Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Phân tích quy chế pháp lí của đảo và các công trình nhân tạo theo quy định của UNCLOS 1982

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110.35 KB, 10 trang )

Phân tích quy chế pháp lí của đảo và các công trình nhân tạo theo quy định
của UNCLOS 1982
Với những tiến bộ của loài người, sự phát triển của khoa học công nghệ, áp lực từ
việc gia tăng dân số chưa từng có và ngày càng nhiều hoạt động tăng cường của con
người ở biển, thì vấn đề đảo nhân tạo dường như trở nên càng quan trọng hơn. Việc
xây dựng các đảo và công trình nhân tạo liên quan tới chủ quyền quốc gia, quyền tài
phán biển, phân định biên giới biển, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên
biển mà nếu không được giải quyết đúng cách, có thể trở thành một điểm nóng mới
trong tranh chấp và xung đột quốc tế.
Xuất phát từ nhận thức đó, em xin trình bày đề tài: “Phân tích quy chế pháp lí của
đảo và các công trình nhân tạo theo quy định của UNCLOS 1982”. Do dung
lượng có hạn nên em xin tập trung trình bày về quy chế pháp lí của đảo nhân tạo và
các công trình nhân tạomà không đề cập tớiđảo tự nhiên.
Nội Dung
1.Khái niệm đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo
Xuất phát từ học thuyết thềm lục địa, từ lâu người ta đã công nhận thẩm quyền của
quốc gia ven biển xây dựng các cấu trúc nhân tạo nhằm mục đích thăm dò và khai
thác tài nguyên thiên nhiên của mình trên thềm lục địa của mình nhưng các cấu
trúc này không có quy chế đảo. Tại Hội nghị Pháp điển hoá Luật pháp quốc tế
Lahay 1930, đại diện của Đức đã đề nghị nếu một đảo nhân tạo có người ở thì sẽ
được hưởng quy chế đảo nhưng Hội nghị đã bác bỏ . Từ đó, không có quốc gia nào
đề nghị các cấu trúc nhân tạo có quy chế đảo nữa.
Trong luật pháp quốc tế, định nghĩa “đảo nhân tạo” và “công trình nhân tạo” chưa
được quy định rõ ràng. Cho đến nay, chưa có một định nghĩa nào về đảo nhân tạo và
công trình nhân tạo được các quốc gia chấp nhận rộng rãi.


Theo Bách khoa toàn thư về công pháp quốc tế, đảo nhân tạo được định nghĩa là
“những cấu trúc được tạo ra bằng cách đặt/đổ lên các vật chất tự nhiên như sỏi, cát
và đá”; còn các công trình nhân tạo được định nghĩa là “những cấu trúc cố định hay
tạm thời được gắn với đáy biển bằng hệ thống chân cọc”.Hai định nghĩa học thuật


này có một số ý nghĩa pháp lý, nhưng không thể bao trùm hết tất cả các loại đảo
nhân tạo và công trình lắp đặt nhân tạo.
Theo tính toán của Papadakis, có rất nhiều loại đảo nhân tạo như thành phố trên
biển (cố định hoặc nổi), đảo nhân tạo phục vụ phát triển kinh tế, chẳng hạn như đối
với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, đảo nhân tạo công nghiệp, đảo
nhân tạo phục vụ đánh bắt cá, các công trình xây lắp nhân tạo để phát triển các
nguồn lực phi tự nhiên như cứu hộ hoặc khảo cổ học, nhà máy điện; các công trình
nhân tạo phục vụ giao thông vận tải, chẳng hạn như bến tàu nổi, nhà kho, sân bay
nổi; các công trình phục vụ nghiên cứu khoa học và dự báo thời tiết; các công trình
phục vụ giải trí; và các căn cứ quân sự.
Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc chỉ đưa ra định nghĩa về “đảo”; không
có định nghĩa về “đảo nhân tạo”. Tuy vậy, để xác định thế nào là đảo nhân tạo,
người ta có thể suy ra từ định nghĩa “đảo” trong Công ước luật biển 1982. Theo
Công ước, “đảo” tự nhiên là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh là
nước và nổi trên mặt nước khi thủy triều lên. Như vậy, những đảo không phải là
vùng đất, không được nước biển bao quanh, chỉ nổi lên trên mặt nước khi thủy triều
lên nhờ những công trình xây dựng của con người thì được coi là các đảo nhân tạo,
không phải là đảo tự nhiên.
Các công trình nhân tạo nhìn chung không được coi là đảo vì chúng rõ ràng không
phải là các vùng đất được hình thành một cách tự nhiên. Cả Công ước 1958 về
Lãnh hải và Công ước Luật biển 1982 đều không ghi nhận quy chế đảo cho các
công trình thuộc loại này. Điều 5 khoản 4 của Công ước 1958 về Thềm lục địa quy
định chế độ pháp lý của các công trình này như sau: “Các công trình và thiết bị này


thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, nhưng không có qui chế như các đảo,
không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc xác
định biên giới lãnh hải của quốc gia ven biển.”
Mặc dù Công ước Luật Biển không có một định nghĩa nào về đảo nhân tạo, nhưng
lạiđưa ra nhiều quy định về quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo và công trình

nhân tạo.
2. Quy chế pháp lí của đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo theo quy định của
UNCLOS 1982
2.1. Các quy định về quyền xây dựng các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo trên
biển
Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, theo Điều 60 và 80 của
Công ước luật biển 1982, các quốc gia ven biển được quyền xây dựng, cho phép
xây dựng cũng như quy định về việc xây dựng, vận hành và sử dụng các đảo nhân
tạo và các công trình nhân tạo phục vụ cho mục đích kinh tế hoặc thực hiện các
quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong khu vực biển đó (Khoản 8). Các quốc
gia ven biển có quyền tài phán hoàn toàn đối với các đảo nhân tạo và công trình
nhân tạo, bao gồm cả thẩm quyền về hải quan, tài chính, y tế, an ninh và nhập cư
(Khoản 2).Ngoài ra, theo Điều 87 của Công ước luật biển 1982 các quốc gia thành
viên Công ước cũng có quyền xây dựng đảo và công trình nhân tạo trên biển cả như
là một trong những quyền tự do khác ở đại dương với điều kiện tuân thủ phần VI
(Điểm e khoản 1).
Việc xây dựng đảo nhân tạo và công trình nhân tạo phải đáp ứng một số điều kiện
nêu trong Điều 60 Công ước luật biển 1982:
- Phải thông báo theo đúng thủ tục và phải duy trì các phương tiện thường trực để
báo hiệu sự có mặt của các đảo và công trình nói trên, khi không dùng đến nữa cần


được tháo dỡ để bảo đảm an toàn hàng hải, có tính đến những quy phạm quốc tế đã
được chấp nhận chung do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra (Khoản 3).
- Không được tiến hành tại những địa điểm có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử
dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế
(Khoản 7).
Trong khi thực hiện quyền tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình trên
biển cả, mỗi quốc gia phải tôn trọng lợi ích cũng như việc thực hiện quyền tự do
trên biển cả của các quốc gia khác cũng như của cả cộng đồng quốc tế.

2.2. Về việc xác lập vùng an toàn xung quanh các đảo nhân tạo và các công trình
nhân tạo
Công ước luật biển 1982 Khoản 8 Điều 60 quy định: “Các đảo, các công trình nhân
tạo không có quy chế pháp lý của đảo. Chúng không có lãnh hải và các vùng biển
riêng. Sự hiện diện của các đảo và công trình nhân tạo này không ảnh hưởng đến
việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Như vậy, các đảo
và công trình nhân tạo không tạo ra bất kỳ vùng biển nào xung quanh chúng, cũng
không có vai trò gì trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Nếu thấy cần thiết, các quốc gia ven biển có thể thiết lập vùng an toàn thích hợp
xung quanh các đảo và công trình nhân tạo đó và có thể tiến hành những biện pháp
thích hợp để bảo đảm an toàn của các đảo, các công trình nhân tạo cũng như an toàn
hàng hải (Điều 60 khoản 4 Công ước luật biển 1982). Tuy vậy, Điều 60 khoản 5
Công ước luật biển 1982 quy định những khu vực an toàn xung quanh đảo nhân tạo
không được vượt quá khoảng cách 500 mét “tính từ mỗi điểm của rìa ngoài của
chúng, trừ khi các điểm đó được công nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế hoặc theo
khuyến cáo của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền”. Phạm vi của khu vực an toàn
phải được thông báo theo đúng thủ tục quy định trong Công ước.


