CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BÁO CÁO SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Đề nghị tặng Danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” năm 2015
Tên đề tài: Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải
trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện.
Họ và tên:.
Giới tính: Nam.
Sinh ngày:.
Dân tộc:.
Tôn giáo: Không.
Quê quán:.
Chức vụ Đảng:.
Chức vụ chính quyền:.
Đơn vị công tác:.
Nơi thường trú:.
I. Phần mở đầu
1. Đặt vấn đề
Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của
cơ quan dân cử ở địa phương. Tại kỳ họp, chất vấn là nội dung thu hút được sự
quan tâm của đông đảo nhân dân. Thông qua chất vấn, các đại biểu thể hiện
trách nhiệm của mình đối với cử tri. Đồng thời, qua việc trả lời chất vấn, xác
định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan chức năng. Đây không
chỉ là hoạt động cơ bản của đại biểu, của HĐND mà còn là một biện pháp quan
trọng thực hiện dân chủ, nâng cao vị trí, vai trò, uy tín của HĐND trong bộ máy
chính quyền ở địa phương.
Là Ủy viên Thường trực HĐND huyện, bản thân được lãnh đạo Thường
trực HĐND phân công phụ trách các lĩnh vực hoạt động của Thường trực
HĐND, các ban của HĐND từ năm 2011 đến nay. Qua hơn 04 năm phụ trách
lĩnh vực hoạt động của HĐND huyện, tôi nhận thấy chất lượng hoạt động chất
vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ họp là một nội dung thời sự, được đông
đảo cử tri, các tầng lớp nhân dân chú ý theo dõi, bình luận và đánh giá; là một
yếu tố rất quan trọng đánh giá vai trò, vị trí của HĐND - cơ quan quyền lực nhà
nước ở địa phương; là diễn đàn dân chủ, thể hiện vai trò tích cực của từng đại
biểu HĐND cũng như trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan đối với những vấn
đề cử tri quan tâm. Qua chất vấn của đại biểu, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở
địa phương đã được giải quyết.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc chất vấn, trả lời chất vấn và giải
trình tại kỳ họp HĐND huyện còn một số hạn chế nhất định, chất lượng chưa
cao, chưa đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Vì vậy, tôi
chọn đề tài “Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải
trình tại kỳ họp HĐND huyện” nhằm đề ra một số giải pháp phát huy hơn nữa
hiệu quả các kỳ họp của HĐND huyện.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn
và giải trình tại kỳ họp HĐND huyện, từ đó đề xuất một số giải pháp để hoạt
động này có hiệu quả hơn trong những nhiệm kỳ sau.
3. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tiến hành nghiên cứu chất lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn
và giải trình tại kỳ họp HĐND huyện Krông Ana.
4. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu trong phạm vi các kỳ họp của HĐND huyện Krông Ana
khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về HĐND, chức năng
giám sát của HĐND thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình
tại các kỳ họp của HĐND.
II. Thực trạng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ
họp HĐND huyện
1. Một số lý luận cơ bản về chất vấn
Chất vấn là quyền và hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND tại
nghị trường. Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định, “đại biểu HĐND
có quyền chất vấn Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND,
Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và thủ trưởng
các cơ quan thuộc UBND cùng cấp, người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND
trong thời gian do luật định”.
Chất vấn - hiểu theo nguyên nghĩa - là “hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều
gì, việc gì”. Tuy nhiên, trong hoạt động của HĐND, chất vấn là một khái niệm
có nội hàm rộng hơn nhiều. Theo tôi, chất vấn của đại biểu HĐND là yêu cầu
của đại biểu với tư cách là người đại diện có thẩm quyền của nhân dân địa
phương đối với cơ quan hoặc người bị chất vấn theo quy định của pháp luật,
buộc họ phải giải thích trước cơ quan quyền lực về thực trạng hoạt động, công
tác, nhất là những khuyết điểm, tồn tại của cơ quan, của cá nhân người phụ
trách; phải trả lời rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Điều đó cho thấy,
2
chất vấn là sự đối thoại mang tính quyền lực, với mục đích là để làm rõ trách
nhiệm.
