Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Tiểu luận Tôn giáo học đại cương: Tín ngưỡng thờ Mẫu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (615.69 KB, 13 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------  ---------

TIỂU LUẬN GIỮA KỲ
MÔN: TÔN GIÁO HỌC ĐẠI CƯƠNG
CHỦ ĐỀ: TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

Hà Nội, tháng 3/2012
[Type text]

1


Từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong tiến
trình lịch sử phát triển của nhân loại. Quan điểm coi trọng vai trò, vị trí của
người phụ nữ trong xã hội lâu dần tiếp biến với các yếu tố văn hóa khác trở
thành một hình thức tín ngưỡng trong dân gian là Đạo Mẫu và tín ngưỡng thờ
Mẫu. Không biết từ bao giờ, tục thờ Mẫu đã trở thành một nét văn hóa của
người Việt. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thần, Phật…
thì tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại với một vị trí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong
đời sống tín ngưỡng Việt Nam. Qua tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống, bóng
dáng của lịch sử cũng như đời sống tinh thần văn hóa và cốt cách của người Việt
Nam hiện lên thật rõ nét.
1. Khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu
Trong tác phẩm “Tìm hiểu văn hóa dân tộc”, PGS. TS Đặng Việt Bích có
viết: “Truyền thống thờ Nữ thần có thể coi như hằng số văn hóa của người
Việt”. Có thể thấy rằng, tục thờ Nữ thần của người Việt đã xuất hiện từ rất lâu
đời và phát triển trong trường kỳ lịch sử trên cơ sở truyền thống coi trọng vai trò
người phụ nữ nói chung, bà mẹ nói riêng trong gia đình và xã hội của người Việt
Nam. Tục thờ Nữ thần có nguồn gốc sâu xa trong đời sống kinh tế và xã hội.


Bởi lẽ, nền kinh tế của người Việt cổ là kinh tế nông nghiệp với phương thức
chính là trồng lúa nước. Từ đời sống đó hình thành nên những tín ngưỡng và lễ
thức liên quan đến Đất – Nước và cây lúa… Những yếu tố này được người xưa
coi như thần linh. Do quan niệm ảnh hưởng triết lý Âm – Dương, việc tôn thờ
thần Đất, Nước, Lúa… đều đồng nhất với yếu tố Âm và nhân hóa thành Nữ
thần. Vì gắn với thuộc tính sinh sản ra thóc gạo để nuôi sống bảo toàn nòi giống
cho nên các vị thần ấy mang tư cách Mẹ. Thủy tổ quốc mẫu là mẹ Âu Cơ và
những Nữ thần các giai đoạn khác lần lượt là Mỵ Nương, Man Nương và Liễu
Hạnh.
Tục thờ Mẫu ra đời trên cơ sở tục thờ Nữ thần. Tuy nhiên tục thờ Mẫu và
tục thờ Nữ thần không phải là đồng nhất: “Các Thánh Mẫu đều là Nữ thần,
[Type text]

2


nhưng không phải tất cả Nữ thần đều là Mẫu, mà chỉ một số Nữ thần được người
đời tôn vinh là Mẫu” (theo Ngô Đức Thịnh – Đạo Mẫu ở Việt Nam). Tín ngưỡng
thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị Nữ thần
gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng
sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người (như trời, đất, sông
nước, rừng núi,…): thờ những Thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người
tài giỏi, có công với dân với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an vật
thịnh. Các vị Nữ thần này được tôn vinh với các chức vị: Thánh Mẫu, Quốc
Mẫu, Vương Mẫu…
Trải qua lịch sử, dưới ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, tín ngưỡng
thờ Mẫu được bảo lưu, duy trì, phát triển và dần dần hình thành tín ngưỡng Tam
phủ, Tứ phủ. Các phủ ở đây là những thế giới khác nhau, theo quan niệm cổ
truyền từ rất xa xưa của người Việt. Tam phủ bao gồm: Thiên phủ – miền trời,
Nhạc phủ – miền rừng núi, Thủy/ Thoải phủ – miền sông nước, Tứ phủ bao gồm

