Tải bản đầy đủ (.pdf) (231 trang)

Luận án tiến sĩ Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.76 MB, 231 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
-----------------

VŨ THỊ THU HÀ

CỔNG LÀNG NGƯỜI VIỆT Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ
CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA DÂN GIAN
Mã số: 62 22 01 30

Người hướng dẫn khoa học:
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính

Hà Nội, 2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án: Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ do tôi
thực hiện. Các tư liệu, số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án là trung thực và
lần đầu tiên được công bố tại luận án này. Nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Nghiên cứu sinh

I


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 1
Chương 1: LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU CỔNG LÀNG, TỔNG QUAN VỀ CHÂU
THỔ VÀ LÀNG VIỆT BẮC BỘ, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG ............................ 8


1.1. Lịch sử nghiên cứu cổng làng ............................................................................. 8
1.2. Tổng quan về châu thổ Bắc Bộ và làng Việt ..................................................... 15
1.3. Lí thuyết vận dụng......................................... .................................................... 38
Chương 2: NHẬN DIỆN CỔNG LÀNG TRUYỀN THỐNG Ở CHÂU THỔ
BẮC BỘ ................................................................................................................... 46
2.1. Vị trí và sự phân bố cổng làng .......................................................................... 46
2.2. Phân loại cổng làng ........................................................................................... 55
2.3. Điêu khắc, trang trí trên cổng làng .................................................................... 72
2.4. Mối quan hệ giữa cổng làng với đình làng, chùa làng ...................................... 80
Chương 3: CHỨC NĂNG VÀ GIÁ TRỊ CỦA CỔNG LÀNG Ở CHÂU THỔ
BẮC BỘ ................................................................................................................... 84
3.1. Chức năng của cổng làng .................................................................................. 84
3.2. Giá trị của cổng làng ....................................................................................... 104
Chương 4: CỔNG LÀNG TRONG LỊCH SỬ VÀ TRONG CUỘC SỐNG
ĐƯƠNG ĐẠI, NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN ................................................. 116
4.1. Cổng làng trong lịch sử ................................................................................... 116
4.2. Cổng làng trong cuộc sống đương đại ............................................................ 119
4.3. Những vấn đề bàn luận ................................................................................... 125
KẾT LUẬN ........................................................................................................... 141
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ……… ....... . 144
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 145
PHỤ LỤC ...................................................................................................... ........156

II


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

CB


Chủ biên

ĐH

Đại học

GS

Giáo sư

H

Hà Nội

KHXH

Khoa học xã hội

NCS

Nghiên cứu sinh

Nxb

Nhà xuất bản

PGS

Phó giáo sư


Tr.

trang

TS

Tiến sĩ

TSKH

Tiến sĩ khoa học

Tp

Thành phố

UBND

Uỷ ban nhân dân

VHDG

Văn hóa dân gian

VHDT

Văn hóa dân tộc

VHNT


Văn hóa nghệ thuật

VHTT

Văn hóa thông tin

xb

Xuất bản

III


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn đời nay được lưu giữ một phần
lớn và quan trọng là ở làng. Làng Việt ở Bắc Bộ là nơi định cư sớm của cư dân
Việt. Đa phần công việc trong làng là làm nghề nông. Về cảnh quan, có đường làng,
chùa làng, đình làng, ao làng, chợ làng,... và nhiều làng không thể thiếu cổng làng.
Cổng làng được các nhà nghiên cứu văn hóa xếp vào danh mục các di sản
văn hóa vật thể, cũng như các di tích kiến trúc nghệ thuật khác như đình, chùa, đền,
miếu, văn chỉ, từ chỉ, nhà thờ họ... Song, cổng làng không chỉ là di sản văn hóa vật
thể. Ẩn sau diện mạo khó quên của những chiếc cổng làng, còn có những giá trị văn
hóa phi vật thể mà nếu được quan tâm nghiên cứu, cổng làng sẽ là tư liệu quý, giúp
chúng ta hiểu thêm về làng Việt và văn hóa dân tộc.
Là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, cổng làng có vai trò, chức
năng của nó. Cổng làng thể hiện mơ ước, nguyện vọng của cộng đồng, mang giá trị
tâm linh, trở thành một biểu tượng khó mờ phai đối với dân làng. Thêm nữa, cổng
làng còn là vách ngăn, một thứ biểu tượng để phân biệt làng này với làng khác, là

nơi chức dịch kiểm soát dân làng. Vai trò, chức năng ấy đã dần dần thay đổi. Những
yếu tố truyền thống và biến đổi hiện nay trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc
trang trí, những yếu tố vay mượn của cổng làng và ý nghĩa của cổng làng trong
không gian văn hóa của làng quê xưa và nay luôn luôn cần được tìm hiểu. Việc
nghiên cứu một cách hệ thống cổng làng vùng châu thổ Bắc Bộ sẽ góp phần khẳng
định những giá trị truyền thống văn hóa của làng, góp thêm tiếng nói vào việc
nghiên cứu sự biến đổi văn hóa hiện nay.
Thực trạng của cổng làng hiện nay có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, số
lượng cổng làng cũ hiện tại không còn nhiều bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có nhiều cách lý giải, ứng xử trước sự biến đổi này. Liệu có cần thiết giữ gìn nét
truyền thống của cổng làng ở mỗi làng quê cho phù hợp với cảnh quan không gian

1


của làng? Sự tồn tại của cổng làng sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp truyền thống của mỗi
làng, hay chỉ bó buộc không gian sống của con người, cản trở giao thông khi xe cộ
càng nhiều, kích thước càng lớn? Khi xây mới hoặc tu sửa cổng cũ thì cần lưu ý
những gì?
Trong thời kì mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế, văn hóa hiện nay, cổng
làng cũng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác đã trải qua nhiều tác động
tiêu cực của thời gian, của cơ chế thị trường và những bất cập trong quản lý văn
hóa, đặc biệt là của quá trình đô thị hóa quá nóng. Diện mạo, chức năng và giá trị
của cổng làng đang dần mai một theo văn hóa truyền thống. Để bảo tồn, phát huy và
khai thác những giá trị lịch sử - nghệ thuật cổng làng của người Việt vùng châu thổ
Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay, với những lý do vừa trình bày, tôi chọn “Cổng làng
người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” làm đề tài nghiên cứu.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nhận diện cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ trong quá trình lịch sử, trình bày

diện mạo, chức năng, giá trị và vai trò của nó trong xã hội truyền thống và đương
đại.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
2.2.1. Tìm hiểu sự vận động của cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ trong diễn
trình lịch sử
2.2.2. Phân tích các chức năng, giá trị của cổng làng truyền thống
2.2.3. Khảo sác các xu hướng ứng xử hiện nay với cổng làng
2.2.4. Trình bày những suy nghĩ về vai trò của cổng làng trong xã hội đương
đại, dự báo số phận của nó trong tương lai.
Nhằm thực hiện những nhiệm vụ trên, tức là tác giả luận án đã trả lời cho các
câu hỏi nghiên cứu sau:
- Cổng làng ra đời từ bao giờ, diện mạo, chức năng xã hội và giá trị của nó ra
sao?
- Cổng làng biến đổi như thế nào trong cuộc sống hiện nay?

