Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Dạy học theo phong cách học tập

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (229.97 KB, 12 trang )

DẠY HỌC THEO PHONG CÁCH HỌC TẬP
Teaching is based on Learning Style
ThS. Nguyễn Văn Hạnha, Nguyễn Thị Hương Lanb
a) Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
b) Trường Đại học An ninh Nhân dân
Email: , Sđt: 0975.300.198

Tóm tắt: Bài báo này bàn đến việc tiếp cận phong cách học tập của người học
để thiết kế dạy học hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng lực, và kinh
nghiệm của người học.
Từ khóa: Phong cách học tập, chu trình học tập của Kolb
Summany: This paper discusses the approach the learning styles of learners to
design effective teaching to meet the needs, interests, abilities, and experiences
of the learners.
Keywords: Learning Style, Kolb’s learning cycle
1. Mở đầu
Trước khi bàn luận đến việc dạy học như thế nào thì chúng ta cần quan
tâm đến học tập ở người học trước, vì học tập xuất hiện trước dạy học rất nhiều,
nó luôn diễn ra hằng ngày, trong cuộc sống khi con người gặp phải những
vướng mắc, cần giải quyết các vấn đề nhằm thích ứng sinh học và tương tác với
môi trường, hoàn cảnh sống. Khi giải quyết các vấn đề đó, mỗi người thực hiện
theo các cách khác nhau, ở các mức độ không đồng đều tùy thuộc vào đặc điểm
tâm sinh lí, trình độ đào tạo, năng lực nhận thức, kinh nghiệm cá nhân và kinh
nghiệm xã hội của bản thân, đó chính là việc học tập. Kết quả từ sự tương tác
giữa đặc điểm bên trong một các nhân với môi trường, hoàn cảnh bên ngoài của
họ nhằm thu thập và xử lý thông trong các tình huống học tập đã hình thành nên
phong cách học tập của mỗi người học. Do đó, người dạy cần hiểu biết về các
phong cách học tập của người học để chủ động về chuyên môn và lựa chọn được
phương pháp dạy học phù hợp nhằm giúp người học tiếp cận với thông tin, kiến
thức một cách dễ dàng hơn, đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng lực, và kinh nghiệm
của người học.


1


2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát về phong cách học tập
Giữa các nhà nghiên cứu giáo dục vẫn còn nhiều tranh luận về “phong
cách học tập” dưới nhiều phương diện khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin trình bày
khái quát một số quan điểm đó.
1/ Thuyết đa thông minh của Howard Gardner cho rằng tất cả con người
đều có hàng loạt sự thông minh, nhưng không phải tất cả đều có những tập hợp
các sự thông minh giống nhau hay đều phát triển chúng đến cùng một cấp độ
[1]. Gardner đã xác định được hơn bảy loại hình trí thông minh bao gồm: 1/
Thông minh về ngôn ngữ; 2/ Thông minh về logic – toán học; 3/ Thông minh
âm nhạc; 4/ Thông minh về chuyển động cơ thể; 5/ Thông minh về thị giác và
không gian; 6/ Thông minh về tương tác; 7/ Thông minh về nội tâm. Ông hướng
sự chú ý tới những cá nhân người học cụ thể và tầm quan trọng của phong cách
học tập phù hợp với từng cá nhân, do mỗi cá nhân là sự pha trộn độc đáo của
những sự thông minh khác nhau. Người nào yếu về mặt không gian những lại
giỏi về toán học thì có thể phát triển khả năng về không gian nếu vấn đề này
được giải thích và phát triển bằng các số và logic, người nào yếu về toán học
nhưng lại giỏi về âm nhạc có thể phát triển khả năng toán học và logic thông qua
âm nhạc, … Do đó, trong giáo dục, điểm mạnh của mỗi con người chính là sức
mạnh để giúp họ phát triển học tập sâu sắc hơn. Trong dạy học truyền thống,
giáo viên hay đặt nặng vào sự thông minh ngôn ngữ và thông minh logic – toán
học mà không tính đến các loại hình thông minh khác. Tuy nhiên, phần lớn các
giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi ứng dụng phương pháp của Gardner vào
trong các lớp học do ông hướng việc dạy học đến từng cá nhân người học cụ thể.
2/ Phương pháp Thị giác – Thính giác – Vận động trong học tập
(VAK): Phương pháp pháp VAK bao gồm ba thuộc tính chính: 1/ Thị giác (nhìn
và đọc); 2/ Thính giác (nghe và nói); 3/ Vận động (xúc giác và thực hiện).

