Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc này trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (140.18 KB, 11 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Cũng giống như bất kì hoạt động có mục đích nào, quản lí hành chính nhà nước
được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc nhất định. Đây chính là tư tưởng chủ đạo
rất quan trọng trong tô chức và hoạt động giúp cô các chủ thể quản lí hành chính nhà
nước thực hiện có hiệu quả công việc của mình trên các lĩnh vực đã được phân công. Để
nhân dân lao động thực sự giữ vai trò là người làm chủ đất nước, việc tạo điều kiện để
nhân dân lao động tham gia vào Quản lý Hành chính Nhà nước phải được ghi nhận và
đảm bảo thực hiện như một nguyên tắc cơ bản trong Quản lý Hành chính Nhà nước.
Để tìm hiểu việc nhân dân tham gia vào quản lí Hành chính Nhà nước như thế
nào, em chọn nghiên cứu đề tài: “Phân tích nguyên tắc nhân dân lao động tham gia
đông đảo vào quản lý hành chính nhà nước và đánh giá việc vận dụng nguyên tắc
này trong quản lý hành chính nhà nước ở nước ta hiện nay.” để giải quyết thắc mắc
trên.

NỘI DUNG
I. Một số vấn đề chung về nguyên tắc Nhân dân lao động tham gia
đông đảo vào Quản lý Hành chính Nhà nước.
1. Cơ sở hình thành nên nguyên tắc:
- Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về
nhân dân được nhà nước xã hội chủ nghĩa ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Nhà nước xã
hội chủ nghĩa do chính nhân dân lao động tự tổ chức để thực hiện quyền lực của mình.
Nó được lập ra nhằm phát huy tài năng, sức lực của người lao động trong việc gánh vác
các công việc của nhà nước và xã hội nhằm phục vụ lợi ích của chính họ. Ghi nhận nội
dung này hiến pháp 1992 ( sửa đổi 2001), Điều 2 hiến pháp đã ghi nhận : nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
và nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

1



-Thực tiễn lịch sử phong trào cộng sản trên thế giới cho thấy: Một trong những
yếu tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng là việc chính đảng cầm quyền có tôn
trọng, quan tâm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân hay không. Nhận thức và
thấm nhuần sâu sắc điều này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt 80
năm qua, Đảng ta luôn xác định: Quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch
sử và là người làm nên lịch sử. Vì vậy, thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước
quản lý, nhân dân làm chủ”, Đảng ta không ngừng chăm lo xây dựng, mở rộng, tăng
cường và phát huy quyền làm chủ của nhân dân
-

Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên lí “ nhân dân là gốc của quyền lực nhà

nước - bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”. V.I.Lenin cho rằng đây là phương
tiện thần kì cho phép nhấn lên hàng chục lần sức mạnh của bộ máy nhà nước. Cương
lĩnh cũng như các văn kiện chính trị quan trọng của Đảng ta luôn khẳng định rằng nhà
nước ta là nhà nước “ của dân, do dân, vì dân”. Mà quản lí nhà nước là một kênh quan
trọng để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Việc xây dựng một cơ chế hiệu quả
bảo đảm thu hút nhân dân tham gia vào quản lí nhà nước là nhiệm vụ hàng đầu của
Đảng và nhà nước ta.
- Để nhân dân lao động thực sự giữ vai trò người làm chủ đất nước, việc tạo điều
kiện để nhân dân lao động tham gia vào quản lí hành chính nhà nước phải được ghi
nhận và đảm bảo thực hiện như một nguyên tắc cơ bản trong quản lí hành chính nhà
nước
2. Cơ sở pháp lý :
Các nguyên tắc quản lí hành chính nhà nước được ghi nhận trong các văn bản
pháp luật của nhà nước, từ hiến pháp, luật đến các văn bản dưới luật. Điều này thể hiện
tính chất pháp lí của các nguyên tắc của các nguyên tắc trong quản lí hành chính nhà
nước.
Trước hết là trong hiến pháp: Dưới dạng chung nhất, hiến pháp 1980 quy định tại
Điều 56 “Mọi công dân có quyền tham gia quản lí công việc của nhà nước và xã hội”.

