ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
QUỐC TẾ HỌC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC
NGOẠI NGỮ - ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
(Lần thứ 1)
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Ngôn ngữ & Quốc tế học
HÀ NỘI – 10/2015
0
MỤC LỤC
1. Quốc tế học với Trường Đại học Ngoại ngữ & ĐHQGHN -------------------------- 2
2. Ngôn ngữ học ứng dụng và Quốc tế học – Đâu là cầu nối? -------------------------- 10
3. Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN): Định nghĩa, định vị và
định hướng---------------------------------------------------------------------------------- 20
4. Quốc tế học và nghiên cứu Quốc tế học ------------------------------------------------ 29
5. Đào tạo Quốc tế học với Đại học Ngoại ngữ ------------------------------------------- 40
6. Định hướng xây dựng chuyên ngành Quốc tế học ở Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN
--------------------------------------------------------------------------------------------------- 64
7. Tóm lược ý kiến thảo luận tại hội thảo-------------------------------------------------- 67
8. Thống kê ý kiến từ Phiếu góp ý ---------------------------------------------------------- 69
1
QUỐC TẾ HỌC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ - ĐHQGHN
(Báo cáo tổng quan)
TS. Nguyễn Ngọc Anh
Trung tâm Ngôn ngữ & Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
ĐTDĐ: 0912093346
Email:
Tóm tắt: Quốc tế học bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 20, sau khi Hiệp hội Quốc tế học được
thành lập vào năm 1959 có trụ sở đặt tại Anh, Quốc tế học trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu.
Năm 2012 Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã triển khai nghiên cứu và đào tạo định hướng
Quốc tế học. Trên cơ sở đánh giá tình hình nghiên cứu và giảng dạy Quốc tế học trong và ngoài nước,
bối cảnh trong nước và quốc tế, thực trạng của Trường Đại học ngoại ngữ - ĐHQGHN, bài viết đề
cập đến tính cấp thiết, triển vọng và một số giải pháp xây dựng và phát triển định hướng nghiên cứu
và đào tạo Quốc tế học tại Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN.
1. Khái niệm Quốc tế học (International Studies)
Quốc tế học bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 20, đặc biệt là từ sau khi Hiệp hội Quốc tế học
được thành lập vào năm 19591 có trụ sở đặt tại Anh, Quốc tế học trở nên phổ biến trên phạm vi
toàn cầu, vậy Quốc tế học là gì?
Quốc tế học (dịch từ International Studies trong tiếng Anh) hay còn gọi là nghiên cứu
quốc tế, là một thuật ngữ chỉ nghiên cứu về những vấn đề chính trong chính trị, kinh tế, xã hội
và văn hóa đang chi phối các diễn tiến trên toàn cầu. Có thể hiểu một cách cụ thể hơn là “Sự
tìm hiểu về hiện tại và quá khứ các xã hội, các nền văn hóa, các ngôn ngữ, các hệ thống chính
phủ trên toàn cầu và các mối quan hệ phức tạp giữa chúng tạo nên thế giới hiện tại”.2 Để hiểu
hơn về Quốc tế học, chúng ta tìm hiểu Quốc tế học ở một số nước có nghiên cứu và đào tạo
Quốc tế học phát triển và ở Việt Nam.
1.1. Quốc tế học trên thế giới
- Hoa Kỳ có rất nhiều viện nghiên cứu về Quốc tế học như: Trung tâm nghiên cứu
chiến lược và quốc tế học (Center for Strategic and International Studies, CSIS), Viện Quốc tế
học Freeman Spogli (thuộc Stanford University) là những tổ chức nghiên cứu hàng đầu về
Quốc tế học chuyên về nghiên cứu các vấn đề quốc tế và quan hệ quốc tế. Chương trình đào
tạo của các trường đại học Hoa Kỳ tập trung vào lĩnh vực quan hệ quốc tế và các vấn đề quốc
tế có liên quan đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
1
2
/>
2
- Vương quốc Anh có một số trường đại học lớn như University of Oxford có Trung
tâm Quốc tế học (the Centre for International Studies), mục tiêu chính là xúc tiến và phát triển
nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Ngoài ra còn có Viện Nghiên cứu Phát triển (Institute of
Development Studies- IDS) ở Susex là viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về nghiên cứu phát
triển, đào tạo và giao tiếp quốc tế. Chương trình đào tạo ở các trường đại học lớn ở Anh tập
trung vào quan hệ quốc tế và các vấn đề quốc tế và toàn cầu hóa.
- Ở Pháp có một số trường tiêu biểu như Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, Học
viện Quan hệ Quốc tế Paris chủ yếu nghiên cứu và đào tạo quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế,
khu vực học, đất nước học để phục vụ cho các cơ quan ngoại giao, hành chính công, luật, báo
chí, thương mại, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ
- Ở Đức có một số trường tiêu biểu như Bremen, Humbold Berlin, Freie Berlin Leipzig,
Heidelberg, Potsdam, hướng đào tạo và nghiên cứu chính là quan hệ quốc tế, khu vực học và
môi trường.
- Một số trường tiêu biểu ở Canada như Đại học Montrea, Đại học Laval, Đại học
Ottawa, Đại học York chủ yếu nghiên cứu và đào tạo quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, khu vực
học, đất nước học để phục vụ cho các cơ quan ngoại giao, hành chính công, luật, báo chí,
thương mại, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ
- Ở Nga có hai trường tiêu biểu là Học viện Ngoại giao Quốc gia Matxcơva và Đại học
Tổng hợp Quốc gia Matxcơva. Các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy gồm khu vực học, giao
tiếp liên văn hóa, an ninh, kinh tế quốc tế với mục tiêu chính là đào tạo các chuyên gia có trình
độ cao trong lĩnh vực quan hệ quốc tế.
- Australia có các tổ chức nghiên cứu và đào tạo Quốc tế học hàng đầu như Đại học
Deakin, Trường Quốc tế học thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Trường Khoa học Chính trị và
Nghiên cứu Quốc tế SPSIS thuộc Đại học Queensland. Quốc tế học chủ yếu bao gồm các nội
dung như quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng, ngôn ngữ và văn hóa, khu vực hóa, quốc tế
hóa, nhân quyền, chính trị, di cư tị nạn, môi trường, chính sách của nước ngoài.
- Nhật Bản có một số trường đại học như Meio, ĐH Công lập Hiroshima,
Utsunomiya..., hướng nghiên cứu và đào tạo Quốc tế học chính gồm: Hòa bình, chính trị quốc
tế, ngôn ngữ và giao tiếp, các tổ chức công, thương mại quốc tế, ngoại ngữ, hợp tác quốc tế,
môi trường đa văn hóa, giao văn hóa; tư tưởng, ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của các
nước trên thế giới.
3
- Hàn Quốc có một số trường tiêu biểu như Hankuk university of foreign studies,
Seoul university, Yonsei university, Ehwa womans university, Korea university. Các hướng
nghiên cứu và đào tạo chính gồm khu vực học, quan hệ quốc tế, kinh tế tài chính quốc tế, hòa
bình và an ninh quốc tế, hợp tác phát triển quốc tế.
- Singapore có các tổ chức nghiên cứu và đào tạo Quốc tế học hàng đầu như Trường
Quốc tế học Rajaratnam-RSIS thuộc Đại học NanYang, Đại học Quốc gia Singapore tập trung
nghiên cứu và đào tạo về các vấn đề khu vực và quốc tế, an ninh quốc phòng, chính trị, kinh tế
quốc tế.