Những nhà giáo dục nghiên cứu về VAK nhận ra rằng con người học theo các
cách khác nhau. Ví dụ, một đứa trẻ không dễ dàng học các con chữ và từ ngữ
2


bằng cách đọc (thị giác) thì có thể học dễ dàng hơn bằng cách vẽ hình các con
chữ bằng (vận động), … Phương pháp VAK đưa ra bốn loại phong cách học tập
tương ứng với bốn loại người học bao gồm:
Những người học thính giác (tức là học thông qua việc lắng nghe): Giáo
viên có thể nhận ra các người học này do họ thích nói chuyện và thích nghe hơn
đọc. Giáo viên có thể sử dụng các tài liệu, phương pháp dạy học như các phiếu
hỏi và trả lời, các bài giảng và câu chuyện, băng nghe, thảo luận nhóm, giải
thích của giáo viên và học sinh, biến thể giọng nói của giáo viên (cường độ, tốc
độ, âm lượng).
Những người học thị giác (tức là cần nhìn thấy những gì đang xảy ra để
học): Giáo viên có thể phát hiện những người học này do họ thích đọc, xem tivi,
bức ảnh, sơ đồ, biến họa, họ có kĩ năng đọc và viết tốt, họ không thích phải lắng
nghe quá lâu. Giáo viên có thể sử dụng các tài liệu, phương pháp dạy học như
các biểu đồ, sơ đồ, đồ thị, sách nhỏ, sách mỏng, tài liệu phát tay, băng video,
cách thể hiện của giáo viên và học sinh, các màu sắc và hình dạng.
Những người học vận động (tức là học thông qua làm): Giáo viên có thể
nhận biết người học này vì họ hay di chuyển xung quanh như gõ bút, di chuyển
trên ghế ngồi. Họ cần được nghỉ ngơi nhiều, yêu thích các trò chơi và không
thích đọc. Giáo viên có thể sử dụng các tài liệu, phương pháp dạy học như các
hoạt động nhóm, các hoạt động thực hành, đóng vai và mô phỏng, ghi chép, các
hoạt động thảo luận.
Những người học kết hợp: Có thể có người học thích hai hay nhiều hơn
hai trong các phong cách học tập trình bày ở trên.
Tóm lại, phương pháp VAK đã đưa ra các phương pháp học tập ưu tiên
cho người học và cung cấp các cách thức để lựa chọn và sử dụng phương pháp

dạy học nhằm phục vụ, đáp ứng cho các phong cách học tập khác nhau đã được
nêu trên. Điều này giúp giáo viên dễ dàng áp dụng trong lớp học hơn là thuyết
đa thông minh vì Gardner chỉ thiên về việc tìm kiếm cách thức để giải thích trí
thông minh của con người.
3


