UBND HUYỆN THÁP MƯỜI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 590/HD-PGDĐT.NV
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Tháp Mười, ngày 01 tháng 9 năm 2015
HƯỚNG DẪN
Tổ chức và hoạt động của tổ Tư vấn học đường
trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tháp Mười
__________
Thực hiện Hướng dẫn số 69/HD-SGDĐ ngày 20/8/2015 của Sở GDĐT
Đồng Tháp về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ Tư vấn học đường
trong các cơ sở giáo dục tỉnh Đồng Tháp;
Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục trong huyện đã quan tâm đầu tư và tổ chức phòng
Tư vấn học đường với các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động của các phòng, tổ
Tư vấn học đường chỉ dừng lại ở việc tư vấn học tập và định hướng nghề nghiệp,
tư vấn cho đối tượng học sinh (HS) ngoan là chủ yếu.
Từ thực trạng trên và kết quả Hội nghị trực tuyến “Củng cố và phát huy
hiệu quả mô hình tư vấn học đường” do Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GDĐT) tổ
chức vào ngày 21 tháng 4 năm 2015;
Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ Tư vấn
học đường trong các cơ sở giáo dục huyện Tháp Mười với các nội dung sau:
I. Khái quát về Tư vấn học đường
Tư vấn học đường (TVHĐ) là khoa học ứng dụng những kiến thức tâm lí học để
giải quyết những vấn đề khó khăn xuất hiện trong học tập, rèn luyện và đời sống của
HS. Hoạt động tư vấn học đường giúp HS đang gặp khó khăn về các vấn đề tâm sinh lý
khác nhau nảy sinh trong học tập, trong rèn luyện, trong hoạt động hướng nghiệp, trong
các mối quan hệ (với bạn bè, thầy cô, người thân), lúng túng về tình yêu tuổi học trò,…
ở bất kỳ thời điểm nào.
Công tác TVHĐ còn là hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ HS giải quyết các
khó khăn trong đời sống tâm lý một cách hiệu quả đồng thời cũng giúp phòng ngừa
một cách hiệu quả và kịp thời những tác động tiêu cực có thể gây bất ổn, ảnh
hưởng đến chất lượng học tập và cuộc sống của các em; ; là chỗ dựa tinh thần, giúp
các em HS giải tỏa những ức chế tâm lý, hạn chế trạng bạo lực học đường, suy đồi
đạo đức trong HS.
Chức năng TVHĐ là hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh trong việc
vận dụng kiến thức tâm lý học và giáo dục học để nâng cao chất lượng giáo dục
toàn diện, để dự phòng, từ đó ngăn chặn sự phát triển không lành mạnh về sức
khỏe tinh thần ở HS; Trực tiếp tìm hiểu, can thiệp sớm với những trường hợp mới
chớm có dấu hiệu rối nhiễu; là cầu nối hỗ trợ phụ huynh, chuyển HS đến những cơ
sở trị liệu chuyên biệt hơn nếu cần thiết; Cung cấp thông tin hướng nghiệp và tư
vấn hướng nghiệp cho HS.
Các thành viên Tổ TVHĐ sẽ thực hiện các chức năng tư vấn và hỗ trợ cho HS,
trực tiếp tại phòng tư vấn và qua các kênh điện thoại, email, facebook, hộp thư, ......
Cần nhìn nhận TVHĐ không nhất thiết phải đợi “có vấn đề” thì mới bắt tay
vào; các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, giáo dục đạo đức cho các em...
cũng là một cách tư vấn rất tốt. Tập trung thực hiện tư vấn các nội dung như: Tư
vấn tâm lý, tư vấn các mối quan hệ trong xã hội, tư vấn lứa tuổi vị thành niên, tâm
lý học giới tính và sức khỏe sinh sản, tâm lý gia đình, tâm lý học nghề và những
vấn đề của xã hội hiện đại, tư vấn phương pháp học tập tốt, kỹ năng sống...”. Đặc
biệt cần chú ý đến đối tượng học sinh còn hạn chế về nhận thức, học sinh chưa
ngoan.
