta cảm nhận cuộc đời của con người giống
như một chuyến hành trình dài mà trên chuyến đi ấy, con người phải đối
mặt với nhiều biến chuyển trong cảm xúc. Đó là cảm giác ngột ngạt khó
thở, sự giãy giụa của vô thức đang quẫy đạp trong chính những vần thơ
đầy ám ảnh của Nguyễn Bình Phương. Ám ảnh về máu, về cái chết, sự
biến mất đột ngột, sự tan rã của thế giới xung quanh đã gợi lên cảm giác bị
bào mòn của vô thức.
Tiếp nối Lam chướng, với Khách của trần gian, Nguyễn Bình Phương
lại mang đến cho độc giả một sự mê hoặc khó cưỡng. Khách của trần gian
vẫn là một thế giới thơ đầy hư ảo, kỳ dị, khác thường, một thế giới đầy
những giấc mơ lạ lùng. Tuy nhiên, ở tập thơ này, tất cả vẻ lạ lùng, hư ảo ấy


12

lại được tô đậm lên rất nhiều, những giấc mơ không chỉ xuất hiện nhiều lần
mà chúng kỳ lạ hơn, khó lý giải hơn: Mơ:/ Cái tai cưỡi trên lưng ngựa già/

Phi vào bể sương (Bước khởi đầu nan)
Trong Khách của trần gian, trí tưởng tượng của tác giả đã được đẩy tới
mức cao nhất. Thế giới vẽ ra trong thơ chính là một vùng đất thực - Linh
Sơn. Linh Sơn đã khơi nguồn cảm hứng cho Nguyễn Bình Phương phóng bút
và tạc lên những đường nét ám ảnh, lại ẩn chứa đầy bí mật của rừng thiêng u
lạnh, hoang vu với những sự vật, hiện tượng kỳ dị, lạ lùng, thế giới ngập tràn
sự chết chóc, thế giới của những người điên. Khách của trần gian vẽ ra một
thế giới trong tâm linh, tiềm thức của tác giả với những mạch liên tưởng
ngồn ngộn, những điều khó lý giải.
1.2.1.3. Xa thân (1997)
Nếu như ở Lam chướng và Khách của trần gian, người đọc bị ám ảnh
bởi khói lam chướng, vẻ ma mị của cảnh vật, những cái chết, máu thì đến Xa
thân, cảm hứng của tác giả đã nghiêng về bộc lộ những trạng thái tinh thần
phổ quát của cái tôi.
Theo Nhã Thuyên, “.Xa thân là cuộc tìm nơi trú ngụ của những linh
hồn, những cái mất trở lại, những hồn say trong đêm: bóng những bông
hoa bị ngắt run run về đậu trên cuống, hồn hoa lảo đảo trên đường, những
giọng nói mềm mại như bóng râm, bóng áo nâu trên bức tường hoa sứ...
Con người chỉ còn là những cái bóng, nhẹ bước trong sương mù, không rõ
mặt, hiện diện bằng giọng nói không âm thanh, mà chỉ được cảm nhận
bằng độ mềm mại, một cảm giác da thịt. Con người “xa thân” bằng nhiều
cách: ngủ, mơ, say điên, bay, đứng, ngồi, nhớ lại để bay vào một miền
không gian khác” [59].
Xa thân chính là trạng thái mà ở đó con người lìa xa cái bản ngã, cái
thân xác bằng da thịt của mình để dấn thân vào một vùng tiềm thức tâm
linh hoàn toàn hư ảo, đầy ám ảnh. Cái tôi trong Xa thân cứ thế trôi dạt
vào thế giới ấy và rất khó thoát ra được, cảm nhận được trạng thái tĩnh


