Tải bản đầy đủ (.pdf) (239 trang)

Triết học chính trị jean jacques rousseau và ý nghĩa lịch sử của nó

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.75 MB, 239 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
^]

DƯƠNG THỊ NGỌC DUNG

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ
JEAN JACQUES ROUSSEAU
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NÓ

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2009


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
^]

DƯƠNG THỊ NGỌC DUNG

TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ
JEAN JACQUES ROUSSEAU
VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NÓ

Chuyên ngành : LỊCH SỬ TRIẾT HỌC
Mã số : 62.22.80.01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học :


1. PGS.TS. ĐINH NGỌC THẠCH
2. TS. HÀ THIÊN SƠN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2009


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án này là công trình nghiên cứu nghiêm túc,
trung thực của riêng tôi.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan của mình.
NGƯỜI CAM ĐOAN

Dương thị Ngọc Dung


MỤC LỤC
Trang
PHẦN MỞ ĐẦU ................................................................................................ 4
Chương 1
NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J.J.ROUSSEAU
1.1. Nguồn gốc hình thành triết học chính trị J.J.Rousseau .................... 13
1.1.1. Bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội nước Pháp đầu thế kỷ
XVIII – cơ sở thực tiễn của triết học chính trị J.J.Rousseau ............................. 13
1.1.2. Nguồn gốc lý luận của triết học chính trị J.J.Rousseau .................... 19
1.2. Quá trình hình thành và phát triển triết học chính trị J.J.Rousseau.. 37
1.2.1. Thời kỳ hình thành triết học chính trị J.J.Rousseau ........................... 37
1.2.2. Thời kỳ khẳng định của triết học chính trị J.J.Rousseau .................... 46
Kết luận chương 1 ........................................................................................ 53


Chương 2
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J.J.ROUSSEAU
2.1. Phê phán bất bình đẳng và tha hóa con người – điểm khởi đầu
của triết học chính trị J.J.Rousseau ................................................................ 55
2.1.1. Phê phán bất bình đẳng và tha hóa con người trong “Luận về
khoa học và nghệ thuật” ................................................................................... 55


2

2.1.2. Phê phán bất bình đẳng và tha hóa con người trong “Luận về nguồn
gốc và bản chất của sự bất bình đẳng giữa người với người” và phương án
khắc phục bất bình đẳng trong“Kinh tế chính trị” .......................................... 61
2.2. Triết học chính trị J.J.Rousseau trong “Bàn về khế ước xã hội”
và “Emile, hay vấn đề giáo dục” .................................................................... 72
2.2.1. Quan niệm thống nhất quyền lực nhà nước và những ý tưởng về
nhà nước của dân, do dân, vì dân trong “Bàn về khế ước xã hội” ................... 72
2.2.2. Triết lý kiến tạo mẫu người công dân tự do cho xã hội dân
chủ lý tưởng trong “Emile, hay vấn đề giáo dục” ............................................ 93
Kết luận chương 2 ...................................................................................... 106

Chương 3
Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA
TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J.J.ROUSSEAU
3.1. Giá trị và ảnh hưởng của triết học chính trị J.J.Rousseau tới sự
vận động của cách mạng thế giới .................................................................. 111
3.1.1. Triết học chính trị J.J.Rousseau – một trong những ngọn cờ
lý luận của Đại cách mạng Pháp 1789 ............................................................ 111
3.1.2. Triết học chính trị J.J.Rousseau với bước chuyển tư tưởng chính

trị Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX .................................................. 125
3.2. Giá trị và ảnh hưởng của triết học chính trị J.J.Rousseau với việc
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân,
vì dân ở Việt Nam .......................................................................................... 138


3

3.2.1. Mối liên hệ lịch sử giữa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà

nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với triết học chính trị J.J.Rousseau – sự
thể hiện sinh động quy luật kế thừa và phát triển .................................... 139
3.2.2. Ý nghĩa và bài học lịch sử của triết học chính trị J.J.Rousseau đối với
việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở
Việt Nam hiện nay ............................................................................................ 154
Kết luận chương 3 ...................................................................................... 178
KẾT LUẬN ............................................................................................... 182
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ .................................. 185
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................... 186


4

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Triết học chính trị, hay sự phân tích triết học những vấn đề chính trị,
chiếm vị trí lớn trong di sản tinh thần của J.J.Rousseau, thể hiện xuyên suốt quá
trình sáng tác của J.J.Rousseau, từ những tác phẩm đầu tiên cho đến những tác
phẩm cuối đời. Là đại biểu xuất sắc của phong trào Khai sáng Pháp,
J.J.Rousseau đã biết kế thừa sáng tạo và phát triển những thành tựu của triết

học chính trị của các bậc tiền bối trên cơ sở thực tiễn nước Pháp thế kỷ XVIII,
đưa ra những quan điểm độc đáo về tự do, bình đẳng; về nguồn gốc, bản chất
nhà nước, pháp luật và thiết chế chính trị … góp phần làm nên thắng lợi của
Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch
sử giai đoạn mình, triết học chính trị của J.J.Rousseau, hay nói như Engels,
những phác thảo có tính biện chứng về sự vận động của xã hội, đặc biệt là cách
lý giải của ông về chủ quyền nhân dân, về bản chất của quyền lực nhân dân và
những ý tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân, cũng như những suy nghĩ
về mối quan hệ giữa quá trình phát triển đời sống vật chất với việc bảo vệ các
giá trị đạo đức truyền thống, triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự chủ, tự
tin, yêu hòa bình, biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác … còn tiếp
tục ảnh hưởng tới quá trình vận động, phát triển tiếp theo của tư tưởng xây
dựng nhà nước pháp quyền nói riêng, triết học chính trị của nhân loại nói chung
và đến nay nó vẫn còn chứa đựng nhiều giá trị hiện thực.
Ra đi tìm đường cứu nước từ lý của Đại cách mạng Pháp 1789, trải qua
quá trình bôn ba tại sào huyệt của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc – Hồ
Chí Minh tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc trong lý tưởng của Cách
mạng Tháng Mười Nga 1917. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân
Việt Nam bắt đầu xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, xây dựng nhà


