Tải bản đầy đủ (.pdf) (258 trang)

Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp hóa nghiên cứu trường hợp làng ninh hiệp, gia lâm, hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.89 MB, 258 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN GIÁO

QUAN HỆ XÃ HỘI
TRONG BỐI CẢNH PHI NÔNG NGHIỆP HÓA:
NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP
LÀNG NINH HIỆP, GIA LÂM, HÀ NỘI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

HÀ NỘI - 2016


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN GIÁO

QUAN HỆ XÃ HỘI
TRONG BỐI CẢNH PHI NÔNG NGHIỆP HÓA:
NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP
LÀNG NINH HIỆP, GIA LÂM, HÀ NỘI
Ngành: VĂN HÓA HỌC
Mã số: 62 31 06 40

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC



NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS. TS. LÊ THANH BÌNH
2. TS. ĐÀO THẾ ĐỨC

HÀ NỘI - 2016


LỜI CẢM ƠN

Hoàn thành đề tài này, nghiên cứu sinh xin trân trọng cảm ơn:
- Học viện Khoa học xã hội và khoa Văn hóa học, cơ sở đào tạo
- GS.TS. Nguyễn Xuân Kính và GS.TS. Lê Hồng Lý, lãnh đạo Viện Nghiên
cứu văn hóa qua các thời kì và là những người đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi
mặt cho nghiên cứu sinh trong suốt quá trình thực hiện luận án
- PGS.TS. Lê Thanh Bình và TS. Đào Thế Đức, những người thày hướng
dẫn trực tiếp
- Các nhà khoa học đã nhiệt tình góp ý cho luận án từ lúc mới là những
trang bản thảo đầu tiên cho đến nay, đặc biệt là PGS.TS. Nguyễn Thị Phương
Châm, PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương và TS. Hoàng Cầm
- Các thành viên của gia đình và bạn bè - những người đã dành sự quan
tâm đầy ý nghĩa cho nghiên cứu sinh trong những năm qua
- Và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, người dân tại địa bàn nghiên cứu các cộng tác viên đã cung cấp rất nhiều tư liệu cho nghiên cứu sinh để bản luận án
này ra đời!


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của tôi và công trình này đảm bảo
các nguyên tắc đạo đức trong việc trích dẫn tài liệu!
Nghiên cứu sinh


Nguyễn Giáo


MỤC LỤC
Mở đầu
1.
Lí do chọn đề tài
2.
Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.
Hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
4.
Đóng góp của luận án
5.
Bố cục
Chương 1. Tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết
1.1
Tình hình nghiên cứu
1.1.1 Tình hình nghiên cứu quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp
1.1.2 Tình hình nghiên cứu quan hệ xã hội ở nông thôn Việt Nam
1.1.3 Tình hình nghiên cứu quan hệ xã hội ở nông thôn châu Á
1.2
Cơ sở lí thuyết
1.2.1 Lí thuyết
1.2.2 Khái niệm
Tiểu kết
Chương 2. Làng Ninh Hiệp
2.1
Lịch sử hình thành

2.2
Đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa
Tiểu kết
Chương 3. Mạng lưới quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp
3.1
Các quan hệ cơ bản trong mạng lưới
3.1.1 Quan hệ họ hàng
3.1.2 Quan hệ láng giềng
3.1.3 Quan hệ bạn bè
3.2
Cấu trúc của mạng lưới
3.2.1 Bộ phận quan hệ xã hội trung tâm
3.2.2 Bộ phận quan hệ xã hội ngoại vi
Tiểu kết
Chương 4. Vốn xã hội ở Ninh Hiệp - sự vận dụng mạng lưới quan hệ xã
hội trong hoạt động mưu sinh của người dân
4.1
Vốn xã hội nội bộ
4.2
Vốn xã hội bắc cầu
Tiểu kết
Chương 5. Tính chiến lược trong quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp - sự ứng xử
với vốn xã hội
5.1
Bảo vệ vốn xã hội
5.2
Phát triển vốn xã hội
5.2.1 Củng cố quan hệ xã hội đã có
5.2.2 Tạo quan hệ xã hội mới
Tiểu kết

Kết luận
Danh mục công trình của tác giả liên quan đến đề tài nghiên cứu
Tài liệu tham khảo
Phụ lục

1
1
4
5
12
12
13
13
13
15
23
27
27
32
33
35
35
41
63
64
64
65
68
71
74

76
81
85
87
87
95
108
109
110
122
122
136
140
141
151
152
181


DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU THỐNG KÊ
Bảng 1.
Bảng 2.
Biểu 1.

Biểu 2.

Biểu 3.

Biểu 4.


Các dạng quan hệ xã hội (lấy chủ hộ làm trung tâm) ở
khách dự đám cưới của 02 gia đình làm nghề thương mại
Tiền mừng ở khách dự đám cưới của 02 gia đình làm
nghề thương mại
Số lượng bình quân các sự kiện mang tính nghi lễ đã
tham gia và chi phí bình quân cho các sự kiện này của
người làm nghề thương mại (hoặc có liên quan đến
thương mại) và người làm nghề phi thương mại trong
năm 2013
Số lượng bình quân các sự kiện mang tính nghi lễ đã
tham gia và chi phí bình quân cho các sự kiện này của
người làm nghề thương mại ở các quy mô khác nhau
trong năm 2013
Số lượng bình quân hội nhóm phi quan phương đã tham
gia của người làm nghề thương mại (hoặc có liên quan đến
thương mại) và người làm nghề phi thương mại trong năm
2013
Số lượng bình quân hội nhóm phi quan phương đã tham
gia của người làm nghề thương mại ở các quy mô khác
nhau trong năm 2013

76
80

130

131

138


138


NGHĨA CỦA CÁC CHỮ VIẾT TẮT
KHXH

Khoa học xã hội

Nxb.

Nhà xuất bản

STT

Số thứ tự

TP.

Thành phố

tr.
UBND
xb.

