Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Vai trò của luật so sánh trong công cuộc hoàn thiện pháp luật việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (64.88 KB, 11 trang )

Vai trò của Luật so sánh trong công cuộc hoàn thiện pháp luật Việt Nam

1. So sánh pháp luật hai hay nhiều nước được "hình thành từ lâu đời"1 và "giao
lưu văn hóa pháp luật là một nhu cầu khách quan của xã hội"2. Trong thực tế,
lợi ích của việc tìm hiểu pháp luật nước ngoài "là vô cùng to lớn" và "tri thức về
pháp luật nước ngoài có thể được khai thác cho nhiều mục đích"3. Với ý tưởng
xây dựng một "nhà nước pháp quyền XHCN" mạnh và sử dụng pháp luật để
điều chỉnh mọi quan hệ xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đang tồn tại ở
Việt Nam là một thực tế cần thiết. Nếu mong muốn hoàn thiện pháp luật ở nước
ta đã là một thực tế rõ ràng thì phương thức hoàn thiện còn được bàn luận.
Trong bài viết này chúng tôi xin trình bày, trao đổi về vai trò của luật so sánh
trong công cuộc hoàn thiện pháp luật nước ta.
I. Vai trò cỦa luẬt so sánh trong công cuỘc hoàn thiỆn pháp luẬt ViỆt Nam vỀ
mẶt "khỐi lưỢng" điỀu chỈnh
2. Theo Ban chỉ đạo liên ngành (gồm Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Văn
phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ
KH&ĐT), trong 15 năm qua, Việt Nam đã ban hành được hệ thống văn bản
pháp luật khá lớn, nhiều hơn tổng số luật, pháp lệnh ban hành cả 40 năm trước
cộng lại. Nhưng thực tế cho thấy, hệ thống pháp luật nói chung còn nhiều vấn đề
bất cập. Khung pháp luật thiếu toàn diện, một số lĩnh vực quan trọng chưa có
luật điều chỉnh4.
Vậy, mặc dù đã ban hành được một hệ thống văn bản khá đồ sộ, chúng ta vẫn
chưa có văn bản pháp luật để điều chỉnh một số lĩnh vực và, đối với một số lĩnh
vực khác, chúng ta đã có văn bản pháp luật chi phối nhưng chưa chặt chẽ, chi
tiết. Nói một cách khác, về mặt "khối lượng" pháp luật nước ta còn chưa đầy đủ,
nhiều vấn đề pháp lý cụ thể vẫn chưa có câu trả lời và, trong thời gian gần đây,
chúng ta cần hoàn thiện bổ sung. Để hoàn thiện, bổ sung những lỗ hổng của hệ
thống pháp luật nước ta, hai câu hỏi cần có giải đáp: Đâu là những điểm mà


chúng ta chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh chi tiết, cụ thể? Và sau khi tìm ra


