A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
Việt Nam có rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, mỗi loại hình lại có nét
đặc sắc riêng. Tuy nhiên hiện nay có một thực trạng là nhiều loại hình văn nghệ
dân gian ngày càng bị rơi vào quên lãng, số người biết và am hiểu về những loại
hình văn hóa này ngày một ít đi, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay do
ảnh hưởng quá mạnh của văn hóa hiện đại nên một bộ phận không nhỏ trong đó
dường như hoàn toàn thờ ơ với truyền thống dân tộc. Hát Xoan cũng là một trường
hợp như thế.
Hát Xoan được các nhà nghiên cứu xếp vào tầng văn hóa cổ nhất của người Việt.
Đồng thời, loại hình nghệ thuật dân gian này đã tổ chức UNESCO công nhận là di
sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây có thể coi là niềm tự hào của người dân
đất Tổ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung nhưng một thực tế đáng buồn là
Hát Xoan vẫn còn là loại hình nghệ thuật dân gian còn lạ lẫm với khá nhiều người.
Đã có nhiều bài viết nghiên cứu về hát Xoan Phú Thọ, nhất là trong thời gian vừa
qua, khi hát Xoan được UNESCO vinh danh nhưng chưa có nhiều bài viết đề cập
đến phần lời ca. Đây là lý do chúng tôi chọn đề tài: Ca từ hát Xoan từ góc nhìn văn
hoá.
2. Mục đích nghiên cứu:
Cung cấp thêm cho người đọc thêm một số kiến thức về hát Xoan Phú Thọ. Giúp
mọi người thấy rõ được giá trị văn hóa của hát Xoan và giá trị ca từ của làn điệu
dân ca này trong mối liên hệ với các giá trị văn hóa truyền thống trong không gian
văn hóa cộng đồng hôm qua, hôm nay và mai sau. Hát Xoan gắn chặt với tín
ngưỡng – văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người Việt.Từ đó góp phần kêu gọi
người đọc gìn giữ loại hình nghệ thuật đặc sắc nhưng còn khá lạ lẫm với nhiều
người này.
1
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
- Trước cách mạng tháng Tám chưa có một công trình nào nghiên cứu về hát Xoan.
Sau cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ năm 1954 trở lại đây hát Xoan được chú ý
và quan tâm. Đề tài nghiên cứu ca từ Hát Xoan Phú Thọ đã được một số nhà
nghiên cứu đặt vấn đề như:
Về đặc điểm hát Xoan gắn với văn hóa gắn và lịch sử:
- Cuốn sách Hát Xoan Phú Thọ của tác giả Nguyễn Khắc Xương ( Xb Sở Văn hóa,
thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ - 2008 ). Thông qua cuốn sách này, ngoài giới
thiệu đến bạn đọc nhiều lĩnh vực về Hát Xoan Phú Thọ như: Nguồn gốc và sự phát
triển của nghệ thuật hát Xoan, địa lí hành chính vùng Xoan thì tác giả Nguyễn
Khắc Xương cũng đã khái quát nét văn hóa truyền thống hát Xoan, ngôn từ, làn
điệu hát Xoan… Hát Xoan gắn với truyền thống văn hóa dân tộc, với sinh hoạt hội
hè. Hát Xoan phản ánh khá sâu sắc một hình thái xã hội và ý thức xã hội, phản ánh
lao động, vui chơi cũng như tâm tư tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân thông qua
ca từ, làn điệu…
- Cuốn Hát Xoan - hát Ghẹo dấu ấn một chặng đường, tác giả Nguyễn Khắc Thùy
(Nxb Âm Nhạc - 2011). Cuốn sách này tác giả Nguyễn Khắc Thùy chủ yếu nghiên
cứu về Hát Xoan, về cách thức cũng như các chặng đường phát triển của Hát Xoan.
Thêm vào đó tác giả còn đề cập đến một số biện pháp nhằm gìn giữ nghệ thuật Hát
Xoan hiện nay. Cuốn sách còn cho chúng ta thấy Hát Xoan, Hát Ghẹo từ giữa
những năm 1950 đến nay đã chuyển sang một hướng đi mới (cũng có thể gọi là lối
rẽ). Hát Xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục, trước đây chỉ được hát ở một
số cửa đình môn; cũng như Hát Ghẹo tuy không hát ở cửa đình nhưng cũng chỉ hát
trong ngày hội ở một vài nơi có tục kết nghĩa. Thì đến nay cả hai vốn dân ca này
được hát thường xuyên trong các sinh hoạt xã hội và mở rộng ra nhiều nơi trong
tỉnh. Sự chuyển hướng ấy đã làm cho Hát Xoan, Hát Ghẹo có thêm nhiều nét mới ở
làn điệu, ở phong cách, hình thức biểu diễn và điểm nhìn văn hóa.
2
-Năm 1976 trong cuốn “Tục ngữ ca dao- dân ca Việt Nam” Vũ Ngọc Phan đã đưa
dân ca Xoan vào tuyển tập và giới thiệu Xoan Phú Thọ với tư cách là vốn văn hoá
cổ truyền cần được bảo tồn và phát huy trên miền Đất Tổ. Nhiều nhà nghiên cứu
như: Tô Ngọc Thanh, Trần Văn Thục... cũng có các công trình nghiên cứu về hát
Xoan đăng trên các tạp chí; nhiều nhạc sĩ nghiên cứu sưu tầm, sáng tác, cải biên
các làn điệu Xoan như: Nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn, Phạm Khương, Hùng Khanh…
Các sách viết về ca từ của hát Xoan:
Nhà văn hóa dân gian Dương Huy Thiện đã dày công tìm hiểu về Hát Xoan từ năm
1961 và phần lời thơ của Hát Xoan cũng đã được in trong cuốn “Tục ngữ - Ca dao
- Dân ca” do Vũ Ngọc Phan sưu tầm năm 1965 và được tái bản năm 1967.
- Sách Hội làng quê đi từ đất Tổ của tác giả Nguyễn Khắc Xương ( Nxb Lao động
- 2011) có bài Hát Xoan – Ca từ và dấu ấn lịch sử đã đi sâu vào khái quát các lớp
ca từ của hát Xoan và những bước đi của hát Xoan theo tiến trình lịch sử.
- Có rất nhiều bài báo đăng trên các trang báo mạng, báo in, tạp chí đề cập đến ca
từ của hát Xoan:
Hát Xoan một thể loại dân ca cổ nhất của người Việt ( Tạp chí văn hóa nghệ thuật )
đã khái quát lịch sử hình thành và 1 số ý nghĩa về phần giai điệu của hát Xoan.
- Ý nghĩa nhân văn trong hát Xoan ( Báo Phú Thọ điện tử - www.baophutho.vn )
đã khẳng định giá trị văn hóa, truyền thống của hát Xoan đồng thời có sự tái hiện
được 1 số giá trị nhân văn trong lời hát của hát Xoan.
