1
HC VIN CHNH TR - HNH CHNH QUC GIA H CH MINH
--------------------
NGUYN VN NGHIấN
CƠ sở lý luận và thực tiễn ĐấU TRANH
PHòNG, CHốNG BUÔN LậU QUA BIÊN GIớI VIệT TRUNG CủA CụC HảI QUAN TỉNH QUảNG NINH
Chuyờn ngnh
Mó s
: Lý lun v lch s Nh nc v phỏp lut
: 60 38 01
LUN VN THC S LUT
Ngi hng dn khoa hc: PGS.TS NGUYN VN MNH
H NI - 2009
2
Mục lục
Trang
1
Mở đầu
Chơng 1: cơ sở lý luận về đấu tranh phòng chống buôn lậu của lực lợng hải
quan
1.1. Khái niệm, đặc điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lợng Hải quan
1.2. Vai trò của lực lợng Hải quan trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu
1.3. Kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống buôn lậu của Hải quan một số nớc trên
thế giới và vận dụng ở Việt Nam
8
8
31
36
Chơng 2: Tình hình buôn lậu và thực trạng đấu tranh phòng, chống buôn lậu
qua biên giới việt - trung của Cục hải quan tỉnh Quảng Ninh
2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh
2.2. Tình hình buôn lậu ở Quảng Ninh từ năm 2001 đến nay và tổ chức bộ máy
Hải quan Quảng Ninh
2.3. Thực trạng đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới Việt - Trung của
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
45
45
49
70
Chơng 3: quan điểm và giải pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên
giới việt - trung của cục hải quan tỉnh Quảng Ninh hiện nay
3.1. Dự báo về tình hình buôn lậu và quan điểm đấu tranh phòng, chống quan lậu
qua biên giới Việt - Trung của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
3.2. Những giải pháp tăng cờng đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới
Việt - Trung của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
3.3. Một số kiến nghị
100
119
Kết luận
danh mục Tài liệu tham khảo
122
124
91
91
\\\
M U
1. Tớnh cp thit ca ti
Buụn lu l mt loi hot ng buụn bỏn lu thụng hng hoỏ phm phỏp
cú tớnh cht lch s - kinh t nht nh. mi quc gia, vi mi thi k phỏt
trin kinh t - xó hi, hot ng ny li cú nhng hỡnh thỏi c im riờng.
3
Trong thời kỳ kinh tế bao cấp ở nước ta trước đây, hoạt động buôn lậu
được coi là xâm phạm đến chính sách độc quyền ngoại thương của Nhà nước
và do đó nó bị coi là một trong những hành vi xâm phạm đến an ninh quốc
gia. Hoạt động buôn lậu trong thời kỳ này chủ yếu là nhập lậu những mặt
hàng tiêu dùng, dược phẩm và một số mặt hàng thiết yếu khác; số lượng và
quy mô hạn chế, nhỏ lẻ, chủ yếu qua đường xuất, nhập cảnh cá nhân.
Từ năm 1986, khi đất nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế hàng hoá vận
hành theo cơ chế thị trường, hoạt động buôn lậu đã xuất hiện ngày càng đa
dạng, phức tạp hơn. Cùng với việc mở cửa giao lưu quốc tế, đặc biệt là, với
các nước láng giềng, đến nay hoạt động buôn lậu đã thực sự bùng nổ có nguy
cơ trở thành một tệ nạn trong nền kinh tế đất nước; với phương thức thủ đoạn
ngày càng tinh vi, quy mô cũng ngày càng lớn, phạm vi rộng khắp trên các
địa bàn biên giới. Hoạt động buôn lậu xâm hại các chế độ chính sách về ngoại
thương, xuất, nhập khẩu hàng hoá của Nhà nước; đe doạ tới sự điều tiết, quản lý
nền kinh tế và gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển sản xuất hàng hoá trong
nước. Nghiêm trọng hơn, buôn lậu đã làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản quốc
gia, làm mất nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.
Thấy trước được những nguy cơ này, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn
quan tâm, tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền, huy động sức mạnh của cả
hệ thống chính trị, tổ chức phối hợp giữa các cơ quan chức năng đấu tranh
quyết liệt. Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu nhìn chung đã
đạt được những kết quả nhất định. Một số vụ án buôn lậu lớn đã được phát
hiện và xử lý. Một số ổ nhóm, đường dây buôn lậu chuyên nghiệp, có tổ chức
cũng đã bị triệt phá. Tuy vậy, thực tế cho thấy, buôn lậu không những chưa
giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Đó không chỉ là những thủ đoạn che
giấu tinh vi, hoạt động buôn lậu hiện nay còn xuất hiện phổ biến các hình thức
vận chuyển công khai tại nhiều địa bàn trọng điểm dọc biên giới đất nước.
Một trong những địa bàn buôn lậu hoạt động mạnh nhất hiện nay chính
là khu vực biên giới phía Bắc nước ta giáp với Trung Quốc. Hàng hóa Trung
4
Quốc phong phú về chủng loại và mẫu mã, hơn thế, giá cả lại phù hợp với khả
năng kinh tế của người dân nên chúng được tiêu thụ mạnh và đang cạnh tranh
quyết liệt với hàng hoá sản xuất trong nước và các hàng hoá nhập khẩu khác.
Trên thị trường trong nước, ta thấy, hàng hoá nhập lậu từ Trung Quốc
đang tràn ngập. Một số mặt hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc không
thấy khai báo hải quan hoặc khai báo làm thủ tục hải quan rất ít nhưng vẫn
xuất hiện bày bán tràn lan… Ngoài ra, nạn hàng hoá Trung Quốc giả mạo
nhãn mác những thương hiệu nổi tiếng đang làm rối loạn thị trường tiêu
dùng… Rõ ràng, công tác đấu tranh chống nhập lậu hàng hoá từ Trung Quốc
vào nội địa chưa thực sự hiệu quả.
