Tải bản đầy đủ (.docx) (24 trang)

MỘT số đề làm văn NÂNG CAO

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (152.88 KB, 24 trang )

MỘT SỐ ĐỀ LÀM VĂN NÂNG CAO
TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN LỚP 11
ĐỀ 1: Bàn về thơ Xuân Diệu cho rằng thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là
thơ nữa, em hãy phân tích và làm sáng tỏ ý kiến trên qua bài thơ Vội Vàng của
Xuân Diệu.
Đối với người yêu thơ Xuân Diệu, thi sĩ họ Ngô là nhà thơ của lòng đam
mê nồng cháy, của tình yêu cuồng si đối với cuộc đời, một con người muốn được giao
cảm, giao hoà hết mình cùng tạo vật. Đối với ông, “thơ là hiện thực, là cuộc đời, thơ còn
là thơ nữa”. Và “Vội vàng” tuy không là bài thơ hay nhất nhưng kết tinh nhiều nhất
những tư tưởng nghệ thuật của ông.
Trong thơ ca trung đại, nổi bật là tính phi ngã, cái tôi trữ tình luôn phải ẩn
náu sau những hình tượng thiên nhiên. Trong khi đó, Xuân Diệu lại bộc lộ ý thức cá nhân
ấy một cách thẳng thắn và táo bạo:
“Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn gió lại,
Cho hương đừng bay đi.”…
Nói Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới, quả danh phong không
sai. Khổ thơ năm chữ duy nhất trong cả bài như làm nên nhịp thở gấp gáp về sự hối hả
muốn tận hưởng hương sắc của cuộc đời, của tuổi tẻ và của tình yêu. Từ những tham
vọng muốn “tắt nắng”, “buộc gió” thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên
của ông mạnh mẽ đến nhường nào, cuồng nhiệt đến táo bạo. Ước muốn níu giữ thời gian,
chặn lối tuần hoàn, đảo ngược quy luật tự nhiên, phải chăng ông muốn đoạt quyền của
tạo hóa. Những ham muốn cứ ngỡ quá đáng, vô lí lại làm nên nét riêng, nét lãng mạn
trong thơ của ông khi muốn sống thật, sống chân thành, sống cho riêng mình. Nếu như
trong tư tưởng các thi sĩ ngày trước, nơi đẹp đẽ, hạnh phúc nhất, đạt đến điểm cao hưởng
thụ là chốn bồng lai tiên cảnh, thì đối với Xuân Diệu, thiên đàng chính là cuộc sống này
đây, là tất cả những hương sắc tươi trẻ, mới mẻ, non tơ và căng mọng nhựa sống của đất
trời màu xuân.
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì




Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chợp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.”
Một loạt bốn từ “này đây” gợi lên sự điểm trỏ về những gì thiên nhiên đang sở
hữu, tất cả những tinh túy của đất trời “tuần tháng mật”, “đồng nội xanh rì”, “cành tơ”,
“yến anh…khúc tình si”. Thiên nhiên mùa xuân hiện lên trong bộ cánh lộng lẫy, tràn
ngập tình yêu, sự giao hòa của tạo vật, muôn loài. Có người từng nói rằng: “Xuân Diệu
say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động
với bướm chim, chất đầy trong tim mây trời thanh sắc”. Quả thật, chốn bồng lai tiên cảnh
hư ảo sao sánh bằng mây cỏ, chim muôn, hoa lá hữu hình lúc tươi mới mơn mởn nơi trần
thế, nhân gian.
“Và này đây” khát khao giao cảm dường như đến tham lam. Đối với Xuân Diệu,
thiên nhiên không còn là chuẩn mực của cái đẹp như trong thơ trung đại nữa, thiên nhiên
chỉ đẹp khi mang dáng dấp con người độ tuổi thanh xuân, đặc biệt là hình hài cô thiếu nữ
khi tràn ngập sự tươi mới, trẻ trung và căng tràn nhựa sống. Cách so sánh giữa ánh sáng
với hàng mi của một đôi mắt đẹp tưởng chừng không cân xứng nhưng lại tạo nên nét độc
đáo, cụ thể hóa cái trừu tượng thành một thứ hữu hình có thể sờ, có thể ngắm và có thể
đặt lên ấy một nụ hôn. Một ngày mới chưa bao giờ tuyệt vời đến như vậy khi có một vị
thần ghé thăm, mỗi ngày trôi qua sẽ chẳng là gì khi cuộc sống con người trôi qua mà
không có niềm vui. Một triết lí nhân sinh được tác giả nhẹ nhàng gửi trọn vào trái tim
những con người trần tục. Và một tháng được xem là đẹp nhất trong mười hai tháng của
một năm lại được cụ thể hóa thật táo bạo bằng “một cặp môi gần” với động từ “ngon”.
Thiên nhiên được ví như một cô thiếu nữ tuổi độ trăng tròn tràn đầy xuân sắc với nét
cuống hút mãnh liệt, không gian hữu tình như gợi mở hấp dẫn kì lạ, sự rung động nhục
thể trước những vẻ đẹp quá tưởng, tuyệt vời.
Thi pháp hiện đại đã chắp cho những cảm giác mới mẻ của Xuân Diệu, giúp cho

nhà thơ diễn tả được trọn vẹn trạng thái hồn nhiên, mơ hồ trước cái sắc xuân của cảnh
vật, muôn loài bằng tất cả những giác quan từ nhiều góc độ để có thể cảm nhận hết sự
quyến rũ, đắm say hồn người của vẻ đẹp ấy. Đó không phải “thơ là hiện thực” sao. Thiên
đàng phải đâu xa xôi, mà chính ngay thế giới hữu hình, cuộc sống ta đang hòa theo từng
nhịp thở hằng ngày. Đang đắm mình trong hương trời mùa xuân ngọt ngào, mê mẩn trong
vẻ đẹp mơn mởn, say sưa trong khúc nhạc tình si, tâm hồn nhà thơ trỗi lên nỗi âu lo trước


cái mong manh của xuân sắc sẽ phai tàn, sự đan xen hai luồng cảm xúc trái ngược là điều
thường gặp trong thơ tình Xuân Diệu.
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.”
Thường thì con người đến tuổi trung niên mới phải tiếc nuối thời thanh xuân của
mình, nhưng lúc bấy gìơ, Xuân Diệu vẫn đang độ trẻ trung, sao ông lại phải “vội vàng”,
“Vì sao vậy?” . Bởi với Xuân Diệu thì:
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hòan,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa.”

Lại một nét độc đáo trong thơ Xuân Diệu, sự so sánh dường như không tương
xứng, xuân “đương tới”= “đương qua”, “còn non” = “sẽ già” nhưng lại bổ khuyết cho
nhau, tạo nên một đẳng thức đặc biệt.


Biết rằng mùa xuân sẽ tuần hoàn, nhưng “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, tác giả
bâng khuâng, tiếc nuối. Mối tương giao giữa cảnh vật và con người dường như quá màu
nhiệm,
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.
Người buồn cảnh có vui đâu bao gìơ.”
Thế nên trời đất cũng nhuốm màu buồn bã với những tính từ “chia phôi”, “than
thầm tiễn biệt”, “đứt”, ‘hờn”, “phai tàn”. Đây chẳng phải “thơ là cuộc đời” sao, là thực tế,
sự thật buộc phải chấp nhận.
Con người hiện đại với suy nghĩ thời gian là một dòng chảy ào ạt, hối hả, mỗi phút
giây trôi qua là mất đi vĩnh viễn, không bao giờ có thể níu lại được. Vì thế, cách giải
quyết tốt nhất là hãy tăng tốc độ nhịp sống của mình lên, Xuân Diệu đã đưa ra một
phương hướng xem ra quá hợp thời, đầy hiện đại, hoàn toàn ngược lại với triết lí sống
nhàn, sống chậm của thời trước.
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.”
Đối với Xuân Diệu chỉ có thể sống nhanh, sống gấp mới có thể tận hưởng hết tuổi
trẻ, tình yêu và cuộc sống mà không phải hối tiếc một thời đã qua:
“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,"
Ta muốn ôm.
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chuếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”