những điểm chưa hoàn thiện, chúng ta sẽ điều chỉnh những khoảng trống này
như thế nào? Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hiểu biết pháp luật nước ngoài có
thể giúp chúng ta rất nhiều khi trả lời hai câu hỏi trên và, để minh họa điều này,
chúng tôi xin lấy một ví dụ liên quan đến vấn đề thương nhân thuê cửa hàng để
kinh doanh (hợp đồng thuê cửa hàng thương mại) ở Việt Nam và ở Pháp.
3. Ở Pháp cũng như ở Việt Nam, các nhà làm luật phân biệt lĩnh vực dân sự và
lĩnh vực thương mại hay kinh tế. Sự phân biệt này là cần thiết vì bản chất của
hai quan hệ trên có nhiều điểm khác nhau. Từ đầu thế kỷ 20, vì có sự khác nhau
về bản chất giữa hợp đồng dân sự thuê tài sản và hợp đồng thuê cửa hàng
thương mại, các nhà làm luật Pháp đã phân biệt và điều chỉnh hai loại hợp đồng
này bằng hai chế định rất khác nhau5.
Ở Việt Nam, chúng ta đã phân biệt một số hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế
hay thương mại, ví dụ như hợp đồng mua bán tài sản dân sự (được điều chỉnh
bởi Điều 421 Bộ luật dân sự (BLDS)) và hợp đồng mua bán hàng hóa thương
mại (được điều chỉnh bởi Điều 46 Luật thương mại năm 1997) hay hợp đồng gia
công dân sự (được điều chỉnh bởi Điều 550 BLDS) và hợp đồng gia công
thương mại (được điều chỉnh bởi Điều 128 Luật thương mại năm 1997). Song
hiện nay, pháp luật nước ta chưa phân biệt hợp đồng thuê tài sản dân sự và hợp
đồng thuê cửa hàng thương mại. Vậy thông qua pháp luật nước ngoài chúng ta
thấy được một khuyết điểm ở pháp luật nước ta.
4. Việc không phân biệt hợp đồng thuê tài sản dân sự và hợp đồng thuê cửa hàng
thương mại là một khiếm khuyết lớn ở nước ta so với pháp luật Pháp, một câu
hỏi đặt ra là chúng ta có nên điều chỉnh khác nhau hai loại hợp đồng này như ở
Pháp không. Theo chúng tôi là có. Phần lớn thương nhân ở nước ta hiện nay
phải thuê cửa hàng để hoạt động và vì pháp luật nước ta chưa phân biệt hợp
đồng thuê tài sản dân sự và hợp đồng thuê cửa hàng thương mại nên cả hai hợp
đồng này được điều chỉnh bởi BLDS. Theo ý kiến một số thương nhân đã từng
thuê cửa hàng để kinh doanh ở Việt Nam mà chúng tôi có trao đổi, việc thiếu



pháp luật chuyên biệt để điều chỉnh loại hợp đồng này là một bất lợi vì BLDS
không đảm bảo cho họ sự ổn định trong kinh doanh.
Trong thực tế, để tạo được khách hàng quen, thương nhân thuê cửa hàng phải
đầu tư rất nhiều song thường xuyên người cho thuê cửa hàng không cho họ tiếp
tục thuê sau khi hợp đồng hết thời gian hiệu lực hoặc yêu cầu chấm dứt hợp
đồng sớm. Vì chấm dứt hợp đồng và không thuê được cửa hàng bên cạnh nên
thương nhân phải chuyển đi nơi khác, do đó mất nhiều khách hàng quen mà họ
đã đầu tư để thiết lập. Mặt khác, rất nhiều người cho thuê muốn chấm dứt hợp
đồng sớm hay không muốn tiếp tục hợp đồng với mục đích chiếm đoạt khách
hàng của thương nhân thuê cửa hàng vì chính họ hay người thân của họ, sau khi
lấy lại cửa hàng, kinh doanh hay hoạt động như thương nhân trước nhằm lợi
dụng khách hàng quen. Vậy, nếu không có một chế định riêng cho hợp đồng
thuê cửa hàng thương mại, chúng ta không bảo vệ được quyền lợi chính đáng
của thương nhân.
5. Phần trình bày trên cho chúng ta thấy việc thiết lập một chế định chuyên biệt
cho hợp đồng thuê cửa hàng thương mại là cần thiết, một câu hỏi đặt ra là chúng
ta sẽ điều chỉnh quan hệ này như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo việc điều
chỉnh hợp đồng thuê cửa hàng thương mại trong pháp luật Pháp.
Theo pháp luật Pháp, vì có một phần giống hợp đồng thuê tài sản dân sự nên
hợp đồng thuê cửa hàng thương mại cũng được điều chỉnh một phần bởi những
quy định chi phối hợp đồng thuê tài sản dân sự, cụ thể là bởi một số quy định
của BLDS Napoléon 1804, ví dụ vấn đề sửa chữa tài sản cho thuê được điều
chỉnh bởi Điều 1719, hay vấn đề chấm dứt hợp đồng do hiện tượng bất khả
kháng gây ra được chi phối bởi Điều 17226. Nhưng vì hợp đồng thuê cửa hàng
thương mại có mục đích thuê tài sản để kinh doanh nên một phần quan hệ của
hợp đồng này được điều chỉnh bởi Điều L. 145-1 và tiếp theo Bộ luật thương
mại (BLTM) và chính những quy phạm chuyên biệt này sẽ cho phép thương
nhân có thể ổn định hoạt động kinh doanh. Ví dụ:



+ Theo BLTM Pháp, ngoại trừ một số trường hợp cụ thể, thời hạn của hợp đồng
thuê cửa hàng thương mại là ít nhất 9 năm. Trong thời gian thuê, thương nhân
thuê có quyền chấm dứt hợp đồng sau mỗi kỳ hạn ba năm và người cho thuê có
quyền chấm dứt hợp đồng nhưng chỉ trong một số trường hợp cụ thể như xây
dựng lại, hay tu dưỡng cửa hàng.
+ Thương nhân thuê cửa hàng có quyền được tiếp tục thuê khi kết thúc thời gian
thuê ngoại trừ một số lý do đặc biệt như bên thuê vi phạm nghiêm trọng hợp
đồng hay cửa hàng phải xây lại, phải phá. Nếu từ chối tiếp tục cho thuê, người
cho thuê phải bồi thường cho thương nhân thuê và thông thường giá trị bồi
thường là rất cao (tương đương với giá trị sản nghiệp của thương nhân thuê)7.
+ Giá thuê do các bên tự định đoạt và, ba năm một lần các bên có thể định đoạt
lại giá thuê. Nếu không thỏa thuận được thì một hay hai bên có thể yêu cầu Tòa
án can thiệp.
Chúng ta có thể vận dụng các quy định trên trong pháp luật Pháp làm phương
hướng để hoàn thiện, thiết lập những quy định phù hợp với hoàn cảnh nước ta.
II. Vai trò cỦa luẬt so sánh trong công cuỘc hoàn thiỆn pháp luẬt ViỆt Nam
vỀ mẶt "chẤt lưỢng" điỀu chỈnh
6. Ở nước ta hiện nay, nhiều lĩnh vực xã hội đã có văn bản điều chỉnh nhưng
chất lượng điều chỉnh còn hạn chế, đôi khi không hợp lý, không còn phù hợp
hoặc không có hiệu quả cao8, do đó cần sửa đổi. Ở đây cũng vậy, hiểu biết pháp
luật nước ngoài có thể giúp chúng ta cải thiện chất lượng điều chỉnh của hệ
thống pháp luật đang tồn tại.
Để minh họa, chúng tôi lấy ví dụ về nghĩa vụ của doanh nghiệp yêu cầu mở thủ
tục giải quyết phá sản thông qua người đại diện ở Pháp và ở Việt Nam. Theo
pháp luật Pháp cũng như pháp luật Việt Nam, khi lâm vào tình trạng phá sản,
người đại diện doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết
phá sản, song trường hợp người đại diện doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp
đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản ở Việt Nam quá ít so với ở Pháp.
Theo thống kê ở nước ta, sau 7 năm Luật phá sản doanh nghiệp có hiệu lực chỉ



