Tải bản đầy đủ (.doc) (124 trang)

Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (519.49 KB, 124 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo và văn hóa Phật
giáo đã đồng hành cùng dân tộc, trở thành một phần cốt yếu, quan trọng
của văn hóa Việt Nam; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ đất nước; nuôi dưỡng tâm hồn và sức sống Việt Nam; xây dựng lối ứng
xử văn hóa trong quan hệ với đồng loại và với thế giới tự nhiên cho các thế
hệ, tạo nên vẻ đẹp và bản sắc dân tộc.
Lý - Trần là thời đại vàng son của lịch sử Việt Nam. Đây là thời đại
dân tộc được hồi sinh sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Thời này, Phật
giáo thịnh trị, tư tưởng triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống
tâm linh con người và đời sống văn học. Văn học Phật giáo nói chung, thơ
Thiền nói riêng là một bộ phận quan trọng của văn học Lý - Trần, là di sản
quý báu của một thời đại đáng tự hào của dân tộc ta. Tìm hiểu giá trị đích
thực của thơ Thiền là việc làm rất cần thiết cho nền văn hóa nước nhà, nhất
là trong thời đại mở cửa hội nhập hôm nay.
Ra đời trong bối cảnh “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên
cổ điện kim âu”(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá / Non sông nghìn thuở vững
âu vàng) của thời đại Đông A, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là kết tinh của
tinh thần Phật giáo Đại Việt trên cơ sở kế thừa truyền thống và tiếp thu tinh
hoa ngoại quốc. Trước tác của Thiền Trúc Lâm để lại cho hậu thế thực sự
là những viên ngọc quý, phản chiếu con người tinh thần của một thời đại
anh hùng. Trong xu thế nhìn lại quá khứ với niềm tự hào sâu sắc, Thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử và các sáng tác của những Thiền sư dòng Thiền này
ngày càng được quan tâm một cách thỏa đáng từ giới nghiên cứu trong và
ngoài nước cũng như bạn đọc gần xa. Đặc biệt, cuộc đời và sự nghiệp của
Trần Nhân Tông - vị Tổ sáng lập Thiền phái được các học giả quốc tế chú ý
và đánh giá cao không chỉ bởi những cống hiến xuất sắc của ông cho lịch
1



sử dân tộc mà trên tất cả là những tư tưởng triết học thâm viễn mang tầm
nhân loại của hoàng đế “nhiều trong một” này.
Là một dòng Thiền dân tộc lấy chủ thuyết “Cư trần lạc đạo” làm tôn
chỉ hoạt động, Thiền Trúc Lâm đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như công cuộc chấn hưng nền văn hóa Đại
Việt. Trên cả hai bình diện đạo và đời, dù ở phương diện lịch sử hay văn
hóa, tư tưởng “Cư trần lạc đạo” cũng làm rạng danh dân tộc Việt Nam một
thời oanh liệt. Tìm hiểu tư tưởng “Cư trần lạc đạo” không những giúp
chúng ta hiểu hơn về các thế hệ tiền nhân người Việt mà còn bồi đắp niềm
tự hào đối với di sản văn hóa của cha anh đi trước để lại.
Mặt khác, tìm hiểu tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong sáng tác của
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một cách thể hiện niềm tri ân sâu sắc đối
với các giá trị truyền thống, đồng thời phát huy giá trị các di sản của tiền
nhân trong thời đại hội nhập với tinh thần “Ôn cố tri tân”.
Cho đến nay, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu một
cách tổng hợp về nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển và những đóng
góp của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong trước tác của Thiền Trúc Lâm.
Tóm lại, đây là vấn đề mang tính khoa học mới mẻ và giá trị thực
tiễn sâu sắc.
Chính vì vậy, trong khuôn khổ công trình này, chúng tôi lựa chọn và
triển khai đề tài: “Sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn
chương Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” với hi vọng sẽ góp sức vào việc
nhìn nhận Thiền Trúc Lâm như một hiện tượng phi thường trong tiến trình
phát triển của lịch sử dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Những nghiên cứu về Phật học, Thiền học thời Trần
Phật giáo nói chung và Thiền học nói riêng có bề dày lịch sử nghiên
cứu. Một số tác phẩm thời trung đại nghiên cứu các tông phái Thiền học
2



cũng như hành trạng các Thiền sư: Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam Tổ
thực lục… Các tác phẩm: Việt Nam Phật giáo sử luận (Nguyễn Lang), Lịch
sử Phật giáo Việt Nam (Lê Mạnh Thát),… tổng kết quá trình hình thành và
phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Thiền uyển tập anh ngữ lục là một tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ
Hán ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị
Thiền sư nổi tiếng vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và
một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần; tức từ cuối thế kỷ
VI đến thế kỷ XIII. Ðây là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt
Nam hiện có.
Tam Tổ thực lục là tập sách trình bày hành trạng của ba vị Tổ sư
thuộc dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền
Quang). Ban Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam giới thiệu, Hòa thượng Thích Phước Sơn dịch và chú giải.
Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang gồm 40 chương là
một tác phẩm nghiên cứu vào loại quy mô về Phật giáo Việt Nam. Tác
phẩm trình bày toàn bộ diễn tiến của Phật giáo từ thời Luy Lâu tới giữa thế
kỉ XX ở Việt Nam. Trong đó, tác giả đã dành 7 chương để giới thiệu về
Phật giáo đời Trần và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Lê Mạnh Thát, Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Duy Hinh cũng đã có
những công trình nghiên cứu quy mô, quan trọng về lịch sử du nhập,
phát triển của Phật giáo Việt Nam. Các tác phẩm phải kể đến là: Lịch sử
Phật giáo Việt Nam (Lê Mạnh Thát), Lịch sử Phật giáo Việt Nam
(Nguyễn Tài Thư chủ biên), Triết học Phật giáo Việt nam (Nguyễn Duy
Hinh). Đặc biệt là Lê Mạnh Thát, người được coi là học giả viết sách về
văn học và lịch sử Phật giáo nhiều nhất Việt Nam. Ông là tác giả của:
Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam gồm 3 tập, Toàn tập Trần Thái
Tông, Toàn tập Trần Nhân Tông.
3



