Tải bản đầy đủ (.pdf) (246 trang)

Khoa học và công nghệ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở thành phố hồ chí minh hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.72 MB, 246 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐỖ VĂN THẮNG

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI QUÁ
TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


ĐỖ VĂN THẮNG

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI QUÁ
TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY
Chuyên ngành: CNDVBC&CNDVLS
Mã số: 62220302

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Người hướng dẫn khoa học
PGS.TS. TRỊNH DOÃN CHÍNH
Phản biện 1:
Phản biện 2:


Phản biện 3:

PGS.TS. Đặng Hữu Toàn
PGS.TS. Lương Minh Cừ
PGS.TS. Đinh Ngọc Thạch

Phản biện độc lập 1:
Phản biện độc lập 2:

PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế
PGS.TS. Đặng Hữu Toàn

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2016


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi,
dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Trịnh Doãn Chính. Các số liệu, tài liệu
được sử dụng trong luận án là hoàn toàn trung thực, chính xác, có nguồn
gốc rõ ràng.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 05 năm 2016
Tác giả

ĐỖ VĂN THẮNG


MỤC LỤC
Trang

PHẦN MỞ ĐẦU ................................................................................................1
PHẦN NỘI DUNG ..........................................................................................17
Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, VAI TRÒ
CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI ...................17

1.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ....................................17
1.1.1. Khoa học và các quan điểm khác nhau về khoa học............................. 17
1.1.2. Công nghệ và các quan điểm khác nhau về công nghệ ..........................29
1.2. VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ
HỘI .....................................................................................................................40

1.2.1. Khoa học và công nghệ là nền tảng phát triển xã hội .............................41
1.2.2. Khoa học và công nghệ là động lực phát triển xã hội .............................54
Kết luận chương 1 ...........................................................................................67
Chương 2. VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỐI VỚI QUÁ
TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY ..............................................................69

2.1. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ Ở
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ................................................................................69

2.1.1. Một số vấn đề cơ bản về công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt
Nam ...................................................................................................................69
2.1.2. Nội dung và đặc điểm của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá
ở Thành phố Hồ Chí Minh ................................................................................81
2.2. THỰC TRẠNG TÁC ĐỘNG CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẾN QUÁ
TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HIỆN NAY ..........................................................................................................97

2.2.1. Tác động của khoa học và công nghệ đến việc phát triển cơ sở hạ

tầng kỹ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ...........................................97


2.2.2. Tác động của khoa học và công nghệ đến quá trình đổi mới, hiện
đại hóa công nghệ của Thành Phố Hồ Chí Minh.......................................... 108
2.2.3. Tác động của khoa học và công nghệ đến phát triển nguồn nhân
lực chất lượng cao ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay .............................. 121
2.2.4. Tác động của khoa học và công nghệ đến chuyển dịch cơ cấu kinh
tế ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay ........................................................ 134
2.2.5. Tác động của khoa học và công nghệ đến bảo vệ môi trường, tài
nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững ở Thành phố Hồ Chí Minh
hiện nay ...........................................................................................................141
Kết luận chương 2 .........................................................................................150
Chương 3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY VAI
TRÒ CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP
HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY ...................152
3.1. NHỮNG PHƯƠNG HƯỚNG CƠ BẢN NHẰM PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN
ĐẠI HÓA Ớ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY ..........................................152

3.1.1. Phát triển khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực của
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở mục tiêu chiến lược
của Thành phố ................................................................................................153
3.1.2. Phát triển khoa học và công nghệ dựa trên những đặc điểm, tiềm
năng, thế mạnh của Thành phố, đồng thời tiếp thu những tiến bộ về khoa
học và công nghệ của thời đại ..................................................................... 160
3.1.3. Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với quá trình công
nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới những đột
phá về phát triển công nghệ cao và kinh tế tri thức ...................................... 164
3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA KHOA

HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỚI QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI
HÓA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY .................................................168


3.2.1. Nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học và công nghệ đối với
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh .............169
3.2.2. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của
khoa học và công nghệ đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở
Thành phố Hồ Chí Minh .................................................................................175
3.2.3. Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy, đội ngũ cán bộ khoa học
và công nghệ; phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực khoa học và
công nghệ phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Thành
phố Hồ Chí Minh.............................................................................................183
3.2.4. Tập trung hiện đại hóa công nghệ, phát triển công nghệ cao đối với
những ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh ...............197
3.2.5. Phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao của
Thành phố Hồ Chí Minh .................................................................................200
Kết luận chương 3 .........................................................................................204
PHẦN KẾT LUẬN .................................................................................. 207
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .....................................................211
PHẦN PHỤ LỤC...........................................................................................222
PHỤ LỤC 1: NHỮNG HÌNH ẢNH MINH HỌA VỀ TÁC ĐỘNG CỦA KHOA
HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẾN KẾT QUẢ CỦA QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP
HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH .........................................222
PHỤ LỤC 2: ĐIỀU TRA CỦA TÁC GIẢ ...............................................................232

NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG
BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI ............................................................240