Cùng với nạn nhập lậu hàng hóa là nạn xuất lậu các khoáng sản, nguyên
liệu quý từ nước ta ra nước ngoài. Điển hình là nạn xuất lậu than với quy mô
lớn nhiều năm qua và mới đây đã bị chính quyền tỉnh Quảng Ninh kiên quyết
dẹp bỏ. Tình trạng xuất, nhập lậu qua biên giới phổ biến như nêu trên chứng
tỏ, bản thân cơ chế, chính sách điều hành đã có những kẽ hở dễ bị lợi dụng,
sự phối hợp và những biện pháp đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn của các
cơ quan chức năng là chưa đủ mạnh và chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Quảng Ninh là một tỉnh vừa có đường biên giới trên bộ, vừa có đường
biên giới trên biển giáp với Trung Quốc. Các tuyến đường bộ và biển đều
rất thuận lợi cho việc trung chuyển, thông thương hàng hoá. Với đặc điểm,
địa thế của mình, Quảng Ninh chính là một địa bàn trọng điểm của buôn lậu
mà ở đó tập trung đầy đủ những hình thái, đặc điểm của hoạt động buôn lậu ở
biên giới phía Bắc. Vì vậy, kết quả nghiên cứu đấu tranh phòng chống buôn
lậu tại địa bàn Quảng Ninh cũng có thể áp dụng chung cho công tác đấu
tranh chống buôn lậu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Hải quan Quảng Ninh được coi là một lực lượng chủ yếu trong đấu tranh
phòng chống buôn lậu trên địa bàn. Hàng năm số vụ buôn lậu do Hải quan
5
phát hiện và xử lý đều chiếm trên 60% số vụ và trị giá hàng hoá bắt giữ buôn
lậu của tỉnh Quảng Ninh.
Những năm gần đây, Hải quan Quảng Ninh đã triển khai mạnh mẽ
phương pháp quản lý hải quan hiện đại; chủ động, tích cực phối hợp với các
ngành chức năng tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp đấu tranh quyết
liệt chống hoạt động buôn lậu hàng hoá trên địa bàn. Tuy nhiên, hiệu quả thực
tế chưa được như mong muốn, hoạt động buôn lậu vẫn chưa bị ngăn chặn mà
ngày càng diễn biến phức tạp. Do chưa có sự quan tâm nghiên cứu sâu sắc
thực trạng này, nên các giải pháp đấu tranh mới chỉ mang tính tình thế mà
chưa có tính chiến lược, đổi mới đột phá cả về cơ chế, chính sách và tổ chức
lực lượng, triển khai biện pháp đấu tranh, kiểm soát.
Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu đề tài “ Cơ sở lý luận và thực tiễn
đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới Việt - Trung của Cục Hải
quan tỉnh Quảng Ninh” có thể coi là rất cấp thiết nhằm đáp ứng được với
những đòi hỏi cấp bách về mặt lý luận và thực tiễn cho công tác đấu tranh
phòng, chống buôn lậu trên khu vực biên giới Việt – Trung hiện nay; do đó,
nó có ý nghĩa thiết thực đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua
biên giới Việt - Trung trong thời gian tới không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh
mà cả tuyến biên giới phía Bắc.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Buôn lậu và đấu tranh phòng chống buôn lậu là đối tượng nghiên cứu của
nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau. Trong lĩnh vực khoa học pháp lý đã có
không ít công trình khoa học của các tập thể, cá nhân được công bố có liên
quan đến vấn đề buôn lậu và đấu tranh phòng chống buôn lậu, đáng lưu ý các
công trình nghiên cứu dưới đây:
Vũ Ngọc Anh, Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về Hải quan ở nước ta
hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Hà Nội, 1996; PTS. Lê Thanh Bình, Chống
buôn lậu và gian lận thương mại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998;
ThS. Lê Văn Tới, Buôn lậu và chống buôn lậu, nhận diện và giải pháp, Nxb
6
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000; GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - PGS.TS
Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Tội phạm kinh tế thời mở cửa, Nxb Công an
nhân dân (tài liệu lưu hành nội bộ), 2003; TS. Đỗ Đình Hòa, Tổ chức hoạt
động điều tra của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Nxb Công an nhân dân, Hà
Nội. 2003. Trần Tấn Linh, Đấu tranh phòng chống buôn lậu của Cục Hải
quan Bình Định - Thực trạng và giải pháp, Luận văn thạc sĩ Luật, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004. Vũ Văn Khánh, Đấu tranh
phòng chống tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy của lực
lượng Công an, Bộ đội biên phòng và Hải quan trên tuyến biên giới Thanh Hoá
- Hủa Phăn (CHDCND Lào), Luận văn thạc sĩ Luật 2008, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Hầu hết các công trình, bài viết trên đây đã tập trung nghiên cứu về mặt
lý luận, khái quát những vấn đề chung hoặc có liên quan đến buôn lậu và đấu
tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng Hải quan. Tuy nhiên, cho đến nay,
chưa có đề tài nào tiếp cận, đi sâu nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá những bất
cập trong cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác
đấu tranh phòng, chống buôn lậu và những hạn chế trong tổ chức lực lượng,
triển khai biện pháp đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới Việt- Trung của
lực lượng Hải quan tại địa bàn tỉnh Quảng ninh, nhất là, từ khi triển khai thực
hiện luật Hải quan đến nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
3.1. Mục đích của luận văn
Mục đích nghiên cứu của luận văn là đề xuất các quan điểm và giải pháp
đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới Việt – Trung của Cục Hải quan
tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ của luận văn
Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn có nhiệm vụ sau đây:
7
- Khái quát cơ sở lý luận về đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực
lượng Hải quan.
- Làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Hải quan nói
chung và Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh nói riêng trong công tác đấu tranh
phòng, chống buôn lậu.
- Đánh giá tình hình buôn lậu và thực trạng công tác đấu tranh phòng,
chống buôn lậu qua biên giới Việt – Trung của Cục Hải quan Quảng Ninh
những năm gần đây.
- Làm rõ những vấn đề còn bất cập trong các cơ chế, chính sách, pháp
luật hiện hành liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và
những điểm còn hạn chế trong việc tổ chức lực lượng, triển khai biện pháp
đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên giới Việt – Trung của Cục Hải
quan tỉnh Quảng Ninh.
- Đề xuất những quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu
tranh phòng, chống buôn lậu trên biên giới Việt - Trung của Cục Hải quan
tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
Luận văn tập trung nghiên cứu thực trạng buôn lậu trên địa bàn tỉnh
Quảng Ninh và thực tiễn công tác đấu tranh phòng,chống buôn lậu qua biên
giới Việt – Trung của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh từ khi triển khai thực
hiện Luật Hải quan năm 2001 đến nay; Nghiên cứu, đánh giá một số cơ chế,
chính sách, pháp luật hiện hành của Nhà nước có liên quan đến công tác đấu
tranh phòng, chống buôn lậu; Nghiên cứu cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của
những giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức lực lượng và biện
pháp triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng,
chống buôn lậu.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
8
- Luận văn dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, quan
điểm của Đảng ta về Nhà nước và pháp luật, trong đó có quan điểm về xây
dựng và tổ chức hoạt động của lực lượng Hải quan, về phòng chống buôn lậu
làm cơ sở lý luận để nghiên cứu. Luận văn sử dụng phương pháp luận của
triết học Mác - Lênin đánh giá sự vật, hiện tượng và đề xuất các phương
hướng, giải pháp theo quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử.