Nguyễn Hùng Hậu là một tác giả có nhiều công trình nghiên cứu
về tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung và
Trần Nhân Tông nói riêng: Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật
giáo Trần Thái Tông (1996), Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt
Nam (1997), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến
thế kỉ XIV (2002).
Nhiều luận án nghiên cứu tư tưởng triết học của các nhân vật Thiền
Trúc Lâm. Trương Văn Chung bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ đề tài
“Tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần” năm 1996. Luận
án Tiến sĩ Triết học “Tư tưởng triết học của Tuệ Trung Thượng sĩ” của
Nguyễn Đức Diện, luận án Tiến sĩ triết học năm 2011 của Bùi Huy Du với
đề tài “Tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông” đã hệ thống hóa những
quan niệm về bản thể luận, nhận thức luận và nhân sinh quan của Tuệ
Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông - những nhân vật chủ chốt của Thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử. Tất cả các công trình này đều đi vào phân tích,
tổng kết tư tưởng triết học của Thiền phái Trúc Lâm qua việc khảo sát hành
trạng và tác phẩm của từng nhân vật trong Thiền phái như: Trần Thái Tông,
Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể đến quá trình sưu tập, biên dịch và
bình chú các kinh sách Phật giáo như: Bát Nhã, Viên Giác, Hoa Nghiêm,
Pháp Hoa,… của các thế hệ học giả Phật tử Việt Nam.
2.2. Những nghiên cứu về thơ Thiền thời Lý - Trần và cảm hứng “Cư
trần lạc đạo”
Những bộ khảo cứu, sưu tầm về văn học thời Lý - Trần đầu tiên phải
kể tới Tinh tuyển chư gia luật thi (Dương Đức Nhan), Trích diễm thi tập
(Hoàng Đức Lương). Tiếp đó, được sưu tầm và giới thiệu trong sách vở lưu
hành từ thế kỷ XIV - XVIII như Khóa hư lục (Trần Thái Tông), Thượng sĩ
ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ, Thiền uyển tập anh ngữ lục (khuyết

danh), Tam Tổ thực lục, Thánh đăng lục,…
4


Đến thế kỷ XX, những tác phẩm thơ ca thời Lý - Trần đã được tập
hợp và sưu tầm, ghi chép lại trong cuốn Thơ văn Lý - Trần (3 tập) do nhóm
tác giả Viện Văn học thực hiện. Tác giả Nguyễn Huệ Chi phân tích những
kết quả nghiên cứu những năm đầu thế kỷ XX trên các phương diện: thơ
chữ Hán, thơ chữ Nôm, các bài phú Nôm, các giả thiết xung quanh một vài
cuốn truyện thơ lục bát. Từ những văn bản đó, tác giả đã giới thuyết lại
diện mạo văn học Lý - Trần từ nội dung đến thể loại văn học. Đến năm
2004, thơ văn Lý - Trần được tuyển chọn và sưu tầm lại trong cuốn Tinh
tuyển văn học Việt Nam, tập 3 do PGS.TS Nguyễn Đăng Na chủ biên.
Nghiên cứu về thơ văn Lý - Trần đã có một quá trình lâu dài với
nhiều bài viết giá trị, đặc biệt từ những năm 40 của thế kỷ XX qua các công
trình như Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1941), Việt
Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi (1942), Văn học đời Lý và đời
Trần của Ngô Tất Tố (1942). Gần đây, văn học Lý - Trần đã được nhiều tác
giả như Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Kiều Thu Hoạch, Nguyễn
Hữu Sơn, Đoàn Thị Thu Vân, Trần Nho Thìn, Nguyễn Phạm Hùng,
Nguyễn Công Lý,… đề cập tới. Mỗi tác giả có những cách tiếp cận và đánh
giá của riêng mình. Với Văn học trung đại Việt Nam, dưới góc nhìn văn
hóa, Trần Nho Thìn chọn cách tiếp cận từ phương diện văn hóa để tìm hiểu
thơ trung đại. Bên cạnh đó là việc đặt những tác phẩm thơ ca trung đại vào
tọa độ không gian và thời gian để tìm con đường giải mã từng tác phẩm
như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na trong cuốn Con đường giải mã văn
học trung đại Việt Nam đã thực hiện. Hoặc tìm hiểu những tác phẩm thơ ca
nói chung và văn học trung đại Việt Nam nói riêng dưới góc độ thi pháp
học, từ quan niệm nghệ thuật về con người đến không gian, thời gian, ngôn
ngữ nghệ thuật,… như việc mà Trần Đình Sử đã làm trong cuốn Thi pháp

văn học trung đại. Đó còn là cái nhìn từ góc độ loại hình tác giả văn học
5


trung đại như một số bài nghiên cứu của Trần Ngọc Vương, Đỗ Thu Hiền,
Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Lai Thúy,… Mỗi tác giả, với những góc nhìn
khác nhau đã có những đóng góp nhất định cho việc phát hiện vẻ đẹp
tiềm ẩn của những tác phẩm thơ ca trung đại nói chung và thơ ca Lý Trần nói riêng.
Thơ Thiền thời Lý - Trần cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của
nhiều luận văn, luận án. Đáng chú ý là các luận án của Đoàn Thị Thu Vân
và Nguyễn Công Lý. Đoàn Thị Thu Vân với đề tài “Khảo sát một số đặc
trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỷ XI - thế kỷ XIV”, luận án
phó Tiến sĩ năm 1995, đi sâu khảo sát và tìm hiểu những đặc sắc của thơ
Thiền Việt Nam; Nguyễn Công Lý với đề tài “Văn học Phật giáo Lý Trần: diện mạo và đặc điểm”, luận án tiến sĩ năm 2000, đã trình bày về
diện mạo và đặc điểm cụ thể của văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Trong
đó, tác giả dành chương 4 (trong tổng số 4 chương) trình bày về năm đặc
điểm cơ bản nhất của văn học Phật giáo thời Lý - Trần.
Từ những năm cuối thế kỷ XX, trên các tạp chí khoa học chuyên
ngành như Tạp chí Văn học (sau đây xin viết tắt là: TCVH) , Tạp chí văn
hóa dân gian, Tạp chí nghiên cứu Phật học… có nhiều bài viết nghiên cứu
về thơ Thiền thời Lý - Trần. Ngay từ năm 1982, Nguyễn Phương Chi có bài
nghiên cứu xuất sắc về thơ ca và con người Huyền Quang (Huyền Quang,
nhà sư thi sĩ, TCVH, số 3, năm 1982). Tiếp theo, Nguyễn Phạm Hùng trên
TCVH số 4 công phu tìm hiểu về sự vận động của mảng thơ trữ tình đời
Trần với bài “Về diễn tiến của thơ trữ tình đời Trần”. Đến năm 1986,
Phạm Ngọc Lan với bài viết “Chất trữ tình trong thơ Thiền đời Lý” đi sâu
tìm hiểu chất trữ tình và vẻ đẹp nhân văn của thơ Thiền đời Lý. Năm 1992,
Nguyễn Phạm Hùng trong bài “Thơ Thiền và việc lĩnh hội thơ Thiền đời
Lý” đăng trên TCVH số 4 đã đi sâu tìm hiểu xu hướng vận động của thơ
6



