Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

Đảng lãnh đạo chiến tranh du kích ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 1954)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.59 MB, 128 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
___________________________________

LÊ VĂN THÀNH

ĐẢNG LÃNH ĐẠO CHIẾN TRANH DU KÍCH
Ở TÂY NGUYÊN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

HÀ NỘI -2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
___________________________________

LÊ VĂN THÀNH

ĐẢNG LÃNH ĐẠO CHIẾN TRANH DU KÍCH
Ở TÂY NGUYÊN TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945-1954)
Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Mã số: 60 22 03 15

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Người hướng dẫn khoa học: TS TRẦN VĂN THỨC


HÀ NỘI - 2015


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan, công trình nghiên cứu là do bản thân thực
hiện, dưới sự hướng dẫn của TS Trần Văn Thức. Các số liệu, kết
quả nêu trong luận văn có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo trung thực và
tin cậy. Những đánh giá và kết luận trong luận văn chưa từng công
bố ở bất kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, tháng 12 năm 2015
Tác giả luận văn

Lê Văn Thành


CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN

STT

Ký hiệu, viết tắt

Giải thích

1

CSĐD

Cộng sản Đông Dương

2


CTQG

Chính trị Quốc gia

3

DCCH

Dân chủ Cộng hòa

4

Nxb

5

QĐND

Nhà xuất bản
Quân đội nhân dân


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1: ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ
TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH DU KÍCH Ở TÂY NGUYÊN
TRONG NHỮNG NĂM 1945-1950 ............................................................... 9
1.1. Khái quát về Tây Nguyên ..................................................................... 9
1.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội .............................. 9

1.1.2. Dân cư, truyền thống yêu nước và cách mạng ............................... 12
1.2. Bước đầu lãnh đạo xây dựng lực lượng và tiến hành chiến
tranh du kích của Đảng ở Tây Nguyên từ năm 1945 đến 1948 ............. 18
1.2.1. Chủ trương của Đảng về chiến tranh du kích ở Tây Nguyên ......... 18
1.2.2. Quân và dân Tây Nguyên tiến hành xây dựng lực lượng và phát
động chiến tranh du kích ........................................................................... 24
1.3. Tiếp tục lãnh đạo chiến tranh du kích trong các năm 1949-1950 ...... 34
1.3.1. Chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích trên toàn Tây Nguyên ..... 34
1.3.2. Quá trình hiện thực hóa chủ trương của Đảng về chiến tranh
du kích của quân và dân Tây Nguyên. ...................................................... 40
Tiểu kết chương .......................................................................................... 47
Chương 2: TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CHIẾN
TRANH DU KÍCH, GÓP PHẦN KẾT THÚC THẮNG LỢI CUỘC
KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1951-1954).... 49
2.1. Lãnh đạo xây dựng lực lượng và đẩy mạnh chiến tranh
du kích trong những năm 1951-1952 ...................................................... 49
2.1.1. Chỉ đạo tăng cường xây dựng lực lượng và đẩy mạnh chiến
tranh du kích, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới .......................................... 49
2.1.2. Quân và dân Tây Nguyên đẩy mạnh chiến tranh du kích,
góp phần hạn chế chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” ........ 54
2.2. Tăng cường lãnh đạo chiến tranh du kích, góp phần giành
thắng lợi quyết định trên chiến trường Tây Nguyên 1953-1954 ........... 62


2.2.1. Chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích kết hợp với chiến tranh
chính quy ở Tây Nguyên........................................................................... 62
2.2.2. Quân và dân Tây Nguyên hiện thực hóa chủ trương của Đảng, đẩy
mạnh chiến tranh du kích, phối hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy . 65
Tiểu kết chương .......................................................................................... 74
Chương 3: MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ........ 76

