Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (169.95 KB, 15 trang )

MỞ ĐẦU
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta
đã chủ trương mở cửa hội nhập và giao lưu với mọi dân tộc trên thế giới. Hoạt động ủy
thác mua bán hàng hóa tuy mới diễn ra trong những năm trở lại đây nhưng nó đã có
nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Trong thời kỳ
của sự chuyên môn hóa, hợp tác hóa phát triển cao độ thì yếu tố thời cơ được các doanh
nghiệp đặc biệt quan tâm xem xét, với ủy thác xuất nhập khẩu thì hình thức xuất nhập
khẩu “door to door” hiện nay được dùng rất phổ biến.
Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa trong những năm qua đã có những chuyển
biến tích cực. Không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ với các công ty
kinh doanh trong và ngoài nước; mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các công ty đó mà
còn tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tăng
trưởng kinh tế của đất nước nói chung. Đồng thời bảo đảm yếu tố thời cơ đối với các
công ty kinh doanh, hoặc kịp thời tái sản xuất đối với những đơn vị sản xuất; củng cố và
xây dựng uy tín cho công ty trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm
thì cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, bởi trên thực tế đây là hoạt động hay xảy
ra khiếu nại tranh chấp vì thiếu sự đồng bộ thống nhất giữa đơn vị nhận ủy thác và đơn
vị ủy thác cũng như từ phía nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về hoạt động ủy thác, nhóm em
đi vào giải quyết tình huống nêu sau:
“Doanh nghiệp A (Việt Nam) uỷ thác cho Doanh nghiệp B (Việt Nam) nhập giày
phụ nữ để bán vào mùa đông với kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc theo đúng yêu cầu của A.
Theo những nội dung đó, B ký hợp đồng mua lô hàng trên của Doanh nghiệp C (Trung
quốc) để chuyển cho A. Do có sự biến động trên thị trường nên C đã không có đủ hàng
để giao theo thoả thuận, C thông báo với B sẽ chậm giao hàng trong thời hạn 2 tháng.
Vì vậy, B cũng không có hàng để giao cho A. Vì không có hàng để bán vào mùa đông,
và đến khi hàng được giao thì đã hết thời điểm có thể bán được nên A chịu rất nhiều
thiệt hại. Do đó, A đã phát đơn kiện B ra Trung tâm Trọng tài Kinh tế Hà Nội yêu cầu
B phải bồi thường thiệt hại cho A.”

1



Do còn hạn chế về mặt kiến thức cũng như vốn hiểu biết ngoài thực tiễn nên bài
làm không tránh khỏi sai sót. Rất mong thầy cô góp ý để bài làm được hoàn thiện hơn
và chúng em cũng có thể bổ sung những thiếu sót về kiến thức của mình.
Em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN:
1. Khái niệm ủy thác mua bán hàng hóa:
Khái niệm ủy thác mua bán thương mại được ghi nhận trong Điều 155 Luật
thương mại năm 2005 như sau: “Ủy thác mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại,
theo đó bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa với danh nghĩa của mình
theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác và được nhận thù lao ủy thác”.
2. Đặc điểm ủy thác mua bán hàng hóa:
Ủy thác mua bán hàng hóa có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa được xác lập giữa bên ủy thác và
bên nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác mua bán hàng hóa là thương nhân kinh doanh mặt
hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác và thực hiện mua bán hàng hóa theo những
điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác. Thương nhân nhận ủy thác có thể nhận ủy thác
mua bán hàng hóa cho nhiều bên ủy thác khác nhau (Điều 161 Luật thương mại 2005).
Bên ủy thác là bên giao cho bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa theo yêu
cầu của mình và không nhất thiết phải có tư cách thương nhân. Quan hệ ủy thác có thể
bao gồm ủy thác mua và ủy thác bán hàng hóa. Trong thực tế, đôi khi ủy thác còn được
gọi là kí gửi. Chẳng hạn: Thợ thủ công, nghệ nhân nhờ thương nhân có cửa hàng, cửa
hiệu bán sản phẩm, tác phẩm của mình, người có đồ cũ, đồ cổ nhờ bán kí gửi.
Giống quan hệ đại diện cho thương nhân bên nhận ủy thác phải có tư cách thương
nhân và tiến hành hoạt động mua, bán hàng hóa theo sự ủy quyền và vì lợi ích của bên
ủy thác để lấy thù lao. Nhưng khác với quan hệ đại diện cho thương nhân, bên nhận ủy
thác khi giao dịch với bên thứ ba sẽ nhân danh chính mình và những hành vi của bên
nhận ủy thác sẽ mang lại hậu quả pháp lí cho chính họ chứ không phải cho bên ủy thác.

