Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

Tóm tắt luận án Tính hiện đại trong kịch nói Việt Nam về đề tài lịch sử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (279.71 KB, 24 trang )

1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Làm sống lại những nhân vật, sự kiện và câu chuyện trong lịch sử luôn
là nguồn cảm hứng của sáng tạo văn học nghệ thuật ở nhiều quốc gia, dân tộc
trên toàn thế giới, bởi con người dù ở thời đại nào cũng đều mong muốn tìm
đến với cội nguồn của mình, muốn đi tìm câu trả lời cho những bí ẩn và những
tồn nghi quá khứ. Hơn thế nữa, lịch sử còn là điểm tựa văn hóa, là lòng tự hào,
tự tôn dân tộc, giúp con người hiểu cha ông và hiểu chính mình.
Sáng tạo của sân khấu về đề tài lịch sử thực chất là hiện thực hóa nhu
cầu khám phá quá khứ bằng quan điểm, cách nghĩ của con người đương thời,
qua đó, tạo một sự kết nối tinh tế giữa những vấn đề của lịch sử với hiện thực
đương đại. Trong quá trình khám phá và tái tạo quá khứ ấy, người sáng tạo
hiển nhiên sẽ mang theo bản ngã, nhận thức, trình độ, nhân sinh quan và thế
giới quan của mình. Dù muốn dù không, thì tinh thần thời đại vẫn sẽ ùa vào
tác phẩm, nó chi phối người sáng tạo một cách vừa có ý thức, vừa vô thức.
Dấu ấn của con người hiện đại, của tinh thần thời đại được thể hiện
rõ nhất trong tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử ở việc tiếp cận, lý giải sự
kiện lịch sử và sáng tạo nhân vật lịch sử của người nghệ sĩ. Nếu các tác
giả thiếu nhạy cảm, lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử không còn giá
trị với thực tiễn sẽ dẫn đến việc minh họa lịch sử, tái hiện lịch sử một cách
khô khan, giáo điều. Nếu các tác giả không nắm vững kiến thức lịch sử, quá
nôn nóng với việc bày tỏ, gửi gắm quan điểm và thông điệp cho hiện tại sẽ
dẫn đến tình trạng bóp méo lịch sử, mượn xưa nói nay một cách khiên cưỡng.
Khi đã đưa những vấn đề của lịch sử trở về với đương thời, hiển
nhiên người sáng tạo sẽ làm mới nó bằng nhận thức, quan điểm, cách nghĩ
hôm nay. Tính hiện đại sẽ hiện diện trong tác phẩm một cách hiển nhiên mà
không người nghệ sĩ sáng tạo nào có thể phủ nhận hay đi ngược lại xu thế
đó. Bên cạnh việc mang lại sức hấp dẫn cho tác phẩm, tính hiện đại cũng có
thể ảnh hưởng đến tính chân thực lịch sử trong sáng tác kịch nói đề tài lịch


sử. Tuy nhiên, vấn đề này chưa từng được nghiên cứu một cách có hệ thống
ở một công trình khoa học nào. Đó là lý do nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài
Tính hiện đại trong kịch nói Việt Nam về đề tài lịch sử.
2. Mục đích nghiên cứu
2.1. Mục đích tổng quát
Thông qua việc nghiên cứu tính hiện đại trong các kịch bản kịch nói
Việt Nam về đề tài lịch sử, tác giả luận án muốn góp phần giải quyết những
vấn đề lý luận về sáng tác kịch bản sân khấu kịch nói đề tài lịch sử.


2

2.2. Mục tiêu cụ thể
- Nghiên cứu tính hiện đại trong cách tiếp cận, lý giải sự kiện lịch sử
được phản ánh trong tác phẩm sân khấu kịch; đánh giá những thành công
và hạn chế, bước đầu rút ra bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn những
sự kiện lịch sử và cách thức thể hiện nó trên sân khấu kịch hôm nay.
- Nghiên cứu tính hiện đại trong cách tiếp cận, sáng tạo nhân vật lịch
sử trong tác phẩm sân khấu kịch; đánh giá những thành công và hạn chế, đề
xuất giải pháp nhằm xây dựng những nhân vật lịch sử tích hợp được sự thật
quá khứ và hơi thở cuộc sống hôm nay trong tác phẩm kịch nói Việt Nam
về đề tài lịch sử.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu tính hiện đại trong các kịch bản kịch nói viết về các
triều đại phong kiến Việt Nam, có liên hệ đến một số vở diễn về đề tài lịch sử đã
được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam nhằm làm sáng rõ luận điểm của luận án.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Luận án tập trung khảo sát, nghiên cứu tính hiện đại trong các tác
phẩm sân khấu về đề tài lịch sử, thuộc thể loại kịch nói. Các tác phẩm về đề

tài lịch sử ở thể loại kịch thơ, kịch hát không thuộc phạm vi nghiên cứu của
luận án này.
- Trong số các tác phẩm kịch nói Việt Nam về đề tài lịch sử, NCS chỉ
tập trung khảo sát, nghiên cứu các kịch bản viết về các triều đại phong kiến
Việt Nam, cụ thể là 11 kịch bản: Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng); Nguyễn
Trãi ở Đông Quan (Nguyễn Đình Thi); Rừng trúc (Nguyễn Đình Thi);
Ngọc Hân công chúa (Lưu Quang Vũ); Hoàng hậu của hai vua (Lê Duy
Hạnh); Độc thoại đêm (Lê Duy Hạnh); Cột trụ chống trời (Nguyễn Anh
Biên); Mệnh đế vương (Hùng Tấn); Đời luận anh hùng (Lê Chí Trung); Mỹ
nhân và anh hùng (Chu Thơm); Ngàn năm tình sử (Nguyễn Quang Lập).
Đây là những kịch bản đã được dàn dựng và biểu diễn, một số vở đã
được giải trong các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn
quốc, là những tác phẩm sân khấu đã đặt ra nhiều vấn đề đáng được nghiên
cứu về sáng tác và biểu diễn về đề tài lịch sử.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Trên cơ sở các quan điểm và phương pháp luận khoa học của triết
học Mác - Lênin, luận án sẽ luận giải về tính hiện đại trong tác phẩm kịch


3
nói Việt Nam về đề tài lịch sử được thể hiện trong cách tiếp cận, lý giải sự
kiện lịch sử và cách tiếp cận, sáng tạo nhân vật lịch sử. Tiếp cận, lý giải
tính hiện đại trong sự vận động, phát triển của kịch nói đề tài lịch sử và mối
quan hệ của tính hiện đại với sự thật lịch sử và chân thực nghệ thuật.
4.2. Phương pháp tiếp cận
Để giải quyết các vấn đề của luận án, NCS đã sử dụng phương pháp tiếp
cận liên ngành như: văn học, nghệ thuật học (trong đó có sân khấu học), sử học,
xã hội học, văn hóa học, v.v...
4.3. Phương pháp nghiên cứu - thao tác cụ thể

Phương pháp lịch sử; Phương pháp phân tích, tổng hợp; Phương pháp
khảo tả; Phương pháp so sánh, đối chiếu.
5. Đóng góp của luận án
5.1. Đóng góp về mặt lý luận
Từ góc độ nghiên cứu tính hiện đại trong kịch nói Việt Nam đề tài
lịch sử, luận án sẽ góp thêm một tiếng nói về lý luận kịch đề tài lịch sử.
5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Bằng việc lý giải, phân tích, đánh giá tính hiện đại trong kịch nói
Việt Nam đề tài lịch sử ở nhiều góc độ, luận án sẽ có những đóng góp nhất
định đối với thực tiễn sáng tác, dàn dựng và biểu diễn kịch nói đề tài lịch sử
ở Việt Nam.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu (7 trang), phần Kết luận (9 trang), Tài liệu tham
khảo (6 trang) và Phụ lục (4 trang), nội dung luận án gồm 3 chương.
Chương 1: Khái niệm tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu và kịch
nói đề tài lịch sử (25 trang).
Chương 2: Tính hiện đại trong cách tiếp cận, lý giải sự kiện lịch sử
(48 trang).
Chương 3: Tính hiện đại trong cách tiếp cận, sáng tạo nhân vật lịch
sử (45 trang).