1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Lịch sử phát triển của nhân loại đã khẳng định, cùng với các yếu tố khác
của đời sống xã hội, khoa học và công nghệ ngày càng trở thành một trong
những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Khoa
học và công nghệ không chỉ để nâng cao tri thức của con người, giúp con
người tìm hiểu, nhận thức, giải thích ngày càng sâu sắc hơn quy luật vận
động và phát triển của thế giới mà còn giúp con người chuyển hóa những tri
thức thành các phương tiện kỹ thuật, những phương pháp, cách thức tổ chức
để cải tạo thế giới, đặc biệt là quá trình lao động sản xuất, nhằm phát triển
đời sống vật chất và đời sống tinh thần của xã hội. Điều đó đã được các nhà
tư tưởng, các nhà khoa học trong lịch sử nhân loại khẳng định, như Francis
Bacon (1561 - 1626) nhà khoa học, nhà triết học nổi tiếng đã đưa ra luận
điểm “tri thức là sức mạnh” và C.Mác cũng nhận định: “Tri thức xã hội phổ
biến (khoa học) trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” [51, tr.372-373].
Trong thời đại ngày nay, khoa học và công nghệ trên thế giới đã và đang
đạt được những thành tựu vượt bậc, với những bước tiến như vũ bão, những ý
tưởng và lý thuyết khoa học nhanh chóng được nghiên cứu tạo ra những
phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ làm cho sản xuất ngày càng
phát triển, đưa lao động con người từ chỗ trực tiếp tác động vào máy móc và
phương tiện sản xuất sang chức năng điều khiển. Ngược lại những vấn đề đặt
ra trong thực tiễn, trong cuộc sống cũng nhanh chóng được khoa học nghiên
cứu tìm ra bản chất, quy luật của nó để từ đó biến thành phương tiện, công
nghệ nhằm phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Thực tiễn chính “là cơ sở
chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người và trí tuệ con người đã
phát triển song song với việc người ta đã học cách cải biến tự nhiên” [47,
tr.720]. Nhiều ngành khoa học, nhiều phát minh khoa học mà trước kia được



2

coi là viễn tưởng, thì ngày nay đã và đang trở thành những công nghệ hiện
hữu đóng vai trò to lớn trong sự phát triển xã hội, như: công nghệ vũ trụ, công
nghệ viễn thông, công nghệ sinh học, công nghệ nano… Nhiều nước đã phát
triển nhanh nhờ vào sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, như Nhật Bản,
Hàn Quốc, Singapore, Australia… Có thể nói, việc phát triển kinh tế - xã hội
của mỗi quốc gia phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào trình độ khoa học và
công nghệ, cũng như khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ vào quá trình
sản xuất và đời sống xã hội của quốc gia đó.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sự
phát triển kinh tế - xã hội, cũng như với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước (tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ IV, 1976), Đảng ta đã chủ trương: “tiến hành đồng thời
ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ
thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ
thuật là then chốt, đẩy mạnh công nghiệp hóa” [27, tr.998] và tại các kỳ đại
hội đại biểu toàn quốc sau đó, Đảng ta đều xác định khoa học và công nghệ là
một trong những động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; bởi, chúng ta đi
lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu, không qua
giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, lại bị tàn phá nặng nề qua các cuộc
chiến tranh, nền sản xuất về cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ mang tính tiểu
nông, năng suất lao động thấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật thiếu
thốn và lạc hậu, lực lượng lao động tuy dồi dào, nhưng trình độ khoa học và
công nghệ còn rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước. Chúng ta phải thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, phát triển kinh tế - xã hội bằng chính con người với những đặc thù về
điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của mình. Để thực hiện được nhiệm vụ
khó khăn, phức tạp đó tất yếu chúng ta phải đẩy mạnh phát triển khoa học và



3

công nghệ làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng
như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói riêng.
Chúng ta tiến hành quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước trong bối cảnh thế giới đang diễn ra quá trình hội nhập, toàn cầu
hóa và nhân loại đang tiến vào nền kinh tế tri thức. Khoa học và công nghệ
phát triển với tốc độ vũ bão, sự gắn kết giữa khoa học và công nghệ ngày
càng chặt chẽ và không thể tách rời, những tri thức khoa học được kết tinh
trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy
nhiên, trong thời gian qua, mặc dù khoa học và công nghệ đã có những đóng
góp tích cực đến sự phát triển đất nước; nhưng khoa học và công nghệ vẫn
còn nhiều hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng hàng đầu đối với quá trình
công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Để tránh nguy cơ tụt hậu và có thể đuổi kịp
các nước tiên tiến, cũng như hội nhập vào nền kinh tế tri thức của thế giới,
chúng ta có thể lợi dụng chu kỳ thay đổi công nghệ để tiếp cận và phát triển
những công nghệ hiện đại, công nghệ cao, đưa khoa học và công nghệ thực sự
trở thành nền tảng, động lực hàng đầu phát triển đất nước, thì chúng ta cần
“Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức” [28, tr.218], đồng
thời việc “phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là nội dung cần được
ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các
cấp” [29, tr.120], như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của
Đảng đã nêu.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, xã hội,
giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập
quốc tế, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tổng diện tích tự

nhiên là 2.095,01km2, dân số hơn 10 triệu người, chiếm 0,60% diện tích và
8,34% dân số cả nước; có đường bộ, đường thủy và đường không giao thông