- Trung Quốc có các tổ chức nghiên cứu và đào tạo Quốc tế học như Viện Nghiên cứu
Quốc tế (China Institute of International Studies) thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuyên
nghiên cứu những vấn đề lớn của chính trị và kinh tế thế giới, những vấn đề hiện tại và những
vấn đề quan trọng trong các sự kiện quốc tế để đưa ra kiến nghị xây dựng đối sách. Trường Đại
học Ngoại ngữ Thượng Hải (Shanghai International Studies University, SISU) nghiên cứu và
đào tạo ngoại ngữ, kinh tế, khoa học chính trị, kinh tế ứng dụng, truyền thông, quản trị với mục
đích chính là phục vụ cho đối ngoại và các tổ chức quốc tế. Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc
Đại học Bắc Kinh (School of International Studies, Peking university) nội dung nghiên cứu
vào đào tạo gồm khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, chế độ chính trị, kinh tế chính trị quốc tế.
Mục đích chính là đưa ra các kiến nghị và cung cấp nhân lực cho lĩnh vực đối ngoại và các
công việc liên quan đến đối ngoại. Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân Dân Trung
Quốc (School of International Studies, Renmin university of China) đào tạo nhân lực cho các
cơ quan nhà nước, các cơ quan đối ngoại, các trường đại học, viện nghiên cứu, hãng truyền
thông và các đơn vị sự nghiệp, đảm nhận các công việc như ngoại giao, nghiên cứu chính sách,
truyền thông và quản lý hành chính.
1. 2. Quốc tế học ở Việt Nam
- Khoa Quốc tế học Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQGHN nghiên cứu, đào tạo
bốn chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Nghiên cứu Phát triển quốc tế, Châu Mĩ học và Châu Âu
học. Mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kĩ năng căn bản
cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quốc tế và quan hệ quốc tế.
- Khoa Quốc tế học Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng Nghiên cứu và
giảng dạy về các vấn đề quốc tế như quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, lịch sử, văn hóa, ngoại
ngữ. Đào tạo nhân lực làm việc tại tại các trường đại học, các viện khoa học, các cơ quan
ngoại giao trung ương và điạ phương, các vụ hợp tác quốc tế thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn
4
thể, các cơ quan đại diện, các cơ sở doanh nghiệp của người Việt Nam và người nước ngoài,
các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và ở nước ngoài.
- Khoa Quốc tế học Đại học Hà Nội các môn học chủ yếu như kinh tế quốc tế, chính
trị, luật, quan hệ quốc tế, chủ yếu đào tạo nhân lực cho các cơ quan chính phủ, các hãng thông
tấn quốc tế, các tổ chức xã hội, tổ chức cá nhân.
- Ngành Quốc tế học Đại học Sài Gòn đạo tạo nhân lực quan hệ công chúng (PR) cho
các công ty, phân tích kinh doanh và thương mại quốc tế, quản trị viên của các chương trình
quốc tế, nhân viên tư vấn truyền thông đa văn hóa, điều phối, tư vấn viên trong các doanh
nghiệp liên doanh hoặc tổ chức phi chính phủ, nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học
và Viện nghiên cứu, phụ trách công tác đối ngoại tại các cơ quan ngoại giao ở Trung ương và
địa phương, các Vụ hợp tác quốc tế thuộc các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể, các cơ quan an ninh,
quốc phòng; các cơ quan truyền thông, báo chí, các cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ
chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, các loại hình doanh nghiệp
khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp liên doanh.
Bảng phân bố theo lĩnh vực
(Mầu từ đậm đến nhạt thể hiện mức độ từ cao đến thấp)
Nước ngoài
Quan hệ quốc tế khu vực học
kinh tế quốc tế
ngôn ngữ văn hóa
môi trường
an ninh quốc phòng
luật
Việt nam
Kinh tế quốc tế
quan hệ quốc
khu vực học
ngôn ngữ văn hóa
luật
môi trường an ninh quốc phòng
2. Nội hàm của “Quốc tế học” trong Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN
Vậy nội hàm của “Quốc tế học” trong Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN là gì?
Chúng ta hãy xem xét dưới ba khía cạnh sau đây:
2.1. Nội hàm của khái niệm “Quốc tế học”
Từ “Quốc tế” trong “Quốc tế học” đã chỉ rõ phạm vi của đối tượng nghiên cứu, đó là
những vấn đề có tính quốc tế, nói cách khác là có mối liên hệ và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia
trên thế giới. Vấn đề có thể xuất phát từ một quốc gia, một khu vực nhưng có mối liên hệ và
ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, chẳng hạn như quyết định nâng lãi xuất của Cục Dự trữ Liên
5
Bang Mỹ, quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, tranh chấp biển Đông, người
tị nạn Syria…….
2.2. Ứng dụng của “Quốc tế học”
Ứng dụng của Quốc tế học là cung cấp cơ sở lý luận để xử lý các vấn đề có tính toàn
cầu phát sinh trong quá trình tương tác giữa các quốc gia (internation), ví dụ các nước nghiên
cứu xem trong trường hợp FED nâng lãi suất thì quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các nước trên thế
giới sẽ ra sao? Đồng Nhân Dân tệ phá giá thì quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với các nước
khác sẽ thế nào?
2.3. Đặc thù và thế mạnh của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN
- Mục đích của dạy, học và nghiên cứu ngoại ngữ là để bồi dưỡng và nâng cao khả năng
giao tiếp với nước ngoài, tức là hội nhập quốc tế.
- Nhân lực tham gia dạy và học tại Trường đều có thiên hướng hội nhập quốc tế.
- Nhà trường có thế mạnh về ngoại ngữ và văn hóa
Từ những phân tích này, chúng tôi nhận thấy nội hàm của Quốc tế học tại Trường Đại
học Ngoại ngữ - ĐHQGHN là từ góc độ ngôn ngữ và văn hóa nghiên cứu các vấn đề có tính
toàn cầu phát sinh trong quá trình tương tác giữa các quốc gia, từ đó cung cấp cơ sở lý luận
để giải quyết các vấn đề đó.
3. Triển vọng và giải pháp của nghiên cứu và đào tạo Quốc tế học tại Trường Đại
học Ngoại ngữ - ĐHQGHN
3.1. Triển vọng
- Quốc tế học ra đời là nhằm đáp ứng nhu cầu về lý luận cho hội nhập quốc tế. Thế giới
là một chỉnh thể, các quốc gia là các bộ phận làm nên chỉnh thể đó. Để chỉnh thể hoạt động tốt
thì các bộ phận cần phải có sự gắn kết với nhau vì vậy hội nhập là xu thế tất yếu trên thế giới.
Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nói rõ: “Chủ
động và tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nhập quốc tế
là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị”3.
Theo website của Bộ Ngoại giao4 hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 quốc
gia thuộc các Châu lục. Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam5 hiện
3
4
/> />
6
Việt Nam đã kí kết 11 hiệp định thương mại, đang đàm phán 5 hiệp định, đang xem xét 01
hiệp định. Trong đó có những hiệp định lớn như với ASEAN, EU, đặc biệt là TPP. Việt Nam
tham gia vào hầu hết các tổ chức toàn cầu như Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU),
Liên hợp quốc (UN), Phong trào Không liên kết (NAM), Cộng đồng Các nước có sử dụng
tiếng Pháp (OIF), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN ), Diễn đàn Hợp tác Á–Âu
(ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình
Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Di cư quốc tế
(IOM)……Hội nhập tuy luôn mang lại cơ hội phát triển, nhưng đi kèm với đó là những thách
thức không hề nhỏ, vì vậy nhu cầu về lý luận cho hội nhập là rất lớn và cấp thiết.
- Trường Đại học ngoại ngữ đã ban hành chiến lược phát triển thành trường đại học theo
định hướng nghiên cứu.
