BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
PHẠM KIỀU ANH
RÈN LUYỆN CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN
TRONG DẠY HỌC LÀM VĂN NGHỊ LUẬN
Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học
bộ môn Văn và Tiếng Việt
Mã số:
62.14.01.11
LUẬN ÁN TIẾN SĨ GIÁO DỤC HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
GS. TS. LÊ A
HÀ NỘI, 2012
Bảng viết tắt trong luận án
1.BGD &ĐT:
Bộ Giáo dục và Đào tạo
2. BT:
Bài tập
3.CCGD:
Cải cách giáo dục
4.CH:
Câu hỏi
5.GV:
Giáo viên
6. HS:
Học sinh
7. PP:
Phương pháp
8. PPDH:
Phương pháp dạy học
9. PT :
Phổ thông
10.SGK:
Sách giáo khoa
11.SGV:
Sách giáo viên
12.THCS:
Trung học cơ sở
13.THPT:
Trung học phổ thông
14. Th.s:
Thạc sỹ
15.TTLL:
Thao tác lập luận
16.VBNL:
Văn bản nghị luận
17. [143,63]:
[ sách số, trang]
18. [127]:
[sách số]
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC DẠY HỌC
CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN TRONG LÀM VĂN NGHỊ LUẬN CHO HỌC
SINH THPT
1.1. Quan niệm về lập luận
Ngay từ xa xưa, khi bàn về thuật hùng biện, Aristote đã trình bày những
hiểu biết của mình về lập luận. Theo đó, lập luận được xác định thuộc phạm vi
của thuật hùng biện. Nó là con đường dẫn dắt người đọc, người nghe tiếp nhận
để nắm bắt được một vấn đề nào đó của thế giới khách quan, của xã hội loài
người. Cùng với sự phát triển của thời gian, con người ngày càng nhận ra tầm
quan trọng của lập luận trong đời sống xã hội. Bởi thế, con người đặc biệt quan
tâm và tìm hiểu lập luận. Có thể nhắc tới hai ngành khoa học nghiên cứu về lập
luận dưới đây:
1.1.1. Quan niệm về lập luận trong lôgic học
Thuật ngữ lôgic bắt nguồn từ tiếng Hy lạp, với ý nghĩa là "tư tưởng", "trí
tuệ" và "từ". Những ý nghĩa đó được đề ra từ mục đích con người muốn biểu
thị tập hợp các quy luật bắt buộc của quá trình tư duy khi phản ánh thực tế
khách quan. Nói một cách khác, nhiệm vụ cơ bản của lôgic học là làm sáng tỏ
những điều kiện nhằm đạt tới tri thức chân thực. Để đạt được nhiệm vụ ấy, con
người phải thực hiện quá trình nhận thức, phải tư duy. Cơ sở để con người ghi
lại quá trình tư duy là ngôn ngữ, là lập luận. Cũng vì thế, lập luận là một trong
những đối tượng cơ bản của lôgic học.
Lập luận trong lôgic học được thể hiện rõ trong suy luận. Theo đó, suy
luận là "hình thức của tư duy" [28, 90] nhằm tạo ra cơ sở để rút ra phán đoán
mới từ các quy tắc của lôgic. Phán đoán, kết luận khoa học được tạo ra từ
những quy tắc lôgic thông qua các thao tác của tư duy và được thể hiện theo
một cách thức lập luận nhất định. Bởi vậy, lập luận chính là con đường để tổ
chức nhận thức khoa học. Lôgic học đã xác lập rõ các quy luật của tư duy, quy
tắc của lập luận cũng như những tiền đề thiết yếu để thu được nhận thức chân
lý như tính chân thực, quy tắc của lôgic lập luận [23], [28]...Như vậy, trong
lôgic học, có thể nhận thấy lập luận là yếu tố không thể thiếu của bất kì suy
luận nào. Nó vừa là cách thức, là thao tác tìm ra nhận thức chân lý mới, vừa là
quá trình dẫn dắt con người đi đến và kiểm nghiệm độ xác thực của chân lý ấy.
Với đặc trưng đó, khi nghiên cứu lôgic học, các nhà khoa học đã tìm ra những
phương pháp lập luận như: phương pháp diễn dịch, phương pháp quy nạp, suy
luận trực tiếp, suy luận gián tiếp, suy luận loại suy. Hơn nữa, cũng trong lôgic
học, các nhà khoa học còn chỉ ra những cách thức tổ chức lập luận như: phân
tích, chứng minh, bác bỏ, tổng hợp...Có thể nói những cách thức tổ chức lập
luận trên đây gắn liền với các hoạt động của tư duy lôgic, và cũng là con đường
giúp con người đi đến với nhận thức chân lý.
1.1.2. Quan niệm về lập luận trong ngôn ngữ học
Lập luận cũng là một trong những nội dung quan trọng của việc nghiên
cứu ngôn ngữ học. Tìm hiểu lập luận với tư cách là đối tượng của ngôn ngữ,
các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra những quan niệm khác nhau. Nhà nghiên cứu
Nguyễn Đức Dân, khi bàn về lập luận, cho rằng: đó là “một hoạt động, một
thao tác ngôn ngữ, qua đó người nói đưa ra một hay một số phát ngôn làm
luận cứ mà cấu trúc ngôn ngữ và nội dung của chúng đưa người nghe tới
những chuỗi liên kết dẫn tới một kết luận nào đó. Lập luận là một hoạt động
bằng lôgic ngôn từ mà người nói thể hiện nhằm tác động đến quần chúng” [23,
21]. Theo quan niệm này, có thể nhận thấy lập luận chính là các hành động
ngôn ngữ được con người thực hiện để nêu ra những nhận xét, suy luận hay
phán đoán nào đó nhằm tạo ra những tác động nhất định đối với người tiếp
nhận. Đó kết quả của một quá trình tư duy, gắn liền với hoạt động nhận thức
của con người. Kết quả ấy được biểu thị qua các hình thức của ngôn ngữ. Nói
một cách khác, lập luận chính là sản phẩm của tư duy nhưng được thể hiện cụ
thể bằng trật tự lôgic của ngôn từ.
Còn nhà nghiên cứu Đỗ Hữu Châu cho rằng lập luận một hành động
ngôn ngữ có cấu tạo chặt chẽ. Tác giả Đỗ Hữu Châu khẳng định, thuật ngữ “lập
luận” được hiểu theo hai nghĩa:“thứ nhất, nó chỉ sự lập luận tức là hành vi lập
luận. Thứ hai, nó chỉ sản phẩm của hành vi lập luận tức toàn bộ cấu trúc của
lập luận cả về nội dung và hình thức” [14, 19]. Theo quan niệm trên, có thể
khẳng định, về bản chất, lập luận là một hành động ngôn ngữ được biểu hiện
qua cả phương diện nội dung và cấu trúc hình thức. Bởi lẽ trong ngôn ngữ, lập
luận là một chiến lược hội thoại được con người thực hiện nhằm dẫn dắt người
tiếp nhận đi tới một nhận thức hoặc một kết luận nào đó mà người tạo lập
muốn đạt được. Các nhà ngôn ngữ học từng khẳng định: “Lập luận là đưa ra
một hoặc một số luận cứ nhằm dẫn dắt người đọc, người nghe đến một kết luận
nào đấy mà người nói, người viết muốn diễn đạt tới” [15, 79]. Hay cụ thể hơn,
đó là cách con người “đưa ra những lý lẽ nhằm dẫn dắt người nghe đến một
kết luận hay chấp nhận một kết luận nào đấy mà người nói muốn đạt tới" [14,
155].
Như vậy, hiểu một cách đơn giản: lập luận là đưa ra những lý lẽ, dẫn
chứng nhằm dẫn dắt người đọc, người nghe đến một kết luận hay chấp nhận
một kết luận nào đấy mà người nói, người viết muốn đạt tới.Với tư cách là một
hành động ngôn ngữ, lập luận là yếu tố giúp cho con người tạo thành phát ngôn
cụ thể để hiện thực hóa nhận thức. Nói một cách khác, lập luận là hành động
lôgic ngôn từ có cấu trúc và gắn với một nội dung cụ thể. Vì thế, khi xem xét lập
luận, các nhà ngôn ngữ học thường tập trung tìm hiểu cấu trúc hình thức của
lập luận, mối quan hệ giữa lập luận với thực tế khách quan, với dụng ý của
người tạo lập luận và từ đó đánh giá biểu hiện của các hành vi ngôn ngữ (hành
vi ở lời, hành vi mượn lời, hành vi tạo lời...). Cho nên, khi tiếp cận lập luận,
chúng ta cần xem xét nó trên các bình diện của hành động ngôn ngữ (như mục
đích, nhận thức) và các hành vi ngôn ngữ được con người thực hiện khi giao
tiếp. Nhờ đó, chúng ta hiểu đúng về cấu trúc, ý nghĩa cũng như mục đích tạo
lập văn bản - sản phẩm của hoạt động giao tiếp. Bởi vậy, khi nghiên cứu văn
bản, lý thuyết lập luận là một trong những cơ sở khoa học không thể thiếu.