4

thuận tiện tới các vùng trong nước, cũng như với các nước trong khu vực và
quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi sớm tiếp cận và được tiếp quản
những cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại của phương
Tây từ trước những năm 1975, với nguồn lao động dồi dào, có trình độ khoa
học và công nghệ, có tư duy năng động, sáng tạo nhất trong cả nước. Với
những đặc điểm về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội và con người như
vậy, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một đô thị lớn, là một trong những
trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội,… của cả nước, mà còn là nơi hội tụ và
giao lưu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội với các vùng, các nước
trong khu vực và thế giới; nên việc phát triển Thành phố Hồ Chí Minh còn có
ý nghĩa là đầu tàu, là động lực thúc đẩy sự phát triển các địa phương khác.
Trong những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh luôn tập trung đầu tư
phát triển khoa học và công nghệ, cũng như việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến
bộ khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Các khu chế xuất,
khu công nghiệp, các trung tâm công nghệ phần mềm, khu công nghệ cao
được đưa vào hoạt động; trang thiết bị, công nghệ ngày càng hiện đại; trình
độ khoa học và công nghệ của người lao động không ngừng được nâng lên.
Sự đầu tư phát triển khoa học và công nghệ đã cùng với các yếu tố, các lĩnh
vực khác đưa kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát
triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao trên 8.5%, hàng năm
đóng góp gần 30% GDP của cả nước.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn
những hạn chế, đó là trình độ khoa học và công nghệ vẫn còn ở mức thấp,

năng lực cạnh tranh chưa cao, nền sản xuất còn dựa nhiều vào lao động giản
đơn, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tăng nhanh về số lượng, nhưng
chất lượng chưa tương xứng, chưa cân đối về cơ cấu ngành nghề, một số
ngành công nghệ cao, như: công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học, công


5

nghệ nano, công nghệ vi mạnh còn thiếu cả các chuyên gia đầu ngành và lao
động có tay nghề chuyên môn cao, môi trường ngày càng bị ô nhiễm…
Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, năng lực cạnh tranh,
khả năng hội nhập và sự phát triển bền vững của Thành phố. Từ những vấn đề
đã đặt ra, cùng với yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã
hội đang đặt ra yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh cần “đầu tư phát triển khoa
học - công nghệ; nâng tỷ trọng các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp
vào tăng trưởng kinh tế” [23, tr.189], đưa khoa học và công nghệ thực sự trở
thành động lực chủ yếu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm
xây dựng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành một trung tâm kinh tế, văn
hoá, xã hội, khoa học và công nghệ… lớn của Việt Nam và khu vực Đông
Nam Á với chất lượng sống tốt.
Việc nghiên cứu để phát huy hơn nữa vai trò của khoa học và công nghệ
đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ
mang tính thời sự cấp bách hiện nay, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài
nhằm tìm ra những hướng đi, giải pháp, phương thức phù hợp để Thành phố
Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác áp dụng thực hiện thành công
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Với những lý do đó, nghiên
cứu sinh đã chọn vấn đề “Khoa học và công nghệ với quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” làm đề tài luận án
tiến sĩ Triết học.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài

Khoa học và công nghệ đang làm cho những biến đổi xã hội nói chung, ở
Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng nhanh và toàn diện
hơn, nên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan, tổ
chức xã hội và các quốc gia nghiên cứu về vai trò, chức năng của khoa học và
công nghệ, cũng như phương thức đưa khoa học và công nghệ vào phát triển


6

sản xuất và đời sống xã hội. Có thể khái quát các công trình nghiên cứu trên
thành các nhóm đề tài liên quan đến luận án như sau:
Thứ nhất là, nhóm các tài liệu, công trình nghiên cứu về khoa học và
công nghệ, vai trò của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung:
Liên quan đến chủ đề này C. Mác và Ph. Ăngghen đã có nhiều những
nghiên cứu phân tích, đánh giá, giải thích một cách sâu sắc về nguồn gốc, bản
chất, vai trò của khoa học và kỹ thuật với nhận thức, với biến đổi và sự phát
triển xã hội. Những tư tưởng, luận điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen được thể
hiện qua rất nhiều tác phẩm, như “Phê phán cương lĩnh Gô ta”, “Hệ tư tưởng
Đức”, “Chống Đuy Rinh”, “Tư bản”... Riêng Ph. Ăngghen trong tác phẩm
“Biện chứng của tự nhiên”, xuất bản ở Liên Xô, năm 1925, được Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội, xuất bản năm 1994 và đưa vào C.Mác và Ph.Ăngghen,
“Toàn tập”, tập 20, đã phân tích kỹ về nguồn gốc, động lực phát triển của
khoa học, tác động của khoa học đến nhận thức, đến phát triển xã hội và thực
hiện phân loại khoa học. Ở Việt Nam ngay trong thời kỳ đầu của công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chủ tịch đã có nhiều bài viết nêu rõ vai trò,
mối quan hệ giữa khoa học, kỹ thuật với sản xuất và đời sống xã hội, những
tư tưởng, quan điểm đó được thể hiện trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 14,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, xuất bản (lần thứ ba), năm 2011. Đảng ta
cũng luôn xác định rõ quan điểm khoa học và công nghệ là then chốt, là động
lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đẩy nhanh quá trình công nghiệp

hoá, hiện đại hoá nói riêng. Những quan điểm, đường lối, chủ trương đó được
thể hiện trong: “Văn kiện Đảng toàn tập”, cũng như “Văn kiện đại hội đại
biểu toàn quốc” các kỳ đại hội được Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, xuất
bản từ năm 1998 đến nay.
Nghiên cứu về lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và vai trò của nó
với nhận thức, với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng được nhiều nhà tư
tưởng, nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu từ rất sớm, như: Galileo Galilei,


