Tải bản đầy đủ (.doc) (128 trang)

SO SÁNH TRUYỀN THUYẾT và lễ hội HAI bà TRƯNG ở mê LINH và PHÚC THỌ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (521.84 KB, 128 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

---------------

NGUYỄN THỊ HỒNG THANH

SO SÁNH TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI HAI BÀ
TRƯNG Ở MÊ LINH VÀ PHÚC THỌ

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Hà Nội – 2014

1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

---------------

NGUYỄN THỊ HỒNG THANH

SO SÁNH TRUYỀN THUYẾT VÀ LỄ HỘI HAI BÀ
TRƯNG Ở MÊ LINH VÀ PHÚC THỌ

Chuyên ngành : Văn học dân gian
Mã ngành

: 60 22 01 25



LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Cán bộ hướng dẫn khoa học: GS. TS Lê Chí Quế

Hà nội – 2014

2


MỤC LỤC

3


A. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 chống quân Đông Hán xâm
lược thắng lợi đã giành quyền tự chủ cho đất nước. Dù ngắn ngủi (40 - 43)
nhưng nó vẫn có tác dụng lớn là đã nuôi dưỡng và đề cao ý chí độc lập của dân
tộc, làm vẻ vang cho nữ giới Việt Nam, rạng ngời trang chính sử. Xung quanh
cuộc khởi nghĩa oanh liệt đó có rất nhiều truyền thuyết ly kỳ và nhiều lễ hội ở
nhiều địa phương tái hiện lại cuộc khởi nghĩa đó. Qua lịch sử, truyền thuyết, lễ
hội, Hai Bà đã đi vào tâm thức người dân Việt nhiều thế hệ.
Cùng với dòng chảy của thời gian, chuỗi truyền thuyết về cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng được lưu truyền ở nhiều địa phương như một mạch
ngầm chảy trong tâm trí của nhân dân 20 thế kỷ qua. Nghiên cứu chuỗi truyền
thuyết này không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn có giá trị to lớn về mặt
tư tưởng, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh. Tuy nhiên chuỗi truyền thuyết về cuộc
khởi nghĩa của Hai Bà sẽ phong phú, sinh động hơn khi được “sống” trong môi

trường diễn xướng của lễ hội. Qua đó người đọc sẽ hình dung một cách tổng thể
hơn về cuộc khởi nghĩa của hai vị nữ vương đầu tiên của Việt Nam.
Truyền thuyết và lễ hội Hai Bà Trưng tồn tại ở nhiều địa phương, vùng
miền khác nhau, mỗi vùng miền lại lưu truyền những câu chuyện kể, có những
nghi lễ thờ cúng khác nhau theo những đặc điểm, phong tục, tập quán, quan
niệm riêng của mình. Hai trong số những địa phương tiêu biểu trong việc lưu
truyền truyền thuyết và lễ hội Hai Bà là Mê Linh – quê hương của Hai Bà, cũng
là nơi Hai Bà xưng vương, đóng đô và Phúc Thọ - nơi Hai Bà lập đàn thề khởi
nghĩa, trẫm mình tự tận để bảo toàn danh tiết. Ngày 9/12/2013 vừa qua, đền Hát
Môn (huyện Phúc Thọ) và đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) được Thủ tướng
chính phủ ký quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc

4


biệt. Đây như một sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối
với Hai Bà.
Đặt truyền thuyết và lễ hội Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh trong sự so
sánh với truyền thuyết và lễ hội Hai Bà Trưng ở huyện Phúc Thọ để tìm ra
những nét tương đồng và khác biệt thông qua khảo sát, điền dã thực tế, sưu tầm
tư liệu và điều tra xã hội học sẽ cho chúng ta nhiều điều độc đáo, hấp dẫn từ
góc độ văn học dân gian.
Từ những lý do trên chúng tôi đã chọn đề tài luận văn thạc sĩ là So sánh
truyền thuyết và lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh và Phúc Thọ để nghiên cứu.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là chuỗi những truyền thuyết
dân gian xung quanh cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh; lễ
hội Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh trên địa bàn 2 huyện Mê Linh và Phúc Thọ
(Thành phố Hà Nội).
Phạm vi nghiên cứu: luận văn giới hạn phạm vi nghiên cứu ở nguồn thư

tịch trong các sách chính thống đã xuất bản và tư liệu sưu tầm được thông qua
điền dã, khảo sát thực tế ở hai huyện Mê Linh và Phúc Thọ (Thành phố Hà
Nội). Riêng phần lễ hội tập trung chủ yếu là lễ hội Hai Bà Trưng ở hai làng Hạ
Lôi – Mê Linh và Hát Môn – Phúc Thọ. Bởi đây là hai làng tiêu biểu nhất trong
việc thờ tự và tổ chức lễ hội Hai Bà ở Mê Linh và Phúc Thọ nói riêng cũng như
ở đồng bằng sông Hồng nói chung. Bên cạnh đó luận văn có liên hệ một số lễ
hội tiêu biểu về các tướng lĩnh trên địa bàn hai huyện này. Mê Linh và Phúc
Thọ đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi, thay đổi địa giới hành chính, nhưng luận
văn chỉ chủ yếu tập trung khảo sát, nghiên cứu các truyền thuyết và lễ hội ở hai
huyện này với địa giới hành chính như hiện nay.

5


3. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn kết hợp các phương pháp nghiên cứu đa ngành như điền dã
điều tra dân tộc học và văn hóa dân gian; tổng hợp và phân tích các văn bản
được tập hợp bởi những người đi trước; phương pháp so sánh, đối chiếu thống
kê…
4. Những đóng góp của luận văn.
Luận văn sẽ so sánh nhằm chỉ ra những nét tương đồng cũng như khác
biệt trong hệ thống các truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lưu
hành ở Mê Linh và Phúc Thọ.
Với việc điền dã, điều tra dân tộc học và văn hóa dân gian, luận văn có
đóng góp vào việc sưu tầm, bổ sung nguồn tư liệu thực tế liên quan đến truyền
thuyết và lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh và Phúc Thọ.
Luận văn cũng góp phần khẳng định tính hiệu quả trong hướng nghiên
cứu hiện nay của văn học dân gian là: tổng hợp, liên ngành, vừa kết hợp khảo
sát văn bản có sẵn, vừa đi điền dã, khai thác kho tàng truyền thuyết dân gian
gắn với môi trường thực tiễn.

