Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật về trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Có những sự vật như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, dây
chuyền sản xuất trong nhà máy…Bản thân hoạt động của nó luôn
tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Mặc
dù con người luôn tìm cách để kiểm soát vận hành nó một cách an
toàn nhưng vẫn có những thiệt hại khách quan bất ngờ có thể xảy
ra nằm ngoài sự kiểm soát đó. Những sự vật như vậy gọi là “nguồn
nguy hiểm cao độ”.
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại hình
trách nhiệm đặc biệt, pháp luật đã quy định nhằm bảo đảm quyền
lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, bài viết sau đây em đi sâu tìm
hiểu các quy định cũng như thực trạng áp dụng và từ đó nêu ra
các giải pháp nhằm làm sáng tỏ hơn vấn đề bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lí luận
1. Khái niệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra.
Điều 9, BLDS 2005 ghi nhận nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền
dân sự theo đó : “tất cả các quyền dân sự của cá nhân , pháp
nhân, chủ thể khác được tôn trọng và bảo vệ”. Để triển khai, thể
chế hóa nguyên tắc này luật dân sự có nhiều chế định cụ thể, tiến
bộ và ngày càng hoàn thiện phù hợp với bản chất của một nhà
nước XHCN. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là
một chế định quan trọng được các nhà làm luật quan tâm và dự
liệu khá cụ thể nhưng vẫn chưa thật hoàn thiện. Bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng có thể do hành vi của con người có thể do tài
sản gây ra. Nguồn nguy hiểm cao độ là một loại tài sản đặc biệt
mà hoạt động của nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho
những người xung quanh. Để hiểu rõ hơn về chế định này, đầu tiên
chúng ta nên xem xét khái niệm, quy định của pháp luật như thế
nào?
Điều 623 BLDS 2005 đã quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra:
1. Nguồn nguy hiẻm cao độ bao gồm phương tện giao thông vận
tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt
động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ
và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định
bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại
do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho
người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi
thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có
lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a, Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
b, Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế
cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử
dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu sử dụng nguồn nguy
hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy
hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đớii
bồi thường thiệt hại.
Tiếp đó, TAND ban hành nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày
8/7/2006 hướng dẫn các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Có thể thấy rằng cả điều Luật và Nghị quyết đều không đưa ra một
khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng
được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Qua sự liệt kê các loại tài sản
được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, trên cơ sở xem xét đánh giá
về các loại tài sản được coi là nguồn nguy hiểm cao độ trong các
văn bản hướng dẫn có thể đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao
độ như sau:
“Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật chất nhất định do pháp
luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người,
con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối”.
Vậy cụ thể các nguồn nguy hiểm cao độ gồm những loại gì ? Điều
luật và nghị quyết của hội đồng thẩm phán vẫn chưa cụ thể, chúng
ta phải xem xét đến các luật chuyên ngành, lĩnh vực khác nhau,
theo đó:
Về phương tiện giao thông vận tải cơ giới: chưa có điều luật nào
quy định các phương tiện gì được coi là nguồn nguy hiểm cao độ,
trường hợp này chúng ta phải dựa trên các điều khoản của luật
chuyên ngành bao gồm: khoản 18, Điều 3 luật giao thông đường
bộ 2008 quy định : “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau
đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ôtô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơmirơ
moóc được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe môtô 2 bánh, xe mô tô 3
bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện) và các loại xe tương tự”. Điều
11, luật hằng hải Việt Nam 2005 quy định: “tàu biển là tàu hoặc
cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển”.
Khoản 7, Điều 3 luật giao thông đường thủy nội địa 2004 quy
định : “phương tiện nội thủy (sau đay gọi là phương tiện) là tàu
thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động
cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa”. Khoản 1, Điều 13
Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định : “tàu bay là
thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hổ với
không khí bao gồm máy bay, trực thăng ,tàu lượn, khí cầu và các
thiết bị bay khác trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác
động tương hổ với không khí”. Như vậy, Bộ luật không quy định
nhưng khi áp dụng, Tòa án phải linh hoạt, vận dụng xác định trong
trường hợp nào được coi là nguồn nguy hiểm cao độ trường hợp
nào không được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.
- Hệ thống tải điện: được hiểu là dây chuyền dẫn điện, mô tơ, máy
phát điện, cầu dao…; nhà máy công nghiệp như nhà máy công
nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ.
-Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn công
cụ hỗ trợ…
-Chất cháy, chất nổ: là chất lỏng, chất khí, chất rắn…dễ gây ra
cháy nổ. Chất cháy có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với oxi
trong không khí, nước hoặc dưới tác động của các yếu tố khác ở
nhiệt độ cao hoặc không cao (diêm, phốt pho, xăng dầu..). Chất nổ
với khả năng gây nổ mạnh, nhanh tỏa nhiệt và ánh sáng (thuốc
nổ, thuốc pháo, thuốc súng…)
- Chất độc: là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức
khỏe, tính mạng của con người, động cơ cũng như đối với môi
trường xung quanh ( ví dụ như chất độc bảng A như A- cô - ni - tin
và các loại muối của nó, kẽm phốt pho, ni –cô - tin…).
- Chất phóng xạ là chất “chất ở thể rắn, lỏng, khí có hoạt động
phóng xạ riêng lớn hơn 70 kilô beccơren trên kilogram (70kBo/ kg).
Chất phóng xạ là những nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân
gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hóa học (urani,
radi…) có khả năng phát ra những chùm tia phóng xạ không nhìn
thấy gây bệnh hoặc gây nhiễm xạ đối với người động vật và môi
trường sống”.
- Thú dữ là động vật bậc cao có lông mao, tuyến vú, nuôi con bằng
sữa, lớn, rất dữ, có thể làm hại người. Ví dụ: hổ, báo, sư tử, gấu…
- Các nguồn nguy hiểm khác: Đây được coi là quy định mang tính
“mở” của pháp luật liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Pháp
luật quy định như vậy nhằm dự liệu trước nhiều nguồn nguy hiểm
chưa được phát hiện nhưng gây ra thiệt hại cũng cần phải bồi
thường thiệt hại nhằm bảo vệ người bị thịêt hại.
Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý, chỉ áp dụng trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn hai dấu
hiệu sau:
Thứ nhất: Những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải
đang trong tình trạng vận hành, hoạt động như: phương tiện giao
thông vận tải cơ giới đang tham gia giao thông trên đường; cháy,
chập hệ thống tải điện; nhà máy công nghiệp đang hoạt động…
Trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở
trạng thái “tĩnh” – không hoạt động thì không thể coi là thiệt hại
do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, ví dụ: xe ô tô dừng đỗ trên
đỉnh dốc nhưng theo quán tính trượt xuống chân dốc gây thiệt hại;
cột điện bị đổ trong lúc đang thi công, chưa có điện; thú dữ chết
thối rữa gây dịch bệnh…
Thứ hai: thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân nguồn
nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm
gây ra.
Trường hợp thiệt hại xảy ra do hoạt động nội tại của nguồn nguy
hiểm cao độ, hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự quản lý, kiểm
soát của con người thì sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại
do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như: xe ô tô đang chạy với tốc
độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt hại;
cháy, chập đường dây tải điện; cháy nổ trong nhà máy do trục trặc
kỹ thuật…
Pháp luật quy định nhưng chỉ liệt kê, điều này gây khó khăn khi áp
dụng luật. Trong thực tế có nhiều loại tài sản nguy hiểm gây thiệt
hại nhưng khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản
gây ra lại không có hoặc không biết có phải là do nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra hay không.
2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra.
Xem xét Điều 623 ở trên, chúng ta thấy nội dung điều luật tương
đối rõ ràng, ngay kể cả những trường hợp cụ thể được dự liệu ở
khoản 3, khoản 4. Tuy nhiên, chúng ta sẽ áp dụng điều luật này
như thế nào? trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra phát sinh khi thỏa mãn những điều kiện sau
đây:
- Có thiệt hại xảy ra: cũng giống như trách nhiệm bồi thường thiệt
hại nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường
hợp riêng biệt nói riêng, thiệt hại được coi là điều kiện tiền đề, điều
kiện cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại xuất phát
từ mục đích của việc bồi thường là khắc phục hậu quả xảy ra cho
người bị thiệt hại. Nếu không có thiệt hại thì không bao giờ phát
sinh trách nhiệm bồi thường. Và cũng do đặc điểm của nguồn nguy
hiểm cao độ là những loại tài sản có khả năng gây thiệt hại trong
quá trình vận hành, sử dụng chúng. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra chỉ có thể là những thiệt hại về tài sản, tính mạng,
sức khỏe. Thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm là những thiệt
hại chỉ có thể phát sinh do hành vi của con người nên không thuộc
phạm vi tác động của nguồn nguy hiểm cao độ.