- Trong Tạp chí văn hóa nghệ thuật, bài viết Nhận diện hát thờ trong lễ hội làng
Việt đã gián tiếp đề cập đến những đặc trưng riêng biệt trong phần lời, hình thức
diễn xướng của các loại hình dân ca nghi lễ như: Hát Xoan, hát Dô, hát Dậm nói
chung và hát Xoan nói riêng.
3
Ngoài ra, cuốn Âm nhạc dân gian Phú Thọ do Trần Văn Thục chủ biên dành hẳn
một chương (chương 2) để bàn về hát Xoan – Phú Thọ với hai nội dung chính:
Khái quát về hát Xoan và Đặc điểm tính chất âm nhạc của hát Xoan.
Như vậy, việc nghiên cứu ca từ hát Xoan đã có nhiều công trình đề cập đến, nhất là
việc khẳng định giá trị của nghệ thuật hát xoan trong mối gắn bó mật thiết với tín
ngưỡng - văn hoá sinh hoạt cộng đồng của người Việt. Hoặc cũng đã có những
công trình nghiên cứu đề cập đến ca từ của hát Xoan. Tuy nhiên, nghiên cứu ca từ
hát xoan từ góc nhìn văn hoá chưa được nghiên cứu cụ thể, đầy đủ. Các tác giả mới
chỉ khái quát đặc điểm ca từ, ngôn ngữ nói chung chứ chưa đi sâu vào tìm hiểu
ngôn từ của hát Xoan dưới bình diện góc nhìn văn hóa. Đây chính là lí do để tôi
tiến hành nghiên cứu về vấn đề này trong bài niên luận của mình.
4. Bố cục:
Bài niên luận được chia thành 3 phần: Mở đầu, nội dung và kết luận.
I. Phần mở đầu:
1. Lí do chọn đề tài
2. Mục đích nghiên cứu
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
4. Đối tượng phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
6. Bố cục
II. Phần nội dung
Chương I: Mảnh đất và con người Phú Thọ với hát Xoan
Mảnh đất Phú Thọ
4
1.
2.
3.
4.
Con người Phú Thọ
Tên gọi hát Xoan
Quá trình hình thành phát triển
Ca từ hát Xoan
Chương II: Ca từ hát Xoan từ góc nhìn văn hóa
1.
2.
3.
4.
Ca từ hát Xoan gắn với mạch nguồn văn hóa dân gian
Ca từ hát Xoan gắn với cảm thức văn hóa của người lao động
Ca từ hát Xoan gắn liền với biểu tượng văn hóa tâm linh
Giá trị nghệ thuật của hát Xoan trong xã hội hiện đại
III.PHẦN KẾT LUẬN
5. Đối tượng phạm vi nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu: Ca từ của hát Xoan từ góc nhìn văn hóa
Thời gian : Từ lúc hình thành đến khi phát triển như hiện nay
Không gian: Tỉnh Phú Thọ
Chủ thể : Ca từ hát Xoan
6. Phương pháp nghiên cứu và phạm vi tư liệu:
Sử dụng phương pháp: thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp + điền dã
để làm rõ về những nét khái quát nhất của Hát Xoan - Phú Thọ .
Ngoài nguồn tư liệu sách chuyên khảo là chủ yếu, còn nguồn tư liệu lấy từ Internet,
các bài đăng tải trên tạp chí, các công trình nghiên cứu.
I. PHẦN NỘI DUNG
1. Mảnh đất Phú Thọ
Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc với diện tích 3.528,1 km 2 , dân số
là 1.364.700 người.
Phú Thọ là tỉnh thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc, nằm trong khu vực
giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và Tây Bắc (vị trí địa lý mang
5
ý nghĩa trung tâm của tiểu vùng Tây - Đông - Bắc). Phía Đông giáp Hà Tây, phía
Đông Bắc giáp Vĩnh Phúc, phía Tây giáp Sơn La, phía Tây Bắc giáp Yên Bái, phía
Nam giáp Hoà Bình, phía Bắc giáp Tuyên Quang. Phú Thọ có 12 đơn vị hành
chính gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, Hạ Hoà, Thanh
Đa, Cẩm Khê, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Thanh Sơn và Yên
Lập. Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của tỉnh; 274 đơn
vị hành chính cấp xã gồm 14 phường, 10 thị trấn và 250 xã.
Phú Thọ có bản sắc văn hoá dân tộc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước từ
thời Hùng Vương với trên 200 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di tích cách
mạng kháng chiến đều có khả năng khai thác phục vụ cho tham quan, du lịch.
Lâu nay người ta biết đến mảnh đất Phú Thọ như cái nôi, cội nguồn của dân tộc,
nơi có khu di tích lịch sử đền Hùng. Phú Thọ còn là miền đất lưu giữ nhiều giá trị
văn hoá dân tộc đặc sắc của tổ tiên, mang tính giáo dục truyền thống uống nước
nhớ nguồn; lễ hội Đền Hùng, hội phết (Hiền Quang), hội làng Đào Xá, Sơn Vi…;
nhiều làn điệu dân ca, xoan ghẹo, nhiều trò diễn dân gian, nhiều truyền thuyết huyền thoại về dựng nước, nhiều truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười giàu tính
nhân văn, mang nét đặc sắc của vùng đất Tổ, đặc trưng văn hoá Lạc Hồng.
2. Con người Phú Thọ
Phú Thọ là vùng đất cổ, nơi phát tích của dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm đấu
tranh dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã để lại những truyền thống vô cùng quý
giá còn in đậm nét trong tính cách của người dân Phú Thọ hôm nay, đó là sáng tạo
trong lao động, nhân ái trong lối sống, tinh thần đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù…
Từ lâu đời nay, cư dân Phú Thọ là con cháu người Việt cổ, họ bảo lưu nhiều phong
tục tập quán cổ truyền và tiếp tục truyền thống đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền
đất nước.
