Tải bản đầy đủ (.pdf) (54 trang)

Chính sách đối ngoại của hàn quốc đối với các nước đông bắc á (1989 2010) luận án lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (715.4 KB, 54 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
-----------------

PHAN THỊ ANH THƯ

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN QUỐC
ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á (1989 – 2010)

Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số: 62 22 03 11

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

HUẾ - NĂM 2016


Công trình được hoàn thành tại:
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Hoàng Văn Hiển
2. PGS. TS. Hoàng Thị Minh Hoa
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Đại
học Huế họp tại:
……………………………………………………………
Vào hồi ………giờ……. ngày…….tháng……..năm...........
Có thể tìm hiểu luận án tại:


Thư viện Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Thư viện Quốc Gia Việt Nam


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trật tự hai cực Yalta bị phá vỡ,
hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) thế giới sụp đổ, bàn cờ chính trị
quốc tế được tái sắp xếp với những thay đổi hết sức căn bản. Một trật tự
thế giới mới từng bước hình thành theo xu hướng “đa cực” cho thấy ý
thức cân bằng quyền lực của các nước lớn trong sự đối trọng với Mỹ siêu cường duy nhất của thế giới sau khi Liên Xô tan rã (1991). Trong
bối cảnh mới, các nước đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại, cùng tồn tại
hòa bình, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và phát triển. Những đặc điểm nói
trên đòi hỏi mỗi nước phải nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại
một cách phù hợp để chủ động hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế,
phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quốc gia - dân tộc.
Ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc đang từng bước vươn lên trở thành
một đối tác chiến lược, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ
hợp tác của cả khu vực. Sau Chiến tranh lạnh, quốc gia này đã tích cực
điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng ưu tiên hợp tác với Nhật
Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Nỗ lực và những kết quả
bước đầu của Hàn Quốc đã cho thấy vị trí và vai trò của quốc gia này
trong tiến trình hợp tác khu vực. Tuy nhiên, đến tận thế kỷ XXI, Đông
Bắc Á vẫn là “vùng trũng an ninh” số một của Hàn Quốc. Để sinh tồn,
phát triển và trở thành lực lượng lãnh đạo khu vực, Hàn Quốc buộc phải
duy trì lợi ích quốc gia với Nhật Bản, Trung Quốc và đảm bảo lợi ích
dân tộc với CHDCND Triều Tiên. Trong quá trình này, việc vượt qua
hàng loạt rào cản (ý thức hệ, bất đồng lịch sử, ký ức chiến tranh) sẽ là
bước khởi đầu trên con đường tạo dựng quan hệ song phương và đa

phương ở khu vực. Tuy nhiên, trong thực tế, bước đi đầu tiên này của
ngoại giao Hàn Quốc lại chưa thể vượt qua cánh cửa của “chủ nghĩa dân
tộc”. Sự chi phối của ký ức thời chiến và vai trò liên minh quân sự với
Mỹ vẫn còn khá đậm nét trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.
Thực tế này đặt ra thách thức không nhỏ đối với nhiệm vụ thống nhất đất
nước và thống nhất khu vực của quốc gia này ở Đông Bắc Á. Nghiên
cứu về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, vì lẽ
đó, sẽ là điều cần thiết cho việc nhận diện các mối quan hệ quốc tế
trong bối cảnh hội nhập.


2
Đối với Việt Nam, Hàn Quốc từ chỗ là đối tác toàn diện (2001)
đã trở thành đối tác chiến lược (2009), do đó, việc nghiên cứu về Hàn
Quốc lại càng cấp thiết không chỉ ở góc độ khoa học mà còn ở ý nghĩa
thực tiễn to lớn.
Từ những lý do nói trên, chúng tôi quyết định lựa chọn vấn đề
“Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á
(1989 - 2010)” làm đề tài luận án tiến sĩ thuộc chuyên ngành: Lịch sử
thế giới nhằm góp phần vào quá trình nghiên cứu quan hệ quốc tế ở
Đông Bắc Á nói chung và chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực này
nói riêng.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam
Các công trình nghiên cứu có thể chia thành ba nhóm sau đây:
Nhóm thứ nhất: Nghiên cứu về vai trò, vị trí của Hàn Quốc trong
tiến trình hợp tác khu vực Đông Bắc Á. Các bài viết tiêu biểu của Tôn
Khánh Linh:“Một số khía cạnh chính trị và an ninh của cộng đồng
Đông Á” (Nghiên cứu Quốc tế, 2001); Trần Bá Khoa: “Hiện trạng và
triển vọng hợp tác kinh tế Đông Á” (Nghiên cứu Nhật Bản và Đông

Bắc Á, 2003) v..v. Đi sâu phân tích và luận giải về vai trò, vị trí của
Hàn Quốc thông qua tiến trình hợp tác khu vực là hai ấn phẩm: “Những
xu hướng phát triển kinh tế chủ yếu ở khu vực Đông Bắc Á” do Ngô
Xuân Bình chủ biên, Nxb Khoa học Xã hội, 2007 và “Một số vấn đề cơ
bản về hợp tác ASEAN+3” do Nguyễn Thu Mỹ chủ biên, Nxb Khoa
học Xã hội, 2008.
Nhóm thứ hai: Nghiên cứu chung và riêng về chính sách của Hàn
Quốc đối với các nước Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh. Tiêu biểu
nhất trong mảng nghiên cứu chung về chính sách đối ngoại của Hàn
Quốc trong mối liên hệ với các quốc gia đồng minh và các chủ thể chính
trị ở Đông Bắc Á là cuốn: “Hàn Quốc với khu vực Đông Á sau Chiến
tranh lạnh và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc” do Nguyễn Hoàng Giáp
chủ biên, Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành vào năm 2009. Một công trình
khác do Ngô Xuân Bình chủ biên, Nxb Từ điển Bách khoa ấn hành
(2012): “Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trong bối cảnh quốc tế mới”
cũng dành 35 trang để phân tích và nêu bật những chuyển biến trong
chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, lấy
bối cảnh quốc tế làm trung tâm. Ngoài ra, còn có các tin bài của Thông


3
tấn xã Việt Nam (TTXVN):“Chính sách ngoại giao cân bằng của Hàn
Quốc” (Tin tham khảo thế giới, 25-6-2005); “Chính sách đối ngoại của
Hàn Quốc – thực dụng và có trọng điểm” (Tin thế giới, 21-01-2008)…
và“Toàn cầu hóa và chính sách ngoại giao kinh tế của Hàn Quốc trong
thập niên cuối thế kỷ XX” của Trần Thị Duyên (Tạp chí Nghiên cứu
Đông Bắc Á, số 5, 2008). Đây đều là những công trình viết riêng về
chính sách của Hàn Quốc đối với các nước trong khu vực nhằm làm rõ
hai đặc điểm trọng yếu: “ngoại giao vì sự ổn định kinh tế” và “ngoại
giao tranh thủ sự ủng hộ của thế giới”.