Trang
Ủy ban Nhân dân
Xuất bản


MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
“Những người có quan hệ tình cảm thân thiết luôn sẵn sàng giúp nhau
lúc khó khăn!”, Trung1, một người bạn học cũ của tôi và giờ là một thương
nhân khá điển hình cho hàng ngàn thương nhân Ninh Hiệp, ngôi làng buôn
vải và thuốc bắc rất có tiếng của ngoại thành Hà Nội, đã khẳng định như vậy
khi đề cập đến vai trò của các mối quan hệ xã hội ở làng trong hoạt động kinh
doanh. Tôi hỏi lại: “Thế còn trong phát triển việc làm ăn?”. Trung đáp: “Với
anh em hay bạn bè, người ta hỏi vay lúc có sự cố; còn muốn phát triển việc
làm ăn thì người ta sẽ đi vay lãi!”. Đó là những trao đổi giữa chúng tôi cách
đây mấy năm - vào một ngày mùa đông giá rét cuối tháng 12 năm 2011, khi
tôi trở về quê tham dự đám cưới của người quen. Bên chén rượu, sau những
bàn luận dông dài về chính trị, thể thao và phim ảnh, câu chuyện đã đưa đẩy
chúng tôi đến chỗ nói về sự gắn kết giữa quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp hiện nay
với công việc buôn bán, công việc mà đại đa số dân cư của làng đang miệt
mài theo đuổi.
Trung vốn là bạn đồng môn khá thân thiết của tôi, đồng thời cũng là
một người họ hàng xa (nhiều đời). Chúng tôi đều từng sống tại một thôn của
làng, nơi khá có truyền thống buôn bán của Ninh Hiệp trước đây cũng như
bây giờ. Hết cấp III, Trung theo học một trường nghề trong hai năm, sau đó vì
thất nghiệp nên về làng lấy vợ. Thời gian đầu, vợ chồng Trung làm rất nhiều
việc, ngoài làm ruộng vốn là nghiệp nhà, còn mua bán đồ điện tử cũ (mua về
sửa chữa, tân trang rồi bán), buôn cá cảnh, vận chuyển, may mướn, bán hàng
thuê... Sau khi đất ruộng bị thu hồi cho khu công nghiệp, vợ chồng anh - nhờ
sự giúp đỡ tài chính từ những người thân thiết - đã mua được một chỗ ngồi
nhỏ trên chợ để chuyển hẳn sang buôn vải. Kể từ đó, anh tập trung phụ giúp
vợ bán hàng. Dần dà, gia đình anh cũng có thu nhập vào loại trung bình khá
trong làng. Giờ anh đã xây được ngôi “biệt thự” ba tầng có tổng diện tích gần
400m2 trên mảnh đất được thừa kế từ cha mẹ. Ngoài ra, anh cũng mua được
Từ đây trở đi, vì lí do đạo đức khoa học, tên thật của các nhân vật được đổi. Mọi sự trùng hợp là
ngẫu nhiên.

1

1


hai mảnh đất “để sau này cho các con khi chúng lớn”. Có thể nói, Trung
chính là hình mẫu tiêu biểu cho những người Ninh Hiệp chuyển từ làm nghề
hỗn hợp mà chủ yếu là làm nông sang buôn bán (sau khi đất canh tác của làng
bị chuyển đổi mục đích sử dụng) một cách thành công.
Trung và tôi duy trì một mối quan hệ khá thân mật, dù tôi đã rời làng
kể từ lúc trở thành sinh viên, tức hơn hai mươi năm nay. Mỗi khi tôi về quê,
chúng tôi thường hẹn nhau đi uống nước và tán gẫu vào buổi chiều muộn, sau
khi anh thu dọn hàng hóa xong. Qua những câu chuyện của Trung, tôi hiểu
rằng việc mưu sinh của một tiểu thương như anh giữa “biển” tiểu thương
Ninh Hiệp là không hề đơn giản. Anh tâm sự, có những lúc việc làm ăn thất
bát đến mức tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng cuối cùng nhờ sự trợ giúp của bà
con trong họ và bạn bè thân thiết mà vợ chồng anh đã trụ lại được. Tuy nhiên,
anh nhấn mạnh một lần nữa rằng ở Ninh Hiệp, sự trợ giúp từ mạng lưới quan
hệ xã hội gần gũi sẽ chỉ đến trong thời điểm một cá nhân gặp khó khăn và
thường người ta cũng xác định sẽ trông đợi vào nó những lúc nào gặp sự cố,
còn muốn làm giàu thì phải tự thân vận động. Tự thân vận động là gì? Đó là,
cùng với việc vay lãi để kinh doanh, người ta nhất thiết phải xây dựng được
một mạng lưới quan hệ trong và ngoài làng (càng rộng càng tốt) để khai thác
cho việc làm ăn. Anh khẳng định một cách quả quyết: “Quan hệ rộng là điều
rất quan trọng! Nhờ quan hệ mà mình có được những thông tin cần thiết về
mặt hàng, giá cả cũng như nguồn khách hàng. Trong tình hình kinh doanh
cạnh tranh hiện nay, không có mạng lưới như vậy thì khó lòng có thể phát
triển được!”.
Lời Trung nói khiến tôi quan tâm. Sự nhìn nhận một cách phân biệt
đối với những nguồn lực từ các mối quan hệ đa dạng nhưng đều đánh giá cao

chúng, đặt trong bối cảnh đặc thù của làng là phi nông nghiệp hóa dạng
thương mại hóa (theo thống kê gần đây, trong tổng số 3.370 hộ với 16.138
nhân khẩu của Ninh Hiệp, số hộ làm nông nghiệp chỉ chiếm 10%, còn lại chủ
yếu là các hộ buôn bán hoặc sản xuất công nghiệp/ tiểu thủ công nghiệp/ dịch
vụ mà một phần khá lớn các hộ sản xuất công nghiệp/ tiểu thủ công nghiệp đó
cũng kiêm luôn cả hoạt động thương mại) cho thấy một thực tế khá rõ: các

2


quan hệ xã hội truyền thống vẫn giữ những vai trò quan trọng, dù có thể là
khác nhau, đối với đời sống của người dân nơi này. Cụ thể, có những quan hệ
đóng vai trò trợ giúp người ta trong hoàn cảnh khó khăn và có những quan hệ
đóng vai trò trợ giúp người ta trong việc phát triển kinh tế. Ta vẫn biết, một
số lí thuyết hiện đại - tiêu biểu là lí thuyết của Parsons - nhận định rằng trong
một xã hội “hiện đại”, các quan hệ xã hội truyền thống sẽ dần dần giải thể, tan
rã do không còn những vai trò vốn có. Như vậy, hiện tượng chứa đựng trong
câu chuyện nêu trên phần nào đã vượt ra khỏi khả năng giải thích của các lí
thuyết này. Nó cần được tìm hiểu.
Nếu như cách đây khoảng hơn thập kỉ, các làng - xã Việt phi nông
nghiệp hầu như chưa xuất hiện thì nay một số làng - xã đã tiến tới phi nông
nghiệp toàn diện mà Ninh Hiệp là một trường hợp. Ngôi làng này2, nơi hiện
về mặt địa giới thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, là một trong những làng lớn
của đồng bằng Bắc Bộ với lịch sử lâu đời, cũng là làng tiêu biểu trong phát
triển kinh tế kể từ sau thời điểm bắt đầu Đổi mới của cả nước. Câu chuyện
với Trung đã thôi thúc tôi bước đầu tìm hiểu các quan hệ xã hội tại đây. Kết
quả cho thấy, có sự gia tăng rất đáng chú ý của một số dạng quan hệ xã hội
trong làng vì những lí do liên quan đến bối cảnh chuyển đổi về sinh kế. Nói
cách khác, đang có một xu hướng phát triển của tính duy lí trên nền tảng đan
xen giữa tình và lí trong quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp mà (nền tảng đó) theo

tôi vốn là mẫu số chung của quan hệ xã hội ở nông thôn Việt. Tôi cho rằng,
việc nhận diện điều này và lí giải nó có thể giúp góp thêm được một ý kiến
vào cuộc thảo luận về quan hệ xã hội ở nông thôn nước ta và trong khu vực
hiện nay.
Từ những lí do trên, Quan hệ xã hội trong bối cảnh phi nông nghiệp
hóa: Nghiên cứu trường hợp làng Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội được tôi chọn
làm đề tài cho luận án tiến sĩ văn hóa học của mình3.
Ninh Hiệp vừa là làng vừa là xã nhưng trong đời sống hàng ngày, người dân thường gọi nó là làng.
Xin nói thêm, giữa nhiều định nghĩa về văn hóa, chúng tôi theo quan điểm đang trở nên phổ
biến hiện nay của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) rằng
văn hóa là một tập hợp “các đặc trưng tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm của xã hội hay một
nhóm xã hội, và bao gồm, ngoài văn học và nghệ thuật, cả lối sống, cách thức cùng chung sống,
hệ giá trị, phong tục và tín ngưỡng” [247], vì thế xem quan hệ xã hội là cái thuộc về văn hóa.
2
3

