Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

Tiểu luận xử lý vi phạm trong lĩnh vực buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại xã đại hưng – huyện mỹ đức – hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (455.92 KB, 22 trang )

TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI

LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN K3A-2015

TIỂU LUẬN TỐT NGHIỆP
TÊN ĐỀ TÀI
XỬ LÝ VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BUÔN BÁN THUỐC BẢO VỆ THỰC
VẬT TẠI XÃ ĐẠI HƯNG – HUYỆN MỸ ĐỨC – THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Họ và tên học viên: Hoàng Mạnh Linh
Chức vụ:
Chuyên viên
Đơn vị công tác: Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2015

1


MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU ..................................................................................3
I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG ........................................................4
1.1. Hoàn cảnh ra đời...................................................................... 4
1.2. Diễn biến của tình huống......................................................... 5
II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG .....................................................8
2.1. Mục tiêu xử lý.......................................................................... 8
2.2. Cơ sở pháp lý. .......................................................................... 8
2.3. Phân tích tình huống. ............................................................. 10
III. XỬ LÝ TÍNH HUỐNG ........................................................... 12
3.1. Mục tiêu xử lý tình huống. .................................................... 12
3.2. Các phương án xử lý tình huống. .......................................... 13


IV. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN. ................................ 16
V. KIẾN NGHỊ. ..............................................................................18
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................. 21

2


LỜI NÓI ĐẦU
Nước ta là nước nông nghiệp, nông dân chiếm trên 60% dân số cả nước.
Do vậy, nông nghiệp chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Khi nền nông nghiệp ngày càng phát triển, đi vào thâm canh tăng vụ, tăng diện
tích, thay đổi cơ cấu giống cây trồng… phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa,
thì tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn, xuất hiện nhiều đối tượng sâu
bệnh hại mới, lạ. Lúc này vai trò của công tác bảo vệ thực vật rất quan trọng đối
với sản xuất nông nghiệp.
Thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hóa học (vô cơ, hữu cơ), những
chế phẩm sinh học (chất kháng sinh, vi khuẩn, nấm, siêu vi trùng, tuyến
trùng,…), những chất có nguồn gốc thực vật, động vật, được sử dụng để bảo vệ
cây trồng và nông sản, chống lại sự phá hại của những sinh vật gây hại (công
trùng, nhện, tuyến trùng, chuột, chim, thú rừng, nấm, vi khuẩn, rong rêu, cỏ
dại,…). Chính vì vậy, thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần hạn chế sự phát triển,
phát sinh của sâu bệnh, ngăn chặn và dập tắt các đợt dịch bệnh trên phạm vi lớn,
bảo đảm được năng suất cây trồng, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
Tuy nhiên, những năm gần đây việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong
sản xuất nông nghiệp có xu hướng gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại. Một
thực tế hiện nay là nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo đúng
nguyên tắc đã và đang gây nên những hậu quả đáng lo ngại chẳng hạn như: việc
tăng nồng độ, liệu lượng, tăng số lần phun thuốc, dùng thuốc bảo vệ thực vật
không rõ nguồn gốc, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc giả, thuốc cấm và việc lạm
dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến hậu quả gây ra hiện tượng kháng thuốc

đối với một số loại sâu hại, làm mất hiệu lực của thuốc, để lại tồn dư thuốc quá
mức cho phép trong nông sản, thực phẩm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức
khỏe con người và môi trường sinh thái.
Theo đánh giá của Vụ Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngộ độc thuốc bảo vệ
thực vật là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh
viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông. Đáng lo ngại là việc lạm
dụng sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp vẫn chưa thể khắc phục, hiện vẫn
3


có 30-60% mẫu rau còn tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho
phép.
Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, trong những năm qua, công tác quản lý nhà
nước về lĩnh vực bảo vệ thực vật đã được quan tâm, công tác tập huấn, cấp
chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã được thực hiện, các hộ
có nhu cầu đăng ký kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đều được tập huấn trước
khi kinh doanh. Đặc biệt công tác thanh kiểm tra chuyên ngành được Sở Nông
nghiệp & PTNT Hà Nội chỉ đạo sát sao đảm bảo đúng quy định. Số lượng và
chất lượng thanh tra ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, công tác quản lý
thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu
do nhận thức của nông dân còn yếu kém. Ngoài ra, do lực lượng thanh tra còn
mỏng nên công tác thanh, kiểm tra mới chỉ tập trung chủ yếu vào các công ty
thuốc và một số cửa hàng kinh doanh thuốc trên địa bàn mà chưa tập trung vào
người sử dụng và một số hộ buôn bán nhỏ lẻ, thời vụ nên vẫn còn xuất hiện tình
trạng sử dụng thuốc nhập lậu của Trung Quốc trong thời gian qua. Xuất phát từ
thực tế công việc, thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay còn rất nhiều vấn đề
xoay quanh vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con
người. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên
địa bàn Hà Nội tôi chọn đề tài: “Xử lý vi phạm trong lĩnh vực buôn bán thuốc
bảo vệ thực vật tại xã Đại Hưng – huyện Mỹ Đức – Hà Nội”.


I. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG
1.1. Hoàn cảnh ra đời.
Căn cứ Quyết định 983/QĐ-BVTV ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chi
cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội về việc: “Thành lập đoàn kiểm tra
việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật”. Ngày 08 tháng 11
năm 2014, đoàn kiểm tra chuyên ngành thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội
đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật
trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Tại xã Đại Hưng sau khi kiểm tra cửa hàng buôn
bán thuốc bảo vệ thực vật nhà anh Đào Huy Nam thì đã phát hiện vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật.
4


1.2. Diễn biến của tình huống.
Sự việc xảy ra như sau: Vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 08 tháng 11 năm
2014. Thực hiện Quyết định 983/QĐ-BVTV ngày 17 tháng 10 năm 2014 của
Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội về việc: “Thành lập đoàn kiểm
tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật”. Đoàn kiểm tra
gồm 7 người trong đó có 1 trưởng đoàn, 1 phó đoàn và 5 đoàn viên là nhân viên
của phòng Kinh tế, Chi cục Quản lý Thị trường, Trạm Bảo vệ Thực vật được
phân công đi kiểm tra. Sau khi bàn bạc thống nhất chúng tôi qua trạm Bảo vệ
thực vật huyện Mỹ Đức kết hợp với các cán bộ trạm chọn địa điểm tiến hành
kiểm tra là 2 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở xã Đốc Tín, huyện
Mỹ Đức và 1 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở xã Đại Hưng, huyện
Mỹ Đức do ở hai địa phương này có diện tích cây rau, màu lớn nhất trong
huyện.
Khi kiểm tra toàn bộ giấy tờ liên quan và các mặt hàng thuốc bảo vệ thực
vật bày bán tại 2 cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đốc Tín kết
quả thu được đoàn kiểm tra không phát hiện được vi phạm và kết luận chủ cửa

hàng có đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng khi đoàn kiểm
tra đến địa điểm xã Đại Hưng kiểm tra cửa hàng của nhà anh Đào Huy Nam thì
anh Nam đi vắng, chị Cư (vợ anh Nam) đang bán thuốc bảo vệ thực vật và phân
bón cho khách hàng. Tại thời điểm kiểm tra là 14 giờ 20 phút. Trưởng đoàn
kiểm tra đưa cho chị một tờ quyết định số 983/QĐ-BVTV ngày 17 tháng 10 năm
2014 của Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và có đề nghị chị Cư
hợp tác để đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ. Chị Cư đã đồng ý. Sau đó trưởng
đoàn tôi có yêu cầu chị Cư xuất trình những giấy tờ liên quan như: Chứng chỉ
hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng
nhận đăng ký chuyên môn về văn bản pháp luật mới được tổ chức định kỳ hàng
năm trong thời gian 3 ngày và yêu cầu chị Cư cho các thành viên trong đoàn vào
kiểm tra các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật tại cửa hàng và được sự nhất trí
của chị Cư. Sau khi kiểm tra đoàn kiểm tra phát hiện 2 xô nhựa đựng thuốc bảo
vệ thực vật ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt
5


Nam gồm 4 loại thuốc có nhãn chữ nước ngoài. Đoàn kiểm tra tiến hành thống
kê số lượng, chủng loại của các loại thuốc vi phạm nêu trên và ghi vào biên bản.
Khi đoàn kiểm tra đang lập biên bản thì bố đẻ của anh Đào Huy Nam, tức Bố
chồng chị Cư đã chạy từ trong nhà ra và thu lại toàn bộ số thuốc trên. Ông đã
nói rằng: “Đây là thuốc của tôi mua để tôi phun cho hoa không liên quan gì đến
con tôi cả. Các anh muốn bắt thì bắt tôi”. Sau đó chị Cư cũng một mực chối số
thuốc đó không phải là của chị và yêu cầu đoàn kiểm tra ra khỏi nhà. Trước tình
hình đó chúng tôi đã phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương xã
Đại Hưng. Sau 15 phút chính quyền địa phương đã có mặt để giải quyết sự việc.
Lúc này anh Nam đã có mặt ở nhà. Đoàn kiểm tra đã trực tiếp trao đổi với chính
quyền địa phương trước sự chứng kiến của anh Nam (chủ cửa hàng buôn bán
thuốc bảo vệ thực vật) cùng gia đình anh Nam và một số người dân trong xã về
sự việc vừa diễn ra. Anh Nam đã mời đoàn kiểm tra cùng với chính quyền địa

