Tải bản đầy đủ (.docx) (22 trang)

Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành một số vấn đề lí luận và thực tiễn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (199.18 KB, 22 trang )

A. LỜI MỞ ĐẦU
Ngày nay, trong các quan hệ xã hội, việc giao kết hợp đồng dân sự (HĐDS)
diễn ra rất phổ biến. Việc giao kết hợp đồng phù hợp với các quy định của pháp
luật sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các bên với nhau được pháp luật
bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi để các bên thực hiện HĐDS, hạn chế vi phạm và là
cơ sở để giải quyết một cách nhanh chóng và chính xác khi có tranh chấp xảy ra.
Hiện nay, việc giao kết HĐDS được điều chỉnh chung bởi các quy định của
BLDS của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005 (BLDS 2005). Các quy
định trong bộ luật đã phát huy tác dụng tích cực trong thực tế, giúp các bên xác lập
các quyền, nghĩa vụ dân sự với nhau một cách tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, một
số quy định về giao kết hợp đồng vẫn còn những bất cập, gây khó khăn trong quá
trình thực hiện giao kết hợp đồng và khi giải quyết tranh chấp phát sinh. Để phân
tích, làm rõ những quy định của BLDS 2005 về giao kết HĐDS, trên cơ sở đó, tìm
ra những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành và định hướng một số giải pháp,
dưới đây em xin nghiên cứu về đề tài: “Giao kết hợp đồng dân sự theo quy định
của pháp luật hiện hành- Một số vấn đề lí luận và thực tiễn”.
B. NỘI DUNG
I.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CƠ BẢN VỀ GIAO KẾT HĐDS.
I.1. Khái quát chung về HĐDS.
Các vấn đề cơ bản về HĐDS được điều chỉnh bởi các quy phạm trong

BLDS 2005. Điều 388 BLDS 2005 đưa ra khái niệm về HĐDS như sau: “Hợp
đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập thay đổi hoặc chấm dứt
quyền và nghĩa vụ dân sự”. Khái niệm này nhìn chung giống như khái niệm được
quy định tại Điều 394 BLDS 1995. HĐDS là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm
đạt được mục đích nhất định nên hành vi này mang tính ý chí của chủ thể tham gia
hợp đồng với những mục đích nhất định. HĐDS là hình thức pháp lý quan trọng và
phổ biến nhất thể hiện bản chất của giao dịch dân sự liên quan đến tài sản; bản chất
1




của HĐDS là sự thỏa thuận về ý chí của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt
quyền và nghĩa vụ dân sự. HĐDS có hai đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất: HĐDS là sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các chủ thể dân sự,
sự thỏa thuận này phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định (lời nói, văn
bản, hành vi, …) và đây cũng là đặc điểm để phân biệt HĐDS với hành vi pháp lý
đơn phương.
Thứ hai: Mục đích của hợp đồng là nhằm làm phát sinh, thay đổi chấm dứt
quyền và nghĩa vụ dân sự theo quy định của pháp luật. Điều này thể hiện HĐDS là
hành vi có ý thức và mục đích của chủ thể; mục đích của HĐDS phải không được
trái với quy định của pháp luật cũng như đạo đức xã hội – Đây là một trong những
điều kiện để HĐDS có hiệu lực.
I.2.

Khái niệm giao kết HĐDS và bản chất của giao kết HĐDS.

Có nhiều quan niệm về thuật ngữ “ giao kết HĐDS”. Theo nghĩa hẹp, giao
kết hợp đồng dân sự được hiểu nghĩa là một thời điểm mà tại đó, sự thống nhất ý
chí giữa các bên làm hình thành HĐDS. Đây là quan điểm nhìn nhận về kết quả
cuối cùng mà không quan tâm đến quá trình hình thành hợp đồng. Theo nghĩa
rộng, giao kết hợp đồng dân sự là một quá trình hình thành quan hệ HĐDS với hai
yếu tố chủ yếu là đề nghị giao kết hợp đồng (bày tỏ ý chí từ một bên) và chấp nhận
đề nghị giao kết hợp đồng (sự ưng thuận của bên kia). Quan điểm khác lại cho
rằng: “giao kết HĐDS là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc,
trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền và nghĩa vụ dân sự” (7,
trang 107) thông qua những hình thức nhất định. Có nhiều quan điểm khác nhau về
“giao kết HĐDS”, trong các văn bản pháp luật của nước ta hiện nay (kể cả BLDS
2005) cũng chưa có định nghĩa cụ thể về giao kết HĐDS. Nhưng tổng hợp các quan
điểm trên, có thể khái quát: “Giao kết HĐDS là quá trình bày tỏ thống nhất ý chí

giữa các bên theo hình thức, nội dung, nguyên tắc, trình tự nhất định được pháp
luật quy định thừa nhận nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự với nhau” (8,
trang 9)

2


Kết quả cuối cùng của quá trình giao kết HĐDS nói chung đều là thể hiện
sự thỏa thuận, thống nhất ý chí để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và
nghĩa vụ dân sự giữa các bên trong quan hệ hợp đồng. Như vậy, bản chất của giao
kết HĐDS là quá trình bày tỏ ý chí của các bên chủ thể tham gia hoạt động nhằm
thỏa thuận, thống nhất hình thức và nội dung của hợp đồng.
1.3 Các nguyên tắc giao kết HĐDS.
Tiếp nối hững quy định của các văn bản pháp luật trước về nguyên tắc giao
kết HĐDS như: Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989, Pháp lệnh HĐDS 1991, BLDS
1995…, trong BLDS 2005, tại Điều 389 có quy định về nguyên tắc giao kết HĐDS:
“Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;
2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.”
Việc quy định rõ các nguyên tắc giao kết HĐDS có ý nghĩa rất quan trọng
trong. Nó tạo cơ sở pháp lí trong suốt quá trình giao kết hợp đồng của các chủ thể
và là một cơ sở để xác định HĐDS vô hiệu.
II.

