Tải bản đầy đủ (.docx) (94 trang)

Một số biện pháp giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi thông qua trò chơi vận động

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (470.11 KB, 94 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai, trẻ em là hạnh phúc của mọi gia đình,
là tương lai của cả dân tộc, việc bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em không chỉ là trách
nhiệm của gia đình mà còn là của toàn xã hội, của cả nhân loại. Lứa tuổi trẻ mầm
non là thời điểm quan trọng nhất với mỗi con người, thời điểm này tất cả mọi việc
đều bắt đầu: bắt đầu ăn, bắt đầu nói, bắt đầu nhìn, nghe và vận động bằng đôi tay,
đôi chân của mình... tất cả những cử chỉ đó hình thành nên thói quen gồm cả thói
quen tốt lẫn thói quen xấu. Chăm sóc - giáo dục trẻ mầm non ngay từ những năm
tháng đầu tiên là hết sức cần thiết và vô cùng quan trọng trong sự nghiệp chăm lo
đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ những mầm non tương lai của đất nước.
Giáo dục Mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân và
đặt nền móng cho sự phát triển nhân cách của mỗi đứa trẻ. Giáo dục mầm non xây
dựng mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ về các mặt thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, tình
cảm, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một
[3, tr.1]. Trong các mục tiêu giáo dục trên, mục tiêu giáo dục thể chất cho trẻ mầm
non càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh
mẽ, hệ thần kinh, cơ xương hình thành nhanh, hoạt động hô hấp đang hoàn thiện, cơ
thể trẻ còn non yếu dễ phát triển lệch lạc, mất cân đối nếu không được giáo dục
đúng đắn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cả một thế hệ. Lứa tuổi mẫu giáo 5 - 6
tuổi tất cả các cơ quan và hệ cơ quan của cơ thể trẻ đang phát triển mạnh nhưng
chưa ổn định, khả năng vận động còn hạn chế, hệ thần kinh dần dần phát triển. Trẻ
có khả năng phân tích, đánh giá, hình thành kỹ năng, kỹ xảo và cũng trong giai đoạn
này trẻ có điều kiện thuận lợi để tiếp thu và củng cố các kỹ năng cần thiết giúp cơ
thể trẻ phát triển toàn diện. Vì vậy giáo dục thể chất là một trong những nội dung
giáo dục quan trọng trong bậc học giáo dục mầm non để trẻ có một thể lực tốt, là
tiền đề cho cả một thế hệ sau này.
Ở các trường mầm non hiện nay, giáo dục thể chất cho trẻ đã được quan tâm
và đặt ra nhiều yêu cầu cần đạt được. Đặc biệt, giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo
5 - 6 tuổi còn là mục tiêu quan trọng trong mục tiêu của giáo dục mầm non để
chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp một. Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi có thể chất tốt mới


có thể tiếp thu tri thức, có hứng thú khám phá, rèn luyện sức khỏe... khi bước vào


trường phổ thông. Nhưng lựa chọn con đường nào để việc giáo dục thể chất cho trẻ
mẫu giáo 5 - 6 tuổi đạt được hiệu quả tốt thì còn rất hạn chế. Giáo dục thể chất cho
trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi còn chưa đi sâu vào các biện pháp, chưa tận dụng được tối đa
các loại hình vận động quen thuộc với trẻ. Giáo viên mới chỉ giáo dục cho trẻ bằng
các con đường vận động dễ dàng mà chưa có sự tìm tòi, nghiên cứu tìm ra con
đường giáo dục thể chất tốt nhất cho trẻ.
Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non có rất nhiều con đường và trò chơi vận
động là một con đường giáo dục thể chất có hiệu quả cho trẻ mẫu giáo, đặc biệt là
trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi. Trò chơi vận động luôn thu hút được trẻ, kéo trẻ vào thực
hiện các vận động từ đó là điều kiện phát triển thể chất có hiệu quả cho trẻ. Trò chơi
vận động còn là một phương tiện chống sự mệt mỏi, căng thẳng cho trẻ trong học
tập. Tổ chức tốt trò chơi vận động chính là cơ hội để trẻ mầm non được củng cố và
rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo vận động, các phẩm chất thể lực và sự phát triển cân đối
của cơ thể. Khi trẻ tham gia vào trò chơi không chỉ có mục đích bảo vệ và tăng
cường sức khỏe cho trẻ mà trò chơi vận động còn là một biện pháp tích cực nhằm
giáo dục cho trẻ về đức dục, trí dục và mỹ dục.
Trò chơi vận động là con đường giáo dục thể chất tối ưu vì trò chơi không gò
ép hay bó buộc trẻ mà phát huy được tính tích cực, tính chủ động của trẻ. Trò chơi
vận động có thể được kết hợp trong nhiều hoạt động ở trường mầm non. Tuy nhiên,
các giáo viên hiện nay chưa hiểu sâu về tầm quan trọng của trò chơi vận động, chưa
thực sự quan tâm đến việc tổ chức trò chơi vận động... để có thể đem lại hiệu quả
giáo dục thể chất cho trẻ.
Vì vậy, việc kết hợp trò chơi vận động và giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo
5 - 6 tuổi như thế nào để đạt được hiệu quả cao, từ đó đề ra một số biện pháp giáo
dục thể chất cho trẻ là vấn đề em chọn nghiên cứu với đề tài: “Một số biện pháp
giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông qua trò chơi vận động”.
2. Mục đích nghiên cứu

Xác định các biện pháp để tổ chức trò chơi vận động mang lại được hiệu quả
giáo dục thể chất cao nhất.


3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
3.1. Khách thể nghiên cứu
Hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong trường mầm
non.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Biện pháp giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông qua tổ chức trò
chơi vận động.
4. Giả thuyết khoa học
Nếu xây dựng được một số biện pháp giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6
tuổi thông qua việc tổ chức tốt trò chơi vận động thì sẽ góp phần phát triển thể lực
cho trẻ, giúp trẻ có một thể trạng khỏe mạnh đặt nền móng cho sự phát triển nhân
cách.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Một số vấn đề lý luận về giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông
qua trò chơi vận động.
5.2. Thực trạng việc giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông qua trò
chơi vận động ở một số trường mầm non hiện nay.
5.3. Một số biện pháp giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thông qua trò
chơi vận động.
6. Phạm vi đề tài
6.1. Về địa bàn nghiên cứu
Một số trường mầm non ở Huyện Thủy Nguyên và Quận Hải An.
6.2. Thời gian nghiên cứu
Từ ngày 25.12.2014 đến ngày 20.1.2016.
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận: Nghiên cứu, phân tích tổng hợp, đọc

tài liệu có liên quan.
7.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn: Phương pháp quan sát, phương
pháp điều tra bằng phiếu hỏi, phương pháp thử nghiệm.
7.3. Phương pháp thống kê toán học: Thu thập thông tin, tổng hợp và xử lí số
liệu.


8. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Khuyến nghị, Tài liệu tham khảo, Phụ lục,
đề tài gồm 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6
tuổi thông qua trò chơi vận động.
Chương 2: Thực trạng việc vận dụng trò chơi vận động vào phát triển thể
chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi.
Chương 3: Một số biện pháp giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
thông qua trò chơi vận động.


Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC THỂ CHẤT CHO TRẺ THÔNG
QUA TRÒ CHƠI VẬN ĐỘNG
1.1. Một số công trình liên quan đến đề tài nghiên cứu
Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là một nhiệm vụ quan trọng để trẻ phát
triển toàn diện. Nhiều nhà nghiên cứu đã thấy được tầm quan trọng của việc giáo
dục thể chất đem lại cho trẻ. Như C.Mác đã đánh giá rất cao ý nghĩa của thể lực và
cho rằng nó phải được đưa vào trường dành cho con em nhân dân lao động ở mức
độ cao như ở các trường thể dục chuyên ngành. Theo C.Mác: “Giáo dục thể chất là
một bộ phận hữu cơ của hiện tượng giáo dục, là điều kiện tất yếu đối với việc phát
triển con người một cách toàn diện. Giáo dục thể chất là phương tiện quan trọng để
phát triển thể lực con người và nó phải được bắt đầu từ lứa tuổi nhỏ. Giáo dục thể