Như vậy, chất vấn trước hết là quyền riêng của đại biểu. Theo quy định tại
Điều 122, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) thì HĐND là chủ thể duy
nhất ở địa phương có quyền chất vấn, được thực hiện quyền này một cách chủ
động, sáng tạo và là kết quả biện chứng của hoạt động đại biểu trước đó. Chất
vấn của đại biểu thường nảy sinh khi cơ quan hoặc người bị chất vấn có những
vi phạm pháp luật hoặc có những biểu hiện yếu kém, trì trệ, không thi hành
nghiêm chỉnh các Nghị quyết của HĐND, không thực hiện hoặc có thái độ xem
thường các kiến nghị xác đáng của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND
cũng như những yêu cầu, kiến nghị hợp lý của đại biểu… Vì vậy, đại biểu sử
dụng quyền chất vấn như một biện pháp cuối cùng để quy kết trách nhiệm của
các cơ quan, cá nhân bị chất vấn một cách công khai; và nhờ sự tác động mang
tính quyền lực mạnh mẽ nhất của HĐND, khắc phục được các khuyết điểm của
cơ quan hoặc người bị chất vấn.
Với ý nghĩa ấy, chất vấn không chỉ đơn giản là quyền riêng của cá nhân đại
biểu, mà còn là hình thức giám sát có hiệu quả của HĐND. Đây chính là sự khác
nhau cơ bản giữa chất vấn với câu hỏi thông thường. Nếu chất vấn không có
mục đích làm rõ khuyết điểm, quy kết trách nhiệm, khôi phục sự công bằng, loại
bỏ tiêu cực, ngăn chặn vi phạm pháp luật… trong hoạt động của các cơ quan nhà
nước, thì chất vấn chỉ là hình thức, không còn là phương tiện giám sát của cơ
quan quyền lực nhà nước, không còn là biện pháp mà theo Lênin, các đại biểu
và các cơ quan đại diện quyền lực nhà nước của nhân dân nhất thiết phải dùng
đến trong cuộc đấu tranh đến cùng chống chủ nghĩa quan liêu và sự trì trệ của
các cơ quan nhà nước.
Mặt khác, không nên hiểu chất vấn một cách phiến diện, là “bới lông tìm
vết”, “soi mói” khuyết điểm; là sự bất lợi của cơ quan và người bị chất vấn. Chất
vấn không phải là để níu kéo nhau, cản trở nhau mà là để xây dựng, làm cho các
cơ quan trong bộ máy Nhà nước ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, quyền
hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và chế độ trách nhiệm - những
đặc tính quan trọng của một nhà nước pháp quyền. Phê bình mặc dù là thuộc
tính của chất vấn, nhưng không phải mục đích tự thân của chất vấn. Qua chất
vấn giúp cho hoạt động của các cơ quan và người bị chất vấn tốt hơn, hoàn thiện
hơn.
2. Cơ cấu tổ chức của HĐND, các ban của HĐND huyện
- Đại biểu HĐND huyện đầu nhiệm kỳ gồm có 37 đại biểu, đến thời điểm
hiện tại có 35 đại biểu.
- Thường trực HĐND huyện Krông Ana khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016),
gồm 03 đồng chí. Trong đó, đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch
HĐND, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Ủy viên Thường trực
chuyên trách.
- 02 ban HĐND huyện: 10 đại biểu đều hoạt động kiêm nhiệm.
3
+ Ban Pháp chế HĐND huyện gồm có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban và 03
thành viên.
+ Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện gồm có 01 Trưởng ban, 01 Phó ban
và 03 thành viên.
3. Thực trạng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ
họp HĐND huyện
3.1. Ưu điểm
Trong các kỳ họp vừa qua, HĐND huyện rất coi trọng hoạt động chất vấn
và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, coi đây là công cụ giám sát trực tiếp,
nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND. Hoạt động chất
vấn ngày càng thiết thực và có chiều sâu. Nội dung chất vấn ngày càng sắc sảo,
câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, thể hiện được những vấn đề
bức xúc của cử tri. Các đại biểu HĐND đã mạnh dạn hơn trong việc tranh luận,
truy vấn để làm rõ vấn đề. Ở một số kỳ họp, các đại biểu đã gắn chất vấn với
giám sát chuyên đề và yêu cầu các đơn vi giải trình cụ thể. Với cách làm này
hoạt động chất vấn đã thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không bị dàn trải, giải
quyết được những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong thực tiễn.