ba phủ trên, có thêm Địa phủ – miền đất đai. Mẫu Thượng Thiên (còn gọi là
Mẫu Đệ Nhất) – cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn (còn gọi là Mẫu Đệ Nhị)
– cai quản miền rừng núi, Mẫu Thủy (gọi chệch là Mẫu Thoải – còn gọi là Mẫu
Đệ Tam) – cai quản miền sông nước. Mẫu Thượng Thiên trong quan niệm của
Tứ pháp gồm có: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi – Đó là bốn vị nữ
thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp, liên quan tới văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Mẫu Thượng Ngàn gắn bó với con người cùng cỏ cây, chim thú… Mẫu Thoải
gắn với đời sống thủy sinh của dân tộc Việt từ xa xưa, liên quan trực tiếp tới
thủy tổ dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Về sau này người Việt lại sáng
tạo thêm Mẫu Địa Phủ – cai quản đất đai, hình thành nên hệ thống Tứ phủ.

[Type text]

3


2. Sự ra đời của Đạo Mẫu
Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời
của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai đã được hình thành –
đó là Đạo Mẫu. Có nhiều sự truyền thuyết thần tích về bà chúa Liễu Hạnh, trong
đó nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là người chép sự tích về bà sớm nhất, trong sách
“Truyền kỳ tân phả”:
Tại làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản) có
ông Lê Thái Công hiền lành phúc đức, thường ngày đêm đốt hương thờ phụng
Trời Phật. Năm Thiên Hựu, đời vua Lê Anh Tông (1557), vợ ông Lê Thái Công
hoài thai, quá 9 tháng 10 ngày thì mắc bệnh, chữa mãi không khỏi, cũng chưa
sinh con được. Có đạo sĩ đến giúp ông Lê Thái Công nằm mộng, ông được lên
thiên đình.Tại đây ông chứng kiến cảnh Đệ nhị Tiên chúa Quỳnh Nương phạm
lỗi (đánh vỡ chén ngọc) phải đầy xuống trần gian.
Khi tỉnh dậy, vợ ông vừa sinh được một nhi nữ. Đêm ấy có hương lạ thơm

nức ở trong nhà, trăng sáng soi vào cửa sổ. Nhớ lại giấc mộng, ông bà bèn đặt
tên con gái là Giáng Tiên. Cô gái lớn lên nhan sắc xinh đẹp lạ thường mà tài
cầm, kỳ, thi, họa cũng tuyệt vời. Giáng Tiên được gả cho Đào Lang (chàng trai
dưới gốc đào), con nuôi nhà Trần Công, bạn của Lê Thái Công. Giáng Tiên sinh
được hai con thì chết, lúc 21 tuổi. Thiên đình gọi nàng về trời. Nhưng về trời rồi
nàng lại nhớ cõi trần, nhớ chồng, nhớ con nên xin vua trời cho tái hợp hạnh phúc
gia đình.
Vua trời đồng ý cho nàng xuống hạ giới, nàng thăm chồng con và gia đình
chồng, nhưng không ở lại với chồng con được vì là người trời, người cõi tiên.
Khi cha mẹ và chồng mất, con cái đã trưởng thành, Liễu Hạnh hóa phép để bỡn
cợt đàn ông, khi là cô gái đẹp, khi là bà lão. Nàng từng họa thơ với trạng Bùng
(Phùng Khắc Khoan). Sau đó, nàng kết hôn với một thư sinh (hậu sinh của
chồng cũ), nhưng chỉ ít lâu lại phải về trời. Thượng đế chiều ý cho nàng xuống
[Type text]

4


trần lần nữa. Nàng vẫn tiếp tục tác oai tác quái, dân địa phương phải lập đền thờ.
Vua chúa cho quân đến phá tan đền của Liễu Hạnh nhưng sau đó nàng làm phép
cho dịch bệnh lan tràn. Nhân dân hoảng sợ, lập lại đền thờ mới cho nàng ở phố
Cát (Thanh Hóa) và sắc phong “Mã hoàng công chúa”. Tiên chúa sau đó nhiều
lần giúp vua đánh giặc nên được gia tặng là “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương”.
(theo Ngô Đức Thịnh – Đạo Mẫu ở Việt Nam)
Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào thế kỷ XVI được nhiều nhà
nghiên cứu gắn với sự quay trở về nguyên lý Mẹ của văn hoá Việt cổ truyền, là
sự phản kháng của dân gian chống lại tư tưởng độc tôn Nho giáo, coi trọng nam
quyền và phụ quyền, xem khinh vai trò của phụ nữ và người mẹ. (theo Đặng
Việt Bích – Tìm hiểu văn hóa dân tộc) Huyền tích về Bà chứa đựng những yếu
tố phàm mà thiêng, bình thường mà phi thường. Bà là biểu tượng cho sức giải