1. 2. Lập luận trong văn bản nghị luận
Nghị luận là kiểu văn bản đặc biệt quan tâm tới thuyết lý, được thực
hiện chủ yếu bằng tư duy logic. Vì thế, khi tạo lập, người nghị luận phải phản
ánh được nhận thức, quan điểm của bản thân về thế giới khách quan; phải thể
hiện được tư tưởng, tình cảm bằng chính ý kiến xác định trên cơ sở của các lý
lẽ và dẫn chứng cụ thể. Nói một cách khác, giá trị của VBNL được đánh giá
dựa vào ý nghĩa của văn bản thông qua lập luận. Khẳng định vai trò của lập
luận, nhà nghiên cứu Đỗ Ngọc Thống, khi tiếp cận với văn nghị luận cho rằng:
“...Văn nghị luận là một thể loại nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ,
quan điểm của người viết một cách trực tiếp về văn học hoặc chính trị, đạo
đức, lối sống... nhưng lại được trình bày bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng,
hùng hồn, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục...”[106,
189]. Nhận định trên khẳng định cho đặc trưng cơ bản của văn bản này. Có thể
nói, nhờ hệ thống lý lẽ, dẫn chứng và thông qua việc diễn đạt bằng ngôn từ
lôgic, người viết có thể trình bày nội dung nghị luận một cách chính xác, tạo ra
những tác động nhất định đối với người tiếp nhận.
Như vậy, lập luận trong VBNL là hành động ngôn ngữ giúp cho người
tạo lập biểu đạt nội dung nghị luận sâu sắc, đầy đủ, chính xác. Lưu Hiệp khẳng
định: Nguyện luận làm thành một thể là để phân biệt đúng - sai, phải - trái, tìm
hết lý lẽ, truy cứu ở cái chỗ vô hình, khoan xuyên vật cứng để cho thông, khơi
chỗ sâu để xem giới hạn, nó là cái giỏ để bắt trăm điều suy nghĩ, là thước đo
cân nhắc vạn sự [37]. Trong nhận xét trên, tác giả Lưu Hiệp chỉ rõ những đặc
trưng cơ bản của VBNL: phân biệt đúng - sai, phải - trái, tìm hết lý lẽ, truy cứu
ở cái chỗ vô hình, khoan xuyên vật cứng để cho thông, khơi chỗ sâu để xem
giới hạn, nó là cái giỏ để bắt trăm điều suy nghĩ, là thước đo cân nhắc vạn sự.
Để tạo ra một văn bản đáp ứng được các đặc trưng ấy, người viết phải tổ chức:
lời phù hợp mà ý chặt chẽ, luận giống như việc bổ củi, quý ở chỗ chẻ được lý
ra, người ngụy biện đi ngược ý nghĩa mà nói lấy được thì đọc văn tuy thấy hay
đấy nhưng xét lại thì hóa ra dối trá. Nói một cách khác, tính chính xác của
VBNL được tạo ra qua hành động lập luận. Mặc dù trong VBNL, lập luận được
coi là hành động ngôn ngữ, nhưng lập luận trong ngôn ngữ và lập luận trong
VBNL không hoàn toàn đồng nhất. Bởi trong ngôn ngữ, lập luận được xem xét
trong một mẩu, đoạn hoặc trong phát ngôn cụ thể. Trên cơ sở đó, các nhà ngôn
ngữ tìm ra cấu trúc, ý nghĩa cũng như dụng ý sử dụng chúng khi giao tiếp. Còn
trong VBNL, lập luận là hành động ngôn từ được người tạo lập thực hiện trong
suốt quá trình nghị luận. Nó không chỉ là một câu, một đoạn mà là hành động
trong toàn bộ văn bản. Nói một cách khác, mỗi VBNL là một chuỗi các hành
động ngôn ngữ được người tạo lập tạo ra nhằm tổ chức nội dung luận bàn (từ
nội dung khái quát tới những nội dung cụ thể thông qua luận điểm, luận cứ và
luận chứng), đồng thời thể hiện dụng ý riêng của bản thân. Vì thế, lập luận là
sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nội dung văn bản, là một trong những căn cứ để
đánh giá giá trị của bài văn nghị luận.
Hơn nữa, lập luận còn là hành động của tư duy logic. Khi thực hiện
hoạt động nghị luận, tận dụng những quy tắc về nhận thức chân lý trong logic,
người tạo lập tổ chức sắp xếp các yếu tố của lập luận để dẫn dắt người tiếp
nhận đi đến với chân lý khoa học, nhằm đạt được các mục đích khác nhau như
tuyên truyền, giáo dục, nhận thức xã hội, giao lưu truyền bá hay truyền cảm bồi
dưỡng. Dù mục đích tạo lập khác nhau, nội dung nghị luận khác nhau nhưng
thông qua hành động lập luận, người nói, người viết có thể dẫn dắt người nghe,
người đọc tiếp cận nội dung bàn luận một cách tự nhiên, khéo léo. Bởi lẽ, lập
luận là hành động được người tạo lập thực hiện nhằm“bàn luận với người đọc
về hiện thực” [16, 3]. Nói một cách khác, VBNL đặc biệt chú trọng tới cách tổ
chức lập luận nhằm tác động mạnh mẽ đến người tiếp nhận, thuyết phục người
ta tin vào ý kiến của bản thân người tạo lập. Nhờ có lập luận, người tạo lập thể
hiện thái độ, quan điểm, cũng như những dụng ý riêng của bản thân “nhằm
khêu gợi, tác động vào cảm xúc, tưởng tượng của người đọc” [26, 5] và tạo ra
những tác động nhất định đối với người tiếp nhận. Cho nên, khi nghiên cứu
VBNL, lập luận được coi là phương thức biểu đạt cơ bản của kiểu văn bản này.
Cũng vì thế, khi dạy học lập luận trong VBNL, GV một mặt phải tuân
theo các quy tắc của logic, mặt khác phải đảm bảo tới cấu trúc của lập luận,
nhưng đặc biệt phải chú trọng tới cách tổ chức hệ thống lập luận khi tạo lập văn
bản. Dạy học các TTLL ở THPT chính là nhằm rèn cho HS năng lực thiết yếu
để tổ chức lập luận khi viết văn nghị luận.
1.3. Thao tác lập luận trong văn bản nghị luận
Tiếp cận VBNL, các nhà nghiên cứu nhận thấy rõ tầm quan trọng của
phân tích, chứng minh, bình luận… Chương trình Ngữ văn THPT hiện hành
quan niệm đó là các TTLL. Để tìm hiểu TTLL, chúng tôi xem lập luận trong
VBNL là một hành động ngôn ngữ. Đó là hành động được con người thực hiện
để tạo ra các sản phẩm giao tiếp cụ thể. VBNL là một sản phẩm của hoạt động
giao tiếp, và để tạo ra được sản phẩm ấy, người tạo lập phải sử dụng TTLL để
tổ chức lập luận khi triển khai nội dung nghị luận.
1.3.1. Khái niệm thao tác lập luận
Thao tác là thuật ngữ được đề ra từ tâm lý học hoạt động. Theo A.A.
Leonchiep, con người thực hiện hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu nào đó của
bản thân. Để thỏa mãn những nhu cầu đó, con người thực hiện hành động dựa
trên phương tiện trong những điều kiện xác định. Mỗi phương tiện quy định
cách thức hành động. Cốt lõi của cách thức ấy chính là thao tác. Bởi vậy, thao
tác là đơn vị nhỏ nhất của hoạt động. Đó là thành phần cấu tạo của hành động.
