Tải bản đầy đủ (.pdf) (114 trang)

Văn hóa quý tộc nga trong chiến tranh và hòa bình của LTolstoi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.22 MB, 114 trang )

MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU .............................................................................................. 3
1. Lý do chọn đề tài .......................................................................................... 3
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ........................................................................... 5
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................ 6
4. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................. 7
5. Bố cục luận văn ............................................................................................ 7
CHƢƠNG 1. KHÔNG GIAN SỐNG VÀ MỘT SỐ NGHI THỨC QUÝ TỘC .. 8
1.1. Vài nét về giới quý tộc Nga đầu thế kỷ XIX....................................... 8
1.2. Không gian sống của giới quý tộc ..................................................... 11
1.2.1. Không gian điền trang .................................................................... 12
1.2.2. Không gian phòng khách ................................................................ 20
1.3. Một số nghi thức quý tộc.................................................................... 27
1.3.1. Trang phục ...................................................................................... 27
1.3.2. Vũ hội ............................................................................................. 31
1.3.3. Những bữa tiệc................................................................................ 37
1.3.4. Ngôn ngữ quý tộc ........................................................................... 42
Tiểu kết ........................................................................................................... 48
CHƢƠNG 2. NHỮNG TÍNH CÁCH QUÝ TỘC ...................................... 49
2.1. Quý tộc cung đình ............................................................................... 49
2.1.1. Xa hoa và phù phiếm ...................................................................... 49
2.1.2. Vị kỷ và vụ lợi ................................................................................ 54
2.2. Quý tộc điền trang .............................................................................. 64
2.2.1. Đôn hậu và phóng khoáng .............................................................. 64
2.2.2. Khắc kỷ và có lí tưởng sống ........................................................... 70
1


Tiếu kết ........................................................................................................... 76
CHƢƠNG 3. GIỚI QUÝ TỘC VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI ............. 77
3.1. Quý tộc với quan niệm về lẽ sống ...................................................... 77


3.2. Phụ nữ quý tộc và vấn đề bình đẳng giới ......................................... 82
3.3. Cách nhìn nhận của giới quý tộc về chiến tranh ............................. 90
3.4. Quý tộc với vấn đề cải cách nông nô ............................................... 105
Tiểu kết ......................................................................................................... 109
KẾT LUẬN .................................................................................................. 110
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 112

2


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học không chỉ là một bộ phận của văn hóa, chịu ảnh hưởng trực tiếp
của văn hóa mà còn là một trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn
hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa và truyền thống
văn hóa của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả tâm lý văn hóa của một thời
đại và một cộng đồng dân tộc. Với hệ thống giá trị văn hóa riêng của một
cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị mà
cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ. Nhà văn là con đẻ của một cộng đồng,
chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của những thành tố văn hóa của cộng đồng đó.
Vì vậy nhà văn dù sáng tạo tới đâu, viết ra hay nói ra vấn đề gì thì cũng vẫn
thể hiện những sắc thái văn hóa của cộng đồng mình. Muốn hiểu rõ hơn về
một tác phẩm văn học nước ngoài cần hiểu được văn hóa của dân tộc đã sản
sinh ra tác giả, tác phẩm đó. Cùng với các hướng tiếp cận xã hội học, thi pháp
học... việc tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa học sẽ giúp khám phá tác phẩm
một cách trọn vẹn hơn, sâu sắc hơn. Những yếu tố văn hóa như địa lý, thiên
nhiên, lịch sử, phong tục, tập quán, ngôn ngữ... có thể được vận dụng để tìm
hiểu nội dung, ý nghĩa và hình thức của tác phẩm. Nó cũng có thể góp phần lý
giải tâm lý sáng tác của nhà văn, thị hiếu của độc giả và con đường phát triển
nói chung của văn học

Thành tựu lớn nhất của văn học Nga thế kỷ XIX là chủ nghĩa hiện thực
Nga – biểu hiện cao nhất của sự phát triển văn học trong việc tiếp cận và phản
ánh hiện thực cuộc sống. Dòng chảy đó đã sản sinh ra những tài năng văn học
kiệt xuất mà tên tuổi của họ đã vang xa trên thế giới như Puskin, Gogol,
Dostoievski... Trong số đó, L.Tolstoy là một nghệ sĩ vĩ đại, là cây đại thụ
trong cánh rừng văn học Nga, là một trong những đại biểu lớn nhất và xuất
sắc nhất của văn học hiện thực Nga và thế giới thế kỷ XIX. Mỗi tác phẩm của

3


ông chứa đựng một nội dung tư tưởng và sự sáng tạo nghệ thuật vô cùng lớn
lao. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Chiến tranh và hoà
bình. Đánh giá về sự nghiệp văn chương lừng lẫy của L.Tolstoy nhà văn
Fedin đã viết: “Toàn bộ sáng tác của L.Tolstoy nếu mất đi một tác phẩm nào
đó thì L.Tolstoy vẫn là L.Tolstoy nhưng nếu mất đi Chiến tranh và hoà bình
thì L.Tolstoy đã trở thành nhà văn khác”. Quả thật như vậy, Chiến tranh và
hòa bình viết từ năm 1863 -1869 đã làm cho tên tuổi của Tolstoy rạng rỡ khắp
nước Nga và thế giới, khiến ông trở thành “con sư tử của văn học Nga”. Tác
phẩm này là một thành tựu quan trọng nhất của văn học hiện thực Nga và thế
giới. Từ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết này đã làm say mê hàng triệu con tim trên
thế giới.
L.N.Tolstoy vốn xuất thân trong gia đình quý tộc nên ông hiểu rất rõ về
giới quý tộc. Trong Chiến tranh và hòa bình ông đã tái hiện bức tranh đời
sống quý tộc sinh động, đa sắc với những chi tiết, hình ảnh đặc trưng của tầng
lớp quý tộc Nga đương thời. Cuộc sống, văn hóa, thế giới nhân vật quý tộc
được phản ánh qua Chiến tranh và hòa bình không chỉ cho ta thấy cả một thời
kỳ từ chiến tranh chống Napoleon đến giai đoạn hòa bình của đất nước Nga
đầu thế kỷ XIX, dưới triều đại của Hoàng đế Alekxander đệ nhất mà còn cho
thấy diện mạo của giới quý tộc thời đó.

Với mong muốn khai thác văn xuôi L.N.Tolstoy theo hướng tiếp cận văn
hóa học, người viết muốn góp thêm một tiếng nói tìm hiểu về một phương
diện nội dung của các tác phẩm và tài năng nghệ thuật của L.N.Tolstoy. Việc
khảo sát và tìm hiểu văn hóa quý tộc trong Chiến tranh và hòa bình của
L.N.Tolstoy sẽ giúp ta hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng của ông, về thời đại và
con người Nga. Với ý nghĩa đó, tôi đã chọn đề tài Văn hóa quý tộc trong
“Chiến tranh và hòa bình” của L.N.Tolstoy.