Luận văn cũng góp thêm một phần vào việc giáo dục cho thế hệ sau thêm
tự hào về cha ông mình đã từng chiến đấu hy sinh chống giặc ngoại xâm bảo vệ
bờ cõi, giang sơn giành lại độc lập cho dân tộc.
5. Cấu trúc của luận văn.
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, nội dung chính của luận văn được
trình bày trong 3 chương:
Chương 1. Tổng quan về đề tài
Chương 2. Những tương đồng và khác biệt trong chuỗi truyền thuyết về cuộc
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Mê Linh và Phúc Thọ
Chương 3. Những tương đồng và khác biệt trong lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê
Linh và Phúc Thọ.

6


Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI
1.1. Các khái niệm liên quan đến đề tài
1.1.1. Truyền thuyết và phân loại truyền thuyết
Khái niệm truyền thuyết
Trước đây truyền thuyết là một khái niệm khá mơ hồ, thiếu xác định. Có
quan niệm cho rằng truyền thuyết dùng để chỉ một mẩu chuyện được lưu truyền
nhưng chưa hoàn chỉnh hay không có cốt truyện. Hoặc có quan niệm cho rằng
truyền thuyết là những chuyện truyền miệng lấy nhân vật, sự kiện lịch sử làm
nội dung. Nhưng hiện nay, thuật ngữ truyền thuyết chủ yếu được dùng với tư
cách là một thể loại văn học dân gian.
Ở Việt Nam, truyền thuyết từ lâu đã được ghi chép thành văn bản.
Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã đề cập đến khái
niệm này: “Truyền thuyết dùng để chỉ những câu chuyện cũ, những sự việc lịch
sử còn được truyền lại nhưng không đảm bảo về mặt chính xác. Có thể do
truyền rộng mà sai lạc, cũng có thể do tưởng tượng của quần chúng phụ họa,

thêu dệt mà càng sai lạc hơn.Và truyền thuyết phần nhiều chưa được xây dựng
thành truyện. Nó mới chỉ là những mẩu chuyện. Nếu nó phát triển đến mức
hoàn chỉnh thì tùy theo nội dung mà nó có thể trở thành truyện cổ tích hoặc thần
thoại” [4, tr.19]. Trong bài viết Văn học dân gian là một kho tàng quý báu cho
sử học in trong cuốn Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các
anh hùng ông cũng viết thêm: “Cái mà ta gọi là truyền thuyết chỉ là những
truyện kể được quét một lớp sơn ảo tưởng. Tuy nhiên nếu nhà làm sử khéo tay
sẽ chọn lấy phần tinh chất, phần cốt lõi của hiện thực sau khi đã bóc bỏ cái lớp
sơn ảo tưởng kia” [ 21, tr. 28].
Phan Trần trong Tinh thần dân tộc qua các truyền thuyết lịch sử chú ý
đến phương thức phản ánh truyền thuyết: “Truyền thuyết là những truyện
truyền tụng trong dân gian về những sự việc và nhân vật có liên quan đến lịch

7


sử. Những nhân vật, sự việc đó thường được phản ánh qua trí tưởng tượng của
con người, qua sự hư cấu của nhân dân” [54, tr. 141].
Hồ Quốc Hùng trong Truyền thuyết Việt Nam và vấn đề thể loại có nêu ra
định nghĩa của mình về truyền thuyết: “Truyền thuyết là ký ức cộng đồng về
quá khứ, chủ yếu nó phản ánh niềm tin, sự ngưỡng mộ của nhân vật đối với
nhân vật và sự kiện kịch sử của dân tộc ít nhiều bằng hư cấu, tưởng tượng. Lịch
sử đọng lại trong truyền thuyết như những tia hồi quang phủ lên cảnh vật,
phong thổ của đất nước làm đắm say biết bao thế hệ” [16, tr. 10].
Trong Văn hóa dân gian khảo sát và nghiên cứu, Giáo sư Lê Chí Quế đã
dựa trên đặc trưng phản ánh của truyền thuyết để định nghĩa: “Truyền thuyết là
một thể loại trong loại hình tự sự dân gian phản ánh những sự kiện, nhân vật
lịch sử, danh nhân văn hóa hay nhân vật tôn giáo thông qua sự hư cấu nghệ
thuật thần kỳ” [41, tr. 114].
Như vậy, người ta không thể tìm thấy trong truyền thuyết những sự kiện

lịch sử chính xác đích thực, nhưng lại có thể tìm thấy những thứ mà không có
một tài liệu lịch sử nào có thể ghi lại được. Tính chính xác lịch sử trong truyền
thuyết, như nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch khẳng định: không phải hoàn toàn
ở sự phản ánh về thời gian, không gian, nhân danh, sự biến, trình tự biên niên
của sự kiện mà chủ yếu là ở bản chất, ở cái cốt lõi của lịch sử. Đó là một thứ
lịch sử văn hoá - tinh thần của nhân dân. Nó không giống như chính sử, nhưng
lại luôn được dân gian thừa nhận đó chính là lịch sử đáng tin cậy của mình. Và
truyền thuyết thể hiện tất cả những điều đó nhờ yếu tố tưởng tượng, hư cấu.
Yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết làm cho hành trạng của mỗi
nhân vật anh hùng trở nên kỳ vĩ, nhân vật được sánh ngang tầm thần thánh, tạo
nên một cốt truyện truyền cảm, sinh động, vừa chân thực vừa hấp dẫn, giúp cho
truyền thuyết trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ chứ không phải là một
tài liệu sử học. Mà nói như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Những truyền

8


thuyết dân gian thường có một cái lõi sự thực lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế
hệ đã lí tưởng hoá, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cũng thơ và
mộng. Chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên
những tác phẩm văn hoá mà đời đời con cháu ta ưa thích” [9, tr. 9].
Phân loại truyền thuyết
Việc phân loại các thể loại văn học dân gian nói chung và phân loại
truyền thuyết nói riêng khó có thể mạch lạc. Chỉ cần tuyệt đối hóa một đặc
trưng duy nhất nào đó của thể loại cũng dẫn đến phiến diện trong việc phân
loại. Tùy mục đích, đối tượng nghiên cứu mà mỗi nhà nghiên cứu có một cách
phân loại khác nhau. Lê Chí Quế trong Giáo trình văn học dân gian Việt Nam,
viết chung với Võ Quang Nhơn và Nguyễn Hùng Vĩ, Nhà xuất bản Đại học
quốc gia, in lần thứ hai, xuất bản năm 1996 chia làm ba loại: truyền thuyết lịch
sử, truyền thuyết anh hùng, truyền thuyết về các danh nhân văn hóa. Đỗ Bình