Tác giả sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp ở cả 3 chương
nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, đề xuất quan điểm, giải pháp đấu tranh
phòng, chống buôn lậu qua biên giới Việt – Trung;
Phương pháp phân tích, so sánh; phương pháp thống kê; phương pháp điều
tra xã hội học được sử dụng chủ yếu ở chương 2 để nghiên cứu thực trạng đấu
tranh phòng, chống buôn lậu trên biên giới Việt – Trung, đồng thời giải quyết
những vấn đề mà mục đích và nhiệm vụ của luận văn đặt ra.
- Trong quá trình nghiên cứu tác giả sử dụng phương pháp phân tích tài
liệu thứ cấp nhằm tham khảo, chọn lọc kế thừa các công trình nghiên cứu, bài
viết liên quan đến lĩnh vực luận văn đề cập.
6. Ý nghĩa của luận văn
- Luận văn góp phần bổ sung làm sáng tỏ thêm về mặt lý luận của vấn đề
đấu tranh phòng, chống buôn lậu; bổ sung những đánh giá tổng kết thực tiễn
công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu từ thực trạng của địa bàn tỉnh Quảng
Ninh. Qua đó, giúp các cơ quan Nhà nước điều chỉnh cơ chế, chính sách, pháp
luật phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu
hiện nay.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể sử dụng trực tiếp vào việc
xây dựng, đổi mới phương án đấu tranh phòng, chống buôn lậu qua biên
giới Việt – Trung của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh trước mắt và lâu dài;
giúp cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh nhận rõ tình hình buôn lậu và đấu
9
tranh phòng chống buôn lậu trên địa bàn làm cơ sở đề ra các biện pháp chỉ
đạo điều hành chung.
- Luận văn đưa ra các cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn làm căn cứ để Cục
Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) xây dựng phương án cho toàn
ngành và chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động
đấu tranh chống buôn lậu trong tình hình mới.
- Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu, giảng
dạy và chỉ đạo thực tiễn xung quanh các vấn đề buôn lậu và đấu tranh phòng,
chống buôn lậu.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
luận văn gồm 3 chương, 9 tiết.
10
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG BUÔN LẬU
CỦA LỰC LƯỢNG HẢI QUAN
1.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU
CỦA LỰC LƯỢNG HẢI QUAN
1.1.1. Khái niệm đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng
Hải quan
1.1.1.1. Khái niệm buôn lậu, hậu quả của hoạt động buôn lậu
a) Khái niệm buôn lậu
Chống buôn lậu và gian lận thương mại luôn là mối quan tâm của các
quốc gia trên thế giới. Buôn lậu ra đời và tồn tại cùng với sự phát triển của
hoạt động trao đổi hàng hoá giữa các vùng miền lãnh thổ và giữa các quốc
gia. Những hình thức đầu tiên của hoạt động buôn lậu là trốn tránh việc nộp
thuế do các quốc gia đánh vào những loại hàng hoá mang từ nơi khác đến
bán tại đất nước họ. Ở thời kỳ Ai Cập, La Mã cổ đại các thương nhân thường
tìm mọi cách trốn tránh hoặc giấu giếm bớt hàng hoá với nhà chức trách để
giảm số thuế phải nộp nhằm thu được lợi nhuận cao. Lợi nhuận là mục đích
đầu tiên mà buôn lậu tìm kiếm. Để đạt được những lợi nhuận cao hơn, hoạt
động buôn lậu dần dần phát triển sang cả các hình thức buôn bán, trao đổi
những loại hàng hoá bị ngăn cấm. Tuy vậy, lợi nhuận cũng không phải là mục
đích duy nhất, vào thời kỳ trung cổ, phong kiến đã xuất hiện lợi dụng buôn
lậu để đánh cắp bí quyết vũ khí, kỹ thuật sản xuất hàng hoá, giống cây trồng,
vật nuôi; một số nhà nước còn sử dụng buôn lậu để phá hoại sản xuất và làm
suy yếu nước khác nhằm mục đích kiềm chế, bắt buộc lệ thuộc hoặc thôn tính
mở rộng lãnh thổ.
Ngày nay, sự giao lưu, thông thương hàng hoá giữa các quốc gia ngày
càng mở rộng, hoạt động buôn lậu cũng ngày càng có tính chất quốc tế theo
11
xu hướng liên kết xuyên quốc gia. Hoạt động buôn lậu ngày nay không chỉ
làm tổn hại đến những lợi ích kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh chính trị của
từng nước mà còn làm phương hại đến các lợi ích xã hội của cộng đồng quốc
tế mà điển hình là những hoạt động buôn lậu vũ khí, ma tuý, động thực vật
hoang dã, buôn lậu hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Mặc dù quan niệm về hành vi và tội phạm buôn lậu của mỗi quốc gia
vẫn còn có sự khác biệt nhưng nhìn chung buôn lậu luôn được coi là các
hoạt động buôn bán trái phép liên quan đến các loại hàng hoá xuất khẩu,
nhập khẩu.
Bộ luật Hải quan của Liên Xô trước đây quy định buôn lậu bao gồm các
hành vi:
- Vận chuyển trái pháp luật qua biên giới hàng hoá (hàng hoá, các đồ vật
quý và các vật phẩm khác), tức là vận chuyển không qua các trạm kiểm soát
hải quan, có vi phạm pháp luật hải quan hoặc trốn tránh kiểm tra hải quan,
cũng như việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng hoá đó trong nội địa.
- Bán những hàng hoá nhập vào nhưng không có giấy phép cho phép
bán những hàng hoá đó trong nội địa.
- Tàng trữ những hàng hoá nước ngoài mà không chứng minh được
nguồn gốc hợp pháp.
- Nhập hàng hoá dù theo đúng quy định nhưng lại có liên quan đến việc
xuất hay gửi trái phép ra nước ngoài ngoại hối hay các phương tiện thanh toán
bằng ngoại tệ khác;
- Xuất, nhập, gửi hay vận chuyển trái pháp luật ngoại hối hay các
phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ khác.
- Thực hiện các hành vi chuẩn bị cho các hành vi vi phạm đã liệt kê
trên đây.
Ngoài ra pháp luật của Liên Xô cũng quy định tội vận chuyển trái phép
hàng hoá qua biên giới gồm các hành vi:
12
- Giấu hàng hoá trong các ngăn chứa bí mật khi vận chuyển nhằm trốn
tránh kiểm tra;
- Sử dụng một cách gian lận các chứng từ hải quan hoặc các chứng từ
khác có liên quan;
- Xuất, nhập, vận chuyển các đồ vật bị cấm như thuốc nổ, vũ khí, đồ
quân trang, quân dụng, các chất độc, các chất ma tuý….