Mặc dù có những khó khăn như đội ngũ cán bộ của Trường đại đa số được đào tạo để
giảng dạy hoặc dịch thuật một số ngoại ngữ nhất định, kiến thức và phương nghiên cứu quốc tế
còn hạn chế. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có nhiều cá nhân và tổ chức nghiên cứu quốc tế có
kinh nghiệm, được nhiều người biết đến và đã hình thành được bản sắc riêng. Tuy vậy triển
vọng của Quốc tế học tại Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN vẫn rất sáng sủa. Xét từ góc
độ vĩ mô, Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, không gian cho Quốc tế học vẫn còn rất
rộng. Nhà trường đã xây dựng chiến lược nghiên cứu cho tương lai. Trường Đại học Ngoại
ngữ - ĐHQGHN đã có thế mạnh trong nghiên cứu và giảng dạy một số nội dung của Quốc tế
học, nói một cách khác, chúng ta hãy chuyển từ “National Studies” vốn có sang “International
Studies”.
3.2. Giải pháp chủ đạo
Trong số nhiều giải pháp, chúng tôi nhận thấy xây dựng bản sắc riêng là giải pháp căn
cơ và lâu dài. Bản sắc ở đây phải là sự khác biệt cả về hình thức và chất lượng. Dựa trên thế
mạnh của Nhà trường, xem xét thực trạng nghiên cứu Quốc tế học tại Việt Nam, chúng tôi cho
rằng bản sắc riêng là sự kết hợp của 3 yếu tố:
+ Mạnh về ngoại ngữ và văn hóa.
Ngoại ngữ sẽ giúp các nhà nghiên cứu trong Trường có thể tiếp cận trực tiếp với các
văn bản gốc từ đó đảm bảo tính chính xác, cập nhật và phong phú. Vì vậy các nghiên cứu
Quốc tế học của Trường sẽ có nét riêng là tư liệu có hệ thống, phong phú, đa dạng và cập nhật.
5
/>
7
Văn hóa luôn được xem là bản chất của các hiện tượng, nghiên cứu từ góc độ văn hóa là
nghiên cứu bản chất từ đó làm nên chiều sâu của nghiên cứu.
Vì vậy cần đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo ngoại ngữ và văn hóa.
+ Mạnh về lý thuyết và phương pháp.
Ở các nước phát triển, các nghiên cứu Quốc tế học cần dự trên một lý thuyết nhất định
và sử dụng những phương pháp nghiên cứu đặc thù. Lý thuyết không chỉ giúp giải thích được
hiện tượng mà còn giúp tiên đoán được hiện tượng mới. Các ngành khoa học khác nhau có thể
có những phương pháp nghiên cứu khác nhau, lựa chọn đúng phương pháp vừa cho kết quả
thuyết phục vừa là con đường ngắn nhất dẫn đến kết quả. Đây là điểm yếu của rất nhiều công
trình nghiên cứu Quốc tế học ở Việt Nam, trở ngại nằm ở sử dụng ngoại ngữ. Theo chúng tôi
tìm hiểu, hiện tại trên thế giới có rất nhiều sách về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nói
chung và nghiên cứu Quốc tế học nói riêng, nhưng ở Việt Nam thì lại rất ít. Với thế mạnh
ngoại ngữ, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo của Trường sẽ sử dụng lý thuyết, phương pháp
hiện đại có sự tham chiếu với nhiều lý thuyết và phương pháp khác thông qua văn bản gốc.
+ Mạnh về đào tạo nguồn nhân lực.
Nghiên cứu và đào tạo luôn gắn với nhau. Kết quả nghiên cứu cần được chuyển giao
thông qua đào tạo, đào tạo sẽ bổ sung nhân lực cho nghiên cứu. Đào tạo phải xuất phát từ nhu
cầu thực tiễn của xã hội và được thiết kế dựa trên định hướng và thế mạnh của nghiên cứu
Quốc tế học tại Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN. Sản phẩm của đào tạo phải là sự kết
hợp của thế mạnh của Nhà trường và thế mạnh từ liên kết bên ngoài trường.
Kết luận
Quốc tế học xuất hiện trên thế giới đã hơn nửa thế kỷ. Nội hàm của thuật ngữ “Quốc tế
học” dù được hiểu theo các góc độ khác nhau, nhưng tựu chung lại đều hướng tới mục đích
chung là cung cấp cơ sở lý luận cho việc giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu phát sinh trong
quá trình tương tác giữa các quốc gia. Căn cứ bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước và đặc thù
của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, chúng tôi cho rằng dù thế mạnh của Trường Đại
học Ngoại ngữ - ĐHQGHN là ngôn ngữ và văn hóa, nhưng kết quả của nghiên cứu ngôn ngữ
và văn hóa lại hoàn toàn có thể được ứng dụng một cách rất hiệu quả vào nhiều lĩnh vực khác
nhau, kể cả những lĩnh vực hot nhất trong Quốc tế học như quan hệ quốc tế, khu vực học…. Vì
vậy Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN có đủ năng lực và điều kiện để xây dựng định
8
hướng nghiên cứu và đào tạo Quốc tế học mang bản sắc riêng dựa trên thế mạnh của Nhà
trường và sự hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo
[1] Mai Ngọc Chừ, Đất nước học với tư cách khu vực học, Hội nghị khoa học thường niên Trường Đại
học Ngoại ngữ - ĐHQGHN lần thứ 32, Hà nội: 2012
[2] Nguyễn Hòa, Quốc tế học – Một cách nhìn tổng quan, Hội nghị khoa học thường niên Trường Đại
học Ngoại ngữ - ĐHQGHN lần thứ 32, Hà nội: 2012
[3] Phạm Quang Minh, Quốc tế học/nghiên cứu quốc tế ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức, Hội nghị
khoa học thường niên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN lần thứ 32, Hà nội: 2012
[4] Hoàng Khắc Nam, Một số vấn đề về việc mở ngành Quốc tế học ở Trường Đại học Ngoại ngữ
(ĐHQGHN), Hội nghị khoa học thường niên Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN lần thứ 32,
Hà nội: 2012
[5] Robert Jackson and Georg Sorensen, Introduction to International Relations: Theories and
Approaches, Oxford University Press, New York: 2007
[6] Shuming Lu, International Relations, China Renmin University Press, Peking: 2010
9
NGÔN NGỮ HỌC ỨNG DỤNG VÀ QUỐC TẾ HỌC
ĐÂU LÀ CẦU NỐI?
PGS.TS. Lê Văn Canh
Trung tâm NCGDNN&ĐBCL, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
ĐTDĐ: 0913563126
Email:
Đặt vấn đề
Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về Ngôn ngữ học ứng dụng là gì,
nhưng có thể nói một cách ngắn gọn là Ngôn ngữ học là một ngành khoa học ứng dụng nghiên cứu tất
cả các vấn đề trong xã hội có liên quan đến ngôn ngữ. Sứ mệnh của khoa học ứng dụng theo Marx là
góp phần cải tạo thế giới chứ không chỉ dừng lại ở việc hiểu thế giới. Một lẽ đương nhiên là muốn có
khả năng cải tạo thế giới cần phải có những kiến thức về các vấn đề văn hóa, kinh tế, chính trị và xã
hội của thế giới mà ta đang sống. Giáo dục ngoại ngữ là một bộ phận của ngôn ngữ học nên dạy ngoại
ngữ là một hoạt động mang tính xã hội và chính trị (Byram, 2008). Những quan điểm trên đây của các
học giả hoàn toàn trùng khớp với nội dung của phương pháp sư phạm phản biện (critical pedagogy)
đang được khuyến khích dưới ảnh hưởng của trào lưu hậu hiện đại. Phương pháp sư phạm phản biện
yêu cầu cần xác định lại bản chất của giáo dục ngoại ngữ theo các nội dung xã hội, văn hóa và chính
trị (Pennycook, 1990). Những quan điểm trên cũng hàm ý rằng một trong những đối tượng của quốc tế
học là những người đang học ngoại ngữ như một chuyên ngành.
