Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư- thực trạng và giải pháp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (161.81 KB, 12 trang )

ĐỀ TÀI: Hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư- thực trạng và giải pháp
Lời mở đầu
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và hòa mình vào dòng chảy
toàn cầu hóa, pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về luật sư nói riêng đã không
ngừng hoàn thiện, sửa đổi bổ sung để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển đội ngũ luật
sư và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ luật sư. Chiến lược cải cách tư pháp đến
năm 2020 đặt ra yêu cầu cấp bách là đất nước cần có một đội ngũ luật sư có tài năng và
có đạo đức nghề nghiệp. Người luật sư tham gia trợ giúp pháp lý phải có tâm, có tầm,
có nghị lực, có sức khỏe cộng với sự cảm thông, chia sẻ với những đối tượng kém may
mắn, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em…. Bên cạnh đó còn đòi hỏi người luật sư
phải có tính kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, biết lắng nghe, hiểu tâm lý từng nhóm người vì
việc tiếp cận với người yếu thế đôi khi khó khăn, trở ngại trong việc đi lại do họ ở vùng
sâu, vùng xa, với rào cản về tiếng nói, nhận thức, tâm lý và sự kỳ thị. Lĩnh vực trợ giúp
pháp lý mang tính đặc thù bởi đối tượng trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 10
Luật trợ giúp pháp lý năm 2006. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật lại không quy định bắt
buộc luật sư phải tham gia trợ giúp pháp lý, hình thức tham gia như thế nào, nội dung
tham gia ra sao, thời gian tham gia đến đâu, không có quy định rõ, cụ thể mà chỉ mang
tính khuyến khích, động viên nên tham gia trợ giúp pháp lý là tùy theo khả năng, trách
nhiệm với xã hội của từng luật sư. Do đó, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về trợ
giúp pháp lý nói chung và hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư nói riêng là rất cần
thiết.
I.Khái quát chung về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư
1.Khái niệm trợ giúp pháp lý
Theo Từ điển Anh - Việt của tác giả Lê Khả Kế, Nxb. Khoa học xã hội, 1997 thì “Legal
aid” được dịch là “Trợ cấp pháp lý”. Ngoài ra, trong một số tài liệu khác dịch "Legal
aid" là “hỗ trợ pháp luật”, “hỗ trợ pháp lý” hoặc “hỗ trợ tư pháp”... Như vậy, có rất
nhiều cách dịch khác nhau về thuật ngữ này. Xuất phát từ bản chất và hình thức hoạt
động“Legal aid” trên thế giới và thực tiễn hoạt động này ở Việt Nam trong thời gian
qua, thuật ngữ “Legal aid” được dịch là“Trợ giúp pháp lý” đang được sử dụng chính
thức trong các văn bản pháp luật và sách báo ở Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở nghiên cứu những kinh nghiệm xây dựng tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp


lý của các nước trên thế giới đã có từ hàng trăm năm nay và thực tiễn hoạt động trợ
giúp pháp lý ở Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta có thể đưa ra quan niệm chung
về trợ giúp pháp lý một cách đầy đủ, thể hiện những đặc trưng cơ bản của nó. Theo
quan niệm chung hiện nay thì trợ giúp pháp lý hiểu là việc cung cấp dịch vụ pháp lý
miễn phí của Nhà nước và xã hội bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố
tụng, đại diện ngoài tố tụng, hoà giải... cho người nghèo, người có công với cách mạng


và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho mọi công dân
đều bình đẳng trước pháp luật và thực hiện công bằng xã hội.
Theo Điều 3 Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 thì trợ giúp pháp lý được hiểu là việc cung
cấp dịch vụ pháp lý (tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hoà giải...) miễn phí
của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng
và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật nhằm giúp người được trợ giúp pháp
lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn
trọng và chấp hành pháp luật; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã
hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với
cách mạng và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khác ở Việt Nam xuất phát từ chủ
trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội của Đảng và
Nhà nước, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân
và vì dân. Tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước ra đời đã tạo cơ chế cần thiết để
người nghèo và người có công với cách mạng có được điều kiện và hoàn cảnh tương tự
như người khác trong tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, củng cố lòng tin của quần chúng
nhân dân vào pháp luật và góp phần thực hiện công bằng xã hội.
2.Đặc điểm của trợ giúp pháp lý
- Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý.
Chủ thể thực hiện trợ giúp pháp lý là các tổ chức trợ giúp pháp lý Nhà nước và các tổ
chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị xã hội, chính
trị xã hội nghề nghịêp. Như vậy, hoạt động trợ giúp pháp lý là một loại hoạt động vừa