chất cho trẻ mầm non là cơ sở phát triển toàn diện, rèn luyện cơ thể, hình thành
những thói quen vận động cần thiết của con người” [9, tr.9]. Tuy nhiên, nhận định
trên chỉ ở mức độ khẳng định vai trò của giáo dục thể chất chứ chưa đưa ra một con
đường giáo dục thể chất cụ thể nào cho trẻ em.
Bên cạnh đó, mỗi nhà nghiên cứu luôn có những quan điểm riêng của mình
khi đưa ra một công trình hay bất cứ nhận định nào. Các công trình về giáo dục thể
chất cho trẻ thực sự đem lại hiệu quả khi người nghiên cứu phải xác định được con
đường giáo dục đúng đắn. Cụ thể: Nhà giáo dục vĩ đại người Nga là Ma-ca-ren-kô
đã đánh giá rất cao vai trò của trò chơi vào việc phát triển thể chất cho trẻ, nhà giáo
dục tổng kết: “Trò chơi có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống trẻ em, nó có một
ý nghĩa quan trọng như những hoạt động, công tác và việc phục vụ người lớn.
Trong khi chơi, trẻ em có nhiều điểm giống như khi làm việc lúc lớn. Chính vì vậy
nên những người lao động tương lai được giáo dục trước hết là trong lúc chơi”. Tuy
nhiên, ông chưa đưa ra được những biện pháp giáo dục cụ thể để trò chơi thực sự
phát huy được tầm quan trọng của nó.
Mặt khác, G.Spencer (1820 - 1903) - nhà triết học, nhà xã hội học và nhà sư
phạm người Anh cho rằng: “Chơi chính là sự giải tỏa năng lượng dư thừa ở trẻ em
giống như những con vật non”. Theo ông, những năng lượng dư thừa ở cơ thể vật
non không được sử dụng trong hoạt động thực nên đã được tiêu khiển qua việc bắt
chước các hành động thực đó bằng trò chơi. Ở trẻ em, trò chơi là sự bắt chước của


bản thân và của người lớn. Spencer còn cho rằng trong trò chơi những bản năng
nghịch ngợm, phá phách của trẻ được đáp ứng qua hình thức tinh thần [15, tr.2].
Học thuyết “Sức dư thừa” của Spencer có những khía cạnh được thừa nhận
nhưng rõ ràng là mâu thuẫn với thực tiễn. Bởi vì tham gia vào trò chơi không chỉ có
những cháu khỏe mạnh mà còn cả những cháu sức khỏe yếu. Hơn thế nữa, chơi
không chỉ tiêu hao sức lực mà còn có tác dụng khôi phục sức khỏe cho trẻ. Qua đó,
ta thấy học thuyết trên chưa đánh giá được hết vai trò của trò chơi đến trẻ.
Trong những năm gần đây nhiều nhà tâm lí học và giáo dục học mầm non

Việt Nam đã có cái nhìn khoa học về trò chơi trẻ em. Nghiên cứu về trò chơi và vai
trò của trò chơi đối với sự phát triển của trẻ nhỏ được một số nhà khoa học trong
nước đề cập đến dưới góc độ nghiên cứu tâm lí học và giáo dục học: PGS.TS
Nguyễn Ánh Tuyết trong tác phẩm "Trò chơi của trẻ em" đã giới thiệu về khái niệm
chơi, đồ chơi và vai trò của đồ chơi, sự phân loại các trò chơi và tác dụng giáo dục
của trò chơi đối với sự phát triển toàn diện của trẻ lứa tuổi mẫu giáo [14].
Các nhà tâm lí và giáo dục cho rằng hoạt động vui chơi là hoạt động đặc
trưng của trẻ em lứa tuổi mầm non. Ngay từ đầu tuổi ấu nhi trò chơi đã có ý nghĩa
lớn trong đời sống của trẻ, đặc biệt là với sự phát triển thể chất của trẻ.
Bên cạnh đó, giáo dục thể chất cho trẻ luôn được đánh giá cao trong nội
dung giáo dục quốc dân Việt Nam. Ghi rõ mục tiêu giáo dục cụ thể của trẻ 5 - 6 tuổi
về thể lực được xác định: “... Trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ngồi, đi, đứng, chạy,
nhảy vững vàng, thoải mái, đúng tư thế, định hướng vận động đúng. Biết giữ gìn vệ
sinh thân thể, vệ sinh ăn uống, vệ sinh trường lớp. Biết sử dụng và giữ gìn một số
đồ dùng sinh hoạt” [2, tr.1]. Vì vậy, khi giáo viên kết hợp giữa giáo dục thể chất và
trò chơi sẽ đem lại được hiệu quả giáo dục giúp trẻ phát triển tốt.
Ngoài ra, còn có một số đề tài nghiên cứu về giáo dục thể chất, về trò chơi
đóng vai theo chủ đề như: Một số biện pháp phát huy tính tích cực của trẻ mẫu giáo
4 - 5 tuổi trong hoạt động chung có mục đích giáo dục thể chất [16]; Một số biện
pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thể chất cho trẻ 5 - 6 tuổi thông qua trò chơi đóng
vai theo chủ đề [17]; nhưng chưa có đề tài nào vận dụng kết hợp hai yếu tố trò chơi
vận động với việc giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi.
1.2. Giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
1.2.1. Khái niệm giáo dục thể chất cho trẻ mầm non


Giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là quá trình tác động nhiều mặt vào cơ
thể trẻ (thông qua việc rèn luyện cơ thể và hình thành, phát triển các kỹ năng, kỹ
xảo vận động), tổ chức cho trẻ vận động và sinh hoạt hợp lí nhằm làm cho cơ thể trẻ
phát triển đều đặn, sức khỏe được tăng cường, tạo cơ sở cho sự phát triển toàn diện

nhân cách [9, tr.8].
1.2.2. Đặc điểm phát triển thể chất của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
Trong 6 năm đầu đời, cơ thể của trẻ phát triển mạnh mẽ tất cả các cơ quan và
hệ cơ quan. Những đặc điểm này là cơ sở cho sự phát triển thể chất và tâm lý các
giai đoạn. Giai đoạn trẻ 5 - 6 tuổi đánh dấu bước đi cho sự phát triển của trẻ sau
này, là giai đoạn có sự tiếp thu tốt nhất, hoàn thiện nhất so với các lứa tuổi trước đó.
Mỗi tháng cân nặng của trẻ trong độ tuổi này tăng từ 100g - 150g, cân nặng
trung bình từ 18kg - 20kg. Tỉ lệ mỡ mỗi tháng tăng từ 1cm - 1,5cm, trung bình trẻ
cao từ 105cm - 115cm. Trẻ 5 - 6 tuổi não bộ đạt khoảng 1300g như người lớn, sự
biệt hóa và tăng trưởng của bộ não đã hoàn thành. Hệ tiêu hóa của trẻ đã hoàn thiện.
Trẻ đã mọc đủ 8 răng hàm, trẻ cũng bắt đầu thay răng [8].
Hệ thần kinh của trẻ: Hệ thần kinh của trẻ 5 - 6 tuổi đã ở mức cao hơn so với
các lứa tuổi trước đó. Sự trưởng thành của các tế bào thần kinh của đại não kết thúc.
Tuy nhiên ở trẻ, quá trình hưng phấn và ức chế chưa cân bằng, sự hưng phấn mạnh
hơn sự ức chế. Do đó, tránh để trẻ thực hiện một khối lượng vận động quá sức hoặc
kéo dài vận động vì như thế sẽ làm trẻ mệt mỏi. Trẻ 5 - 6 tuổi đã có khả năng phân
tích, đánh giá, hình thành kĩ năng, kĩ xảo vận động và phân biệt được các hiện
tượng xung quanh [9, tr.11].
Hệ thần kinh có tác dụng chi phối và điều tiết đối với vận động cơ thể trẻ, vì
vậy hoạt động vận động của cơ thể trẻ có hai tác dụng: thúc đẩy sự phát triển công
năng của tổ chức cơ bắp và thúc đẩy sự phát triển công năng của hệ thần kinh. Vận
động cơ thể trẻ có thể cải thiện tính không cân bằng của quá trình thần kinh ở trẻ.
Hệ hô hấp: Hệ hô hấp được cấu thành bởi đường hô hấp gồm: mũi, miệng,
khí quản, nhánh phế quản và phổi. Đường hô hấp của trẻ 5 - 6 tuổi tương đối hẹp,
niêm mạc đường hô hấp mềm mại, mao mạch phong phú, dễ phát sinh nhiễm cảm.
Khí quản của trẻ 5 - 6 tuổi còn nhỏ nên không khí đưa vào ít, trẻ thở nông nên khả
năng trao đổi không khí của phổi kém. Thở nông làm cho thông khí phổi chưa ổn


