Tải bản đầy đủ (.doc) (83 trang)

Đặc điểm ngôn ngữ phỏng vấn báo in (trên tư liệu khảo sát báo Thanh niên từ năm 2013 đến nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.38 MB, 83 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Theo Lênin, “Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất, nó
tạo ra cơ sở vật chất cho tất cả các phương tiện giao tiếp khác. Bằng sự tồn
tại và chức năng của mình, ngôn ngữ gắn liền với sự tồn tại chức năng của xã
hội loài người” [42; 151]. Vì thế từ những thập niên cuối thế kỉ XX, ngôn
ngữ không chỉ được nghiên cứu thuần túy như một hệ thống mà được xem xét
dưới nhiều hình thức khác nhau của hoạt động giao tiếp. Khi tiếp cận theo
hướng này các nhà nghiên cứu đã dần dần nhìn thấy tầm quan trọng của văn
hóa giao tiếp, ứng xử ngôn ngữ. Đồng thời, việc nghiên cứu không chỉ đem
lại những thành tựu mang tính lí luận sâu sắc mà còn mang ý nghĩa thực tiễn
to lớn trong việc sử dụng và ứng dụng ngôn ngữ ở những lĩnh vực khác nhau
của đời sống.
Phỏng vấn là thể loại báo chí quan trọng đồng thời cũng là một phương
pháp thu thập thông tin phổ biến nhất và được các nhà báo sử dụng thường
xuyên nhất. Nhiều nhà nghiên cứu, cũng như nhà báo đều cho rằng phỏng vấn
chiếm từ 80 - 90 phần trăm công việc của một nhà báo. Trong quá trình phỏng
vấn, ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Hoạt động phỏng vấn thực chất là
hoạt động đối thoại giữa phóng viên với người được phỏng vấn (có thể là một,
hai hay ba người). Mặt khác, thông qua hoạt động phỏng vấn, phong cách,
văn hóa giao tiếp, nghệ thuật sử dụng ngôn từ trong đối thoại được thể hiện rõ
hơn bao giờ hết. Công chúng nói chung và độc giả báo in nói riêng luôn xem
ngôn ngữ trên báo chí, truyền hình mang tính chuẩn mực cao.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, phỏng vấn mới chỉ được các nhà nghiên
cứu quan tâm ở hoạt động nghiệp vụ (quy trình, cách thức thực hiện phỏng
vấn…). Xét riêng ở khía cạnh ngôn ngữ báo chí, phỏng vấn gần đây mới
được các nhà nghiên cứu quan tâm khai thác ở khía cạnh ngôn ngữ phỏng
vấn trên truyền hình, ngôn ngữ phỏng vấn phát thanh, riêng lĩnh vực báo in
1



vẫn còn để ngỏ. Trong khi đó, báo in từ trước đến nay vẫn được xem là một
trong phương tiện thông tin đại chúng truyền thống gần gũi, thiết thân và có
sức lan tỏa, sức lưu giữ lớn đối với người Việt Nam.
Chính vì những lí do đó chúng tôi đã chọn đề tài: Đặc điểm ngôn ngữ
phỏng vấn báo in (trên tư liệu khảo sát báo Thanh niên từ năm 2013 đến
nay để nghiên cứu. Tuy nhiên, do giới hạn của khóa luận, chúng tôi không
khảo sát một cách toàn diện tất cả những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ trong
phỏng vấn báo chí, mà chỉ đề cập đến một số hành động của ngôn ngữ trong
phỏng vấn báo in.
2. Mục đích nghiên cứu
Với mục đích khảo sát, phân tích các cuộc hội thoại phỏng vấn trên báo
Thanh niên nhằm tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm ngôn ngữ phỏng vấn báo chí
mà đặc biệt là báo in. Từ đó, có thể một phần nào đó giúp các nhà báo khi
tham gia hoạt động phỏng vấn trên báo in tránh được những câu hỏi mang
tính chất đe dọa thể diện cao, cũng như việc áp dụng những câu hỏi có sức gợi
mở khai thác được nhiều thông tin từ phía ĐTGT. Nói cách, nhằm phát huy
những mặt tích cực trong cách sử dụng ngôn ngữ khi phỏng vấn trên báo in,
và hạn chế mặt tiêu cực của thể loại phỏng vấn nói chung, và phỏng vấn báo
in nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
3. Lịch sử nghiên cứu
Ở góc độ ngôn ngữ, phỏng vấn thực chất là cuộc trao đáp giữa người
phỏng vấn và nhân vật đươc phỏng vấn. Chính vì vậy, để hiểu rõ ngôn ngữ
phỏng vấn chúng tôi phải nghiên cứu những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ
hội thoại.
Trong lịch sử ngôn ngữ học, ngôn ngữ hội thoại, ngôn ngữ lời nói đã
được nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu: N. Chomsky, J.Austin, J.
Fillmore, H.P. Grice, S.C. Dik... trong đó H.P.Grice là tác giả có những đóng
góp lớn đối với việc nghiên cứu lí thuyết hội thoại hơn cả. Trong tác phẩm
2



“Logic and conversation” ông đã nghiên cứu nguyên lí cộng tác hội thoại,
tương tác hội thoại, lôgic với hội thoại cũng như phân chia các phương diện
liên kết hội thoại. Chính những lí thuyết này cùng với những nghiên cứu về
hội thoại của các tác giả khác đã đặt cơ sở lí thuyết cho những nghiên cứu về
hội thoại của các nhà Việt ngữ học.
Ở Việt Nam, có thể kể đến Đỗ Hữu Châu với Đại cương ngôn ngữ
học.Tập 2: Ngữ dụng học, NXB Giáo dục, 2001; Cơ sở ngữ dụng học, NXB
Đại học Sư phạm, 2003; Nguyễn Đức Dân với Ngữ dụng học, Tập 1, NXB
Giáo dục, 1998; Cao Xuân Hạo với Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Tập 1, NXB
Khoa học Xã hội; Đỗ Thị Kim Liên với Ngữ nghĩa lời hội thoại, NXB Giáo
dục, 1999; Giáo trình Ngữ dụng học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005;
Nguyễn Thị Quy với Vị từ hành động và các tham tố của nó, NXB Khoa học
Xã hội, 1995 v.v... và một số tác giả khác như Hoàng Phê, Nguyễn Thiện
Giáp, Nguyễn Văn Hiệp, Lê Đông đã công bố những công trình có liên quan
trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề hội thoại. Các công trình đã đề cập một
cách hệ thống các vấn đề có tính chất cập nhật của lí thuyết hội thoại: sự quy
chiếu và chỉ xuất khi nói, lập luận, quy tắc hội thoại, ý nghĩa tường minh,
nghĩa hàm ẩn và nghĩa tình thái.
Nhìn chung, các công trình trên đã xây dựng nền tảng lí luận cơ bản,
vững chắc về lí thuyết hội thoại: vận động hội thoại, các quy tắc hội thoại,
thương lượng hội thoại, cấu trúc hội thoại, ngữ pháp hội thoại, ngữ nghĩa
hội thoại... Trên cơ sở những tri thức nền đó, các nhà ngôn ngữ học về sau
có thể liên hệ, mở rộng, áp dụng nghiên cứu lí thuyết hội thoại trong thực
tiễn đời sống và báo chí
Đối với báo in, báo in chính thức ra đời từ giữa thế kỉ XVI. Là một loại
hình báo chí ra đời sớm, có lịch sử phát triển lâu đời so với phát thanh và
truyền hình nhưng hiện nay những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ báo in
lại khá nhỏ bé.
3