13


lặng hư không của những đám mây, cảm nhận được khoảnh khắc chuyển
giao đầy nghịch lý của Những đám mây không có bầu trời/ Những ngọn
nước chảy ngược.
Không chỉ vậy, ở tập thơ này ta còn bắt gặp nhiều cảm giác, trạng thái
tinh thần rất riêng, mang đậm dấu ấn của cái tôi Nguyễn Bình Phương. Đó là
cái tôi “từ tốn mơ màng”, an nhiên, cái tôi u uất, cô đơn. Là cái tôi mê man
trong trạng thái ngủ mơ hồ bất định, giàu chiêm nghiệm. Cái tôi trong Xa
thân hiện lên với nhiều dáng vẻ khác nhau đã góp phần làm nên vẻ mị hoặc,
lôi cuốn cho toàn bộ tập thơ. Cái tôi như một sự thử nghiệm thành công cho
những sáng tác tiếp theo của Nguyễn Bình Phương. Đâu đó ở Xa thân ta
cũng bắt gặp những chuyến viếng thăm nhẹ nhàng của những vị “khách của
trần gian”.
1.2.1.4. Từ chết sang trời biếc (2001)
Từ chết sang trời biếc tiếp tục nối kết dòng cảm xúc trong cả chặng
đường thơ của Nguyễn Bình Phương. Ở đó, chúng ta lại thấy sự xuất hiện dày
đặc của những vần thơ mang đầy ám ảnh về cái chết. Người đọc có thể dễ
dàng nhận ra thấp thoáng trong chùm thơ là những cửa sổ, bước chân, những
ban mai, hoa và em, có cả những nỗi sợ, là những than thở mỏi mệt, là những
giấc mơ lạc lõng xa vời vào một cõi lạ lùng, điên rồ - “giấc mơ của ma”.
Không gian âm u, mờ sương, ảo diệu dường như là “đặc sản” trong
thơ của Nguyễn Bình Phương. Và Từ chết sang trời biếc cũng không nằm
ngoài không gian này. Tập thơ còn là một thế giới ngập tràn sắc màu với
đủ mức độ khác nhau, ánh sáng loang đầy những câu thơ một sự ám ảnh
ma mị đầy hấp dẫn.
Nguyễn Bình Phương đã khéo léo dùng thơ như một sợi dây nối những
ký ức nhỏ vụn trong vô thức lại với nhau. Sự lắp ghép không hoàn hảo những
ký ức về người điên, những buổi chiều, những mùa đông hoang tàn đã đưa
người đọc vào một thế giới âm u, lạnh lẽo, về một miền sâu thẳm của ký ức,
về một khoảng trời biếc đầy mơ mộng.



14

1.2.1.5. Buổi câu hờ hững (2011)
Nguyễn Bình Phương đã chuyển từ không khí đậm sắc màu lam
chướng huyền ảo, bảng lảng của vùng rừng thiêng sang một không khí đầy xô
bồ, mệt mỏi, uể oải của đời sống đô thị. Trong thơ ông lúc này xuất hiện đầy
rẫy những phố, những biển hiệu, những hàng cây, những phương tiện giao
thông và đời sống công chức, ...
Trong Buổi câu hờ hững, Nguyễn Bình Phương cũng không thể giấu
nổi tiếng thở dài, những cái nhìn đăm chiêu, hụt hẫng, cảm giác bất an. Trong
cuộc sống đầy mỏi mệt, nhàn nhạt của một công chức theo như ông tự nhận
“sáng vác ô đi, tối vác về”, con người lướt qua nhau vô tình, quên nhau có
chủ định như một điều hiên nhiên có báo trước. Bức tranh cuộc sống nhộn
nhịp nơi đô thị hiện đại không thể làm cho tác giả thấy mình đang “sống” mà
chỉ làm cho ông thấy ở cuộc sống này mọi thứ đều nhòe mờ, nhòa đi, cạn đi.
Thậm chí nó làm cho tác giả cảm thấy muốn thoát khỏi cuộc sống này.
Buổi câu hờ hững tái hiện lên một cuộc sống đô thị bon chen, chật
chội, con người không có đủ thời gian để nghĩ về mình, không định nghĩa
nổi mình. Buổi câu hờ hững hay chính là sự hờ hững của Nguyễn Bình
Phương trước dòng chảy hối hả của đời sống đô thị. Ở đó, tác giả như đi lạc
giữa dòng xe cộ tấp nập, giữa những khuôn mặt người mệt mỏi. Tác giả mải
miết đi tìm mặt mình giữa hàng ngàn khuôn mặt khác. Cảm giác cô đơn
chính là thứ bủa vây lấy nhà thơ lúc này. Ta hãy xem cảm nhận của Nhã
Thuyên: “ Buổi câu hờ hững dường như “lạc loài” vì vẻ hiện thực, tính chất
sáng rõ của không gian, thiếu màu sương mù xanh xao và khí núi lạnh lẽo.
Bị chi phối bởi nỗ lực tìm tới thượng nguồn của tâm hồn, cái động năng xao
xuyến trong mỗi con người, cuộc du hành của thơ ca thường tìm lại không
gian sống tuổi thơ như một nguồn sinh khí, một nỗi hoài nhớ, cưỡng lại sức