3


2. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Quan tâm đến bức tranh quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp hiện nay và việc
nó có thể đem lại nhận thức gì mới so với những nhận thức đã có về quan hệ
xã hội ở nông thôn Việt Nam và khu vực, mục đích nghiên cứu của đề tài là
chỉ ra được tính chất của mặt duy lí trong quan hệ xã hội của một ngôi làng
Việt trong bối cảnh đương đại với tư cách nét trội đã nói. Quan hệ xã hội ở
Ninh Hiệp - như vừa đề cập - có sự đan xen của cả tình và lí, tuy nhiên trong
khuôn khổ có hạn về mặt dung lượng của một luận án, đề tài chủ trương chỉ
tập trung tìm hiểu cái là nét trội này4. Người viết xác định đây là một đề tài
nghiên cứu cơ bản, hướng đến những thảo luận mang tính lí thuyết, song nó
cũng sẽ là một nguồn tư liệu có ý nghĩa tham khảo cho việc hoạch định chính

sách trong các lĩnh vực có liên quan.
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp trong
bối cảnh phi nông nghiệp hóa.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp kể từ
thời điểm mà theo chủ trương của chính quyền xã, phần lớn đất nông nghiệp
trong làng bắt đầu bị chuyển đổi mục đích sử dụng (năm 2002). Trước kia
Ninh Hiệp là một làng hỗn hợp, trong đó người làm ruộng chiếm tỉ lệ tương
đối và bản thân người làm các ngành nghề khác như thủ công nghiệp, thương
mại, dịch vụ… cũng không ly nông hoàn toàn. Tuy nhiên, từ sau năm 2002,
với việc diện tích canh tác ngày càng thu hẹp do đất nông nghiệp trở thành
đất giãn dân và trở thành đất dành cho các hoạt động công nghiệp/ thương
mại - dịch vụ, thành phần lao động thuần nông giảm thiểu một cách rất rõ rệt,
chưa kể việc có rất nhiều hộ chỉ còn là hộ “thuần nông” trên giấy tờ tức thuần
nông một cách hình thức. Hiện, đại bộ phận dân làng đã trở thành những
người kinh doanh hoặc có liên quan đến các hoạt động kinh doanh. Người
viết sẽ tập trung vào lực lượng này. Và vì giới hạn vấn đề nghiên cứu ở mặt
duy lí của quan hệ xã hội, người viết sẽ quan tâm đến bức tranh quan hệ xã
hội ở đây trong sự gắn kết với vốn xã hội.
Nét trội đang đề cập dĩ nhiên được hiểu là “nét trội” ở một thời điểm cụ thể, nhất định trong lịch
sử của ngôi làng (tức cái được đưa lại bởi một bối cảnh đặc thù).
4

4


3. Hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Như mọi công trình văn hóa học, đề tài này tập trung vào mối quan hệ
giữa hiện tượng được nghiên cứu với bối cảnh. Quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp
trong bối cảnh chuyển đổi của làng - từ một xã hội mà con số lao động nông
nghiệp chiếm tỉ lệ đáng kể sang một xã hội phi nông nghiệp, hay diễn đạt

cách khác, từ một xã hội vốn được xem là “truyền thống” sang một xã hội
được xem là “hiện đại” - nói lên điều gì về phản ứng (hiểu theo nghĩa sự lựa
chọn) của người dân để thích nghi với nó cũng như theo đuổi những mục
đích đã đặt ra và do vậy sáng tạo nên văn hóa của mình, đó là điều mà đề tài
hướng tới.
Đề tài chú trọng đến cái nhìn “từ bên trong” nhằm tìm hiểu, khám phá
quan điểm của chủ thể văn hóa xung quanh những gì mà họ lựa chọn. Cách
tiếp cận này - đang trở nên rất có ảnh hưởng trong khoa học xã hội và nhân
văn trên thế giới hiện nay - bắt nguồn từ việc xem người dân là những chủ
thể có tính tự quyết đối với hành vi của mình, khác với cách tiếp cận thuần
túy “từ bên ngoài” vốn cho rằng chủ thể văn hóa không thực sự ý thức được
lí do khiến họ làm cái việc mà họ đã làm và vì thế không phải/ không được
là người có thẩm quyền trả lời về hành vi đó. Với sự xác định trên, nguyên
tắc của đề tài là quan tâm đến câu trả lời của bản thân người dân làng Ninh
Hiệp trong việc lí giải những gì liên quan đến việc họ khởi tạo, duy trì, gia
tăng, giảm thiểu hay kết thúc các mối quan hệ xã hội của mình. Tất nhiên,
đề tài cũng lưu ý đúng mức đến cái nhìn từ bên ngoài, vì như ta biết, có
những điều của bức tranh mà người ở hoàn toàn trong bức tranh không hẳn
dễ nhận ra.
Xin nói thêm, việc nghiên cứu với tư cách là một người trong cuộc
(sinh ra, lớn lên tại làng và đến nay vẫn duy trì mối quan hệ thường xuyên,
đồng thời đã có những trải nghiệm nhiều mặt gắn với nghề buôn bán đặc thù
trong các thập niên gần đây của nó) đem lại cho người viết khá nhiều thuận
lợi, nhưng cũng không phải không có khó khăn. Trước hết, về thuận lợi. Có
những vấn đề mà người ngoài cuộc khó hiểu được như người trong cuộc, vì
dẫu dành nhiều thời gian để thâm nhập thực địa đến đâu, người ngoài cuộc