5

nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Dù không trực tiếp khẳng định
bằng khái niệm, song tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của dân, do dân và vì dân đã được Hồ Chí Minh khẳng định nhiều lần bằng
nhiều cách diễn đạt khác nhau trong suốt quá trình Người trực tiếp lãnh đạo xây
dựng nhà nước Việt Nam mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VII khẳng định : “tiếp tục cải cách bộ

máy nhà nước theo phương hướng : nhà nước thực sự của dân, do dân và vì
dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đến
Đại hội VIII, khái niệm “nhà nước pháp quyền” đã chính thức khẳng định trong
văn kiện Đại hội Đảng. Sau Đại hội IX, quan điểm xây dựng nhà nước pháp
quyền của Đảng đã chính thức được thể chế hóa tại điều 2 của Hiến pháp 1992
(sửa đổi, bổ sung năm 2001) : “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân
dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân … Quyền lực nhà nước là
thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc
thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đại hội X vừa qua một lần
nữa khẳng định : “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần
xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực
nhà nước đều thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân
công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành
pháp và tư pháp”.
Như vậy, hơn 60 năm qua, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự
của dân, do dân, vì dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm tới. Tuy nhiên
trên thực tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quyền làm chủ của nhân
dân bị vi phạm ở nhiều nơi với nhiều mức độ khác nhau và nó đã trở thành vấn
nạn ở Việt Nam hiện nay. Các thế lực đối lập trong và ngoài nước, trong quá
trình chống phá cách mạng Việt Nam, với nhiều chiêu thức khác nhau, luôn sử
dụng những luận điểm “đa nguyên đa đảng”, “tam quyền phân lập”, … để


6

chống lại lý luận của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là luận điểm “quyền lực nhà nước là thống
nhất” và “dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Đồng thời, lý luận xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm gây tranh

cãi.
Để thành công trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, cùng với việc quán triệt những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước xã hội chủ nghĩa, phải hiểu rõ
lý luận về nhà nước pháp quyền đi đôi với việc làm cho những giá trị ấy trở
thành hiện thực trong đời sống con người. Do đó, ngoài việc chủ động phát huy
nội lực, Đảng và Nhà nước đã chủ trương hội nhập sinh hoạt quốc tế, học tập
kinh nghiệm và lý luận xây dựng nhà nước pháp quyền của các các dân tộc đi
trước. Việc nghiên cứu triết học chính trị J.J.Rousseau cũng nằm trong yêu cầu
này.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Tư tưởng của J.J.Rousseau cũng như của nhiều nhà Khai sáng Pháp khác
đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau
như triết học, chính trị học, sử học, luật học, văn học, giáo dục học …
Tại Liên Xô trước đây, các tác phẩm chọn lọc của J.J.Rousseau cũng như
những sách giáo khoa, sách chuyên khảo có sự phân tích sâu sắc những tư
tưởng của J.J.Rousseau của nhiều tác giả tên tuổi đã được xuất bản và tái bản
nhiều lần. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Sự phát triển tư tưởng xã hội tại Pháp
thế kỷ XVIII” (1977), V.P.Volgin đưa J.J.Rousseau vào nhóm các nhà dân chủ
và bình quân, nghĩa là chủ trương một xã hội mà quyền lực thuộc về nhân dân,
tôn trọng quyền sở hữu cá nhân dưới sự điều tiết của nhà nước, chống sự giàu
có thái quá và sự bần cùng, phân phối lại sản phẩm, hạn chế tiêu dung, nhằm
ngăn chặn bất bình đẳng xã hội ; I.N.Kupsov trong tác phẩm “J.J.Rousseau –


7

nhà tư tưởng của cách mạng Pháp” (1979) đã phân tích vị trí của J.J.Rousseau
trong phong trào Khai sáng Pháp, chỉ ra mối liên hệ giữa tư tưởng dân chủ của
J.J.Rousseau với Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp,

xem quan niệm “ý chí chung” như dự báo về tiến bộ xã hội ; tác phẩm “Phong
trào Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII” của Kh.N.Môm-giăng (1983) trình bày tiền
đề thực tiễn và tiền đề lý luận của Phong trào Khai sáng Pháp, phân tích và
đánh giá các chân dung tiêu biểu từ thế hệ đầu tiên đến các nhà cách mạng tư
sản. Tác phẩm đã dành phần đáng kể tìm hiểu quá trình hình thành, nội dung cơ
bản của tư tưởng chính trị của J.J.Rousseau, chỉ ra cả những mặt tích cực và
hạn chế của những tư tưởng đó, cũng như ý nghĩa của nó đối với sự phát triển
của nhân loại tiến bộ. Nhà xuất bản “Khoa học” Matxcơva năm 1991 cũng cho
in bản dịch ra tiếng Nga tác phẩm “J.J.Rousseau” của tác giả Guy Besse (xuất
bản tại Paris năm 1988). Tác phẩm “Triết học chính trị” của E.A.Posniakov
được xuất bản năm 1994 đã đánh dấu sự xâm nhập ban đầu của chuyên ngành
triết học chính trị tại Nga. Năm 1999, với sự xuất hiện hai tác phẩm “Triết học”
của

tập

thể

tác

giả

V.G.Kuznetsov,

I.D.Kuznetsova,

V.V.Mironov,

K.Ch.Mongian và “Triết học chính trị” của K.S.Gadgiev, khái niệm triết học
chính trị được định nghĩa và được xem như sự cụ thể hóa những luận điểm của

triết học xã hội. Trong tất cả những tác phẩm này, những nội dung cơ bản của
triết học chính trị J.J.Rousseau đã được phân tích và đánh giá trân trọng bên
cạnh tên tuổi một số triết gia tiêu biểu khác.
Ở Sài Gòn trước giải phóng cũng như ở Việt Nam hiện nay, những tác
phẩm tiêu biểu của J.J.Rousseau như “Emile, hay vấn đề giáo dục” và “Bàn về
khế ước xã hội” khi dịch sang tiếng Việt cũng gây được sự chú ý trong dư luận.
Trước khi “Bàn về khế ước xã hội” được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến,
dịch giả Hoàng Thanh Đạm cũng đã giới thiệu đến bạn đọc tóm tắt nội dung cơ
bản của tác phẩm này qua bài báo “Tìm hiểu “Bàn về khế ước xã hội”, được
đăng trong tạp chí “Lịch sử quân sự” vào tháng 6/1989 và sau này được đính