Bộ luật Hải quan Pháp hiện hành cũng có những quy định tương tự và có
phần chi tiết hơn. Trong đó, hành vi nhập khẩu có khai báo nhưng khai báo
không chính xác nhằm mục đích trốn thuế đối với các loại hàng hoá có thuế
suất cao thì cũng coi là buôn lậu và phải bị xử lý hình sự [37, tr.98].
Khái niệm buôn lậu cũng đã được tổ chức Hải quan thế giới WCO đề
cập. Hội nghị quốc tế họp tại Nairobi (Cộng hoà Kênia), các nước thành viên
đã ký Công ước quốc tế về giúp đỡ hành chính giữa các nước nhằm ngăn
ngừa, điều tra, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật hải quan. Công ước
Nairobi đã xác định rõ buôn lậu là một thủ đoạn chủ yếu của gian lận thương
mại, là trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của Hải quan để đưa hàng hoá lén lút
qua biên giới. Gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan là những hành vi
vi phạm pháp luật hải quan, lừa dối hải quan để lẩn tránh một phần hoặc toàn
bộ việc nộp thuế xuất nhập khẩu, vi phạm các biện pháp cấm hoặc hạn chế do
pháp luật hải quan qui định, để thu được một khoản lợi nào đó do việc vi
phạm này. Theo các khái niệm trên, buôn lậu chính là hành vi vi phạm nhằm
trốn tránh việc nộp thuế xuất, nhập khẩu và trốn tránh sự kiểm soát của pháp
luật đối với những mặt hàng cấm hoặc chịu sự quản lý bằng các chính sách
hạn chế khác (ví dụ như giấy phép, hạn ngạch...).
Ở nước ta, khái niệm buôn lậu cũng có sự khác nhau giữa các thời kỳ
lịch sử. Trước năm 1985, khi bộ luật Hình sự chưa ra đời, hành vi buôn lậu
được quy định trong Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng
giả, kinh doanh trái phép. Theo quy định của pháp lệnh này, hành vi buôn lậu
13
bao gồm các hành vi kinh doanh trái phép, trốn lậu thuế, đầu cơ tích trữ, buôn
bán hàng cấm... Như vậy, bất kể hành vi kinh doanh buôn bán đó diễn ra ở đâu
nếu có dấu hiệu “gian lận”, “trốn lậu”, trái với quy định của Nhà nước thì đều
gọi là buôn lậu. Trong thời kỳ này, pháp luật hình sự cũng chưa coi hành vi vận
chuyển tiền tệ (tiền Việt Nam và ngoại tệ) qua biên giới là tội phạm.
Năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam được ban hành, khái niệm hành vi buôn lậu do đó đã được
định danh rõ ràng với các dấu hiệu đặc trưng và đầy đủ các yếu tố cấu thành
tội phạm. Năm 1999, Bộ luật Hình sự được sửa đổi toàn diện, tuy vậy khái
niệm hành vi buôn lậu vẫn không thay đổi và được định nghĩa chính thức là
hành vi “buôn bán trái phép qua biên giới”.
Tính chất pháp lý của hành vi này được thể hiện trong pháp luật cụ thể
như sau:
Khách thể của hành vi buôn lậu: Khách thể bị xâm phạm trong hành vi
buôn lậu là các quy định pháp luật của Nhà nước về buôn bán hàng hoá qua
biên giới bao gồm các quy định về chính sách xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh
hàng hoá và các quy định về trật tự thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất
khẩu, nhập khẩu. Đối tượng của hành vi vi phạm này rất đa dạng, nhiều chủng
loại bao gồm các loại hàng hoá, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quí, đá quí;
các vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá; các loại hàng cấm.
Những loại hàng hoá là các chất ma tuý, vũ khí quân dụng và phương
tiện kỹ thuật; vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ; chất phóng xạ, thuốc nổ, vật
liệu nổ…. không thuộc đối tượng của hành vi buôn lậu do đã được pháp luật
có quy định xử lý riêng.
Mặt khách quan của hành vi buôn lậu: mặt khách quan của hành vi
buôn lậu được thể hiện ở hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các đối
tượng đã nêu ở trên. Buôn bán được hiểu là hành vi mua, bán, trao đổi hàng
hoá, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá,
14
nhằm mục đích kiếm lời thông qua các giao dịch đó. Buôn bán trái phép qua
biên giới là buôn bán không đúng quy định của Nhà nước thể hiện qua hành
vi vận chuyển hàng hoá qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của
Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
Hình thức vận chuyển có thể là vận chuyển bí mật, lén lút không qua
cửa khẩu để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
(Hải quan, Bộ đội biên phòng, các lực lượng tuần tra kiểm soát khác…); Vận
chuyển qua cửa khẩu nhưng không khai báo hoặc khai báo một cách gian dối
hoặc giấu giếm hàng hoá, tiền tệ…hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả mạo của
các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (như các loại giấy phép, giấy giám định
hàng hoá) v.v…Hành vi này có thể được thực hiện bằng đường bộ, đường
thuỷ, đường không, đường bưu điện và bằng nhiều hình thức như: nhập cảnh
du lịch, thăm thân, đường ngoại giao…
Địa điểm thực hiện hành vi buôn lậu hàng hoá, tiền tệ, vật phẩm thuộc di
tích lịch sử văn hoá là một không gian rộng lớn, nhưng yếu tố qua biên giới là
yếu tố bắt buộc; tức là biên giới của Việt Nam với quốc gia khác hoặc với
lãnh thổ, khu vực không thuộc quốc gia nào.
Hành vi buôn lậu hoàn thành kể từ thời điểm thực hiện hành vi buôn bán
hàng hoá, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hoá
trái phép qua biên giới Việt Nam. Trường hợp nhập khẩu trái phép trót lọt
hàng hoá vào trong nội địa mới bị phát hiện vẫn cấu thành hành vi buôn lậu
qua biên giới.
Chủ thể của hành vi buôn lậu: Chủ thể của hành vi buôn lậu là công
dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch từ 14 tuổi trở
lên có năng lực trách nhiệm pháp luật. Trong trường hợp xử phạt hành chính,
chủ thể của hành vi buôn lậu còn là các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của
Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam.
