1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn
ngữ mang tính hoàn chỉnh, trọn vẹn nhất, đồng thời là một đơn vị
ngôn ngữ phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống và
các ngành khoa học. Vì vậy, văn bản cũng là đối tượng nghiên cứu
của rất nhiều nhà ngôn ngữ học trong và ngoài nước. Tuy nhiên khi
nghiên cứu về văn bản, các nhà ngôn ngữ học thường quan tâm đến
các tiêu chí xác định một văn bản, kết cấu văn bản, các đặc trưng
của văn bản, các kiểu văn bản, … ít đề cập đến đặc điểm, chức năng
của từng phần cụ thể trong văn bản, đặc biệt là phần kết thúc trong
văn bản nghệ thuật.
Trong văn bản nghệ thuật, phần kết thúc có vai trò quan trọng
trong việc khái quát nội dung, chủ đề tư tưởng, tăng khả năng nhấn
mạnh và biểu cảm cho tác phẩm văn chương, đồng thời góp phần
mở ra những tầng ý nghĩa mới. Phần kết thúc trong văn bản nghệ
thuật mang đậm dấu ấn và cá tính sáng tạo của nhà văn.
Trong truyện ngắn, phần kết thúc đóng vai trò quan trọng
trong sự thành bại của một truyện ngắn. Vì vậy, trau chuốt, tổ chức
sắp xếp diễn biến của câu chuyện tên cơ sở các phần trong đó có
phần kết truyện là phương châm sáng tác được nhiều tác giả truyện
ngắn tâm đắc. Kết thúc không chỉ có ý nghĩa giản đơn là sự dừng lại
hay chỉ là kết thúc câu chuyện, kết thúc số phận nhân vật, kết thúc
mâu thuẫn mà kết thúc truyện còn có vai trò gợi mở ra nhiều vấn đề
của cuộc sống của quá khứ, hiện tại và tương lai, tạo nên sự đồng
sáng tạo đối với người đọc. Người đọc sẽ thực sự tâm đắc khi
1
2
thưởng thức phần kết truyện độc đáo ấn tượng. Do đó, phần kết
truyện phải tạo ra những âm vang in dấu ấn trong tâm tưởng người
đọc, khiến cho họ phải suy nghĩ về các vấn đề mà tác giả đặt ra
trong tác phẩm. Một tác phẩm xuất sắc phải là tác phẩm mà sau khi
người đọc đã gấp lại xong trang sách mà vẫn không dứt khỏi những
ám ảnh, suy tư về câu chuyện. Có thể xem kết thúc là cái đích nội
dung của truyện, là nghệ thuật khép truyện của nhà văn. Nhà văn
Đỗ Chu đã từng viết : “Còn như kết thúc truyện ngắn: đó là một
hành động dễ gây ra những gì xúc động đột ngột. Ta sẽ rất sung
sướng nếu cảm thấy vừa khép kín một cái gì hình thành. Và ta sẽ
buồn bã biết bao nếu chợt nhận ra mình đã lầm lẫn. Ở phút dừng
lại, có thể biết những gì mình đã viết ra thành công đến đâu” [37;
tr.30].
1.2. Truyện ngắn là thể loại văn xuôi nghệ thuật rất gần với
đời sống hàng ngày: “Truyện ngắn là những giọt nước mát trắng
trong nhụy hoa cho người đang khát, là một bóng cây nhỏ an ủi
khách lữ hành trên sa mạc trước khi anh ta đến được lâu đài…Có
hàng ngàn trang tiểu thuyết không để lại một từ nào cho người đọc,
nhưng một vài bóng nhỏ của Lỗ Tấn, L.Tônxtôi, A.Tsêkhôp,
M.Gorki, C.Pauxtôpxki, Ơ.Hêminhuê, G.đơMôpatxăng, Ô. Henri,
chở che ta suốt nhiều thế hệ, làm ta yêu mến mãi văn chương ” [26;
tr .31].
Ở Việt Nam, so với nhiều thể loại văn xuôi nghệ thuật, truyện
ngắn là thể văn học chiếm ưu thế và đạt được nhiều thành tựu hơn
cả. Giai đoạn 1930- 1945 được coi là giai đoạn bùng nổ của truyện
ngắn Việt Nam. Đây là giai đoạn truyện ngắn hoàn tất quá trình hiện
2
3
đại hóa với nhiều cuộc cách tân sâu sắc cả về hình thức lẫn nội
dung. Truyện ngắn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể
với sự xuất hiện của một đội ngũ đông đảo những tác giả tài năng,
cùng với sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm được coi là kiệt tác
trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong đó phải kể đến tên tuổi
những nhà văn đã đi vào tâm thức của những người yêu văn học
như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Thạch Lam…
Đây là những tác giả tiêu biểu cho dòng văn học giai đoạn 1930 –
1945, đồng thời cũng là những tác giả có các tác phẩm được lựa
chọn để đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường phổ
thông. Các tác phẩm của họ không chỉ là những sản phẩm tinh thần
có ý nghĩa giáo dục, bồi đắp tư tưởng tình cảm cho học sinh mà còn
là những ngữ liệu tiêu biểu góp phần giúp học sinh rèn luyện kĩ
năng xây dựng văn bản.
