MỤC LỤC
MỞ BÀI
Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là những quy định
của pháp luật (quy định những hậu quả pháp lý ngoài mong muốn của chủ thể)
không có sự thoả thuận trước của các bên và được phát sinh chỉ trên cơ sở hành vi
bất hợp pháp do lỗi cố ý hoặc vô ý.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ 4 điều
kiện: Có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối
quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại; người gây thiệt hại có
lỗi.
I. Những nội dung cơ bản về lỗi trong trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoại hợp đồng.
1. Khái niệm lỗi trong trách nhiệm dân sự.
Trong BLDS Việt Nam không có bất cứ định nghĩa nào về “lỗi”. Tuy nhiên,
chúng ta có thể hiểu đơn giản định nghĩa lỗi là tác phong của một người đã hành
động khác với người bình thường đặt trong cùng một trường hợp. Như vậy, để
thẩm định lỗi phải theo quan điểm trừu tượng so sánh, tác phong của đương sự với
một người có trí thông minh và sự cẩn trọng bình thường đặt trong cùng một
trường hợp, nếu người bình thường không hành động như đương sự thì như vậy
đương sự đã phạm lỗi. Mọi người sống trong xã hội đều có bổn phận hành động
một cách thận trọng và tránh gây thiệt hại cho người khác, hành động thiếu thận
trọng với một người bình thường là một lỗi phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt
hại. (Nghĩa vụ dân sự trong luật dân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, 1998)
2. Yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thương thiệt hại ngoại hợp
đồng.
Khi nhận thức về lỗi, có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng lỗi
trong trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng phải do pháp luât qui định về hình thức
và mức độ. Nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng; lỗi trong trách nhiệm dân sự
ngoài hợp đồng còn do suy đoán. Tuy nhiên, hai quan điểm khác nhau trong việc
nhận thức về lỗi vẫn tồn tại, do vậy, cần thiết phải làm rõ vấn đề này để có sự
thống nhất trong việc nhận thức về lỗi và do pháp luật qui định trước hay do suy
đoán mà có?
Điều 308 BLDS xác định rất rõ về lỗi và hình thức lỗi trong trách nhiệm dân sự.
Khoản 1 Điều 308 qui định: "Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ dân sự, thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác." Vậy, trong trách
nhiệm dân sự nói chung, điều kiện lỗi không thể thiếu được trong việc xác định
trách nhiệm dân sự. Hơn nữa, tại khoản 2 điều 308 BLDS đã qui định rất rõ về
hình thức lỗi, nó vừa có ý nghĩa làm rõ khoản 1, đồng thời nội dung của nó cũng
giải thích làm rõ lỗi là gì. Cơ sở để xác định lỗi, hình thức lỗi, đều do pháp luật qui
định trước, mà không thể do suy đoán. Bởi vì, lỗi "cố ý gây thiệt hại là trường hợp
một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vấn
thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy
ra". Và lỗi "vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi
của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể trước hành vi
của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc
có thể ngăn chặn được".
Như vậy, đã quá rõ ràng rằng lỗi trong trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng do pháp luật qui định cả về cơ sở xác định lỗi, cả về hình thức
lỗi. Từ những cơ sở pháp lý trên, có thể nhận định lỗi trong trách nhiệm dân sự bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phải là do suy đoán, mà do pháp luật qui
định trước. Khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải
xác định yếu tố lỗi để có căn cứ qui trách nhiệm cho người có hành vi trái pháp
luật - người có hành vi có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng cần phải
phân biệt những trách nhiệm dân sự liên quan đến những quan hệ dân sự và những
chủ thể nhất định của quan hệ dân sự đó và trách nhiệm dân sự của chủ thể, Như
vậy, không cần thiết phải đưa ra quan điểm trong việc nhận thức về lỗi trong trách
nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là do suy đoán. Nhận thức như trên không chuẩn xác
về mặt khoa học, bởi vì lỗi, hình thức lỗi đã được qui định rất rõ và đầy đủ tại Điều
308 BLDS. Những suy diễn ngoài nội dung Điều 308 BLDS, do vậy không cần
thiết và cũng không đúng.
Bàn về lỗi - một điều kiện xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là
cần thiết. Vì đối với ngành Toà án khi giải quyết những tranh chấp liên quan đến
trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, cần thiết phải hiểu rõ cơ sở lý luận về lỗi để áp
dụng chuẩn xác các qui phạm pháp luật về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, qua
đó đưa ra những nhận định và quyết định chuẩn xác, đúng pháp luật
Nói tới trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng tức là nêu lên vấn đề về bồi thường,
như vậy điều kiện đầu tiên là phải có một sự thiệt hại. Nhưng không phải trong mọi
trường hợp cứ có thiệt hại là phải bồi thường, mà còn cần phải có hai điều kiện
khác: một lỗi và một tương quan nhân quả giữa lỗi và sự thiệt hại. Nói khác đi, chỉ
người nào đã phạm một lỗi khiến ngừơi khác bị thiệt hại thì mới phải bồi thường.