Mặt chủ quan của hành vi buôn lậu: Hành vi buôn lậu được thực hiện
do lỗi cố ý trực tiếp. Người vi phạm biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật
15
nhưng vẫn thực hiện và mong muốn thực hiện hành vi đó nhằm mục đích
kiếm lời vì động cơ vụ lợi. Mục đích buôn bán kiếm lời là dấu hiệu chính để
phân biệt hành vi buôn lậu với hành vi vận chuyển trái phép hàng hoá qua
biên giới (vận chuyển thuê lấy tiền công). Hành vi buôn lậu và hành vi vận
chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới có mối quan hệ gắn bó chặt
chẽ với nhau. Cả hai hành vi này giống nhau ở hầu hết các dấu hiệu trong cấu
thành vi phạm và chỉ khác nhau ở dấu hiệu mục đích. Vì vậy, đấu tranh phòng
chống buôn lậu phải gắn với phòng, chống vận chuyển trái phép hàng hoá,
tiền tệ qua biên giới.
Theo pháp luật nước ta, về mặt hình sự thì hai hành vi trên được tách ra
thành 2 tội phạm khác nhau nhằm phân hoá đối tượng vi phạm để có chế tài
và đường lối xử lý phù hợp với yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống
và giáo dục răn đe từng loại vi phạm, tội phạm.
Về mặt xử lý hành chính, pháp luật nước ta không tách riêng buôn lậu
với vận chuyển trái phép qua biên giới nhưng quy định cụ thể chi tiết thành
từng hành vi hoặc nhóm hành vi theo các hình thức vi phạm, các loại đối
tượng và dấu hiệu khác nhau thuộc mặt khách quan của hành vi buôn lậu, vận
chuyển trái phép qua biên giới. Ví dụ như: Mua bán, vận chuyển hàng xuất
khẩu, nhập khẩu không có giấy tờ hợp lệ; Nhập khẩu, xuất khẩu hàng cấm;
Nhập khẩu, xuất khẩu hàng hoá không có giấy phép; Nhập khẩu, xuất khẩu hàng
hoá tạm ngừng nhập khẩu, xuất khẩu; Trao đổi hàng hoá trái phép với các tàu,
thuyền, phương tiện xuất nhập cảnh; Không khai hoặc khai báo hải quan sai về
số lượng, chủng loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Các hành vi xuất nhập lậu
từng mặt hàng chuyên biệt (khoáng sản, lâm sản, văn hoá phẩm, dược phẩm...)
v.v.. Những hành vi này được quy định cụ thể tại các Nghị định của Chính phủ
quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong những lĩnh vực cụ thể.
Nếu so sánh với pháp luật của một số nước và khái niệm buôn lậu của tổ
chức Hải quan thế giới, thì hành vi buôn lậu trong pháp luật Việt Nam có
16
phần hẹp hơn, không bao gồm các hành vi gian lận thuế và các hành vi buôn
bán các loại hàng hoá là ma tuý, vũ khí, chất phóng xạ, chất nổ, chất
cháy....Các trường hợp buôn bán qua biên giới liên quan đến những đối tượng
này, pháp luật không xử lý theo hành vi buôn lậu mà có quy định xử lý riêng.
Tuy nhiên, từ những phân tích trên đây, xem xét một cách chung nhất về
hoạt động buôn lậu dưới góc độ là một hiện tượng kinh tế - xã hội tiêu cực,
thì buôn lậu chính là các hoạt động mua bán, trao đổi, vận chuyển, đưa qua
biên giới giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ một cách trái phép mọi loại
hàng hoá, nhằm trốn tránh sự kiểm soát của pháp luật từng quốc gia cũng
như luật pháp quốc tế.
b) Hậu quả của hoạt động buôn lậu:
Hoạt động buôn lậu gây ra hậu quả nhiều mặt đối với xã hội:
Về kinh tế: buôn lậu làm thất thu một khoản ngân sách lớn của Nhà
nước; làm thất thoát tiền, vốn và tài nguyên quốc gia; hàng hoá nhập lậu tràn
vào thị trường trong nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nội địa.
Nghiêm trọng hơn, buôn lậu còn có thể tác động đến cán cân thương mại,
thanh toán làm giảm hiệu quả của các chính sách ngoại thương, điều tiết vĩ
mô của Nhà nước.
Về an ninh, chính trị: buôn lậu kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, gây mất trật tự
an ninh, làm gia tăng thêm các hoạt động phạm tội khác (như ma tuý, bạo lực.
…), đặc biệt buôn lậu còn liên quan đến các hoạt động xâm phạm chủ quyền an
ninh quốc gia, đưa người qua lại biên giới xuất nhập cảnh trái phép làm ảnh
hưởng đến sự ổn định chính trị nhất là tại các khu vực địa bàn biên giới. Hoạt
động buôn lậu cũng góp phần làm trầm trọng thêm tệ tham nhũng của đất nước.
Về văn hoá, xã hội: Buôn lậu là một trong những nguyên nhân du nhập
những sản phẩm văn hoá độc hại, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của
dân tộc và một số tệ nạn xã hội từ nước ngoài vào trong nước. Tại các vùng
biên giới, hoạt động buôn lậu đã lôi kéo người dân từ trẻ em đến người lớn
17
tham gia vào đội ngũ vận chuyển thuê, ảnh hưởng đến sự nghiệp giáo dục,
nguồn lực lao động và việc thực hiện các chủ trương chính sách phát triển
kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương.
Đối với cộng đồng: nạn buôn lậu ma tuý, vũ khí đang là một vấn đề nan
giải của cộng đồng quốc tế. Buôn lậu ma tuý, vũ khí có liên quan chặt chẽ với
các hành động bạo lực, khủng bố trên thế giới gây mất ổn định và xâm phạm
tới cuộc sống bình yên của các cộng đồng dân cư. Buôn lậu động, thực vật
hoang dã quí hiếm là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các hoạt
động khai thác, phá hoại rừng, biển làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi
trường sống toàn cầu.
Lợi dụng sự phát triển, mở rộng các hình thức thương mại, vận chuyển
hàng hóa trên thế giới và chính sách mở cửa của các nước, hoạt động buôn lậu
giờ đây sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, có tổ chức và chuyên
nghiệp cao. Đối tượng buôn lậu sử dụng cả các loại phương tiện kỹ thuật tiên
tiến, công nghệ hiện đại để theo dõi, trốn tránh và chống lại hoạt động của lực
lượng kiểm soát. Vì thế, những hoạt động buôn lậu xuyên quốc gia ngày càng
khó kiểm soát, gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khó lường,
không chỉ đối với mỗi quốc gia mà còn với cả cộng đồng quốc tế.