Đây là lần đầu tiên quyền này đươc quy định trong hiến pháp. Và đến hiến pháp 1992
( sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã tiến một bước mới, quy định cụ thể hơn. Điều 53 hiến
2


pháp này ghi nhận “ Công dân có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia
thảo luận những vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà
nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”, Điều 2 quy định “Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”, Điều 3 hiến pháp 1992 khẳng
định “ Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của
nhân dân.”, Điều 11 về quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở…
Các văn bản luật và dưới luật lại cụ thể hóa nội dung các nguyên tắc này trong
các lĩnh vực hoạt động khác nhau của Nhà nước.
Luật: Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật
Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Phòng chống tham
nhũng, trong đó quy định cụ thể các điều kiện, hình thức, phương thức để nhân dân
tham gia vào hoạt động quản lý của Nhà nước như việc các đại biểu, các cơ quan nhà
nước phải tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khiếu nại của người dân, tiếp
thu các ý kiến đóng góp vào các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, các
chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Các luật về các tổ chức chính trị - xã
hội như Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Mặt trận Tổ quốc cụ thể hóa quy định
của Hiến pháp về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công việc quản lý
nhà nước
Văn bản dưới luật : các nghị định của chính phủ (Nghị định số 29/1998/NĐ-CP
ban hành Quy chế thực hiện Dân chủ cơ sở, trong đó quy định các việc chính quyền cơ
sở phải công khai xin ý kiến của nhân dân và quy định cụ thể các công việc mà người
dân có quyền quyết định tại địa phương….)

3. Đặc điểm của nguyên tắc
Nhân dân lao động tham gia đông đảo vào Quản lý Hành chính Nhà nước là một
trong những nguyên tắc cơ bản trong Quản lý Hành chính Nhà nước bởi lẽ đó nguyên
tắc này có một số đặc điểm cơ bản sau:
3


- Thứ nhất, nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào Quản lý Hành
chính Nhà nước được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, từ Hiến
pháp, các văn bản luật đến văn bản dưới luật. Điều này thể hiện tính pháp lý của nguyên
tắc này trong Quản lý Hành chính Nhà nước.. Như đã nêu trên, điều 3 Hiến pháp năm
1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng
phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của công dân”. Như vậy, quyền được tham gia vào
quản lý các công việc của nhà nước và xã hội là quyền cơ bản của công dân, được Hiến
pháp ghi nhân và trên thực tế, nó đã được bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt những
hoạt động cụ thể.
- Thứ hai, nguyên tắc này khẳng định vai trò quan trọng của nhân dân lao động
trong Quản lý Hành chính Nhà nước đúng như nguyên lý khoa học “nhân dân là gốc
của quyền lực nhà nước” mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra và thực tiễn đã chứng
minh. Mặt khác, nó cũng xác định những nhiệm vụ mà nhà nước phải thực hiện trong
việc đảm bảo những điều kiện cơ bản đề nhân dân lao động tham gia vào Quản lý Hành
chính Nhà nước.
- Thứ ba, nguyên tắc này thể hiện tính khách quan và khoa học, vì:
+ Được xây dựng và đúc rút từ thực tế của cuộc sống, từ thực tiễn Quản lý Hành chính
Nhà nước.
+ Được xây dựng và ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, nguyên tắc
này được xây dựng trên cơ sở của hoạt động Quản lý Hành chính Nhà nước chứ không
phải ý muốn chủ quan của các chủ thể Quản lý Hành chính Nhà nước.
+ Nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào Quản lý Hành chính Nhà nước
cũng có yếu tố chủ quan, vì: nó được xây dựng nên bởi con người, được rút ra từ thực tế

cuộc sống, nhờ có con người thông qua bộ óc con người. Cho nên, nguyên tắc này bao
giờ cũng chịu sự chi phối của điều kiện về chính trị, giai cấp, xã hội…
- Thứ tư, là một nguyên tắc cơ bản trong Quản lý Hành chính Nhà nước nên nguyên
tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào Quản lý Hành chính Nhà nước mang tính
ổn định cao, vì:
+ Chúng phản ánh các quy luật khách quan của quản lý hành chính Nhà nước, cho nên
4


tính ổn định phải được đảm bảo trong từng thời kỳ. Song chúng không phải là bất biến,
bởi vì cuộc sống luôn phát triển cùng với qui luật của nó.
+ Có mối liên hệ với các nguyên tắc cơ bản khác trong Quản lý Hành chính Nhà nước.