Mọi trường hợp trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng đều tiên niệm có một thệt
hại, nhưng mọi sự thiệt hại đều phát sinh trách nhiệm không? Hay sự thiệt hại đó
còn cần phải do một lỗi gây ra? Về vấn đề này có hai quan điểm: một quan điểm cổ
điển cho rằng phải có lỗi mới có trách nhiệm, một quan điểm khác lại chủ trương
trách nhiệm khách quan không cần điều kiện lỗi.
Như vậy, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không
thể thiếu yếu tố lỗi. Lỗi hiểu theo góc độ luật học, từ xưa đến nay có nhiều học giả,
trong đó có các luật gia đã quan tâm nhận xét rất khác nhau trong việc xác định
yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm BTTH ngoài hợp
đồng nói riêng. Có nhiều quan điểm khác nhau trong nhận thức về yếu tố lỗi nhưng
nhìn chung các học giả đều thừa nhận lỗi được biểu hiện dưới hai hình thức cố ý và
vô ý. Các học giả còn phân biệt mức độ lỗi trong hình thức lỗi vô ý gồm lỗi vô ý
nặng và lỗi vô ý nhẹ.
3. Hành vi có lỗi của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Hành vi có lỗi, theo quy định tại Điều 308 BLDS thì "Người không thực
hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự, thì phải chịu trách nhiệm dân sự
khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có
quy định khác”. Khoản 1 Điều 308 nói trên quy định lỗi do hành vi không thực
hiện nghĩa vụ dân sự thì người có hành vi đó bị coi là có lỗi. Theo quy định của
khoản 2 Điều 308 BLDS thì nội dung của khoản này có ý nghĩa viện dẫn trực tiếp
trong việc xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Khoản 2 Điều 308 quy
định: "Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình
sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong
muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra".
Về mặt khách quan, quy định trên đã dự liệu trường hợp người gây thiệt
hại nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vấn thực
hiện, cho dù người đó mong muốn hoặc không mong muốn nhưng đã có thái độ để
mặc cho thiệt hại xảy ra thì người đó phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi có
lỗi cố ý của mình.
Về mặt chủ quan, người gây thiệt hại khi thực hiện hành vi gây hại luôn
nhằm mục đích có thiệt hại xảy ra cho người khác và được thể hiện dưới hai mức
độ:
- Mong muốn có thiệt hại xảy ra.
- Không mong muốn có thiệt hại, nhưng lại để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Mức độ thể hiện ý chí- hành vi của người cố ý gây thiệt hại trong trường hợp
người đó nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn
thực hiện, thì phải chịu trách nhiệm dân sự do lỗi cố ý là nguyên nhân của thiệt
hại.
Theo nội dung khoản 2 điều 308 BLDS, cần thiết phải làm rõ những quan hệ và
yếu tố có liên quan đến phạm vi lỗi của người gây thiệt hại.
Một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà
vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại
đó xảy ra thì lỗi của người gây thiệt hại là lỗi cố ý. Những yếu tố liên quan đến
hình thức lỗi cố ý gây thiệt hại được thể hiện ở những mức độ khác nhau, do biểu
lộ ý chí của chủ thể đã là yếu tố quyết định hình thức lỗi.
Khi xác định lỗi cố ý gây thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải phân biệt với
những hành vi gây thiệt hại khác, không thuộc hành vi do lỗi cố ý hoặc vô ý gây ra.
Đó là hành vi gây thiệt hại được xác định là sự kiện bất ngờ. Sự kiện bất ngờ được
qui định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam được dẫn chiếu vì điều luật này không những được áp dụng trong lĩnh vực
luật hình sự, mà còn có ý nghĩa trực tiếp trong việc xác định trách nhiệm dân sự do
gây thiệt hại ngoài hợp đồng. Sự kiện bất ngờ được hiểu là sự kiện pháp lý nhưng
hậu quả của nó không làm phát sinh trách nhiệm dân sự của người có hành vi tạo
ra sự kiện đó. Một sự kiện pháp lý có đủ các ýếu tố sau đây sự kiện bất ngờ: Hành
vi gây thiệt hại, thiệt hại, không thuộc hành vi trái pháp luật, người gây thiệt hại
không có lỗi.
Mối liên hệ giữa các yếu tố trên không thể làm phát sinh TNDS ngoài hợp đồng
do thiếu yếu tố lỗi của người gây thiệt hại và hành vi gây thiệt hại không phải là
hành vi trái pháp luật. Không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật
và thiệt hại. Nói cách khác, người có hành vi liên quan đến thiệt hại không phải là
người gây thiệt hại do nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người
khác mà vẫn thực hiện, đồng thời người có hành vi đó không thể hiện ý chí mong
muốn hoặc không mong muốn nhưng để mặc thiệt hại xảy ra cho người khác. Như
vậy, người có hành vi thuộc trường hợp bất ngờ thì hành vi của người đó không có
lỗi tồn tại ở hình thức này hay hình thức kia, ở mức độ này hay mức độ khác. Theo
qui định của pháp luật, thì người có hành vi đó không chịu trách nhiệm dân sự.