5



cũng không thể thực sự đồng hóa mình với đối tượng nghiên cứu. Không một
quan sát nào có thể tách khỏi người quan sát, mà người quan sát thì luôn bị
chi phối bởi thế giới quan/ nhân sinh quan mang đặc điểm cá nhân và bối
cảnh cụ thể của việc nghiên cứu với các biến số “gây nhiễu” nhất định những điều dễ dẫn đến khoảng cách giữa người nghiên cứu và đối tượng
nghiên cứu. Nếu người nghiên cứu là người trong cuộc, khoảng cách vừa đề
cập sẽ được khắc phục phần lớn. Tuy nhiên, mặc dù với người ngoài, dân
làng sẽ có sự thận trọng nhất định và không muốn hoặc không muốn nói hết
về những gì mình nghĩ và làm5, có những điều họ chỉ cảm thấy thoải mái khi
nói với người ngoài hơn là với người làng hay thậm chí là với người thân
quen, kể cả trong trường hợp người đó không còn sinh sống hẳn ở làng nữa.
Ngoài ra, vì là nhà nghiên cứu “người làng”, tức thiếu đi đôi mắt hoàn toàn
mới mẻ của các nhà nghiên cứu lần đầu tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu, sẽ
có những hiện tượng mà người viết không cảm thấy đủ ngạc nhiên để dừng
lại đặt câu hỏi và quan sát, dù chúng xứng đáng. Tóm lại, thuận lợi và khó
khăn cùng đến. Dẫu vậy, nhìn chung thuận lợi vẫn là chính, đặc biệt là vì thái
độ sẵn sàng chia sẻ của người dân thì vẫn nhiều hơn thái độ ngược lại. Bên
cạnh đó, vị trí quan sát có phần “đa chiều” (là người làng nhưng không còn
thường trú tại làng) dù sao vẫn đem lại cho người viết một may mắn là có thể,
mượn một cách nói hình ảnh, cân bằng nhất định được giữa việc “ở đó” như
yêu cầu của Geetz với “nhìn từ xa” như yêu cầu của Levi-Strauss.
Với việc tìm hiểu các quan hệ xã hội ở làng Ninh Hiệp, đề tài áp dụng
phương pháp nghiên cứu quen thuộc của văn hóa học - bộ môn khoa học
nằm ở giao điểm của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, hay nói cách
khác một chuyên ngành không chuyên ngành (non - disciplinary discipline).
Đó là phương pháp nghiên cứu liên ngành. Bên cạnh phương pháp quan sát
tham dự và phỏng vấn sâu là những phương pháp phổ biến trong dân tộc học
và được lựa chọn như các phương pháp nghiên cứu chính vì thích hợp để tìm
Trước đây, đã có những nhóm nghiên cứu về khảo sát tại Ninh Hiệp. Một số người làng cho tôi
biết họ khá phân vân khi nói với những đoàn này về con số thu nhập của mình.
5


6


hiểu động cơ, ý nghĩa ẩn kín của các hành động của chủ thể văn hóa, người
viết cũng quan tâm đến việc áp dụng phương pháp thống kê của xã hội học
khi xem các thông số định lượng là những dữ kiện vừa có ý nghĩa gợi mở vừa
hỗ trợ cho việc giải quyết vấn đề nghiên cứu, đồng thời lưu ý đến việc phân
tích - tổng hợp các tư liệu thành văn và cả phi thành văn có liên quan để nhận
thức rõ hơn về vấn đề.
Về việc quan sát và việc phỏng vấn sâu, nếu đối tượng quan sát của
đề tài là thực trạng của quan hệ xã hội của người Ninh Hiệp ở các điểm
nghiên cứu tại một số thôn trong đời sống thường nhật và đời sống phi
thường nhật (ví dụ như trong các sự kiện có tính nghi thức: cưới xin, mừng
thọ, giỗ chạp...) thì đối tượng phỏng vấn sâu của đề tài là những người làng
và cũng đang cư trú tại làng với các độ tuổi, giới, trình độ học vấn, mức
sống… khác nhau. Trước nhất, về việc quan sát. Hầu hết quan sát của tôi là
quan sát tham dự. Gặp gỡ họ hàng, bạn bè... hay đi các đám “quan hôn tang
tế” trong làng vốn là việc mà tôi vẫn làm lâu nay, nhưng từ khi bước vào
nghiên cứu này, những điều đó được tôi quan tâm và thực hiện thường xuyên
hơn (trước đây, vì không sống ở làng nên tôi vẫn để các em trai kế mình
gánh vác giúp một phần trách nhiệm con trưởng). Mặc dù “thâm nhập địa
bàn nghiên cứu” và “xây dựng quan hệ” là những giai đoạn quan trọng cho
một quá trình điền dã như Shaffir và Stebbins (1991) [237] đã chỉ ra, vì là
người làng, tôi có may mắn là không phải mất nhiều thời gian cho chúng như
những người nghiên cứu “ngoài cuộc”. Sau nữa, về việc phỏng vấn sâu.
Nhằm thu được những thông tin mà tôi cho là đáng tin cậy nhất có thể, tôi đã
lựa chọn và tiếp cận đối tượng phỏng vấn từ nhiều nguồn, cụ thể là mạng lưới
quan hệ của bản thân, sự giới thiệu của những người quen biết, sự giới thiệu
của chính những người đã từng được phỏng vấn, và sự giới thiệu của các cơ

quan chức năng; hứa hẹn giữ bí mật thông tin liên quan đến người được
phỏng vấn bằng cách ẩn các thông tin có thể khiến họ bị nhận diện khi công
bố kết quả nghiên cứu; lựa chọn phương pháp phỏng vấn mở để người được
phỏng vấn thoải mái bộc lộ suy nghĩ; và cuối cùng, phỏng vấn đối tượng
nhiều lần ở nhiều tình huống khác nhau và phỏng vấn chéo các đối tượng

7


trong những trường hợp cần thiết. Bên cạnh việc đưa ra các câu hỏi về những
vấn đề hiện tại, việc đưa ra các câu hỏi mang tính hồi cố nhằm có được thông
tin về làng trong quá khứ - đặc biệt là quan hệ xã hội của làng - cũng là điều
tôi chú trọng: tôi đã đề nghị các thông tin viên lớn tuổi cho biết càng nhiều
càng tốt những trải nghiệm liên quan mà họ còn nhớ được. Phỏng vấn sâu
làm tốn khá nhiều thời gian của người được hỏi và theo đạo đức nghiên cứu
thì rất cần có thù lao thỏa đáng cho họ, song ở trường hợp của tôi (một người
làng), đưa phong bì là phản tác dụng nên tôi đã dừng lại sau vài lần “thử
nghiệm” và thay vào đó chỉ chuẩn bị quà cáp đơn giản là ít hoa quả theo mùa.
Số lượng người được tôi phỏng vấn có sự xê dịch tùy theo từng câu hỏi. Với
mỗi câu hỏi, tôi hỏi ít nhất 5 - 7 người và chỉ dừng lại chừng nào nhận thấy
rằng không có thêm ý kiến khác với những ý kiến đã có (thường thì thông tin
cũng khá nhanh chóng bão hòa). Trong quá trình phỏng vấn, tôi không quay
phim hay ghi âm vì không muốn thông tín viên của mình mất đi sự tự nhiên,
điều hay xảy ra khi có sự hiện diện của các “thiết bị kĩ thuật”. Tôi cũng hết
sức hạn chế ghi chép, mặc dù thông tín viên không phản đối. Điều này có hai
lí do. Thứ nhất, tôi không muốn làm gián đoạn mạch câu chuyện - biết đâu
đấy, những điều hay ho nhất có thể trôi tuột đi trong khoảng gián đoạn này.
Thứ hai, tôi không muốn ngừng sự giao tiếp bằng mắt giữa người phỏng vấn
và các thông tín viên - lắng nghe cảm giác của mình rằng thông tín viên có
hứng thú tiếp tục câu chuyện hay không và thậm chí có nói “thực lòng” hay

không là điều tôi đặc biệt quan tâm. Vì quan hệ xã hội là vấn đề khá nhạy
cảm nên tôi đã tập cho mình sự kiên nhẫn khi phỏng vấn và không ít lần đã
thay thế các câu hỏi trực tiếp bằng các câu hỏi gián tiếp để người được
phỏng vấn không cảm thấy e ngại. Tất cả mọi sự ghi chép được tôi thực hiện
khi trở về nhà cha mẹ tôi (cạnh UBND xã) ngay sau đó. Điều này khiến tôi có
thể lưu lại gần như trọn vẹn những gì đã thu nhận khi chúng vẫn còn khá rõ
ràng trong trí nhớ. Xin nói thêm, sở dĩ tôi không tiến hành các thảo luận
nhóm tập trung bên cạnh việc quan sát và phỏng vấn sâu, dù nó cũng là một
phương pháp nghiên cứu định tính quen thuộc, là có lí do. Thoạt đầu, tôi cũng
dự định tổ chức những cuộc thảo luận như vậy, nhưng vì các thông tín viên