phương xã vào cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật để làm việc. Tại đây,
đại diện đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra việc chấp hành các quy định của
pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và ghi rõ lại toàn bộ
diễn biến của sự việc, số lượng, chủng loại kèm theo mô tả rõ về đặc điểm của
toàn bộ số thuốc vi phạm trên và tiến hành niêm phong, thu giữ toàn bộ số thuốc
vi phạm trên. Việc niêm phong số thuốc ngoài danh mục trên dưới sự chứng
kiến của chủ cửa hàng, chính quyền xã và một số người dân. Sau khi đã hoàn tất
thủ tục kiểm tra và hoàn thiện biên bản, đại diện đoàn kiểm tra tiến hành thông
qua biên bản, gửi lại 1 bản cho chủ cửa hàng và hẹn chủ cửa hàng đúng 8 giờ 30
phút ngày 09/11/2014 (tức thứ 4) có mặt tại Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội để
làm việc.
Đúng 9 giờ ngày 09 tháng 11 năm 2014. Anh Đào Huy Nam đã có mặt tại
Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội để giải quyết vụ việc vi phạm ngày 08 tháng 11
năm 2014. Tại đây, dưới sự có mặt của đoàn kiểm tra, đại diện cán bộ xã Đại
Hưng, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật và anh Đào Huy Nam, đại diện đoàn
kiểm tra đã thông qua lại biên bản kiểm tra ngày 08 tháng 11 năm 2014. Sau đó
đã lập biên bản làm việc ghi lại toàn bộ nội dung làm việc ngày 08 tháng 11 năm
6


2014 và biên bản xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch
thực vật đối với anh Đào Huy Nam. Anh Đào Huy Nam đã có đủ chứng chỉ
hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật số 283 do Chi cục trưởng chi cục Bảo
vệ thực vật Hà Nội cấp ngày 23 tháng 6 năm 2013, có giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh do phòng Tài Chính - Kế hoạch UBND huyện Mỹ Đức cấp, có giấy
huấn luyện chuyên môn văn bản pháp luật mới về thuốc Bảo vệ thực vật do Chi
cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp năm 2013 và năm 2014, có giấy chứng nhận
huấn luyện chuyên môn lớp 3 tháng do Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật
Hà Nội cấp. Như vậy về giấy tờ liên quan anh Nam có đầy đủ điều kiện kinh
doanh thuốc Bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, anh đã vi phạm buôn bán thuốc ngoài

danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam với khối lượng gồm 2 lít thuốc loại
100ml/chai, 3,2 kg thuốc loại 200g/gói đã được mô tả đặc điểm cụ thể tại biên
bản kiểm tra số 203 ngày 08 tháng 11 năm 2014. Hành vi vi phạm của anh Nam
như sau:
+ Thứ nhất anh vi phạm Khoản 1, điều 35 pháp lệnh 36/2001/PLUBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001. Pháp lệnh Ủy ban thường vụ Quốc Hội
về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật: “Nghiêm cấm các hành vi: Sản xuất, gia công,
sang chai, đóng gói, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng
thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật giả;
thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc; thuốc bảo vệ thực vật có nhãn hoặc
nhãn hiệu không đúng quy định của pháp luật; thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh
mục hạn chế sử dụng và được phép sử dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp được
phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 điều 31 của Pháp lệnh này”.
+ Thứ hai: vi phạm khoản 1, điều 19 Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày
03 tháng 6 năm 2002 Nghị định của Chính phủ ban hành điều lệ bảo vệ thực vật,
điều lệ kiểm dịch thực vật và điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật: “Điều 19.
Phạm vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật: 1.Được buôn bán các loại thuốc thành
phẩm có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, hạn chế sử dụng ở Việt
Nam”.

7


+ Thứ ba: vi phạm điểm a, khoản 2, điều 14 Nghị định 26/2003/NĐ-CP
ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật: “Phạt tiền từ 500.000
đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Buôn bán
thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực
vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc
không tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ có khối lượng
từ 5kg (hoặc lít) đến dưới 20kg (hoặc lít) thuốc thành phẩm.

Với lỗi vi phạm này anh Đào Huy Nam bị phạt số tiền là 500.000 đồng
(vi phạm lần đầu) và bị tịch thu toàn bộ số thuốc vi phạm. Anh Nam chấp hành
nghiêm chỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chi cục bảo vệ thực
vật, không có khiếu nại gì.