Đứng trước mối hiểm hoạ mà buôn lậu mang lại, ngày nay các quốc gia
trên thế giới đã phải cùng nhau hành động, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh,
tích cực hỗ trợ, hợp tác, liên kết với nhau nhằm ngăn chặn có hiệu quả hoạt
động buôn lậu để đảm bảo các lợi ích chung. Tuy mỗi nước có một cách làm
khác nhau, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh điều kiện mỗi nước, nhưng nhìn chung để
đấu tranh chống buôn lậu các Nhà nước đã tổ chức ra những lực lượng mạnh
có một số quyền hạn do pháp luật quy định, được đảm bảo trang bị các
phương tiện kỹ thuật. Lực lượng này có nhiệm vụ triển khai các biện pháp
tích cực nhằm kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hoạt động
buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Hầu hết lực lượng
18
chống buôn lậu đều được thực hiện các hành động trấn áp như quyền sử dụng
vũ khí, công cụ hỗ trợ để bắt, giữ người, phương tiện, tang vật vi phạm; có
quyền khởi tố, điều tra các hành vi phạm pháp…
Một số nước đấu tranh chống buôn lậu được đưa vào chương trình
phòng, chống tội phạm của quốc gia, là một trong những nhiệm vụ thường
xuyên được ưu tiên hàng đầu của các Chính phủ. Ở nước ta công tác đấu tranh
chống buôn lậu từ lâu đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và
Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Ban chấp hành Trung ương
Đảng khoá VIII đã nhấn mạnh: “Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan
chức năng, phát huy vai trò của nhân dân để tiến hành có hiệu quả những biện
pháp chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, vùng biển và trên thị trường nội
địa. Ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại
hoặc tiếp tay, bao che cho bọn buôn lậu”. Hàng năm, Chính phủ đều ban hành
các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường các biện pháp kiểm soát,
đấu tranh quyết liệt với hoạt động buôn lậu. Nhà nước ta cũng đã ký kết và
tham gia hợp tác quốc tế về đấu tranh chống buôn lậu ma tuý, động thực vật
hoang dã quí hiếm; kiểm soát chất phóng xạ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ,
chống hàng giả.... đặc biệt là hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các
nước trong khu vực Đông Nam Á.
Có thể nói, ngày nay đấu tranh chống buôn lậu là hoạt động được tất cả các
quốc gia và cộng đồng quốc tế rất quan tâm trú trọng.Chống buôn lậu chính là
một trong những hành động đấu tranh trấn áp tội phạm, được thực hiện thông
qua các biện pháp nghiệp vụ tích cực nhằm kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý
những hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
1.1.1.2. Khái niệm đấu tranh phòng chống buôn lậu của lực lượng
Hải quan
Lịch sử hình thành và phát triển của Hải quan đã cho thấy lực lượng Hải
quan ra đời từ rất sớm. Vào thời kỳ cổ đại, khi hoạt động thương mại buôn
19
bán, trao đổi hàng hoá dần dần vượt ra ngoài giới hạn các vùng địa phương,
rồi vượt ra ngoài cả giới hạn các quốc gia. Nhà nước trong thời cổ đại đã đặt
ra những khoản thu đánh vào các thương đoàn và hàng hoá qua lại buôn bán
trên lãnh thổ của họ. Khoản thu này chính là hình thức đầu tiên của thuế hải
quan. Hoạt động hải quan ban đầu phát triển nhất ở Hy lạp cổ đại, thuế hải
quan được quy định đối với hàng hoá nhập khẩu bằng 1/10 trị giá hàng, thậm
chí tồn tại cả thuế hải quan đối với xuất khẩu nô lệ. Trong thời kỳ này cũng đã
xuất hiện chính sách ưu đãi thuế quan đối với một số mặt hàng và vùng lãnh
thổ. Nhà nước Hy lạp cổ đại đã miễn thuế đối với vũ khí, trang bị quân sự.
Các đồng minh của Hy Lạp thì chỉ phải trả 1/100 trị giá hàng trong khi các
thành bang khác phải trả 1/20 trị giá hàng [37, tr.14].
Để thực hiện việc thu thuế hải quan, Nhà nước cổ đại đã thành lập lên
các trạm thu thuế ở các cảng và vùng biên giới. Tại Ai Cập vào thế kỷ thứ IV
trước công nguyên một số trạm thu thuế hải quan đã được lập ở A-lec-xanđri-a, Pe-lu-xi, E-le-phan-tin và thậm chí có cả một trạm trong nội địa tại Hermo-pol [37, tr.14]. Chính từ những hình thức tổ chức đầu tiên này mà lực
lượng hải quan đã ra đời và phát triển cho đến ngày nay. Nhận thấy việc thu
thuế thường gặp khó khăn, thất thoát lớn khi các thương gia tìm cách trốn
tránh các Trạm thu thuế và giấu giếm bớt hàng hoá qua Trạm. Vì vậy, song
song với việc tổ chức thu thuế, các quốc gia cũng đã quan tâm tới hoạt động
kiểm soát, truy bắt, trừng phạt những kẻ trốn lậu và từ đó hình thành lên chức
năng chống buôn lậu của lực lượng Hải quan.
Hoạt động chống buôn lậu của lực lượng Hải quan đặc biệt được trú
trọng vào các thời kỳ trung cổ và cận đại. Để đảm bảo nguồn thu và kiểm soát
việc xuất, nhập khẩu hàng hoá cũng như kiểm soát người qua lại biên giới,
các Nhà nước phong kiến thời Trung cổ đã thành lập ra lực lượng kiểm soát
rất mạnh. Lực lượng này được tổ chức như quân đội, được trang bị vũ khí và
các phương tiện khác, được thực hiện các quyền khám xét, bắt giữ và xử phạt
20
đối với những người trốn lậu. Ở Trung Quốc lực lượng thu thuế và chống
buôn lậu được lập ra từ thời Nhà Đường, đến thế kỷ 17 Nhà Thanh chính thức
gọi tên cơ quan này là Hải quan. Ở Việt Nam, ngay từ thời Nhà Lý nhiệm vụ
chống buôn lậu, chống đưa người qua biên giới trái phép đã được giao cho
một chức quan chỉ huy cả một đội quân canh phòng biên giới và bờ biển. Đội
quân này vừa làm nhiệm vụ thu thuế hàng hoá buôn bán với nước ngoài vừa
làm nhiệm vụ kiểm soát canh phòng chống sự xâm phạm đất đai, lãnh thổ và
bắt giữ, xử phạt các đối tượng buôn lậu, trốn thuế. Thời kỳ sau các nhà nước
phong kiến tiếp tục phát triển và chuyên môn hoá lực lượng này. Nhà hậu Lê
lập ra “Đề bạc ty”, “quan Sát hải sứ”, “quan trấn thủ”. Nhà Nguyễn lập hẳn ra
một bộ máy “thuế binh” chuyên thực hiện nhiệm vụ thu thuế, kiểm soát hàng
hoá xuất, nhập khẩu, phòng, chống buôn lậu và nghiêm trị xử phạt buôn lậu
bằng các chế tài hình luật.
