MỤC LỤC
Trang
LỜI GIỚI THIỆU.......................................................................................
5
PHẦN MỞ ĐẦU...........................................................................................
11
Chương I. NHỮNG TIỀN ĐỀ LỊCH SỬ XÃ HỘI VÀ VĂN HOÁ CỦA PHÊ
BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NĂM
1945..............................................
27
1. Nền văn học được hiện đại hoá đòi hỏi sự ra đời của phê bình văn học như là
một
hoạt
động
chuyên
môn............................................................................................................................
28
2. Sự ra đời của báo chí, sự xuất hiện của tầng lớp trí thức có học vấn tương
đối cao - là những tiền đề văn hoá trực tiếp của phê bình văn
học………..................
35
3. Phê bình văn học hiện đại đã kế thừa truyền thống bình văn của ông cha
và
chịu
ảnh
hưởng
sâu
sắc
lí
luận
phê
bình
nước
ngoài……………………........................
41
4. Bản thân văn học Việt Nam với những thành tựu của quá trình hiện đại
hoá
cũng
đòi
hỏi
phải
có
phê
bình
văn
học………………………………………................................
46
Chương II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM
CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NĂM
1945...
53
I. Thời kì từ đầu thế kỉ XX đến 1945, phê bình văn học theo nghĩa hiện đại
thực sự ra đời…..........................
53
II. Một số đặc điểm cơ bản của phê bình văn học Việt Nam trong 45 năm
đầu thế kỉ……………...............……......
72
Chương
III.
MỘT
SỐ
TÁC
GIẢ
PHÊ
BÌNH
TIÊU
BIỂU........................................................................................................................
113
I. Thiếu Sơn với công trình "Phê bình và cảo
(1933)……………………………………….………..............................
113
luận"
II. Hoài Thanh và "Thi nhân Việt Nam" (1942)........
III. Vũ Ngọc Phan và cuốn sách phê bình có quy mô lớn nhất thời kì văn học
trước năm 1945 ở Việt Nam - cuốn "Nhà văn hiện đại"
125
(1942)………….....................
136
IV. Hải Triều - cây bút phê bình tiêu biểu của khuynh hướng phê bình xã hội
học
ở
Việt
Nam
trước
năm
1945..............................................................................................................
151
KẾT LUẬN………………………………………............................................
159
THƯ MỤC THAM KHẢO……………………….............................
163
LỜI GIỚI THIỆU
Vào nửa đầu những năm 90 thế kỉ trước, khi cao trào đổi mới mọi mặt của đất nước đã trải qua chặng
đường gần 10 năm, ở tuổi tứ thập sung mãn - nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung đã bảo vệ
thành công Luận án Tiến sĩ Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với đề tài: Quá trình hình
thành và phát triển của phê bình văn học Việt Nam (từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945).
Trước đó, từ 1989, tên tuổi của cây bút nữ Trần Thị Vân Trung (bút danh khác của Trần Thị Việt
Trung) đã xuất hiện trên văn đàn qua mấy tập thơ in riêng cùng hàng chục bài báo khoa học công bố trên
báo chí chuyên ngành văn học ở Trung ương và khu vực, liên quan đến đề tài Luận án của chị.
Nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung với Luận án nói trên đã ghi một dấu ấn quan trọng về
đổi mới tư duy học thuật, làm mới điểm nhìn và phương pháp nghiên cứu khi khảo sát đời sống lịch sử
của một thể tài văn học mới - Phê bình văn học - thuộc văn học Việt Nam hiện đại trong giai đoạn hình
thành và phát triển buổi đầu của nó.
Cuốn sách chuyên khảo của TS. Trần Thị Việt Trung được viết ngắn gọn, trên cơ sở bao quát tư liệu
khá đầy đủ, khảo sát và tái hiện sinh động quá trình hình thành, phác hoạ rõ nét diện mạo và cho thấy
những đặc điểm, khuynh hướng chủ yếu của phê bình văn học Việt Nam diễn tiến từ những ngày đầu cho
đến 1945. Dưới góc nhìn loại hình học soi chiếu vào một kiểu thể tài văn học mới xuất hiện trên văn đàn
hiện đại Việt Nam, bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, gắn tiến trình phồn tạp của văn chương với
đời sống văn hóa, hoàn cảnh lịch sử và môi trường xã hội Việt Nam thời buổi “gió Âu, mưa Á” - tác giả
Trần Thị Việt Trung đã lí giải có căn cứ, thuyết phục về những tiền đề ra đời của thể tài này - như một tất
yếu của quá trình vận động văn học chuyển mình để đi vào quỹ đạo của nền văn học hiện đại, hội nhập
với khu vực và thế giới.