Trong mấy thập kỷ gần đây,
thế giới đã trải qua những biến đổi nằm ngoài mọi dự đoán của những học giả hay các chính trị gia
thông thái nhất. Điều đó đặt ra một thách thức cho những giáo viên ngoại ngữ trên toàn thế giới là họ
không dám chắc nên dạy cho học sinh những nội dung gì và cũng không biết họ phải chuẩn bị cho học
sinh của họ cho một thế giới hiện thực như thế nào. Kramsch (2014) khi bàn đến những thách thức đối
với giáo dục ngoại ngữ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa nhận xét rằng “chưa bao giờ mâu thuẫn giữa
nội dung giảng dạy trong lớp với những gì người học cần có ở ngoài đời một khi họ ra khỏi lớp học lại
căng thẳng như hiện nay” (tr. 296). Các nhà nghiên cứu xã hội học (ví dụ như Castell, 2009; Giddens,
1991), các nhà ngôn ngữ học xã hội (Blommaert, 2010; Cameron, 2006; Heller, 2003) và các nhà giáo
dục ngoại ngữ (Block, 2010; Kramsch, 2010, 2012) cho rằng mâu thuẫn trên đây chính là mâu thuẫn
giữa thế giới hiện đại mà chúng ta đã từng biết đến với mâu thuẫn của thế giới hậu hiện đại mà
nguyên nhân của nó là sự phụ thuộc về kinh tế giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, những dòng
người di cư từ quốc gia này sang quốc tế khác với quy mô lớn như hiện tượng đang diễn ra ở Sy-ri,
công nghệ thông tin toàn cầu và các hệ thống truyền thông toàn cầu. Tất cả những vấn đề đó đã và
đang diễn ra trong một thời đại được gọi là thời đại toàn cầu hóa.
Xu thế toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người kể cả
giáo dục ngoại ngữ . Do vậy giáo dục ngoại ngữ với tư cách là một bộ phận quan trọng bậc nhất của
10
ngành ngôn ngữ học ứng dụng cần có những thay đổi căn bản về nội dung và phương pháp giáo dục
ngoại ngữ. Bài viết này trình bày quan điểm của tác giả về sự cần thiết đưa nội dung quốc tế học vào
chương trình giáo dục ngoại ngữ trong các trường đại học chuyên ngữ của Việt Nam. Với mục tiêu đó,
bài viết đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đặt ra trong tiêu đề của bài viết: Đâu là cầu nối giữa giáo dục
ngoại ngữ và quốc tế học.
1. Sứ mệnh mới của giáo dục ngoại ngữ trong xu thể toàn cầu hóa
Nền giáo dục của bất cứ quốc gia nào cũng có ba chức năng cơ bản là (i) tạo ra nguồn
nhân lực cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước, (ii) bồi dưỡng và phát triển ở
người học ý thức về bản sắc dân tộc và (iii) tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người. Giáo
dục ngoại ngữ là một bộ phận của nền giáo dục quốc gia nên cũng không thể không phục vụ
các mục đích giáo dục chung trên đây. Vì vậy, thuật ngữ “giáo dục ngoại ngữ” ra đời thay vì
thuật ngữ “dạy ngoại ngữ” truyền thống. Sự khác nhau trong nội hàm của hai thuật ngữ trên là
‘giáo dục ngoại ngữ’ có mục đích về xã hội và chính trị. Một ví dụ rõ nét nhất về mục đích xã
hội và chính trị của giáo dục ngoại ngữ là việc chuyển đổi mục tiêu giáo dục ngoại ngữ của
Hoa Kỳ sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9. Sau sự kiện đáng lên án đó của bọn khủng bố
tấn công vào những người dân thường trên đất Mỹ, cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã đăng tải
những tranh luận sôi nổi về những giải pháp làm thế nào để việc dạy và học ngoại ngữ góp
phần vào việc tăng cường an ninh cho nước Mỹ và cho toàn thế giới. Với mục tiêu đó, Hoa Kỳ
xác định mục đích của giáo dục ngoại ngữ là giáo dục những công dân song ngữ có khả năng
tham gia vào việc thu thập thông tin tình báo và các hoạt động giao tiếp khác phục vụ việc giữ
gìn an ninh quốc gia (Kubota, 2006).
2. Giáo dục toàn cầu (Global education)
Giáo dục toàn cầu là một đường hướng mới trong giáo dục ngoại ngữ. Giáo dục toàn
cầu được định nghĩa là “nền giáo dục nhằm phát triển tri thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để
sống có trách nhiệm trong một thế giới đa văn hóa và phụ thuộc lẫn nhau” (Fisher & Hicks,
1985:8). Cates (1990) cụ thể hóa những kiến thức, thái độ và kỹ năng mà nền giáo dục toàn
cầu cần phát triển cho người học như sau:
Kiến thức về những vấn đề của nhân loại là mục tiêu trước tiên. Nếu chúng ta muốn học
sinh cống hiến vì một thế giới tốt đẹp hơn thì họ phải có kiến thức về bản chất của
những vấn đề của nhân loại, nguyên nhân của những vấn đề đó và các giải pháp có thể.
11
Kỹ năng gồm các kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và tư duy sáng tạo, hợp tác để giải
quyết vấn đề, biết đưa ra những giải pháp phi bạo lực, biết đưa ra những quyết định có
nguyên tắc và đánh giá vấn đề từ những quan điểm khác nhau. Người học cần phải có
những kỹ năng đó để giải quyết các vấn đề của nhân loại và đó là mục tiêu thứ hai.
Thái độ toàn cầu là có ý thức ở tầm toàn cầu, có trí tò mò, có thái độ tôn trọng các nền
văn hóa khác, tôn trọng sự đa dạng, nỗ lực phấn đấu cho công lý và có sự đồng cảm với
người khác. Đó là mục tiêu thứ ba.
Mục tiêu cuối cùng của giáo dục toàn cầu là biết hành động, tức là tích cực tham gia
cùng với cộng đồng quốc gia và quốc tế giải quyết các vấn đề của nhân loại.
Thực tế cho thấy tất cả các quốc gia đều lấy việc giáo dục ngoại ngữ làm công cụ để
phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.Việt nam cũng không nằm ngoài xu
thế đó. Quyết định số 1400/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Đề án "Dạy
và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” (Thủ tướng Chính
phủ, 2008) nêu rõ:
Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển
khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến
năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của
nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên; đến năm 2020 đa số thanh niên
Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng
độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ,
đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự
nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Để năng lực sử dụng ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam thì chỉ
riêng các kỹ năng nói, nghe, đọc, viết bằng ngoại ngữ chưa đủ dù những kỹ năng đó có thành
thạo đến mấy đi nữa. Muốn thành công trong thế giới toàn cầu hôm nay và ngày mai, người
học phải có những kiến thức, và kỹ năng và thái độ như Cates đã nêu trên. Vì vậy, giáo dục
ngoại ngữ phải chú trọng đến việc sử dụng ngoại ngữ để phát triển hiểu biết về các vấn đề
văn hóa, xã hội với trọng tâm là các ngành học như nhân học và nhân học văn hóa, xã hội học,
kinh tế học, lịch sử, v.v. (Byram, 2008). Nói cách khác, yêu cầu đặt ra cho giáo dục ngoại ngữ
là phải quan tâm đến các mục đích chính trị và xã hội mà cụ thể là phải phát triển cho người
học có hiểu biết mang tính phản biện (critical understanding) về các dân tộc khác, về dân tộc
mình và bản thân mình cũng như cách giao tiếp giữa các cá nhân và giữa các nhóm người với
12
nhau trong một môi trường chính trị nhất định. Chỉ với mục đích như vậy, giáo dục ngoại ngữ
mới thực sự trở thành một ngành học trong trường đại học (Brumfit và các cộng sự, 2004 dẫn
theo Byram, 2008).
3. Đâu là cầu nối giữa giáo dục ngoại ngữ và quốc tế học?
Cũng giống như ngôn ngữ học ứng dụng, quốc tế học là một lĩnh vực rộng lớn và chưa
có một định nghĩa thống nhất. Vì vậy có thể hiểu một cách đơn giản rằng quốc tế học là một
ngành học nghiên cứu tất cả các vấn đề liên quan đến quốc tế sử dụng ngôn ngữ làm phương
tiện.
