Bí quyết ôn luyện môn Ngữ văn: Chi tiết cách làm bài Nghị luận văn học
Bài Nghị luận văn học là phần không quá khó đối với học sinh, vì những bài văn
này thường được rèn luyện nhiều nhất trong suốt ba năm phổ thông trung học.
Thầy Trần Hinh, khoa Văn học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH
QGHN sẽ đi sâu hướng dẫn chi tiết cách làm một bài văn cụ thể thuộc dạng câu
hỏi này.
Tuy nhiên, để giúp học sinh nắm được những vấn đề khái quát trước khi đi vào
phần cụ thể, chi tiết, chúng tôi sẽ giới thiệu dưới đây những khả năng trong tình
huống ra đề, cách nhận biết yêu cầu cụ thể của đề, các nhóm chủ đề trong phần tác
phẩm hạn chế thi.
Câu nghị luận văn học quan trọng nhất không chỉ vì nó chiếm một nửa tổng số
điểm, mà còn vì đây là câu có dung lượng lớn nhất trong đề để thí sinh bộc lộ khả
năng viết một bài văn nghị luận văn học của mình. Với câu hỏi này, trước khi làm
bài, thí sinh phải dành thời gian phân tích, suy xét thật rõ ràng yêu cầu cụ thể của
đề ra là gì? Đề ra yêu cầu phân tích, bình giảng, bình luận, chứng minh hay giải
thích?
Kinh nghiệm nhiều năm qua của chúng tôi khi tiếp xúc với học sinh cho biết rằng,
không ít học sinh đã bỏ quá nhiều thời gian cho khâu này. Theo chúng tôi, không
nên quá băn khoăn về các thao tác trên đây, vì suy cho cùng, trước bất cứ một đề
văn nào, người viết cũng phải huy động hết các khả năng có thể trong khi làm bài.
Một bài văn hay là bài làm có sự nhuần nhuyễn, hài hoà của tất cả các thao tác đó.
Về cách nhận dạng đề thi, thông thường, chúng ta sẽ không khó khăn gì với loại
câu hỏi đã được xác định rõ ràng trên câu chữ, chẳng hạn: “Phân tích vẻ đẹp của
hình tượng Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù”, “Bình giảng khổ thơ sau
đây trong bài Đây thôn Vĩ Dạ…”, hay “Tại sao, trong Một người Hà Nội, Nguyễn
Khải lại gọi nhân vật bà Hiền là “hạt bụi vàng”của Hà Nội?”, “Bình luận câu nói
của Nam Cao trong tác phẩm Đời thừa: “Văn chương không cần đến những người
thợ khéo tay…”.
Trong bốn mẫu đề trên đây, thao tác cần phải lựa chọn đã được xác định rõ trong
ba đề (phân tích, bình luận, bình giảng). Chỉ duy nhất một câu, yêu cầu đề hỏi là
Tại sao? Ta có thể hiểu ở đó đề thi yêu cầu học sinh sử dụng thao tác giải thích.
Trong các dạng đề thi, có thể có trường hợp phức tạp hơn. Chẳng hạn, đề ra yêu
cầu nối kết chủ đề của hai hoặc nhiều tác phẩm khác nhau như: “Cùng viết về Tây
Bắc, Quang Dũng trong bài Tây Tiến viết…Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con
tàu viết…”; “Cảm hứng quê hương đất nước trong hai bài thơ Việt Bắc của Tố
Hữu và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm”, “Vẻ đẹp của hình ảnh thiên nhiên qua
Người lái đò sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông (của Nguyễn Tuân và Hoàng
Phủ Ngọc Tường)”; “Cảm nhận về hai đoạn thơ sau đây trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
của Hàn Mặc Tử và Tràng giang của Huy Cận…”;
“Nêu cảm nhận về hai đoạn thơ của Nguyễn Bính trong bài Tương tư và Tố Hữu
trong bài Việt Bắc”… Với dạng câu hỏi này, thí sinh phải tìm được điểm giống và
khác nhau của hai tác phẩm, phải lựa chọn cách xử lí đề sao cho hợp lí nhất: làm
bài theo hướng khái quát chung và so sánh trên từng vấn đề, hay tách riêng phân
tích theo từng bài rồi sau đó mới đi đến khái quát để tìm ra đặc điểm chung?