1.3. Về mặt thực tiễn, hiện nay trong nhà trường phổ thông,
ngay từ chương trình Ngữ văn bậc THCS học sinh đã được tiếp cận
khái niệm văn bản. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều học sinh còn mơ
hồ và lúng túng trong việc xác định bố cục của một văn bản, cũng
như chưa xây dựng được kĩ năng vận dụng các hiểu biết về đặc
điểm, chức năng, mối quan hệ đa chiều của các phần trong văn bản
đặc biệt là phần kết thúc văn bản để khai thác chủ đề tư tưởng của
tác phẩm một cách hiệu quả. Bởi vậy việc nghiên cứu phần kết thúc
trong truyện ngắn sẽ góp phần tích cực vào việc giảng dạy môn Ngữ
văn ở trường phổ thông.
3
4
Với tất cả những lí do ở trên, chúng tôi đã quyết định chọn đề
tài nghiên cứu là “Phần kết thúc trong truyện ngắn Việt Nam
giai đoạn 1930 - 1945 ” (qua khảo sát truyện ngắn của một số
tác giả tiêu biểu).
2. Lịch sử vấn đề
2.1.Khái quát tình hình nghiên cứu về phần kết thúc trong văn
bản
Khi nghiên cứu về văn bản, các nhà ngôn ngữ học trong và
ngoài nước đã đề cập đến phần kết thúc trong văn bản.
I.R. Gal’perin (1981) trong công trình Văn bản với tư cách là
đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học đã viết: “Trong dạng thức
đúng đắn, văn bản có mở đầu và có kết thúc. Văn bản không có mở
đầu và kết thúc chỉ có thể tồn tại như sự sai lệch với mẫu văn bản
đã xác định loại hình” [16; tr.78].
Ở Việt Nam, các nhà Việt ngữ học, khi nghiên cứu kết cấu của
một văn bản cũng quan tâm đặc biệt tới phần kết thúc. Diệp Quang
Ban (1992) quan niệm: “phần kết có tác dụng tạo cho văn bản tính
chất kết thúc, tính chất “đóng” cả về phương diện nội dung lẫn
phương diện hình thức. Phần kết không nhất thiết phải mang tính
chất kết luận theo kiểu của một suy lí logic” [7; tr.108].
Tác giả Lê A (2000) cũng đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của
phần kết thúc là “đặt dấu chấm cuối cùng cho nội dung văn bản,
thông báo về sự hoàn chỉnh, trọn vẹn của văn bản” [3; tr.54].
Phan Mậu Cảnh (2002) cho rằng: “phần kết thúc là phần tóm
lược, tổng kết những nội dung chính đã trình bày thành các luận
4
5
điểm, kết luận cơ bản hoặc nêu tình tiết kết thúc, các nhận xét cảm
tưởng đối với những điều đã nêu trên. Phần kết thúc là phần khép
lại văn bản, làm cho văn bản có tính hoàn chỉnh” [35; tr.164].
Như vậy, có thể thấy rằng, phần lớn các nhà ngôn ngữ học đã
xác định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của phần kết thúc trong văn
bản.
2.2. Khái quát tình hình nghiên cứu về phần kết thúc trong
truyện ngắn
Vấn đề kết thúc văn bản nghệ thuật nói chung và kết thúc
truyện ngắn nói riêng từng được một số tác giả đề cập đến.
Bàn về kinh nghiệm viết văn nhiều nhà văn bậc thầy trên thế
giới và trong nước đã nhấn mạnh đến vai trò của phần kết thúc. Có
thể kể đến như:
A.Tsêkhốp, nhà văn bậc thầy về truyện ngắn nhấn mạnh đến
vai trò của phần mở đầu và kết luận trong truyện ngắn:“theo tôi,
viết truyện ngắn cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận”
[41; tr.92].
Nhà văn Nga Y.U Nagibin cũng cho rằng “nên nghĩ cho kĩ về
mở đầu và kết luận”, “cần nhớ rằng đoạn đầu và đoạn cuối tác
phẩm là một cái gì tinh tế, phức tạp, yêu cầu chú ý thật cao” [20;
tr.56].
Nhà văn Đỗ Chu khẳng định “Còn như kết thúc truyện ngắn:
đó là một hành động dễ gây ra những gì xúc động đột ngột. Ta sẽ
rất sung sướng nếu cảm thấy vừa khép kín một cái gì hình thành.
Và ta sẽ buồn bã biết bao nếu chợt nhận ra mình đã lầm lẫn. Ở phút
5
6
dừng lại, có thể biết những gì mình đã viết ra thành công đến đâu.
Cái thú của người viết truyện ngắn có khi nằm ở ngay chỗ đó nữa”
[37; tr.30].
Dưới góc độ thi pháp học, Trần Đình Sử (2001) đã tìm hiểu
phần mở đầu và kết thúc trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.
Tác giả thừa nhận kết cấu ba phần của văn bản và từ mô hình kết
cấu này chỉ ra các phương tiện tu từ văn bản được thể hiện trong
truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan như: rút gọn phần mở đầu, mở
rộng phần mở đầu, rút gọn phần kết thúc. Phần kết thúc trong truyện
ngắn đã được tác giả quan tâm nhưng mới ở phương diện là biện
pháp tu từ văn bản.
Ở góc độ nghiên cứu, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng nhận
định về vai trò của đơn vị kết thúc truyện ngắn như sau: “Cách kết
thúc nào trong truyện ngắn cũng đều nhằm tái hiện nghệ thuật sự
đa dạng và phức tạp của cuộc sống. Điều quan trọng hơn cả là
đằng sau mỗi cách kết thúc tác phẩm, tác giả phải gieo vào lòng
người đọc những dự cảm về tương lai, về cái đẹp và khả năng thấu
thị đời sống trong dòng chảy liên tục của nó” [41; tr.70]. Trong một
công trình khác, Bùi Việt Thắng một lần nữa khẳng định: “trong
thực tiễn sáng tác truyện ngắn thì các nhà văn chú ý đến hai khâu
quan trọng nhất khi xây dựng cốt truyện: chi tiết và đoạn kết ” [4;
tr.84].