TRÌNH TỰ GIAO KẾT HĐDS THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
VIỆT NAM HIỆN HÀNH.
II.1. Đề nghị giao kết HĐDS
Để thỏa thuận và đi đến thống nhất ý chí giữa các bên trong một HĐDS cụ

thể, về lẽ tự nhiên, đòi hỏi phải có quá trình một bên bày tỏ ý chí của mình hay còn

gọi là đề nghị giao kết HĐDS. BLDS 2005 có quy định: “Đề nghị giao kết hợp
đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị
này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể”. (khoản 1 Điều 390
BLDS 2005).
Về hình thức đề nghị giao kết HĐDS: Hình thức đề nghị giao kết HĐDS là
sự thể hiện ý chí của bên đề nghị giao kết ra bên ngoài dưới dạng nhất định mà
người khác có thể nhận biết được. BLDS 2005 không quy định về hình thức của đề
nghị giao kết HĐDS nhưng có thể thấy việc giao kết này có thể được thể hiện dưới
rất nhiều hình thức khác nhau. Có thể đề nghị giao kết được thực hiện bằng thỏa
3


thuận trực tiếp thông qua điện thoại, gián tiếp qua thư mời, công văn… miễn là có
thể biểu lộ được ý chí của mình để người kia nhận biết được.
Nội dung đề nghị giao kết HĐDS: Đề nghị giao kết HĐDS phải có nội dung
rõ ràng để bên được đề nghị có thể hình dung ra được HĐDS sẽ được giao kết với
nội dung thế nào, có thể tham gia giao kết HĐDS đó được hay không.
BLDS 2005 cũng chưa có quy định cụ thể về nội dung của đề nghị giao kết
hợp đồng, nhưng về cơ bản, nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng cần có bốn yếu
tố chính sau:
1, Đề nghị giao kết HĐDS phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của
bên đề nghị giao kết HĐDS. Ví dụ khi muốn bán tài sản thì cần phải thể hiện rõ nội
dung mình muốn bán tài sản để bên kia có thể hiểu được .
2, Đề nghị giao kết hợp đồng phải có các nội dung chủ yếu của loại HĐDS
mà các bên muốn xác lập nhưng chưa phải là HĐDS. Nói cách khác, đề nghị giao
kết hợp đồng có chứa các nội dung của hợp đồng trong tương lai.
3, Đề nghị giao kết HĐDS phải hướng tới một hoặc một vài chủ thể đã
được xác định cụ thể. Đây là nội dung quan trọng giúp phân biệt đề nghị giao kết
hợp đồng với một số hành vi tương tự như là mời chào hàng, báo giá, giới thiệu sản
phẩm, trưng bày, quảng cáo…

4, Đề nghị giao kết hợp đồng có thể xác định thời hạn trả lời chấp nhận đề
nghị có thể được xác định rõ trong nội dung đề nghị giao kết HĐDS. Điều này sẽ
tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xác định tính hợp pháp của chấp nhận đề
nghị giao kết cũng như trách nhiệm của các bên trong quá trình giao kết HĐDS.
BLDS 2005, khoản 2 Điều 390 có quy định về đề nghị giao kết có nêu rõ
thời hạn trả lời và như vậy cũng thừa nhận trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng
không nêu rõ thời hạn trả lời. Tuy nhiên, Bộ luật lại không quy định bắt buộc phải
nêu rõ thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị đồng thời cũng không quy định về cách
thức xác định thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng trong trường
hợp để nghị đó không nêu rõ thời hạn trả lời chấp nhận. Có thể nói đây là một thiếu
sót của luật.
4


Vấn đề quan trọng khác cần phải bàn đến đó là việc xác định thời điểm đề
nghị giao kết HĐDS có hiệu lực. Đây là thời điểm bắt đầu phát sinh sự ràng buộc
cũng như trách nhiệm các bên liên quan trong quá trình giao kết HĐDS. Điều 391
BLDS 2005 quy định về vấn đề này :
“1. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:
a) Do bên đề nghị ấn định;
b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể
từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.
2. Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:
a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được
chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;
b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;
c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các
phương thức khác.”
Trong đề nghị giao kết HĐDS thì vấn đề thay đổi, rút lại, sửa đổi hay hủy
bỏ đề nghị giao kết HĐDS cũng là một vấn đề thường thấy. BLDS 2005 có quy

định các trường hợp thay đổi, rút lại, hủy bỏ, sửa đổi đề nghị giao kết hợp đồng như
sau:
- Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp
đồng trong các trường hợp sau đây: Nếu bên được đề nghị giao kết nhận được
thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận
được đề nghị; điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên
đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát
sinh (Điều 392).
- Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ
đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề
nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo
trước khi họ trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 393).