Trị trong Văn học [56] chia truyền thuyết làm ba loại: truyền thuyết địa danh,
truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết phổ hệ. Vũ Ngọc Khánh trong Truyền
thuyết Việt Nam [19] lại chia thành: truyền thuyết địa danh và di tích, truyền
thuyết lịch sử, truyền thuyết tổ ngành nghề. Còn Kiều Thu Hoạch trong Văn
học dân gian người Việt – góc nhìn thể loại [14] đã chia truyền thuyết làm ba
loại: truyền thuyết nhân vật, truyền thuyết phong vật, truyền thuyết địa
danh….Ở đây chúng tôi thấy cách phân loại của nhà nghiên cứu Kiều Thu
Hoạch đã dựa trên đặc trưng phản ánh của truyền thuyết, lấy đối tượng và nội
dung của truyền thuyết làm yếu tố quan trọng. Và ở mỗi tiểu loại lại có đặc
trưng riêng:
Truyền thuyết nhân vật: là những truyện kể dân gian về những nhân vật
và sự kiện lịch sử.
Truyền thuyết địa danh là những truyện kể dân gian để nhằm giải thích
nguồn gốc tên gọi của tên gọi của địa danh ở các địa phương có gắn các sự kiện

9


và nhân vật lịch sử có liên quan như: tên xóm, tên làng, tên sông, tên suối, ngọn
núi, sườn đồi…..
Truyền thuyết phong vật là truyền thuyết về các phong tục và sản vật của
địa phương, giải thích về nguồn gốc các phong tục, kỵ hèm, hội hè, trò diễn,
diễn xướng dân gian…hoặc các sản vật có gắn với các nhân vật hoặc sự kiện
lịch sử.
Vì thế chúng tôi thống nhất chọn cách phân loại của Kiều Thu Hoạch.
1.1.2. Lễ hội
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến ở nước ta.
Nó ra đời từ rất sớm và đã tồn tại, phát triển qua nhiều thời đại. Tuy nhiên cho
đến nay, tên gọi đích thực của nó vẫn chưa được các nhà nghiên cứu định danh
một cách thống nhất. Có người gọi là lễ hội, có người gọi là hội lễ, có người gọi

là hội hè hay hội hè đình đám….
Dù gọi với tên gọi nào cũng đều bao chứa hai yếu tố cơ bản của nó là lễ
và hội. Và cũng không thể coi lễ quan trọng hơn hay hội quan trọng hơn. Bởi
nếu thiếu một trong hai yếu tố này sẽ không còn là hội lễ nữa. Vì thế gọi là lễ
hội hay hội lễ đều được mà không ảnh hưởng đến nội dung, tính chất của lễ hội.
Nhưng phần đông các học giả cũng như trong dân gian gọi là lễ hội.
Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm, định nghĩa về lễ
hội. Vũ Ngọc Khánh cho rằng: “Lễ hội cũng gọi là hội lễ, là hình thức sinh hoạt
văn hóa xã hội của một tập thể, một tổ chức thuộc giới, nghề, ngành hoặc tôn
giáo trong phạm vi một địa phương hoặc trong cả nước” [18, tr. 79].
Đinh Gia Khánh thì cho rằng: “Trước hết phải nói rằng hội lễ là môt hình
thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tất yếu nảy sinh trong xã hội loài người trên
cơ sở một nhu cầu không thể không thỏa mãn của con người sống thành xã hội.
Hội lễ đã nảy sinh trong xã hội thị tộc, bộ lạc, tức là dưới chế độ cộng sản

10


nguyên thủy và sẽ còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của xã hội
cộng sản văn minh sau này” [17, tr. 172].
Trong Cơ sở văn hóa Việt nam, nhóm tác giả đã định nghĩa lễ hội thông
qua việc lý giải nguồn gốc, thời điểm ra đời lễ hội từ nghi lễ nông nghiệp: “Cư
dân Việt và cư dân các dân tộc ít người ở Việt Nam là những cư dân nông
nghiệp sống bằng nghề trồng lúa nước. Vòng quay của thiên nhiên và mùa vụ
tạo ra trong họ những nhu cầu tâm linh. Khoảng thời gian nghỉ ngơi này là dịp
để người dân vừa cảm ơn thần linh đã phù hộ cho mùa vụ đã qua và cầu mong
phù hộ cho một mùa màng sắp tới. Dần dà biến thiên thời gian đã lắng đọng
nhiều phù sa văn hóa trong lễ hội. Sinh hoạt văn hóa ấy của cư dân được gọi là
lễ hội” [60, tr. 97].
Trong Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các anh

hùng, tác giả Lê Văn Kỳ đã đưa ra định nghĩa: “Hội lễ là một cuộc vui lớn của
cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, tín ngưỡng, thi thố tài năng,biểu
dương sức mạnh, tái hiện cuộc sống con người trong trường kỳ lịch sử.Nó là
một loại hình tổng hợp bao gồm nhiều yếu tố văn hóa dân gian luôn luôn tương
tác lẫn nhau” [21, tr. 38].
Lễ hội là một diễn xướng văn hóa tổng hợp với nhiều yếu tố cấu thành.
Nhưng dù là lễ hội, thời đại nào cũng đều nhất thiết phải có hai yếu tố cơ bản là
lễ và hội. Hai thành tố này có quan hệ biện chứng, hữu cơ không tách rời. Mà
theo như Đinh Gia Khánh: “Danh từ hội lễ nên được dùng như một thuật ngữ
văn hóa. Có thể sơ bộ xác định ý nghĩa của thuật ngữ này theo hai thành tố là
hội và lễ. Hội là tập hợp đông người trong một sinh hoạt cộng đồng. Lễ là các
nghi thức đặc thù gắn với sinh hoạt ấy” [17, tr. 172].
Trần Quốc Vượng cũng cho rằng: “Lễ hội gồm hai phần vừa tách rời vừa
không tách rời nhau: Lễ (nghi lễ cúng thần, thánh, phật, mẫu…) và hội (tụ hội

11


của dân một làng hay liên làng)” [61, tr. 9]. “Trên thực tế và về lý thuyết, lễ hội xoắn xuýt hữu cơ vào nhau không thể tách rời” [62, tr. 31].
Ngô Đức Thịnh cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Lễ và hội là một thể
thống nhất không thể chia tách. Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh
sâu lắng nhất của con người, là phần đạo, phần đời của mỗi con người, của
cộng đồng. Hội gắn liền với lễ và chịu sự quy định của lễ, có lễ mới có hội”
[51, tr. 321].
Theo Lê Văn Kỳ trong Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội
lễ về các anh hùng thì “Hội lễ là một hiện tượng văn hóa phức tạp, tổng thể”
[21, tr. 38] và ông chia ra bảy yếu tố cấu thành hội lễ: lễ, hội, tín ngưỡng, phong
tục, người đóng vai, các thành tố nghệ thuật, vật phẩm dâng cúng.
Như vậy về cơ bản, các nhà nghiên cứu có nhiều cách nói, diễn đạt khác
nhau trong lúc cắt nghĩa hội lễ nhưng về cơ bản nội dung các ý kiến không có gì

mâu thuẫn. Tất cả đều khẳng định hội lễ là một cuộc vui của cộng đồng, hội đi
đôi với lễ để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và đảm bảo cho cuộc vui đó hoàn
thiện hơn.
Tổng hợp các quan điểm của các học giả trên, chúng tôi cho rằng: Lễ hội
là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, bao gồm phần lễ và phần
hội. Lễ là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con
người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước
cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Lễ trong lễ hội là hoạt
động của một tập thể người liên quan đến tín ngưỡng chung của cộng đồng. Hội
là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu
cuộc sống.
1.2. Mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội
Truyền thuyết và lễ hội đều là sản phẩm hoạt động tinh thần của nhân
dân, do dân sáng tạo, bồi đắp, lưu giữ và thể hiện. Tuy nhiên truyền thuyết và lễ