Thiền đời Lý: là sự kết hợp của cảm quan tôn giáo và cảm quan thế tục chủ
yếu trên bình diện con người. Phạm Ngọc Lan có bài “Trần Nhân Tông,
cảm hứng Thiền trong thơ” đăng trên TCVH, số 4 năm 1992,…
Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, nhiều Hội thảo khoa học cấp
quốc gia và quốc tế đã được tổ chức nhằm trao đổi một số vấn đề học thuật
liên quan tới những nhân vật quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
như Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông.
Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông
Việt Nam” năm 2000 đã tập hợp những những bài nghiên cứu về vai trò
của Tuệ Trung Thượng sĩ với lịch sử phát triển của Thiền tông Việt Nam.
Hội thảo: “Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự
nghiệp” diễn ra vào tháng 11 năm 2008 tại Quảng Ninh được tổ chức trong
khuôn khổ Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân
Tông. Kỷ yếu Hội thảo khoa học gồm 90 tham luận của các nhà nghiên
cứu, học giả đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan,
Thái Lan và Việt Nam.
Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày
nhập Niết bàn và khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Phật
giáo Trúc Lâm Yên Tử và công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy những
giá trị của khu di tích Yên Tử hiện nay” tập hợp gần 50 bài viết của các học
giả trong nước cùng đông đảo Phật tử thuần thành.
Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong các sáng tác của Thiền phái Trúc
Lâm Yên Tử cũng được đề cập trong các luận án tiến sĩ triết học lấy đề tài
tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông (như đã nói ở trên) và qua một số
bài viết tản mạn của PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, Hòa thượng Thích Phước
Đạt,… Có thể tìm thấy những bài viết này trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học
về Trần Nhân Tông.
7



3. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu
Những sáng tác của Trúc Lâm Sơ tổ Trần Nhân Tông: khoảng 20 bài
thơ chữ Hán (Xuân vãn, Xuân cảnh, Sơn phòng mạn hứng, Đăng Bảo Đài
sơn, Thiên Trường vãn vọng, Vũ Lâm thu vãn, Xuân hiểu, Khuê oán,
Nguyệt,…); 2 bài phú Nôm (Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành
đạo ca); văn xuôi (Thượng sĩ hành trạng); bài giảng (1 bài trong Thánh
đăng lục)
Thơ văn của Đệ tam tổ Huyền Quang: 1 bài phú Nôm (Vịnh Hoa Yên
tự phú), khoảng 23 bài thơ chữ Hán (Tảo thu, Yên Tử sơn am cư, Chu
trung, Phiếm chu, Đề Đạm Thủy tự, Ai phù lỗ, Địa lô tức sự, Ngọ thụy, Sơn
vũ, Trú miên, Cúc hoa (6 bài), Nhân sự đề Cứu Lan tự, Mai hoa, Tặng sĩ
đồ đệ tử, Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề,…) được tập hợp trong tác phẩm
Ngọc tiên tập (Chiếc roi ngọc) của vị Thiền sư - thi sĩ xuất sắc này.
Các sáng tác của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung - người truyền
“tâm ấn” cho Trần Nhân Tông (Phàm thánh bất dị, Phật tâm ca, Phóng
cuồng ngâm, Vật bất năng dung, Trì giới kiêm nhẫn nhục, Giang hồ tự
thích, Dưỡng chân, Sinh tử nhàn di dĩ, Thị chúng, Ngẫu tác,…)
Ngoài ra, luận văn còn dành một thời lượng nhất định cho các tư
tưởng của Thiền sư Thường Chiếu (kệ thị tịch) và Trần Thái Tông (Khóa
hư lục, Thiền tông chỉ nam tự).
Đối tượng nghiên cứu tập trung vào tư tưởng “Cư trần lạc đạo”,
những biểu hiện cùng quá trình vận động từ cội nguồn đến khi phát triển tới
đỉnh cao gắn với các sáng tác kể trên.
4. Mục đích nghiên cứu
Luận văn nhằm giải quyết một vấn đề khoa học, từ đó rút ra những
bài học thực tiễn:

8



Trước hết, nhận diện được những biểu hiện cùng quá trình vận động
của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương Thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử: từ cội nguồn sinh thành đến khi phát triển tới đỉnh cao và đi vào thế tục
dẫn tới quá trình điển phạm hóa loại hình văn học nhà Nho.
Hơn nữa, lý giải và đánh giá cội nguồn hình thành, sự vận động,
những đóng góp của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” đối với lịch sử và văn hóa
dân tộc từ góc độ lịch sử, văn hóa, tư tưởng.
Từ đó, rút ra những bài học thực tiễn đối với công tác bảo tồn và phát
huy các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng chủ trương sống “tốt đời
đẹp đạo”.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: xuất phát từ đối tượng nghiên
cứu của luận văn là tư tưởng “Cư trần lạc đạo” và sự vận động của nó trong
văn chương của một Thiền phái nên phương pháp nghiên cứu chủ đạo được
sử dụng trong luận văn này là phương pháp liên ngành. Nghiên cứu liên
ngành là nghiên cứu liên khoa học, là sự kết hợp các môn học, các ngành
học khác nhau. Liên ngành là sử dụng lối tư duy tổng hợp để xem xét một
đối tượng mang tính nguyên hợp. Trong luận văn này, chúng tôi sẽ nghiên
cứu đối tượng trên các bình diện văn học, triết học, sử học.
- Phương pháp nghiên cứu loại hình: xuất phát từ phạm vi nghiên
cứu, trong luận văn này chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu loại
hình tác giả Thiền sư - thi sĩ và loại hình tác phẩm văn học Phật giáo (kinh
kệ, thơ Thiền, ngữ lục)
- Phương pháp so sánh: Đối chiếu giữa những tác phẩm, các tác giả
để nhận biết trục tâm tư tưởng và những sáng tạo của mỗi cá nhân, qua đó
thấy được sự vận động của tư tưởng “Cư trần lạc đạo” trong văn chương
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
9



- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Đây là phương pháp thường
được sử dụng để khai thác dẫn chứng. Đối tượng phân tích, tổng hợp ở đây
là những văn bản tác phẩm của các nhân vật thuộc Thiền phái Trúc Lâm
(có cả chữ Hán, phiên âm, dịch thơ và chữ Nôm), đòi hỏi người viết sự
phân tích logic, tránh áp đặt tùy tiện.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, phần Nội dung của luận văn gồm 3
chương:
Chương 1: Cơ sở hình thành và phát triển của tư tưởng “Cư trần lạc đạo”
Chương 2: Tư tưởng “Cư trần lạc đạo” – Từ Thường Chiếu, Trần
Thái Tông qua Tuệ Trung Thượng sĩ đến Trần Nhân Tông và Huyền
Quang
Chương 3: Những đóng góp của tư tưởng “Cư trần lạc đạo”