phóng, ý thức tự do và lòng nhân đạo của phụ nữ. Ngoài ra, sự xuất hiện và phát
triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh từ thập kỷ 70 của thế kỷ XVI cũng
phản ánh một thực tế lịch sử: Đó là sự chống đối lại những hệ tư tưởng và tôn
giáo ngoại lai của truyền thống tín ngưỡng bản địa: Khổng giáo đến từ Trung
Hoa khẳng định nam quyền, phụ quyền, vương quyền và Công giáo đến từ Tây
Âu.
Sơn Nam Hạ – cụ thể là vùng Phủ Giầy, Vụ Bản là nơi giáng sinh và cũng
là nơi hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được coi là cái nôi phát sinh Đạo Mẫu bởi
lẽ nơi đây hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi. Phủ Giầy nằm không xa biển, chính
sự ra đời của Đạo Mẫu là sự phản ứng quyết liệt nhất chống lại cuộc đổ bộ của
Công giáo vào duyên hải Sơn Nam Hạ. Nếu như người Công giáo có Đức Mẹ
Maria của họ, thì người Việt cũng có Mẫu của mình. Tại đây có đủ núi non (núi
Gôi – Côi Sơn), rừng rậm, thuận lợi cho sự hình thành đạo Tứ phủ với đầy đủ
Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ, Nhạc phủ. Có thể kể đến một yếu tố khác đó là
vùng Sơn Nam Hạ vào thời nhà Mạc và thời Lê Trung Hưng khá phát triển về

[Type text]

5


thương mại. Theo đó sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Liễu Hạnh phù hợp với
tâm lý của kẻ đi buôn, đặc biệt là nữ giới hành nghề buôn bán.
3. Hệ thống thần linh trong Đạo Mẫu
So với tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu, Đạo Mẫu đã có bước phát triển.
Đạo Mẫu đã bước đầu có một hệ thống điện thần có lớp lang tương đối nhất
quán gồm:
 Ngọc hoàng
 Tam tòa thánh mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải,
Địa Tiên Thánh Mẫu).

 Ngũ vị vương quan (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ), thường thì người ta xếp
Đức Thánh Trần vào hàng các quan.
 Tứ vị chầu bà hay Tứ vị Thánh bà là hóa thân trực tiếp của Tam tòa
Thánh Mẫu.
 Ngũ vị hoàng tử (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ).
 Thập nhị vương cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)
 Thập nhị vương cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)
 Quan ngũ hổ
 Ông Lốt (rắn).
(theo Ngô Đức Thịnh – Đạo Mẫu ở Việt Nam)
Điện thờ Mẫu được dựng theo hình tượng sinh nở của người Mẹ. Các điện
thờ đều được bài trí một hậu cung sâu thăm thẳm như một cái hang, cái động.
Bên ngoài vẽ hoặc khắc chạm những cây đại thụ, rễ chùm, rễ phụ bao cuốn lấy
cửa động, cùng với đôi bạch xà (rắn trắng) uốn khúc ngoằn nghèo từ cửa động
vào tới hậu cung. Hình ảnh con rắn trắng từ hang sâu ra ngoài tựa như cuống
nhau nối với tử cung, nuôi dưỡng phôi thai. Ngoài ra, có nhà nghiên cứu cho
rằng điện thờ Mẫu còn có nguồn gốc từ huyền thoại Trâu Sơn – Giếng Việt.