Cũng có những dạng đề, do câu chữ được rút gọn tối đa, nên thí sinh khi đặt bút
làm bài phải suy xét cẩn thận. Chẳng hạn, gần đây trong các kì thi đại học xuất
hiện kiểu đề không ghi rõ yêu cầu cụ thể của thể văn như phân tích, bình giảng,
hay chứng minh mà chỉ nêu ngắn gọn: cảm nhận (anh/ chị cảm nhận như thế
nào…). Cảm nhận thuộc thể văn nào, giải thích, chứng minh, bình luận hay phân
tích? Đây là câu hỏi không dễ trả lời một cách rạch ròi. Trong phần thảo luận đáp
án trước khi chấm thi, theo tôi biết, một số Hội đồng chấm thi đã từng tranh cãi
gay gắt về dạng câu hỏi này.
Có người cho rằng, vì đề chỉ yêu cầu học sinh nêu cảm nhận nên họ có quyền làm
bài một cách tự do, không cần phải theo một thể thức, khuôn khổ nào. Lập luận
hoàn toàn có lí. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, dù thế nào, để đạt yêu cầu của một bài
văn, thí sinh vẫn cứ phải đáp ứng được những nguyên tắc tối thiểu. Nghĩa là vẫn cứ
phải làm rõ được các yêu cầu chính của đề thi.
Với dạng câu hỏi đó, thực chất bài làm của học sinh là sự tổng hợp của tất cả các
phương pháp, chỗ nào cần giải thích thì giải thích, chỗ nào cần phân tích, chứng
minh thì phân tích chứng minh. Cũng không nên quá băn khoăn về câu chữ của đề.
Với học sinh, yêu cầu trước mắt chỉ là một bài làm tốt.
Trong số 39 đơn vị bài học thuộc phần hạn chế ra đề, để dễ dàng và thuận lợi cho
việc ôn thi, học sinh cũng cần phải xác định được rõ ràng các nhóm vấn đề, hay
các nhóm chủ đề, đó là việc làm cần thiết trước khi bước vào ôn tập. Chúng tôi
tạm phân chia các nhóm vấn đề đó như sau:
* Nhóm những bài học khái quát tác giả, chúng tôi đã đề cập ở trên, nhưng xin
được nhắc lại nhóm những bài kiểm tra kiến thức về giai đoạn, trào lưu văn học,
khái quát tác phẩm gồm ba bài: Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh, Khái
quát văn học Việt Nam từ CMTT 1945 đến 1975 và Nhật kí trong tù của Hồ Chí
Minh.
* Nhóm những bài nghị luận văn học và chính trị xã hội, cũng gồm hai bài: Về
luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh và Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng
trong nền văn nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng.
* Xét trên phương diện thể loại, trong số các bài hạn chế có 13 tác phẩm thơ, 2 tác
phẩm kịch, 13 tác phẩm văn xuôi.
Phân loại theo chủ đề các tác phẩm văn học cũng sẽ giúp học sinh thuận lợi hơn
trong quá trình ôn tập, dù đây không hẳn là yếu tố quan trọng nhất, bởi hướng ra đề
thi hiện nay thường chỉ tập trung vào từng tác phẩm hay từng vấn đề cụ thể. Tuy
nhiên, phân loại tác phẩm theo chủ đề sẽ giúp học sinh hiểu và nhớ kiến thức trong
bài học dễ dàng hơn. Đồng thời trong khi giải quyết những đề thi độc lập, thí sinh
cũng có điều kiện so sánh giữa các tác phẩm với nhau cho bài làm thêm phần sâu
sắc, phong phú. Điều đó rất cần thiết.
Thông thường khi phân loại tác phẩm theo chủ đề, người ta hay dựa trước tiên vào
yếu tố thể loại (thơ, văn xuôi, kịch), tiêu chí thời gian (trước hay sau cách mạng
1945, kháng chiến chống Pháp, Mĩ) dòng văn học (lãng mạn, hiện thực, tượng
trưng…). Tại sao như vậy? Vì các tác phẩm nằm trong các khuôn khổ đó dễ có sự
gặp gỡ nhau trong chủ đề, phương thức phản ánh.