10


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1:
CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA TƯ TƯỞNG “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO”
“Cư trần lạc đạo” nghĩa là “Ở đời mà vui đạo”. “Cư trần lạc đạo” có
nghĩa là giác ngộ ngay giữa cuộc đời, giác ngộ không phải là xa lánh cuộc
đời hay quên đời. Quan điểm này đã trở thành một triết lý điển hình cho
Phật giáo Đại Việt, do Trần Nhân Tông đã tổng hợp, khái quát từ chính
cuộc đời của ông (Thái Tông), của cha (Thánh Tông), của sư phụ (Tuệ
Trung Thượng sĩ) và của chính mình như một đức vua - Phật hoàng đa
trách nhiệm với dòng tộc, với triều đình, với cả quốc gia dân tộc; vừa như

một vị vua có trách nhiệm với sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước, vừa
như một vị lãnh tụ dẫn dắt tinh thần và tâm linh của trăm dân, vừa như một
vị quốc sư tài ba tập hợp nên khối đoàn kết toàn dân tộc, vừa là một lãnh tụ
tôn giáo xây dựng tăng đoàn Phật giáo Đại Việt thống nhất. Ta thấy ý nghĩa
chân giáo của Thiền - cuộc sống qua cụm từ “Cư trần lạc đạo” đã diễn đạt
rất đắt tinh thần “tự tại”, “tự nhiên”, “vô trụ”, “vô chấp”, “Phật tại tâm” của
Thiền tông Việt Nam.
Tính khuynh hướng của một trường phái triết học, một giáo phái hay
cách ứng xử của một cá nhân, một nhóm xã hội bị quy định bởi rất nhiều
nhân tố. Nó thường là một tổng thể phức tạp, đan xen hữu cơ. Tách bạch
một vài nhân tố và coi đó là nguyên nhân của các khuynh hướng thực khó
có thể lột tả được đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên nó vẫn là việc không thể
không làm. Theo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, tinh
thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cần được nhìn nhận từ hai
phương diện, một là những căn cội triết học và hai là cơ sở thực tiễn,
11


những lý do thực tiễn. [46; tr. 41]. Người viết căn cứ vào đó mà đi tìm cơ
sở hình thành và phát triển của tư tưởng “Cư trần lạc đạo”.
1.1. Sự dung thông Tam giáo – Cơ sở triết học của tư tưởng “Cư trần
lạc đạo”
Thái Tông, vị vua đầu tiên của vương triều Trần, từng phát biểu tôn
chỉ cuộc đời mình trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam: “Phương tiện
dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo
của Đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai,
ấy là trách nhiệm của bậc tiên thánh. Cho nên Lục tổ có nói: “Bậc đại
thánh và đại sư đời trước người khác gì nhau”. Như thế đủ biết đại giáo
của Đức Phật, ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời.” [70; tr. 88]
Có thể nhìn một cách tổng quan về căn cội triết học của tinh thần

nhập thế, nói theo cách của Trần Nhân Tông, là “cư trần lạc đạo”, đó là một
hệ thống với Phật tính luận, phương pháp tu luyện, con đường giác ngộ của
Thiền tông, đặc biệt là Thiền Huệ Năng làm trục tâm. Trên cơ sở đó, nó kết
hợp với tư tưởng Hòa quang đồng trần trong triết học Lão tử, tư tưởng Vô
sở đãi và Tùy tục trong tư tưởng Trang tử, và đương nhiên không thể thiếu
tư tưởng Lạc đạo của Nho gia. Xét về cơ cấu, nó là sự hội nhập triết học và
phương pháp tu dưỡng, cảnh giới tinh thần của cả Tam giáo, lấy Thiền làm
cơ sở để tiến hành hội nhập.
1.1.1. Phật tính luận – trục tâm của tư tưởng
Nhìn lại tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ và Trần Nhân Tông, ta
thấy những biểu thị rất sinh động của tinh thần hướng nội vào bản tâm để
truy cầu sự giải thoát. Đó là sự thể ngộ trong thực tế tu hành phương pháp
chứng ngộ “bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”
(không lập văn tự, hướng thẳng đến nhân tâm, thấy được tính thành Phật)
do Bồ Đề Đạt Ma, Tổ sư của Thiền tông đúc kết. “Báu vật trong nhà” mà
12


Trần Nhân Tông kiên trì tìm kiếm và đã thấy, đã an lạc trong đó không gì
khác chính là Phật tính. Phật tính có trong tâm của tất cả mọi người. Phật
tính trong Phật giáo Ấn Độ là một bản thể trừu tượng, siêu việt. Trong quá
trình tiếp biến với văn hóa và mô thức tư duy của Trung Quốc, bản thể Phật
tính dung hợp với nhân tính, tâm tính và định hướng tu dưỡng “cầu chư kỷ
vô cầu chư ngoại” [37; tr. 12] (truy cầu ở nơi bản thân mình, không truy
cầu ở nơi ngoài mình) theo quan niệm của Nho gia. Nó vẫn là bản thể Phật
tính, nhưng trong cách cảm nhận và tư duy của người Trung Quốc, Phật
tính chuyển dần từ bản thể trừu tượng, siêu việt sang vừa là bản thể siêu
việt lại vừa là thực thể tinh thần nội tại. Nó được diễn đạt và cảm nhận theo
cách của Nho gia. Nó hình thành nên con đường hướng nội kiến tính, trực
chỉ nhân tâm.

Trong Pháp bảo đàn kinh, Huệ Năng đưa ra mệnh đề rất quan trọng
“tức tâm tức Phật” (Tâm đấy chính là Phật đấy). Ông chỉ rõ nhất thiết
chúng sinh và chư Phật đều quy kết ở một điểm chung, đó là “Tự tâm”:
"Tự tâm chính là Phật, sao lại còn hồ nghi, ngoài tâm ra thì không
có vật nào kiến lập cả, bản tâm sinh vạn pháp. Cho nên mới nói: Tâm sinh
vạn pháp sinh, Tâm diệt vạn pháp diệt.
Nay ta dạy các ngươi, biết tự tâm chúng sinh, thấy tự tâm Phật tính.
Các ngươi nay nên tin rằng, thấy biết Phật, chỉ là tự tâm, ngoài ra
không có Phật nào khác… Ta cũng khuyên tất thảy mọi người, tự trong tâm
mình thường khai mở tri kiến Phật. Cho nên, biết về vạn pháp, tất thảy đều
ở tự tâm" [41; tr. 46].
“Tâm” mà Huệ Năng nói tới là “Tâm” của con người sống động và
cụ thể. Phật tính tồn tại tự trong “Tâm”, “tức tâm tức Phật”. Ngoài “Tâm”
ra không có Phật nào hết. Ông lại nói:

13


"Bồ đề chính chỉ hướng giác ngộ ở nơi tâm, sao lại nhọc nhằn đi cầu
điều huyền hư ở bên ngoài? Dựa theo điều này mà tu hành, Tây phương ở
ngay trước mắt. Cho nên cần biết, vạn pháp tất thảy đều ở trong tự thân ta,
sao chẳng quay về tự tâm đốn hiện chân như bản tính? Phật chính là tự
tính, chớ hướng ra ngoài thân mà truy cầu. Tự quay về quy y Phật nơi
mình, không nói quy y Phật nào khác. Tự tính không quy, sẽ không có chỗ
nào mà dựa hết" [41; tr. 62].
Huệ Năng đã chuyển từ sùng bái Phật ngoại tại sang sùng bái chính
bản tâm của mình. Phật tính cũng là Nhân tính, Nhân tính cũng là Phật
tính, do đó kiến tính, tri tính, minh tâm kiến tính (thấy tính, biết tính, làm
sáng lòng để thấy tính) chính là con đường giải thoát, con đường giác ngộ
thành Phật. Điều này có thể giải thích được nguồn cội sâu xa của tinh thần

tự tín, tự lập, tự cường mạnh mẽ ở Tuệ Trung Thượng sĩ cũng như ở Trần
Nhân Tông.
Từ quan niệm về Phật tính như trên, Thiền Huệ Năng đã mở ra một
đường hướng tu hành, đường hướng giác ngộ cho số đông. Những người có
thể biết chữ, có thể không biết chữ, có thể xuất gia, có thể không xuất gia,
ai có thể quay về với bản tâm tự tại thanh tĩnh của mình, có thể diệt vọng
niệm, loại thi phi… là có thể kiến tính thành Phật. Cái tâm đã không còn
thị phi, danh lợi, cái tâm tịch mịch đó chính là cơ sở để an lạc giữa cõi trần.
Mọi công việc đời thường và công việc tu hành không phân biệt. “Bổ củi,
gánh nước đều là diệu đạo” [41; tr 53]. Và cũng do nhân tính và Phật tính
hợp làm một, nên Phật tính cũng không tách rời nhận thức cảm tính bình
thường. Quan niệm về Phật tính và phương pháp tu hành minh tâm kiến
tính là hai vấn đề không thể tách rời. Phật tính luận là tiều đề triết học, cơ
sở triết học, còn minh tâm kiến tính là phương pháp tu dưỡng.

14


Rõ ràng chính Phật tính luận và phương pháp tu Thiền theo cách minh
tâm kiến tính, đốn ngộ thành Phật là cơ sở triết học quan trọng nhất của tư
tưởng “Cư trần lạc đạo”, tinh thần nhập thế của Thiền học Trúc Lâm.
1.1.2. “Vô sở đãi” và “tùy tục” – một cách “nói hộ” tư tưởng Thiền
Như trên đã trình bày, thái độ nhập thế, “cư trần lạc đạo” cần được
nhìn nhận như một thể phức hợp tư tưởng, có yếu tố trục tâm và các
phương quy chiếu khác. Triết học nhân sinh của Đạo gia có mặt một cách
khá đậm nét và là một cách “nói hộ” cho nhiều tư tưởng Thiền.
Trong Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông viết về người thầy của
mình: “Hỗn tục hòa quang, dữ vật vị thường xúc ngỗ, cố năng thiệu long
pháp chủng…” (Thượng sĩ hòa ánh sáng cùng đời, chưa từng trái vật, cho
nên đã hoằng dương Phật pháp). Tuệ Trung Thượng sĩ từng đắc pháp với

Thiền sư Tiêu Dao (một pháp danh khiến người ta nghĩ tới Trang tử hơn là
mạch truyền thừa của Thiền Tông), lại “nhật dĩ Thiền duyệt vi lạc” (ngày
ngày lấy đạo Thiền làm vui). Có thể diễn đạt lại những thông tin mà Trần
Nhân Tông nói ở trên về sự nghiệp tu hành của Thượng sĩ là: hòa quang
đồng trần, tiêu dao tề vật, không phân biệt “ta” và “vật”, ngày ngày tràn
ngập lạc thú trong việc tu Thiền, và cũng chính bằng cách đó ông phù trì
mở mang được Phật pháp. Một vài tinh thần quan trọng của Đạo gia được
vận dụng, vừa là sự bổ sung tư tưởng, vừa là một cách nói cho Thiền.
“Hòa kỳ quang, đồng kỳ trần” [35; tr. 15] là một đặc sắc tư tưởng
của Lão tử. Lão tử nêu quan điểm “hòa quang đồng trần” để giải thích về lẽ
Huyền đồng Vương Bật chú là: “Không có chỗ nào đặc biệt vinh hiển, thì
vật không có chỗ nào tranh nhau; Không có chỗ nào đặc biệt ty tiện, thì
vật không có chỗ nào thẹn”. Ngô Trừng chú là: “Hòa, cũng là Bình vậy,
biểu thị ý nén mà giấu đi; Đồng, là để nói bình đẳng mà không có chỗ nào
khác. Gương vì bụi mà không sáng, phàm đã sáng thì tất có mờ tối, cho
15


nên trước hãy tự giấu ánh sáng đi để hoà cùng với bụi kia, không muốn thể
hiện cái sáng của mình, như vậy thì trước sau không bao giờ bị mờ tối”.
Người đời sau dùng “hòa quang đồng trần” để chỉ triết lý sống nổi chìm
cùng thế tục, tùy tục tùy thời hành xử, không để lộ ra một sự khác biệt hay
đặc biệt nào.
Như trên đã trình bày, trong sự tu tâm để giác ngộ kiến tính, “Dồi
cho vặc vặc tính gương; Nào có nhuốm căn trần huyên náo”, “Tâm” đã
sáng như gương, “căn trần huyên náo” không thể vướng bận. Giữ “Tâm”
sáng thì không gì làm mờ được. Vậy mới có thể giữa cõi trần mà vui đạo.
Nhưng muốn giữ cho gương luôn sáng thì giấu cái sáng đi để hòa cùng bụi
kia cũng là thêm một cách. Nó là “Phật - Đạo hỗ bổ” (Phật Đạo bổ sung
cho nhau). Tinh thần “hòa quang đồng trần” vừa giải thích rõ thêm phương

pháp “minh tâm”, nhưng cũng là gợi ý về con đường nhập thế, cách sống
nổi chìm cùng thế gian. Cư trần lạc đạo phú có những đoạn đầy ắp tinh
thần Đạo gia:
Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau.
(Hội thứ mười)
Đây chính là nhắc tới tinh thần tâm trai để đạt tới “tề vật, vô sở đãi”
của Trang tử. Các thiên Tiêu dao du và Tề vật luận trong sách Trang tử tập
trung thảo luận về vấn đề căn cội khiến con người không mất tự do. Con
người sở dĩ bị trói buộc tinh thần chính do thái độ phân biệt tốt xấu, thiện
ác, bỉ thử, nhân ngã, giàu nghèo, tâm vật…tức là: Đãi. Muốn đạt tới tự do tiêu
dao tuyệt đối, người ta cần loại bỏ chấp đãi, đạt tới Vô sở đãi. Nhân cách lý
tưởng của Trang tử là : “Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô
danh”, cả ba cái vô đó thực chất là vô sở đãi, là bất nhị, không phân biệt.