7

René Descartes, Ch.S. Montesquieu… nhưng hầu hết chưa được hệ thống
thành những công trình, tác phẩm hoàn chỉnh mà chỉ mới là những luận điểm
được nêu ra. Có thể nói dự án “Đại phục hồi khoa học”, của Francis Bacon,
nhà triết học, khoa học người Anh, xuất bản vào năm 1620 là một trong
những tác phẩm đầu tiên luận về vai trò của khoa học. “Đại phục hồi khoa
học” không chỉ nhằm khôi phục vai trò nhận thức của khoa học đã bị phủ
nhận, lãng quên trong đêm trường Trung cổ, mà còn khẳng định vai trò to lớn
của khoa học là đem đến cho con người phương tiện hiện thực và năng lực
biến đổi thế giới, với luận điểm nổi tiếng “khoa học là sức mạnh”; “Đại phục
hồi khoa học”, gồm sáu nội dung, trong đó đã phân tích, đánh giá, chứng
minh vai trò nhận thức của khoa học, cũng như việc đưa những tri thức khoa
học vào đời sống để biến đổi thế giới và phần phân loại khoa học. Kế đến
phải kể đến cuốn “Chức năng xã hội của khoa học”, do John Bernal, nhà
khoa học luận người Anh biên soạn, xuất bản năm 1939, được dịch ra nhiều
thứ tiếng trên thế giới, nội dung cuốn sách thể hiện những vấn đề về tổ chức
khoa học và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, tác phẩm cũng phân
tích, đánh giá sâu sắc chức năng xã hội của khoa học, tác động qua lại và sự
phụ thuộc lẫn nhau giữa các quá trình phát triển khoa học với các mặt khác
của đời sống xã hội. Cũng liên quan đến chủ đề này còn có cuốn “Tendances

actuelles de la recherche scientifique”, của Pierre Auger, UNESCO, Paris,
1961, nói về khuynh hướng nghiên cứu của khoa học hiện tại; ngoài ra phải
kể đến cuốn “Khoa học về khoa học”, của G.M. Đobrov, Nxb. Kieb, xuất bản
năm 1970, Nxb. Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội dịch năm 1976, nội dung của
cuốn sách trình bày về lịch sử, vị trí của khoa học luận, đặc điểm chung về sự
phát triển khoa học, những cơ sở, điều kiện để khoa học phát triển và dự báo
khoa học. Nghiên cứu về chủ đề này ở Việt Nam có cuốn “Về động lực của
khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội” của GS.TS. Lê Hữu
Tầng (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, xuất bản năm 1997; hay


8

cuốn “Phương pháp nghiên cứu khoa học”, của PGS.TS. Vũ Cao Đàm, Nxb.
Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, xuất bản năm 1998, đến nay được tái bản
nhiều lần, nội dung cuốn sách gồm hai phần: đại cương về khoa học và phần
phương pháp nghiên cứu khoa học; ngoài ra PGS.TS. Vũ Cao Đàm còn có rất
nhiều sách, bài viết về khoa học và công nghệ, cũng như vai trò của nó đối
với sự phát triển kinh tế - xã hội được xuất bản thành “Tuyển tập”, gồm 05
tập, Nxb. Thế giới, xuất bản năm 2009, trong đó tập 1 nói về các nội dung “lý
luận và phương pháp luận khoa học”; Liên quan đến lĩnh vực lịch sử phát
triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ còn có cuốn “Lịch sử văn minh thế
giới”, do Lê Phụng Hoàng (chủ biên), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, xuất bản năm
1999, cuốn sách đã ghi lại những thành tựu về khoa học, kỹ thuật, công nghệ
của nhân loại qua các thời đại, ngoài ra còn có cuốn “Giáo trình quản lý công
nghệ”, do Bộ môn Quản lý công nghệ, Khoa Khoa học quản lý, Trường đại
học Kinh tế quốc dân, Hà Nội biên soạn, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, xuất
bản năm 2010.
Đối với các khái niệm, thuật ngữ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, cũng
như vai trò của nó đối với sự phát triển xã hội cũng được các nhà biên soạn từ