Cho tới nay dòng văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ vẫn không ngừng phát
triển, phản ánh một cách phong phú cuộc sống lao động, sản xuất, đấu tranh chống
6
giặc ngoại xâm. Các giá trị văn hóa truyền thống ấy luôn được các thế hệ lưu giữ
qua các truyền thuyết như: Truyền thuyết Hùng Vương, truyền thuyết Sơn Tinh
Thủy Tinh, các hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian như: hát Xoan ở Kim Đức,
hát Ghẹo ở Thanh Uyên, Nam Cường; các trò diễn hội làng: Rước chúa Gái ở Chu
Hóa – Hy Cương, trò Trám ở Tứ Xã, cướp Kén ở Dị Nậu, cướp Phết ở Hiền
Quan… và rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyện ngụ ngôn, cổ tích, truyện cười mang
đặc trưng quê hương Phú Thọ. Là trung tâm Nhà nước Văn Lang xưa, nhà nước
đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, miền đất Phú Thọ là nơi hội tụ của 21 dân tộc anh
em, mỗi dân tộc với một phong tục tập quán đa dạng cùng các loại hình văn nghệ
dân gian phong phú ở Phú Thọ như: Hát Xoan, Ghẹo, Trống quân, chàm thau, đâm
đuống, cồng chiêng, múa mỡi, trống đu, múa chuông… đã làm nên sự phong phú
trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng Đất Tổ. Nó được gìn giữ
nâng cao các giá trị từ đời này qua đời khác trở thành di sản quý giá góp phần bồi
đắp cho nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa sắc.
3. Tên gọi hát Xoan
Hát Xoan là tên gọi khác ( nói chệch ) của hai từ Hát Xuân hay Ca Xuân, là lối hát
dùng trong nghi lễ, phong tục, lễ hội diễn ra vào mùa Xuân. Do hát Xoan thường
diễn ra ở cửa đình, cho nên còn gọi là “khúc môn đình”. Hát Xoan là một thể loại
ca nhạc lễ nghi tín ngưỡng. Trong dân gian còn gọi lối hát này là hát Lãi Lèn, vì
bắt nguồn từ câu đệm chính của Xoan: “ Lý len… len là… lễ là… len hỡi là
len…”Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân, mở đầu cho mùa hát để đón chào
năm mới. Các họ Xoan ở vùng đất Tổ lần lượt hát khai Xuân ở miếu đình làng xã,
sau đó các họ Xoan sẽ đi hát lần lượt ở nơi khác.
Ở các địa phương khác nhau, sự ra đời của hát Xoan lại có những truyền thuyết
khác nhau và để lí giải tên gọi hát Xoan thì dân gian lưu truyền một truyền thuyết
như sau:
Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ
được. Người hầu nữ thấy vậy tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa
7
giỏi, nên đón về múa hát để có thể làm đỡ đau và có thể sinh đẻ được. Vợ Vua
Hùng nghe lời và cho mời nàng Quế Hoa đến để hát múa chầu trực bên cạnh vợ
Vua Hùng. Nàng Quế Hoa vâng lời và vào chầu. Khi ấy vợ Vua Hùng đang lên cơn
đau dữ dội, bà gọi Quế Hoa vào cạnh giường và múa hát. Quế Hoa trổ tài hát hay,
múa dẻo, tay uốn, chân đưa, người mềm như tơ, tay dẻo như bún, vợ Vua Hùng và
những người hầu cận đều rất say mê. Vợ Vua Hùng trong khi mải xem nàng Quế
Hoa múa hát nên quên cả đau đẻ và đã sinh hạ được ba người con trai khôi ngô
tuấn tú. Khi ấy đang là mùa Xuân. Vua Hùng thấy thế hết lời ca ngợi Quế Hoa và
truyền cho các mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy để hát mừng trong dịp lễ hội
mùa xuân vì thế được gọi là hát Xuân, sau này vì kiêng tên húy của mỵ nương con
gái Vua Hùng có tên là Xuân Nương (có thể là tên một nữ tướng của Hai Bà Trưng
trong khởi nghĩa năm 40-43) nên phải gọi chệch là hát Xoan [11;35] Như vậy hát
Xoan thực chất là hát Xuân đọc chệch. Xưa kia, các cụ chỉ sử dụng cách đọc chệch
khi nó gắn liền với một vị hay một điều danh giá, cao quý có cùng tên gọi. Đọc
chệch là để tỏ lòng tôn kính, không sử dụng từ đó trong đời sống bình thường để
khỏi vướng phải những vẩn đục bụi trần. Và như thế Hát Xoan có thể hiểu là hát
vào mùa xuân.
4.Quá trình hình thành và phát triển
Trong tiến trình phát triển của lịch sử hàng nghìn năm, vùng đất Phú Thọ đã hình
thành nên một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú và quý giá trong đó
phải kể đến nghệ thuật hát Xoan, một loại hình dân ca nghi lễ đặc sắc. Theo từ điển
Văn hóa dân gian: Hát Xoan là loại dân ca nghi lễ ở Vĩnh Phú hàng năm được tổ
chức đón xuân ở các cửa đình, phường Xoan có trùm, kép và các đào hát. Nội dung
hát Xoan có quy cách rõ nét: Các bài hát chúc ( Giáo trống, giáo pháo… ) Các bài
hát Quả cách gồm 14 bài hát: Xuân thời cách, hạ thời cách… [5;34]
Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm, dân các làng lại
làm cỗ cúng vua. Từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng tiếp
tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ vua - trình diễn lại những điệu hát múa
8
được vua trao truyền, với mục đích cầu mong vua ban phúc cho dân làng một năm
an hoà. Nghệ thuật Hát Xoan bắt nguồn từ đó.
Thế kỷ XVII, nhiều làng xã ở Phú Thọ đã dựng đình làm nơi thờ tự thánh thần, hội
họp làng xã, vui chơi hội hè... Sau đó, phường Xoan phải chuyển lối trình diễn tại
đền miếu sang lối trình diễn tại cửa đình..Sự thay đổi này buộc các phường Xoan
phải tìm ra các giải pháp nghệ thuật phù hợp để hoà nhập và thích nghi với nơi
trình diễn mới (Hát Cửa đình).
Thế kỷ XVIII, hầu hết làng xã ở Phú Thọ đều đã có đình.Cứ đến mùa hội đình, các
làng thường mời phường Xoan về hát thờ. Có hiện tượng này, bởi hầu hết các đình
làng ở Phú Thọ đều thờ hoặc phối thờ những nhân vật lịch sử và thần thoại có liên
quan tới thời đại Hùng Vương. Dân gian quan niệm, Hát Xoan do vua Hùng truyền
dạy, để hát thờ tổ tông người Lạc Việt.
Vì vậy, đối với người dân trên đất Văn Lang thuở xưa và người dân Phú Thọ ngày
nay, không có nghệ thuật hát thờ nào linh thiêng và quyến rũ họ bằng nghệ thuật
Hát Xoan.
Hát Xoan là một Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ, nó tồn tại lâu
đời và ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, loại hình nghệ
thuật này còn là nghi lễ, phong tục, là sản phẩm của cư dân nông nghiệp vùng đất
cội nguồn dân tộc.
Ở Phú Thọ hiện nay có 18 làng hát Xoan, trong đó có 4 phường Xoan tiêu biểu còn
tồn tại đến nay là phường Xoan Phù Đức, phường Xoan Kim Đới, phường Xoan
An Thái và phường Xoan Thét.