Chương 1
KHÁI NIỆM TÍNH HIỆN ĐẠI TRONG NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU
VÀ KỊCH NÓI ĐỀ TÀI LỊCH SỬ
1.1. Tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu qua nghiên cứu của
các học giả
1.1.1. Nghiên cứu của các học giả nước ngoài


4

Tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu luôn đi cùng với sự cách tân
là quan điểm của đạo diễn sân khấu người Nga G.Tốpxtônôgốp trong cuốn
sách Tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu [52]. G.Tốpxtônôgốp cho rằng:
“Sân khấu mang tính hiện đại - đó là sự kết hợp của kịch bản hiện đại, đạo
diễn hiện đại, diễn viên hiện đại, khán giả hiện đại. Sân khấu hiện đại - đó
là tư tưởng hiện đại được biểu hiện bằng hình thức hiện đại,… đó là sân
khấu phản ánh cuộc sống một cách đầy đủ và sâu sắc nhất” [52, tr 15]. Qua
nghiên cứu của mình, G.Tôpxtônôgốp đã lượng hóa tính hiện đại thành số
lượng (đầy đủ) và chất lượng (sâu sắc). Sự đầy đủ và sâu sắc ở đây chính là
khả năng phát hiện, nắm bắt những vấn đề của hiện thực và cách thức phản
ánh vấn đề đó trong tác phẩm.
Trong bài viết Những tìm tòi mới [52], tác giả X.A Liôsin đã đưa ra
khái niệm tính thời đại khi bàn về sự gắn kết của những vấn đề được phản
ánh trong tác phẩm với hiện thực cuộc sống đương thời: “Một tác phẩm chỉ
có thể có ý nghĩa thời đại thực sự nếu nó gắn liền được một cách hữu cơ cái
vĩnh cửu và cái của ngày hôm nay” [52, tr 114]. Theo tác giả, để đạt được
tính thời đại trong nội dung và hình thức của tác phẩm thì tác phẩm phải
phản ánh được sự thật ở một dạng thật đông đặc về cuộc sống ngày hôm
nay và biểu hiện nó qua ngôn ngữ của các nhân vật kịch; người đạo diễn
phải nắm bắt được ý tưởng của tác giả và hiện thực hóa nó trên sân khấu
(về nội dung) và nghệ thuật biểu diễn phải tái hiện được những giọng điệu
mới của thời đại trong vở diễn; sân khấu cần phải được giải phóng đến mức
tối đa khỏi những chi tiết thừa (hình thức)… Nếu tác phẩm trả lời được
những câu hỏi mà khán giả hôm nay quan tâm thì tác phẩm đó có tính thời
đại. Sự thể hiện của tính thời đại trong tác phẩm đôi khi có thể chỉ là một
sự đặt vấn đề, nhưng vấn đề đó phải được mọi người đang quan tâm, kích
thích được mọi người cùng suy nghĩ và cùng tìm câu trả lời.
Nhà lý luận phê bình sân khấu người Đức Heeman Hetne khi nghiên
cứu về kịch lịch sử đã viết rằng: “Kịch lịch sử cần phải thấm nhuần bầu nhiệt
huyết của trái tim thời đại mình, quan sát ở đó mẩu vụn vỡ lịch sử một cách

cần thiết, làm cho các nhân vật nổi bật lên...” [2, tr 125].
Các học giả Trung Quốc như Tư Tiến, Mã Thiếu Ba, Lý Kiên Ngô,
Tiền Anh Úc, Mao Thuẫn trong cuộc Thảo luận về vấn đề kịch lịch sử [66]
đều cho rằng viết kịch lịch sử, viết chuyện người xưa, không có nghĩa là viết
cho người xưa, viết kịch lịch sử vì lịch sử. Kịch lịch sử muốn có tính hiện
đại, đáp ứng được nhu cầu của khán giả hôm nay, phục vụ cuộc sống hôm


5
nay thì phải phản ánh được tinh thần thời đại. Sự lan tỏa, gắn kết những
giá trị tốt đẹp của lịch sử với cuộc sống hôm nay trong mỗi tác phẩm về đề
tài lịch sử chính là các nghệ sĩ sáng tạo đã mang đến tinh thần thời đại cho
tác phẩm.
Tính thời đại trong quan điểm của X.A Liôsin và khái niệm thời đại
trong quan điểm của Heeman Hetne và các học giả Trung Quốc cũng chính là
tính hiện đại mà đạo diễn G.Tôpxtônôgốp đã nghiên cứu. Tuy khác nhau về tên
gọi, nhưng những khái niệm mà các học giả đưa ra lại thống nhất với nhau về
nội dung, đó là: để có thể đồng hành cùng đời sống hiện đại, các tác phẩm sân
khấu phải lựa chọn được những vấn đề có giá trị với cuộc sống đương thời, lý
giải nó bằng quan điểm khoa học, sâu sắc, trả lời được những câu hỏi mà khán
giả hôm nay quan tâm. Nói cách khác, cuộc sống ngày hôm nay chính là lý do
để sân khấu đưa các vấn đề của lịch sử, của ngày hôm qua trở về. Sự trở về này
phải bằng một hình thức, nội dung mới mẻ, hấp dẫn, vừa trung thành với bản
chất của lịch sử, vừa không xa lạ với khán giả hôm nay.
1.1.2. Nghiên cứu của các học giả trong nước
Tại Hội nghị đầu tiên Bàn về đề tài lịch sử của Viện Sân khấu [74],
tính đương thời trong sân khấu về đề tài lịch sử đã được đặt ra. Các học giả
Lê Ngọc Cầu, Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Đức Nam đã đưa ra quan điểm
rằng, nếu không vì những vấn đề của hiện tại thì lịch sử không được hồi
sinh trên sân khấu hiện đại.

Đến Hội nghị chuyên đề Sân khấu với đề tài lịch sử [37], các tác giả
Tất Thắng, Lê Duy Hạnh, Mịch Quang, Xuân Yến, Dương Ngọc Đức, Hồ
Ngọc, Trần Trí Trắc... cho rằng viết về đề tài lịch sử chính là hướng tới con
người đương thời, con người hôm nay, lấy chuyện ngày xưa để nói chuyện
ngày nay, làm cho lịch sử sống lại với đương thời.
Tại Tọa đàm Nghệ thuật sân khấu sáng tạo về đề tài lịch sử [18], các
tác giả Phạm Duy Khuê, Nguyễn Văn Thành, Lê Quý Hiền đều tán thành
quan điểm rằng: Những vấn đề của lịch sử cần phải được cảm nhận, lý giải
theo quan điểm của ngày hôm nay, của đương thời, tìm được mối dây liên hệ
với cuộc sống hôm nay thì tác phẩm mới có giá trị.
Đến Hội thảo khoa học toàn quốc Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề
tài lịch sử [17], TS Nguyên An cho rằng: “Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử
còn được dẫn dụ bởi những ám ảnh riêng, cảm hứng riêng của cả trăm năm,
ngàn năm trước và của những tiếng gọi cũng thật thiết tha của ngày hôm
nay nữa...” [17, tr 214]. Trong bài tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng


6
Vinh đã dẫn lời của GS Hà Minh Đức trong bài tham luận rằng: “Viết về
lịch sử không phải để thỏa chí tò mò, tìm hiểu quá khứ mà không có mục
đích, mà thực ra đến với lịch sử là nhằm phục vụ cho những vấn đề của
hiện tại” [17, tr 673].
Khi nghiên cứu về kịch đề tài lịch sử, tác giả Trần Thị Minh Thu
trong luận văn Kịch Việt Nam về đề tài lịch sử (giai đoạn 1985 đến nay)
[55] đã gắn kết tính đương thời với tính thời sự. Theo tác giả: Lịch sử
chứa đựng trong nó những gì thuộc về quá khứ, nhưng quá khứ ấy dù được
thể hiện trong một tác phẩm nghệ thuật sinh động đến mức nào thì cũng chỉ
có ý nghĩa khi nó thấm đượm tính đương thời và tính thời sự.
Như vậy, tính đương thời trong nghệ thuật sân khấu nói chung và sân
khấu về đề tài lịch sử nói riêng đã được các học giả, các nhà nghiên cứu

đánh giá như một thành tố làm nên tính mới, sự hấp dẫn của tác phẩm mà
nhiều nhà nghiên cứu sau này gọi là tính hiện đại.
Luôn đề cao vai trò của cuộc sống đương thời trong mỗi tác phẩm về
đề tài lịch sử, nhưng PGS.TS Phan Trọng Thưởng đã sử dụng khái niệm
thời đại khi đề cập đến sáng tạo sân khấu về đề tài lịch sử. Trong bài viết
“Rừng trúc” của Nguyễn Đình Thi và một số vấn đề lý luận sáng tác về đề
tài lịch sử [57], ông cho rằng, khả năng phát hiện, khai thác mối liên hệ
giữa thời đại và sự kiện lịch sử sẽ bộc lộ phẩm chất, tài năng của người nghệ
sĩ, đồng thời quyết định đến thành công của tác phẩm.
Một số học giả đã sử dụng khái niệm tính đương đại khi nghiên cứu
về vấn đề này, đồng thời, coi tính đương đại là một cách gọi khác của tính
hiện đại. Trong bài viết của mình, các tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền, Đàm
Vân Dung, Trịnh Quang Khanh đều cho rằng những sự kiện, những con
người của cuộc sống đương đại là những thành tố làm nên tính hiện đại của
tác phẩm. Các tác giả Cao Thị Xuân Ngọc, Việt Thắng, Hồ Thị Thanh Tâm
trong luận văn thạc sĩ của mình cũng đồng nhất hai khái niệm tính hiện đại
và tính đương đại. Các nhà hoạt động sân khấu theo quan điểm này đã cho
rằng tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu cũng chính là tính đương đại, đó
là sự biểu hiện một cách nhạy bén, sâu sắc những vấn đề của cuộc sống
đương đại trên sân khấu. Nếu không có hơi thở của cuộc sống đương đại thì
sân khấu không thể có tính hiện đại.
Như vậy, qua kết quả nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước,
tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu đã được tiếp cận, khảo sát từ nhiều
góc độ khác nhau, luận giải theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn thể hiện sự