4


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
`

Chiến tranh và hòa bình được xuất bản lần đầu năm 1865 và ngay lập

tức gây được tiếng vang trên toàn thế giới. L.N.Tolstoy cùng với Chiến tranh
và hòa bình- cuốn tiểu thuyết được coi là bậc nhất nền văn hóa toàn nhân loại,
là “thức ăn của mọi thời đại”, “của tất cả mọi người” [Romain Roland] đã và
đang thách thức biết bao ngòi bút của giới nghiên cứu, phê bình Việt Nam.
Năm 1960 ở Hà Nội, tạp chí Văn Nghệ số mười một đã in trích đoạn từ
Chiến tranh và hòa bình ( Napoléon trước Moskva ). Đến năm 1961-1962
toàn bộ bản dịch tiểu thuyết được ấn hành. Dịch giả Cao Xuân Hạo, người
được trao giải thưởng Văn Học (giải thưởng văn học cao nhất thời bấy giờ)
vào năm 1986, đã cùng với Hoàng Thiếu Sơn, Nhị Thanh và Trương Xuyên
tiến hành dịch sang tiếng Việt bộ tiểu thuyết sử thi của Tolstoy. Bản dịch này
được dịch từ nguyên bản tiếng Nga, có tham khảo các bản dịch tiếng Pháp,
Anh và Trung Quốc.
Từ đó cho đến nay, rất nhiều công trình nghiên cứu về nội dung, hình
thức, nghệ thuật của Chiến tranh và hòa bình. Dấu mốc đầu tiên của việc

nghiên cứu về L.N.Tolstoy ở Việt Nam là công trình nhiều tập của Hoàng
Xuân Nhị: Lịch sử văn học Nga. Đây là một bộ giáo trình lịch sử văn học Nga
gồm năm tập. Một trong năm tập đó ra đời năm 1962 dành viết về L.Tolstoy
và A.Chekhov. Có thể nói Hoàng Xuân Nhị là người đầu tiên bằng ngôn ngữ
Việt viết một chuyên luận nhỏ về Tolstoy với sự trình bày khá cụ thể và có hệ
thống về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn.
Trong thời kỳ chiến tranh, văn học Việt Nam đã hình thành quan điểm
"mỹ học anh hùng" với mục đích vươn tới thể hiện tính cách anh hùng. Từ
quan điểm "mỹ học anh hùng" nhà nghiên cứu văn học Trần Vĩnh Phúc đã
khảo sát vấn đề chất anh hùng ở các tác phẩm của Tolstoy (trong bài báo Lev
Tolstoy và chủ nghĩa anh hùng nhân dân, 1978).

5


Sau khi hòa bình, việc nghiên cứu Tolstoy được tiến hành trên quy mô
ngày càng phong phú, đa dạng cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Năm 1986, cuốn
chuyên luận đầu tiên ở Việt Nam: L.N.Tônxtôi của Nguyễn Trường Lịch ra
mắt độc giả(có tái bản in năm 2010). Ở chuyên luận này, Nguyễn Trường
Lịch đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật thể hiện tâm lý nhân vật của L. Tolstoy
trong tác phẩm Chiến tranh và hòa bình. Sau đó, Nguyễn Hải Hà đưa ra
chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết L. Tônxtôi (đọc Chiến tranh và hoà bình) (in
1992). Đây là công trình đầu tiên nhìn nhận Tolstoy dưới góc độ thi pháp học
ở Việt Nam. Ở một góc độ khác, L.Tolstoy được nhắc dến nhiều lần với tư
cách là nhà văn tâm lý bậc thầy thế giới trong cuốn Lý luận văn học (1996) do
Hà Minh Đức (chủ biên) – nhà xuất bản Giáo dục. Năm 2002, trong cuốn Văn
học Nga – sự thật và cái đẹp, Nguyễn Hải Hà một lần nữa khẳng định tài
năng nghệ thuật của Tolstoy qua những nghiên cứu của mình.
Các công trình này đề cập những vấn đề cơ bản của lý luận văn học và
thi pháp học như: thể loại, tư duy tiểu thuyết và tư duy sử thi, kết cấu, cốt

truyện. tính chân thật và sự thật trong văn học, quan hệ giữa nguyên mẫu và
nhân vật, không gian và thời gian nghệ thuật, biện chứng tâm hồn, độc thoại
nội tâm, so sánh văn học.
Vấn đề văn hoá quý tộc trong Chiến tranh và hòa bình là một vấn đề ít
được nhắc tới hoặc chỉ nói tới một nét văn hoá trong tác phẩm như bài nghiên
cứu Những ký hiệu văn hóa trong vũ điệu của Natasa Roxtova của Phạm Gia
Lâm
Có thể thấy, việc nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm Chiến tranh và hòa bình
dưới góc độ văn hoá vẫn còn là một mảnh đất chưa được khai phá nhiều.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong đề tài này là bức tranh văn hóa quý tộc Nga
trong thế kỷ XIX được L.Tolstoy mô hình hóa qua tiểu thuyết Chiến tranh và

6


hòa bình. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, người viết
không có tham vọng khám phá hết những vấn đề lớn của tác phẩm. Vì vậy,
người viết chỉ đi vào nghiên cứu, tìm hiểu một số khía cạnh văn hoá quý tộc
Nga được thể hiện qua không gian sống, các nghi thức quý tộc, thế giới nhân
vật quý tộc qua đó thể hiện tính cách quý tộc và giới quý tộc trong một số vấn
đề xã hội.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là bản dịch Chiến tranh và hòa bình của
Cao Xuân Hạo.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Với luận văn này người viết chủ yếu sử dụng phương pháp văn hóa học;
thao tác thống kê, tổng hợp để khảo sát các biểu hiện của văn hóa quý tộc
Nga, các yếu tố nghệ thuật thể hiện văn hóa.
Với phương pháp văn hoá học, chúng tôi nghiên cứu các đặc tính của
hiện tượng văn hóa, đi sâu thấu hiểu văn hóa, thâm nhập vào ý nghĩa bên

trong của các hiện tượng và giá trị của nó, phân tích xu hướng thẩm mỹ của
tác giả trên cơ sở những tính cách, ý nghĩa tượng trưng và ngôn ngữ văn bản
văn học. Từ đó, chúng tôi khám phá những nhân tố truyền thống bao gồm cả
tích cực và tiêu cực trong kết cấu tâm lý văn hóa dân tộc, khám phá những
hình thái biểu hiện giá trị thẩm mỹ và văn hóa trong hiện thực kết cấu tâm lý
văn hóa cộng đồng. Đồng thời, trên cơ sở đối chiếu song trùng giữa hiện thực
và lịch sử, giữa văn hóa và thẩm mỹ, chúng tôi có thể đưa ra những phán đoán
về giá trị văn hóa thẩm mỹ trong tác phẩm văn học
5. Bố cục luận văn
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn gồm
các chương như sau:
Chương 1. Không gian sống và một số nghi thức quý tộc
Chương 2. Những tính cách quý tộc
Chương 3. Giới quý tộc và một số vấn đề xã hội

7


CHƢƠNG 1
KHÔNG GIAN SỐNG VÀ MỘT SỐ NGHI THỨC QUÝ TỘC
1.1. Vài nét về giới quý tộc Nga đầu thế kỷ XIX
Theo Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XIX, nước Nga vẫn là một nước
quân chủ chuyên chế, gắn liền với nó là sự tồn tại của tầng lớp quý tộc Nga.
Tìm hiểu về đời sống và văn hóa của tầng lớp này sẽ giúp ta hiểu rõ hơn và
toàn diện hơn về bức tranh văn hóa, xã hội Nga trong thời kỳ này.
Giới quý tộc ở Nga xuất hiện vào thế kỷ XII, là phần thấp nhất của giai
cấp phong kiến, phát triển và đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ XVII – nửa đầu thế
kỷ XIX với những thế mạnh nổi bật về chính trị, kinh tế và xã hội.
Đại diện cao nhất của giới quý tộc là Sa hoàng. Trong Pyotr đại đếngười con vĩ đại của nước Nga, Robert K.Massie đã viết: “Từ lúc nhỏ, mọi
người Nga đều được giáo dục để xem Sa hoàng nước Nga gần như là Thượng