Theo khảo sát của Sở Văn hóa thông tin và du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nay chỉ còn
69 nghệ nhân hát Xoan trong đó chỉ có 8 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, toàn
tỉnh có gần 170 người vẫn tham gia các phường Xoan.
Năm 2009 tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo các cấp các ngành, đặc biệt là cộng
đồng phường Xoan thực hiện truyền dạy, phục hồi kịp thời di sản hát Xoan và xây
9
dựng hồ sơ trình Thủ tướng chỉnh phủ, các Bộ, ngành trung ương và Unessco công
nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của loại hình nghệ thuật dân gian này,
ngày 24/11/2011 tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di
sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan
Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân
loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Sức lôi kéo và lan tỏa của Xoan không chỉ ở tự thân diễn xướng. Điều khác với các
dân ca lễ nghi khác là Xoan đã cấy, đã cắm hạt giống ở một số làng xã mà Xoan
giữ cửa đình, tạo nên một sự nhân giống, phát triển vào địa phương, đem lại nét
Xoan, chất Xoan cho văn hóa địa phương.Không gian văn hóa của hát Xoan là rất
rộng lớn. Xoan đã vượt sông Lô đến với Đức Bác, Tử Du, Hoàng Thượng, vượt
sông Thao đến với Hương Nộn. Hát Xoan đã “phủ sóng” một vùng rộng lớn không
một dân ca nào từ sông Đà, sông Hồng tới sông Mã có thể so sánh. Như vậy là
Xoan đã tạo được mặt bằng ca hát dân gian “của mình” tạo nên một vùng văn hóa
có tên “vùng văn hóa hát Xoan”
Gọi là vùng văn hóa vì đã tập hợp được nhiều làng xã có đặc trưng văn hóa gần
gần gũi và Xoan là chủ thể, các làng xã cũng trong vòng ảnh hưởng của hát Xoan ở
tín ngưỡng và phong tục.
Xã Cao Mại (Lâm Thao) thờ nguyệt cư công chúa và chồng có tục chạy kiệu và hát
Xoan cho các tổ họ nghe. Khi rước kiệu từ miếu về đình, các chân kiệu phải chạy
cho nhanh và các đào Xoan cũng phải chạy theo kiệu. Xong phần hát Mó cá là Giã
đám, dân họp cả tả mạc và hữu mạc, mỗi bên đều đưa đào kép Xoan về hát cho các
tổ họ trong làng nghe.
Xã Hương Nộn (Tam Nông), thờ Xuân Nương nữ tướng kiệt xuất của Hai Bà
Trưng, hát Xoan ở đây có thi hát và tục bày các con ngắm dàn hàng trước bàn thờ,
có 6 con ngắm là các cô gái thi đẹp, thi nhan sắc, còn thi hát Xoan là thi giữa hai
10
phường An Thái và phường Thét, thi giọng và thi thuộc bài bản, cũng tính điểm cả
sắc.
Xã Đức Bác (Lập Thạch- Vĩnh Phúc) có tục hát Trống quân đón Xoan rất vui.
Phường Xoan An Thái và Phù Đức cùng hát ở Đức Bác, cùng sang sông ở hai
bến. Sau khi các cụ bô lão đưa ông trùm và kép Xoan về nghỉ, các đào Xoan ở lại
trong vòng vây của trai làng. Trai Đức Bác vài ba anh vây một đào Xoan quàng
trống con có dây vải qua cổ đào, buông thõng trước ngực, lại có anh đưa trống
cho đào bưng và họ hát:
Trống anh còn chửa có quai
Mượn nàng bưng lấy rồi mai nên gần
Nữa mai nên Tấn nên Tần
Bây giờ bưng trống mới gần được nha
Xoan đã lan tỏa cả nhiều làng xã, hội nhập vào văn hóa địa phương đem lại một
sắc thái riêng, mang dấu ấn riêng cho văn hóa làng để có thể đặt ra một “vùng văn
hóa hát Xoan” gồm nhiều làng.
Hát Xoan cũng như các hình thức dân ca khác là một hiện tượng của văn hoá dân
gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ.
Nó đã ra đời và được nuôi dưỡng trong môi trường sinh thái tự nhiên và môi
trường lịch sử- kinh tế xã hội nhiều nghìn năm, ít nhất là khi cộng đồng người Việt
đặt chân cư trứ ở vùng đồng bằng sông Hồng. Trải qua thời đại các vua Hùng với
nhà nước Văn Lang Âu Lạc, thời đại độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt và thời
đại nhà nước phong kiến toàn thịnh dưới triều Hậu Lê cho đến khi chế độ phong
kiến suy tàn ở Việt Nam, vào cuối thế kỷ XIX, Hát Xoan vẫn hiện diện qua những
biến thiên của lịch sử, vần tồn tại trong đời sống tinh thần của dân tộc.
5.Ca từ của hát Xoan
11
Cũng như hát Dô, hát Ghẹo ca từ của hát Xoan thuộc tầng văn hóa cổ và chính vì
vậy nên ngôn từ của hát Xoan có nhiều từ cổ khó có thể hiểu được.
Nội dung tư tưởng trong ca từ hát Xoan rất đa dạng. Những bài Xoan cổ thường có
ca từ suy tôn, cầu chúc đối với thần thánh. Vua chúa, quan lại... cũng xuất hiện khá
nhiều trong hát Xoan, nhưng nhiều nhất là về Tứ dân (sĩ, nông, công, thương) và
đề tài về các nghề nghiệp ở nông thôn. Nội dung tình yêu và giao duyên cũng
chiếm vị trí quan trọng và phong phú.
Hát có trình tự nhất định: Hát Xoan phải theo trình tự đã quy định, gồm ba phần:
phần lễ nghi tôn giáo, phần trình diễn các quả cách và phần hát hội.
Phần lễ nghi tôn giáo: Hát Xoan có những lời chúc tụng, cầu khẩn và được trình
diễn theo đúng nghi thức trước cửa đình, nói lên cảm xúc của con người trước thần
linh sau đó là ca ngợi thánh thần. Những lời ca này thường là có sẵn. Đào và kép
hát xen kẽ, lúc phụ họa lúc đuổi nhau. Múa hát rộn ràng, khỏe mạnh gây được
không khí tưng bừng cho ngày hội.
Phần trình diễn các quả cách (làn điệu): Nội dung các quả cách bao gồm các mặt,
hoặc mô tả đời sống và sinh hoạt của các tầng lớp người đương thời ở nông thôn
hoặc ca ngợi cảnh vật thiên nhiên hoặc kể truyện cổ tích xưa. Mỗi quả cách thường
có cấu trúc ba phần lad giáo cách (mở đầu) - đưa cách (phần giữa) - kết cách (phần
cuối). Nối tiếp các quả cách thường có láy câu: “Các bạn họ ta lấy qua làn dậm là
hỡi dậm nào dậm ấy cho qua” hoặc “Cách ấy cho qua, hỡi bạn chèo ta, giờ sang
cách khác, giã tiệc này, ta là Đại Vương.” Ngôn ngữ trong các quả cách đạt tới
trình độ điêu luyện, lời lẽ trau chuốt mượt mà.