định, tạo nên sự ứ đọng không khí ở phổi, do đó nên tiến hành thể dục ở ngoài trời,

nơi không khí thoáng mát [9, tr.16].
Khi vận động, cơ thể trẻ đòi hỏi lượng trao đổi khí tăng lên rõ rệt, điều này thúc
đẩy các tế bào phổi tham gia vào vận động hô hấp tăng lên, nâng cao tính đàn hồi của
thành phổi, cơ hô hấp mạnh dần lên, tăng lượng thông khí và dung tích của phổi.
Bộ máy hô hấp của trẻ 5 - 6 tuổi còn nhỏ, không chịu được những vận động
quá sức kéo dài liên tục, sẽ làm cho các cơ đang vận động bị thiếu ôxi cần thiết.
Ngoài ra, việc thở đúng và sâu của trẻ khi tập luyện cũng rất quan trọng.
Hệ xương: Hệ xương của trẻ 5 - 6 tuổi chưa hoàn thành cốt hóa, thành phần
hóa học xương của trẻ có nhiều nước và chất hữu cơ hơn chất vô cơ so với người
lớn, nên có nhiều sụn xương, xương mềm, dễ bị cong, gãy [9, tr.11].
Vận động cơ thể hợp lí có thể làm cho hình thái cấu trúc xương của trẻ 5 - 6
tuổi có chuyển biển tốt như: thành xương dày lên, đường kính to ra, tăng được công
năng chống đỡ áp lực, chống cong vẹo, chống gãy xương...
Hệ cơ: Hệ cơ của trẻ 5 - 6 tuổi phát triển yếu, tổ chức cơ bắp còn ít, các sợi
cơ nhỏ, mảnh, thành phần nước trong cơ tương đối nhiều, nên sức mạnh cơ bắp còn
yếu, cơ nhanh mệt mỏi. Do đó, trẻ ở lứa tuổi này không thích ứng sự căng thẳng quá
lâu của cơ bắp, cần xen kẽ giữa vận động và nghỉ ngơi thích hợp trong thời gian
luyện tập [9, tr.14].
Khi trẻ được thường xuyên tham gia vào vận động thể lực hợp lí sẽ tăng
cường hiệu quả công năng của các tổ chức cơ bắp, làm cho sức mạnh và sức bền
của cơ bắp phát triển.
Trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ ở trường cũng như ở gia đình, người lớn
cần chú ý tới tư thế thân người của trẻ, không để trẻ đứng cong vẹo, hay gù quá
lâu như thế có thể ảnh hưởng tới tư thế sau này của trẻ khi bước vào phổ thông.
Khớp xương: Khớp xương của trẻ có đặc điểm là ổ khớp còn nông, cơ bắp
xung quanh khớp còn mềm yếu, dây chằng lỏng lẻo, tính vững chắc của khớp tương
đối kém. Hoạt động vận động phù hợp với lứa tuổi trẻ 5 - 6 sẽ giúp khớp được rèn
luyện, từ đó tăng dần tính vững chắc của khớp [9, tr.14].
Để hệ vận động của trẻ thực hiện tốt chức năng vận động của mình, cần phải
thường xuyên cho trẻ luyện tập hợp lí, vừa sức và chú ý đến tư thế thân người đúng

của trẻ trong đời sống hàng ngày.


Hệ tuần hoàn: Hệ tuần hoàn là một hệ thống đường ống khép kín do tim và
mạch máu cấu tạo thành, còn gọi là hệ tim mạch. Sức co bóp ở tim trẻ 5 - 6 tuổi còn
yếu, mỗi lần co bóp chỉ được một lượng máu rất ít, nhưng mạch đập nhanh hơn ở
người lớn. Điều hòa thần kinh ở tim trẻ 5 - 6 tuổi chưa hoàn thiện, nên nhịp co bóp của
tim dễ mất ổn định, cơ tim dễ hưng phấn và nhanh chóng mệt mỏi khi tham gia vận
động kéo dài. Nhưng khi thay đổi hoạt động tim trẻ lại nhanh hồi phục [9, tr.15].
Các mạch máu của trẻ rộng hơn so với người lớn, do đó áp lực của máu yếu.
Cần củng cố các cơ tim cũng như các thành mạch, làm cho nhịp điệu co bóp của tim
tốt hơn và phát triển khả năng thích ứng với sự thay đổi lượng vận động đột ngột.
Để tăng cường công năng của tim, khi cho trẻ luyện tập, nên đa dạng hóa các
bài tập, nâng dần năng lượng vận động cũng như cường độ vận động, phối hợp
động và tĩnh một cách nhịp nhàng.
Hệ trao đổi chất: Cơ thể trẻ 5 - 6 tuổi đang phát triển, đòi hỏi bổ sung liên
tục năng lượng tiêu hao và cung cấp các chất tạo hình để kiến tạo các cơ quan và
mô. Quá trình hấp thụ các chất ở trẻ cao hơn quá trình phân hủy và đốt cháy. Ở trẻ
năng lượng tiêu hao cho sự lớn lên và dự trữ chất nhiều hơn là cho hoạt động cơ
bắp. Do vậy, khi trẻ vận động quá mức, ngay cả khi dinh dưỡng đủ, thường dẫn đến
sự tiêu hao năng lượng dự trữ trong cơ bắp và đọng lại những sản phẩm độc hại ở
các cơ quan trong quá trình trao đổi chất. Điều này gây cảm giác mệt mỏi cho trẻ và
ảnh hưởng không tốt đến công năng hoạt động của cơ bắp và hệ thần kinh, làm
giảm độ nhạy giữa hệ thần kinh trung ương và những dây thần kinh điều khiển sự
hoạt động cơ bắp. Sự mệt mỏi của các nhóm cơ riêng lẻ xuất hiện nếu kéo dài hoạt
động liên tục của nhóm cơ. Do đó, cần thường xuyên thay đổi vận động của các
nhóm cơ, chọn hình thức vận động phù hợp với trẻ [9, tr.17].
Tóm lại, các hệ cơ quan của cơ thể mặc dù đảm nhận những nhiệm vụ và
chức năng khác nhau, nhưng chúng có ảnh hưởng lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ với
nhau thành một thể thống nhất.

Cơ thể vận động dưới sự chi phối và điều tiết của hệ thần kinh, dựa vào sự
hợp tác chung của cơ bắp, của khớp, dây chằng để thực hiện. Song hoạt động cơ
bắp đòi hỏi được cung cấp năng lượng dựa vào sự hấp thụ đầy đủ các chất dinh
dưỡng của hệ tiêu hóa.


Vận động cơ bắp không thể tách rời ôxi, dựa vào hệ hô hấp. Nhưng sự vận
chuyển chất dinh dưỡng, ôxi và các chất phế thải khác lại cần có sự làm việc của hệ
tuần hoàn.
Vận động cơ thể đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể, đồng
thời vận động cơ thể có tác dụng rèn luyện và thúc đẩy toàn bộ cơ thể.
Việc thực hiện chế độ vận động hợp lí cho cơ thể trẻ sẽ giúp quá trình phát
triển của cơ thể trẻ tốt hơn, nếu ngược lại sẽ có hại cho sức khỏe trẻ.
Đặc điểm phát triển vận động trẻ 5 - 6 tuổi cũng có nhiều thay đổi:
Dựa trên cơ sở sinh lí học, vận động là sự chuyển động của cơ thể con người,
trong đó có sự tham gia của hệ cơ, hệ xương và sự điều khiển của hệ thần kinh.
Đặc điểm của thời kì từ lúc trẻ sinh ra đến 6 tuổi là sự hoạt động vận động
tích cực của trẻ.
Nếu trẻ không vận động, vung vẩy chân tay thì cơ, gân, khớp sẽ kém phát
triển và khó phối hợp động tác. Hơn nữa, trẻ em ít hoạt động thì quá trình trao đổi
chất chậm lại, dạ dày và ruột làm việc yếu hơn, tim và phổi kém phát triển.
Vận động là một trong những điều kiện cơ bản để trẻ nhận thức thế giới xung
quanh. Trẻ càng nắm được nhiều động tác và hành vi phong phú thì sự tiếp xúc của
trẻ với thế giới xung quanh càng rộng hơn.
Trong nửa năm đầu của trẻ 5 tuổi so với trẻ 4 tuổi thì khoảng cách chất lượng
thực hiện các bài tập vận động của trẻ có sự chênh lệch nhưng không đáng kể.
Nhưng đến nửa năm cuối, ở trẻ 5 tuổi có nhiều dấu hiệu gần giống như trẻ 6 tuổi, hệ
thần kinh có những thay đổi lớn. Trẻ trở nên cứng cáp hơn, biết tự lực, rất hiếu
động, các vận động của trẻ dần dần đi đến hoàn thiện. Vì vậy sự vận động của trẻ
phải được người lớn theo dõi, kiểm tra.