Cùng với những thay đổi trong giáo dục ngoại ngữ theo đường hướng dạy ngoại ngữ
theo nội dung các môn học khác (Content-based language instruction) hay lồng ghép nội dung
các môn học khác vào chương trình học ngoại ngữ (Content and language integrated learning –
CLIL), việc sử dụng các nội dung quốc tế học như quan hệ quốc tế, xã hội học, hay các ngành
học xã hội (social studies) làm nội dung của các chương trình giáo dục ngoại ngữ đang trở
thành một trào lưu.
Quốc tế học là một lĩnh vực liên ngành (interdisciplinary) và xuyên ngành
(transdiscipplinary) bao hàm nhiều chuyên ngành khác nhau. Khái niệm ‘xuyên ngành’ được
Halliday định nghĩa như sau:
Tôi nói ‘xuyên ngành’ chứ không phải ‘liên’ hay ‘đa ngành’ với lý do là tôi thấy hình
như những thuật ngữ sau hàm ý người ta vẫn bám vào ngành coi đó là tâm điểm của
hoạt động trí tuệ mặc dù có việc tạo ra những cây cầu nối giữa các ngành với nhau hay
tập hợp các ngành lại thành một bộ sưu tập; ngược lại đường hướng thay thế thực sự là
loại bỏ những thuật ngữ đó để tạo ra những hình thức mới của hoạt động mang tính luận
đề hơn là mang tính chất ngành về mặt định hướng (Halliday, 2001, p. 176).
Mặc dù quốc tế học và giáo dục ngoại ngữ đều vừa là nội dung giáo dục vừa là một
ngành khoa học có mục tiêu, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu riêng, nhưng theo quan
điểm của Halliday trên đây thì hai ngành học có thể lồng ghép với nhau theo đường hướng
xuyên ngành. Nếu chương trình giáo dục ngoại ngữ muốn chuẩn bị cho người học trở thành
những công dân toàn cầu của thế kỷ 21 thì việc lồng ghép nội dung quốc tế học vào chương
trình giáo dục ngoại ngữ không những hoàn toàn khả thi mà còn là điều tất yếu. Dưới đây là
các giải pháp để thực hiện mục tiêu đó.
13
Thứ nhất, quốc tế học được coi là nội dung trong chương trình giáo dục ngoại ngữ và
được tổ chức thành các môn học hay khối kiến thức riêng được dạy bằng ngoại ngữ. Để thực
hiện mục tiêu này, chương trình ngoại ngữ cần lấy các nội dung liên quan đến quốc tế học làm
nội dung để giảng dạy ngoại ngữ qua đó vừa phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ vừa
giúp người học có kiến thức, kỹ năng và thái độ về các vấn đề vừa mang tính toàn cầu vừa
mang tính quốc gia. Cantoni-Harvey (1987) nhấn mạnh rằng: “Khi ngoại ngữ vừa là đối tượng
vừa là mục tiêu của dạy học thì nội dung chuyên ngành của từng bài phải được dạy đồng thời
với các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết để hiểu được nội dung chuyên ngành” (tr. 22).
Theo Brinton, Snow và Wesche (2003) có ba đường hướng dạy ngoại ngữ dựa trên kiến
thức chuyên ngành là:
1) Đường hướng dựa vào chủ đề (theme-based approaches) theo đó các kỹ năng sử dụng
ngoại ngữ được dạy thông qua các chủ đề hoặc chủ điểm được lựa chọn từ các ngành
chuyên môn;
2) Đường hướng ẩn náu (sheltered approaches) theo đó giáo viên dạy các môn chuyên
ngành như các môn thuộc khoa học xã hội, các môn khoa học tự nhiên sử dụng các
phương pháp dạy học đặc biệt để giúp người học hiểu được các nội dung chuyên ngành
bằng ngoại ngữ;
3) Đường hướng bổ sung (adjunct-based approaches) theo đó nội dung chuyên môn được
lồng ghép vào chương trình ngoại ngữ.
Vận dụng phương pháp dạy ngoại ngữ này vừa giúp người học phát triển được kiến
thức về ngoại ngữ như từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp, diễn ngôn và năng lực giao tiếp bằng ngoại
ngữ vừa tạo cơ hội để người học lĩnh hội được chính sách và chiến lược giải quyết các vấn đề
toàn cầu của các quốc gia kể cả quốc gia có ngôn ngữ mà họ đang học qua đó người học phát
triển năng lực tri nhận của họ. Điều này có thể diễn đạt trong mô hình dưới đây:
Văn hóa
Giao tiếp (Ngoại ngữ)
Nội dung quốc tế học
Tri nhận
14
Trong mô hình trên, kiến thức văn hóa và kỹ năng giao tiếp liên văn hóa (intercultural
communication) là mục tiêu cao nhất còn kỹ năng giao tiếp tức là các kỹ năng ngoại ngữ giữ vị
trí trung tâm. Với khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo và những hiểu biết về các vấn đề đó,
người học không những có thêm động lực học tập mà họ còn được trang bị những kiến thức,
kỹ năng và thái độ cần thiết để hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa và trở thành những công dân
toàn cầu. Những nội dung quốc tế học cũng giúp người học hình thành và phát triển được năng
lực tư duy nhất là tư duy phản biện (critical thinking) -một trong những phẩm chất trí tuệ cần
thiết của thế kỷ 21.
Hai là, với chương trình giáo dục ngoại ngữ hiện nay của các trường đại học Việt Nam
chỉ cần có một cải tiến nhỏ để lồng ghép các nội dung về Khu vực học. Khái niệm khu vực học
(area studies) được các học giả (Szanton, 2004) sử dụng để chỉ (i) việc nghiên cứu miêu tả một
quốc gia dân tộc hay một khu vực cụ thể; (ii) nghiên cứu mang tính liên ngành về một khu vực
cụ thể ví dụ như về khu vực châu Phi, Mỹ La tinh, châu Âu, hay châu Á-Thái Bình Dương.
Như vậy, đưa nội dung khu vực học vào chương trình thay vì nội dung của môn Đất nước học
hiện nay cũng cần quan tâm đến nội dung Việt Nam học, coi nội dung Việt Nam học là một bộ
phận của khối kiến thức khu vực học.
Ba là, các trường đại học chuyên ngữ cần có chính sách coi trọng việc nghiên cứu quốc
tế học để vừa đóng góp cho ngành khoa học xã hội và nhân văn vừa lấy kết quả nghiên cứu
làm nội dung giáo dục ngoại ngữ. Dưới đây tôi xin trình bày quan điểm cá nhân về phương
pháp nghiên cứu quốc tế học và/ hoặc khu vực học mà các trường đại học chuyên ngữ có thể
sử dụng.
4. Phương pháp nghiên cứu quốc tế học.
Quốc tế học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội mang tính xuyên ngành do vậy để nghiên
cứu quốc tế học chúng ta đương nhiên phải sử dụng các phương pháp nghiên cứu của khoa học
xã hội. Mặc dù phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội được chia thành các phương
pháp nghiên cứu định lượng và các phương pháp nghiên cứu định tính, xu hướng chung hiện
nay là sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính hoặc phương pháp nghiên cứu hỗn hợp
kết hợp định tính với định lượng. Căn cứ vào điều kiện nghiên cứu và mục đích nghiên cứu
quốc tế học trong mối quan hệ với giáo dục ngoại ngữ ở trường đại học, tôi xin đề xuất sử
dụng những phương pháp nghiên cứu dưới đây.
15
1. Phương pháp lịch sử. Những nội dung nghiên cứu thuộc lĩnh vực quốc tế học là một
quá trình chuyển biến lịch sử, có nhiều điểm xuất phát. Việc nảy sinh và tồn tại các vấn
đề thuộc quốc tế học là một hiện tượng lịch sử-xã hội, cần phải nghiên cứu xem xét
trong một không gian lịch sử nhất định và theo chiều dọc từ góc độ lịch sử.