Căn cứ vào tiêu chí thời gian và thể loại, ta nhận thấy bốn bài thơ Vội vàng của
Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, Tràng giang của Huy Cận, Tương tư
của Nguyễn Bính nổi bật nỗi buồn và nỗi cô đơn. Chi tiết hơn, ta lại thấy Vội vàng
là bài thơ bày tỏ quan điểm nhân sinh quan và cái đẹp, Tương tư là bài thơ đi sâu
vào sắc thái tình cảm nhớ nhung trong tình yêu, Đây thôn Vĩ Dạ và Tràng giang là
loại thơ về thiên nhiên, tình cảm của con người và lòng yêu quê hương, đất nước
của các tác giả ở thời điểm trước cách mạng.
Trước Cách mạng, phần văn xuôi lãng mạn có hai bài tuy không cùng chủ đề
nhưng lại giống nhau ở phương thức thể hiện. Đó là Hai đứa trẻ và Chữ người tử
tù. Cả hai tác giả Nguyễn Tuân và Thạch Lam đều là những thành viên của nhóm
Tự lực Văn đoàn. Tác giả Chữ người tử tù khai thác chủ đề về một thời vang bóng.
Ông chọn nhân vật chính là một bậc “tao nhân mặc khách”, một kiểu anh hùng
theo quan điểm của nhà lãng mạn Nguyễn Tuân. Huấn Cao, nhân vật chính còn
được lấy từ một mẫu nhân vật có thật trong lịch sử. Đó là nhà thơ Cao Bá Quát.
Xây dựng nhân vật này, Nguyễn Tuân có sử dụng phương thức cường điệu, phóng
đại cho phù hợp với lí tưởng của một nhà lãng mạn, nên có một số chi tiết, yếu tố
chân thực không được đặt lên hàng đầu (người đọc có thể có cảm giác không thật ở
các chi tiết: tử tù “mắng” quản ngục, coi thường quản ngục, quản ngục sợ tử tù…).
Trong khi đó, cũng thuộc dòng văn học lãng mạn, Hai đứa trẻ của Thạch Lam lại
nhiều yếu tố hiện thực hơn. Thạch Lam không khai thác yếu tố hướng ngoại của
nhân vật mà chú ý hơn đến những cái bên trong, tâm lí nhân vật. Ngôn ngữ trong
tác phẩm của ông nhẹ nhàng, giàu chất thơ, trong khi Chữ người tử tù của Nguyễn
Tuân lại giàu chất tạo hình, có xu hướng hướng ngoại…
Nhóm các tác phẩm văn xuôi hiện thực gồm Chí Phèo và Đời thừa của Nam Cao,
Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) trái lại rất khác
nhau về phương thức thể hiện.
Trong khi Nam Cao, với cả hai tác phẩm của mình đều đào sâu tấn bi kịch của con
người thời kì trước cách mạng (một bên Chí Phèo là tấn bi kịch người nông dân,
rộng hơn là bi kịch con người nhưng lại không được thừa nhận làm người, còn bên
kia, Đời thừa lại là bi kịch về người trí thức tiểu tư sản có khát vọng, có lòng nhân
ái nhưng bất lực vì hoàn cảnh xã hội), chủ đề này chi phối văn phong sắc sảo, chua
chát, chân thực của Nam Cao, thì Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng
lại sử dụng phương thức hoạt kê, cường điệu, phóng đại để miêu tả đám tang cụ
Tổ, cuối cùng nhằm phê phán gay gắt bộ mặt giả nhân giả nghĩa, đạo đức giả của
những kẻ thượng lưu thành thị qua gia đình cụ cố Hồng.
Khác nhau về phương thức thể hiện, nhưng vì đều thuộc dòng văn chương hiện
thực nên cả Nam Cao và Vũ Trọng Phụng đều được đánh giá cao ở giá trị tố cáo xã
hội trong tác phẩm của họ.