Các quá trình tâm lí của trẻ ở lứa tuổi này hoàn thiện hơn. Khả năng chú ý
của trẻ tăng, trẻ hiểu được nhiệm vụ của mình, trẻ có thể khái quát một số hiện
tượng và nhanh nhẹn thấy những yêu cầu chính trong khi thực hiện những động tác,
vận động quen thuộc bằng nhiều cách, trong một thời gian dài hơn, với lượng vận
động lớn hơn. Các vận động của trẻ đã đạt mức độ chính xác, nhịp nhàng, nhịp điệu
ổn định, biết phối hợp vận động của mình với các bạn. Trẻ có khả năng quan sát các
hình ảnh động tác mẫu của giáo viên, ghi nhớ để thực hiện lại. Do đó, phải tăng dần
yêu cầu đối với trẻ để giúp trẻ hoàn thiện vận động, sử dụng nhiều phương pháp dạy


học khác nhau để giúp trẻ thực hiện động tác một cách có ý thức và đạt kết quả tốt
hơn, thường xuyên theo dõi kiểm tra sự vận động của trẻ. Nếu để trẻ thực hiện vận
động sai nhiều lần sẽ rất khó sửa. Một số vận động của trẻ gồm:
Vận động đi, chạy và phát triển cảm giác thăng bằng: Vận động đi của trẻ ở
lứa tuổi này đã ổn định, biết phối hợp chân tay nhịp nhàng.
Trẻ đã có phản xạ nhanh đối với hiệu lệnh xuất phát của vận động chạy,
bước chân chạy gần giống người lớn chạy đúng hướng. Nhịp điệu các bước chân
của trẻ ổn định, kết hợp chân tay tốt. Từ lứa tuổi này ta thấy sự khác nhau giữa trẻ
trai và trẻ gái trong thành tích chạy.
Trẻ thích đi thăng bằng trên ghế, đi nhanh, giữ được thăng bằng toàn thân
nhưng đầu còn cúi [9, tr.25].
Vận động nhảy: Trẻ 5 tuổi đã biết phối hợp vận động khi nhảy, tay đã biết
góp phần vào việc thúc đẩy lực nhảy. Khi hạ xuống mặt đất nhẹ nhàng hơn và biết
co đầu gối để giảm xóc, nhưng vẫn đặt cả bàn chân xuống sàn, chưa biết chuyển từ
mũi bàn chân đến gót chân [9, tr.26].
Vận động ném, chuyền, bắt: Trẻ đã xác định được định hướng ném đúng,
biết dùng động tác ngắm để ném trúng đích, nhưng việc xác định khoảng cách còn
rất yếu nên bóng thường rơi quanh đích. Khi ném xa trẻ biết phối hợp lực đẩy của
tay và thân, hướng ném thẳng [9, tr.26].
Các vận động bắt, chuyền tiếp tục được hoàn thiện.

Vận động bò, trườn, trèo: Trẻ đã định hướng vận động chính xác, phối hợp
chân tay, thân mình linh hoạt, tránh chướng ngại vật thật khéo léo. Tốc độ trườn,
trèo nhanh hơn [9, tr.26].
1.2.3. Ý nghĩa của giáo dục thể chất đối với trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
Giáo dục thể chất với trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi có ý nghĩa vô cùng quan trọng
đến sự phát triển toàn diện của trẻ và trang bị kiến thức tốt nhất cho trẻ bước vào
trường phổ thông. Giáo dục thể chất là cơ sở giúp trẻ được rèn luyện cơ thể, hình
thành những thói quen vận động cần thiết cho trẻ, cụ thể là: Bảo vệ tính mạng, góp
phần củng cố, tăng cường sức khỏe, phát triển cân đối hài hòa về hình thái và chức
năng cơ thể của trẻ. Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi hiểu lời nói tốt hơn các lứa tuổi trước
đó, vì vậy những kiến thức trẻ được giáo viên cung cấp thường sâu và rộng hơn về
chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, phòng bệnh, phòng tránh tai nạn cho bản thân,


các cách vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường... Cụ thể: Về chế độ dinh dưỡng: Trẻ
biết được các thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng, cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng
để có cơ thể khỏe mạnh, ăn đủ các bữa, ăn hết suất... Về chế độ sinh hoạt, gồm: Vệ
sinh thân thể: Trẻ có thói quen rửa ráy, giữ gìn sạch sẽ mặt mũi, chân tay..; Vệ sinh
ăn uống: Trẻ có thói quen rửa tay, chân trước khi ăn, ăn không rơi vãi, sạch sẽ..; Vệ
sinh môi trường: Trẻ biết giữ gìn môi trường xung quanh, không vứt rác, làm bẩn...
Các dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh dịch, phòng tránh tai nạn cho trẻ.
Đặc biệt, giáo dục thể chất còn giúp trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi phát triển các tố
chất vận động nhanh, mạnh, khéo, bền; phát triển khả năng định hướng trong không
gian, rèn luyện tư thế vận động cơ bản. Thông qua nhiều hình thức giáo dục như:
trò chơi vận động, tiết học thể dục, thể dục sáng, dạo chơi... với nội dung giáo dục
phong phú, cụ thể đem lại hiệu giáo dục thể chất cho trẻ.
Giáo dục thể chất còn rèn luyện tính trung thực, tính tổ chức, kỉ luật, tinh
thần tập thể, lòng dũng cảm, tự tin và khả năng tự quản, tự lập cho trẻ. Giáo dục thể
chất tốt cho trẻ mầm non đặc biệt là trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi là tiền đề cho sự nghiệp
giáo dục con người Việt Nam khỏe mạnh, hoàn thiện cơ thể để phát triển toàn diện

trong các lĩnh vực xã hội.
Giáo dục thể chất còn có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng đến các mặt giáo
dục khác như giáo dục trí tuệ, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục đạo đức, giáo dục lao
động... Đối với giáo dục trí tuệ, việc giáo dục thể chất tốt tạo sự thuận lợi cho trẻ tiếp
thu và tìm hiểu tri thức. Trẻ khỏe mạnh, các cơ quan của cơ thể phát triển là điều kiện
để tham gia vào bài học; các hoạt động nhằm chiếm lĩnh tri thức; có thể chất tốt giúp
trẻ có hứng thú tìm hiểu tri thức. Giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi một
cách khoa học sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của hệ thần kinh,
giúp cho các quá trình tâm lý như cảm giác, tri giác, trí nhớ, tư duy phát triển. Đặc
biệt là bước đầu hình thành ở trẻ một số thao tác tư duy như quan sát, phân tích, so
sánh, tổng hợp, khái quát. Ngoài ra, khi giáo dục thể chất cho trẻ còn củng cố ở trẻ
những kiến thức về sự vật, hiện tượng xung quanh như tư thế của động vật, côn trùng,
những hiện tượng thiên nhiên và xã hội. Đây là nguồn tri thức thiết thực với trẻ 5 - 6
tuổi khi làm quen với các môn học riêng biệt ở trường phổ thông.


Mặt khác, trong quá trình luyện tập vận động giáo viên sử dụng hệ thống
phương pháp dạy học khác nhau, tác động đến quá trình nhận thức của trẻ, yêu cầu
phải tư duy tích cực để ghi nhớ và nhớ lại cách thức thực hiện bài tập.
Đối với giáo dục thẩm mĩ cũng có mối quan hệ rất chặt chẽ, có khỏe mạnh,
linh hoạt và khéo léo thì mới có hứng thú tìm hiểu cái đẹp, tiếp thu và sáng tạo ra
cái đẹp, đồng thời qua đó trẻ biết giữ gìn và yêu quý cái đẹp xung quanh mình.
Trong quá trình thực hiện bài tập thể chất, các động tác được thực hiện một cách
khéo léo, nhịp nhàng sẽ tác động đến nhận thức của trẻ về vẻ đẹp của thân thể con
người khi vận động, khả năng đánh giá cái đẹp của động tác về các tư thế: đi, đứng,
chạy, nhảy... Ngoài ra, màu sắc của dụng cụ thể dục cũng tác động đến việc hình
thành ở trẻ óc thẩm mĩ.
Những động tác làm mẫu của giáo viên phải đẹp và chính xác giúp trẻ nhận
thức đúng đắn về cái đẹp. Chính các bài tập thể dục thể thao cũng chứa đựng nhiều
yếu tố nghệ thuật như tập với dụng cụ, tập theo nhạc... Điều này không những hình

thành ở trẻ nhận thức về cái đẹp mà còn giúp trẻ phát triển khả năng cảm thụ âm
nhạc, nhịp điệu....
Đối với giáo dục đạo đức, việc giáo dục thể chất tốt là con đường để giáo
dục đạo đức cho trẻ. Trong các giờ học thể dục, trò chơi vận động hoặc thể dục buổi
sáng, giáo viên nhận xét, đánh giá hành vi đạo đức của trẻ. Điều này tạo cho trẻ
những hiểu biết nhất định về đạo đức. Mặt định khác, trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi thường
phải vận động trong tập thể, phải tuân theo những quy tắc nhất định, biết điều khiển
hành vi của mình trong quá trình thực hiện bài tập, do đó có thể phát triển ở trẻ một
số thói quen, phẩm chất đạo đức như có thiện ý, hứng thú đối với hoạt động tập thể,
lòng mong muốn giúp đỡ lẫn nhau, tính thẳng thắn, khiêm tốn, tính trung thực, công
bằng và tính tổ chức kỷ luật...
Ngoài ra, giáo dục thể chất có mối liên hệ chặt chẽ đến giáo dục lao động, thể
dục tốt giúp trẻ có sức khỏe dẻo dai, có các thao tác vận động chính xác, có cảm giác
tốt về nhịp điệu và định hướng không gian và một số khả năng khác có ảnh hưởng
trực tiếp đến việc nắm vững các thao tác gúp trẻ em thực hiện được các nhiệm vụ
được người lớn giao phó. Cụ thể, trong các giờ luyện tập, trẻ có thể tham gia chuẩn bị
và thu dọn dụng cụ thể dục. Thông qua các trò chơi vận động có chủ đề trẻ sẽ hiểu
được tính chất của các nghề nghiệp và các thao tác lao động của người lớn.