Ba chữ “ta muốn ôm” mô phỏng hình ảnh nhân vật trữ tình đang dang rộng vòng
tay để ôm tất cả sự sống lúc xuân thì - sự sống giữa thời tươi vào lòng. Đó là chân dung
cái tôi trữ tình tham lam muốn “ôm”, muốn “riết”, muốn “say”, muốn “thâu” tất cả cảnh
sắc thời tươi cho đến tận “chuếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê”. Đây quả là một khát khao
vô cùng lớn lao, tuyệt đỉnh, tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu.
Điệp từ, điệp ngữ được sử dụng với tần số dày đặc trong cả đoạn thơ tiêu biểu cho
nhịp điệu dồn dập, đầy nhiệt huyết, đắm say và cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Tạo thành
một dòng cảm xúc dào dạt, cuồn cuộn, dữ dội và không gì ngăn được. Câu cuối cùng kết
thúc bài thơ: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”. Khát khao ấy đã lên đến đỉnh
điểm, sự tham lam ấy đã lên đến tột cùng, sự chuyển đổi cảm giác, biến thứ vô hình thành
một thứ trái ngọt có thể sờ, cảm nhận và “cắn” được. Sự cụ thể hóa mùa xuân đã làm nên
nét thú vị và độc đáo cho bài thơ.
Thơ Xuân Diệu thật mới mẻ, phóng khoáng, mang những luồn suy nghĩ thật táo
bạo với những cảm nhận thật tinh vi độ không thể hơn được nữa. Chính Xuân Diệu đã
làm nên nét riêng cho thơ của mình. Và cũng từ ông ta nhận ra rằng “thơ chỉ là thơ” thôi,
không gì có thể so sánh, có thể đo lường hay định nghĩa.
Xuân Diệu là nhà thơ đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong nền văn
học nước nhà kể cả hai thời kì trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ông đã làm mới làng
thơ Việt Nam bằng những cảm nhận thật mới mẻ, tinh vi, bằng những cách tân nghệ thuật
đầy táo bạo, và bằng cái tôi trữ tình vừa lạ lại vừa quen. Và cũng không quên rút cho
mình những nhận xét xác đáng về thơ từ những luồng cảm hứng của ông: “Thơ là hiện
thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa.”

ĐỀ 2: Lê Quý Đôn “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”, còn Ngô Thì Nhậm thì
nhấn mạnh: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”. Từ những ý kiến ấy em
hãy nêu lên vai trò của tình cảm trong thơ.

Bài làm
Từ thuở lịch sử con người bắt đầu viết những nét bút đầu tiên, thơ ca đã
cũng hình thành, trước tiên là sự xuất hiện của âm nhạc, rồi đến các tác phẩm văn thơ
khai khởi. Đến ngày nay nền văn học đã phát triển đến trình độ tinh vi, chức năng tái hiện
lại hiện thực khách quan, sao chép, miêu tả những sự việc bên ngoài, đánh dấu các sự
kiện xã hội không còn giữ vai trò độc tôn nữa, mà thay vào đó là không gian vô hạn để
lưu trữ cảm xúc, tải đạo lí và giáo dục con người. Trong đó, thơ được xem là một thể loại
văn học phổ biến và tiêu biểu cho chức năng trữ tình của thơ ca. Với tư tưởng tiến bộ,
nhà bác học Lê Quý Đôn cho rằng: “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta” còn Ngô Thì


Nhậm thì nhấn mạnh: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” là những nhận định
sống động về tầm quan trọng của tình cảm trong thơ.
Cảm xúc đóng một vai trò tất yếu trong cuộc sống của mỗi con người, tình
cảm dù là yêu hay ghét, buồn hay vui, đau khổ hay hạnh phúc, chúng cũng đều rất đặc
biệt, duy nhất và không thể thay thế. Và lại càng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng
hơn nữa trong thơ, bởi thơ thuộc loại hình văn học trữ tình chứa đựng những tình cảm,
cảm xúc nên yếu tố cơ bản của thơ ca là tình cảm “Thơ là thỏa thuận giữa niềm vui, nỗi
đau và băn khoăn, với một dấu gạch ngang của từ điển”(Kahlil Gibran ). Không những
thế thơ còn là một tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống thông qua cái nhìn chủ
quan của tác giả và nhân vật trữ tình trong thơ không phải là nhân vật hoạt động như các
thể loại tự sự mà chủ thể là tâm tư, trạng thái tình cảm của nhân vật:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim”
(Tố Hữu – Từ ấy)
Bởi thơ là một dòng chảy dào dạt của tâm hồn: “Thơ tràn ra tự phát khi cảm xúc
dâng cao. Nó bắt nguồn từ sự hồi tưởng trong yên tĩnh, cảm xúc dự tính sẽ đến nhờ một
phản ứng. Từ đó, sự yên tĩnh dần biến mất và một cảm xúc đồng điệu với sự chiêm
nghiệm ra đời.”(William Wordsworth). Nên chỉ khi nào cảm hứng thật sự mạnh mẽ thì
mới có thơ: “Thơ phát khởi từ trong lòng người ta”. Thật sự rung động trước vẻ đẹp của

thiên nhiên, Xuân Diệu mới có thể thốt lên những vần thơ xuất thần đến vậy: “Tháng
Giêng ngon như một cặp môi gần”, cũng như lòng Nguyễn Bính phải ngập tràn nỗi nhớ
mong, thổn thức thì “Tương tư” mới có thể ra đời:
“Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.”
Thơ không chỉ là sự độc quyền của tình cảm, đó là sự kết hợp hài hòa giữa cảm
xúc và nhận thức, tư tưởng của nhà thơ. Từ đó bộc lộ những quan điểm, thái độ trước con
người và cuộc đời thông qua hình tượng được xây dựng bằng cảm xúc trữ tình của người
nghệ sĩ làm nên tác phẩm văn chương nghệ thuật muốn bày tỏ:
“Nó lại chúc nhau cái sự sang
Đứa thời mua tước, đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng


Vừa bán vừa rao cũng đắt hàng”
(Tú Xương – Chúc nhau ngày tết)
Qua những vần thơ dí dỏm, lời thơ hài hước, vui nhộn nhưng ẩn sau là thái độ phê phán
mạnh mẽ thói đời giả dối, vạch trần những tâm lý xáo rỗng của con người. Tú Xương
bằng sự tài hoa trong cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật cùng việc chọn lọc từ ngữ
ngắn gọn, hàm súc nhưng có tác dụng lên án mạnh mẽ những thói hư tật xấu của thời đại.
Từ đó, có thể nhận ra rằng, tình cảm trong thơ không những thể hiện cảm giác tâm hồn
của nhà thơ mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc đánh thức thiên lương của con
người khi dựng nên một tấm gương phản chiếu những góc khuất tối tăm của cuộc sống.
Muốn có được những vần thơ hay tâm hồn nhà thơ phải đủ rộng để có thể chứa hết
khoảng không của cảm xúc, phải thực sự yêu thương, trân trọng và gắn bó với cuộc sống,
phải có những rung cảm tinh tế trước thế giới xung quanh dù là những hiện thực tưởng
chừng tầm thường, vô nghĩa. Chỉ cần một chén trôi nước cùng đủ tâm hồn Hồ Xuân
Hương dâng lên niềm khát khao mãnh liệt về hạnh phúc lứa đôi và nỗi chán chường
trước nghịch cảnh số phận.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Ba chìm bảy nổi với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
(Bánh trôi nước)
Không những mang giá trị điển hình cho số phận người phụ nữ, mà qua đó còn thể hiện
tấm lòng thủy chung, bền chặt, vẹn nguyên của người phụ nữ, luôn mạnh mẽ dù trong
mọi hoàn cảnh. Điều đó làm nên giá trị nhân đạo cho tác phẩm, đồng thời khẳng định cái
thiện trong thơ, gốc thiện làm cho thơ có tính giáo dục, cảm hóa con người, một chức
năng quan trong của thơ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”(Nguyễn Du).
Tình cảm làm nên cái hồn cho thơ, nếu không có xúc cảm chân thành thì
những nét bút cũng chỉ là những vần thơ vô tri, không giá trị: “Hãy xúc động hồn thơ cho
ngọn bút có thần”. Thơ là một cái gì đó vừa thiêng liêng vừa giản đơn, vừa to lớn lại bình
dị, gần gũi. Thiêng liêng, to lớn bởi nó mang trách nhiệm cao cả là chở đạo, khơi dậy
thiên lương con người, mục đích cao cả, vĩ đại. Giản đơn, gần gũi bởi nó kết tinh từ
những ngôn từ thân quen, mộc mạc cùng những biện pháp nghệ thuật phổ biến. Nên:
“Thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng, làm cho các móng chân của bạn


lấp lánh, làm bạn muốn làm mọi điều hoặc chỉ ngồi yên một chỗ, khiến bạn thấy rằng
mình cô độc trong thế giới, rằng hạnh phúc, khổ đau của riêng mình đã được mãi mãi sẻ
chia”(Dylan Thomas ).