II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG
2.1. Mục tiêu xử lý.
- Xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo
vệ thực vật.
- Xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật để ngăn ngừa các hành vi vi
phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Xác định được hành vi vi phạm của chủ cửa hàng đã vi phạm vào điều
nào của Pháp lệnh 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001. Pháp
lệnh Ủy ban thường vụ Quốc Hội về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, của Nghị
định 26/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định của Chính phủ quy
định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Xác định được tính chất, mức độ vi phạm để xử lý theo tình tiết tăng
nặng hay giảm nhẹ.

2.2. Cơ sở pháp lý.
Để xử lý vi phạm hành chính trong công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật
cần căn cứ vào những văn bản sau:

8


- Pháp lệnh 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001. Pháp
lệnh Ủy ban thường vụ Quốc Hội về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
- Nghị định 36/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm

dịch thực vật.
- Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2010. Thông tư
Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
- Quyết định số 97/2008/QĐ-BNN ngày 06/10/2008 của Bộ Nông nghiệp
& PTNT ban hành quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công,
sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
- Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 Nghị định của
Chính phủ ban hành điều lệ bảo vệ thực vật, điều lệ kiểm dịch thực vật và điều
lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
- Thông tư 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Bộ
Nông nghiệp & PTNT về việc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được
phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam.
- Thông tư 22/2012/TT-BNNPTNT ngày 05 tháng 6 năm 2012 của Bộ
Nông nghiệp & PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2012/T
T-BNNPTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn
chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam.
- Quyết định 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 Quyết định
của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật thay
thế quyết định số 145/2002/QĐ-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2002.
- Quyết định 63/2007/QĐ-BNN ngày 02 tháng 7 năm 2007 Quyết định
của Bộ Nông nghiệp &PTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định
về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo quyết định số 89/2006/QĐBNN của Bộ Nông nghiệp &PTNT.

9


2.3. Phân tích tình huống.
- Phía đoàn kiểm tra: Đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà
nước trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Cụ thể, đã tiến hành kiểm tra
thường xuyên việc chấp hành pháp luật của những cơ sở sản xuất, kinh doanh

thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn Hà Nội theo quyết định 983/QĐ-BVTV ngày
17 tháng 10 năm 2014 của Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội về
việc: “Thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch
thực vật”. Khi phát hiện thấy vi phạm thì kịp thời xử lý theo đúng quy định.
- Về phía cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (cửa hàng kinh doanh
thuốc bảo vệ thực vật của anh Đào Huy Nam:
+ Chị Cư (người bán hàng) là vợ của anh Nam (chủ cửa hàng kinh doanh
thuốc bảo vệ thực vật) sau khi bị đoàn kiểm tra phát hiện ra vi phạm đã không
chịu thừa nhận. Đồng thời không hợp tác và đã đuổi đoàn kiểm tra ra khỏi cửa
hàng. Như vậy, chị Cư đã có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
+ Anh Nam sau khi trở về nhà nắm được toàn bộ diễn biến của quá trình
kiểm tra của đoàn kiểm tra đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình là buôn bán
thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng
tại Việt Nam đã hợp tác để đoàn kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã
nhận ra những hành vi sai phạm của mình và đã chịu quyết định xử phạt của Chi
cục bảo vệ thực vật Hà Nội.
- Về mức độ xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Đào Huy Nam: Anh
Đào Huy Nam đã có đủ chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật số
283 do Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp ngày 23 tháng 6 năm
2013, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do phòng Tài chính - Kế hoạch
UBND huyện Mỹ Đức cấp, có giấy huấn luyện chuyên môn văn bản pháp luật
mới về thuốc Bảo vệ thực vật cấp năm 2013, 2014. Như vậy, về giấy tờ liên
quan anh Nam có đầy đủ điều kiện kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật. Tuy
nhiên, anh đã vi phạm buôn bán thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng tại
Việt Nam với khối lượng gồm 2 lít thuốc loại 100 ml/chai, 3,2 kg thuốc loại