Mặt khác, giáo dục thể chất tốt cho trẻ còn giúp tiết kiệm ngân sách cho quốc
gia và gia đình. Nguồn ngân sách của nhà nước về xây dựng các cơ sở giáo dục trẻ
đặc biệt, trẻ khuyết tật... được giảm thiếu đáng kể; hạn chế chi phí đào tạo giáo viên
giảng dạy trẻ đặc biệt; các chính sách hỗ trợ những người khuyết tật, di tật hay vận
động khó khăn.
1.2.4. Nguyên tắc giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
1.2.4.1. Nguyên tắc hệ thống
Tính hệ thống được thể hiện ở sự thường xuyên, liên tục với sự luân phiên hợp
lí giữa vận động và nghỉ ngơi; thứ tự hợp lí của các buổi tập và mối liên quan các mặt
khác nhau của nội dung bài tập trong suốt cả thời kì của trẻ lứa tuổi mầm non.

- Tính thường xuyên, lặp lại, biến đổi của các buổi tập với sự luân phiên hợp
lí giữa vận động và nghỉ ngơi:
+ Tính thường xuyên: Các buổi tập thường xuyên mang lại hiệu quả lớn hơn
so với các buổi tập thất thường hoặc gián đoạn. Những biến đổi về chức năng và
cấu trúc đã xảy ra và tạo nên trong cơ thể con người trong thời gian luyện tập, kết
quả đó có thể phát triển theo hướng ngược lại nếu ngừng luyện tập, dù chỉ trong
một thời gian tương đối ngắn. Nguyên nhân là những mối liên hệ phản xạ có điều
kiện vừa xuất hiện đã bị tắt, mức độ phát triển các khả năng vừa đạt được đã bị
giảm và kể cả một số chỉ số về cơ cấu thể hình cũng bị giảm đi. Sự luân phiên của
các buổi tập và nghỉ ngơi phụ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể, vào trình độ chuẩn bị của
trẻ em, đặc điểm lứa tuổi, chế độ sinh hoạt và các điều kiện khác.
+ Yếu tố lặp lại: Trong quá trình giáo dục thể chất, yếu tố lặp lại được biểu
hiện rõ nét hơn so với các quá trình giáo dục khác. Lặp lại không chỉ đối với các bài
tập riêng lẻ, mà cả thứ tự của bài tập đó trong các buổi tập, không những thế còn
phải lặp lại cả tuần tự của chính buổi tập trong các chu kì tuần, tháng và các chu kì
khác. Lặp lại cần thiết đối với việc tạo nên những biến đổi thích nghi lâu dài về mặt
chức năng và cấu trúc, để trên cơ sở đó phát triển các tố chất thể lực, củng cố và tạo
tiền đề cho sự tiến bộ tiếp theo.
+ Tính biến đổi: Là sự thay đổi các hình thức của bài tập thể chất và các điều
kiện thực hiện chúng. Sự biến đổi hoặc biến dạng linh hoạt về lượng vận động và sự
đa dạng của các phương pháp vận dụng chúng, sự thay đổi hình thức và nội dụng
các buổi tập. Đối với trẻ em lứa tuổi mầm non, tính biến đổi trong việc luyện tập là


đưa những kích thích mới như thay đổi hình dạng của động tác, điều kiện thực hiện
chúng, lượng vận động và phương pháp tập trong việc rèn luyện. Mặt khác, không
được thay đổi quá đột ngột nếu không có thể những kích thích mới sẽ dẫn đến việc
phá vỡ mục đích ban đầu.
+ Sự luân phiên hợp lí giữa vận động và nghỉ ngơi: Khi vận động, cơ thể tiêu
hao năng lượng, khả năng làm việc giảm nên cần nghỉ ngơi nhằm hồi phục sức

khỏe. Vận động quá nhiều sẽ gây nên trạng thái bất ổn định, căng thẳng cho thần
kinh. Cho nên để đạt được hiệu quả cao cho quá trình giáo dục thể chất thì các
quãng nghỉ ngơi thích hợp là điều kiện cần thiết.
- Thứ tự và mối liên hệ qua lại giữa các buổi tập.
Trong mỗi giai đoạn giáo dục thể chất cụ thể, thứ tự nội dung tập luyện phụ
thuộc vào điều kiện cụ thể, nhưng quan trọng hơn cả là phụ thuộc vào những mối
liên hệ tồn tại khách quan giữa các bài tập vận động đã đề ra để luyện tập, vào tính
kế thừa và tác động lẫn nhau của chúng.
1.2.4.2. Nguyên tắc tự giác và tích cực
- Nguyên tắc tích cực thể hiện: Trong các hình thức luyện tập thể chất cho trẻ
ở trường mầm non, phải dành số lượng thời gian đủ để trẻ thực hiện bài các tập vận
động, tiếp thu kĩ thuật bài tập vận động. Cách thức tổ chức của giáo viên trong các
hoạt động vận động của trẻ là làm sao để tất cả trẻ đều được thực hiện vận động một
cách tích cực.
- Nguyên tắc tự giác liên quan chặt chẽ đến nguyên tắc tích cực. Nếu trẻ tự
giác tham gia tập thể dục thì trẻ mới tích cực trong tập luyện. Nếu trẻ không tự giác
luyện tập, mà người lớn bắt trẻ, gò ép trẻ vào việc thực hiện bài tập nào đó thì
không bao giờ trẻ thể hiện tính tích cực khi thực hiện bài tập. Vì vậy, cần phải động
viên trẻ tự giác luyện bài tập vận động, từ đó sẽ tạo điều kiện cho trẻ tích cực trong
luyện tập.
1.2.4.3. Nguyên tắc trực quan
- Tính trực quan là tiền đề cần thiết để tiếp thu động tác: Để có cảm giác thực
sự về động tác thì phải thực hiện nó, nhưng không thể thực hiện đúng động tác nếu
chưa có biểu tượng sơ bộ về động tác. Vì vậy, có thể giải quyết mâu thuẫn này bằng
con đường sử dụng tổng hợp các hình thức trực quan khác nhau, đặc biệt là việc làm
mẫu động tác, dùng các giáo cụ trực quan, dùng lời nói có hình ảnh, với luyện tập


bằng ý chí - tư duy và bằng các hành động bắt chước, dẫn dắt khác để làm tái hiện
các mặt riêng lẻ của động tác cần tập nhằm khắc sâu biểu tượng về vận động.

- Tính trực quan là điều kiện không thể thiếu của việc hoàn thiện vận động:
quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện kĩ năng, kĩ xảo vận động. Không thể
có được sự hoàn thiện kĩ năng vận động, sự phát triển năng lực thể chất mà không
dựa vào cảm giác, tri giác, biểu tượng trực quan lành mạnh.
- Mối quan hệ tương hỗ giữa tính trực quan trực tiếp và gián tiếp: Trong quá
trình giảng dạy, giáo viên cần vận dụng phối hợp cả hai loại trực quan trực tiếp và
gián tiếp. Thực hiện nguyên tắc trực quan phù hợp có tác dụng giúp trẻ tạo được
nhận thức đúng về cấu trúc, hướng chuyển động, yêu cầu của từng bộ phận cơ thể,
thấy được chỗ đúng, sai, có thể tự sửa chữa khi thực hành.
1.2.4.4. Nguyên tắc vừa sức và giáo dục cá biệt
- Giáo viên cần nghiên cứu, tính toán trước các mối quan hệ qua lại giữa mức
độ sức khỏe của trẻ với các điều kiện biến đổi và khó khăn sẽ gặp phải để lựa chon
nội dung, cách thức dạy hợp lí đảm bảo tính vừa sức. Để giải quyết mức độ vừa sức,
cần phải hiểu đầy đủ cơ năng của cơ thể trong các thời kì phát triển khác nhau của
các lứa tuổi, cũng như đặc điểm riêng của từng trẻ và những điều kiện bên ngoài
khác nhau; biết sử dụng đúng đắn các phương tiện, phương pháp giáo dục thể chất
khác nhau sao cho phù hợp với khả năng của từng trẻ.
- Khả năng, sức khỏe, sự phát triển thể lực của trẻ cùng lứa tuổi rất khác
nhau. Do đó, quá trình nắm bắt các bài tập vận động của từng trẻ cũng khác nhau.
Vì vậy, đòi hỏi nhà giáo dục phải có phương pháp giáo dục cá biệt đối với trẻ trong
quá trình giáo dục thể chất.
1.2.4.5. Nguyên tắc phát triển
Cốt lõi của nguyên tắc này là trong quá trình dạy trẻ các bài tập vận động,
phải củng cố rèn luyện, tăng dần những yêu cầu, những nhiệm vụ mới, đòi hỏi khối
lượng và chất lượng nhiều hơn. Vì vậy, giáo viên phải tổ chức hướng dẫn trẻ từng
bước nâng cao yêu cầu kĩ thuật, thể lực và kiến thức cùng với việc củng cố những
kiến thức, kĩ năng động tác đã học.
Để đảm bảo sự tăng dần khả năng làm việc của cơ thể trẻ, cần phải tăng dần
khối lượng vận động và sức chịu đựng của trẻ theo một hệ thống.
1.2.4.6. Nguyên tắc đảm bảo an toàn trong luyện tập