3/ Phong cách học tập của Kolb và lí thuyết học tập dựa trên kinh
nghiệm: Lí thuyết học tập dựa trên kinh nghiệm của Kolb đặt ra bốn phong cách
học tập dựa trên một chu trình học tập gồm bốn giai đoạn. Lí thuyết này giúp ta
hiểu rõ về các phong cách học tập khác nhau và chiếm ưu thế ở mỗi cá nhân
người học, và cũng giải thích chu trình học tập dựa trên kinh nghiệm này áp
dụng cho tất cả người học. Lí thuyết và mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm
của ông đã được các giáo viên, nhà quản lí giáo dục công nhận là một trong
những đóng góp lớn nhất cho việc hiểu và giải thích hành vi học tập của con
người và giúp đỡ người khác học tập. Nó bổ sung cho khái niệm của Gardner về
Thuyết đa thông minh và mở rộng ý niệm VAK về phong cách học tập, giúp
giáo viên dễ dàng áp dụng dạy học trong lớp học. Bản chất các phong cách học
tập của Kolb và kĩ thuật thiết kế dạy học sẽ được chúng tôi trình bày chi tiết ở
phần sau.
2.2. Bản chất các phong cách học tập của Kolb
Khi nghiên cứu về học tập dựa trên kinh nghiệm, Kolb tin rằng, phong
cách học tập của mỗi người là kết quả từ một tương tác giữa đặc điểm bên trong
một cá nhân và môi trường, hoàn cảnh bên ngoài của họ nhằm thu nhận và xử lí
thông tin trong các tình huống học tập. Theo Kolb, phát triển phong cách học tập
trải qua ba giai đoạn bao gồm: 1/ Nhận thức (Acquisition), 2/ Chuyên môn
(specialization), 3/ Tích hợp (integration).
1/ Giai đoạn 1 – Nhận thức (Acquisition), Kolb kế thừa gần như hoàn
toàn mô hình phát triển nhận thức của Piaget, bao gồm bốn giai đoạn phát triển
phụ tương ứng với bốn giai đoạn trong mô hình của Piaget: 1/ Cảm giác vận

động (Sensorimotor), 2/ Trước hoạt động (Pre-operational), 3/ Hoạt động cụ thể
(Concrete operational), và 4/ Hoạt động chính thức (Formal operations). Mỗi
giai đoạn mô tả một cách thức nắm bắt kiến thức và chuyển đổi kiến thức.
- Giai đoạn phụ thứ nhất tương ứng với giai đoạn Cảm giác vận động của
Piaget – Học tập là các hoạt động thể chất của chủ thể nhằm tìm kiếm giải pháp,

4


con đường giải quyết vấn đề trong thực tiễn bằng vốn tri thức của cá nhân. Kolb
gọi giai đoạn phụ thứ nhất là Điều ứng (Accommodative).
- Giai đoạn phụ thứ hai tương ứng với giai đoạn Trước hoạt động của
Piaget – Học tập là thông qua các biểu tượng cụ thể trong tự nhiên thông qua sự
vận dụng, thao tác của quan sát và phản ánh hình ảnh, khái niệm trong trí óc.
Kolb gọi giai đoạn phụ thứ hai là Phân kì (Divergent).
- Giai đoạn phụ thứ ba tương ứng với giai đoạn Hoạt động cụ th của
Piaget – Học tập là thông qua cơ chế biểu tượng, trừu tượng khái niệm dựa trên
phản ánh. Kolb gọi giai đoạn phụ thứ ba là Đồng hóa (Assimilative).
- Giai đoạn phụ thứ tư tương ứng với giai đoạn Hoạt động chính thức của
Piaget – Học tập là thông qua giả thuyết và lí luận về một vấn đề. Kolb gọi giai
đoạn phụ thứ tư là Hội tụ (Convergent).
Kolb tin rằng, những kinh nghiệm về một điều gì đó là chưa đủ, người ta
phải sử dụng kinh nghiệm đó để kiến tạo nên kiến thức cho bản thân. Do vậy,
Kolb đã đề xuất một mô hình kết hợp các giai đoạn phát triển phong cách học
tập cùng với cách thức nắm bắt và chuyển đổi kiến thức (hình 1).