có hơn 20 doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản9 (có
nghĩa là trung bình mỗi năm 3 doanh nghiệp tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải
quyết phá sản) và theo một thẩm phán, Phó chánh Tòa kinh tế TAND TP. HCM,
"con số này không phản ánh đúng thực trạng sức khỏe các doanh nghiệp vì có
nhiều dấu hiệu cho thấy số lượng các doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả
năng thanh toán nợ đến hạn, phải tiến hành các thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên
bố phá sản doanh nghiệp lớn hơn nhiều"10. Ngược lại, theo số liệu thống kê ở
Pháp, từ đầu những năm 90, mỗi năm khoảng 30.000 doanh nghiệp tự thực hiện
nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản"11.
Vậy ở Pháp số trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu
mở thủ tục giải quyết phá sản gấp 10. 000 lần ở nước ta. Tại sao ở Pháp số
doanh nghiệp tự thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá
sản lại lớn hơn nhiều so với ở Việt Nam? So sánh pháp luật Việt Nam và pháp
luật Pháp, chúng ta nhận thấy lý do cơ bản của sự khác nhau này là vì, ở Pháp,
các nhà làm luật đã tạo ra một số biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp tự thực hiện
nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản mà chúng ta chưa có.
Chúng tôi xin trình bày một số biện pháp cụ thể.
7. Thứ nhất, so với ở Việt Nam, ở Pháp điều kiện để doanh nghiệp phải tự nộp
đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản rõ ràng hơn12. Theo Điều 9, khoản 1
Luật phá sản doanh nghiệp Việt Nam, "Trong trường hợp đã thực hiện các biện
pháp khắc phục khó khăn về tài chính để thanh toán các khoản nợ đến hạn, kể cả
khoản nợ mà doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh
toán các khoản nợ đến hạn, thì chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của
doanh nghiệp phải nộp đơn đến Tòa án nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp
yêu cầu giải quyết việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp" trong khi đó, theo pháp
luật phá sản Pháp (Điều L. 621-1 BLTM), doanh nghiệp mắc nợ phải tự nộp đơn
yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản "chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ngừng
thanh toán nợ", tức là kể từ ngày doanh nghiệp lâm vào tình trạng "không còn



khả năng thanh toán bằng vốn lưu động những khoản nợ đến hạn bị đòi"13. Vậy,
ở Pháp, tình trạng mà theo đó doanh nghiệp mắc nợ phải tự nộp đơn yêu cầu mở
thủ tục giải quyết phá sản rõ ràng hơn ở Việt Nam, chính sự rõ ràng này đã phần
nào giúp người đại diện doanh nghiệp biết được thời điểm phải nộp đơn yêu cầu
mở thủ tục giải quyết phá sản.
Thứ hai, ở Việt Nam, chúng ta buộc người đại diện doanh nghiệp phải nộp đơn
yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản nhưng lại chưa có các biện pháp chế tài
cho trường hợp họ không thực hiện nghĩa vụ này14 trong khi đó chế tài cho
trường hợp này đã được thiết lập ở Pháp. Theo Điều L. 642-3, BLTM Pháp,
trong trường hợp mất khả năng thanh toán, người điều hành doanh nghiệp (giám
đốc) có thể phải chịu trách nhiệm một phần hay toàn bộ những món nợ còn lại
của doanh nghiệp nếu họ có "lỗi trong quản lý". Điều L. 624-3 trên không định
nghĩa thế nào là "lỗi trong quản lý" nhưng theo Tòa án Pháp: là một "lỗi trong
quản lý" khi giám đốc chậm hay không yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản15.
Biện pháp chế tài về kinh tế này đối với giám đốc doanh nghiệp có nhiều hiệu
quả trong thực tế vì do sợ phải bỏ tiền túi của mình ra để thanh toán những món
nợ còn lại của doanh nghiệp nên giám đốc tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải
quyết phá sản khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán. Bên cạnh biện
pháp chế tài kinh tế trên, theo Điều L. 625-3 và điều L. 625-5 BLTM Pháp, nếu
không yêu cầu mở thủ tục phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ngừng
thanh toán nợ, Tòa án có thể tuyên bố cấm giám đốc điều hành trực tiếp cũng
như gián tiếp bất kỳ doanh nghiệp có hoạt động kinh tế trong một khoảng thời
gian nhất định.
Thứ ba, trong pháp luật phá sản Việt Nam, chúng ta không thấy chứa đựng quy
phạm có lợi cho bản thân giám đốc doanh nghiệp trong khi đó những quy phạm
này không ít trong pháp luật phá sản Pháp, do đó chúng ta sẽ không thúc đẩy
giám đốc tự thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản
như ở Pháp. Nói đến phá sản là nói đến nợ của doanh nghiệp và khi nói đến nợ
của doanh nghiệp là thường nói đến bảo lãnh việc thực hiện thanh toán nợ của