16


Trang tử hướng tới cái tự do tiêu dao tuyệt đối, sống hòa làm một với đạo,
sống thuận tự nhiên, sống tùy tục, không cố gắng làm trái lẽ tự nhiên.
Trần Nhân Tông nói “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên; Cơ tắc xan hề
khốn tắc miên”. Về chữ nghĩa, “tùy duyên” là chữ nhà Phật, nhưng sống
tùy duyên, đói ăn, mệt ngủ mà tìm lạc thú trong chính cái tùy duyên đó là
tinh thần tiêu dao của Lão - Trang. Đó chính là đem tư tưởng “tùy tục”,
“an thời xử thuận” của Trang tử để diễn tả triết lý “nhậm vận tùy duyên”.
Chính tư tưởng “hòa quang đồng trần”, “vô đãi”, “bất nhị”, tiêu dao
“tùy tục”, an nhiên tự đắc của tư tưởng Lão - Trang đã góp phần tạo nên
căn cơ triết học cho tư tưởng “phàm thánh bất dị”, “nhậm vận tùy duyên”,
“cư trần lạc đạo” của cả dòng Thiền đời Trần nói chung và Thiền học của
Trần Nhân Tông nói riêng.

1.1.3. Tư tưởng “lạc đạo” của Nho gia với phương pháp tu dưỡng của
Thiền tông.
Sự dung hợp tư tưởng Nho - Phật đã diễn ra mạnh mẽ trong giai
đoạn hình thành Thiền tông Trung Hoa. Phật tính luận theo kiến giải của
Huệ Năng là sự dung hợp quan niệm bản thể Phật tính với Nhân tính, Tâm
tính luận của Nho gia. Không phải chỉ dung hợp về nội hàm của các khái
niệm, phạm trù, sự dung hợp đó còn thể hiện ở cả tính khuynh hướng và
phương pháp tu dưỡng.
Nho gia là học thuyết nhập thế. Tâm tính học của Nho gia chủ trương
tu tâm dưỡng tính ngay trong các quan hệ nhân tình thế tục cha con, anh
em chồng vợ. Phương pháp tu dưỡng của Nho gia là hướng vào nội tâm, tự
phản tỉnh, tự điều tiết. Nhà nho rất ráo riết trong phương diện truy cầu nội
tâm và tự ngã tu dưỡng. Khổng tử nói: “Vi nhân do kỷ diệc vi nhân hồ tai”
(làm người là do mình, nào phải do người) [37; tr. 15]; “Cầu chư kỷ vô cầu
chư ngoại” (cầu nơi mình, không cầu bên ngoài) [37; tr. 12],…
17


Quan niệm về Nhân tính là cơ sở triết học của thuyết tu dưỡng. Tu
dưỡng theo Nho gia, là nhằm đạt tới sự hoàn thiện của nhân cách, trong tu
dưỡng có lạc thú của sự rèn luyện. Nho gia không hướng tới thế giới siêu
việt, không có cõi giải thoát chung cục, nhưng lại cũng có một thế giới tinh
thần “tự lạc” phong phú đủ làm thỏa mãn tinh thần con người. Lạc thú của
Nho gia là lạc thú trong chính sự tu dưỡng, trong việc xử lý các quan hệ.
Lạc thú của Nho gia là lạc thú trong cõi hiện thế, cõi đời thực. Họ cảm thấy
vui thú khi học được điều gì áp dụng vào thực tiễn tu thân của mình “học
nhi thời tập chi, bất diệc lạc hồ” (học mà có thể thực hành, chẳng phải vui
sao), hay cảm giác “tự lạc” xuất hiện khi phản tỉnh nội tâm thấy không có
điều gì lầm lỗi “nội tỉnh bất cứu tắc hà ưu hà hoạn” (xoi xét mình thấy
không lầm lỗi thì chẳng phải âu lo, phiền muộn)… Sự siêu việt của Nho gia

chính là một loại siêu việt đặc biệt - siêu việt nội tại, siêu việt trong chính
tâm tính.
Không thể phủ nhận được, trong Phật tính luận và phép minh tâm
kiến tính, truy tìm nơi mình, không tìm bên ngoài của Thiền phương Nam
có sự hiện hữu của Nho gia. Nho gia đã góp phần đáng kể vào việc hình
thành quan niệm sự giác ngộ không tách rời con người.
Trần Nhân Tông còn tiến thêm một bước so với các vị tiền bối của
Thiền tông, ông cho rằng nhân nghĩa đạo đức cũng chính là Phật, so với giữ
giới hạnh, bỏ tham sân si cũng không có gì khác:
Tích nhân nghì, tu đạo đức,
Ai hay này chẳng Thích Ca.
Cầm giới hạnh, đoạn xan tham,
Chỉn thực ấy là Di Lặc.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ tư)

18


Cái đích của tu hành là giải thoát, thành Phật, nhưng thành Phật
bằng cả con đường “tích nhân nghĩa, tu đạo đức” thì rất độc đáo, độc đáo
theo con mắt dung hợp Nho - Phật của Trần Nhân Tông. Ông đặt các
phạm trù, các hình mẫu của Nho gia thành các cặp song hành đối đẳng,
hỗ bổ với Phật:
Sạch giới lòng, dồi giới tướng,
Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm.
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,
Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ sáu)
Tinh thần khoan dung của Thiền tông chính là không phủ nhận các
phạm trù đạo đức của con người thế tục, đặt các phạm trù trung hiếu vào

ngay chính con đường tu dưỡng để minh tâm kiến tính, ngộ đạo giải thoát.
Nó dễ được cộng đồng cư sĩ tu tại gia chấp thuận và cả Phật tử bình dân
không xuất gia khác cũng thấy gần gũi, dễ tu.
Cư trần lạc đạo phú, dù là tác phẩm văn học Phật giáo nhưng nó
cũng có dáng dấp một bài thánh huấn của Nho gia, dạy dỗ đệ tử, giáo
hóa chúng dân. Trần Nhân Tông khuyên đệ tử, đồng thời cũng là tự
khuyên mình:
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo.
Mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ bẩy)
Như vậy, người thực hiện đạo quân thần phụ tử, thờ chúa thờ cha
ngay thảo, là một thực tiễn đạo đức, thực tiễn tu dưỡng. Nó là việc của đời
sống thế tục, nhưng tận đạo ấy, tâm tính cũng an nhiên tự lạc. Cái “tự lạc”
đó đồng nhất với việc “kiến tính thành Phật”. Nó là sự triển khai của tinh
19