5


- Khi bên được đề nghị giao kết đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng có
nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới
(Điều 395).
BLDS cũng đã quy đinh về chấm dứt đề nghị giao kết HĐDS tại Điều 394
như sau:
“Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;
2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
4. Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;
5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn
chờ bên được đề nghị trả lời.”
Như vậy, những quy định về chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng đã khá
đầy đủ nhưng thiết nghĩ, vẫn cần bổ sung một số trường hợp như các bên chết hoặc

mất năng lực hành vi dân sự, mất tư cách pháp nhân trước thời điểm thời điểm bên
được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị hoặc đối tượng của HĐDS dự kiến được
giao kết không còn tồn tại do nguyên nhân bất khả kháng.
II.2. Chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS.
Cùng với đề nghị giao kết hợp đồng thì chấp nhận giao kết HĐDS là một
trong hai yếu tố không thể thiếu để hình thành quan hệ HĐDS. Pháp luật Việt Nam
hiện hành quy định: “Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên
được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.”
( Điều 396 BLDS 2005). BLDS 2005 không quy định về hình thức chấp nhận đề
nghị giao kết. Chấp nhận đề nghị giao kết cũng có rất nhiều hình thức tương tự như
đề nghị giao kết miễn là có thể biểu lộ được ý chí của mình để bên đề nghị hiểu
được về việc đồng ý với toàn bộ nội dung được nêu trong đề nghị giao kết của bên
đề nghị giao kết HĐDS. Trong khoản 2 Điều 404 BLDS 2005 có quy định: “Hợp
đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được
đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết”.
6


Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng có bất cập khi mà sự “im lặng” đó có thể do
bên được đề nghị chưa được biết thông tin là có đề nghị giao kết hợp đồng. Một
vấn đề nữa là hình thức chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS không phụ thuộc vào
hình thức đề nghị giao kết và hình thức HĐDS.
Cũng tương tự như hình thức thì nội dung chấp nhận đề nghị giao kết hợp
đồng cũng không được quy định cụ thể trong BLDS 2005 hay các văn bản khác.
Nhưng về cơ bản, trên tinh thần quy định trong Điều 396 thì nội dung chấp nhận đề
nghị giao kết HĐDS thông thường phải đảm bảo hai yếu tố:
Thứ nhất, chấp nhận toàn bộ nội dung như đã nêu trong đề nghị giao kết
HĐDS và không bỏ qua nội dung nào.
Thứ hai, không có bổ sung nội dung nào khác so với đề nghị giao kết
HĐDS.

Nội dung mà bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời mà không thỏa
mãn hai yếu tố nào trên sẽ được gọi là đưa ra đề nghị mới hoặc không chấp nhận đề
nghị giao kết HĐDS. Về thời hạn chấp nhận đề nghị giao kết. Điều 397 BLDS
2005 quy định như sau:
“1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận
chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp
đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề
nghị mới của bên chậm trả lời.
Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý
do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì
thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề
nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
2. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua
điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có
chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả
lời”

7


Trong trường hợp các bên cách xa nhau về địa lý thì pháp luật các nước có
quy định khác nhau về thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Nhưng
nhìn chung theo hai phương hướng là “thuyết tống phát” (hiệu lực của chấp nhận
được tính theo thời điểm chấp nhận được gửi đi, thời điểm giử đi được tính theo
dấu bưu điện nơi gửi đi) và “thuyết tiếp nhận” (hiệu lực của chấp nhận được tính
theo thời điểm trả lời chấp nhận đến được tới người đề nghị, thời điểm giử đến tính
theo dấu bưu điện nơi đến). Tuy nhiên, hai thuyết này còn hạn chế ở chỗ chưa loại
trừ được những điểu kiện bất khả kháng làm tăng thời gian vận chuyển so với dấu
bưu điện và việc quyết định tính theo đường bưu điện là còn hạn chế khi mà việc
đề nghị cũng như trả lời đề nghị có thể có nhiều hình thức thực hiện khác nhau (và

tất nhiên những hình thức đó không có dấu bưu điện). BLDS 2005 cũng chưa thể
hiện là theo khuynh hướng nào trong hai thuyết trên.
Sau khi chấp nhận giao kết hợp đồng, một hiện tượng pháp lý có thể xảy ra
đó là rút lại thông báo chấp nhận giao kết HĐDS. Đây là việc bên được đề nghị chủ
động thể hiện ý định thay đổi chấp nhận đề nghị giao kết theo hướng không đồng ý
với chấp nhận hợp đồng giao kết đã được thể hiện trước đó. Theo Điều 400 BLDS
2005 thì bên được đề nghị giao kết có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết nếu
thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời
chấp nhận giao kết hợp đồng.
Chấp nhận đề nghị giao kết HĐDS là yếu tố quan trọng để hình thành
HĐDS. Khi đề nghị giao kết hợp đồng được chấp nhận thì quyền và nghĩa vụ của
các bên trong quan hệ giao kết HĐDS đó được xác lập và có sự ràng buộc về pháp
lý giữa các bên. BLDS 2005 cũng quy định hậu quả pháp lý của sự trả lời chấp
nhận đề nghị giao kết HĐDS trong trường hợp bên đề nghị, bên được đề nghị giao
kết HĐDS chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự (Điều 398 và 399) theo hướng
bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết hợp đồng đã được thực hiện hợp
pháp. Tuy nhiên, BLDS cũng chưa quy định rõ về vấn đề này đối với yếu tố nhân
thân vì khi chủ thể chết thì giá trị nhân thân không thể chuyển giao, khác hoàn toàn