có tính chất nhà nước, vừa mang tính chất xã hội.
Người thực hiện trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 là Trợ giúp viên
pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm TGPL nhà nước, luật sư, tư vấn viên pháp luật
của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị xã
hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghịêp.
- Đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí là người thuộc hộ nghèo; người có
công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số thường trú ở các vùng có điều kiện kinh
tế, xã hội đặc biệt khó khăn; người già cô đơn, người tàn tật, người nhiễm HIV, nhiễm
chất độc hóa học, trẻ em không nơi nương tựa.
- Lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện đối với tất cả các vụ việc có liên quan đến
quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong hầu hết các lĩnh vực
pháp luật, trừ các vụ việc có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
- Hình thức trợ giúp pháp lý.
Hình thức thực hiện TGPL bao gồm: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài
tố tụng, hoà giải và hướng dẫn thủ tục hành chính, khiếu nại.
- Miễn phí đối với người được TGPL.


Người được trợ giúp pháp lý không phải trả bất kỳ một khoản lệ phí hay thù lao nào
dưới bất kỳ hình thức nào. Kinh phí hoạt động trợ giúp pháp lý do ngân sách Nhà nước
cấp và nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Mục đích của hoạt động trợ giúp pháp lý là nhằm giúp người được trợ giúp pháp lý bảo
vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và
chấp hành pháp luật; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa,
hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật góp phần bảo đảm cho mọi công dân đều bình
đẳng trước pháp luật, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
3.Vai trò của Luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Tham gia trợ giúp pháp lý là bổ phận, trách nhiệm với xã hội, là đóng góp rất có ý

nghĩa, rất nhân văn của Luật sư
Tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định “ Nhà nước giữ vai trò
nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; khuyến khích, tạo
điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành
nghề luật sư và Luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng
góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý”.
Quy định luật sư có nghĩa vụ tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí là hoàn
toàn đúng đắn vì luật sư là người có chức năng và nghiệp vụ tham gia các hoạt động tố
tụng, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công
dân, và luật sư – bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, góp phần bảo vệ công lý, công
bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn cho thấy luật sư có vai trò quan trọng trong hoạt động trợ giúp pháp lý,
những đối tượng chính sách có thể nhờ luật sư thực hiện các hình thức trợ giúp từ đơn
giản đến phức tạp và rất phong phú như:
- Tư vấn, giải đáp pháp luật
- Đại diện để giải quyết các vụ kiện tụng tại tòa án
- Thực hiện bào chữa trong các vụ án hình sự
Tham gia phiên tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ
án hôn nhân và gia đình, dân sự, lao động.
II.Thực trạng pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư
1.Những quy định của pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý Luật sư
2.1. Nguyên tắc trợ giúp pháp lý
- Không thu phí, lệ phí, thù lao từ người được trợ giúp pháp lý;
- Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan;
- Sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất
quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;
- Tuân thủ pháp luật và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý, chịu trách nhiệm
trước pháp luật về nội dung trợ giúp pháp lý.
2.2. Đối tượng được trợ giúp pháp lý:



a) Đối tượng được trợ giúp pháp lý:
Theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp Pháp lý, đối tượng được trợ giúp pháp lý
là những người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và
trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiêu chí cụ thể đối với từng diện người được trợ giúp
pháp lý cần phải căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật. Cụ thể như sau:
- Người nghèo là người thuộc chuẩn hộ nghèo theo quy định của pháp luật. Việc
xác định hộ nghèo hiện nay được áp dụng theo Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày
08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai
đoạn 2006 - 2010. Theo đó ở khu vực nông thôn những hộ có mức thu nhập từ 200.000
đồng/người/tháng (2.400.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo, đối với khu vực
thành thị là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng
(3.120.000 đồng/người/năm).
- Người có công với cách mạng: là những người được hưởng chính sách ưu đãi
người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng bao
gồm: người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945, Bà mẹ Việt Nam
anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, thương binh,
người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị
nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt
tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa
vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng; cha, mẹ, vợ, chồng của liệt sĩ, con của
liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
- Người già cô đơn không nơi nương tựa: được áp dụng theo quy định của Pháp
lệnh về người cao tuổi. Đây là những người từ 60 tuổi trở lên, sống độc thân hoặc
không có người chăm sóc, phụng dưỡng.
- Người tàn tật không nơi nương tựa: được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh
về người tàn tật. Đây là những người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể
hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt
động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn mà không có ai nuôi

dưỡng, chăm sóc hoặc là người bị nhiễm HIV hoặc bị các bệnh khác làm mất năng lực
hành vi dân sự mà không có nơi nương tựa.
- Trẻ em không nơi nương tựa: sẽ được áp dụng theo quy định của Luật bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đây là người dưới mười sáu tuổi, không có gia đình hoặc
bị gia đình bỏ rơi, tự kiếm sống hoặc có hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc
tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hoà nhập với gia đình, cộng
đồng.
- Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn:Đây là người dân tộc thiểu số thường trú ở các huyện thuộc vùng dân tộc
thiểu số, miền núi cao hoặc miền núi, hải đảo được Chính phủ quy định cụ thể. Diện đối


tượng được hưởng trợ giúp pháp lý cũng như số lượng người được trợ giúp pháp lý đã
tăng lên đáng kể so với trước đây.
- Đối tượng khác theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
b) Quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý:
Quyền của người được trợ giúp pháp lý:
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện yêu cầu trợ giúp pháp
lý.
- Lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ
giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây :
+ Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một
bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hòa giải, giải đáp
pháp luật;
+ Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ
giúp pháp lý;
+ Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó;
+ Có căn cứ khác cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách
quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Đựơc bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật;
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý.
Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu
trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó.
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý
và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho
mình về một vụ việc đang được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp.
- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp
lý.
2.3.. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý đó là quy định 02 hình thức tổ chức thực hiện trợ giúp pháp
lý đó là:
a) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định
thành lập, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu,
trụ sở và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước do Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Trung tâm trợ giúp pháp


lý nhà nước có thể có chi nhánh. Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa
phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập Chi nhánh theo đề
nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
b) Các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý bao gồm: Tổ chức hành nghề luật sư và
Tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề
nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
1.4.. Phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý xác định phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý theo lãnh thổ và
vụ việc.
a) Theo đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cấp tỉnh thực hiện trợ giúp pháp
lý trong phạm vi sau đây:
-Người được trợ giúp pháp lý đang cư trú tại địa phương;
-Vụ việc trợ giúp pháp lý xảy ra tại địa phương;
-Vụ việc trợ giúp pháp lý do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác chuyển đến.
b) Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật sẽ tham gia trợ giúp pháp lý
trong phạm vi đăng ký.
Ngoài ra, còn phải đảm bảo yêu cầu :"Vụ việc trợ giúp pháp lý phải liên quan đến
quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không thuộc lĩnh vực kinh
doanh, thương mại".(Điều 5)
2.5. Các hình thức trợ giúp pháp lý
a) Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản; tư vấn trực
tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua trợ
giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và
các phương thức khác. Người thực hiện tư vấn pháp luật sẽ hướng dẫn, giải đáp, đưa ra
ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ
giúp pháp lý với thời gian giải quyết là:
+ Đối với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tư vấn ngay.
+ Đối vối vụ việc phức tạp: 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các
giấy tờ, tài liệu cần bổ sung (đối với vụ việc cần xác minh có thể kéo dài nhưng không
quá 30 ngày)
+ Đối với vụ việc được chuyển đến bằng thư tín: 15 ngày kể từ ngày nhận được
yêu cầu trợ giúp pháp lý.
b) Tham gia tố tụng: Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư tham gia tố tụng hình sự với tư
cách người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi; hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính.
Khi người được trợ giúp pháp lý yêu cầu cử người tham gia tố tụng, trong thời hạn
không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Trung tâm trợ giúp pháp lý

nhà nước hoặc tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm cử người thực hiện trợ giúp
pháp lý tham gia tố tụng.