2


Thứ hai, nội dung của hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa bao gồm việc giao
kết, thực hiện hợp đồng ủy thác giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác và giao kết, thực
hiện hợp đồng mua bán hàng hóa giữa bên nhận ủy thác với bên thứ ba theo yêu cầu của
bên ủy thác. Nội dung của hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa hẹp hơn so với nội dung
của hoạt động đại diện cho thương nhân. Bên đại diện cho thương nhân có thể được bên
giao đại diện ủy quyền thực hiện nhiều hành vi thương mại khác nhau, trong khi bên
nhận ủy thác chỉ được bên ủy thác ủy quyền mua hoặc bán hàng hóa cụ thể nào đó cho
bên thứ ba. Hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa cũng rất khác hoạt động môi giới
thương mại. Bên môi giới thương mại không giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc
hợp đồng cung ứng dịch vụ thương mại. Những hợp đồng này do các bên được môi giới
giao kết trực tiếp với nhau. Bên môi giới không tham gia quá trình thực hiện hợp đồng.
Còn bên nhận ủy thác trực tiếp giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa với
bên thứ ba.
Trong thực tế, vì nhiều lí do khác nhau mà ủy thác mua bán hàng hóa đã trở nên
phổ biến trong quan hệ ủy thác xuất nhập khẩu khi một đơn vị sản xuất kinh doanh
trong nước do không có điều kiện xuất nhập khẩu trực tiếp (không có nghiệp vụ xuất
nhập khẩu) ủy thác cho đơn vị chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu để thực hiện các hoạt
động mua, bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài theo những yêu cầu của mình.
Thứ ba, việc ủy thác mua bán phải được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng ủy
thác mua bán hàng hóa phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị
pháp lí tương đương.
Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa được giao kết giữa bên ủy thác và bên nhận
ủy thác. Bên ủy thác có thể là tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu mua bán hàng hóa. Bên
nhận ủy thác phải là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy
thác. Trong trường hợp, bên nhận ủy thác giao kết hợp đồng ủy thác không nằm trong
phạm vi kinh doanh của mình thì hợp đồng đó vi phạm Điều 156 Luật thương mại năm
2005 và có thể bị tuyên bố vô hiệu.

Theo Điều 518 Bộ luật dân sự năm 2005, hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa là
một loại hợp đồng dịch vụ, do đó đối tượng của hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa là
công việc mua bán hàng hóa do bên nhận ủy thác tiến hành theo sự ủy quyền cảu bên ủy
thác. Hàng hóa được mua bán theo yêu cầu của bên ủy thác là đối tượng của hợp đồng
3


mua bán giao kết giữa bên nhận ủy thác với bên thứ ba chứ không phải đối tượng của
hợp đồng ủy thác.
Khi giao kết hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, các bên có thể thỏa thuận và
ghi vào hợp đồng các điều khoản sau: hàng hóa được ủy thác mua bán; số lượng, chất
lượng, quy cách, giá cả và các điều kiện cụ thể khác của hàng hóa được ủy thác mua
hoặc bán; thù lao ủy thác; thời hạn thực hiện hợp đồng ủy thác. Ngoài ra, tùy từng
trường hợp cụ thể mà các bên có thể thỏa thuận và ghi vào hợp đồng những nội dung
khác như các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng; trách nhiệm giải quyết khiếu nại
với khách hàng; trách nhiệm tài sản của các bên khi vi phạm hợp đồng; thủ tục phải giải
quyết tranh chấp, các trường hợp miễn trách nhiêm.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa:
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa trước hết
được thể hiện trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa được giao kết giữa các bên
nhưng để bảo vệ quyền lợi của các bên trong trường hợp hợp đồng không quy định
quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau hoặc quy định chưa rõ ràng thì các quyền
và nghĩa vụ đó sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy thác đối với bên ủy thác:
3.1.1. Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác:
Điều 165 Luật thương mại năm 2005 quy định trừ trường hợp có thỏa thuận khác,
bên nhận ủy thác có nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện việc mua bán hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng ủy
thác: Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác cần tuân
thủ đầy đủ các thỏa thuận với bên ủy thác về việc giao kết cũng như thực hiện hợp đồng

với bên thứ ba. Đó là những thỏa thuận vè số lượng, chất lượng, quy cách, giá cả của
hàng hóa được ủy thác mua hoặc bán. Nếu bên nhận ủy thác vi phạm các quy định của
hợp đồng ủy thác dẫn tới việc kí hợp đồng mua bán hàng hóa với bên thứ ba gây thiệt
hại cho bên ủy thác (ví dụ: kí hợp đồng bán hàng thấp hơn giá do bên ủy thác ấn định)
thì bên nhận ủy thác có trách nhiệm đền bù cho bên ủy thác những thiệt hại phát sinh.
Nhưng nếu bên nhận ủy thác kí hợp đồng với khách hàng theo những điều kiện thuận
lợi hơn so với các điều kiện bên ủy thác đặt ra thì Luật thương mại Việt Nam không quy
4