đế, với những thành ngữ như “Chỉ có Thượng đế và Sa hoàng mới biết” hoặc
“Một mặt trời soi sáng thiên đường, Sa hoàng soi sáng trần gian”. Đất đai đều
thuộc về Sa hoàng, người có quyền ban phát những dải đất rộng cho quý tộc
mà ông yêu mến.
Dưới quyền Sa hoàng là giới quý tộc, được chia ra thành nhiều cấp bậc.
Cấp bậc cao nhất là boyar – tước hiệu quý tộc cao của Nga chỉ thấp hơn
hoàng thân, thuộc về các dòng họ hoàng tộc cũ làm chủ những vùng đất đai
được cha truyền con nối. Họ thường nắm giữ chức vụ trọng yếu qua hội đồng
(Duma) boyar, thường có chức năng hành pháp kết hợp tư pháp, được cấp đất
để thưởng công trạng đã đóng góp cho triều đình. Hội đồng boyar bầu ra Sa
hoàng khi có khủng hoảng thừa kế.
Năm 1722, trong nỗ lực để hiện đại hóa nước Nga, Piotr Đại đế sau
khi học kinh nghiệm châu Âu đã lập ra chế độ phong tước quý tộc, ban hành
“Bảng tước hiệu” nhằm xây dựng bộ máy hành chính và quân đội có khả năng

8


và hiệu quả. Ông đã buộc giới quý tộc phải làm việc cho nhà nước mới được
nhận bậc tước. Đây là một yếu tố quyết định địa vị xã hội. Ông cũng cho phép
thường dân có công phục vụ nhà nước được nhận cấp bậc quý tộc. Tầm quan
trọng của chức vụ là rất lớn bởi nếu một quý tộc không có chức vụ sẽ có địa
vị rất thấp, mặc dù vẫn là quý tộc. Sau năm 1762, mặc dù quý tộc không còn
bị buộc phải làm việc nhà nước, phần lớn vẫn tự nguyện tham gia nhằm có
được bậc tước mong muốn.
Vào thế kỷ XVIII, việc đánh giá vị trí xã hội của người quý tộc Nga
gồm nhiều tiêu chí: nguồn gốc gia phả, tước hiệu quý tộc, cấp bậc chức vụ,
nghề nghiệp, tài sản và trình độ học vấn. Cấp độ của mỗi yếu tố này, tương
ứng với uy tín xã hội vốn ít khi được nói ra trực tiếp, là điều cốt yếu để giúp
ta hiểu về mỗi cá nhân và mối quan hệ giữa họ.

Từ thế kỷ XVIII đến XIX, giới quý tộc Nga chiếm khoảng 1,5 % dân số,
bao gồm tất cả các quý tộc, từ các quý tộc mang tước hiệu điền địa cho tới
những viên chức dân sự không một tấc đất. Những quý tộc này được phân
chia thành đẳng cấp theo các đặc quyền được pháp lý hóa. Có tất cả 14 bậc
chức vụ trong quân đội, công chức và triều đình, tồn tại từ năm 1722 cho tới
1917. Thấp nhất là bậc mười bốn và cao nhất là bậc một. Chức vụ trong quân
đội có giá trị cao hơn so với chức vụ cùng bậc trong triều đình, và chức vụ
triều đình được xếp trên so với công chức nhà nước. Nhiệm vụ đi kèm theo
mỗi bậc thay đổi liên tục theo thời gian. Tất cả các bậc trong quân đội và từ
bậc tám tới bậc một trong ngạch công chức được ban kèm theo tước bổng và
được quyền thừa kế.
Về nữ quý tộc, trừ một số trường hợp ngoại lệ, phụ nữ không được tham
gia trong quân đội và chính quyền, do đó các sử gia viết về giới quý tộc Nga
thường hay bỏ qua các phụ nữ quý tộc. Cấp tước của nữ quý tộc được hưởng
nhận xuất phát trước hết từ người cha và kế tiếp là từ chồng.

9


Cấp tước giúp xác định những đặc quyền của quý tộc và giúp phân cách
giữa người quý tộc và không quý tộc, giữa một thời kỳ mà danh hiệu quý tộc
không chỉ tùy thuộc vào dòng máu thừa kế. Quy định về thứ bậc chi phối mọi
khía cạnh diện mạo của người quý tộc trong xã hội, từ cách thức được xưng
danh, quyền tham gia vào các sự kiện, quyền ưu tiên về trang phục, xe cộ và
chế phục (của gia nhân), tới mức độ cầu kỳ trong hành vi, trong ăn mặc ứng
với từng bậc tước và việc giới hạn mọi hành động lễ nghi tại triều đình.
Những đặc quyền của giới quý tộc được ghi nhận một cách hợp pháp và
được soạn thảo trong Hiến chương của Tầng lớp quý tộc vào năm 1785. Giới
quý tộc có một số đặc quyền như quyền sở hữu bất động sản và nông nô,
quyền lợi trong một số nghĩa vụ quân sự và dân sự, quyền được hưởng chế độ

giáo dục đặc biệt...Từ thế kỷ XVIII, giới quý tộc đã trở thành những người có
học vấn nhất, trí tuệ nhất, trở thành trụ cột của chế độ quân chủ chuyên chế
đương thời. Là những chủ đất lớn và có quyền sở hữu số lượng lớn nông nô,
họ trở thành tầng lớp giàu có nhất trong xã hội.
Sang đến thế kỷ XIX, quý tộc Nga là tầng lớp phong phú, có học vấn,
ảnh hưởng, và những đóng góp lớn cho sự phát triển của văn hóa dân tộc Nga.
Nhà văn Nga thế kỷ XIX P.D.Boborykin lưu ý rằng giới quý tộc thượng lưu
Nga là nhân tố chính kiến tạo nền giáo dục cho đến nửa sau của thế kỷ XIX.
Hoàng hôn của giới quý tộc Nga bao trùm khi đất nước bước sang nửa
sau của thế kỷ XIX. Cải cách nông nô năm 1861 được thực hiện đã làm suy
yếu vị thế kinh tế của giới quý tộc. Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản,
giới quý tộc Nga bị mất vị trí của mình trong xã hội. Cuộc cải cách vào năm
1861 khiến cho ảnh hưởng của giới quý tộc giảm mạnh. Nó hạn chế các
quyền sở hữu đất tại địa phương và bỏ đi ảnh hưởng độc quyền của giới quý
tộc trong chính quyền tự quản địa phương. Sau khi bãi bỏ chế độ nông nô
trong năm 1861, các nhà quý tộc giữ lại khoảng một nửa diện tích đất, nhận

10


tiền bồi thường hào phóng cho nửa còn lại, nhưng diện tích đất cũng bị thu
hẹp dần. Năm 1917 diện tích đất thuộc sở hữu của quý tộc giảm rất nhiều.
Lúc này, người nông dân sở hữu khoảng 90% diện tích đất. Giới quý tộc cha
truyền con nối, vốn được coi là trụ cột đầu tiên của ngai vàng và một trong
những công cụ đáng tin cậy nhất của chính phủ cũng dần mất đi sự thống trị
về kinh tế và hành chính.
Sau khi chế độ Sa hoàng bị lật đổ năm 1917, nhiều thành viên của giới
quý tộc Nga chạy trốn và định cư ở châu Âu, Bắc Mỹ và ở những nơi khác
trên thế giới. Trong những năm 1920 và 1930, một số hiệp hội quý tộc Nga
được thành lập bên ngoài nước Nga, bao gồm các nhóm ở Pháp, Bỉ và Hoa