10


200g/gói đã được mô tả đặc điểm cụ thế tại biên bản kiểm tra số 203 ngày 08

tháng 11 năm 2014. Hành vi vi phạm của anh Nam như sau:
+ Thứ nhất anh vi phạm Khoản 1, điều 35 pháp lệnh 36/2001/PLUBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001. Pháp lệnh Ủy ban thường vụ Quốc Hội
về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật: “Nghiêm cấm các hành vi: Sản xuất, gia công,
sang chai, đóng gói, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán và sử dụng
thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật giả;
thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc; thuốc bảo vệ thực vật có nhãn hoặc
nhãn hiệu không đúng quy định của pháp luật; thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh
mục hạn chế sử dụng và được phép sử dụng ở Việt Nam, trừ trường hợp được
phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 điều 31 của Pháp lệnh này”.
+ Thứ hai: vi phạm khoản 1, điều 19 Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày
03 tháng 6 năm 2002 Nghị định của Chính phủ ban hành điều lệ bảo vệ thực vật,
điều lệ kiểm dịch thực vật và điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật: “Điều 19.
Phạm vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật: 1.Được buôn bán các loại thuốc thành
phẩm có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, hạn chế sử dụng ở Việt
Nam”.
+ Thứ ba: vi phạm điểm a, khoản 2, điều 14 Nghị định 26/2003/NĐ-CP
ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật: “Phạt tiền từ 500.000
đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Buôn bán
thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực
vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc
không tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ có khối lượng
từ 5kg (hoặc lít) đến dưới 20kg (hoặc lít) thuốc thành phẩm.
Với lỗi vi phạm này anh Đào Huy Nam bị phạt số tiền là 500.000 đồng
(vi phạm lần đầu) và bị tịch thu toàn bộ số thuốc vi phạm.
Có thể nhận thấy rằng: Anh Nam đã tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do
Chi cục tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Anh Nam đã nắm được
những quy định của pháp luật về ngành nghề kinh doanh mặt hàng thuốc bảo vệ
11



thực vật của mình. Số thuốc vi phạm nhiều. Vì vậy, nếu chỉ bị phạt tiền ở mức
đầu của khung hình phạt thì quá nhẹ so với lỗi vi phạm. Mặt khác, thuốc bảo vệ
thực vật là hóa chất độc hại được sử dụng trong nông nghiệp, nó như con dao
hai lưỡi, bảo vệ hoa màu nhưng gây ảnh hưởng tới môi trường và cả con người.
Thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục không có hướng dẫn cụ thể bằng tiếng
Việt, không đưa ra liều lượng cụ thể, không có chỉ định sử dụng với cây trồng
nào, sử dụng ở giai đoạn sinh trưởng nào của cây hoặc hoa quả nên người nông
dân sử dụng không đúng, sử dụng bừa bãi dẫn đến hậu quả khôn lường. Ở mức
phạt như vậy sẽ không có đủ sức răn đe đối với riêng cá nhân anh Nam cũng
như những hộ kinh doanh khác, nhất là khi lợi nhuận thu được từ việc buôn bán
thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc ngoài danh mục là rất lớn.

III. XỬ LÝ TÍNH HUỐNG
3.1. Mục tiêu xử lý tình huống.
Trước thực trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng
nguyên tắc, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, lạm dụng thuốc kích
thích sinh trưởng để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây trồng, sử dụng thuốc
bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc ngoài danh mục để dấm ủ chuối, cà chua, đu
đủ… đã gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua và đã gây ra những hậu
quả nghiêm trọng như: hiện tượng kháng thuốc đối với một số loại sâu hại, làm
mất hiệu lực của thuốc, để lại tồn dư thuốc quá mức cho phép trong nông sản,
thực phẩm làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Công
tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật càng phải đặt
lên hàng đầu. Siết chặt công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai,
đóng gói và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sẽ góp phần giảm đáng kể lượng
thuốc bảo vệ thực vật đến với sử dụng. Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội hiện nay
tổng số cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đã lên đến 893 cửa hàng và 71
công ty trong khi đó lực lượng kinh doanh còn quá mỏng.
Vì vậy, khi phát hiện ra lỗi vi phạm trong việc kinh doanh, sản xuất, sang

chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật cần xử lý nghiêm minh, xử lý đúng người,
đúng tội, đúng pháp luật để ngăn ngừa các hành vi vi phạm hành chính trong
12


lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, giảm thiểu nguy cơ sử dụng thuốc bảo vệ
thực vật ngoài danh mục, thuốc bảo vệ thực vật giả, thuốc bảo vệ thực vật hết
hạn sử dụng … góp phần vào công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực
phẩm đang báo động hiện nay. Xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục sẽ là hồi
chuông cảnh báo cho những hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khác trên địa
bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

3.2. Các phương án xử lý tình huống.
Anh Đào Huy Nam đã buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục
với số lượng gồm: 2 lít thuốc loại 100ml/chai, 3,2 kg thuốc loại 200g/gói nhãn
chữ Trung Quốc.
- Vi phạm khoản 1, điều 35 pháp lệnh 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25
tháng 7 năm 2001, pháp lệnh Ủy ban thường vụ Quốc Hội về Bảo vệ và kiểm
dịch thực vật.
- Vi phạm khoản 1, điều 19 Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng
6 năm 2002 Nghị định của Chính Phủ ban hành điều lệ bảo vệ thực vật, điều lệ
kiểm dịch thực vật và điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
- Vi phạm điểm a, khoản 2, điều 14 Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19
tháng 3 năm 2003 Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Phương án 1: Do anh Đào Huy Nam vi phạm lần đầu. Tại thời điểm kiểm
tra anh Nam đã xuất trình được đầy đủ những giấy tờ liên quan gồm: Chứng chỉ
hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, giấy phép kinh doanh mặt hàng
thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, giấy chứng nhận huấn luyện chuyên môn lớp