doanh nghiệp. Trong thực tế, nhiều món nợ của doanh nghiệp được bảo lãnh
bằng tài sản cá nhân của chính giám đốc hay bằng tài sản riêng của người thân
giám đốc. Khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng không còn khả năng thanh toán,
chủ nợ thường yêu cầu người bảo lãnh thực hiện thanh toán thay cho doanh
nghiệp. Vậy, nếu thiết lập trong pháp luật phá sản những quy phạm có lợi cho
người bảo lãnh, giám đốc doanh nghiệp sẽ tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải
quyết phá sản để được áp dụng những quy phạm có lợi cho mình. Nắm được
thực tế trên, các nhà làm luật Pháp đã thiết lập một số quy phạm có lợi cho
người bảo lãnh, tức là có lợi cho giám đốc hay người thân của giám đốc và do
đó thúc đẩy giám đốc tự thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải
quyết phá sản. Chúng tôi xin trích ra đây hai trong nhiều quy phạm: Theo Điều
L. 621-46, BLTM Pháp, món nợ chấm dứt nếu chủ nợ không gửi giấy đòi nợ
trong thời gian quy định theo pháp luật phá sản và, theo Tòa án tối cao Pháp,
người bảo lãnh không phải thanh toán thay cho doanh nghiệp mắc nợ bị tuyên
bố mở thủ tục giải quyết phá sản trong trường hợp này16. Tương tự, theo Điều
L. 621-48 BLTM Pháp, quyết định mở thủ tục giải quyết phá sản tạm đình chỉ,
cho đến ngày có quyết định phục hồi hay tuyên bố phá sản doanh nghiệp, mọi
yêu cầu buộc người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho doanh
nghiệp mắc nợ. Tiếp theo, Tòa án có thể gia hạn thanh toán nợ cho người bảo
lãnh trong thời gian hai năm. Những quy phạm nêu trên cho thấy người bảo lãnh
là giám đốc hay là người thân của giám đốc có nhiều lợi ích cá nhân nếu giám
đốc yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản và chính vì vậy mà trong thực tế giám
đốc thường xuyên tự thực hiện nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục giải
quyết phá sản doanh nghiệp.
Phần trình bày trên cho chúng ta thấy lý do căn bản của sự khác nhau giữa số
lượng doanh nghiệp tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ở Pháp và ở Việt
Nam: các nhà làm luật Pháp đã tìm được một số biện pháp thúc đẩy chủ doanh
nghiệp tự nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đây có thể là một kinh nghiệm



tốt để chúng ta cải thiện chất lượng điều chỉnh nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ
tục phá sản.
III. Vai trò cỦa luật so sánh trong công cuỘc hoàn thiỆn pháp luẬt ViỆt Nam
vỀ mẶt phương pháp hoàn thiỆn
8. Để đưa vào thực tế đời sống những giải pháp mà họ cho là phù hợp nhất với
hoàn cảnh xã hội của mình, tức là để hoàn thiện pháp luật, các nhà làm luật phải
luật hóa chúng. Trong thực tế, để luật hóa một giải pháp cụ thể, các nhà làm luật
không chỉ có một mà một vài phương pháp khác nhau. Mỗi phương pháp có
những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó và, ở đây, hiểu biết pháp luật nước
ngoài không chỉ giúp chúng ta hoàn thiện pháp luật về chất lượng cũng như khối
lượng điều chỉnh mà còn giúp chúng ta về phương pháp hoàn thiện pháp luật.
Để minh họa, chúng tôi xin trình bày một trong những phương pháp khá phổ
biến ở Pháp nhưng còn ít khai thác, phát triển ở nước ta.
Khi tham khảo sách báo pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp chúng ta nhận
thấy, mỗi khi một vấn đề pháp lý không được điều chỉnh rõ ràng, phần lớn các
nhà làm luật Việt Nam yêu cầu có sự can thiệp của Quốc hội hay Chính phủ
bằng một văn bản cụ thể trong khi đó, ở Pháp, các nhà làm luật thường tìm ra
giải pháp cụ thể và đưa giải pháp này thành luật bằng cách vận dụng linh hoạt
các văn bản pháp luật đã tồn tại thông qua giải thích chúng. Nếu mỗi một vấn đề
pháp lý phát sinh đều được Quốc hội hay Chính phủ điều chỉnh kịp thời bằng
những văn bản chi tiết cụ thể thì đây là một điều tốt cho tất cả mọi người.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chúng ta chỉ có một Quốc hội, một Chính phủ
trong khi đó những vấn đề pháp lý cụ thể cần giải quyết thì nhiều. Vậy, bên cạnh
việc kiến nghị Quốc hội hay Chính phủ can thiệp bằng một văn bản cụ thể,
chúng ta nên kết hợp việc hoàn thiện pháp luật thông qua phương pháp giải
thích luật như ở một số nước, nhất là khi văn bản ở nước ta còn ở dạng khung.
Chúng tôi xin lấy ví dụ việc điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi
cạnh tranh không lành mạnh gây ra ở Pháp và việc phủ nhận thẩm quyền giải