ĐỀ 3: Cái tôi cá nhân độc đáo, sâu sắc, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt đã được
xuân diệu thể hiện bằng những vần thơ cách tân độc đáo.
Bài làm
Đầu thập niên 1930, văn hoá Việt Nam diễn ra một cuộc vận động đổi
mới thơ ca mạnh mẽ với sự xuất hiện một làn sóng thơ mới với cá tính sáng tác độc đáo.
Cuộc cách tân này đi vào lịch sử văn học với tên gọi Phong trào Thơ mới. Một trong
những nhà thơ có đóng góp to lớn trong công cuộc cách mạng hóa nền thơ ca nước nhà:
Xuân Diệu – một cái tôi cá nhân độc đáo, sâu sắc, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt thể

hiện bằng những vần thơ cách tân đầy táo bạo, mới mẻ. Là nhà thơ tiêu biểu và “mới nhất
trong những nhà Thơ mới”, Xuân Diệu ý thức rất sâu sắc về cái tôi cá nhân, cái tôi ấy thể
hiện qua nhiều phương diện, đôi khi ẩn náu thầm kín sau bức màn thế tục cũng có thể
mồn một sáng tỏ bằng những vần thơ bộc bạch trực tiếp. Dù ở trạng thái nào, thì cái tôi
ấy cũng được thể hiện vô cũng mạnh mẽ và độc đáo, làm nên nét riêng cho Thơ mới nói
chung và thơ ông nói riêng.
Cái tôi Xuân Diệu được thể hiện qua mối quan hệ gắn bó với đời. Theo
quan niệm của Xuân Diệu, đời được hiểu theo nghĩa trần thế nhất: là hoa, là lá, là trời đất,
…là những gì hiện diện trên chính mặt đất này, ngay chính trong tầm tay của ta, vì thế
ông phải sống hết mình với nó:
“Sống toàn tim, toàn trí, sống toàn hồn”
(Thanh niên)
Đối với nhà thơ, được sống mãi với đời là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất và văn
chương là cách tốt nhất để giao cảm với đời, để được sống mãi trên thế gian này đến vĩnh
viễn mai sau:
“Hãy để cho tôi được giã từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư”


(Không đề)
Đây là những vần thơ cuối cùng của ông trước khi vĩnh biệt cõi thiên đàng trần thế
để đến chốn thần tiên hư ảo. Đối với ông, không có gì quý hơn mùa xuân, tình yêu và
tuổi trẻ. Vì thế, ông dành cho chúng muôn vàn những tình cảm nồng nhiệt và cháy bỏng
nhất, dù đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Xuân Diệu được xem là ông Hoàng thơ tình khi cảm nhận và diễn tả những biến
thái tinh vi của cảm xúc tình yêu thật tinh tế. Với ông, tình yêu là thứ tình cảm đòi hỏi vô
biên và tuyệt đứt, nghĩa là cao độ:
“Làm sao sống được mà ông yêu

Không nhớ, không thương một kẻ nào
Hãy đốt lòng ta trăm thứ lửa
Cho bừng tia mắt đọ tia sao”
(Tuổi nhỏ)
Tình yêu ấy không nhỏ bé, ít ỏi, nó phải dữ dội, mãnh liệt, cuồn cuộn như cơn
sóng, ào ào như bão tố, mưa sa và không gì ngăn nổi. Đối với Xuân Diệu, tình yêu là sự
giao cảm đắm say, cuồng nhiệt từ linh hồn đến thể xác:
“Yêu như thế vần còn chưa đủ
Phải nói yêu đến trăm bận nghìn lần”
(Phải nói)
Trong thơ ca xưa, thiên nhiên được xem là chuẩn mực của cái đẹp với những ví
von trở thành ước lệ phổ biến: “làn thu thủy, nét xuân sơn”(Nguyễn Du – Truyện Kiều),
mặt hoa, mài ngài,…Nhưng với Xuân Diệu mọi thứ đều đảo ngược. Với ong, thiên nhiên
chỉ đẹp khi mang dáng dấp con người, nhất là người phụ nữ đang độ xuân thì, trẻ trung và
tươi mát: “Lá liễu dài như một nét mi”, “Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ”, “Tháng
Giêng ngon như một cặp môi gần”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Đây là
những cách tân nghệ thuật mới mẻ, sáng tạo, độc đáo và táo bạo.
Với những quan niệm nghệ thuật như thế đã tạo nên cho thế giới nghệ thuật của
Xuân Diệu những hình tượng đầy sức sống và cảm xúc, những lí lẽ sống mới mẻ đến vô
thường:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối


Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
(Giục giã)
Nhà thơ muốn khẳng đinh cái tôi chói lọi và vô song. Ẩn sau đó là nỗi sợ hãi phải
hòa tan cái tôi cá nhân của mình trong biển người vô danh “mờ nhân ảnh”, thúc giục
niềm say mê hết cỡ, tình yêu tha thiết đến vô cùng và cống hiến đến hết mình, hưởng thụ
đến trọn vẹn.
Nhưng đáp lại sự nhiệt tình giao cảm lại là cái ngoái đầu thờ ơ đến vô tình, những

phản ứng trái chiều khiến Xuân Diệu có đôi lúc như lạc lỏng, chơi vơi giữa cuộc đời quá
đỗi nhộn nhịp:
“Người si muôn kiếp như hoa núi
Uổn nhụy lòng ta tặng khách hờ”
(Gửi hương cho gió)
Xuân Diệu thấy tình cảm mãnh liệt của mình chỉ như “Nước đổ lá khoai”, vì thế
mà nội dung hầu hết những bài thơ thơ tình của ông là nỗi đau của một trái tim đắm say,
nồng nhiệt mà không được đền đáp xứng đáng, là cảm giác cô đơn, giá lạnh trước thái độ
nhạt nhẽo của người đời. Nỗi cô đơn ấy như bao trùm khắp tâm hồn thi sĩ, khiến đôi lúc
ông muốn tách mình ra khỏi cuộc sống ấy:
“Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất
Không có ai bè bạn nổi cùng ta”
(Hi Mã Lạp Sơn)
Ta hiểu ra vì sao trong thế giới nghệ thuật của Xuân Diệu, mùa xuân và bình minh
đi liền với những chiều thu tàn và những đêm trăng lạnh, sự nồng nàn đi liền với cảm
giác bơ vơ, sự ham hố, vồ vập, tham lam đến tận cùng song hành cùng nhu cầu thoát li tất
cả, thậm chí muốn trốn tránh cả chính bản thân mình:
“Tôi sẽ trốn, thẫn thờ, ngơ ngác,
Trái tim buồn như một bãi tha ma”
(Dối trá)
Cô đơn nối tiếp cô đơn, u hoài nối tiếp nghiệp chia li, nhà thơ như cố thu mình lại
trong một góc tối tăm, nhỏ hẹp để không ai phải nhìn thấy ông và ngay cả ông cũng
chẳng thể thấy rõ mình.