Ngày nay thế giới đang diễn ra quá trình toàn cầu hoá rất mạnh mẽ, hoạt
động giao lưu buôn bán, thương mại giữa các nước đã thực sự mở rộng. Các
quốc gia trên thế giới có những mục tiêu và sự quan tâm khác nhau đối với
việc kiểm soát thương mại, xuất nhập khẩu. Một số nước phát triển, nhiệm vụ
thu thuế hải quan không còn là nhiệm vụ hàng đầu nữa mà đã chuyển dần
sang những nhiệm vụ đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu, chính sách khác
về thương mại như chính sách bảo hộ sản xuất và tiêu dùng nội địa, ngăn chặn
hàng giả và một số loại hàng hoá đặc biệt khác. Hiện nay, Hải quan Mỹ ưu
tiên hàng đầu là chống khủng bố, kiểm soát phát hiện người, phương tiện và
hàng hoá có nghi ngờ liên quan đến các hoạt động khủng bố. Hải quan Mỹ
cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc kiểm soát ngăn chặn hoạt động xuất
lậu những sản phẩm công nghệ cao sang các nước thù địch [37, tr.20].
Trong điều kiện mới, tuy nhiệm vụ cụ thể và mục tiêu hoạt động của lực
lượng Hải quan các nước có sự điều chỉnh khác nhau nhưng về cơ bản lực
lượng Hải quan trên thế giới vẫn có những nhiệm vụ và chức năng chính sau:
21
a. Kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất, nhập khẩu, phương tiện
vận tải và hành khách xuất, nhập cảnh, bảo đảm cho các hoạt động
này diễn ra đúng pháp luật.
b. Thu thuế xuất, nhập khẩu và các loại thuế và lệ phí khác do
pháp luật quy định; thực hiện chính sách thuế của Nhà nước trong
quan hệ kinh tế với nước ngoài.
c. Điều tra, xử lý các hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển trái
phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; các hành vi vi phạm pháp luật
về hải quan khác.
d. Thực hiện thống kê nhà nước về hải quan [37, tr.23].
Trong các nhiệm vụ trên, đấu tranh chống buôn lậu vẫn luôn là một chức
năng quan trọng của lực lượng Hải quan. Là lực lượng duy nhất thay mặt Nhà
nước kiểm tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập
cảnh hàng hoá, phương tiện, hành khách qua cửa khẩu biên giới quốc gia,
đảm bảo thực thi các chính sách thương mại và các cam kết ngoại thương của
Nhà nước, Hải quan chính là lực lượng thích hợp nhất để tiến hành công tác
đấu tranh chống buôn lậu. So với các lực lượng khác, Hải quan có điều kiện
thuận lợi hơn cả trong việc nắm thông tin cơ chế chính sách trong và ngoài
nước, theo dõi những biến động, diễn biến của tình hình buôn lậu; phát hiện
và khám phá những thủ đoạn buôn lậu mới cũng như dự báo chính xác tình
hình và phương thức hoạt động buôn lậu trong thời gian sắp tới.
Trong bối cảnh các hoạt động gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng
gia tăng, tính chất quốc tế ngày càng rõ nét, đa số các nước trên thế giới đều tăng
thêm thẩm quyền điều tra chống buôn lậu cho lực lượng hải quan. Hải quan Pháp
được toàn quyền điều tra, truy cứu tránh nhiệm hình sự đối với tội buôn lậu trước
tòa mà không nhất thiết phải qua cơ quan trung gian (công an, công tố, viện kiểm
sát). Lực lượng chống buôn lậu của hải quan Trung Quốc có thẩm quyền của
“công an chuyên trách chống tội phạm buôn lậu”, bất cứ cơ quan nào phát hiện
buôn lậu cũng phải chuyển cho Hải quan xử lý theo pháp luật.
22
Ở nước ta, kể từ sắc lệnh đầu tiên số 27/SL ngày 10/09/1945 do Bộ
trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà Võ Nguyên Giáp ký
ban hành thành lập ra lực lượng Hải quan, qua các thời kỳ lịch sử, nhiệm vụ
chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ ràng
và nhất quán.
Quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật Hải quan từ bản “Điều lệ
Hải quan” ban hành kèm theo Nghị định số 03/CP ngày 27/2/1960, rồi Nghị
định 139/HĐBT ngày 20/10/1984, đến Pháp lệnh Hải quan do Uỷ ban thường
vụ Quốc hội ban hành ngày 20/2/1990 và văn bản pháp lý cao nhất là Luật
Hải quan được Quốc hội khoá X thông qua ngày 12/07/2001, đấu tranh chống
buôn lậu luôn luôn được quy định là một chức năng cơ bản, quan trọng nhất
của lực lượng Hải quan Việt Nam. Những văn bản pháp luật ấy là cơ sở pháp
lý vững chắc để ngành Hải quan tổ chức ra lực lượng và triển khai các hoạt
động đấu tranh chống buôn lậu.
Trên thế giới, hoạt động đấu tranh chống buôn lậu của lực lượng Hải
quan luôn được đảm bảo bởi những điều kiện cần thiết về pháp luật, tài chính,
cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức và con người như: được trang bị phương
tiện kỹ thuật hiện đại, được thực thi một số quyền hạn khám xét, bắt giữ...,
được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ, được trả lương cao, được đào tạo
bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu.... Một số nước phát triển như Mỹ, Pháp, đội
ngũ chống buôn lậu của Hải quan được đào tạo rất bài bản và chuyên nghiệp
tại các Học viện [36]. Ngoài kiến thức pháp luật và kiến thức thương mại,
buôn bán quốc tế, nhân viên chống buôn lậu hải quan còn được đào tạo các kỹ
thuật nghiệp vụ khám xét, bắt giữ, điều tra thu thập thông tin, sử dụng phương
tiện máy móc kỹ thuật, sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ...
Ở nước ta, lực lượng chống buôn lậu của Hải quan cũng được đảm bảo
điều kiện hoạt động tương đối tốt. Hàng năm Nhà nước đều có sự bổ sung,
trang bị thêm nhiều phương tiện kỹ thuật cho lực lượng này, nhất là những
23
loại thiết bị kỹ thuật máy móc hiện đại. Công chức chống buôn lậu hải quan
thường xuyên được tập huấn về kỹ thuật nghiệp vụ như: Nghiệp vụ điều tra
thu thập thông tin, nghiệp vụ khám xét phương tiện vận tải, sử dụng chó
nghiệp vụ, sử dụng các thiết bị phát hiện buôn lậu ma tuý... Ngoài ra, còn
được học võ thuật, sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ khi cần thiết. Lực lượng
chống buôn lậu Hải quan khi thi hành công vụ được trang bị các loại phương
tiện bảo hộ như áo chống đâm, chống đạn và được pháp luật bảo vệ. Pháp luật
cũng quy định cho lực lượng chống buôn lậu Hải quan được thực hiện một số
quyền khám xét người, phương tiện, có quyền bắt giữ, khởi tố điều tra.