Trên thế giới, phỏng vấn hay phỏng vấn trên báo in thường được các
nhà nghiên cứu quan tâm đề cập dưới góc độ thể loại báo chí và các thao
tác nghề nghiệp khi thực hiện phỏng vấn. Có thể kể ra đây các công trình
như: Giao tiếp trên truyền hình – Trước ống kính và sau ống kính camera
của tác giả X.A.Muratoop; Nghệ thuật phỏng vấn các nhà lãnh đạo của tác
giả Samy Cohen.
Ở Việt Nam, ngôn ngữ phỏng vấn báo chí gần đây đã thu hút sự quan
tâm của nhiều nhà nghiên cứu như tác giả Vũ Quang Hào Ngôn ngữ báo chí,
NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001 [15], Đinh Văn Hường Các thể loại
báo chí thông tấn, NXB Đại học Quốc gia, 2006 [42]; Nguyễn Đức Dân với
cuốn: Ngôn ngữ báo chí – Những vấn đề cơ bản, NXB Giáo dục, 2007 [9].
Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của một số luận án và công trình nghiên
cứu có vấn đề liên quan như: Vũ Thị Bảo Thơ với đề tài: Bước đầu tìm hiểu
tham thoại cặp thoại trong phỏng vấn báo chí trên ngữ liệu báo in, (2006)
[21]. Ở đề tài của mình, tác giả phần nào đó đề cập đến ngôn ngữ phỏng vấn
của báo chí, nhưng chủ yếu dưới dạng các hình thức giao tiếp thông qua các
cấu trúc giao tiếp tham thoại và cặp thoại mà chưa đề cập đến ngôn ngữ khi
phỏng vấn của báo in.
Luận án Thạc sĩ Lịch sự và sự vi phạm nguyên tắc lịch sự trong phỏng
vấn báo chí,(2007) [41], Thạc sĩ Phạm Thị Tuyết Minh dẫn dắt và hướng đến
các nguyên tắc lịch sự và các chiến lược giao tiếp làm tăng tính lịch sự khi
phỏng vấn báo chí. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài tác giả
chưa đi vào đặc điểm ngôn ngữ cúa báo in một cách chi tiết, cụ thể.
Tác giả Vương Thị Huyền: Ngôn ngữ của người dẫn chương trình trò
chơi truyền hình, (2012), Luận văn Thạc sĩ Truyền thông đại chúng
ĐHKHXH&NV Hà Nội [19]; Hoàng Lê Thúy Ngọc: Khảo sát ngôn ngữ
truyền hình ở Thừa Thiên Huế, (2012), Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ học,
ĐHKHXN&NV Hà Nội [25]; Nguyễn Thị Bích Hà với cuốn: Tìm hiểu

phương thức thể hiện lời nói trên song của Đài truyền hình Việt Nam,(1994,
4


Khóa luận tốt nghiệp, Khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền [14].
Ba công trình nghiên cứu cả ba tác giả đều đề cập đến ngôn ngữ báo chí của
truyền hình, và đưa ra các phát ngôn khi tham gia phỏng vấn trên truyền hình.
Nhìn chung, các công trình kể trên đều thiên về nghiên cứu ngôn
ngữ truyền hình. Trong khi đó, ngôn ngữ báo in nói chung cũng như
ngôn ngữ phỏng vấn trên báo in lại ít được quan tâm. Chính vì vậy, việc
nghiên cứu ngôn ngữ phỏng vấn trên báo in cần thiết phải được đặt ra
nhằm hướng tới xác lập những quy chuẩn về ngôn ngữ phỏng vấn cho
các nhà báo khi tác nghiệp.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là các hành động ngôn ngữ thỏa
mãn và không thỏa mãn tính lịch sự trong phỏng vấn trên báo in. Cụ thể ở đây
chúng tôi chọn khảo sát các cuộc phỏng vấn trên báo Thanh niên từ năm 2013
đến nay, bao gồm: phỏng vấn trong các chương trình, chuyên mục, chuyên đề,
các buổi giao lưu tọa đàm, hay gặp gỡ người nổi tiếng…
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài nghiên cứu này chúng tôi sử dụng các phương pháp
nghiên cứu sau:
5.1 Phương pháp thống kê, thu thập và phân loại: thông qua các số liệu
thu được từ việc thống kê trên tư liệu của báo Thanh niên mà chúng tôi có thể
đưa ra những con số chính xác, mang tính khách quan và ứng dụng thiết thực
hơn cho đề tài nghiên cứu.
5.2 Phương pháp phân tích và tổng hợp: dựa vào những số liệu đã
được thống kê để phân tích những biểu hiện của phỏng vấn báo chí chung mà
chúng tôi khái quát những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ phỏng vấn trên báo
in nói riêng.

5.3 Phương pháp liên ngành: chúng tôi đặt ngôn ngữ trong văn hóa
giao tiếp của người Việt từ đó đưa ra những đặc trưng ngôn ngữ phỏng vấn
của báo in.
6. Đóng góp của khóa luận
5


Về mặt lý luận: Khóa luận được thực hiện trên cơ sở vận dụng lí thuyết
ngữ dụng học với lí thuyết báo chí.Trong thực tiễn nghiên cứu hiện nay, việc
nghiên cứu ngôn ngữ phỏng vấn báo chí, đặc biệt là báo in vẫn chưa được
nghiên cứu một cách có hệ thống. Vì vậy, thông qua đề tài này chúng tôi hi
vọng sẽ góp phần nhỏ trong việc khám phá địa hạt nhiều mới mẻ và đầy hứa
hẹn này.
Về mặt thực tiễn: Khóa luận góp thêm một số kinh nghiệm trong khai
thác thông tin qua nghệ thuật phỏng vấn, cụ thể các hoạt động đặt câu hỏi
cũng như khai thác triệt để chiến lược giao tiếp, nghệ thuật sử dụng ngôn từ
trong hoạt động phỏng vấn của các nhà báo. Chính vì vậy, khóa luận sẽ góp
thêm tư liệu hữu ích cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành ngôn
ngữ - báo chí cũng như hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo.
Mặt khác, chúng tôi hi vọng kết quả nghiên cứu của khóa luận sẽ góp
phần nâng cao hiệu quả của các cuộc phỏng vấn trên báo in nói chung và báo
Thanh niên nói riêng.
7. Bố cục khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí thuyết
Chương 2: Khảo sát các hành động ngôn từ thỏa mãn tính lịch sự
trong các cuộc phỏng vấn trên báo Thanh niên
Chương 3: Một số hành động ngôn ngữ có khả năng vi phạm tính lịch
sự trong các cuộc phỏng vấn trên báo Thanh niên


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ THUYẾT
1.1. Phỏng vấn và phỏng vấn báo chí
1.1.1. Khái niệm phỏng vấn
6


Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về phỏng vấn (interview).
Trong cuốn sách “Phỏng vấn trong báo viết” của Trường Đại học Báo chí
Lille (ESJ), Cộng hòa Pháp do Hội nhà báo Việt Nam dịch và xuất bản năm
2002 có viết: Mọi bước thu thập thông tin trong báo chí đều là một dạng
phỏng vấn. Phỏng vấn là một thể loại báo cơ bản bởi nó tồn tại:
- Như một thực hành chuyên nghiệp;
(Phóng viên gặp một con người cụ thể, để đặt những câu hỏi và sau
đó đăng nội dung của cuộc gặp gỡ đó, cô đong hơn, dưới dạng câu hỏi và
câu trả lời)
- Như một thực hành văn bản:
(Tất cả phóng sự, điều tra, câu hỏi, nhân chứng đều được tạo nên từ
một loạt tiểu phóng sự [52; 9].
Nhà báo Phan Quang trong Lời giới thiệu cho cuốn sách Phỏng vấn
trong báo viết cho rằng: phỏng vấn là sự tiếp xúc giữa người với người, là sự
truyền thông giữa người với người - trong trường hợp này là giữa người
được phỏng vấn và nhà báo nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thông tin của
người thứ ba - là độc giả - về chủ đề nào đó [52; 6].
Còn tác giả Đinh Văn Hường quan niệm Phỏng vấn báo chí là một
trong những thể loại thuộc nhóm các thể loại báo chí thông tấn, trong đó
trình bày cuộc nói chuyện giữa nhà báo với một hoặc một nhóm người về vấn
đề mà xã hội quan tâm, có ý nghĩa chính trị - xã hội nhất định, được đăng và
phát trên các phương tiện thông tin đại chúng [42; 57].
Trong khi đó cuốn sách Nghề nghiệp và công việc của nhà báo, Hội