[Type text]

6


Theo huyền thoại này, nguồn gốc của người Việt là rắn Vương Kinh Tử (rắn có
đốt giống như cau), sinh ra bởi mẹ đất Trâu Sơn từ trong lòng bang giếng.
Trong điện thờ Mẫu, Tam Tòa Thánh Mẫu được thờ chung một hàng
ngang với thứ bậc vị trí rõ ràng: Mẫu Thượng Thiên choàng khăn màu đỏ ngồi
giữa, bên trái là Mẫu Thượng Ngàn choàng khăn màu xanh, bên phải là Mẫu
Thoải choàng khăn màu trắng. Trên điện thần, Mẫu Liễu Hạnh được đồng nhất
với Mẫu Thượng Thiên – Tiên Thiên Thánh Mẫu – lực lượng sáng tạo ra trời và

đặt ra cách vận hành của bầu trời. Điện thần của Đạo Mẫu có hàng chục vị thần
linh, nhưng đều quy tụ dưới sự điều khiển của Tam tòa thánh Mẫu. Mẫu Liễu
Hạnh là vị Thánh xuất hiện khá muộn nhưng nhanh chóng trở thành Thần chủ
của Đạo Mẫu và được tôn vinh hơn tất cả các Thánh Mẫu khác.
Hệ thống thần linh của Đạo Mẫu gồm các thiên thần và nhân thần, trong
đó có khá nhiều các nhân vật lịch sử – văn hóa của dân tộc, trong đó đáng chú ý
là nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo. Mặc dù Mẫu là vị thần có quyền năng sáng
tạo tối thượng, nhưng trong điện thần các vị thần linh vẫn chia thành dòng Cha
và dòng Mẹ, các Nam thần và bên kia là các Nữ thần. Điện thờ mang tính chất
gia tộc đã được cung đình hóa. Điều này thể hiện ở cách thức bài trí “Tam tòa”,
“Lục viện” của điện thờ; ở hệ thống xưng hô Vua Cha – Thánh Mẫu, có các
Quan, các Chúa, các Ông Hoàng…; ở trang phục của các linh tượng và của các
vị Thánh khi giáng đồng; ở thần tích của nhiều khá nhiều vị Thánh được gán với
các chức vị hoàng tử, công chúa, quan văn, quan võ…
Không gian thờ Mẫu thường là các đền, phủ, miếu. Ban đầu miếu là cơ sở
tín ngưỡng duy nhất để thờ Mẫu. Nhưng sau này do quá trình hỗn dung, tích hợp
về tín ngưỡng nên miếu không còn là nơi duy nhất thờ Mẫu nữa, mà miếu còn
thờ cả các vị Phật, Thánh… của Phật giáo và Đạo giáo.

[Type text]

7


4. Nghi lễ thờ cúng và lễ hội của Đạo Mẫu
Như vậy, Đạo Mẫu đã có một sự khái quát hóa nhất định về một hệ thống
vũ trụ luận nguyên sơ, đó là một vũ trụ gồm bốn miền, do bốn vị Thánh Mẫu cai
quản. Những nghi lễ của Đạo Mẫu đã bước đầu được chuẩn hóa, trong đó nghi
lễ Lên đồng (hay còn gọi là Hầu bóng) và lễ hội “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba
giỗ Mẹ” là một điển hình.

4.1. Nghi lễ Lên đồng
Lên đồng là nghi lễ chính của Đạo Mẫu bên cạnh lễ hội và những lễ khác
liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu trong điện thờ Mẫu. Lên đồng cũng như
những nghi lễ nhập đồng, shaman giáo khác ở nhiều nơi trên thế giới là một nghi
lễ mang tính văn hóa và tôn giáo phức hợp. Trong các buổi Lên đồng các vị thần
nhập đồng hay giáng thế thông qua ông đồng bà đồng cùng với phương tiện
trình diễn và giao tiếp nghi lễ. Lên đồng thể hiện những hành động nghi lễ và
diễn xướng của hệ thống tín ngưỡng Đạo Mẫu. Một buổi lễ Lên đồng bình
thường có khoảng 20 người đến dự, có khi lên đến 50 người, trong đó chủ yếu là
các con nhang đệ tử và những người đến cầu cúng, đội lễ, xin người hầu kêu
thay lạy đỡ cầu tài lộc của các vị thánh. Trong các buổi lễ thể hiện cuộc hành
trình (nhập và thăng) của các vị thần của Đạo Mẫu, những ông đồng bà đồng có
thể nhập xác cho các vị thánh ngự, hầu khoảng từ 10 đến 36 giá đồng. Những
ông đồng bà đồng có thể sắm tới 36 giá hầu với 36 nhân vật khác nhau mà chỉ
cần thay một nếp áo, một vuông khăn và thêm bớt một vài đạo cụ khác như mái
chèo, thanh gươm… Sàn diễn chỉ là một chiếc chiếu. Bên cạnh đó là những
người cung văn đàn và hát, gọi là hát chầu văn. Tùy theo sở cầu sở nguyện của
người làm lễ, người chịu lễ, họ hầu đồng để cầu cho cuộc sống tốt đẹp, làm ăn
phát đạt, gia đình trong ấm ngoài êm, chữa bệnh, thêm sức khỏe cho bản thân,
cho gia đình, cho con nhang đệ tử, cho những khách hàng của họ. Trong khói
hương tỏa ngát, tiếng hát, tiếng đàn cùng với tượng thờ và người xem tạo ra một
thế giới như thực, như mơ, khiến tâm linh con người trở nên thăng hoa đến tột
[Type text]