Trong cấu trúc hoạt động, thao tác là nhân tố thuộc về phía chủ thể thực hiện
hoạt động, nó giúp cho chủ thể tiến hành tạo ra các sản phẩm nhằm đáp ứng
mục đích cụ thể, mục đích cuối cùng của hoạt động
Có thể hình dung cấu trúc vĩ mô của hoạt động bằng sơ đồ sau:
Chủ thể
Khách thể
Hoạt động cụ thể
Động cơ
Hành động
Mục đích
Thao tác
Phương tiện
Sản phẩm
Sơ đồ 1: Cấu trúc vĩ mô của hoạt động (Theo [115, 60])
Như vậy, hành động và thao tác là hai yếu tố cơ bản được con người sử dụng
để thực hiện hoạt động. Hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với chủ thể con
người. Bởi thế, A. A. Leonchiep cho rằng trong dòng liên tục của các hoạt
động khác nhau tạo nên đời sống cá nhân, nếu ta lấy ra một hoạt động bất kỳ,
tại thời điểm xác định và loại bỏ mọi sự khác nhau về hình thức biểu hiện và
tính chất riêng rẽ, sẽ còn lại quan hệ chủ thể - đối tượng, thông qua công cụ
hoạt động. Nói một cách khác, bản chất cuối cùng của việc thực hiện hoạt động
chính là quá trình thể hiện mối quan hệ giữa con người (nhu cầu của con
người) và hành động thông qua các thao tác cụ thể. Vì thế, thao tác là phương
tiện để thực hiện hành động. Nó thuần túy là cơ cấu kỹ thuật, máy móc của
hành động. Nó có thể được tháo lắp, đập vỡ, chắp ghép và tự do tham gia vào
bất kỳ hành động nào nếu hành động đó phù hợp với nó về lôgic. Trong hoạt
động, thao tác chính là nhân tố tạo nên sự vận hành của hành động nhằm đạt
được mục đích.
Tạo lập VBNL là một hoạt động. Hoạt động đó được con người thực
hiện nhằm đáp ứng những nhu cầu cụ thể của bản thân. Muốn đạt được nhu cầu
ấy, con người phải thực hiện các động tác cụ thể - cơ sở để thực hiện và vận
hành những hành động cụ thể. Một trong những hành động thiết yếu chính là
hành động lập luận. Và để thực hiện hành động ấy, người nghị luận phải sử
dụng tới TTLL. Theo đó, ta có thể quan niệm về TTLL như sau:
Thao tác lập luận là những động tác có tính chất kỹ thuật mà người nói,
người viết sử dụng để sắp xếp các yếu tố của lập luận (luận điểm, luận cứ)
theo trình tự và yêu cầu nhằm đạt được những mục đích riêng khi thực hiện
hoạt động nghị luận.
1.3.2. Các thao tác lập luận trong chương trình Ngữ văn THPT
Nghiên cứu VBNL, có thể nhận thấy người nói, người viết thường sử
dụng các TTLL cơ bản sau: giải thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp, so
sánh, bác bỏ, bình luận. Tuy nhiên, gắn với phạm vi nghiên cứu của luận án,
chúng tôi tập trung vào các TTLL dưới đây:
1.3.2.1. Thao tác lập luận phân tích
Trong quá trình khám phá thế giới khách quan, con người nhận thấy
rằng bất cứ một đối tượng, một sự vật nào cũng đều do nhiều bộ phận hợp
thành, mỗi bộ phận lại có những đặc trưng và tính chất riêng biệt của nó. Bởi
vậy, muốn hiểu đúng bản chất đối tượng, ta cần nắm vững đặc trưng của từng
bộ phận. Để làm được việc đó, chúng ta thực hiện phân tích. Về bản chất, đó là
hành động chia cắt, xẻ, tách nhỏ đối tượng nhằm tạo ra cơ sở để khảo sát, tìm
hiểu, khám phá đối tượng. Như vậy, phân tích là một thao tác của tư duy lôgic.
Nó là con đường giúp con người tiếp cận với các yếu tố và nhận thức thế giới
khách quan.
Khi tạo lập VBNL, để nội dung nghị luận được trình bày khoa học,
khách quan, người viết phải thực hiện TTLL phân tích. Như vậy, phân tích là
TTLL được người viết sử dụng nhằm dẫn dắt người tiếp nhận hiểu hơn từng
đặc điểm, từng biểu hiện, qua đó có cách nhìn chính xác, khách quan đối với của
nội dung được bàn luận. Nhờ có TTLL này, người tạo lập thể hiện cách thức
tiếp cận đối tượng, rút ra những hiểu biết của bản thân và dẫn dắt người tiếp
nhận đi đến các phán đoán, kết luận khoa học, và nhận thức đúng nội dung nghị
luận. Chẳng hạn, trong ngữ liệu sau:
“Để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và phát triển cho tâm hồn, trí tuệ
không gì thay thế được việc đọc sách.
Cuốn sách tốt là người bạn giúp ta học tập, rèn luyện hằng ngày.
Sách mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta vào những chỗ sâu
sắc, bí ẩn của thế giới xung quanh, từ sông ngòi rừng núi cho đến vũ trụ bao
la. Sách đưa ta vào những thế giới cực lớn, như thiên hà hoặc cực nhỏ, như thế
giới các hạt vật chất.
Sách đưa ta vượt thời gian, tìm về với những biến cố lịch sử xa xưa hoặc
chắp cánh cho ta tưởng tượng tới ngày mai, hoặc hiểu sâu sắc hơn hiện tại.
Sách văn học đưa ta vào thế giới của những tâm hồn người đủ các thời
đại để ta thông cảm với những cuộc đời, chia sẻ những niềm vui, nỗi đau dân
tộc và nhân loại.
Sách đem lại cho con người những phút giây thư giãn trong cuộc đời
bận rộn, bươn chải. Sách làm cho ta hưởng vẻ đẹp, mở rộng con đường giao
tiếp với mọi người xung quanh.
Sách là báu vật không thể thiếu được đối với mọi người. Phải biết chọn
sách mà đọc và trân trọng, nâng niu những cuốn sách quý”.
(Theo SGK Ngữ văn 7, tập 2, tr.23, Nxb Giáo dục)
Ở ngữ liệu trên, để đánh giá vai trò của việc đọc sách, tác giả Thành Mĩ
mở đầu bằng việc khẳng giá trị không thể thay thế của sách. Từ luận điểm được
nêu, tác giả đã chỉ ra các phương diện khác nhau mà sách đem lại. Đó là:
1) Sách là người bạn.
2) Sách mở mang trí thức, hiểu biết.
3) Sách đưa ta vượt thời gian.
4) Sách đem lại cho con người những phút giây thư giãn.
Bằng cách chia nhỏ tác dụng của sách thành bốn phương diện, tác giả
Thành Mỹ đã chỉ ra ích lợi của việc đọc sách một cách ngắn gọn, súc tích
nhưng rất cụ thể và thuyết phục người tiếp nhận. Ích lợi ấy được biểu hiện qua
các phương diện như: là người bạn, mở mang tri thức, vượt thời gian, và mang
lại sự thư giãn cho con người. Đó đều là những điều kiện cần thiết đối với cuộc
sống của mỗi cá nhân. Có thể nói thông qua việc sử dụng TTLL phân tích, tác
giả truyền đạt khá đầy đủ dụng ý riêng của bản thân.
Trong hành động lập luận, phân tích là thuộc kiểu hành vi ngôn ngữ ở
lời.TTLL này thường được người tạo lập thực hiện trong một đoạn văn, nhiều
đoạn văn, thậm chí là tất cả các đoạn văn trong bài khi giữa chúng có mối quan
hệ với nhau về ý nghĩa. Vì vậy, khi thực hiện TTLL phân tích, người nói, người
viết phải tuân theo những nguyên tắc sau:
Phải đảm bảo sự phân chia phản ánh đúng nhất tổ chức của đối tượng.
Để làm được điều này, chúng ta phải phân xuất được từng khía cạnh, từng bộ
phận của nội dung và sắp xếp chúng theo một trình tự hợp lý. Việc phân chia
phải dựa vào những căn cứ về nội dung, về ý nghĩa hay hình thức biểu hiện để
các khía cạnh được phân tách có tính chính xác, khoa học. Mặt khác, các yếu
tố, các bộ phận phải được phân chia theo cấp bậc. Theo đó, khi sắp xếp, người
viết dựa vào cấp bậc của các yếu tố để trình bày nội dung theo trật tự nhằm tạo
mạch lạc trong diễn đạt.