Thường trực HĐND huyện Krông Ana luôn quan tâm đến việc đổi mới nội
dung và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
tại kỳ họp. Trước hết là việc lựa chọn vấn đề chất vấn: Thông qua hoạt động tiếp
xúc cử tri, giám sát, tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công
dân, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND huyện có trách nhiệm tổng hợp các vấn đề
báo cáo Thường trực HĐND huyện. Sau khi tiếp nhận thông tin từ các Ban, các
Tổ, kết hợp với phản ánh trực tiếp của các đại biểu HĐND, của cử tri huyện,
Thường trực HĐND huyện sẽ phân tích, lựa chọn những vấn đề mà nội dung
ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương,
hoặc những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri quan tâm để tổng hợp chuyển
UBND huyện yêu cầu giải trình tại kỳ họp. Nội dung các vấn đề được lựa chọn
để chất vấn tại kỳ họp HĐND là những vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải
quyết chưa dứt điểm trong thực tế.
Khi điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp luôn cố
gắng tạo ra bầu không khí dân chủ, thoải mái, tập trung và nghiêm túc. Thời
gian dành cho chất vấn và trả lời chất vấn được ưu tiên tối đa và thường chiếm
1/3 tổng thời gian kỳ họp. Các đại biểu được chất vấn những vấn đề mình quan
tâm với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Những vấn đề chưa nhất trí, đại biểu
được trực tiếp đối thoại làm rõ. Thường trực HĐND huyện cũng yêu cầu các cơ
quan có trách nhiệm trả lời chất vấn phải đi thẳng vào nội dung đại biểu chất
vấn, giải trình bằng văn bản những việc đã làm được, chưa làm được, nêu
nguyên nhân và có giải pháp khắc phục những tồn tại. Vì vậy, đã hạn chế dần
cách trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho khách
quan.
4
Thường trực HĐND huyện cũng yêu cầu người chất vấn khi đã ra câu hỏi
phải ngắn gọn, cụ thể, nêu đúng, trúng vấn đề, phải đánh giá được phần giải
trình của cơ quan có trách nhiệm, để thấy cần thiết tiếp tục chất vấn hay dừng
lại. Nếu chất vấn tiếp phải nhằm làm sáng tỏ vấn đề đã đưa ra chứ không phải là
nêu vấn đề khác hoặc đặt câu hỏi có tính chất thăm dò hay khai thác thông tin.
Người trả lời chất vấn cũng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ câu
hỏi, vận dụng kiến thức chuyên môn, hiểu biết thực tế để câu trả lời có tính
thuyết phục. Nếu chỉ giải trình bằng lý thuyết mà không gắn với thực tiễn hoặc
chỉ đơn thuần giải trình về góc độ chuyên môn thì câu trả lời không có sức nặng,
không thuyết phục người nghe và dĩ nhiên vấn đề ấy sẽ rất khó khắc phục được
trong thực tế.
Chính vì vậy, chất lượng trả lời chất vấn của UBND và các cơ quan chuyên
môn tại kỳ họp HĐND ngày càng được nâng lên. Khi giao trách nhiệm cho các
cơ quan trả lời chất vấn, UBND huyện đã yêu cầu đơn vị phải thực sự nghiêm
túc và cầu thị. Nội dung trả lời phải thể hiện được trách nhiệm của đơn vị trước
nhiệm vụ được giao và trước cử tri. Những vấn đề đại biểu tập trung chất vấn
nhiều hoặc còn băn khoăn, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp giải trình và có sự
chỉ đạo cụ thể ngay tại kỳ họp, giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn để
tập trung giải quyết trong thời gian gần nhất.
Nhiều vấn đề sau khi đại biểu HĐND chất vấn đã được UBND huyện kịp
thời chỉ đạo giải quyết, đem lại lòng tin cho cử tri vào sự lãnh đạo đúng đắn, kịp
thời của chính quyền. Việc UBND huyện quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời
các kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND là một trong những yếu tố
quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Thời gian giữa 2 kỳ họp, Thường trực HĐND, các Ban HĐND huyện đã tổ
chức giám sát việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung đại biểu chất
vấn tại kỳ họp của UBND và một số cơ quan chuyên môn như: giám sát tình
hình thực hiện các khoản thu chi trong trường học, việc huy động đóng góp xây
dựng cơ sở vật chất trường học theo Nghị định số 24/1999/NĐ-CP, ngày
16/4/1999 của Chính phủ năm học năm học 2013 - 2014, 2014 - 2015; thực
trạng kết quả trồng rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn
huyện; công tác triển khai thực hiện công trình cấp nước sinh hoạt khu vực nội
thị trấn Buôn Trấp,…
Sau kỳ họp, Thường trực HĐND tổ chức hội nghị trao đổi rút kinh nghiệm
về công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND huyện để kịp thời khắc phục
những tồn tại, vận dụng những kinh nghiệm hay vào quá trình tổ chức kỳ họp
HĐND, đặc biệt là những kinh nghiệm thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt
động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.