Hình 1: Mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm của Kolb [3]
Bản chất của mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm là một vòng xoắn ốc
gồm bốn giai đoạn học tập bao gồm: 1/ Quan sát phản ánh; 2/ Khái niệm trừu
tượng; 3/ Thử nghiệm; 4/ Kinh nghiệm cụ thể. Học tập sẽ xuất phát từ một mâu

thuẫn giữa Kinh nghiệm cụ thể và Khái niệm trừu tượng, hiểu đơn giản thì đó
5


chính là mâu thuẫn cái đã biết và cái chưa biết. Khi giải quyết mâu thuẫn này,
mỗi người học có thể thích sử dụng Khái niệm trừu tượng hoặc kinh nghiệm cụ
thể. Người học nào thích sự bao quát, nhận thức vấn đề sẽ ưa thích “Suy nghĩ Thinking”, trong khi người nào thích sự rõ rằng, hiểu rõ vấn đề sẽ ưa thích
“Cảm xúc - Feeling” khi bày tỏ, trình diễn một trải nghiệm học tập. Hai cách
thức chuyển đổi ý nghĩa của kinh nghiệm là Thử nghiệm và Phản ánh, người học
có thể thích sử dụng Thử nghiệm hoặc Phản ánh. Người học nào thích sự mở
rộng, ngoại diên vấn đề sẽ ưa thích “Làm - Doing”, trong khi người nào thích
nội hàm, nội dung vấn đề sẽ ưa thích “Xem- Watching” khi cố gắng để áp dụng
ý nghĩa của trải nghiệm.
Kolb cho rằng, sự khác biệt trong tính cách của người học và kinh nghiệm
ảnh hưởng tới cách họ tiếp nhận thông tin, ý tưởng và xử lí các thông tin đó,
Ông xác định bốn phong cách học tập cơ bản:
1- Phân kỳ – Tiếp cận học tập giàu tưởng tượng với nhận thức về ý nghĩa
và giá trị của sự việc.
2- Đồng hóa – Khả năng lập luận quy nạp vững chắc và khả năng tại ra
các mô hình lí thuyết.
3- Hội tụ – Khả năng giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và áp dụng
trong thực tế các ý tưởng.
4- Điều tiết – Khả năng triển khai hiệu quả kế hoạch và thích khám phá
các kinh nghiệm mới.
2/ Giai đoạn 2 – Chuyên môn (specialization)
Phong cách học tập của mỗi người được định hình qua các trải nghiệm
giáo dục thông qua kĩ năng học tập riêng biệt của mỗi cá nhân, và sự hướng dẫn
học sinh cách học tập của giáo viên. Ở giáo dục tiểu học thì giáo dục mang tính
tổng quát nhưng đến trung học thì sự chuyên môn hóa ngày càng tăng, và trở
nên rõ nét nhất trong giáo dục đại học và nghề nghiệp do các cá nhân lực chọn

chương trình giáo dục dựa trên thế mạnh, sở thích của mình. Kế thừa mô hình
nghiên cứu hành vi của Lewin, Kolb tin rằng, kiến thức của các lĩnh vực chuyên
6


môn ảnh hưởng đến hướng học tập, và kết quả sẽ tạo nên nét quan hệ riêng biệt
giữa phong cách học tập của họ phù hợp một nội quy, khuôn phép giáo dục. Ví
dụ, những người thuộc chuyên ngành khoa học xã hội như nghệ thuật, chính trị,
tâm lí, tiếng Anh, … xu hướng có phong cách học tập phân kì, trong khi những
người làm việc trong lĩnh vực trừu tượng và áp dụng như Vật lí, kĩ thuật
thường có phong cách học tập hội tụ. Những cá nhân trong lĩnh vực quản lí,
kinh doanh xu hướng có phong cách học tập điều ứng, và phong cách học tập
đồng hóa cho những người trong lĩnh vực kinh tế, toán học, xã hội học, hóa học,