Khi xác định và phân tích yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự (TNDS) ngoài
hợp đồng, cần thiết phải đặt yếu tố đó trong mối liên hệ với những sự kiện pháp lý
khác, mà rõ nét hơn cả là sự biến pháp lý tuyệt đối và sự biến pháp lý tương đối là
những căn cứ làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự. Sự
biến pháp lý tương đối là một sự kiện pháp lý mà sự khởi phát của nó do hành vi
của con người tác động dưới hình thức lỗi vô ý, do vậy người có hành vi tạo ra sự
kiện đó phải bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Trong khoa học pháp lý các nhà luật học đều thừa nhận sự biến pháp lý tương đối
là sự biến do con người tác động, còn sự thay đổi và chấm dứt của nó con người
không kiểm soát được. Như vậy, hành vi tạo ra sự biến pháp lý tương đối là hành
vi có lỗi và là hành vi trái pháp luật. Theo khoản 2 Điều 308 BLDS, lỗi vô ý được
xác định là "trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả
năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc
thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ
không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được". Người gây thiệt hại đã không mong
muốn, không để mặc cho thiệt hại xảy ra mà là do không kiểm soát được diễn biến
của sự kiện do hành vi vô ý của mình tạo ra thì người có hành vi đó phải bồi
thường.
Khi xác định, phân tích sự biến pháp lý tức là làm rõ sự biến pháp lý tuyệt đối
không chứa đựng yếu tố lỗi dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì theo nhận thức của
các nhà nghiên cứu luật học về mặt lý luận, thì sự biến pháp lý tuyệt đối là sự biến
của một sự kiện phát sinh, thay đổi, chấm dứt không phụ thuộc vào ý thức của con
người - ý thức của con người không kiểm soát được sự kiện đó. Sự biến pháp lý
tuyệt đối có ý nghĩa pháp lý đặc thù, bởi vì sự biến đó được đặt trong mối liên hệ
về không gian và thời gian cụ thể, theo đó trách nhiệm dân sự không phát sinh đối
với một hoặc hai bên chủ thể của quan hệ đó. Như vậy, có thể nhận định rằng lỗi
vô ý luôn tồn tại trong sự biến pháp lý tương đối, còn lỗi thuộc mọi hình thức
không thể tồn tại trong sự biến pháp lý tuyệt đối. Sự nhận thức trên có ý nghĩa về
mặt lý luận trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
4. Mức độ lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Đoạn cuối Điều 617 BLDS qui định trách nhiệm hỗn hợp nhưng trách nhiệm
hỗn hợp được loại trừ "nếu thiệt hại xảy ra hoàn tòan do lỗi của người bị thiệt hại,
thì người gây thiệt hại không phải bồi thường". Theo qui định trên, hình thức lỗi
của người bị thiệt hại không cần phải xác định, mà lỗi hiểu theo nghĩa "hoàn tòan"
thuộc về người bị thiệt hại. Áp dụng qui định này trong việc giải quyết việc bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh luật định, thì còn cần phải
làm rõ những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, thiệt hại xảy ra hoàn tòan do lỗi của người bị thiệt hại, thì người gây
thiệt hại không phải bồi thường. Lỗi của người bị thiệt hại có thể do vố ý hoặc cố ý
nhưng phải xác định được lỗi đó hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại, theo đó
người gây thiệt hại phải là người hoàn toàn không có lỗi thuộc hình thức này hay
hình thức khác, ở mức độ này hay ở mức độ khác thì người đó không phải bồi
thường. Người gây thiệt phải chứng minh được là mình hoàn toàn không có lỗi, mà
lỗi hoàn toàn thuộc về phía người bị gây thiệt hại. Mối quan hệ nhân qủa giữa hành
vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra luôn luôn xác định được trong một thiệt hại cụ
thể. Nhưng trách nhiệm pháp lý có phát sinh ở người có hành vi gây thiệt hại hay
không còn tùy thuộc vào sự kiện xảy ra hoàn tòan hay không hoàn toàn do lỗi của
người bị thiệt hại để có cơ sở quy trách nhiệm dân sự cho người có hành vi gây
thiệt hại. Nếu người bị gây thiệt hại cũng có lỗi, thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm
dân sự tương ứng với mức độ lỗi của mình.