hấp dẫn, sự quên lãng của đô thị” [59].
1.2.1.6. Gõ cửa xa xăm


15

Tập thơ gồm các tác phẩm đã xuất bản cùng với một số bài thơ khác
của Nguyễn Bình Phương. Xa xăm gõ cửa ra mắt độc giả khi Nguyễn Bình
Phương vừa tròn 50 xuân, sức sáng tạo và cảm hứng của tác giả vẫn đang rất
dồi dào.Có thể nói tuyển thơ là tập hợp những gì tinh túy nhất của tác giả cho
đến thời điểm hiện tại. Xa xăm gõ cửa đánh dấu một bước mới trong sự
nghiệp sáng tác của Nguyễn Bình Phương, giúp độc giả hình dung bao quát
một chặng đường thơ của ông.
1.2.2. Sự đổi mới thi pháp trong thơ Nguyễn Bình Phương
1.2.2.1. Khái niệm thi pháp và thi pháp học
Thi pháp, thi pháp học là những khái niệm không còn mới mẻ đối với giới
nghiên cứu văn học hiện nay. Bởi lẽ, thi pháp học là một ngành nghiên cứu có cội
nguồn xa xưa và có ảnh hưởng lớn trong ngành nghiên cứu văn học thế kỷ XX.
Trên thực tế, khái niệm thi pháp và thi pháp học đã được sử dụng khá phổ biến
trong các công trình nghiên cứu văn học.
Vậy thi pháp là gì?
Thi pháp là khái niệm ra đời từ rất lâu trong lịch sử (khoảng 2.400
năm). Nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Poietike”, xuất hiện lần đầu tiên
trong công trình Poetica (Nghệ thuật thơ ca) của Aristote (384 – 322).
Có nhiều cách hiểu khác nhau về thi pháp. Chung quy có hai cách:
Thứ nhất: coi thi pháp là nguyên tắc, biện pháp chung tạo ra tác phẩm nghệ
thuật. Thứ hai: hiểu thi pháp là nguyên tắc, biện pháp sáng tạo cụ thể tạo thành
đặc sắc nghệ thuật của một tác giả, tác, tác phẩm, trào lưu, thể loại, v.v… Lĩnh
vực nghiên cứu về thi pháp gọi là Thi pháp học.
Trong Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần

Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) định nghĩa: “Thi pháp học là
khoa học nghiên cứu thi pháp, tức là hệ thống các phương thức, phương tiện,
thủ pháp biểu hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật trong sáng tác văn


16

học” [14; 304]. Trong công trình Thi pháp hiện đại, tác giả Đỗ Đức Hiểu viết:
“Nghiên cứu thi pháp là “nghiên cứu, phê bình tác phẩm văn học từ hình thức
biểu hiện bằng ngôn từ nghệ thuật, để tìm hiểu ý nghĩa hiển hiện hoặc chìm
ẩn của tác phẩm: ý nghĩa mỹ học, triết học, đạo đức học, lịch sử, xã hội học
v.v…” [17; 9].
Từ các định nghĩa trên, ta thấy Thi pháp học chủ yếu nghiên cứu về đặc
trưng, tổ chức, các phương thức, phương tiện, nguyên tắc làm nên giá trị thẩm
mĩ của văn học trong tính chỉnh thể của văn bản.
Nghiên cứu bình phẩm thơ ca từ góc độ thi pháp trở thành bước đột phá
quan trọng và mới mẻ trong văn chương thế kỉ 20. Nó giúp cũng ta khám phá
một cách chính xác cấu trúc hình thức mang tính nội dung của tác phẩm văn
học, dễ dàng trong việc tìm hiểu nội dung tác phẩm, tránh những gán ghép
hoặc cảm nhận thiếu cơ sở. Bên cạnh đó, nghiên cứu thơ ca từ góc độ thi pháp
còn giúp chúng ta hiểu đúng, hiểu sâu các tác phẩm văn chương trong quá
trình phát triển tư duy nghệ thuật của mỗi tác phẩm văn chương và hình tượng
tác giả. Nghiên cứu phê bình thơ ca dưới ánh sáng của thi pháp học đến nay
đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
1.2.2.2. Nhìn chung về sự đổi mới thi pháp trong thơ Nguyễn Bình Phương
Từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới những năm 1986, thơ Việt
Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Thơ giai đoạn này vận động theo nhiều
khuynh hướng khác nhau nhưng trên cơ sở là sự cách tân về nội dung thể tài và
cách tân hình thức thể loại. Sự cách tân thơ giai đoạn này như được đón nhận một
luồng gió mới, thơ có một không gian rộng mở hơn để mặc sức phô bày vẻ lộng