Có thể nói, đấu tranh chống buôn lậu là một chức năng cơ bản của lực
lượng Hải quan, gắn liền với Hải quan từ khi ra đời và trong suốt quá trình
hình thành và phát triển. Ngày nay, đấu tranh chống buôn lậu của Hải quan đã
thực sự mang tính quốc tế toàn cầu, ngày càng có vị trí và vai trò quan trọng
trong mỗi quốc gia. Tất cả các nước trên thế giới đều giao nhiệm vụ chống
buôn lậu cho lực lượng Hải quan, đồng thời, đảm bảo các điều kiện cần thiết
cho lực lượng Hải quan thực hiện nhiệm vụ này. Công tác đấu tranh chống
buôn lậu của Hải quan không chỉ là những công việc nội bộ mà còn được xem
là hành động thực hiện các cam kết của mỗi quốc gia trong tiến trình hội nhập
quốc tế, tham gia bảo vệ những lợi ích chung của cộng đồng.
Như vậy, từ những khái quát trên đây về buôn lậu, đấu tranh chống buôn
lậu và chức năng nhiệm vụ của Hải quan, có thể hiểu đấu tranh phòng, chống
buôn lậu của lực lượng Hải quan là những hoạt động của lực lượng Hải quan
nhằm ngăn ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý những hành vi buôn bán, vận
chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của pháp luật, góp phần
gìn giữ an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chủ quyền kinh tế của đất nước.
1.1.2. Đặc điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng Hải quan
Đấu tranh chống buôn lậu là nhiệm vụ không chỉ của lực lượng Hải
quan. Để ngăn chặn buôn lậu từ biên giới đến bắt giữ hàng nhập lậu lưu thông
24
trong nội địa và triệt phá những đường dây, ổ nhóm chuyên nghiệp hoạt động
trên toàn lãnh thổ, rất cần sự tham gia và phối hợp của nhiều cơ quan chức
năng. Chính vì vậy, ngoài cơ quan Hải quan, Nhà nước ta còn giao nhiệm vụ
chống buôn lậu cho một số lực lượng khác như: Công an, Bộ đội Biên phòng,
Quản lý thị trường và Cảnh sát biển. Mỗi một lực lượng, theo tính chất công
việc lại có những cách thức tiến hành và phương pháp đấu tranh riêng, phối
hợp và bổ sung hỗ trợ cho nhau nhằm góp phần ngăn chặn hoạt động buôn lậu
trên phạm vi địa bàn cả nước.
Là cơ quan duy nhất tiến hành thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập
khẩu, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh; thực hiện kiểm tra, giám
sát, kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu; đảm bảo thực thi những
chính sách thuế, chính sách thương mại và các cam kết ngoại thương của Nhà
nước, hoạt động đấu tranh chống buôn lậu của lực lượng Hải quan có một số
đặc điểm chính như sau:
1.1.2.1. Về chủ thể: Công tác đấu tranh chống buôn lậu có vai trò rất lớn
đối với toàn bộ hoạt động của Hải quan. Chỉ có tích cực đấu tranh chống buôn
lậu mới đảm bảo cho công tác quản lý của Hải quan được tiến hành thuận lợi,
đúng pháp luật, hoàn thành được nhiệm vụ thực thi các chính sách thuế,
thương mại và các cam kết ngoại thương của Nhà nước.
Chính từ tính chất và vai trò quan trọng đó mà hầu hết Hải quan trên thế
giới đều tổ chức ra lực lượng chuyên trách tiến hành công tác này. Thành lập
lực lượng chuyên trách là điểm khác biệt lớn nhất giữa đấu tranh chống buôn
lậu của Hải quan với các cơ quan khác.
Lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan thường được tổ
chức tại tất cả các cấp. Ở nhiều quốc gia, lực lượng này còn được tổ chức
thống nhất theo hệ thống dọc từ cấp Trung ương đến đơn vị cơ sở, hoạt động
giống như hệ thống các cơ quan cảnh sát (Hải quan Trung Quốc) [35, tr.38].
Hải quan Việt Nam cũng tổ chức ra lực lượng chuyên trách đấu tranh
chống buôn lậu và thường được gọi là lực lượng kiểm soát Hải quan. Ngày
25
19/04/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 65/2004/QĐ-TTg
chính thức ban hành quy chế hoạt động của lực lượng hải quan chuyên
trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Lực lượng kiểm soát Hải quan Việt Nam được thành lập ở tất cả các cấp.
Cấp Trung ương là Cục điều tra chống buôn lậu trực thuộc Tổng cục Hải
quan, cấp địa phương và cơ sở là Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh và
tổ kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu. Đây là lực lượng nòng
cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu của Hải quan. Nhiệm vụ
thường xuyên của lực lượng kiểm soát là tổ chức các hoạt động đấu
tranh trực tiếp nhằm phát hiện, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn bán,
vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Đối tượng đấu tranh chủ
yếu là những vụ việc buôn lậu hoạt động dưới hình thức trốn tránh sự
kiểm soát của các cơ quan chức năng, trốn qua các khu vực biên giới
tuyến bộ và tuyến biển, không làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu. Đồng
thời lực lượng này cũng còn làm nhiệm vụ chủ trì, hỗ trợ và phối hợp với
các bộ phận nghiệp vụ Hải quan khác phát hiện, bắt giữ những trường
hợp buôn lậu, gian lận thương mại trong các lô hàng xuất nhập khẩu qua
cửa khẩu, hàng hoá, hành lý mang theo người và hàng hoá cất giấu trong
các phương tiện vận tải xuất nhập cảnh.
Cũng như việc phòng, chống các loại tội phạm hoạt động có tính chuyên
nghiệp và tổ chức khác, đấu tranh chống buôn lậu của Hải quan rất cần sự hỗ
trợ từ những nguồn thông tin kịp thời và chính xác. Vì vậy mà Hải quan các
nước trên thế giới đều tổ chức ra các đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ thu
thập thông tin. Nhiều nước hoạt động này được gọi là tình báo Hải quan và
được tổ chức hoạt động theo hình thức cơ quan tình báo.
Công tác thu thập thông tin của Hải quan Việt Nam được giao cho các
đơn vị chuyên trách từ cấp Trung ương đến đơn vị cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm
công tác thu thập thông tin được bố trí tại tất cả các bộ phận nghiệp vụ Hải