định cụ thể khoản chênh lệch đó thuộc về bên ủy thác hay bên nhận ủy thác. Do đó, trên
thực tế các bên có thể thỏa thuận cụ thể để phân chia phần lợi chênh lệch này.
Bên nhận ủy thác kí hợp đồng mua bán hàng hóa với bên thứ ba và phải tự mình
thực hiện hợp đồng ủy thác mua hoặc bán hàng hóa đã kí, không được ủy thác lại cho
bên thứ ba thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận bằng văn bản của bên
ủy thác (Điều 160 Luật thương mại năm 2005).
Thứ hai, thông báo cho bên ủy thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện
hợp đồng ủy thác, ví dụ như những biến động của thị trường, các yêu cầu cụ thể của bên
thứ ba, khả năng giao kết hoặc không giao két được hợp đồng với bên thứ ba, việc thực
hiện hợp đồng của bên thứ ba…
Thứ ba, thực hiện các chỉ dẫn của bên ủy thác phù hợp với thỏa thuận. Khi nhận
được những chỉ dẫn cụ thể của bên ủy thác, bên nhận ủy thác phải nghiêm chỉnh thực
hiện, trừ trường hợp chỉ dẫn đó là trái với các quy định của pháp luật hoặc không phù
hợp với hợp đồng ủy thác. Bên nhận ủy thác cũng có thể không thực hiện chỉ dẫn của
bên ủy thác nếu việc thực hiện theo các chỉ dẫn này có khả năng gây thiệt hại cho bên
ủy thác và bên nhận ủy thác không thể chờ xin chỉ dẫn mới của bên ủy thác.
Thứ tư, bảo quản những tài sản, tài liệu mà bên ủy thác giao cho bên nhận ủy thác
để thực hiện công việc ủy thác. Bên nhận ủy thác phải chịu trách nhiệm trước bên ủy
thác về sự mất mát, hư hỏng tài sản, tài liệu mà bên ủy thác giao, trừ trường hợp chứng
minh được những mất mát, hư hỏng xảy ra không do lỗi của mình.

Thứ năm, thanh toán tiền hàng (nếu được ủy thác bán hàng); giao hàng mua được
(nếu được ủy thác mua hàng) cho bên ủy thác theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy
thác.
Thứ sáu, giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng
ủy thác.
Thứ bảy, liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác
nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
3.1.2. Quyền của bên nhận ủy thác:
Bên nhận ủy thác có các quyền sau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận kkhacs
(Điều 164 Luật thương mại năm 2005):
5


Thứ nhất, yêu cầu bên ủy thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực
hiện hợp đồng ủy thác;
Thứ hai, nhận thù lao ủy thác và các chi phí hợp lí khác;
Thứ ba, không chịu trách nhiệm về các hàng hóa đã bàn giao đúng thỏa thuận cho
bên ủy thác.
3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác đối với bên nhận ủy thác:
3.2.1. Nghĩa vụ của bên ủy thác:
Theo Điều 163 Luật thương mại năm 2005, bên ủy thác có các nghĩa vụ sau đây,
trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác:
Thứ nhất, cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện
hợp đồng ủy thác, kịp thời đưa ra các chỉ dẫn cụ thể phù hợp với hợp đồng ủy thác để
bên nhận ủy thác thực hiện công việc ủy thác;
Thứ hai, thanh toán cho bên nhận ủy thác thù lao ủy thác và các chi phí hợp lí
khác cho bên nhận ủy thác.
Thứ ba, giao tiền, giao hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác.
Thứ tư, liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận ủy thác vi phạm
pháp luật mà nguyên nhân do bên ủy thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp

luật.
3.2.2. Quyền của bên ủy thác:
Bên ủy thác có các quyền sau, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều
162 Luật thương mại năm 2005):
Thứ nhất, yêu cầu bên nhận ủy thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp
đồng ủy thác;
Thứ hai, không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận ủy thác vi phạm
pháp luật, trừ trường hợp bên nhận ủy thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên
ủy thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
4. Chấm dứt hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa:
Pháp luật thương mại không quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy
thác mua bán hàng hóa nhưng căn cứ vào Điều 424 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp
đồng này chấm dứt trong các trường hợp do các bên thỏa thuận và trong những trường
6