Phải lựa chọn những dẫn chứng, lý lẽ phù hợp với từng bộ phận, từng
khía cạnh. Khi lập luận, chúng ta cần phải căn cứ vào mục đích để lựa chọn
cách thức tổ chức lý lẽ và dẫn chứng cho thích hợp.
Trong VBNL, TTLL phân tích không đơn thuần chỉ là tách nhỏ các mặt
nội dung để mà còn cần phải xác lập mối liên hệ giữa chúng để có cơ sở khái
quát lại toàn bộ nội dung đã trình bày trước đó, từ đó rút ra nhận thức chân lý.
Muốn nhìn nhận đối tượng trong sự thống nhất hữu cơ của nó thì cần phải tổng
hợp.
1.3.2.2. Thao tác lập luận so sánh
So sánh là một thao tác tư duy được con người sử dụng thường xuyên
trong cuộc sống hàng ngày. Về bản chất, đó là sự đối chiếu hai hay nhiều đối
tượng, nhiều sự kiện, nhiều hiện tượng với nhau dựa trên một mối liên hệ nào
đó, nhằm làm nổi bật được đối tượng đang được xem xét, đánh giá. Từ đặc
trưng của so sánh, khi sáng tạo nghệ thuật, các nghệ sĩ đã tạo ra biện pháp tu từ
so sánh - một trong những biện pháp giúp người nghệ sĩ có thể tạo ra những
hình tượng nghệ thuật. So sánh tu từ được thực hiện theo cơ chế các sự vật,
hiện tượng được xem xét đối chiếu dựa trên những mối liên hệ tương đồng nhất
định nhằm mục đích chính là tạo ra những hình tượng nghệ thuật. Ví dụ:
Con yêu mẹ bằng con dế.
(Xuân Quỳnh)
Câu thơ trên được trích từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Cả
bài thơ là lời đối thoại giữa người mẹ và đứa con thơ bé, mà ở đó người con
nêu lên những tình cảm của mình dành cho người mẹ. Ấn tượng sâu sắc nhất
của bài thơ được tập trung rõ nét ở câu thơ cuối. Nhờ biện pháp so sánh tu từ ở
câu thơ này, Xuân Quỳnh đã tạo ra một kết thúc đầy bất ngờ với một lối diễn
đạt vừa dí dỏm, ngộ nghĩnh phù hợp với đặc điểm tâm lý trẻ thơ.
Khác với so sánh tu từ, trong VBNL, TTLL so sánh được người tạo lập
thực hiện trên cơ sở tương đồng giữa các đối tượng và từ đó rút ra ý kiến, nhận
định về đối tượng nghị luận. Ta có thể nhận thấy đặc điểm đó trong ngữ liệu
sau:
“Thần Hê-ra-clet của Hi Lạp, chủ yếu là bắp thịt rắn chắc, có tài chiến
đấu, nhưng mục tiêu chiến đấu là gì thì bất cần, tâm địa thần tầm thường.
Trong truyện Thánh Gióng Việt Nam không thấy nói đến bắp thịt rắn chắc mà
nói đến đức tính trước hết. Đức tính nào cũng cao cả, hình tượng nào cũng
phơi phới. Thần anh hùng của ta trí dũng kiêm toàn, đạo đức không gợi một
hạt bụi, mọi ý nghĩ và hành động đều tập trung vào một việc, mà việc ấy là việc
cứu nước.” [111, 58]
Đoạn trích trên được trích lược từ bài đánh giá về vẻ đẹp của Thánh
Gióng - một vị thần anh hùng bất tử trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Để
làm nổi bật lên vẻ đẹp của Phù Đổng Thiên Vương, tác giả Nguyễn Đổng Chi
đã sử dụng triệt để phép so sánh. Cũng giống như các hình thức so sánh khác,
so sánh trong lập luận ở đoạn trích trên được tác giả thực hiện bởi sự đối chiếu
giữa hai hình ảnh có sự tương đồng với nhau - cả hai vị thần đều có tài chiến
đấu. Chọn đối tượng so sánh là thần Hê-ra-clét của Hi Lạp, tác giả đã lần lượt
chỉ ra những nét khác biệt giữa hai vị thần trong các tác phẩm dân gian. Trong
thần thoại Hy Lạp, Hê-ra-clét là vị thần có vẻ đẹp hình thể: bắp thịt rắn chắc và
tài năng chiến đấu hơn người. Thánh Gióng của ta cũng một mình đánh đuổi lũ
giặc Ân xâm lược. Thế nhưng Hê-ra-clét lại không phân định rõ mục tiêu chiến
đấu, tâm địa tầm thường. Còn trong truyện Thánh Gióng, đức Phù Đổng Thiên
Vương của ta đẹp không phải ở hình thể mà đẹp bởi đức tính. Đấy là một vị
thần trí dũng kiêm toàn, đạo đức không gợn một hạt bụi, mọi ý nghĩ và hành
động đều tập trung vào việc cứu dân cứu nước. Như vậy từ việc so sánh hình
ảnh hai vị thần trong truyện, tác giả Nguyễn Đổng Chi đã nêu ra những nét đối
lập trong vẻ đẹp của hai nhân vật để rồi chứng minh cho vẻ đẹp bất diệt của
đức Phù Đổng Thiên Vương - vẻ đẹp ấy toả sáng lung linh, huyền ảo với nhiều
ý nghĩa mới mẻ sâu xa. Thánh Gióng - hình ảnh một vị thần đẹp người, đẹp nết,
trí dũng kiêm toàn, sống và hành động vì nghĩa lớn nhưng lại rất bình dị, khiêm
nhường. Câu kết của đoạn trích chính là kết quả được rút ra từ hành động so
sánh trước đó. Nhờ có so sánh, ta có thể hiểu đúng hơn vẻ đẹp của Thánh
Gióng - đó là vẻ đẹp được nhận thấy từ chiều sâu tâm hồn, từ những hành
động, việc làm cũng như tinh thần của ngài. Vẻ đẹp ấy không toát ra từ cơ bắp,
thân hình mà đó là cái đẹp hài hòa trong nhân cách, trong đạo đức của con
người. Không chỉ có vậy, khi đánh giá vẻ đẹp của Thánh Gióng, nhờ có so sánh
mà lời lẽ đánh giá của tác giả vừa dung dị lại vừa khách quan, thuyết phục.
Như vậy, TTLL so sánh đã thực sự giúp cho người viết triệt để làm nổi bật nội
dung đang được bàn luận, có điều kiện bộc lộ tâm trạng, tình cảm cũng như
thái độ đối với nội dung nghị luận.
Tóm lại, trong VBNL, so sánh là một TTLL được người tạo lập dùng để
tìm ra sự giống nhau hoặc khác nhau giữa các đối tượng, và qua sự so sánh ấy
để dẫn dắt người tiếp nhận đi đến một ý kiến, nhận định nào đấy đối với nội
dung được bàn luận. Nói một cách khác, đó là cách người lập luận thực hiện
nhằm dẫn dắt người tiếp nhận đến với một chân lý một kết luận nào đấy về nội
dung nghị luận. Cũng bởi thế, so sánh thể hiện rõ mục đích cũng như tính lập
luận trong văn nghị luận. Tính lập luận của so sánh có thể được thực hiện bằng
một câu, nhưng cũng có thể được người viết trình bày trong một đoạn văn hoặc
cả bài văn. Việc sử dụng TTLL này trong một câu, một đoạn hay thậm chí cả
bài đều gắn với mục đích và dụng ý của người viết. Khi sử dụng TTLL so sánh,
người viết không chú trọng tới độ dài ngắn của lập luận mà đặc biệt quan tâm
tới việc sử dụng các yếu tố so sánh và làm như thế nào đó để hướng người đọc
tới nhận thức, chân lý hay kết luận cuối cùng cần nêu ra. Chẳng hạn, khi nêu ra
những nhận xét về cách viết văn của một số nhà văn hiện thực, Nguyễn Tuân
có viết: “Làm sao trong đêm tối ngày xưa đó, Ngô Tất Tố đã mò ra được
những thực tế đó và trong đêm tối, ông lụi hụi thắp được bó hương mà tự mình
soi đường cho nhân vật mình đi? Lúc đó, không phải là không ai nói về làng
xóm dân cày, nhưng người ta nói năng khác ông, người ta bàn cải lương
hương ẩm, người ta xoa xoa mà ngư ngư tiều tiều canh canh mục mục. Còn
Ngô Tất Tố thì xui người nông dân nổi loạn. Cái cách viết như thế, cái cách
dựng truyện như thế, không là phát động quần chúng nông dân chống quan
Tây, chống vua ta thì còn là cái gì nữa!”. [53, 80].