Nhà báo Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1992 đã tiếp cận thể loại phỏng vấn như
Một hình thức đối thoại, trong đó nhà báo nêu các câu hỏi và người được
phỏng vấn trả lời. Mục đích của bài phỏng vấn trên báo chí là đem lại cho
bạn đọc những thông tin và lý lẽ về một vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế, xã
hội… Thể loại phỏng vấn đáp ứng yêu cầu của bạn đọc muốn có sự giải thích
một sự kiện, hoặc muốn được biết ý kiến không phải của nhà báo mà là của
7


một nhân vật, do địa vị xã hội hoặc nghề nghiệp chuyên môn của mình, họ có
một sự hiểu biết sâu sắc hơn về các sự việc… Phỏng vấn còn để giới thiệu
những con người để họ nói lên những hoạt động và những động cơ thầm kín
theo quan điểm của riêng họ [53; 91].
Dưới góc độ nghề nghiệp, Eric Maitrot trong cuốn “Phỏng vấn trong
báo viết” cho rằng:“phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt giữa một người
biết (người được phỏng vấn) và một người muốn biết (phóng viên)”.
Nếu xét ở góc độ mục đích chức năng của thể loại, tác giả Trần Quang
trong bài viết “ Nghệ thuật làm phỏng vấn” khẳng định: “Phỏng vấn là tìm
kiếm sự thật bằng câu hỏi”.
Từ điển Oxfod thì nhấn mạnh nét bản chất của phỏng vấn đó là:“Một
cuộc gặp gỡ mặt đối mặt của nhiều người nhằm mục đích bàn bạc giữa
những người làm công tác báo chí và những người khác mà qua những người
này, người làm báo cáo có thể lấy được thông tin để đăng báo”.
Trong lĩnh vực báo chí thuật ngữ phỏng vấn tác giả Phạm Thị Tuyết
Minh có hai cách hiểu:
“Thứ nhất: phỏng vấn là phương pháp thu thập thông tin làm tư liệu
cho bài viết. Đây là cách phổ cập nhất được các nhà báo trên thế giới sử
dụng… Trong lao động báo chí phỏng vấn là việc làm không thể thiếu. Trên
cơ sở thông tin thu thập được từ phỏng vấn, các nhà báo mới có các “viên
gạch” để xây dựng nên các thể loại khác như: tin, phóng sự, điều tra…

Thứ hai, phỏng vấn được xem như một thể loại báo chí độc lập,là đối
tượng nghiên cứu của lý luận và khoa học báo chí, đồng thời là một phương
thức phổ biến, hiệu quả trong hoạt động thực tiễn báo chí”.
Sau đó, tác giả đưa ra quan niệm về phỏng vấn: “Phỏng vấn là một
phương pháp thu thập thông tin xã hội học thông qua việc tác động tâm lí xã
hội trực tiếp giữa người đi phỏng vấn và người được phỏng vấn trên cơ sở
mục tiêu của đề tài nghiên cứu” [41; 27-28].
8


Như vậy, có thể nhận thấy mặc dù cách định nghĩa, cách quan niệm
có thể khác nhau, nhưng nhìn chung nội hàm về khái niệm phỏng vấn của
các tác giả nêu trên cơ bản là giống nhau. Chúng tôi cũng đồng tình với các
tác giả và cho rằng phỏng vấn là: “Một trong những thể loại thuộc nhóm
thể loại báo chí thông tấn, trong đó trình bày cuộc nói chuyện giữa nhà
báo với một hoặc một nhóm người về vấn đề mà xã hội đang quan tâm, có
ý nghĩa chính trị - xã hội nhất định được đăng, phát trên các phương tiện
thông tin đại chúng” [41; 57].
Mặt khác, nguồn thông tin trong phỏng vấn là tất cả các câu trả lời của
người được phỏng vấn thể hiện quan điểm, ý thức, trình độ của người được
trả lời và toàn bộ hành vi của họ. Phỏng vấn là một thể loại được xếp vào
nhóm báo chí thông tấn, chúng phản ánh, thông báo kịp thời các sự kiện vấn
đề vừa xảy ra, đang xảy ra và sắp xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
1.1.2. Phân loại các thể loại phỏng vấn của báo in
Có rất nhiều cách phân loại và tên gọi hình thức phỏng vấn dựa trên các
tiêu chí khác nhau. Căn cứ vào số lượng nhân chứng tham gia trả lời, các tác
giả chia thành phỏng vấn một người, phỏng vấn nhiều người.
Căn cứ vào số lượng câu hỏi và dung lượng bài báo cũng như hình thức
phản ánh tư liệu, tác giả Trần Quang Trọng trong“Kỹ năng viết tin” phân chia
phỏng vấn thành phỏng vấn ngắn, phỏng vấn cổ điển (hỏi – đáp) và phỏng

vấn hỗn hợp.
Căn cứ vào đề tài phỏng vấn, có thể chia phỏng vấn thành các hình thức
như: phỏng vấn sự việc, vấn đề, phỏng vấn nhân vật và phỏng vấn hỗn hợp.
Tuỳ theo vào mục đích tính chất, đối tượng, phương thức… của phỏng
vấn mà người ta có thể chia thành nhiều dạng phỏng vấn khác nhau như:
phỏng vấn trao đổi, phỏng vấn chân dung, phỏng vấn thời sự, phỏng vấn nhân
chứng, phỏng vấn đối thoại…

9


Căn cứ vào nội dung của bài phỏng vấn, tác giả Eric Maitrot trong cuốn
“Phỏng vấn trong báo viết” đã trình bày 13 dạng phỏng vấn bao gồm: Trao
đổi, chân dung – phỏng vấn, phỏng vấn thời sự, phỏng vấn để làm rõ một vấn
đề, phỏng vấn minh họa, đối thoại, nhân chứng, mảnh ghép, phát biểu thô,
phỏng vấn vỉa hè, phỏng vấn cực nhanh, phỏng vấn bật, tập câu hỏi. Tuy
nhiên, cách phân chia như vậy quá nhỏ và chi tiết dễ dẫn đến việc trùng lặp.
Tác giả Maria Lukia trong cuốn:“Công nghệ phỏng vấn” chia phỏng vấn
thành ba thể loại: phỏng vấn thời sự, phỏng vẩn điều tra và phỏng vấn chân
dung. Xét thấy sự phân chia này hữu dụng hơn cho đề tài nghiên cứu, nên
chúng tôi đã lựa chọn cách phân chia này cho khóa luận của mình.
Thông qua quá trình khảo sát 338 cuộc phỏng vấn từ năm 2013 đến
nay trên báo Thanh niên, chúng tôi nhận thấy có 3 hình thức phỏng vấn
được sử dụng phổ biến là: phỏng vấn thời sự, phỏng vấn chân dung,
phỏng vấn điều tra.
• Phỏng vấn thời sự: nhằm thu thập tài liệu cho các tin tức, loại phỏng
vấn này chịu quy định ngặt nghèo về thời gian. Nội dung về cuộc phỏng vấn
thường là những vấn đề thời sự nóng hổi vừa mới xảy ra.
Ví dụ: Cuộc họp báo lãnh đạo cấp cao: Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư
lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cảnh sát biển. “Họp báo quốc tế về vụ

Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam: Kiên trì,
kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam”.
VietNamnet: Vì sao đến nay hai nước chưa sử dụng điện đàm đường
dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao nhất? Việt Nam đã tiếp xúc với các nước để
trao đổi về vấn đề này chưa? Trong tình huống xấu nhất, Việt Nam có tính tới
kịch bản cắt đứt quan hệ ngoại giao hay sử dụng các hành động tương tự để
đáp trả thái độ bất hợp tác của Trung Quốc?
Thanh niên: Ông Dương Khiết Trì đã trả lời trong cuộc điện đàm với
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh như thế nào? Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
10


(PVN) sẽ chuẩn bị ứng phó thế nào nếu như Trung Quốc đưa giàn khoan ra
các vị trí mà tập đoàn đang tiến hành khai thác?
AP: Các công có thể khẳng định hiện tại vẫn chưa có người chết trong
hoạt động vừa rồi? Các clip chiếu cho thấy tàu Trung Quốc chủ động đâm
vào tàu Việt Nam? Liệu tàu Việt Nam có đâm vào tàu Trung Quốc để bảo vệ
tàu thuyền của mình hay các hoạt động này chỉ có tàu Trung Quốc tiến hành?
NHK: Hiện nay phía Trung Quốc đã thực sự khoan thăm dò dưới đáy
biển của Việt Nam hay chưa?
Tuổi Trẻ: Đây có phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa toàn bộ giàn
khoan vào hoạt động tại them lục địa Việt Nam? Các hoạt động của Trung
Quốc có hệ quả gì với tuyên bố ứng xử các bên về biển Đông và việc tiến tới
quy tắc về ứng xử COC?
Hãng thông tấn Đức: Việt Nam có theo gương Philpines tiến hành các
thủ tục kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế không?
(Theo TN số 128 thứ 5, ngày 8/5/2014)
• Phỏng vấn điều tra: được tiến hành với mục đích nghiên cứu sâu
hơn một sự kiện hay một vấn đề nào đó. Đối tượng điều tra có thể phức tạp và
mâu thuẫn.

Ví dụ: Cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Tuệ Nguyên với Thứ
trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển về việc cải cách đổi mới đề thi tốt
nghiệp THPT.
+ Nhưng rõ ràng HS cũng khẳng định không chọn môn Sử là do môn
này nặng nề quá?
+Cho đến nay giáo viên và HS vẫn nói rằng họ “hoang mang” khi có
văn bản ngoài sách giáo khoa vào phần đề thi trong phần đọc hiểu. Vậy phần
này chiếm bao nhiêu phần trăm trong đề thi và mức độ khó của văn bản đọc
hiểu ấy như thế nào thưa ông?

11


+ Bộ có đảm bảo nguyên tắc HS có học lực trung bình, bám sát kiến
thức cơ bản là có thể làm được bài thi tốt nghiệp?
+ Việc thi hai ca trong một buổi thay vì mỗi môn/buổi như năm trước
hoặc có những môn mà cả hội đồng thi chỉ có một vài thí sinh dự thi…được
Bộ yêu cầu xử lý thế nào?
+ Theo ghi nhận của Thanh niên vẫn có một số trường hợp vận động
cho HS cả trường mình chọn thi những môn giống nhau để tiện cho việc tổ
chức ôn tập. Điều này có được phép không thưa ông?
+ Xin ông cho biết học lực kết quả năm lớp 12 của HS được xét tốt nghiệp
đã được gửi về Bộ GD – ĐT chưa và việc giám sát được thực hiện ra sao?
+ Năm nay quy định cho phép mang máy ghi âm, ghi hình vào trong
phòng thi như một kênh để chống tiêu cực có được tiếp tục áp dụng không?”
(Theo TN số 143 thứ 6, ngày 23/5/2014)
• Phỏng vấn chân dung: hay còn gọi là phỏng vấn cá nhân, chỉ tập
trung vào một nhân vật, nhân vật của người phỏng vấn có thể là một người
đã thể hiện mình trong một phương diện nào đó của đời sống xã hội khác
và thu hút được sự chú ý của công chúng. Nói cách khác, phỏng vấn chân

dung là khắc họa tính cách, là tiếp điểm tiếp giáp giữa thông tin báo chí và
chính luận nghệ thuật. Do mục đích của người phỏng vấn là khắc họa được
một cá tính, một chân dung nên có thể đưa ra nhiều câu hỏi nhỏ. Thường
hỏi trực tiếp, hoặc có những câu hỏi phụ, câu hỏi gián tiếp nhằm làm nổi
bật nên vấn đề chính cần nêu.
Ví dụ: Cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Nguyên Nga với ông Đỗ Hòa chuyên gia tư vấn chiến lược, thành viên Hội đồng Cố vấn Tạp chí Kinh
doanh Harvard thuộc Đại học Harvard, Mỹ.
+ Theo ông những “miếng ngon” nào doanh nghiệp (DN) nội cần nỗ
lực giành lại thị phần?

12


+ Tầm nhìn vĩ mô dài hạn trong lĩnh vực nông nghiệp cụ thể là thế nào
thưa ông?
+ Vậy để giảm cạnh tranh với DN ngoại, lấy được thị phần trong khả
năng, DN Việt cần chuẩn bị những gì, thưa ông?
+ Trước làn sóng DN nội mất dần những “miếng ngon” trên thương
trường, ông có cảnh báo gì?
(Theo TN số 128 thứ 5, ngày 8/5/2014)
1.2. Giao tiếp hội thoại
1.2.1. Hành động ngôn từ
Hành động ngôn từ, hành động nói, hành vi ngôn ngữ hay hành động
ngôn ngữ là các cách gọi khác nhau trong tiếng Việt của cùng một thuật ngữ
“speech act” trong tiếng Anh. Thuật ngữ này do J. Austin và J. Searle khởi
xướng và đề xuất vào những thập niên 60 của thế kỉ XX. Theo hai ông, ngôn
ngữ không chỉ được dùng để thông báo hoặc miêu tả sự việc, sự kiện đơn
thuần mà nó được dùng để thể hiện hành động. Các hành động được thực hiện
bằng lời là hành động ngôn từ. Nói cách khác, hành động ngôn từ là hành
động mà người ta làm thông qua ngôn ngữ, ví dụ: hứa, tuyên bố, xin lỗi,

trách, thề v.v... Hành động ngôn từ được chia thành ba nhóm: hành động tại
lời (locutionary act), hành động mượn lời (perlocutionary act) và hành động ở
lời (illocutionary act). Tuy nhiên, lí thuyết hành động ngôn từ chủ yếu liên
quan đến hành động ở lời. Đó là, hành động người nói thực hiện ngay khi nói
năng. Thông thường nhắc đến hành động ngôn từ người ta thường hiểu theo
nghĩa hẹp là hành động ở lời.
Trong giới ngữ dụng học từ trước đến nay, có rất nhiều cách phân chia
số lượng các hành động ở lời cũng như tiêu chí phân loại.
B. Fraser chia thành tám nhóm hành động ở lời: hành động khẳng định,
hành động đánh giá, hành động nói lên thái độ người nói, hành động quy
định, hành động yêu cầu, hành động đề nghị, hành động sử dụng chức trách,
hành động cam kết. Kent Bach và Robert M. Harnish lại phân chia hành động
13