thần nhập thế, là hiện thực hóa của “cư trần lạc đạo”. Nói cách khác nó lại
cũng chính là tùy duyên tự lạc. Với nhân nghĩa đạo đức ấy, lại thêm chay
lòng lắng dục, “thể tính an nhàn”, “muôn nghiệp đều lặng”, con người ấy
có thể tùy tục:
Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể;
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu thoa.
(Cư trần lạc đạo phú, hội thứ năm)
Thực chẳng khác gì nhà Nho ẩn dật, “an bần lạc đạo” với giỏ cơm,
bầu nước, gối lên khuỷu tay mà nhìn phú quý tựa chiêm bao, tận hưởng
thân tâm nhàn dật.
Những vấn đề của Nho gia được nói tới trong các trước tác của Trần
Nhân Tông hoặc là những vấn đề của thực tiễn đạo đức rất gần gũi, thường
nhật mà không phải là những vấn đề lý luận cao siêu. Nó thành lời khuyên

nhủ ân cần giản dị, và đương nhiên gắn kết rất chặt chẽ với thực tiễn tu
Thiền.
Có một vài chỗ Trần Nhân Tông đã dùng ngôn từ và cách nói của
Nho gia để chuyển tải nội dung tư tưởng của Thiền, chẳng hạn trong bài
Tán Tuệ Trung Thượng sĩ: Vọng chi dĩ cao / Toản chi dĩ kiên / Hốt yên tại
hậu / Chiêm chi tại tiền / Phù thị chi vị / Thượng sĩ chi Thiền (Càng ngẩng
nhìn càng thấy cao / Càng đục thấy càng cứng / Thoắt ở đằng trước / Bỗng
lại phía sau / Cái đó gọi là / Bậc Thượng sĩ Thiền)
Nguyên văn của những câu chữ này trong sách Luận ngữ. Nó vốn là
lời của Nhan Hồi ca ngợi Khổng tử và đạo của ông. Nó đã được Trần Nhân
Tông vận dụng để ca ngợi thầy của mình (Tuệ Trung Thượng sĩ). Điều đó
cũng thuyết minh thêm về sự gần gũi và sự vận dụng tư tưởng Nho gia để
hỗ trợ cho tư tưởng Thiền.
20


1.2. Tinh thần thời đại – Cơ sở thực tiễn của tư tưởng “Cư trần lạc
đạo”
1.2.1. Thời đại anh hùng với “hào khí Đông A” bất diệt
Thời Trần (1225 - 1400) được xem là một thời đại huy hoàng trong
lịch sử dân tộc. Sử gia đời sau đánh giá: “Triều Lý nhân ái, triều Trần anh
hùng”. Trong gần hai trăm năm trị vì với 12 đời vua, triều Trần đã tạo nên
những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ
đất nước cũng như trong xây dựng và phát triển quốc gia phong kiến độc
lập, tự chủ. Lịch sử và văn chương mãi mãi ghi nhận vương triều Trần như
một triều đại hào hùng bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Năm 938, Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng,
chấm dứt thảm cảnh nghìn năm nô lệ giặc Tàu. Các triều Ngô, Đinh, Tiền
Lê tuy ngắn ngủi nhưng đã đặt được những nền móng đầu tiên cho việc xây
dựng nhà nước phong kiến Đại Việt độc lập so với Trung Hoa. Đặc biệt,

trải qua hơn 200 năm xây dựng và phát triển dưới triều Lý (1009 - 1225),
đến triều Trần, nước Đại Việt đã trở thành một quốc gia cường thịnh. Một
mặt, phát huy những truyền thống vốn có từ nghìn năm dựng nước và giữ
nước, mặt khác kiến tạo thêm những giá trị mới mang hơi thở thời đại, triều
Trần đã đưa dân tộc bước vào giai đoạn trùng hưng với khí thế hồ hởi chưa
từng có. Tiềm năng của dân tộc được hồi sinh mạnh mẽ, nội lực dân tộc
được phát huy hết chiều kích tạo nên những thành tựu nổi bật về nhiều
phương diện.
Thời Trần, với sự lãnh đạo của những vị vua “anh minh thần võ” như
Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; với tài năng của các
tướng lĩnh như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật... và
đặc biệt là với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, muôn người như một hừng
hực chung một “hào khí Đông A”, dân tộc ta đã tạo nên những kỳ tích
21


trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Cả ba lần xua quân sang xâm lược, cả ba
lần quân Nguyên Mông - đạo quân xâm lược khét tiếng hung hãn từng tung
hoành từ Á sang Âu thời đó - phải chịu thất bại một cách nhục nhã. Chiến
thắng ấy vĩ đại đến mức nhà Nguyên phải tỏ ra kiêng dè, khiếp sợ. Sứ thần
nhà Nguyên là Trần Phu, sau khi sang sứ nước ta trở về đã phải thừa nhận
trong bài Giao châu sứ hoàn cảm sự (Đi sứ Giao châu về, cảm tác):
Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.
(Đã may mà được trở về, tấm thân khỏe mạnh còn đây,
Sau giấc ngủ, tỉnh dậy còn thấy thần hồn kinh sợ)
Giai cấp phong kiến thời Trần là một lực lượng tiến bộ, trở thành đại
biểu của nhân dân. Với chủ trương “thân dân”, “trọng dân”, nhà Trần quy
tụ được sức mạnh toàn dân tộc trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng
như trong xây dựng và phát triển đất nước. Lúc này, khoảng cách giữa triều

đình phong kiến và quần chúng gần gũi, hòa nhã đến mức các vua Trần
đích thân xuống ruộng cày những luống cày tịch điền để khuyến khích
nông nghiệp, vua quan cùng nhân dân cầm tay nhau nhảy múa trong những
hội hè, đình đám cổ truyền. Chính không khí cởi mở, đầm ấm ấy đã tạo nên
một đời sống thanh bình, an vui “Muôn dân ca hát vui thời thịnh trị” (Triệu
tính âu ca lạc thịnh thì - Trần Nguyên Đán). Giáo sư Đặng Thai Mai nhận
xét: “Từ cung điện nhà vua qua dinh thự các quan đến làng mạc người dân
chưa có những đường hào ngăn cách một cách quá nghiêm khắc như sau
này. Chưa có một bệ rồng xa thẳm và lộng lẫy, chưa có những thành quách
cao dày, những hào lũy sâu thẳm, chưa có những kiến trúc nguy nga,
những luật lệ gang sắt... con người biết sống một đời sống tích cực, vui vẻ”
[71; tr. 36].
22