Có thể thấy, từ những năm đầu thế kỉ XX, song song với sự phát triển của sáng tác bằng chữ Quốc
ngữ (Thơ Mới, truyện ngắn và tiểu thuyết, các thể loại kí, văn học, kịch) và văn học dịch, phê bình văn
học cùng với lí luận văn học và nghiên cứu văn học đã trở thành những thành tố hữu cơ của khoa học về
văn học - chúng thể hiện sự “tự nhận thức của bản thân văn học” như ý kiến xác đáng của nhà lí luận phê
bình kiệt xuất V.G. Bielinki.
Từ nay ở trình độ phát triển mới của văn học hiện đại, khi mà cá tính sáng tạo của nhà văn được đề
cao và đòi hỏi của các loại độc giả được quan tâm đáp ứng, tác phẩm văn học là một loại hàng hoá phi vật
thể, thì phê bình văn học trở thành một hình thái tiếp nhận văn học đặc biệt, do những cây bút phê bình
đảm trách.
Phê bình văn học giờ đây là một phương diện then chốt của đời sống văn học, không chỉ nhằm cảm
thụ, định giá thẩm mĩ một cách tinh tế, trung thực và khoa học, khách quan về tác phẩm, tác giả mà sâu xa
hơn, nó là một nhân tố thúc đẩy sự vận động của cả tiến trình văn học trong mối quan hệ với đời sống xã
hội, với tác giả và tác phẩm, với công chúng rộng rãi.
Cũng trong cuốn sách này, Trần Thị Việt Trung dụng bút đi sâu vào tứ đại gia, còn gọi là nhà văn
phê bình, hoạt động có hiệu quả nổi bật trong thời kì này là: Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan và
Hải Triều. Họ có những đóng góp để đời, là đại diện cho sự tìm tòi đa dạng các kiến thức và phương pháp
phê bình mới tiếp nhận từ phương Tây hiện đại, và là những phong cách phê bình độc đáo đương thời, đời
sau không thôi nhắc nhở, ngưỡng mộ.
*
*
*
Trên mặt bằng nghiên cứu văn học từ hơn nửa thế kỉ nay, trước và sau Trần Thị Việt Trung những chuyên luận về lịch sử phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, được xuất bản trong
nước, còn chưa nhiều
(*)
. Nhưng mỗi tác giả, người trước khai mở, người sau kế thừa và tiếp nối, với
bản lĩnh học thuật, kiến văn có giới hạn, vẫn cố gắng đưa ra những ý kiến riêng góp phần nhận chân về
các khuynh hướng, phương pháp và đội ngũ người viết phê bình văn học Việt Nam hiện đại khởi phát
từ buổi giao thời cũ / mới; thi pháp trung đại / thi pháp hiện đại; văn nghệ chức năng / văn chương
thẩm mĩ; mĩ học sáng tạo / mĩ học tiếp nhận…
Với PGS. TS. Trần Thị Việt Trung, ngót 10 năm sau lần xuất bản đầu tiên chuyên luận này, hôm nay,
để tái bản sách, chị đã bỏ thêm nhiều tâm sức sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện ấn phẩm tâm đắc của mình.
Tuy nhiên, là một công trình mở màn cho một giai đoạn mới trong nghiên cứu lịch sử phê bình văn học
Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, sách chắc chắn còn chưa tránh
............................................
(*)
Có thể kể:
- Kiều Thanh Quế - Phê bình văn học, Tân Việt xb, 1942, 72tr.
- Thanh Lãng - Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào văn hoá xb, Sài Gòn, tập 1 (1972, 422tr.)
tập 2 (1973, 554tr).
- Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX (1900 - 1945), Nxb Đại
học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2004, 406tr.
được thiếu sót nhất định.
Nhân dịp sách được tái bản, tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc ấn phẩm khoa học văn chương đặc
sắc này. Mong đợi những công trình mới tiếp sau của chị cũng như của các đồng nghiệp khả kính khác, sẽ
giàu thêm những tường giải khả quan, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người đọc khi họ tìm đến với
khoa nghiên cứu văn học trong thế kỉ mới./.
Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm
2010
Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội
PGS.TS. Nguyễn Ngọc
Thiện
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Như chúng ta đã biết, có sáng tác văn học là hầu như có hoạt động phê bình. Cho nên, bề dày của
lịch sử phê bình chắc chắn không thua kém so với bề dày của lịch sử văn học.
Văn học không phải là hiện tượng nhất thành bất biến. Trên phạm vi toàn thế giới, trước và sau thế
kỉ XVII, văn học tồn tại trong những hình thái lịch sử hoàn toàn khác nhau. Ở Việt Nam cũng vậy, cho
đến tận cuối thế kỉ XIX, văn học dân tộc vẫn dừng lại ở phạm trù trung đại, mang tính cổ điển. Từ đầu thế
kỉ XX, văn học Việt Nam đã phá vỡ cái thế khoanh vùng, khép kín để gia nhập vào tiến trình văn học
nhân loại. Đây chính là quá trình liên tiếp xuất hiện những cách tân nghệ thuật khiến cho diện mạo nền
văn học nước nhà hoàn toàn thay đổi theo hướng hiện đại hoá.