lẫy của nó. Hòa mình vào cuộc vận động chung đó, không ít nhà thơ đã tìm ra cho
mình một hướng đi riêng bằng việc đổi mới thi pháp sáng tác. Điều này đã thúc
đẩy thơ cách tân Việt Nam ngày càng đến gần hơn với thơ cách tân trên thế giới,


17

trở thành một mạch nguồn chuyển động không ngừng nghỉ trong nền văn học Việt
Nam đương đại.
Cùng với các tác giả Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Dương
Kiều Minh, Mai Văn Phấn…, Nguyễn Bình Phương đã trở thành một trong những
tay bút xuất sắc của thế hệ nhà thơ Đổi mới, mang khát vọng cách tân mạnh mẽ
thơ Việt và trở thành một tác giả có sự đổi mới thi pháp sáng tác rất rõ ràng, tiến
bộ. Sự đổi mới thi pháp trong thơ Nguyễn Bình Phương tập trung thể hiện trên
các phương diện: hình tượng cái tôi trữ tình, hình tượng thế giới nghệ thuật,
hình tượng con người, ngôn ngữ, kết cấu, giọng điệu, hình ảnh, biểu tượng và
bút pháp tạo hình.
Nếu thơ Mai Văn Phấn cách tân nương theo mọi nẻo đường, thơ Dương
Kiều Minh hướng về phương Đông nguồn cội để tạo nền cho những cuộc
vong thân sáng tạo, thơ Nguyễn Quang Thiều là độc đạo, thẳng tắp và mạo
hiểm thì thơ Nguyễn Bình Phương lại đưa người đọc lạc vào một thế giới đầy
ma mị, ám ảnh với những biểu tượng đa tuyến, phức điệu của vô thức, tiềm
thức, tâm linh.
Ta có thể mượn lời của nhà thơ Dương Kiều Minh để nói thay những
nhận xét về sự đổi mới trong thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương: “Đối với
cuộc kiếm tìm thì không bao giờ cũ, kể cả sự kiếm tìm cái cũ, thì cuộc kiếm
tìm vẫn mới. Cuộc cách tân tìm tòi thơ ca luôn tựa “luồng gió lao rừng
rực” tới về những miền bí ẩn của đời sống, của cuộc đời và của thiên nhiên
trải ra vô tận trước sự chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm của con người” [28].
Với những đóng góp lớn cho nền thơ ca đương đại, Nguyễn Bình

Phương xứng đáng là một trong những gương mặt cách tân thơ ca xuất sắc
thời kỳ đổi mới.
1.2.2.3. Những đóng góp và giới hạn của sự tìm tòi thi pháp trong thơ
Nguyễn Bình Phương