8

kèm trong tác phẩm trên. Trong tác phẩm “Lý luận giáo dục châu Âu”, tác giả
Nguyễn Mạnh Tường cũng đã dành hơn một trăm trang để nói về tư tưởng của
J.J.Rousseau, trong đó tư tưởng triết học chính trị của J.J.Rousseau trải đều
trong các trang viết. Trong tác phẩm “Những danh tác chính trị”, tác giả Jean
Jacques Chevallier (được dịch giả Lê Thanh Hoàng Dân dịch và được nhà xuất
bản Trẻ phát hành năm 1971 tại Sài Gòn) cũng đã dành sáu mươi trang phân
tích sự kế thừa sáng tạo của tư tưởng chính trị của J.J.Rousseau trong “Bàn về
khế ước xã hội” cũng như ý nghĩa và ảnh hưởng của tác phẩm này đối với lịch
sử. Tác phẩm “J.J.Rousseau” của tác giả Phùng Văn Tửu được thể hiện dưới
dạng văn học cũng đã ra mắt độc giả Việt Nam năm 1996. Trong “Lịch sử các
tư tưởng chính trị”, xuất bản tại Hà Nội năm 1995 (thuộc chương trình KH-CN:
KX-05. Đề tài KX- 02), bên cạnh việc phân tích những tư tưởng chính trị cơ
bản của một số triết gia phương Tây tiêu biểu từ cổ đại đến cận đại qua chủ đề :
“chủ nghĩa không tưởng triết học : Platon”, “chủ nghĩa chuyên chế cá nhân –
Grotius Hugo và Thomas Hobbes”, “chủ nghĩa tự do quý tộc : Montesquieu”…,
tác giả Marcel Prelct đã phân tích nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị của

J.J.Rousseau qua chủ đề “chủ quyền tối thượng của nhân dân – J.J.Rousseau”.
Trong tác phẩm “Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng nhà nước
pháp quyền Việt Nam” (2006), Tiến sĩ Lê Tuấn Huy cũng đã đưa ra những
nhận xét, so sánh triết học chính trị J.J.Rousseau với triết học chính trị
Montesquieu và những nhận định về vị trí, vai trò triết học chính trị của hai ông
trong dòng chảy triết học chính trị nhân loại nói riêng và cách mạng thế giới
nói chung. Tác giả Phạm Thế Lực cũng đã phân tích những nội dung cơ bản
của tác phẩm “Khế ước xã hội” trong bài viết “Tư tưởng chủ quyền nhân dân
trong tác phẩm Khế ước xã hội của J.J.Rousseau” đăng trên tạp chí Khoa học
xã hội (số 8/2007). Gần đây nhất, trong tác phẩm “Emile hay là về giáo dục”
của J.J.Rousseau do Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch và nhà xuất bản Tri
thức phát hành (tháng 6/2008), nhà văn Bùi Văn Nam Sơn cũng đã viết bài giới


9

thiệu “Emile hay là về giáo dục – Một triết lý giáo dục nhân bản : dạy và học
làm người”, trong đó ngoài việc giới thiệu nội dung cơ bản của tác phẩm
“Emile hay là về giáo dục”, nhà văn Nam Sơn cũng tóm tắt trình bày những tư
tưởng cơ bản của J.J.Rousseau trong một số tác phẩm tiêu biểu và ảnh hưởng
của chúng. Ngoài ra, trong các tác phẩm “Dân chủ và giáo dục” của John
Dewey (2008), “Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới” của Lưu Kiếm
Thanh (2001), “Các trường phái triết học trên thế giới” của David E Cooper
(2005), “Văn minh phương Tây – Lịch sử và Văn hoá” của Edward McNall
Burns (2008), “Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới”
của Alphabooks (Bản quyền tiếng Việt 2007 do GS.TSKH Bành Tiến Long
viết lời giới thiệu) ... tư tưởng của J.J.Rousseau nói chung và tư tưởng triết học
chính trị J.J.Rousseau nói riêng cũng được phân tích dưới nhiều góc độ khác
nhau. Hầu hết các tác giả khi bàn về tư tưởng của J.J.Rousseau đều dành cho
ông sự đánh giá trân trọng.

Ngoài ra, những nội dung cơ bản trong triết học chính trị của J.J.Rousseau
đã được nhiều tác giả trình bày trong nhiều chuyên khảo nghiên cứu tư tưởng
chính trị - xã hội dưới dạng sách giáo khoa, giáo trình về lịch sử tư tưởng chính
trị, lịch sử triết học, lịch sử văn học, hay trong các tạp chí như tạp chí Triết học,
tạp chí Cộng sản, tạp chí Khoa học xã hội … Với sự phát triển của công nghệ
thông tin, giờ đây chúng ta có thể truy cập những bài viết, bài bình luận liên
quan đến triết học chính trị của J.J.Rousseau của nhiều tác giả với nhiều nội
dung và khía cạnh khác nhau.
Bên cạnh những tác phẩm, những bài viết về nội dung tư tưởng chính trị
của J.J.Rousseau, những tác phẩm, những bài viết liên quan đến tư tưởng về
nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng
được chúng tôi tìm kiếm, tìm hiểu và tất cả trở thành những tư liệu bổ ích giúp
chúng tôi thực hiện luận án này.


10

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
a. Mục đích
Cùng với việc trình bày một cách hệ thống nguồn gốc, tiền đề và những
nội dung cơ bản của triết học chính trị J.J.Rousseau qua một số tác phẩm tiêu
biểu của ông, luận án mong muốn chỉ ra những giá trị và ảnh hưởng mà những
tư tưởng này đã tạo ra trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại nói chung
cũng như những bài học lịch sử mà chúng ta có thể rút ra được từ những tư
tưởng đó trong sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
dân, do dân vì dân tại Việt Nam hiện nay.
b. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận án nêu ra và giải quyết các nhiệm vụ sau :
1) Trình bày nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của triết học
chính trị J.J.Rousseau nói riêng và tư tưởng của J.J.Rousseau nói chung.