Trong một số bài viết, nhiều tác giả cũng đã đề cập đến vai trò
của đơn vị kết thúc văn bản như :
6
7
Bài viết Nơi tác phẩm kết thúc là cuộc sống bắt đầu tác giả
Bùi Việt Thắng (1998) đề cập tới vai trò của đoạn kết thúc truyện
ngắn. Trong bài này, tác giả đã chứng minh sự tồn tại của các kiểu
kết thúc khác nhau: kết khép, kết mở, kết bất ngờ và kiểu truyện
không có kết [37; tr.5].
Bài viết Các kiểu kết thúc truyện ngắn hôm nay của tác giả Lê
Thị Hường (1995) bàn đến các kiểu kết thúc chung thường gặp như:
1. Kết thúc để ngỏ
2. Kết thúc có nhiều đoạn kết
3. Kết thúc đối nghịch
4. Loại truyện có mở đầu mà không có kết thúc
Trong quan niệm của tác giả bài viết, phần kết thúc của truyện có
thể trùng hoặc không trùng với đoạn văn kết thúc.[37; tr.4].
Tác giả Trần Anh Hào (1999) có bài Vai trò của đoạn mở, đoạn
kết với tiếng cười trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Bài
viết này xét cơ chế gây cười của đoạn mở, đoạn kết trong một số
truyện ngắn trào phúng tiêu biểu của Nguyễn Công Hoan [37; tr.5].
Gần đây một số luận văn thạc sỹ cũng đã bắt đầu nghiên cứu
về phần kết thúc trong văn bản, phần kết thúc trong truyện ngắn, có
thể kể đến như: Luận văn Đặc điểm đoạn văn kết thúc trong truyện
ngắn Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh của tác
giả Tạ Mai Anh (2002); Luận văn Đoạn mở đầu và đoạn kết thúc
trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu của tác giả Lê Thị Thùy Nga
(2009)… Tuy nhiên các luận văn trên mới chỉ dừng lại ở việc khảo
sát, thống kê và nêu ra một số đặc điểm cơ bản như: cấu tạo, chức
7
8
năng, quan hệ của đoạn văn kết thúc trong tác phẩm của những tác
giả cụ thể. Có thể khẳng định, cho tới nay chưa có một công trình
nghiên cứu nào khảo sát một cách đầy đủ về phần kết thúc truyện
ngắn trong một giai đoạn của văn học Việt Nam.
Như vậy, qua tình hình nghiên cứu phần kết thúc văn bản, có
thể thấy rằng việc nghiên cứu về phần kết thúc trong văn bản nói
chung và truyện ngắn nói riêng đã được chú ý đề cập nhưng đang
còn ít ỏi và chưa được đi sâu nghiên cứu.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu: Chỉ ra đặc điểm và chức năng của
phần kết thúc trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
3.2. Đối tượng nghiên cứu: Các phần kết thúc trong truyện
ngắn Việt Nam của một số tác giả tiêu biểu giai đoạn 1930 - 1945.
3.3. Phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu truyện ngắn
Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1945. Trong đó tập trung vào một
số tác giả được lựa chọn giảng dạy trong nhà trường phổ thông như
Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam,
Nguyễn Tuân và Bùi Hiển.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu:
Luận văn thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:
- Khảo sát, thống kê các phần kết thúc trong truyện ngắn của
các tác giả tiêu biểu giai đoạn 1930- 1945.
- Chỉ ra các đặc điểm, chức năng của phần kết thúc trong
truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930- 1945.
8
9
5. Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện luận văn này,
chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như sau:
- Phương pháp thống kê, phân loại: Phương pháp này nhằm
thống kê, phân loại tần số xuất hiện các phần kết thúc trong truyện
ngắn của một số tác giả tiêu biểu giai đoạn 1930 - 1945.
- Phương pháp miêu tả: Miêu tả hình thức, cấu tạo của các phần
kết thúc.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Luận văn áp dụng phương
pháp này để tìm ra các đặc điểm về cấu tạo, quan hệ, chức năng của
phần kết thúc trong truyện ngắn.
6. Đóng góp của luận văn:
- Về lí luận: Bước đầu góp phần làm rõ đặc điểm của phần kết
thúc trong mối quan hệ với các bộ phân khác trong văn bản nói
chung, truyện ngắn nói riêng.
- Về thực tiễn: góp phần giúp cho người sử dụng tiếng Việt
nhất là đối với giáo viên và học sinh phổ thông hiểu đúng ý nghĩa,
giá trị của phần kết thúc trong văn bản và rèn luyện kĩ năng xây
dựng văn bản.
7. Bố cục luận văn:
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận của đề tài
Chương 2: Đặc điểm của phần kết thúc trong truyện ngắn Việt
Nam giai đoạn 1930 - 1945.
Chương 3: Chức năng và quan hệ của phần kết thúc trong
truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
9
10
10
11
Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Quan niệm về văn bản
Đưa văn bản trở thành đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học
là một bước tiến trong lịch sử của khoa học ngôn ngữ và là một
hành trình “lắm gập ghềnh, lâu dài và phức tạp” [35; tr.13]. Đúng
như lời nhận xét của nhà ngôn ngữ học Nga Z.Veginxev: “các nhà
khoa học bắt tay vào nghiên cứu văn bản có lẽ cũng không ngờ
rằng họ phải làm việc với một đối tượng mà về mặt tầm cỡ không
thua kém gì vũ trụ - thực chất đó chính là vũ trụ ngôn ngữ học”
[35; tr.13].