Giáo viên cần thường xuyên kiểm tra, tổ chức sắp xếp bài giảng hợp lí, sao
cho phù hợp với nội dung và yêu cầu kĩ thuật, kiến thức đề ra, cách bố trí, sắp xếp
sân bãi, dụng cụ, mũ bảo hiểm.
Giáo viên phải đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình luyện tập, tránh các
tình huống xấu nhất làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
1.2.5. Nhiệm vụ giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
1.2.5.1. Nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tăng cường sức khỏe, đảm bảo sự phát triển
hài hòa của trẻ
Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi đã có nhận thức về các hành vi tự chăm sóc bản thân
tuy nhiên những nhận thức đó chưa hoàn thiện và chưa đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Những kiến thức trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi cần phải học rộng hơn nhiều so với các lứa
tuổi khác và áp lực trong học tập rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất cho các
nhà giáo dục đó là: Nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tăng cường sức khỏe, đảm bảo
sự phát triển hài hòa của trẻ bao gồm các công việc: chăm sóc, nuôi dưỡng và rèn
luyện một cách khoa học. Cụ thể là:
Chăm sóc trẻ khi ăn, ngủ, chơi và học; đảm bảo việc thực hiện chế độ sinh
hoạt đúng giờ giấc cho trẻ, cho trẻ ăn đủ chất, đủ lượng; tích cực phòng bệnh,
phòng tai nạn, làm tốt công tác vệ sinh thân thể trẻ, vệ sinh môi trường xung quanh,
không để trẻ mệt mỏi vì quá sức hoặc thần kinh căng thẳng. Tổ chức rèn luyện cơ
thể trẻ bằng các hình thức trong tiết học thể dục, trò chơi vận động, dạo chơi, tham
quan... nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển cân đối hình dạng và các chức năng
của cơ thể tăng cường khả năng thích ứng của trẻ với môi trường chuẩn bị bước vào
trường phổ thông [1, tr.131].
1.2.5.2. Nhiệm vụ rèn luyện các kĩ năng, kĩ xảo vận động cơ bản và những phẩm
chất vận động
Ở lứa tuổi mẫu giáo 5 - 6 tuổi các kĩ năng, kĩ xảo vận động của trẻ đang phát
triển nhưng chưa hoàn thiện và chính xác. Hình thành và rèn luyện những kĩ năng,
kĩ xảo vận động, thói quen vệ sinh cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi, trang bị cho trẻ kiến

thức sơ đẳng về giáo dục thể chất là việc rất quan trọng. Các kĩ năng và kĩ xảo của
trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi chính xác giúp rèn luyện vận động; là điều kiện để thực hiện
những vận động phức tạp hơn khi chuyển sang môi trường giáo dục khác.


Cùng với việc hình thành kĩ năng vận động ở trẻ, cần rèn luyện các phẩm
chất vận động nhanh nhẹn, khéo léo, mạnh mẽ, bền bỉ, gọn gàng... không có những
động tác thừa như thè lưỡi, mím miệng...Với mục đích phát triển sức mạnh, nhanh
nhẹn, khéo léo thì phải tăng độ xa, độ cao của vận động nhảy, tập ném xa.
Những phẩm chất vận động được phát triển ở trẻ sẽ giúp chúng giảm tiêu hao
sức lực khi vận động và có thể luyện tập trong thời gian lâu hơn. Nếu không phát
triển các phẩm chất vận động thì trẻ sẽ không thể thực hiện được những bài tập đơn
giản, không hoàn thiện những hình thức khác nhau của vận động 1, tr.132].
1.2.5.3. Nhiệm vụ giáo dục nếp sống có giờ giấc, có thói quen và các kĩ năng, kĩ
xảo vệ sinh
Trường mầm non đặc biệt với trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi lứa tuổi chuyển bị bước
vào giai đoạn giáo dục tại trường phổ thông nên việc giáo dục nếp sống có giờ giấc,
các thói quen và các kĩ năng, kĩ xảo vệ sinh là nhiệm vụ rất quan trọng đối với trẻ
mẫu giáo 5 - 6 tuổi.
Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi được rèn thói quen ăn, ngủ, thức đúng giờ và dễ dàng
thích nghi khi chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác. Những thói quen này
không những khiến trẻ ăn ngon, ngủ say, hoạt động thoải mái, ảnh hưởng tốt đến sức
khỏe của trẻ mà còn rất cần thiết cho thời khóa biểu học tập khi vào trường tiểu học.
Về giáo dục kĩ năng, kĩ xảo vệ sinh có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ sức
khỏe và tăng cường thể lực. Có nhiều kĩ năng, kĩ xảo vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn
uống, vệ sinh quần áo và vệ sinh môi trường... có thể hình thành ở trẻ và từng bước
tạo thành thói quen cho trẻ [1, tr.132].
1.2.6. Các con đường giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
Các con đường giáo dục thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi bao gồm: tiết học
thể dục, thể dục sáng, thể dục chống mệt mỏi, dạo chơi, tham quan, hội thi thể dục

thể thao, tổ chức giáo dục thể chất trong thời gian tự hoạt động của trẻ, tổ chức chế
độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ như ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân... và trò chơi vận động.
Tiết học thể dục cung cấp và rèn luyện cho trẻ những kĩ năng, kĩ xảo vận
động có mục đích, có tổ chức và có kế hoạch. Đồng thời, qua tiết học giáo dục trẻ
những tình cảm tốt đẹp với thể dục.


Thể dục sáng là một biện pháp tốt để rèn luyện cơ thể, tăng cường thể chất
cho trẻ, có thể giúp cho cơ thể bước vào trạng thái làm việc tốt hơn, xây dựng thói
quen tích cực rèn luyện thân thể cho trẻ.
Thể dục sáng được tiến hành ngay sau giờ đón trả trẻ tạo cho trẻ tâm trạng
sảng khoái, vui tươi đón ngày mới.
Thể dục chống mệt mỏi hay còn gọi là phút thể dục, có tác dụng thay đổi
trạng thái hoạt động của trẻ nhằm chống lại sự mệt mỏi, giúp trẻ dễ tập trung chú ý
vào các hoạt động tiếp theo.
Thể dục chống mệt mỏi bao gồm thể dục giữa giờ và thể dục sau giấc ngủ
trưa. Thể dục giữa giờ làm thay đổi tư thế của trẻ, kích thích mọi bộ phận trong cơ
thể trẻ do ngồi lâu, cơ bắp ở trạng thái tĩnh. Thể dục sau giấc ngủ trưa có tác dụng
làm hồi phục quá trình và trạng thái tâm lý của trẻ.
Trò chơi vận động là một trong những con đường đem lại hiệu quả giáo dục
thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6. Giáo dục thể chất thông qua trò chơi vận động
không mang tính khô cứng như qua tiết học thể dục, thể dục sáng... mà rất thu hút
được trẻ mầm non và giúp trẻ tích cực tham gia vào trò chơi.
Trong quá trình chơi trẻ được luyện tập các vận động cơ bản, bò, chạy, nhảy,
ném, bắt... một cách tích cực, thoải mái, vui vẻ. Qua trò chơi này những phẩm chất
thể lực được hình thành: sự nhanh nhẹn, linh hoạt, dẻo dai, mạnh dạn. Sự vận động
tích cực trong trò chơi vận động giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể trẻ được
tăng cường, sự tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa... hoạt động tích cực hơn, hoạt động của
hệ thần kinh được linh hoạt, bền bỉ hơn, cơ xương, cơ bắp được phát triển mạnh mẽ.
Trò chơi vận động được sử dụng trong nhiều hoạt động: các tiết học thể dục,

trong khi chơi và hoạt động ngoài trời, cụ thể là các thời điểm như: đón trẻ, đi dạo,
giờ chơi, hoạt động ngoài trời, hoạt động học, hoạt động chiều và trả trẻ.
Dạo chơi giúp trẻ nghỉ ngơi tích cực, củng cố kĩ năng vận động, phát triển
các tố chất vận động trong điều kiện tự nhiên. Dạo chơi được tiến hành sau các tiết
học buổi sáng. Có hai hình thức dạo chơi: dạo chơi hằng ngày kết hợp với các hoạt
động khác, mang tính chất tổng hợp và dạo chơi có mục đích rèn luyện thể chất ở
ngoài trường học.