3. Một số tác động của việc xây dựng đảo nhân tạo và công trình nhân tạo đối với
việc phân định biên giới biển
Đối với việc phân định lãnh hải, “công trình cảng bền vững ở xa nhất mà tạo nên
một phần không thể tách rời của hệ thống cảng biển được coi như là một phần cấu
thành bờ biển”, nhưng những thiết lập xa bờ và các đảo nhân tạo không nên được
coi là “công trình cảng bền vững” . Đây là điều khoản giới hạn tác động của đảo
nhân tạo đối với việc phân định lãnh hải. Tuy nhiên, mặt khác, liên quan đến việc sử
dụng các đường cơ sở thẳng, Công ước Luật Biển lại quy định rằng: “Đường cơ sở
thẳng không được kéo đến hoặc kéo từ mực nước khi thủy triều hạ xuống trừ khi
các ngọn hải đăng hoặc các thiết lập tương tự luôn luôn ở trên mực nước biển đã
được xây dựng bên trên chúng hoặc ngoại trừ trường hợp đường cơ sở thẳng được

kéo đến hoặc từ điểm và từ mực nước như vậy đã được quốc tế công nhận” . Quy
định này chỉ ra rằng đảo nhân tạo và các thiết lập có thể đóng một số vai trò trong
phân định lãnh hải. Tất nhiên, liên quan đến việc phân định vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa, trừ một số vai trò trong việc xác định đường cơ sở thẳng mà căn cứ
vào đó để đo đạc vùng lãnh hải như đã đề cập ở trên thì đảo nhân tạo, về nguyên
tắc, không có bất kỳ vai trò gì vì chúng không có các quyền đối với vùng đặc quyền
kinh tế và/hoặc thềm lục địa như đã quy định trong Công ước Luật Biển.
Cùng với sự tăng dân số, trong tương lai người ta có thể sẽ xây dựng các đảo nhân
tạo có quy mô lớn hay thậm chí là các thành phố trên biển. Đầu những năm 70 của
thế kỷ trước, tại Vương quốc Anh đã có kế hoạch xây dựng một thành phố trên biển
đủ khả năng cho một cộng đồng tự trị khoảng 30.000 dân sinh sống . Các đảo nhân
tạo được xây dựng ở Dubai của Tiểu Vương Quốc Ả Rập ít nhiều đã một phần thực
hiện được kế hoạch ấy . Cũng đã có những đề xuất xây dựng sân bay mới trên biển.
Trên thực tế, một số sân bay châu Á đang được xây dựng ngoài biển . Với sự phát
triển của công nghệ, còn có thể xây dựng được sân bay giữa đại dương. Các cơ sở
hạ tầng nhân tạo hiện có cũng như đang được đề xuất có mối liên quan đến địa vị
pháp lý của đảo nhân tạo. Câu hỏi được đặt ra là: Với khả năng duy trì đời sống con


người hoặc đời sống kinh tế của riêng mình, liệu các đảo nhân tạo này có được
hưởng các quyền có các vùng biển hay không?
Đảo nhân tạo chắc chắn có những ảnh hưởng về mặt pháp lý khác đối với sự phát
triển của luật pháp quốc tế và thực tiễn Nhà nước tương ứng, điều này đòi hỏi cần
có thêm các cuộc thảo luận và tranh luận. Chính vì vậy, chắc chắn rằng vấn đề về
đảo nhân tạo sẽ thu hút sự chú ý nhiều hơn nữa từ cộng đồng thế giới trong tương
lai gần.
Kết Luận
Dưới áp lực của việc gia tăng dân số chưa từng có và nhờ sự phát triển của khoa
học công nghệ, con người có thể xây dựng ngày càng nhiều các đảo nhân tạo và các
công trình nhân tạo trên biển để đưa các hoạt động kinh tế ra biển và mở rộng