c) Đại diện ngoài tố tụng: Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện đại diện ngoài
tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý khi họ không thể tự bảo vệ được quyền, lợi ích
hợp pháp của mình.
Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ
giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức hành nghề luật sư có trách
nhiệm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý làm đại diện ngoài tố tụng cho người được
trợ giúp pháp lý.
Khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng, người đại diện có trách nhiệm sử dụng các
biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho
người được trợ giúp pháp lý trong phạm vi yêu cầu của họ.
d) Các hình thức trợ giúp pháp lý khác được thực hiện bằng việc giúp đỡ người
được trợ giúp pháp lý hoà giải, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành
chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà
nước, tổ chức hành nghề luật sư cử người thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý khác
cho họ.
2.6.Mô hình trợ gíup pháp lý ở Việt Nam
Tổ chức TGPL của nhà nước
- Ở Trung ương có Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp. Cục TGPL có chức năng giúp Bộ
trưởng Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước về TGPL trong phạm vi toàn quốc và quản lý,
hướng dẫn nghiệp vụ TGPL đối với các tổ chức thực hiện TGPL.
- Ở địa phương có Trung tâm TGPL nhà nước thuộc Sở Tư pháp các tỉnh thành phố trực
thuộc trung ương. Trung tâm có các phòng nghiệp vụ và Chi nhánh ở cấp huyện. Hiện
nay cả nước có 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 132 Chi nhánh của các Trung tâm được
thành lập ở cấp huyện.
Tổ chức tham gia TGPL

Tổ chức tham gia TGPL gồm có:
- Các tổ chức hành nghề luật sư: Văn phòng luật sư, Công ty luật được thành lập theo
pháp luật về luật sư, thực hiện TGPL theo pháp luật về luật sư hoặc có đăng ký tham
gia thực hiện TGPL tại Sở Tư pháp;
- Trung tâm tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội
nghề nghịêp được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày
26/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho
thành viên của mình và thực hiện TGPL cho người được TGPL theo Nghị định số
77/NĐ-CP hoặc có đăng ký tham gia TGPL tại Sở Tư pháp.
Đến nay đã có 129 tổ chức hành nghề luật sư và 33 Trung tâm tư vấn pháp luật (Văn
phòng tư vấn pháp luật) trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị, xã
hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp
pháp lý.
Các tổ chức khác


- Các Văn phòng TGPL cho phụ nữ được thành lập thí điểm tại Hà Nội, Bắc Giang,
Thái Bình, Khánh Hòa ...thực hiện TGPL cho phụ nữ trong khuôn khổ một số Dự án
hợp tác quốc tế và được Dự án hỗ trợ kinh phí hoạt động.
- Câu lạc bộ TGPL được thành lập ở các xã nghèo thuộc các Chương trình giảm nghèo
của Nhà nước. Hiện nay có4.132 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập ở các xã
nghèo.
Ngoài ra còn có các Câu lạc bộ pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Người thực hiện TGPL
Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm : Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên, Luật
sư và Tư vấn viên pháp luật.
Đến nay, trong toàn quốc có 272 Trợ giúp viên pháp lý và gần 9.000 Cộng tác viên trợ
giúp pháp lý. Trong số Cộng tác viên trợ giúp pháp lý có 1.031 người là luật sư, số còn
lại là các cán bộ pháp luật đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức khác nhau hoặc đã