3.2. Hạn chế, khuyết điểm
Kể từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016 đến nay, qua các kỳ họp thường kỳ cho
thấy, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn còn một số hạn chế nhất định về
số lượng và nội dung câu hỏi, kỹ năng đặt vấn đề chất vấn của đại biểu HĐND
huyện và trả lời chất vấn của thủ trưởng các cơ quan chức năng. Số đại biểu
5
HĐND huyện đặt câu hỏi còn ít, chỉ tập trung vào một số đại biểu chuyên trách;
việc chất vấn bổ sung, truy vấn càng ít hơn.
Một số ít đại biểu HĐND và người bị chất vấn chưa nhận thức đúng tầm
quan trọng của việc chất vấn và trả lời chất vấn nên còn e ngại, chưa thật sự cởi
mở. Số ý kiến chất vấn vẫn còn ít thường mỗi kỳ họp có từ 7 đến 10 ý kiến; nội
dung trả lời chất vấn chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm, nguyên nhân,
chưa đi thẳng vào vấn đề nên gây bức xúc cho đại biểu và cử tri,
Một số đại biểu HĐND ít chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, một số ý kiến chất
vấn chưa được chuẩn bị chu đáo nên chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa đi sâu
vào những vấn đề bức xúc đang được xã hội quan tâm như về công tác bảo vệ
môi trường, quản lý bảo vệ rừng, trật tự an toàn xã hội....
Trong trả lời chất vấn vẫn còn một số trường hợp những nội dung được trả
lời chất vấn chưa rõ ràng, thường đổ lỗi cho yếu tố khách quan, hoặc trả lời
chung chung, chưa thấy rõ trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Một số vụ việc phức tạp đã trả lời của cơ quan chức năng tại nhiều kỳ họp và
qua kỳ họp vẫn chưa giải quyết dứt điểm, chưa có giải pháp khắc phục cụ thể
như thời gian nào thì khắc phục xong.
Nguyên nhân những hạn chế là do đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, điều
kiện thu thập và phân tích thông tin của một số đại biểu còn hạn chế, hơn nữa tài
liệu kỳ họp quá nhiều, không có thời gian nghiên cứu kỹ, từ đó nắm không chắc
nội dung vấn đề cần chất vấn, do đó ngại không muốn chất vấn. Mặc khác, mỗi
đại biểu cũng làm việc ở cơ quan, hàng ngày có quan hệ công tác gắn bó thân
mật nên khi chất vấn cũng e ngại, nể nang.
III. Một số giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả chất vấn, trả
lời chất vấn và giải trình tại kỳ họp HĐND huyện trong thời gian tới
Qua các phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xin đề xuất một số ý kiến
nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả chất vấn tại các kỳ họp
HĐND như sau:
1. Nhận thức về hoạt động chất vấn
Đối với đại biểu HĐND, chất vấn không chỉ là quyền mà còn là trách
nhiệm của đại biểu trước dân, trước cử tri. Trong quá trình giám sát, với trách
nhiệm của mình, đại biểu thấy những vấn đề bức xúc, những biểu hiện của tinh
thần thiếu trách nhiệm trước công việc, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ pháp
luật vv… đại biểu HĐND phải yêu cầu các cơ quan báo cáo, giải trình rõ. Đại
biểu HĐND ngoài việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, cần
phải tìm hiểu sâu, kỹ những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm và
trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện quyền giám sát của mình
thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Bên cạnh đó cần coi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp
HĐND cũng là cơ hội để HĐND phân tích, mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại, khó
khăn vướng mắc để cùng với UBND tìm giải pháp khắc phục; đó cũng là cơ hội
6
để UBND thông tin làm rõ thực trạng tình hình, những khó khăn phải vượt qua
để được sự chia sẻ của đại biểu và cử tri, tạo sự đồng thuận trong thực hiện
nhiệm vụ.