Phần Thơ ca cách mạng giai đoạn 30 – 45 có hai nhà thơ mà chủ đề, nội dung tác
phẩm rất giống nhau, đó là Hồ Chí Minh và Tố Hữu. Cho dù số lượng tác phẩm
được chọn trong chương trình của hai nhà thơ này không cân bằng với nhau (Hồ
Chí Minh hai bài và phần khái quát tập thơ Nhật kí trong tù, Tố Hữu chỉ có duy
nhất một bài trích trong tập thơ Từ ấy), nhưng ở tác phẩm của họ đều toát ra vẻ đẹp
của người cộng sản kiên cường bất khuất, khát vọng tự do. Nếu cần so sánh một
chút sắc thái khác nhau thì, với Tố Hữu đó là vẻ đẹp của người thanh niên trẻ tuổi
lần đầu tiên đến với cách mạng; với Hồ Chí Minh lại là người cộng sản đã vững
vàng qua thử thách thời gian.
Ba tác phẩm nghị luận Về luân lí xã hội ở nước ta của Phan Châu Trinh, Một thời
đại trong thi ca của Hoài Thanh, Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong nền văn
nghệ dân tộc của Phạm Văn Đồng, tuy không cùng thời điểm, nhưng nếu đặt cạnh
nhau, ta cũng có thể có được sự so sánh. Tác phẩm thứ nhất của Phan Châu Trinh
viết từ tận năm 1925 nhưng rất hiện đại, chí ít, nó cũng thể hiện được sự hiện đại
qua tư tưởng của người viết.
Từ rất sớm, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã dám dũng cảm nói thẳng, nói thật
thói xấu cần phải sớm được khắc phục của người dân Việt, lời văn rất sắc sảo. Đây
có thể được coi là một kiểu mẫu cho loại văn nghị luận xã hội. Trong khi đó, hai
tác phẩm còn lại của Hoài Thanh và Phạm Văn Đồng lại thuộc văn nghị luận văn
học. Hoài Thanh là điển hình cho kiểu phê bình ấn tượng, đậm đà chất nghệ sĩ,
chất thơ; Phạm Văn Đồng thì vừa thể hiện được nét sắc sảo của một nhà lãnh đạo
cách mạng, lại vừa không kém phần nghệ sĩ. Văn phong của Phạm Văn Đồng trong
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong nền văn nghệ dân tộc là thứ văn chính
luận – thi ca.
Trong phần hạn chế nội dung, có hai tác phẩm kịch đều là trích đoạn ở hai giai
đoạn khác nhau: Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của Nguyễn Huy Tưởng là một vở bi
kịch, Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ lại là vở chính kịch, hay còn
gọi là bi hài kịch.
Tiếp xúc với hai tác phẩm này, học sinh cần phải nắm được đặc trưng thể loại (bi
kịch và chính kịch) mới hiểu được đúng giá trị thực của chúng. Với bi kịch Vũ
Như Tô, khi phân tích, ta phải nhấn mạnh xung đột bi kịch của nhân vật chính Vũ
Như Tô, xung đột giữa cái đẹp và cái có ích, giữa thiểu số và số đông, giữa tỉnh táo
và nhầm lẫn. Trong khi đó, nếu phân tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu
Quang Vũ, vai trò của yếu tố lời thoại, ý nghĩa triết lí, nhân sinh, mối quan hệ giữ
“xác” và “hồn” trong một con người lại được đặt lên hàng đầu.
Xếp ở nhóm những bài thơ từ sau cách mạng tháng Tám, trong vệt thơ kháng chiến
chống Pháp và chống Mĩ, phần hạn chế thi gồm ba bài: Tây Tiến, Việt Bắc, và Đất
Nước. Bài đầu tiên có chủ đề hình ảnh người lính (TT); bài thứ hai là bản sử thi về
cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc (Việt Bắc); và bài thứ ba, Đất Nước (trích
trường ca Mặt đường khát vọng) là sự cảm nhận tư tưởng Đất Nước – Nhân dân
hết sức độc đáo của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Khi học các tác phẩm này, thí sinh nên chú ý mở rộng tham khảo những bài đọc
thêm, như Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm,
Đồng chí của Chính Hữu, Cá nước của Tố Hữu…để so sánh; vì tất cả các bài thơ
này đều nằm trong vệt thơ ca có chủ đề cảm hứng quê hương đất nước hoặc chủ đề
người lính trong kháng chiến. Ngoài nội dung chính phản ánh cuộc kháng chiến
toàn dân, toàn diện của nhân dân, các bài thơ này thường nổi bật ở hai chủ đề quen
thuộc: tình yêu quê hương đất nước và lòng căm thù quân xâm lược.