3 tháng do Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội cấp, giấy chứng nhận
huấn luyện văn bản pháp luật mới năm 2011 và năm 2012. Về mặt hồ sơ anh
Đào Huy Nam đã chấp hành nghiêm chỉnh. Vì vậy, quyết định xử phạt đối với
anh Nam như sau:
- Hình phạt chính: Phạt tiền, số tiền phạt là: 500.000 đồng
13


- Hình phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ số thuốc vi phạm.
* Ưu điểm, nhược điểm.
Ưu điểm: Phương án này mức độ xử phạt tiền thấp không ảnh hưởng lớn
đến kinh tế của người vi phạm. Do đó có lợi cho đương sự. Người vi phạm sẽ
chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính ngay.
Nhược điểm: Phương án này xử lý chưa nghiêm khắc. Chưa có tác dụng
tuyên truyền tới những hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khác trong địa
phương cũng như người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mức phạt thấp
nên không có tác dụng răn đe đối tượng vi phạm và các đối tượng khác. Bên
cạnh đó, người vi phạm sẽ rất dễ tái phạm sau khi bị xử phạt.
Phương án 2: Do nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được coi là
nghề kinh doanh có điều kiện, chủ cơ sở kinh doanh bắt thuốc bảo vệ thực vật
bắt buộc phải có Chứng chỉ hành nghề và phải tham dự đầy đủ các lớp tập huấn
về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục tổ chức. Anh Nam đã có chứng chỉ hành
nghề và đã tham dự đầy đủ quy định của pháp luật đối với điều kiện để được
kinh doanh mặt hàng này. Mặt khác, anh Nam đã tham gia đầy đủ các lớp tập
huấn về văn bản pháp luật mới về bảo vệ thực vật nên bản thân anh Nam đã nắm
rõ được những quy định của pháp luật khi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Vì
vậy, khi vi phạm anh Nam sẽ phải nhận mức phạt như sau:
- Hình phạt chính: Phạt tiền, số tiền phạt là: 1.000.000 đồng
- Hình phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ số thuốc vi phạm.
* Ưu điểm, nhược điểm.

Ưu điểm: Mức phạt tiền cao đủ sức răn đe người vi phạm và cả những hộ
kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khác.
Nhược điểm: Xử lý theo phương án này thiếu khách quan, chưa phù hợp
với mức độ vi phạm, mức tiền phạt là mức cao nhất của khung hình phạt khiến
người chịu phạt không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngay,
không thỏa đáng dễ dẫn đến khiếu nại. Chưa có tác dụng tuyên truyền tới những

14


hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khác trong địa phương cũng như người
nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Phương án 3: Về mặt hồ sơ anh Nam đã chấp hành tốt theo đúng quy
định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên,
anh vẫn vi phạm trong quá trình hành nghề. Anh đã buôn bán thuốc bảo vệ thực
vật ngoài danh mục với số lượng lớn, cụ thể gồm: 2 lít thuốc loại 100g/chai, 3,2
kg thuốc loại 200g/gói nhãn chữ nước ngoài.
Theo Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và
kiểm dịch thực vật: “Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi vi phạm: Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên
trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo
vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ
nguồn gốc, xuất xứ có khối lượng từ 5kg (hoặc lít) đến dưới 20kg (hoặc lít)
thuốc thành phầm”. Vì vậy, khi vi phạm anh Nam sẽ phải nhận mức phạt như
sau:
- Hình phạt chính: Phạt tiền, số tiền phạt là: 750.000 đồng
- Hình phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ số thuốc vi phạm, thông báo hành
vi vi phạm của anh Nam lên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn.
Nhận xét: Phương án tối ưu nhất, xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy

định của pháp luật, mức tiền phạt là mức giữa của khung hình phạt. Ngoài ra còn
có khả năng tuyên truyền cho những hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, người
nông dân trong địa phương về tác hại của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật mà
không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mà vẫn đảm bảo sức răn đe đối với người vi phạm
và cả những hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khác, đáp ứng được yêu cầu,
mục tiêu mà tình huống đã đặt ra.
Từ việc xây dựng ba phương án trên, tôi chọn phương án 3 là phương án
tối ưu nhất.