hợp sau: (i) hết thời hạn ủy thác; (ii) mục đích ủy thác đã hoàn thành; (iii) một trong các
bên tham gia hợp đồng chết, mất hoặc bị hạn chết năng lực hành vi dân sự, bên nhận ủy
thác mất tư cách thương nhân; (iv) hợp đồng ủy thác bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt
thực hiện.
Pháp luật thương mại hiện hành không quy định về quyền đơn phương chấm dứt
hợp đồng của các bên tham gia hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, tuy nhiên vì hợp
đồng này là hợp đồng dịch vụ nên căn cứ vào Điều 525 Bộ luật dân sự năm 2005, bên
ủy thác có quyền đơn phương chấm dứt việc thực hiện hợp đồng nếu việc tiêp tục thực
hiện dịch vụ không có lợi cho mình nhưng phải thông báo cho bên nhận ủy thac biết
trước một thời gian hợp lí và thanh toán tiền công cho phần dịch vụ đã tiến hành và bồi
thường thiệt hại. Nếu bên ủy thác không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện
không đúng theo thỏa thuận thì bên nhận ủy thác có quyền đơn phương chấm dứt thực
hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
II. GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG:

1. Cần phải làm rõ những vấn đề gì để biết Doanh nghiệp B có phải bồi thường
thiệt hại cho doanh nghiệp A hay không?
Sơ đồ mối quan hệ
Doanh nghiệp B
(Việt Nam)
Bên nhận ủy thác
Hợp đồng ủy thác mua bán
hàng hóa
Doanh ngiệp A
(Việt Nam)
Bên ủy thác

Hợp đồng mua bán
hàng hóa
Doanh nghiệp C
(Trung Quốc)
Bên thứ ba

Theo tình huống đã cho, ta có sơ đồ mối quan hệ như trên. Trong đó: doanh
nghiệp A là bên ủy thác, doanh nghiệp B là bên nhận ủy thác, doanh nghiệp C là bên
thứ ba; doanh nghiệp A và doanh nghiệp B ràng buộc trách nhiệm pháp lý với nhau bởi
7


hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, doanh nghiệp B và doanh nghiệp C ràng buộc
trách nhiệm pháp lý với nhau bởi hợp đồng mua bán hàng hóa.
Khái quát lại tình huống như sau: trong tình huống, A ủy thác cho B nhập giày
phụ nữ để bán vào mùa đông với những tiêu chí về kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc theo yêu
cầu của A; và B có toàn quyền trong việc đi tìm đối tác, thỏa thuận và ký kết hợp đồng
nhằm mua được mặt hàng như đã thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa

với A. Do đó, khi C đáp ứng được các yêu cầu về mặt hàng này, B và C đã ký kết một
hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, do có sự biến động thị trường nên C đã không
kịp giao hàng theo đúng thời hạn đã thỏa thuận với B, do đó, C đã thông báo cho B biết
về sự chậm trễ của mình và hẹn giao hàng cho B chậm hai tháng so với thỏa thuận. Do
đó, B cũng không có hàng để giao cho A như đã thỏa thuận. Để xác định B có phải bồi
thường cho A hay không ta cần làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định hành vi vi phạm xảy ra trong tình huống:
Hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi xử sự trái với những cam kết đã thỏa thuận
trong hợp đồng. Trong tình huống này, ta xác định:
+ Trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa B và C, C là bên có hành vi vi phạm hợp
đồng. Bởi lẽ, việc làm này của C đã vi phạm vào quy định về thời hạn giao hàng trong
hợp đồng mua bán hàng hóa theo khoản 1, Điều 37 Luật thương mại năm 2005: “Bên
bán phải giao hàng đúng thời điểm giao hàng đã thỏa thuận trong hợp đồng”.
+ Trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa giữa A và B, B là bên có hành vi vi
phạm hợp đồng. Theo Điều 165 Luật thương mại năm 2005 về nghĩa vụ của bên nhận
ủy thác, B có nghĩa vụ “thực hiện mua bán hàng hóa theo thỏa thuận” (khoản 1);
“thông báo cho bên ủy thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng ủy
thác” (khoản 2); “giao tiền, giao hàng đúng thỏa thuận” (khoản 6). Ở đây, B đã không
làm tròn nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn như đã thỏa thuận với A lúc ký kết hợp đồng
ủy thác mua bán hàng hóa, tức là, đã không thực hiện việc mua bán hàng hóa như đã
thỏa thuận với A. Do đó, B đã vi phạm hợp đồng theo quy định tại Điều 165 nói trên.
Nhưng ở đây cần lưu ý, việc B vi phạm hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa đã
thỏa thuận với A xuất phát từ chính hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa của C.
Ngoài ra, hành vi vi phạm của C (không giao hàng đúng thỏa thuận) không nên hiểu là
8


hành vi đó xảy ra là do sự kiện bất khả kháng để trốn tránh trách nhiệm. Vì sự biến
động thị trường không được xem là một sự kiện bất khả kháng.
Thứ hai, xác định thiệt hại thực tế phát sinh trong tình huống:

Có thiệt hại thực tế mới có cơ sở để áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại, đó là
nguyên tắc đầu tiên của chế định bồi thường thiệt hại.
Trong tình huống này, mặt hàng mà A ủy thác cho B mua đó là “giày phụ nữ để
bán vào mùa đông”, tức là mặt hàng mang tính chất thời vụ. Chính vì vậy, khi nhận
được hàng chậm hai tháng so với thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa
với B, A đã phải chịu rất nhiều thiệt hại do hết thời điểm có thể bán mặt hàng này ra
ngoài thị trường. Ở đây, xác định thiệt hại thực tế xảy ra thuộc về A, do A mất đi khoản
lợi nhuận mà đáng lẽ được hưởng từ việc bán mặt hàng nói trên.
Thứ ba, xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại
thực tế đã phát sinh:
Sau khi đã xác định được có hành vi vi phạm và có thiệt hại thực tế xảy ra, cần
xem xét có mối quan hệ nhân quả nào giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế đã xảy
ra đó hay không. Từ đó, mới có căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ở đây, hành vi vi phạm hợp đồng của B được xác định là xảy ra trước thiệt hại
mà A phải gánh chịu. Và nguyên nhân A gánh chịu thiệt hại chính là do B đã không
hoàn thành nghĩa vụ như đã thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa với
A, đó là: nghĩa vụ giao hàng đúng thời hạn. Vì vậy, rõ ràng có mối quan hệ nhân quả
giữa hành vi vi phạm của B và thiệt hại của A.
Thứ tư, xác định yếu tố lỗi:
Trong tình huống này, doanh nghiệp B có lỗi. Bởi rõ ràng hành vi vi phạm thỏa
thuận trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa của B đã dẫn tới thiệt hại cho A.
Từ việc phân tích, làm rõ những vấn đề nêu trên, ta kết luận: doanh nghiệp C có
trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp B do vi phạm hợp đồng mua
bán hàng hóa. Và doanh nghiệp B phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi
phạm hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp A.
2. Nếu cũng trong tình huống trên, Doanh nghiệp B không phải là bên nhận ủy
thác của Doanh nghiệp A mà là đại lý của doanh nghiệp A thì có gì khác biệt
không? Tại sao?
9



Sơ đồ mối quan hệ
Doanh nghiệp B
(Việt Nam)
Bên đại lý
Hợp đồng đại lý
thương mại
Doanh ngiệp A
(Việt Nam)
Bên giao đại lý

Hợp đồng mua bán
hàng hóa
Doanh nghiệp C
(Trung Quốc)
Bên thứ ba

Trong trường hợp doanh nghiệp B không phải là bên nhận ủy thác của doanh
nghiệp A mà là đại lý của doanh nghiệp A thì ta có sơ đồ mối quan hệ như trên. Trong
đó, doanh nghiệp A là bên giao đại lý, doanh nghiệp B là bên đại lý, doanh nghiệp C là
bên thứ ba; doanh nghiệp A và doanh nghiệp B ràng buộc trách nhiệm pháp lý với nhau
bởi hợp đồng đại lý thương mại, doanh nghiệp B và doanh nghiệp C ràng buộc trách
nhiệm pháp lý với nhau bởi hợp đồng mua bán hàng hóa.
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý
thỏa thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý
hoặc cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Về bản
chất, hoạt động đại lý không có gì khác so với hoạt động ủy thác. Tuy nhiên, hai hoạt
động này vẫn có một số điểm khác biệt. Từ việc giải quyết tình huống đã cho, ta sẽ thấy
được những điểm khác nhau cơ bản giữa hai hình thức hoạt động thương mại này. Cụ
thể:

Thứ nhất, điều kiện về chủ thể:
* Điều kiện đối với doanh nghiệp A:
- Trường hợp doanh nghiệp B là bên đại lý của doanh nghiệp A: Theo khoản 1,
Điều 167 Luật thương mại năm 2005: “Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá
cho đại lý bán hoặc giao tiền mua cho đại lý mua...”, tức là, theo quy định của pháp
luật, A phải là thương nhân. Với tư cách là bên giao đại lý, A sẽ tiến hành việc giao tiền
10


mua cho bên đại lý là B để B thực hiện việc nhập hàng là giày phụ nữ theo các tiêu
chuẩn mà A nêu ra và hai bên đã có sự thỏa thuận, thống nhất với nhau. Ngoài ra, để
thực hiện hoạt động đại lý, A phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng phù hợp với mặt
hàng giao đại lý.
- Trường hợp doanh nghiệp B là bên nhận ủy thác của doanh nghiệp A: ở trường
hợp này, A sẽ là bên ủy thác và theo quy định tại Điều 157 Luật thương mại năm 2005:
“Bên ủy thác mua bán hàng hóa là thương nhân hoặc không phải là thương nhân…”,
tức là, pháp luật không quy định A bắt buộc phải là thương nhân. Theo đó, A không
nhất thiết phải có đăng ký kinh doanh mặt hàng giày phụ nữ và giấy phép để tiến hành
việc nhập khẩu đối với mặt hàng này. Bởi thực chất, hoạt động ủy thác mua bán hàng
hóa là nhằm phục vụ cho nhu cầu mua bán hàng hóa của bên ủy thác, họ thường là
những người không có giấy phép hoặc không đủ điều kiện để tự mình thực hiện việc
mua bán hàng hóa với bên thứ ba theo quy định của pháp luật.
* Điều kiện làm trung gian đối với doanh nghiệp B:
- Trường hợp doanh nghiệp B là bên đại lý của doanh nghiệp A: pháp luật đã quy
định “bên đại lý phải là thương nhân, nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua
hàng để làm đại lý mua…”; ngoài ra, không có quy định nào khác về điều kiện làm
trung gian của doanh nghiệp B. Do đó, phát sinh ba quan điểm sau về điều kiện đối với
doanh nghiệp B: một là, bên đại lý phải có giấy đăng ký kinh doanh hàng hóa làm đại lý
thương mại; hai là, bên đại lý chỉ cần đăng ký kinh doanh hàng hóa phù hợp với hàng
hóa mà B làm đại lý; ba là, mọi thương nhân đều có thể làm đại lý thương mại. Tuy

nhiên, theo quan điểm của nhóm em, doanh nghiệp B đứng ra làm đại lý cho doanh
nghiệp A thì chỉ cần có đăng ký kinh doanh hàng hóa phù hợp với hàng hóa mà A giao
đại lý (tức là theo quan điểm thứ hai). Bởi vì theo quan điểm này sẽ có nhiều ưu điểm
hơn so với hai quan điểm còn lại, cụ thể, nó vừa bắt buộc phải đăng ký kinh doanh nên
Nhà nước dễ dàng quản lý, đồng thời cũng tạo cơ chế “thoáng”, năng động cho các
thương nhân hoạt động trong lĩnh vực đại lý. Trường hợp này, mặt hàng giao đại lý
được xác định là giày phụ nữ đi mùa đông; vì vậy chỉ cần có đăng ký kinh doanh mặt
hàng giày dép nói chung thì B đã có đủ khả năng để thực hiện hoạt động đại lý thông
qua hợp đồng đại lý thương mại với A. Ngoài ra, do B ký kết hợp đồng mua bán hàng
hóa với C (Trung Quốc) nên muốn nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường giày của
11


Trung Quốc về Việt Nam thì B phải có giấy phép để tiến hành việc nhập khẩu theo quy
định pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp B là bên nhận ủy thác của doanh nghiệp A: theo quy
định tại Điều 156 Luật thương mại năm 2005: “Bên nhận ủy thác mua bán hàng hóa là
thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác…”, tức là, pháp
luật quy định, với tư cách là bên nhận ủy thác, B phải là thương nhân, phải có đăng ký
kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác. Bên cạnh đó, B còn phải có
giấy phép theo quy định của pháp luật để thực hiện việc nhập khẩu mặt hàng A yêu cầu
– giày phụ nữ đi mùa đông. Ngoài ra, so với đại lý mua bán hàng hóa thì trong ủy thác,
bên nhận ủy thác phải tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bên ủy thác; vì vậy, bên đại lý sẽ
được tự do hơn so với bên nhận ủy thác trong việc lựa chọn đối tác, giao kết và thực
hiện hợp đồng.
Như vậy, về điều kiện làm trung gian đối với bên đại lý, do pháp luật chưa quy
định rõ ràng nên vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này.
Thứ hai, về phương thức thanh toán cho bên thứ ba:
Đối với hoạt động ủy thác, thông thường bên ủy thác là doanh nghiệp A phải tự
mình thực hiện việc thanh toán tiền cho bên thứ ba là doanh nghiệp C.