2


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các cổng làng truyền thống và cổng làng
mới ở châu thổ Bắc Bộ từ xưa đến nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1.Không gian nghiên cứu
Không gian nghiên cứu là cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ. Châu thổ Bắc Bộ là
một vùng rộng lớn, bên cạnh việc cố gắng bao quát bức tranh chung, tình hình
chung, nghiên cứu sinh chọn những điểm nghiên cứu có tính đại diện.
Trước hết, NCS chú ý đến những cổng làng là đại diện cho bốn tiểu vùng
Đông, Tây, Nam, Bắc của Bắc Bộ xưa. Về xứ Đông, chúng tôi khảo sát cổng làng
Cầu Nôm (nay thuộc Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), (H1)1. Về xứ Đoài (phía Tây) chúng

tôi khảo sát cổng làng Mông Phụ (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội),
(H2). Về phía Nam, nghiên cứu sinh khảo sát cổng làng Tây Bình Cách (xã Đông
Xá), (H3); cổng Tây (thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh), (H4), cả hai cổng làng này đều
thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Về xứ Bắc, chúng tôi khảo sát một số cổng
làng xã Dương Xá2 (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), (H5); cổng làng Đồng Kị
(nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), (H6); cổng làng Thổ Hà (nay thuộc huyện
Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), (H7).
Thứ hai, NCS chú ý đến những tiêu chí đại diện khác. Cổng làng Ước Lễ
(nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội ), là cổng làng cổ được coi là đẹp nhất châu thổ Bắc
Bộ, là cổng trước của một làng nông nghiệp có hai nghề phụ nổi tiếng là nghề giã
giò và nghề may mặc. Cổng làng Mông Phụ là chiếc cổng cổ nhất còn giữ được cho
đến nay (H8). Cổng làng Cầu Nôm là cổng của một làng buôn bán trước Cách mạng
tháng Tám năm 1945. Làng này có nghề buôn đồng nát nổi tiếng: “Bao nhiêu đồng
nát thì về Cầu Nôm, con gái nỏ mồm thì ở với cha” (tục ngữ). Cổng làng Thổ Hà là
cổng làng nghề gốm lâu đời. Cổng làng Đồng Kị là cổng của một làng có quá trình
(H1), (H2), (H3)... tương ứng với hình ảnh trong phụ lục.
Xã Dương Xá gồm có sáu thôn: Dương Đanh, Dương Đá, Dương Đình, Thuận Tiến
Thuận Quang, Yên Bình.
1
2

3


đô thị hóa rất nhanh, tiêu biểu cho loại làng “vươn ra phố” (Nguyễn Thị Phương
Châm). Cổng làng Tây Bình Cách và cổng Tây làng Duyên Hà, Thái Bình tiêu biểu
cho loại cổng của những làng thuần nông. Một số cổng hiện còn ở đường trên phố
Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội hiện nay), như Hồ Khẩu, Trích Sài, Bái Ân,
Võng Thị... là loại cổng vốn là của làng xóm xưa kia, nay bị kẹt cứng trong không
gian đô thị (H9). Cổng làng Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) nằm ngay sát nội đô Hà

Nội, cũng là một kiểu cổng cần tìm hiểu.
Ngoài ra, trong những phân tích cụ thể, trong những vấn đề cụ thể, chúng tôi
sẽ phân tích những cổng làng khác nữa.
3.2.2.Thời gian nghiên cứu
Tác giả luận án bắt đầu nghiên cứu cổng làng Bắc Bộ từ năm 2009 đến tháng
8 năm 2015. Những thông tin về thời gian trước năm 2009 là những thông tin hồi cố
từ các cán bộ dân làng địa phương hoặc tác giả thu thập từ thư tịch, báo chí.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Khi nghiên cứu cổng làng người Việt ở Bắc Bộ, tác giả luận án luôn luôn đặt
cổng làng trong bối cảnh của làng (bao gồm điều kiện địa lí tự nhiên, không gian
vật lí và không gian văn hóa xã hội).
Khi nghiên cứu cổng làng người Việt ở Bắc Bộ nghiên cứu sinh nhìn đối
tượng trong sự vận động, vận dụng những tri thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật để
lí giải sự biến đổi, sự xuất hiện những yếu tố mới, sự vắng bóng những yếu tố cũ.
4.2.Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài luận án, NCS sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu.
Trước hết là phương pháp tập hợp các tài liệu thứ cấp. Tài liệu viết về cổng
làng khá hiếm. Nhiều khi trong một cuốn sách, trong một bài tạp chí, chúng tôi chỉ
tìm được mươi dòng có thông tin liên quan đến đề tài luận án. Thí dụ trong cuốn
sách của Phan Hữu Dật, NCS chỉ tìm thấy một dòng thông tin: “Các làng miền
Trung nước ta làm gì có cổng làng” [20, tr.116]. Chúng tôi đã đọc hết ba cuốn sách
về văn bia mà không thấy một thông tin nào về cổng làng [110], [127], [128]. NCS

4


đã đọc kĩ hai cuốn sách sưu tập 3000 và 5000 hoành phi, câu đối Hán Nôm do Trần
Lê Sáng chủ biên mà không tìm thấy một thông tin nào về cổng làng [90], [91].
Thứ hai, từ những gợi ý của các tác giả đi trước, NCS tiến hành khảo sát thực

địa. NCS khảo sát 47 cổng làng tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái
Bình, Hưng Yên. Chúng tôi đã chụp ảnh, hỏi chuyện người dân địa phương. Có
những cổng làng NCS đi đến nhiều lần như cổng làng Đường Lâm, cổng làng
Dương Xá, cổng làng Đồng Kỵ, cổng làng Duyên Hà, cổng làng Cầu Nôm, cổng
làng Ước Lễ,...
Thứ ba, NCS sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp trong nghiên
cứu văn hóa dân gian. Về phương pháp này, Đinh Gia Khánh đã trình bày chi tiết
trong cuốn sách của Viện Văn hóa dân gian: Văn hóa dân gian những phương pháp
nghiên cứu (1990) [126]. Tiếp thu những gợi ý của tác giả, NCS hiểu cổng làng là
một tổng thể, nhiều yếu tố. Để hiểu nó, cần phân tích những yếu tố cụ thể để nghiên
cứu sau đó sẽ tổng hợp lại.
Thứ tư, phương pháp phỏng vấn chuyên gia cũng được sử dụng. NCS đã
phỏng vấn GS.TSKH Phan Đăng Nhật và PGS.TS Nguyễn Xuân Đức. Cả hai vị đều
là nhà nghiên cứu văn hóa, văn hóa dân gian. Đặc biệt GS.Phan Đăng Nhật năm nay
84 tuổi (sinh năm 1931). Kí ức của ông cho biết tình hình cổng làng ở làng quê ông
trước cách mạng tháng Tám 1945. PGS.TS Nguyễn Xuân Đức (sinh năm 1948),
hiện đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông cho tôi biết văn hóa ở làng quê ông hiện nay ở
huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh được đào
tạo về Hán học, có nhiều năm giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh
Thái Bình. Ông giúp đỡ chúng tôi những hiểu biết về một vùng quê lúa và cổng
làng trước kia. Không chỉ qua trò chuyện, ông còn trực tiếp dẫn chúng tôi đến hai
cổng làng cổ ở Thái Bình. Về Hán học, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của nhà
giáo TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trường Đại học Hà Nội. Ông đã thể hiện các chữ Hán
mà ở phần câu đối, tác giả Vũ Kiêm Ninh chỉ mới phiên âm bằng chữ quốc ngữ.
Ông cũng góp phần trao đổi về ý nghĩa của một số điển tích.
Thứ năm, NCS sử dụng phương pháp so sánh. NCS sẽ so sánh giữa các cổng
làng với nhau để hiểu cái chung và nét riêng của từng khu vực và từng thời đại.