8


đối với tài sản. (do điều kiện giới hạn nên xin phép không trình bày cụ thể về vấn
đề này).
2. 3. Địa điểm, thời điểm giao kết HĐDS
Việc xác định thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng là quan trọng bởi từ
đó sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa các bên, các bên trong quan hệ giao
kết hợp đồng sẽ có ràng buộc về pháp lý. Việc giao kết hợp đồng có thể được thực
hiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong trường hợp giao kết hợp đồng trực
tiếp thì địa điểm giao kết hợp đồng được xác định là nơi mà trực tiếp các bên đạt

được thỏa thuận đồng ý toàn bộ nội dung hợp đồng và thời điểm giao kết HĐDS là
thời điểm mà các bên thỏa thuận xong toàn bộ nội dung hợp đồng hoặc thời điểm
các bên cùng kí vào văn bản. Trong trường hợp các bên giao kết HĐDS gián tiếp
thì BLDS 2005 có quy định như sau: “Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các
bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là
nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp
đồng” (Điều 403 BLDS 2005). Tuy nhiên, điều này cũng khá bất cập đối với
trường hợp người đề nghị giao kết có nơi cư trú xa nơi giao kết ví dụ như người
quốc tịch nước ngoài, cư trú ở nước ngoài thực hiện giao kết hợp đồng ở Việt Nam.
Điều 404 BLDS 2005 cũng quy định:
“1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời
chấp nhận giao kết.
2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên
nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận
giao kết.
3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về
nội dung của hợp đồng.
4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn
bản. ”

9


2. 4. Hiệu lực của HĐDS
Xác định hiệu lực của HĐDS là vấn đề quan trọng bởi nó sẽ liên quan đến
các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo hợp đồng đó. Điều 404 BLDS 1995 có quy
định khá cụ thể là:
“Hiệu lực của hợp đồng dân sự
1- Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực bắt buộc đối với các bên.
2- Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc huỷ bỏ, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật

có quy định.
3- Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thoả thuận
khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
BLDS 2005 đã quy định hiệu lực của HĐDS mang tính nguyên tắc là “Hợp
đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có
thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác” (Điều 405). Như vậy, BLDS
2005 chỉ tập trung xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của HĐDS để làm cơ sở
xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện và giải quyết
tranh chấp HĐDS khi xảy ra trên thực tế.
III.

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG QUÁ TRÌNH GIAO KẾT HĐDS.
III.1. Trách nhiệm dân sự của bên giao kết HĐDS.
Trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý, là việc một chủ thể phải

gánh chịu những hậu quả bất lợi theo quy định của pháp luật do có hành vi vi phạm
pháp luật.
Các trường hợp phát sinh trách nhiệm dân sự của bên đề nghị giao kết
HĐDS được BLDS 2005 quy định như sau:
- Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu
bên để nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề
nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao
kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh (khoản 2 Điều 390 BLDS 2005).
- Trong trường hợp các bên có thỏa thuận sử dụng biện pháp đặt cọc để bảo
đảm việc giao kết HĐDS theo quy định tại Điều 358 BLDS 2005, thì đặt cọc là
biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, trong luật chưa có quy
10


định cụ thể về một số trường hợp có thể phát sinh trong thực tế như trường hợp đề

nghị giao kết hợp đồng dận sự không nêu rõ thời hạn trả lời hay việc thực hiện thay
đổi, rút lại, hủy bỏ đề nghị giao kết HĐDS không đúng các trường hợp quy định tại
Điều 392 và 393 BLDS 2005.
3.2. Trách nhiệm dân sự của bên được đề nghị giao kết HĐDS
Tuy trong BLDS 2005 chưa có quy định cụ thể trách nhiệm dân sự của bên
được đề nghị giao kết hợp đồng nhưng nhìn chung, trách nhiệm dân sự của bên
được đề nghị giao kết hợp đồng có thể phát sinh trong các trường hợp như:
- Các bên có thỏa thuận sử dụng biện pháp đặt cọc để bảo đảm việc giao kết
hợp đồng thì bên được đề nghị cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt theo Điều 358
nếu vi phạm (tương tự như trường hợp bồi thường của bên đề nghị giao kết).
- Bên được đề nghị giao kết vi phạm các nguyên tắc giao kết hợp đồng theo
Điều 389 mà gây thiệt hại cho bên đề nghị giao kết hợp đồng.
3.3. Trách nhiệm dân sự của chủ thể khác trong quá trình giao kết
HĐDS.
HĐDS có thể được giao kết bằng nhiều hình thức, do vậy có thể có chủ thể
khác ngoài bên đề nghị giao kết và bên được nhận giao kết có trách nhiệm trong
quá trình giao kết HĐDS. Ví dụ: Trung tâm giao dịch chứng khoán, bất động sản;
trung tâm bán đấu giá; đơn vị chuyển công văn, tài liệu, email, thư tín…). Do đó
khi có thiệt hại xảy ra, theo hợp đồng đã giao kết hoặc theo quy định của pháp luật
mà các chủ thể này cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trách nhiệm bồi
thường trong vấn đề này được ghi nhận trong các văn bản chuyên ngành như pháp
lệnh Bưu chính viễn thông, Nghị định số 05/2005/ NĐ- CP về bán đấu giá tài sản,
Luật Chứng khoán 2005, Luật kinh doanh bất động sản 2006, …
IV.