Nhóm thứ ba: Các công trình nghiên cứu về tác động, ảnh hưởng
và nhận định, đánh giá về chính sách của Hàn Quốc đối với các nước
Đông Bắc Á sau Chiến tranh lạnh. Nội dung này được nhiều nhà bình
luận chính trị - xã hội phản ánh qua tin bài của TTXVN và được học giả
trong nước thừa nhận: “Chiến dịch ngoại giao của Hàn Quốc – Thách
thức với cả Bình Nhưỡng và Washington” (Tin tham khảo thế giới, 17-012002); “Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc dưới thời Lee Myung Bak”
(Tin tham khảo thế giới, 19-01-2008); Trần Thị Nhung: “Sóng gió trong
quan hệ liên Triều kể từ khi Lee Myung Bak lên cầm quyền” (Tạp chí
Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12, 2008)… Đáng chú ý, tài liệu tham khảo
số 12-2007 của TTXVN đã dành riêng một chuyên khảo về: “Chính sách
đối ngoại của Hàn Quốc” nhằm phân tích chính sách đối ngoại của quốc
gia này trong tương quan địa – chính trị ở Đông Bắc Á.
2.2. Tình hình nghiên cứu vấn đề ở nước ngoài
Các công trình được chia thành ba nhóm nội dung lớn:
Nhóm thứ nhất: Nghiên cứu tổng quan về chính sách đối ngoại
của Hàn Quốc. Trước hết, các công trình nghiên cứu tổng hợp dưới
dạng thông sử:“Korea’s Place in the Sun: A Modern History” của
Cumings, Bruces (New York: Norton, 2005); “Everlasting Flower: A
History of Korea” của Keith Pratt (Reaktion Book, 2007)… Trong đó,
tiêu biểu nhất là: “Understanding Korean Politics – An Introduction”
(2001) của đồng tác giả Soong Hoom Kil và Chung In Moon (New York
University, Albany) với việc tái hiện tương đối đầy đủ cơ sở lịch sử,
chính trị, chính sách đối ngoại và chính sách thống nhất dân tộc của Hàn
Quốc từ sau Chiến tranh lạnh.
Nhóm thứ hai: Nghiên cứu chính sách đối ngoại của Hàn Quốc
đối với các nước Đông Bắc Á. Các công trình của Choong Nam Kim:


4
“The Roh Moon Hyun Government’s Policy toward North Korea”

(East-West Center Working Papers, 2005); Gilbert Rozman, In Taek
Hyun, Shin Wha Lee: “South Korean Strategic Thought toward Asia”
(2008) v..v bàn về nhân tố tác động, hoàn cảnh ra đời của chính sách
Hàn Quốc trên cơ sở vấn đề hạt nhân và kết quả thiết lập trật tự khu vực.
Công trình của Kim Hosup: “Evaluation of President Roh Moo Hyun’s
Policy toward Japan” (Korea Focus, 2005); Sukhee Han: “From
Engagement to Hedging: South Korea’s New China Policy” (The
Korean Journal of Defense Analysis, 2008)… làm rõ thành công, hạn
chế của chính sách và giải mã lợi ích chiến lược của các nước lớn khi
cùng Hàn Quốc tham gia tiến trình hợp tác khu vực. Ngoài ra, còn có
loạt nghiên cứu của các học giả phương Tây: Dlynn Faith Armstrong:
“South Korea’s Foreign Policy in the Post - Cold War Era: A Middle
Power Perspective” (1997); Scott Snyder: “Lee Myung Bak and the
Future of Sino-South Korean Relations” (2008) v..v. Đây đều là những
công trình viết riêng về Hàn Quốc hoặc viết chung về quá trình hợp tác
khu vực, trong đó đề cập đến khả năng và triển vọng liên kết giữa Hàn
Quốc với các quốc gia ở Đông Bắc Á.
Nhóm thứ ba, nghiên cứu về hệ quả chung và riêng của chính
sách Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á. Phân tích hệ quả chung
của chính sách (nâng cao vai trò, vị thế của Hàn Quốc và gia tăng liên
kết khu vực) là Kim Choong Nam: “The Sunshine Policy and Its Impact
on South Korea’s Relations with Major Powers” (Korean Observer,
2004); Lytton L. Guimaras: “South Korea’s Foreign and Security
Policies and the Process of East Asia Integration” (2010)… Trong khi
đó, nhóm tác giả Seongho Sheen: “Japan-South Korea Relations: Slowly
Lifting the Burden of History” (Asia-Pacific Center for Security Studies,
2003) và Francoise Nicolas với “The Changing Economic Relations
between China and Korea: Patterns, Trends and Policy Implications”
(The Journal of the Korean Economy, 2009) v..v lại tập trung nghiên cứu
hệ quả riêng của chính sách đối ngoại Hàn Quốc (tăng cường hợp tác,

phát triển quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên).
Thông qua việc trình bày tình hình nghiên cứu về chính sách của
Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á, chúng tôi rút ra ba nhận xét:
Thứ nhất, hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu về chính sách đối
ngoại Hàn Quốc một cách toàn diện và hệ thống, đặc biệt là dưới góc độ


5
sử học. Thứ hai, các công trình chỉ lựa chọn một số giai đoạn ngắn hoặc
những khía cạnh đơn lẻ để nghiên cứu. Thứ ba, còn khá nhiều nội dung
liên quan đến đề tài chưa được làm rõ một cách thấu đáo, cần tiếp tục
tìm hiểu như: Cơ sở hình thành chính sách; nguyên nhân dẫn đến những
thành công, hạn chế của chính sách v..v. Mặc dù vậy, các công trình nói
trên đã giúp tác giả luận án bước đầu định hình ý tưởng, xác lập nội
dung và lựa chọn phương pháp triển khai đề tài một cách hiệu quả.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài khôi phục và phân tích một cách hệ thống, toàn diện chính
sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010).
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu trên, người nghiên cứu sẽ thực hiện những
nhiệm vụ cơ bản sau:
- Thứ nhất, trình bày cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của
Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010); trong đó, phân
tích khái quát về chính sách của Hàn Quốc (1948 - 1989) (kể từ khi Hàn
Quốc lập quốc cho đến khi Chiến tranh lạnh đi vào hồi kết). Đồng thời,
nêu bật những chuyển biến mới của tình hình quốc tế, khu vực và trong
nước từ sau Chiến tranh lạnh.
- Thứ hai, nhận diện và phân tích những nội dung chủ yếu trong
chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á từ năm 1989 đến

năm 2010; qua đó, nêu lên những điều chỉnh chiến lược trong chính sách
của nước này trên các lĩnh vực hợp tác song phương.
- Thứ ba, xác định những điểm chung và riêng trong chính sách của
Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Rút
ra nhận xét, đánh giá về chính sách của Hàn Quốc trên cả hai mặt thành
công và hạn chế. Trên cơ sở đó, đúc kết những bài học kinh nghiệm
trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại cho Hàn Quốc và Việt Nam.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Chính sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á trên 3
lĩnh vực quan hệ cơ bản: An ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội
(1989 – 2010).


6
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về mặt không gian, đề tài tập trung nghiên cứu chính sách của Hàn
Quốc đối với ba quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á: Nhật Bản, Trung Quốc
và CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, một số chủ thể khác liên quan, đề tài
cũng sẽ đề cập đến trong chừng mực nhất định (đối chiếu, so sánh) nhằm
đảm bảo tính toàn diện của đề tài.
Về mặt thời gian, đề tài dành trọng tâm nghiên cứu chính sách của
Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á trong những năm 1989 - 2010.
Dù Chiến tranh lạnh được tuyên bố chấm dứt vào 1989 và chỉ thực sự
kết thúc sau khi Liên Xô tan rã (1991) nhưng chúng tôi vẫn chú ý phân
tích kỹ các sự kiện có liên quan từ trước đó cũng như cả hai mốc 1989
và 1991 nhằm đảm bảo tính logic của vấn đề.
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tư liệu
Tác giả luận án đã tập hợp và khai thác bốn nhóm tư liệu sau đây:

[1] Các tài liệu của Chính phủ, Cơ quan ở Hàn Quốc và nhóm
Nghiên cứu Đông Á. [2] Các giáo trình, sách chuyên khảo - tham khảo
của học giả Việt Nam và quốc tế. [3] Các nghiên cứu của tác giả Hàn
Quốc và nước ngoài; các trang báo uy tín của Mỹ; cơ quan truyền thông
của Hàn Quốc, cơ quan báo chí của Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên.
[4] Các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ ở trong nước. Tài liệu từ một số
địa chỉ website trên mạng Internet.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
- Về phương pháp luận: Luận án quán triệt phương pháp luận
của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng
Cộng sản Việt Nam về các vấn đề quan hệ quốc tế để xem xét, đánh giá
chính sách của Hàn Quốc đối với khu vực Đông Bắc Á.
- Về phương pháp nghiên cứu: Phương pháp lịch sử, phương
pháp logic và sự kết hợp giữa chúng được sử dụng như dòng mạch
chủ yếu. Bên cạnh đó, đề tài còn vận dụng linh hoạt một số phương
pháp khoa học liên ngành của các ngành Quan hệ quốc tế, Quan hệ
kinh tế quốc tế, Địa - Chính trị... như các phương pháp: Phân tích,
tổng hợp, so sánh, đối chiếu, thống kê, dự báo khoa học khi đi sâu
nghiên cứu từng nội dung cụ thể nhằm nhìn nhận và đánh giá vấn đề
một cách xác thực.