7
thống nhất trong đa dạng rằng: Sáng tạo sân khấu nói chung và sân khấu về
đề tài lịch sử nói riêng bao giờ cũng hướng đến con người và cuộc sống
đương thời; Những vấn đề của quá khứ, của lịch sử chỉ có thể đồng hành

cùng đời sống đương thời khi nó được phát hiện, tiếp cận, lý giải bằng cảm
quan lịch sử nhạy bén và thái độ tích cực của con người hôm nay, trả lời
được những câu hỏi mà khán giả hôm nay quan tâm; Sự tiếp cận, phát hiện
và lý giải mối quan hệ giữa hiện thực quá khứ (hiện thực lịch sử) và đời sống
đương đại sẽ bộc lộ phẩm chất, tài năng của người nghệ sĩ, đồng thời quyết
định đến thành công của tác phẩm sân khấu nói chung, tác phẩm sân khấu về
đề tài lịch sử nói riêng.
Có thể nói rằng, đây chính là những vấn đề của tính hiện đại trong
nghệ thuật sân khấu mà đạo diễn G. Tốpxtônôgốp đã nghiên cứu. TS Ngô
Phương Lan khi nghiên cứu về Tính hiện đại và tính dân tộc trong điện ảnh
Việt Nam cũng kết luận rằng:
Tính hiện đại là một phẩm chất của các tác phẩm văn học nghệ thuật
phản ánh đúng tinh thần thời đại, đi cùng với xu thế phát triển của thời đại.
Ở đó, tính hiện đại khiến cho tác phẩm đi vào những vấn đề mà mọi người
trong mọi xã hội, mọi dân tộc đều quan tâm. Những vấn đề ấy có thể đặt ra
trong cả những câu chuyện về cuộc sống đương đại lẫn những câu chuyện
cũ – có thể là từ thời cổ xưa – nhưng đều khiến con người của xã hội đương
đại quan tâm. Tính hiện đại không những nằm trong nội dung tác phẩm
(vấn đề được phản ánh) mà trong cả hình thức thể hiện (cách thức chuyển
tải ý tưởng tác giả) [26, tr 26, 27].
Dưới góc độ nào đó, tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu nói riêng
và trong tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung đã bao hàm các giá trị của
tính đương đại, tính thời đại, tính đương thời, tính thời sự... mà các học giả
đã nghiên cứu. Tuy nhiên, sự khác nhau trong cách gọi tên khái niệm đã
khiến các học giả chưa đi tới sự thống nhất và chưa đưa ra một khái niệm
cụ thể, thuyết phục về tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu, lấy đó làm
tiêu chí để đánh giá tác phẩm. Tính hiện đại cũng chưa từng được nghiên
cứu một cách có hệ thống trong các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử, đặc
biệt là kịch nói về đề tài lịch sử.
1.2. Khái niệm tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu

Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của những học giả đi trước,
tiếp cận những quan điểm khoa học mới, chúng tôi nhận thấy rằng: Tính
hiện đại là một phẩm chất của tác phẩm sân khấu, thể hiện sự mới mẻ,


8

nhạy bén trong khả năng khám phá, phát hiện hiện thực; sự luận giải
sâu sắc, tinh tế hiện thực được phản ánh trong tác phẩm với một quan
điểm mới, tiến bộ, khoa học và nhân văn; sản phẩm sáng tạo phải đề
cập đến những vấn đề mà con người, xã hội đương thời quan tâm,
hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.
Một tác phẩm sân khấu có tính hiện đại phải đạt tới những tiêu chí
sau:
- Phát hiện, tiếp cận, phản ánh những vấn đề đang là mối quan tâm
chung của mọi con người, mọi xã hội.
- Lý giải những vấn đề được phản ánh bằng quan điểm mới, tiến bộ,
khoa học, nhân văn.
- Tác phẩm mang được tinh thần thời đại của đối tượng phản ánh, của
người sáng tác và có sự kết nối tinh tế với những vấn đề mà xã hội đương
đại quan tâm.
- Tác phẩm được chuyển tải bằng một hình thức và phương tiện nghệ
thuật hiện đại, giàu tính biểu cảm, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của
khán giả đương thời.
1.3. Khái niệm về sân khấu đề tài lịch sử
* Lịch sử
Lịch sử là quá trình phát sinh, phát triển đã qua của một hiện tượng, sự
vật nào đó diễn ra theo trình tự thời gian. Lịch sử luôn luôn được nhận biết
dưới hai dạng thức, đó là dòng lịch sử khách quan và dòng lịch sử trong nhận
thức (chủ quan) của con người. Khái niệm lịch sử được sử dụng trong luận

án này là lịch sử trong nhận thức của con người, lịch sử chính thống (chính
sử), được nghiên cứu, ghi chép bởi các nhà sử học và được phổ biến rộng rãi.
* Đề tài lịch sử
Đề tài lịch sử là một mảng đề tài lớn của văn học nghệ thuật nói
chung và sân khấu nói riêng, lấy cuộc đời, sự nghiệp của các nhân vật lịch
sử, các sự kiện lịch sử đã được ghi chép trong sử sách và các nguồn sử liệu
làm đối tượng, chất liệu để khai thác, miêu tả.
* Sáng tạo sân khấu về đề tài lịch sử
Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng [57], thực chất của sáng tạo nghệ
thuật về đề tài lịch sử là khai thác lịch sử theo một cách thức tiếp cận mới,
một cảm hứng lịch sử - công dân mới trên nguyên tắc vừa tôn trọng sự thật
lịch sử, vừa tôn trọng sự thật nghệ thuật… Tác phẩm sân khấu về đề tài lịch
sử là một sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ, lấy sự kiện và nhân vật lịch


9
sử làm đối tượng miêu tả, tuân thủ nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật sân khấu
và đặc trưng của từng thể loại.
* Hình tượng nhân vật lịch sử
Hình tượng nhân vật lịch sử là kết quả sáng tạo của người nghệ sĩ
trên cơ sở những cảm xúc về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật lịch sử.
Hình tượng nhân vật lịch sử là sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật, mang
đậm phong cách sáng tạo của cá nhân người nghệ sĩ.
* Nhân vật hư cấu
Là nhân vật không có thật trong lịch sử được tác giả hư cấu trong tác
phẩm về đề tài lịch sử nhằm mục đích chuyển tải một ý đồ sáng tạo nào đó.
1.4. Tính hiện đại trong kịch nói về đề tài lịch sử
Với tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử, thành công hay thất bại của
người nghệ sĩ sáng tạo được quyết định bởi việc hóa giải chất liệu lịch sử,
phục vụ nhu cầu tinh thần của khán giả đương thời. Chất liệu lịch sử quan

trọng nhất trong sáng tạo tác phẩm chính là sự kiện và nhân vật lịch sử. Hóa
giải chất liệu lịch sử chính là quá trình tiếp cận, tái hiện những sự kiện lịch
sử trong tác phẩm và tiếp cận, sáng tạo nhân vật lịch sử trong tác phẩm.
Tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử sẽ có tính hiện đại khi quá trình
tiếp cận, tái hiện những sự kiện lịch sử trong tác phẩm người tác giả
biết cách tổ chức lại sự kiện, hình thành diện mạo lịch sử mới trong tác
phẩm, diện mạo lịch sử ấy vẫn trung thành với bản chất của lịch sử nhưng
phản ánh được xung đột của cuộc sống mới, chứa đựng những thông điệp
mới cho đời sống đương thời; tác giả phải phát hiện những vấn đề của lịch
sử còn giá trị với đương thời, từ đó phát triển, nhân lên ý nghĩa của sự kiện
lịch sử đó, lan tỏa tới cuộc sống đương thời; bằng quan điểm tiến bộ, khoa
học và từ tâm thế của thời đại mình, tác giả có thể nhận thức, đánh giá lại
sự kiện lịch sử, mang lại cho sự kiện lịch sử ý nghĩa mới và tiếp cận gần
nhất đến sự thật lịch sử; hư cấu hợp lý sự kiện lịch sử cũng là một thao tác
cần thiết để hoàn thiện đời sống lịch sử trong tác phẩm, đưa những vấn đề
được phản ánh trong tác phẩm đồng hành cùng đời sống đương đại, nhận
được sự chia sẻ của khán giả đương đại.
Quá trình tiếp cận, sáng tạo nhân vật lịch sử trong tác phẩm sẽ
mang đến tính hiện đại cho tác phẩm khi tác giả biết hiện thực hóa, mang
đến cho nhân vật lịch sử một tính cách, một số phận vừa là đại diện của lịch
sử, vừa không xa lạ với con người đương thời; khi tác giả đứng trên quan
điểm khoa học, tiến bộ của hôm nay, nhận thức và đánh giá lại nhân vật


10
lịch sử, tiếp thêm sức sống và trả lại sự công bằng cho nhân vật lịch sử; khi
tác giả bằng sự tích lũy vốn sống, văn hóa của mình, sáng tạo, hiện thực
hóa ngôn ngữ cho nhân vật để vừa giữ lại dấu ấn của lịch sử, vừa không xa
lạ với con người hôm nay; khi tác giả bằng khả năng tưởng tượng, phán
đoán của mình đã xây dựng nên những nhân vật hư cấu một cách hợp lý để

hoàn thiện đời sống trong tác phẩm và chuyển tải ý đồ, mục đích sáng tạo.
Quá trình sáng tạo về đề tài lịch sử còn đặt người nghệ sĩ trước thách
thức của tính chân thực lịch sử. Sự đối lập giữa quan điểm, tư tưởng hôm
nay được biểu hiện bằng chất liệu của ngày hôm qua đã khiến người nghệ
sĩ không chỉ am hiểu sâu sắc lịch sử mà còn phải đặc biệt nhạy bén trong
cảm nhận, phán đoán hiện tại. Tác phẩm kịch về đề tài lịch sử sẽ đạt được
tính hiện đại khi người nghệ sĩ tiếp cận, lý giải lịch sử, thậm chí nhận thức,
đánh giá lại lịch sử bằng quan điểm tiến bộ, khoa học, nhân văn của hôm
nay trên cơ sở tôn trọng logic và tinh thần lịch sử; những vấn đề lịch sử
được lựa chọn phải chứa đựng mối quan tâm của con người thời đại, mang
chở được tâm tư của nhiều người và đối thoại được với đương thời. Sản
phẩm sáng tạo mang được tinh thần thời đại nhưng không xung đột với tâm
thức của cộng đồng về các giá trị lịch sử.
Tiểu kết
Tính hiện đại trong nghệ thuật sân khấu là tính mới trong cách tiếp
cận, khám phá, tái tạo hiện thực, thể hiện ở quan điểm, cách nghĩ, cách làm
mới, khoa học và nhân văn, sản phẩm sáng tạo phải đề cập đến những vấn
đề mà con người, xã hội quan tâm, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho
con người.
Tính hiện đại trong tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử thể hiện ở việc
lựa chọn, phản ánh những tư liệu lịch sử có thể gợi mở đến những vấn đề
đang là mối quan tâm chung của con người, xã hội. Hiện thực lịch sử ấy
phải được lý giải bằng quan điểm tiến bộ, khoa học, nhân văn, vừa trung
thành với tinh thần của lịch sử, vừa kết nối tinh tế với hiện thực đương đại.
Tính hiện đại trong tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử được thể hiện tập
trung nhất trong quá trình tiếp cận, tái hiện sự kiện lịch sử và tiếp cận,
sáng tạo nhân vật lịch sử. Tính hiện đại đã góp phần làm nên giá trị của
tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử.