quyết tranh chấp của Trọng tài kinh tế đối với vấn đề quyền con người hay tình


trạng cá nhân ở Việt Nam.
9. Theo Điều 1382 và 1383 BLDS Pháp, "mọi hành vi gây thiệt hại cho người
khác buộc người có lỗi phải bồi thường thiệt hại gây ra" và "mỗi người phải chịu
trách nhiệm về thiệt hại gây ra không chỉ do hành vi của họ mà cả do sơ suất của
họ". Vậy, khi gây ra thiệt hại, người có lỗi phải bồi thường, song cả hai điều luật
trên đều không định nghĩa thế nào là lỗi. Ở Pháp, không quy định nào điều chỉnh
cụ thể việc bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra.
Để bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại và củng cố sự trong sạch của hoạt
động thương mại, việc điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh là cần
thiết, nhất là vấn đề bồi thường thiệt hại. Mặc dù không có quy định cụ thể nào,
song theo thực tiễn xét xử Pháp, người có hành vi cạnh tranh không lành mạnh
có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra và người bị gây thiệt hại có quyền yêu
cầu bồi thường thiệt hại vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một lỗi theo
Điều 1382 và 1383 BLDS Pháp nêu trên17. Vậy, thông qua việc giải thích luật,
Tòa án Pháp đã hoàn thiện pháp luật Pháp đối với vấn đề bồi thường thiệt hại do
hành vi cạnh tranh không lành mạnh gây ra và không cần một văn bản cụ thể
nào của Nghị viện hay Chính phủ để điều chỉnh. Chúng ta có thể sử dụng
phương pháp này ở Việt Nam, ví dụ đối với việc phủ nhận thẩm quyền giải
quyết tranh chấp của Trọng tài kinh tế đối với vấn đề quyền con người hay tình
trạng cá nhân.
10. Theo Điều 1 Nghị định số 116-CP ngày 5/9/1994 về hoạt động của Trọng tài
kinh tế, "Trọng tài kinh tế là tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thẩm quyền giải
quyết các tranh chấp về hợp đồng kinh tế" và theo Điều 2, Điều lệ Tổ chức
Trung tâm trọng tài kinh tế quốc tế Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số
204-TTg ngày 28/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ), "Trung tâm Trọng tài Quốc
tế Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ
kinh tế quốc tế". Không một văn bản nào hiện nay quy định một cách rõ ràng là

Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến "quyền con
người, tình trạng cá nhân", do đó theo tác giả Dương Văn Mậu, "Nhà nước cần