12


hội là hai lĩnh vực khác nhau, truyền thuyết thuộc phạm trù văn học dân gian,
còn lễ hội thuộc phạm trù văn hóa – xã hội. Truyền thuyết tập trung khắc hoạ
nhân vật, sự kiện lịch sử bằng ngôn từ, bằng hình tượng, bằng các biện pháp
nghệ thuật theo đặc trưng của thể loại. Trong khi đó lễ hội là một sinh hoạt văn
hoá dân gian tổng hợp, cần có môi trường diễn xướng, có cộng đồng tham dự.
Lễ hội ca ngợi người anh hùng bằng tín ngưỡng, bằng nghi thức lễ bái, bằng
phong tục, bằng sự kiêng kị, bằng vật phẩm dâng cúng, bằng việc diễn lại sự
tích, hành trạng, bằng trò chơi dân gian, bằng đám rước….
Với thế mạnh, và cũng là đặc trưng thể loại của mình, cả truyền thuyết và
lễ hội là công cụ để nhân dân nhận thức về lịch sử, là tấm gương phản chiếu
trung thành lý trí và tình cảm của nhân dân trong sự nhận thức đó.
Về mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội có thể nói quan hệ giữa

truyền thuyết nhân vật, đặc biệt là truyền thuyết về người anh hùng và lễ hội về
người anh hùng là rõ nét hơn cả. Bởi “rõ ràng các nhân vật truyền thuyết khi đã
biến thành thần thì có một sức mạnh huyền diệu, được dân làng tin tưởng và
phụng thờ theo cách riêng của làng mình như người ta hay nói “trống làng nào
làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”” [21, tr. 102].
Trong loại truyền thuyết nhân vật, đặc biệt là truyền thuyết về người anh
hùng, có truyền thuyết phản ánh trọn vẹn về hành trạng của nhân vật, nhưng
cũng có truyền thuyết chỉ phản ánh một phần của hành trạng, một hoặc một vài
giai đoạn của cuộc đời người anh hùng. Ví dụ hội Hát Môn 4/9 âm lịch diễn lại
cảnh Hai Bà Trưng giết trâu mở tiệc khao quân…..
Trong mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về người anh hùng, lễ hội
có một số ưu thế trong việc phản ánh người anh hùng. Bởi lễ hội có sự huy
động sự đông đảo của nhiều người tham gia. Những hành trạng của nhân vật
thông qua các nghi lễ, trò diễn sẽ tác động trực tiếp, trực quan đến người xem,
tạo cho họ không khí thiêng liêng, tôn kính nhân vật trong lễ hội ấy.

13


Ngược lại, trong việc phản ánh nhân vật lịch sử, truyền thuyết cũng có
những ưu thế mà lễ hội không có được. Truyền thuyết có khả năng kể về cả
cuộc đời, thuật được nhiều chiến công của nhân vật chính thông qua các chi tiết
hư cấu nghệ thuật thần kỳ theo đặc trưng thể loại. Mặt khác nó còn có khả năng
khơi dậy, kích thích trí tưởng tượng của người nghe, người đọc về nhân vật
chính. Đó là quá trình sáng tạo nghệ thuật của truyền thuyết.
Thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng truyền thuyết và lễ hội có mối quan
hệ khăng khít. Đặc biệt với thể loại truyền thuyết nhân vật về người anh hùng
chống xâm lược thì mối quan hệ này lại càng gắn bó. Truyền thuyết tạo cho nội
dung lễ hội thêm phong phú, thiêng liêng, cao cả; ngược lại lễ hội nhằm minh
chứng, khẳng định cho sự tồn tại của truyền thuyết. Truyền thuyết được biểu

hiện bằng diễn xướng trong lễ hội, tạo sự sinh động, hấp dẫn, thu hút và để lại
ấn tượng sâu sắc cho mọi người, tạo nên một diện mạo văn hóa khá hoàn chỉnh,
mang dấu ấn riêng về nét đẹp văn hóa làng nước – một sản phẩm Foklore độc
đáo của dân tộc.
Mối quan hệ này được thể hiện rõ trong các truyền thuyết và lễ hội ở
một số nơi như:
Hội chọi trâu Đồ Sơn 9/8 âm lịch gắn với truyền thuyết về người anh
hùng nông dân áo vảo Quận He Nguyễn Hữu Cầu chống lại nhà nước phong
kiến tàn bạo những năm 1741 – 1745. Để tưởng nhớ công lao và người anh
hùng, nhân dân mở hội múa cờ và chọi trâu.
Hội Gióng được tổ chức từ 5 – 12/4 âm lịch hàng năm ở làng Phù Đổng
để tưởng nhớ người anh hùng làng Gióng. Đây là lễ hội hoành tráng, mang tính
chất hoàn chỉnh, mẫu mực trên các bình diện: truyền thuyết, tổ chức và nghệ
thuật biểu diễn. Lễ hội diễn lại đầy đủ cuộc đời, hành trạng của Thánh Gióng từ
lúc nhỏ cho đến lúc lớn lên đánh trận, múa cờ, chém giặc…