2. Về việc đặt câu hỏi chất vấn
Câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu và sát với thực tiễn cuộc sống, đi thẳng vào
vấn đề, đi kèm là quy trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết, thời gian giải
quyết để từ đó, đại biểu HĐND huyện tiếp tục giám sát quá trình thực hiện.
Không nên đặt câu hỏi mang tính yêu cầu cung cấp thông tin làm giảm tác dụng
của hoạt động chất vấn.
Nếu cá nhân từng đại biểu không có câu hỏi chất vấn thì cần quy định mỗi
Tổ đại biểu phải chọn ít nhất 2 vấn đề nổi cộm, bức xúc, của địa phương gửi về
Thường trực HĐND huyện để tổng hợp, đánh giá, lựa chọn làm câu hỏi chất
vấn. Quyền chất vấn là thuộc về từng cá nhân đại biểu HĐND nhưng với cách
làm này sẽ khắc phục được tình trạng ít câu hỏi chất vấn, đồng thời tránh được
tình trạng đại biểu nơi này hỏi vấn đề tại địa phương khác trong khi chưa có đủ
thông tin.
3. Về nội dung chất vấn
Trong mỗi kỳ họp HĐND, có rất nhiều vấn đề được đại biểu HĐND quan
tâm đặt câu hỏi chất vấn, song để buổi chất vấn sôi động và hiệu quả, Chủ tọa kỳ
họp cần xác định và gợi ý các nhóm vấn đề quan trọng có tính lan tỏa, bức xúc
hoặc nổi cộm để các đại biểu chất vấn theo từng nhóm vấn đề và người trả lời
chất vấn cũng trả lời theo từng nhóm vấn đề.
Trong việc lựa chọn vấn đề chất vấn, đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên
quan đến lĩnh vực chuyên môn của mình. Sự thông thạo kiến thức chuyên môn
là một lợi thế lớn giúp cho đại biểu phản ứng nhanh hơn với các diễn biến trong
quá trình thực hiện quyền chất vấn. Đối với mỗi đại biểu, cần tập trung chất vấn
vào những vấn đề mình cảm thấy bức xúc nhất, những vấn đề được đa số cử tri
quan tâm, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, vừa có tính thời sự,
vừa có tính lâu dài. Mặt khác, vấn đề được lựa chọn phải là những vấn đề mà đại
biểu có thông tin khá đầy đủ, chính xác; hạn chế việc chọn và đi sâu vào những
vấn đề nóng nhưng chưa có thông tin đầy đủ, khi các cơ quan chức năng còn
đang làm rõ, chưa có biện pháp xử lý khả thi hoặc những vấn đề quá chi tiết,
không mang tính phổ biến.
Để việc chất vấn đạt hiệu quả cao, các đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn
bản liên quan đến chất vấn như: báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của
UBND; văn bản trả lời, giải quyết những vấn đề cử tri và đại biểu kiến nghị đến
kỳ họp của các ngành; văn bản tổng hợp ý kiến cử tri của Mặt trận Tổ quốc; các
quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề chất vấn… Trường hợp cần thiết, các
đại biểu có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm hiểu sâu
hơn về vấn đề dự định chất vấn. Làm tốt những điều này, nếu người trả lời chất
vấn giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng. Thực tế cho thấy,
muốn tiếp tục truy vấn thì đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ tư liệu, nội dung về
7
vấn đề mà mình chất vấn cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn để khi nêu ra đó là
những bằng chứng thuyết phục giúp người trả lời chất vấn thấy được trách
nhiệm của mình đối với vấn đề mà đại biểu chất vấn.
4. Về trả lời chất vấn
Người trả lời chất vấn cần trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi, không giải
trình quá dài, tránh sa vào báo cáo thành tích hoặc vòng vo né tránh mà trả lời
phải đúng vào vấn đề được yêu cầu, cần thẳng thắn nhận trách nhiệm nếu nội
dung chất vấn đề cập đến những tồn tại thuộc lĩnh vực mình phụ trách; đưa ra
những giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề mà nội dung chất vấn nêu.