7
6. Đóng góp của đề tài
6.1. Về mặt khoa học
Thứ nhất, luận án là công trình khoa học đầu tiên ở Việt
Nam nghiên cứu một cách chi tiết, toàn diện và hệ thống về chính
sách của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010), góp
phần khỏa lấp khoảng trống trong các nghiên cứu về chính sách
đối ngoại của Hàn Quốc thời hiện đại.

Thứ hai, luận án rút ra một số nhận xét về chính sách đối
ngoại của H à n Q u ố c trong giai đoạn này (đặc biệt là những
thành công đạt được và hạn chế cơ bản của các chính sách) .
Thứ ba, nhận biết sự chuyển hướng đường lối đối ngoại của Hàn
Quốc từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, xác định một
số vấn đề đặt ra cho Hàn Quốc và liên hệ đối với Việt Nam trong lĩnh
vực quan hệ quốc tế.
6.2. Về mặt thực tiễn
Đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu và
giảng dạy cho sinh viên và học viên cao học các chuyên ngành: Lịch sử
thế giới, Quan hệ quốc tế, Quốc tế học, Đông phương học và những ai
quan tâm đến vấn đề này. Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án (ở một
mức độ nhất định) có thể cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho
các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong
lĩnh vực đối ngoại. Từ đó, tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ giữa
Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, bố
cục của luận án gồm ba chương:
Chương 1. Cơ sở hình thành chính sách đối ngoại của Hàn
Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010)
Chương 2. Những nội dung chủ yếu trong chính sách đối
ngoại của Hàn Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010)
Chương 3. Một số nhận xét về chính sách đối ngoại của Hàn
Quốc đối với các nước Đông Bắc Á (1989 - 2010).



8
CHƯƠNG 1

CƠ SỞ HÌNH THÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI
CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á
(1989 – 2010)
1.1. Yếu tố lịch sử: Chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đối với các
nước Đông Bắc Á (1948 – 1989)
1.1.1. Đối với Nhật Bản
Những năm đầu sau CTTG thứ hai, phong trào chống Nhật tiếp tục
dâng cao trong các tầng lớp nhân dân Hàn Quốc do ký ức về thời kỳ
Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910 – 1945). Sau khi Hiệp
ước phòng thủ chung ra đời (1953), Mỹ “định hướng” Hàn Quốc cải
thiện quan hệ với Nhật Bản. Bị buộc vào “thế chân vạc” của mối quan
hệ Mỹ - Nhật - Hàn, Hàn Quốc đã lựa chọn chính sách ngoại giao “nước
đôi” – vừa quan hệ, vừa đề phòng nước láng giềng vào những năm 1950.
Khi Park Chung Hee lên nắm quyền (1961), ông đã chuyển dịch trọng
tâm đối ngoại của Hàn Quốc từ CHDCND Triều Tiên sang Nhật Bản.
Theo đó, từ tháng 10-1961, các cuộc đàm phán song phương đã được nối
lại, tạo cơ sở ký kết “Hiệp ước quan hệ cơ bản” (22-6-1965) nhằm chính
thức thiết lập ngoại giao giữa hai nước. Park Chung Hee trở thành “cha
đẻ” của chính sách “thân Nhật” ngay từ đầu thập niên 60.
Bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, nhà cầm quyền Chun
Doo Hwan thực hiện đa nguyên hóa chính sách đối ngoại, tăng cường
giao lưu với các đối tác phi truyền thống nhưng vẫn coi quan hệ với
Nhật Bản là trụ cột. Thái độ hợp tác của Seoul đã được Thủ tướng
Nhật Bản Yasuhiro Nakasone ghi nhận bằng chuyến viếng thăm đầu
tiên đến Hàn Quốc (1983). Tuy nhiên, bầu không khí “hòa dịu” này
chẳng thể duy trì đến đầu thập niên 90 do Chính phủ Nhật Bản tuyên
bố chủ quyền với quần đảo Liancourt (Dokdo/Takeshima). Không
tìm được tiếng nói chung để hóa giải xung đột, Hàn Quốc và Nhật
Bản tiếp tục duy trì tình trạng “gần mặt, cách lòng” cho đến sát thời
điểm kết thúc Chiến tranh lạnh.

1.2.2. Đối với Trung Quốc
Sự ra đời của hai mô hình Nhà nước: TBCN ở Hàn Quốc (1948)
và XHCN ở Trung Quốc (1949) đã đẩy hai nước rơi vào cuộc đối đầu
gay gắt về ý thức hệ. Trung Quốc ủng hộ CHDCND Triều Tiên, không


9
công nhận chính phủ Hàn Quốc và sử dụng cách mạng XHCN để
“cộng sản hóa” miền Nam. Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, Trung
Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản (1972) và Mỹ (1979)
nhưng không thực hiện chính sách “hai Triều Tiên”. Tương tự, Hàn
Quốc cũng không đề xuất một chính sách nào nhằm tháo gỡ vướng mắc
với nước láng giềng do không thể lôi kéo Trung Quốc từ bỏ liên minh
“môi hở răng lạnh” với Bình Nhưỡng. Đến đầu thập niên 80 của thế kỷ
XX, Hàn Quốc buộc phải điều chỉnh tư duy Chiến tranh lạnh thông qua
chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức hai
bên chỉ thực sự có liên hệ chính thức từ năm 1983. Kết quả này đạt
được sau sự kiện Hàn Quốc hỗ trợ một máy bay dân sự của Trung Quốc
bị bắt cóc, phải hạ cánh xuống phi trường Seoul. Từ đó, Đặng Tiểu
Bình đã ủng hộ các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước. Tháng 41984, đoàn vận động viên Bắc Kinh đã đến Seoul tham dự giải vô địch
bóng rổ châu Á lần thứ VIII. Kể từ đây, quan chức hai bên bắt đầu gặp
gỡ, tiếp xúc trong các hội nghị và diễn đàn quốc tế với tinh thần thân
thiện và cởi mở hơn.
1.2.3. Đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Ngay từ khi mới ra đời, nhờ hậu thuẫn của Mỹ, Hàn Quốc được
Liên Hợp Quốc công nhận là Nhà nước duy nhất trên bán đảo Triều
Tiên. Chính điều này đã định hình tâm lý chống đối và đường lối ngoại
giao cứng rắn, cực đoan của miền Nam do tâm lý nôn nóng muốn giành
lại “phần lãnh thổ đã mất”. Quyết tâm chính trị này được phản ánh trong
chính sách “Bắc tiến” do Ngoại trưởng Hàn Quốc - Chang Taek Sang

công bố vào ngày 08-10-1948. Mục tiêu trọng tâm của chính sách là
“xóa bỏ sự đe dọa trực tiếp của lực lượng cộng sản miền Bắc”. Tình
cảnh xã hội rối ren và đất nước đứng bên miệng hố “suy vong” buộc
Hàn Quốc phải điều chỉnh chính sách “Bắc tiến” (1948 - 1953) thành
chính sách “Bắc tiến và thống nhất” với đường lối chính trị cứng rắn và
cực đoan gấp bội. Chính sách mới được Thủ tướng Hàn Quốc công bố
trước Quốc hội vào ngày 14-7-1954 với quyết tâm: “Càng sớm càng tốt
xây dựng một quốc gia thống nhất, tự do, dân chủ và độc lập bằng việc
đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi đất nước và đập tan bè lũ miền Bắc”.
Chịu sự khống chế của “Hiệp ước an ninh chung” (1953) với cam kết
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế,
kế hoạch thống nhất Triều Tiên của chính quyền Syng Man Rhee trở nên