8


độ. Tuy nhiên, những khía cạnh mê tín rất dễ bị khai thác, đẩy con người tới
mức cuồng tín, có thể gây nguy hiểm và thiệt hại cho tín đồ, cộng đồng… Ngày
nay việc lên đồng để cầu tài lộc thường là mục tiêu hàng đầu. Đó là một hạn chế

bởi nó làm mất đi giá trị văn hóa của nghi lễ tôn giáo hầu đồng.
4.2. Lễ hội “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”
Lễ hội giỗ Cha tháng Tám diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến
28 tháng tám âm lịch. Theo quan niệm dân gian, “Cha” là Vua Cha Bát Hải Đại
Vương và Đức Thánh Trần, với hai nơi thờ tự chính là đền Đồng Bằng (Thái
Bình) và đền Kiếp Bạc (Hải Hưng). Đền Đồng Bằng thờ Vua Cha Bát Hải Đại
Vương, sau này khi Trần Hưng Đạo mất ngôi đền này cũng thờ Đức Thánh
Trần. Tương truyền vào thời vua Hùng, khi có giặc xâm lăng, vua đã ra chiếu
kêu gọi người hiền tài cứu nước. Một con rắn lớn nhất đã hóa thành người đem
đội quân gồm rắn, thuồng luồng, cá sấu đi đánh giặc. Chiến thắng trở về, ông
được vua phong là Bát Hải Đại Vương và được nhân dân Đào Đồng lập đền thờ.
Thế kỷ XIII, vùng đất này là quê hương của dòng họ nhà Trần, hơn thế nữa còn
là địa bàn hoạt động quân sự chống quân xâm lược Nguyên – Mông của Hưng
Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ hội tháng Tám giỗ Cha ở đền Đồng Bằng và
Kiếp Bạc ngoài việc thực hiện các nghi lễ cúng tế tôn vinh còn tiến hành các
nghi thức rước trên sông, gắn với các vị thủy thần, tái hiện lại chiến công xưa
của Vua Cha Bát Hải Đại Vương và sau này là của Trần Hưng Đạo cùng với ma
thuật để diệt trừ tà ma. Ở đền Đồng Bằng, hát chầu văn là một hình thức diễn
xướng tín ngưỡng – văn hóa độc đáo. Ở đền Kiếp Bạc, các hoạt động đồng
bóng, ma thuật diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt, những phụ nữ mắc bệnh vô sinh
hay sinh con nhưng không nuôi được thường đến cầu xin Đức Thánh Trần thoát
khỏi sự quấy ám của tà ma.
Giỗ Mẹ tháng ba diễn ra ở tất cả các ngôi đền thờ Mẫu, trong đó trung tâm
thờ cúng là cụm di tích Phủ Giầy ở xã Kim Thái (trước là An Thái). Hội được
mở vào tháng ba âm lịch hằng năm với mười ngày hội chính từ mồng 1 đến
[Type text]