Xung quanh khái niệm văn bản có rất nhiều những quan niệm,
những ý kiến, định nghĩa khác nhau. Có thể kể đến ý kiến của một
số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như sau:
Nhấn mạnh đến tính hoàn chỉnh của văn bản về cả nội dung và
cấu trúc cũng như thừa nhận văn bản là một đơn vị lớn hơn câu L.M
Loseva (1980) cho rằng “Văn bản là điều thông báo viết có đặc
trưng là tính hoàn chỉnh về ý và cấu trúc và thái độ nhất định của
các tác giả đối điều được thông báo…Về phương diện cú pháp, văn
bản là một hợp thể gồm nhiều câu (ít khi là một câu) liên kết với
nhau bởi ý và bằng các phương tiện từ vựng - ngữ pháp”[35; tr.15].
M.Halliday (1976) cho rằng: “Văn bản như một đơn vị ngữ
nghĩa: một đơn vị không phải của hình thức mà là cả ý nghĩa” [35;
tr.15].
Nhấn mạnh đến điểm xuất phát và đích đến của văn bản là
hướng tới hoạt động giao tiếp, I.R. Gal’perin (1981) quan niệm:
11
12
“Văn bản - đó là sản phẩm của quá trình sáng tạo lời mang tính
cách hoàn chỉnh, được khách quan hóa dưới dạng tài liệu viết,
được trau chuốt văn chương theo loại hình tài liệu ấy, là tác phẩm
gồm tên gọi (đầu đề) và một loạt đơn vị riêng (những thể thống nhất
trên câu) hợp nhất lại bằng những liên hệ khác nhau về từ vựng,
ngữ pháp, logic, tu từ, có một hướng đích nhất định và một mục tiêu
thực dụng”[35; tr.16].
Ở Việt Nam, các nhà Việt ngữ học cũng đã đưa ra nhiều quan
niệm, định nghĩa về văn bản:
Nhấn mạnh tính cấu trúc và tính liên kết trong văn bản, Trần
Ngọc Thêm (1985) cho rằng : “Văn bản là một hệ thống mà trong
đó các câu mới chỉ là phần tử. Ngoài các câu - phần tử, trong hệ
thống văn bản còn có cấu trúc. Cấu trúc của văn bản chỉ ra vị trí
của mỗi câu và những mối quan hệ của nó với những câu xung
quanh và toàn văn bản nói chung. Sự liên kết là mạng lưới của
những quan hệ và liên hệ ấy”[35; tr.16].
Dựa vào sự hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, dạng tồn tại
và đích giao tiếp của văn bản, Nguyễn Quang Ninh (1994) cho rằng:
“Văn bản là một thể hoàn chỉnh về hình thức, trọn vẹn về nội dung,
thống nhất về cấu trúc và độc lập về giao tiếp. Dạng tồn tại điển
hình của văn bản là dạng viết”[35; tr.16].
Tương đồng với Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán cho
rằng : “Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp ngôn ngữ, ở
dạng viết, thường là tập hợp của các câu, có tính chất trọn vẹn về
12
13
nội dung, tính hoàn chỉnh về hình thức, có tính liên kết chặt chẽ và
hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định” [3; tr.27].
Đỗ Hữu Châu (2005) quan niệm “Văn bản là một biến thể
dạng viết liên tục của ngôn bản thực hiện một hoặc một số đích
nhất định nhằm vào những người tiếp nhận nhất định thường là
không trực tiếp có mặt khi văn bản được sinh ra” [13; tr.723].
Như vậy, mặc dù có những cách định nghĩa khác nhau nhưng
vẫn có thể đi đến thống nhất ở những điểm sau về văn bản:
1) Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn
ngữ
2) Văn bản là một chỉnh thể thông qua sự liên kết để tạo nên
một đơn vị trọn vẹn về nội dung và hình thức
3) Văn bản là một đơn vị độc lập trong giao tiếp có thể tách
rời khỏi ngữ cảnh
4) Văn bản là một đơn vị mang tính phong cách.
Từ những quan niệm trên, chúng tôi đi đến thống nhất cách
hiểu về văn bản như sau: Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao
tiếp bằng ngôn ngữ, có tính trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về
hình thức, có tính liên kết chặt chẽ, có khả năng hoạt động độc lập
và hướng tới một mục tiêu giao tiếp nhất định.
1.2. Đặc trưng của văn bản
1.2.1. Tính hoàn chỉnh của văn bản
Trong ngôn ngữ, tính chỉnh thể hay tính hoàn chỉnh được nói
nhiều ở các cấp độ ngôn ngữ bởi nó là điều kiện để đảm bảo sự tồn
tại của các đơn vị ngôn ngữ. Chẳng hạn, hoàn chỉnh của từ để đảm
13
14
bảo cho từ là đơn vị có sẵn, có tính định danh; hoàn chỉnh cho câu
để đảm bảo cho câu thực hiện chức năng thông báo và hoàn chỉnh
cho văn bản để thể hiện chủ đề. Đối với văn bản, tính chỉnh thể
được biểu hiện ở cả phương diện nội dung và hình thức.
Về hình thức, văn bản phải có kết cấu, bố cục hợp lí từ phần
mở đầu đến phần kết thúc văn bản.