10
vô vọng. Thấy rõ sự bế tắc trong nỗ lực “đoàn tụ” hai miền, Tổng thống
Park Chung Hee đã quán triệt chủ trương “xây dựng trước, thống nhất
sau” mà đặt trọng tâm là chính sách “Đệ nhất kinh tế”. Thời điểm quân
đội Bắc Triều Tiên bắt giữ tàu hải quân Mỹ - Pueblo và lập kế hoạch ám
sát Park Chung Hee nhưng bất thành, Hàn Quốc đã điều chỉnh chính
sách “Đệ nhất kinh tế” thành “Xây dựng kinh tế cùng quốc phòng” với
tinh thần “vừa xây dựng, vừa chiến đấu”. Sau khi Mỹ đối thoại với Liên
Xô và ra Tuyên bố chung Thượng Hải (1972), khai thông quan hệ với
Trung Quốc, Hàn Quốc đã“tích cực can dự vào CHDCND Triều Tiên và
bước đầu thừa nhận hai thực thể chính trị độc lập, cùng song song tồn
tại trên bán đảo Triều Tiên” theo “Tuyên bố ngoại giao đặc biệt về
chính sách đối ngoại hòa bình và thống nhất đất nước” của Park Chung
Hee (23-6-1973).
Kế thừa lối tư duy ngoại giao nhạy bén, thực dụng của người tiền
nhiệm, tổng thống đắc cử năm 1980 – Chun Doo Hwan vẫn một mực

trung thành với chủ trương thống nhất đất nước phải thông qua đối thoại.
Với việc công bố “Công thức thống nhất hòa bình”, hay còn gọi là
“Công thức hòa giải dân tộc và thống nhất dân chủ” (1982), Chun Doo
Hwan kêu gọi chấm dứt “quan hệ không bình thường” giữa hai bên trên
cơ sở tăng cường các cuộc tiếp xúc bình thường và mở rộng phạm vi
trao đổi, hợp tác Bắc - Nam. Tuy nhiên, khó khăn chủ yếu của Hàn
Quốc lúc bấy giờ lại là việc miền Bắc yêu cầu miền Nam phải chấm dứt
một số hành động liên minh quân sự với Mỹ, hủy bỏ luật an ninh quốc
gia. Cũng vì lẽ đó, việc lựa chọn giải pháp đối đầu hay đối thoại giữa hai
miền kéo dài mãi cho đến cuối thập kỷ 80.
Như vậy, do những diễn biến đa chiều và phức tạp của tình hình
an ninh khu vực, việc phát triển quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và
tái thống nhất với CHDCND Triều Tiên vẫn là mục tiêu mà Hàn Quốc
phải tiếp tục theo đuổi trong các chính sách ngoại giao đầu thế kỷ XXI.
1.2. Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước từ sau Chiến
tranh lạnh
1.2.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực và sự thay đổi chiến lược của các
nước lớn
1.2.1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực
Tình hình quốc tế từ sau Chiến tranh lạnh chứng kiến sự thay đổi
đáng kể về nội dung và tính chất của quá trình giao lưu toàn cầu, trong đó


11
xu thế phụ thuộc, hợp tác và thẩm thấu lẫn nhau về kinh tế trở thành nội
dung chủ đạo. Với trường hợp Đông Bắc Á, đây là khu vực có nội tình
phức tạp, nổi bật nhất vẫn là đặc điểm cùng tồn tại, vận hành, cùng cải
cách, đấu tranh, cùng kiềm chế, phát triển giữa các thể chế chính trị - xã
hội TBCN và XHCN. Tuy vậy, vào thời kỳ “tan băng” của đối đầu
Đông – Tây trong quan hệ quốc tế, các nước ở trong và ngoài khu vực

đã từng bước điều tiết sự xung đột về ý thức hệ, tích cực điều chỉnh chính
sách đối ngoại nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
1.2.1.2. Sự thay đổi chiến lược của các nước lớn
Chịu tác động của xu thế đối thoại và hội nhập từ sau Chiến tranh
lạnh, Mỹ bắt đầu tăng cường tiếp xúc, cải thiện quan hệ với CHDCND
Triều Tiên; đồng thời đứng ra dàn xếp những thỏa thuận có lợi cho tiến
trình hòa giải của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng tăng cường đối thoại với
Bình Nhưỡng nhằm đảm bảo “lợi ích kép”: An ninh quốc gia và hòa
bình khu vực. Trung Quốc tích cực vun đắp quan hệ với Mỹ, Nhật Bản
nhằm giải quyết vấn đề toàn vẹn lãnh thổ với Đài Loan; đồng thời chủ
động tiếp cận Hàn Quốc do nhu cầu bức bách về vốn và công nghệ trong
phát triển kinh tế.
1.2.2. Tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu cố kết quan hệ khu vực
của Hàn Quốc
1.2.2.1. Tình hình kinh tế - xã hội của Hàn Quốc
Sau khi hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã
sánh bước cùng các nước công nghiệp mới (NICs) với tư cách là một
trong bốn “con rồng châu Á”. Nước này cũng gia nhập Tổ chức Hợp tác
và Phát triển kinh tế (OECD) của các nước phát triển (1996). Sức mạnh
kinh tế của một quốc gia công nghiệp trẻ đã lôi cuốn, thuyết phục Nga
và Trung Quốc “kết giao” với đối thủ của họ từ thời Chiến tranh Triều
Tiên. Hàn Quốc còn tiếp cận với các nước thuộc “Thế giới thứ ba” thông
qua viện trợ vốn và hỗ trợ kỹ thuật. Hình ảnh về một “Hàn Quốc mới” –
dân chủ, cởi mở và thân thiện đã được Chính phủ nước này tạo dựng
nhằm nâng cao tình hữu nghị song phương với các quốc gia vốn tồn tại
sự khác biệt về thể chế chính trị.
2.1.2.2. Nhu cầu cố kết quan hệ khu vực của Hàn Quốc
Khi xu hướng hòa hoãn của thế giới lên đến đỉnh cao, Hàn Quốc
coi việc cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên là ưu tiên số một
trong chính sách khu vực để “mở đường” cho tiến trình hòa giải dân tộc.



12
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn phải dựa vào Nhật Bản để bổ khuyết thiếu
hụt về kỹ thuật, phương thức sản xuất vàtranh thủ sự ủng hộ của đồng
minh để dàn xếp bất hòa trong quan hệ liên Triều. Ngoài ra, nước này
cũng cần xây dựng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc để duy trì
lợi ích quốc gia (nâng cao vị thế đất nước) và lợi ích dân tộc (thống nhất
bán đảo Triều Tiên).
1.2.3. Định hướng điều chỉnh chính sách của Hàn Quốc
Sự đa dạng và phức tạp trên chính trường Đông Bắc Á buộc Hàn
Quốc phải lựa chọn khu vực này là hướng ưu tiên trong chiến lược đối
ngoại của mình. Về cơ bản, chiến lược ngoại giao của Hàn Quốc sẽ tập
trung vào ba nhóm vấn đề lớn: Một là, tích cực giải quyết vấn đề hạt
nhân trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy hòa giải dân tộc, chấm dứt tình
trạng chia cắt hai miền; hai là, tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa – xã
hội nhưng vẫn cảnh giác vấn đề an ninh – chính trị với Nhật Bản; ba là,
củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị chiến lược với Trung Quốc. Đặc
biệt, từ sau khi quan hệ quốc tế bước vào thời kỳ hòa dịu, Hàn Quốc
luôn nỗ lực tạo dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng ở Đông Bắc
Á, khởi đầu bằng việc điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm cải thiện và
tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên
trên các lĩnh vực hợp tác cơ bản của đời sống xã hội.