11

Chương 2
TÍNH HIỆN ĐẠI TRONG CÁCH TIẾP CẬN,
TÁI HIỆN SỰ KIỆN LỊCH SỬ
2.1. Tổ chức lại sự kiện lịch sử, hình thành diện mạo lịch sử mới
trong tác phẩm
Lựa chọn, tổ chức sự kiện lịch sử, hình thành một diện mạo lịch sử
mới trong tác phẩm là quá trình mang theo quan điểm, nhận thức của tác giả
về lịch sử, đồng thời, hiện thực hóa ý đồ sáng tạo của tác giả. Việc tổ chức sự
kiện lịch sử trong tác phẩm phải được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với thể
tài và thể loại tác phẩm mà tác giả lựa chọn. Xuất phát từ mục đích sáng tạo
khác nhau sẽ dẫn đến việc lựa chọn, tổ chức sự kiện lịch sử không giống
nhau ở mỗi nhà viết kịch. Có người chọn một sự kiện, có người chọn nhiều
sự kiện, có người đặt sự kiện này làm trung tâm, có người đặt sự kiện khác
làm trung tâm. Việc tổ chức sự kiện lịch sử này có thể làm thay đổi hoặc tạo
nên những xung đột mới của hiện thực lịch sử được phản ánh trong tác phẩm.
Cuộc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần mà cụ thể là
giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh gắn liền với số phận nhân vật Lý Chiêu
Hoàng cùng với 4 sự kiện đáng nhớ: Sự kiện truyền ngôi (Lý Huệ Tông
truyền ngôi cho con gái Chiêu Hoàng khi mới 7 tuổi), sự kiện nhường ngôi
(Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh và lui xuống làm
hoàng hậu), sự kiện truất ngôi (Chiêu Hoàng bị truất ngôi hoàng hậu, giáng
xuống làm công chúa) và sự kiện gả chồng (Trần Thái Tông gả Chiêu
Thánh cho tướng quân Lê Tần).
Khi vào tác phẩm, không phải tác giả nào cũng khai thác cả bốn sự
kiện trên. Có tác phẩm khai thác một sự kiện như Mệnh đế vương của tác giả
Hùng Tấn - chỉ khai thác sự kiện gả chồng; có tác phẩm khai thác hai sự kiện
như Rừng trúc của tác giả Nguyễn Đình Thi - khai thác sự kiện truất ngôi và
sự kiện gả chồng; có những tác phẩm khai thác ba sự kiện như Cột trụ chống

trời của tác giả Nguyễn Anh Biên; Độc thoại đêm của tác giả Lê Duy Hạnh khai thác sự kiện truyền ngôi, sự kiện nhường ngôi và sự kiện truất ngôi…
Sự khác nhau này nằm ở mục đích đối thoại với cuộc sống hôm nay của mỗi
tác giả. Nếu như Cột trụ chống trời muốn khẳng định vai trò của một cá nhân
trước cơn nguy biến của lịch sử nên đã lựa chọn cả ba sự kiện như là sự dẫn
giải cho sự ra đời của một triều đại mới thì Rừng trúc với thông điệp việc
nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không thể nhỏ hơn đã


12
khai thác sự kiện truất ngôi và sự kiện gả chồng, đặt thân phận người phụ nữ
vào những khúc quanh nghiệt ngã của số phận…
Không tổ chức sự kiện lịch sử theo nguyên tắc tăng dần đều về cấp
độ của xung đột, nhà văn Nguyễn Đình Thi chỉ lựa chọn hai sự kiện sau
cùng của bi kịch Lý Chiêu Hoàng để viết Rừng trúc. Qua hai sự kiện này,
các sự kiện quan trọng khác gián tiếp được tái hiện để kết nối logic, hoàn
thiện một mạch chảy liên tục của đời sống lịch sử trong tác phẩm. Việc lựa
chọn phong cách viết kịch luận đề của tác giả đã khiến cho sự đảo lộn trình
tự xuất hiện các sự kiện lịch sử trong tác phẩm trở thành hợp lý. Ý tưởng
sáng tạo của tác giả qua đó bộc lộ rõ ràng hơn, thuyết phục hơn. Diện mạo
lịch sử của thời khắc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lý và nhà Trần là
một thời khắc lịch sử vô cùng khốc liệt, đẩy nhân vật lịch sử đến giới hạn
cao nhất của thử thách để bộc lộ tính cách, còn tác giả có cơ hội bộc lộ
quan điểm, tư tưởng của mình. Vấn đề việc nước là lớn nhất, nhưng việc
người với người cũng không thể là nhỏ hơn đã được tác giả chuyển hóa vào
từng sự kiện, nhân vật kịch.
2.2. Phát hiện và phát triển ý nghĩa của sự kiện lịch sử
Quá trình khám phá, phát hiện ra những giá trị, những bài học lịch sử
ẩn chứa phía sau mỗi sự kiện lịch sử, phát triển nó và kết nối với hiện thực
đương đại bằng tư tưởng và quan điểm thẩm mỹ của con người hiện đại là
tác giả đã mang đến tính hiện đại cho tác phẩm. Cho dù sự kiện trong tác

phẩm thuộc về thời quá khứ, nhưng tác phẩm vẫn mang tính hiện đại vì vấn
đề mà nó đặt ra không dừng lại ở thời quá khứ. Vũ Như Tô của nhà văn Nguyễn
Huy Tưởng là một tác phẩm như vậy.
Nếu như trong lịch sử, Vũ Như Tô là một người thợ, tự xếp mía thành
mô hình cung điện để tiến thân vào quan lộ thì Vũ Như Tô của nhà văn
Nguyễn Huy Tưởng vì tài danh vang khắp cõi mà bị bắt về kinh, phục tùng
lệnh vua xây Cửu Trùng Đài. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy trong
câu chuyện về một người thợ được xem như một kẻ tội đồ của lịch sử bóng
dáng thân phận của người nghệ sĩ, đồng thời, khắc họa thành công bi kịch
của người nghệ sĩ trong tác phẩm. Theo GS Phong Lê, đó là cái bi kịch “ở
một sự nghiệp muốn được sống lâu dài theo thời gian, muốn là biểu tượng vẻ
vang của xứ sở, nhưng lại phục vụ cho cường quyền. Là kết quả của sự sáng
tạo, nhưng lại thực hiện trên mồ hôi, xương máu của nhân dân” [36, tr 119].
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã gửi vào câu chuyện lịch sử phê phán
thói ăn chơi hưởng lạc của Lê Tương Dực dẫn đến cơ đồ sự nghiệp tan nát


13
thông điệp về khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ - trí thức. Ẩn phía sau
bi kịch Vũ Như Tô là cả ước mơ, khát vọng cống hiến của Nguyễn Huy
Tưởng giữa những tối tăm, ngột ngạt của những ngày ông đang sống. Ông
không dấu giếm những dằn vặt của mình về nghệ thuật, về con đường đi
của người nghệ sĩ, trí thức trước những bế tắc hiện thời. Chính Nguyễn
Huy Tưởng đã mang đến câu chuyện lịch sử năm nào khát vọng sáng tạo
vĩnh cửu của người nghệ sĩ chân chính. Từ một câu chuyện đơn giản về
người thợ quê mùa, muốn dùng tài năng để tiến thân được nhà văn phát
triển thành bi kịch về thân phận người nghệ sĩ một cách sâu sắc và đầy ý nghĩa.
Phát hiện, lựa chọn câu chuyện, sự kiện lịch sử chứa đựng những vấn đề
có giá trị với cuộc sống đương thời, lý giải nó bằng cảm quan và tinh thần thẩm
mỹ mới đã giúp các tác giả đưa lịch sử trở về hiện tại một cách gần gũi. Tác giả