3.1. Một số nhận xét ................................................................................... 76
3.1.1. Ưu điểm .......................................................................................... 76
3.1.2. Hạn chế ........................................................................................... 83
3.2. Bài học kinh nghiệm ........................................................................... 87
3.2.1. Nắm bắt đặc điểm tình hình địa bàn, kịp thời có những chủ trương,
biện pháp phù hợp với Tây Nguyên ......................................................... 87
3.2.2. Luôn chăm lo, xây dựng và củng cố tổ chức Đảng và đội ngũ đảng
viên, nhất là đảng viên là người dân tộc thiểu số để lãnh đạo chiến tranh
du kích ....................................................................................................... 89
3.2.3. Xây dựng lực lượng, căn cứ, làng bản chiến đấu và động viên toàn
dân tham gia chiến tranh du kích .............................................................. 93
3.2.4. Kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính
quy, giành ưu thế tiến công chiến lược ..................................................... 97
Tiểu kết chương .......................................................................................... 99
KẾT LUẬN .................................................................................................. 100
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 104
PHỤ LỤC ..................................................................................................... 115


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Chiến tranh du kích là chiến tranh được tiến hành theo phương thức đánh
du kích, với lực lượng nhỏ lẻ, nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương nhằm
chống lại các đối phương có ưu thế hơn về sức mạnh quân sự [32, tr. 224]. Hiểu
một cách đơn giản, thì đây “là hình thức tác chiến của quần chúng nhân dân, của
quân đội và nhân dân một nước yếu, trang bị kém cỏi, đứng lên chống lại một
quân đội xâm lược có trang bị kỹ thuật mạnh hơn. Đó là một lối đánh của chiến
tranh cách mạng dựa vào tinh thần anh dũng mà chiến thắng vũ khí hiện đại, dựa
vào nhân dân, dựa vào làng bản mà chiến đấu, chỗ mạnh địch thì tránh, chỗ yếu
địch thì đánh, khi phân tán, khi tập trung, khi đánh tiêu hao, khi đánh tiêu diệt,

chủ trương đánh địch khắp mọi nơi, khiến chúng đi đến đâu cũng bị chìm ngập
trong một bể người vũ trang chống lại”[66, tr. 42]. Đây là một trong những
phương thức tiến hành chiến tranh phù hợp với đặc điểm nước ta.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954),
dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đẩy mạnh tiến hành chiến tranh du
kích ở các chiến trường trong cả nước, thu được nhiều kết quả, có ý nghĩa to
lớn trong sự nghiệp kháng chiến. Trong đó, chiến trường Tây Nguyên là một
điển hình, phong trào chiến tranh du kích đã được xây dựng và phát triển rộng
rãi, tạo dựng được một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, góp phần tích
cực vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tây Nguyên, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng không những ở Việt
Nam mà còn cả Đông Dương, nắm giữ Tây Nguyên có thể khống chế hầu như
toàn bộ các khu vực xung quanh. Do vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược (1945-1954), Tây Nguyên là nơi diễn ra tranh chấp quyết
liệt giữa ta và địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân đồng bào các dân
tộc Tây Nguyên đã anh dũng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân,
toàn diện. Tuy trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội còn thấp nhưng nhân dân các
1


dân tộc Tây Nguyên luôn tin theo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiên cường,
anh dũng đứng lên sát cánh, phối hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của
bộ đội chủ lực, đẩy mạnh chiến tranh du kích với lối đánh mưu trí, linh hoạt,
sáng tạo, tiến hành đánh địch liên tục, mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi lực lượng với
mọi vũ khí có trong tay đã góp phần kìm giữ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực
địch khiến cho thực dân Pháp luôn phải bị động tìm cách đối phó, thế bố trí
chiến lược của chúng bị đảo lộn. Chiến tranh du kích đã góp phần quan trọng
từng bước đánh bại mưu đồ giành đất, giành dân và âm mưu thâm độc “dùng
người bản xứ đánh lại người bản xứ” của thực dân Pháp.
Chiến tranh du kích là một trong những hoạt động trọng tâm và xuyên