Thứ hai, trong BLDS năm 2005 của nước CHXHCN Việt Nam không có điều
luật nào qui định về mức độ lỗi, mà chỉ qui định tại Điều 308 về hai hình thức lỗi
cố ý và lỗi vô ý. Việc áp dụng hai hình thức lỗi cố ý và lỗi vô ý. Việc áp dụng Điều
617 BLDS trong việc giải quyết trách nhiệm dân sự hỗn hợp được dựa trên mức độ
lỗi như thế nào. Lỗi không tự nó có vị trí độc lập với các yếu tố khác trong việc xác
định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Hình thức lỗi cũng không phải là không
thể xác định. Theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, thì
hình thức lỗi nếu xét về người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại không ảnh
hưởng tới mức độ và trách nhiệm bồi thường của người đó. Người gây thiệt hại dù
có lỗi cố ý hay có lỗi vô ý khi gây thiệt hại cho người khác thì người đó cũng phải
bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi có lỗi của mình gây ra. Không vì người gây
thiệt hại có lỗi vô ý hoặc cố ý trong khi gây thiệt hại mà mức bồi thường tăng hay
giảm tương ứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp cá biệt có điều kiện luật định,
thì người gây thiệt hại ngoài hợp đồng có thể được miễn giảm mức bồi thường (do
Tòa án xem xét quyết định). Những trường hợp phổ biến trong việc miễn giảm
mức bồi thường cho người gây thiệt hại thường phát sinh trong các trường hợp sau
đây:
- Người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh
tế trước mắt và lâu dài của mình (Khoản 2 điều 605);
- Người gây thiệt hại và người bị thiệt hại thỏa thuận với nhau về mắc bồi
thường thấp hơn thiệt hại.
Trường hợp thứ nhất, pháp luật qui định người gây thiệt hại bồi thường thấp
hơn thiệt hại do hành vi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với điều kiện bồi
thường của người gây thiệt hại. Qui định này đã loại trừ người gây thiệt hại có lỗi
cố ý và pháp luật không qui định xem xét để giảm mức bồi thường. Tuy nhiên
trong trường hợp người gây thiệt hại có lỗi cố ý nhưng có sự thỏa thuận với người
bị thiệt hại về mức bồi thường thấp hơn thiệt hại, nếu thỏa thuận đó không trái
pháp luật và đạo đức xã hội và được Tòa án thừa nhận, thì người gây thiệt hại do
lỗi cố ý được miễn giảm phần bồi thường thiệt hại do mình gây ra, thuộc về trường
hợp thứ hai.
Thứ ba, Điều 617 BLDS qui định về trách nhiệm hỗn hợp trong trường hợp
người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì người gây thiệt hại chỉ
phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trong BLDS của nước
CHXHCN Việt Nam không có qui định về mức độ lỗi, do vậy việc xác định trách
nhiệm hỗn hợp trong trường hợp cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có
lỗi gây ra thiệt hại thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với mức độ
lỗi của mình. Mức độ lỗi trong trường hợp này được xác định dựa trên những cơ sở
lý luận pháp luật hình sự trong việc phân biệt mức độ lỗi vô ý vì quá cẩu thả, vô ý
vì quá tự tin của một người mà gây ra thiệt hại thì tương ứng với nó mức bồi
thường thiệt hại có khác nhau. Như cách đặt vấn đề ở phần đầu bài viết này, thì lỗi
phản ánh yếu tố tâm lý của con người, có tác động trực tiếp đến hành vi của người
đó và thiệt hại xảy ra do hành vi vô ý vì cẩu thả, vô ý vì quá tự tin mà gây ra thiệt
hại đã phản ánh yếu tố tâm lý chủ quan của người đó. Việc xác định trách nhiệm
hỗn hợp căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi bên đã có tính thuyết phục, bởi tính hợp lý
của cách xác định đó. Qua phân tích trên, đã có thể loại trừ trường hợp cả người bị
thiệt hại và người gây thiệt hại đều có lỗi cố ý trong việc gây thiệt hại, mong muốn
thiệt hại xảy ra cho nhau và cho chính bản thân mình.
Khi phân tích yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
cần thiết phải hiểu rõ quy định tại Điều 617 BLDS: "Nếu thiệt hại xảy ra hoàn
toàn do lỗi của người bị thiệt hại, thì người gây thiệt hại không phải bồi thường".
Hiểu như thế nào về trường hợp người bị thiệt hoàn toàn có lỗi, và lỗi đó là lỗi
vô ý hay cố ý. Mối liên hệ giữa lỗi vô ý của người gây thiệt hại và lỗi cố ý của
người bị thiệt hại có ảnh hưởng như thế nào đến việc xác định trách nhiệm bồi
thường thiệt hại của các bên? Giải đáp những vấn đề nêu ra ở trên, cần tuân theo
những nguyên tắc sau đây:
a) Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại cho dù lỗi đó là
vô ý hay cố ý, mà người gây thiệt hại hoàn toàn không có lỗi thì người gây thiệt
hại không phải bồi thường. Trường hợp này phù hợp với việc gây thiệt hại trong
tình huống bất ngờ.
b) Người gây thiệt hại có lỗi vô ý và người bị thiệt hại cũng có lỗi vô ý trong
việc gây ra thiệt hại thì trách nhiệm này là trách nhiệm hỗn hợp.
c) Người gây thiệt hại có lỗi vô ý, người bị thiệt hại có lỗi cố ý thì người gây
thiệt hại không phải bồi thường.