5



5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
5.1. Đưa ra cái nhìn hệ thống về cổng làng của người Việt ở Bắc Bộ từ góc
nhìn văn hóa học, trình bày những mốc chính trong diễn trình lịch sử của nó (trong
điều kiện tài liệu hiện nay cho phép), mô tả và phân loại chi tiết về cổng làng.
5.2. Phân tích có hệ thống các chức năng, giá trị của cổng làng, nhìn nhận vai
trò của các chức năng này trong diễn trình lịch sử.
5.3.Trình bày các xu hướng ứng xử với cổng làng trong cuộc sống đương
đại, đề xuất những suy nghĩ để các nhà quản lí và giới nghiên cứu tham khảo.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lí luận
6.1.1. Góp phần vào việc nhận diện cảnh quan, đời sống văn hóa, tâm linh ở
nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhận diện sự biến đổi
của những yếu tố này trong thời đại mới.
6.1.2. Làm rõ vai trò qua lại giữa các thành tố trong một hệ thống với toàn bộ
hệ thống và sự tương tác giữa các yếu tố trong một hệ thống.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
6.2.1. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà
quản lí, các cấp có thẩm quyền trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, hoạch định,
xây dựng nông thôn mới hiện nay.
6.2.2. Bản luận án sẽ góp phần vào nhận thức của người dân Việt nói chung,
của thế hệ trẻ nói riêng trên con đường tìm về cội nguồn, hướng về cội nguồn, trong
đạo lí uống nước nhớ nguồn và từ đó thêm yêu quê hương, đất nước.
7. Cơ cấu của luận án
Trong phần chính văn, ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, bản luận
án có bốn chương như sau:
Chương 1. Lịch sử nghiên cứu cổng làng, tổng quan về châu thổ Bắc Bộ và
làng Việt, lý thuyết vận dụng (tr.8 - tr.438)
Chương 2. Nhận diện cổng làng truyền thống Bắc Bộ (tr.46 - tr.80)


6


Chương 3. Chức năng và giá trị của cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ (tr.84 tr.104)
Chương 4. Cổng làng trong lịch sử và trong cuộc sống đương đại, những vấn
đề bàn luận (tr.116 - tr.125)
Ngoài ra, luận án còn có một phụ lục, nhằm làm rõ thêm nội dung của phần
chính văn.

7


Chương 1
LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU CỔNG LÀNG, TỔNG QUAN VỀ CHÂU THỔ BẮC
BỘ VÀ LÀNG VIỆT, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG

1.1. Lịch sử nghiên cứu cổng làng
Khi nghiên cứu cổng làng, văn bia là một trong những nguồn tài liệu thu hút
sự chú ý của chúng tôi. Văn bia thời Mạc (1996) của Đinh Khắc Thuân [110] giới
thiệu 147 văn bia và một bài minh văn khắc trên chuông đồng chùa Tư Phúc (ở Thái
Bình). 148 trong số tài liệu này, văn bia ở chùa chiếm đại đa số (nói về việc công
đức tu sửa chùa, làm giếng chùa, dựng cầu vào chùa, làm lại hướng mới của
chùa,…). Ngoài ra còn có bia đền thần, bia ghi lại công tích, sự nghiệp của danh
nhân,… Trong công trình Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt
làng xã (2003), tác giả Phạm Thị Thùy Vinh cho biết số lượng bia thời Lê; dựng và
phân bố ở các địa điểm như sau: chùa 556 bia; đình 302 bia; đền, miếu 50 bia; văn
chỉ 40 bia; từ đường 36 bia; lăng mộ 22 bia; từ chỉ 19 bia; cầu 15 bia; chợ 9 bia;
sinh từ 7 bia; điếm 6 bia; am 1 bia [127]. Trong Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà
Nội. Tuyển tập văn khắc Hán Nôm (2010), chủ biên Phạm Thị Thùy Vinh và các
đồng soạn giả biên dịch 135 bài minh văn, nội dung chủ yếu của các văn bản này

nói về việc dựng chùa, tu sửa chùa, làm đình, đúc chuông, cung tiến ruộng đất, lập
từ đường,… [128].
Trong tất cả ba cuốn sách nêu trên, không có một văn bia nào nói về việc xây
hoặc tu sửa cổng làng!
Cổng làng thường có các câu đối. Chính vì vậy, chúng tôi đã tìm đọc cuốn
3000 hoành phi, câu đối Hán Nôm (2003) do Trần Lê Sáng chủ biên [90], cuốn
5000 hoành phi, câu đối Hán Nôm (2015) cũng do Trần Lê Sáng chủ biên [91].
Đáng tiếc, hai cuốn sách không cho nghiên cứu sinh một thông tin nào về cổng
làng.

8


Những tài liệu đề cập đến cổng làng thực sự ít ỏi. Số lượng tài liệu không chỉ
ít, trong mỗi tài liệu, đại đa số các tác giả lại chỉ viết rất ít về cổng làng.
1.1.1. Tài liệu viết không tập trung về cổng làng
Pierre Gourou (1900 - 1999), nhà sử học và địa lí học người Pháp công bố cuốn
sách Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ vào năm 1936. Khi viết về làng của người Việt,
tác giả đặc biệt chú ý đến lũy tre và đã viết về cổng làng. Ông cho biết số lượng cổng
của một làng, chất liệu xây dựng, kích thước của cổng và công dụng của cổng. Cuốn
sách của ông còn có một bức ảnh về cổng làng Đông Viên, thôn Chu Quyến, phủ
Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) [29].
Năm 1939 khi viết về khu phố buôn bán ở Hà Nội, Henri Bernard nhận thấy:
“Những bức tường bao và những cổng phố được đóng lại vào ban đêm, đã chia cắt
những phường khác nhau, với số lượng là 36, mỗi một phường lại chia thành hai
phường nhỏ” [7, tr.79]. Tác giả không mô tả cổng phố, không có ảnh chụp và không
cho biết cổng phố có khác cổng làng không, nó được làm bằng chất liệu gì. Chúng
tôi không nhận được thông tin cụ thể về hình dáng, kích thước và chất liệu làm
cổng.
Vào nửa cuối những năm 60 của thế kỉ trước, tại Sài Gòn, trong cuốn sách