Bằng TTLL so sánh, Nguyễn Tuân đã chỉ ra ý nghĩa ẩn sau những mảnh
đời đi vào mỗi trang viết của Ngô Tất Tố. Trong xã hội cũ, dưới sự kiểm soát
gắt gay của thực dân và phong kiến, Ngô Tất Tố đã tìm ra cho mình một hướng
đi riêng, và ta chỉ có thể nhận thấy điều đó khi đặt nó trong mối tương quan với
những người khác. Nhờ đặt vấn đề xã hội trong cách nói của những người
khác, Nguyễn Tuân đã chỉ ra sự khác biệt của Ngô Tất Tố: “người ta bàn cải
lương hương ẩm, người ta xoa xoa mà ngư ngư tiều tiều canh canh mục mục.
Còn Ngô Tất Tố thì xui người nông dân nổi loạn”. Điều đó đã tạo ra dấu ấn
riêng trong cách viết của Ngô Tất Tố.
Trên thực tế, khi sử dụng so sánh để tổ chức lập luận, người lập luận có
thể thực hiện theo hai hình thức: so sánh tương đồng hoàn toàn và so sánh
tương đồng có dị biệt. Thông thường, người ta sử dụng hình thức so sánh thứ
nhất để chỉ ra những điểm chung của các yếu tố và qua đó đưa ra những nhận
định có tính chất khái quát cho đối tượng được nghị luận. Hãy xem xét ví dụ
sau:“Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của
chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng.
Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”. (Phạm Văn Đồng)
Để rút ra nhận định về giá trị của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng đã mượn hình ảnh các vì sao trên bầu trời để so sánh.
Không chọn hình dáng hay độ đậm nhạt của ngôi sao khi được nhìn thấy trong
thực tế mà tác giả đã chọn ánh sáng của những ngôi sao ấy để làm yếu tố so
sánh. Đó là thứ ánh sáng được tác giả xác định ở các đặc trưng: khác thường,
phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Và những
đặc trưng ấy có những nét tương đồng với biểu hiện của thơ văn Nguyễn Đình
Chiểu trong nền văn học dân tộc. Từ đó, tác giả Phạm Văn Đồng đã rút ra một
nhận định, một kết luận về giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.
Không giống với so sánh tương đồng hoàn toàn, so tương đồng có dị
biệt lại bắt đầu từ việc người viết chọn những yếu tố, những chi tiết, những
hình ảnh có đặc điểm khác biệt nhau về hình thức hay giá trị để chỉ ra những nét
riêng của nội dung được bàn luận. Điều đó được thể hiện trong ví dụ sau: “Yêu
người, đó là một truyền thống cũ. “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”,
đã nói đến con người. Nhưng dù sao cũng là mới bàn đến một hạng người. Với
“Kiều”, Nguyễn Du đã nói đến cả xã hội người. Với “Chiêu hồn” thì cả loài
người được bàn đến [...] “Chiêu hồn”, con người trong cái chết. “Chiêu hồn”,
con người trong từng giới, từng loài, “mười loài là những loài nào” với những
nét cộng đồng phổ biến, điển hình của từng loài một”. [...].
Tôi muốn nói đến bài văn “Chiêu hồn”, một tác phẩm có một không hai
trong nền văn học chúng ta. (Nghĩ mà xem, trước “Chiêu hồn” chưa hề có bài
văn nào đem cái “run rẩy mới” ấy vào văn học. Sau “Chiêu hồn”, lại càng
không). Nếu “Truyện Kiều” nâng cao lịch sử thơ ca, thì “Chiêu hồn” đã mở
rộng địa dư của nó qua một vùng xưa nay ít ai động tới: cõi chết”. [53,79]
Trong ngữ liệu trên, người viết xuất phát từ một điểm: yêu người - một
truyền thống trong văn thơ dân tộc. Tuy nhiên, để đánh giá biểu hiện và giá trị
của truyền thống ấy trong các tác phẩm cụ thể, người viết đã đi sâu xem xét
cách biểu hiện của lòng yêu người trong một số tác phẩm. Nhờ có TTLL so
sánh, tác giả đã đúc rút ra nhận định về giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm
“Văn chiêu hồn”: thương tất cả thập loại chúng sinh trong cõi sống và cả trong
cõi chết, qua đó dẫn tới nhận thức mới về tác phẩm này.
Như vậy, trong VBNL, người nói, người viết sử dụng TTLL so
sánh nhằm bày tỏ ý kiến, quan niệm đối với nội dung được bàn luận. Sử dụng
TTLL này, người tạo lập không chỉ dẫn dắt người đọc đến với những kết luận
khoa học, chính xác mà còn giúp cho lời văn trong văn bản sinh động, hấp dẫn,
nhiều hình ảnh. Đó cũng là cách mà người nói, người viết tạo sức thuyết phục
đối với độc giả.
1.3.2.3. Thao tác lập luận bác bỏ
Bác bỏ cũng là một thao tác được con người sử dụng thường xuyên với
mục đích là để gạt bỏ, phản bác những ý kiến, những sự việc sai lầm, và qua đó
bảo vệ những điều đúng. Theo chiết tự Hán - Việt thì “bác” là phản bác, “bỏ” là
gạt đi, bỏ đi. Bác bỏ là phản bác để gạt đi, bỏ đi một ý kiến, một nhận xét
không chính xác. Như vậy, bác bỏ là một thao tác của tư duy. Nó giúp con
người có những cách thức để phê phán những chân lý, nhận thức hay quan
điểm sai, đi đến với những điều đúng đắn, chính xác.
Trong VBNL, bản chất của TTLL bác bỏ là cách người viết tổ chức lập
luận nhằm phủ nhận một ý kiến, một kết luận bằng cách dùng lý lẽ, dẫn chứng
để chỉ ra một cách rõ ràng, tường tận, thấu đáo những sự vô lý, sai lầm của nó.
Nó thực chất là cách người tạo lập thực hiện các động tác phủ định nhằm thể
hiện nhận thức, thái độ của bản thân đối với nội dung được nghị bàn.Vì thế, lập
luận trong TTLL này gắn với hành vi mượn lời. Nó được người viết sử dụng
khi và chỉ khi gặp những quan điểm không đúng hoặc có người không tán đồng
với những ý kiến mà mình đưa ra trong quá trình bàn luận. Nhờ có TTLL này,
người tạo lập sẽ chỉ ra lệch lạc, chưa chính xác trong suy nghĩ rồi từ đó dẫn dắt
người tiếp nhận đi đến với những chân lý đúng đắn, xác thực hơn. Ta có thể
nhận thấy vai trò của TTLL bác bỏ trong ngữ liệu sau:
“... Học để làm gì? Câu hỏi ấy nghe ra thật tầm thường cũ rích, tuồng
như không ai để ý đến, nhưng cứ như những câu trả lời của các học giả xưa
nay thì có một câu vắn tắt mà có thể bao quát được toàn thể và công dụng sự
học là:
Học để làm người.