Về nội dung, một văn bản được coi là hoàn chỉnh về nội dung
khi mà ý đồ của người viết đã được thể hiện trong toàn bộ văn bản,
thể hiện qua cách nêu vấn đề, trình bày, giải quyết vấn đề và cuối
cùng là kết luận rút ra tất cả những điều đã trình bày trong văn bản.
Ngoài ra, tính chủ đề cũng là một biểu hiện của tính hoàn chỉnh của
văn bản. Tức là, một văn bản luôn phải thể hiện được một chủ đề bao
trùm và triển khai một cách thống nhất trong toàn văn bản.
Tính hoàn chỉnh của văn bản vừa mang tính khách quan vừa
mang tính chủ quan. Tính khách quan là do qui luật tư duy của con
người: mọi sự vật tồn tại trong tính chỉnh thể, quá trình nhận thức
của con người là một quá trình hoàn chỉnh đi từ trực quan sinh động
đến tư duy trừu tượng. Về chủ quan: có những vấn đề người viết
cho là đầy đủ, trọn vẹn nhưng một số người cho là chưa hoàn chỉnh.
Ngoài ra, văn bản còn phản ánh trình độ tư duy của con người trong
một thời đại nhất định, có những văn bản ở thời kì này là đúng
nhưng ở thời kì khác lại có độ lệch. Vì vậy, tính hoàn chỉnh của văn
bản chỉ là tương đối, nó phụ thuộc vào dung lượng văn bản, vào vấn
đề văn bản nêu ra và phụ thuộc vào lượng thông tin mà người đọc
giải mã, tiếp nhận được.
14
15
Tóm lại, hoàn chỉnh là một đặc trưng quan trọng của văn bản.
Tính hoàn chỉnh có mối quan hệ chặt chẽ với tính liên kết để đảm
bảo cho sự tồn tại của văn bản.
1.2.2. Tính liên kết của văn bản
“Liên kết chính là mạng lưới các mối quan hệ về nội dung và
hình thức giữa các thành tố trong văn bản, đồng thời đó cũng là
mối quan hệ giữa văn bản với các nhân tố nằm ngoài văn bản” [35;
tr.23]. Trong văn bản, liên kết là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các
phần (bao gồm các đơn vị: câu, đoạn văn, phần…), làm cho các
phần trong văn bản hướng về một nội dung - chủ đề thống nhất.
Liên kết trong văn bản được biểu hiện ở hai phương diện , đó là liên
kết về nội dung và liên kết về hình thức.
Liên kết hình thức là một phương diện quan trọng của liên kết
nhằm thể hiện nội dung, chủ đề của văn bản, là “hệ thống các
phương thức liên kết hình thức” [8; tr.121]. Liên kết hình thức trong
văn bản được thể hiện bằng việc sử dụng các phương thức liên kết và
các phương tiện liên kết để biểu đạt nội dung.
Liên kết nội dung của văn bản thể hiện ở việc tập trung, thống
nhất, hướng về chủ đề của văn bản. Mỗi câu, mỗi đoạn văn trong
văn bản chỉ là một bộ phận của nội dung. Tập hợp của nội dung của
nhiều câu, nhiều đoạn văn cho ta chủ đề chung của toàn bộ văn bản.
Liên kết nội dung trong văn bản còn thể hiện ở mặt liên kết
logic. Đó là sự tổ chức, sắp xếp các nội dung (thể hiện trong các
câu, các phần của văn bản) sao cho phù hợp với khách quan (logic
15
16
sự kiện) và nhận thức của con người (logic chủ quan). Khi các câu
có sự liên kết về nội dung - ngữ nghĩa thì ở chúng có sự liên kết.
Giữa liên kết nội dung và liên kết hình thức có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau, mối quan hệ này được thể hiện như sau: “giữa
hai mặt liên kết nội dung và liên kết hình thức có mối quan hệ biện
chứng chặt chẽ: liên kết nội dung được thể hiện bằng hệ thống các
phương thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng
để diễn đạt sự liên kết nội dung liên kết” [8; tr.120]. Liên kết nội
dung chỉ được nhận ra trong mối quan hệ với liên kết hình thức
“Liên kết nội dung được thể hiện bằng một hệ thống các phương
thức liên kết hình thức, và liên kết hình thức chủ yếu dùng để diễn
đạt sự liên kết nội dung” [8; tr.135].
Tóm lại: Liên kết là một đặc trưng quan trọng của văn bản, là
yếu tố để có thể xác định và phân biệt giữa văn bản với tập hợp
ngẫu nhiên của những đơn vị ngôn ngữ. Tính liên kết sẽ giúp cho
văn bản có tính chỉnh thể, tức là đảm bảo sự trọn vẹn về nội dung và
hoàn chỉnh về hình thức.
1.2.3.Tính khả phân của văn bản
Khi văn bản có nhiều nội dung phức tạp sẽ nảy sinh vấn đề
phân đoạn văn bản. Một văn bản lớn có thể phân ra thành nhiều đơn
vị (phần, đoạn văn, câu). Đây là đặc tính khả phân của văn bản. Sự
phân chia văn bản vừa xuất phát từ yêu cầu về logic - ngữ nghĩa
(mang tính khách quan), vừa xuất phát từ mục đích tu từ (mang tính
chủ quan).
16
17
Về mặt logic – ngữ nghĩa, việc phân chia sẽ làm rõ cấu trúc
chung của văn bản, tạo cho văn bản có kết cấu cân đối, hợp lí.
Về mục đích tu từ, việc phân chia trong văn bản nhất là văn
bản nghệ thuật mang đậm màu sắc tu từ, mang tính chủ quan thể
hiện dụng ý, ý thức của người viết: nhằm nhấn mạnh khắc sâu, nêu
ý tưởng hay bộc lộ một tình cảm nào đó.