Làng xóm Việt Nam với hơn 270 trang, tác giả Toan Ánh chỉ dành hai đoạn miêu tả
cổng làng: một đoạn gồm 8 dòng (viết về chiếc cổng xây), một đoạn 15 dòng (viết
về cổng tre). Cả hai chiếc cổng này đều ở Bắc Bộ [1,tr.6,10].
Năm 1977, trong cuốn sách nhiều tác giả, trong bài “Về vai trò của làng xã
trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang giữ nước ở Việt Nam thời xưa”, tác giả Lê Văn
Lan cho biết từ đầu Công nguyên, người Trung Quốc đã nói đến những lũy tre gai
“không sao công phá được” ở các làng Việt, ghi nhận từ thế kỉ thứ XIII, sứ giả nhà
Nguyên là Trần Phu đã viết về các bụi tre gai ở Đại Việt. Từ đó tác giả nghĩ rằng đi
kèm với lũy tre là cổng làng với hai hình thức thô sơ (cổng tre) và kiên cố (cổng xây
bằng gạch). Tác giả không chỉ ra được những cái cổng đó được sách vở, tác giả nào
ghi nhận [123]. Trong cuốn sách vừa nêu, trong bài “Làng xã trong cuộc kháng
chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (thế kỉ XIII)”, tác giả Phùng Văn Cường

9


cũng dẫn câu văn mà sứ giả Trần Phu ghi nhận những bụi tre gai nước Việt, và
không nói gì về cổng làng [123, tr.262]1.
Năm 1978, trong bài “Tìm hiểu về sự cư trú ở một số làng xã trên miền đồng
bằng Bắc Bộ”, tác giả Huy Vu dành hai đoạn văn (đoạn dài nhất không quá một
trang) miêu tả cảnh quan xung quanh cổng làng [124, tr. 78].
Năm 1991, trong cuốn sách của nhiều tác giả Văn hóa và văn hóa cư dân
đồng bằng sông Hồng, Vũ Tự Lập miêu tả cảnh quan xung quanh cổng làng gần
giống như Huy Vu đã viết:
...xưa kia vào làng rất khó, nhiều khi có có lối đi vào duy nhất, hai bên
đường có ao, lại có cổng chắc chắn, cổng xây gạch cửa gỗ, bên trên có địch
lâu tích trữ gạch đá, mảnh chai làm vũ khí tự vệ. Làng nghèo lắm thì cổng
cũng có rào chông bảo vệ. Ở những làng giàu có, quản lí chặt chẽ thì cách
cổng làng khoảng 50m lại xây điếm canh, có tuần phiên canh gác, nhất là về
ban đêm. Trước cổng làng thường trồng các cây cổ thụ, như cây đa, cây đề,

cây si, cây bàng và núp dưới chúng có cái quán nhỏ mở hàng nước [65,
tr.55-56].
Cùng năm 1991, trong cuốn sách Mĩ thuật ở làng gồm 247 trang (cả chữ và
hình), hai tác giả Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng chỉ viết về cổng làng vẻn vẹn
mấy dòng như sau:
Cổng làng thường là cổng gạch kiểu tam quan, có chạm trổ bằng vữa,
đắp hình, ghép gốm… Nhiều cổng khá đồ sộ, nhưng thường thì xinh xắn mà
thôi. Nó giống như cột mốc vào làng hơn là một cổng thành để tự vệ. Cái
cổng thông thoáng này dẫn qua đoạn chính của đường làng tới đình và có
thể có những đoạn khác cũng rộng rãi dẫn tới chùa, miếu, đến thờ… [86,
tr.27].
Trong cuốn sách 740 trang khổ lớn của nhiều tác giả Làng ở vùng châu thổ sông
Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ (xb 2002), trong bài “Về không gian làng”, tác giả Nguyễn
Tùng viết hai đoạn văn về cổng làng như sau:
1

Ở mục lục của sách, tên tác giả là Phạm Văn Cường, trong bài, tên tác giả là Phùng Văn Cường?

10


+ Trước năm 1945, Mộ Trạch (thôn Thượng) có ba cổng gạch ngày nay
không còn nữa: Đông, Chùa và Nam. Cổng nam lớn nhất có gác cho tuần
phiên ngủ. Theo hương ước của làng sửa đổi hay bổ sung vào năm 1665 và
1679, không gian cư trú của Mộ Trạch trước đây là lũy tre, hào và dường
như cả tường gạch cao vây quanh: nếu đúng thế thì đây là điều khá hiếm!”
[83, tr.115].
+…Ở Tả Thanh Oai, Đông Ngạc cũng như ở nhiều làng ngoại ô Hà
Nội khác nằm dọc theo sông Hồng hay sông Tô Lịch, mỗi ngõ thường có
một cổng mở ra đường ven sông và một cổng mở ra đồng ruộng.

Ở Mộ Trạch và Mông Phụ, là hai làng xa sông, cổng làng có chức năng
kiểm soát các con đường chính đi vào làng từ đường thiên lý hay không
gian canh tác, nhằm bảo vệ không gian cư trú. Mông Phụ có 5 cổng mang
tên của 5 khu (hay xóm): Đình, Sải, Sui, Chim và Hè. Điều đáng ngạc
nhiên là trước đây ngoài 3 cổng Đông, Nam và Chùa, Mộ Trạch không có
cổng ở phía bắc, chắc là vì thời xưa chưa có đường liên xã nối Mộ Trạch
với My Cầu và Sặc” [83, tr.130].
Trong bản dịch tiếng Việt (in lần đầu 2007) của công trình Làng Việt đối diện
tương lai hồi sinh quá khứ, John Kleinen cho rằng, không thể biết chắc chắn làng Việt
ở châu thổ Bắc Bộ “được bảo vệ bằng cổng gạch và hệ thống lũy tre khi nào” nhưng
những mô tả của người nước ngoài từ đầu thế kỉ XIX đều khẳng định rằng đến lúc đó,
cảnh tượng này là rất phổ biến [61, tr.40].
Nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính có hơn 30 năm gắn bó với đề tài
làng xã, khảo sát nhiều làng cụ thể ở các vùng quê. Trong cuốn Lệ làng phép nước,
ông nêu một số quy định về vấn đề bảo vệ an ninh trong làng, liên quan đến cổng
làng [24]. Trong hai tập Hành trình về làng Việt cổ, ông và các đồng tác giả đã khảo
sát sơ bộ cổng của các làng thuộc xứ Đoài như Yên Sở, Dương Liễu, Kim Hoàng,
Hậu Ái, An Trai... thuộc xứ Nam như Ngọc Hồi, Văn Điển, Cổ Điển, Cương Ngô...
[26],[27]. Tuy trong khuôn khổ khảo sát chung về làng, mang tính sơ bộ, song các
phần viết cũng đưa ra các thông tin về cổng làng, như số lượng cổng, cách bố trí,