Theo câu nói ấy, có lẽ cãi lại rằng: Vậy thì không học không làm người
được sao? Kìa như ông Hán Cao Tổ không học mà làm một ông vua anh hùng,
ông Hoắc Quang không học mà làm được công nghiệp lớn. Bên Âu Tây, nhiều
nhà đại chính trị đại sáng tạo hoặc trọn đời ở trong các mỏ lớn, các công
xưởng mà làm được công việc to lớn đó thì sao? Còn ở trên đời biết bao người
vào trường nọ, đậu bằng kia, đào mãi trong trăm ngàn bộ sách, miệng nói ra
rành là chuyện văn hào đông tây, mà xét đến phẩm cách tính chất, có điều mất
cả tư cách làm người nữa. Thế thì câu nói “học để làm người” không phải là
không đúng sao?” [78]
Ngữ liệu trên được trích trong một bài luận đăng trên báo Tiếng dân, số
282, ngày 17/5/1930. Cả bài luận được tác giả dùng để bàn về một hoạt động
quan trọng, thiết yếu đối với cuộc sống mọi cá nhân trong xã hội - hoạt động
học tập. Bàn về học tập, tác giả đưa ra một chân lý: Học để làm người. Đây là
một chân lý đúng, song trên thực tế, có người lại không đồng quan điểm với
chân lý ấy. Bởi vậy, để bảo vệ quan điểm trên, tác giả Huỳnh Thúc Kháng đã
đưa ra câu hỏi có tính chất lật ngược nhằm tạo ra một tình huống giả định độc
đáo: Vậy thì không học không làm người được sao? Theo câu hỏi trên, chúng ta
nhận thấy hình ảnh hai cá nhân đang đối thoại với nhau, trong đó nhân vật đang
thực hiện hành động tranh luận (giả định) nêu ra câu hỏi phản bác trên. Từ đó,
tác giả mượn các lý lẽ, và đặc biệt là các dẫn chứng cụ thể trong lịch sử để
chứng minh cho tính xác thực của luận điểm. Với những dẫn chứng đã chọn,
tác giả lý giải ý nghĩa của chữ “học”. Học ở đây không chỉ là học theo trường
lớp, học để nắm bắt tri thức, kỹ năng mà học chủ yếu là học nhân cách, học để
hoàn thiện mình. Cách dùng dẫn chứng, lý lẽ như vậy, vừa giúp cho nội dung
trình bày ngắn gọn, súc tích, vừa mang lại sự thuyết phục đối với người tiếp
nhận. Có thể nói, TTLL bác bỏ đã thực sự phát huy tác dụng khi khẳng định tính
chính xác của nội dung, quan điểm được bàn luận.
Khi nghị luận, TTLL bác bỏ có hình thức diễn đạt gần giống với chứng
minh, bởi lẽ, đó là một dạng lập luận chứng minh đặc biệt. Sở dĩ nói được như
vậy là vì: chứng minh là việc đi tìm những lý lẽ dẫn chứng để trực tiếp khẳng
định tính đúng đắn của nội dung đó. Còn TTLL bác bỏ lại xuất phát từ một ý
kiến, một quan niệm sai, sau đó dùng lý lẽ, dẫn chứng để chỉ ra cái sai, và nêu
ra chân lý (cái đúng). Cũng bởi vậy, khi sử dụng TTLL bác bỏ, người viết luôn
chú ý sử dụng nhiều hình thức diễn đạt phủ định. Đặc điểm này xuất phát từ
chính bản chất của TTLL này. Đó là các kiểu câu theo cấu trúc:... không...,
không...; ...có thể... nhưng không; ... đâu phải là... Ví dụ, trong ngữ liệu trên,
các câu: "Theo câu nói ấy, có lẽ cãi lại rằng: Vậy thì không học không làm
người được sao? Kìa như ông Hán Cao Tổ không học mà làm một ông vua anh
hùng, ông Hoắc Quang không học mà làm được công nghiệp lớn" được người
viết sử dụng lối diễn đạt: không học không làm người được sao; hay không
học mà làm một ông vua anh hùng; không học mà làm được công nghiệp lớn...
để chỉ ra quan niệm lệch lạc trong luận điểm chính.
Khi sử dụng TTLL bác bỏ, người viết thường thực hiện các cách bác bỏ
như bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ. Việc thực hiện bác bỏ ở luận điểm, hay
luận cứ phải căn cứ vào nội dung của chúng, xác định những phương diện chưa
chính xác trong nội dung luận điểm, luận cứ để từ đó tìm ra những lỹ lẽ, dẫn
chứng để có thể phản bác lại những nội dung không chính xác ấy. Vì thế, khi
thực hiện hành động bác bỏ, người viết phải kết hợp với các TTLL khác như
phân tích, chứng minh, bình luận... Để lý giải đặc điểm trên, chúng ta xem xét
ngữ liệu sau: “ Người ta thường nói: “ Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không
cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ
gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?
Ngô Tử Văn là một anh chàng áo vải. Vì cứng cỏi mà dám đốt cháy đền
tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi
tiếng và được giữ chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên
kiêng sợ sự cứng cỏi.”[53, 26].
Trong ngữ liệu trên, tác giả Nguyễn Dữ tập trung bàn về quan niệm
“Cứng quá thì gãy”- một quan niệm sống cũng như ứng xử của con người.
Chọn một nhận định chưa thực sự xác đáng, tác giả đã sử dụng lý lẽ và dẫn
chứng để chỉ ra sự lệch lạc đó. Cũng vì thế, nội dung luận bàn được tác giả
Nguyễn Dữ trình bày ở câu mở đầu. Sau đó, tác giả nêu dẫn chứng bằng thái độ
của một lớp người trong xã hội - kẻ sỹ để chỉ ra phần chưa chính xác và biện
giải cho sự lệch lạc trong nhận thức về quan niệm. Vẫn phát triển tiếp nội dung
mạch ý trên, người viết đã lấy một dẫn chứng cụ thể - Ngô Tử Văn, một nhân
vật được coi là “anh chàng áo vải”để chứng tỏ thái độ sống cứng cỏi của nhân
vật này. Từ đó, người viết đã thể hiện thái độ khâm phục của mình: làm một
việc hơn cả thần và người và rút ra lời nhận định: “Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng
sợ sự cứng cỏi.”. Như vậy, trong ngữ liệu ngắn, với dụng ý là thể hiện thái độ
không đồng tình với một quan điểm sống, tác giả Nguyễn Dữ đã sử dụng TTLL
bác bỏ để dẫn dắt người đọc đi đến với chân lý về thái độ sống trong cuộc đời.
Khi sử dụng TTLL này, tác giả đã kết hợp với phân tích, bình luận để trình bày
nội dung nghị luận ngắn gọn, súc tích. Tóm lại, bác bỏ là một TTLL được
người nói, người viết thực hiện nhằm đưa ra những lời bàn luận khách quan,
sâu sắc, tránh cái nhìn một chiều, sai trái, khiên cưỡng. Hơn nữa, trong VBNL,
lập luận còn là cách tranh luận ngầm nhằm phản bác những ý kiến không đúng,
từ đó khẳng định điều mà người nghị luận cho là đúng, là chân lý. Bởi vậy,
TTLL bác bỏ được người tạo lập thực hiện nhằm tổ chức lập luận được toàn
diện, giàu tính thuyết phục và hấp dẫn.
1.3.2.4. Thao tác lập luận bình luận
Bình luận là một thao tác được con người thực hiện trong nhiều lĩnh vực
như văn học, thể thao, y tế... Trong VBNL, bình luận là TTLL quan trọng
không thể thiếu. Khi lập luận, để thể hiện suy nghĩ, thái độ, quan điểm của
mình, người viết phải dùng ngôn ngữ, lý lẽ, dẫn chứng đối với nội dung nghị
luận. Đó chính là quá trình người tạo lập thực hiện bình luận. Nói một cách
khác, trong VBNL, bình luận là TTLL giúp người viết, thể hiện rõ tư tưởng,
tình cảm, thái độ của mình đối với bản thân nội dung luận bàn. Chẳng hạn,
trong ngữ liệu: “Mỗi ai nghiên cứu chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đều tỏ lòng
khâm phục đặc biệt đối với thái độ của người Việt Nam yêu nước trước cái
chết vì nước...
... Chủ nghĩa anh hùng Việt Nam thật là tuyệt diệu ngay cả ở lúc người
anh hùng sắp bị hành hình. Tinh thần người chết tiếp sức cho người sống nối
chí mình. Trong ý nghĩ đó, cái chết anh hùng là bất tử”.
Ở ngữ liệu trên, nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu bàn về: người Việt Nam
coi cái chết như hành động thể hiện tư thế hiên ngang, không chịu khuất phục
trước kẻ địch. Điều đó được thể hiện ngay trong câu mở đầu:“Mỗi ai nghiên
cứu chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đều tỏ lòng khâm phục đặc biệt đối với thái
độ của người Việt Nam yêu nước trước cái chết vì nước”. Với luận điểm đó,
tác giả đã chỉ rõ biểu hiện tinh thần, thái độ của những chí sĩ yêu nước trong
từng chặng đường lịch sử của dân tộc. Bằng những dẫn chứng cụ thể, tác giả
nêu ra nhận xét, đánh giá của bản thân trước các tấm gương trung hiếu ấy:
“Trong lịch sử Việt Nam loại gương ấy đã nhiều lại rất sáng. Thời chiến, vấn
đề sống chết… Biết bao thế hệ Việt Nam đã bước qua cái chết để tìm đường
sống”. Lời bình được tác giả trình bày đan cài, xen kẽ với từng tấm gương tiêu
biểu giúp cho cách biểu đạt nội dung trở nên chặt chẽ, xác đáng nhưng thể hiện
rõ tình cảm, sự trân trọng của người viết. Các câu bình luận của người viết như:
“Khí phách y như người chuẩn bị một trận đánh”; hay “... thật là tuyệt diệu
ngay cả ở lúc người anh hùng sắp bị hành hình. Tinh thần người chết tiếp sức
cho người sống nối chí mình. Trong ý nghĩ đó, cái chết anh hùng là bất tử”...đã
thực sự thuyết phục độc giả. Dường như những lời bình ấy đã tạo ra điểm nhấn
khi người viết khẳng định niềm tự hào của bản thân đối với các bậc tiền bối và
bài học giáo dục rút ra từ thực tế lịch sử dân tộc.