Phê bình là sự tự ý thức của văn học. Cho nên, tương ứng với các hình thái tồn tại của văn học, phê
bình cũng có các hình thái lịch sử khác nhau. Văn học cổ điển Việt Nam tồn tại như tổng số giản đơn của
những tác phẩm riêng lẻ. Vì thế người ta nhận ra diện mạo của nó qua tên tuổi một số tác gia tiêu biểu
cùng một hệ thống các loại thể tác phẩm có đường ranh giới phân chia khá rạch ròi. Tương ứng với hình
thái tồn tại của văn học, trước thế kỉ XX, nền phê bình của dân tộc cũng chỉ dừng lại ở lối phê bình kiểu
cổ. Phê bình kiểu cổ thiên về đánh giá, phẩm bình hơn là phân tích, giải thích các hiện tượng văn học. Nó
chỉ cần biết tới văn bản tác phẩm với những “thần cú”, “nhãn tự”, mà không cần biết tới những quan hệ
xã hội phức tạp đã sản sinh ra tác phẩm đó. Chỗ dựa để đánh giá, phẩm bình của nó là các chuẩn mực quy
phạm, chứ không phải là cá tính sáng tạo của nhà văn. Hai dạng cơ bản của phê bình kiểu cổ là phê bình
tri âm và phê bình kí thác. Nói như thế để thấy, phê bình kiểu cổ thường đứng ngoài, đứng trên quá trình
văn học để phẩm bình, đánh giá văn học.
Chỗ dựa của các kiểu sáng tác hiện đại không phải là những phạm trù xã hội quy phạm, mà là tính
sáng tạo của nhà văn. Đây là cơ sở tạo nên những phong cách cá nhân đa dạng, những trào lưu, trường
phái sáng tác có quan điểm xã hội - thẩm mĩ riêng. Cho nên, khác với văn học trung đại, từ đầu thế kỉ XX,
nhất là từ những năm 30, văn học Việt Nam vận động và phát triển trong mối quan hệ tương tác vô cùng
phức tạp của các khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật. Phù hợp với hình thái tồn tại lịch sử của văn học,
phê bình hiện đại buộc phải trở thành một hiện tượng xã hội đặc thù. Khác với phê bình kiểu cổ, phê bình
hiện đại là một hoạt động tác động, nó vừa tác động vào công chúng bạn đọc để tạo ra dư luận đối với tác
phẩm văn học, vừa tác động vào sáng tác để thúc đẩy văn học tiến lên phía trước. Chính vì thế, phê bình
hiện đại không thể đứng ngoài, đứng trên, mà nhập hẳn vào quá trình văn học với tư cách là nhân tố tổ
chức, định hướng cho hoạt động sáng tác [126]. Cũng bởi vậy, lịch sử phê bình hiện đại là bộ phận hợp
thành quan trọng của lịch sử tiến trình văn học. Cho nên, thông qua việc nghiên cứu quá trình hình thành
và phát triển của phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 là nhằm góp phần nghiên
cứu lịch sử văn học nước nhà một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn - cũng chính là một mục đích cuốn
sách này.
2. Là bộ phận hợp thành của quá trình văn học, phê bình vẫn giữ được vị trí độc lập tương đối của nó.
Điều này thật dễ hiểu. Bên cạnh những mặt tương đồng, hoạt động sáng tác và hoạt động phê bình văn
học có rất nhiều điểm khác nhau. Chẳng hạn, đối tượng nhận thức, phản ánh của sáng tác văn học là toàn
bộ hiện thực đời sống đang vận động, biến đổi, trong khi đó đối tượng nhận thức, phân tích của phê bình
lại là tác phẩm văn học, là cuộc sống đã được nhào nặn qua hoạt động sáng tạo của nhà văn, là câu chữ
cùng toàn bộ hình thức nghệ thuật được nhà văn sử dụng để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Tư duy
sáng tạo văn học chủ yếu là tư duy hình tượng, trong đó vai trò của trực cảm hết sức quan trọng, còn tư
duy lí luận, phê bình lại chủ yếu là tư duy lôgíc. Khi sáng tác, nhà văn cần phải say, còn khi phân tích văn
học, nhà phê bình phải tỉnh táo. Chưa phải là người “độc vạn quyển thư, hành thiên lý lộ”, khó có thể trở
thành nhà văn lớn. Nhưng nhà văn đến với sáng tác lại chủ yếu bằng tài năng, bằng cái khiếu bẩm sinh,
cho nên, trẻ con lên năm, lên sáu đã có thể viết văn, làm thơ. Huygô lừng danh trong văn học Pháp,
Puskin trở thành niềm hi vọng của văn học Nga và cả thế giới khi tuổi còn rất trẻ, và ở Việt Nam, người ta
biết đến tên tuổi của Trần Đăng Khoa khi nhà thơ ấy mới ở độ tuổi chín, mười và đang học ở bậc tiểu
học… Không có tài cũng có hi vọng trở thành nhà phê bình lớn, nhưng rõ ràng, nhà phê bình đến với văn
chương chủ yếu là bằng sự hiểu biết hơn là bằng năng khiếu văn chương. Ta hiểu vì sao, những ai không
có học vấn, không có kiến văn rộng rãi thì không thể trở thành nhà phê bình được! Nói như thế để thấy,
hoạt động lí luận phê bình văn học có những tiền đề xã hội, những vấn đề lịch sử, văn hoá riêng của mình.