14


Hay tục đánh phết ở Hiền Quan (Tam Nông – Phú Thọ) trong lễ hội bà
Thiều Hoa công chúa – tướng lĩnh của Hai Bà Trưng; hay tục hú đáo trong lễ tế
thần Ngọc Trinh công chúa ở xã Lũng Hòa – Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc…. Tất
cả đều thể hiện rõ mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội.
Điểm qua các lễ hội trên đây ta thấy rằng các lễ hội bao giờ cũng gắn với
truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết là nội dung còn lễ hội là hình thức.
Như vậy có thể nói, truyền thuyết là cốt lõi của lễ hội, khiến cho lễ hội có
nội dung thiêng liêng, còn lễ hội làm cho việc diễn xướng truyền thuyết được
sinh động, thu hút sự gắn bó và cộng cảm của tập thể.
Đối với lễ hội, truyền thuyết đóng vai trò là xương sống, là cốt truyện
dẫn dắt tiến trình lễ hội, là cách bảo lưu truyền thuyết có hiệu quả nhất, là sự

minh giải cho lễ hội: mở hội vào ngày nào, sau bao nhiêu năm lại mở lại một
lần, tại sao kéo dài từng ấy ngày, rước từ đâu đến đâu, lễ vật dâng cúng gồm
những gì, phải kiêng kị những gì…
1.3. Khái quát vùng đất Mê Linh và Phúc Thọ
1.3.1 Mê Linh – một vùng đất giàu truyền thống văn hóa
Mê Linh là một vùng đất cổ với sự xuất hiện con người sinh sống từ mấy
nghìn năm trước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao tác động của tự
nhiên, con người, vùng đất nơi đây đã tạo nên một kho tàng di sản phong phú,
đặc sắc về văn hóa.
Mê Linh là một huyện nằm ở phía bắc thành phố Hà Nội, giáp sân bay
quốc tế Nội Bài. Đây là địa danh gắn với tên tuổi của Hai Bà Trưng.
Huyện Mê Linh vốn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, được thành lập ngày 5 tháng 7
năm 1977. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, từ ngày 1 tháng 8 năm
2008, huyện Mê Linh được tách ra khỏi Vĩnh Phúc và sáp nhập vào thành phố
Hà Nội.

15


Mê Linh hiện có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 02 thị trấn là
Thị trấn Chi Đông và Quang Minh; 16 xã là: Chu Phan, Đại Thịnh, Hoàng Kim,
Kim Hoa, Liên Mạc, Mê Linh, Tam Đồng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiền Phong,
Tiến Thắng, Tiến Thịnh, Tráng Việt, Tự Lập, Văn Khê, Vạn Yên.
Lịch sử hình thành và phát triển huyện Mê Linh gắn liền với thời đại các
vua Hùng dựng nước, là địa bàn cư trú của các Lạc tướng, Lạc hầu dòng dõi
vua Hùng. Vùng đất đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ này vốn là nơi giao lưu kinh
tế và văn hoá của các vùng như: miền núi, trung du và đặc biệt là sự giao thoa
văn hoá với các tỉnh lân cận nhất là với kinh đô Thăng Long, nên đã hội tụ ở
đây một nền văn hoá phong phú, đa dạng góp phần không nhỏ vào sự hình
thành phát triển của nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Trong đó, các di tích lịch

sử - văn hoá như một minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tinh tế
của người Việt, đồng thời còn đánh dấu sự ra đời và phát triển của văn minh
cộng đồng, làng xã Việt Nam.
Qua nghiên cứu tìm hiểu, các nhà khoa học đã cho thấy các di tích lịch
sử, đình, đền, chùa, miếu là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, ẩn
chứa trong đó là cốt cách, là tâm hồn của người dân đất Việt. Từ lâu trong tâm
thức của người dân Mê Linh, các di tích lịch sử - văn hoá chính là một phần
linh hồn, một nét văn hoá đặc sắc của quê hương. Do vậy, nơi đây đã lưu giữ
được 179 di tích, trong đó 27 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 01 di tích
được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 42 di tích được xếp hạng cấp tỉnh,
thành phố.
Cũng giống như các di tích lịch sử - văn hoá trong cả nước, di tích lịch
sử - văn hoá huyện Mê Linh gồm có: đình, đền, chùa, miếu; bên cạnh còn có di
chỉ khảo cổ học.
Di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ở Mê Linh đó là di tích Thành Dền. Di
chỉ Thành Dền ở xã Tự Lập được phát hiện năm 1970 với diện tích khoảng

16


2,5ha. Hiện vật thu lượm được khá phong phú, bao gồm: đồ đá, đồ đồng, và đồ
gốm… Đặc biệt đây còn tìm được nhiều khuôn đúc và hàng trăm cục sỉ đồng.
Có thể khẳng định Thành Dền không những là một di chỉ cư trú mà còn là một
trung tâm luyện đúc đồng quan trọng đương thời. Cùng với di chỉ Đồng Đậu
huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, di chỉ Thành Dền ở Mê Linh đã tạo nên một bộ
mặt văn hoá, một giai đoạn đồ đồng khá phát triển ở cả lưu vực sông Hồng thời
kỳ tiền Hùng Vương. Cho đến nay trong giai đoạn văn hoá Đồng Đậu, trên lưu
vực sông Hồng, chưa có điểm nào phong phú, toàn diện hơn di chỉ Đồng Đậu
và Thành Dền.
Mê Linh là huyện đồng bằng, nên không có sự phân chia vùng miền.

Điều kiện địa lý này đã tác động đến quy mô, cấu trúc, cũng như việc tôn thờ
trong các di tích lịch sử - văn hoá địa phương. Các di tích lịch sử - văn hoá ở
đây thường được xây dựng to lớn, bề thế, chạm trổ tinh xảo, với nhiều cách
điệu dân gian như: Rồng phun nước, cá vượt vũ môn và các đề tài: “Tứ Linh”
(long – ly – quy - phượng) là những con vật biểu tượng cho sức mạnh, sự thông
minh, khéo léo, trường tồn cùng thời gian, hay “Tứ Quý” (tùng - cúc - trúc mai) biểu tượng cho sự mềm dẻo, linh hoạt, bền vững và cái đẹp quý phái. Bên
cạnh yếu tố địa lý, các yếu tố thuân lợi về kinh tế, văn hoá, cũng góp phần quan
trọng làm nên sự quy mô, bề thế của hệ thống di tích lịch sử, văn hoá ở Mê
Linh.
Mê Linh tự hào là vùng đất đế đô thời Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa.
Vì vậy, phần lớn các di tích lịch sử, văn hoá ở đây đều ghi dấu những chiến
công hiển hách của Hai Bà Trưng như: cố đô Mê Linh ở Hạ Lôi, xã Mê Linh,
nay có đền thờ Hai Bà Trưng - cùng thân quyến và các tướng lĩnh của Hai Bà.
Cuối năm 2013 đền thờ hai Bà Trưng ở Hạ Lôi được Thủ tướng Chính phủ ký
quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, Mê Linh còn có
nhiều di tích thờ tướng lĩnh của Hai Bà như: đình Bạch Trữ thờ Cống Sơn, đền