3/ Giai đoạn 3 – Tích hợp (integration)
Trong độ tuổi trung niên và cao hơn, phong cách học tập được tích hợp
trong nghề nghiệp của cá nhân, trải nghiệm nghề nghiệp của một người làm nảy
sinh sự mâu thuẫn, vấn đề giữa nhu cầu xã hội và cá nhân của họ cần để thực
hiện, thỏa mãn bản thân. Phong cách học tập thể hiện trực tiếp qua các nhiệm vụ
cụ thể hoặc vấn đề gặp phải trên công việc của mình. Mỗi một vấn đề, nhiệm vụ
mà họ đối mặt đòi hỏi phải có kĩ năng tương ứng để đạt hiệu quả công việc.
Điều ứng giúp cho việc xác định các kĩ năng hành động, phân kì định giá trị kĩ
năng và các mối quan hệ, đồng hóa liên quan đến các kĩ năng tư duy, và hội tụ
giúp phân tích định lượng và kĩ năng quyết định.
Tóm lại, trong quá trình giáo dục, giáo viên cần quan tâm và chú ý hơn
trong giai đoạn 1- Nhận thức. Trong giai đoạn này, quá trình học tập là lí tưởng
thì người học phải đi qua tất cả bốn giai đoạn học tập nhằm giải quyết vấn đề
trong tình huống học tập thì sẽ đạt hiệu quả học tập cao nhất. Thực tế cho thấy,
bản thân mỗi cá nhân sẽ nỗ lực, cố gắng sử dụng, tiếp cận cả bốn giai đoạn học
tập này, tuy nhiên, họ thường có xu hướng phát triển, chiến ưu thế về một

phương thức nhận thức kinh nghiệm, và một phương thức chuyển đổi kinh
nghiệm. Mặt khác, cũng cần phải quan tâm đến chuyên môn học tập của người
học để thấy được xu hướng, khả năng học tập chiếm ưu thế về phong cách học
tập nào để có thể lựa chọn phương pháp dạy học cho phù hợp, tập trung, đầu tư
7


nhiều thời gian dạy học hơn vào giai đoạn đó. Ví dụ, những người học tập về
lĩnh vực kĩ thuật thường có xu hướng ưu thế về phong cách học tập hội tụ, do
vậy khi dạy học, giáo viên nên tổ chức các hoạt động học tập nghiêng về tư duy,
khả năng lập luận, và thực hiện giải quyết vấn đề.
2.3. Thiết kế dạy học theo các phong cách học tập của Kolb
Khi học tập, người học có thể bắt đầu hoạt động học tập từ bất cứ giai
đoạn nào trong bốn giai đoạn trong chu trình học tập dựa trên kinh nghiệm, mỗi
người sẽ có một xu hướng nghiêng về một quá trình nhận thức kinh nghiệm và
một quá trình chuyển đổi kinh nghiệm tùy vào phong cách học tập của mỗi
người. Tuy nhiên, hiệu quả học tập sẽ cao nhất, lí tưởng nhất khi người học đi
qua cả giai đoạn học tập trong chu trình học tập và coi kinh nghiệm của người
học là nền tảng, điểm khởi đầu cho quá trình học tập mà bất cứ người học nào
cũng đều có. Như vậy, giáo viên có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của người học
(cái chung, người học nào cũng có) là cơ sở cho việc thiết kế, lựa chọn phương
pháp dạy học phù hợp nhằm dẫn dắt người học đi qua tất cả bốn giai đoạn của
học tập dựa trên kinh nghiệm phù hợp với bốn loại phong cách học tập. Từ đó,
chúng tôi đề xuất cấu trúc của một bài dạy theo phong cách học tập của người
học gồm các bước như sau:
Bước 1: Dẫn nhập, giới thiệu chủ đề
a) Mục đích học tập: Trở lại kinh nghiệm trước đó và suy ngẫm về nó?
b) Đặc trưng của người học: Người học có phong cách học tập “phân kì”,
có xu hướng học tập nghiêng về sử dụng Kinh nghiệm cụ thể - Quan sát phản
ánh, câu hỏi đặc trưng của người học trong phong cách học tập này là Tại sao