nghỉ hưu. Trợ giúp viên và Cộng tác viên trợ giúp pháp lý đang là lực lượng chủ yếu
thực hiện trợ giúp pháp lý.
2.Thực tiễn thi hành quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý của luật sư
Luật trợ giúp pháp lý và Luật Luật sư cùng chính thức có hiệu lực thi hành bắt
đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2007. Với hai đạo luật cơ bản này, một hành lang pháp lý
đã được hình thành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở cho hoạt động trợ giúp pháp lý phát
triển cũng như góp phần giải quyết những trở ngại trong công tác tìm kiếm các cộng tác
viên trợ giúp pháp lý miễn phí tại các trung tâm và các chi nhánh hoạt động trợ giúp.
Trên cơ sở những quy định của pháp luật, sau gần 13 năm hình thành và phát
triển, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình
thức khác nhau (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, hòa giải,
hướng dẫn thủ tục hành chính, khiếu nại) trong tất cả các lĩnh vực pháp luật cho hơn 1,3
triệu lượt người (hơn 48% là phụ nữ), trong đó có59,7% người nghèo, 14,9% người có
công với cách mạng, 3,8% người dân tộc thiểu số, 5,2% trẻ em và 6,4% người thuộc
các nhóm đối tượng khác (người tàn tật, bị nhiễm HIV,...)
Luật sư cũng đã được Nhà nước ta tạo điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý về thủ
tục hành chính. Sở Tư pháp – Công an – Viện kiểm sát nhân dân – Tòa án nhân dân
thành phố đã ban hành Quy chế liên ngành số 58/QCLN/TP-CA-VKS-TA ngày 10
tháng 06 năm 2006 về hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự. Trong đó tháo
gỡ khá nhiều vướng mắc đối với hoạt động của luật sư khi tham gia bào chữa tại các vụ
án hình sự. Cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ giảm bớt các thủ tục hành chính không
cần thiết, tạo điều kiện cho luật sư do trung tâm giới thiệu trong việc cấp giấy chứng
nhận người bào chữa, nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với các đối tượng và thực hiện các
quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, còn thực
hiện xác nhận cho luật sư về thời gian nghiên cứu hồ sơ, thời gian tiếp xúc đối tượng tại
nơi tạm giam, tạm giữ. Mặt khác, đối với những người bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà
trong hồ sơ vụ án thể hiện là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất,
tâm thần thì các cơ quan tiến hành tố tụng thông báo bằng văn bản cho trung tâm mà
không cần đơn của đối tượng….



Nhưng trên thực tế hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư còn nhiều hạn chế. Cụ
thể là:
2.1.Về chủ thể tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý là luật sư:
Thứ nhất, hiện nay, nhiều luật sư không mặn mà đối với hoạt động trợ giúp pháp lý,
nguyên nhân là do:
+ Một là, quyền và nghĩa vụ của luật sư chưa được pháp luật bảo đảm và quy định rõ,
cũng như vị thế còn quá yếu trong tố tụng. Điều này ít nhiều cũng không khuyến khích
các cử nhân luật trẻ trở thành luật sư.
+ Hai là, vấn đề kinh tế và đạo đức nghề nghiệp: trong Luật Luật sư quy định, mỗi luật
sự phải thực hiện 80 giờ làm công tác trợ giúp pháp lý miễn phí trong một năm. Ngoài
ra cũng khuyến khích luật sư có thể làm thêm. Trợ giúp pháp lý chủ yếu là trên cơ sở tự
nguyện. Nếu so sánh thù lao với việc bảo vệ quyền lợi, bào chữa theo tố tụng trả phí
của Luật Luật sư thì luật sư giỏi tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí là rất khó vì luật sư
tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí là thể hiện sự tự nguyện của họ. Trong khi đó, thu
nhập thực tế của các luật sư khi thực hiện các dịch vụ pháp lý có thù lao cao hơn rất
nhiều.
Chính những vấn đề về pháp lý, đạo lý và thực tiễn đó đã tạo nên rào cản vô hình ngăn
luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư không tham gia trợ giúp pháp lý. Nhưng thực
chất, cốt lõi của vấn đề chính là sự nhiệt tình, tự nguyện, tích cực của bản thân mỗi luật
sư trong công việc này.
Thứ hai, năng lực của đội ngũ luật sư thực hiện TGPL còn có những hạn chế.
Đội ngũ người thực hiện TGPL nói chung còn thiếu về số lượng và chưa có kỹ năng,
kinh nghiệm thực hiện TGPL cho từng đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý. Đặc biệt
tỷ lệ người thực hiện TGPL là nữ còn rất ít, chưa có nhiều chuyên gia nữ, lại chưa được
trang bị kỹ năng tiếp xúc, tâm lý làm việc với từng đối tượng và giải quyết các vấn đề
nhạy cảm có liên quan tới các đối tượng nên hiệu quả TGPL chưa cao.
2.2. Về đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý
Điều kiện tiếp nhận thông tin hạn chế, sự kém hiểu biết pháp luật và tâm lý e ngại của
các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý.