Như vậy, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại cho dù lỗi đó có
ở hình thức này hay hình thức khác, ở mức độ này hay mức độ khác thì người gây
thiệt hại không có trách nhiệm bồi thường.
Lỗi có thể là cố ý hay vô ý. Cố ý phạm lỗi là khi nào đã biết rõ hành vi của
mình sẽ gây ra thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện; vô ý phạm lỗi là khi nào
hành vi gây thiệt hại đã xảy ra ngoài ý muốn của mình hoặc không thấy trước hành
vi của mình có thể gây thiệt hại. Muốn biết một đương sự có cố ý phạm lỗi hay
không, cần phân tích tâm trạng của đương sự xem họ có ý muốn làm hành vi ấy
hay không. Đối với lỗi vô ý, tuỳ theo mức độ trầm trọng của nó, cũng có thể phân
chia thành lỗi nặng, lỗi nhẹ, lỗi rất nhẹ như trong trường hợp trách nhiệm hợp
đồng, nhưng đối với trách nhiệm ngoài hợp đồng, sự phân biệt này không có lợi
ích trên thực tế, vì trên nguyên tắc một lỗi rất nhẹ cũng đủ để phát sinh trách
nhiệm.
Bị đơn muốn khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, muốn khỏi bồi thường có
thể sử dụng một trong các biện pháp sau đây:
-
Bị đơn có thể dẫn chứng một nguyên nhân bất khả kháng.
-
Bị đơn có thể dẫn chứng rằng tuy sự thiệt hại đã xảy ra do tác động của nó,
nhưng họ đã không phạm một lỗi nào, vì họ ở trong tình trạng phòng vệ chính đáng
hay tình thế cấp thiết.
Phòng vệ chính đáng là khi một người đã gây thiệt hại để tránh một sự tổn thất
mà nhân định gây ra. Sự phòng vệ phải tương xứng với mức độ trầm trọng của sự
tấn công, và sự tấn công này phải bất hợp pháp. Gây thiệt hại trong trường hợp
phòng vệ chính đáng, thì không phải bồi thường, nhưng nếu vượt quá giới hạn của
sự phòng vệ, thì phải bồi thường (Điều 623 BLDS).
Tình thế cấp thiết là trương hợp gây thiệt hại để thoát khỏi một mối nguy cơ mà
không phải do nận nhân gây ra như một trận lũ lụt chảng hạn. Gây thiệt hại trong
tình thế cấp thiết thì không phải bồi thường, nhưng nếu vượt quá yêu cầu của tình
thế cấp thiết, thì vẫn phải chịu trách nhiệm (Điều 614 BLDS).
II.Lỗi trong một số trường hợp cụ thể.
Sự thiệt hại có thể xảy ra do hành động của một người hoặc do người đó không
hành động. Theo đó, một người có thể ngăn cản một sự thiệt hại xảy ra mà không
ngăn cản là đã phạm lỗi, bởi vì không thể nhân danh tự do cá nhân để nói rằng
không ai bị bắt buộc phải hành động. Do đó, sự thụ động cấu thành một lỗi, nếu đó
là sự không thi hành một nghĩa vụ phải hành động.
1. Lỗi trong trường hợp bồi thường do hành vi của con người gây ra.
1.1. Lỗi trong bồi thường thiệt trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng
vệ chính đáng. (Điều 613, BLDS 2005)
Lỗi của người phòng vệ chính đáng được xác định ở phần vượt quá giới hạn
phòng vệ chính đáng. Do vậy, lỗi ở trường hợp này là lỗi cố ý.
1.2. Lỗi trong bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của
tình thế cấp thiết.
Người gây thiệt hại do yêu cầu của tình thế cấp thiết đã có sự sai lầm trong
việc đánh giá mức độ gây thiệt hại của “nguy cơ đe doạ” nên họ đã gây thiệt hại
vượt quá so với yêu cầu của tình thế cấp thiết. Lỗi của người gây thiệt được xác
định là lỗi đối với phần vượt quá nên họ chỉ phải bồi thường thiệthại đối với phần
vượt quá mà thôi. Do vậy, lỗi của người gây thiệt hại trong trường hợp này là lỗi
vô ý.
1.3.Lỗi trong bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra
(Điều 615 BLDS 2005).
Vấn đề đặt ra là khi một người do uống rưọu hay do dùng các chất kích thích
khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của
mình, thì có phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra không? Một người ở
trong tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình trên
nguyên tắc không phải phạm lỗi và không chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra.