GIAO KẾT HĐDS TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT.
IV.1. Giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử.
Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã bổ sung thêm

một hình thức mới trong giao kết hợp đồng đó là giao kết hợp đồng bằng phương

tiện điện tử. Trên thế giới, từ năm 1996, Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại
quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) đã thông qua luật mẫu về thương mại
11


điện tử. Đến nay, hầu hết các quốc gia đã ban hành pháp luật điều chỉnh các giao
dịch điện tử ( ví dụ như Hoa kì năm 1999, Singapore năm 1998, …). Khoản 1 Điều
124 BLDS 2005 đã bổ sung quy định “Giao dịch dân sự thông qua phương tiện
điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu cũng được coi là giao dịch bằng hình
thức văn bản”. Điều này đã thừa nhận việc không có quy định cụ thể riêng về giao
kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử vì đã nghiễm nhiên coi nó là hình thức giao
kết hợp đồng bằng văn bản. Tuy nhiên, Luật Giao dịch điện tử 2005 có quy định cụ
thể: “Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành
một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng” ( Điều 38).
Cũng thông qua văn bản luật này, có thể nhận thấy một số điểm đặc thù của giao
kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử như sau:
- Về nguyên tắc, giao kết HĐDS bằng phương tiện điện tử phải đảm bảo
tuân theo các nguyên tắc đã được quy định tại Điều 35 của Luật giao dịch điện tử:
“Các bên tham gia có quyền thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử trong giao
kết; việc giao kết hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch
điện tử, các bên có quyền thỏa thuận về yêu cầu kĩ thuât, chứng thực, các điều kiện
đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó”. Vì vậy các
bên trong giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử vừa phải tuân thủ theo các
nguyên tắc giao kết HĐDS theo Điều 389 BLDS 2005, vừa phải tuân thủ theo
nguyên tắc trong Điều 35 Luật Giao dịch điện tử.
- Trong giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử thì đề nghị giao kết và
chấp nhận đề nghị giao kết được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu, ở đây có
thể dưới các hình thức như: trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử,
điện tín, fax và các hình thức tương tự khác. Trong giao kết, các bên sử dụng chữ kí
điện tử để xác nhận người kí thông điệp dữ liệu.

- Việc xác định thời điểm, địa điểm gửi nhận các thông điệp dữ liệu cũng
không giống như thời điểm gửi và nhận văn bản, thư tín thông thường. Theo Điều
17 và Điều 19 Luật Giao dịch điện tử, thời điểm giử một thông điệp điện tử là thời
điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin, nằm ngoài sự kiểm soát
12


của người khởi tạo. Địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở của người khởi tạo
nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu
người khởi tạo là cá nhân.
Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông số; giao
kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử đã tạo ra rất nhiều thuận lợi cho các bên về
nhiều mặt. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một vấn đề mới nên cần tiếp tục nghiên cứu
để kịp thời bổ sung những quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn phát
triển.
IV.2. Giao kết HĐDS bằng hành vi cụ thể.
Loại hình giao kết HĐDS bằng hành vi cụ thể hiện nay phát triển rất mạnh
tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghệ tự động hóa.
Hiện nay, hình thức này cũng đã xuất hiện và phát triển ở Việt Nam dưới các dạng
thường thấy như: gọi điện thoại công cộng, mua bán bằng máy tự động, mua bán
trong siêu thị, … Tuy chưa có quy định nào trong BLDS về giao kết HĐDS dưới
hình thức bằng hành vi cụ thể, tuy nhiên có thể nhận thấy một vài khác biệt đặc
trưng của hình thức giao kết này so với việc giao kết HĐDS bằng lời nói hoặc bằng
văn bản thông thường như:
- Việc giao kết HĐDS được thực hiện thông qua hành vi cụ thể của bên
được đề nghị giao kết hợp đồng khi hành vi đó được thực hiện theo đúng quy ước
định trước của bên đề nghị giao kết mà không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng
thời của tất cả các bên, cũng không cần dùng đến lời nói hoặc kí văn bản.
- Không có sự phân định rõ ràng đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết
trong giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể. Cũng khó xác định cụ thể đối tượng

được đề nghị giao kết trong trường hợp này và việc trưng bày sản phẩm và niêm
yết giá tại siêu thị có thể coi là sự chào hàng hay đề nghị giao kết hợp đồng với bất
kì bên nào có khả năng.
- Các bên trong giao kết hợp đồng bằng hành vi cụ thể không có sự trực tiếp
trao đổi, thỏa thuận thậm chí là không biết bên giao kết hợp đồng với mình là chủ
thể cụ thể trong trường hợp này. Gần như thời điểm giao kết hợp đồng cũng là thời
13