Những nét mới trong sáng tác của Xuân Diệu ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ
nghĩa trực giác phương Tây. Theo quan niệm của chủ nghĩa này, thế giới là vô thể vì vậy
các nhà thơ phải cảm nhận và diễn tả những thứ tưởng chừng như vô hình ấy bằng giác
quan đặc biệt của thi sĩ: trực giác. Vì vậy, các nhà thơ phải mài thật sắc những giác quan
của mình để có thể cảm nhận và biểu diễn hết tất cả, kể cả thứ gọi là vô hình như lòng

người:
“Sống toàn thân và thức nhọn giác quan”
(Thanh niên)
“Tôi biết lắm, trời ơi, tôi biết lắm!
Hỡi lòng dạ sâu xa như vực thẳm!”
(Dối trá)
Ngỡ ngàng nhận ra một mối tình hoa bướm, nhân vật trữ tình tái tê, đau xót cả tâm
can hụt hẫng khi trông rõ lòng dạ người ta, tiếng than khóc nghe nao lòng não ruột.
Thành công của Xuân Diệu không hoàn toàn học tập từ những thành tựu phong
phú của thơ ca hiện đại phương Tây, mà đó là sự vận dụng những cách tân từ chủ nghĩa
tượng trưng cùng với nhiều sáng tạo cá nhân độc đáo. Đó là cách lựa chọn hình ảnh mới
mẻ, từ ngữ giản dị nhưng giàu sức gợi và đầy tính tạo hình:
“Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương má hồng”
(Chiều)
Hình ảnh như mơ hồ, hư ảo, nhưng lại gợi cảm xúc vấn vương, cái đẹp huyền ảo,
kiêu sa, khơi dậy nỗi rung động vọng lên từ cõi lòng.
Kết tinh giữa truyền thống tinh hoa dân tộc cùng tư tưởng cách tân mới mẻ từ
phương Tây hòa quyện ở một tâm hồn nghệ sĩ khát khao giao cảm với đời đã giúp Xuân
Diệu khám phá được nhiều biến thái tinh vi của nhiên nhiên cũng như nội tâm con người
và thể hiện trong những vần thơ “ít lời, nhiều ý, súc tích như đọng lại bao nhiêu tinh
hoa”(Thế Lữ)
“Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần”
(Thơ Duyên)


Xuân Diệu là một nhà thơ mới, với cái tôi cá nhân độc đáo, sâu sắc cùng
một tình yêu cuộc sống mãnh mẽ đến cuồng nhiệt, khát khao giao cảm không muốn chỉ
với một người, mà là với hàng triệu tri âm, tri kỉ, ở mọi nơi, mọi thời, thuộc mọi loại

ngừơi khác nhau trên thế gian này. Một tâm hồn to lớn như vậy thì ông không thể giam
hãm mình chỉ trong thơ, mà còn nhiều thể văn khác nữa. Và ở thể loại nào ông cũng gặt
hái được nhiều thành công nhất định, in sâu hình ảnh Xuân Diệu – một hồn thơ bao la,
cảm hứng dào dạt, sôi nổi trong tình yêu và đắm say với đời./.
ĐỀ 4: phân tích “Tràng Giang” – Huy Cận
Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới
Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX. Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng và
triết lí nhân sinh sâu sắc. Cảm nhận được nỗi buồn cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, nỗi sầu
nhân thế, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và tình cảm đối với quê hương đất nước,
Huy Cận viết “Tràng Giang”. Tác phẩm được xem là đặc sắc và làm lên dấu ấn cho thơ
Huy Cận.
Nhan đề bài thơ là một từ Hán Việt, điều đó cũng có nghĩa là nó mang sắc
thái trang trọng, cổ kính và khái quát, vô cùng thích hợp đề tài lí luận những vấn đề mang
tính triết lí của tác phẩm, đưa tác phẩm nâng lên một tầm cao nghệ thuật ngay từ những
nét bút đầu tiên. “Tràng giang” còn là một từ ghép điệp âm bởi được cấu tạo từ nguyên
âm dài nhất trong các nguyên âm. Điều đó cho phép từ ngữ gợi không gian bao la, rộng
lớn đến mênh mông, không bến bờ bởi ấn tượng về thanh âm đặc sắc. Không những thế,
đề từ của bài thơ cũng đã phần nào dự báo cho người đọc về không gian bao trùm toàn
tác phẩm, không gian mang một âm điệu buồn: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sônh dài”.
Chỉ bấy nhiêu thôi, cánh cửa tâm hồn của nhà thơ đã được chiếc chìa khóa mang
tên bức tranh sông nước bao la mở toang một cách nhẹ nhàng. Điều ấy rất dễ hiểu, bởi
Huy Cận là một nhà thơ của cảm hứng không gian. Và trước không gian mênh mông ấy,
nhà thơ đã thả hết những nỗi buồn chất chứa, những nỗi khắc khoải đè nặng cuốn theo
những đợt “sóng”:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
“Sóng” trên dòng trường giang không phải là sóng xô dào dạt, sóng vỗ miên man hay
sóng cuộn dữ dội, mà đấy là “sóng gợn”, một hình ảnh tĩnh hoàn toàn phù hợp và không



gì thay thế được để hiện diện trên nền nước tĩnh lặng mà tác giả muốn xây dựng. Đây là
một nét độc đáo của Huy Cận khi tìm ra được cái tĩnh tưởng chừng rất động, thể hiện một
hồn thơ giàu xúc cảm thầm lặng hoàn tòan trái ngược vẻ vội vã, cuồng nhiệt của người
bạn thơ tâm giao Xuân Diệu. Nỗi buồn đã sớm nhuộm màu nước dòng trường giang, biến
nó trở thành dòng sông tâm trạng với cảm giác buồn nhấn mạnh “buồn điệp điệp”.
Trên dòng chảy trống rỗng đến vô cùng ấy, đã xuất hiện một vật thể chuyển động
đầu tiên “thuyền”. Chưa kịp vui mừng khi thoát khỏi cái cô độc, quạnh quẻ đến buồn
chán của cảnh sông nước, người đọc lại ngậm ngùi nhận ra chiếc thuyền ấy không chèo
mà chỉ buông mái theo sóng nước. Hình ảnh hai mái chèo buông xuôi theo dòng nước
kéo thành hai vệt nước song song, tạo cảm giác về sự chia lìa tuyệt đối, đó là hai đường
thẳng kéo tài tít tắp nhưng chẳng bao giờ gặp nhau. Hai từ này kết hợp cùng “điệp điệp”
ở cuối câu thơ đầu đã gợi thêm ra cảm giác về một không giạn mênh mông, nỗi buồn vô
tận.
Đến câu thơ thứ ba hình ảnh thuyền và nước trở lại nhưng “thuyền về nước lại”,
thể hiện sự đối lập, trái ngược đến không thể hòa nhập, tạo nên một nỗi “sầu trăm ngả”.
Nhà thơ sử dụng từ “trăm ngả” như muốn nhân rộng nỗi sầu của mình và nó là vô cùng.
Nhưng câu thơ được xem là tâm đắc nhất trong khổ thơ thứ nhất là câu thứ tư khi sử dụng
một hình ảnh biểu tượng khô khan đến mức được xem là không có một nguồn thi cảm
nào “củi”. Tuy nhiên nó lại được nhấn mạnh đậm nét qua biện pháp nghệ thuật đảo ngữ
“củi một cành khô”. Nhưng nó lại là một lựa chọn không thể hoàn hảo hơn, bởi củi là
một khối chất đã mất sức sống và khô cằn đến cực độ, vả lại đã “một” lại là “cành” tăng
tiến về mức độ nhỏ bé, không nhưng thế, nó còn phải “lạc mấy dòng” thể hiện một cảm
giác về sự nhỏ nhoi, vô nghĩa, không tương lai, không lí tưởng, không hi vọng của những
kiếp người giữa vũ trụ bao la, rộng lớn. Đồng thời, ta cũng nhận ra một nỗi niềm bày tỏ
về vận thế đất nước lúc bấy giờ cũng vô định, tối tăm và lênh đênh như cành củi khô giữa
dòng chảy thời thế. Đây cũng là một nét mới của một tác gia tiêu biểu của phong trào
Thơ mới Việt Nam.
Đến khổ thơ thứ hai thì không gian đã được trải rộng ra thêm nữa, thêm nữa.