9



mồng 10. Ngày 1 tháng ba, dân làng tế lễ kỵ Thánh Mẫu. Mồng 3 tháng ba trở đi
là cuộc tế của các quan viên, thay mặt triều đình về để làm lễ quốc tế, với những
nghi thức của triều đình. Mồng 6 có cuộc rước kiệu bát nhang công chúa Liễu
Hạnh từ phủ chính lên chùa Gôi rất long trọng, chỉ có các thiếu nữ đồng trinh
xiêm y lộng lẫy mới được chọn để khiêng kiệu, võng, long đình…Mồng 7,8,9
ngoài các trò vui chơi, có lễ kéo gậy hội thường gọi là “Hội hoa trượng” hay
“Hội kéo chữ” rất độc đáo. “Hội kéo chữ” diễn lại tích Phùng Thị Ngọc Đài ở
Vụ Bản, là một người đàn bà cực kỳ xinh đẹp, thông minh, tài ba, sau được chúa
Trịnh Tráng cưới về làm Thái phi. Theo truyền thuyết, trước khi được làm Thái
phi, Trịnh Thị đã cầu khấn Thánh Mẫu. Việc kéo chữ được coi như một nghi
thức tôn vinh tạ ơn của Bà Thái phi đối với Mẫu Liễu Hạnh – người đã phù hộ
cho bà. Ngày mồng 10 làng tế tạ và đóng cửa Phủ. Lễ hội là dịp để người ta
thưởng thức hát chầu văn – đặc sản văn hóa của vùng Sơn Nam Hạ – cùng hát
chèo, hát trống quân, tuồng, hát xẩm, hát ca trù, đấu vật, chọi gà, đánh cờ, kéo
co… Lên đồng là nghi lễ đặc sắc, không thể thiếu trong ngày hội giỗ Mẹ tháng
Ba.
5. Các giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu
Trước hết, tín ngưỡng thờ Mẫu mang đến giá trị hướng về cội nguồn lớn
lao. Ngày nay, trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật, tin học hoá, toàn cầu
hóa, con người bừng tỉnh về tình trạng tách rời giữa bản thân mình với tự nhiên,
môi trường; với lịch sử xa xưa, với truyền thống văn hoá độc đáo đang bị mai
một. Chính trong môi trường tự nhiên và xã hội như vậy, hơn bao giờ hết con
người càng có nhu cầu hướng về, tìm lại cái nguồn cội tự nhiên của mình; trở về,
tìm lại và khẳng định cái nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hoá của mình
trong cái chung của văn hoá nhân loại. Những tín ngưỡng truyền thống, trong đó
có tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là một biểu tượng, có thể đáp ứng nhu cầu bức
xúc ấy. Nó nhắc nhở ta về ơn nghĩa sâu nặng khôn cùng của Mẹ – người mang
nặng đẻ đau, che chở bao bọc, nuôi dưỡng ta nên người. Người đến thờ Mẫu tâm
[Type text]


10


phải sáng. Trong cuộc sống thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế,
thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên. Cao hơn là ý thức hướng về nguồn cội, lòng
biết ơn chân thành với những người có công với dân, với nước.
Bên cạnh đó, với tín ngưỡng thờ Mẫu, con người dường như được tắm
mình trong dòng nước mát đầu nguồn của văn hoá dân tộc, tận hưởng những
giây phút thiêng liêng, được sống những giờ phút giao cảm hồ hởi đầy tinh thần
cộng đồng. Những lễ hội của Đạo Mẫu, mà đặc biệt là lễ “Tháng Tám giỗ Cha,
tháng Ba giỗ Mẹ” đã vượt ra ngoài phạm vi của một làng, một vùng và phần nào
đó mang quy mô cả nước. Hệ thống hội của Đạo Mẫu có vai trò và vị trí không
hề nhỏ trong hệ thống hội hè của dân tộc Việt Nam, là môi trường sản sinh và
bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Giá trị của Đạo Mẫu còn ở những đóng góp của nó trong các mảng văn
học, diễn xướng và nghệ thuật tạo hình. Trong kho tàng văn học dân gian nước
ta, có một mảng riêng gắn liền với Đạo Mẫu gồm các thần tích, thần phả, các
huyền thoại, truyền thuyết, các bài thơ giáng bút và ứng khẩu, câu đối và văn
bia,… Trong mảng diễn xướng, lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng) đã hội đủ
những đặc tính của một loại hình sân khấu dân gian mang tính tâm linh hay sân
khấu tâm linh, còn hơn cả một hình thức diễn xướng tổng hợp. Về nghệ thuật
tạo hình, có thể thấy các kiến trúc Đền, Phủ thờ Mẫu thường được xây dựng
dưới dạng quần thể. Ở Việt Nam, tranh thờ Mẫu phong phú về đề tài và nghệ
thuật tạo hình, điều dễ nhận biết nhất ở thể loại tranh này là tính nhân dân vừa
giản dị vừa gần gũi lại dễ hiểu.
Trong hệ thống tôn giáo tín ngưỡng của Việt Nam, Đạo Mẫu đã và đang
thâm nhập và có ảnh hưởng tới các tín ngưỡng tôn giáo khác. Đạo Mẫu rất gần
gũi với Đạo Thờ Tiên, thờ Thành Hoàng, tiếp thu những ảnh hưởng của tục thờ
cúng tổ tiên. Đặc biệt, giữa Đạo Phật và Đạo Mẫu có sự thâm nhập, ảnh hưởng,
bổ sung cho nhau khá sâu sắc. Đạo Mẫu lấy Mẫu (Mẹ) làm đấng sáng tạo và bảo