Với những mặt tích cực ấy, triều Trần đã lãnh đạo đất nước phát
triển một cách toàn diện, đưa nước Đại Việt trở thành một quốc gia phồn
thịnh. Về quân sự, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông để “non sông nghìn
thuở vững âu vàng”. Về chính trị, tạo ra vị thế bình đẳng với Trung Hoa,
khiến các nước lân bang phải vị nể. Về văn hóa, tạo dựng được một nền
văn hóa phong phú, giàu bản sắc với tầm vóc khiến cả người Trung Hoa
cũng phải ngợi ca. Nguyên sứ Trương Hiển Khanh một lần sang sứ Đại
Việt đã phải trầm trồ thán phục:
An Nam tuy tiểu văn chương tại
Vị khả khinh đàm tỉnh để oa.
(Nước An Nam tuy nhỏ nhưng có văn chương
Không thể nói một cách nông cạn họ là ếch ngồi đáy giếng)
Văn học thời Trần cũng có những bước phát triển mới so với văn học
thời Lý, đưa thơ từ chỗ trừu tượng, cao siêu đến chỗ gần gũi, bình dị và
giàu ý vị trữ tình.

Từ thực tế trên, có thể nói thời Trần là một thời đại anh hùng. Chỉ
có thời ấy mới tạo ra được con người ấy - những con người mang trong
mình vẻ đẹp nhân văn sâu sắc. Lê Quý Đôn, học giả uyên bác thế kỷ
XVIII, đã nhận xét về con người thời Trần trong phần Tài phẩm, sách
Kiến văn tiểu lục như sau:“Đấy là những người trong trẻo, cứng rắn, cao
thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử thời Tây Hán, thật không
phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ
phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật
trong thời ấy có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng vượt ra
ngoài thói thường, làm rạng rỡ sử sách, trên không hổ với trời, dưới
không thẹn với đất”.[16; tr.17]
23


Nhận xét trên của Lê Quý Đôn đã thâu tóm được một cách sâu sắc
bản lĩnh và khí tiết của con người thời Trần. “Hào khí Đông A” cùng với
khí thế hồ hởi của thời đại đã góp phần tạo nên hình ảnh những con người
mang vẻ đẹp đặc biệt. Đó là những con người đã sống một cuộc đời oanh
liệt và hoành tráng. Các bô lão muôn người như một hô vang “quyết đánh”
rung chuyển cả điện Diên Hồng. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi
không được dự hội nghị tướng lĩnh ở Bình Than, phẫn uất đến mức bóp nát
quả cam lúc nào không biết. Trần Bình Trọng khi rơi vào tay kẻ thù vẫn
giữ tròn khí tiết của bậc làm tướng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không
thèm làm vương đất Bắc”. Đó còn là những con người có hành động rất lạ,
chỉ xuất hiện trong thời này mà hầu như không thấy xuất hiện trong bất cứ
một thời đại nào khác. Trần Thái Tông sẵn sàng bao dung, tha tội cho
Hoàng Cự Đà khi ông này ức vì không được ăn xoài mà không cứu giá, bởi
lẽ vua hiểu sâu sắc tâm lý con người và biết cái lỗi trước hết là do mình.
Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông dám dùng Hưng Đạo vương Trần Quốc
Tuấn vào chức Quốc công Tiết chế thống lĩnh toàn quân đội mặc dù biết

ông là con dòng trưởng và cha ông - An Sinh vương Trần Liễu từng có
hiềm khích rất lớn với Thái Tông. Trần Thái Tông xem ngôi vua nhẹ như
chẳng có, có thể lìa bỏ dễ dàng như “trút bỏ một chiếc giày rách” [50; tr
23]. Trần Minh Tông là vua mà thức suốt đêm trường, dằn vặt, trăn trở vì
một lỗi lầm mắc phải 30 năm về trước. Trần Quốc Tuấn khi nắm quyền uy
tột đỉnh vẫn một mực trung thành, cúc cung tận tụy, không vì thù riêng của
gia đình mà truất phế ngôi vua theo lời trăn trối của cha. Trần Quang Khải
và Trần Quốc Tuấn khi vận nước lâm nguy đã sẵn sàng gác sang một bên
hiềm khích riêng để cùng lo việc nước... Còn biết bao con người như thế
nữa trong vạn con người thời Trần đã mạnh mẽ, tự tin góp sức mình tạo
nên tinh thần thời đại. Hình ảnh những con người ấy đã in đậm dấu ấn
trong văn học làm cho văn học thời Trần lấp lánh tinh thần nhân văn, độc
đáo và hấp dẫn.
24


1.2.2. Thời đại Phật giáo thịnh trị, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời
sống tinh thần xã hội
Nhà Trần, một trong những vương triều được đánh giá là phát triển
rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam còn được biết đến là một
giai đoạn mà đạo Phật thật sự hoà nhập vào lòng dân tộc, từ hình thức đến
nội dung.
Phật giáo từ Ấn Độ truyền sang các nước Đông Á theo hai đường:
phía bắc sang Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên; phía
đông sang Miến Điện, Thái Lan và miền nam Đông Dương. Phật giáo Đại
thừa được truyền sang nước ta khoảng đầu công nguyên và phát triển mạnh
trong các thế kỷ VII, VIII, IX. Bấy giờ đã có những cao tăng người Việt
xuất thân từ tầng lớp hào trưởng. Từ khi nhà nước giành độc lập, Phật giáo
tiếp tục phát triển và được coi là Quốc giáo.
Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, định phẩm hàm cho nhà sư và cấp tự điền

cho nhà chùa. Thời Tiền Lê, sư tăng ngày càng có vai trò quan trọng trong
triều đình, được đặc biệt ưu đãi, thường giữ việc đi sứ hoặc tiếp sứ. Thời
Lý, Phật giáo trải qua giai đoạn hưng thịnh nhất. Bước sang thời Trần, chi
phối xã hội mạnh mẽ nhất lúc này là Phật giáo. Bấy giờ, chùa chiền được
dựng lên ở khắp nơi, từ kinh đô Thăng Long cho đến mọi miền của đất
nước; số người xuất gia tu hành rất đông, nói như nhà Nho Lê Quát đời
Trần:“phân nửa thiên hạ đi tu”. Trong số đó có cả những người trong
hoàng tộc, thậm chí là cả hoàng đế. Họ thường thỉnh các bậc cao tăng về tư
dinh để được nghe giảng đạo. Ba vị vua đầu tiên của vương triều là Thái
Tông, Thánh Tông, Nhân Tông không chỉ là các vị vua Phật tử mà còn là
những người có kiến thức Phật học ở trình độ cao, và hơn hết đều là những
Thiền giả đã chứng ngộ. Các vua Anh Tông, Minh Tông kế tiếp đều là Phật

25


×