Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

BẮC NINH NHÌN lại 15 năm THU hút đầu tư nước NGOÀI NHỮNG điều CHỈNH CHÍNH SÁCH TRONG THỜI GIAN tới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (288.54 KB, 6 trang )

BẮC NINH NHÌN LẠI 15 NĂM THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
NHỮNG ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH TRONG THỜI GIAN TỚI
(Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến)
Nhìn lại 15 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) (1997-2012)
Tỉnh Bắc Ninh được tái lập ngày 1/1/1997. Với xuất phát điểm là một tỉnh
thuần nông, nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu, trải qua 15 năm xây dựng và phát
triển, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn và vượt bậc. Kinh tế
tăng trưởng ở mức cao với tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt trên 14%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng CNH-HĐH. Năm 1997 tỷ trọng
công nghiệp xây dựng chỉ chiếm 23,8% thì đến năm 2011 đã tăng lên 70,7%.
Thu ngân sách năm 2011 đạt trên 7.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu là 5,84 tỷ
USD, nhập khẩu 5,35 tỷ USD. Quy mô công nghiệp Bắc Ninh đứng vị trí thứ 9
trong toàn quốc. Bắc Ninh đang dần hiện thực hóa mục tiêu “cơ bản trở thành
tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015”
Thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự năng
động của lãnh đạo tỉnh, những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã huy động và thu hút có
hiệu quả dòng vốn FDI. Vốn FDI vào tỉnh liên tục tăng qua các năm, đặc biệt là
kể từ khi thống nhất Luật Đầu tư năm 2005 và đạt đỉnh điểm vào năm 2008. Nếu
như tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh chỉ có 4 dự án có vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 177,58 triệu USD, thì đến nay tính
đến hết tháng 8/2012 đã có 357 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỉ
USD. Nhiều tập đoàn xuyên quốc gia danh tiếng thế giới đã tiến hành đầu tư tại
tỉnh như: Samsung, Nokia, Hồng Hải, Canon, Pepsi Co,..
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã có vai trò quan
trọng, có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh. Trong bối
cảnh nguồn vốn đầu tư trong nước của tỉnh còn hạn chế, vốn FDI đã bổ sung
quan trọng vào tổng vốn đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh
tế. Đầu tư nước ngoài cũng đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp
của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Đóng vai trò quan trọng trong việc hình
thành nhiều ngành kinh tế công nghiệp mũi nhọn của tỉnh như: công nghiệp điện
tử, công nghiệp công nghệ cao; Góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh, tăng


cường kim ngạch xuất khẩu và ổn định cán cân thương mại của tỉnh; Góp phần
giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương và các tỉnh lân cận, nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tiếp cận với công nghệ hiện đại
và phương thức quản lý tiên tiến. Sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh
128


tế trong nước cũng đã góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, năng lực quản
lý kinh doanh tiên tiến; Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhiều ngành,
lĩnh vực dịch vụ cũng như sản phẩm mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực kể trên, hoạt động đầu tư vào tỉnh
Bắc Ninh còn bộc lộ những mặt hạn chế. Nhiều dự án lớn sử dụng nhiều đất,
nhiều lao động nhưng đóng góp vào ngân sách của tỉnh rất hạn chế. Do nền công
nghiệp phụ trợ của tỉnh còn yếu, vì vậy đa số các dự án FDI thuộc lĩnh vực sản
xuất các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh đều phải nhập khẩu linh phụ kiện,
thiết bị để lắp ráp, giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp và chủ yếu xuất phát từ
nguồn nhân công giá thấp; Hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra rất chậm
và không rõ nét; Nhiều dự án hoạt động không hiệu quả đã bị thu hồi giấy chứng
nhận đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến sức thu hút và môi trường đầu tư kinh
doanh của tỉnh; Tình trạng tranh chấp lao động và đình công còn diễn ra gây ảnh
hưởng không tốt đến môi trường đầu tư. Đã xuất hiện nguy cơ ô nhiễm môi
trường tại một số dự án. Một số dự án đầu tư trong nước chậm triển khai thực
hiện theo tiến độ đã cam kết, hoạt động kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi
trường….Một số tác động lan tỏa khác như: gia tăng cạnh tranh, thúc đẩy cải
tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đối với khu
vực doanh nghiệp trong nước, hay việc hình thành chuỗi cung ứng và liên kết
giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế và chưa
được rõ nét.
Chất lượng dòng vốn đầu tư vào tỉnh chưa cao và bộc lộ một số mặt tiêu
cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là những bất cập trong hệ thống