Còn đối với hoạt động đại lý, bên đại lý là doanh nghiệp B sẽ thực hiện toàn bộ
việc mua bán hàng hóa cho khách hàng, bao gồm cả nghĩa vụ thanh toán tiền cho doanh
nghiệp C.
3. Nếu giả sử trong tình huống trên, Doanh nghiệp C giao hàng theo đúng thỏa
thuận trong hợp đồng, nhưng Doanh nghiệp A không chuyển tiền để Doanh nghiệp
B thanh toán cho Doanh nghiệp C thì sẽ giải quyết như thế nào? Tại sao?
- Doanh nghiệp C giao hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng.
- Doanh nghiệp A không chuyển tiền để doanh nghiệp B thanh toán cho doanh
nghiệp C.
Trong tình huống này, để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai và cách xử lý như
thế nào thì cần phải đặt nó trong từng mối quan hệ hợp đồng cụ thể.
Thứ nhất, trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp A (bên
ủy thác) với doanh nghiệp B (bên nhận ủy thác): trong tình huống này, doanh nghiệp A
không chuyển tiền để doanh n,ghiệp B thanh toán cho doanh nghiệp C. Như vậy, trong
12


hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa, doanh nghiệp A (bên ủy thác) đã có sự vi phạm
pháp luật do không “giao tiền theo đúng thỏa thuận” (khoản 3 Điều 163 Luật thương
mại năm 2005).
Thứ hai, trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp B với doanh
nghiệp C: doanh nghiệp C giao hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng mua bán
hàng hóa, nhưng do doanh nghiệp A không chuyển tiền cho doanh nghiệp B nên B
không có tiền thanh toán cho C như đã thỏa thuận. Căn cứ vào Điều 50 Luật thương mại
năm 2005 quy định về nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán hàng hóa: “Bên mua
có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận”. Vì vậy, doanh
nghiệp B là bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng
hóa với doanh nghiệp C.
Từ việc phân tích hành vi vi phạm trong các hợp đồng nêu trên, nhóm em xin
đưa ra cách giải quyết như sau:

Doanh nghiệp B đã có hành vi vi phạm hợp đồng đối với doanh nghiệp C (về
nghĩa vụ thanh toán). Khoản 1 Điều 302 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định trách nhiệm
dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự như sau: “Bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền”.
Vì vậy, doanh nghiệp B phải có trách nhiệm đối với hành vi không thực hiện đúng
nghĩa vụ thanh toán của mình trước doanh nghiệp C.
 Đầu tiên, nếu có hành vi vi phạm xảy ra thì “bên bị vi phạm có quyền yêu cầu
bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được
thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh” (Điều 297 Luật thương mại năm
2005). Như vậy, doanh nghiệp C có quyền buộc doanh nghiệp B thực hiện đúng
hợp đồng theo quy định của pháp luật. Trường hợp C buộc B thực hiện đúng hợp
đồng, C có thể gia hạn cho B một thời gian hợp lý để B thực hiện nghĩa vụ hợp
đồng (Điều 298 Luật thương mại năm 2005).
 Sau thời gian gia hạn đó mà doanh nghiệp B vẫn không thực hiện đúng thỏa
thuận trong hợp đồng và vẫn xảy ra tranh chấp trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng
hóa, thì doanh nghiệp C có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, doanh nghiệp B
sẽ là bị đơn dân sự vì chính B đã nhân danh mình giao kết hợp đồng với doanh nghiệp
C và B có hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Như vậy, theo đúng trong quan
hệ hợp đồng mua bán hàng hóa đơn thuần thì B sẽ là người bồi thường cho C (căn cứ
13


vào nguyên tắc chung gây thiệt hại thì phải bồi thường trong Bộ luật dân sự năm
2005). Tuy nhiên, tình huống đặt ra là doanh nghiệp C giao hàng theo đúng thỏa thuận
trong hợp đồng, nhưng do doanh nghiệp A không chuyển tiền cho doanh nghiệp B nên
B không có tiền thanh toán cho C theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
 Vì vậy, trong trường hợp này sẽ được giải quyết như sau:
Thứ nhất, hướng giải quyết: Theo lý thuyết, doanh nghiệp B sẽ có trách nhiệm
bồi thường cho doanh nghiệp C, vì theo nguyên tắc chung người nào gây thiệt hại thì
phải bồi thường. Sau khi B bồi thường thiệt hại cho C xong thì B có quyền đòi A trả cho