Trong quá trình hình thành và phát triển, phê bình văn học có những quy luật vận động của sáng tác văn
học. Cho nên, dựng lại diện mạo của phê bình văn học Việt Nam trong quá trình hình thành và phát triển
từ đầu thế kỉ cho đến năm 1945, chỉ ra các tiền đề văn hóa - lịch sử và đặc điểm, quy luật vận động của nó
chính là mục đích quan trọng nhất của công trình nghiên cứu này.
3. Một nền văn học lớn không thể thiếu những nhà văn, nhà thơ lớn. Cũng như thế, sẽ không có nền
phê bình lớn nếu thiếu vắng những nhà phê bình lớn. Cho đến tận cuối thế kỉ XIX, các nhà văn, nhà thơ
của chúng ta vẫn “tự túc” công việc phê bình. Ở thời ấy, các nhà phê bình đồng thời cũng là những người
sáng tác. Từ đầu thế kỉ XX, nhất là từ những năm 30, nền phê bình văn học mang tính chuyên nghiệp bắt
đầu xuất hiện và trưởng thành rất nhanh chóng. Trên văn đàn thấy xuất hiện nhiều tên tuổi, nhiều cây bút
có ảnh hưởng to lớn tới sự vận động và phát triển của tiến trình văn học. Cho nên, cuốn sách mà chúng tôi
biên soạn này còn có nhiệm vụ phân tích, đánh giá sự nghiệp phê bình của những cây bút có uy tín như:
Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hải Triều… để giúp người đọc hình dung được vai trò lịch sử
của họ đối với tiến trình văn học hiện đại nói chung, với quá trình hình thành, phát triển của nền phê
bình hiện đại nói riêng.
4. Tình hình nghiên cứu về lịch sử phê bình văn học hiện đại Việt Nam từ đầu thế kỉ đến năm 1945.
Sự thực là: Giới nghiên cứu văn học Việt Nam đang mắc nợ với lịch sử phê bình văn học dân tộc.
Cho đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện một công trình dài hơi nào viết về lịch sử phê bình hiện đại. Dĩ
nhiên, chúng tôi không bắt đầu công việc của mình trên một mảnh đất trống. Hơn 60 năm qua đã có khá
nhiều bài báo, bài nghiên cứu tập trung bàn bạc, phân tích, đánh giá lịch sử phê bình văn học hiện đại
trước năm 1945. Chúng tôi tạm chia quá trình nghiên cứu về nửa thế kỉ của lịch sử phê bình dân tộc thành
3 giai đoạn chính như sau:
4.1. Giai đoạn trước 1945
Khi hoạt động phê bình văn học vừa được hình thành, thì người ta cũng thấy xuất hiện ngay những
bài báo, những ý kiến phê bình của các nhà phê bình. Cuốn “Phê bình và cảo luận” của Thiếu Sơn xuất
bản năm 1933, và ngay trong năm ấy, Phan Khôi đã kịp thời trân trọng giới thiệu với người đọc “nàng
dâu mới” và đánh giá cao cuốn phê bình văn học bằng chữ quốc ngữ đầu tiên này của Việt Nam. Các
công trình: “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, “Trông dòng sông Vị” của Trần Thanh
Mại, “Dưới mắt tôi” của Trương Chính, “Văn chương Truyện Kiều”, “Tâm lí tư tưởng Nguyễn Công Trứ”
của Trương Tửu… cũng nhận được hồi âm ngay từ khi chúng mới ra đời, còn thơm nguyên mùi giấy
mực; Kiều Thanh Quế, Diệu Anh, Lê Thanh, Mộc Khuê, Lương Đức Thiệp, Vũ Ngọc Phan đã kịp thời
đưa ra những ý kiến đánh giá về nhiều tác gia, tác phẩm phê bình của văn học giai đoạn này. Hàng loạt
chuyên luận, công trình nghiên cứu ra đời vào đầu những năm 40 - chứng tỏ từ đây, khi bàn về lịch sử văn
học đương đại, người ta không thể không nhắc tới phê bình. Và phê bình văn học đương đại đã trở thành
đối tượng xem xét của Lê Thanh trong hai cuốn “Cuộc phỏng vấn các nhà văn” (1943) và “Cuốn sổ văn
học” (1944), của Mộc Khuê trong “Ba mươi năm văn học” (1942), của Kiều Thanh Quế trong “Cuộc tiến
hóa của văn học Việt Nam (1942) và của Vũ Ngọc Phan trong bộ sách khá đồ sộ “Nhà văn hiện đại”
(1942).