Nguyễn Đình Thi đã kết nối được câu chuyện lịch sử đầy biến động của triều
đại Lý - Trần vào với thông điệp Việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với
người cũng không thể là nhỏ hơn. Tác giả Nguyễn Anh Biên thì kết nối câu
chuyện lịch sử đó với sự liên tưởng đến hình tượng của cột trụ chống trời, qua
đó đề cao vai trò của đấng nam nhi khi đất nước gặp biến cố. Ở một góc độ nào
đó, vấn đề mà tác giả Nguyễn Anh Biên lựa chọn cũng là những vấn đề lớn của
mỗi quốc gia, dân tộc - nhất là những quốc gia phương Đông vốn coi trọng vai
trò của người đàn ông trong những việc lớn của gia đình và đất nước.
2.3. Nhận thức lại sự kiện lịch sử
Bằng cái nhìn khách quan, tích cực của con người hiện đại, nhiều
nghệ sĩ đã nhận thức và đánh giá lại câu chuyện, sự kiện, nhân vật đã được
ghi chép trong chính sử, đưa nhiều vấn đề lịch sử trở về với đúng bản chất
của nó. Không chỉ nhận thức, đánh giá lại lịch sử, qua tác phẩm, người
nghệ sĩ còn làm sống lại câu chuyện và sự kiện lịch sử bằng hơi ấm của
tình người và tình đời, lan tỏa được những sức mạnh của quá khứ tới đời
sống đương đại. Sự kiện chuyển giao ngôi báu giữa nhà Đinh và nhà Lê
cùng với thân phận của Dương Vân Nga là một trong những trường hợp
như vậy.
Mối quan hệ tình cảm giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn đã không
được ghi lại trong Việt sử lược, nhưng đến Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia
Ngô Sĩ Liên đã phê phán mối quan hệ này hết sức quyết liệt. Một vài cuốn
sử sau Đại Việt sử ký toàn thư cũng đều xem mối quan hệ này là không thể
chấp nhận, nó vi phạm vào đạo đức xã hội, nghĩa vua - tôi, chồng - vợ. Tuy
nhiên, sang đến thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu lịch sử như Song Cối,


14
Nguyễn Danh Phiệt, Nguyễn Thị Phương Tri đã có những cách đánh giá
khác về sự kiện lịch sử này. Dưới con mắt của họ, Dương Vân Nga đã trở
thành một người phụ nữ đi trước thời đại mình, biết hy sinh quyền lợi của

dòng tộc mình cho quốc gia, trăm họ.
Tiếp nối những quan điểm tích cực của các nhà sử học thế kỷ XX, tác
giả Trúc Đường và tác giả Lê Duy Hạnh đã coi sự kiện nhường ngôi này của
Dương Vân Nga là tất yếu nếu muốn giữ nước. Trong tác phẩm Hoàng hậu
của hai vua, tác giả Lê Duy Hạnh đã đánh giá cao tầm quan trọng của sự kiện
nhường ngôi và coi Dương Vân Nga là người phụ nữ có công, vì nàng chính
là “chiếc gạch nối” giữa nhà Đinh và nhà Lê trước vận mệnh của đất nước.
Kịch bản chèo Thái hậu Dương Vân Nga của tác giả Trúc Đường cũng ca
ngợi nhân vật Dương Vân Nga biết đặt nghĩa cả trên tình riêng, có tấm lòng
yêu nước trong sáng và có tầm nhìn chiến lược.
Từ một người phụ nữ chịu tiếng là thất tiết với chồng, thất trung với
triều đình... trong suốt hàng ngàn năm lịch sử trở thành người đáng được tôn
vinh, kính trọng. Mặc dù vẫn còn tồn tại những hoài nghi về quan điểm quá
tiến bộ, quá thức thời của nhân vật, nhưng từ cách tiếp cận của mình, các tác
phẩm đã đánh giá lại bản án lịch sử năm xưa, người có tội đã trở thành người
có công lớn đối với sự tồn vong của dân tộc. Quan điểm mới mà vở diễn đưa
ra đã tiếp tục được logic lịch sử và hoàn cảnh xã hội của thời kỳ lịch sử nhân
vật đang sống, thời mà nhà sử học Trần Quốc Vượng nhận xét là: Hôn nhân yêu đương - ái tình còn "tự do" lắm!".
Hiện thực lịch sử được phục hồi, tái hiện trong sử sách luôn luôn bị
giới hạn trong chừng mực mà nhà sử học có thể nhận thức được về nó. Vì
thế, bản thân lịch sử cũng được các nhà sử học các thế hệ nghiên cứu, đánh
giá lại khi cần thiết. Với chức năng nhận thức, phản ánh cuộc sống của mình,
tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu về đề tài lịch sử nói riêng
đã tiếp cận, lý giải, nhận thức, đánh giá lịch sử từ nhiều góc độ, trên cơ sở đó
tái hiện một hiện thực lịch sử trong văn học nghệ thuật sinh động và vô cùng
phong phú. Những sự kiện lịch sử gây nhiều quan điểm, nhận định trái chiều
càng được sân khấu về đề tài lịch sử quan tâm, như cuộc chuyển giao quyền
lực giữa nhà Đinh và nhà Lê, cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại
Lý - Trần, cuộc chuyển giao giữa nhà Trần và nhà Hồ, nhà Lê và triều đại
Tây Sơn… Tuy nhiên, việc đánh giá lại câu chuyện lịch sử, sự kiện lịch sử và

nhân vật lịch sử qua tác phẩm đòi hỏi một cách làm khoa học, có căn cứ xác
đáng. Mọi suy luận, biện giải phải trên cơ sở logic của hoàn cảnh lịch sử lúc


15
đó, chứ không phải logic của đời sống hôm nay. Mọi sự áp đặt cách nghĩ,
cách làm của con người hiện đại lên tác phẩm đều dẫn đến tình trạng bóp
méo sự thật, làm biến đổi bản chất của lịch sử.
2.4. Hư cấu hợp lý sự kiện lịch sử
Hư cấu sự kiện để hoàn thiện đời sống lịch sử trong tác phẩm đòi hỏi
người tác giả phải bằng sự tích lũy quá khứ, am hiểu quá khứ, nhận định,
phán đoán lịch sử bằng quan điểm hiện đại. Những phán đoán, suy luận đó
phải phù hợp với quy luật vận động của lịch sử và với logic nghệ thuật.
Nhiều nhà viết kịch đã hư cấu hợp lý sự kiện lịch sử để phát triển những
phần nhà sử học ngừng bút, làm đầy những phần khuất lấp của lịch sử.
Khi viết Quang Trung, nhà viết kịch Trúc Đường đã hư cấu hợp lý sự
kiện người anh hùng áo vải gửi cành đào vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân để
báo tin thắng trận. Sau chiến thắng Ngọc Hồi, vua Quang Trung cùng quân
sĩ tiến vào Thăng Long, trên người còn vương mùi thuốc súng. Khi đó, bên
thềm mùa xuân, hoa đào đang nở rực rỡ, tại điện Kính thiên, nhà vua rút
bảo kiếm cắt một cành đào đẹp nhất, chi chít nụ hoa, quấn trong tấm khăn
lụa điều, sai tùy tướng Đôn mang về Phú Xuân tặng cho Ngọc Hân. Về
logic nghệ thuật, đây là những sáng tạo hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh và
tính cách của nhân vật đã được quy định trong kịch. Tác giả đã khỏa lấp
những khoảng trống mà lịch sử còn bỏ ngỏ bằng một sự kiện khiến người
xem tin rằng nó có thể xảy ra và nhiều nhà viết sử hiện đại đã coi sự kiện
này dường như là có thật.
Hư cấu sự kiện lịch sử, khỏa lấp những khoảng trống của lịch sử bằng
sáng tạo nghệ thuật là cách làm được nhiều nhà viết kịch lựa chọn. Những phần
ẩn chìm này của lịch sử vừa có thể kích thích, khơi gợi những sáng tạo của người

nghệ sĩ, đồng thời, không quá gây áp lực về tính chân thật lịch sử. Tuy nhiên, đó
phải là những sáng tạo, hư cấu hợp lý, biết phát huy thế mạnh của nghệ
thuật và không đi ngược lại tâm thức của cộng đồng về các giá trị lịch sử.
Hư cấu hợp lý sự kiện lịch sử là khi tác giả sáng tạo ra những sự kiện chưa
từng được ghi chép trong sử sách, thậm chí không xẩy ra đối với nhân vật
lịch sử nhưng lại hợp lý, thuyết phục trong không gian, thời gian, điều kiện,
hoàn cảnh và tính cách nhân vật lịch sử.
Tiểu kết
Quá trình tiếp cận, lý giải sự kiện lịch sử trong tác phẩm bằng cảm
quan sáng tạo của người nghệ sĩ hôm nay là tác giả và đạo diễn đã trực tiếp
hoặc gián tiếp mang đến tính hiện đại cho tác phẩm kịch về đề tài lịch sử.


16
Tính hiện đại khi đó sẽ được thể hiện ra trong khả năng phát hiện, lựa chọn
những sự kiện lịch sử chứa đựng những vấn đề được con người trong mọi
xã hội, mọi thời đại quan tâm.
Bên cạnh việc phát hiện, lựa chọn những sự kiện lịch sử chứa đựng
những vấn đề muôn thuở, lý giải nó bằng cảm quan của người nghệ sĩ hôm
nay thì việc nhận thức, đánh giá lại sự kiện lịch sử từ cái nhìn hôm nay của
người nghệ sĩ cũng mang đến tác phẩm kịch đề tài lịch sử tính hiện đại.
Bằng quan điểm mới, cách đánh giá, nhìn nhận khách quan, nhiều tác phẩm
kịch đề tài lịch sử đã tiếp cận tới được bản chất của lịch sử.
Hư cấu sự kiện lịch sử, khỏa lấp những khoảng trống của lịch sử nơi nhà sử học ngừng bút bằng sáng tạo của người nghệ sĩ hôm nay cũng
mang đến tính hiện đại cho tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử. Nó thể hiện
ở những sáng tạo trên quan điểm mới mẻ, nhưng hợp lý như câu chuyện về
cành đào tặng công chúa Ngọc Hân của Hoàng đế Quang Trung trong tác
phẩm Quang Trung của nhà viết kịch Trúc Đường. Đó là sự hợp lý trong
logic, trong sự hợp lý nội tại của nhân vật và câu chuyện lịch sử.
Quá trình tiếp cận, lý giải và tái hiện sự kiện lịch sử trong tác phẩm bằng

cảm quan hôm nay chính là người nghệ sĩ đã mang đến tính hiện đại trong tác
phẩm kịch nói về đề tài lịch sử.