(Why)? – Cho tôi biết lí do tại sao tôi phải học? Khi học, người học “why”
muốn biết nội dung học tập đó có liên quan đến kinh nghiệm, sở thích và tương
lai nghề nghiệp của họ như thế nào. Để có hiệu quả đối với người học “why”,
giáo viên nên đóng vai trò là người định hướng.
c) Hoạt động dạy học: Giáo viên nên giới thiệu chủ đề học tập, phân tích
mục tiêu kiến thức, kĩ năng sẽ đạt được nhằm hình thành động cơ, sự hứng thú
8


học tập, giúp người học nhìn thấy giá trị của bài học. Giáo viên viên có thể bắt
đầu bằng một câu chuyện, hoặc tình huống nghề nghiệp, hoặc một trò chơi, …
nhằm gây sự chú ý, gợi lại kinh nghiệm mà sinh viên đã có trong các bài học
trước đó. Từ đó, giới thiệu mục tiêu, cấu trúc của bài học.
Bước 2: Giảng bài mới
Trong bước 2, giáo viên cần thực hiện ba giai đoạn dạy học tương ứng với
ba giai đoạn còn lại trong mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm.
Giai đoạn 1: Lý thuyết (Theory)
a) Mục đích học tập: Tìm kiếm tri thức, kinh nghiệm mới để giải quyết
vấn đề?
b) Đặc trưng của người học: Người học có phong cách học tập “đồng
hóa”, có xu hướng học tập nghiêng về sử dụng Quan sát phản ánh – Khái niệm
trừu tượng, câu hỏi đặc trưng của người học trong phong cách học tập này là
Cái gì (What)? – Chỉ rõ điều cần học cho tôi đi? Khi học, người học “what”
muốn biết rõ lý thuyết, thông tin được trình bày rõ ràng logic, và có thời gian để
suy nghĩa về những ý tưởng. Để có hiệu quả đối với người học “what”, giáo viên
nên đóng vai trò là người chuyên gia.
c) Hoạt động dạy học: Giáo viên nên cung cấp thông tin qua các tài liệu,
sơ đồ, phim ảnh, thảo luận, đàm thoại, … nhằm giúp người học hình thành khái
niệm trừu tượng, phân tích các dự liệu về chủ đề học tập, từ đó đề xuất ý tưởng
cho việc giải quyết vấn đề học tập. Giáo viên nên ưu tiên cho người học có cơ

hội đánh giá, phán xét kiến thức, so sánh với kinh nghiệm của bản thân để đúc
kết ra tri thức mới, đề xuất các dự án, ý tưởng mới lạ.
Giai đoạn 2: Áp dụng, lập kế hoạch giải quyết vấn đề (Application)
a) Mục đích học tập: Xây dựng mục tiêu, phương án, và kế hoạch thực
hiện?
b) Đặc trưng của người học: Người học có phong cách học tập “hội tụ”,
có xu hướng học tập nghiêng về sử dụng Khái niệm trường tượng – Thử
nghiệm, câu hỏi đặc trưng của người học trong phong cách học tập này là Thế
9


nào (How)? – Làm như thế nào? Cho tôi làm thử đi? Khi học, người học
“How” muốn hoạt động xác định rõ các nhiệm vụ và học bằng cách thử sai trong
môi trường cho phép họ thất bại một cách an toàn. Để có hiệu quả đối với người
học “how”, giáo viên nên đóng vai trò là người đánh giá, cung cấp hướng dẫn
thực hiện và các phản hồi.
c) Hoạt động dạy học: Giáo viên hướng dẫn người học bằng cách đưa ra
các kinh nghiệm trước đó, những lời khuyên, phản hồi khi người học xác định
mục tiêu, phương án, và lập kế hoạch giải quyết vấn đề. Giáo viên có thể trình
diễn mẫu, hoặc để người học phát hiện vấn đề, thử nghiệm để nhận biết bằng
phương pháp thử - sai, … Giáo viên đóng vai trò là người cố vấn, đánh giá.
Người học có thể học tập theo nhóm hoặc cá nhân. Một số hoạt động học tập
định hướng cho người học trong giai đoạn này như: phân tích ví dụ bài giảng,
nghiên cứu mô phỏng, nghiên cứu dự án, đóng vai, …
Giai đoạn 3: Thực hiện giải quyết vấn đề và cảm nhận (practice Felling)
a) Mục đích học tập: Thực hiện giải quyết vấn đề và đúc rút kinh nghiệm?
b) Đặc trưng của người học: Người học có phong cách học tập “điều
ứng”, có xu hướng học tập nghiêng về sử dụng Thử nghiệm – Kinh nghiệm cụ
thể, câu hỏi đặc trưng của người học trong phong cách học tập này là Nếu như
(What if)? – Để tôi trình bày kinh nghiệm của bản thân? Khi học, người học