2) Phân tích nội dung cơ bản của triết học chính trị J.J.Rousseau qua một
số các tác phẩm tiêu biểu, đặc biệt là hai tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” và
“Emile, hay vấn đề giáo dục”. So sánh những tư tưởng đã nêu với tư tưởng cơ
bản của một số nhà lý luận tiền bối của ông, cũng như đánh giá những tư tưởng
đó từ lập trường của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
3) Nêu ý nghĩa, giá trị, ảnh hưởng và một số bài học lịch sử của triết học
chính trị J.J.Rousseau đối với Đại cách mạng Pháp 1789 nói riêng, cách mạng
thế giới nói chung và đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
4. Giới hạn của luận án
Tư tưởng của J.J.Rousseau có nội dung phong phú và được nhiều bộ môn
khoa học nghiên cứu như triết học, chính trị học, luật học, xã hội học, văn học
... Trong giới hạn của luận án này, tác giả chỉ muốn tiếp cận tư tưởng chính trị


11

của ông với tư cách là một vòng trong chuỗi “vòng xoáy ốc” của quá trình phát
triển tư tưởng chính trị của nhân loại và tập trung phân tích nội dung những tư
tưởng ấy dưới góc độ triết học. Nghĩa là, tập trung chủ yếu phân tích tính kế
thừa sáng tạo trong quan niệm của ông về nguồn gốc, bản chất của quyền lực
nhà nước và những mối quan hệ xoay quanh quyền lực đó; về nguồn gốc, bản
chất của bình đẳng, tự do của mọi công dân trong xã hội cùng triết lý xây dựng
một nhà nước lý tưởng trong đó mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, chính
nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực của mình trong mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội.
Thêm vào đó, mặc dù J.J.Rousseau viết rất nhiều công trình, song nội
dung triết học chính trị của ông được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm “Bàn
về khế ước xã hội” và “Emile, hay vấn đề giáo dục”, đặc biệt trong “Bàn về khế
ước xã hội”. Do đó, trong luận án này, tác giả cũng tập trung khai thác trong

nội dung của hai tác phẩm trên, nhất là trong “Bàn về khế ước xã hội”.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Cơ sở lý luận của luận án là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa
duy vật lịch sử được thể hiện trong việc phân tích tiến trình lịch sử xã hội, mà
cụ thể là phân tích triết học chính trị của J.J.Rousseau.
Cùng với những phương pháp toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển, gắn lý
luận với thực tiễn … được rút ra từ phép biện chứng duy vật, những phương
pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa, quy nạp, diễn dịch, đối
chiếu, loại suy, logic … và sự kết hợp giữa những phương pháp đó cũng được
sử dụng trong quá trình thực hiện luận án này.
6. Cái mới của luận án
- Từ di sản tư tưởng của J.J.Rousseau, luận án tổng hợp, chọn lọc và phân
tích một cách hệ thống những nội dung cơ bản của triết học chính trị
J.J.Rousseau qua các thời kỳ khác nhau.


12

- Rút ra ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng của triết học chính trị J.J.Rousseau
đối với thời đại; chỉ ra mối liên hệ thời sự giữa tư tưởng chính trị của
J.J.Rousseau với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
dân, do dân, vì dân hiện nay ở Việt Nam.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức về lịch sử triết học chính
trị phương Tây nói chung và triết học chính trị J.J.Rousseau nói riêng.
- Chỉ ra ý nghĩa và một số bài học lịch sử từ triết học chính trị
J.J.Rousseau đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam.
- Dùng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho quá trình nghiên cứu và giảng
dạy các môn lịch sử triết học, triết học chính trị, lý luận về nhà nước và pháp

luật tại các trường cao đẳng và đại học, hoặc tham khảo để đổi mới phương
pháp giảng dạy tại các bậc phổ thông …
8. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần công bố những công trình khoa
học được tác giả nghiên cứu và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận
án được kết cấu thành 03 chương, 06 tiết và 12 tiểu tiết.


13

Chương 1
NGUỒN GỐC, QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TRIẾT HỌC CHÍNH TRỊ J.J.ROUSSEAU
1.1. Nguồn gốc triết học chính trị Jean Jacques Rousseau.
1.1.1. Bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội của nước Pháp đầu thế kỷ
XVIII – cơ sở thực tiễn của triết học chính trị J.J.Rousseau
Thế kỷ XVII-XVIII được gọi là thời đại của các cuộc cách mạng tư sản và
sự xác lập chế độ tư bản. Về mặt thực tiễn, tiền đề kinh tế - chính trị - xã hội
cho sự xuất hiện những chuyển biến cách mạng trong giai đoạn này đã được
chuẩn bị từ thời Phục hưng (từ nửa sau thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XVI), khi
những mầm mống của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã hình thành
ngay trong chế độ xã hội cũ. Một trong những biểu hiện đầu tiên của quá trình
chuyển tiếp của lĩnh vực kinh tế - chính trị này là sự ra đời của những công
xưởng thủ công thay thế cho phương hội, sự hình thành các trung tâm kinh tế
thương mại, mở rộng giao lưu trao đổi hàng hóa, phá vỡ các quan hệ phong
kiến chật hẹp, biểu hiện của nền kinh tế tự cung tự cấp. Thế kỷ thứ XV-XVI
chứng kiến quá trình tích lũy tư bản ban đầu ở Hà Lan, Anh và một số nước
khác. Quá trình đơn giản hóa đời sống xã hội mới cũng từng bước thiết lập. Xu
hướng chung của sự phát triển của thời đại đã đặt nhiệm vụ cho các nhà triết
học phản ánh sự khởi sắc ấy, khái quát hóa nó trong các học thuyết của mình.

Điều này giải thích vì sao giữa lằn ranh của hai thời đại đã xuất hiện hàng loạt
các phương án cải cách xã hội, từ chủ nghĩa nhân văn Kito giáo đến phương án
thế tục hóa của Machiavelli, từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng của Th.More
đến những phác thảo về nhà nước pháp quyền của Grotius và Bodin. Nói khác
đi, những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội – chính trị - văn
hóa thời kỳ Phục hưng là cơ sở thực tiễn sâu xa của phong trào Khai sáng Pháp.