Chương 3
TÍNH HIỆN ĐẠI TRONG CÁCH TIẾP CẬN,
SÁNG TẠO NHÂN VẬT LỊCH SỬ
3.1. Hiện thực hóa nhân vật lịch sử
Xây dựng tính cách, hoàn thiện đời sống nội tâm, lý giải hợp lý về số
phận nhân vật lịch sử là quá trình nhà viết kịch đã hiện thực hóa nhân vật
lịch sử. Khái niệm hiện thực hóa ở đây được hiểu là tác giả đã mang đến
cho nhân vật lịch sử một tính cách, một tâm hồn, một cuộc sống thực sự
chứ không còn là một cái tên, một huyền thoại, một truyền thuyết, thậm chí
là một ý niệm về lịch sử nữa.
Trong kịch nói Việt Nam về đề tài lịch sử đã có nhiều nhân vật Lý
Chiêu Hoàng khác nhau từ những sáng tạo của các nhà viết kịch. Nhà văn
Nguyễn Đình Thi đã hiện thực hóa nhân vật Lý Chiêu Hoàng trong hình
ảnh người phụ nữ hiểu biết, bao dung và nhân hậu; nhà viết kịch Nguyễn
Anh Biên xây dựng theo lối hiện thực - một con người đầy đau khổ và hận
thù; tác giả Hùng Tấn lại xây dựng một Chiêu Hoàng quá sâu nặng với tình


17
yêu, nàng sống, nhường ngôi, nhường chồng, lấy chồng cũng là vì tình yêu
với Trần Cảnh… Tất nhiên, trong một phạm vi nào đó, thì mỗi sáng tạo đều
đạt tới những thành công nhất định, phản ánh được một phần nào đó về tính
cách, tâm hồn nhân vật lịch sử… Tất cả không nằm ngoài nhận thức của tác
giả trước hiện thực lịch sử và mục đích lựa chọn thông điệp để chuyển tải
tới khán giả đương đại.
Nàng Chiêu Thánh trong lịch sử bị ép buộc phải nhường ngôi, bị
truất ngôi hoàng hậu. Sự xếp đặt ngang trái của số phận đã khiến nàng sầu

não, toan dứt nợ trần tục. Nhưng vào kịch Nguyễn Đình Thi là một Chiêu
Thánh trưởng thành, quyết đoán nhưng cũng đầy bao dung. Nguyễn Đình
Thi đã bằng những hiểu biết, những suy luận của mình về lịch sử, mang
đến cho Chiêu Thánh một tính cách, một bản lĩnh phi thường, không những
xứng hợp với tầm vóc của nhân vật trong lịch sử mà còn hiện thực hóa
được ý đồ sáng tạo của nhà văn.
Nhân vật Vũ Như Tô được biết đến trong lịch sử là một người thợ
giỏi, quê mùa, xếp mía thành mô hình cung điện để tự tiến thân, nhưng vào
kịch Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô là hiện thân của người nghệ sĩ với
khát vọng cao cả về cái đẹp. Vũ Như Tô được khắc họa là một người thợ có
hoa tay tuyệt thế, có tài đào muôn kiểu hồ, vẽ những vườn hoa lộng lẫy như
bồng lai, có thể xây những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính
sai một viên gạch nhỏ… Tương ứng với cái tài ấy là một nhân cách, một
khát vọng lớn: xây cho đất nước một công trình kiến trúc có thể sánh với
Tàu, với Chiêm Thành. Lẽ sống của Vũ Như Tô đã vượt ra ngoài những
chuyện áo cơm hằng ngày. Một nhân vật có tính cách, lý tưởng, khát vọng
sống rất “con người” đó đã được tác giả đặt trong nguyên tắc sáng tạo nhân
vật bi kịch. Khát vọng sáng tạo, cống hiến của nhân vật là cái chân chính,
tiến bộ nhưng lại được nảy sinh trong lòng một xã hội không có chỗ cho
những khao khát cao đẹp đó, nên nhân vật phải trả giá. Phía sau hình tượng Vũ
Như Tô là hình ảnh của người nghệ sĩ - trí thức trong bão táp của những biến
động xã hội và nỗi ám ảnh khôn nguôi về khát khao được sáng tạo, cống hiến.
Nhân vật Vũ Như Tô đã hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của nhà văn.
Từ một cái tên, một giai thoại trong lịch sử đến một nhân vật có thể
sống trên sàn diễn hôm nay là công sức lao động sáng tạo không thể phủ
nhận của người nghệ sĩ. Chính người nghệ sĩ đã mang đến cho nhân vật lịch
sử một đời sống thứ hai, một đời sống với đủ mọi cung bậc cảm xúc của một
con người thực sự, chứ không phải là những người anh hùng đã được thần



18
thánh hóa như những ý niệm, những tấm gương, thậm chí là những bài học
chính trị. Tất nhiên, đời sống này sẽ hợp lý, thuyết phục nếu người sáng tạo
biết đặt xuất phát điểm của mình từ logic và tinh thần của lịch sử.
3.2. Đánh giá lại nhân vật lịch sử
Nhận thức, đánh giá lại nhân vật lịch sử là một trong những chức
năng sáng tạo vô cùng nhân văn của văn học nghệ thuật nói chung và sân
khấu nói riêng. Ở tâm thế thời đại mình, nhiều nghệ sĩ đã mang đến cách
nhìn mới về lịch sử, trong đó có việc nhận thức, đánh giá lại nhân vật lịch
sử. Những nhân vật lịch sử đã gây ra những nhận định trái chiều giữa các
nhà sử học như Dương Vân Nga, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Hồ Quý
Ly… đều trở thành nhân vật quen thuộc của sân khấu. Trong số đó, Trần
Thủ Độ và những công, tội của ông trong lịch sử được các nhà viết kịch
hiện đại quan tâm nhiều nhất.
Là “kiến trúc sư” của cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà
Trần bất chấp luân thường, đạo lý, Trần Thủ Độ cũng được các nhà viết sử
Việt Nam đánh giá rất khác nhau. Sân khấu kịch Việt Nam về đề tài lịch sử
phần lớn nghiêng về việc bênh vực cho hành động được cho là trái với lẽ
thường của Trần Thủ Độ, hành động ấy được các nhà viết kịch lịch sử đặt
trong sự lựa chọn giữa lợi ích quốc gia và hạnh phúc riêng tư. Đời luận anh
hùng của tác giả Lê Chí Trung là lời minh oan cho Trần Thủ Độ với tư cách
một cá nhân gánh trọng trách trong giai đoạn lịch sử đầy biến động. Cá
nhân ấy phải dám bước qua mọi sự ràng buộc, mọi điều tiếng để thực thi
những nhiệm vụ đôi khi là bất nhẫn vì sự tồn vong của xã tắc. Cột trụ
chống trời của tác giả Nguyễn Anh Biên hướng đến lý giải những việc làm
kinh thiên động địa của Trần Thủ Độ cho sự cần thiết phải có một trụ cột
chống trời trong thời điểm đất nước lâm nguy. Cột trụ ấy sẽ tồn tại cả
những mặt mạnh và mặt yếu trước yêu cầu của lịch sử. Sự độc tài và hành
động độc ác của Trần Thủ Độ được đặt trong sự cần thiết của sứ mệnh
chính trị. Rừng trúc của nhà văn Nguyễn Đình Thi đánh giá Trần Thủ Độ là

người tài năng, khí phách, cơ mưu… biết nhìn xa trông rộng và luôn đặt lợi
ích của đất nước lên đầu.
Những nhân vật lịch sử vốn gây nên nhiều quan điểm đánh giá trái
chiều giữa các nhà sử học và trong nhận thức của cộng đồng về lịch sử như
Dương Vân Nga, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Quang Trung… đều đã
được các nhà viết kịch bày tỏ sự đánh giá của mình qua tác phẩm. Sự đánh
giá này, được thực hiện bằng tâm thức của một người hậu thế nhìn về lịch