Kỳ. Tại New York, Hiệp hội quý tộc Nga ở Mỹ được thành lập vào năm
1938. Kể từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1989, các nhà nghiên cứu đã công
nhận, đánh giá lại vai trò của giới quý tộc Nga trong quá trình phát triển của
lịch sử và văn hóa đất nước này.
Có rất nhiều nhà văn viết về giới quý tộc Nga; về đời sống, văn hóa của
họ. Nhưng hơn bất cứ nhà văn nào khác, Tolstoy rất thành công khi miêu tả
đời sống quý tộc Nga, từ quý tộc trại ấp tới quý tộc cung đình, có lẽ không
phải chỉ bởi ông tài năng mà còn vì bản thân ông là một quý tộc thật sự - từ
gốc gác đến địa vị kinh tế xã hội. Bởi vậy, dưới ngòi bút của Tolstoy, các
nhân vật từ hàng vua chúa tướng tá triều đình đến các chính khách, các quý
ông quý bà, quý cô…đều chân thực và sống động đến lạ lùng. Tác phẩm nổi
tiếng nhất, miêu tả chân thực nhất đời sống, văn hóa quý tộc Nga của Tolstoy
chính là Chiến tranh và hoà bình.
Trong Chiến tranh và hoà bình, giai cấp quý tộc đương thời gồm hai loại
chính: quý tộc trại ấp và quý tộc cung đình.
1.2. Không gian sống của giới quý tộc
Có nhà văn người Anh cho rằng khi đọc văn học Nga, trước hết là
Tolstoy, bạn đọc xứ sở ông “cảm thấy hơi thở của những không gian bao la,

11


của những đồng bằng Nga vô tận”. Tuy vậy không gian nghệ thuật trong
Chiến tranh và hoà bình đa phần tập trung vào không gian sống của giới quý
tộc. Trong tiểu thuyết, Tolstoy đã chỉ rõ hướng tập trung miêu tả của ông qua
các câu mở đầu: “Ở Peterburg”, “Ở Matxcova”, “Ở nông thôn”. Đây chính là
những mô hình không gian nhỏ mà tác giả tập trung khắc hoạ. Tác giả tạo ra
sự đối lập giữa những không gian này nhằm thể hiện hai lối sống, quan điểm,
tư tưởng của hai loại quý tộc từ đó thể hiện tư tưởng của mình. Toàn bộ tác
phẩm gồm 15 phần và vĩ thanh, mỗi phần chia thành nhiều chương nhỏ, tổng

cộng là 333 chương dài ngắn không đều. Tolstoy dành cho Peterburg là 40
chương, Matxcova là 130 chương và nông thôn là 40 chương. Những trọng
điểm không gian này trùng khớp với sự chú ý của tác giả tới lớp quý tộc trại
ấp ở vùng nông thôn và giới quý tộc thượng lưu cung đình ở Perterburg,
Matxcova.
1.2.1. Không gian điền trang
Điền trang là những ruộng đất – bổng lộc của quý tộc được nhà vua cấp
làm tài sản riêng. Mỗi điền trang ở Nga đều có tên riêng xuất phát từ tên dòng
họ của chủ nhân, gắn với sự tồn tại của từng dòng họ. Kiến trúc dinh thự và
không gian trang trại, trại ấp thể hiện phong cách kiến trúc, xu hướng nghệ
thuật Nga trong nhiều thế kỷ. Về bình diện văn hóa, đó là nơi lưu giữ, bảo tồn
và là kho trí tuệ chung của một dòng họ.
Các điền trang quý tộc là không gian sống của những con người quyền
thế và giàu có, vì vậy nó phải thể hiện sao cho xứng với tiềm lực của chủ
nhân. Điền trang của các quý tộc Nga không chỉ là một kiến trúc nhà – vườn
đơn điệu mà là một khuôn viên rộng bao gồm các tổ hợp: nhà chủ nhân, sân
vườn, công viên, khu canh tác, khu sản xuất và những tòa nhà phụ như nhà
gia nhân, nhà kho, tàu ngựa... Tùy thuộc vào sự giàu có và thị hiếu nghệ thuật
của chủ sở hữu, các trại ấp được xây dựng thành những cung điện rất lớn hay

12


khiêm tốn hơn. Thời kỳ hưng thịnh của quý tộc ở thế kỷ XVIII – XIX, chủ
nhân của các trại ấp quý tộc vừa kế thừa truyền thống trong việc xây dựng
trang ấp, vừa thực hiện những đổi mới, nâng trình độ tổ chức ấp lên một cấp
độ cao. Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật cảnh quan và khoa học nông
nghiệp, văn hóa của phương Đông và phương Tây, những người nông dân và
tầng lớp quý tộc. Nó không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mà còn là
trung tâm thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật dân gian, trung tâm văn hóa của một

vùng.
Trong Chiến tranh và hoà bình, nhân vật quý tộc sống ở điền trang là
những quý tộc thuần Nga truyền thống như gia đình bá tước Bolkonxky, gia
đình bá tước Ilya Andreyevich Roxtov. Mỗi điền trang mang một phong cách
riêng của nhà quý tộc sở hữu. Tại điền trang Lưxye Gorư, “trang viên của chủ
nhân ở cuối một cái làng chạy dài thành một đường thẳng dọc theo đường cái
lớn, sau một cái hồ mới đào, nước đầy ăm ắp, bờ vẫn chưa mọc cỏ, giữa một
khóm rừng cây non chen lác đác vài cây thông lớn ” [26, tr.660]. Những hoạt
động ở nơi đây là những cải cách nông nô của công tước Andrei: “Ba trăm
nông nô thuộc một điền trang của chàng được chuyển thành nông dân tự do
(đó là một trong những tấm gương đầu tiên ở Nga), còn ở các điền trang khác
thì lực dịch được thay thế bằng địa tô. Ở Bogutsarovo công tước Andrey xuất
tiền thuê một bà đỡ để trông nom các sản phụ và trả lương cho một ông linh
mục để dạy cho con cái nông dân và gia nô biết đọc biết viết.” [26, tr.660]. Có
thể thấy, trang viên của chủ nhân tuy trong làng nhưng vẫn có sự tách biệt ra
khỏi cộng đồng làng, đồng nghĩa với việc chủ nhân tuy ở cùng nhưng không
hoà cùng với nông nô. Điều này cũng đúng với tính cách, suy nghĩ của lão bá
tước Bolkonsky, tuy thực hiện các cải cách nhưng vẫn luôn coi tầng lớp nông
nô là ở một thế giới hoàn toàn khác, không thể chung đụng, có thể hòa nhưng
không đồng. Bên cạnh đó, qua việc chủ nhân của trang viên để ngôi nhà của

13


mình giữa “một cái hồ mới đào” và “một khóm rừng cây non chen lác đác vài
cây thông lớn” có thể thấy lão bá tước Bolkonsky sống rất khoa học và yêu
thiên nhiên.
Trong khi đó, trang viên của gia đình Roxtov lại là một ngôi nhà lớn,
phía trước có một khu vườn rộng nằm trong quần thể của ngôi nhà, không có
sự tách biệt. Trong đêm trăng sáng, bá tước Andrei “vừa mới mở cánh cửa

chớp ra thì ánh trăng lùa vào phòng, tựa hồ như nãy giờ đã trực sẵn ngoài cửa
sổ từ lâu” và chàng thấy “ngay trước cửa sổ có một hàng cây xén phẳng, một
phía thì tối đen, phía kia thì lóng lánh như bạc, ở phía dưới hang cây cao có
những khóm cây gì ướt mọng, cánh lá lăn tăn phản chiếu ánh trăng loang
loáng. Xa hơn, ở phía sau hàng cây đen có một nhà sương đọng lấp lánh, về
phía phải có một cây to um tùm, thân đều trắng muốt, và ở phía trên là vầng
trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao ” [27,
tr.8]. Có thể thấy, trang viên của gia đình Roxtov gắn liền, hoà hợp với thiên
nhiên, không có một sự tách biệt nào. Con người sống ở đó cũng vậy, họ yêu
thiên nhiên tha thiết, họ có tâm hồn trong sáng, hiền hoà như cỏ cây; bay
bổng, lãng mạn như ánh trăng; phóng khoáng, vô tư như ngọn gió. Công tước
Andrei không ngủ được, mở cửa sổ để tìm sự thư thái thì bất chợt nghe được
tiếng của Natasa ở tầng trên. Nàng đang ngắm trăng, trăng đẹp tới mức nàng
không thể ngủ được. Tuy ngôi nhà khá rộng, có nhiều tầng và rất nhiều phòng
nhưng dường như giữa các tầng, các phòng không có sự ngăn cách, giống như
những thành viên trong gia đình Roxtov, luôn thân thiện, cởi mở, yêu thương
và quan tâm tới nhau rất tình cảm và chân thành.
Thiên nhiên là một thành tố không thể thiếu trong hệ thống điền trang.
Những khoảng thiên nhiên xanh mát bao bọc dinh thự của các quý tộc, khiến
cho không gian sống của họ trở nên dễ chịu, thơ mộng hơn. Nhiều nhà quý
tộc giàu có sống ở thành thị, nhưng họ thường sở hữu một hay nhiều trang ấp