điểm hợp đồng được thực hiện ( ví dụ đưa tiền vào máy bán hàng tự động – nhận
hàng).
4.3. Giao kết HĐDS thông qua các tổ chức trung gian.
Trong nhiều trường hợp các bên có nhu cầu giao kết hợp đồng đối với nhau
lại không biết để liên hệ với nhau, do đó đã xuất hiện những tổ chức trung gian
được nhà nước công nhận giúp thực hiện việc này. Các tổ chức loại này thường là
trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, trung tâm giao dịch chứng khoán, sàn giao
dịch bất động sản, … Các chủ thể đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp này
sẽ giao kết hợp đồng ủy quyền với tổ chức trung gian đại diện cho mình để tiến
hành giao kết hợp đồng với chủ thể khác nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự
giữa các chủ thể đề nghị với chủ thể nhận đề nghị giao kết HĐDS. Vấn đề giao kết
HĐDS qua hoạt động của các tổ chức trung gian được quy định ở nhiều văn bản
pháp luật như: Nghị định số 05/2005/ NĐ-CP về bán đấu giá tài sản, Luật Chứng
khoán 2005, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 và nhiều văn bản khác. Trong
hình thức giao kết hợp đồng này, các tổ chức trung gian có thể được coi là chủ thể
đặc biệt của HĐDS, thông qua chủ thể này mà bên mua và bên bán thậm chí không
hề biết nhau nhưng giao kết hợp đồng vẫn được thực hiện và vẫn xác lập quyền và
nghĩa vụ của mình. Việc tổ chức giao kết hợp đồng, đại diện đứng ra giao kết hợp
đồng của tổ chức trung gian sẽ nhận được thù lao hoặc hoa hồng theo quy định
hoặc thỏa thuận. Pháp luật cũng quy định trường hợp bắt buộc phải thực hiện giao
kết hợp đồng thông qua hoạt động của tổ chức trung gian đó là việc giao kết hoạt

động mua bán chứng khoán. Việc giao kết hợp đồng loại này bắt buộc phải thực
hiện ở trung tâm giao dich chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán. Đề nghị giao
kết và chấp nhận đề nghị giao kết trong trường hợp này cũng khó xác định rõ vì
khó xác định chính xác bên mua hay bên bán xuất hiện trước.
4.4. Giao kết hợp đồng mua bán sau khi dùng thử.
Trong giao kết hợp đồng loại này, điểm đặc biệt là bên đề nghị giao kết
thực hiện nghĩa vụ giao tài sản trước khi bên kia trả lời chấp nhận đề nghị giao kết
hợp đồng. BLDS 2005 quy định: “Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua được
14


dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn
dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử
mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thoả
thuận trước khi nhận vật dùng thử.” (khoản 1 Điều 460). Bên mua có thể trả lời
chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán tài sản sau khi dùng thử trong thời
gian dùng thử. Sau khi hết hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì cũng được
coi là đã chấp nhận đề nghị giao kết và hợp đồng được coi là giao kết tại thời điểm
hết hạn dùng thử.
V.

VẤN ĐỀ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HĐDS TRONG THỰC
TIỄN VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN
PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HĐDS TRONG THỜI GIAN TỚI.
V.1. Thực tiễn áp dụng pháp luật và hạn chế của pháp luật Việt Nam
về giao kết HĐDS.
Tuy đã có cơ sở pháp lý là BLDS 2005 quy định về giao kết HĐDS, nhưng

trong thực tế, việc giao kết HĐDS thường được thực hiện theo lối mòn, thói quen,
chỉ khi xảy ra tranh chấp hay khó khăn, vướng mắc thì mới tìm hiểu đến quy định

của pháp luật. Điều này không chỉ xảy ra đối với giao kết hợp đồng mà đây là thực
trạng phổ biến của hoạt động áp dụng pháp luật tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh
những điểm hạn chế đã phân tích ở phần trên, dưới đây, em xin đề cập một số điểm
hạn chế phát sinh từ thực tế áp dụng pháp luật về giao kết HĐDS.
V.1.1. Về nguyên tắc giao kết HĐDS.
Các nguyên tắc giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 389, BLDS 2005 gồm:
“1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;
2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”
Tuy về mặt tổng thể, có nguyên tắc này là phù hợp với việc giao kết HĐDS
nhưng còn một vài nguyên tắc cơ bản khác như: nguyên tắc tôn trọng đạo đức,
truyền thống tốt đẹp ( Điều 8); nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích
công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác ( Điều 10)….không thấy nói
tới trong điều luật trong khi các nguyên tắc “tự do”, “ tự nguyện”, “ bình đẳng”,
“thiện chí”, “trung thực” đã được quy định là nguyên tắc cơ bản ở Điều 5, Điều 6
15