CHƯƠNG 2
NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI
NGOẠI CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á
(1989 – 2010)
2.1. Trên lĩnh vực an ninh - chính trị
2.1.1. Đối với Nhật Bản

Đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, làn sóng chống Nhật ở Hàn
Quốc vẫn chưa hề lắng dịu. Do vậy, chính sách “Ngoại giao phương Bắc”
của chính quyền Roh Tae Woo vẫn chú trọng cải thiện quan hệ liên Triều
hơn là đẩy mạnh liên kết với Nhật Bản. Đến năm 1994, Kim Young Sam
đề ra chính sách “ngoại giao bốn bên” (hay chính sách “ngoại giao tứ
cường”) nhằm duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản và phát triển
quan hệ hữu nghị với Nga, Trung Quốc. Thế nhưng, khi Trung Quốc bước


13
vào giai đoạn phát triển đỉnh cao và quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản bắt
đầu rạn nứt từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, Kim Young Sam lại tuyên
bố chính sách “kháng Nhật”. Mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng
chính sách với Nhật Bản suốt 33 năm (1965 - 1998), người kế nhiệm Kim
Dae Jung đã tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh với Thủ tướng Keizo Obuchi
và đưa ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn Quốc - Nhật Bản
trong thế kỷ XXI”. Quyết tâm xây dựng “kỷ nguyên Đông Bắc Á trong thế
kỷ XXI” với vai trò kiến tạo của Hàn Quốc và Nhật Bản, tháng 6-2003,
Roh Moo Hyun cũng bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống bằng việc tham gia Hội
nghị Thượng đỉnh tại Tokyo. Tuy nhiên, sau khi quận Shimane (Nhật
Bản) thông qua sắc lệnh coi ngày 22-02 là ngày “Takeshima”, Hàn Quốc
đã phát động “chiến tranh ngoại giao” và công bố “chủ nghĩa Roh Moo
Hyun” nhằm“phản ứng cứng rắn trước hành động tranh chấp nhóm đảo
Dokdo và âm mưu biện bạch cho cuộc xâm lược thuộc địa trong quá
khứ”. Việc thực hiện một chính sách lưỡng cực: Vừa tôn trọng tinh thần
đồng minh chiến lược, vừa duy trì quan điểm gây bất đồng lịch sử với
Nhật Bản của Roh Moo Hyun đã hoàn toàn chấm dứt khi Tổng thống Lee
Myung Bak tuyên bố:“sẽ thực hiện chính sách ngoại giao thực dụng, tăng
cường quan hệ đồng minh với Mỹ và phát triển quan hệ với Nhật Bản”
(Diễn văn nhậm chức, 25-02-2008). Nhờ trung thành với giải pháp nhân

nhượng và hợp tác, Lee Myung Bak đã giúp hai nước tự tin bước qua thập
niên đầu tiên của thế kỷ XXI với vai trò đồng minh an ninh và đối tác trao
đổi kinh tế, văn hóa – xã hội trong khu vực.
2.1.2. Đối với Trung Quốc
Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Tổng thống Roh Tae Woo xác
lập chính sách “Ngoại giao phương Bắc” với nội dung trọng tâm là cải
thiện quan hệ với các nước XHCN. Nhờ vậy, Hàn Quốc đã đẩy nhanh
tiến độ bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (24-8-1992). Kế đó,
bước tiến lớn nhất mà Hàn Quốc đạt được là thành tựu nâng cấp “quan
hệ đối tác hợp tác” với Trung Quốc sau sáu năm duy trì tình cảm láng
giềng hữu nghị (1992 - 1998). Ngay trong Tuyên bố chung (1998), Kim
Dae Jung đã ủng hộ chính sách “một nước Trung Hoa” và coi Đài Loan
là bộ phận lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc. Chính sách này tiếp
tục được người kế nhiệm Roh Moo Hyun kế thừa bằng nỗ lực nâng cấp
quan hệ song phương với Trung Quốc thành “đối tác hợp tác toàn diện”
từ năm 2003. Sau khi nhậm chức, Tổng thống Lee Myung Bak ra sức


14
thúc đẩy mối liên kết Hàn – Trung. Trong Tuyên bố chung (2008), Lee
Myung Bak đã nâng tầm quan hệ hai bên thành “đối tác hợp tác chiến
lược” và khẳng định Hàn Quốc kiên trì chính sách “một Trung Quốc”.
Nhờ những thành tựu trong chính sách đối ngoại, Hàn Quốc không chỉ
phát triển quan hệ song phương mà còn chủ động hợp tác với Trung Quốc
để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và duy trì an ninh, ổn định ở Đông
Bắc Á.
2.1.3. Đối với CHDCND Triều Tiên
Dấu hiệu ấm dần lên của các mối quan hệ quốc tế là “thời điểm
vàng” để Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa chính sách hòa giải dân tộc.
Ngay trong diễn văn nhậm chức (1988), Tổng thống Roh Tae Woo

tuyên bố:“sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chính sách ngoại giao hướng về phương
Bắc”. Tinh thần hợp tác này mở đường cho việc ký kết “Hiệp định cơ
bản Bắc – Nam” (13-12-1991). Trên nền tảng của “Ngoại giao phương
Bắc”, Tổng thống Kim Young Sam tiếp tục đối thoại hòa bình với
CHDCND Triều Tiên bằng chính sách “Ngoại giao mới” với năm đặc
thù cơ bản của hoạt động đối ngoại: Toàn cầu hóa; đa dạng hóa; đa
nguyên hóa; hợp tác khu vực và định hướng tương lai. Tuy nhiên, khi
CHDCND Triều Tiên công khai ý định phản bội Tuyên bố chung về phi
hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên (1992) và đơn phương rút khỏi Hiệp
ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân – NPT (1993), Kim Young Sam đã
vội vàng chính trị hóa đường lối đối ngoại (củng cố chính sách can dự;
cảnh báo nguy cơ chiến tranh và tuyệt giao quan hệ), đẩy tiến trình hòa
giải dân tộc vào bế tắc. Để khắc phục hạn chế của chính sách trước đó,
Tổng thống Kim Dae Jung đưa ra chính sách ngoại giao “Ánh dương”
(1998), tập trung vào các hoạt động trao đổi kinh tế, viện trợ xã hội
nhằm thực hiện trước hết mục tiêu hòa giải dân tộc. Qua đó, Hàn Quốc
đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên
trong lịch sử và ký kết “Tuyên bố chung Bắc – Nam” (6-2000). Năm
2003, chính sách “Hòa bình và thịnh vượng” của Roh Moo Hyun được
công bố trong diễn văn nhậm chức, khẳng định duy trì chính sách “Ánh
dương” với mong muốn“biến bán đảo Triều Tiên trở thành nơi phát ra
thông điệp hòa bình kết nối vùng đất Á - Âu rộng lớn với Thái Bình
Dương”. Tháng 10-2007, Roh Moo Hyun tổ chức Hội nghị Thượng
đỉnh lần thứ hai và ký kết “Tuyên bố về phát triển quan hệ liên Triều,
hòa bình và thịnh vượng”, khẳng định“hòa bình, ổn định trên bán đảo


15
Triều Tiên là mục tiêu hành động trong chính sách đối với CHDCND
Triều Tiên”. Tuy nhiên, sau khi nắm quyền (2008), Lee Myung Bak lại