14


riêng ở các vùng nông thôn. Vào những kỳ nghỉ, các gia đình về đó nghỉ ngơi,
tĩnh dưỡng trong không gian thiên nhiên bình yên thoáng đãng và tươi đẹp.
Các điền trang quý tộc được xây dựng với sự kết hợp giữa thiên nhiên và
nhân tạo, rừng cây xen lẫn nhà ở, đồng cỏ xen lẫn các khu sản xuất. Có thể
nói cuộc sống ở các điền trang gắn bó chặt chẽ và hài hòa với thiên nhiên, con

người lớn lên và trưởng thành cùng thiên nhiên.
Không gian thiên nhiên điền trang Lưxyê Gorư được nhà văn nhắc đến
là một nơi “bằng phẳng, toàn những cánh đồng và những khu rừng tùng, rừng
bạch dương, khu thì đã đẵn hết cây, khu thì hãy còn nguyên vẹn”. Điền trang
của bá tước Bolkonsky cho thấy đó là một dòng tộc thiên về lý tính, với
những tính toán khoa học, thực tế. Khác hẳn với điền trang của gia đình bá
tước Bolkonsky, điền trang Otradnoie của bá tước Roxtov được nhắc đến với
khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đầy yên bình. Đó là những cánh đồng lúa mì
rộng lớn với “một màu xanh tươi nổi bật trên những lớp rạ màu nâu sẫm của
vụ lúa mì mùa thu bị đàn gia súc giẫm nát và những đám lúa mì màu vàng
tươi, xen kẽ với những dải lúa kiều mạch màu đỏ”; là “Những ngọn cây và
những khóm rừng, về cuối tháng tám còn là những hòn đảo xanh rờn nổi giữa
những cánh đồng lúa mì và những ruộng rạ đen thì nay đã trở thành những cù
lao vàng óng và đỏ rực giữa những đám lúa mì mùa đông xanh ngắt”[27,
tr.125]; là những “cánh đồng phủ tuyết im lìm tràn ngập ánh trăng, sáng óng
ánh như kim cương và lấp lánh những tia phản chiếu xanh biếc, đã mở ra bát
ngát mênh mông.” [27, tr.176]. Không gian thiên điền trang của gia đình
Roxtov lại cho thấy chủ nhân của nó là những người lãng mạn, bay bổng,
phóng khoáng, sống hoà mình với thiên nhiên.
Với Tolstoy, thiên nhiên là thước đo tâm hồn con người. Hoà nhập với
thiên nhiên, theo ông, là dấu hiệu của tâm hồn nhạy cảm, phong phú và mạnh
mẽ. Bởi vậy, thiên nhiên điền trang trong Chiến tranh và hòa bình được miêu

15


tả gắn với cảm xúc của nhân vật. Nhà văn sử dụng thiên nhiên không chỉ để
tạo khung cảnh, mà còn gợi sự song hành những nét tâm lý thầm kín trong
tâm trạng nhân vật. Có khi là sự hào hứng, say mê khi các nhân vật khám phá,
chiêm ngưỡng; có khi lại nhuốm màu buồn thương, cô quạnh hay cảm giác

hồi hộp, xúc động...Chàng công tước Andrei, sau khi bị thương nặng trong
trận chiến ở Austerlitz, đã tan vỡ giấc mộng Tulong. Trở về nhà đúng lúc vợ
chàng - nữ công tước Liza - sinh được đứa con trai rồi nàng chết. Con đường
công danh tan vỡ, bi kịch gia đình đẩy Andrei vào một cuộc khủng hoảng tinh
thần ghê gớm. Từ đó, chàng chẳng thiết gì đến công danh, sự nghiệp, chàng ở
miết tại nông thôn, chăm lo công việc điền trang và cậu con trai bé bỏng, mồ
côi mẹ. Mùa xuân năm 1809, Andrei đi về Ryazan thăm các điền trang của
vợ chàng để lại cho con trai. Lúc đi qua một khu rừng bạch dương, Andrei
chợt thấy một cây sồi bên đường. Chàng quý tộc nhìn khu rừng rồi lặng ngắm
cây sồi già, xúc động, tâm tình với nó. Giữa những cây bạch dương mọc
thành khóm rừng, mùa xuân đã làm cho chúng đổi thay: “đám bạch dương
tươi cười”, khắp cánh rừng “dưới gốc cây sồi cũng có hoa, có cỏ”. Chàng vô
cùng ngạc nhiên trước hình ảnh một cây sồi “già gấp mười lần những cây
bạch dương mọc thành khóm rừng này, nó to gấp mười và cao gấp đôi mấy
cây bạch dương ấy”[27, tr.6]. Như một kẻ tàn tạ, tang thương, cây sồi già
mang trên mình “những cành có lẽ đã gãy từ lâu, vỏ cây nứt nẻ đấy những vết
sứt sẹo […] những cánh tay to sù sì không cân đối, với những ngón tay quều
quào xòe rộng, nó như một quái vật già nua cau có và khinh khỉnh đứng giữa
đám bạch dương tươi cười”. Giữa rừng bạch dương, “Chỉ có một cây sồi là
không chịu đón lấy mùa xuân và ánh nắng”[27, tr.6]. Xe đã đi qua, công tước
Andrei còn ngoái cổ nhìn lại cây sồi, nó vẫn cau có, lầm lì, què quặt và kiên
gan đứng im giữa đám hoa cỏ ấy. Cây sồi già khác nào một linh hồn chết.
Andrei đang đứng trước bao nỗi buồn đau cuộc đời nên chàng quý tộc này đã

16


nhìn, đã cảm nhận hình ảnh cây sồi qua tâm trạng mệt mỏi của mình? Andrei
như đang lắng nghe tiếng nói thầm thì của cây sồi già: “Mùa xuân, tình yêu,
hạnh phúc! - Cây sồi già như muốn nói thế - Làm sao cái điều dối trá khờ