8


của tôi nói rằng quan hệ xã hội là chủ đề mà người làng không thực sự muốn
trao đổi trước một nhóm đông người nên cuối cùng tôi đã đổi ý.
Cả trong phỏng vấn sâu và quan sát, sau khi có từng kết quả, tôi đều
bắt đầu luôn việc phân tích dữ liệu. Nói cách khác, tôi làm điều đó ngay trong
không khí trên thực địa (làng), khi những cảm nhận của mình về thông tin và
về bối cảnh có được thông tin vẫn còn sinh động. Việc làm này cho phép
người nghiên cứu kịp thời rút kinh nghiệm trong việc thu thập dữ liệu hoặc
thậm chí điều chỉnh chiến lược nghiên cứu cho phù hợp với tình hình thực tế
như Miles và Huberman (1994) [214] đã khẳng định, và vì thế tôi coi nó là
một cơ chế để kiểm soát chất lượng của nghiên cứu.
Về việc thống kê, tức về việc nghiên cứu định lượng, đề tài tiến hành
một số thống kê liên quan đến vấn đề nghiên cứu mà kết quả thể hiện trong
bản luận án như tỉ lệ các loại quan hệ xã hội trong danh sách khách dự đám
cưới của một số gia đình hay số lượng sự kiện mang tính nghi lễ đã dự trong
năm/ mức độ tham gia vào các hội nhóm phi quan phương của cá nhân. Nhìn
chung, tôi không vấp phải khó khăn gì đáng kể với việc đề nghị đối tượng

tham gia vào khảo sát định lượng của mình, trước hết bởi - như chính người
được hỏi nói - tôi là “người làng người nước”. Bản thân tôi vốn có một mạng
lưới quan hệ tương đối nên tiện đặt vấn đề đã đành, ngay cả với những đối
tượng chưa quen biết thì tôi cũng có thể đến gặp và đề nghị họ cung cấp
thông tin một cách khá “thuận buồm xuôi gió” mà không cần người giới
thiệu, chỉ cần xưng là dân ở thôn nào, ngõ nào là đủ. Những vất vả như kiểu
của Whyte khi ông nghiên cứu một góc phố đô thị - rằng việc được chấp nhận
trong xã hội căn cứ vào các quan hệ do cá nhân tự xây dựng và “tất cả những
sự giải thích về bản thân với người lạ đều vô nghĩa trong xã hội này” [250, tr.
300] - là điều tôi không phải đối mặt. Sau nữa, sự thuận lợi của tôi một phần
còn vì người Ninh Hiệp đã khá quen với khảo sát định lượng, do mươi năm
trở về trước làng hay được những người làm xã hội học về nghiên cứu (nhiều
người đứng tuổi đã từng là người trả lời các phỏng vấn xã hội học trước đây
và nhiều người trẻ hiện đang là chủ một gia đình thì vẫn nhớ về chuyện đó).

9


Để việc khảo sát được thuận lợi, tôi lựa chọn đến các nhà mà mình đã lên
danh sách vào thời điểm chiều muộn, khoảng trước bữa cơm, vì đó là lúc dễ
gặp được chủ nhà nhất và không gây ảnh hưởng đến lịch trình làm việc đặc
thù liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ (buổi tối là lúc người buôn
bán Ninh Hiệp kiểm hàng, giao hàng, thu tiền hàng... - những việc bắt đầu
ngoài 19 giờ và sẽ kết thúc vào khoảng 22 giờ). Tuy nhiên, mặc dù coi trọng
các thông số định lượng, xin nhấn mạnh lại rằng với những vấn đề liên quan
đến nhận thức, quan niệm, thái độ, tình cảm... của chủ thể văn hóa về quan hệ
xã hội của họ, người viết vẫn ưu tiên sử dụng các phương pháp nghiên cứu
định tính mà cụ thể ở đây là quan sát tham dự và phỏng vấn sâu vì chúng có
hiệu quả hơn, nhất là trong một vấn đề có phần nhạy cảm như vấn đề đang
triển khai. Các thống kê được thực hiện, do đó, chủ yếu là nhằm tạo tiền đề

và/ hoặc bổ sung cho điều tra định tính. Việc lựa chọn sử dụng kĩ thuật định
tính hay định lượng, như ta vẫn biết, phụ thuộc vào sự tương thích của chúng
đối với vấn đề nghiên cứu và việc phối hợp chúng như thế nào cũng vậy.
Về việc phân tích - tổng hợp các tư liệu có liên quan, đối tượng của
đề tài là các tư liệu về quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp nói riêng và các tư liệu có
thể không về quan hệ xã hội nhưng gắn kết nhất định với vấn đề nghiên cứu.
Trong đó, tư liệu thành văn bao gồm: i) các công trình nghiên cứu đã được
công bố của người nghiên cứu chuyên hoặc không chuyên, ii) các văn bản
của Đảng bộ/ Đảng ủy và UBND xã, và iii) các tư liệu của người làng chưa/
không xuất bản. Các công trình nghiên cứu chuyên nghiệp về Ninh Hiệp khá
phong phú, lí do là bởi mấy thập niên gần đây, nó được các nhà khoa học về
nông thôn/làng ở Việt Nam dành cho nhiều sự quan tâm. Các công trình
nghiên cứu không chuyên về Ninh Hiệp đã công bố cũng không ít 6. Với các
văn bản của Đảng bộ/Đảng ủy và UBND xã, tôi gặp thuận lợi lớn trong việc
Thậm chí cách đây khoảng chục năm, báo chí Hà Nội vẫn thường nhắc đến một người làng hay
viết về Ninh Hiệp với danh xưng “người viết sử làng”. Tuy nhiên, ít người biết rằng đây là người
viết sử làng đặc biệt, vì ông đã nhận được cả tiếng vang lẫn tai họa từ những trang viết của mình
(có quyển sách của ông đã bị UBND xã thu hồi do xuất hiện đơn kiện của một dòng họ trong
làng rằng nó có những điểm chưa chính xác). Câu chuyện này khiến tôi luôn tự nhắc bản thân
phải hết sức thận trọng khi sử dụng các nguồn tư liệu thứ cấp bằng cách hỏi thật nhiều người làng
trong khả năng có thể của mình về những thông tin liên quan để đối chứng.
6

10


tiếp cận do một cán bộ xã là bạn học cũ của tôi - anh đã giúp tôi sớm có được
những gì mà tôi muốn. Những văn bản này rất cần thiết vì chúng không chỉ
đem lại con số mà còn cho tôi biết quan điểm của các tổ chức, cơ quan công
quyền đối với vấn đề phi nông nghiệp hóa tại làng ở từng giai đoạn cụ thể.