thay thế các chiến lược ngoại giao “đơn phương xoa dịu” bằng chính
sách “ngoại giao thực dụng”, thúc đẩy hợp tác có điều kiện với
CHDCND Triều Tiên. Chính sách mới “Tầm nhìn 3000, phi hạt nhân
hóa và mở cửa” thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ: “Phi hạt nhân hóa”
(giải quyết vấn đề hạt nhân), “mở cửa” (giúp miền Bắc xây dựng quan
hệ với Mỹ, Nhật Bản). Quan trọng nhất, Hàn Quốc cam kết nâng cao thu
nhập bình quân đầu người cho CHDCND Triều Tiên từ 500 USD lên
3000 USD trong vòng 10 năm với điều kiện tiên quyết là nước này phải
từ bỏ vũ khí hạt nhân và mở cửa nền kinh tế. Đáp lại, CHDCND Triều
Tiên đã đơn phương hủy bỏ các thỏa thuận về quân sự, chính trị với Hàn
Quốc (2009) và gây ra vụ đắm tàu hải quân Cheonan, tấn công pháo
binh trên biên giới Yeonpyeong (2010).
Việc duy trì một cơ chế hòa bình giữa hai miền Triều Tiên (1989 2010) đã trải qua nhiều biến động. Dù có những bước tiến (thời kỳ Roh
Tae Woo, Kim Dae Jung, Roh Moo Hyun) hay những bước lùi (thời kỳ
Kim Young Sam, Lee Myung Bak) thì chính sách của Hàn Quốc vẫn
kích thích và tạo động lực để hai bên tăng cường đối thoại vì hòa bình,
hòa giải và hợp tác trong thập niên đầu thế kỷ XXI.
2.2. Trên lĩnh vực kinh tế
2.2.1. Đối với Nhật Bản
 Về thương mại
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Tổng thống Roh Tae Woo đưa
ra chính sách “Phát triển kinh tế mới” để mở rộng quan hệ với những đối
tác phi truyền thống. Giải pháp này tạo ra “bộ ba” thương mại Hàn Quốc
– Trung Quốc – Nga cân bằng với tam giác kinh tế Hàn Quốc - Mỹ Nhật Bản. Chính quyền Kim Young Sam (1993) cũng thực hiện một giải
pháp đồng bộ khác nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại với
Nhật Bản: Chính sách “hạn chế nhập khẩu hàng hóa”. Sau khủng hoảng
tài chính – tiền tệ châu Á (1997), Tổng thống Kim Dae Jung đưa ra “Kế
hoạch hành động cho mối quan hệ đối tác mới Nhật Bản – Hàn Quốc
trong thế kỷ XXI”. Theo đó, Hàn Quốc: [1] nghiên cứu tính khả thi của
Hiệp định mậu dịch tự do song phương với Nhật Bản; [2] bãi bỏ chính

sách “đa phương hóa nhập khẩu” (công cụ cắt giảm thâm hụt thương mại
dưới thời Kim Young Sam); [3] thúc đẩy sự ra đời của Diễn đàn mậu


16
dịch tự do Nhật Bản – Hàn Quốc. Từ năm 2003, chính sách của Hàn
Quốc trên lĩnh vực kinh tế được phản ánh thông qua cam kết thúc đẩy
trao đổi thương mại, thắt chặt quan hệ theo “Hiệp định đối tác kinh tế
Nhật Bản - Hàn Quốc” (EPA) và “Tuyên bố chung Nhật - Hàn”. So với
chính quyền tiền nhiệm, Lee Myung Bak từ đầu đã công khai mục tiêu
chính sách “ngoại giao toàn cầu” và “quan hệ thực dụng” nhằm cộng
hưởng tốt hơn với Nhật Bản trên cơ sở lợi ích kinh tế. Qua đó, lấy kết quả
hợp tác thương mại làm “hạt nhân” cho việc nâng tầm quan hệ đối tác
giữa hai nước trong thế kỷ XXI.
 Về đầu tư
Từ năm 1998, Hàn Quốc đạt được bước tiến thực sự trong việc
thu hút FDI của Nhật Bản và phát triển FDI của chính mình. Trong đó,
Tổng thống Kim Dae Jung là người chủ trương cân bằng kim ngạch
thương mại thông qua chính sách phát triển đầu tư. Sau khi ra đời Tuyên
bố chung: “Xây dựng nền tảng hợp tác Nhật Bản - Hàn Quốc hướng tới
một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á”, Hàn Quốc đã
cam kết mở rộng hoạt động đầu tư với Nhật Bản bằng việc tìm kiếm cơ
hội hợp tác thông qua ký kết Hiệp định Đầu tư song phương; đồng thời
đẩy nhanh sự ra đời của Hiệp định này. Giai đoạn 2008 - 2010, với việc
đưa “chủ nghĩa thực dụng” vào trong chính sách kinh tế, cụ thể là xúc
tiến đầu tư với Nhật Bản để điều tiết cán cân thương mại, các công ty
Hàn Quốc đã mạnh dạn đưa vốn ra bên ngoài để mở rộng sản xuất.
2.2.2. Đối với Trung Quốc
 Về thương mại
Với chủ trương lấy lợi ích kinh tế “mở đường” cho ngoại giao,

Tổng thống Roh Tae Woo đã thuyết phục Đặng Tiểu Bình thiết lập
quan hệ buôn bán với Hàn Quốc thông qua chính sách “Ngoại giao
phương Bắc”. Sau khi thiết lập quan hệ (1992), kim ngạch thương
mại song phương đã tăng hơn 20% mỗi năm và vượt quá 40 tỷ USD
vào năm 2002. Trung Quốc thậm chí còn làm lu mờ vai trò của Mỹ,
trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc (2003). Trong
nhiệm kỳ của mình, Lee Myung Park đã coi việc cải thiện quan hệ
với Trung Quốc và nâng cấp kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước là
ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhờ thực hiện nhất quán
ba nội dung cơ bản trong chính sách kinh tế (thúc đẩy kim ngạch
thương mại; cân đối cán cân xuất – nhập khẩu và xúc tiến ký kết


17
AFTA) trong hơn hai thập niên, Hàn Quốc đã tìm được đối tác
thương mại lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn nhất, nước nhập khẩu
nhiều nhất với nguồn thặng dư thương mại cao nhất cho mình. Đây là
tiền đề quan trọng để Hàn Quốc tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác
hợp tác chiến lược với Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
 Về đầu tư
Sau khi hai nước ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư (30-9-1992), các
công ty Hàn Quốc coi Trung Quốc là điểm đến về đầu tư nước ngoài.
Giai đoạn 1998 - 2003, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích
các ngành công nghiệp thâm dụng lao động đầu tư ra bên ngoài để kích
thích sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và đẩy nhanh quá
trình nâng cấp cơ cấu lao động. Nhờ đó, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở
thành điểm đầu tư số một của Hàn Quốc trong những năm 2000. Với số
vốn 28,8 tỷ USD FDI của Hàn Quốc ở Trung Quốc (2003 - 2010), mạng
lưới thương mại và sản xuất của hai nền kinh tế được mở rộng, quan hệ
song phương cũng trở nên sâu sắc hơn.

2.2.3. Đối với CHDCND Triều Tiên
 Về thương mại
Khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae Woo đơn phương đưa ra
“Tuyên bố đặc biệt về quốc gia tự chủ, thống nhất và thịnh vượng” (07-71988) với chính sách “mở cửa buôn bán liên Triều, coi đây là buôn bán
trong nước, trong phạm vi cộng đồng dân tộc” thì thương mại gián tiếp
(thông qua nước thứ ba) giữa hai bên mới bắt đầu hình thành. Hợp tác
buôn bán liên Triều bắt đầu gia tăng liên tục và ổn định kể từ khi Tổng
thống Kim Dae Jung thực hiện chính sách “Ánh dương” với phương châm
hòa giải, hợp tác với CHDCND Triều Tiên. Logic của chính sách này là
thông qua quá trình hợp tác thương mại, hai miền có thể tạo dựng lòng tin,
giảm đối đầu quân sự trên chiến tuyến cuối cùng của Chiến tranh lạnh. Từ
năm 2003, Hàn Quốc đưa ra Thông cáo 9 điểm về xúc tiến hợp tác liên
Triều với nội dung“nhanh chóng chuyển đổi hình thức giao dịch và gia
công hàng hóa giữa hai miền từ gián tiếp sang trực tiếp”. Tuy nhiên, do
sự điều chỉnh chính sách của Hàn Quốcđầu năm 2008 với việc lồng ghép
chính trị vào với kinh tế và “chính trị đi trước, kinh tế theo sau” nên kim
ngạch thương mại liên Triều bắt đầu dịch chuyển theo chiều hướng đi
xuống. Dù vậy, đến cuối năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều
vẫn đạt 1.912 triệu USD.


18
 Về đầu tư
Trong hợp tác đầu tư giữa hai bên, Tổ hợp công nghiệp Kaesong,
dự án khu du lịch núi Kumkang và dự án khôi phục các tuyến đường
giao thông liên Triều được coi là tiêu biểu nhất. Các dự án này được ví
như con “át chủ bài” trong chính sách “Ánh dương” nhằm duy trì hòa
bình trên bán đảo Triều Tiên bằng giải pháp nhân nhượng, tập trung
giúp đỡ kinh tế nhưng vẫn tác động mạnh mẽ đến tư duy mở cửa và đổi
mới kinh tế của miền Bắc.