11


những đặc điểm của làng qua hệ thống câu đối và các đại tự. Ông cũng cho biết
những thông tin tư liệu về cổng làng ở một số làng thuộc loại hình “làng khoa bảng”,
như Đông Ngạc, Phú Thị, Tả Thanh Oai... , trong cuốn Các làng khoa bảng Thăng
Long – Hà Nội, do ông đồng chủ biên.
Năm 2009, trong chuyên khảo Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, tác
giả Nguyễn Thị Phương Châm đề cập đến ba làng như những nghiên cứu trường

hợp về làng quê cổ kính, điển hình của xứ Kinh Bắc xưa. Trong không gian và cảnh
quan xưa của ba làng Đồng Kị, Trang Liệt, Đình Bảng trước kia, lũy tre làng gắn
kết với cổng làng. Đến nay sự uy nghi của những cổng làng không còn, cổng làng
chỉ còn lại như chứng tích của thời gian về một không gian cổ xưa của làng. Sự
phân định giữa không gian trong làng và ngoài làng bằng những cổng làng cũng
không còn nữa, do dân cư trong làng ngày càng tràn ra ngoài cổng làng, các ngôi
nhà và những công trình mới vươn cao lên át đi vẻ uy nghi một thủa của những
chiếc cổng xưa. [15, tr.134-135].
Năm 2011, trong cuốn Văn hóa tâm linh, nhà giáo Nguyễn Đăng Duy cho
rằng, tâm linh xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống đời thường. Tâm linh trong đời
sống cá nhân, gia đình (nằm ngay trong niềm tin thiêng liêng của con người), tâm linh
trong cộng đồng làng xã, tính thiêng liêng trong tín ngưỡng tôn giáo được tôn thờ
trong không gian thiêng, sự cố kết xóm làng trong cộng đồng làng xã chính là bản sắc
văn hóa xóm làng và không gian thiêng của người Việt mang tính xã hội mà ở đó là
không gian tâm linh qua kiến trúc dân gian như: đình, đền, chùa, miếu, am, cổng
làng…[23].
Năm 2012 trong trong cuốn Văn hóa gốm của người Việt vùng đồng bằng sông
Hồng, tác giả Trương Minh Hằng nhận xét rằng, đến thế kỉ thứ XIX sự xuất hiện các
đô thị mới được dựa trên các làng cổ ngay lòng đô thị cổ. Đô thị mới xuất hiện rộng
khắp nhưng vẫn không làm mất đi hình ảnh những chiếc cổng làng truyền thống [37,
tr.31].
Năm 2012 trong luận án tiến sĩ Văn hóa học Khai thác các giá trị văn hóa
truyền thống phục vụ phát triển du lịch, (nghiên cứu trường hợp làng Mông Phụ, xã

12


Đường Lâm, Sơn Tây), tác giả Đào Duy Tuấn nhận định: “Cổng làng Mông Phụ được
xây dựng vào đời Lê Thần Tông (1553). Cổng được làm như gian nhà, được xây bít
đốc có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành rui, trên mái lợp

ngói”[119]. Niên đại 1553 mà tác giả nêu ra cần phải bàn. Theo Niên biểu Việt Nam,
vua Lê Thần Tông có hai thời gian trị vì là từ năm 1619 đến 1643, từ năm 1649 đến
1662 [130]. Vậy nếu đã công nhận thời gian xây dựng cổng dưới thời Lê Thần Tông
thì con số 1553 là không chính xác. Còn hiện nay giới nghiên cứu chưa có bằng
chứng cụ thể tin cậy nào chứng minh cổng làng Mông Phụ được xây dựng dưới thời
vua Lê Thần Tông.
Ở trên, một cách có chủ ý, chúng tôi đã làm rõ trong các tài liệu đã phân tích,
chưa có tác giả nào tập trung nghiên cứu cổng làng, đa phần họ chỉ dành ít dòng viết
về nó, trong khi mối quan tâm chuyên môn chủ yếu của họ dành cho vấn đề khác, chủ
đề khác.
1.1.2.Tài liệu tập trung giới thiệu , nghiên cứu cổng làng
Luận văn thạc sĩ Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị của các cổng làng
trong quy hoạch đô thị Hà Nội, (2002) của tác giả Giang Thị Thu Hiền, gồm 105
trang trình bày về vai trò và hình ảnh của cổng làng trong cấu trúc làng xã truyền
thống Việt Nam và trong các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, tác giả còn
bàn về các giá trị đặc sắc của cổng làng: giá trị sử dụng, giá trị lịch sử văn hóa và giá
trị xã hội nhân văn của cổng làng. Tác giả cũng bàn về bố cục họa tiết, nghệ thuật
trang trí, hình thức và tỉ lệ kiến trúc của cổng làng. Người viết còn phân loại các cổng
làng ở khu vực Hà Nội, bàn về tính năng tồn tại cổng làng, tác giả chưa phân tích sâu
cổng làng trong bối cảnh làng xã, điểm mạnh của luận văn là dưới cái nhìn của kiến
trúc sư, tác giả đã có những bản vẽ chi tiết chuyên nghiệp về mặt bằng, mặt đứng,
mặt sau, mặt cắt của một số cổng làng ở Hà Nội [45].
Cuốn sách Cổng làng Hà Nội xưa và nay (2007) của tác giả Vũ Kiêm Ninh
cũng hết sức quý giá đối với việc chúng tôi. Tác giả đã đi khảo sát tất cả các quận
huyện ngoại thành Hà Nội (ở thời gian chưa sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh của
tỉnh Vĩnh Phúc và một số xã của Hòa Bình vào Hà Nội). Số cổng làng mà ông đã

13



nhận diện được ở quận Hoàn Kiếm là 2 cổng làng; quận Ba Đình 4; quận Cầu Giấy:
9; quận Đống Đa: 1; quận Hoàng Mai: 7; quận Long Biên: 6; quận Tây Hồ: 10; huyện
Đông Anh: 22; huyện Gia Lâm: 9; huyện Sóc Sơn: 2; huyện Thanh Trì: 17; huyện Từ
Liêm: 18. Ông cũng có quan tâm nhưng chưa tìm thấy cổng làng trên địa phận quận
Hai Bà Trưng.
Trong tập sách, tác giả giới thiệu 109 cổng làng1 [75]. Mỗi cổng đều có ảnh
(do ông chụp), đều được mô tả khái quát; ở một số cổng, tác giả còn viết về nghề
nghiệp, tín ngưỡng, lễ hội của làng,...
Tập sách chưa phải là một chuyên khảo về cổng làng Hà Nội. Tác giả chưa
được đào tạo về Hán học nên các câu đối chữ Hán chỉ mới được phiên âm, mức độ
chính xác của bản dịch cần được thẩm định. Song từ đây, chúng tôi rút ra được nhiều
thông tin bổ ích. Đó là những phiên âm, lời dịch câu đối chữ Hán, chữ Nôm và các
câu đối chữ quốc ngữ ở những cổng làng cụ thể, một số cổng có thông tin về năm xây
dựng hoặc năm xây dựng lại, lí do cổng bị tàn phá, tên tuổi những người hưng công
xây dựng ở một số cổng làng,... Những cổng có niên đại sớm nhất là vào cuối thế kỉ
XIX và số cổng này rất ít.
Năm 2007, trong khóa luận tốt nghiệp Cổng làng, kiến trúc biểu trưng cho
không gian làng Việt, tác giả Lê Thị Thu trình bày khái quát chung về không gian
kiến trúc cổng làng, mô tả vẻ đẹp của cổng làng xứ Đoài trong sáng tạo nghệ thuật
[109].
Dành hẳn sự quan tâm đối với cổng làng, năm 2011, tác giả luận án đã bảo vệ
luận văn thạc sĩ Cổng làng ở ngoại thành Hà Nội truyền thống và biến đổi. Trên cơ
sở tiếp thu những suy nghĩ, những nhận xét gợi mở của các tác giả đi trước, NCS đã
khảo sát, tìm hiểu về sự biến đổi của cổng làng hiện nay tại hai xã Dương Xá và
Kim Sơn thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Những thông tin trong luận văn mới dừng
lại ở việc mô tả so sánh giữa các cổng làng thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà
Nội, bàn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của làng [31]. Trong luận án này, NCS có

1


Tác giả gọi 109 cổng là cổng làng, nhưng theo chúng tôi, có nhiều cổng như cửa Ô Quan Chưởng, cổng
Ngõ Đa Lộc không phải là cổng làng.