II. Tổ chức và hoạt động của Tổ TVHĐ
1./ Về tổ chức
- Mỗi đơn vị thành lập Tổ TVHĐ, được bổ sung thành phần phù hợp đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ ngay từ đầu năm học. Tổ TVHĐ hoạt động dưới sự lãnh đạo
điều hành của Hiệu trưởng, Bí thư Chi/đảng bộ bộ phận, Chủ tịch Công đoàn và Bí
thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của đơn vị.
Thành phần Tổ TVHĐ gồm có:
+ Phó Hiệu trưởng phụ trách phong trào làm Tổ trưởng;
+ Tổng phụ trách Đội làm Tổ phó thường trực;
+ Một số giáo viên, Cha mẹ học sinh có uy tín, tâm huyết và kinh nghiệm giáo
dục, hiểu biết sâu rộng về tâm lý lứa tuổi làm Thành viên phụ trách nhóm vấn đề;
- Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là GVCN các lớp; Trưởng Ban đại diện
CMHS lớp; Chi đội trưởng, Các câu lạc bộ tronbg nhà trường ….(như CLB âm
nhạc, CLB cờ, CLB "Ống kính học đường".......)
2./ Xây dựng kế hoạch hoạt động
Sau khi có Quyết định thành lập, các thành viên trong Tổ TVHĐ phải họp
bàn và xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể về thời gian, hình thức, nội dung.......
3./ Nguyên tắc hoạt động
- Học sinh đến tư vấn trên cơ sở tự nguyện.
- Luôn tôn trọng học sinh được tư vấn.
- Mọi thông tin của học sinh tư vấn hoàn toàn được bảo mật.
- Phương châm hoạt động “Luôn lắng nghe, tôn trọng và bảo mật”.
4./ Hình thức và phương pháp tư vấn
a. Hình thức
- Tư vấn đơn lẽ theo yêu cầu của từng học sinh được bảo mật tuyệt đối.
- Tư vấn cho nhóm, có cùng nhu cầu trực tiếp tại phòng tư vấn
- Tư vấn cho tập thể khi trường cần cung cấp thông tin, định hướng thông tin,
điều chỉnh nhu cầu nhận thức cho tập thể lớp hoặc toàn trường tại lớp hoặc sân trường.
b. Phương pháp
Đối với từng hình thức, người tư vấn có phương pháp đáp ứng mục đích yêu
cầu riêng cho từng nội dung.
- Phương pháp tư vấn gián tiếp
+ Thông qua qua Email, hộp thư, các trang mạng xã hội, thông tin từ cộng tác
viên.... Tổ tư vấn sẽ tổng hợp các nội dung học sinh cần được tư vấn và hồi đáp cho
học sinh trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp cấn thiết các thành viên Tổ tư
vấn họp bàn để giải quyết kịp thời tránh những trường hợp phải giải quyết hậu quả.
+ Những nội dung tư vấn mà được nhiều học sinh quan tâm, cấp thiết thì Tổ
tư vấn có thể tư vấn theo nhóm hoặc qua bảng tin (tuy nhiên các thông tin của các
em học sinh sẽ được hoàn toàn bảo mật).
- Phương pháp tư vấn trực tiếp
Giáo viên tư vấn sẽ gặp gỡ, lắng nghe, chia sẽ với học sinh cần được tư vấn.
Từ đó đưa ra các định hướng giải quyết vấn đề cho học sinh. Lưu ý những trường
hợp đặc biệt các thành viên Tổ tư vấn cần trao đổi với nhau để có thể đưa ra
phương án tư vấn hiệu quả nhất cho học sinh.
5./ Đối tượng TVHĐ
Đối tượng phục vụ chính của công tác TVHĐ tại các cơ sở giáo dục là HS.
Các em đến với chuyên viên tư vấn (thầy cô giáo) không chỉ để giãi bày những
vướng mắc trong đời sống tâm hồn, trong quan hệ với cha mẹ, bạn bè…mà còn
muốn được cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, kỹ năng sống, định hướng
nghề nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, công tác TVHĐ còn có các đối tượng khác là các bậc phụ huynh,
các thầy cô giáo: phụ huynh thường tìm đến phòng TVHĐ để tham vấn cách giáo
dục con em mình tốt hơn; còn các giáo viên trong nhà trường thì đến tìm hiểu về
cách giải quyết các mâu thuẫn giữa các em học sinh trong lớp với nhau, hay cách
giáo dục các em học sinh chưa ngoan trong lớp…
6./ Các nhóm nội dung TVHĐ
Trên cơ sở tìm hiểu thực trạng tư vấn học đường, chúng tôi đề xuất một số
nhóm nội dung hoạt động của phòng tư vấn học đường, như sau:
- Tư vấn về các vấn đề tâm sinh lý, sức khỏe, tâm lý học đường: Tình yêu,
giới tính, quan hệ với bạn khác giới và vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, sức
khoẻ học đường.....