BLDS 2005 lại được đề cập lại. Thiết nghĩ, nếu đã được quy định là nguyên tắc cơ
bản thì có hiệu lực áp dụng áp dụng chung, việc quy định lại là không cần thiết,
nhưng nếu có quy định lại thì cũng cần đầy đủ để tạo thành sự thống nhất trong các
điều luật.
V.1.2. Về hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị
giao kết hợp đồng bằng văn bản.
Pháp luật có quy định cụ thể về hình thức của đề nghị giao kết và chấp nhận
đề nghị giao kết hợp đồng. Đối với giao kết hợp đồng bằng văn bản, pháp luật quy
định: “thời điểm phát giao kết hợp đồng là thời điểm các bên cùng kí vào văn
bản”. Đối với trường hợp thường là như vậy, nhưng nếu đề nghị giao kết hợp đồng
có chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng bằng hình thức văn bản mà không có chữ
kĩ hoặc điểm chỉ của các bên thì sẽ giải quyết thế nào? Hay đối với văn bản mà có
chữ kí nhưng không đóng dấu ( đối với pháp nhân) thì xử lí như thế nào? văn bản

đề nghị giao kết hợp đồng đó có giá trị pháp lý hay không. Điều này cần có những
quy định điều chỉnh.
V.1.3. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐDS.
Quy định cần đảm bảo tính thống nhất. Khoản 1 Điều 397 BLDS 2005 có
quy định: “ Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận
chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp
đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề
nghị mới của bên chậm trả lời.
Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý
do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì
thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề
nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.”
Như đã nói ở trên việc xác định thời điểm trả lời chấp nhận được xác định
theo “thuyết tống phát” hoặc “thuyết tiếp nhận”. Nhưng pháp luật nước ta lại không
có những quy định cụ thể về vấn đề này trong điều luật. Ý kiến nữa là nếu như theo
khoản 1 Điều 397, nếu như thông báo giao kết hợp đồng đến chậm vì lí do khách
16


quan nhưng bên đề nghị giao kết cũng vì lý do bất khả kháng nào đó mà không biết
về lí do khách quan này thì xử lí thế nào? Ví dụ như thông báo chấp nhận của bên
A gửi đến cho bên B ( 2 bên ở hai nửa địa cầu khác nhau) do gửi qua đường biển,
gặp bão nên tàu chuyên chở phải tạm thời dừng tránh bão ở một hòn đảo, do đó
thông báo đến chậm ba ngày, nhưng bên công ty B do cũng chịu ảnh hưởng của
cơn bão khác thông tin liên lạc bị cắt đứt nên không thể biết được thông tin kia.
V.1.4. Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng khi các bên ở các nước
mà pháp luật theo các thuyết khác nhau.
Ở các nước mà pháp luật theo các thuyết khác nhau, việc xác định thời điểm
giao kết hợp đồng là rất quan trọng, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên.
Nhưng nếu các bên ở các quốc gia mà pháp luật lại có sự khác nhau về cách xác

định thời điểm giao kết (thuyết tống phát hay thuyết tiếp nhận) thì rất dễ phát sinh
tranh chấp và cũng khó giải quyết. Đây là một vấn đề của tư pháp quốc tế mà
BLDS cũng cần có quy định rõ.
V.2. Một vài kiến nghị về giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam
hiện hành về giao kết hợp đồng.
Thứ nhất, hoàn thiện hơn nữa các quy định của BLDS về giao kết HĐDS
theo hướng bao quát tất cả các lĩnh vực dân sự theo nghĩa rộng. Các quy định về
HĐDS trong BLDS 2005 dùng thuật ngữ “hợp đồng dân sự”, nhưng thiết nghĩ đã là
đạo luật chung để điều chỉnh việc giao kết hợp đồng trong lĩnh vực dân sự thì các
quy định nên được áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng (dân sự, kinh doanh,
thương mại, lao động…), vì thế trong BLDS, để có tính khái quát nên dùng thuật
ngữ “ hợp đồng” thay cho “hợp đồng dân sự”.
Thứ hai, các quy định về nguyên tắc giao kết HĐDS cần đảm bảo tính
thống nhất, tránh trùng lặp. Như đã phân tích trong phần nguyên tắc giao kết
HĐDS, việc quy định đã có sự trùng lặp với các nguyên tắc cơ bản đã được quy
định trước đó. Việc có thêm những nguyên tắc mới đặc trưng cho từng lĩnh vực là
cần thiết nhưng việc lặp lại những quy định chung ở phần riêng lại là không cần
thiết. Vì vậy, việc quy định một cách đầy đủ và thống nhất là vấn đề rất quan trọng,
17


vừa làm cho BLDS được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo tính đầy đủ, chính xác của
Bộ luật.
Thứ ba, cần có quy định cụ thể về hình thức, nội dung của đề nghị giao kết
hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng để đảm bảo thuận tiện cho các
bên trong quá trình giao kết hợp đồng.
Vấn đề chữ kí, điểm chỉ, đóng dấu đã nêu ở phần trên là một vấn đề về hình
thức giao kết hợp đồng cần được BLDS điều chỉnh chi tiết và cụ thể hơn. Đồng thời
quy định của Điều 404 theo hướng im lặng là sự trả lời chấp nhận đề nghị giao kết
là rất khó xác định kể cả đã được thỏa thuận. Vì vậy, theo em nên quy định bổ sung