suốt của đảng bộ, quân và dân đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, diễn ra
ngay từ ngày đầu cho đến khi kháng chiến kết thúc thắng lợi. Cuộc chiến đấu
đó vừa mang những nét chung của các địa phương, các vùng miền trong cả
nước lại mang những đặc trưng riêng. Trong cuộc đấu tranh đó, quân và dân
Tây Nguyên đã giành được những thắng lợi to lớn, nhưng cũng có những hạn
chế, vấp váp, phải chịu không ít tổn thất, mất mát và hy sinh.
Nghiên cứu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chiến tranh du kích ở
chiến trường Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
(1945-1954) nhằm góp phần dựng lại cuộc đấu tranh anh dũng của quân và
dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần lý
giải rõ hơn một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến,
làm phong phú thêm những kinh nghiệm về chỉ đạo chiến tranh du kích của
cả nước, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân
địa phương ở Tây Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay. Với những lý do trên, Học viên quyết định chọn “Đảng lãnh đạo chiến
tranh du kích ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
(1945-1954) làm đề tài luận văn thạc sĩ khoa học, chuyên ngành Lịch sử Đảng
Cộng sản Việt Nam.
2


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Chiến tranh du kích ở Việt Nam nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng là một
chủ đề lớn. Từ nhiều năm qua đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập thể và
các nhà khoa học trong nước cũng như quốc tế. Đã có nhiều công trình nghiên cứu
về đề tài chiến tranh du kích, các công trình tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh
giá ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể chia thành các nhóm như sau:
2.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến kháng chiến chống
Pháp ở Tây Nguyên
Võ Nguyên Giáp (1959): Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân,

Nxb Sự thật, Hà Nội; Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (1986), Khu 5- 30 năm chiến
tranh giải phóng, Tập 1- Kháng chiến chống thực dân Pháp; Bộ Chỉ huy quân
sự tỉnh Đắk Lắk (1991), Đắk Lắk 30 năm chiến tranh giải phóng, Tập 1,
Kháng chiến chống thực dân Pháp; Viện Lịch sử Đảng - Hội đồng biên soạn
Lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến (1992), Nam Trung Bộ kháng chiến
1945-1975, Hà Nội; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum (1993), Kon Tum 30
năm chiến đấu kiên cường bất khuất (1945-1975); Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Gia Lai (1993), Gia Lai – 30 năm chiến tranh giải phóng; Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1994), Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp, Tập 1, 2, Nxb QĐND, Hà Nội; Bộ Tổng Tham mưu (1998), Chiến
tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Chuyên
đề: Đặc trưng của chiến tranh du kích ở chiến trường Tây Nguyên trong
kháng chiến chống Pháp, Nxb QĐND, Hà Nội; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk
Lắk (1998), Tổng kết chiến tranh du kích trên chiến trường Đắk Lắk 19451975, Đắk Lắk; Bộ Tư lệnh Quân khu 5 - Tỉnh ủy Lâm Đồng (2004), Vai trò
đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trong
kháng chiến giải phóng dân tộc (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội….
Các công trình này đã trình bày bối cảnh, diễn biến, kết quả và ý nghĩa
của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên cả nước nói chung và trên
3


từng tỉnh của Tây Nguyên nói riêng. Những nội dung về chiến tranh du kích ở
Tây Nguyên, tùy theo từng công trình, trình bày ở mức khái quát hoặc cụ thể
ở từng tỉnh.
2.2. Các công trình đề cập đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và
Đảng bộ các cấp đối với phong trào chiến tranh du kích ở Tây Nguyên
Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1982): Lịch sử Đảng cộng
sản Việt Nam, Tập 1 (1920 - 1954) (Sơ thảo); Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban
nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Lâm Đồng (1984), Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Lâm Đồng; Bộ Tổng tham mưu (1998), Chiến tranh du kích, chiến tranh
nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (19451975) - Những bài nói và bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến tranh