14


sử dụng kết quả điền dã về cổng làng khi thực hiện luận văn cao học. Như vậy, việc
điền dã của NCS được tiến hành từ năm 2009 đến năm 2015.
Bài viết “Nghệ thuật trang trí cổng làng Hà Nội” của tác giả L.T.L (2012) có
nhiều thông tin và nhận xét quan trọng. Tác giả đã phân loại các kiểu cổng làng cổ
của Hà Nội hiện tồn, đã phân tích sự đa dạng của đồ án, họa tiết, đề tài trang trí ở
cổng làng. Tác giả nhận xét về ảnh hưởng của kiến trúc Pháp đối với cổng làng Hà
Nội. Bài viết cũng cho thấy sự liên quan, sự khác nhau, ảnh hưởng của chùa, đình
đối với cổng làng thể hiện qua mô típ trang trí. Đúng như tác giả nhận xét, cổng
làng Hà Nội “không những thể hiện được tài năng về bố cục, trang trí mà còn chứa
đựng triết lí sâu xa về trời đất, về vũ trụ” [62, tr.91].
Tóm lại, cổng làng ít được chú ý đến trong công trình của các tác giả đi
trước. Nếu đề cập đến, họ chỉ dành mươi dòng miêu thuật về nó và chủ yếu nói đến
chức năng phòng vệ, phòng thủ của cổng làng. Trong tình hình ấy, luận văn thạc sĩ
chuyên ngành kiến trúc của Giang Thị Thu Hiền, bài viết của tác giả L.T.L và cuốn
sách của Vũ Kiêm Ninh là thực sự bổ ích đối với tôi1.
1.2. Tổng quan về châu thổ Bắc Bộ và làng Việt
1.2.1. Tổng quan về châu thổ Bắc Bộ
Sở dĩ chúng tôi trình bày về châu thổ Bắc Bộ bởi chỉ làng Việt ở Bắc Bộ mới
có cổng.
Hiện nay về địa lí tồn tại ba khái niệm: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Riêng về
ranh giới của Bắc Bộ hiện có nhiều cách hiểu khác nhau. Đinh Gia Khánh quan niệm
Bắc Bộ bao gồm cả Thanh Hóa; Trung Bộ được tính từ Nghệ Tĩnh đến hết Bình
Thuận. Nguyễn Chí Bền lại quan niệm Bắc Bộ bao gồm đến hết Nghệ Tĩnh. Lê Bá
1


Ngoài các tài liệu mà chúng tôi đã đề cập, còn có bài trên các trang Webside của tác giả Mai Linh, Hồng

Vân, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, họa sĩ Nguyễn Định Long, Quách Đông Phương, Bùi Thế Tâm (người
làng Thổ Hà) …... Đây không phải là những bài nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành. Ở đây chủ yếu các
tác giả nêu lên sự tiếc nuối cổng làng xưa, trăn trở về kiến trúc nông thôn còn ngổn ngang, trong đó cổng
làng cũ mất đi, cổng làng có khi được xây mới nhưng phản cảm với truyền thống thẩm mĩ của cộng đồng.
Cũng có bài cung cấp thông tin về việc khởi công xây cổng mới.

15


Thảo quan niệm Bắc Bộ là đến hết Ninh Bình [97]. Vùng châu thổ Bắc Bộ còn được
gọi là châu thổ sông Hồng. Chúng tôi quan niệm Bắc Bộ là được tính từ các tỉnh phía
Bắc đến hết tỉnh Ninh Bình. Như vậy, châu thổ Bắc Bộ là phần đồng bằng của Hà
Nội, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ,
Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình.
Vùng châu thổ Bắc Bộ có lịch sử lâu đời. Năm 1991 dân số khoảng 14 - 15
triệu người, cứ bình quân trên 1 km2 có gần 1000 người sinh sống, trong khi đó mật
độ bình quân cả nước là 192 người/km2.
Do đất chật người đông, cư dân châu thổ Bắc Bộ rất cần cù và là những
người tài giỏi trong nghề trồng lúa. Bên cạnh nghề nông nhiều nghề thủ công đã
phát triển như nghề mộc, nghề nề, nghề đan lát, nghề thêu, nghề gốm..v..v..
Việc đô thị hóa ở châu thổ Bắc Bộ diễn ra rất chậm chạp và rất ít có đô thị
lớn. Trong lịch sử đã từng có các đô thị Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên (sau là Thăng
Long - Đông Đô - Hà Nội), Vân Đồn, Phố Hiến nhưng chỉ có Thăng Long là đô thị
bền vững. Tuy nhiên xét đến cùng, trong Thăng Long xưa vẫn tồn tại nhiều yếu tố
của văn hóa làng. Sở dĩ như vậy là vì đô thị đích thực phải là kết quả của sự phát
triển công nghiệp, thương nghiệp, còn trước đây châu thổ sông Hồng về căn bản
vẫn là một vùng nông nghiệp tự cung, tự cấp.

Do điều kiện tự nhiên châu thổ thấp úng, bờ biển lầy lội, chịu ảnh hưởng
mạnh mẽ của thủy triều và rất thuận tiện cho việc canh tác lúa nước, nhưng khó
giao lưu buôn bán, nhất là buôn bán với những nước xa xôi qua cảng biển, người
Việt Bắc Bộ ngại lên rừng, ngại ra khơi, chỉ quen với việc khai thác đồng bằng châu
thổ. Một số đô thị cổ thực chất là những thành quách, là trung tâm hành chính hơn
là trung tâm buôn bán, sản xuất hàng hóa. Cảng Vân Đồn thực chất là nơi thu thuế.
Do tâm lí bài ngoại của triều đình quân chủ, Phố Hiến cũng suy tàn với những chính
sách “bế quan tỏa cảng”. Bởi vậy, đến thế kỉ XIX, chỉ có Thăng Long - Hà Nội là
một đô thị, bên cạnh khu dinh thự của các quan, có những phố phường của người
thợ thủ công và người buôn bán (từ cuối thế kỉ thứ XVIII cho đến năm 1884, Hà
Nội mất vị trí của kinh đô, kinh đô chuyển về Huế). Tâm lí nông dân và chính sách