Với các tư liệu của người làng chưa hoặc không xuất bản, việc tiếp cận khó
hơn. Vì quen biết “dây mơ rễ má” với người thân của các tác giả, tôi mượn
được một vài bản thảo viết tay hoặc đánh máy đề cập đến những khía cạnh ít
nhiều liên quan tới lịch sử của làng để tham khảo. Tôi nhận thấy rằng thái độ
trân trọng các bản thảo được mượn là điều khiến người mượn khá nhanh
chóng giành được thiện cảm của người cho mượn và sau đó sẽ dễ được tạo
điều kiện để tiếp cận nhiều tư liệu hơn nữa. Ví dụ, có bản thảo, trước khi
đem trả, tôi xin phép được đóng quyển để tránh khả năng sau này các trang
ruột của nó bị thất lạc, không ngờ việc nhỏ như vậy cũng đủ để tôi nhận
được sự hài lòng lớn từ phía người cho mượn - người này đã cung cấp thêm
một vài tài liệu “độc” khác mà trước đó tôi không hề biết đến. Ngoài ra, tôi
cũng tham khảo các thông tin về làng trên internet - một nguồn có tính cập
nhật và đa dạng - để biết thêm rằng người Ninh Hiệp nghĩ về mình như thế
nào và người nơi khác nghĩ về họ ra sao trong những vấn đề mà tôi quan
tâm. Còn về việc phân tích - tổng hợp các tư liệu phi thành văn có liên quan,
đối tượng của đề tài là những câu chuyện, lời ca gắn với quá trình hình
thành, phát triển của làng mà một số người trong làng vẫn nhớ, cái lắng đọng
hình ảnh cuộc sống của cư dân nơi này qua các thế hệ. Tôi có được chúng chủ
yếu từ các lão niên trong làng. Họ biết tương đối nhiều và rất vui khi một
người còn khá trẻ mong muốn tìm hiểu về di sản đó. Cũng phải nói thêm rằng
những sáng tác này không chỉ được lưu một cách tĩnh tại trong trí nhớ người
già mà vẫn tiếp tục tồn tại sống động trong cuộc sống của họ theo một cách
thức nhất định. Không ít lần tôi đã chứng kiến các ông, các bà vui vẻ đọc, hát
và bàn luận về các sáng tác thơ ca truyền miệng lâu đời của làng khi họ sinh
hoạt với nhau trong Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi Ninh Hiệp do chính
bà thân sinh tôi là chủ tịch - hiện tượng cho thấy vẫn có một đời sống thực
của văn hóa dân gian ở đây.

11



4. Đóng góp của luận án
Đây là một nghiên cứu về quan hệ xã hội ở một làng người Việt trong
bối cảnh phi nông nghiệp hóa đặc thù - phi nông nghiệp hóa dạng thương mại
hóa - dưới góc độ văn hóa học.
Về mặt lí luận, qua việc giải quyết vấn đề nghiên cứu, luận án thảo
luận với và bổ sung cho quan điểm “người nông dân duy lí”, được biết đến
nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ xã hội ở nông thôn châu Á nói
chung và Việt Nam nói riêng, do Popkin khởi xướng. Đồng thời, luận án còn
thảo luận với và bổ sung cho quan điểm “mạng xã hội” về vốn xã hội và phát
triển kinh tế, được biết đến nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu vốn xã hội, của
Burt, Portes, Massey, Woolcock và một số người khác.
Về mặt thực tiễn, đề tài góp phần làm toàn diện hơn nữa nhận thức về
bức tranh toàn cảnh của quan hệ xã hội ở nông thôn nước ta hiện nay khi phi
nông nghiệp hóa đang là một xu hướng ngày càng phát triển và vì thế, cung
cấp thêm một cơ sở cho những nhà hoạch định chính sách và những người
thực hiện các dự án phát triển trong các lĩnh vực/ vấn đề có liên quan.
5. Bố cục
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, danh mục
các công trình của tác giả liên quan đến đề tài và phụ lục, luận án có 05 chương:
Chương 1. Tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết;
Chương 2. Làng Ninh Hiệp;
Chương 3. Mạng lưới quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp;
Chương 4. Vốn xã hội ở Ninh Hiệp - sự vận dụng mạng lưới quan hệ
xã hội trong hoạt động mưu sinh của người dân;
Chương 5. Tính chiến lược trong quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp - sự ứng
xử với vốn xã hội.

12



Chương 1
TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1.1. Tình hình nghiên cứu quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp
Ninh Hiệp là một trong những ngôi làng Bắc Bộ được giới nghiên cứu
về nông thôn ở Việt Nam khá quan tâm. Đến nay, một số công trình khảo sát
về nó đã được thực hiện như: Ninh Hiệp truyền thống và phát triển của Tô
Duy Hợp (chủ biên) (1997) [45]; “Thương mại - dịch vụ trong phát triển
kinh tế - xã hội ở Ninh Hiệp” của Lê Thanh Bình (2002) [8]; “Tiểu thủ công
nghiệp ở Ninh Hiệp (lịch sử và hiện tại)” của Dương Duy Bằng (2002) [5];
“Những biến đổi của quan hệ dòng họ ở Ninh Hiệp” của Vũ Văn Quân
(2002) [85]; Chợ nông thôn châu thổ sông Hồng trong quá trình chuyển đổi
kinh tế - xã hội thời kì đổi mới (trường hợp chợ Ninh Hiệp, chợ Hữu Bằng,
chợ Thổ Tang) của Lê Thị Mai (2004) [64]7; Sinh hoạt văn hóa cổ truyền ở
các làng - xã Đa Tốn, Ninh Hiệp, Bát Tràng huyện Gia Lâm ngoại thành Hà
Nội trong thời kỳ đổi mới của Phan Thanh Tá (2010) [95]… Những nghiên
cứu mang tính tổng quát (Tô Duy Hợp) cũng như những nghiên cứu đi sâu
tìm hiểu từng lĩnh vực như kinh tế (Lê Thị Mai, Lê Thanh Bình), văn hóa
(Phan Thanh Tá), và xã hội (Vũ Văn Quân, Nguyễn Đức Truyến…) đã đưa
đến một số kiến giải quan trọng về đối tượng này. Ninh Hiệp cũng được giới
nghiên cứu quốc tế ít nhiều chú ý. Chẳng hạn trong công trình của Lương
Văn Hy và Unger, “Wealth, Power, and Poverty in the Transition to Market
Economies: The Process of Socio-economies Differentiation in Rural China
and Northern Vietnam” [Thịnh vượng, quyền lực và sự nghèo đói trong việc
chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường: Quá trình của sự phân hóa kinh tế xã hội ở nông thôn Trung Quốc và Bắc Việt Nam] (1998) [207], nó được lấy
làm ví dụ cho dạng làng có truyền thống về nghề thủ công và chuyên nghiệp
hóa thương mại (truyền thống này được xem là một trong các yếu tố có ý
Công trình đã được xuất bản bởi Nxb. Thế giới (Hà Nội) vào năm 2004 với tên gọi Chợ quê
trong quá trình chuyển đổi.