Nhưng người đó cố ý uống rưọu hay dùng chất kích thích khác để đến nỗi lâm vào
tình trạng này, thì như vậy họ đã phạm lỗi trước khi lâm vào tình trạng vô tri thức,
lỗi này là nguyên nhân trực tiếp đã gây ra thiệt hại, do đó họ phải bồi thường
( Điều 615 khoản 1 BLDS). Nhưng nếu người này không tự ý uống rưọu hay dùng
chất kích thích, mà bị người khác ép buộc làm như vậy, thì sẽ không chịu trách
nhiệm về hành vi của mình ( Điều 615 khoản 2 BLDS)
1.4. Lỗi trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại.(Điều 616 BLDS).
Điều 616 BLDS 2005 quy định: “ Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt
hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách
nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xácđịnh tương ứng với
mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xácđịnh được mức độ lỗi thì họ phải bồi
thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
Khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, ngoài việc xem xét mặt khách quan
của hành vi gây thiệt hại, chúng ta cần xem xét mặt chủ quan của người thực hiện
hành vi đó. Nếu chúng ta chỉ xem xét mặt khách quan của hành vi vi phạm pháp
luật thì giá trị xã hội của hành vi không phản ánh đầy đủ bởi giá trị xã hội của hành
vi còn thể hiện ngay trong mặt chủ quan của người thực hiện hành vi vi phạm pháp
luật. Dưới góc độ khoa học pháp lý, một người chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý,
một người chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả của hành vi đó khi họ
có đầy đủ điều kiện để lự chọn một xử sự phù hợp với đòi hỏi của xã hội (cả mặt
khách quan và mặt chủ quan), trừ nhhững trường hợp đặc biệt do pháp luật quy
định.
1.5. Lỗi của người bị thiệt hại. (Điều 617, BLDS 2005)
“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt
hại thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của
mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây
thiệt hại không phải bồi thường”.
Theo quy định này, thiệt hại xảy ra có lỗi của người gây thiệt hại bao nhiêu thì
họ chỉ phải bồi thường bấy nhiêu căn cứ vào mức độ lỗi của họ.
Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt
hại không phải bồi thường.
1.6. Trách nhiệm của pháp nhân, của cơ quan nhà nước.(Điều 618, 619
BLDS)
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực
hiện nhiệm vụ được giao phó (Điều 618 BLDS). Cơ quan nhà nước phải bồi
thường thiệt hại do công chức, viên chức của mình gây ra trong khi thi hành công
vụ (Điều 619 BLDS). Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm là cơ quan có quyền bổ
nhiệm, miễn nhiệm người gây ra thiệt hại.
Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thừng thiệt hại do người có thẩm quyền
của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
(Điều 620 BLDS)
Như vậy, trách nhiệm cuả pháp nhân, cơ quan nhà nước, cơ quan tiến hành
tố tụng đặt căn bản trên một lỗi suy đoán: lỗi trong việc trông coi người thừa hành
mình. Nhưng sự suy đoán ở đây có tính chất tuyệt đối, pháp nhân hay cơ quân
muốn khỏi chịu trách nhiệm thì phải chứng minh rằng người thuộc quyền của họ
không phạm một lỗi nào, hoặc thiệt hại đã xảy ra do điều kiện bất khả kháng hay
hoàn toàn do lỗi của nạn nhân.
1.7. Bồi thường thiệt hại do người dưới 15 lăm tuổi, người mất năng lực
hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác
trực tiếp quản lý (Điều 621, BLDS 2005).
Bộ luật dân sự 2005 quy định chủ thể phải bồi thường thiệt hại do người
chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời
gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lý là trường học, bệnh
viện, tổ chức quản lý người gây thiệt hại. Quy định này nhằm buộc trường học,
bệnh viện, tổ chức xã hội phải tăng cường công tác quản lý người chưa thành
niêndưới 15 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự.
Tuy nhiên, không phải bao giờ trường học, bệnh viện, tổ chức xã hội khác đang
quản lý người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự có
lỗi trong việc quản lý khi những người này gây thiệt hại. Do đó, pháp luật quy
định: trường học, bệnh viện, tổ chức khác khi thực hiện nhiệm vụ quản lý người
chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự để họ gây thiệt
hại và “nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có
lỗi trong quản lý thì cha, mẹ người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất
năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.”.Quyy định naỳ cho thấy mặc nhiên nếu
người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt
hại mà những người này đang chịu sự quản lý của trường học, bệnh viện, tổ chức
xã hội thì các tổ chức này phải bồi thường và việc chứng minh mình không có lỗi
để làm cơ sở cho việc giải thoát khỏi trách nhiệm bồi thường thuộc về chính ttổ
chức đó. Nếu các tổchức này chứng minh được mình không có lỗi thì trách nhiệm
bồi thường thiệt hại thuộc về cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên,
người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại đó.
1.8. Trách nhiệm của người chủ về các thiệt hại do người làm công, người
học nghề gây ra.
Điều 622 BLDS, cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt
hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được
giao. Điều luật này quy định trách nhiệm của các công ty hay doanh nghiệp sản
xuất có sử dụng công nhân; điều luật này cũng áp dụng cho các cá nhân làm nghề
thủ công có sử dụng người làm công và người học nghề.
Người chủ chỉ chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại của công nhân và người
học nghề, nếu đó là hành vi thuộc phận sự công việc của người ấy.