- Tư vấn học tập - hướng nghiệp: Cán bộ TVHĐ giúp HS giải quyết những
vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập: động cơ, ý chí, thái độ, cảm xúc học tập,
phương pháp học tập chủ động, kinh nghiệm ôn thi hiệu quả,…Ngoài ra, giúp HS
hiểu rõ về nghề nghiệp mà mình lựa chọn, nhận thức được những yêu cầu nghề để
các em tự nhận biết được mình có phù hợp với nghề mình định lựa chọn không.
- Tư vấn chế độ chính sách: Cán bộ TVHĐ giúp HS hiểu đầy đủ về chế độ
chính sách xã hội (miễn giảm học phí), học bổng tài trợ, học bổng khuyến khích
học tập, theo quy định của nhà nước; Tư vấn chính sách chăm sóc sức khỏe theo
quy định y tế học đường, được tạo điều kiện hoạt động, tham gia các phong trào
văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, được đảm bảo an toàn trong trường học; Tư
vấn cho người học hiểu biết và tôn trọng pháp luật, thực hiện tốt chính sách, chủ
trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tư vấn cho người học hiểu biết về việc
được tham gia vào những hoạt động Đội, Đoàn, Hội.
- Tư vấn các mối quan hệ xã hội: Quan hệ, giao tiếp, ứng xử với gia đình,
bạn bè, thầy trò, đạo đức lối sống, kỹ năng sống.....
- Tư vấn rèn luyện đạo đức học sinh: Quy định về thi đua khen thưởng, kỷ luật
học sinh trong nhà trường, việc thực hiện nội quy trường nội quy lớp học, cách đánh giá
xếp loại học lực, hạnh kiểm, về truyền thống phát triển của nhà trường, lịch sử phát
triển của địa phương, các di tích văn hóa lịch sử địa phương, ….
7./ Chế độ hội họp và báo cáo
- Mỗi học kỳ Tổ TVHĐ họp 2 lần để báo cáo tình hình và đề xuất các giải
pháp, kế hoạch hoạt động cho thời gian tới. Ngoài các cuộc họp định kỳ, Tổ trưởng
có thể triệu tập họp đột xuất nếu cần thiết.
- Mỗi năm học Tổ TVHĐ báo cáo tình hình hoạt động định kỳ về Phòng
GDĐT qua tổ Nghiệp vụ-KTrCM 2 lần (Phòng Giáo dục tổng hợp báo cáo về Sở
GDĐT) theo thời gian báo cáo sơ kết và tổng kết năm học. Ngoài ra, tổ TVHĐ còn
chịu trách nhiệm báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
8./ Kinh phí hoạt động và chế độ cho tổ TVHĐ
Hoạt động của các thành viên Tổ TVHĐ trên cơ sở tự nguyện, tình nguyện
và nhiệt huyết của bản thân không có chế độ riêng cho cá nhân cũng như kinh phí
hoạt động của Tổ. Các đơn vị tuỳ theo điều kiện và khả năng có thể vận động xã
hội hoá từ các nguồn lực để chi kinh phí hoạt động cho Tổ và chế độ cho các thành
viên Tổ TVHĐ.
9./ Thời gian hoạt động (nhiệm kỳ) của Tổ TVHĐ
Thời gian hoạt động của Tổ TVHĐ là 01 năm, được tính từ khi Quyết định
thành lập được công bố cho đến khi có Quyết định thành lập Tổ TVHĐ năm học tiếp
theo (Khi xây dựng kế hoạch hoạt động Tổ TVHĐ cần chú ý đến hoạt động trong hè).
* Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của công tác TVHĐ ở
các trường hiện nay
- Mỗi trường cần khẩn trương củng cố lại Tổ TVHĐ, sắp xếp, bố trí lại các
phòng TVHĐ cho phù hợp; Phổ biến về mục đích, nội dung hoạt động của phòng
TVHĐ cho thầy cô giáo, HS, CMHS,…hiểu và có cái nhìn đúng đắn với những
học sinh tìm đến tư vấn.
- Tổ TVHĐ cần có xây dựng mạng lưới cộng tác viên là giáo viên chủ
nhiệm, cán bộ lớp, cán bộ đoàn thể,… để nắm bắt tình hình nhằm chủ động tư vấn
hay tư vấn phòng ngừa; không thụ động chờ các em tự đến nhờ tư vấn.
- Thành viên phụ trách TVHĐ thường xuyên chủ động giới thiệu đến HS
hoạt động của công tác tư vấn tâm lý, trả lời thắc mắc của các em…. tạo cho người
học có nhu cầu và kích thích nhu cầu sử dụng tư vấn tâm lý học đường để nâng cao
chất lượng cuộc sống, học tập của các em.
- Nơi có điều kiện bố trí một phòng TVHĐ ở nơi kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải
mái, gần gũi cho các em khi đến liên hệ, không dùng chung với các phòng khác; Bổ
sung trang bị một số sách, báo mà HS ưa thích trong phòng này. Khuyến khích các cơ
sở giáo dục trang bị thêm các thiết bị trong phòng tư vấn để hỗ trợ cho công tác tư vấn
như tivi, đầu đĩa, các đoạn video nói về các học sinh vượt khó học giỏi ….
- Ngoài việc tư vấn riêng khi HS có nhu cầu, cán bộ tư vấn cần tổ chức các
buổi nói chuyện, hội thảo để tư vấn chung cho các em (tư vấn truyền thông) và tạo
điều kiện để các em được đối thoại.
- Tổ tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài nhà
trường khi thấy cần thiết có sự hỗ trợ đặc biệt.
- Không chỉ tư vấn cho HS mà còn phải tư vấn cho cả CMHS để họ biết
cách quản lý con em mình và phát hiện sớm những tâm tư, biểu hiện của các em thì
việc tư vấn cho các em mới thực sự hiệu quả.
- Cán bộ phụ trách là tư vấn phải thân thiện, khéo léo gợi mở để người được tư
vấn tự nhiên “trải lòng” và phải giữ bí mật thông tin mà họ tiết lộ. Để HS chủ động đến
với phòng TVHĐ và chia sẻ, đội ngũ tư vấn viên phải sắm tròn 2 vai, vừa là thầy cô,
vừa phải là bạn, có như vậy các em mới tin tưởng, đồng cảm để chia sẻ những điều
khúc mắc. Ngoài ra, cần xây dựng quan hệ lành mạnh với đồng nghiệp, CMHS và HS.
- Các thành viên Tổ TVHĐ thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức hoạt
động TVHĐ; Trực tiếp tham mưu cho nhà trường về các nội dung liên quan đến
công tác tư vấn trường học và chủ động thực hiện công tác, trong đó có 3 hoạt
động cơ bản gồm: Tư vấn trực tiếp cho HS, thầy cô giáo, CMHS bằng nhiều hình
thức (tư vấn cá nhân hoặc theo nhóm tại phòng tư vấn, tư vấn chuyên đề tại lớp
học, hội trường, sân cờ, hoặc tại gia đình); Tư vấn gián tiếp thông qua hộp thư,
hộp thư điện tử, điện thoại và mạng xã hội: facebook, yahoo, gmail, zalo; Tổ chức
tập huấn về chuyên môn tư vấn, tâm lý, hướng nghiệp, cho thầy cô giáo, CMHS;…
Trên đây là hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Tổ TVHĐ trong các cơ sở
giáo dục trên địa bàn huyện. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện,
mọi vấn đề cần trao đổi, xin liên hệ về phòng GDĐT (qua tổ Nghiệp vụ-KTrCM)
để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
TRƯỞNG PHÒNG
- Các trường trực thuộc (để th/h);
- Lãnh đạo Phòng GDĐT(b/c);
- TT các tổ PGD(p/h)
- Lưu: VT, NV (Kh,Tr,Ng,H).
Lê Ngọc Ảnh