chính sách pháp luật về đầu tư: chồng chéo, thay đổi nhanh, thiếu đồng bộ, thiếu
nhất quán. Việc thu hút FDI trong những năm qua còn chạy theo lượng vốn đăng
ký, chưa chú trọng đến việc thu hút có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng
và hiệu quả của dòng vốn đầu tư. Thứ hai là công tác phối hợp giữa các sở,
ngành ở địa phương và giữa địa phương với trung ương trong công tác quản lý
nhà nước về FDI trong thời gian qua vẫn còn chưa được chặt chẽ; Công tác hậu
kiểm dự án đầu tư chưa được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó còn có một
vài nguyên nhân cơ bản khác như: hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa
đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là hệ thống cấp điện, nước, hệ
thống đường giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu
công nghiệp; Sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh còn rất hạn
chế dẫn tới chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu và linh kiện đầu vào cho
hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI, do đó các dự án FDI đều phải
129


nhập khẩu phần lớn các linh phụ kiện đầu vào làm tăng chi phí, giảm hiệu quả
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu về tham gia
chuỗi giá trị toàn cầu; Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà
đầu tư nước ngoài; Công tác xúc tiến đầu tư chưa đạt hiệu quả…
Điều chỉnh chính sách thu hút FDI:
Từ thực trạng đó, tỉnh Bắc Ninh đã bắt đầu có những động thái điều chỉnh
về chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh với mục tiêu nâng cao chất
lượng dòng vốn, nhằm phát huy hiệu quả đóng góp đối với nền kinh tế của tỉnh.
Việc điều chỉnh chính sách thu hút của Bắc Ninh nằm trong khuôn khổ chỉ đạo
về chính sách của Chính phủ. Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 07/4/2009 của
Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài trong thời gian tới đã chỉ rõ: “Thu hút đầu tư nước ngoài có định hướng và
có chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng: công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ;
phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát

triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; sử dụng tiết kiệm và hiệu
quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao;
các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội
(khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vac-xin, sinh phẩm), bảo đảm môi
trường và an ninh quốc gia…”.
Ngày 19/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ chị số 1617/CT-TTg về
việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước
ngoài trong thời gian tới. Chỉ thị số 1617/CT-TTg đã đưa ra 4 định hướng trong
thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2020, trong đó trọng tâm là định
hướng nâng cao chất lượng vốn ĐTNN, thu hút chọn lọc và tập trung vào một số
lĩnh vực: công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp,
dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa
học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng…
Trên tinh thần đó, với mục tiêu đưa Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công
nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015, hướng tới trở thành trung tâm công
nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao của cả nước, tỉnh Bắc
Ninh xác định tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước,
đồng thời điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh theo định hướng chọn
lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư, xây dựng danh mục lĩnh vực
hạn chế đầu tư nhằm nâng cao chất lượng của dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu
lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, nâng cao chất lượng
và hiệu quả thực hiện của các dự án đầu tư. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc
130


Ninh XVIII đã chỉ rõ: “Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc các
dự án có công nghệ cao, suất đầu tư lớn, tiết kiệm sử dụng đất, tạo nguồn thu
ngân sách cao, thân thiện với môi trường, ổn định và giải quyết nhiều việc làm ở
các trình độ khác nhau”.
Ngày 7/11/2011, Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã ban hành Kết luận số 29-KL/TU của

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
và phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới. Kết luận số 29-KL/TU đã thể
hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc điều chỉnh chính sách
thu hút ĐTNN của tỉnh trong thời gian tới: “Ưu tiên thu hút các dự án có công
nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài
nguyên, đất đai, tạo điều kiện tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong
nước; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên tinh thần
khuyến khích tỷ lệ nội địa hoá cao, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có
lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa học và
công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút có chọn lọc
công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng,
luyện kim, hoá chất; ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm có lợi thế cạnh
tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn
cầu”.
Một số giải pháp đang triển khai thực hiện
Một là tỉnh Bắc Ninh lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên thu hút ĐTNN theo
định hướng “sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có
hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai”, tập trung vào các lĩnh vực
sau:
- Công nghiệp công nghệ cao;
- Công nghiệp điện tử với các sản phẩm chủ lực: Điện thoại di động; Máy
tính bảng; Máy chủ (server), máy tính xách tay, máy tính để bàn, các linh kiện
thiết bị máy tính như: thẻ nhớ, bộ nhớ trong, bộ nhớ ngoài, bộ nhớ đệm, bộ xử lý
trung tâm (chip máy tính), các loại main, bảng mạch máy tính; Máy ảnh, máy
quay camera, linh kiện máy ảnh, máy quay camera; Các sản phẩm điện tử văn
phòng; Các sản phẩm điện tử gia dụng cao cấp.
- Công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp điện tử và công nghiệp công nghệ
cao
- Công nghiệp năng lượng sạch bao gồm: sản xuất điện từ rác thải, năng
lượng mặt trời.