Trong văn bản nghệ thuật, sự phân chia văn bản phần lớn là
mang tính chủ quan, phụ thuộc ý đồ của nhà văn. Đúng như
I.R.Gal’perin (1987) nhận định: “việc phân chia cả một văn bản
hoàn chỉnh thành các phần là do tác giả muốn chuyển từ một tuyến
chủ đề này sang một tuyến chủ đề khác hoặc từ một tình tiết này
sang một tuyến tình tiết khác trong phạm vi một chủ đề”. Tác giả
nhấn mạnh, trong văn bản nghệ thuật có hiện tượng phân đoạn
không theo tổ chức logic: “Có những quãng ngắt đột nhiên, những
bước nhảy cóc, những bước chuyển bất thình lình từ những ấn
tượng, ý nghĩ này sang những ấn tượng, ý nghĩa khác, đôi lúc không
gắn bó hoàn toàn với nội dung sự việc chung” [16; tr.110]. Do đó,
trong văn bản nghệ thuật, nếu chỉ căn cứ vào các dấu hiệu về mặt
hình thức như xuống dòng, tách dòng chúng ta sẽ khó phân định
được ranh giới của các phần trong văn bản. Mặt khác, nếu chia tách
không hợp lý, tạo ra những đoạn, phần vụn vặt, xé lẻ tính chỉnh thể.
Ngược lại, nhập đoạn không đúng sẽ tạo ra những đoạn, phần quá
tải về số lượng và nội dung, phá vỡ tính mạch lạc - logic giữa các
phần trong văn bản.
17
18
Tóm lại: Sự phân chia bất cứ một văn bản nào cũng có một cơ
sở kép đó là trình bày một cách tách biệt với bạn đọc các mảnh đoạn
làm cho người đọc tiếp nhận vấn đề nhanh hơn và để cho tác giả thể
hiện sự liên hệ giữa các đoạn rõ ràng hơn. Sự phân chia văn bản
thành nhiều đơn vị khác nhau xuất phát từ yêu cầu của cả người tạo
lập và cả người lĩnh hội văn bản. Về phía người tạo lập văn bản, sự
phân chia thể hiện sự rạch ròi trong nhận thức và tư duy, đối với văn
bản nghệ thuật, còn tạo ra những hiệu quả nghệ thuật nhất định. Về
phía người lĩnh hội văn bản, sự phân chia giúp nhìn nhận văn bản
một cách rõ ràng trong mối quan hệ đa chiều giữa các đơn vị nhỏ
hơn tạo thành văn bản. Bên cạnh đó, việc nhìn nhận một cách đầy
đủ những đặc trưng của tính khả phân trong văn bản nghệ thuật sẽ
giúp chúng ta nhận diện được các phần, đoạn trong văn bản một
cách chính xác và hiệu quả.
1.3. Kết cấu của văn bản
1.3.1. Khái niệm kết cấu
Bất kỳ một văn bản nào cũng có một kết cấu nhất định. “Kết
cấu của văn bản là kết quả của việc sắp xếp, tổ chức các bộ phận
ngôn từ có nghĩa của văn bản theo một hình thức (một cấu trúc nhất
định)”[14; tr.103], “là cách thức tổ chức các yếu tố nội dung
(những sự kiện, hiện tượng, luận điểm…) theo một kiểu mô hình
nhất định”[14; tr.81]. Kết cấu còn được gọi là cấu trúc, là sự sắp
xếp các đơn vị theo một trật tự hợp lý nào đó trong văn bản, trong
đó có mối quan hệ hữu cơ giữa các đơn vị trong văn bản nhằm biểu
đạt nội dung của toàn văn bản. Việc sắp xếp tư liệu, việc cấu tạo
18
19
từng bộ phận của văn bản, việc triển khai nội dung toàn bộ văn bản
hoàn chỉnh theo một sơ đồ, một mô hình nhất định… tất cả những
việc đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho việc thể hiện tư
tưởng đầy đủ chính xác, thể hiện tối ưu những nội dung đang xem
xét mà còn giúp cho người đọc tiếp nhận tác phẩm được dễ dàng.
Chính kết cấu của văn bản đảm bảo tính liên kết, tính thống
nhất, tính hoàn chỉnh cho nội dung văn bản. Tất cả sự phức tạp của
vấn đề trình bày nhờ được triển khai theo một kết cấu nhất định mà
trở nên rõ ràng và rành mạch.
1.3.2. Các kiểu kết cấu trong văn bản
Kết cấu trong các văn bản rất đa dạng. Tuy nhiên giữa chúng
vẫn có những “khuôn hình” chung nhất định được lặp đi lặp lại có
tính định hình, biểu hiện cách thức lập luận của tư duy, của nhận
thức con người. Bàn về kết cấu của văn bản, có nhiều quan điểm
khác nhau giữa các nhà nghiên cứu.
Dựa vào tính liên kết và tính hoàn chỉnh của văn bản, I.R.
Gal’perin (1981) cho rằng phần mở đầu và phần kết thúc là bắt buộc
phải có trong kết cấu của mọi văn bản “Trong dạng thức đúng đắn,
văn bản có mở đầu và có kết thúc. Văn bản không có mở đầu và kết
thúc chỉ có thể tồn tại như sự sai lệch với mẫu văn bản đã xác định
loại hình” [16; tr.78].
Diệp Quang Ban (1998) cho rằng “ kết cấu của văn bản có
khuôn hình thường dùng gồm có bốn thành tố - đó là đầu đề, phần
mở, phần thân và phần kết” [8; tr.105].