khạo và điên rồ như thế mà mãi các người không chán! Quanh đi quẩn lại chỉ
có thế, và vẫn chỉ là một sự dối trá mà thôi! Làm gì có mùa xuân, có ánh
nắng, có hạnh phúc? Kìa, các người nhìn xem, những cây thông chết cằn chết
rụi, bao giờ cũng vẫn thế, và ta nữa, đang đang những ngón tay rạn gãy, sây
sát từ lưng ta, từ sườn ta mọc lên; xưa kia nó mọc như thế nào thì ta bây giờ
cũng như thế, và ta không tin vào những niềm hi vọng và những sự dối trá của
các người.”[27, tr.6]. Với cây sồi già, khi mà nhựa sống đã cạn kiệt, mùa xuân
đến, nó vẫn chưa “thức tỉnh” trước “phép nhiệm màu” của mùa xuân! Lắng
nghe cây sồi tâm tình thổ lộ, Anđrây đồng điệu với nó và trầm ngâm: “Phải,
cây sồi ấy nói phải, một ngàn lần phải”. Nỗi đau của vết thương lòng tưởng đã
nguôi đi sau một thời gian nay lại nhức nhối. Chàng tự an ủi mình”: “Cuộc
đời của chúng mình hết rồi”. Cây sồi già trở thành đồng điệu, đồng cảnh với
chàng quý tộc trẻ, vì thế mà chàng cảm thấy lòng mình “buồn buồn dìu dịu” Andrei suy nghĩ lại cả cuộc đời của mình: “không nên mưu đồ một cái gì nữa
hết”… phải “sống nốt cho hết cuộc đời của mình” trong sự bình yên “không
làm điều xấu, không ưu tư, không ước muốn gì nữa”[7, tr.6]. Chàng chọn lựa
việc sống an bài theo số phận. Có thể nói hình bóng cây sồi, ý nghĩ của cây
sồi cũng là hình ảnh, ý nghĩ của Andrei. Tác giả đã tả cây sồi, mượn cây sồi
để tả cảnh ngụ tình, để làm nổi bật tâm trạng hoài nghi của chàng quý tộc
đang trăn trở, đau buồn trong bi kịch gia đình và xã hội.
Không gian điền trang trong thời bình là không gian yên bình, thơ mộng,
là nơi con người hoà mình với thiên nhiên, nơi khởi nguồn của những mối
tình lãng mạn, là nơi ấp ủ những dự định, thử nghiệm những ý tưởng mới của
giới quý tộc điền trang. Đó là đêm trăng đẹp ở Otradnoie, Andrei bỗng thấy

17


lòng nhẹ nhõm, thanh bình khi ngắm nhìn ánh trăng. Và trong đêm trăng ấy,
niềm tin yêu, lòng ham sống đã âm thầm quay về với chàng khi chàng nghe
thấy và cảm nhận được sức sống, lòng yêu đời trong sáng và đầy sôi nổi của

Natasa - con gái của lão bá tước Rostov. Thiên nhiên đêm trăng đó thật đẹp:
“vầng trăng gần tròn, trên nền trời xuân trong sáng chỉ lác đác mấy vì sao”
còn cảnh vật “lắng lại như vầng trăng, như ánh trăng”[27, tr.8]. Và trong đêm
trăng ấy người con gái “mắt đen, tóc đen, vóc người mảnh dẻ đến lạ lùng”
cùng với câu hỏi: “Cô ta có chuyện gì mà vui thế nhỉ?”[27, tr.8] cứ bám riết
lấy và làm cho tâm hồn chàng quý tộc trẻ Andrei vô cùng xao xuyến. Phải
chăng cuộc gặp gỡ trong đêm trăng, trong tình yêu thiên nhiên ấy chính là
một dấu hiệu báo trước về tình yêu giữa Andrei và Natasa. Sau đêm trăng ấy,
Andrei từ biệt lão bá tước Roxtov ra về. Một buổi sáng đầu tháng sáu, Andrei
lại đi qua khu rừng bạch dương dạo đầu xuân. Một cảnh tượng hoàn toàn
khác. Thông non rải rác đã trổ những “chồi non xanh mịn”. Rừng bạch dương
“bóng cây rợp mát […]lá cây óng ánh dưới nắng”. Không gian rộn ràng tiếng
lục lạc mơ hồ, cảnh vật nở hoa, tiếng họa mi “thánh thót khi xa khi
gần”…Cảnh vật xôn xao hay lòng chàng quý tộc trẻ góa vợ xôn xao? Andrei
tìm kiếm cây sồi già như tìm kiếm người bạn cố tri. Chàng không ngờ nó đã
“đổi mới hẳn”. “Lá non xanh tương đã đâm thẳng ra ngoài” lớp vỏ cứng già
hàng thế kỷ. “Chòm lá xanh mơn mởn” như đang “say sưa, ngây ngất, khẽ
đung đưa trong ánh nắng chiều”. Cây sồi già đã hồi xuân, đã bật dậy với sắc
xuân và sức xuân kỳ lạ. Cây sồi như đang tham dự vũ hội với thông non, với
bạch dương, với cỏ hoa và tiếng hót của họa mi thánh thót. Ngắm cây sồi,
Andrei “bỗng vô cớ có một cảm giác vui mừng, sảng khoái tưởng chừng như
mỗi tế bào trong mình đã đổi mới, sống lại” [27, tr.11]. Những trang đời,
những ký ức vui buồn ùa lên và sống dậy. Cảnh tượng chiến trường
Austerlitz, hình ảnh Liza trước khi tắt thở, kỉ niệm gặp gỡ bá tước Pierre trên

18


bến đò và hình ảnh người con gái ấy, đêm trăng ấy ở Otradnoie cùng hiện lên
trong tâm hồn chàng. Thiên nhiên hữu tình, cây sồi hồi xuân tràn trề sức sống

và người thiếu nữ Natasa kiều diễm, đêm trăng huyền diệu ở Otradnoe … đã
lay tỉnh, đã đem đến cho Anđrây một niềm vui mới, chan chứa yêu đời.
Chàng cảm thấy bâng khuâng, nghĩ thầm: “Không, cuộc đời chưa chấm dứt ở
tuổi 31” [27, tr.11]. Chàng tự an ủi và động viên mình: “Sao cho cuộc sống
của ta trôi qua không phải chỉ mình ta, sao cho cuộc đời ta phản chiếu lên tất
cả mọi người, và mọi người cùng sống chung với ta” [27, tr.11]. Có thể nói,
mọi cô đơn, sầu muộn và tâm hồn u ám chứa chất trong lòng chàng quý tộc
trẻ bấy nay đã bị ánh trăng huyền diệu xua tan.
Thiên nhiên trong Chiến tranh và hòa bình không phải là một thành tố
tĩnh mà là một thành tố mang tính động. Nó thay đổi theo hoàn cảnh của gia
chủ, của thời cuộc. Trong trận chiến Nga – Pháp năm 1812, trên đường hành
quân, công tước Andrei trở lại điền trang Lưxye Gorư, “nơi chàng đã ra đời
và sống qua thời thơ ấu”. “Chàng đi men theo bờ ao, nơi mà trước đây lúc nào
cũng có hàng chục người đàn bà vừa nói chuyện vừa gặt và đập quần áo. Trên
bờ ao chẳng có một bóng người, còn cái cầu ao thì đã rơi ra khỏi bờ, chìm
xuống nước một nửa và trôi ra giữa ao. Công tước Andrey đến gần ngôi nhà
của người canh cổng. Cạnh cái cổng bằng đá chẳng thấy ai, cánh cổng cũng
chẳng đóng. Trên những lối đi trong vườn cỏ đã mọc xanh rì, mấy con bê và
mấy con ngựa đi rông trong khu vườn kiểu Anh. Công tước Andrey đến khu
vườn ủ cây: những miếng kính đã vỡ, những cây con trong các thùng, cây thì
đã đổ, cây thì đã khô héo. Chàng gọi Tarax, người làm vườn. Chẳng thấy ai
thưa. Chàng vòng qua nhà ủ cây đi đến khoảng sân nề thì thấy dãy hàng đào
bằng gỗ chạm đã bị phá huỷ hết, và cả trái lẫn cành cây trong vườn đều bị vặt
trụi.” [28, tr. 453]. Không gian điền trang ở đây đã bị phá vỡ. Nếu trước đây
nó là một không gian được chủ nhân thiết kế, sắp xếp một cách khoa học, với

19


cuộc sống vui tươi, sống động thì nay nó trở nên hoang tàn, lộn xộn, vỡ nát.