điển Bách khoa toàn thư, từ điển chuyên ngành biên soạn rất chi tiết trong các
bộ “Oxford Dictionary”, Longman Dictionary, hoặc từ điển “The American
Heritage Illustrated Encyclopedic Dictionary”, Houghton Mifflin company
Boston, năm 1987 đã giải thích rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của các thuật ngữ
khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Ở Việt Nam trước hết có cuốn “Từ điển
tiếng Việt” do Nguyễn Lân biên soạn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, xuất
bản năm 1977. Kế đến phải kể đến cuốn “Từ điển Triết học”, được xuất bản
bằng tiếng Việt ở Liên Xô, Nxb. Tiến bộ Mát-xcơ-Va, xuất bản năm 1986.
Đặc biệt là bộ “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, do Hội đồng quốc gia chỉ đạo
biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam, Nxb.Từ điển Bách khoa, Hà Nội, xuất
bản từ năm 1995 đến năm 2002. Ngoài ra còn có cuốn “Từ điển Khoa học và


9

kỹ thuật Anh - Việt”, Nxb. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, xuất bản năm 1996.
Dưới các góc độ khác nhau, những từ điển đó đã đưa ra những khái niệm, chỉ
ra nguồn gốc, ý nghĩa và cách hiểu các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật và công
nghệ rất cụ thể.
Liên quan đến chủ đề luận về khoa học và công nghệ, cũng như vai trò
của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng có rất nhiều những tài liệu, ấn
phẩm khoa học do các tổ chức, đề tài nghiên cứu của nước ngoài và của Việt
Nam đã đăng tải, công bố có thể giúp đề tài tham khảo nghiên cứu, như: bộ
“Atlat công nghệ (Technology Atlas)”, Tokyo, Programme on Technology for
Development in Asia and the Pacific, 1989; hay ấn phẩm hội thảo về đánh giá
công nghệ tại Thượng Hải, Trung Quốc, năm 1993 (Workshop on
Technology Assessment Shanghai, june 1993). Riêng ở Việt Nam có rất nhiều
tác giả viết về lĩnh vực này, có thể kể đến một số bài viết đăng trên các tạp
chí, ấn phẩm khoa học, như bài “Khoa học và công nghệ hướng tới hội nhập”
của Mai Hà, đăng trong Tạp chí Xã hội học, số 2, năm 2007; hoặc bài “Khoa

học và công nghệ với phát triển giáo dục và đào tạo” của Tạ Đức Thịnh, đăng
trong kỷ yếu hội thảo khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội do
Bộ Khoa học và Công nghệ phát hành trong số 1, năm 2009…
Thứ hai là, nhóm các tài liệu, các công trình nghiên cứu về khoa học và
công nghệ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam:
Ở nhóm chủ đề này có thể kể đến một số tác phẩm nổi bật như: “Quan hệ
giữa phát triển khoa học và công nghệ với phát triển kinh tế xã hội trong
công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam”, cuốn sách do nhiều tác giả, gồm
TS. Danh Sơn, TS. Nguyễn Thị Anh Thu và TS. Nguyễn Mạnh Huấn, Nxb.
Khoa học xã hội, Hà Nội, xuất bản năm 1999, nội dung cuốn sách nói về: Vai
trò động lực của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội,
những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đối với hoạt động khoa học và công
nghệ và đổi mới cơ cấu công nghệ cho phù hợp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu


10

kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về vấn đề công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam có sách “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt
Nam, lý luận và thực tiễn”, do nhiều tác giả biên soạn, trong đó
GS.TS.Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS.TS. Nguyễn Thế Nghĩa và PGS.TS. Đặng
Hữu Toàn (đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, xuất bản năm
2002, đây là công trình viết tương đối đầy đủ và sâu sắc cả về mặt lý luận
cũng như việc tổng kết đánh giá kinh nghiệm thực tiễn quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ở một số nước và Việt Nam. Cũng về vấn đề này có cuốn
“Tiềm lực và vai trò khoa học - công nghệ Việt Nam”, do Nxb. Cục thống kê
TP. Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2003, hoặc cuốn “Một số vấn đề lý luận và
thực tiễn về đánh giá nhiệm vụ khoa học và công nghệ Việt Nam”, do Phan
Xuân Dũng và Hồ Thị Mỹ Duệ biên soạn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
xuất bản năm 2006. Viết về vai trò của tri thức có cuốn “Phát triển kinh tế tri

thức với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam”, do GS. Đặng
Hữu, TS. Đinh Quang Ty và TS. Hồ Ngọc Luật (đồng chủ biên), Nxb. Khoa
học xã hội, Hà Nội, xuất bản năm 2009, nội dung gồm hai phần, phần thứ
nhất viết về kinh tế tri thức - xu thế phát triển của thời đại và phần thứ hai viết
về hội nhập xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu là đòi hỏi tất yếu với
Việt Nam. Ngoài ra Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, thuộc Bộ
Khoa học và Công nghệ có biên soạn cuốn “Khoa học và công nghệ phục vụ
công nghiệp hóa và hiện đại hóa và phát triển bền vững”, do TS. Tạ Bá Hưng
(chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, xuất bản năm 2012, ngoài phần
phân tích những vai trò của khoa học và công nghệ, thì cuốn sách cũng cung
cấp những thông tin phát triển, mục tiêu phát triển của khoa học và công nghệ
Việt Nam theo từng ngành, từng lĩnh vực nghiên cứu. Đặc biệt Đảng và Nhà
nước ta luôn chú trọng phát huy vai trò là nền tảng, động lực của khoa học và
công nghệ đối với sự phát triển xã hội, cũng như với quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá và được cụ thể trong các văn kiện, các chủ trương, chính