Có thể nhận xét như sau: Năm 1941, khi Hoài Thanh viết “Thi nhân Việt Nam”, ông đã kịp nhận ra,
có “một thời đại thi ca” đã khép lại. Nhưng trong con mắt của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ thì hình
như toàn bộ hoạt động phê bình đương đại chưa trở thành một hiện tượng lịch sử. Có lẽ vì thế, trong tư
duy khoa học của họ, các tác gia, tác phẩm phê bình thời ấy không phải là đối tượng nghiên cứu lịch sử,
mà chỉ là đối tượng của phê bình. Cho nên, các nhà nghiên cứu này thường thiên về việc đánh giá tình
trạng phê bình và chỉ ra những nhược điểm của nó bằng cái nhìn khá khắt khe, chủ quan. Chẳng hạn, Vũ
Ngọc Phan gọi Thiếu Sơn là nhà phê bình “mềm mỏng và thủ cựu”, có “những nhận xét sai, so sánh sai”,
có “lối phô diễn tư tưởng mập mờ”, bằng “một nghệ thuật sút kém”, nhàm chán tới mức “đọc hai chục bài
như một bài vậy” [139, tr.597]. Theo Vũ Ngọc Phan thì Hoài Thanh “chưa phải là một nhà phê bình” và
cuốn “Thi nhân Việt Nam” là cuốn hợp tuyển bình thường, không lấy gì làm xuất sắc cho lắm [139]…
Hầu hết các nhà nghiên cứu mà chúng tôi nhắc tới trên kia đều cho rằng, phê bình văn học đương thời
đang “ở giai đoạn sơ sài”, “ở tình trạng thấp kém”, “thiếu cơ sở lí thuyết”. Lê Thanh có cái nhìn khá bi
đát về tình trạng phê bình thời kì này, trong con mắt của ông, hoạt động phê bình văn học đương thời quá
“lộn xộn”, “tự do vô bờ bến”, phần lớn các nhà phê bình tỏ ra “vô trách nhiệm, thiếu lương tâm” và tất cả
những cái đó có “ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh” của đời sống văn học nước nhà [195].
Không phải mọi nhận xét mang tính chất phê phán của Lê Thanh, Vũ Ngọc Phan… đều thiếu cơ sở
thực tế. Nhưng cách đánh giá của các nhà nghiên cứu trước năm 1945 đối với tình trạng của phê bình
đương thời rõ ràng là thiếu khách quan. V.I.Lênin có nói một ý thế này: Thật khó đánh giá công lao lịch
sử của các nhà hoạt động xã hội, điều quan trọng không phải là ở chỗ cố tìm ra những gì họ chưa làm
được, mà là chỗ xem xét cái họ đã làm có gì mới so với những người đi trước. Kiều Thanh Quế, Diệu
Anh, Mộc Khuê, Lương Đức Thiệp, Lê Thanh và cả Vũ Ngọc Phan đã không làm như thế. Cho nên,
nghiên cứu văn học thời trước cách mạng đã chưa đặt ra, và cũng không thể đặt ra, hàng loạt vấn đề quan
trọng có liên quan tới 45 năm lịch sử của phê bình văn học đầu thế kỉ. Thời ấy, chưa một ai nghĩ tới việc
dựng lại bức tranh toàn cảnh của nền phê bình văn học đương đại, càng không có ai quan tâm nghiên cứu
quy luật vận động, phát triển của nó. Dĩ nhiên, để đặt ra và giải quyết được những vấn đề như thế, các nhà
khoa học cũng cần phải có một thời gian nhất định.
4.2. Giai đoạn 1945 - 1975
Trong chín năm đánh Pháp, có lẽ vì công việc kháng chiến quá bề bộn nên không thấy có ai đặt vấn
đề nghiên cứu một cách có hệ thống hoạt động phê bình văn học trước 1945. Ở giai đoạn “nhận đường”
của văn học cách mạng, trong những đợt sinh hoạt tư tưởng lớn, như “Hội nghị văn hóa toàn quốc” tháng
7/1948, cuộc Chỉnh huấn năm 1953, trong những cuộc tranh luận về hàng loạt vấn đề quan trọng như:
nghệ thuật và tuyên truyền, văn học và sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, tính
dân tộc và sự kế thừa vốn cũ…, giới nghiên cứu và giới sáng tác thường chỉ tập trung phê phán phương
diện “bạc nhược”, “tiêu cực” của văn học lãng mạn trước kia và những biểu hiện của “mộng rớt”, “buồn
rớt” trong văn thơ thời kháng chiến chống Pháp. Các cuộc tranh luận về tư tưởng văn nghệ, những hiện
tượng nổi bật trong đời sống phê bình văn học thời kì trước cách mạng không mấy khi được nhắc lại.