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Bức tranh thơ đã được tô điểm thêm vài nét bút nhạt nhòa về “cồn” cát, sự xuất hiện của
nó như khơi lên một cảm giác bâng khuâng, man mác thoáng nhớ về quê hương. Đáng


tiếc thay hình ảnh ấy cũng mang trên mình một màu buồn thảm đạm bởi sự thưa thớt của
chúng “lơ thơ”, sự hắt hiu, buồn tẻ bao trùm cả đất trời qua làn gió nhỏ thổi “đìu hiu”.
Không những thế, bóng dáng con người còn thấp thoáng xa xa do có “chợ chiều” nhưng
nó cũng đã “vãn” từ lâu, hình ảnh buổi chợ xuất hiện cũng chẳng giúp thêm co không khí
nguôi phần hắt hiu, côn quạnh. Bởi đó chỉ là sự cảm nhận bằng thính giác, vả lại tác giả
có sử dụng thêm từ “đâu” như tạo ra lớp màn mơ hồ bao trùm tất cả, gợi không khí vừa
thực vừa mơ, vừa có nhưng cũng lại như không.
Không gian đột ngột có một sự biến chuyển bất ngờ khi tầm nhìn được phóng xa
đến tận trời cao xa vút qua hình ảnh của nắng và trời : “Nắng xuống trời lên cao chót
vót”. Từ đầu tác phẩm đến giờ, không khí chủ yếu thấm đượm nhiều nỗi nặng nề về cái
sầu, cái buồn, chẳng lẽ đến giữa bài thơ mọi thứ đã có sự thay đổi bởi màu sắc có thêm
phần tươi sáng “nắng”? Nhưng không đây là hai hình ảnh chuyển động ngược hướng
nhau “xuống – lên”, đồng thời để tạo khoảng không tác giả đã có một sự kết hợp từ vô
cùng độc đáo “sâu chót vót”. Không gian đã được tô đậm một gam màu, gam màu buồn,
trầm lắng “sâu”. “Chót vót” ở đây không phải để chỉ chiều cao vĩ đại của bầu trời mà
được dùng để bổ nghĩa cho “sâu” nhằm diễn tả nỗi sầu, nỗi buồn đang rơi đến tận cùng
vực thẳm. Cuối cùng, khổ thơ thứ hai khép lại bằng một hình ảnh dường như quen thuộc
bởi nó gần với đề từ “sông dài, trời rộng”. Và qua đó, nhà thơ cùng gắn thêm ba từ “bến
cô liêu” để nối tiếp mạch cảm xúc trơ trọi, đơn độc, côi lẻ của tác phẩm.
Lại bắt gặp thêm một sự biến chuyển đột phá về sự vật, khổ thơ thứ ba, hình ảnh
hoạt động đã xuất hiện. Liệu lần này nó có phải là một hình ảnh động thật sự?
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang,
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Hình ảnh có vẻ đông đúc, nhộn nhịp thêm nhiều với “dạt”, sự chuyển động nhịp nhàng,
nối tiếp liên tục thể hiện sự chuyển động có vẻ khá rõ. Nhưng đấy chỉ là hoạt động trôi
nổi của “bèo”, quá nhỏ bé, quá nhẹ nhàng, quá vô định “về đâu”. Tuy vậy, bèo dạt ra, sau
đó có lẽ sẽ tươi mới hơn. Không có bèo, mặt nước lại trở về điểm xuất phát khi lại trơ
trọi, trống không, “mênh mông”. Nó cô độc triệt để bởi cách thức kết nối là bến, là đò
cũng quạnh quẻ, vắng tanh. Từ đó nhận ra một nỗi trơ trọi đến tột cùng, thiếu sẻ chia,
thiếu tình cảm, dâng trào khát khao cảm thông và thấu hiểu. Cuộc đời quá mênh mông,
nhu cầu đông đầy về tình cảm là một yêu cầu tất lẽ, nhưng ở đây thi nhân chỉ cầu mong
được một mảnh tình vụn vặt, “niềm thân mật”, đấy đã là mức độ tình cảm thấp nhất, cũng


không thể đáp ứng. Qua đó, thẫn thờ nhận ra một thế giới sống thiếu vắng tình người,
thiếu vắng tình cảm đến đau lòng. Biết vậy nhà thơ chỉ đành ngậm ngùi chấp nhận: “Lặng
lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Âm thầm xuôi mình theo con nước, “lặng lẽ” trôi qua những
bãi bờ xanh rồi vô tình lướt qua chốn bãi vàng, nhân đôi nỗi buồn theo dòng tràng giang.
Từ những chuyển động vô hướng của các sự vật bé mọn giữa không gian rộng lớn
vô tận, khổ thơ thứ tư là nét bút cuối cùng về một bức tranh thấm đẫm tâm trạng:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ:bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Câu thơ gợi hình ảnh về sự kì vĩ, lớn lao của thiên nhiên “lớp lớp mây”, “núi bạc”. Chỉ
qua một câu thơ ngắn gọn, thi nhân đã thành công vẽ ra trước mắt người đọc một bức
tranh thiên nhiên vĩ đại đến choáng ngợp, trầm trồ về cả vẻ đẹp tuyệt vời cùng sự hòa
điệu giữa mây và núi vô cùng đồng thanh và trọn vẹn. Vẫn trên bầu trời tươi trong ấy,
một hình ảnh quen thuộc không thể thiếu trên cánh ruộng đồng quê Việt Nam: chim trời.
Tuy nhiên sự xuất hiện của cánh chim không chỉ nhằm mục đích gợi làng quê thân thuộc,

khơi lên nhẹ nhàng cảm giác nhunh nhớ một chốn xưa. Mà đồng thời từ việc sử dụng từ
ngữ “cánh nhỏ” như để nhấn mạnh về sự lạc lỏng, bơ vơ giữa cuộc đời. Hình ảnh “bóng
chiều sa” là biểu trưng cho dòng cuộc đời rộng lớn, sâu xa, và cánh chim là biểu trưng
cho một kiếp người nhỏ bé, đôi cánh nhỏ yếu ớt lam sao có thể đỡ nổi một “bóng chiều”
to lớn, nặng nề, như cuộc đời quá đỗi bất thường.
Khơi lên những cảm xúc miên man về nỗi lòng nhớ quê da diết “lòng quê dợn dợn
vời con nước”. Nhà thơ mượn hình ảnh sóng nước xa xa “vời” để nói về nỗi nhớ. Nỗi
nhớ ấy hằn sâu và thường trực mọi lúc trong tâm hồn tác giả “Không khói hoàng hôn
cũng nhớ nhà” mà không cần phải được khơi lên như tác gia Thôi Hiệu phải làm:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Bằng việc nhắc lại một tứ thơ của Thôi Hiệu trong việc diễn tả nỗi nhớ, Huy Cận
muốn nêu lên sự đối lập và khác biệt giữa cảm xúc của nhà thơ xưa và cảm xúc của nhà
thơ nay. Nếu như thơ xưa phải cần một đánh thức từ hoạt động của thiên nhiên thì mới có
thể rung cảm và viết thơ, còn đối với các nhà thơ mới như Huy Cận thì cảm xúc đã dào


dạt trong lòng và luôn trực chờ tuôn trào mà không cần phải khơi. Đấy là sự khác biệt và
cũng là nét mới trong nền thơ Việt Nam những năm ba mươi và nền thơ hiện đại.
“Tràng Giang” là một tác phẩm thật sự thành công, khi vừa mang hơi thở
cổ điển qua những thi liệu cổ, đồng thời chấm phá với những nét bút mới mẻ, sáng tạo,
táo bạo, được coi là một trong những đỉnh cao nghệ thuật, đến bây giờ vị thế vẫn còn rất
vững vàng. Bởi trong “Tràng Giang” Huy Cân thẳng thắn từ chối quan điểm “tức cảnh
sinh tình” của làng thơ xưa, thẳng thắn làm bật lên nét mới của nền thơ đương thời, góp
phần soi rõ những quan niệm và tư tưởng sáng tác cho các lớp văn thi nhân về sau. Tuy
không bộc lộ trực tiếp nhưng qua bài thơ, người đọc sâu sắc nhận ra một tấm lòng tràn
ngập tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha tác giả muốn gửi gắm.
ĐỀ 5: Có ý kiến cho rằng: Văn học giúp con người hiểu con người, hiểu cuộc
đời hơn. Hãy phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương để làm sáng tỏ ý
kiến trên.