Trong hành động lập luận, bình luận thực chất là kết quả cuối cùng của
quá trình suy luận. Nó được thể hiện ở chỗ: đánh giá, bàn luận bao giờ cũng
phải xuất phát từ một nhận định cụ thể; nội dung bình giá luôn là sự đúc rút từ
những phân tích, suy đoán, chứng minh... Nói cách khác, bình luận là sự đúc
rút chân lí, nhận thức từ những cách tiếp cận nội dung nghị luận. Khi thực hiện
bình luận, người viết thực hiện hai động tác cơ bản là luận và bình. Trong đó,
luận là người viết xác định rõ luận điểm, tìm ra các luận cứ, luận chứng nhằm
làm rõ nội dung vấn đề; bình là việc từ những luận cứ, luận chứng, lí lẽ đã nêu,
người viết rút ra đánh giá của mình về nội dung được “luận” trước đó. Đặc
điểm này được bộc lộ trong ngữ liệu sau: "... Nếu bảo luật chỉ tốt cho việc cai
trị chứ không có đạo đức tinh vi, thế là không biết rằng trái luật là tội, giữ
đúng luật là đức. Nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi
quyền, pháp đều là đạo đức. Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không?
Chí công vô tư là đức ở trời. Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức
trời, như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao? Chỉ sợ con người
không tận dụng luật mà thôi. Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người
rồi, bất tất phải đi tìm cái gì khác” [53, 71].
Ở đoạn trích trên, tác giả Nguyễn Trường Tộ khi bàn về sự cần thiết của
luật pháp đối với xã hội - đã từ thực tế vai trò của luật pháp đối với mọi người
dân, đối với xã hội nêu lên những nhận xét xác đáng về giá trị và vai trò của
luật pháp. Cả đoạn trích được tác giả trình bày về giá trị, ý nghĩa thực tế của
luật pháp. Để dẫn dắt người đọc đi đến với chân giá trị của đạo đức, Nguyễn
Trường Tộ đã kết hợp cả “luận” và “bình” trong đoạn văn ngắn. Các đơn vị
ngôn ngữ như: “Nếu bảo luật chỉ tốt cho việc cai trị chứ không có đạo đức tinh
vi”, hay “nếu tận dụng cái lẽ công bằng ở trong luật mà xử sự thì mọi quyền,
pháp đều là đạo đức” và “Trong luật cái gì cũng công bằng hợp với đức trời,
như vậy mà không đáng gọi là đạo đức tinh vi sao? Chỉ sợ con người không
tận dụng luật mà thôi” được tác giả sử dụng nhằm luận giải về chân giá trị của
đạo đức. Tiếp sau lời luận giải ấy, tác giả nêu ra những nhận xét cụ thể: “Giữ
đúng luật là đức”, “Có cái đức nào lớn hơn chí công vô tư không? Chí công vô
tư là đức ở trời” và “Nếu tận dụng cũng đủ trọn vẹn đạo làm người rồi, bất tất
phải đi tìm cái gì khác”. Thông qua cách kết hợp giữa luận và bình ấy, tác giả
Nguyễn Trường Tộ đã giúp ta có thể hiểu ra chân lý luật pháp chính là phạm
trù giúp cho con người sống đúng đắn hơn, thể hiện đúng cái tình, cái lý hơn để
từ đó có những hành vi ứng xử hợp với đạo trời, với tình người. Bình luận đã
giúp cho tác giả Nguyễn Trường Tộ vừa thể hiện những suy nghĩ chính xác
được rút ra từ thực tế cuộc sống.
Khi lập luận, nhờ có TTLL này, người nói, người viết có điều kiện thể
hiện dấu ấn cá nhân bản thân khi bàn luận. Ta có thể nhận thấy rõ vai trò của
nó trong ngữ liệu sau:“... Trong lĩnh vực tai nạn giao thông, thần chết là một
kẻ mù lòa, không hề phân biệt người tốt và kẻ xấu khi đưa ngang lưỡi hái vào
mạng sống của ai đó. Nhất là khi thần chết đồng hành cùng những “sát thủ”
trên đường phố...” [56, 73-74].
Từ một sự việc được xác định là vấn nạn của mọi quốc gia trên thế giới,
người viết thể hiện dấu ấn rất riêng của mình khi nhìn nhận nó như “một kẻ mù
lòa”. Và để luận bàn cho nhận xét ấy, người viết lý giải qua biểu hiện “không
hề phân biệt người tốt và kẻ xấu” trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi “đồng
hành cùng “sát thủ” trên đồng hành cùng những “sát thủ” trên đường phố...”
đường phố...Từ đó, người viết bày tỏ thái độ: “Đó là sự tổn thương quá lớn
cho lực lượng lao động đất nước” và “Nếu chúng ta... bằng sự thận trọng khi
tham gia giao thông”... Có thể nói, bình và luận đã thực sự tạo ra những cách
diễn đạt vừa hấp dẫn, vừa xác đáng vừa thể hiện nét riêng trong suy nghĩ và
nhận thức của mỗi người viết. Nói một cách khác, nhờ có bình luận, người viết
mới có thể nêu lên những nhận xét, những suy luận được đúc rút từ thực tế tiếp
cận và khám phá nội dung nghị luận.
Trong VBNL, TTLL bình luận còn là cách người viết dẫn dắt người tiếp
nhận đi đến với những suy nghĩ, nhận thức mới. Có thể nhận thấy điều đó trong
ngữ liệu sau:“ ... Trong cuộc sống có biết bao nhiêu sự cảm ơn có lời và không
lời như thế. Với những người có văn hóa,“cảm ơn” là lời nói được sử dụng
hằng ngày, những lời luôn được cất lên bằng tất cả thái độ lịch sự và tình cảm
chân thực nhất. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn không ít thanh niên chưa nghĩ như
vậy. Họ coi cảm ơn chỉ là những lời khách sáo, vì thế, chẳng cần phải nói ra.
Hình như những bạn ấy vẫn nghĩ một cách giản đơn rằng nói lời cảm ơn hay
làm những cử chỉ biểu lộ sự biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình
và tăng thêm xa cách mà thôi.
Thế nhưng, cuộc sống hiện đại và yêu cầu về quy tắc giao tiếp giữa
người với người đòi hỏi chúng ta phải tập làm quen với lời “làm ơn” và sau đó
là “cảm ơn”. Thật hạnh phúc khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt
đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác, kéo mọi người lại gần nhau hơn.
Và cũng sẽ hạnh phúc không kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng,
bạc bẽo vì đã biết tri ân người giúp đỡ mình bằng những lời nói xuất phát tự
đáy lòng, chân thành, lịch thiệp: “cảm ơn” [ 56, 82].