ở lời thành hai nhóm: hành động ở lời giao tiếp (gồm bốn loại: khảo nghiệm,
điều khiển, cam kết và biểu lộ) và hành động ở lời quy ước.
J.Searle cũng đưa ra 12 điểm làm tiêu chí phân loại, trong số đó có bốn
tiêu chí cơ bản nhất để phân loại hành động ở lời.
1. Đích ở lời: là mục đích của hành động ngôn từ. Ví dụ, đích ở lời của
hành động yêu cầu là khiến người nghe làm một việc gì đó cho mình.
2. Hướng khớp ghép giữa từ ngữ và thực tại: tiêu chuẩn này quy định
mối quan hệ giữa từ ngữ và thực tại mà hành động đề ra. Ví dụ, trong hành
động ra lệnh thì hướng khớp ghép là làm thực tại khớp với từ ngữ, nghĩa là
lời ra lệnh có trước sau đó hành động mới thực hiện sao cho phù hợp với lời
ra lệnh đó, còn trong hành động khẳng định thì hướng khớp ghép lại ngược
lại, nghĩa là làm từ ngữ khớp với thực tại - thực tại có trước, sau đó lời khẳng
định phải làm sao phù hợp với thực tại.
3. Trạng thái tâm lí được thể hiện: là trạng thái tâm lí tương ứng của
người nói về năng lực, lợi ích, ý định của người nghe và về các quan hệ giữa

người nói và người nghe. Ví dụ, trong hành động khuyên trạng thái tâm lí của
người nói là mong muốn người nghe thực hiện hành động.
4. Nội dung mệnh đề: hành động ngôn từ phải tương thích về nội dung
chính yếu của mệnh đề. Ví dụ, trong hành động yêu cầu thì điều kiện nội
dung mẹnh đề là một hành động tương lai của người nghe.
Dựa trên các tiêu chí cơ bản trên, J. Searle đưa ra năm phạm trù cơ bản
của hành động ở lời như sau [5; 126]:
Tuyên bố (declarative): là hành động ngôn từ làm thay đổi sự việc
qua các phát ngôn. Chẳng hạn, khi vị trưởng phòng nói trước cuộc họp Tôi
xin từ chức trưởng phòng từ hôm nay thì cũng đồng nghĩa người nói từ thời
điểm nói không còn đảm đương chức vụ đó nữa. Các động từ thường được
dùng để tuyên bố là: chỉ định, kết tội, tuyên bố, gọi là, xem là, từ chức,
khai trừ, bổ nhiệm...
Tái hiện (representative): là hành động thể hiện cái mà người nói
tin là có một sự kiện hay không. Hành động này thể hiện ở những câu mà
người nói phải chịu trách nhiệm về giá trị chân lí của mệnh đề được biểu
14


đạt. Ví dụ: Tôi khẳng định anh ta làm việc đó. Các động từ thường được
dùng để biểu hiện là: quả quyết, khẳng định, phỏng đoán, thông báo, giả
định, giải thích, từ chối...
Điều khiển (directive): là hành động mà người nói sử dụng để khiến
người nghe làm một việc gì đó. Ví dụ: Tôi khuyên anh nên về nhà ngay.
Nhóm cầu khiến có thể gồm các động từ như: đề nghị, yêu cầu, cho phép, ra
lệnh, khuyên, cấm đoán, mời...
Cam kết (commissive): là hành động người nói dùng để cam kết một
hành động tương lai nào đó. Ví dụ: Tôi thề sẽ lấy bằng được cô ấy. Thuộc
nhóm này có các động từ như: hứa, cho, biếu, thề, cam đoan, cảnh báo...
Biểu cảm (expressive): là hành động thể hiện một trạng thái tâm lí của

người nói đối với sự tình trong nội dung mệnh đề. Ví dụ: Cả nhà chúc mừng
con đã trở về. Các động từ thường được dùng để bày tỏ là: xin lỗi, chúc
mừng, cảm ơn, hoan nghênh, phàn nàn, chia buồn, chấp nhận...
Nhìn chung, so với các cách phân loại khác thì cách phân loại cũng như
tiêu chí phân loại mà J. Searle đưa ra là đúng đắn và phù hợp hơn cả.
Liên quan đến khái niệm hành động ngôn từ còn có khái niệm phát
ngôn ngôn hành và động từ ngôn hành. Phát ngôn ngôn hành là phát ngôn mà
khi người ta nói thì đồng thời người ta cũng thực hiện luôn cái việc được biểu
thị trong phát ngôn [4; 74]. Nó khác với phát ngôn miêu tả ở chỗ, người phát
ngôn cũng chính là người thực hiện hành động.
Ví dụ: - Em hứa em sẽ làm bài tập (phát ngôn ngôn hành).
- Em không hứa sẽ làm việc đó (phát ngôn miêu tả).
Động từ ngôn hành là động từ mà khi nói ra, người ta thực hiện ngay
tức khắc cái hành động ở lời do chính động từ biểu thị [4; 75].
Ví dụ: - Em hứa em sẽ làm bài tập. Khi người nói nói ra phát ngôn này
thì đồng thời người nói đã thực hiện luôn cái hành động do chính động từ hứa
biểu thị. Nó khác với động từ trong câu: Em làm bài tập. Ở đây, người phát
ngôn phải thực hiện hành động bằng những phương tiện ngoài ngôn ngữ như
dùng tay, giấy, bút để làm bài tập.
Trong đề tài nghiên cứu, chúng tôi tiến hành khảo sát các hành động
ngôn từ như: hành động hỏi, hành động yêu cầu đề nghị, hành động khen,
15


hành động cảm ơn và hành động chê. Để làm rõ hơn cách sử dụng hành động
ngôn từ trên báo Thanh niên.
1.2.2. Quy tắc hội thoại
Như chúng tôi đã trình bày, phỏng vấn báo chí thực chất là cuộc hỏi,
đáp trong hội thoại giữa nhà báo và đối tượng phỏng vấn, nhằm trực tiếp thu
nhận thông tin từ đối tượng đó. Chính vì vậy khi tham gia phỏng vấn cả nhà

báo lẫn đối tượng phỏng vấn phải tuân thủ các quy tắc khi tham gia hội thoại
nói chung để cuộc phỏng vấn thành công.
Các nhà ngữ dụng học cho rằng: khi tham gia hội thoại, để đạt được
mục đích giao tiếp, các nhân vật tham gia hội thoại phải tuân thủ một số
nguyên tắc nhất định, được gọi là nguyên tắc hội thoại.
- Nguyên tắc thương lượng:
Khi tham gia hội thoại, các nhân vật nhiều khi phải có câu mở đầu có
tính thăm dò nhằm đi đến một sự thoả thuận chung về đề tài, nội dung cuộc
thoại, về số lượng người tham gia tạođiều kiện cho cuộc thoại thành công.
Ví dụ:
[...] – Hay bây giờ em định thế này... Song anh có cho phép em
mới dám nói...
Rồi Dế Choắt loanh quanh, băn khoăn. Tôi phải bảo:
- Anh đã nghĩ thương em như thế thìhay là anh đào giúp cho em một
cái ngách sang bên nhà anh phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt
thì em chạy sang...
(Ngữ văn 8.T1, NXB Giáo dục, H., 2007, tr.109)
Trong ví dụ trên, việc thương lượng của Dế Choắt nhằm dò tìm thái độ
của Dế Mèn để còn liệu ứng xử cho phù hợp, tránh làm phật lòng Dế Mèn.
- Nguyên tắc luân phiên lượt lời
Sự luân phiên lượt lời trong một cuộc hội thoại được điều hành bởi một
hệ thống những quy tắc. Những quy tắc này quy định: trong cuộc thoại, mỗi
vai nói thực hiện một lượt lời liên tục luân phiên nhau, không dẫm đạp chồng
chéo lên nhau cũng như không đứt quãng quá dài. Các quy tắc này phải đảm
16


bảo “quyền được phát ngôn” của mỗi nhân vật tham gia vào cuộc thoại, giúp
cho cuộc thoại diễn ra cân bằng, tự nhiên.
Ví dụ:

- Chuỗi ngọc này có phải của tiệm ông không ạ?
- Phải.
- Thưa... Có phải ngọc thật không?
- Không phải thứ ngọc quý nhất, nhưng là ngọc thật.
- Ông có nhớ đã bán cho ai không?
- Một cô bé tên là Gioan mua tặng chị của mình.
- Giá bao nhiêu ạ?
- Tôi không khi nào nói giá tiền của quà tặng.
- Gioan chỉ có ít tiền tiêu vặt. Làm sao em mua nổi chuỗi ngọc này?
Pi-e gói lại chuỗi ngọc và đáp:
- Em đã trả giá rất cao. Bằng toàn bộ số tiền em có.
Hai người đều im lặng. Tiếng chuông từ một giáo đường gần đó
bắt đầu đổ.
- Nhưng sao ông lại làm như vậy?
Pi-e vừa đưa chuỗi ngọc cho cô gái vừa nói:
- Hôm nay là ngày Nô-en. Tôi không có ai để tặng quà. Cho phép tôi
đưa cô về nhà và chúc cô một lễ Nô-en vui vẻ nhé.
(Tiếng Việt 5.T1, NXB Giáo dục, H, 2007, tr.142)
Trong cuộc thoại trên, hai nhân vật hội thoại đưa ra lời trao – đáp hết
sức nhịp nhàng. Cả hai đều có sự điều chỉnh về từ ngữ, thái độ ứng xử tạođiều
kiện cho cuộc thoại tiến triển. Nhờ vậy, dù hai nhân vật mới quen nhau nhưng
giữa họ vẫn có sự giao tiếp dễ dàng, đầy cảm thông.
Tôn trọng nguyên tắc lượt lời là không nói quá nhiều, quá dài, quá lâu,
làm mất lượt lời của người đối thoại hoặc không chen ngang, không cướp lời
người đối thoại.
Nguyên tắc mạch lạc: Để cuộc thoại thành công, các lời trao và lời đáp
phải có sự liên kết về nội dung và hình thức cũng như về hành động ngôn từ.
• Về nội dung, các lượt lời tham gia cuộc thoại phải cùng đề cập đến
một chủ đề, một nội dung thống nhất nào đó.
Ví dụ:

- Sao anh lại bắt chim? - Thằng bé nhất hỏi.
- Vì chúng nó hót hay lắm.
- Không nên bắt, cứ để cho chúng muốn bay đi đâu thì bay.
17


- Được, mình sẽ không bắt nữa!
- Nhưng anh hãy bắt cho em một con đã.
- Em muốn chim gì?
- Chim gì hót vui vui ấy. Để nhốt vào lồng.
- Thế thì chim bạch yến nhé?
- Mèo nó bắt mất - Thằng thứ hai nói – Mà bố cũng chẳng cho nuôi.
Thằng anh lớn tán thành:
- Đúng đấy, bố chẳng cho nuôi đâu...
(Ngữ văn 9.T1, NXB Giáo dục, H, 2007, tr.229)
Trong cuộc thoại trên, các lượt lời đều xoay quanh trò chơi bắt chim
của các đứa bé hàng xóm.
• Về hình thức, trong cuộc thoại, thông thường giữa lời trao và lời đáp
của các nhân vật tham gia có thể có các phương tiện liên kết như: đại từ liên
kết (ấy, thế, vậy, đó...), quan hệ từ liên kết hoặc trợ từ (nhưng, và, vì...), dùng
phép tĩnh lược, phép lặp, từ tình thái (dạ, vâng...).
Chẳng hạn, trong ví dụ vừa trích dẫn ở trên, giữa các câu trao và câu
đáp của các nhân vật tham gia hội thoại đều có sự liên kết về mặt hình thức.
Các nhân vật đã sử dụng đại từ liên kết (thế), quan hệ từ liên kết (nhưng, vì),
phép lặp (lặp câu bố chẳng cho nuôi đâu). Chính nhờ vậy, cuộc thoại trên trở
nên trôi chảy, mạch lạc.
• Về hành động ngôn từ, lời trao và lời đáp có sự liên kết tương ứng
với nhau. Chẳng hạn, có câu hỏi thì phải có câu trả lời, câu đề nghị thì phải có
câu đáp ứng hoặc từ chối v.v...
Ví dụ:

Câu trao là câu hỏi, câu đáp là câu trả lời:
- Thế nhà con ở đâu?
- Nhà ta ở làng chợ Dầu.
(Ngữ văn 9.T1, NXB Giáo dục, H., 2007, tr.170)
Câu trao là câu đề nghị, câu đáp là câu từ chối:
- Thưa lạy hai cụ, nhà con túng quá, xin hai cụ cứu giúp con.
Bà Nghị nhả miếng bã trầu cầm tay, quai thật dài cặp môi cắn chỉ :
- Chẳng cứu với vớt gì cả! Mày có bán đứa con gái tao mua!
(Tắt đèn, Ngô Tất Tố, NXB Hội Nhà văn, H., 2006, tr.95)
Nguyên tắc lịch sự: Khi tham gia hội thoại, người nói phải khiêm tốn
và tôn trọng thể diện người nghe. Không nên nói đề cao mình, nói quá nhiều
về mình cũng như chen ngang, cướp lời người đối thoại.
18


Ví dụ: Trong giao tiếp, cần giữ lịch sự khi đặt câu hỏi, tránh đặt những
câu hỏi làm phiền lòng người đối thoại, xúc phạm thể diện của họ:
- Tại sao cả tháng nay chẳng thấy cậu mặc chiếc áo mới nào?
- Nhà chị không có xe hay sao mà cứ sang nhà em mượn xe vậy?
- Chú ơi, sao chú cứ dùng mãi chiếc ti vi cũ này thế?
Nguyên tắc cộng tác: Các bên tham gia hội thoại phải góp phần mình
(về lượt lời, về nội dung) mang tính thiện chí để đạt tới đích của cuộc thoại.
Như vậy, điều quan trọng là khi tham gia hội thoại, các bên tham gia phải có
thiện chí thúc đẩy cuộc thoại tiến triển. Nếu không tuân thủ điều này, cuộc
thoại mặc dù đảm bảo về lượt lời, về nội dung nhưng vẫn đi vào ngõ cụt, vi
phạm nguyên tắc cộng tác.
Ví dụ:
- Hương về hè có vui không?
- Cũng vui.
- Mùa màng quê mình độ này thế nào?