19
20
Các tác giả Giáo trình giản yếu về ngữ pháp Văn bản quan
niệm: “Tùy vào đặc điểm phong cách, đặc điểm của từng văn bản
cụ thể mà kết cấu có thể là hai phần, ba phần hay nhiều hơn nữa”
[14; tr.82]. Các tác giả này cũng khẳng định “trong thực tế chúng ta
thường gặp loại văn bản có kết cấu ba phần: phần mở đầu, phần
phát triển và phần kết thúc”.
Theo Lê A (2000), văn bản có kết cấu ba phần rõ rệt: phần mở
đầu, phần phát triển, phần kết thúc; phần kết thúc là phần “đặt dấu
chấm cuối cùng cho nội dung văn bản, thông báo về sự hoàn chỉnh,
trọn vẹn của văn bản”. Cũng theo tác gỉả, có thể quy về hai cách kết
thúc trong văn bản đó là: kết thúc khép, kết thúc mở và cho dù kết
thúc theo kiểu nào thì phần kết thúc cũng phải thực hiện nhiệm vụ
cuối cùng của văn bản “giải tỏa sự căng thẳng tâm lý một cách
thành công” [3; tr.54].
Căn cứ vào sự phân chia theo trục cắt ngang của nội dung cấu trúc văn bản, Phan Mậu Cảnh (2002) cho rằng văn bản có kết
cấu ba phần: phần mở đầu, phần khai triển và phần kết thúc. Cũng
theo tác giả, các loại kết cấu có thể gặp là kết cấu hai phần (mở đầu
và triển khai), kết cấu bốn phần (nhập đề, trình bày, chứng minh và
kết thúc) [35; tr.164].
Đinh Trọng Lạc (1994) ở phương diện phong cách học ngôn
ngữ cho rằng “văn bản cơ bản vốn gồm ba phần: phần mở - phần
chính - phần kết”[10; tr.292 ]. Theo tác giả, trong văn chương xuất
hiện nhiều kiểu văn bản khác nhau đều là sự cải biến từ kiểu kết cấu
văn bản cơ bản mà thành.
20
21
Như vậy, từ các quan niệm về kết cấu của văn bản của các nhà
nghiên cứu ở trên, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau:
1) Kết cấu ba phần là kết cấu cơ bản, phổ biến nhất và mang
tính ổn định nhất trong các kiểu văn bản.
2) Kết cấu của văn bản tùy thuộc vào từng loại văn bản và
cũng tùy thuộc vào cách thức trình bày của cá nhân trong việc tạo
lập văn bản.
3) Phần kết thúc là đơn vị cuối cùng của văn bản, có nhiệm vụ
khép lại nội dung và hình thức của văn bản, làm cho văn bản có tính
chỉnh thể cả về nội dung và hình thức.
Trong văn bản, phần kết có hai loại:
Phần kết theo nghĩa rộng là phần kết có tính độc lập với văn
bản, nó có thể là lời tác giả hay lời người khác “ nói thêm ” cho
chính văn.
Phần kết theo nghĩa hẹp là phần hữu cơ của văn bản, nằm trong
cấu trúc nội tại của văn bản. Phần kết này thường rất phổ biến.
Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chỉ nghiên cứu phần kết
thúc văn bản theo nghĩa hẹp.
1.4. Truyện ngắn và phần kết thúc trong truyện ngắn
1.4.1. Quan niệm về truyện ngắn
Truyện ngắn là thể loại văn xuôi nghệ thuật xuất hiện tương
đối muộn trong lịch sử văn học thế nhưng nó đã nhanh chóng nắm
giữ được một vị trí quan trọng. Với hình thức ngắn gọn, cô đọng,
dồn nén, truyện ngắn nhanh chóng bắt nhịp và thể hiện được những
vận động, biến thái tinh vi trong đời sống con người, đặc biệt là con
21
22
người trong đời sống hiện đại. Trong thực tế, nhiều nhà văn lớn trên
thế giới đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chủ
yếu bằng những truyện ngắn xuất sắc của mình như: L.Tonxtôi,
M.Gorki, O.Henri, Lỗ Tấn… “Ở Việt Nam, tên tuổi của các nhà viết
truyện ngắn như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Ngô
Tất Tố… luôn giữ một vị trí trang trọng trong lòng người yêu văn
học ”[37; tr.8].
Xung quanh khái niệm truyện ngắn đã có nhiều ý kiến của các
nhà nghiên cứu, có thể thấy một số hướng tiêu biểu như sau:
Hướng quan niệm của các nhà văn: Khi quan niệm về truyện
ngắn, phần lớn các nhà văn quan niệm qua sự trải nghiệm nghề
nghiệp của bản thân. Chẳng hạn:
Nhà văn Nguyên Ngọc quan niệm: “Truyện ngắn là một bộ
phận của tiểu thuyết nói chung” vì thế “ không nên nhất thiết trói
buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn vốn
nhiều vẻ. Có truyện viết cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại
một vài giây phút thoáng qua”. Theo quan niệm này thì nhà văn
nhấn mạnh đến khả năng khái quát của truyện ngắn [41; tr.9] .
Nhà văn Nguyễn Kiên quan niệm: Mỗi truyện ngắn là một
trường hợp…Trong quan hệ giữa con người với đời sống, có những
khoảnh khắc nào đó, một mối quan hệ nào đó được bộc lộ. Truyện
ngắn phải nắm bắt được cái trường hợp ấy. Trường hợp ở đây là
một màn kịch chớp nhoáng, có khi chỉ là một trạng thái tâm lý, một
chuyển biến tình cảm kéo dài chậm rãi trong nhiều ngày. Nhưng
nhìn nhìn chung, thì vẫn có thể gọi là một trường hợp [41; tr.40] .