Ngữ liệu trên được người viết thực hiện nhằm bàn về một hành động cần
thiết trong cuộc sống - hành động “đem mọi người đến gần nhau hơn”. Có thể
nói trong xã hội hiện đại, đây là việc làm cần thiết, bởi khi đời sống xã hội phát
triển, có nhiều khi con người chỉ biết bản thân mình mà không quan tâm tới
cộng đồng. Vậy làm thế nào để mỗi cá nhân biết cách để thể hiện sự gắn bó và
tôn trọng lẫn nhau? Bài viết giới thiệu hành động giúp con người biết cách thể
hiện sự gắn bó và tôn trọng nhau trong cuộc sống. Đó là hành động vốn rất gần
gũi với cuộc sống hàng ngày của con người: nói lời cảm ơn với những người đã
giúp đỡ mình. Thế nhưng, trên thực tế còn rất nhiều người không hiểu đúng ý
nghĩa cũng như giá trị của hành động ấy. Từ những nhận thức được rút ra từ
thực tế cuộc sống, người viết trình bày phát hiện của bản thân: “Họ coi cảm ơn
chỉ là những lời khách sáo, vì thế, chẳng cần phải nói ra. Hình như những bạn
ấy vẫn nghĩ một cách giản đơn rằng nói lời cảm ơn hay làm những cử chỉ biểu
lộ sự biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách
mà thôi”. Có thể nói đó là phát hiện tinh tế, sâu sắc nhưng cũng phản ánh đúng
lối cảm, lối nghĩ của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Và rồi, từ hiểu
biết về chân giá trị của hành động biết cảm ơn, từ những biểu hiện về sự lệch
lạc trong nhận thức của thanh niên, tác giả đưa ra đánh giá: “Thật hạnh phúc
khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt đem lại niềm vui, hạnh phúc
cho người khác, kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và cũng sẽ hạnh phúc không
kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng, bạc bẽo vì đã biết tri ân
người giúp đỡ mình bằng những lời nói xuất phát tự đáy lòng, chân thành, lịch
thiệp:“cảm ơn”. Như vậy, từ những hiểu biết của bản thân, người viết đã khéo
léo bày tỏ thái độ của mình đối với hành động “đem mọi người đến gần nhau
hơn”, qua đó đánh giá về vai trò của cảm ơn trong cuộc sống của mỗi con
người. Cách lập luận như vậy, vừa chính xác, khái quát, vừa mang tính thực
tiễn. Nói một cách khác, thông qua việc trình bày những kiến giải của bản thân,
người viết đưa ra đánh giá và ẩn sau đó là một lời hướng dẫn về phương châm
sống cho mỗi con người trong xã hội hiện đại. Bình luận chính là TTLL giúp
người viết thực hiện được các mục đích đó. Khi thực hiện TTLL này, người
viết phải tuân theo những yêu cầu nhất định. Đó là:
- Người viết phải am hiểu tường tận nội dung nghị luận, biết cách tổ
chức luận cứ, luận điểm để có thể dẫn dắt độc giả nắm bắt được mục đích mà
mình đặt ra.
- Khi đánh giá, phải căn cứ vào chính những nội dung đã/ sẽ được trình
bày trước đó để nêu ra những nhận xét cho phù hợp. Bởi vậy, khi sử dụng
TTLL này, người tạo lập phải có thái độ khách quan, không được xem xét nội
dung thoải mái, phiến diện, mang tính chủ quan, áp đặt; các lời bình giá không
phải được rút ra từ một vài lập luận đơn giản, sơ sài.
- Tùy vào từng cách cấu trúc, bố cục đoạn, bài văn mà để xác định đúng
nội dung được luận, khi luận cần trình bày trung thực, rõ ràng.
- Khi bình, phải nêu và bảo vệ quan điểm của mình, tìm cách thuyết
phục người tiếp nhận đặt niềm tin vào những đánh giá của bản thân. Vì thế, khi
bình luận, cần tránh thái độ cực đoan, không thể hiện quá mức hay không phù
hợp với sự thật. Hơn nữa, người nói, người viết phải khéo léo đưa ra kiến giải
riêng, trình bày những phát hiện mới về ý nghĩa mà nội dung nghị luận đặt ra.
Khi thực hiện bình luận mà không biết lồng ghép với những phát hiện riêng thì
tất yếu tạo ra những lập luận sơ giản, thiếu sức thuyết phục.
Với đặc trưng là dạng lập luận mang tính khái quát, bình luận là TTLL
có vị trí tự do, có thể có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, được sử dụng khi nghị
bàn (cả văn học và cả các vấn đề của đời sống xã hội) và cũng là TTLL có thể
kết hợp với tất cả các TTLL khác.
1.3.3. Sự kết hợp các TTLL trong bài văn nghị luận
Trong VBNL, mỗi TTLL có đặc điểm riêng, và được sử dụng nhằm một
mục đích, một dụng ý riêng của người viết. Tuy nhiên, khi lập luận, các TTLL
lại có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc tường minh nội dung bàn luận.
Và khi chúng kết hợp với nhau, người viết có thể tạo ra cách diễn đạt chính xác
phù hợp với các chân lý khách quan, khoa học, qua đó gây dựng sự tin tưởng ở
phía người tiếp nhận. Vì vậy, yêu cầu cần thiết đối với người tạo lập là phải căn
cứ vào mục đích, đối tượng nghị luận để lựa chọn và kết hợp các TTLL cho
phù hợp. Mặc dù vậy, việc phối hợp các TTLL cần tuân theo một trình tự hợp
lý. Thông qua một số VBNL, chúng tôi nhận thấy, khi triển khai nội dung nghị
luận, các TTLL thường được sắp xếp theo trình tự sau:
Muốn triển khai nội dung cần bàn luận, người viết phải xác định rõ luận
điểm chính. Đây là khâu không thể thiếu được trong quá trình tạo lập văn bản,
bởi qua đó, người nói, người viết có cơ sở thực tế định hướng nội dung cần
trình bày. Cũng từ luận điểm đã được xác định, người viết lựa chọn và sử dụng các
TTLL để tổ chức lập luận.
Từ luận điểm chính đã có, trước hết người viết sử dụng TTLL giải thích
để lý giải nội dung ý nghĩa của luận điểm. Nhờ TTLL này, người viết có thể
cung cấp những hiểu biết cơ bản về đối tượng nghị luận, qua đó, gây dựng cơ sở
khoa học để tiến hành bàn luận. Sau khi giải thích nội dung ý nghĩa luận điểm,
người viết chia nội dung của luận điểm thành các khía cạnh nhỏ. Việc phân
tách nội dung luận điểm cũng cần căn cứ vào nội dung ý nghĩa đã được giải
thích trước đó. Quá trình phân tách được thực hiện nhằm dẫn dắt người đọc
tiếp cận với bản chất của nội dung được bàn luận. Khi phân tích nội dung nghị
luận, người viết có thể kết hợp giải thích để xác định đặc trưng của từng
phương diện bằng các cách như chỉ ra bản chất, nêu định nghĩa, hay thông qua
các mối quan hệ nhân quả của chúng. Không chỉ kết hợp với TTLL giải thích,
người viết còn phải kết hợp TTLL phân tích với TTLL chứng minh để đánh giá
tính chính xác của từng yếu tố, từng phương diện.
Khi lập luận, người tạo lập khi muốn chứng minh tính đúng sai của nội
dung nghị luận, còn có thể kết hợp giữa TTLL chứng minh và TTLL bác bỏ.
TTLL chứng minh là cách người viết dùng lý lẽ, dẫn chứng để khẳng định tính
đúng đắn của nội dung. Tuy nhiên, khi gặp những nội dung chưa chính xác,
người tạo lập phải tìm cách chỉ ra chỗ sai, từ đó dẫn người tiếp nhận đi tới nhận
thức đúng cho nội dung được bàn luận. Hai TTLL này được người viết thực
hiện kết hợp với nhau khi muốn nhấn mạnh tính đúng đắn của nội dung nghị
luận và qua đó tác động tới nhận thức của độc giả.
Không chỉ vậy, trong quá trình lập luận, người viết còn có thể kết hợp
TTLL phân tích và TTLL so sánh. Hai TTLL này khi kết hợp với nhau sẽ giúp
người viết vừa xác định các phương diện của nội dung nghị luận, vừa chỉ ra nét
chung và riêng của từng yếu tố, tạo ra sự sinh động, hấp dẫn cho lời văn nghị
luận. Ta có thể gặp sự kết hợp ấy trong ví dụ sau:
“Chớ tự kiêu tự đại. Tự kiêu tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều
người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu tự đại
tức là thoái bộ. Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ
lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn thì một chút nước cũng
đầy tràn, vì độ lượng nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu tự mãn thì cũng như cái
chén, cái đĩa cạn” [53, 120].
Trong đoạn trích trên, tác giả Hồ Chí Minh đã sử dụng các TTLL như
giải thích, phân tích và so sánh, bác bỏ. Từ một biểu hiện thuộc về đạo đức và
lối sống - là thói tự kiêu tự đại của một số người, Bác đã chỉ ra sự không đúng
đắn trong tư tưởng và trong thực tế của lối sống ấy. Trước hết, Bác lý giải thế