17


Đông Cao xã Tráng Việt thờ bà Hồ Đề, đền Văn Lôi xã Tam Đồng thờ Lũ Luỹ,
đình Phú Mỹ xã Tự Lập thờ vợ chồng tướng Hùng Bảo, đình Bồng Mạc, Yên
Mạc xã Liên Mạc thờ hai nữ tướng Ả Nang, Ả Nương,…
Năm 544, nhà Lương cho quân sang xâm lược, với âm mưu biến nước ta
thành quận, huyện của chúng. Theo tiếng gọi của non sông, Lý Bôn đã đứng lên
chiêu tập hiền tài đánh đuổi quân xâm lược, ông đã sử dụng chiến thuật thuỷ
chiến và sông Cà Lồ (ranh giới giữa 2 huyện Mê Linh – thành phố Hà Nội và
Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc) đã được chọn làm trung tâm cuộc khởi nghĩa. Do
đó, ngày nay hai bên sông Cà Lồ thuộc hai huyện Mê Linh và Bình Xuyên có
rất nhiều di tích thờ Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương và các tướng lĩnh của hai

ông như: đình Diến Táo, đền Kim Giao xã Tiến Thắng thờ Lý Nam Đế, xã
Quang Minh có 4 di tích thờ Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng và các
tướng của Triệu Việt Vương. Các di tích lịch sử - văn hoá này đã và đang làm
thành một vùng di tích về thời Triệu Việt Vương ở phía nam Mê Linh.
Là huyện có truyền thống văn hoá lâu đời, trong suốt thời kỳ phong kiến
Việt Nam (1075-1919), nghĩa là từ triều Lý mở khoa thi đầu tiên đến khoa thi
cuối cùng dưới triều Nguyễn, huyện Mê Linh liên tục có người đăng khoa.
Toàn huyện có 15 tiến sỹ Nho học, trong đó dưới triều Lê có 12 danh nhân. Các
danh Nho thể hiện là những người có nhiều đóng góp cho quê hương mình. Đỗ
Nhuận người thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, đỗ tiến sĩ năm 1446 lúc 20 tuổi. Ông
làm quan đến chức Thượng Thư, Đông Các đại học sĩ, từng được vào cung dạy
học cho Vương tử và thường được đạo đàm với vua Lê. Nhờ giỏi thơ mà Đỗ
Nhuận được vua Lê Thánh Tông phong làm Tao đàn Phó nguyên suý. Ông đã
cùng các ông Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đàm Văn Lễ, Đào Cử biên
soạn sách “Thiên Nam dư hạ tập”, ghi chép chính sự về triều Lê, gồm 100
quyển. Ông còn cùng với Thân Nhân Trung và Lương Thế Vinh khảo cứu âm
nhạc nước nhà và Trung Quốc, đặt ra hai bộ Đồng Văn và Nhã Nhạc. Hiện nay,

18


trên địa bàn huyện cũng có nhiều di tích thờ các vị. Do đó, các di tích lịch sử
văn hoá nơi đây không chỉ có giá trị về mặt tâm linh, nghệ thuật, kiến trúc và
còn bao hàm tinh thần hiếu học, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ con
cháu noi theo.
Phần lớn các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Mê Linh là thờ nhân
thần, vì nơi đây là vùng đất gắn liền với các sự kiện lịch sử đấu tranh giải phóng
dân tộc như: Hai Bà Trưng, thời kỳ nhà Tiền Lý. Tuy là huyện nằm ven sông,
nhưng Mê Linh ít có di tích thờ thủy thần, ngay cả một xã nằm ven sông vẫn
thờ nhân thần, điều này chứng tỏ nhân dân nơi đây ít chịu ảnh hưởng bởi yếu tố

địa hình mà chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi giá trị lịch sử.
Mê Linh cũng là huyện có nhiều di tích lịch sử cách mạng. Mê Linh là
căn cứ địa cho các phong trào cách mạng yêu nước chống giặc ngoại xâm, vừa
là an toàn khu, nơi sơ tán các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể Trung ương và
địa phương; là nơi diễn ra các chiến dịch, các trận đánh vang dội. Các di tích
lịch sử trong thời kỳ này phần lớn là trụ sở hoạt động bí mật của các chiến sỹ
cách mạng.
Đặc biệt là vào năm 1943, nhân dịp lễ hội đền Hai Bà Trưng, nhân dân
tỉnh Phúc Yên cũng đã tổ chức đấu tranh chống Pháp - Nhật. Cũng năm đó,
đồng chí Trường Chinh về phổ biến Nghị quyết của Thường vụ Trung ương
Đảng, đền Hai Bà Trưng là địa điểm liên lạc bí mật của Đảng với các cơ sở
cách mạng trong tỉnh. Cũng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trung ương Đảng đã
chọn xã Tráng Việt làm địa điểm xây xưởng in Tiến Bộ. Chính tại đây đã in
lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Đến với huyện Mê Linh chúng ta không thể không nhắc đến xã Mê Linh
– một vùng địa linh nhân kiệt với đền thờ Hai Bà Trưng đã đi vào lịch sử. Đây
là vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Từ xa xưa, Mê Linh đã là một
bộ lạc trong thời đại vua Hùng. Theo tài liệu khảo cổ học thì thời Hùng Vương,

19


vùng này cư dân đã sinh sống đông đúc với nghề trồng lúa, đánh bắt cá. Nơi
đây đất đai phì nhiêu, bằng phẳng, bãi bồi châu thổ sông Hồng ngày càng mở
rộng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp trồng lúa nước và trồng trọt các
loại hoa màu.
Mê Linh là một vùng đất nằm trong cái nôi của nước Văn Lang xưa, nơi
có dòng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, xa xa phía Tây là núi Ba
Vì đứng sừng sững như một án thư, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo như
một bức hoàng phi chắn ngang phương Bắc.

Làng Hạ Lôi – xã Mê Linh trước kia có tên là Cổ Lôi trang (trang Cổ
Lôi), là làng của bốn làng nhỏ hợp lại: làng Đường, làng Nội, làng Hội, làng
Kiên. Trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính trong lịch sử, Mê Linh một
thời là huyện Chu Diên, sau đổi là huyện Yên Lãng lệ thuộc vào phủ Tai Đới.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, làng Hạ Lôi thuộc địa phận xã Mê
Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ năm 2008, theo quyết định mở rộng
thủ đô Hà Nội, làng Hạ Lôi thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà
Nội.
Phải chăng mạch nguồn Nghĩa Lĩnh hội tụ về đây đã tạo thành nguyên
khí, để rồi tại mảnh đất linh thiêng này đã sản sinh ra cho dân tộc hai vị nữ anh
hùng là Trưng Trắc và Trưng Nhị cưỡi voi xông trận đánh đuổi quân xâm lược
ra khỏi bờ cõi. Đồng Đống, đồng Tranh, đồng Hàn, đồng Đỗi, Bãi Huyện, Hồ
Tắm Voi…. Vẫn còn lưu dấu chân của các vị anh hùng xưa, mãi âm vang nơi
hồn thiêng sông núi.
Trải qua thời gian, các di tích lịch sử - văn hoá vẫn mãi mãi biểu thị lòng
tri ân, uống nước nhớ nguồn của các thế hệ đối với những người có công với
nước với dân; đồng thời còn là minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo, óc sáng
tạo của nhân dân, và là nơi để mỗi người dân Việt gửi gắm niềm tin, tâm hồn
của mình sau những ngày lao động vất vả. Bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích cũng