14

Bước vào thế kỷ XVIII, trong khi Anh và Hà Lan đang vững bước trên
con đường phát triển tư bản chủ nghĩa với tư tưởng của giai cấp tư sản đã trở
thành tư tưởng thống trị thì nước Pháp vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu
dưới sự cai trị của các triều đại quân chủ chuyên chế.
Về chính quyền, kể từ khi vua Louis XI áp dụng những biện pháp để tập
trung quyền lực, thống nhất quốc gia, nước Pháp phải chịu tất cả những quyền
hành độc đoán, chuyên chế. Nếu như trong thế kỷ XIV, XV và XVI, ở Pháp tồn
tại một loại nghị viện gọi là Estates General, bao gồm các đại biểu của giới
tăng lữ, quý tộc và thường dân (tuy thời gian nhóm họp cách quãng và không
đều), thì từ sau năm 1614, nhà vua là người duy nhất được ký thác nắm quyền
quốc gia. Theo đó, nhà vua có thể giải quyết mọi vấn đề theo ý độc đoán của
mình, không sợ bị buộc tội hoặc hạn chế lập pháp theo một hình thức bất kỳ.
Việc cai trị của nhà vua không bị kiếm soát, quốc hội cũng chỉ là một viện
chuyên ghi chép lại những hành vi của nhà vua. Nhà vua tống giam người vào
ngục mà không cần xét xử bằng sắc lệnh của hoàng gia. Nhà vua ngăn chặn sự
phê bình chính sách bằng cách áp đặt chế độ kiểm duyệt gắt gao đối với báo chí
hoặc hạn chế tự do ngôn luận… Bên cạnh đó, sự chồng chéo trong cơ cấu tổ
chức của nhà nước dẫn tới tính không hiệu quả của chính quyền ở mọi cấp, mọi
nơi. Mâu thuẫn quyền thực thi pháp lý giữa các ban ngành kình địch nhau
thường gây chậm trễ trong việc giải quyết nhiều vấn đề trong các lĩnh vực tài

chính cũng như trong các ngành chính sách công khác. Nạn tham ô, lãng phí,
quan liêu tồn tại thường trực trong toàn bộ hệ thống. Tình trạng vô tổ chức
cũng diễn ra tương tự trong lĩnh vực pháp lý và quá trình xét xử. Gần như tỉnh
nào ở Pháp cũng có luật riêng dựa theo “lệ làng”. Do đó, một hành động có thể
bị xử rất nặng ở miền nam nước Pháp, song lại có thể được miễn trừ ở miền
trung và bắc…
Tuy nhiên, vấn đề nặng nề nhất, tổn hại đến chế độ chuyên chế Pháp là
những cuộc chiến đầy tai họa mà nước Pháp đã tham gia trong thế kỷ XVIII.


15

Nếu trong thế kỷ XVII, vua Louis XIV chẳng những là quốc vương chuyên chế
của nước Pháp mà của là toàn cõi châu Âu, thì bước sang thế kỷ XVIII, nước
Pháp bại trận liên tiếp. Sau cuộc chiến tranh kéo dài 13 năm (1701-1714) với
nước Anh về vấn đề thừa kế Italia và đặc biệt cuộc chiến 7 năm cũng với nước
Anh (1756-1763), dưới triều vua Louis XV, nước Pháp chẳng những để mất địa
vị thống trị trên biển và thuộc địa cho nước Anh (phải nhường cho Anh
Canada, Ấn Độ và một số khu vực khác). Lẽ đương nhiên, nguyên nhân cơ bản
của sự đại bại này là sự bất lực của chính phủ Pháp. Năm 1778, vua Louis XVI
lại quyết định can thiệp vào chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Mặc dù, lần này
nước Pháp ở phe thắng trận, song chi phí duy trì hạm đội và quân đội ở Tây
Bán Cầu trong ba năm đã làm suy giảm đời sống kinh tế trong nước, và thậm
chí có lúc, nhà nước phải tuyên bố phá sản ngân sách.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, một ngành kinh tế cơ bản của nước Pháp thời
đó, chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ vẫn chiếm địa vị thống trị. Nông
dân, người sử dụng đại bộ phận ruộng đất, chỉ được coi là người sở hữu tạm
thời đối với phần đất đai mà họ canh tác. Họ phải làm tô dịch cho địa chủ, làm
các nghĩa vụ phong kiến, nộp thuế cho nhà nước và nhà thờ. Đại bộ phận địa
chủ (tầng lớp sở hữu hơn 30% ruộng đất, rừng rú, đồng cỏ, ao hồ …) chẳng

những vẫn giữ phương thức bóc lột nông dân như cũ, mà cùng với sự phát triển
của mậu dịch và sự tăng lên của nhu cầu nông phẩm, chúng còn vơ vét tận cùng
số địa tô có thể vơ vét được. Nông dân sau những vụ làm lụng vất vả vẫn có thể
trở thành trắng tay sau khi phải nộp cho đủ số thuế nghĩa vụ. Trong nông dân
bắt đầu nảy sinh quá trình phân hóa xã hội, nghĩa là xuất hiện phú nông và bần
nông. Tuy nhiên, toàn thể giai cấp nông dân đều căm thù địa chủ, mong muốn
xóa bỏ áp bức phong kiến.
Chế độ phong kiến chuyên chế cũng là trở ngại nghiêm trọng nhất trên con
đường phát triển công nghiệp ở Pháp. Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã xen vào một
số những lĩnh vực sản xuất quan trọng, đã xuất hiện những tổ chức sản xuất với