Đề thi đại học năm 2007 đã từng yêu cầu học sinh phân tích hai đoạn thơ trong hai
bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm để
nêu cảm nhận sự giống và khác nhau về quê hương, đất nước của hai nhà thơ
(trong chương trình mới nhất, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cẩm đã được xếp ở
dạng bài đọc thêm nên không thuộc đối tượng của đề thi đại học). Chủ đề vẻ đẹp
của quê hương đất nước còn được thể hiện qua hai bài tuỳ bút rất đặc sắc của
Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường qua hai tác phẩm Người lái đò sông Đà
và Ai đã đặt tên cho dòng sông? Ôn tập hai tác phẩm này, thí sinh cần chú ý đến
đặc điểm của thể loại bút kí nói chung và tiểu loại tuỳ bút nói riêng.
Về thể loại bút kí, học sinh có thể xem lại bài học trong sách giáo khoa. Ở đây
chúng tôi muốn lưu ý thêm về thể loại tuỳ bút để khi phân tích so sánh các em có
tư liệu để viết bài. Là một tiểu loại của bút kí, ngoài việc đặt ở vị trí hàng đầu yếu
tố quyết định của sự chân thực, tuỳ bút còn thiên về cảm nhận chủ quan của nhà
văn, chất thơ trong tuỳ bút là đặc điểm không thể thiếu. Cả hai nhà văn Nguyễn
Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều thể hiện khá rõ những phẩm chất này trong
tuỳ bút của hai ông.
Ba bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Sóng của Xuân Quỳnh, Đàn ghi ta
của Lorca nằm trong vệt thơ ca hiện đại mang những chủ đề khác nhau. Tiếng hát
con tàu là bài thơ in đậm dấu ấn về những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc nước ta.
Bài thơ hưởng ứng chính sách của Đảng và Chính phủ kêu gọi những chàng trai, cô
gái, những người miền xuôi đến với các miền đất lạ của đất nước, khám phá, khai
thác tiềm năng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chủ đề lớn nêu trên đây, bài thơ
của Chế Lan Viên còn có chủ đề hẹp tình yêu riêng tư (“Anh bỗng nhớ em như
đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng…”). Ngược lại, bài thơ Sóng
của Xuân Quỳnh lại khai thác chủ đề hẹp tình yêu riêng tư, tình yêu lứa đôi để khái
quát thành chủ đề lớn hơn, đó là vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.
Bài Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo, xét ở góc độ phương thức thể
hiện, là tác phẩm hiện đại nhất trong số ba bài thơ này. Bài thơ thậm chí còn được
coi là có ảnh hưởng nhiều của loại thơ tượng trưng Phương Tây có chủ đề rất rộng:
thông qua hình ảnh tượng trưng âm thanh tiếng đàn ghi ta của nhà thơ Lorca,
Thanh Thảo muốn khái quát thành vẻ đẹp bất tử của tâm hồn, tài năng, tình yêu
của người nghệ sĩ xứ sở những chàng hiệp sĩ đấu bò tót Tây Ban Nha.
Phần văn xuôi sau cách mạng có số lượng tác phẩm nhiều hơn và chủ đề cũng đa
dạng hơn. Đó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng của văn xuôi hiện đại
mà học sinh phải nhớ. Khi học phần này, học sinh cũng có thể nhóm các tác phẩm
thành từng nhóm chủ đề riêng cho dễ nhớ và dễ hiểu.
Hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt có chung chủ đề về thân phận con
người. Cả hai đều tập trung làm nổi bật số phận của những người nông dân (Vợ
chồng A Phủ là người nông dân miền núi; Vợ nhặt là người nông dân miền xuôi).
Tính nhân đạo trong cả hai tác phẩm cũng được bộc lộ một cách rõ ràng. Nếu chỉ
nói riêng về hình tượng người phụ nữ trong văn học thì đây cũng là hai tác phẩm
đề cập chủ đề này. Mị trong Vợ chồng A Phủ, bà cụ Tứ và chị vợ nhặt trong Vợ
nhặt đều gợi ở người đọc sự cảm thương đối với con người, nhất là người phụ nữ.