2. Phương pháp nghiên cứu so sánh. Các vấn đề thuộc quốc tế học đều là những vấn đề
chung của mọi quốc gia. Tuy nhiên những vấn đề đó lại có những đặc điểm riêng biệt ở
mỗi quốc gia và mỗi quốc gia cũng có những sách lược, chiến lược giải quyết, xử lý các
vấn đề đó khác nhau. Mục đích của nghiên cứu so sánh là để đạt tới nhận thức chung về
những nét tương đồng và khác biệt trong chính sách quốc gia đối với các vấn đề chung
mang tính toàn cầu.
3. Phương pháp nghiên cứu trường hợp riêng lẻ (hay điển cứu – case study). Nghiên cứu
trường hợp riêng lẻ (từng quốc gia riêng lẻ) để có được nhận thức sâu sắc về các vấn đề
chung toàn cầu nhưng lại có những nét đặc thù riêng của từng quốc gia và các yếu tố
văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế, trình độ phát triển, v.v. của từng quốc gia tác động
như thế nào đối với chính sách của quốc gia đối với các vấn đề chung mang tính toàn
cầu. Đồng thời phương pháp này cũng có thể sử dụng để nghiên cứu những vấn đề
mang đặc thù quốc gia.
4. Phương pháp nghiên cứu miêu tả dân tộc học (ethnography). Phương pháp nghiên cứu
dân tộc học là một phương pháp nghiên cứu của ngành nhân chủng học (anthropology)
và được định nghĩa là “nghiên cứu miêu tả một văn hóa cụ thể” (Spradley & McCurdy,
1972: 3). Mục đích của phương pháp này là nghiên cứu miêu tả sự hiểu biết, nhận thức
chung của đối tượng nghiên cứu (quốc gia, nhóm người trong quốc gia đó) chi phối
hành vi của họ trong bối cảnh của một quốc gia cụ thể, tức là miêu tả văn hóa của quốc
gia hay nhóm người trong quốc gia đó. Lợi thế của phương pháp này là đem lại một bức
tranh tổng thể và các yếu tố liên quan mật thiết với nhau về một văn hóa, tình huống
văn hóa, hay sự kiện văn hóa cụ thể được nghiên cứu. Nó cho phép người nghiên cứu
nắm được bản chất của vấn đề để đưa ra được những so sánh hay đối sánh giữa lời nói
và việc làm, giữa chính sách và việc thực thi chính sách của đối tượng nghiên cứu trong
một bối cảnh cụ thể hay trong các bối cảnh khác nhau, từ đó đưa ra những kết luận về
bản chất thực tế đang diễn ra của vấn đề được nghiên cứu.
5. Phương pháp phân tích yếu tố (factor analysis). Bất luận phương pháp nghiên cứu được
sử dụng là phương pháp lịch sử hay phương pháp nghiên cứu riêng lẻ từng quốc gia đều
16
cần phải xem xét các yếu tố cấu thành chính sách, thái độ của từng quốc gia đối với các
vấn đề nghiên cứu. Ví dụ các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo, giáo dục. Tuy
nhiên cần lưu ý là phương pháp phân tích yếu tố không phân tích tất cả các yếu tố cấu
thành mà chỉ phân tích một cách tổng hợp những yếu tố có mối liên hệ với nhau để đưa
ra được những kết luận mang tính tổng thể về chính sách, thái độ và nhận thức của từng
quốc gia về các vấn đề được nghiên cứu. Vì vậy phương pháp phân tích yếu tố cũng có
nhiều nét tương đồng với phương pháp phân tích hệ thống và phương pháp phân tích
kết cấu chức năng.
Các phương pháp nghiên cứu còn nhiều nhưng căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay
của nhà trường cũng như mục đích nghiên cứu, chúng tôi xin gợi ý một số phương pháp nghiên
cứu trên. Trong thực tế nghiên cứu, tùy theo điều kiện và mục đích nghiên cứu cụ thể có thể sử
dụng các phương pháp khác ví dụ như phương pháp phân tích diễn ngôn (discourse analysis),
phân tích diễn ngôn phản biện (critical discourse analysis ) hay phương pháp phân tích tư liệu
(document analysis), v.v. Về cấp độ phân tích (levels of analysis) có nhiều cấp độ, song ba cấp
độ dưới đây là phổ biến:
1. Phân tích cấp độ hệ thống. Cấp độ này phân tích các vấn đề theo phạm vi toàn cầu.
2. Phân tích cấp độ quốc gia. Cấp độ này phân tích những đặc điểm của từng quốc gia
riêng lẻ và tác động hay ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến hành vi, hay cách tiếp
cận các vấn đề mang tính toàn cầu của quốc gia (chính sách quốc gia).
3. Cấp độ phân tích cá nhân, tức là quan tâm đến ý kiến, thái độ, hành vi của cá nhân,
nhóm người hay cả dân tộc của một quốc gia.
Kết luận
Mục tiêu của giáo dục ngoại ngữ của thế giới trong vài thập kỷ gần đây đã được mở
rộng vượt ra ngoài phạm vi của các kỹ năng ngôn ngữ. Đưa nội dung của các ngành học khác
vào chương trình dạy ngoại ngữ để ngoại ngữ vừa là mục đích vừa là phương tiện đang trở
thành một trào lưu chung. Trong điều kiện của Việt Nam, đưa các nội dung liên quan đến các
vấn đề của quốc tế học vào chương trình ngoại ngữ và đầu tư nghiên cứu nhiều hơn lĩnh vực
quốc tế học để vừa nâng cao chất lượng giáo dục vừa khẳng định vị thế của giáo dục ngoại
ngữ với tư cách là một ngành học ở cấp đại học là một việc cấp bách và có thể thực hiện được
nếu có chủ trương đúng đắn và kịp thời.
Tài liệu tham khảo
17
[1] Block, D. (2010). Globalization and language teaching.In D. Block & D. Cameron (Eds.),
Globalization and language teaching (tr. 287-304). London: Routledge.
[2] Blommaert, J. (2010). The sociolinguistics of globalization. Cambridge: Cambridge University
Press.
[3] Brinton, D.M., Snow, M. A., & Wesche, M. B. (2003).Content-based second language
instruction: Michgan classic edition. Annn Arbor, MI: University of Michigan Press.
[4] Byram, M. (2008). From foreign language education to education for intercultural citizenship:
Esays and reflections. New York: Multilingual Matters.
[5] Cameron, D. (2006). Styling the worker: Gender and the commodification of language in the
globalized service economy. In N. Coupland & A. Jaworski (Eds.), The discourse reader (tr. 433-453).
London: Routledge.
[6] Cantoni-Harvey, G. (1987). Content-area language instruction: Approaches and strategies.
Reading, MA: Addison-Wesley.
[7] Castells, M. (2009).Communication power. Oxford: Oxford University Press.
[8] Cates, K. A. (1990). Teaching for a better world: Global issues in language education. The
Language Teacher, 14, 3-5.
[9] Halliday, M. A. K. (2001) [1990). New ways of meaning: The challenges to applied linguistics. In
A. Fill & P. Mülhäusler (Eds.), The ecolinguistics reader: Language, ecology and environment
(tr. 7-36). New York: Continuum. First published in Journal of Applied Linguistics 6 (1990): 736.
[10] Heller, M. (2003).Globalization, the new economy, and the commodification of language and
identity.Journal of Sociolinguistics, 7, 473-492.
[11] Kramsch, C. (2001). Intercultural communication. In R. Carter & D. Nunan (Eds.), The
Cambridge guide to teaching English to speakers of other languages. Cambridge: Cambridge
University Press, 201-206.
[12] Kramsch, C. (2010). Theorizing translingual/transcultural competence.In G. Levine & A. Phipps
(Eds.), Critical and intercultural theory and language pedagogy (tr. 15-31). Boston: Heinle
Cengage Learning.