16

quy mô từ năm trăm đến bốn ngàn công nhân, song nhìn chung, tại Pháp lúc
bấy giờ tiểu thủ công nghiệp vẫn chiếm ưu thế, máy móc vẫn chưa được sử
dụng nhiều, các cơ sở sản xuất tập trung còn tương đối ít. Tuy vậy, do được
thừa hưởng những thành quả của khoa học kỹ thuật cộng với khí thế của cuộc
cách mạng công nghiệp Anh, giai cấp tư sản Pháp đã tích lũy được một số vốn
lớn từ nguồn lãi thu được khi đưa máy móc vào sản xuất. Và sự giàu có ngày
càng tăng của giai cấp tư sản đã làm tăng cảm nhận về địa vị chính trị thấp kém
của họ. Giai cấp tư sản cũng mong muốn phá vỡ tình trạng cát cứ phong kiến
để phát triển sản xuất thương mại, thủ tiêu những đặc quyền đặc lợi của bọn
tăng lữ - quý tộc, đòi quyền bình đẳng trong địa vị xã hội những như bình đẳng
cơ hội trong kinh doanh.
Việc tự do buôn bán lương thực cũng bị nghiêm cấm, chính phủ chỉ bán
quyền mua bán lương thực cho một số thương nhân độc quyền. Thêm vào đó,
việc chia cắt các vùng bằng những đồn ải quan thuế đã kìm hãm sự phát triển
của buôn bán, mậu dịch … Chính phủ đã can thiệp vào hoạt động kinh tế của
giai cấp tư sản ở khắp mọi nơi, ngăn cản sự làm giàu của giai cấp tư sản bên

cạnh việc kìm hãm sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, dưới sự cai trị của chính quyền chuyên chế phong kiến, quyền lợi
và bổn phận của các “thần dân” không đồng đều. Người có bổn phận thì không
có quyền lợi và người có quyền lợi lại chẳng có bổn phận gì. Trong ba đẳng
cấp được xác định trên luật pháp lúc bấy giờ, hai đẳng cấp tăng lữ và quý tộc
chẳng những không bao giờ phải nộp thuế, mà còn được triều đình ban phát ân
huệ, bổng lộc. Của cải của nhà nước nằm trong kho của nhà vua bị tiêu tán cho
những buổi yến tiệc, những ngày lễ trong hoàng cung, cho các việc ban phát
danh vị …, chẳng khác gì cho vào chiếc thùng không đáy. Còn “đẳng cấp thứ
ba” - đẳng cấp bao gồm những người thuộc tất cả các tầng lớp: tư sản, nông
dân, thợ thủ công và công nhân công trường thủ công - lại phải nai lưng ra
đóng góp để nuôi bọn vô lại đó. Và để củng cố thêm quyền lực, đeo đuổi tiếp


17

nuôi mộng xâm lăng chính quyền phong kiến ngày càng ra sức bóc lột đẳng cấp
này nhiều hơn nữa. Tiền của đóng góp của giới tư sản đại thương gia Pháp
nhằm tranh giành quyền lợi ở các nước thuộc địa cũng được nhà vua sử dụng
để củng cố chế độ quân chủ chuyên chế và tiêu xài cá nhân một cách vô tội vạ.
Mặc dù là vậy, hai đẳng cấp quý tộc và tăng lữ lại luôn tỏ thái độ kiêu ngạo, coi
thường đẳng cấp thứ ba. Triều đình phát hành một cách vô tội vạ các trát bắt
người và khi bắt được ai đó thì chẳng cần xét xử, đem giam luôn vào các pháo
đài của ngục Bastille …
Hơn thế nữa, muốn trong nước chỉ có một tôn giáo duy nhất, Thiên Chúa
giáo cổ truyền, vua Louis XIV truất quyền tồn tại của Tân giáo. Kết quả là,
những người không chịu rời bỏ tôn giáo của mình đành phải xuất ngoại, còn
những người buộc phải ở lại trở thành những kẻ bất mãn, căm thù nhà vua. Tai
hại hơn cho chính thể là dư luận tăng lòng hoài nghi đối với tôn giáo. Các lực
lượng tiến bộ xã hội đồng thời bày tỏ thái độ phản kháng đối với Nhà Thờ thành lũy tinh thần của chế độ chuyên chế phong kiến. Nếu nhà vua độc tài

nhìn thấy ở Nhà Thờ một sức mạnh to lớn để củng cố quyền lực, thì ngược lại,
các nhà tư tưởng Khai sáng đã xem nó như một nền chuyên chính tinh thần.
Chẳng hạn, Holbach trong quyển “Cơ đốc giáo bị kết án” đã viết : “Tôn giáo đó
là nghệ thuật làm đần độn con người với mục đích đánh lạc hướng suy nghĩ của
họ khỏi tội ác mà những kẻ cầm quyền gây ra cho họ”… Xung đột giữa hai
đẳng cấp trên và “đẳng cấp thứ ba” ngày càng trở nên gay gắt. Do điều kiện đặc
thù lịch sử của đất nước, giai cấp tư sản Pháp đã liên minh với nông dân, công
nhân, thợ thủ công cũng nhưng những nhân dân lao động khác trong cuộc đấu
tranh chống lại nền quân chủ, quý tộc và giáo hội phong kiến.
Thế kỷ XVIII, khoa học tự nhiên phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là vật lý
học. Những nguyên tắc vật lý của Newton, những định luật toán học của
D’Alembert, những công trình nghiên cứu vật vật học của Buffon, cũng như
việc người ta đem áp dụng những thành tựu đó vào trong sản xuất và trong đời


18

sống thu được những thành tựu khả quan đã làm thay đổi những quan niệm
đương thời. Người ta đã nhìn nhận thấy rằng, sự sáng tạo bắt nguồn từ kinh
nghiệm và lý trí của con người chứ không xuất phát từ Chúa Trời. Người ta còn
tin rằng, rồi đây khoa học sẽ tước đọat quyền của tạo hóa. Khoa học đã trở
thành một cái “mốt”. Những vấn đề khoa học ngày càng được công chúng yêu
thích nghiên cứu. Những đề tài khoa học đã trở thành những chủ đề trung tâm
của những cuộc nói chuyện trong các phòng khách, những cuộc tranh luận
trong các trường đại học. Nhu cầu khái quát hoá những thành tựu của khoa học
tự nhiên đã đưa đến cuộc tranh luận gay gắt về phương pháp nhận thức và
những phương pháp nhận thức khoa học đã có tác dụng tích cực trong quá trình
phân tích thực trạng và triển vọng sự vận động xã hội.
Như vậy, hệ thống chính trị bảo thủ và phản động đã làm gay gắt thêm
mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đang phát triển và những rào cản trong quan