II. Các hình thức tham gia Quản lí Hành chính Nhà nước.
Các hình thức tham gia Quản lí Hành chính Nhà nước là biểu hiện rõ nét nhất
của nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào Quản lí Hành chính Nhà
nước, được pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện bằng các phương tiện nhà nước.
Các hình thức này bao gồm:
1. Tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước
Trước hết, có thể khẳng tham gia vào các cơ quan nhà nước là hình thức tham
gia tích cực, trực tiếp và có hiệu quả của người lao động vào hoạt động Quản lí Hành
chính Nhà nước bởi các cơ quan trong bộ máy nhà nước là công cụ để thực hiện quyền
lực nhà nước. Người lao động nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định
đều có thể tham gia vào hoạt của các cơ quan nhà nước để trực tiếp hay gián tiếp thực
tiện công việc Quản lí Hành chính Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Người lao động có thể tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước thông qua các
con đường sau:
- Với tư cách là thành viên cơ quan nhà nước – những đại biểu được lựa chọn
thông qua con đường bầu cử như là được bầu làm Đại biểu Quốc hội, Đại biểu hội đồng
nhân dân các cấp,... Ở cương vị này, người lao động trực tiếp xem xét và quyết định các

vấn đề quan trọng của đất nước, của từng địa phương, trong đó có các vấn đề về Quản lí
Hành chính Nhà nước.
- Với tư cách là cán bộ, công chức, nhân dân lao động tham gia vào hoạt động
của các cơ quan nhà nước khác như: cơ quan Hành chính Nhà nước, cơ quan kiểm sát,
cơ quan xét xử,… Khi đó, họ sẽ sử dụng một cách trực tiếp quyền lực nhà nước để tiến
hành những công việc khác nhau của Quản lí Hành chính Nhà nước, thể hiện vai trò
làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình.
- Người lao động có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước
5


thông qua việc thực hiện quyền lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay măt mình vào
cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương hay địa phương (Ví dụ: bầu đại biểu Hội
đồng nhân dân). Đây là cách thức rộng rãi nhất để nhân dân lao động có thể tham gia
vào quản lý các công việc của nhà nước.
2. Tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội
Điều 9 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân
dân”. Điều này có nghĩa, nhân dân lao động không chỉ tham gia vào hoạt động của các
cơ quan nhà nước mà còn tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó,
nhà nước cũng giúp đỡ về vật chất, tinh thần để các tổ chức xã hội thực sự trở thành
công cụ đắc lực của nhân dân lao động trong việc thực hiện quyền tham gia QLHCNN
của mình. Chẳng hạn, Hội nông dân Việt Nam thông qua các hình thức hoạt động của
mình phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân lao động trong QLHCNN.
Trên thực tế, các tổ chức xã hội đã thu hút được một lực lượng đông đảo quần
chúng nhân dân lao động tham gia vào QLHCNN. Ví dụ như: số lượng các thành viên
của các hội, hiệp hội, liên đoàn, câu lạc bộ,… liên tục tăng trong những năm qua. Vì
vậy, đây là một hình thức hoạt động rất có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy và mở rộng nên
dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
3. Tham gia vào hoạt động tự quản ở cơ sở

Ở nơi cư trú, sinh hoạt, làm việc, nhân dân lao động thường xuyên thực hiện các
hoạt động mang tính chất tự quản như là tham gia hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ
sinh môi trường, tổ chức đời sống công cộng… Những hoạt động này đều gần gũi với
nhân dân, do nhân dân lao động tự thực hiện và chúng có mối liên quan chặt chẽ với các
công việc khác nhau của quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Thông qua những hoạt động mang tính chất tự quản mà người dân lao động là
những chủ thể tham gia tích cực, quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của
người dân mà pháp luật đã quy định thực sự được tôn trọng và đảm bảo thực hiện. Nhà
nước cũng đã tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để phát huy vai trò chủ động, tích
cực của nhân dân lao động trong việc tham gia những hoạt động có tính chất tự quản
6