- Thiệt hại do chính nguồn nguy hiẻm gây ra hay nói cách khác là
sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của tài sản: Điều 623 BLDS liệt
kê các loại nguồn nguy hiểm cao độ và điều luật này xác định rất
rõ ràng: “bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra”.
Bản thân nguồn nguy hiểm luôn tiềm ẩn trong nó “nguy cơ” gây ra
thiệt hại và “nguy cơ” đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào; ngoài tầm
kiểm soát của con người. Xuất phát từ lý do này mà pháp luật quy
định: “chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy
định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm
cao độ, theo đúng các quy định của pháp luật”. Chúng ta cần phân
biệt thiệt hại “do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” với thiệt hại “do
hành vi trái pháp luật của con người gây ra có liên quan đến nguồn
nguy hiểm cao độ”. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là
thiệt hại do “tự thân” nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại.( Ví
dụ như : ôtô đang vận hành thì nổ lốp, mất phanh…gây thiệt hại
một người điều khiển xe máy trên đường nhưng tay ga bị kẹt nên
không làm chủ được tốc độ gây thiệt hại).
Còn thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là thiệt hại
do hành vi trái pháp luật của con người gây thiệt hại nhưng liên
quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Ví dụ: lái xe phóng nhanh vượt
ẩu gây tai nạn, say rượu bia điều khiển xe gây tai nạn. Trên thực
tế, đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nghiệm bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi người áp dụng
không phân biệt được thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao
độ. Nhiều trường hợp khi áp dụng pháp luật, người áp dụng cứ
thấy có hành vi trái pháp luật của con người gây thiệt hại, hành vi
gây thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ lại được
xác định là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ví dụ như:
vì A ghét B nên đã bí mật tháo phanh xe máy của B, B không biết
nên đã sử dụng xe máy gây ra thiệt hại cho C thì trường hợp này A
mới phải là người có hành vi trái pháp luật, A phải bồi thường thiệt
hại mà không xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra vì lí
do chiếc phanh đã bị tháo ra trước khi xe vận hành chứ không phải
do nó tự đứt trong quá trình đang đi trên đường.
- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với sự “tự thân” gây ra
thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ. Thiệt hại xảy ra thì phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tuy nhiên để có phát sinh
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra thì thiệt hại xảy ra phải trực tiếp do bản thân nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra thiệt hại. Một ví dụ cụ thể như sau: A trộm xe máy
của B, trong lúc B không ở nhà, C là con trai đã thành niên của B
đã lấy xe máy đi, trên đường đi xe bị đứt phanh gây thiệt hại cho
D. Trong trường hợp này thì C mới là người phải bồi thường thiệt
hại cho D vì sự kiện đứt phanh là nguyên nhân trực tiếp làm thiệt
hại cho D. C lúc này là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật
chiếc xe.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra chỉ cần xem xét trên 3 điều kiện. Điều kiện về lỗi không được
đặt ra đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra bởi đây là một loại trách nhiệm đặc biệt, thậm
chí khi chủ sở hữu không có lỗi vẫn phải bồi thường trừ trường hợp
quy định tại khoản 3, điều 623. Vậy tại sao vấn đề lỗi không được
đặt ra?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra chỉ áp dụng khi hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm
cao độ nằm ngoài khả năng kiểm soát, điều khiển của con người
chiếm hữu, vận hành và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt
hại. Nếu thiệt hại xảy ra do hoàn toàn lỗi cố ý của con người trong
việc trông giữ bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì
không áp dụng trách nhiệm này mà sẽ áp dụng trách nhiệm bồi
thường thiệt hại nói chung. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không loại trừ khả năng thiệt hại
cũng có một phần lỗi của người quản lý trông giữ, bảo quản, vận
hành, nguồn nguy hiểm cao độ không phải là nguyên nhân có tính
chất quyết định thiệt hại. Chủ sở hữu, người đang chiếm hữu
nguồn nguy hiểm cao độ không được miễn trừ trách nhiệm bồi
thường kể cả trong trường hợp họ chứng minh được mình không có
lỗi trong việc trông giữ, bảo quản vận hành nguồn nguy hiểm cao
độ. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt
động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp,
là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của
nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của người
quản lý, điều khiển, tuy nhiên lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối
với thiệt hại. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ vẫn được đặt ra khi không có yếu tố lỗi.