Tolstoy là một người rất hiền hoà, ông không miêu tả cảnh chết chóc, tang
thương của con người mà lại miêu tả không gian sống bị xâm phạm, phá vỡ
để làm rõ sự tàn phá của chiến tranh.
Không gian điền trang đóng một vai trò quan trọng tạo nên không gian
văn hóa quý tộc nói chung trong các sáng tác văn xuôi của L.Tolstoy. Tuy
hình ảnh của các điền trang không được miêu tả thật cụ thể, chi tiết nhưng vẫn
giúp người đọc hình dung phần nào không gian sống của các quý tộc đương
thời, đặc biệt là quý tộc Nga truyền thống. Qua đó ta còn thấy được khung
cảnh thiên nhiên nước Nga với những nét đặc trưng vốn in sâu vào tâm thức
của con người Nga bao thế hệ.
1.2.2. Không gian phòng khách
Trái ngược với quý tộc điền trang chủ yếu sống ở nông thôn thì quý tộc
cung đình chủ yếu sống ở hai thành phố lớn là Peterburg và Matxcova, trong
những dinh thự rộng lớn, với kiến trúc và những vật dụng trang trí sang trọng,
cầu kỳ, tinh tế, theo ảnh hưởng của phong cách Tây Âu, nhất là của Pháp.
Cách miêu tả của nhà văn về không gian cung đình cũng giống không gian
trại ấp, ông không miêu tả nhiều kết cấu, vật dụng của từng căn phòng trong
ngôi nhà quý tộc nhưng qua một số chi tiết, hình ảnh, không gian đó vẫn được
tái hiện với vẻ sang trọng, lộng lẫy, quyền quý mang phong cách giới thượng
lưu.
Không gian cung đình ở Peterburg và Matxcova mở ra với khung cảnh
xa hoa, lộng lẫy với những bữa tiệc sang trọng, tốn kém, thâu đêm suốt sáng
như bữa tiệc trong dinh thự của một vị vương công nọ: “Phía tả ngạn sông
Nêva, toà nhà của vị vương công sáng rực lên vì hàng trăm hàng nghìn ngọn
đèn thắp lên nhân tối vui trọng thể. Trước cái cổng đèn thắp sáng trưng và trải
dạ đỏ, cảnh binh đã đến túc trực; và không phải chỉ có cảnh binh thường, mà

20



còn có cả ông cảnh sát trưởng và mấy chục viên sĩ quan cảnh binh đứng
quanh. Xe cộ tấp nập, chiếc đi, chiếc đến, với những người hành bộc mặc áo
đỏ hoặc những người hầu đội mũ có cắm lông gà. Từ các xe song mã bước
xuống những người đàn ông mặc phẩm phục, đeo dây thao và huân chương;
các phu nhân và các tiểu thư mặc áo sa tanh và khoác áo lông chồn bạc thận
trọng bước xuống các bậc xe buông xuống ầm ầm, rồi im lặng vội vã đi trên
tấm dạ đỏ trải trên thềm.” [ 27, tr.59]
Tolstoy hầu như không tả chi tiết mà chỉ liệt kê các đồ vật tiêu biểu trong
căn phòng để tạo ấn tượng về sự cao sang, quyền quý đậm chất quý tộc.
Trong dinh thự của bá tước Bezukhov ở Peterburg thì có “những dãy hành
lang bằng kính, giữa hai dãy tượng đặt trong những chiếc hốc tường”[26,
tr.245]. Phòng ăn của gia đình công tước Andrei ở Peterburg là một căn
phòng sang trọng với những đồ vật tinh xảo, toát lên vẻ giàu có của chủ nhân:
“từ khăn ăn đến đồ dùng bằng bạc, đồ sứ và đồ thuỷ tinh, tất cả đều có cái vẻ
mới tinh khôi đặc biệt của một cặp vợ chồng son”[26, tr.89].
Mỗi dinh thự có rất nhiều căn phòng. Đó là là phòng khiêu vũ, phòng
khách, phòng trà, phòng ngủ. Mỗi phòng lại có chức năng và cách bài trí khác
nhau.
Đầu tiên là phòng khiêu vũ. Đây là căn phòng không thể thiếu trong cấu
trúc ngôi nhà. Những gia đình quý tộc thường tổ chức các buổi dạ tiệc và
khiêu vũ để giao lưu và giải trí. Đây là một căn phòng rộng, được trang hoàng
lộng lẫy, lắp đặt nhiều đèn, các cửa sổ hướng ra sân sau và những con đường
dẫn vào phía trong khuôn viên dinh thự. Vì ít được sử dụng nên phòng này
thường có cảm giác lạnh do không được đốt lò sưởi thường xuyên. Trong
phòng có một hàng cột lớn nhằm mục đích ngăn cái lạnh lẽo, ồn ào và cũng
để tạo nơi kín đáo riêng tư cho các cặp đôi gặp gỡ tâm sự giữa buổi tiệc/khiêu
vũ mà không phải đi qua một cánh cửa nào. Trong Chiến tranh và hòa bình,

21



ta có thể thấy căn phòng này được miêu tả khá chi tiết trong buổi dạ vũ đầu
tiên của Natasa. Đó là “hai bên cầu thang gác sáng rực rõ ánh đèn với những
chùm hoa đỏ cắm hai bên” dẫn vào căn phòng “sáng rực ánh đèn - âm nhạc,
hoa, khiêu vũ, hoàng thượng, toàn thể lớp thanh niên thượng lưu ở
Peterburg”[28, tr.65]. Kiểu kiến trúc đối xứng, tràn ngập ánh sáng này là ảnh
hưởng của phong trào Ánh sáng của Pháp. Bóng dáng huy hoàng của các
công trình kiến trúc đồ sộ thời La Mã cổ đại được vay mượn với ý đồ khẳng
định uy quyền và vai trò của giới quý tộc Nga. Trục đối xứng là một thủ pháp
được ưa chuộng để tạo cảm giác về sự oai nghiêm, trường cửu.
Phòng ngủ của quý tộc Nga lại có cách bài trí nội thất thể hiện những ý
nghĩa nhất định và gắn với đặc trưng giới tính. Phòng ngủ của các ông chủ
thường trang trí đơn giản nhưng vẫn sang trọng. Trong phòng được treo nhiều
tranh tĩnh vật hay chân dung, với đồ dùng như bàn ghế, giường... làm bằng gỗ
sồi hoặc bạch dương biểu tượng cho trí tuệ và sự trường tồn. Phòng ngủ của
các phu nhân, tiểu thư lại chiếm ưu thế là đồ vải, bao gồm thảm, ghế bọc, đồ
thêu ren, rèm cửa... Nhiều gương lớn được treo cạnh các cửa sổ, bàn làm việc
hình quả thận để tiện khâu vá, uống trà, đọc sách... và có tính thẩm mỹ. Bên
cạnh đó, phòng ngủ còn thể hiện cá tính, đặc điểm riêng của mỗi gia đình quý
tộc. Phòng ngủ của bá tước Bezukhov là một “căn phòng lớn có những dãy
cột ngăn ra thành từng vòm. Trên tường chăng kín những tấm thảm Ba-tư.
Sau dãy cột, ở một bên có một chiếc giường gỗ đỏ cao chăng màn lụa, ở bên
kia kê một chiếc tủ lớn mặt kính đựng tượng thánh. Tất cả phần này thắp đèn
sáng rực như ở trong nhà thờ khi làm lễ chầu buổi tối. Dưới các đường viên
lấp lánh của chiếc tủ thờ có một chiếc ghế bành kiểu Volter rất lớn ở phía trên
dặt những chiếc gối trắng tinh chưa có nếp nhăn, hẳn là vừa mới thay xong”
[27, tr.183]. Có thể thấy đây là phòng ngủ của một bá tước rất giàu có, có uy