nêu trên.
4. Trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong quản lý hành
chính nhà nước
Điều 53 của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định công
dân có quyền “tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến
nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân”. Để thực hiện
quyền cơ bản này, pháp luật đã quy định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân
trong các lĩnh vực khác nhau của QLHCNN. Bên cạnh việc thực hiện các quyền và
nghĩa vụ này thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, việc
trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ cũng là một hình thức tham gia vòa
QLHCNN của nhân dân lao động.
Ðây là nguyên tắc được nhà nước ta thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Nguyên tắc
này thể hiện bản chất dân chủ sâu sắc giữ vai trò quan trọng thiết yếu trong quản lý
hành chính nhà nước. Nhân dân không chỉ có quyền giám sát đối với hoạt động của cơ
quan hành chính nhà nước; thực hiện khiếu nại tố cáo nếu cho rắng cán bộ hành chính
nhà nước vi phạm quyền lợi của họ hoặc thực hiện không đúng đắn, mà còn có quyền tự
mình tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền lợi của toàn thể

nhân dân lao động. Ðiểm thú vị về mặt lý luận của nguyên tắc vì vậy chỉ có ý nghĩa khi
được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Có thể mở rộng, tăng cường quyền của công dân
trong hoạt động quản lý, nhưng không được phép hạn chế, thu hẹp những gì mà Hiến
pháp đã định.

II. Đánh giá việc vận dụng nguyên tắc nhân dân lao động tham gia
đông đảo vào Quản lí Hành chính Nhà nước trong Quản lí Hành chính
Nhà nước ở nước ta hiện nay.
Có thể nói việc vận dụng nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào
Quản lí Hành chính Nhà nước ở nước ta hiện nay đang được phổ biến rộng rĩa theo
hướng tích cực. Điều này được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực cụ thể của việc nhân
7


dân lao động tham gia Quản lí Hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn
tồn tại một số hạn chế. Cụ thể như sau :
• Trong việc tham gia vào hoạt động của các cơ quan nhà nước :
Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà pháp luật quy định, người lao động được tự
ứng cử hoặc bầu cử vào các vị trí trong bộ máy nhà nước; được tuyển dụng, bổ nhiệm
thành cán bộ, công chức và cũng được thể hiện nguyện vọng của mình thông qua việc
bầu cử người khác vào cơ quan nhà nước.
Hoạt động bầu cử, ứng cử là ví dụ điển hình nhất cho việc tham gia vào hoạt
động của các cơ quan nhà nước của nhân dân. Người đủ từ 18 tuổi trở lên có quyền
tham gia bầu cử, người đủ từ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử làm đại biểu Hội đồng
nhân dân. Ngày bầu cử đã trở thành ngày hội toàn dân, đông đảo nhân dân lao động
trong cả nước đã ý thức được rõ ràng tầm quan trọng của mình trong việc tìm hiểu
người đại diện cho quyền lợi của mình để bầu cử ra người xứng đáng nhất. Những đại
biểu được nhân dân bầu làm đại diện cũng ngày càng trở nên xứng đáng hơn, hoạt động
nhiệt huyết hơn để thể hiện tiếng nói của nhân dân lao động cũng như mang lại quyền
lợi chính đáng cho họ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn xuất hiện một số vấn đề hạn chế ví dụ như, ở
một số địa phương, công tác bầu cử còn mang nặng tính hình thức, cho đó là một thủ
tục cẩn phải làm chứ chưa thực sự quan tâm người dân nghĩ gì, muốn gì.
• Trong việc tham gia vào hoạt động của các tổ chức xã hội:
Trên thực tế, các tổ chức xã hội đã thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân lao
động trong cả nước. Các tổ chức xã hội khá phong phú, đa dạng như: tổ chức chính trị
(Đảng cộng sản Việt Nam ), các tổ chức chính trị - xã hội( Mặt trận tổ quốc Việt Nam,
công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nứ Việt Nam,
Hội nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh) các tổ chức xã hội nghề nghiệp ( tiêu biểu
là trung tâm trọng tài, Đoàn luật sư…), các tổ chức tự quản ( tổ chức thanh tra nhân
dân, tổ dân phố, tổ dân phòng..).
Người dân lao động tham gia vào các tổ chức xã hội này với tinh thần tự nguyện,
tiến bộ, hoạt động tích cực, có hiệu quả đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng, phát
8