11

sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước như “Văn kiện Đảng toàn tập”, “Văn
kiện các kỳ đại hội đại biểu toàn quốc” được Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
xuất bản từ năm 1998 đến nay; “Luật Khoa học và công nghệ”, năm 2000;
“Luật Sở hữu trí tuệ”, năm 2005; “Luật Chuyển giao công nghệ”, năm 2007;
“Luật Công nghệ cao”, năm 2008 và Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát
triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Để cung cấp dữ
liệu cho nghiên cứu về khoa học và công nghệ, cũng như vai trò của khoa học
và công nghệ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Tổng cục Thống kê
có phát hành các “Niên giám thống kê Việt Nam”, do Nxb. Thống kê xuất bản
hàng năm. Liên quan đến đề tài khoa học và công nghệ với sự phát triển kinh
tế - xã hội ở Việt Nam còn có rất nhiều bài viết đăng trên các tạp chí, kỷ yếu

chuyên ngành, có thể kể đến một số như bài “Chuyển giao công nghệ trong
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam”, do Phan Thành Phố,
đăng trong Tạp chí Cộng sản, số 463, năm 1994; hay bài “Vai trò của cuộc
cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại trong phát triển kinh tế - xã hội và
bảo đảm an ninh quốc phòng”, do Lê Văn Quang, đăng trong Tạp chí Triết
học, số 133, năm 2002; hoặc bài “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và
công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” do
Nguyễn Thành Long, đăng trong Tạp chí Lý luận chính trị, số 05, năm 2003;
và bài “Những thành tựu, hạn chế và thách thức của quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước ta trong điều kiện toàn cầu hoá”, do Vũ Đình Cự,
đăng trong Tạp chí Lý luận chính trị, số 12, năm 2005…
Thứ ba là, nhóm các tài liệu, đề tài, công trình nghiên cứu về khoa học
và công nghệ đối với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Thành phố
Hồ Chí Minh:
Chủ đề này cũng đã có khá nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành nghiên cứu
với rất nhiều công trình, sách ấn phẩm khoa học đã được công bố. Trước hết,
phải kể đến các “Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh,


12

đặc biệt tại lần thứ VII, VIII, IX và lần thứ X” đã phân tích, đánh giá một
cách tổng quát và sâu sắc những kết quả, thành tựu, những tồn tại, nguyên
nhân hạn chế và đề ra các phương hướng, mục tiêu, giải pháp cơ bản để phát
huy vai trò của khoa học và công nghệ làm động lực quan trọng hàng đầu
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa của Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, (năm 2010) Thành uỷ thành
phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành: Chương trình số 01-Ctr/TU, “Về thực
hiện thông báo kết luận số 234/TB/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện
Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, nhiệm vụ giải pháp phát triển khoa học

học và công nghệ đến năm 2020”, trong đó đã phân tích, đánh giá về thực
trạng khoa học và công nghệ, cũng như đề ra các chương trình, giải pháp để
phát triển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển
kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Nghiên cứu về
vấn đề phát triển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát
triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công
nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã có các đề án nghiên cứu “Đánh giá trình độ
công nghệ các doanh nghiệp tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp
chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh”, năm 2007; hay đề án “Đánh giá trình
độ công nghệ của các doanh nghiệp trong các Khu chế xuất - Khu công
nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh”, năm 2008; những kết quả đánh giá đó là cơ
sở cho việc nghiên cứu về phát triển, phát huy vai trò của khoa học và công
nghệ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố Hồ Chí
Minh. Đồng thời hàng năm Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh đều xuất
bản các “Niên giám thống kê” nhằm cung cấp các số liệu thống kê cơ bản
phản ánh quá trình phát triển khoa học và công nghệ, sự tác động của khoa
học và công nghệ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí
Minh; cùng chủ đề nghiên cứu này trong các báo cáo tổng kết hàng năm của
các cơ quan, ban ngành như Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu


13

công nghệ cao, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu
rất chi tiết về tình hình, kết quả và những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát
triển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đến sự phát triển kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Viết về vấn đề này, TS. Phan Minh Tân cũng
có bài “Khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố
Hồ Chí Minh”, đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học và công nghệ, Bộ khoa
học và Công nghệ số 1, năm 2009. Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết về sự
phát triển của khoa học và công nghệ, cũng như vai trò của nó đối sự phát

triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nói riêng của Thành phố Hồ Chí Minh được đăng tải trên các báo mạng,
các cổng thông tin điện tử của các sở, ban ngành Thành phố Hồ Chí Minh;
cũng như những luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ viết về các đề tài “tri thức”,
“nền kinh tế tri thức”, “nguồn nhân lực chất lượng cao” của Thành phố Hồ
Chí Minh.
Như vậy, cho đến nay vẫn chưa có những công trình, đề tài nghiên cứu
trực tiếp và hệ thống về vai trò tác động của khoa học và công nghệ đối với
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay,
nhưng những công trình trên là nguồn tài liệu quý báu để nghiên cứu sinh kế
thừa, tiếp tục nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn của đề tài được
trình bày trong luận án.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án
Mục đích của luận án:
Từ những vấn đề lý luận chung về khoa học và công nghệ, luận án nhằm
chỉ ra thực trạng vai trò của khoa học và công nghệ với quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay; từ đó đề xuất những
phương hướng và giải pháp chủ yếu để phát huy hơn nữa vai trò của khoa học
và công nghệ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thành phố Hồ
Chí Minh.