- Vẫn như mọi khi.
- Cụ ở nhà có khoẻ không?
- Bình thường.
- Chắc khi chú Hà tôi đi học Hương đã nghỉ hè rồi?
- Không rõ lắm.
- Nghe nói thầy Chởi đi học ở Hà Nội?
- Tôi cũng không được biết.
(Thời xa vắng, Lê Lựu, NXB Văn học, H., 1998)
Trong cuộc thoại trên, mặc dù lời trao của người nói đã được đáp lại
nhưng lời đáp mang tính gượng ép, nhạt nhẽo, thiếu sự hưởng ứng. Vì vậy,
cuộc thoại đã thất bại.
Theo H.P.Grice, nguyên tắc cộng tác (cooperative principle) gồm các
phương châm sau:
Phương châm về chất: nên nói những điều mình tin là đúng và có bằng
chứng xác thực.
Phương châm về lượng: khi tham gia hội thoại, cần nói cho có nội
dung, nội dung của lời nói phải đáp ứng cuộc thoại, không thiếu, không thừa.
Phương châm về cách thức: nên nói một cách rõ ràng, mạch lạc, ngắn
gọn, có trật tự, dễ hiểu, tránh nói mập mờ, tối nghĩa.
19


Phương châm về quan hệ: cần nói sao cho thích hợp với cuộc thoại,
tránh nói lạc đề.
Ví dụ:
Cô giáo viết lên bảng một câu ghép: “Mặc dù tên cướp rất hung hăng,
gian xảo nhưng cuối cùng hắn vẫn phải đưa hai tay vào còng số 8”. Rồi cô hỏi:
- Em nào cho cô biết chủ ngữ của câu trên ở đâu?
Hùng nhanh nhảu:
- Thưa cô, chủ ngữ đang ở trong nhà giam ạ.

(Theo Truyện cười dân gian)
Trong truyện cười trên, nhân vật hội thoại đã vi phạm phương châm
quan hệ (nói lạc đề).
1.3. Ngôn ngữ phỏng vấn hội thoại báo in
Trong tiếng Việt, phỏng vấn là từ gốc Hán - Việt, “phỏng” là thăm hỏi,
điều tra, “vấn” nghĩa là hỏi. Như vậy, bản chất của phỏng vấn là một cuộc
điều tra bằng hình thức hỏi.
Đối với báo chí, phỏng vấn được xem như một thể loại được xếp vào
nhóm báo chí độc lập. Không những thế, phỏng vấn còn là đối tượng nghiên
cứu của lí luận và khoa học báo chí, đồng thời là một phương thức phổ biến,
hiệu quả trong hoạt động thực tiễn báo chí. Phỏng vấn được xếp vào nhóm
báo chí thông tấn, nhóm này gồm có: tin, phỏng vấn, tường thuật…Nó phản
ánh, thông báo kịp thời các sự kiện, vấn đề xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
So với phỏng vấn báo chí thông thường thì phỏng vấn trên báo in có lợi
thế là: tác giả có thời gian để chỉnh sửa nội dung và câu chữ. Những câu hỏi
đặt ra trong khi phỏng vấn được gọt rũa khá cẩn thận và sát với nội dung.
Chính vì có thời gian cho sự sắp xếp chuẩn bị nên phỏng vấn ở báo in dường
như người phỏng vấn luôn giữ thế chủ động và kiểm soát thời lượng nên hầu
hết chương trình không hề bị “cháy”, hay gặp sự cố về kĩ thuật như phỏng vấn
trên truyền hình.
1.3.1. Tiêu chí phân loại các dạng câu hỏi phỏng vấn của báo in
- Căn cứ vào ngôn ngữ trong câu hỏi: câu hỏi đóng - câu hỏi mở.

20


Câu hỏi mở là: câu hỏi đặt ra các tình huống có nhiều dữ liệu, người trả
lời có thể trả lời theo nhiều hướng khác nhau.
Ví dụ: Trong nhiều vụ gần đây trên Biển Đông, ví dụ như vụ bãi cạn
Scarborough, TQ đã dựa trên sức mạnh quân sự của Philipines tại khu vực

này. Ông có cho rằng TQ sẽ lặp lại vụ giàn khoan Hải Dương - 981 hay
không?.
(Theo TN số 142 thứ 5, ngày 22/5/2014)
Câu hỏi đóng là: dạng câu hỏi thông qua các dữ kiện có trước mà
phóng viên muốn khẳng định lại vấn đề.
Ví dụ: Hệ quả lớn nhất của tình trạng chính sách thiếu ổn định đối với
DN là gì?
(Theo TN số 286 thứ 2, ngày 13/10/2014)
- Căn cứ vào vai trò, vị trí của câu hỏi: câu hỏi chính – câu hỏi phụ.
Câu hỏi chính là: câu hỏi từ trước đã được đặt ra, còn câu hỏi phụ là
câu hỏi mới phát sinh khi câu hỏi chính không phát huy được tác dụng, căn cứ
vào thái độ, bối cảnh mà câu hỏi bổ sung hoặc là khi xuất hiện chủ đề mới,
bước ngoặt mới của đề tài.
Ví dụ: Trong bối cảnh căng thẳng leo thang hiện nay ở biển Đông,
Việt Nam có những nhận định gì đối với cộng đồng quốc tế, có xem xét tham
gia liên minh an ninh không?
(Theo TN số 143 thứ 6, ngày 23/5/2014)
- Căn cứ vào phạm vi đề cập: câu hỏi chung - câu hỏi riêng. Câu hỏi
chung là câu hỏi có vấn đề chung. Câu hỏi riêng là câu hỏi có phạm vi về một
vấn đề cụ thể trong một đơn vị cụ thể.
Ví dụ: Khi nhắc đến Patricia Kaas, khán giả VN 20 năm trước luôn
nhớ nhiều đến chị. Còn Patricia Kaas nhớ gì nhất khi chia tay đất nước
chúng tôi?
(Theo TN số 133 thứ 3, ngày 13/3/2014)
21


- Căn cứ vào cách tiếp cận sự kiện vấn đề: câu hỏi trực tiếp – câu hỏi
gián tiếp.
Nhiều khi, câu hỏi thẳng không phát huy được tác dụng, cho nên xuất

hiện các câu hỏi vòng. Mục đích của loại câu hỏi này là khi xuất hiện các yếu
tố cản trở câu hỏi thẳng thì loại trừ yếu tố đó.
Ví dụ: câu hỏi trực tiếp: Thưa ông, làm sao để tránh việc ký ức văn hóa
Hà Nội đang mất dần khi có dự án kinh tế?
(Theo TN số 283 thứ 6, ngày 10/10/2014)
Câu hỏi gián tiếp: Ở các nước việc xếp hạng các trường ĐH là do các
tổ chức độc lập thực hiện và cơ quan quản lý chỉ là đơn vị công nhận kết quả.
Tuy nhiên, theo dự thảo Bộ GD-ĐT sẽ lựa chọn, ủy nhiệm cho một tổ chức
thực hiện xếp hạng. Như vậy có đảm bảo độ khách quan không?
(Theo TN số 282 thứ 5, ngày 9/10/2014)
- Căn cứ vào tính chất và logic thông tin trong câu hỏi - câu trả lời:
câu hỏi kiểm tra, câu hỏi phản biện, câu hỏi phát sinh từ câu hỏi
Ví dụ: Nói như anh thì cái bụng đóng vai trò như thế nào với sự thành
công trong sự nghiệp? Nó có giúp anh nhận được vai diễn nào không?
( Theo TN số 129 thứ 6, ngày 9/5/2014)
- Căn cứ vào mục đích sử dụng câu hỏi: câu hỏi dẫn dắt, câu hỏi
khiêu khích.
Ví dụ: Anh nói: “Bụng cũng cần phải được tôn trọng”, vậy chúng ta
nên tôn trọng cái bụng mình như thế nào?
( Theo TN số 129 thứ 6, ngày 9/5/2014)
1.3.2 Đặc trưng ngôn ngữ phỏng vấn báo in
Mặc dù có liên quan mật thiết đến các thể loại báo chí khác nhưng
phỏng vấn luôn có những nét riêng trong cách tổ chức tác phẩm, cách tiếp cận
và xử lý thông tin.