2.3. Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội
2.3.1. Đối với Nhật Bản
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, do nhu cầu thúc đẩy quan hệ với
khu vực, Hàn Quốc bắt đầu tiếp cận hạn chế với truyền hình, âm nhạc và
phim ảnh của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự “dè dặt” này chỉ thực sự giảm bớt
khi Tổng thống Kim Dae Jung chống đối quan điểm văn hóa “bài ngoại”
của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm và tuyên bố chính sách “mở cửa” đối
với văn hóa Nhật Bản. Năm 2003, Hàn Quốc tái khẳng định: “Tiếp tục
thực hiện chính sách mở cửa đối với văn hóa Nhật Bản bằng việc duy trì
các hoạt động giao lưu thể dục - thể thao, trao đổi thanh niên, gặp gỡ
lãnh đạo các cấp”. Dựa trên chính sách “ngoại giao thực dụng”, từ năm
2008, Lee Myung Bak không đối đầu trực diện với Nhật Bản về vấn đề
sách giáo khoa lịch sử và tranh chấp chủ quyền mà tăng cường giao lưu
văn hóa và tiếp xúc xã hội nhằm hạn chế sự lấn át của chủ nghĩa dân
tộcvới mục tiêu phát triển quan hệ song phương.
2.3.2. Đối với Trung Quốc
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Kim Young Sam, Hàn Quốc
đã ký kết “Hiệp định hợp tác văn hóa Hàn - Trung” (1994). Đây là văn
kiện ngoại giao đầu tiên giữa hai bên từ sau Chiến tranh lạnh có nội
dung định hướng chính sách và khuyến khích giao lưu, hợp tác trên các
lĩnh vực phi chính trị. Năm 2003, Hàn Quốc đồng ý thúc đẩy quan hệ
hữu nghị láng giềng trên cơ sở coi Trung Quốc là đối tác quan trọng
trong hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa; đồng thời là “điểm khởi đầu”
của “làn sóng Hàn Quốc” (Hallyu) tại Đông Á. Đây là nội dung cơ bản
trong chính sách văn hóa – xã hội của Hàn Quốc. Với mục tiêu đưa
nước nhà đứng vào top 5 trong ngành công nghiệp văn hóa thế giới,
Lee Myung Bak đã nỗ lực xây dựng Hàn Quốc trở thành “Hollywood
của phương Đông” và bước đầu phát triển thương hiệu “Hallyu-wood”



19
trước hết ở Trung Quốc. Ông cũng khẳng định “chính sách mở rộng
các hoạt động giao lưu thanh niên nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau;
đồng thời củng cố tình hữu nghị với Chính phủ và nhân dân Trung
Quốc”.
2.3.3. Đối với CHDCND Triều Tiên
Hàn Quốc đã từng bước điều chỉnh chính sách với CHDCND
Triều Tiên trên lĩnh vực văn hóa – xã hội bằng việc thực hiện song
song ba nội dung cơ bản: Viện trợ nhân đạo, đoàn tụ gia đình ly tán
và giao lưu văn hóa theo hướng tiếp cận gần gũi và trên lập trường
dân tộc chủ nghĩa. Theo đó, Tổng thống Roh Tae Woo là người “tiên
phong” khởi động các chương trình hợp tác trên lĩnh vực này với
CHDCND Triều Tiên bằng tuyên bố ngày 07-7-1988. Chính sách văn
hóa – xã hội của Hàn Quốc đã thực sự phát huy tác dụng trong thời
kỳ cầm quyền của Kim Dae Jung (thông qua: “Tuyên bố chung của
Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều”, 2000) và Roh Moo Hyun (thông
qua: “Hiệp ước Giao lưu văn hóa hai miền”, 2003 và “Tuyên bố về
sự tiến bộ của quan hệ liên Triều, hòa bình và thịnh vượng”, 2007).
Điều này cho thấy sự chuyển biến lớn về mặt nhận thức của Hàn
Quốc nhằm xoa dịu vết thương dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ.

CHƯƠNG 3
MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA HÀN
QUỐC ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG BẮC Á
(1989 - 2010)
3.1. Những điểm chung và riêng trong chính sách của Hàn Quốc đối
với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên (1989 – 2010)
3.1.1. Những điểm chung
Thứ nhất, khu vực Đông Bắc Á trong đó cả Nhật Bản, Trung Quốc
và CHDCND Triều Tiên đều là trọng tâm điều chỉnh chính sách của

Hàn Quốc sau Chiến tranh lạnh.
Thứ hai, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc
và CHDCND Triều Tiên đều nằm trong tổng thể chính sách thống nhất
dân tộc và liên kết khu vực từ sau Chiến tranh lạnh.


20
Thứ ba, chính sách của Hàn Quốc đối với Nhật Bản, Trung Quốc
và CHDCND Triều Tiên đều thể hiện tính hai mặt: Vừa tương trợ, hợp
tác vừa cạnh tranh, kiềm chế trong quá trình cùng tồn tại và phát triển.
3.1.2. Những điểm riêng
Do bản chất mối quan hệ song phương giữa hai miền bị chia
cắt, chính sách của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên không phải
là “chính sách đối ngoại” thông thường mà là chính sách dành cho
“mối quan hệ đặc biệt” với nửa kia của một dân tộc thống nhất trước
đây.Ngay từ khi lập quốc (1948), Hàn Quốc đã chủ động “hướng Bắc”
và coi thống nhất đất nước (kể cả bằng vũ lực) là nhiệm vụ hàng đầu
trong chính sách khu vực. Thời kỳ đầu sau Chiến tranh lạnh, mục tiêu
chính sách của Hàn Quốc dù là phi hạt nhân hóa hay tồn tại hòa bình đều
tập trung chủ yếu vào CHDCND Triều Tiên, trong khi đó, mối quan hệ
với Nhật Bản và Trung Quốc có phần bị xem nhẹ. Cho đến cuối thập
niên 80 của thế kỷ XX, Hàn Quốc vẫn chưa xác lập chính sách cụ thể
nào nhằm cải thiện, phát triển “quan hệ trực tiếp” với Nhật Bản và Trung
Quốc như hai chủ thể chính trị độc lập mà không thông qua “lăng kính”
chính sách của Bắc Triều Tiên.
Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, ngoài nhiệm vụ
hòa giải – hòa hợp với CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc bắt đầu đạt
được bước tiến dài trên con đường xây dựng tình bằng hữu với Trung
Quốc, củng cố liên minh chiến lược với Nhật Bản trên các lĩnh vực hợp
tác cơ bản: An ninh – chính trị, kinh tế và văn hóa – xã hội. Tuy nhiên,

so với Trung Quốc, quan hệ Hàn - Nhật đang bị “xói mòn” dưới tác
động của chính sách đối ngoại Hàn Quốc. Khi ảnh hưởng của Nhật Bản
không còn như trước, tình trạng thâm hụt thương mại của Hàn Quốc với
nước này đang kéo dài thì Trung Quốc lại vươn lên trở thành đối tác hợp
tác chiến lược trong vai trò bạn hàng kinh tế số một (nước mang lại
nguồn thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc) và cũng là quốc gia
nắm giữ chìa khóa cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Dù ra
đời muộn hơn nhiều so với đồng minh Hàn – Nhật nhưng “đối tác hợp
tác chiến lược Hàn – Trung” vẫn là lựa chọn thiết thực của ngoại giao
Hàn Quốc nhằm duy trì lợi ích kinh tế, chính trị và hiện thực hóa mục
tiêu thống nhất dân tộc trong thế kỷ XXI.