[13] Kramsch, C. (2012). Imposture: A late modern notion in post-structuralist SLA research. Applied
Linguistics, 33, 483-502.
[14] Kramsch, C. (2014). Teaching foreign language in an era of globalization: Introduction.The
Modern Language Journal, 98(1), 296-311.
[15] Kutoba, R. (2006). Teaching second languages for national security purposes: A case of post-9/11
USA. In J. Edge (Ed.), (Re-)Locating TESOL in an age of Empire (tr. 119-138). London: Palgrave
Macmillan
18
[16] Pennycook, A. (1990). Critical pedagogy and second language education.System 18(3),
303-
314.
[17] Szanton, D. (Ed.). (2004). The politics of knowledge: Areas studies and the disciplines. California:
The University of California Press
[18] Spradley, J., & McCurdy, D. (1972).The cultural experience: Ethnography in a complex
society. Chicago: Science Research Associates.
[19] Thủ tướng Chính phủ (2008).Quyết định số 1400/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ : Về việc
phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”.
Hà Nội: Thủ tướng Chính phủ.
19
NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ TẠI ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ (ĐHQGHN): ĐỊNH
NGHĨA, ĐỊNH VỊ VÀ ĐỊNH HƯỚNG
GS.TS. Nguyễn Quang
Trung tâm Ngôn ngữ & Quốc tế học,Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
ĐTDĐ: 0936048670
Email:
Tóm tắt
Tác giả xác định khái niệm ‘Nghiên cứu quốc tế’ hay ‘Quốc tế học’ với tư cách là định nghĩa
công cụ (working definition) cho bài viết. Dựa trên chương trình giảng dạy và nghiên cứu của 35
trung tâm học thuật thuộc nhiều quốc gia khác nhau (Mĩ, Anh, Úc, Pháp, Canađa, Hà Lan, Singapore),
tác giả lập nhiệt đồ (heatmap) ngành Nghiên cứu quốc tế với các lĩnh vực nghiên cứu/giảng dạy khác
nhau xét theo ‘độ nóng’ tần suất quan tâm học thuật của các lĩnh vực này nhằm định vị khu vực thuộc
khả năng, sở trường và tiềm năng chuyên sâu của ULIS. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra định hướng
(hoàn toàn mang tính ướm thử và gợi mở) cho việc phát triển ngành ‘Nghiên cứu quốc tế’ tại ULIS.
1. Đặt vấn đề
Nghiên cứu Quốc tế (hay Quốc tế học/ International studies) xuất hiện với tư cách là
một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành và được nhận diện tương đối độc lập vào giữa thế kỉ 20.
Ngành nghiên cứu này càng được quan tâm hơn khi quá trình khu vực hóa, quốc tế hóa và toàn
cầu hóa, không chỉ đơn thuần mang tính lãnh thổ, đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và
trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Cường độ và tần suất tương tác giữa các quốc gia, sự
kéo gần về không gian và phẳng hóa về tiếp cận thông tin do những tiến bộ lớn lao của khoa
học kĩ thuật, sự di cư và nhập cư, sự đụng độ về các lợi ích kinh tế và chính trị, sự xung đột về
các giá trị văn hóa và đức tin tôn giáo, v.v. đã đặt ra một loạt vấn đề không chỉ đơn thuần
mang tính liên quốc gia (inter-country) vốn được coi là mối quan tâm truyền thống của ‘Quan
hệ quốc tế’mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực (regional) và, thậm chí, toàn cầu (global). Vì
vậy, việc nghiên cứu về vận hành của, và tương tác giữa, các thể chế văn minh thuộc các quốc
gia và vùng lãnh thổ khác nhau (chính thống) cùng các vận hành và tương tác phi chính thống
của các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo, văn hóa … cũng như các vấn đề nảy sinh và nguy cơ tiềm
ẩn của các quá trình đó là một yêu cầu bức thiết.
2. Định nghĩa ‘Quốc tế học’
20
Có thể thấy rằng, về căn cốt và theo truyền thống, ‘Quốc tế học’ được phát triển trên cơ
sở của ‘Quan hệ quốc tế’, vốn có lịch sử nghiên cứu và vận dụng hàng nghìn năm nay. Nó trở
thành một lĩnh vực nghiên cứu mang tính đa ngành, không chỉ tập trung vào những sự kiện/vấn
đề mang tính liên quốc gia mà còn đi sâu vào các sự kiện/vấn đề mang tính toàn cầu như di cư
và tị nạn, xung đột và khủng bố, khu vực hóa và toàn cầu hóa, văn minh và đụng độ … và do
vậy, Quốc tế học (Nghiên cứu quốc tế) còn được gọi là ‘Nghiên cứu toàn cầu’ (Global studies).
Dựa trên các định nghĩa (definitions), các cách nhìn nhận (conceptualisations) khác nhau về
Quốc tế học và trên cơ sở mục đích, mục tiêu nghiên cứu, giảng dạy Quốc tế học tại các thể
chế học thuật được tham khảo, tác giả cho rằng ‘Quốc tế học là một lĩnh vực đa ngành, tập
trung vào những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo nổi trội mang tầm khu vực
và toàn cầu. Nó nghiên cứu và kiến giải các vấn đề đó theo góc nhìn đa qui chiếu nhằm giúp
đạt tới một sự hiểu biết toàn diện hơn về một thế giới đang trong quá trình khu vực hóa và
toàn cầu hóa mạnh mẽ’.
3. Định vị ‘Quốc tế học’
Các trung tâm học thuật thuộc các quốc gia khác nhau, dựa trên những quan tâm khác
nhau, thường hướng trọng tâm nghiên cứu vào các vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu ở các
mức độ khác nhau. Xem xét chương trình giảng dạy Quốc tế học tại 35 trường đại học, học
viện và trung tâm Quốc tế học của các nước Mĩ, Anh, Úc, Pháp, Hà Lan, Canada, Singapore,
tác giả nhận thấy, tuy có ít nhiều khác biệt về nội dung ngành học và trọng tâm học thuật,
nhưng nhìn chung, các môn học/lĩnh vực được nêu ra trong nhiệt đồ dưới đây đều xuất hiện
với tần suất khác nhau trong các chương trình đó [được thể hiện bằng các gam mầu khác nhau
từ nóng nhất (đỏ đậm: xuất hiện nhiều nhất trong các chương trình) đến lạnh nhất (lam nhạt:
xuất hiện ít nhất)]. Ở nhiệt đồ này, tác giả không nêu hết tên các môn học/lĩnh vực nghiên cứu
của các trung tâm học thuật được tham khảo vì xét thấy nhiều môn/lĩnh vực tuy với tên gọi ít
nhiều khác nhau nhưng trùng/tương tự nhau về nội dung nghiên cứu/giảng dạy.