3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra.
Việc phận loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi
trái pháp luật gây ra có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định ai
là người phải bồi thường. Về nguyên tắc, chủ sở hữu nguồn nguy
hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra, kể cả trong trường hợp chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm
cao độ không có lỗi. Tuy nhiên theo quy định tại khoản 2, Điều 623
BLDS, trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã
giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng
thông qua một hợp đồng thuê, mượn thì trong thời gian người
thuê, người mượn sử dụng mà nguồn nguy hiểm gây thiệt hại cho
người khác thì người đang chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường, trừ
trường hợp chủ sở hữu và người thuê người mượn có thỏa thuận
khác. Những người được chủ sở hữu giao quyền chiếm hữu, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có trách nhiệm bồi thường
thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người khác, kể cả
khi họ không có lỗi.
Như vậy, pháp luật quy định cho dù là chủ sở hữu hoặc người đang
chiếm hữu sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp phải bồi
thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người
khác kể cả khi họ không có lỗi. Nguyên tắc xác định người có trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
không áp dụng trong các trường hợp sau:
thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp
thiết trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 623 BLDS, chủ sở hữu người được
chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cho
dù có lỗi hay không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường khi
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người khác. Như vậy có gì
khác biệt giữa hành vi có lỗi hoặc không có lỗi của chủ sở hữu của
người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây
thiệt hại cho người khác? Sự khác biệt này được thể hiện ở những
loại trách nhiệm pháp lý khác nhau.
Nếu chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm cao độ hoặc người được giao
chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi khi
nguồn nguy hiểm gây ra thiệt hại cho người khác, thì vẫn có trách
nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ gây thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra theo trách nhiệm dân sự, nhưng người này
không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu chủ sở hữu
hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
mà có lỗi cố ý hoặc vô ý để nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại
cho người khác, thì ngoài trách nhiệm dân sự là bồi thường toàn bộ
thiệt hại, họ có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại khoản
4, Điều 623 BLDS quy định về trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm
hữu sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Theo quy định này,
trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phát
sinh khi nguồn nguy hiểm cao độ của chủ sở hữu bị người khác
chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người thứ 3.
Trường hợp này thường xảy ra trong đời sống khi mà nguồn nguy
hiểm cao độ của chủ sở hữu bị trộm, cắp hoặc dưới các hình thức
khác thuộc hành vi chiếm đoạt trái pháp luật.
Nhưng trong trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao
chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc
để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật
thì phải liên đới bồi thường thiệt hại (khoản 4, Điều 623 BLDS). Sự
kiện này thường phát sinh trong xã hội và phổ biến ở trường hợp
chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ nhưng vẫn giao chiếm hữu, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ và người này đã gây thiệt hại cho
người thứ 3. Xác định trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra hay do hành vi trái pháp luật gây ra, để có căn cứ áp
dụng các quy phạm pháp luật trong việc xác định chủ thể bồi
thường thiệt hại. Tóm lại, xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại
chúng ta dựa trên 3 loại chủ thể bao gồm:
Chủ sở hữu đối với nguồn nguy hiểm cao độ.
Người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp đối với nguồn nguy hiểm cao
độ.
Người chiếm hữu sử dụng trái pháp luật đối với nguồn nguy hiểm
cao độ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý một số trường hợp đặc
biệt đối với trường hợp chiếm hữu sử dụng hợp pháp nguồn nguy
hiểm cao độ gồm : người được chuyển giao nguồn nguy hiểm cao
độ theo nghĩa vụ lao động và người được chuyển giao nguồn nguy
hiểm cao độ theo giao dịch giao dịch dân sự.
Đối với chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn
nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động. Trong trường hợp này,
người được chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ là những người
làm công, ăn lương, được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy
hiểm cao độ để thực hiện nhiệm vụ mà người chủ lao động giao
cho. Giữa chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người được giao
chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có mối quan hệ lao
động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao
động. Mặc dù người lao động là người đang thực tế chiếm hữu, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý,
điều hành của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và vì lợi ích của
chủ sở hữu nên phải coi đây giống như trường hợp chủ sở hữu
nguồn nguy hiểm cao độ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, theo
đó, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm khi tài sản của mình gây
thiệt hại cho người khác.
Đối với trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho
người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự.
Chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn
nguy hiểm cao độ cho chủ thể khác thông qua hợp đồng: mượn,
thuê, cầm cố, gửi giữ… tài sản hoặc ủy quyền cho người khác quản
lý tài sản của mình. Đây là những hợp đồng dân sự được xác lập
trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, vì vậy sự cam kết thỏa thuận
được coi như pháp luật đối với các bên. Trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào
sự thỏa thuận đó. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận
ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung
của pháp luật. Bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được
ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài
sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có các quyền và nghĩa vụ pháp
lý nhất định, trong đó có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy
hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho
người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi
đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ, họ bị coi là có lỗi
trong việc quản lý, sử dụng và phải chịu trách nhiệm bồi thường. II.
Thực tiễn áp dụng và giải pháp.
1. Thực tiễn áp dụng
Thực tiễn cần thiết phải quy định luật về bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhằm bảo vệ người bị thiệt hại,
khắc phục khó khăn trước mắt và về lâu dài sau này. Trong thời
gian qua, việc áp dụng pháp luật của tòa án, viện kiểm sát và các
cơ quan chức năng có thẩm quyền bên cạnh các thành tích đã đạt
được, xử phạt đúng người đúng tội nhưng vẫn có nhiều khuyết
điểm mà lỗi do chính các cơ quan này áp dụng không đúng điều
luật . Bên cạnh đó còn nhiều trường hợp pháp luật quy định không
rõ ràng gây nhiều khó khăn khi xét xử mà không biết trách nhiệm
bồi thường thiệt hại thuộc về ai trong mỗi trường hợp cụ thể. Dưới
đây là một số trường hợp cụ thể trong thực tế để làm rõ những
vướng mắc trên:
Thứ nhất, về trường hợp có sự nhầm lẫn giữa bồi thường thiệt hại
do hành vi trái pháp luật của con người gây ra liên quan đến
nguồn nguy hiểm cao độ với bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra. Vụ án xảy ra gần đây với nội dung như sau:
Công ty cổ phần An sinh (CTCPAS) có trụ sở tại quận Cầu Giấy,
Thành phố Hà Nội kí hợp đồng với xí nghiệp xây dựng công trình 1
thuộc công ty Cầu 75 (XNXDCT1). Theo đó, CTCPAS cho xí nghiệp
XNXDCT1 thuê 1 chiếc xe otoo chở bê tông với thời gian thuê là 12
tháng, kể từ ngày 18/5/2006 đến hết ngày 18/5/2007 với giá là 22
triệu đồng/ tháng, giá này đã bao gồm thuế VAT, lương lái xe. Đồng
thời CTCPAS điều động Nguyễn Trung Dĩ (là đối tượng là lái xe của
CTCPAS, có kí hợp đồng lao động với CTCPAS từ ngày 11/5/2005
đến hết ngày 11/5/2008) đi lái chiếc xe mang biển số 29U-4578 để
vận chuyển bê tông.
Đêm ngày 24/1/2007, Nguyễn Trung Dĩ thực hiện nhiệm vụ điều
khiển xe ô tô biển kiểm soát 29 U – 4578 để chở bê tông cung cấp
cho công trình thi công trụ sở tỉnh uỷ Hà Nam. Đến 2h15 phút
ngày 25/1/2007, Nguyễn Trung Dĩ điều khiển xe theo hướng Phủ Lý
đi Nam Định, đến Km số 4 + 600 thuộc quốc lộ 21A thuộc địa phận
thôn Văn Lâm, xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm nơi có đường bộ và
đường sắt giao nhau để đổ bê tông thừa xuống đường. Trên xe do
Dĩ điều khiển ngoài Dĩ còn có Đào Xuân Ánh, Nguyễn Trọng Thám
(công nhân XNXDCT1) và anh Nguyễn Văn Hồng (trú tại thôn Đại
Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Khi việc xả đổ bê
tông vừa hoàn thành, hai bánh trước của xe ô tô vẫn đứng trên
đường sắt thì đầu máy D19E – 902 kéo tàu Thống Nhất II của Tổng
Công ty đường sắt Việt Nam do anh Nguyễn Mạnh Hải ở Xí nghiệp
đầu máy Hà Nội điều khiển chạy hướng Nam Định – Phủ Lý đi tới
đã đâm vào xe ô tô 29U – 4578, hất xe ô tô đổ văng xuống đường
quốc lộ 21A làm anh Hoàng Văn Cương (phụ lái tàu Thống Nhất II),
Đào Xuân Ánh, Nguyễn Trọng Thám, Nguyễn Xuân Hồng bị thương
và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hậu quả: Anh Đào Xuân Ánh,
Nguyễn Trọng Thám bị chết (do vết thương quá nặng), Nguyễn
Trung Dĩ, Nguyễn Văn Hồng và Hoàng Văn Cương bị thương, xe ô
tô 29 U – 4578 và đầu máy D19E – 902 bị hư hỏng nặng.