21
3.2. Những thành công và hạn chế trong chính sách của Hàn Quốc
đối với các nước Đông Bắc Á (1989 – 2010)
3.2.1. Những thành công đạt được
3.2.1.1. Góp phần thúc đẩy sự ra đời của các nghị quyết hòa bình về vấn
đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên
3.2.1.2. Thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác chủ yếu, từng bước cải thiện quan
hệ giữa các nước và gia tăng liên kết khu vực
3.2.1.3. Nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hàn Quốc
3.2.2 Những hạn chế cơ bản
3.2.2.1. Tính kém ổn định, chưa triệt để, thiếu minh bạch và bộc lộ nhiều
tham vọng trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên
3.2.2.2. Sự phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm chính trị của cá nhân tổng
thống cầm quyền trong chính sách đối với khu vực
3.2.2.3. Chính sách của Hàn Quốc vẫn làm nổi bật đặc điểm “nóng” về
kinh tế, văn hóa – xã hội nhưng “lạnh” về an ninh – chính trị
3.3. Những bài học kinh nghiệm

3.3.1. Một số vấn đề đặt ra đối với Hàn Quốc
Thứ nhất, thể hiện sự cân bằng trong chính sách đối với
CHDCND Triều Tiên. Cụ thể:
[1] Hàn Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa chính sách thống
nhất đất nước và chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. [2] Hàn
Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa sức mạnh kinh tế và lòng tin
chính trị. [3] Hàn Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa giải pháp răn
đe và giải pháp hòa giải với Bắc Triều Tiên.
Thứ hai, thực hiện chính sách ngoại giao “trung lập” và “đa
phương” đối với các nước trong khu vực. Cụ thể:
[1] Ngoại giao Hàn Quốc phải “trung lập” hơn trong những vấn đề
đối ngoại khu vực. [2] Duy trì mối quan hệ đa phương ở Đông Bắc Á.
[3] Đa dạng hóa các chương trình nghị sự của khu vực.
Thứ ba, tách biệt chính sách phát triển kinh tế với hợp tác an
ninh – chính trị.
Thứ tư, đẩy mạnh chính sách “ngoại giao nhân dân” trên lĩnh vực
văn hóa – xã hội.
Thứ năm, củng cố và gia tăng sức mạnh mềm trong chính sách
đối với khu vực.


22
3.3.2. Hàm ý đối với Việt Nam
Thứ nhất, thực hiện chính sách ngoại giao cởi mở và cân bằng với
khu vực Đông Bắc Á trên các lĩnh vực, trong đó kinh tế đóng vai trò
trung tâm.
Thứ hai, tăng cường hợp tác và điều phối chính sách tại các Diễn
đàn đa phương, khu vực và quốc tế như: Hợp tác Đông Á, ARF, APEC,
ASEAN+3 và ASEM nhằm thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng
phát triển và giải quyết các vấn đề thách thức của khu vực.

Thứ ba, cần có chính sách ngoại giao khôn khéo trong giải quyết
tranh chấp biển đảo, xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy giữa Việt
Nam với các nước trong khu vực nhằm nâng cao vị thế đất nước.
KẾT LUẬN
1. Do nằm ở vị trí trung tâm bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc
Á, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc hơn hai thập niên qua đã hoàn
toàn đặt cược vào kết quả cân bằng quyền lực, giảm đối đầu giữa các
nước; hòa giải – hòa hợp dân tộc và hội nhập khu vực. Trong Chiến
tranh lạnh, nội dung xuyên suốt và nhất quán trong chính sách của Hàn
Quốc đối với khu vực là thực hiện liên minh với Nhật Bản; duy trì đối
đầu, thù địch với Trung Quốc và sáp nhập với CHDCND Triều Tiên kể
cả bằng vũ lực. Đây là kết quả tích hợp của tình trạng xung đột Đông –
Tây, quan điểm chống cộng của Syng Man Rhee và Hiệp ước Phòng thủ
chung Mỹ - Hàn từ đầu thập niên 50 của thế kỷ XX. Chính sách ngăn
chặn và cô lập khu vực đã trở thành lực cản lớn nhất trong quan hệ giữa
Hàn Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Sau
Chiến tranh lạnh, kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế bắt đầu mở ra
khi cuộc đối đầu giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị thế giới chấm dứt và
bán đảo Triều Tiên dần trở nên nồng ấm. Dưới tác động của các nhân tố
khách quan (xu thế hội nhập khu vực, sự thay đổi chiến lược của các
nước lớn trên bán đảo Triều Tiên) và nhân tố chủ quan (tình hình phát
triển kinh tế - xã hội ở trong nước và nhu cầu cố kết của quốc gia đối với
khu vực), Hàn Quốc đã chủ động điều chỉnh chính sách đối ngoại để kịp
thời định hướng quan hệ với khu vực Đông Bắc Á trên các lĩnh vực hợp
tác kinh tế, an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội.
2. Dù chưa thể loại bỏ những bất đồng về vấn đề lịch sử, tranh
chấp chủ quyền với Trung Quốc, Nhật Bản và tìm lời giải cho vấn đề hạt


23

nhân của CHDCND Triều Tiên nhưng về cơ bản thành công lớn nhất
của ngoại giao Hàn Quốc (1989 - 2010) là kiềm chế đối đầu giữa hai bên
vĩ tuyến 38, củng cố liên kết khu vực và cải thiện quan hệ song phương
với các nước. Theo đó, quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản đã dần bước vào
giai đoạn ổn định, quan hệ Hàn Quốc – Trung Quốc chính thức phát
triển thăng hoa và hai miền Triều Tiên cũng đã trải qua giai đoạn tiếp
xúc ban đầu để cùng đối thoại, hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho các
vấn đề an ninh chung. Từ đây, ngoại giao đa phương, xóa bỏ quan hệ đối
ngoại phân cực về kinh tế, an ninh – chính trị và văn hóa – xã hội đã trở
thành nội dung chủ đạo trong chính sách của Hàn Quốc đối với các nước
Đông Bắc Á.
3. Mục tiêu hiện nay của ngoại giao Hàn Quốc là theo đuổi liên
minh chiến lược với Mỹ, tăng cường quan hệ hữu nghị với Nhật Bản mà
không phải hy sinh quan hệ hiện có với Trung Quốc. Tuy nhiên, do tác
động đa chiều của các vấn đề chính trị ở trong và ngoài khu vực, chính
sách tăng cường quan hệ Hàn – Trung trong thời gian tới vừa là định
hướng củng cố hợp tác “song phương”, vừa là nỗ lực tổng hợp của Hàn
Quốc nhằm dung hòa các mối quan hệ “đa phương” bao gồm liên minh
Hàn - Mỹ, quan hệ Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên, quan hệ Mỹ Trung Quốc cũng như quan hệ nội bộ giữa hai miền Triều Tiên. Do đó,
để đảm bảo hiệu quả chính sách đối với khu vực, Hàn Quốc cũng nên
phân biệt các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, theo đó phi hạt nhân hóa
bán đảo Triều Tiên là mục tiêu không thể đạt được ngay nhưng giảm bớt
căng thẳng và đối đầu giữa hai miền thì lại có thể; khả năng thay đổi ảnh
hưởng và hành vi của các nước lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) thì
chưa thể nhưng khả năng đóng vai trò “trung gian” hòa giải và điều tiết
quan hệ giữa các bên lại ở trong tầm tay. Đông Bắc Á hôm nay ví như
“nồi áp suất đầy hơi” nên Hàn Quốc cần đóng vai trò của “chiếc van an
toàn” để đưa bớt áp lực dư thừa ra ngoài. Với đặc điểm này, chính sách
khu vực của Hàn Quốc trong những thập niên tới vẫn sẽ coi hòa giải,
hợp tác, đối thoại và cùng phát triển là mục tiêu chiến lược và nhất quán.

4. Là một nước trong khu vực Đông Á, Việt Nam cần giữ mối
quan hệ cân bằng, tranh thủ cơ hội hợp tác, khéo léo xử lý mâu thuẫn giữa
các bên nhưng phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Thực hiện chính sách
đối ngoại rộng mở, chủ động phát triển quan hệ song phương và đa
phương ở khu vực nhằm thu hút vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật và công


×