19
sử, nó sẽ mang đến những nhận định mới mẻ cho nhân vật lịch sử, nhưng
cũng có thể khiến nhân vật lịch sử bị đánh giá phiến diện, sai lệch.
3.3. Hiện thực hóa ngôn ngữ nhân vật lịch sử
Sáng tạo ngôn ngữ nhân vật là việc làm vô cùng quan trọng trong quá
trình xây dựng nhân vật lịch sử trong tác phẩm kịch về đề tài lịch sử. Làm
sao để ngôn ngữ ấy phải là sản phẩm hợp lý của tính cách, tâm hồn, là hiện
thân của nhân vật lịch sử ấy, đồng thời phải hợp lý trong điều kiện, hoàn cảnh
lịch sử nhân vật sinh sống và đối thoại được với người xem đương thời.
Sáng tạo ngôn ngữ nhân vật lịch sử yêu cầu sự nắm vững lý luận về
ngôn ngữ kịch của tác giả. Đó là sự vận dụng hợp lý ngôn ngữ đối thoại tính
cách (đối thoại chuyển tải tính cách nhân vật), ngôn ngữ đối thoại tư tưởng (đối
thoại bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm) và độc thoại trong từng tình huống,
hoàn cảnh kịch. Điều quan trọng hơn cả, là nhà viết kịch phải đặt ngôn ngữ
nhân vật của mình trong không gian của thể tài, thể loại kịch. Rừng trúc của
Nguyễn Đình Thi và Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng là hai tác phẩm thành
công trong văn phong bi kịch.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã để cho nhân vật Chiêu Thánh - người
con gái ở lứa tuổi 20 nói những điều cay đắng thậm chí còn già dặn hơn cả
lứa tuổi 20 của ngày hôm nay nhưng những sáng tạo đó vẫn thuyết phục
bởi vì nó hợp lý trong điều kiện, hoàn cảnh mà tác giả đã tạo ra cho nhân

vật, đồng thời nó thống nhất trong không gian bi kịch của tác phẩm. Nhân
vật Vũ Như Tô trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất của số phận đã thốt lên
những điều vô cùng lý tưởng: “Ta chỉ có một hoài bão là tô điểm cho đất
nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một toà đài hoa lệ, thách cả những
công trình sau trước, tranh tinh xảo với hoá công”… Hoàn cảnh bi kịch đã
thúc đẩy nhân vật bi kịch đến những phát ngôn đôi khi có phần lý thuyết,
triết lý nhưng vẫn hợp lý, thuyết phục. Nhiều tác giả đã sử dụng ngôn ngữ
nhân vật trong tình huống này để gửi gắm quan điểm, tư tưởng của mình.
Ngôn ngữ nhân vật lịch sử trong tác phẩm cũng chính là ngôn ngữ của
tác giả. Nếu người tác giả nắm vững văn hóa lịch sử, biết ẩn mình phía sau
nhân vật thì ngôn ngữ nhân vật đạt tới sự khách quan, hợp lý, nếu tác giả
thiếu am hiểu lịch sử, nôn nóng bộc lộ quan điểm, gửi gắm tư tưởng thì nhân
vật sẽ thành công cụ phát ngôn cho tác giả. Sáng tạo ngôn ngữ nhân vật lịch
sử bằng cái Tôi của người nghệ sĩ hôm nay nên phía sau nhân vật bao giờ
cũng có bóng dáng của tác giả, có sự phản chiếu của cuộc sống đương đại.


20
Sai lầm mà các nhà viết kịch thường mắc phải đó là hiện đại hóa ngôn ngữ
nhân vật lịch sử.
3.4. Hư cấu nhân vật không có trong lịch sử
Trong các tác phẩm kịch về đề tài lịch sử, bên cạnh những nhân vật
lịch sử bao giờ cũng xuất hiện những nhân vật hư cấu. Tùy theo mục đích
của mỗi tác giả mà nhân vật hư cấu trong tác phẩm có những vai trò khác
nhau. Có tác giả chỉ sử dụng nhân vật hư cấu vào những vị trí như người hầu,
lính canh, thị nữ…, có tác giả hư cấu nên những nhân vật có tính cách, số
phận, là một phần đời sống của nhân vật lịch sử. Khi xây dựng cho nhân vật
hư cấu một đời sống song song cùng nhân vật lịch sử, bao giờ tác giả cũng
gửi gắm ở đó những ý đồ sáng tạo riêng, thậm chí đó còn là hiện thân của
chính tác giả. Do không bị ràng buộc khắt khe bởi tiêu chí chân thực lịch sử,

nên nhân vật hư cấu trong kịch đề tài lịch sử thường được tác giả gửi gắm
nhiều quan điểm, tư tưởng hiện đại. Nhiều nhân vật hư cấu đã để lại những
dấu ấn trong tác phẩm không kém các nhân vật lịch sử như Cúc, Xuyên,
Thảo (Rừng trúc), Đan Thiềm (Vũ Như Tô).
Cúc là nhân vật có vai trò quan trọng không chỉ với nhân vật lịch sử
trong kịch mà với cả tác giả. Cô chính là hình tượng nhân vật để Nguyễn Đình
Thi cụ thể hoá tư tưởng lấy dân làm gốc của Nguyễn Trãi. Cúc chính là nhân
dân - những người lao động bần hàn cơ cực, nhưng luôn có tâm hồn trong sáng
và một nhiệt tình cách mạng sôi nổi. Không những thế, Cúc còn là một lời hứa
hẹn, một tình yêu mà người trai mang chí lớn gửi lại Đông Quan khi ông lên
đường. Nhân vật hư cấu này đã nằm trong một tổng thể hữu cơ của đời sống
kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan.
Đan Thiềm trong tác phẩm Vũ Như Tô cũng là một nhân vật hư cấu
rất thành công của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Nhiều nhà nghiên cứu
đánh giá Đan Thiềm thực chất là sự phân thân của nhà kiến trúc sư tài năng
họ Vũ mà thôi. Nhờ có Đan Thiềm, một chiều sâu nội tâm, một phương
diện tư tưởng khác của Vũ Như Tô được bộc lộ, mà nói rộng hơn nữa, cả
hai nhân vật này đều chính là hình bóng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Nhân vật hư cấu trong tác phẩm kịch về đề tài lịch sử thường được
tác giả trao cho những trọng trách khác nhau tùy theo mục đích sáng tác
của từng người. Tuy nhiên, có thể thấy một điểm chung, dù là nhân vật vô
danh hay có tính cách, số phận hoàn chỉnh thì nhân vật hư cấu luôn ẩn hiện
con người tác giả, có khi còn là sự phân thân, đấu tranh của chính tác giả
trước những lúng túng, bế tắc chưa thể giải quyết hiện thời. Sáng tạo nhân


21
vật hư cấu ít bị đặt trước áp lực nghiệt ngã của chân thực lịch sử, nhưng tác
giả phải lý giải hợp lý cho sự xuất hiện của nó bên cạnh nhân vật lịch sử.
Tiểu kết

Bằng quá trình tiếp cận và sáng tạo nhân vật lịch sử trong tác phẩm
kịch nói Việt Nam về đề tài lịch sử, các nghệ sĩ đã gửi vào đó những cảm
nhận, lý giải của con người hôm nay về lịch sử. Nếu từ những gợi ý của
lịch sử, nhà viết kịch giải mã đúng tính cách nhân vật, đặt nó trong hệ quy
chiếu của quan điểm hôm nay, dẫn giải hợp lý đến số phận đã được mặc
định trong lịch sử thì sáng tạo đó sẽ kế thừa được tinh thần của nhân vật
lịch sử, hiện thực hóa và đưa nhân vật trở về với đời sống đương đại.
Từ quan điểm, cách nhìn nhận hôm nay, nhiều tác giả đã đánh giá lại
nhân vật lịch sử, mang đến những sáng tạo phong phú trong mỗi tác phẩm.
Qua đó, nhân vật lịch sử được lý giải ở nhiều chiều cạnh, tiệm cận đến giá
trị thực của nhân vật lịch sử.
Bằng những am hiểu về văn hóa quá khứ, thấm nhuần văn hóa hiện
tại và khả năng văn chương của mình, nhiều nhà viết kịch đã thành công
trong sáng tạo ngôn ngữ nhân vật lịch sử. Nếu nhà viết kịch biết ẩn mình ở
phía sau nhân vật thì ngôn ngữ nhân vật đạt tới sự khách quan, hợp lý. Nếu
tác giả nôn nóng bộc lộ quan điểm, tư tưởng của mình thì ngôn ngữ nhân
vật thiếu chân thực, trở thành cái loa phát ngôn cho tác giả.
Bên cạnh việc sáng tạo nhân vật lịch sử thì xây dựng nhân vật hư cấu
cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với tác phẩm kịch nói về đề tài
lịch sử. Nhân vật hư cấu đã mang lại sự phong phú cho đời sống nhân vật
lịch sử, đồng thời, giúp tác giả chuyển tải nhiều ý đồ sáng tạo, thông điệp
sáng tạo với đương thời.
Đối với sáng tạo nhân vật lịch sử, việc định hình tính cách, lý giải số
phận, sáng tạo ngôn ngữ hay thể hiện nhân vật trên sân khấu đều thể hiện rõ
bản ngã sáng tạo của tác giả và giúp tác giả mang đến cách tiếp cận, cách
nhìn mới đối với nhân vật lịch sử. Khi sáng tạo nhân vật lịch sử, người nghệ
sĩ bao giờ cũng đứng trước những ranh giới không thể bước qua, đó là logic
lịch sử và bản chất của lịch sử. Tuy nhiên, nghệ thuật có sứ mệnh riêng và có
cái lý tồn tại của riêng mình, người nghệ sĩ cần có bản lĩnh, niềm tin trong
sáng tạo để mang lại những giá trị nghệ thuật đích thực cho công chúng.