Tham quan có tác dụng giúp trẻ trực tiếp nhìn thấy những con vật - nhân vật
mà trẻ bắt chước khi chơi trò chơi vận động hoặc những động tác thể dục và sự
luyện tập của các vận động viên, những dụng cụ thể dục thể thao.
Hội thể dục thể thao được tổ chức ở trường mầm non nhằm khuyến khích
phong trào thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể trẻ, kích thích lòng yêu thể dục thể
thao, góp phần củng cố và hoàn thiện kĩ năng vận động ở trẻ.
Tổ chức giáo dục thể chất trong thời gian tự hoạt động của trẻ hoạt động vận
động tự lực của trẻ hàng ngày có ý nghĩa rất quan trọng, nó thỏa mãn nhu cầu vận
động của trẻ. Trẻ có thể luyện tập những bài tập, trò chơi mà trẻ thích. Trẻ có thể
chơi với các dụng cụ thể thao như cầu trượt, xích đu... Trẻ có thể chơi một mình
hoặc chơi theo nhóm nhỏ tùy theo sở thích của trẻ.
Tổ chức chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ như ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân...
giúp trẻ củng cố và rèn luyện vận động, những kĩ năng, thao tác mà trẻ đã có. Qua
đó, các kĩ năng, thao tác được hoàn thiện hơn và linh hoạt hơn khi trẻ tự phục phụ
bản thân như: xúc cơm, lấy chăn, lấy gối, rủa mặt, đánh răng, xúc miệng hay việc đi
lại, đứng lên ngồi xuống... cũng củng cố những thao tác mà trẻ đã được học.
1.3. Trò chơi vận động cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
1.3.1. Khái niệm trò chơi vận động
Trò chơi vận động thuộc loại trò chơi có luật. Trò chơi vận động là sự phối
hợp giữa các thao tác vận động và một số vận động cơ bản. Trò chơi vận động là trò
chơi trong đó lượng vận động chiếm ưu thế. Trò chơi vận động dành cho trẻ em

thường là những trò chơi chủ đề. Những chủ đề của trò chơi thường được phản ánh
về các hiện tượng tự nhiên, xã hội, các hành động của con vật. Do dó, trò chơi vận
động mang tính hiện thực [9, tr.73].
1.3.2. Đặc điểm của trò chơi vận động
Cũng như trò chơi học tập, trò chơi vận động là một loại trò chơi có luật. Trò
chơi vận động là phương tiện để giáo dục thể lực cho trẻ, rèn luyện và hoàn thiện
các vận động của chúng như chạy, nhảy, bò, ném, bắt... Các vận động này tác động
đến sự phát triển cơ bắp và các phẩm chất thể lực của trẻ.
Khác với một giờ luyện tập các vận động, trò chơi vận động giúp trẻ giải
quyết các nhiệm vụ vận động như một nhiệm vụ thực hành dưới dạng trò chơi.
Chính vì vậy trẻ vận động một cách tích cực, vui vẻ và thoải mái.


Mỗi trò chơi vận động bao gồm: nội dung chơi, hành động chơi và luật chơi.
Nội dung chơi là nhiệm vụ vận động mà trẻ phải thực hiện. Nội dung chơi là
vận động cơ bản phù hợp với lứa tuổi và thường được thể hiện dưới dạng vận động
một con vật mà trẻ biết: con gà, con chim, con ếch, con chuột, con mèo... hoặc
những phương tiện đồ dùng xã hội: đoàn tàu, xe ô tô, tàu thủy, máy bay... Nội dung
vận động được hình tượng hóa như vậy sẽ lôi cuốn sự hứng thú tích cực của trẻ và
trẻ tiếp nhận dễ dàng hơn.
Hành động chơi là hệ thống những động tác (thao tác) vận động mà trẻ phải
thực hiện trong quá trình chơi. Hệ thống những động tác (thao tác) vận động thường
có lời ca, tiếng hát có vần có nhịp đi kèm. Trẻ vừa hát vừa chạy nhảy vừa bò.
Luật chơi là những quy định, quy ước mà trẻ phải tuân theo khi chơi. Luật
chơi của trẻ ở đây không gò trẻ vào một khuôn mẫu cứng nhắc mà nó trở thành
động cơ thúc đẩy trẻ vận động tích cực. Ví dụ: Trong trò chơi: “Quạ và gà con” nếu
gà con không chạy nhanh về phía mẹ thì sẽ bị quạ ăn thịt. Hay trò chơi “Chó sói xấu
tính” nếu ai bị bắt sẽ bị làm sói.
Trong trò chơi vận động yếu tố “thắng thua” kích thích tính vận động của trẻ.
Nói đúng hơn là kết quả chơi là động lực thúc đẩy trẻ tích cực vận động. Kết quả

cuối cùng là dù có thắng hay thua mọi trẻ đều vui vẻ, thoải mái, không hề buồn bã.
Quan sát một nhóm trẻ chơi trò chơi “Chó sói xấu tính”, ta thấy ngay những chú thỏ
bị bắt và phải làm sói cho lần chơi tiếp theo nhưng không hề buồn bã mà tỏ ra khoái
chí, vui cười thoải mái.
Hầu hết các trò chơi vận động áp dụng cho lứa tuổi mẫu giáo là những trò
chơi mang tính “chủ đề” phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi, phù hợp với khả
năng tư duy, tưởng tượng của trẻ. Những chủ đề thường lấy từ cuộc sống xung
quanh vì thế nên những trò chơi này mang tính hiện thực rất cao. Nhưng trong giáo
dục thể chất còn có những chủ đề sáng tạo, khi tham gia chơi các cháu phải tập
trung chú ý, phân tích và tổng hợp những điều cô giáo giảng giải và biến sự hiểu
biết đó thành những hoạt động vận động của mình. Vì vậy, đặc điểm nổi bật của trò
chơi vận động là sự ráo riết của bộ máy phân tích và bộ máy vận động của hàng loạt
các cơ quan khác trong cơ thể.
Chủ đề và quy tắc chơi tuy đã được xác định nhưng mới chỉ đề ra hướng chủ
yếu nhất, ngoài ra người chơi phải tự giải quyết một cách nhanh trí, sáng tạo, khéo


léo. Ví dụ như trò chơi: “Mèo đuổi chuột” luật chơi chỉ quy định chuột phải chạy
trốn, còn mèo thì phải đuổi chuột, còn chạy trốn như thế nào và đuổi như thế nào thì
đó là do trẻ phải giải quyết một cách nhanh trí và sáng tạo. Do đó trò chơi vận động
mang tính sáng tạo.
1.3.3. Ý nghĩa của trò chơi vận động đối với sự phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi
Trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi là lứa tuổi mà mục tiêu về giáo dục thể chất là rất cần
thiết. Trẻ ở lứa tuổi này đã có những hiểu biết nhất định về thế giới xung quanh, có
kĩ năng, kĩ xảo vận động, khả năng định hướng không gian của trẻ tốt hơn trẻ lứa
tuổi trước. Điều đó tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào trò chơi và mang lại hiệu quả
giáo dục cao.
Trò chơi vận động là một phương tiện giáo dục thể chất có hiệu quả cho trẻ
mầm non nói chung và trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi nói riêng. Với những đặc điểm riêng
biệt vì vậy trò chơi vận động luôn gần gũi và thu hút được trẻ.

Trong quá trình chơi trẻ được luyện tập các vận động cơ bản, bò, chạy,
nhảy, ném, bắt... một cách tích cực, thoải mái, vui vẻ. Từ đó, qua trò chơi này
những phẩm chất thể lực được hình thành cho trẻ. Đặc biệt là trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi
rất cần có phẩm chất thể lực tốt để rèn luyện bản thân chuẩn bị bước vào trường phổ
thông. Các phẩm chất thể lực tốt luôn được giáo viên củng cố cho trẻ trong quá
trình tham gia vào trò chơi, đó là tính mạnh dạn, nhanh nhẹn, sự khéo léo, dẻo dai,
tính tự tin khi tham gia vận động, sự phối hợp nhịp nhàng với bạn chơi trong trò
chơi... Tham gia chơi trò chơi vận động là trẻ phải thực hiện các thao tác chơi, các
kĩ năng vận động và khi thực hiện lại nhiều lần như vậy sự khéo léo trong các thao
tác của trẻ sẽ rõ rệt hơn. Mặt khác, khi tham gia vào trò chơi vận động trẻ luôn
muốn đạt được kết quả cuối cùng của trò chơi, luôn muốn là giành chiến thắng và
đó chính là yếu tố kích thích trẻ phải mềm dẻo, linh hoạt mỗi khi chơi. Và để thực
hiện nhiệm vụ chơi trẻ phải kết hợp với các bạn chơi, nhờ đó trẻ sẽ học được cách
phối hợp nhịp nhàng trong các thao tác vận động. Ví dụ, trò chơi “Chạy tiếp sức”
trẻ sau phải có sự phối hợp với trẻ trước để chuyển tiếp cờ sao cho nhanh nhất.
Tổ chức trò chơi vận động còn là cơ hội để trẻ rèn luyện các kĩ năng vận
động, các kĩ xảo vận động. Tham gia vào các trò chơi, việc thực hiện nhiều lần nội
dung chơi, thao tác chơi sẽ giúp trẻ ghi nhớ vận động và hoàn thiện các kĩ năng, kĩ