không gian sinh tồn. Trong tương lai, người ta có thể xây dựng các sân bay, các nhà
máy điện, các cơ sở sản xuất nông nghiệp biển và nuôi trồng thủy sản, các cơ sở
công nghiệp và thậm chí cả những thành phố lớn trên biển. Bên cạnh mục đích sử
dụng biển, một số quốc gia còn tiến hành xây dựng và bồi đắp những đảo nhỏ, đảo
đá và các bãi san hô tự nhiên nhằm mục đích duy trì và củng cố những yêu sách chủ
quyền đối với các đảo, đá và bãi san hô này, trên cơ sở đó xác lập những vùng biển
tranh chấp rộng lớn. Vì vậy, việc nghiên cứu và nắm vững những quy định của luật
pháp quốc tế về quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo và các công trình nhân tạo có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và giải quyết các loại tranh chấp.

Phụ lục 1: Quy chế pháp lý của các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo trên biển
Đông
Hiện nay, trong khu vực biển tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ba loại
đảo và công trình nhân tạo, cụ thể:


- Các công trình nổi tạm thời như các nhà giàn hoặc các công trình phục vụ cho
mục đích kinh tế;
- Các thiết bị và công trình nhân tạo như đường băng, cảng biển được gắn kết tạm
thời hoặc vĩnh viễn với các đảo, đá tự nhiên.
- Các công trình xây dựng nhằm củng cố và bồi đắp các đá, bãi san hô, các đảo
không có điều kiện duy trì sự sống của con người hay không có đời sống kinh tế
riêng, làm thay đổi điều kiện tự nhiên của chúng để giúp cho con người có thể đến
cư trú được.
Quy chế pháp lý đối với hai loại công trình nhân tạo đầu tiên được Công ước luật
biển 1982 quy định rất rõ ràng: Các đảo nhân tạo và công trình nhân tạo không có
vùng biển riêng, mà chỉ có thể có vùng an toàn, nhưng không vượt quá 500 mét.
Tuy vậy, việc xác định quy chế pháp lý của những đảo không có điều kiện duy trì sự
sống của con người hay không có đời sống kinh tế riêng, các đá và bãi san hô tự
nhiên được củng cố, bồi đắp làm thay đổi điều kiện tự nhiên để con người có thể cư

trú được lại là vấn đề rất phức tạp cần phân tích kỹ lưỡng hơn. Lý do là các đảo, đá
và bãi san hô thuộc loại này vừa có đặc điểm tự nhiên, vừa có đặc điểm nhân tạo, lại
không được quy định rõ ràng trong Công ước luật biển 1982. Vậy người ta dựa trên
cơ sở nào để xác định quy chế pháp lý của các đảo, đá và bãi san hô nói trên ?
Việc xác định quy chế pháp lý của những đảo, đá, bãi nói trên cần phải dựa vào các
quy định hiện có của luật biển quốc tế và thực tiễn quốc tế. Theo Điều 60 và các
quy định khác của Công ước luật biển 1982, việc xây dựng các đảo và công trình
nhân tạo không được ảnh hưởng một cách bất hợp lý đến các quyền và lợi ích của
các quốc gia khác cũng như của cả cộng đồng quốc tế. Các quyền và lợi ích của các
quốc gia và của cộng đồng quốc tế bao gồm quyền tự do và an toàn hàng hải, quyền
xác lập các vùng biển theo Công ước luật biển 1982, chủ quyền và quyền chủ quyền
của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển của họ và các quyền tự do trên biển


khác. Theo các quy định này thì việc củng cố bồi đắp các đảo không có điều kiện
cho con người cư trú và không có đời sống kinh tế riêng, các đá và bãi san hô tự
nhiên để cho con người có thể đến cư trú hoặc tiến hành các hoạt động kinh tế rõ
ràng không làm thay đổi quy chế pháp lý của chúng.
Quy chế pháp lý của các đảo, đá và bãi san hô nói trên phải được xác định theo
đúng quy định về quy chế đảo, đá của Công ước luật biển 1982 trên cơ sở điều kiện
tự nhiên của chúng vào thời điểm trước khi chúng được củng cố và bồi đắp. Khoản
3, điều 121 của Công ước quy định: Những đá mà ở đó không thể duy trì sự sống
của con người hay đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế
hay thềm lục địa. Khoản 2, điều 121 cũng quy định đối với các đảo không thể duy
trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng cũng không có thềm lục địa và
vùng đặc quyền kinh tế.
Đã có thực tiễn quốc tế về vấn đề tác động của các công trình nhân tạo đối với quy
chế pháp lý của đảo, đá nhỏ. Trong Vụ giải quyết tranh chấp về phân định biển và
các vấn đề lãnh thổ giữa Qutar và Bahrain năm 2001, một thẩm phán của Tòa án
Công lý quốc tế đã tuyên bố: “Theo quy định trong Công ước luật biển 1982, những