triển đất nước. Nhà nước có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người dân lao động
tham giao vào sự phát triển của tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn cón có những tổ chức hoạt động thiếu tích cực,
mang tính hình thức, chưa thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân lao động.
• Trong việc tham gia vào các hoạt động tự quản ở cơ sở
Có thể nói đây là hình thức tham gia qúản lí nhà nước gần gũi nhất với nhân dân
lao động vì các hoạt động này nhân dân có thể dễ dàng thực hiện như chỉ cần tham gia
vào các hoạt động ngay ở chính nơi mình sinh sống, và những hoạt động này trực tiếp
phục vụ nhu cầu cuộc sống thường nhật của người dân.
Nhà nước đã và đang tạo nhiều điều kiện về vật chất và tinh thần để phát huy vai
trò chủ động, tích cực của nhân dân lao động trong việc tham gia những hoạt động có
tính chất tự quản. Vì thế, các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tổ
chức đời sống công cộng… đang nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người
dân lao động. Sụ tham gia ở đây cũng mang tính chất tự nguyện, thể hiện được vai trò

làm chủ của mình trong Quản lí Hành chính Nhà nước.
• Trong việc trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ chính đáng của mình:
Nhân dân lao động càng ngày càng có những nhận thức đúng đắn về các quyền
và nghĩa vụ của mình nên thực hiện rất hiệu quả các quyền và nghĩa vụ. Quyền và nghĩa
vụ của công dân nói chung và của người lao động nói riêng đang được tôn trọng và tạo
điều kiện thực hiện. Nhân dân lao động cũng có ý thức hơn trong việc thực hiện quyền
và nghĩa vụ của mình.
Tuy nhiên, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ còn nhiều hạn chế, nhân dân vẫn
chưa thực sự có những am hiểu về luật pháp nên trong quá trình thực hiện quyền và
nghĩa vụ còn gặp nhiều khó khăn.

III. Một số giải pháp cụ thể để nâng cao tinh thần tham gia vào
hoạt động Quản lí Hành chính Nhà nước của đông đảo nhân dân lao
động.
9


- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, có cơ chế huy động người dân tham gia
vào quá trình quản lý của Nhà nước
- Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước. Đổi mới cơ
cấu tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước, mở rộng sự công khai,
minh bạch..
- Tiếp tục mở rộng sự hình thành và tham gia của các hội, tổ chức phi chính phủ
trong việc giải quyết các nhu cầu của nhân dân và tích cực tham gia vào công tác quản
lý nhà nước
- Tiếp tục có biện pháp giáo dục nâng cao kiến thức, trình độ, nhất là ý thức
chính trị, tinh thần pháp luật của người dân, làm cho người dân tự giác và có ý thức hơn
nữa trong việc tham gia vào các công việc xã hội và các hoạt động quản lý nhà nước.
- Nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục
và tổ chức tham gia của người dân đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật.

- Sử dụng tốt hơn các phương tiện thông tin đại chúng. Mở rộng việc sử dụng các
báo điện tử trong việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước và thu thập,
phản ánh các ý kiến đóng góp, tham gia của nhân dân.

KẾT LUẬN
Hoạt động tham gia vào Quản lí Hành chính Nhà nước của đông đảo nhân dân đang
diễn ra hết sức sôi động, phong phú dưới nhiều hình thức mà mang lại hiệu quả tích
cực. Qua đó nhân dân lao động có thể tham gia vào quản lí nhà nước một cách hiệu quả,
từ đó phát huy đúng bản chất của nhà nước ta, nâng cao chất lượng đời sống cho chính
nhân dân trên mọi phương diện. Qua những phân tích trên đây có thể thấy được ý nghĩa
to lớn của nguyên tắc này, từ đó cần có những giai pháp phù hợp để việc áp dụng
nguyên tắc đạt hiệu quả cao nhất có thể. Điều này một lần nữa khẳng định rõ hơn bản
chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước “của dân – do dân – vì dân” .

10


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật Hành chính Việt Nam – trường ĐH Luật Hà Nội.
2. Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam – khoa Luật trường ĐH Quốc gia
Hà nội
3. Quyền lực Nhà nước và quyền công dân – Đinh Văn Mậu, Nxb Tư pháp,
Hà Nội, 2003
4. Website : www.chinhphu.vn

5. Website : sinhvienluat.vn

11




×