Hầu hết các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý là những người có hoàn cảnh khó
khăn, họ có trình độ dân trí còn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, không rõ về các quyền
và nghĩa vụ của mình. Do điều kiện tiếp nhận thông tin hạn chế nên họ không biết đến
tổ chức trợ giúp pháp lý để yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.
Theo điều tra chỉ có 6% số dân biết về hoạt động trợ giúp pháp lý mặc dù nhu cầu trợ
giúp pháp lý của nhân dân rất lớn và trên thực tế công tác này cũng chưa đáp ứng được
yêu cầu của đông đảo quần chúng. Số lượng cán bộ pháp lý, Cộng tác viên thời gian tại
các Trung tâm Trợ giúp pháp lý của Nhà nước chưa nhiều. Công tác trợ giúp pháp lý
lưu động đến vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, hàng năm đã triển khai nhưng cũng
có những hạn chế nhất định, đội ngũ luật sư hiện nay đã phát triển nhanh chóng về số
lượng và chất lượng, tuy nhiên so với nhu cầu về dịch vụ pháp lý và xu thế gia tăng của
nhu cầu này trong những năm tới thì số lượng luật sư ở nước ta còn chưa tương xứng.


Nếu so sánh số lượng luật sư trên số dân với một số nước trong khu vực và trên thế giới
thì thấy rõ tỉ lệ này ở nước ta còn quá thấp (tỉ lệ số luật sư trên dân số ở Việt Nam là
1/14.500, ở Singapore là 1/1.000, ở Thái Lan là 1/1.200, ở Nhật Bản là 1/4.500, ở Mỹ là
1/250…). Thậm chí, một số tỉnh chưa có đủ luật sư để thành lập Đoàn luật sư.
2.3. Về chủ trương, chính sách của Nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật

Thứ nhất, Việc quán triệt, nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan, ban
ngành, các cấp chính quyền chưa đầy đủ, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chưa
nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực, biên chế, cơ sở vật chất, kinh
phí hoạt động. Ví dụ đối với nạn buôn bán phụ nữ trẻ em hiện nay đa số các địa phương
chưa có biện pháp phòng ngừa tích cực tệ nạn như tuyên truyền đến từng gia đình,
người dân về chính sách pháp luật, về thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của bọn tội phạm đề
người dân nâng cao cảnh giác; khảo sát, nắm tình hình phụ nữ, trẻ em bị buôn bán để
phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời những kẻ buôn người;
chưa có chương trình hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả những phụ nữ, trẻ em bị lừa bán (nhất là
bị buôn bán ra nước ngoài) trở về được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục cộng