cụ thể những trường hợp áp dụng quy định này. Nội dung đề nghị giao kết hợp
đồng cũng cần quy định chi tiết hơn về cách xác định thời hạn trả lời, đồng thời
cũng cần có quy định về cách xác định thời hạn trả lời theo hai thuyết khác nhau.
Nội dung chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng cũng là nên bổ sung theo hướng quy
định thêm trường hợp không chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị nhưng cẫn không
ảnh hưởng đến các nội dung chính trong đề nghị hợp đồng thì vẫn là một trường
hợp chấp nhận đề nghị giao kết.
Thứ tư, bổ sung một số trường hợp làm chấm dứt đề nghị giao kết hợp
đồng để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh các quy định trong Điều 394 về
các trường hợp chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng như: :
“1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;
2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;
3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;
4. Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;
5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời
hạn chờ bên được đề nghị trả lời.”, cần bổ sung thêm một số trường hợp như:
Trường hợp một trong hai bên chết, mất năng lực hành vi dân sự trước khi bên
được đề nghị chấp nhận; trường hợp đối tượng của HĐDS dự kiến được giao kết
không tồn tại nữa do nguyên nhân bất khả kháng. Các trường hợp này được bổ

18


sung sẽ làm cho quy định của pháp luật phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo được
quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Thứ năm, về thời hạn trả lời, khoản 1 Điều 397 BLDS 2005 quy định:
“Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu
lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận
được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới
của bên chậm trả lời”. Quy định như vậy là không rõ ràng, vừa theo “thuyết tống

phát”, vừa theo “ thuyết tiếp nhận”. Vì vậy, BLDS cần quy định thống nhất về vấn
đề này.
Thứ sáu, về nguyên tắc xác định địa điểm giao kết hợp đồng. Điều 403
BLDS 2005 quy định: “Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận;
nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá
nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng”. Quy định
này có những điểm không hợp lí khi giao kết hợp đồng trực tiếp. Vì vậy, cần bổ
sung quy định này theo hướng trước hết phải là nơi trực tiếp giao kết hợp đồng, sau
đó mới xét đến các địa điểm khác. Không thể đặt sự thỏa thuận lên quá cao trong
trường hợp này mà trước hết phải đề cao thực tế.
Thứ bảy, cần quy định cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong
quá trình giao kết hợp đồng. Theo đó, các bên có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin
đầy đủ, chính xác trong quá trình giao kết hợp đồng . Cũng cần quy định thêm
nghĩa vụ thông báo của bên đề nghị giao kết đối với bên được giao kết khi đã hết
thời hạn mà bên được đề nghị vẫn không nhận được trả lời chấp nhận, đồng thời
cũng với sự phát triển của công nghệ thông tin như ngày nay, một số trường hợp
quan trọng đặc biệt thì cần quy định phải có sự liên lạc từ trực tiếp giữa hai bên
trước khi gửi đề nghị giao kết hay gửi trả lời chấp nhận đề nghị giao kết.
Thứ tám, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm dân sự của các bên trong quá
trình giao kết hợp đồng. Trong BLDS, cần quy định thêm trách nhiệm dân sự trong
quá trình giao kết hợp đồng vào trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì
thiệt hại xảy ra trước khi hợp đồng được kí kết.
19


C. KẾT LUẬN ĐỀ TÀI
Pháp luật về giao kết hợp đồng dâ sự có vai trò rất quan trọng trong đời sống
kinh tế, xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho và là tiền đề để các chủ thể xác lập quyền và
nghĩa vụ của mình trong quan hệ hợp đồng. Vì thế, việc pháp luật quy định đầy đủ,
chặt chẽ, phù hợp với thực tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể xác lập

quan hệ hợp đồng. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nói chung, pháp luật
về giao kết hợp đồng nói riêng là một vấn đề thiết thực và có tác dụng tích cực giúp
đáp ứng được yêu cầu của giao lưu dân sự, kinh tế trong giai đoạn hiện nay cũng
như thời gian tới. Hi vọng những ý kiến rất nhỏ bé và còn non nớt về kiến thức
trong tiểu luận này của em cũng sẽ có ích đối với việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp
luật về giao kết hợp đồng nói chung trong thời gian tới và cũng hi vọng, với sự
nghiên cứu kĩ lưỡng của các cấp, các ngành có trách nhiệm, pháp luật về giao kết
hợp đồng sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa.
Với kiến thức còn hạn chế, trong đề tài chắc chắn sẽ còn những thiếu sót,
rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô để em có thể hoàn thiện hơn nữa hiểu
biết của mình.

20


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Luật Dân sự 1995;
2. Bộ Luật Dân sự 2005;
3. Công ước Vienna 1980;
4. Luật Chứng khoán 2005;
5. Luật Kinh doang bất động sản 2006;
6. Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản;
7. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, Nxb.
CAND, Hà Nội, 2006;
8. Trần Kim Chi, “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về hợp đồng dân sự”,
Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 1996;
9. Vũ Đức Lịch, “Một số vẫn đề cơ bản về giao kết hợp đồng dân sự”, Luận
văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2010;
10. Viện khoa học pháp lí, Bộ tư pháp, Pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế,
thương mại - Những điểm tương đồng và khác biệt (tài liệu hội thảo khoa

học năm 2005);
11. Nguyễn Mạnh Bách, Pháp luật về hợp đồng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1995 ;
12. Website :

/> />
21


MỤC LỤC
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ………………………………21

22



×