Cuộc sống là một bức tranh muôn sắc, mỗi cuộc đời lại là một bức tranh
khác, nó có thể sặc sỡ, lấp lánh với hàng ngàn sắc màu cảm xúc, cũng có thể dịu dàng,
đầm thắm với những nốt trầm êm ái. Nhưng hết thảy nó đều rất đẹp, vì thế khát khao lưu
giữ những tinh hoa tươi đẹp của cuộc đời, của con người là cháy bỏng, thiêng liêng và
văn chương là chiếc hộp thần kì tốt nhất để thực hiện điều đó. Một nhận định xác đáng
cho rằng: “Văn học giúp con người hiểu con người, hiểu cuộc đời hơn” và minh chứng
sống động, mạnh mẽ và gần gũi nhất cho lí lẽ trên là “Thương vợ” – Tú Xương.
Trên thế giới này, có hàng vạn con người cùng hàng vạn hoàn cảnh sống
khác nhau, đó là những cuộc đời duy nhất, không bao giờ có sự trùng lấp. Vậy làm sao có
thể hiểu hết thế giới kia trong khi cuộc sống riêng của mỗi người là hữu hạn nhưng khát
vọng chinh phục thì không có biên giới? Văn học chính là chìa khóa duy nhất có thể giải
mã hết các ngõ ngách của không gian hiện thực cùng thế giới nội tâm con người. Văn học
là chiếc ống nhòm vạn dặm có thể nhìn đến những bến bờ xa xôi, là chiếc gậy kì diệu có
thể xua tan màn đêm tăm tối để ánh sáng bừng lên, và quan trọng hơn văn học còn là một
chiếc gương thần kì phản chiếu cả nỗi lòng người cầm bút: “Văn học giúp con người hiểu
con người hơn”. Văn học giúp gắn kết giữa những đọc giả với nhau, giữa người đọc với
tác giả và giữa tác giả với chính bản thân mình. Từ văn học, con người có thể bày tỏ nỗi
lòng, tâm tư, khát vọng của mình với những trái tim đồng cảm và cũng từ văn học chúng
ta sẽ có những cái nhìn đúng đắn và rõ nét về mọi người, mọi vật. Đó là một trong những
chức năng quan trọng của văn học, đồng thời cũng là một phần của vấn đề mà chúng ta
đang đề cập: “Văn học giúp con người hiểu con người hơn”. Một chức năng khác nữa của
văn học là ghi chép những bối cảnh lịch sử, những vấn đề mang tính chất thời đại, là
tiếng nói vọng lên từ những kiếp người cùng khổ, những góc khuất và qui luật của cuộc


sống, đồng thời có những cái nhìn đầy đủ và khách quan về những mối quan hệ trong
cuộc sống: “Văn học giúp con người hiểu cuộc đời hơn”.
Trong tác phẩm Thương vợ, Trần Tế Xương đã làm bật lên một cách rõ nét vai trò
giao cảm nồng nhiệt giữa những trái tim cùng nhịp đập. Đó là tình cảm thắm thiết, chân
thành, hết lòng của một người chồng đối với người vợ tần tảo của mình. Trần Tế Xương

là một nhân tài văn học, thuộc dòng dõi Nho gia, ông đi học rất sớm và nổi tiếng thông
minh từ nhỏ. Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn, một cô gái xinh
đẹp, nổi tiếng đức hạnh. Ông bắt đầu đi thi từ năm 17 tuổi, nhưng phải đến 8 lần tham gia
khoa cử ông mới đỗ Tú tài. Vì phải luôn chuyên tâm chuyện đèn sách chờ ngày thi cử,
nên mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều do bà Tú gánh vác. Trong khi đó, Tú Xương lại có
thú ham rượu và mê hát ả đào, nên cái gánh nợ gia đình của bà Tú càng nặng hơn. Vì gia
đình, bà Tú từ bỏ vị thế xã hội của mình, phải lam lũ, dạn nắng, không quản khó nhọc
buôn ở chợ trời như một người phụ nữ nông phu. Cảm thông cho một thân phận bất hạnh,
vì mình mà bươn chải lao lực, Tú Xương viết Thương vợ như một lời tri ân sâu sắc:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Mở đầu bài thơ là hoàn cảnh làm ăn buôn bán của bà Tú, cực nhọc khi phải luôn
tay luôn chân, không được ngơi nghỉ “quanh năm”, đó còn là công việc kéo dài từ ngày
này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, không bao giờ ngừng nghỉ, thể hiện một
nỗi cực khổ khôn cùng, kéo dài dai dẳng của bà Tú. Đồng thời ở câu đầu nỗi cực khổ ấy
còn thể hiện ở vị trí buôn bán của bà, “mom sông” một chỗ thiếu tính vững vàng, tiềm ẩn
nhiều nguy cơ. Làm việc không ngừng nghỉ để “nuôi con” không những thế còn có một
người chồng, nỗi lo không đáng có nhưng bà vẫn gánh. Dùng hình ảnh quen thuộc trong
ca dao “cò”, sử dụng khéo léo phép đảo ngữ để thể hiện nỗi khó nhọc của bà Tú là biện
pháp nghệ thuật, bởi nó tăng lên tính sinh động và hàm súc cho câu thơ “lặn lội thân cò”.


Hai hình ảnh đối lập giữa hai câu 3 và 4 thể hiện sự đối lập về thời gian đồng thời nhân

đôi cái gian truân của công việc mà bà Tú đang làm “quãng vắng” – “đò đông”.
Sử dụng thành ngữ trong dân gian “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa”,
làm cho lời thơ gần gũi, tạo nên cảm giác rợn ngợp về nỗi bất hạnh của bà Tú, đồng thời
khắc họa phần nào số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa với lắm nỗi bất
công, oan trái. Thấu hiểu được đức hi sinh cao cả của bà Tú, Tú Xương đau xót tự trách
mình “có chồng hờ hững cũng như không”, trách đời “cha mẹ”, tác giả chửi thói đời bạc
bẽo, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hẩm hiu trong cuộc sống của bà Tú.
Cuộc đời Tú Xương ngắn ngủi chỉ 37 năm, nhưng đã vỏn vẹn năm gọn trong một
giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh nam kỳ mất
trọn cho Pháp. Tú Xương lên 3 thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ
nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2 và mất nốt. Hiệp ước
Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất
Việt Nam. các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại.
Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh sục sôi và bi thương đó. Đau xót trước cảnh
đất nước lâm nguy, chua chát khi nhìn cảnh ngoại xâm đầu độc dân mình vào những thói
trưởng giả tầm thường, sa đọa trong những thú vui vô ích, Tú Xương nhói lòng nhìn đất
nước điu tàn, nền giáo dục xuống cấp, ông đã thốt lên những vần thơ châm biếm mạnh
mẽ như một hành động phản ứng với thời cuộc.
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thời mua tước, đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”
(Chúc tết)
“Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay”
(Thi hỏng)
Tú Xương đã gửi tất cả những tình cảm yêu thương, đồng cảm, cảm thông với
người vợ tần tảo của mình, cũng vừa chua chát và tự trách bản thân vào trong tác phẩm
văn học của mình. Từ đó, cũng nhận ra những góc khuất thương tâm của những người
phụ nữ xưa, khi mang trên mình nhiều gánh nặng trong khi số phận lại hẩm hiu, đáng

thương đến tội nghiệp. Cùng làm nên những nét đẹp cho tác phẩm là những biện pháp