20


chính là chúng ta đang đọc và thực hiện bản thông điệp không lời của tiền nhân
gửi lại cho chúng ta, cho hôm nay và mai sau.
1.3.2. Phúc Thọ - mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời
Từ trung tâm Hà Nội, nếu đi theo quốc lộ 32 theo hướng Sơn Tây khoảng
35 km là chúng ta đến địa phận huyện Phúc Thọ. Phúc Thọ là huyện đồng bằng
Bắc Bộ, nằm bên bờ hữu ngạn của cả hai con sông: sông Hồng và sông Đáy,
thuộc hệ thống sông Hồng. Huyện được thành lập vào ngày 2/8/1822. Huyện

Phúc Thọ trước đây có tên gọi là Phúc Lộc, đến đời Tây Sơn đổi tên thành
huyện Phú Lộc. Đầu đời Gia Long, huyện lấy lại tên cũ là Phúc Lộc. Năm Minh
Mệnh thứ 3 (1822), huyện chính thức mang tên Phúc Thọ và địa danh này đã
được duy trì cho đến nay.
Phúc Thọ có ranh giới phía tây giáp thị xã Sơn Tây, phía nam giáp huyện
Thạch Thất, phía đông nam (lần lượt từ Nam lên Đông) giáp các huyện Quốc
Oai và Hoài Đức, phía đông giáp huyện Đan Phượng. Ranh giới phía đông của
huyện với các huyện Đan Phượng và Hoài Đức, gần như chính là con sông Đáy,
là phân lưu của sông Hồng. Về phía bắc, sông Hồng là ranh giới của huyện, mà
tính từ đông sang tây gồm có: Mê Linh (ở góc phía đông bắc), các huyện của
tỉnh Vĩnh Phúc như Yên Lạc (ở phía bắc), Vĩnh Tường (ở góc phía tây bắc).
Góc phía đông bắc huyện, trên ranh giới với các huyện Mê Linh và Đan
Phượng, tại vị trí các xã Vân Hà, Vân Nam và Hát Môn, huyện có cửa Hát
Môn, vốn là ngã ba sông phân lưu nước sông Hồng vào sông Đáy.
Huyện Phúc Thọ vốn thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), nhưng từ 1/8/2008 Hà Nội
mở rộng địa giới hành chính, Phúc Thọ thuộc Hà Nội. Huyện Phúc Thọ hiện có
Thị trấn Phúc Thọ và 22 xã: Cẩm Đình, Hát Môn, Long Xuyên, Ngọc Tảo,
Phúc Hòa, Phụng Thượng, Phương Độ, Sen Chiểu, Tam Thuấn, Thanh Đa, Thọ
Lộc, Thượng Cốc, Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Võng Xuyên, Xuân Phú, Tam
Hiệp, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc.

21


Rất dễ dàng nhận thấy ở Phúc Thọ có một nền văn hóa lâu đời. Biểu hiện
rõ nhất là qua con người và cổ tích. Làng nào cũng vậy, thể hiện rõ nét đặc
trưng của một làng Việt cổ của vùng châu thổ sông Hồng với: cây đa, giếng
nước, sân đình, cổng làng, rặng tre xanh, hồ ao…. Tất cả tạo nên cảnh thiên
nhiên, cảnh sống sinh động, hài hòa. Người dân Phúc Thọ luôn mang trong
mình một tính cách của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là

biết coi trọng đạo lý, giữ gìn nét đẹp truyền thống và những tinh hoa của dân
tộc. Họ đã biết phát huy mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng, đặc biệt là mối
quan hệ của các dòng họ trong mỗi làng xã để tạo nên thuần phong mỹ tục riêng
của từng làng xã.
Với truyền thống hiếu học, Phúc Thọ là vùng đất có nhiều vị đỗ đạt cao.
Tiêu biểu là Kiều Văn Bá 33 tuổi đỗ đệ tam giáp, đồng tiến sĩ khoa Tân Mùi,
niên hiệu Hồng Thuận (1511); Hoàng Bồi năm 27 tuổi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ
(Hoàng Giáp) khoa Quý Mùi – Hồng Đức (1493), đời Lê Thánh Tông; Nguyễn
Đạo Hưng, 29 tuổi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng Giáp) khoa Quý Sửu, niên
hiệu Hồng Đức (1493); Nguyễn Đỗ Cung (Nhâm Tí 1912 - 1977), họa sĩ xuất
sắc trong thế hệ tạo hình đầu tiên của nước ta….. Ở Phúc Thọ có làng Thư Trai
– xã Phúc Hòa nổi danh là làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học lâu đời với
rất nhiều người đỗ đạt, làm quan. Đặc biệt, các vị đỗ đạt trong làng này có quan
hệ huyết thống rất gần gũi, hoặc là bố con, ông cháu, hoặc là anh em. Nhiều
người cho rằng đây là truyền thống hiếu học được thể hiện trong một số gia
đình ở Thư Trai.
Phúc Thọ cũng là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hiến với cuộc
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lừng lẫy, nhiều bậc hiền tài đóng góp cho đất
nước trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, văn hóa…
Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, Phúc Thọ luôn làm tốt
vai trò “cửa ngõ” bảo vệ Thủ đô, góp công vào chiến thắng chung của dân tộc.

22


Những tên tuổi các vị anh hùng của Phúc Thọ đã đi vào lịch sử dân tộc có thể
kể đến là: Hai Bà Trưng, Phùng Tú, Phùng Huyền, Phùng Cát, Giang Văn
Minh, Đốc Ngữ, Hoàng Đạo Cật, Hà Nguyên Thị……
Phúc Thọ còn là quê hương của truyền thuyết và thơ ca dân gian. Ngoài
truyền thuyết Hai Bà Trưng nổi tiếng ở Hát Môn, ở đây còn lưu giữ một số