15


IV. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính gồm các bước:
- Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Giao quyết định cho đương sự
- Hướng dẫn đôn đốc sự thực hiện quyết định.
- Phối hợp với UBND xã Đại Hưng trong việc thông báo hành vi của anh
Nam lên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn.
- Xử lý tang vật vi phạm.
 Xác định mức xử phạt:
Căn cứ vào hành vi vi phạm; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định
mức xử phạt. Trong tình huống này, anh Nam không có tình tiết tăng nặng,
không có tình tiết giảm nhẹ. Vậy áp dụng mức phạt là mức trung bình của khung
hình phạt.
 Xác định thẩm quyền xử phạt.
Căn cứ vào khoản 2, điều 19 chương 3 Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày
19 tháng 3 năm 2003 Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Quy định rõ thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực

vật: “2.Chánh Thanh tra của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương được quyền:
a. Phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 20.000.000 đồng
b. Tước quyền sử dụng giấy chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang
chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương cấp;
c. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và
áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a,b,d khoản 3 điều
12 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

16


Chánh Thanh tra Chi cục bảo vệ thực vật sau khi xem xét vào hồ sơ và
căn cứ vào các văn bản quy định của pháp luật, đã ra quyết định xử phạt vi phạm
hành chính đối với đương sự Đào Huy Nam về các hành vi vi phạm như sau:
Phạt chính: Phạt tiền về hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài
danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng tại Việt
Nam. Do không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nên mức phạt tiền là mức phạt
trung bình của khung hình phạt:
Áp dụng Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định
của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và
kiểm dịch thực vật: “ Phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với một trong
các hành vi vi phạm: Buôn bán thuốc và nguyên liệu làm thuốc không có tên
trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng ở Việt Nam, thuốc bảo
vệ thực vật hết hạn sử dụng, thuốc không tiêu chuẩn chất lượng, thuốc không rõ
nguồn gốc, xuất xứ có khối lượng từ 5kg (hoặc lít) đến dưới 20kg (hoặc lít)
thuốc thành phẩm”. Mức tiền phạt: (500.000 + 1.000.000) : 2 = 750.000 đồng
(Bảy trăm năm mươi nghìn đồng).
Phạt bổ sung: Căn cứ vào Điểm C, Khoản 7, Điều 14 Nghị định

26/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tịch thu toàn bộ
số thuốc vi phạm bao gồm: 2 lít thuốc loại 100ml/chai, 3,2 kt thuốc loại
200g/gói nhãn chữ nước ngoài đem đi tiêu hủy.
Anh Nam có trách nhiệm nộp đủ số tiền trên tại kho bạc nhà nước. Sau 10
ngày nhận được quyết định nếu anh Nam không chấp hành Quyết định sẽ bị
cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý vi phạm đối với anh Đào Huy Nam là hợp tình, hợp lý. Do
vậy, anh Nam hoàn toàn nhất trí chấp nhận hình phạt, không có thắc mắc gì và
hứa sẽ không bao giờ tái phạm.

17


V. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ.
5.1 KIẾN NGHỊ
Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo
vệ thực vật.
Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo
vệ và kiểm dịch thực vật; sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp
với thời điểm hiện tại.
Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo
vệ và kiểm dịch thực vật, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật,
xử lý nghiêm minh khi phát hiện vi phạm.
Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến
thức chuyên môn về bảo vệ thực vật và các văn bản pháp luật mới có liên quan
đến nông dân và những người sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói và buôn
bán thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh
vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Tăng cường biên chế và nâng cao năng lực của đội ngũ lực lượng cán bộ

thanh tra chuyên ngành.
Tăng cường sự phối kết hợp với các cơ quan công an, quản lý thị trường,
chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh
thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

5.2 KẾT LUẬN
Qua việc xử lý tình huống sự việc nêu trên cho thấy việc quản lý chặt chẽ
chất lượng thuốc bảo vệ thực vật là việc làm cần thiết đối với các cơ quan quản
lý nhà nước và việc phối hợp thực hiện giữa các cấp, các ngành với người nông
dân được hài hoà, hợp lý đem lại lợi ích chính đáng cho các bên sẽ tạo được sự
đồng thuận cao giữa nhà quản lý, nhà kinh doanh và người nông dân.
Đối tượng trực tiếp chịu hậu quả trong tình huống này là người tiêu dùng
vì vậy trong quá trình giải quyết sự việc phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu

18


dùng là trên hết nhưng vẫn phải đảm bảo theo đúng quy trình, nguyên tắc và phù
hợp với các văn bản pháp luật quy định.
Trong tình hình nước ta hiện nay, công tác quản lý nhà nước luôn là
nhiệm vụ trọng và liên tục ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Pháp luật có
được thực thi, pháp chế có nghiêm minh, một mặt là nâng cao nhận thức của
công dân, mặt khác nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là công tác quản lý và sử
dụng thuốc bảo vệ thực vật đứng trước những thách thức của cơ chế thị trường,
người kinh doanh đặt nặng vấn đề lợi nhuận, người sản xuất thì coi trọng năng
suất mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và tồn dư thuốc bảo vệ thực
vật trên các sản phẩm nông nghiệp. Để công tác quản lý chất lượng nông sản
được chặt chẽ, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về danh mục thuốc bảo vệ thực
vật được sử dụng và những loại cấm sử dụng trên cây trồng và rau màu. Đề từ