131


- Phát triển cơ sở hạ tầng: giao thông, điện, nước, xử lý rác nước thải và rác
thải,
- Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo
hiểm, dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, cung cấp phần mềm và giải pháp,
R&D,......Giai đoạn 2020 -2030 và tầm nhìn 2030-2050 sẽ điều chỉnh nâng dần
tỷ trọng vốn FDI trong ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Hai là triển khai thực hiện cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi thu hút đầu tư
nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh. Cơ chế chính sách hỗ
trợ, ưu đãi bao gồm: Hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch
cho nhà đầu tư; Khuyến khích các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm
công nghiệp xây dựng sẵn các nhà xưởng tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai
dự án; Hỗ trợ nhà đầu tư cung ứng và đào tạo lao động; Đối với các dự án có
quy mô lớn (vốn đầu tư từ 1500 tỷ trở lên), sử dụng công nghệ cao, ngoài các ưu
đãi theo quy định chung của chính phủ, nhà đầu tư được UBND tỉnh xem xét hỗ
trợ xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc thù trình Thủ tướng Chính phủ chấp
thuận.
Ba là xây dựng danh mục các lĩnh vực hạn chế thu hút đầu tư và thực hiện
áp dụng hàng rào kỹ thuật (điều kiện) đối với các dự án đầu tư thuộc danh mục
lĩnh vực hạn chế đầu tư. Các điều kiện đầu tư được áp dụng khi đầu tư vào các
lĩnh vực hạn chế nêu trên bao gồm: điều kiện về vốn đầu tư tối thiểu (20 tỉ đồng
đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp và tối thiểu 30 tỉ đồng đối với dự
án đầu tư trong khu công nghiệp, trong đó nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu
không thấp hơn 50% tổng vốn đầu tư của dự án); Điều kiện về suất đầu tư tối
thiểu theo quy định chung của tỉnh; Điều kiện về công nghệ sử dụng trong dự
án, theo đó Nhà đầu tư phải có hồ sơ giải trình về công nghệ sử dụng đảm bảo là
công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; Điều kiện về năng lực
của Nhà đầu tư đảm bảo đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án; Một số

điều kiện khác như: nhà đầu tư phải lập cam kết đảm bảo thực hiện dự án, ký
quỹ hoặc bảo lãnh của tổ chức cấp vốn...
Bốn là, nhằm đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động và nâng tỷ
trọng của vốn FDI vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước),
tỉnh tiếp tục khuyến khích đầu tư theo hình thức BT, BOT, đồng thời chỉ đạo
nghiên cứu và triển khai mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) theo Quyết định
số 71/2010 ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

132


Năm là nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định cấp, điều chỉnh
Giấy chứng nhận đầu tư. Việc cấp Giấy CNĐT phải đảm bảo các yêu cầu như:
Sự phù hợp của lĩnh vực đầu tư đối với hệ thống quy hoạch của địa phương, quy
hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành..; hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật của
dự án phải bằng hoặc cao hơn hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, công
nghệ sử dụng trong dự án phải là công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi
trường....
Sáu là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư sau
cấp phép, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của
pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án đầu tư; tiến
hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án
chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện;
Bảy là đối mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Chú trọng
các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ theo định hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tăng
cường công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển
khai thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp Giấy CNĐT.
Tám là tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ
tục đầu tư, xây dựng, thúc đẩy nhanh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh, duy trì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở nhóm dẫn đầu.

Phát triển bền vững là mục tiêu trong dài hạn và là mối quan tâm hàng đầu
của tỉnh Bắc Ninh. Tăng trưởng kinh tế đóng vai trò quan trọng cho quá trình
theo đuổi mục tiêu này. Sự phát huy có hiệu quả và kết hợp hài hòa giữa nguồn
lực trong và ngoài nước là những nhân tố chính đẩy nhanh tiến trình tăng trưởng
kinh tế. Đối với tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước
ngoài đã chứng minh được những đóng góp quan trọng của nó đối với tăng
trưởng kinh tế của tỉnh. Nó đã và đang trở thành động lực tiếp sức cho Bắc Ninh
thực hiện các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc điều chỉnh chính sách
nâng cao chất lượng dòng vốn ĐTNN vào thời điểm thích hợp sẽ góp phần phát
huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực của ĐTNN, đồng thời đóng
góp cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.

133



×