7

13


nghĩa nền tảng đối với “mức độ của sự định hướng thị trường của một ngôi
làng”). Hay mới đây, trong “Tư nhân hóa và sự năng động của thị trường
mang tính chất giới ở Ninh Hiệp, Gia Lâm” (2014) [41], Horat đã mô tả việc
phân công lại lao động cùng những thỏa thuận đối với vai trò và mối quan hệ
giới trong gia đình ở làng hiện nay.
Về việc nghiên cứu các quan hệ xã hội ở Ninh Hiệp (hoặc lấy Ninh
Hiệp làm một mẫu nghiên cứu trường hợp), có hai công trình tập trung hơn cả
là “Những biến đổi của quan hệ dòng họ ở Ninh Hiệp” của Vũ Văn Quân
(trong Làng ở vùng châu thổ sông Hồng, vấn đề còn bỏ ngỏ do Papin và
Tessier chủ biên) (2002) [85] và Kinh tế hộ gia đình và các quan hệ xã hội ở
nông thôn đồng bằng sông Hồng trong thời kì đổi mới của Nguyễn Đức
Truyến (2003) [116].
Trong công trình thứ nhất, tác giả đã lần lượt đề cập tới i) sự gắn kết
của quan hệ dòng họ trước Cách mạng (1945); ii) sự phai nhạt của quan hệ
dòng họ trong giai đoạn từ sau Cách mạng cho đến trước thời điểm bắt đầu
Đổi mới (1986) do những chi phối của bối cảnh chính trị; và iii) sự phục hồi
của quan hệ dòng họ trong giai đoạn Đổi mới dưới tác động của sự phát triển
kinh tế và đặc biệt là các chủ trương liên quan của Nhà nước. Như vậy,
nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi của quan hệ dòng họ ở Ninh Hiệp, theo tác
giả, là do tác nhân lịch sử - xã hội, nhất là những chính sách quan phương.
Quan điểm này có những cơ sở của nó, tuy nhiên tác giả mới chỉ đề cập đến
các nguyên nhân khách quan chứ chưa chú ý đến các nguyên nhân chủ quan
của sự biến đổi quan hệ dòng họ ở đây, trong khi do bản chất của các hoạt
động mưu sinh phi nông nghiệp mà nó có rất nhiều khả năng mang nặng tính
chiến lược.

Trong công trình thứ hai, lấy làng Ninh Hiệp làm mẫu chính để khảo
sát về các quan hệ xã hội ở nông thôn đồng bằng sông Hồng trong thời kì
Đổi mới, tác giả khẳng định, các quan hệ xã hội truyền thống phục hồi trên
nền tảng tái lập kinh tế hộ gia đình. Luận điểm cơ bản của tác giả là sự phục
hồi kinh tế hộ gia đình một mặt phát triển ý thức về lợi ích kinh tế cá nhân,

14


mặt khác cũng đòi hỏi củng cố quan hệ cộng đồng truyền thống - được coi là
giá đỡ chủ yếu cho sự phát triển của bản thân mô hình kinh tế, cũng như cho
từng thành viên. Mặc dù vậy, mô hình được nói đến trong nghiên cứu mới
chỉ là mô hình kinh tế hộ nông dân, cái mà quan hệ cộng đồng vẫn có thể là
“giá đỡ”, chứ chưa bao gồm những mô hình khác.
Có thể nói, phần nào giống như chính ngôi làng, quan hệ xã hội ở
Ninh Hiệp cũng đã nằm trong mối quan tâm của các nghiên cứu. Tuy nhiên,
những công trình đề cập đến nó so với những công trình đề cập đến các khía
cạnh khác của làng lại chưa phong phú, và về cơ bản tập trung vào thời điểm
cách đây trên một thập kỉ, khi Ninh Hiệp còn là một ngôi làng hỗn hợp điển
hình thay vì phi nông nghiệp hóa như hiện tại.
Nhìn rộng hơn, tình hình nghiên cứu quan hệ xã hội ở nông thôn Việt
Nam và khu vực ra sao?
1.1.2. Tình hình nghiên cứu quan hệ xã hội ở nông thôn Việt Nam
Đề tài quan hệ xã hội thường được gặp trong những nghiên cứu về
nông thôn và nông dân ở Việt Nam. Có thể thấy hai mảng chính được quan
tâm là i) đặc điểm quan hệ xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng
Tám (1945), và ii) đặc điểm quan hệ xã hội nông thôn Việt Nam từ sau thời
điểm bắt đầu Đổi mới (1986) đến nay. Một trong những lí do khiến quan hệ xã
hội nông thôn giai đoạn từ sau năm 1945 đến trước năm 1986 không trở thành
đối tượng được chú ý là sự chi phối của bối cảnh chính trị ở miền Bắc (quan hệ

này bị xóa nhòa nhiều phần dưới thể chế “hợp tác xã”).
Thứ nhất, mảng đề tài về đặc điểm quan hệ xã hội nông thôn trước
Cách mạng tháng Tám (1945).
Về tổng thể, có ba cách nhìn nhận khác nhau với đối tượng đang đề
cập: duy tình, duy lí và trung hòa.
Nằm trong số những người nghiên cứu sớm nhất về làng Việt, với
Người nông dân châu thổ Bắc Kì (1936), Gourou nhận định: “Làng là một
cộng đồng tự trị, tự giải quyết những mâu thuẫn giữa các thành viên, tự thu
lấy thuế cho nhà nước” [31, tr. 247] và “mặc dầu có sự tố giác và thủ đoạn

15


giữa các phe đảng, tình đoàn kết làng xã không phải là lời nói suông” [31, tr.
254]. Đồng tình với Gourou, Nguyễn Văn Huyên trong Văn minh Việt Nam
(1944) đánh giá rằng các thành viên trong làng có sự đoàn kết, và điều này
đặc biệt xảy ra khi quyền lợi cộng đồng bị xâm phạm: “... làng xã Việt Nam,
ngoài tổ chức hành chính chính thức, còn vô số nhóm có những mối quan hệ
rõ rệt. Do tinh thần tương trợ của họ, những nhóm đó đóng vai trò tốt lành ở
cái xứ sở ít tiền bạc này... Dù sao đi nữa, đúng là có một cộng đồng làng xã
thật sự” [48, tr. 148 - 149]. Scott, với The Moral Economy of the Peasant:
Rebellion and Subsistence in Southeast Asia [Kinh tế đạo đức của nông dân:
Sự phản kháng và sinh tồn ở Đông Nam Á] (1976) [236] - công trình khởi
nguồn cho những tranh luận kéo dài của các nhà nghiên cứu trên thế giới về
tính chất tình - lí ở nông thôn châu Á nhiều thập niên qua8 - nhấn mạnh rằng
làng của người Việt thời thuộc địa là một thiết chế giảm thiểu rủi ro trong
tình trạng khí hậu thất thường mà kĩ thuật sản xuất thì hạn chế, và sự đùm
bọc giữa các thành viên của làng luôn tồn tại với trách nhiệm lớn của những
người thuộc tầng lớp trên. Trong “Công cuộc trị thủy - thủy lợi yêu cầu quan
hệ tập thể làng xã” (1977) [78], Vũ Huy Phúc và Lê Đình Sỹ nhận định việc