Trách nhiệm của người chủ đặt căn bản trên một sự suy đoán lỗi, lỗi trong việc
trông nom người làm công hay người học nghề, người bị thiệt hại không phải
chứng minh lỗi của người chủ. Tuy nhiên người chủ sẽ không chịu trách nhiệm,nếu
người làm công hay người học nghề không phạm lỗi, hoặc nếu sự thiệt hại xảy ra
là do trường hợp bất khả kháng hay do lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại.
1.9. Lỗi do làm ô nhiễm môi trường. Theo Điều 624 thì: “Cá nhân, pháp
nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường
không có lỗi”.
Ô nhiễm môi trường được hiểu là sự biến đổi của các thành phần môi trường,
gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật. Hành vi làm ô nhiễm môi trường làm
phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thoả mãn đầy đủ các điều kiện phát sinh
trách nhiệm bồì thường thiệt hại. Tuy nhiên, trong trường hợp người gây thiệt hại
tới môi trường không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường vẫn phát sinh.
1.10. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể (Điều 628, BLDS 2005) và
bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả (Điều 629, BLDS 2005)
1.Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt
hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt
hại.
3. Người xâm phạm thi thể phải bồi thường một khoản tiền theo quy định tại
khoản 2 Điều này và khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những
người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những
người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không
thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà
nước quy định.
Điều 629, BLDS 2005 quy định: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt
hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm
mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
Như vậy, ở đây không đặt ra vấn đề lỗi, tuy nhiên có thể thấy lỗi trong trường
hợp này dù là lỗi cố ý hay vô ý thì người gây thiệt hại vẫn phải bồi thường.
1.11. Lỗi do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. (Điều 630 BLDS): “ Cá
nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không đảm bảo chất lượng
hành hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá tại Việt Nam được quy định bởi Pháp lệnh số
49-LCT/HĐNN8 ngày 27/12/1990. Theo Điều 14 Pháp lệnh này, tổchức, cá nhân
kinh doanh phải công bố theo quy định của pháp luật tiêu chuẩn chất lượng hàng
hoá của mình và có trách nhiệm bảo đảm chất lượng hàng hoá theo tiêu chuẩn đã
công bố. Ngoài ra theo Điều 22 pháp lệnh, tổ chức, cá nhân bán hàng phải biết rõ
nguồn gốc và chất lượng hanhg hoá mà mình bán ra, và phải chịu trách nhiệm trực
tiếp với khách hàng về chất lượng hành hoá.
2. Lỗi trong bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.
2.1 Lỗi trong bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều
623, BLDS 2005).
Theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ (cho thuê, cho mượn…) phải bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi (trách nhiệm
nâng cao - điều này không đồng nghĩa với việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra luôn luôn không có lỗi của chủ sở hữu, người được
giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Lỗi của chủ sở hữu, người được
giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là không tuân thủ việc trông
giữ, bảo quản, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, tuy nhiên nếu họ
không có lỗi vẫn phải bồi thường trừ trường hợp được quy định tại khoản 3, Điều
623 BLDS 2005). Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm bồi
thường thiệt hại của chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy
hiểm cao độ được loại trừ nếu xuất hiện một trong các lý do sau:
-
Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
-
Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ
trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khoản 4, Điều 623 BLDS 2005 quy định:
“Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp
luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật
phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy
hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử
dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”.
2.2 Lỗi trong bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625, BLDS 2005).
Điều 625 quy định: “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật
gây ra cho người khác…”. Chủ sở hữu súc vật phải luôn luôn có ý thức trông coi
súc vật để trách tình trạng súc vật gây thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, có
nhiều trường hợp thiệt haị do súc vật gây ra lại hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt
hại và trên nguyên tắc lỗi thuộc về ai thì người đó phải chịu, nên bộ luật dân sự
quy định: “Nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt
hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Ví dụ: Một người đánh chó,
bị chó cắn lại thì chủ sở hữu không phải bồi thường.
Trên thực tế có những trường hợp thiệt hại do súc vật gây ra là hậu quả bởi
hành vi trái pháp luật của người thứ ba (không phải là chủ sở hữu súc vật, không
phải là người bị thiệt hại) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định cho
người có hành vi làm cho súc vật gây thiệt hại. Hành vi làm cho súc vật gây thiệt
hại là hành vi trái pháp luật dẫn đến thiệt hại xảy ra. Điều 625, BLDS quy định:
“Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại
cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và
chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thiệt hại”.
2.3 Lỗi trong bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra (Điều 626, BLDS 2005).
“Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường
hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất
khả kháng”.
Theo quy định này, chủ sở hữu cây cối phải có ý thức trong việc đảm bảo sự an
toàn của cây cối (phát cành; nếu cây cối có nguy cơ đổ, gẫy thì phải chặt,
đốn…)Nếu cây cối đổ, gẫy gây thiệt hại thì mặc nhiên chủ sở hữu bị coi là có lỗi.