22



quyền trong xã hội, đồng thời là người chịu ảnh hưởng của phong trào Ánh
sáng Pháp và có phần sùng đạo.
Xuất hiện nhiều nhất trong không gian cung đình trong Chiến tranh và
hòa bình là phòng khách. Có thể nói, trong tiểu thuyết, phòng khách là một
không gian tiêu biểu cho cuộc sống của quý tộc cung đình Nga. Nếu khung
cảnh điền trang và thiên nhiên điền trang được Tolstoy dùng làm chiếc gương
phản chiếu tinh thần của quý tộc điền trang thì phòng khách và những hoạt
động ở đây được tác giả dùng để làm rõ bản chất của giới quý tộc cung đình.
Phòng khách thường được sơn màu vàng tượng trưng cho sự giàu có và quyền
lực của chủ nhân, trên tường treo rất nhiều bức tranh là những bức chân dung
của Nga hoàng đương thời hay các bức tranh thánh. Ngoài ra các quý tộc
thường trưng bày các bức tượng trong phòng khách của mình. Tolstoy đã nói
về phòng khách trong Chiến tranh và hòa bình rằng “trong vô số những cách
phân loại có thể dùng cho các hiện tượng của cuộc sống, ta có thể phân biệt
những cách sống mà nội dung chiếm ưu thế với những cách sống mà hình
thức chiếm ưu thế. Trái với cuộc sống ở thôn quê, ở thị trấn, cuộc sống ở
Peterburg, nhất là ở các phòng khách có thể xếp vào loại thứ hai”[28, tr.242].
Phòng khách quý tộc là nơi quý tộc cung đình lui tới để kháo vặt, bàn phiếm
về chính sự và thời cuộc, nơi chạy chọt danh vọng và mưu đồ những việc
chẳng tốt đẹp gì. Chính Boris Drubetskoy, một kẻ trong giới này đã nói về
chính giới này “ở đây, ở Matxcơva chúng tôi lo ăn uống và ngồi lê đôi mách
hơn là quan tâm đến chính trị[...]Matxcơva chỉ lo đến những chuyện kháo vặt
thôi” [26, tr.141], và nếu có nói những chuyện chính trị thì cũng chỉ trong
chốc lát, sau đấy là “những mẩu chuyện lặt vặt vô nghĩa về cuộc khiêu vũ vừa
qua và cuộc khiêu vũ sắp tới, về những buổi kịch, về vấn đề sẽ gặp lại nhau
vào lúc nào, ở đâu” [26, tr.89]. Trong những phòng khách này, những tân

23



khách được cho là “những người thuộc lớp quý tộc tai mắt nhất” và “nơi tụ
họp của toàn thể giới trí thức ” [26, tr.66] .
Trong Chiến tranh và hòa bình, Tolstoy đặc tả phòng khách của Anna
Pavlovna Serer và phòng khách của Elen Kuraghin. Phòng khách của Anna
Pavlovna Serer được ví như “một xưởng dệt” và bà chủ nhà “như một ông
chủ xưởng dệt, sau khi đã cắt đặt thợ thuyền đâu vào đấy, bắt đầu đi đi lại lại
trong xưởng, và hễ chỗ nào máy ngừng chạy hay chỗ nào có thoi đưa quá to,
có tiếng cót két bất thường là vội vã đến tận nơi để hãm máy lại hay chữa cho
nó chạy đều.” [26, tr.70]. Mỗi khi có đám khách mới lạ, bà chủ phòng khách
có cái hãnh diện của anh đầu bếp sắp thết khách món thịt bò rán, và “mỗi vị
khách trong bữa tiệc cũng chỉ là một công cụ, một món ăn giúp cho chính bữa
tiệc của bà ta thêm thịnh soạn”. Những vị khách đó giống như “một món thịt
bò mà người ta sẽ không muốn ăn nếu trông thấy nó ở nơi bếp núc bẩn thỉu”
đã được bà chủ phòng khách “dọn lên thành một món ăn sang trọng”. Những
ví von đó nói lên tính chất máy móc, tẻ nhạt trong sinh hoạt của nó. Phòng
khách là nơi để người ta ấp ủ những mưu đồ, là nơi để tạo quan hệ nhằm từng
bước leo thang trong giới quý tộc như công tước Vaxili “ muốn tiến cử con
mình làm bí thư thứ nhất” [26, tr.62] hay bà Anna Mikhailovna “đến đây để
chạy chọt cho cậu con được một thuyên chuyển về quân cận vệ” [26, tr.55].
Những kẻ tai to mặt lớn quen đi lại trong phòng khách đó như những người
máy giả dối. Công tước Vaxili Kuraghin với “cái đầu bóng nhoáng, xức nước
hoa thơm phức” lúc nào cũng “nói theo thói quen, như một chiếc đồng hồ đã
lên dây sẵn, nói những điều mà mình cũng không muốn người ta tin là
thật”[26, tr.59] với cái giọng “uể oải như một diễn viên đọc một vai tuồng đã
quá cũ”. Những chuyện thân thiết thì ông ta giải quyết ở hành lang, còn
những chuyện cao đàm khoát luận suông thì ông ta “đọc” trong phòng khách.
Giới quý tộc cung đình nơi phòng khách đầy giả tạo và mưu mô, tới mức “nụ

24



cười của họ thường pha lẫn với một cái gì chẳng giống chút nào với một nụ
cười”. Bằng mọi thủ đoạn, tiểu xảo lố bịch và giả tạo , nữ công tước già Anna
Mikhailovna cười với công tước Vaxili với cái “miệng mỉm cười, cái nụ cười
của một thiếu nữ làm đỏm xưa kia rất hợp với bà, nhưng bây giờ trên cái bộ
mặt đã cằn cỗi trông thật lạc điệu”, và khi “công tước vừa đi khỏi thì nét mặt
của bà trơ lại lạnh lùng, vờ vĩnh như ban nãy” [26, tr.62].
Những nghi thức nơi này cũng đầy mùi kiểu cách, giả tạo: “tất cả các tân
khách đều làm tròn lễ nghi thăm hỏi các bà dì mà chẳng ai biết, chẳng ai
thích, và chẳng ai cần đến. Anna Pavlovna, vẻ thông cảm trịnh trọng và buồn
rầu, chăm chú theo dõi những lời chào hỏi của họ và lặng lẽ tán thưởng. Vị
tân khách nào cũng được nghe dì tôi dùng những lời lẽ giống nhau để nói về
sức khoẻ của khách, sức khoẻ của mình và sức khoẻ của Đức Hoàng thái hậunhờ trời Người đã khoẻ hơn trước. Vị khách nào đến chào hỏi xong cũng lui
ra với một cảm giác nhẹ nhõm như vừa làm tròn một nhiệm vụ nặng nề,
nhưng vì xã giao nên ai cũng cố làm sao không lộ vẻ hấp tấp khi bỏ đi, để rồi
suốt buổi tối không đến với bà già ấy lần nào nữa”[26, tr.66]
Trong thời bình thì vậy, trong thời chiến, phòng khách cũng chẳng thay
đổi gì. Năm 1812, khi Pháp xâm lược Nga, phòng khách của Anna Pavlovna
và phòng khách của Elen y nguyên như cũ: “phòng khách của Anna Pavlovna
vẫn hệt như cách đây bảy năm và phòng khách của Elen cũng như dăm năm
trước”[28, tr.344]. Giới quý tộc cung đình nơi phòng khách cũng chẳng thay
đổi gì, tất cả chỉ lo vun vén cho bản thân mình: “cuộc sống ở Peterburg yên
tĩnh, xa hoa, chỉ bận tâm lo đến những ảo ảnh, những phản ánh cuộc đời, vẫn
tiếp tục theo nếp cũ, cho nên phải cố gắng lắm mới có thể nhận thức được
nguy cơ và tình cảnh khó khăn của nhân dân Nga hồi bấy giờ. Vẫn những
buổi lâm triều ấy, những cuộc vũ hội, đoàn kịch Pháp ấy, cũng vẫn những
cuộc tranh chấp ấy, chạy chọt, kèn cựa như trước ở cung đình và trong quan

25



×