22
23
Với quan niệm này, có thể thấy nhà văn muốn nhấn mạnh cái gọi là
“trường hợp” - tức là cái tình huống trong truyện ngắn.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan lại quan niệm: “Truyện ngắn
không phải là truyện, mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết
với sự bố trí chặt chẽ, và bằng thái độ với cách đặt câu, dùng tiếng
có cân nhắc…Muốn truyện ấy là truyện ngắn chỉ nên lấy một trong
ngần ấy ý làm ý chính, làm chủ đề cho truyện…Những chi tiết trong
truyện chỉ nên xoay quanh chủ đề ấy thôi” [22; tr.321- 322]. Như
vậy, theo nhà văn cái căn bản trong truyện ngắn chính là chủ đề của
truyện.
Ở góc độ nghiên cứu về thể loại, các nhà biên soạn, các nhà
nghiên cứu văn học cũng đã đưa ra những định nghĩa về truyện
ngắn.
Từ điển Thuật ngữ văn học định nghĩa về truyện ngắn như sau:
Tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của thể loại truyện ngắn bao trùm
hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi,
nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp
thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ…. Yếu tố quan trọng
bậc nhất của truyện ngắn là những chi tiết cô đúc, có dung lượng
lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều
sâu chưa nói hết [19; tr.134].
Từ những ý kiến bàn về truyện ngắn của các nhà nghiên cứu,
có thể rút ra những điểm chính về truyện ngắn như sau:
Về hình thức và dung lượng: truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ
nhỏ.
23
24
Về nội dung: truyện ngắn phản ánh hầu hết các phương diện
của đời sống, nhưng không phải toàn bộ hệ thống các sự kiện mà ở
hướng tới khắc họa vấn đề có tính hiện tượng, bản chất.
Về cốt truyện: Truyện ngắn tập trung vào một mặt nào đó của
đời sống, xoay quanh một vài biến cố, sự kiện tập trung diễn ra
trong một không gian, thời gian nhất định.
1.4.2. Kết cấu truyện ngắn
Như đã xác định, kết cấu của văn bản về cơ bản gồm ba phần:
phần mở đầu, phần thân (phần luận giải và phần kết. Tuy nhiên do
đặc trưng của thể loại, kết cấu của truyện ngắn dù không vượt ra
khỏi phạm vi kết cấu chung của văn bản như thường gặp nhưng vẫn
không thiếu sự biến hóa, linh hoạt để tạo ra những kiểu kết cấu khác
biệt với mục đích tu từ. Có thể dẫn ra một số kiểu kết cấu truyện
ngắn như sau:
1.4.2.1. Truyện ngắn có kết cấu ba phần
Những truyện ngắn có kết cấu ba phần là những truyện có kết
cấu ở dạng hoàn chỉnh nhất về cả nội dung và hình thức. Với kết
cấu này, ngoài tiêu đề, truyện ngắn bao gồm các thành tố: phần mở
đầu, phần luận giải và phần kết thúc.
* Phần mở đầu đóng vai trò như “người dẫn truyện”, dẫn dắt
người đọc bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, tạo ra ấn
tượng cho người đọc cũng như giới hạn, định hướng về nội dung sẽ
khai triển ở các đoạn, phần tiếp theo trong tác phẩm.
* Phần thân (phần luận giải) thực hiện nhiệm vụ triển khai nội
dung chính của truyện. Phần luận giải được xây dựng bằng nhiều
24
25
đoạn văn, câu văn khác nhau. Các đơn vị này triển khai các tiểu chủ
đề khác nhau trong văn bản, đó có thể là một sự kiện, một tình
huống, hay xoay quanh miêu tả về thiên nhiên hoặc ngoại hình, tính
cách, tâm lí nhân vật…Bởi vậy, trong truyện ngắn phần luận giải
bao giờ cũng có sự phong phú về mặt nội dung, đa dạng về mặt hình
thức và dài về dung lượng. Tuy nhiên dù có phong phú và đa dạng
đến mấy về nội dung và hình thức thì phần luận giải đều luôn hướng
đến một đích chung đó là duy trì và phát triển cốt truyện, góp phần
thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
* Phần kết thúc có nhiệm vụ phát triển và mở rộng vấn đề đã
được nêu ở phần mở đầu và phần luận giải, khép lại số phận, tính
cách, mâu thuẫn của nhân vật. Lúc này phần kết thúc thường trùng
với phần mở nút.
Truyện ngắn có kết cấu ba phần thể hiện rất rõ mối quan hệ
giữa các bộ phận trong truyện ngắn. Chẳng hạn:
Truyện ngắn Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) là một tác
phẩm có kết cấu ba phần. Trong đó, ở phần mở đầu tác phẩm nhà
văn giới thiệu rừng xà nu - một loại cây quen thuộc ở núi rừng Tây
Nguyên không gục ngã trong tầm đại bác của giặc: “Đạn đại bác
không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như
trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh…”. Đến
phần luận giải, hình tượng xà nu được phát triển gắn liền với cuộc
đời và số phận của nhân vật Tnú cũng như dân làng Xô man, toàn
bộ không gian nghệ thuật trong tác phẩm thấm đẫm và ám ảnh bởi
xà nu: khói xà nu, lửa xà nu, mười ngón tay rừng rực cháy của Tnú
25