đó các đơn vị kinh doanh và người nông dân nắm bắt và thực hiện. Trên cơ sở
các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân nhiều địa phương đã thực
hiện tốt, bên cạnh đó vẫn còn có những địa phương, doanh nghiệp thực hiện
chưa tốt. Nguyên nhân là do nhận thức về thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế,
đúng mức, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt và một phần cũng do điều kiện
kinh tế xã hội còn hạn chế nên việc đầu tư những khoa học kỹ thuật tiên tiến vào
sản xuất nông sản còn chưa đáp ứng được thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Vì vậy mỗi cá nhân, mỗi đơn vị đều thực hiện tốt quy định của nhà nước
về thuốc bảo vệ thực vật với tinh thần, trách nhiệm cao sẽ tạo ra được những
nông sản tốt đáp ứng được nhu cầu sản xuất tiêu dùng của người dân, góp phần
nâng cao thu nhập nông dân và giúp cho người tiêu dùng được sử dụng những
sản phẩm an toàn, chất lượng tốt.
Trên đây là bài tiểu luận về lĩnh vực quản lý nhà nước. Qua lớp bồi dưỡng
kiến thức quản lý nhà nước, chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên; Tôi đã
được các thầy, cô giáo Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tận tình giảng
dạy giúp tôi nhận được những kiến thức quý báu khi bắt đầu bước vào cơ quan
nhà nước. Tuy nhiên trong một thời gian ngắn, bản thân không tránh khỏi những
thiếu xót và nhận thức cũng chưa được đầy đủ. Qua bài viết tiểu luận này Tôi rất
19


mong nhận được ý kiến đóng góp của các thầy, cô và bạn bè để bài tiểu luận
được hoàn thiện hơn cũng như bản thân được học hỏi thêm những kiến thức,
kinh nghiệm quý báu.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Mỹ Đức, ngày 10 tháng 11 năm 2015
Người viết tiểu luận

Hoàng Mạnh Linh


20


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Pháp lệnh 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 7 năm 2001. Pháp lệnh
Ủy ban thường vụ Quốc Hội về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
2. Nghị định 26/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2003 Nghị định của
Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và
kiểm dịch thực vật.
3. Thông tư 38/2010/T T- BNNPTNT ngày 28 tháng 6 năm 2010. Thông Tư
Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
4. Quyết định số 97/2008/QĐ-BNN ngày 06/10/2008 của Bộ Nông nghiệp
& PTNN ban hành quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất,
gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.
5. Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 6 năm 2002 Nghị định của
Chính Phủ ban hành điều lệ bảo vệ thực vật, điều lệ kiểm dịch thực vật và
điều lệ quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
6. Thông tư 10/2012/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Bộ
Nông nghiệp & PTNN về việc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật
được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam.
7. Thông tư 22/2012/TT- BNNPTNT ngày 05 tháng 6 năm 2012 của Bộ
Nông nghiệp & PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
10/2012/TT-BNNPTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được
phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam.
8. Quyết định 89/2006/QĐ-BNN ngày 02 tháng 10 năm 2006 Quyết định
của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật
thay thế quyết định số 145/2002/QĐ-BNN ngày 18 tháng 12 năm 2002.
9. Quyết định 63/2007/QĐ-BNN ngày 02 tháng 7 năm 2007 Quyết định của
Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy
định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành kèm theo quyết định số

89/2006/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

21


10. Quyết định số 706/NN-BVTV/QĐ ngày 18 tháng 3 năm 1993 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp & CNTP quy định về chức năng, nhiệm vụ và
quyền hạn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố (hướng dẫn thi
hành Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật).
11. Quyết định số 583/NNPTNT/QĐ ngày 19 tháng 6 năm 1993 của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về chức năng, nhiệm vụ và
quyền hạn của Phòng Kinh Tế thuộc UBND huyện.
12. Tài liệu bồi dưỡng về Quản lý Nhà nước (chương trình chuyên viên)
Phần I. Nhà nước và pháp luật.
13. Tài liệu bồi dưỡng về Quản lý Nhà nước (chương trình chuyên viên)
Phần II. Hành chính Nhà nước và công nghệ hành chính.
14. Tài liệu bồi dưỡng về Quản lý Nhà nước (chương trình chuyên viên)
Phần III. Quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.
15. Thuốc bảo vệ thực vật – NXB Nông nghiệp – 1995.
16. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật – NXB Nông nghiệp Hà Nội.
17. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính – NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội
2002.

22



×