Phải đến sau năm 1954, nhất là từ những năm 1960, hoạt động phê bình văn học giai đoạn 1900 1945 mới lại thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu. Kể từ đây, phê bình văn học thời trước cách mạng
thực sự trở thành đối tượng nghiên cứu lịch sử. Trên báo chí, nhất là trên tờ Tạp chí Văn học thấy liên tiếp
xuất hiện nhiều bài viết của những cây bút có tên tuổi về các tác gia, tác phẩm phê bình hiện đại như:
Đặng Thai Mai, Bùi Công Trừng, Hoài Thanh, Như Phong, Trương Chính, Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ...
Nhiều bài viết trong số ấy đã gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu và những ai quan tâm tới đời
sống văn học, “Câu chuyện đấu tranh buổi đầu trên mặt trận văn học” của Bùi Công Trừng, “Hồi ức về
phê bình văn học trước cách mạng Tháng Tám” của Vũ Ngọc Phan, “Bàn thêm về cuộc tranh luận xung
quanh Truyện Kiều” của Trương Chính, “Nhìn lại cuộc đấu tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 - 1936”
và “Một vài ý kiến về phong trào Thơ Mới và cuốn Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh… Tất cả các
cuốn sách giáo trình về lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 của hai trường: Đại học Sư phạm
và Đại học Tổng hợp - Hà Nội đều dành một vị trí đáng kể cho việc xem xét, đánh giá về phê bình văn
học thời trước cách mạng. Năm 1971, Vũ Đức Phúc cho xuất bản chuyên luận “Bàn về những cuộc đấu
tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (1930 - 1945)”. Ở phía Nam, dưới thời Mỹ Nguỵ, Thanh Lãng là nhà nghiên cứu rất quan tâm tới lịch sử phê bình văn học giai đoạn 1930 - 1945…
Trong cuốn “Bản lược đồ văn học Việt Nam” (quyển hạ), Nguyễn Tiến Lãng dành riêng một chương viết
về lịch sử văn phê bình thế hệ 1932. Năm 1972, Thanh Lãng cho xuất bản công trình có giá trị tư liệu
“Phê bình văn học thế hệ 1932 - 1945”. Nhìn chung, kể từ sau 1954, giới nghiên cứu ở hai miền Nam,
Bắc, mà chủ yếu là miền Bắc, đã đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề quan trọng về lịch sử phê bình văn
học thời trước cách mạng.
Rất dễ nhận ra là trong các bài báo, các giáo trình lịch sử văn học, các chuyên luận lớn, giới nghiên
cứu đã cố gắng dựng lại diện mạo, đưa ra những nhận xét về đặc điểm và quy luật phát triển của nền phê
bình hiện đại, đánh giá vai trò của nó đối với đời sống văn học. Trong cuốn Giáo trình lịch sử văn học
Việt Nam xuất bản năm 1962, nhà nghiên cứu Nguyễn Trác nhận xét tổng quát như sau về tình hình phê
bình văn học giai đoạn 1930 - 1945: “Thể văn phê bình, nghiên cứu nghị luận cũng xuất hiện phong phú
hơn trước. Những cuộc đấu tranh tư tưởng liên tục kéo dài trên nhiều mặt trận, khuynh hướng khảo cổ đã
thúc đẩy các thể văn trên trưởng thành. Có những nhà văn chuyên về phê bình, nghiên cứu. Có những tập
phê bình in thành sách. Tuy ở một số lớn nhà văn, quan điểm phê bình là quan điểm tư sản và tiểu tư sản,
có khi lại là quan điểm duy vật máy móc, nhưng có một số như: Đặng Thai Mai, Hải Triều biết vận dụng
phương pháp khoa học theo quan điểm Mácxít chân chính” [130]. Cũng như giáo sư Nguyễn Trác, các
chuyên gia nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam đều ghi nhận sự kiện nổi bật trong đời sống tinh thần
của dân tộc: từ đầu thế kỉ XX, đặc biệt là từ những năm 30, chúng ta thực sự có một nền phê bình văn học
hiện đại. Hàng loạt công trình nghiên cứu đã chỉ ra tình hình đấu tranh tư tưởng xã hội, sự xuất hiện của
kĩ nghệ in ấn và báo chí, quá trình hiện đại hóa văn học… chính là những nhân tố quan trọng, tác động tới
sự hình thành và phát triển của phê bình. Ai cũng nhận ra tính chất gay gắt trong những cuộc đấu tranh về
tư tưởng văn nghệ như là đặc điểm nổi bật của hoạt động phê bình trước cách mạng. Chính vì thế, trong