Phần hát hội: Phần hát này mang tính chất trữ tình, phản ánh những nội dung giao
duyên, yêu đương trai gái. Đây là giai đoạn ứng tác như hát ví, trống quân bao gồm
các tiết mục múa, hát, dựng các hoạt cảnh, các trò chơi. Đây cũng là phần hứng thú
và sinh động nhất trong cuộc hát Xoan nói chung. Nghệ thuật của hát Xoan phong
phú, độc đáo nhất chính là ở giai đoạn này. Giai đoạn này thường được tiến hành
theo các thứ tự: hát ghẹo-giao duyên, xin hoa đố chữ, hát đúm và giã cá. Giã cá
12
hoặc mó cá được coi là tiết mục kết thúc quá trình diễn xướng của hát Xoan, có tiết
tấu nhịp nhàng, khỏe, gần với tiết tấu của bài hát lao động. Điệu múa gồm mười
hai đào Xoan và bốn chàng trai làng, múa hát vào lúc gần sáng trước bàn thờ
thánh.
Ca từ trong hát Xoan là nghệ thuật diễn đạt khéo, sử dụng cái hay của cả hai dòng
bác học và dân gian.
Dưới đây là bảng thống kê ca từ làn điệu của hát Xoan theo hai phần: Phần hát lễ
và phần hát giao duyên - hát hội.
Bảng Thống kê ca từ hát Xoan
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
Phần hát lễ
Hát đón đào
Giáo trống
Phần giao duyên – hát hội
Bỏ bộ
Xin huê – đố huê
Đố chữ
Giáo pháo
Thơ nhang
Hát mời vua
Đóng đám
Mó cá
Hát Bợm gái
Đối dẫy cách
Ngư, tiều, canh, mục
Hát phú
Tràng mai cách
Tứ dân cách
Chơi Dâu cách
Hồi liên cách
Nhàn ngâm cách
Kiều giang cách
Thuyền chèo cách
Xoan thời cách
Hạ thời cách
13
24
25
26
Thu thời cách
Đông thời cách
Tứ thời cách
Chương II: Ca từ hát Xoan nhìn từ góc nhìn văn hóa
1.
Ca từ hát Xoan gắn với mạch nguồn văn hóa dân gian
Hát Xoan là một nghệ thuật được sinh ra từ tín ngưỡng nông nghiệp trồng lúa
nước, nó ra đời trên miền đất cội nguồn của dân tộc, nơi có nhiều lễ hội dân gian
được tổ chức hàng năm vào dịp mùa xuân, do đó nó mang đầy đủ tính chất của nền
văn hóa cội nguồn và cổ xưa nhất.Đã hát là có lời, lời của bài hát được gọi là ca từ
và nhất thiết ca từ phải thể hiện được nét nhạc và nội dung của bài hát. Cũng qua
ca từ mà người ta có thể biết được bài hát đó thuộc nhóm nhạc nào trong hệ thống
dân ca. Ca từ hát Xoan phản ánh rõ nét thời kỳ Hùng Vương dựng nước và gắn liền
với mạch nguồn văn hóa dân gian. Cuộc Hát Xoan mở đầu bằng nhóm bài ca nghi
lễ gồm các bài “Hát chúc”, “Giáo trống”, “Giáo pháo”, “Thơ nhang” , “Đóng đám”
là những “tín hiệu” biểu tượng cho lời thỉnh cầu thành kính của dân đối với các vị
thánh được tôn thờ.Hát Xoan có đặc điểm là nhiều lớp ca từ khác nhau điều này
cho thấy đã có nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau tham gia sáng tác hát Xoan và
sự phát triển lâu dài theo tiến trình lịch sử của hát Xoan. Gốc của hát Xoan là lễ ca
với những lời ca mộc mạc, chân chất dâng nhằm cầu chúc mùa màng bội thu, mưa
thuận gió hòa. Trong tư duy huyền thoại của người xưa, để làm đẹp cuộc sống,
người ta không nói mà hát. Hát đối đáp như một hình thức tâm tình đầy lãng
mạn.Toàn bộ phần hát lề lối cuối: Đúm, Xin huê – Đố chữ, Cài huê- Mó cá là hát
đối ca nam nữ, hát trữ tình giao duyên giữa trai và gái:
“Đào ơi đào dích lại đây, đào dịch lại đây
Anh cầm quả đúm trao tay cho đào”
14
(Đúm)
“Anh xin nàng chút huê trong đụn
Huê trong đụn anh thuận huê gì?”
(Xin huê)
“Thơm thanh một cánh huê hò
Lòng anh muốn lấy nhà trò họ Xoan”
(Cài huê)
Đó là nét văn hóa dân gian đặc sặc khi có sự hiện diện của hình thức đối đáp giao
duyên của các trai làng và các cô thôn nữ. Khi là nỗi nhớ mong:
“Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh
Đèn thương đèn ối a chẳng tắt
Con mắt ôi à nhớ ai, con mắt ối à liếc qua.
Liếc qua ôi à liếc qua ôi à liếc qua.”
( Bỏ bộ )
Khi là lời hát giao duyên thấm đượm nghĩa tình:
Nam: Anh xin nường một chút huê sao hỡi nường
Nữ: Trình chường quân tử ư
Chường chớ có đãi a bôi, chường não duyên tôi là huê gì, hỡi duyên tôi là huê gì
Thời chường phải nghĩ cho thiếp được hay
Nam: Huê trong đấu anh đặt là huê gạo sao hỡi nường.
Nữ: Huê gạo mùa này nó chưa nở
Để một hai nó nở
Thiếp lại bẻ cho chường
Nay chường chả yêu
Mai chường chả dấu
15
Để huê nụ héo
Huê hời, huê hỡi ơi là huê.”
( Xin huê, đố chữ )
Khi là lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng lại tựa như là cái cớ để thổ lộ tình cảm nhớ
nhung dạt dào:
“Từ sớm đến giờ đào đi đâu
Từ sớm đến giờ
Để cho tôi là anh đợi, anh chờ , mong anh mong”
Hát Xoan thu hút các trai làng gắn bó với phường xoan. Vì ở đình, những trai
kiệu giỏi nhất mới được vào hát và trao duyên cùng các thiếu nữ đào xoan. Bên
cạnh còn có trò chơi cổ như ném đúm, mó cá, Hát Xoan vô tình vừa là nhu cầu vừa
cái duyên gắn kết giữa các trai gái làng quê.