hệ sản xuất. Giai cấp tư sản - tập hợp trong “đẳng cấp thứ ba” - không thể kiên
nhẫn chờ sự ban phát từ chính quyền trung ương. Nói theo quan điểm của chủ
nghĩa duy vật lịch sử, không khí cách mạng tất yếu được hình thành một khi
lực lượng sản xuất không thể tiếp tục phát triển trong hệ thống các quan hệ sản
xuất đang tồn tại. Và nước Pháp thế kỷ XVIII là bằng chứng sống động cho
quan điểm này. Tất cả các giai cấp trong xã hội Pháp lúc bấy giờ đều bày tỏ
bằng cách này hay cách khác đối với trật tự hiện tồn. Ngay cả giai cấp thống trị,
tầng lớp quý tộc cũng bày tỏ sự bất bình trước những chính sách của nhà nước
chuyên chế. Nói khác đi, từ thời vua Louis XV (1710-1774), chế độ chuyên chế
phong kiến Pháp đã suy yếu. Vua Louis XVI cũng không thể giải quyết những
vấn đề kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội đang được đặt ra trước nước Pháp
ngày càng kiệt quệ và mất phương hướng. Khi giai cấp phong kiến quý tộc
không còn đóng vai trò chủ động trong xã hội thì các giá trị liên quan đến giai
cấp ấy tất yếu phải sụp đổ. Nếu trước kia người ta quý trọng phẩm tước bao
nhiêu thì giờ đây người ta yêu chuộng tài năng bấy nhiêu.


19

Tóm lại, cơ sở thực tiễn của triết học chính trị J.J.Rousseau nói riêng và
phong trào Khai sáng Pháp nói chung là bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội tại
nước Pháp đầu thế kỷ XVIII. Sự lớn mạnh như vũ bão của phương thức sản
xuất tư bản chủ nghĩa trong lòng chế độ phong kiến, sự lớn mạnh của giai cấp
tư sản Pháp trong bối cảnh nước Pháp lúc bấy giờ là những tác nhân trực tiếp
gây nên sự bùng nổ các phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản trên mọi lĩnh
vực đời sống xã hội và nước Pháp đã trở thành vũ đài của các cuộc luận chiến
giữa tư tưởng tự do với chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa thần quyền. Phong
trào Khai sáng Pháp đã ra đời trong xu thế ấy, mà J.J.Rousseau là một trong
những đại biểu kiệt xuất của nó.
1.1.2. Nguồn gốc lý luận của triết học chính trị J.J.Rousseau.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng, triết học chính trị J.J.Rousseau nói riêng
và phong trào Khai sáng Pháp nói chung là một khâu trong chuỗi các “vòng
xoáy ốc” năng động, kế tiếp nhau và ngày càng được mở rộng trong lịch sử tư
tưởng nhân loại mà điểm xuất phát là triết học chính trị ở Hy Lạp – La Mã cổ
đại. Nói khác đi, Hy Lạp, theo đánh giá của các nhà nhân văn Phục hưng (thế
kỷ XV-XVI), là nơi đã tạo nên truyền thống cổ điển của văn hóa châu Âu,
trong đó có cả tư tưởng triết học chính trị, hay nói đúng hơn là lý tưởng chính
trị, nghĩa là xem xét chính trị từ góc độ văn hóa. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các
nhà Khai sáng Pháp, trong quá trình hình thành tư tưởng của mình đều thực
hiện sự khảo sát lịch sử từ tư tưởng cổ đại phương Tây. Trong sự hình thành
triết học chính trị của J.J.Rousseau, giai đoạn đầu, chúng ta cũng nhận thấy mối
liên hệ giữa ông với Socrates (469-399 tr.CN), Platon (427-347 tr.CN) và
Aristotle (384-322 tr.CN) trong quan điểm về bất bình đẳng và công bằng xã
hội.
Vào thế kỷ thứ V trước công nguyên, trong khuôn khổ của chế độ chiếm
hữu nô lệ, hình thức cai trị có tên “dân chủ” là một minh chứng cho thấy nỗ lực


20

không ngừng của con người vươn đến sự hoàn thiện của đời sống cộng đồng.
Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, phiên âm ra tiếng La-tinh, “dân chủ” là democratia,
trong đó “demos” là nhân dân và “kratie” là quyền lực, kết hợp lại là “quyền
lực của nhân dân”, gọi tắt là “dân chủ”. Nếu xét như hình thức tổ chức xã hội,
điều hành công việc quốc gia, “dân chủ” hàm chứa cả hai nghĩa : quyền lực nhà
nước thuộc về nhân dân và chính nhân dân thực hiện quyền lực của mình trong
mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói, nền dân chủ là một phát minh
thực sự trong lịch sử nhân loại. Với nền dân chủ Athens, lần đầu tiên trong lịch
sử nhân loại, người ta được biết đến khái niệm “Hội nghị nhân dân”, “quyền
của công dân” cũng như sự tham gia của những tầng lớp nhân dân vào công

việc chung. Cùng với sự thể chế hóa nền dân chủ chủ nô, mà những mầm mống
của nó xuất hiện từ cải cách của Solon (638-558 tr.CN), trong triết học Hy Lạp
cổ đại sự quan tâm từ vũ trụ mở rộng dần sang lĩnh vực con người và các thiết
chế do con người xây dựng. Sự điều chỉnh đối tượng nghiên cứu của phái Biện
thuyết và “bước ngoặt Socrates” là minh chứng cho sự chuyển hướng đó.
Socrates không để lại tác phẩm nào, nên tư tưởng của Soctates chỉ được
biết đến quan những gì Platon, là học trò và là người bạn của Socrates, thể hiện
qua các tác phẩm trong Đối thoại (Dialogues). Cũng vì lẽ đó, khó phân biệt
được chính xác đâu là tư tưởng Socrates, đâu là tư tưởng Platon. Xenophone
(khoảng 427-355 tr.CN), người cùng thời với Socrates, trong tác phẩm
Memorabia đã nhận định rằng, Socrates chủ trương trao quyền hành tuyệt đối
vào tay một ông vua thông thái. Theo Socrates, vai trò của người lãnh đạo là ra
lệnh, còn vai trò của kẻ bị trị là phục tùng. Socrates công kích dân chủ và coi
đó là một thể chế quyết định bởi những người không có hiểu biết, không có
kiến thức hoặc những thương nhân giàu có, đầu óc mê muội vì tiền bạc. Ông
tuyên bố : “Chẳng lẽ bạn không thấy xấu hổ trước những kẻ bán len dạ, những
nông dân, những thương gia, những kẻ chợ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến một việc
là làm sao mua rẻ, bán đắt đó sao ? Thế mà Hội nghị nhân dân lại được hình