16


cai trị của nhà nước quân chủ tập quyền đã không tạo điều kiện cho Hà Nội phát
triển. Phải đến thời kì Pháp thuộc, đến sau ngày giải phóng thủ đô (1954) và sau
ngày thống nhất đất nước (1975) thì Hà Nội và một số thành phố và thị xã khác ở
Bắc Bộ mới được mở mang. Đặc biệt trong vài chục năm gần đây, tốc độ đô thị hóa
ở vùng châu thổ Bắc Bộ phát triển mạnh.
Châu thổ phù sa mầu mỡ là môi trường thuận tiện nhất cho việc phát triển
nghề trồng lúa nước. Dòng chảy của sông ngòi thường mạnh, đặc biệt là sông Hồng.
Người Pháp đã từng gọi sông Hồng là con sông đỏ bởi nó chuyên chở nhiều phù sa.
Trong khi đó các dòng sông ở miền Trung đều chảy chậm, nhiều khi nước trong đến
mức người ta có thể nhìn thấy cát sỏi ở dưới đáy sông. Tác giả Nguyễn Hữu Thông
đã có một nhận xét thú vị rằng, những dòng chảy như thế chỉ đem lại nhiều thi tứ,
giúp cho các văn nghệ sĩ sáng tác hay chứ không đem lại mùa màng bội thu [108].
Nghề trồng lúa là tiền đề cho sự tập trung dân cư. Dân cư đông đòi hỏi người ta phải
mở rộng diện tích đi đôi với thâm canh. Do đó con người phải can thiệp vào sự phát
triển của tự nhiên, của châu thổ, lấn biển để canh tác. Khi đất sa bồi tuy chưa nổi

hẳn nhưng đã đủ chắc, họ đắp đê ngăn lũ để trồng trọt ở cả những nơi sẽ bị ngập lụt
vào mùa mưa. Do dân số đông, người ta phải thực hiện phương châm “tấc đất, tấc
vàng”, khai thác triệt để từng vũng nước nhỏ để tát bắt tôm cá, từng bờ ruộng nhỏ
để cắt cỏ nuôi trâu.
Bên cạnh những thành tựu sản xuất khác, nghề trồng lúa nước ở châu thổ sông
Hồng đã đạt đến trình độ cao. Ở thế kỉ XI, giống lúa thắng hạn nổi tiếng gốc ở nước
ta nhập khẩu vào Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nông nghiệp lúa
nước trong đời sống nhà Tống [54]. Sứ giả Nguyên Mông đến nước ta năm 1291, ghi
nhận rằng ở châu thổ sông Hồng một năm lúa chín bốn lần.
Trong thời kì Bắc thuộc và sau đó, trong thời kì Đại Việt, việc tiếp thu và cải
biến các thành tựu văn hóa Trung Quốc và văn hóa Ấn Độ đã diễn ra trước hết và
chủ yếu ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Đến thời kì Pháp thuộc, vùng châu thổ Bắc Bộ
cũng lại là một trong những vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây nhiều
hơn cả.

17


Vì đã có bản sắc độc đáo từ thời kì văn hóa, văn minh Đông Sơn cho nên
trong thời kì Bắc thuộc và nhất là trong thời kì Đại Việt, tổ tiên ta đã biết
thâu hóa một cách chủ động, nhiều thành tựu văn hóa của Trung Quốc,
của Ấn Độ để làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc. Đến thời kì
Pháp thuộc nhiều thành tựu của văn hóa phương Tây đã hội nhập vào nền
văn hóa Việt Nam trên cơ sở thích nghi với bản sắc của nền văn hóa này
[54, tr.66-67].
Theo Đinh Gia Khánh, có thể nói rằng ở vùng châu thổ Bắc Bộ, phần lớn các
thành tựu văn hóa tiếp thu từ nước ngoài đã được Việt Nam hóa trước khi lưu hành
sang các vùng văn hóa khác. Là một vùng văn hóa lâu đời, vùng châu thổ Bắc Bộ
cũng là nơi phát sinh ra nền văn hóa bác học. Nền văn hóa này hình thành từ thế kỉ
thứ X và ngày càng phát triển trên cơ sở kết hợp những thành tựu của văn hóa dân

gian bản địa và những thành tựu văn hóa, nhất là văn hóa bác học, tiếp thu được từ
Trung Quốc và Ấn Độ. Sự phát triển của nền văn hóa bác học đi đôi với sự phát
triển của giáo dục. Ở châu thổ Bắc Bộ mà trung tâm là Thăng Long (nơi mà từ năm
1070 đã có Văn Miếu và năm 1076 đã có Quốc Tử Giám), việc giáo dục có truyền
thống lâu đời. Trong thời kì Đại Việt, số người đi học và thi đỗ ở châu thổ Bắc Bộ,
nếu tính theo tỉ lệ dân số thì cao hơn rất nhiều so với các nơi khác. Trong lịch sử
854 năm khoa cử Hán học, cả nước có 56 trạng nguyên thì đã có 52 người ở vùng
châu thổ Bắc Bộ [54, tr.67]. Dưới thời Pháp thuộc, nơi đây vẫn là nơi việc học hành
thi cử và các hoạt động khoa học, văn hóa nghệ thuật phát triển hơn các vùng khác.
Ở Bắc Bộ, không kể một số ít đô thị, thị trấn, người Việt chủ yếu sống ở
làng. Trong thời kì văn hóa Đông Sơn, khi người Việt cổ chuyển dần từ tổ chức bộ
lạc, tiến đến tổ chức quốc gia thì đơn vị cơ sở của xã hội chuyển dần từ công xã thị
tộc nguyên thủy sang công xã nông thôn:
Đến thời kì Đại Việt, các triều vua đã lồng vào công xã nông thôn ấy
tổ chức cơ sở của bộ máy nhà nước và công xã nông thôn trở thành làng
quê. Làng quê ở đồng bằng miền Bắc là một tổ chức kinh tế, chính trị,
quân sự và văn hóa hoàn chỉnh. Đó là tế bào của quốc gia Đại Việt. Dần

18


dần ở làng quê trong khi những truyền thống cộng đồng của công xã
nông thôn vẫn được duy trì, sự phân biệt đẳng cấp theo thể chế phong
kiến cũng xuất hiện dần dần. Hương ước, lệ làng đã tạo nên môi trường
xã hội và văn hóa, khuôn thức cho cuộc sống của dân làng [54, tr.73].
Về đặc điểm tự nhiên, lịch sử và kinh tế xã hội, Trung Bộ khác hẳn với Bắc
Bộ. Bắt đầu từ Thanh Hóa trở xuống đến các tỉnh khác của miền Trung, lãnh thổ
nào cũng hầu như gần ba phần tư là đồi núi. Việc đi lại ở các tỉnh miền Trung khó
khăn hơn so với giao thông ở đồng bằng Bắc Bộ. Phần chính của đồng bằng Thanh
Hóa là do phù sa của sông Mã và sông Chu bồi đắp. Đất của đồng bằng phù sa cũ có