truyền thuyết khác như: truyền thuyết Bạch Nương ở Sen Chiểu, truyền thuyết
cầu Trò….
Trong các làng xã, tín ngưỡng dân gian có từ rất sớm. Các đình làng của
Phúc Thọ hầu hết được mô tả có dạng thức xây dựng và chạm trổ hoa văn theo
kiểu triều nhà Lê, tôn nghiêm như thánh đường mà thần tượng cao nhất là
Thành hoàng làng. Tục thờ thành hoàng làng là biểu hiện sự thống nhất tinh
thần xã hội giữa triều đình và làng xã, giữa chính quyền và thần quyền. Thành
hoàng làng đa số là các anh hùng dân tộc có công chống ngoại xâm. Và hầu hết
các làng quê trong huyện đều có lễ hội truyền thống với những nghi thức dân
gian đặc sắc.
Về các di tích lịch sử, tính đến tháng 8-2013, Phúc Thọ có tổng 86/173 di
tích lịch sử - văn hóa – cách mạng đã được xếp hạng, nổi bật là đền thờ Hai Bà
Trưng, chùa Kim Hoa, đình Hạ Hiệp, miếu Thuần Mỹ.... Trong đó đền thờ Hai
Bà Trưng ở Hát Môn được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ những năm 1960 và
vào 9/12/2013 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận di tích cấp
quốc gia đặc biệt.
Có thể nói Hát Môn với đền thờ Hai Bà Trưng là một trong những nơi
tiêu biểu cho lịch sử, văn hóa huyện Phúc Thọ. Hát Môn là xã nằm ở phía Đông
Bắc của huyện Phúc Thọ và là một trong những xã có diện tích rộng nhất huyện
Phúc Thọ. Thời Hai Bà Trưng, theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì Hát Môn và
Mê Linh thuộc huyện Phúc Lộc. Đinh Văn Nhật trong các công trình nghiên
cứu lịch sử của mình thì cho rằng Hát Môn thuộc đất Mi Linh xưa. Qua nhiều

23


lần thay đổi tên gọi: Lộc Phúc, Tân Phúc nhưng cho đến nay vẫn giữ nguyên
tên là xã Hát Môn. Cái tên xã đã nói lên nhiều điều. Hát Môn – cửa con sông
Hát – địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Sông Hát Giang
trong lịch sử xa xưa nhận nước từ sông Hồng chảy về, đoạn chảy qua huyện

Phúc Thọ và xã Hát Môn dài khoảng 15km. Sông này còn có tên là sông Đáy
chảy qua địa bàn 3 tỉnh: Hà Tây (cũ), Hà Nam và Ninh Bình rồi đổ ra biển. Xưa
kia đây là con sông lớn, là huyết mạch giao thông quan trọng của quận Giao
Chỉ. Theo dòng sông Hát, người ta có thể ngược lên Mê Linh, Việt Trì, Hòa
Bình hoặc xuôi về Nam vào tận Cửu Chân (Thanh Hóa). Chính vì vị trí địa lý
như vậy mà Hai Bà đã chọn Hát Môn làm căn cứ khởi nghĩa: lấy sông nước Hát
Giang làm căn cứ địa, rừng xanh Hát Môn làm nhà, chọn bãi cát dài Trường Sa
làm nơi lập đàn thề, tế cờ khao quân, đọc hịch khởi nghĩa. Tất nhiên, do biến
đổi của thời gian, Hát Môn với rừng xanh lau lách trước kia không còn, mà nay
chỉ còn trong ký ức. Nhưng nhân dân nơi đây vẫn rất tự hào với truyền thống
lịch sử, văn hóa của địa phương.
Xã Hát Môn nổi tiếng với đền thờ Hai Bà Trưng. Sau nhiều lần trùng tu,
tôn tạo, quần thể ngôi đền gồm các hạng mục: Quán tiên, cổng Tứ trụ, Nghi
Môn, đền chính, nhà Tạm ngự, nhà Ngự dội, nhà tưởng niệm, thủy đình, đàn thề
và không gian lễ hội rộng lớn. Nơi đây cũng lưu giữ được hệ thống truyền
thuyết với các lễ hội Hai Bà được tổ chức thường niên vào các ngày 6/3, 4/9,
24/12 (âm lịch). Đó là không gian văn hóa đậm đặc văn hóa xứ Đoài, mang vẻ
đẹp nhân văn, có ý nghĩa giáo dục rất lớn cho thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa.
Tóm lại, Phúc Thọ - Hà Nội là một vùng văn hóa, lịch sử lâu đời, tiêu
biểu cho văn hóa xứ Đoài. Chiều dài lịch sử huyện Phúc Thọ cũng là bề dày của
văn hóa, của những chiến công oanh liệt trong trang sử vàng đấu tranh xây
dựng, bảo vệ đất nước. Đó là những nét đẹp cần được nâng niu, trân trọng và

24


cũng góp một phần không nhỏ vào làm tôn vinh thêm nét đẹp văn hoá, phong
tục của văn hoá Việt.
1.4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng cho đến nay đã trải qua được gần

2000 năm trong lịch sử dân tộc. Tuy chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian
ngắn nhưng ý nghĩa lịch sử của nó rất to lớn. Quá trình nghiên cứu về truyền
thuyết Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh đã kéo dài nhiều thế kỷ, trải qua nhiều
thời đại khác nhau. Nhìn một cách khái quát nhất ta có thể phân định lịch sử
nghiên cứu vấn đề thành hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng 8/1945.
1.4.1. Giai đoạn trước 1945
Trải qua các triều đại Lý - Trần – Lê - Nguyễn đã có nhiều văn bản được
tuyển chọn và giới thiệu về truyền thuyết Hai Bà Trưng.
Đầu tiên phải kể đến cuốn Việt Điện U Linh [63] của Lí Tế Xuyên biên
soạn khoảng thế kỉ XIV đời nhà Trần, chép lại những chuyện vốn lưu hành về
các vị thần thiêng ở nước ta có chép chuyện Hai Bà Trưng vói nhan đề Chế
thắng nhị Trưng phu nhân. Trong truyện viết rõ ràng rằng: “Hai bà thua trận và
cùng mất, (43 CN). Nhân dân thương tiếc lập đền thờ tại địa hạt huyện An Hát,
đền có tiếng là linh ứng”. [63, tr. 23]. Như vậy dưới thời nhà Trần việc thờ
phụng các vị thần linh thiêng đã rất được coi trọng, trong đó có Hai Bà Trưng,
bởi lẽ theo sách này thì vùng An Hát chính là vùng đất mà Hai Bà cai quản khi
xưa và dưới triều vua Lý Anh Tông, đền thờ Hai Bà Trưng đã được lập và nhà
vua đã đến vùng đất này cầu mưa khi trời gặp đại hạn.
Kế đến là cuốn Lĩnh Nam chích quái [43], cuốn sách tập hợp các văn bản
của các tác giả đời Lý - Trần – Lê sưu tập và văn bản cuối cùng do Vũ Quỳnh
và Kiều Phú biên soạn vào cuối thế kỉ XV (1492 - 1493). Trong cuốn sách đó
có chép truyện Truyện hai bà trinh linh phu nhân họ Trưng. Ở phần lời tựa

25


×