14

Nhiệm vụ của luận án:
Để đạt được mục đích trên, luận án phải thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu
như sau:
Một là, trình bày, luận giải làm rõ những vấn đề về lịch sử phát triển
khoa học, kỹ thuật, công nghệ; những vấn đề lý luận chung về khoa học và
công nghệ, vai trò của khoa học và công nghệ với việc phát triển kinh tế - xã

hội nói chung, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng.
Hai là, trình bày, phân tích làm rõ vai trò, thực trạng tác động của khoa
học và công nghệ đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thành
phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Ba là, đề xuất những phương hướng và giải pháp nhằm phát huy hơn nữa
vai trò của khoa học và công nghệ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án:
Luận án tập trung nghiên cứu về vai trò của khoa học và công nghệ đối
với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thành Phố Hồ Chí Minh hiện
nay, giới hạn mốc thời gian nghiên cứu từ năm 2005 đến nay; với thời gian
đó, từ các căn cứ lý luận và thực tiễn để luận án thực hiện được mục đích và
nhiệm vụ đặt ra.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Cơ sở lý luận:
Luận án được thực hiện trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của
chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí
Minh và các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về khoa học
và công nghệ, và vai trò của nó đối với đời sống xã hội.
Phương pháp nghiên cứu:
Luận án được thực hiện bằng việc sử dụng tổng hợp các phương pháp
nghiên cứu như: phương pháp lịch sử và lôgic, phương pháp phân tích và


15

tổng hợp, phương pháp diễn dịch và quy nạp, phương pháp so sánh, đồng thời
luận án cũng sử dụng các phương pháp thống kê, điều tra xã hội học và tham
khảo các chuyên gia,... để nghiên cứu và trình bày luận án.
5. Tính mới của luận án

Một là, trên cơ sở lý luận chung về vai trò của khoa học và công nghệ với
quá trình phát triển kinh tế - xã hội, luận án góp phần làm rõ thực trạng, vai
trò của khoa học và công nghệ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở
Thành phố Hồ Chí Minh.
Hai là, từ những phân tích, đánh giá về thực trạng, vai trò của khoa học và
công nghệ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Thành phố Hồ Chí
Minh, luận án cũng đề xuất những phương hướng, giải pháp chủ yếu nhằm
phát huy hơn nữa vai trò của khoa học và công nghệ với quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
Về ý nghĩa khoa học:
Trên cơ sở lý luận chung về vai trò của khoa học và công nghệ trong đời
sống kinh tế - xã hội, thì luận án đã làm sáng tỏ những nội dung, đặc điểm,
thực trạng về vai trò của khoa học và công nghệ với quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Về ý nghĩa thực tiễn:
Những đánh giá về thực trạng vai trò của khoa học và công nghệ với quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh và những
phương hướng giải pháp mà luận án đưa ra sẽ góp phần giúp Đảng bộ, chính
quyền và các sở, ban ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh tham
khảo trong việc hoạch định chủ trương, chính sách và giải pháp để phát huy
hơn nữa vai trò của khoa học và công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Luận án cũng có thể dùng
làm tài liệu tham khảo cho các ngành: Khoa học quản lý, Khoa học và công


16

nghệ luận, Khoa học chính sách, Triết học, Xã hội học, Công tác xã hội … ở
các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường cao đẳng, đại học trong cả nước.

7. Kết cấu cơ bản của luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các
phụ lục, luận án được kết cấu thành 3 chương, 6 tiết và 19 tiểu tiết.


17

Chương 1
LÝ LUẬN CHUNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ,
VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
VỚI SỰ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
1.1 . LÝ LUẬN CHUNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Để triển khai thực hiện thành công chủ đề chính của luận án, đó là chỉ ra
vai trò, thực trạng và những phương hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát
triển khoa học và công nghệ phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá
ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước hết cần làm rõ những vấn đề lý luận chung
về khoa học và công nghệ, vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát
triển kinh tế - xã hội, là cơ sở lý thuyết cho toàn bộ luận án.
1.1.1. Khoa học và các quan điểm khác nhau về khoa học
Trong sự phát triển của xã hội, cùng với các yếu tố, các lĩnh vực khác,
khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển
kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Để trả lời cho câu hỏi khoa học có vai trò
như thế nào với sự phát triển xã hội, trước hết luận án tập trung trình bày,
phân tích những vấn đề lý luận về khoa học và những đặc điểm phát triển
của nó.
Khái luận về khoa học: Khoa học là một trong những hình thái ý thức
xã hội, cho nên sự hình thành và phát triển của khoa học được xuất phát từ hai
tiền đề chính; một là, khoa học chính là sự phản ánh, tổng kết và khái quát
hoá những đặc điểm và nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội nhất là kinh nghiệm

sản xuất; và hai là, sự phát triển của khoa học là sự kế thừa các tri thức của
con người về thế giới khách quan qua các thế hệ khác nhau. Xuất phát từ thực
tiễn, đặc biệt là thực tiễn lao động sản xuất, quá trình hoạt động của con
người luôn đòi hỏi phải hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về bản chất của mọi
sự vật, hiện tượng cũng như quá trình vận động của chúng để cải tạo tự nhiên,