Chính ở chặng thứ ba giao duyên này của Hát Xoan, duy nhất chỉ ở Hát Xoan, là
có hát múa phồn thực thể hiện qua hình thức trình diễn, lời ca và điệu múa thể hiện
trong thể hát Cài Huê và Mó Cá là diễn xướng thiêng liêng được hát để kết thúc
một cuộc trình diễn hát Xoan. Họ quan niệm hát Cài Huê, Mó Cá có ảnh hưởng
sâu sắc đến mùa màng, đến sự sinh sôi phát triển giống nòi. Do vậy, không bao giờ
họ bỏ qua hai lối hát đó, vì họ sợ rằng nếu bỏ qua hai lối hát đó thì dân làng sẽ chịu
cảnh mất mùa, đói kém và gặp thiên tai hạn hán hoặc lũ lụt.Từ ca từ trong hát
Xoan ta có thể thấy đây là hình thức dân ca nghi lễ chân chất, chất phác của cư dân
nông nghiệp mong cho mùa màng bội thu, thiên hạ thái bình
Hát Xoan bên cạnh nội dung chủ yếu là thờ thần, cầu chúc lại cũng có mảng nội
dung là “kể đến sự tình đôi ta”, Xoan “duyên kết với người tình nhân”, đem lại cho
Xoan sức thu hút, sức lan tỏa bởi đã đáp ứng được yêu cầu của lớp trẻ trong dịp hội
làng. “Sự tình đôi ta” và các thành phần dân ca trữ tình là phần hội của hát Xoan
tiếp nối sau phần hát lễ.
16
Ca từ hát Xoan có mạch nguồn từ các thể thơ dân gian quen thuộc như: thơ 4 chữ
cổ của văn khấn và của đồng dao cho đến các thể thơ 5 chữ, lục bát, song thất lục
bát, thất ngôn, thơ tự do… Thơ trong hát Xoan bao gồm cả thơ dân gian và thơ bác
học.
Thể thơ 4 chữ là thể thơ cổ có thể thấy ở một số bài như:
“Kính lại chiềng làng
Nghe tôi thơ nhang
Mà cho biết ý
Nhang này nhang thị
Vỏ quê, mẫu đơn
Mở tiệc cầu ơn ”
( Thơ nhang )
Thể thơ thất ngôn:
Bây giờ hồ sang trống một
Chim bay về chặn núi lịch san
Ve gọi sầu nhắn nhủ dê đàn
Sông lai láng cuốn về góc bể.”
( Thơ phú )
Thơ lục bát, lục bát biến thể và song thất lục bát được thấy nhiều trong cấu trúc lời
ca hát Xoan.
“Vạn dân xướng thái bình ca
Nay mừng cho làng ta sang giàu
Thứ nhất nhường sĩ ở đâu
Một mai thi đỗ danh thâu rước về”
( Thu thời cách )
Thơ tự do cũng chiếm tỉ lệ lớn:
“Nam: Ới gọi là ngoài đồng là lúa a tốt
17
Ới gọi là xanh ngắt ới a dưới trên
Ới gọi là lúa tốt ới a mà nên
Mà là a phu dày
Nữ: Lơn là là lê ơ lơn là
Ấy đã tiệc này ơ là đại vương”
( Chàng mai cách )
“Sáu mừng xướng thái bình ca
Tăng phú tăng quý để làng ta sang giàu
Phú quý năm nay có đâu qua làng này
Tốt mạ năm nay có đâu qua làng này
Tốt lúa năm nay có đâu qua làng này”
( Hạ thời cách )
Ở thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ hình thành nền văn hóa dân tộc thì văn hóa dân
gian trước hết là văn hóa của nhân dân lao động. Họ “ Tự biểu hiện mình, tự phản
ánh cuộc sống của mình” ở thời kỳ khởi nguồn của đất nước.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, những yếu tố ngoại lai đôi khi lấn lướt gốc rễ,
cội nguồn nguyên sơ nhưng về cơ bản nội dung lời ca hát Xoan vẫn giữ được cái “
hồn”, nghĩa nguyên bản. Trong hát Xoan hình thành hàng loạt những tiếng đưa hơi
ví dụ như: ơ, a, i…. Những tiếng đệm thường dùng trong hát Xoan là: tềnh là tềnh
tang tềnh, vông tầm vông… Thực chất, những tiếng đưa hơi, tiếng đệm không có ý
nghĩa về nội dung lời ca nhưng có tác dụng nối nhạc cho liền ý, liền mạch để phát
triển giai điệu.
2.Ca từ hát Xoan gắn với cảm thức văn hóa của người lao động
Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian nên đặc trưng cơ bản của hát Xoan là
tính truyền miệng trong dân gian và gắn liền với cảm thức của người dân lao động.
Hát Xoan là sản phẩm tinh thần của quần chúng nhân dân, nó được bắt nguồn từ
cuộc sống lao động của nhân dân gắn liền với phong tục, tập quán của cư dân nông
18
nghiệp trồng lúa nước.Không khó để người nghe có thể thấy xuất hiện trong lời hát
Xoan những lời ca mô tả cảnh sinh hoạt lao động thời kì Hùng Vương dựng nước (
trồng bông luống đậu, xe chỉ vá may… )
“Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh
Trồng bông ta luống ơ đậu, luống cà.
Ai làm ơ Ai làm cho luống công ơ ta thế này chứ đường ai làm.
Đường ai làm cho luống rằng luống ở công ta”
( Trồng bông luống đậu )
Chặng hát Quả cách là lối hát các bài khá dài như bài văn hay bài diễn ca. Nội
dung miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông ( Xuân thời
cách, hạ thời cách, đông thời cách, thu thời cách, tứ mùa cách… ) hay mô tả cuộc
sống của bốn lớp người trong xã hội lúc bấy giờ: sĩ, nông, công, thương hoặc kể lại
chuyện xưa. [10;35] Hát Xoan thể hiện tâm tư tình cảm, nguyện vọng và ước vọng,
là cầu nối cho sự đoàn kết trong cộng đồng và quan hệ trên - dưới, là mối quan hệ
bình đẳng, dân chủ, không phân biệt địa vị sang - hèn và giàu - nghèo.
Kẻ sĩ là một trong bốn thành phần tứ dân: Sĩ - công - thương cũng được phản ánh
rõ nét trong lời ca hát Xoan. Các nhà Nho đồng nghĩa với kẻ sĩ thì phải học hành.