nỗ lực bị cáo buộc của cả hai nước để thay đổi một cách nhân tạo phần trên bề mặt
của đảo Qi’at Jaradah không cho phép tôi kết luận rằng đảo nhỏ này được hưởng
quy chế pháp lý của một hòn đảo.”
Ông Jon Van Dyke, một chuyên gia biển Đông lâu năm có ý kiến khá sâu sắc về vấn
đề này. Ông cho rằng việc Nhật Bản tiến hành xây dựng, củng cố và bồi đắp đảo san
hô Okinotorishima, không làm thay đổi quy chế pháp lý của đảo này. Nỗ lực đó chỉ
được coi là hành động biến đảo san hô nói trên thành đảo nhân tạo. Vì vậy, Nhật
Bản không thể đòi hỏi cho đảo nhân tạo này vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục
địa. Tương tự như vậy, ông cho rằng các đá, bãi san hô và các đảo không có điều
kiện cho con người sinh sống hay không có điều kiện kinh tế riêng ở biển Đông
được một số nước, trong đó có Trung Quốc và Malaysia, củng cố và bồi đắp sẽ chỉ


được coi là các hòn đảo nhân tạo; thậm chí chúng còn mất tư cách pháp lý của các
đảo, đá và bãi san hô tự nhiên.
Trong thời gian qua, nhằm hạn chế tranh chấp và thực hiện theo quy định của Công
ước luật biển 1982, Malaysia, Philipin và Việt Nam có xu hướng chỉ dành cho các
đảo, đá, bãi nói trên tại quần đảo Trường Sa một vùng lãnh hải cùng lắm là 12 hải
lý. Dường như chỉ có Trung Quốc là bên tranh chấp còn dựa trên yêu sách chủ
quyền đối với các đảo, đá, bãi thuộc loại trên để xác lập vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa. Tuy vậy, theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc không được phép yêu
sách như vậy còn bởi vì hai lý do khác. Một là, Trung Quốc không có chủ quyền đối
với các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc chiếm các
đảo tại hai quần đảo này đều bằng vũ lực, là một biện pháp chiếm hữu trái với
những quy định của luật pháp quốc tế. Hai là, chính Trung Quốc đã phản đối Nhật
Bản tuyên bố yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh đảo
Okinotorishima. Vì thế, luật pháp quốc tế không cho phép Trung Quốc sử dụng
“tiêu chuẩn kép” về quy chế đảo để đưa ra những yêu sách vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa xung quanh những đảo, đá không có điều kiện cho con người sinh
sống hay không có đời sống kinh tế riêng ở biển Đông mà họ đã ra công củng cố,

bồi đắp.
Phụ lục 2: Một số hình ảnh đảo nhân tạo và công trình nhân tạo trên thế giới
Sân bay quốc tế Kansai nằm trên một đảo nhân tạo
Pháo đài No Man's Land (Anh) được dựng lên từ thời Nữ hoàng Victoria với mục
đích canh giữ vùng biển nước Anh trước sự nhăm nhe tấn công của hải quân Pháp

Đảo Umi Hotaru, Nhật Bản: Đường cao tốc Aqua-Line ở vịnh Tokyo có nhiệm vụ
kết nối thành phố Kawasaki của tỉnh Kanagawa với thành phố Kisarazu của tỉnh
Chiba. Đường cao tốc bắc qua vịnh gồm một đường hầm ngầm nằm dưới mặt nước


biển nối với một cây cầu nổi. Ở tiếp điểm giữa hầm ngầm và cây cầu là một hòn
đảo nhân tạo có tên Umi Hotaru.
Đảo nhân tạo Northstar trong biển Beaufort là nơi đặt thiết bị khoan dầu



×