22

KẾT LUẬN
1. Tính hiện đại là một phẩm chất của các tác phẩm văn học nghệ
thuật nói chung và sân khấu nói riêng, phản ánh đúng tinh thần thời đại, đi
cùng với xu thế phát triển của thời đại. Tác phẩm văn học nghệ thuật mang
tính hiện đại khi nó đi vào phản ánh những vấn đề mà mọi người trong mọi
xã hội, mọi dân tộc đều quan tâm; khi người sáng tạo đứng trên quan điểm,
cách nhìn nhận, đánh giá tiến bộ để phản ánh hiện thực (cả trong hiện tại và
quá khứ), lý giải nó bằng cảm quan hôm nay và gắn kết quả sáng tạo với lợi
ích của con người hiện đại.
Tính hiện đại trong tác phẩm sân khấu chính là sự mới mẻ, nhạy bén
trong khả năng khám phá, phát hiện hiện thực; sự luận giải tinh tế, sâu sắc
hiện thực được phản ánh trong tác phẩm với một quan điểm mới, tiến bộ,
khoa học và nhân văn; sản phẩm sáng tạo phải đề cập đến những vấn đề mà
con người, xã hội đương thời quan tâm, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp
hơn cho con người.
2. Tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử lấy những sự kiện và nhân vật
có thật trong lịch sử làm đối tượng miêu tả. Tính hiện đại trong sân khấu về
đề tài lịch sử là một sự chi phối tất yếu, nó sẽ bộc lộ rõ ràng nhất ở hai quy
trình sáng tạo là tiếp cận, tái hiện sự kiện lịch sử và tiếp cận, sáng tạo nhân
vật lịch sử trong tác phẩm. Tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử sẽ đạt được
tính hiện đại khi ở cả hai quy trình này người nghệ sĩ tiếp cận, lý giải lịch
sử, thậm chí nhận thức, đánh giá lại lịch sử bằng quan điểm tiến bộ, khoa
học, nhân văn của hôm nay trên cơ sở tôn trọng logic và tinh thần lịch sử,
những vấn đề lịch sử được lựa chọn phải chứa đựng mối quan tâm của con
người thời đại, mang chở được tâm tư của nhiều người và đối thoại được
với đương thời. Sản phẩm sáng tạo mang được tinh thần thời đại nhưng

không xung đột với tâm thức của cộng đồng về các giá trị lịch sử.
3. Quá trình tiếp cận, tái hiện sự kiện lịch sử trong tác phẩm bằng
cảm quan sáng tạo của người nghệ sĩ hôm nay là tác giả đã trực tiếp hoặc
gián tiếp mang đến tính hiện đại cho tác phẩm. Tính hiện đại khi đó sẽ
được thể hiện ra trong khả năng phát hiện, lựa chọn, phát triển những sự
kiện lịch sử chứa đựng những vấn đề được được con người trong mọi xã
hội, mọi thời đại quan tâm; ở sự đánh giá lại sự kiện lịch sử và hư cấu sự
kiện để khỏa lấp những khoảng trống của lịch sử - nơi nhà sử học ngừng
bút bằng sáng tạo của nhà viết kịch.


23
Quá trình sáng tạo nhân vật lịch sử trong tác phẩm, nhà viết kịch đã
gửi vào đó những cảm nhận, đánh giá của con người hôm nay về lịch sử. Đối
với sáng tạo nhân vật lịch sử, việc định hình tính cách, lý giải số phận, sáng
tạo ngôn ngữ… đều thể hiện rõ ràng bản ngã sáng tạo của tác giả và giúp tác
giả mang đến cách tiếp cận, cách nhìn mới đối với nhân vật lịch sử. Khi sáng
tạo nhân vật lịch sử, người nghệ sĩ bao giờ cũng đứng trước những ranh giới
không thể bước qua, đó là logic lịch sử và bản chất của lịch sử.
4. Khi sáng tạo về đề tài lịch sử, người nghệ sĩ mặc nhiên được thừa
hưởng những lợi thế và cả những hạn chế tự nhiên mà thời đại mang lại. Đó
là độ lùi về thời gian, giúp người nghệ sĩ có được cái nhìn bao quát hơn,
toàn diện hơn về lịch sử; môi trường sống với những tri thức mới mẻ sẽ
giúp người nghệ sĩ có được sự chiêm nghiệm sâu sắc hơn khi ngoái nhìn lại
quá khứ; sự cộng hưởng của tâm thế thời đại đã gợi mở, kích thích người
nghệ sĩ phát hiện ra những mối liên hệ sâu xa giữa lịch sử và hiện tại. Ở
tâm thế của thời đại mình, bao giờ người nghệ sĩ cũng mang đến cách nhìn
mới về lịch sử, sáng tạo theo sự mách bảo của những suy cảm hôm nay khi
nhìn về lịch sử. Vì thế, nếu như đồng nhất những vấn đề được phản ánh
trong tác phẩm nghệ thuật với hiện thực lịch sử được ghi chép trong sử

sách, lấy tiêu chí của khoa học sử để đánh giá tác phẩm là không công bằng
với lịch sử, cũng như không công bằng với tác phẩm nghệ thuật.
5. Từ những vấn đề nghiên cứu được đặt ra của luận án, chúng tôi xin
bày tỏ một vài quan điểm trong sáng tạo sân khấu về đề tài lịch sử.
Thứ nhất, để đưa lịch sử ngày hôm qua trở về với hiện tại một cách
thực sự hữu ích, nhà viết kịch cần phát hiện và lựa chọn trong lịch sử
những vấn đề là mối quan tâm chung của con người thời đại, phải tiếp cận
và lý giải lịch sử bằng nhận thức và quan điểm khoa học, phát triển lịch sử
trên cơ sở logic lịch sử chứ không phải từ đòi hỏi của cuộc sống đương
thời. Qua đó, phải tạo ra được sự kết nối tinh tế giữa hiện thực lịch sử với
cuộc sống đương thời.
Thứ hai, nhà viết kịch nên hư cấu những sự kiện, nhân vật mà lịch
sử không ghi chép hoặc ghi chép vắn tắt, vì trong giới hạn này, người nghệ
sĩ có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình, khỏa lấp những
khoảng trống mà các nhà viết sử không thể ghi chép hết. Tuy nhiên, những
sự kiện và nhân vật được hư cấu này phải được đặt trên nền móng vững
chắc của sự am hiểu lịch sử, tôn trọng logic và tinh thần lịch sử, trở thành
một bộ phận hữu cơ của đời sống lịch sử.


24
Thứ ba, mọi sáng tạo về tính cách, hoàn cảnh, số phận, ngôn ngữ…
nhân vật lịch sử đều phải tuân thủ nguyên tắc sáng tạo nhân vật kịch và hợp
lý trong bối cảnh của thể tài, thể loại kịch mà tác giả lựa chọn. Việc gửi
gắm quan điểm, tư tưởng tác giả qua nhân vật lịch sử phải được tiến hành
cẩn trọng, tinh tế, tôn trọng sự tồn tại độc lập của nhân vật lịch sử. Mọi sự
can thiệp thô bạo, thiếu hợp lý đều biến nhân vật lịch sử trở thành cái loa
phát ngôn cho lập trường, quan điểm của nhà viết kịch.
Thứ tư, mọi sáng tạo của tác giả trong tác phẩm đều phải đặt trước
mục đích hiện thực hóa nó trên sàn diễn bằng nghệ thuật của đạo diễn và

diễn viên. Mọi nỗ lực “làm mới” diện mạo lịch sử, tìm kiếm sự kết nối giữa
hiện thực lịch sử với hiện thực đương đại của tác giả chỉ thực sự có hiệu
quả khi đạo diễn đồng cảm được với tác giả, tiếp tục được ý tưởng sáng tạo
của tác giả và phát triển nó trên sân khấu. Nếu như những ý tưởng mới,
khoa học của tác giả không gặp được quan điểm sáng tạo tiến bộ của đạo
diễn thì tác phẩm sân khấu ấy cũng khó có thể đạt được tính hiện đại.
Thứ năm, tác phẩm kịch nói về đề tài lịch sử không làm nhiệm vụ
minh họa lịch sử, cũng không phải là một bài học về luân lý đạo đức cũ.
Các nghệ sĩ cũng không ai đặt mục tiêu dạy sử bằng tác phẩm sân khấu.
Thực chất của sáng tạo kịch nói về đề tài lịch sử là khai thác hiện thực lịch
sử theo một cách thức tiếp cận mới, một cảm hứng mới trên nguyên tắc vừa
tôn trọng lịch sử vừa tôn trọng tính chân thực nghệ thuật. Sáng tạo ấy
chuyển tải thông điệp của người nghệ sĩ hướng tới người xem đương đại.
Nếu như lấy tiêu chí phản ánh đúng "người thực việc thực" và lấy kiến thức
trong sử sách để cân đo những sáng tạo của người nghệ sĩ trong tác phẩm là
đúng hay không đúng với lịch sử thì sẽ không bao giờ tiếp cận được với giá
trị đích thực của tác phẩm.
Với tác phẩm kịch nói đề tài lịch sử nói riêng và văn học nghệ thuật
đề tài lịch sử nói chung, khi nào nhà sử học ngừng bút thì người nghệ sĩ bắt
đầu. Sự bắt đầu ấy được sáng tạo trên nguyên tắc tuân thủ phẩm chất cốt lõi
nhất của lịch sử, đó là tinh thần của lịch sử, hồn cốt của lịch sử chứ không
phải là bản thân lịch sử và được kiểm soát bởi logic nghệ thuật và lịch sử.
Để làm được điều đó, người nghệ sĩ vừa phải có kiến thức uyên bác và
phẩm chất trung thực của nhà viết sử, đồng thời phải có tài năng của một
nhà trần thuật nghệ thuật. Nếu lựa chọn được cách tiếp cận đúng đắn, thì
cũng giống như các đề tài khác, đề tài lịch sử không hạn chế khả năng sáng
tạo của người nghệ sĩ.




×