Học hành thi cử để làm quan, vinh quy bái tổ là ước mơ của các tầng lớp nhân dân
lúc bấy giờ:
“ Trông thấy tán vàng í a nẻo xa là là sĩ ở làng đây
Sĩ đỗ bảng vàng
Muôn đời mà kế thế nẻo í a công danh
Muôn đời mà kế thế nẻo í a công danh”
( Ngư thiều canh mục cách )
Là một nước nông nghiệp, chủ đề chính của nội dung hát Xoan vẫn là nghề nông:
“Ới gọi là đêm mưa là ngày nắng
A ha là đầu tháng ới a cuối năm
19
Ới gọi là lúa để ới a lúa chiêm mới ăn a no lòng
Nữ: Ư là mới ăn a no lòng
Ới gọi là ngoài đồng là lúa a tốt”
( Chàng mai cách )
Mặc dù là hai tầng lớp được coi là thứ hạng thấp nhất trong xã hội nhưng nghề
công và nghề thương cũng được ca ngợi trong hát Xoan:
“Công thời khéo léo thập phân
Làm nên đền các thánh nhân dõi truyền
Thương thì buôn ván bán thuyền
Kim ngân vô số, lụa tiền đầy đa”
Hát Quả cách là những áng văn chữ Nôm được cấy ghép vào hát Xoan do một số
nhà Nho viết ra, mang những yếu tố của văn chương triết học.
3.Ca từ hát Xoan gắn liền với biểu tượng văn hóa tâm linh
Hát Xoan Phú Thọ là dân ca nghi lễ phong tục, loại hình ca hát phục vụ thờ lễ chỉ
hát trong tế lễ đình đám với tục “giữ cửa đình” và gắn với ngôi đình làng. Đình là
môi trường tồn tại của Xoan.Hát Xoan cũng như các loại hình dân ca khác, là một
hiện tượng văn hóa dân gian nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng của người
Việt ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, có nội dung tín ngưỡng với mục đích
thờ thần, cầu thần ban phát phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa,
nhà nhà no đủ, đông đàn dài lũ, nhân khang thịnh vượng, quốc thái dân an… [8;35]
Hát Xoan là hình thái sinh hoạt văn hoá âm nhạc dân gian, được hình thành bởi
xúc cảm thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người Việt vùng Phú Thọ. Dưới
thời Lê sơ, khi mà các hình thức ca nhạc được gọi chung là “khúc môn đình” theo
nghĩa rộng của người Việt được thiết lập cùng với sự xuất hiện của các ngôi đình
và các lễ nghi thờ thần do Nhà nước quy định. Trải qua tiến trình phát triển của lịch
sử, từ thời đại các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, hàng ngàn năm Bắc thuộc, thời
đại phong kiến Việt Nam tự chủ, chế độ phong kiến suy tàn, thời Pháp thuộc, đế
20
quốc Mỹ xâm lược đến chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hát Xoan vẫn tồn tại
và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng: hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng
lĩnh và các nhân vật tiêu biểu của thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và hát
vào mùa xuân; hát lễ và hát đám .Hát thờ lễ đòi hỏi phải thành kính và nghiêm túc,
sự thực hiện theo đúng nghi thức, một không khí kính cẩn bao trùm các gian đình.
Với các xã Xoan giữ của đình, tế lễ là có hát và múa Xoan để dâng lên thần linh
thành hoàng những lời khấn nguyện cầu khẩn. Điều đặc biệt ở phần hát lễ này là
các mỗi hát lại có một khúc điệu riêng, một giọng hát riêng cùng với những động
tác múa riêng. Xoan lễ ca có ‘nhập tịch”, 4 bài nghênh thần vào đám ( Giáo trống,
Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám”, 13 quả cách hát thờ, các bài này mỗi bài một
vẻ. Hát Giáo trống hát múa khác với Thơ nhang là hát dâng hương, quả cách Tứ
thời xuân, hạ, thu, đông không trùng với Tứ thời ngư tiều canh mục. Nếu ở phần
hát hội đã cho thấy sự đa nguyên của hát Xoan thì phần hát lễ cũng cho thấy Xoan
là đa dạng, toàn bộ Xoan với nhiều phần trình diễn đã thực sự phong phú, không
trùng lặp và đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức thu hút của Xoan.
“ Chân con đội đất đầu con đội giời
Cất tiếng con mời ơ, con rước cơ hồ mà vua lên
Vua về phù hộ dân làng
Thơm huê mà thơm quế ơ, trâu bò trâu bò lúa đầy đa”
( Hát mời Vua )
Hay:
Nữ: Nhà vua là đem lại
Hộ nhất là hộ nhì
Còn khon là thứ nhì
Cho ra là lải lốt
Cho ra là lải lốt
( Giáo pháo )
21
Khi tìm hiểu nghiên cứu sâu về ca từ của hát Xoan ta còn thấy có sự liên hệ với
những tín ngưỡng cổ của người Việt như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng tổ tiên
và đặc biệt liên quan đến tín ngưỡng thờ thành Hoàng làng. Đó là sự thờ tế vị thần
của một cộng đồng người định cư trên một địa vực nhất định, thông thường đó là
một làng xã. Tín ngưỡng Thành hoàng chỉ có thể ra đời với một nền nông nghiệp
dùng cày bừa lúa nước. Tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng làng là bước phát triển
của tín ngưỡng totem và tín ngưỡng thờ thần mặt trời, núi, gò, một số vật linh. Khi
tín ngưỡng Thành hoàng giữ vị trí ưu thế thì những tín ngưỡng cổ hơn ( phồn
thực… ) chỉ được biểu hiện như những mảnh vụn hoặc đan xen giữa nó với tín
ngưỡng Thành hoàng [10;35]. Trong hát Xoan có nhiều câu hát vừa để chúc tụng
đức Đại Vương ( tức Thành hoàng ) vừa là sự cầu mong mang ý nghĩa phồn thực:
“Tôi bước chân vào giáo trống
Tìm điều thượng chúc cho minh
Năm trống cơm thiên hạ thái bình
Năm trống nhà no mọi đủ
Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay
Được mùa hòa thắng lấy tay bưng trống”
( Giáo trống )
Có thể nhận thấy các cụ ta xưa kia đã rất tài tình trong việc mượn hình ảnh gần gũi
với đời sống nông nghiệp để gợi lên ý nghĩa phồn thực. Tín ngưỡng phồn thực thể
hiện qua hình thức trình diễn, lời ca và điệu múa thể hiện như trong các bài: Cài
huê và Mó cá. Trong cả hai lối hát này đều có các đào Xoan và các trai làng cùng
trình diễn: Các trai làng bắt lấy đào Xoan hoặc các đào Xoan bắt lấy trai làng để
tượng trưng cho âm - dương, nam - nữ giao phối để sinh sôi nảy nở, vì vậy các cụ
gọi đây là “ Âm dương hợp đức ” để sinh thành. Trong lối hát Xoan cổ, Cài huê,
Mó cá được trình diễn vào thời điểm linh thiêng nhất. Đó là khi trời gần sáng. Khi
mà khí âm còn nặng nề, khí dương mới bắt đầu xuất hiện. Trời đất giao hòa thì các
22
Đào và các Kép bắt đầu trình diễn. Khi bắt đầu thì các loại nến trong đền phải tắt
hết, chỉ còn hương thắp trong thượng cung. [8;35]
“Nữ: Là vông a vông tập, vông vông tập a tầm vông. Là vông a vông tập, vông
vông tập a tầm vông
Nam: May ra bắt được a cá rô ( này )
Ta nắm ( thôi mà ) chả chặt phải cô đào ả đào
Mò đấy ta lại mò đây
Mò đây mà chẳng được
Lại đây mò ta mò”
Trong điệu Xin huê đố chữ (huê là hoa) có đoạn nam hát:
“Anh xin nàng chút huê trong đụn”
Nữ đáp lại:
“Huê trong đụn anh thuận huê gì?”,
Nam lại đáp:
“Huê trong đụn anh thuận huê lúa”
Nữ trả lời:
“Huê lúa này nó chưa nở
Để một mai nó nở
Thiếp bẻ lại cho chàng
Sợ chàng chẳng yêu”.