đồng, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, tư vấn về tâm lý để họ sớm
hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Thứ hai, những quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý của luật sư còn hạn chế như
Theo pháp luật về TGPL thì chỉ có người nghèo, người có công với cách mạng, người
già cô đơn, người tàn tất, người nhiễm HIV, nhiễm chất độc hóa học không nơi nương
tựa và người dân tộc sống ở các vùng đặc biệt khó khăn mới được TGPL. Ngoài những
đối tượng trên không thuộc diện được TGPL miễn phí, kể cả những người là nạn nhân
của tội buôn bán phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình... Do vậy, việc thực hiện trợ
giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của tội buôn bán phụ nữ và nạn nhân của bạo lực
gia đình mới chỉ được triển khai thí điểm ở một số địa phương trong khuôn khổ các dự
án hợp tác quốc tế mà chưa được mở rộng trong phạm vi toàn quốc. Khi hêt dự án thì
các tổ chức này cũng ngừng hoạt động.
Hiện nay pháp luật cũng chưa quy định tổ chức TGPL đặc thù dành riêng cho từng đối
tượng, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ
quan, tổ chức trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được hưởng trợ giúp pháp
lý, do vậy hiệu quả phối hợp chưa cao.
III.Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư
1. Phương hướng chung hoàn thiện
Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định “ Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc
thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, khuyến khích, tạo điều kiện để Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, cơ
quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp
pháp lý”. Tuy nhiên, hiện tại pháp luật lại không quy định bắt buộc luật sư phải tham


gia trợ giúp pháp lý, hình thức tham gia như thế nào, nội dung tham gia ra sao, thời gian
tham gia đến đâu, không có quy định rõ, cụ thể mà chỉ mang tính khuyến khích, động
viên nên tham gia trợ giúp pháp lý là tùy theo khả năng, trách nhiệm với xã hội của
từng luật sư. Do đó, sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý nói chung
và hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư nói riêng là rất cần thiết. Cần một chiến lược

cụ thể thực sự cho hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Với đặc điểm của hoạt động trợ giúp pháp lý, để nâng cao hiệu quả của công việc này
cần tiến hành những việc sau:
- Xác lập mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ trợ giúp pháp
lý trao đổi về những thông tin tư liệu, nêu yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
tại địa bàn trong từng thời kỳ;
- Tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi phương pháp, kinh nghiệm tốt về phổ biến, giáo
dục pháp luật qua trợ giúp pháp lý;
- Tổ chức các hội thi nhằm rút ra những phương pháp hay, kinh nghiệm tốt về phổ
biến, giáo dục pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý;
- Đưa vào chuyên trang, chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng những kinh
nghiệm tốt về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý;
- Có những biện pháp khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với những người làm tốt
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua trợ giúp pháp lý.
Kết luận
Luật sư là một nghề cao quý, đã đang và sẽ được xã hội tôn vinh, giới luật sư Việt
Nam đã có Liên đoàn Luật sư, các Đoàn luật sư tỉnh, thành phố. Đó là điều kiện rất tốt để
luật sư phát triển, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước, cho xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh. Luật sư càng được trân trọng hơn khi họ không lấy lợi ích vật chất làm
mục đích duy nhất mà còn biết tích cực tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí.
Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư khi tham gia trợ giúp pháp lý sẽ có điều kiện, có
cơ hội tiếp xúc với những người bất hạnh nhưng có nghị lực vươn lên, tiếp cận với những
người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn giữ cuộc sống trong sạch. Cũng chính từ đó sẽ
mang lại cho luật sư sự tin yêu cuộc sống, nghị lực để làm việc và cống hiến tốt hơn.
Chúng ta hãy tin rằng thời gian tới, công tác trợ giúp pháp lý sẽ có thêm nhiều cộng tác
viên là luật sư tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý bằng cả nhiệt huyết, sự tự nguyện,
vô tư nhằm góp phần bảo vệ công lý và công bằng xã hội.
Danh muc tài liệu tham khảo
-Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam 2011;

-Luật Luật sư năm 2006;
-Luật trợ giúp pháp lý năm 2006;
-Pháp lệnh luật sư năm 2001;
-Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987;
-Sắc lệnh số 46/SL ngày 10 tháng 10 năm 1945;
-Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 09 năm 1997;


-Tập bài giảng Luật sư và nghề Luật sư, Học viện tư pháp, ThS.Nguyễn Hữu ƯớcTS.Nguyễn Văn Điệp (chủ biên), Hà Nội, 2011.
-Bài viết: “Những mô hình trợ giúp pháp lý và bài học kinh nghiệm thực hiện trợ giúp
pháp lý cho phụ nữ”, TS. Trần Huy Liệu, Phó Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư
pháp) trên website của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
-website:





×