21

thành từ những người ấy” [102, 50]. Không chỉ phát biểu ý kiến, nhiều học trò
của Socrates đã hợp tác với Sparta và tham gia vào cuộc binh biến. Socrates bị
xử tội chết vì những công dân (demos) Athens lo sợ ông sách động thanh niên
tham gia vào các cuộc bạo động chống lại nền dân chủ.
Cũng như Socrates, Platon là nhà tư tưởng thuần lý. Đối với Platon, đối
thoại, triết lý, toán học là phương pháp luận tìm đến sự thật và giáo dục là dạy
tìm ý. Hai đối thoại “Nhà nước” (hay “Nước cộng hòa”) và “Các đạo luật” là
những công trình chính của Platon về chính trị. Ngoài ra tư tưởng chính trị của

ông còn được thể hiện trong “Nền chính trị” và Gorgias. Trong “Nhà nước”,
Platon đã chỉ ra sự sa đọa của nền dân chủ chủ nô ở bốn điểm cơ bản như : (1)
Nền dân chủ không giải quyết được một cách triệt để mâu thuẫn giữa giàu và
nghèo. Do đó, vẫn nảy sinh ra hiện tượng hai nhà nước trong một nhà nước –
nhà nước của những kẻ giàu và nhà nước của những kẻ nghèo. (2) Nhà nước
dân chủ là nhà nước man rợ hóa, bởi lẽ nó là sự tập hợp vô nguyên tắc tất cả
mọi người trong bộ máy quyền lực ; những cánh tay giơ lên, của những nhà
thông thái và đến những kẻ vô lại, đều có giá trị ngang nhau. (3) Nhà nước dân
chủ luôn thể hiện tính thiếu quyết đoán, nghĩa là những quyết sách của chính
quyền là kết quả của sự biểu quyết trên nguyên tắc đa số thắng thiểu số, mà
nhiều khi sự chênh lệch chỉ là một cánh tay. Do đó, nó không thể không gây ra
sự phản ứng từ một bộ phận đông đảo trong dân chúng, khiến cho các quyết
sách đó không được thực thi trọn vẹn. (4) Nhà nước dân chủ luôn tồn tại tính
cực đoan, - nghĩa là khát vọng dân chủ bị biến thành lạm dụng dân chủ, đảo lộn
các giá trị hiện tồn, phá vỡ trật tự tự nhiên của sự vật, - dân không sợ chính
quyền, trò không sợ thầy, con không sợ cha … hậu quả thật khó lường. Phê
phán nền dân chủ chủ nô là nét chung của các nhà tư tưởng Hy Lạp theo phái
Socrates. Cả Socrates và Platon đều phê phán nền dân chủ trên lập trường của
phái chủ nô quý tộc. Tuy nhiên, nếu Socrates thiên về xu hướng đạo đức hóa
nhà nước, thì Platon nhấn mạnh đến tính hợp lý của sự tổ chức đời sống chính


22

trị - xã hội. Muốn thay thế nền dân chủ bằng mô hình “nhà nước lý tưởng” với
mục tiêu cao nhất là công bằng cho toàn xã hội, để đảm bảo trật tự tự nhiên của
sự vật, Platon đã đưa ra quan điểm xóa bỏ tư hữu và thực hiện bình quân chủ
nghĩa trong một tầng lớp xã hội nhất định. Nói khác đi, theo Platon, người lãnh
đạo thông thái là vua – triết gia (philosopher king), là người ưu tú nhất của xã
hội về tư tưởng, và những người trong giai cấp lãnh đạo cũng phải là những

người ưu tú, được huấn luyện từ nhỏ. Chính vì thế, Platon chủ trương một thế
giới cộng sản dành riêng cho những người được chọn lựa để trở thành lãnh đạo
hoàn hảo. Họ có vợ chung, không có tài sản riêng, sống và được huấn luyện
chung kiểu trại lính vì theo Platon, đó là cách duy nhất để những người này trở
nên hiền đức, không tự hào cá nhân, không ghen tuông, không bị quyến rũ bởi
vật chất … Trong triết học chính trị J.J.Rousseau thời kỳ đầu, ta cũng thấy dấu
ấn của Platon ở phương diện này (trở lại với trật tự tự nhiên và hạn chế nhu cầu
đến mức tối đa để ngăn chặn tình trạng tha hóa, nảy sinh do bất cập giữa phát
triển kinh tế và hoàn thiện nhân cách). Tuy nhiên, giai đoạn phát triển tiếp theo
của tư tưởng chính trị của J.J.Rousseau cho thấy J.J.Rousseau không dừng lại ở
chủ nghĩa bình quân mà nhấn mạnh mục tiêu chính trị của phát triển kinh tế, đề
cao giá trị nhân văn và dân chủ. Mặc dù J.J.Rousseau vẫn chỉ trích tình trạng
bất bình đẳng giữa người với người, song J.J.Rousseau không chủ trương thủ
tiêu tư hữu (sở hữu cá nhân). Nếu Platon nhìn nhận tình trạng bất bình đẳng,
bất công từ sự sa đọa của nền dân chủ, thì J.J.Rousseau nhận thấy nguyên nhân
sâu xa của nó ở trong kinh tế. Đây chính là điểm khác biệt giữa hai nhà tư
tưởng ở hai thời đại khác nhau. Phương thức giải quyết tình trạng bất bình đẳng
giữa hai nhà tư tưởng này cũng thể hiện nhiều nét tương đồng và khác biệt nhất
định.
Dù mong muốn xây dựng một nhà nước lý tưởng có tôn ti trật tự, có kỷ
luật, kỷ cương, song mô hình chủ nghĩa cộng sản trại lính hay chủ nghĩa cộng
sản bình quân thô lỗ của Platon, nói theo cách của Marx, đã bị Aristotle, học trò


×