Có thể thấy rằng, bản thân hát Xoan mang trong nó nhiều tầng văn hóa tín ngưỡng
khác nhau hơn hẳn các hình thức lễ nghi phong tục khác ở trung du và đồng bằng
Bắc Bộ. Nó là sự hòa trộn kết hợp của tín ngưỡng Thành hoàng, tín ngưỡng địa
linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ các anh hùng dân tộc… Chính sự
pha trộn nhiều tầng văn hóa đã tạo nên sự lôi cuốn độc đáo của hát Xoan.
4. Giá trị của hát Xoan trong xã hội hiện đại:
23
Hát Xoan là tượng đài nghệ thuật chân chính, khỏe khoắn, đẹp tươi và lành mạnh,
là hình ảnh gợi lại bức tranh lịch sử thời xa xưa của tổ tiên người Việt. Khi xã hội
càng phát triển, hiện đại hóa thì các giá trị văn hóa càng cần được lưu giữ, bảo tồn
và phát triển.Hát Xoan là loại hình nghệ thuật dân gian vì vậy đây là phương tiện
hữu ích giúp thế hệ trẻ nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung hiểu biết
sâu sắc hơn về truyền thống cũng như các giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Hát
Xoan cùng với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa gắn
vời thời kì Hùng Vương dựng nước, là biểu tượng vô giá về nguồn gốc “ Con Lạc,
Cháu Hồng ” của dân tộc Việt Nam. Hát Xoan góp phần níu giữ, bảo vệ vẻ đẹp tâm
hồn con người mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ca từ hát Xoan giản dị,
gần gũi, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dễ dàng đi vào lòng người. Hát
Xoan đã đi sâu vào trong đời sống tinh thần và tiềm thức với người dân Phú Thọ.
Giai điệu hát Xoan khi là lời ru con ngủ, khi là lời ca cất lên trong lao động, là các
tiết mục văn nghệ trong các buổi sinh hoạt làng, xã… Ngoài ra hát Xoan còn là
loại hình nghệ thuật đặc sắc khó có thể bỏ qua vào mỗi dịp xuân về khi du khách
về đến với vùng đất Tổ. Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận
là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là tin mừng đối với người dân
nước ta, nhất là với người dân tỉnh Phú Thọ, bởi từ đây chúng ta đã có thêm một di
sản văn hoá được tôn vinh ở tầm quốc tế. Hát xoan được vinh danh góp phần tôn
vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong
thời kỳ hội nhập.
Lý giải vì sao hát Xoan có một sức sống lâu bền, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng:
Hát Xoan tác động trực tiếp đến nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đem
lại sự lạc quan, niềm tin góp phần giáo dục nhận thức cho các tầng lớp nhân dân và
là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Đây là một
loại hình nghệ thuật đặc biệt - hiện thân của vùng văn hóa thời kỳ lúa nước với
những hình thức diễn xướng độc đáo và ấn tượng.
24
Có thể nói, bảo tồn di sản cho các thế hệ mai sau, trong đó có di sản hát Xoan,
mang chức năng kinh tế, xã hội đặc biệt. Vì vậy, chúng ta cần coi hát Xoan như là
một nhân tố để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Phú Thọ. Cần phải có các
phương án hữu hiệu để bảo tồn, sử dụng và tái sử dụng hát Xoan như một phần cốt
lõi nhằm liên kết cộng đồng, xây dựng môi trường văn hoá, giáo dục và lập kế
hoạch phát triển kinh tế - trước tiên là ở các địa phương có hát Xoan.
Những năm gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy du
khách nước ngoài quan tâm, tìm hiểu nhiều về nghệ thuật biểu diễn truyền thống
của Việt Nam. Các kênh truyền hình quốc tế như CNN, BBC, AP, NHK,
Discovery,…đã có giới thiệu về các sản phẩm du lịch văn hoá phi vật thể độc đáo
của chúng ta. Vì thế, dân ca Xoan Ghẹo hoàn toàn có thể tạo dựng được chỗ đứng
ấn tượng và bền vững trong lòng du khách trong và ngoài nước. Thông qua hoạt
động du lịch là cách tốt nhất để giới thiệu hát Xoan với du khách năm châu. Và
ngược lại, sự có mặt của du khách quốc tế càng đòi hỏi chúng ta phải có sự nỗ lực
hơn nữa trong việc bảo tồn tính truyền thống của hát Xoan và nâng cao chất lượng
sản phẩm du lịch của mình.
Trong nhịp sống hiện đại gấp gáp, xô bồ hát Xoan có giá trị vô giá về tinh thần, du
lịch và truyền thống văn hóa. Những giá trị to lớn chứa đựng trong Hát Xoan là
điều không thể phủ nhận, tuy nhiên như đã trình bày ở trên thì hiện nay Hát Xoan
đang rơi vào tình trạng bị mai một, số ngươì biết về Hát Xoan còn lại không
nhiều.Đứng trước thực trạng đó vấn đề bảo khai thác, bảo tồn và phát huy đối với
di sản Hát Xoan cần được đặt ra một cách cấp thiết và nghiêm túc mang một chiều
rộng ,chiều sâu và một tầm chiến lược mới.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch ở thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì
luôn canh cánh nỗi niềm về sự phát triển của hát Xoan: “ Ngày xưa, có những thời
kỳ chúng tôi lo lắng khi lớp nghệ nhân già khuất bóng, Xoan sẽ dần mất đi trong
đời sống cộng đồng. Nhưng thật hạnh phúc và tự hào khi hát Xoan được công nhận
là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, những lớp nghệ nhân có tuổi như
25