22


- Về hình thức: Hầu hết phỏng vấn trên báo viết thường có các nhân
tố như: ảnh người trả lời, tít chính, sapo, các câu hỏi, câu trả lời, lời cảm ơn

và thời gian thực hiện.
- Về đối tượng phỏng vấn: trên lý thuyết đối tượng phỏng vấn có thể
là bất kì ai, các nhà báo có thể lựa chọn đối tượng phỏng vấn sao cho phù hợp
với nội dung đề tài mà mình lựa chọn.
- Cuộc phỏng vấn của nhà báo với một nhân vật không chỉ đơn giản
là trao đổi thông tin mà còn hướng tới mục đích tạo nên một sản phẩm thông
tin có tính cấp thiết, mang ý nghĩa xã hội và dành cho sự công bố. Nhà báo
không hỏi cho mình, hỏi cho biết mà hỏi cho đối tượng thứ ba - công chúng.
Ở đây, nhà báo có vai trò chủ động, qua cách đặt câu hỏi mà hướng người trả
lời vào nội dung thông tin cần cung cấp cho độc giả. Vì thế chất lượng câu hỏi
có vai trò quyết định chất lượng một cuộc phỏng vấn.
- Về nội dung: thông tin trong bài phỏng vấn không phải do phóng
viên cung cấp mà do đối tác cung cấp. Vì thế, khi xuất bản nhà báo hay tòa
soạn không tự ý sửa chữa mà phải có sự đồng ý hợp tác của người được
phỏng vấn.
- Ngôn ngữ phỏng vấn giàu chất khẩu ngữ: câu hỏi và câu trả lời tự
nhiên, sinh động, cuốn hút người đọc. Nét đặc trưng ngôn ngữ của người
được trả lời thể hiện tinh tế qua cách diễn đạt và dùng từ trực tiếp và khách
quan. Người trả lời phỏng vấn có tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ rõ ràng và các
thông tin hữu ích khác. Bài viết dựng lại cuộc phỏng vấn qua lời đối thoại,
kèm đó là hình ảnh của người trả lời tạo sự trực tiếp, khách quan thuyết phục
bạn đọc.
- Tính độc quyền: Nhà báo có thể khai thác những ý kiến riêng tư
hoặc thế giới nội tâm của nhân vật được phỏng vấn.
- Chia sẻ trách nhiệm: Ngoài việc chịu trách nhiệm phát ngôn của
mình, người trả lời còn tham gia vào cả quá trình hình thành tác phẩm. Những
câu trả lời của họ là bộ phận tạo nên nội dung của bài phỏng vấn.
1.4. Văn hóa giao tiếp trong phỏng vấn trên báo in
1.4.1. Phép lịch sự của giao tiếp
23



Lịch sự là một thuộc tính thuộc phạm trù ứng xử của con người trong
giao tiếp, đó là một nhân tố quan trọng có tính chất điều hòa các quan hệ liên
nhân, nó chi phối không những đối với quá trình vận động hội thoại mà cả đối
với hiệu quả giao tiếp.
“Lịch sự, theo S. Blum-Kulka, về cơ bản là một chức năng của hành động đền
bù mà hành động này có quan hệ tương liên với biểu đạt gián tiếp
[dẫn theo Nguyễn Quang 2002a]. Lịch sự đươc xem là một hay nhiều chiến
lược mà S dùng để hoàn thành một số mục đích như thiết lập hoặc duy trì
những quan hệ hài hòa… Một trong những đòi hỏi trong tương tác ngôn ngữ
mà mục đích của nó là quan tâm đến tình cảm của người khác, thiết lập nên
sự hài hòa và duy trì mối quan hệ thân thiện… là sự kết hợp giữa một sự
nhận thức rõ ràng và sự lựa chọn một cách tự nguyện” [31; 25].
Bên cạnh đó, có rất nhiều tác giả nghiên cứu về lịch sự và vai trò của
lịch sự trong giao tiếp, dưới đây là một số quan điểm về lịch sự của các tác
giả nước ngoài được đề cập đến trong cuốn “Đại cương ngôn ngữ học – Tập
2”của GS Đỗ Hữu Châu (2006).
Theo Rlakoff (1973): “Có thể định nghĩa lịch sự như một phương thức
nhằm hạn chế xung đột trong diễn ngôn (…) Những chiến lược lịch sự có
nhiệm vụ đặc biệt làm cho cuộc tương tác trở nên thuận lợi”.
Theo J.N Leech (1987) nhấn mạnh đến chức năng của lịch sự. Theo
ông lịch sự có chức năng: “Giữ gìn cân bằng xã hội và quan hệ bạn bè,
những quan hệ này khiến chúng ta tin rằng người đối thoại với chúng ta tỏ ra
trước hết là sự cộng tác với chúng ta”.
Theo C.K.Orechioni (1990): “Lịch sự là bao hàm tất cả các phương
diện của diễn ngôn, bị chi phối bởi các quy tắc có chức năng giữ gìn tính chất
hài hòa các mối quan hệ liên cá nhân”.
Theo J.Thomas (1995): “Phép lịch sự được xem là một (hay một loạt
chiến lược) được người nói dùng để hoàn thành một số mục đích như thiết

lập hoặc duy trì những quan hệ hài hòa”.
24


Bên cạnh các nhà nghiên cứu nước ngoài về lịch sự thì các nhà nghiên
cứu về lịch sự trong nước cũng đưa ra các quan điểm như:
Tác giả Đỗ Hữu Châu cho rằng: “Lịch sự chiến lược và lịch sự chuẩn
mực là hai mặt của lịch sự nói chung. Bởi vì một cuộc thoại, tức mọi thực
hiện hành động ở lời đều phải thực hiện trong khuôn khổ quan hệ liên cá
nhân nào đấy”.
Tác giả Vũ Thị Thanh Hương chia lịch sự thành hai loại: lịch sự lễ độ
(thường gọi chung là lễ độ) và lịch sự chiến lược (lịch sự).Theo tác giả thì:
“Lịch sự chiến lược là cách ứng xử ngôn ngữ khéo léo, tế nhị nhằm tránh xúc
phạm thể diện, tránh áp đặt, cố gắng làm vừa lòng đối thoại để đạt được hiệu
quả cao nhất. Lịch sự lễ độ là hành động ngôn ngữ phù hợp với những chuẩn
mực giao tiếp xã hội nhằm mục đích tôn vinh các phẩm chất xã hội (thức bậc,
địa vị, tuổi tác…) của người đối thoại”.
Như vậy, các khái niệm trên đều có cùng quan điểm lịch sự là một quy
tắc quan trọng của giao tiếp. Nó có chức năng giữ gìn các mối quan hệ liên cá
nhân và làm cho các cuộc giao tiếp trở nên hài hòa thuận lợi hơn.
1.4.2. Các bình diện của lịch sự trong ngôn ngữ phỏng vấn hội thoại của
báo in
Nguyên tắc lịch sự được cụ thể hóa thành hai bình diện: lịch sự quy ước và
lịch sự chiến lược.
- Lịch sự quy ước
Văn hóa phương Đông là văn hóa luôn chủ trương duy trì sự ổn định, ít
xáo trộn. Sự ổn định ấy được đảm bảo bằng hệ thống tôn thức chặt chẽ từ cao
xuống thấp. Con người ngay từ khi sinh ra đã bị ràng buộc bởi số phận, bởi
địa vị và bổn phận hơn là sống với những giá trị của cá nhân. Vì thế mà, cộng
đồng văn hóa phương Đông luôn đề cao cái “Ta” chung và cái tôi cá nhân

thường bị lu mờ.
Những quan niệm này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của từng cá nhân.
Có thể nhận thấy điều này trong những cách biểu hiện của con người, qua đó
cách hiểu về lịch sự ở các nước phương Đông cũng có sự khác biệt so với các
25


×