bảo lưu một số tranh chấp liên quan đến quyền con người, tình trạng cá nhân" và
"Luật về trọng tài trong tương lai cần quy định vấn đề này"18. Theo chúng tôi,
nếu sử dụng linh hoạt phương pháp giải thích luật để hoàn thiện pháp luật như ở
Pháp vừa nêu trên, chúng ta không cần thiết phải đưa ra một điều luật mới mà
chỉ cần giải thích hai điều luật liệt kê ở trên, cụ thể là thuật ngữ "kinh tế": Theo
hai điều luật nêu trên, Trọng tài có thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp
kinh tế và vì tranh chấp liên quan đến quyền con người, tình trạng cá nhân
không phải là tranh chấp kinh tế nên Trọng tài kinh tế không có thẩm quyền giải
quyết loại tranh chấp này.
10. Tóm lại bài viết, chúng ta có thể kết luận là luật so sánh có tiềm năng to lớn
trong việc hoàn thiện pháp luật nước ta về mặt khối lượng và chất lượng điều
chỉnh cũng như về phương pháp hoàn thiện pháp luật. Tuy nhiên, đây chỉ là tiềm
năng của luật so sánh. Để phát huy được tiềm năng này, chúng ta phải hiểu biết
tốt pháp luật nước ngoài vì chúng ta không thể so sánh pháp luật nước ta với
pháp luật nước ngoài nếu chúng ta không có sự hiểu biết pháp luật nước ngoài.
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, luật so sánh đã phần nào phát huy được tiềm
năng của nó nhưng còn hạn chế vì chúng ta còn thiếu luật gia hiểu biết tốt pháp
luật nước ngoài. Chúng ta đã mời chuyên gia nước ngoài để giúp chúng ta xây
dựng và sửa đổi pháp luật song giải pháp này còn nhiều hạn chế. Ví dụ, hạn chế
này được thể hiện khá rõ trong việc mời chuyên gia nước ngoài để sửa đổi Luật
phá sản doanh nghiệp năm 1993: Dự thảo sửa đổi Luật phá sản doanh nghiệp
năm 1993 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua còn khá sơ sài về khối lượng cũng
như chất lượng điều chỉnh so với pháp luật phá sản Pháp trong khi đó chúng ta
đã một vài lần mời chuyên gia Pháp để học hỏi. Hạn chế này có thể được lý giải
như sau: Thứ nhất, chuyên gia nước ngoài không biết tiếng Việt nên cần phiên
dịch do đó mất rất nhiều thời gian và đôi khi dịch thuật không diễn tả được hết ý

của hai bên. Thứ hai, chuyên gia nước ngoài chỉ giúp chúng ta một phần nào vì
họ không có thời gian. Thứ ba, do không hiểu biết nhiều về văn hóa và thực tế
cũng như con người Việt Nam nên chuyên gia nước ngoài không biết được


những gì chúng ta thiếu và cần; nhiều điều chúng ta cần nhưng họ lại cho là
không, nhiều giải pháp mà chúng ta cần tham khảo thì đối với họ lại là hiển
nhiên vì những thứ đó họ đã được học từ thời kỳ còn ở ghế nhà trường. Vậy, để
tận dụng tốt vai trò của luật so sánh trong công cuộc hoàn thiện pháp luật nước
ta, bên cạnh việc sử dụng chuyên gia nước ngoài, chúng ta nên gửi người Việt
Nam sang đào tạo trực tiếp tại đất nước mà chúng ta muốn sử dụng pháp luật
của họ làm cơ sở phát triển pháp luật nước ta. Hiện nay, chúng ta có gửi sinh
viên sang một số nước để đào tạo, song theo thông tin mà chúng tôi nhận được,
phần lớn nghiên cứu sinh Việt Nam sang nước ngoài làm luận văn Thạc sĩ và
luận văn Tiến sĩ không đi sâu vào nghiên cứu pháp luật nước ngoài mà đi sâu
vào nghiên cứu pháp luật Việt Nam để bảo vệ ở nước sở tại, do đó có rất ít thời
gian nghiên cứu pháp luật nước ngoài19. Thực tế này là đáng tiếc vì chúng ta bỏ
phí khoảng thời gian nghiên cứu và học tập tại nước ngoài. Vậy, về lâu dài,
chúng ta nên tạo điều kiện, khuyến khích và hướng nghiên cứu sinh Việt Nam đi
sâu vào nghiên cứu học hỏi pháp luật nước ngoài nếu chúng ta muốn khai thác
tốt tiềm năng của luật so sánh để hoàn thiện pháp luật nước ta./.



×