“What if” muốn áp dụng các tri thức mới trong các tình huống để giải quyết các
vấn đề trong thực tế. Để có hiệu quả đối với người học “how”, giáo viên nên
đóng vai trò là người Huấn luyện, cho phép người học sử dụng tối đa kinh
nghiệm của bản thân và đúc rút ra giá trị của bài học.
c) Hoạt động dạy học: Giáo viên hãy cho người học ứng dụng bản kế
hoạch giải quyết vấn đề đã lập vào trong thực tế, tự phát hiện vấn đề và giải
quyết vấn đề đó. Giáo viên đánh giá việc học và khuyến khích để cho người học
hướng dẫn cho nhau theo hình thức làm việc nhóm. Phản hồi của giáo viên giúp
người học nhận biết kết quả học tập và mang tính chất xây dựng. Một số hoạt
10


động học tập định hướng cho sinh viên trong giai đoạn này như: phân tích ví dụ
bài giảng, đóng vai, mô phỏng, trải nghiệm thực tế, …
Bước 3: Củng cố kiến thức, kết thúc bài
a) Mục đích học tập: Định hướng giá trị của bài học?
b) Đặc trưng của người học: Người học có xu hướng nhìn tổng quát về
cấu trúc bài học và liên hệ với thực tiễn để thấy được giá trị của bài học.
c) Hoạt động dạy học: Giáo viên có thể nhấn mạnh trọng tâm của bài học,
đánh giá mục tiêu đã giới thiệu trong phần dẫn nhập bằng cách đặt các câu hỏi
kiểm tra mực độ hiểu biết của người học, đồng thời cung cấp các phản hồi giải
đáp thắc mắc, định hướng vai trò, giá trị của bài học đối với các bài học sau, với
nghề nghiệp trong thực tiễn. Nếu có thể được, thì giáo viên có thể áp dụng
nhanh các bước trong mô hình học tập dựa trên kinh nghiệm trong phần này
bằng cách sử dụng câu hỏi nhanh, đánh giá, phản hồi, …
3. Kết luận
Dạy học theo phong cách học tập giúp người học có cơ hội phát triển
năng lực, kinh nghiệm của bản thân trong học tập, thúc đẩy và hỗ trợ kĩ năng
học tập độc lập, phát huy tính sáng tạo, ý tưởng tích cực trong suy nghĩ. Dạy học
theo phong cách làm thay đổi vai trò của giáo viên trong lớp học truyền thống,

giáo viên cần hiểu biết kinh nghiệm của người học, tôn trong suy nghĩ, ý tưởng
của họ, đồng thời phát triển một tiến trình dạy học hợp tác, chia sẻ giúp người
học mở rộng kinh nghiệm của bản thân mới là bài học có giá trị. Thiết kế dạy
học theo phong cách học tập là tạo dựng môi trường học tập hiệu quả, giúp
người học phát huy tối đã năng lực của bản thân.
4. Tài liệu tham khảo
[1] Vũ Quốc Chung và tập thể tác giả (2011), Tài liệu hướng dẫn tăng cường
năng lực sư phạm cho giảng viên các trường đào tạo giáo viên trung học
phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam,
TP Hồ Chí Minh.

11


[2] Đặng Thành Hưng và tập thể tác giả (2012), Lí thuyết phương pháp dạy học,
Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, Thái Nguyên.
[3] Kolb, D.A. (1984). Experiential learning: experience as the source of
learning and Development, Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall.

Nguồn: Nguyễn Văn Hạnh (2014), Dạy học theo phong cách học tập, tạp chí
Khoa học và Công nghệ số 2/2014, trường ĐHSPKT Hưng Yên, tr. 71-75.

12



×