xảo vận động. Ghi nhớ các vận động như bò chui qua cổng, chạy nhanh, chạy chậm,
nhảy cóc, ném xa, ném trúng đích... sẽ là điều kiện để cơ thể trẻ phát triển tốt nhất,
sẽ làm tăng sức đề kháng cũng như thể lực cho trẻ. Các kĩ năng, kĩ xảo vận động
được hoàn thiện sẽ giúp trẻ có sự dẻo dai, mềm mại, nhịp nhàng và tư thế phát triển
đúng nhất. Ví dụ, trò chơi “Làm chú bồ đội” trong trò chơi này trẻ sẽ được rèn kĩ
năng chui qua hang để đi hành quân, trẻ phải chui như thế nào để lưng không chạm
vào hang. Qua trò chơi này, trẻ sẽ được củng cố thêm kĩ năng, kĩ xảo bò qua hang
và trẻ sẽ học được ở trò chơi là sự khéo léo, mềm dẻo khi trẻ khom lưng cúi người
hạ thấp đầu xuống.
Trò chơi vận động tạo cơ hội giúp trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi rèn luyện các nội

dung chơi, hành động chơi và các thao tác, luật chơi cho trẻ. Trẻ độ tuổi 5 - 6 tuổi
đã được làm quen với rất nhiều trò chơi vận động vì vậy nội dung chơi, hành động
chơi và các thao tác, luật chơi của sẽ phức tạp hơn với các trò chơi ở độ tuổi trước.
Nội dung chơi là nhiệm vụ vận động mà trẻ phải thực hiện. Đó là những vận động
cơ bản phù hợp với lứa tuổi trẻ và được thể hiện dưới dạng hành vi vận động. Hành
động chơi là hệ thống những động tác (thao tác) vận động mà trẻ phải thực hiện
trong quá trình chơi. Luật chơi là những quy định, quy ước mà trẻ phải tuân theo
khi chơi. Luật chơi ở đây không gò bò đứa trẻ vào một khuôn mẫu cứng nhắc mà nó
trở thành động cơ thúc đẩy trẻ vận động tích cực. Nếu là các vận động đã được làm
quen, thì đây sẽ là điều kiện để trẻ củng cố. Còn nếu là các vận động mới mẻ thì sẽ
giúp trẻ mở rộng hơn về kiến thức và thể lực sẽ được củng cố hơn.
Ngoài ra, nhờ vận động một cách tích cực trong trò chơi mà quá trình trao
đổi chất của cơ thể trẻ được tăng cường, sự tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa... hoạt động
tốt hơn, hoạt động của hệ thần kinh được linh hoạt, bền bỉ hơn, cơ xương, cơ bắp
được phát triển mạnh mẽ. Các hệ cơ, khớp xương, mô xương sụn... của trẻ dẻo dai
hơn nhờ sự vận động nhịp nhàng mà trẻ được rèn luyện qua trò chơi. Hệ hô hấp của
trẻ hoạt động có hiệu quả khi trẻ thường xuyên vận động. Khi trẻ tham gia tích cực
vào trò chơi là lúc hệ thần kinh của trẻ được hoạt động nhanh nhẹn hơn, sự cân
bằng trạng thái hay sự ức chế thần kinh giảm sút. Trẻ luôn có tâm lí vui vẻ và hứng
thú khi chơi bởi trò chơi vận động có yếu tố thu hút trẻ, đó là đồ dùng, đồ chơi, kết
quả chơi, nội dung chơi...


Tổ chức trò chơi vận động còn giúp trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi rèn tính tự giác vận
động. Các yếu tố tạo hứng thú trong trò chơi giúp trẻ phát huy tính chủ động, trẻ sẽ tự
giác tham gia vào vận động mà cô không cần ép buộc. Sau khi kết thúc trò chơi trẻ tự
giác cất dọn đồ dùng, đồ chơi, nhặt rác... không những rèn luyện tính nề nếp mà còn
giúp trẻ hoàn thiện các vận động của chính bản thân trẻ.
Trò chơi vận động còn là một phương tiện để chống sự mệt mỏi, căng thẳng
cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong hoạt động học tập có tính khó hơn các lứa tuổi

khác. Trong quá trình chơi trò chơi vận động, không những sự mệt mỏi, căng thẳng
biến mất mà cơ thể còn được nạp thêm năng lượng, tăng cường khả năng tập trung
học tập. Do vậy, giáo viên sử dụng trò chơi vận động làm phương tiện chuyển tiếp
giữa các hoạt động cho trẻ.
1.3.4. Phân loại trò chơi vận động
Cũng như các loại trò chơi khác, có nhiều cách phân loại về trò chơi vận động.
1.3.4.1. Dựa vào nguồn gốc của trò chơi
Dựa vào nguồn gốc của trò chơi vận động, người ta chia trò chơi vận động
thành hai nhóm cơ bản:
- Nhóm trò chơi vận động dân gian: Đó là một loại trò chơi có từ lâu đời,
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng này sang vùng khác và
được xem như là một thể loại văn hóa dân gian. Khó mà có thể tìm được tác giả của
những trò chơi này là ai và không xác định được ngày, tháng, năm ra đời của chúng.
Trò chơi vận động dân gian được xem là trò chơi vận động hướng dẫn trẻ em. Ví dụ
như trò chơi “Kéo co”, “Thả đỉa ba ba”, “Mèo đuổi chuột”, “Nhảy dây”, “Bịt mắt
bắt dê”...
- Nhóm trò chơi mới: Đó là những trò chơi được các nhà giáo dục thiết kế
xây dựng. Những trò chơi vận mới có thể biết tác giả, ngày, tháng, năm ra đời. Dựa
vào nội dung, nhiệm vụ vận động của trẻ người ta thiết kế một trò chơi vận động
nhằm giúp trẻ giải quyết nhiệm vụ vận động một cách vui vẻ, thoải mái, tích cực. Ví
dụ trò chơi “Nhổ củ cải”, “Chó sói xấu tính”, “Trốn mưa”, “Chuyển bóng”...
1.3.4.2. Dựa vào tính chất của trò chơi
Dựa vào tính chất của trò chơi vận động, người ta chia trò chơi vận động
thành hai nhóm sau:


- Nhóm những trò chơi vận động theo chủ đề: Tức là nội dung chơi, hành
động chơi, nhiệm vụ chơi được diễn ra theo một chủ đề. Trò chơi loại này được xây
dựng trên cơ sở kinh nghiệm vận động, những hiểu biết và những ấn tượng của trẻ về
cuộc sống xung quanh như: nghề nghiệp của người lớn, các phương tiện giao thông,

các hiện tượng thiên nhiên và đặc điểm hoạt động của một số con vật gần gũi....
Chủ đề và quy tắc của trò chơi vận động sẽ xác định được tính chất vận động
của trẻ trong khi chơi. Trẻ phải chạy nhấc cao đầu gối bắt chước con ngựa, hoặc trẻ
phải nhảy như con thỏ, có lúc lại leo lên thang như các chú công an cứu hỏa... Như
vậy, trong trò chơi vận động có chủ đề, các vận động của nó mang tính chất bắt
chước. Quy tắc và nội dung chơi có liên quan chặt chẽ với nhau. Trẻ tham gia chơi
phải tuân thủ quy tắc của trò chơi, quy tắc xác định hành vi và mối quan hệ qua lại
của các trẻ tham gia chơi.
Trò chơi vận động có chủ đề có các vai của nhân vật, nó tạo ra khả năng tác
động đến trẻ thông qua hình tượng nhân vật trẻ đóng vai và thông qua các quy tắc
mà tất cả trẻ chơi phải tuân theo. Các hành động của các vai chơi có mối liên quan
chặt chẽ như: Mèo ngủ - chim sẻ kiếm ăn, mèo thức - chim bay về tổ trong trò chơi
“Mèo và chim sẻ”.
Trong một số trò chơi vận động có chủ đề thì hoạt động của người chơi lại
được xác định bởi bài ca, đồng dao hay ca dao...
Trong khi chơi trò chơi vận động có chủ đề, trẻ được vận động một cách tự
nhiên, sử dụng nhiều vận động khác nhau và lặp lại nhiều lần các vận động.
Nhóm trò chơi vận động có chủ đề phần lớn là những trò chơi tập thể, số
lượng trẻ chơi có thể khác nhau từ 5 đến 25 trẻ và sử dụng trò chơi này với các lứa
tuổi khác nhau.
Tóm lại, trò chơi vận động có chủ đề là trò chơi có luật. Chủ đề tạo điều kiện
cho trẻ nhớ lại và thực hiện theo những động tác nhất định. Quy tắc chơi hướng tới
việc chính xác hóa quá trình chơi và các mối quan hệ trong khi chơi. Ví dụ trò chơi
“Quạ và chim sẻ”, “Chú sói xấu tính”, “Mèo đuổi chuột”... Trong trò chơi này có sự
phân công vai, và trẻ vận động theo vai: “vai thỏ”, “vai sói”, “vai mèo”, “vai
chuột”, “vai gà”....
- Nhóm những trò chơi vận động không theo chủ đề (hay còn gọi là những
trò chơi vận động có dụng cụ thể thao): Trong nhóm trò chơi này có các loại trò



×