Nguyễn Trung Dĩ bị VKSND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam truy tố
về tội “Vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông
đường bộ” theo Khoản 3, Điều 202 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ngày 26 tháng 9 năm 2007, TAND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam
đã mở phiên toà xét xử đối với Nguyễn Trung Dĩ. Trong vụ án này,
ngoài bị cáo Nguyễn Trung Dĩ thì TAND huyện Thanh Liêm xác định
tư cách tố tụng như sau: Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là
nguyên đơn dân sự, XNXDCT1 thuộc Công ty Cầu 75 là bị đơn dân
sự, CTCPAS là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Hành vi
phạm tội của bị cáo Nguyễn Trung Dĩ rõ ràng, tại phiên toà bị cáo
đã khai nhận tội. Tuy nhiên, điều đáng bàn trong vụ án này liên
quan đến “phần dân sự” – đó là phần bồi thường thiệt hại cho
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam. Hội đồng xét xử đã căn cứ vào
Điều 608 (thiệt hại do tài sản bị xâm phạm) và Điều 623 (Bồi
thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra) của Bộ luật
Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) quyết định: Buộc XNXDCT1 thuộc
Công ty Cầu 75 bồi thường thiệt hại cho Tổng Công ty đường sắt
Việt Nam 152.763.000 đồng (bao gồm chi phí sửa chữa đầu máy,
thời gian chậm tàu…) và XNXDCT1 phải chịu 7.122.000 đồng án
phí.
Trong vụ án này, việc Hội đồng xét xử áp dụng Điều 623 BLDS
2005 để buộc XNXDCT1 thuộc Công ty Cầu 75 bồi thường thiệt hại
cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam là không đúng qui định của
pháp luật. Trong trường hợp này cần xác định thiệt hại có phải do
tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay không? Ở đây, Xe ô tô
chở bê tông mang biển kiểm soát 29U – 4578 của CTCPAS đúng là
“nguồn nguy hiểm cao độ”, tuy nhiên thiệt hại trong trường hợp
này lại không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà là thiệt
hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ, do hành vi trái pháp
luật của con người gây ra. Nguyễn Trung Dĩ là lái xe của CTCPAS đã
điều khiển xe ô tô đến địa phận đường bộ và đường sắt giao nhau,
đỗ xe ở đó và đổ bê tông thừa là vi phạm qui định của Luật Giao
thông đường bộ. Điều 16, Khoản 2, Luật Giao thông đường bộ qui
định: “Cấm lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho
người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao cắt
đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ.”
Như vậy, hành vi vi phạm của Nguyễn Trung Dĩ được xác định là
trong khoảng thời gian thực thi nhiệm vụ của pháp nhân giao cho
(CTCPAS điều động), do đó pháp nhân (CTCPAS) phải chịu trách
nhiệm về hành vi của thành viên pháp nhân khi thành viên đó gây
thiệt hại. Do đó, trường hợp này cần phải áp dụng Điều 618 BLDS
2005 (Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra) mới
đúng. Trở lại với qui định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, chúng ta
thấy rằng: Chỉ có thể áp dụng Điều 623 BLDS 2005 về bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi tự bản thân nguồn
nguy hiểm cao độ gây thiệt hại mà không có sự tác động bởi hành
vi trái pháp luật của con người. Hành vi trái pháp luật của con
người ở đây là “hành vi có lỗi” để nguồn nguy hiểm cao độ gây
thiệt hại chứ không phải là hành vi “sử dụng nguồn nguy hiểm cao
độ” là công cụ, phương tiện gây thiệt hại. Nếu hành vi sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ là công cụ, phương tiện gây thiệt hại thì
trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định là trách nhiệm
thông thường của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Hành vi gây
thiệt hại của Nguyễn Trung Dĩ cho Tổng Công ty đường sắt Việt
Nam là hành vi trái pháp luật, hành vi trái pháp luật của Dĩ gây ra
liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ (ô tô chở bê tông), chứ
không phải là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Như vậy, việc xác định sai chủ thể gây thiệt hại dẫn đến áp dụng
sai điều luật nên xác định trách nhiệm bồi thường đã không chính
xác. Qua vụ án này chúng ta cần lưu ý trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm gây ra chỉ được đặt ra khi thiệt hại
đó phải do “tự thân” nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thứ 2, luật mang tính liệt kê vì vậy khi áp dụng gây nhiều khó
khăn, trong thực tiễn có nhiều loại tài sản mà mức độ nguy hiểm
của nó đáng kể nhưng trong luật không quy định là nguồn nguy
hiểm cao độ vì vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại không thể xác
định được. Ví dụ cụ thể như sau: Ông A và ông B vốn là bạn tri kỷ ở
cùng xóm. Hôm đó, A thấy buồn nên sang nhà B rủ B có rượu thì
mang ra uống. Trong lúc ông B đi mua rượu, thì tổ ong bò vẽ trên
cây xoài nhà ông B không biết vì lí do gì đã bay ra đốt ông A. Ông
A tối tăm mặt mũi kêu cứu. Hàng xóm chạy sang vội đưa ông A đi
đến bệnh viện nhưng khi đến bệnh viện ông A chết vì trúng độc.