độ phì nhiêu kém. Độ màu mỡ của đồng bằng sông Mã, sông Chu kém hẳn phù sa
sông Hồng, không những thế, dải đất ven biển lại pha trộn trầm tích, nhiều nơi là
đất mặn và đất cát. Đồng bằng Nghệ Tĩnh tuy chạy thành một dải nhưng thực tế là
do nhiều mảnh đồng bằng nhỏ hợp lại, đất đai không được phì nhiêu bằng các đồng
bằng châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ. Ở đồng bằng Nam Trung Bộ, diện tích không
đáng kể gồm nhiều cồn cát trắng bọc nhiều đầm lớn. Từ nam Khánh Hòa trở đi núi
đã tiếp giáp với biển, theo nhà địa lý Lê Bá Thảo, những đồng bằng ở cực nam
Trung Bộ đều nhỏ hẹp và gần như chỉ là những thành tạo do sông và biển bồi đắp
bám vào các thung lũng chân núi.
Một kiểu cảnh quan đồng bằng được cấu tạo chủ yếu bằng cát biển tự
nó nói lên sự khô hạn của đất đai. Các điều kiện khí hậu càng tăng thêm
sự khô hạn đó. Có thể nói ban đầu từ cực nam tỉnh Khánh Hòa cho đến
cuối tỉnh Bình Thuận, kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm đã bị thay thế
bởi kiểu khí hậu nhiệt đới khô hoặc nếu lấy kiểu thực vật mà xét thì đây
là kiểu khí hậu savan. Người ta cũng có thể coi đây là một “lõm khí hậu
đặc sắc ở ven biển” [97].
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu nước tưới
và người ta buộc phải chọn lọc để trồng phổ biến những loại cây có khả năng chịu
hạn.

19


Nếu tính Trung Bộ là từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận thì vùng đất
Trung Bộ đầu thời kì Đại Việt còn thuộc vương quốc Chăm pa. Người Việt phát
triển về phương Nam từ thế kỉ XI, bắt đầu bằng sự kiện vua Chiêm Thành nộp các
châu Địa Lí, Ma Linh (tức vùng Quảng Bình ngày nay) cho vua nhà Lý. Đến năm
1560, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa thì vùng đất từ đèo Ngang trở vào
được gọi là Đàng Trong thuộc quyền quản lí của chúa Nguyễn. Trong một thời gian
dài, Trung Bộ là vùng đất của vương quốc Chăm pa, nơi đây chứa nhiều dấu tích

văn hóa của người Chăm. “Khi người Việt đến sinh sống ở vùng này, họ đã tiếp
nhận di sản văn hóa Chăm và Việt hóa nhiều yếu tố văn hóa Chăm” [21, tr.306].
Trong văn hóa của người Việt ở vùng đồng bằng và ven biển Trung Bộ có những
yếu tố thuộc trong cội nguồn văn hóa Bắc Bộ, thí dụ tục thờ thần hoàng làng, những
lễ nghi nông nghiệp, nghi lễ động thổ, tục cúng thổ công, thổ địa. Bên cạnh đó lại
có những yếu tố văn hóa mới nảy sinh như bên cạnh làng nông nghiệp có sự tồn tại
đan xen của làng đánh cá, bên cạnh lễ hội đình của làng nông nghiệp lại có tín
ngưỡng thờ cá Ông của các làng nghề đánh cá, còn có lễ cúng đất ở Khánh Hòa, lễ
tá thổ ở Phú Yên. Đến Trung Bộ người Việt cũng sống thành làng. So với các làng
Việt ở Bắc Bộ, làng Việt miền Trung kém về bề dày lịch sử, dân cư thưa thớt hơn
nhiều và các tổ chức khác như phe giáp cũng không phong phú bằng. Chính trong
bối cảnh trên làng Việt ở Trung Bộ, không có cổng làng truyền thống.
Đến đây, chúng tôi xin được phân tích thêm ý kiến của ba vị GS quê ở miền
Trung là Phan Hữu Dật, Phan Đăng Nhật, Phan Đại Doãn. GS Phan Hữu Dật là
người Huế, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông là một
nhà dân tộc học. Ông rất có ấn tượng về cổng làng ở Bắc Bộ, bởi quê ông không có.
Trong hồi ức về thời niên thiếu, ông viết như sau:
Các làng miền Trung nước ta làm gì có cổng làng. Ở đồng bằng Bắc
Bộ, làng có cổng làng thực sự rất vững chắc. Muốn vào làng phải qua
cổng làng. Xung quanh làng rào kín mít, chủ yếu bằng các hàng cây tre
trồng xanh tốt. Ở làng tôi, người ngoài muốn vào ra ngả nào, chỗ nào
cũng được [20, tr.116].

20


Chúng tôi cho rằng, GS. Phan Hữu Dật dùng cụm từ “các làng miền Trung”
để chỉ các làng từ Quảng Bình trở vào. GS. TSKH Phan Đăng Nhật sinh năm 1931,
quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An. Yên Thành trước kia gọi là Đông Thành, là vùng
đất trù phú của xứ Nghệ. “Đông Thành là mẹ, là cha; đói cơm rách áo thì ra Đông

Thành” (phương ngôn xứ Nghệ). Lúc còn nhỏ, sống ở làng, ông thấy làng ông được
bao bọc bởi những lũy tre rất dày, chính ông nội của ông (người sinh ra nhà hoạt
động cách mạng Phan Đăng Lưu) đã cùng dân làng trồng lũy tre đó. Còn cổng làng
ông làm bằng rào tre, cất lên hạ xuống mỗi khi mở đóng. Cánh cổng làng vài chục
mét có điếm canh làm bằng gỗ, lợp rạ, có thể chứa được vài chục người, ban ngày
dân làng có thể đến đó ngồi chơi, tán chuyện, còn đến tối dân làng cử người luân
phiên ra đó canh gác.1 Qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng trước kia số cổng làng ở ba
tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh không nhiều và không tiêu biểu bằng cổng làng vùng châu
thổ sông Hồng. Do thiên nhiên ưu đãi, vùng châu thổ sông Hồng trù phú hơn vùng
Nghệ Tĩnh. Năm 1992, GS. Phan Đại Doãn viết về cái nghèo của quê ông như sau:
Tôi xin nói về vùng quê xứ Nghệ của tôi cách ngày nay ba bốn chục
năm, có thể coi là tiêu biểu cho bao vùng quê trong nước. Dầu cho các
sách báo ca ngợi rằng đây là nơi giàu đẹp đất đai phì nhiêu, nhưng đối
với tôi, cái nghèo và cái khổ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc chẳng thể
phai mờ. Vào mùa hè, bãi cát đầu làng ran rát bỏng đôi bàn chân không
giầy dép. Dây khoai gầy và héo ủ rũ trên vồng đất bạc màu trơ cát sỏi.
Người nông dân đầu tắt mặt tối, đen, khô, sắt lại đến giới hạn tận cùng.
Trẻ mục đồng đói bụng cồn cào, moi khoai sống mà không cần phải rửa
cạo, cứ xoa xoa phủi phủi rồi “ngạp” ngốn ngấu. Tôi thật sự thông cảm,
pha chút tủi buồn [22, tr.3].
Ở đâu cũng có người giàu, người nghèo, làng trù phú và làng khó khăn. Song
ở châu thổ Bắc Bộ, nhìn chung mức sống khá hơn, điều kiện vật chất tốt hơn ở

1

Tư liệu phỏng vấn GS.TSKH Phan Đăng Nhật ngày 13/7/2015

21



×