18

Nguyễn Bình Phương có rất nhiều đóng góp cho nền thơ ca đương đại.
Ông đã mang đến cho thơ ca giai đoạn này một cách cảm nhận mới mẻ, một
lối đi hoàn toàn khác biệt với những cách tân thi pháp đặc sắc. Sự tìm tòi thi
pháp trong thơ Nguyễn Bình Phương đã tác động mạnh mẽ đến hành trình
sáng tạo của chính ông và những người cùng thế hệ, đặc biệt là những cây bút
trẻ thế hệ sau.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp, cách tân rất mạnh mẽ và đáng
trân trọng, chúng tôi nhận thấy những tìm tòi thi pháp trong thơ Nguyễn Bình
Phương cũng có những giới hạn nhất định. Dấn sâu vào cõi vô thức, thơ ông
nhiều nằm chênh vênh giữa một bên là cái "khả giải" và một bên là cái "bất
khả giải", thậm chí tối tăm, vô nghĩa ; Sự "đứt mạch" trong cảm xúc, liên
tưởng đôi khi bị đẩy đến cực đoan. Một số hình ảnh, biểu tượng bị trùng lặp
lại khá nhiều; ngôn ngữ nhiều khi rườm rà, lan man...; Ấn tượng về “cái kỳ
dị”, “ma quái”, “điên dại” trong thế giới thơ ấy quá nhiều, quá đậm đặc, có
thể khiến người đọc “yếu bóng vía” khó lòng bước tiếp.
Có thể ví thơ Nguyễn Bình Phương giống như một trái sầu riêng chín,
người ăn được thì cảm thấy thích, thấy ham, rồi “nghiện” lúc nào không hay
nhưng kẻ không hoặc chưa thể ăn được lại nhìn “trái sầu riêng” ấy bằng một
cái nhìn thờ ơ, hững hờ thậm chí khó chịu vì sự rối rắm của nó. Điều này hẳn
có cơ sở riêng. Nhà phê bình Lê Hồ Quang đánh giá: “ Đọc thơ Nguyễn Bình
Phương không dễ. Có thể nói, thơ ông có một thứ “ngôn ngữ” khác thường:
thứ ngôn ngữ của mộng mị, của những ảo giác chập chờn, phi thực, hư ảo...

Ngôn ngữ ấy “đòi hỏi” ta phải bớt đi cái tỉnh táo ráo riết của lí trí, gia tăng sự
phiên lưu của trí tưởng tượng, sự buông bắt xa lạ và ngẫu hứng của trực giác,
nó buộc ta phải “buông thả” thật hoàn toàn trong tầng tầng liên tưởng và sự
mơ hồ bất định của nó” [44]. Đây là một nhận xét rất chuẩn xác về thơ
Nguyễn Bình Phương. Quả thật, thơ ông rất khác lạ, quyện hòa giữa hư và


19

thực. Đọc thơ ông giống như mò mẫm trong đêm tối, lại như đi vô thức, phiêu
lưu vào một thế giới hoàn toàn khác. Ngay chính nhà thơ cũng công nhận hồn
thơ của ông không đơn giản: “Thơ tôi là loại phức tạp bởi tâm trạng phức tạp.
Tôi hay nói đùa mà cũng là nói thật: Trong mỗi bài thơ của tôi có bóng dáng
một con ma, một cái bóng lẩn khuất, một tâm trạng gì đó không nắm bắt
được” [4]. Từ góc độ tiếp nhận, nhà phê bình Nhã Thuyên cho rằng: “Sự khó
hiểu của thơ Nguyễn Bình Phương, nếu có, có thể có nguyên nhân từ chính
người đọc (thơ): chúng ta thường lơ là việc nhìn ngắm chính cảm giác của
mình đến nỗi, khi lạc vào một thế giới của một tâm hồn khác, ta vẫn giữ thói
quen quan sát và nhìn ngắm một cái gì xa lạ, một cái gì ngoài ta. Tâm hồn của
một con người, một con mèo, một tạo vật, một cái cây, một bông hoa, một cái
bóng, có bao giờ là dễ hiểu?” [59].
Dù là thơ hay truyện, thế giới nghệ thuật Nguyễn Bình Phương đều
mang một màu sắc huyền ảo, mộng mị, một sự vỡ ra của trí tưởng tượng và
đầy ám mị. Thơ Nguyễn Bình Phương không phải để hiểu, mà để cảm bằng
sự nhanh nhạy của trực giác, cần người đọc khám phá nó ở cảm giác, ở trạng
thái tĩnh lặng của vô thức. Do đó, theo chúng tôi, dù có những hạn chế dễ
nhận thấy, thế giới thơ của Nguyễn Bình Phương vẫn là một "vùng tối" thẩm
mĩ đầy sức hấp dẫn.
1.3. Cơ sở hình thành thi pháp thơ Nguyễn Bình Phương
1.3.1. Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam thời hậu chiến và Đổi mới

Văn học không thể đứng ngoài lịch sử và chính trị mà nó là tấm
gương phản chiếu hiện thực. Sự phát triển của văn học vừa có quan hệ mật
thiết vừa có tính độc lập tương đối với lịch sử, xã hội. Từng giai đoạn phát
triển của nền văn học đều được đánh dấu bằng những mốc son quan trọng
trong lịch sử nước nhà. Không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng sâu rộng
của lịch sử, chính trị đến tư duy văn học. Có thể nói, lịch sử xã hội chính


×