Vợ con ông A sang bắt đền, buộc ông B phải bồi thường cho ông A.
Vậy trong trường hợp này, ong bò vẽ có phải là nguồn nguy hiểm
cao độ hay không ? trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?
Điều 623, BLDS 2005 không quy định ong bò vẽ là loại nguồn nguy
hiểm cao độ, theo tính chất vụ việc thì chúng ta thấy tính nguy
hiểm của loại ong này nên có thể được coi là nguồn nguy hiểm cao
độ và ông B có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông A. Giả sử
rằng, có trường hợp ông B không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt
hại cho ông A thì Tòa án phải dựa vào đâu để xác định trách nhiệm
bồi thường thiệt hại khi mà ong bò vẽ không được quy định là
nguồn nguy hiểm cao độ.
Một ví dụ khác như sau: A đang đi xe đạp trên đường dốc bất ngờ
xe đứt phanh lao xuống dốc làm chết 1 đứa trẻ đang chơi ở chân
dốc, vậy trong trường hợp này ai là người phải bồi thường? Bồi
thường vì nguyên nhân gì? Xe đạp không được coi là nguồn nguy
hiểm cao độ, A không có hành vi trái pháp luật. Như vậy trong
trường hợp này có thể được coi là pháp luật chưa quy định nên
không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây
thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Ví dụ thú dữ
trong rừng tấn công gây thiệt hại cho người đi rừng ? theo quy
định hiện nay, những tài sản như vậy là 1 loại tài sản thiên nhiên
và là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, thuộc sở hữu của bộ ngành có
liên quan, Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có văn bản nào quy
định cơ quan quản lý nhà nước phải bồi thường và vì vậy, không ai
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường hợp
này..
2 Giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự về
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra.
Trên cơ sở thực trạng áp dụng, các quy định của pháp luật hiện
nay, chúng ta cần thiết phải đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn
thiện hơn hệ thống pháp luật như sau:
Thứ nhất là, pháp luật cần đưa ra định nghĩa nguồn nguy hiểm
theo tiêu chí chung tránh trường hợp áp dụng nhầm lẫn trên thực
tế.
Thứ 2 là, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại
do chính sự tác động tự thân vận động của nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra.
Thứ 3 cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở
hữu đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu sử
dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và
chuyển giao theo giao dịch dân sự.
+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho
người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách
nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.
Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ
phải tự chịu trách nhiệm.
+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho
người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp
đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm
bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên
mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài
sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp
luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao
độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc
quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi
thường.
- Thứ tư: Pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm
cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm
bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước
chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các
cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng,
tạm giữ…
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là 1 loại
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tài sản gây ra, tuy nhiên
hiểu thế nào là bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra vẫn là một câu hỏi mà chưa có câu trả lời chính thống đối
với một số thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các nhà nghiên
cứu. Bài viết trên, trên cơ sở tham khảo bài viết của các chuyên
gia luật pháp, em đã trình bày một số quy định về vấn đề này và
qua đó nêu ra một số vướng mắc hướng giải quyết hy vọng luật
pháp sẽ hoàn thiện hơn trong một ngay không xa để kịp thời giải
quyết các vụ việc trên thực tế.