trì cho vũ trụ, con người, là nơi con người ký thác những mong ước, khát vọng
[Type text]

11


về đời sống trần thế của mình, đạt tới sức khỏe, tài lộc. Như vậy, thờ Mẫu là tín
ngưỡng hướng về đời sống trần thế hiện tại, chứ không phải là mai sau hay thế
giới bên kia. Đây là điểm khác biệt của tín ngưỡng này với nhiều tôn giáo khác.
6. Kết luận
Trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tục thờ Mẫu chỉ có
ở Việt Nam. Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển khá sâu rộng trên cả
nước, được nhiều người Việt ở nước ngoài thờ phụng. Ở mỗi địa phương khác
nhau, tín ngưỡng thờ Mẫu có sắc thái riêng, do ảnh hưởng của quá trình tiếp xúc
và giao lưu văn hóa. Thờ Mẫu không những phổ biến mà còn phong phú, đa
dạng về nội dung và ý nghĩa, thể hiện tính chất thiêng liêng về phương diện triết
lý nhân sinh và nhận thức. Trong xã hội hiện đại, Đạo Mẫu được đổi mới cũng
như trẻ hóa, đáp ứng nhu cầu của con người hiện đại.
Ngày nay, không vì cuộc sống hối hả mà nhân dân ta quên đi những nét
truyền thống của cha ông. Những tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống nói
chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là hình thức để nhắc nhở mọi người ý
thức về cội nguồn, về đồng loại, về cái đẹp đã hình thành nếp sống, nếp nghĩ,
một truyền thống nhân văn của dân tộc. Tín ngưỡng thờ Mẫu là tài sản văn hóa
dân tộc, là quốc hồn quốc túy, là nét đẹp của văn hóa Việt Nam mà cho đến nay,
dù đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm, biến cố lịch sử, vận nước có lúc
chông chênh – dân tộc Việt Nam vẫn giữ vững được truyền thống để các thế hệ
người Việt hôm nay kế thừa và gìn giữ.

[Type text]


12


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Vui, Trương Hải Cường, (2003), “Bài 5: Một số tôn giáo
dân tộc. Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam”, Tập bài giảng Tôn giáo học,
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Trần Đức Vượng (Chủ biên), (2010), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo
dục, Hà Nội.
3. Ngô Đức Thịnh (Chủ biên), (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam, NXB Văn hóa
thông tin, Hà Nội.
4. Đặng Việt Bích, (2005), “Thờ Mẫu tín ngưỡng truyền thống bản địa Việt
Nam”,Tìm hiểu văn hóa dân tộc, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
5. Vũ Ngọc Khánh, (2002), “Vấn đề nữ thần ở Việt Nam”, Các bình diện
văn hóa Việt Nam: Văn hóa Việt Nam – Những điều học hỏi, NXB Văn
hóa thông tin, Hà Nội.
6. www.daomauvietnam.com.vn

[Type text]

13



×