18

xã hội vì sự tồn tại và phát triển của con người, điều đó đã được C.Mác Ph.Ăngghen nêu rõ: “Từ trước đến nay, khoa học tự nhiên cũng như triết học
đã hoàn toàn coi thường ảnh hưởng của hoạt động con người đối với tư duy
của họ. Hai môn ấy một mặt chỉ biết có tự nhiên, mặt khác chỉ biết có tư
tưởng. Nhưng chính việc người ta biến đổi tự nhiên, chứ không phải chỉ một
mình giới tự nhiên, là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con
người, và trí tuệ con người đã phát triển song song với việc người ta đã học
cải biến tự nhiên” [47, tr.720]. Chính vì vậy, ngay từ khi hình thành xã hội
loài người, trong quá trình hoạt động của mình con người có những nhận thức
dù là giản đơn về sự vật, hiện tượng, quá trình của thế giới khách quan nhờ
vào những kinh nghiệm trong hoạt động hàng ngày. Những tri thức kinh
nghiệm đó được tích luỹ ngày càng nhiều và càng phong phú, nhưng vẫn chỉ
mang tính riêng biệt, chưa có hệ thống, để từ đó giúp con người tìm ra bản
chất của sự vật, hiện tượng, cho nên chúng không thể thoả mãn nhu cầu nhận
thức của con người, và do đó cũng chưa đóng vai trò đáng kể trong phát triển
sản xuất và đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển của xã hội, con người
không ngừng tác động vào thế giới khách quan buộc chúng phải bộc lộ những
thuộc tính, bản chất, quy luật nội tại vốn có của mình, từ đó thúc đẩy tư duy
của con người nghiên cứu tìm hiểu, nhận thức rõ bản chất, quy luật vận động,
phát triển của sự vật, hiện tượng, quá trình và mối liên hệ của chúng và con
người đã tập hợp những tri thức kinh nghiệm, những sự kiện ngẫu nhiên, rời
rạc về các sự vật, hiện tượng để tiếp tục nghiên cứu, khái quát thành hệ thống

những tri thức khoa học.
Khái niệm “khoa học”, tiếng Pháp là “sciences”, tiếng Anh là “science”
nguyên bản tiếng Anh trong từ điển Oxford ghi “Science is knowledge about
the structure and behaviour of the natural and physical world, based on facts
that you can prove” [120] and “Science is a system for organizing the
knowledge about a particular subject, especially one concerned with aspects


19

of human behaviour or society” [120] (khoa học là kiến thức về cấu trúc và sự
vận động của thế giới tự nhiên và vật chất, dựa trên hiện thực có thể chứng
minh. Và khoa học là hệ thống tổ chức các kiến thức về một chủ đề cụ thể,
đặc biệt là liên quan đến những khía cạnh của vận động hoặc xã hội loài
người), như vậy về bản chất khoa học là: tri thức, kiến thức, hiểu biết, có
nguồn gốc từ tiếng Latin “scientia” được hiểu là phân biệt, chia ra, có nghĩa
rằng sự hiểu biết, tri thức của con người luôn gắn với việc phân biệt, xác định
sự khác nhau của các sự vật, hiện tượng và mối liên hệ giữa chúng. Tuy
nhiên, về khái niệm “khoa học” hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau.
Pierre Auger quan niệm “khoa học là hệ thống tri thức về mọi loại quy luật
của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội,
tư duy” [101, tr.17]; Từ điển triết học giản yếu định nghĩa: “Khoa học là hệ
thống tri thức gồm những quy luật về tự nhiên, xã hội và tư duy, được tích lũy
trong quá trình nhận thức trên cơ sở thực tiễn, được thể hiện bằng những khái
niệm, phán đoán, học thuyết” [57, tr.229], còn Từ điển Bách khoa Việt Nam
đã đưa ra quan niệm về khoa học là “hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội và
tư duy được tích lũy trong quá trình nhận thức trên cơ sở thực tiễn, được thể
hiện bằng những khái niệm, phán đoán học thuyết, nhiệm vụ của khoa học là
phát hiện ra bản chất, tính quy luật của các hiện tượng, sự vật, quá trình, từ đó
mà dự báo về sự vận động, phát triển của chúng, định hướng cho hoạt động

của con người. Khoa học giúp cho con người ngày càng có khả năng chinh
phục tự nhiên và xã hội. Khoa học vừa là một hình thái ý thức xã hội, vừa là
một dạng hoạt động, một công cụ nhận thức. Mỗi khoa học phát triển gồm có
4 yếu tố cơ bản: 1) Tri thức kinh nghiệm. 2) Tri thức lý luận. 3) Phương pháp,
cách xử lí. 4) Giả thuyết và kết luận. Hệ thống khoa học được chia thành khoa
học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật; mỗi loại khoa học nói trên
đều có phần cơ bản và phần ứng dụng” [34, tr.508]; và Luật Khoa học và


×