Tuy nhiên, nếu thiệt hại hoàn toàn do người bị thiệt hại (trèo cây và cây bị gẫy, đốn
trộm cây làm cây đổ vào người…) thì chủ sở hữu cây cối không phải bồi thường
thiệt hại. Ngoài ra, nếu thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra do sự kiện bất khả kháng
(động đất, bão…) thì chủ sở hữu cây côi không phải bồi thường.
2.4.Lỗi trong bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác
gây ra (điều 627, BLDS)
“Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình
xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu nhà cửa, công trình khác đó bị sụp
đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra
hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”.
Nhận xét:
Việc áp dụng khái niệm lỗi làm căn cứ để xác định trách nhiệm được quy định
tại Điều 308 BLDS 2005, trong đó nhấn mạnh lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm
dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Điều
308 cũng phân chia lỗi làm hai loại: cố ý và vô ý, đồng thời cũng làm rõ hai khái
niệm này.
Mặt khác cũng phải thấy rằng, mặc dù Điều 308 chia lỗi thành hai mức độ như
vậy, nhưng hầu như ý nghĩa của sự phân chia này không được thể hiện trong các
quy định về bồi thường thiệthại ngoài hợp đồng, trừ Điều 615 nhắc đến lỗi cố ý của
người dùng rượu hoặc các chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình
trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình mà gây thiệt hại là
căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, đối với mọi trường
hợp quy định cụ thể tại Mục này việc phân định lỗi cố ý hoặc vô ý ảnh hưởng đến
mức độ chịu trách nhiệm được quy định tại khoản 2 Điều 605 trong đó coi yếu tố
lỗi vô ý làcăn cứ giảm mức độ bồi thường khi gây thiệt hại quá lớn.
Như vậy, trừ trường hợp quy định tại Điều 615, sự phân biệt lỗi cố ý và vô ý
không có ý nghĩa trong việc xác định hoặc loại trừ trách nhiệm bồi thường cua
rngười gây thiệt hại
Từ sự phân tích các quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng, chúng ta thấy có điểm cần lưu ý sau đây:
Các Điều ừ 613 đến 633 (trừ Điều 621) đều không nhắc tới yếu tố lỗi của người
gây thiệt hại với ttính chất là căn cứ để xác định việc bồi thường mà chỉ quy định
yếu tó lỗi của người bị thiệt hại là căn cứ để loại trừ trách nhiệm này. Một số ý
kiến cho rằng giữa các quy định về lỗi của người bị thiệt hại trong các trường hợp
cụ thể và quy định về lỗi của người gây thiệt hại tại Điều 608 là không thật lôgic.
Sẽ hợp lý hơn nếu chỉ quy định theo một trong hai hướng: Nếu người gây thiệt hại
có lỗi thì phải bồi thường theo nguyên tắc của điều 608 mà không cần xem xét đến
yếu tố lỗi của người bị thiệt hại. Còn nếu người bị thiệt hại có lỗi trong việc để
thiệt hại xảy ra đối với mình thìviệc xác định lỗi của người gây thiệt hại là thừa,
không có ý nghĩa trong việc xác định trách nhiệm bồi thường. Thực ra, ý kiến này
chưa thực chính xác ở chỗ: Điều 615tiếp theo Điều 308 quy định nguyên tắc
chung trong đó lỗi là yếu tố cơ bản để xác định trách nhiệm dân sự, còn các Điều
từ 613 đến 630 là những quy định cụ thể, khi áp dụng phải đối chiếu với Điều 608
và Điều 615. Chính vì lẽ đó, với mục đích tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của
người bị thiệt hại cho nên Bộ luật dân sự đặt ra vấn đề suy đoán lỗi của người thực
hiện hành vi gây thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong mọi trường hợp nói tại mục này, việc chứng minh tính trái pháp luật của
hành vi, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả của nó với hành vi gây thiệt hại là yếu
tố đủ để buộc phải bồi thường. Người gây thiệt hại muốn giải trừ trách nhiệm, thì
pải chứng minh mình không có lỗi hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của bên bị
hại (khoản 3 Điều 308).
Thực tế cho thấy việc chứng minh lỗi (hoặc không có lỗi) là vấn đề cực kì phức
tạp, không phải lúc nào cũng thực hiện được. Không phải ngẫu nhiên mà khoản 3
Điều 308 nói trên quy định nghĩa vụ chứng minh về lỗi là thuộc về người gây thiệt
hại nư là một sự bổ sung nghĩa vụ của người đó. Trong trường hợp không đủ bằng
chứng, căn cứ để xác định yếu tố lỗi. Toà án xuất phát từ các quy định của Bộ luật
dân sự về suy đoán lỗi của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại mà buộc
người đó phải bồi thường.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, tập 2,
Nxb.CAND, Hà Nội, 2009
-
Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo
dục, Hà Nội, 2009.
-
Nguyễn Mạnh Bách, Ngiã vụ dân sự trong luật dân sự Việt Nam,
Nxb.CTQG, Hà Nội, 1998.
-
Phùng Trung Tập, “Lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng”. Tạp chí toà án, số10/2004.