B một khoản tiền tương ứng mà B đã bồi thường cho C hay nói cách khác là A phải bồi
thường cho B tương xứng với B đã bồi thường cho C. Tuy nhiên, trên thực tế thì doanh
nghiệp B có thể đưa ra trước tòa bằng chứng về hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa
giữa doanh nghiệp A với doanh nghiệp B và chứng minh hành vi vi phạm nghĩa vụ giao
tiền của A trong hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa đó để tòa án quyết định trách
nhiệm bồi thường cho doanh nghiệp C phải do doanh nghiệp A trực tiếp thực hiện.
Thứ hai, trách nhiệm của bên vi phạm đối với bên bị vi phạm (bên có quyền):
Ngoài việc thanh toán đủ tiền hàng cho doanh nghiệp C thì doanh nghiệp A có thể sẽ
phải chịu trách nhiệm trả lãi trên số tiền hàng chậm trả đó (Điều 306 Luật thương
mại năm 2005) và nếu phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại thì A phải bồi thường
thiệt hại cho C theo đúng quy định tại Điều 302 Luật thương mại năm 2005. Ngoài ra A
có thể bị phạt vi phạm theo Điều 300 với mức phạt theo quy định tại Điều 301 Luật
thương mại năm 2005.
Mặt khác, doanh nghiệp A còn có thể phải chịu trách nhiệm phát sinh với
doanh nghiệp B; khi đó, B có nghĩa vụ chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi
vi phạm của A gây ra và khoản lợi trực tiếp mà B đáng lẽ được hưởng nếu không có
hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 304 Luật thương mại năm 2005.
 Mở rộng thêm tình huống: Trong đề bài chỉ đưa ra chi tiết doanh nghiệp A
không không chuyển tiền để doanh nghiệp B thanh toán cho doanh nghiệp C chứ không
nói rõ việc không chuyển tiền này có do lỗi của B hay không. Vì vậy nếu như A không
chuyển tiền cho B mà có lỗi của B, (Chằng hạn, A và B thỏa thuận A sẽ chuyển tiền để
B thanh toán tiền hàng cho C là ngày x, nhưng do B khi giao kết hợp đồng mua bán
hàng hóa với C có sự nhầm lẫn nên B thỏa thuận thanh toán tiền với C trước ngày x;
14


đúng ngày B và C thỏa thuận với nhau trong hợp đồng mua bán hàng hóa thì C giao
hàng nhưng B không thanh toán cho C, vì thỏa thuận về thời điểm giao tiền giữa A với
B vẫn chưa đến) thì trách nhiệm sẽ khác nhau. Việc A không giao tiền cho B để B thanh
toán cho C lúc bấy giờ không phải là hành vi vi phạm pháp luật nữa (vì theo thỏa thuận

giữa A với B về việc chuyển tiền thì vẫn chưa đến hạn nên A vẫn chưa có hành vi vi
phạm nghĩa vụ). Lúc này hành vi vi phạm của B (không thanh toán cho C) là chính do
lỗi của B. Căn cứ vào khoản 2 Điều 162 Luật thương mại năm 2005 quy định: bên ủy
thác “Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận ủy thác vi phạm pháp luật
trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 163 của Luật này”. Do đó, nếu phát sinh
quan hệ bồi thường, dựa vào Điều 303 Luật thương mại năm 2005 về căn cứ phát sinh
trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì hành vi của B đều thỏa mãn các dấu hiệu đó. Dựa
theo nguyên tắc người nào gây thiệt hại thì phải bồi thường, do đó, trách nhiệm này sẽ
thuộc về B. Việc xác định trách nhiệm của B với C sẽ tương tự như đã phân tích ở trên.

KẾT LUẬN
Qua việc giải quyết tình huống nêu trên, nhóm em đã có nhận thức rõ hơn về hoạt
động ủy thác và đại lý thương mại. Từ đó, thấy được để nền kinh tế nước ta nói chung
và hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa nói riêng phát triển hơn nữa thì Nhà nước cần
có những chính sách ưu tiên, khuyến khích các đơn vị hoạt động kinh doanh xuất nhập
khẩu ủy thác phát triển. Hơn nữa, bằng cách điều chỉnh hoạt động mua bán ủy thác mà
nhà nước cũng có thể phần nào cân đối được các cân mậu dịch, đẩy mạnh mua bán hàng
hóa. Đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tránh sự chồng chéo lẫn nhau tạo
sự thống nhất đồng bộ, ổn định riêng biệt và cụ thể. Các công ty cần giảm các khoản phí
nhằm tạo nên sự hiệu quả đối với các hoạt động ủy thác, đồng thời quản lý, kiểm tra
chất lượng hành hóa chặt chẽ.

15



×