nghệ thuật đặc sắc, góp phần thể hiện xuất sắc những nội dung văn bản muốn truyền tải
qua ngữ liệu dân gian, phép đảo ngữ, từ láy, bộc lộ kín đáo tâm tư của nhân vật trữ tình.
Từ những thành công của tác phẩm, Tú Xương đã thể hiện một cách sinh
động tình cảm biết ơn, tri ân chân thành của mình đối với vợ. Đồng thời từ tác phẩm giá
trị của tình cảm giữa con người với con người, và con người với cuộc đời được thể hiện
đầy đủ. Chứng minh ý kiến: “Văn học giúp con người hiểu con người, hiểu cuộc đời hơn”
là đúng đắn. Và giúp chúng ta nhận ra thêm một điều: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng
nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư”(Lê Ngọc Trà).
ĐỀ 6: Bàn về thơ Xuân Diệu cho rằng thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là
thơ nữa, em hãy phân tích và làm sáng tỏ ý kiến trên qua bài thơ Vội Vàng của
Xuân Diệu.
Nếu như “nhà thơ điên” Edgar Allan Poe – một cây bút kỳ tài trong thể loại
văn chương trinh thám và hình sự nói về thơ với những cái nhìn cao vút và đầy trừu
tượng: “Tôi định nghĩa rất ngắn về thơ ca, ngôn ngữ thơ là nhịp điệu thẫm mỹ. Trọng tài
duy nhất của chúng là khẩu vị. Trí khôn và nhận thức chỉ khiến nó trở thành một tài sản.
Trừ yếu tố tình cờ, thơ không quan tâm tới bất cứ điều gì, dù là nghĩa vụ hay chân lý”.
Còn đối với Xuân Diệu, người được mệnh danh là nhà thơ “mới nhất trong những nhà
thơ mới” của làng thơ Việt Nam lại cho rằng: “ Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn
là thơ nữa”. Và “Vội vàng” tuy không là bài thơ hay nhất nhưng kết tinh nhiều nhất
những tư tưởng nghệ thuật, cũng là minh chứng sống động nhất cho cách nhìn độc đáo
của ông về thơ.
“Thơ là hiện thực” có nghĩa là nguồn thi liệu phong phú chắp cánh cho
những cảm hứng bay xa của những nhà thơ được lấy từ thế giới thực tại. Và từ những cái
nhìn thực tế đó, các nhà thơ tự rút ra cho mình không ít cái nhìn tổng quan về số phận
con người, qui luật của tự nhiên chứa đựng nhiều tư tưởng triết lí nhân sinh sâu sắc, có
giá trị, gột rửa tâm hồn con người. Nến như vậy thì chẳng phải “thơ là cuộc đời sao”.
Ngòai việc là nơi lưu trữ cảm xúc, tải những giáo lí của cuộc đời, thơ còn mang những

nét riêng đặc biệt, mà chỉ có thơ mới làm được và thơ đơn giản chỉ là thơ thôi.
Với những tác gia thơ trung đại, cuộc sống thực tại đầy những mưu toan, lọc lừa,
cuộc sống ấy có quá nhiều cái xấu, đen tối, đầy rẫy nỗi bất công, oan nghiệt, vì vậy họ
luôn tìm về chốn sơn nguyên, cùng cốc, lạc thú với cuộc sống ẩn dật, thoát li khỏi đời
như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi, Lý Bạch,... Theo quan niệm đa phần của các nhà thơ
thời ấy, nơi tươi đẹp nhất, có được cảm giác hưởng thụ thật sự, nơi mà con người trần thế
luôn khát khao muốn đến là chốn bồng lai tiên cảnh xa xôi và hư ảo. Nó xa xôi bởi nó
ngự trị ở phía chân trời, nó hư ảo bởi chỉ có khi con người không còn là con người nữa


mới có thể đặt lên vùng đất ấy những dấu chân mờ nhạt. Còn đối với Xuân Diệu thiên
đàng gần gũi chỉ là cuộc sống này, là mùa xuân, là tình yêu, là tuổi trẻ.
“ Của ong bướm…khúc tinh si”
Một loạt bốn từ “này đây” gợi lên sự điểm trỏ về những gì thiên nhiên đang sở
hữu, tất cả những tinh túy của đất trời “tuần tháng mật”, “đồng nội xanh rì”, “cành tơ”,
“yến anh…khúc tình si”. Thiên nhiên mùa xuân hiện lên trong bộ cánh lộng lẫy, tràn
ngập tình yêu, sự giao hòa của tạo vật, muôn loài. Có người từng nói rằng: “Xuân Diệu
say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động
với bướm chim, chất đầy trong tim mây trời thanh sắc”. Quả thật, chốn bồng lai tiên cảnh
hư ảo sao sánh bằng mây cỏ, chim muôn, hoa lá hữu hình lúc tươi mới mơn mởn nơi trần
thế, nhân gian. Tất cả những điều này nào có xa xôi, nó hiện hữu trong cuộc sống mà
chúng ta là một phần của cuộc sống ấy. Ta có thể trông thấy những đóa hoa tràn ngập
xuân sắc kia nếu đôi cửa sổ tâm hồn muốn mở toang, ta có thể ngửi được cả hương thơm
đất trời chỉ trong một cái hít nhẹ nhàng và nếu không tin ta còn có thể vuốt nhẹ lên chớm
lông mào trên đầu nàng chim oanh, hái thử một nụ hồng trên cỏ kia và sương sẽ lành lạnh
khẽ ướt tay ta. Nhưng nếu vẫn còn không tin nữa, hãy vươn người thật rộng để thu hết cái
nắng ấm áp và sáng sủa của một ngày mới. Đấy là hiện thực, hiện thực chính là cuộc
sống tươi đẹp kia.
Hương sắc cuộc đời hiện lên trong Vội vàng mới đẹp đẽ làm sao, mới đáng yêu
biết nhường nào. Nhưng hiện thực bao giờ cũng có hai mặt của nó, mùa xuân đến là đất

trời bừng lên niềm tươi vui, phấn khởi, thiên nhiên rực rỡ lên khi thay sắc áo mới điểm tô
hoa cỏ muôn màu, đến khi mùa xuân trôi qua, mọi thứ chợt trở nên úa tan, khô héo, buồn
bã, thiếu sức sống. Hiện thực không phải là cuộc sống toàn màu hồng, hiện thực còn có
những nốt trầm ngân dài khiến người ta phải nao lòng. Đó là sự mau lẹ, vô tình trôi đi của
thời gian. Thời gian trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Nhưng Xuân Diệu “Tôi không chờ nắng
hạ mới hoài xuân”
“Tôi muốn tắt…bay đi”
Thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên mạnh mẽ của ông, cuồng
nhiệt đến táo bạo. Ước muốn níu giữ thời gian, chặn lối tuần hoàn, đảo ngược quy luật tự
nhiên, phải chăng ông muốn đoạt quyền của tạo hóa. Những ham muốn cứ ngỡ quá đáng,
vô lí lại làm nên nét riêng, nét lãng mạn trong thơ của ông khi muốn sống thật, sống chân
thành, sống cho riêng mình. Và nếu không thể níu kéo thời gian thì ông phải tăng tốc
nhịp sống của mình, sống nhanh, sống gấp và sống như tựa đề bài thơ :vội vàng. Một
cách sống mới, tích cực và đầy giá trị nhân văn.


Con người hiện đại với suy nghĩ thời gian là một dòng chảy ào ạt, hối hả, đã trôi
qua là không bao giờ trở lại. Vì thế, cách giải quyết của Xuân Diệu là một phương hướng
xem ra quá hợp thời, đầy hiện đại, hoàn toàn ngược lại với triết lí sống nhàn, sống chậm
của thời đại trước:
“Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây”
Tuy nhiên, đối với nhà thơ sống gấp không có nghĩa chỉ là thụ động, tận hưởng mọi thứ
vô tội vạ trong khi không có bất kì một đóng góp nào. Cách sống mới là cách sống đòi
hỏi phải nhiệt tình tạo ra cái đẹp, cống hiến hết mình vì cuộc đời, trân trọng từng giây
phút ngắn ngủi mà tuyệt vời trên trần thế. Quan niệm sống của Xuân Diệu thể hiện niềm
trân trọng tuổi trẻ và tình yêu, khẳng định mạnh mẽ giá trị bản thân và chủ động trong
mọi hoàn cảnh với những cách giải quyết táo bạo, mới mẻ và đầy tính sáng tạo, thấm đẫm
một tinh thần nhân văn cao cả.
“Thơ là cuộc đời” thể hiện trong Vội vàng qua niềm tiếc nuối vô hạn về mùa xuân