các giáo trình, các bài báo, chuyên luận nghiên cứu văn học thường nhấn mạnh đến lịch sử đấu tranh giữa
các khuynh hướng, các trường phái văn học. Về phương diện này có thể xem cuốn “Bàn về những cuộc
đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại (1930 - 1945)” của Vũ Đức Phúc là ví dụ tiêu
biểu. Cuốn sách được chia thành hai phần chính. Phần đầu nghiên cứu những cuộc đấu tranh chính giữa
các trào lưu văn học trong giai đoạn 1930 - 1945. Phải thừa nhận, Vũ Đức Phúc có nhiều đóng góp trong
việc thu thập, hệ thống hóa về mặt tư liệu. Nhà nghiên cứu đã cố gắng trình bày quá trình vận động của
phê bình hiện đại theo một lôgíc riêng. Phần đầu cuốn chuyên luận của Vũ Đức Phúc gồm 5 tiểu mục như
sau:
I. Các trào lưu và khuynh hướng văn học
II. Đấu tranh văn học thời kì 1930 - 1945: Từ cuộc đấu tranh về Truyện Kiều đến màn đầu cuộc tranh
luận giữa hai phái: nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
III. Cuộc tranh luận lớn về văn học thời kì Mặt trận dân chủ (1936 - 1939). Thái độ của các nhà văn
trước cuộc tranh luận.
IV. Sự bế tắc của văn học công khai dưới ách phát xít Nhật - Pháp (thời kì 1940 - 1945). Đảng cộng sản
Đông Dương và việc lãnh đạo văn học trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Thái độ của Đảng đối
với các trào lưu văn hóa công khai, hợp pháp.
V. Nhận định chung
Nhìn vào nhan đề cuốn sách và những tiểu mục cụ thể ở trên, ai cũng có thể nhận ra: Vũ Đức Phúc đã
đồng nhất lịch sử văn học và lịch sử phê bình với lịch sử đấu tranh tư tưởng xã hội. Cho nên, trong cách
phân chia của Vũ Đức Phúc, phê bình chỉ có thể có hai khuynh hướng: Phê bình Mácxít - cách mạng và
phê bình tư sản - phản động. Phải thừa nhận, quan điểm nghiên cứu của Vũ Đức Phúc là quan điểm phổ
biến của một thời. Tuy ở mức độ khác nhau, nhưng Bùi Công Trừng, Đặng Thai Mai, Phan Cự Đệ…
cũng trình bày lịch sử đấu tranh tư tưởng xã hội như vậy. Từ góc độ ấy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra
nhiều ý kiến xác đáng trong việc đánh giá công lao của phê bình Mácxít đối với quá trình hình thành và
phát triển của nền văn học cách mạng. Tuy nhiên, khi lịch sử phê bình đã bị đồng nhất với lịch sử tư
tưởng xã hội, các nhà nghiên cứu khó có thể phát hiện được quy luật phát triển nội tại của nó. Diện mạo
của phê bình vì thế cũng thường bị trình bày một cách thiếu toàn diện. Dường như chưa có công trình nào
trình bày lịch sử phê bình như là một phương diện hợp thành của quá trình văn học hiện đại. Trong các
cuốn sách giáo khoa, giáo trình - lịch sử phê bình chỉ được nhắc tới ở phần tình hình, bối cảnh của văn
học. Quả là chưa thấy có cuốn giáo khoa, giáo trình nào giới thiệu, phân tích các công trình của nhà phê
bình ngang hàng với sáng tác của các nhà văn, nhà thơ. Và khi bàn về phê bình văn học thời trước cách
mạng, các nhà nghiên cứu thường chỉ phân tích các bài bút chiến tuyên ngôn cho quan điểm nghệ thuật,
mà không mấy khi chú ý tới những bài phê bình đích thực. Chẳng những thế, suốt một thời gian dài, hàng
loạt hiện tượng phê bình giai đoạn 1930 - 1945 bị đánh giá một cách thiếu công bằng. Nhiều nhà nghiên
cứu thường đề cao một chiều khuynh hướng phê bình Mácxít và tỏ ra quá khắt khe với những khuynh
hướng phê bình khác. Trong cuốn “Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam
hiện đại”, Vũ Đức Phúc tuyên bố: “Ôn lại lịch sử đấu tranh về lí luận, phê bình văn học từ 1930 về sau,
chúng ta sẽ có một quan điểm rõ ràng về mọi hệ thống lí luận văn học, hiểu được gốc rễ của nhiều vấn đề
lí luận văn học, thấy rõ đường lối văn học của Đảng ta là chân lí duy nhất làm cho văn học chân chính
phát triển rực rỡ, trái lại mọi quan điểm trái ngược với đường lối văn học của Đảng ta đều được thực tế
lịch sử chứng minh là sai lầm, lạc hậu, phản động” [152, tr.7]. Trong sự đánh giá của Vũ Đức Phúc thì:
“toàn bộ đường lối văn hoá dân tộc của Phạm Quỳnh chỉ là một sự bịp bợm hết sức lớn”. Còn Hoài
Thanh, Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Vũ Ngọc Phan... cũng chỉ là những nhà phê bình có quan điểm tư sản,
có “thế giới quan thần bí duy tâm”, “lo sợ trước phong trào của quần chúng”, “thoả hiệp với chế độ đế
quốc”, “đề cao chủ nghĩa cá nhân tư sản”. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ, cách đánh giá của Vũ Đức Phúc
cũng là cách đánh giá rất phổ biến của một thời. Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại 1945 – 1975,
Phan Cự Đệ nhận xét: “Những người bảo vệ cho quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật như: Hoài Thanh,
Lưu Trọng Lư phát ngôn cho quan điểm tư sản”...; “Thi nhân Việt Nam là một bước chìm sâu hơn nữa
vào con đường nghệ thuật vị nghệ thuật”. Không phải riêng Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, mà cả bản thân
Hoài Thanh cũng phủ định một cách quyết liệt phần tiểu luận, phê bình trong cuốn Thi nhân Việt Nam của
mình: “Sai lầm không chỉ ở chỗ đã đề cao quá đáng nhà thơ này hay nhà thơ kia. Có thể nói toàn bộ sự
đánh giá ở đây là sai vì sai từ gốc sai đi. Ngay những đoạn có vẻ đúng, thật ra vẫn sai và sai về cơ bản”
[191].
Như đã nói, ở Miền Nam, Thanh Lãng cũng có những đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu lịch
sử phê bình thời trước cách mạng. Tuy nhiên, các công trình của Thanh Lãng thường mang tính chất miêu
tả, giá trị chủ yếu của công trình ấy là ở phương diện tư liệu.
4.3. Giai đoạn sau 1975
Sau 1975, khi lịch sử đất nước sang trang, nhu cầu đổi mới xã hội một cách toàn diện ngày càng được
đặt ra một cách cấp bách. Trong bối cảnh ấy, văn học và nghiên cứu văn học cũng cần phải đổi mới. Để
đổi mới văn học và nghiên cứu văn học, người ta buộc phải nhìn lại những chặng đường mà giới sáng tác
và giới nghiên cứu đã đi qua. Không phải ngẫu nhiên sau 1975, nhất là từ những năm 80, thấy xuất hiện
hàng loạt bài viết đặt vấn đề đánh giá hàng loạt hiện tượng văn học thời trước cách mạng - Nhiều bài viết
của Phong Lê, Huệ Chi, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình sử, Lã Nguyên, Đỗ Đức Hiểu...
đã trực tiếp hay gián tiếp bàn bạc về lịch sử phê bình văn học 1930 - 1945. Tuy nhiên, những bài viết của
các tác giả này về cơ bản vẫn chỉ mới dừng lại ở sự đặt vấn đề đề chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn
nghiên cứu lịch sử phê bình hiện đại theo một tinh thần mới.
Chúng tôi không bắt đầu công việc của mình trên một mảng đất trống. Các công trình nghiên cứu của
những người đi trước chẳng những đã cung cấp cho chúng tôi một khối lượng tài liệu đồ sộ, mà còn gợi ý
trực tiếp cho chúng tôi giải quyết đề tài nghiên cứu của mình. Nhưng những gì vừa nói ở trên đã chứng tỏ:
Xung quanh lịch sử phê bình văn học giai đoạn đầu thế kỉ XX đến năm 1945 còn hàng loạt vấn đề cần
được đặt ra, hàng loạt vấn đề cần phải xem xét lại. Cuốn sách này của chúng tôi là công trình chuyên biệt
đầu tiên tập trung nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống toàn bộ hoạt động phê bình văn học thời kì
trước cách mạng. Nhằm khắc phục nhược điểm của hướng nghiên cứu xã hội học đơn giản thường đồng
nhất lịch sử phê bình văn học với lịch sử tư tưởng xã hội - chúng tôi sẽ khảo sát lịch sử phê bình như là
một phương diện của quá trình văn học, đồng thời như một hiện tượng văn hoá - lịch sử có quy luật nội
tại riêng. Nghĩa là cuốn sách này của chúng tôi phải đi vào tìm hiểu các tiền đề về văn hoá, xã hội và lịch
sử của phê bình ở nửa đầu thế kỉ này, dựng lại diện mạo, chỉ ra những đặc điểm, quy luật hình thành và
phát triển của nó, đánh giá vai trò của một số cây bút phê bình tiêu biểu đối với đời sống văn học giai