Trong một đề thi đại học, còn yêu cầu học sinh so sánh “vẻ đẹp khuất lấp của hai
nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài
xa của Nguyễn Minh Châu (chị vợ nhặt và vợ người hàng chài). Vợ chồng A Phủ
nếu đặt trong sự so sánh với tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành sẽ còn
tạo thêm một cặp đôi tác phẩm văn xuôi viết về đề tài miền núi.
Một bên, Rừng xà nu là một tác phẩm sử thi, vì nó phản ánh một bước ngoặt quan
trọng của cách mạng Việt Nam thời kì tiền đồng khởi; còn bên kia, Vợ chồng A
Phủ lại là bức “khắc hoạ chân thực những nét riêng về phong tục, tập quán, tính
cách và tâm hồn người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng,
tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc” (Sách giáo khoa Ngữ Văn 12, tập 2).
Hai tác phẩm Rừng xà nu và Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) nếu đặt
trong tương quan với nhau, thuộc các tác phẩm văn xuôi cách mạng miền Nam đã
xây dựng thành công hình tượng người cách mạng trong những ngày đầu chống
Mĩ. Với Rừng xà nu lại là hình tượng người cách mạng Tây Nguyên; Những đứa
con trong gia đình lại là hình tượng người cách mạng Nam Bộ.
Trong số các tác phẩm văn xuôi mới được đưa vào chương trình có hai truyện ngắn
rất đặc biệt của Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu: Một người Hà Nội và Chiếc
thuyền ngoài xa. Đây là hai trong số những tác phẩm tiêu biểu của thời kì văn học
đổi mới, mà cả hai tác giả có tác phẩm được lựa chọn đều là những cái tên rất sáng
giá. Cả hai nhà văn trong hai tác phẩm mới này đều bộc lộ cái nhìn tinh tế trước
những biến đổi tinh vi của cuộc sống.
Truyện của họ không còn đơn giản, không chỉ nhìn hiện thực từ một chiều, không
tô hồng hiện thực. Đặc biệt, cả hai đều khai thác thế mạnh của thể loại truyện ngắn,
trong đó, tình huống truyện được đặc biệt chú ý. Với Chiếc thuyền ngoài xa của
Nguyễn Minh Châu, đó là tình huống “nhận thức”: hoạ sĩ Phùng bất ngờ phát hiện
ra sự nghịch lí của vẻ đẹp bề ngoài và hiện thực bên trong của một cặp vợ chồng
người thuyền chài trên chiếc thuyền đánh cá vào buổi sáng mai; với Một người Hà
Nội của Nguyễn Khải, đó là vẻ đẹp của một người Hà Nội được đặt trong cuộc
sống hết đỗi bình dị hàng ngày.
Tình huống mà Nguyễn Khải muốn đặt ra trong truyện ngắn này là, trong cái bình
thường, người ta nhìn thấy cái vĩ đại. Đó là triết lí của Nguyễn Khải. Bà Hiền trong
truyện ngắn của Nguyễn Khải thực sự là một nhân vật bình thường. Trong khi đó,
với Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu lại muốn đưa ra triết lí: đừng bao
giờ nhìn và đánh giá cuộc sống chỉ qua cái bề ngoài. Cái bề ngoài rất dễ đánh lừa
người khác.
Tóm lại, chúng tôi cho rằng, những bài học được lựa chọn trong chương trình thi
tuyển sinh cao đẳng, đại học tuy có rất nhiều cái mới, nhưng vẫn nằm trong khuôn
khổ thi nhiều năm nay của Bộ GD&ĐT. Bất cứ kì thi nào cũng đòi hỏi ở học sinh
sự chủ động và tinh thần sáng tạo. Nếu nắm vững các kiến thức được học trong
trường và có tinh thần sáng tạo, các em hãy tin cánh cổng trường đại học sẽ trong
tầm tay của tất cả chúng ta.
Nhà giáo Trần Hinh, khoa Văn học – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
(nguồn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QGHN)