tươi đẹp. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu hiện lên với tất cả những hình ảnh đẹp đẽ nhất,
tươi sáng và căng tràn nhựa sống. “Vội vàng” như cuốn tâm hồn ta trải rộng đến chân
trời. Miền đất ấy khiến người đọc như say trong hương tình “ong bướm…tuần tháng
mật”, ngây dại với chút mảnh tươi non của hoa cỏ, chim muôn, đắm mình trong “khúc
tình” vũ trụ, dạo chơi nơi nhật lầu ngập nắng. Thiên nhiên được ví như một cô thiếu nữ
tuổi độ trăng tròn tràn đầy xuân sắc với nét cuống hút mãnh liệt “ánh sáng chớp hàng
mi”, “ngon như một cặp môi gần”, không gian hữu tình như gợi mở hấp dẫn kì lạ, sự
rung động nhục thể trước những vẻ đẹp quá tưởng, tuyệt vời. Đang đắm mình trong
hương trời mùa xuân ngọt ngào, mê mẩn trong vẻ đẹp mơn mởn, say sưa trong khúc nhạc
tình si, tâm hồn nhà thơ trỗi lên nỗi âu lo trước cái mong manh của xuân sắc sẽ phai tàn,
sự đan xen hai luồng cảm xúc trái ngược là điều thường gặp trong thơ tình Xuân Diệu.
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.”
Nỗi băn khoăn của tác giả ở đây không chỉ là niềm tiếc nuối vẻ xuân tình, xuân sắc của
đất trời, mà đó còn là nỗi trăn trở về cái ngắn ngủi của cuộc đời con người. Tác giả nhận
thức thật rõ ràng về cái vô thường của tạo hóa:
“Xuân….cũng mất”
Vũ trụ có thể tồn tại vĩnh viễn, trời đất có thể trường tồn, mùa xuân có thể tuần
hoàn nhưng “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” tác giả bâng khuâng, tiếc nuối. Dù mùa xuân
có đi rồi đến, nhưng liệu nó có còn thăng hoa, cuống hút và mê đắm như tiết trời mùa hoa


thay áo năm nào hay không? Hay chỉ mang “độ phai tàn”, héo úa, chia phôi. Mối tương
giao giữa cảnh vật và con người dường như quá màu nhiệm,
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu.
Người buồn cảnh có vui đâu bao gìơ.”
Thế nên trời đất cũng nhuốm màu buồn bã với những tính từ “chia phôi”, “than thầm tiễn
biệt”, “đứt”, ‘hờn”, “phai tàn”. Đây chẳng phải “thơ là cuộc đời” sao, là thực tế, sự thật
buộc phải chấp nhận. Xuân Diệu đã viết nên bản nhạc cuộc đời với những thăng trầm của
cảm xúc từ một tâm hồn tinh tế, đa sầu, đa cảm.
Trong thơ ca trung đại, nổi bật là tính phi ngã, cái tôi trữ tình luôn phải ẩn náu sau

những hình tượng thiên nhiên. Trong khi đó, Xuân Diệu lại bộc lộ ý thức cá nhân ấy một
cách thẳng thắn và táo bạo:
“Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất.
Tôi muốn gió lại,
Cho hương đừng bay đi.”…

Nói Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới, quả danh phong không sai.
Bằng việc tạo nên một khổ thơ năm chữ ở đầu đoạn duy nhất trong cả bài như làm nên
nhịp thở gấp gáp về sự hối hả muốn tận hưởng hương sắc của cuộc đời, của tuổi trẻ và
của tình yêu. Từ những tham vọng muốn “tắt nắng”, “buộc gió” thể hiện tình yêu đời,
yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên của ông mạnh mẽ đến nhường nào, cuồng nhiệt đến vô
hạn.
Đối với Xuân Diệu, thiên nhiên không còn là chuẩn mực của cái đẹp như trong thơ
trung đại nữa, thiên nhiên chỉ đẹp khi mang dáng dấp con người độ tuổi thanh xuân, đặc
biệt là hình hài cô thiếu nữ khi tràn ngập sự tươi mới, trẻ trung và căng tràn nhựa sống.
Cách so sánh giữa “ánh sáng” với “hàng mi” của một đôi mắt đẹp tưởng chừng không
cân xứng nhưng lại tạo nên nét độc đáo, cụ thể hóa cái trừu tượng thành một thứ hữu hình
có thể sờ, có thể ngắm và có thể đặt lên ấy một nụ hôn.
“Và này….cặp môi gần”


Một ngày mới chưa bao giờ tuyệt vời đến như vậy khi có một vị thần ghé thăm, mỗi ngày
trôi qua sẽ chẳng là gì khi cuộc sống con người trôi qua mà không có niềm vui. Một triết
lí nhân sinh được tác giả nhẹ nhàng gửi trọn vào trái tim những con người trần tục.
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”
Lại một nét độc đáo trong thơ Xuân Diệu, sự so sánh dường như không tương
xứng, xuân “đương tới”= “đương qua”, “còn non” = “sẽ già” nhưng lại bổ khuyết cho

nhau, tạo nên một đẳng thức đặc biệt.
Thi pháp hiện đại đã chắp cho những cảm giác mới mẻ của Xuân Diệu, giúp cho
nhà thơ diễn tả được trọn vẹn trạng thái hồn nhiên, mơ hồ trước cái sắc xuân của cảnh
vật, muôn loài bằng tất cả những giác quan từ nhiều góc độ để có thể cảm nhận hết sự
quyến rũ, đắm say hồn người của vẻ đẹp ấy.
Ta muốn ôm.
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Ba chữ “ta muốn ôm” mô phỏng hình ảnh nhân vật trữ tình đang dang rộng vòng
tay để ôm tất cả sự sống lúc xuân thì - sự sống giữa thời tươi vào lòng. Đó là chân dung
cái tôi trữ tình tham lam muốn “ôm”, muốn “riết”, muốn “say”, muốn “thâu” tất cả cảnh
sắc thời tươi cho đến tận “chuếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê”. Đây quả là một khát khao
vô cùng lớn lao, tuyệt đỉnh, tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu.
Điệp từ, điệp ngữ được sử dụng với tần số dày đặc trong cả đoạn thơ tiêu biểu cho
nhịp điệu dồn dập, đầy nhiệt huyết, đắm say và cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Tạo thành
một dòng cảm xúc dào dạt, cuồn cuộn, dữ dội và không gì ngăn được. Câu cuối cùng kết
thúc bài thơ: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”. Khát khao ấy đã lên đến đỉnh
điểm, sự tham lam ấy đã lên đến tột cùng, sự chuyển đổi cảm giác, biến thứ vô hình thành
một thứ trái ngọt có thể sờ, cảm nhận và “cắn” được. Sự cụ thể hóa mùa xuân đã làm nên
nét thú vị và độc đáo cho bài thơ.


Thơ Xuân Diệu thật mới mẻ, phóng khoáng, mang những luồn suy nghĩ thật táo
bạo với những cảm nhận thật tinh vi độ không thể hơn được nữa. Chính Xuân Diệu đã
làm nên nét riêng cho thơ của mình. Và cũng từ ông ta nhận ra rằng “thơ chỉ là thơ” thôi,
không gì có thể so sánh, có thể đo lường hay định nghĩa.
Thơ là một ngôn ngữ đặc biệt của cuộc đời, của đất trời và cả của trái tim
con người. Hiện thực cuộc sống, vòng quay của những kiếp người hay cả biển tình yêu

thương đều gói gọn trong những vần thơ ngắn ngủi, hàm súc, đa tầng nghĩa và đầy yếu tố
gợi. Nghe có vẻ khó tin bởi “Thơ thực sự là một điều gì đó rất thiêng liêng. Nó vừa là
trung tâm, đồng thời là chu vi của tri thức, là bao gồm các khoa học, nguồn gốc và thành
quả của các hệ thống tư tưởng…”(Percy Bysshe Shelley). Thơ là những vô thường của
tâm hồn, vô thường đến độ chỉ có thể gọi là “thơ” thôi. Và Xuân Diệu phải có những xúc
cảm thật sự sâu sắc mới có thể viết nên những vần thơ đẹp đẽ, đắm say và nồng nàn như
vậy./.



×