Trả lời chất vấn là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính quyết định đối với
hiệu quả và ý nghĩa của quyền chất vấn. Người trả lời chất vấn phải trả lời tất cả
các ý kiến mà cử tri và đại biểu phản ánh. Nội dung trả lời phải trọng tâm, ngắn
gọn, không phân tích viện dẫn các lý do dài dòng. Những vấn đề đại biểu, cử tri
phản ánh không đúng hoặc chỉ đúng một phần thì đưa ra cơ sở chứng minh,
đồng thời tư vấn cách tiếp cận và phản ánh thông tin chính xác hơn. Ngoài việc
trả lời tại kỳ họp, người được chất vấn còn phải trả lời bằng văn bản để đại biểu
HĐND huyện thông tin lại cho cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Nếu hứa giải
quyết vấn đề nào đó cần nêu rõ phương án, lộ trình thực hiện cụ thể để đại biểu
và cử tri giám sát. Người trả lời chất vấn phải đúng thẩm quyền theo quy định
pháp luật, trường hợp có lý do chính đáng mới được ủy quyền cho cấp phó trả
lời thay và phải được HĐND đồng ý.
5. Vai trò của Chủ tọa điều hành chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn phải hết sức linh hoạt,
sáng tạo và khoa học, để ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đi đúng trọng tâm.
Người đặt câu hỏi và người trả lời phải có được một tâm lý thoải mái để phiên
chất vấn thực sự là một cuộc đối thoại trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm và vì
lợi ích của tập thể.
Chủ tọa cần tìm hiểu kỹ nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra chất vấn.
Điều hành nội dung chất vấn cần linh hoạt, gợi mở, tập trung. Đối với những vụ
việc nổi cộm cần có thời gian hợp lý để người chất vấn và người trả lời chất vấn
có sự trao đổi (đối thoại) tranh luận; nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều
hành phiên chất vấn có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời trực
tiếp đại biểu bằng văn bản, hoặc trả lời vào phiên họp sau. Sau mỗi nội dung
chất vấn, Chủ tọa phải có kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn bổ sung nếu thấy cần
để làm rõ vấn đề. Trong mỗi kỳ họp HĐND phải bố trí, dành thời gian thỏa đáng
cho hoạt động chất vấn.
Như vậy, Chủ tọa kỳ họp phải là những người có trình độ chuyên môn, bản
lĩnh chính trị vững vàng, có sự hiểu biết về luật pháp, có kinh nghiệm thực tiễn
trong hoạt động HĐND, để xử lý các tình huống một cách hợp lý và hiệu quả.
6. Công tác phối hợp trong việc chất vấn và trả lời chất vấn
8
Thường trực HĐND cần chủ động phối hợp với UBND để thống nhất sự
phân công chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời chất vấn tại kỳ họp,
quyết định những vấn đề gì cần chất vấn tại kỳ họp và gửi câu hỏi chất vấn tới
thủ trưởng các cơ quan liên quan yêu cầu chuẩn bị báo cáo bằng văn bản gửi tới
thường trực HĐND, phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện lời hứa trong trả lời
chất vấn. Sau kỳ họp, UBND huyện họp thành viên UBND giao trách nhiệm cho
Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách các lĩnh vực đôn đốc kiểm tra các cơ quan
chuyên môn giải quyết các nội dung đã hứa trong báo cáo trả lời ý kiến cử tri và
trả lời chất vấn tại kỳ họp.
IV. Kiến nghị
Đề nghị HĐND huyện có ý kiến chỉ đạo các đại biểu HĐND, các cơ quan,
ban, ngành, đoàn thể tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và đề ra những giải pháp thiết
thực để thực hiện đề tài.
V. Kết luận
Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, vì vậy, HĐND huyện
cần không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chất vấn để
ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của nhân dân vào hoạt động này.
Để hoạt động chất vấn thực sự có chiều sâu, thiết thực, giải quyết được những
vấn đề bức xúc, mang tính thời sự, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của nhiều chủ thể.
Trong đó, quan trọng nhất là đại biểu HĐND. Do đó, đại biểu HĐND cần phải
nâng cao hơn nữa năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình, khẳng định bản
lĩnh, vị trí của mình trên diễn đàn chất vấn, xứng đáng với danh hiệu cao quý
“người đại biểu nhân dân”.
Trên đây là báo cáo sáng kiến kinh nghiệm của bản thân trong năm 2015 về
“Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại kỳ
họp HĐND huyện Krông Ana”./.
9