21
NHÂN HỌC
KINH TẾ
CHÍNH TRỊ
QUỐC TẾ
LỊCH SỬ
CÁC DẠNG
THỨC GIAO
TIẾP VÀ NGÔN
NGỮ
QUẢN TRỊ
DÂN CHỦ
NGHIÊN
CỨU PHÁT
TRIỂN
KINH
DOANH
QUỐC TẾ
CHÍNH TRỊ
LIÊN MINH
BIÊN GIỚI
VÀ BẢN SẮC
VĂN HÓA
ĐA DẠNG
VĂN HÓA VÀ
BIẾN ĐỔI XÃ
HỘI
CÁC TỔ
CHỨC PHI
CHÍNH PHỦ
KHU VỰC
HÓA, QUỐC
TẾ HÓA,
TOÀN CẦU
NGOẠI NGỮ
CÁC TỔ
CHỨC QUỐC
TẾ
NGHIÊN
CỨU ĐA
PHƯƠNG
KHU VỰC
HỌC
CÁC VẤN ĐỀ
QUỐC TẾ
XUNG ĐỘT
QUỐC TẾ VÀ
THÁCH THỨC
AN NINH
NGHIÊN CỨU
CHIẾN LƯỢC
VÀ QUỐC
PHÒNG
NGHIÊN CỨU
KHỦNG BỐ VÀ
BẠO LỰC
CHÍNH TRỊ
NGHIÊN
CỨU VĂN
HÓA
ĐẤT NƯỚC
HỌC
QUAN HỆ
QUỐC TẾ
DI CƯ
VÀ TỊ NẠN
NHÂN
QUYỀN VÀ
AN NINH
CON NGƯỜI
XÃ HỘI HỌC
KIỂM SOÁT
VŨ KHÍ
NGHIÊN CỨU
AN NINH PHI
TRUYỀN
THỐNG
KINH TẾ
CHÍNH TRỊ
SO SÁNH
CHÍNH TRỊ
MÔI
TRƯỜNG
MÔI
TRƯỜNG
TOÀN CẦU
CÁC VẤN ĐỀ
VÀ XUNG
ĐỘT TOÀN
CẦU
4. Định vị sở trường của trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN (ULIS)
Xét theo nhiệm vụ, chức năng, khả năng, sở trường, truyền thống … của ULIS trong
nghiên cứu và giảng dạy hàng chục năm qua, tác giả nhận thấy vùng nhiệt đồ trong đó ‘bản sắc’
ULIS được nhận diện rõ ràng nhất nằm ở rìa trên bên phải của nhiệt đồ với các môn học/lĩnh
vực không thực sự thuộc cốt lõi ngành học (core): Ngoại ngữ, đất nước học, các dạng thức
giao tiếp và ngôn ngữ…
Dựa vào lĩnh vực chuyên môn và tiềm năng phát triển của ULIS, tác giả cho rằng nhà
trường có sở trường và có khả năng phát triển học thuật ở ba khu vực ngoại ngữ-ngôn ngữ, đất
nước học-khu vực học và văn hóa-giao tiếp với các môn cụ thể có mầu xanh lá cây (độ đậm
nhạt khác nhau thể hiện mức độ sở trường của ULIS)
22
NHÂN HỌC
KINH TẾ
CHÍNH TRỊ
QUỐC TẾ
LỊCH SỬ
CÁC DẠNG
THỨC GIAO
TIẾP VÀ NGÔN
NGỮ
QUẢN TRỊ
DÂN CHỦ
NGHIÊN
CỨU PHÁT
TRIỂN
KINH
DOANH
QUỐC TẾ
CHÍNH TRỊ
LIÊN MINH
BIÊN GIỚI VÀ
BẢN SẮC VĂN
HÓA
ĐA DẠNG
VĂN HÓA
VÀ BIẾN
ĐỔI XÃ HỘI
CÁC TỔ
CHỨC PHI
CHÍNH PHỦ
NGOẠI
NGỮ
KHU VỰC
HÓA, QUỐC
TẾ HÓA,
TOÀN CẦU
CÁC TỔ
CHỨC QUỐC
TẾ
NGHIÊN
CỨU ĐA
PHƯƠNG
KHU VỰC
HỌC
CÁC VẤN
ĐỀ QUỐC TẾ
NGHIÊN CỨU
CHIẾN LƯỢC
VÀ QUỐC
PHÒNG
XUNG ĐỘT
QUỐC TẾ VÀ
THÁCH THỨC
AN NINH
NGHIÊN CỨU
KHỦNG BỐ VÀ
BẠO LỰC
CHÍNH TRỊ
NGHIÊN
CỨU VĂN
HÓA
ĐẤT NƯỚC
HỌC
QUAN HỆ
QUỐC TẾ
DI CƯ
VÀ TỊ NẠN
NHÂN
QUYỀN VÀ
AN NINH
CON NGƯỜI
XÃ HỘI HỌC
KIỂM SOÁT
VŨ KHÍ
MÔI
TRƯỜNG
TOÀN CẦU
NGHIÊN CỨU
AN NINH PHI
TRUYỀN
THỐNG
KINH TẾ
CHÍNH TRỊ
SO SÁNH
CHÍNH TRỊ
MÔI
TRƯỜNG
CÁC VẤN
ĐỀ VÀ
XUNG ĐỘT
TOÀN CẦU
5. Định hướng nghiên cứu và giảng dạy Quốc tế học tại ULIS
Với các khu vực thuộc, hoặc gần gũi với, sở trường và truyền thống học thuật của ULIS,
tác giả xin được gợi ý như sau:
5.1. Khu vực ‘Đất nước học - Khu vực học’(Country and area studies)
+ Tập trung vào nghiên cứu các quốc gia có ngôn ngữ được giảng dạy tại trường (Hoa
Kì học, Trung Quốc học, Nga học, Anh Quốc học, Úc Quốc học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học,
Pháp Quốc học, …) và tăng cường đối sánh với Việt Nam.
+ Mở rộng sang nghiên cứu khu vực (Đông Nam Á học, Đông Bắc Á học, EU học, Bắc
Mĩ học, A-rập học, …) và tăng cường đối sánh với Đông Nam Á
23
+ Nên lập trung tâm nghiên cứu Việt Nam học đề đi sâu nghiên cứu về Việt Nam và
làm đầu mối trao đổi, liên kết với các trung tâm nghiên cứu đất nước và khu vực học (seats of
country and area studies) ở trong và ngoài nước.
+ Môn học được dạy bằng ngoại ngữ.
5.2. Khu vực ‘Ngoại ngữ - Ngôn ngữ’(Languages)
+ Giảng dạy ngoại ngữ: Dạy các ngôn ngữ thuộc đất nước và khu vực được nghiên
cứu (Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Hàn, A-rập …) theo hướng ESP, phát triển các kĩ năng nói,
nghe, đọc, viết hướng vào ngành Quốc tế học.
+ Ngôn ngữ
* Phân tích diễn ngôn phê phán (CDA): Nghiên cứu các ý định, ý niệm, ý tưởng,
quan điểm, cách nhìn nhận … (ideology) và các biểu đạt quyền lực (power+ and power-)
được thể hiện qua các phát biểu, diễn văn … của các nhân vật được xét trong các sự
kiện, tình huống cụ thể. (Các chuyên gia về CDA sẽ đưa ra chương trình cụ thể và chi
tiết hướng vào Quốc tế học)
* Dịch thuật: Nghiên cứu, phân tích, bình luận về các văn bản gốc và văn bản
dịch liên quan đến các vấn đề quốc tế và toàn cầu. (Các chuyên gia về dịch thuật sẽ đưa
ra chương trình cụ thể và chi tiết hướng vào Quốc tế học)
* Môn học được dạy bằng ngoại ngữ hoặc song ngữ.
5.3. Khu vực ‘Giao tiếp - Văn hóa’ (Culture and Communication)
Đây là khu vực mà tác giả được yêu cầu nêu rõ định hướng theo quan điểm cá nhân, do
vậy, nó sẽ được trình bày chi tiết hơn, rõ ràng hơn và chủ quan hơn. Tác giả cho rằng, để tăng
cường hiểu biết về những vấn đề mang tính quốc tế và toàn cầu và để chuẩn bị vai trò công dân
toàn cầu cho người học, ở khu vực ‘Giao tiếp -Văn hóa’, ta cần giới thiệu các môn học sau:
+ Kĩ năng và chiến lược giao tiếp trong môi trường nội/liên/đa văn hóa(Đặt ưu tiên
cho môi trường liên/đa văn hóa)
* Các kĩ năng giao tiếp: Tập trung vào nghiên cứu, phân tích và thực hành các kĩ
năng giao tiếp nội ngôn (intralinguistic), cận ngôn (paralinguistic) và ngoại ngôn
(extralinguistic) xét theo dải tiếp diễn Qui thức-Phi qui thức (Formality-Informality
continuum).
24