phải đoàn kết để đấu tranh không ngừng với những thử thách của thiên nhiên
đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành tinh thần cộng
đồng ở nông thôn. Nguyễn Đổng Chi, với “Sự tồn tại của quan hệ thân tộc
trong làng xã Việt Nam” (1978) [11] và “Vài nét về biện pháp cứu tế tương
trợ trong làng xã Việt Nam trước Cách mạng” (1978) [12], nói đến “sự cố
kết lâu bền” trong quan hệ thân tộc nói riêng và “tinh thần tập thể rất cao”
trong quan hệ làng xã nói chung ở người nông dân. Trần Đình Hượu với
““Làng - Họ”, những vấn đề của quá khứ và hiện tại” (1989) xem làng là
“một thế giới riêng” và mọi người dân “có thể dựa vào thiết chế của làng,
tinh thần cộng đồng, tình nghĩa bà con xóm làng mà sống, không cần ra khỏi
làng...” [51, tr. 20]. Diệp Đình Hoa trong Tìm hiểu làng Việt (1990) khẳng
Và còn không chỉ châu Á. Ví dụ, xem bài viết gần đây bàn về công trình này của Edelman,
“Bringing the Moral Economy back in… to the Study of 21st-Century Transnational Peasant
Movements” [Đưa nền kinh tế đạo đức trở lại... với việc nghiên cứu xuyên quốc gia về phong
trào nông dân của thế kỉ 21] (2005) [165].
8

16


định: “Tinh thần đoàn kết và cố kết đã gắn những người nông dân lại với
nhau, gắn họ với làng xã và được họ coi là nhu cầu, là lẽ sống, là tình cảm
sâu sắc, là một nghĩa vụ thiêng liêng” [36, tr. 544]. Còn Đỗ Thái Đồng trong
“Làng hiện thực và biểu trưng” (1995) nhìn nhận, làng “có chức năng tổ
chức, duy trì và tái tạo các quan hệ cộng đồng” và “là một hệ thống được
biểu trưng về một sự an toàn xã hội vững chắc nhất” [28, tr. 91].
Trong khi các nhà nghiên cứu nói trên nhấn mạnh đến sự lấn át của
tính cộng đồng đối với tính cá nhân ở làng Việt thì ngược lại, Popkin qua
công trình tranh luận với Scott, The Rational Peasant: The Political Economy
of Rural Society in Vietnam [Người nông dân duy lí: Nền kinh tế chính trị của

xã hội nông thôn ở Việt Nam] (1979) [224], đã dành sự quan tâm cho mâu
thuẫn giữa lợi ích cá nhân và nhóm. Cùng với tác phẩm của Scott, công trình
của Popkin cũng chính là công trình đã đưa vấn đề tình - lí ở nông thôn Việt
Nam vào tâm điểm chú ý của giới nghiên cứu quốc tế về nông thôn châu Á.
Popkin nhận định rằng người nông dân Việt thời thuộc địa luôn hành động
dưới sự chi phối của việc ra quyết định cá nhân và những tương tác chiến
lược, nhưng trước hết, anh ta quan tâm đến phúc lợi và sự an toàn của bản
thân cũng như gia đình. Nói cách khác, với Popkin, hành động của người
nông dân mang nặng sự cân nhắc nhằm mục đích thu lợi tối đa hơn là bị chi
phối bởi những vấn đề đạo đức: khi xem xét đến khả năng nhận được kết quả
tốt đẹp hơn trên cơ sở hành động cá nhân, anh ta sẽ đi theo hướng tư lợi. Tác
giả vì thế cho rằng nên coi làng là một nghiệp đoàn hơn là một cộng đồng.
Một người khác, Trần Từ, trong Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở
Bắc Bộ (1984), cũng lưu ý đến những mâu thuẫn thường trực, không thể hòa
giải trong cộng đồng làng xã. Theo ông, mỗi làng của người Việt chính là một
“biển” tiểu nông tư hữu, trong đó từng hộ nông dân tự do, dù thuộc giai cấp
hay thành phần xã hội nào, vẫn là một tế bào kinh tế độc lập với “lí tưởng”
vươn lên riêng rẽ của nó [126, tr. 29]. Đồng thời, ông đánh giá rằng tuy “họ”
của người Việt là một hình thức của gia đình mở rộng và chủ yếu có chức
năng tạo ra niềm cộng cảm dựa trên huyết thống, vai trò của nó sau này chỉ

17


còn nằm ở lĩnh vực tâm tưởng hơn là đời sống hiện thực. Đấy là chưa kể, “dù
tổ chức họ có thỉnh thoảng cung cấp một chỗ dựa tinh thần cho từng gia đình
nhỏ đang phải đương đầu với mâu thuẫn làng mạc thì bản thân nó đã là một
cái túi chứa mâu thuẫn rồi” [126, tr. 44].
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu lại khẳng định sự tồn tại đan xen
của cả hai yếu tố vừa đề cập ở làng xã Việt (mặc dù có thể có điểm nhấn).

Brocheux, trong “Moral Economy or Political Economy? The Peasants are
Always Rational” [Kinh tế đạo đức hay kinh tế chính trị? Nông dân luôn
sáng suốt] (1983), cho rằng tùy theo từng thời điểm và tình huống cụ thể,
người nông dân Việt Nam sẽ lựa chọn gắn mình vào nền kinh tế đạo đức (duy
tình) hay nền kinh tế chính trị (duy lí), vì thế cuộc chiến quan điểm diễn ra
giữa Scott và Popkin “là không tương ứng với cuộc sống thực tế” [154, tr.
801]. Lương Văn Hy, trong “Agrarian Unrest from an Anthropological
Perspective: The Case of Vietnam” [Tình trạng bất ổn nông nghiệp từ một góc
nhìn nhân học: Trường hợp của Việt Nam] (1985), khẳng định làng Việt thời
kì tiền thuộc địa và thuộc địa bao gồm cả sự “đoàn kết tận cùng” và cả “sự
đua tranh dữ dội” mà nếu không có “những phân tích sâu về sự đan xen và
đối lập trong nguyên lí cấu trúc và thông số sinh thái học” của nó thì sẽ không
thể hiểu hết các vấn đề liên quan [206, tr. 153]. Trần Quốc Vượng, với Văn
hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm (2000) nhận định, ngoài một “chủ nghĩa
cộng đồng”, hệ ý thức Việt Nam cổ truyền còn có cả “chủ nghĩa cá nhân tiểu
nông” [135, tr. 83]. Trong Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (2001), Trần
Ngọc Thêm đánh giá, “cộng đồng” và “tự trị” là hai đặc trưng căn rễ dẫn đến
“tính nước đôi” của người nông dân Việt: vừa có tinh thần đoàn kết tương trợ
lại vừa có óc tư hữu, ích kỉ và thói cào bằng; vừa có tính tập thể hòa đồng lại
vừa có tính bè phái, địa phương; vừa có nếp sống dân chủ bình đẳng lại vừa
có tính gia trưởng tôn ty; vừa có sự cần cù, tự lập lại vừa có thói dựa dẫm, ỷ
lại... [102, tr. 197 - 198]. Xác định làng xã Việt mang những đặc trưng kép là
“tự trị và phụ thuộc”, “tự cung tự cấp và thị trường”, “đồng thuận và xung
đột”, “biệt lập và giao lưu”, Tô Duy Hợp, trong Định hướng phát triển làng xã đồng bằng sông Hồng ngày nay (2003) [47] rồi sau đó là Lương Hồng

18


×