du kích, chiến tranh nhân dân địa phương, Nxb QĐND, Hà Nội; Võ Nguyên
Giáp, Chỉ đạo chiến tranh du kích, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản; Ban Chấp
hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (19451954), Nxb CTQG, Hà Nội; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (2006),
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông (1930-2005), Nxb Đắk Nông; Đảng Cộng sản
Việt Nam, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum (2006), Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Kon Tum, Tập 1 (1930 – 1975), Nxb Đà Nẵng; Ban Chấp hành Đảng bộ
tỉnh Gia Lai (2009), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nxb CTQG,
Hà Nội; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (2008), Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Lâm Đồng (1945-1975), Nxb CTQG, Hà Nội;… Bên cạnh đó, còn có các
công trình Lịch sử Đảng bộ các huyện, thị xã như: Ban Thường vụ Thành ủy
Đà Lạt (1994), Lịch sử thành phố Đà Lạt (1930-1975), Thành ủy Đà Lạt ấn
hành; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mang Yang (1999), Lịch sử Đảng bộ
huyện Mang Yang (1945-1995), Nxb CTQG, Hà Nội; Lịch sử Đảng bộ Thị xã
An Khê (1945-2005), Nxb CTQG, 2010; …
Các tài liệu này chủ yếu đề cập đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của
Trung ương Đảng và Đảng bộ các cấp trong quá chỉ đạo chiến tranh du kích
của cả nước, cũng như ở tỉnh, huyện cụ thể trên chiến trường Tây Nguyên.
4


Liên quan tới chủ đề chiến tranh du kích nói chung, chiến tranh du kích
trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng trong kháng chiến chống thực dân Pháp,
nhiều năm qua đã có một số bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: Vũ
Quang Hiển (2000), Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng dân quân du
kích và chiến tranh du kích, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3; Nguyễn Văn Diệu
(2004), Âm mưu của thực dân Pháp về vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên (18931954), Tạp chí Xưa và Nay, số 224; Trần Văn Thức (2005), Âm mưu của thực
dân Pháp đối với vùng Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam
lần thứ hai (1945-1954), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 7 … Các tác giả đã đề cập
một số vấn đề đến chiến tranh du kích, đồng thời tập trung làm rõ những âm
mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, cũng như trình bày khái quát hoàn cảnh, diễn

biến cuộc đấu tranh của nhân dân đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhìn chung, chiến tranh du kích ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp xâm lược đã được đề cập khá nhiều trong một số công
trình viết về Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng mới chỉ ở
dạng khái quát, chung chung. Cho đến nay chưa có công trình nào nghiên cứu
một cách toàn diện về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chiến tranh du
kích chống lại thực dân Pháp của quân và dân các tỉnh Tây Nguyên; đề cập
đến những ưu điểm, hạn chế và bài học rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
của Đảng đối với chiến tranh du kích. Mặc dù vậy, các công trình nói trên là
nguồn tư liệu vô cùng quý giá để tác giả luận văn tham khảo, kế thừa trong
quá trình nghiên cứu.
2.3. Hướng nghiên cứu và giải quyết của luận văn
- Trình bày có hệ thống, toàn diện về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng
(Trung ương Đảng, Liên khu ủy 5, các Đảng bộ địa phương) về chiến tranh du
kích nói chung, chiến tranh du kích trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng
trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
5


- Tập trung làm rõ quá trình quân và dân Tây Nguyên thực hiện chủ
trương của Đảng về chiến tranh du kích trên địa bàn rừng núi, nơi sinh sống
của nhiều dân tộc ít người.
- Trên cơ sở kết quả phong trào chiến tranh du kích, đánh giá những
thành công, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh du kích của
Đảng trên chiến trường Tây Nguyên.
- Rút ra một số bài học kinh nghiệm.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh du kích của Trung ương Đảng,

Liên khu ủy 5 và các cấp uỷ Đảng ở Tây Nguyên, cũng như quá trình hiện
thực hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong kháng chiến chống thực
dân Pháp xâm lược (1945-1954).
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Bám sát tiến trình lịch sử, làm rõ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chiến
tranh du kích của Trung ương Đảng, của Liên khu uỷ 5 và các cấp uỷ địa
phương trên địa bàn Tây Nguyên.
- Trình bày quá trình quân và dân Tây Nguyên tiến hành chiến tranh du
kích theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến.
- Phân tích, đánh giá những ưu điểm, hạn chế, rút ra một số kinh
nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh du kích của Đảng trên chiến trường
Tây Nguyên.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng của luận văn là sự lãnh đạo chiến tranh du kích của Đảng
ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
(1945-1954).

6


4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian: Luận văn tập trung nghiên cứu về đường lối, chủ trương
của Trung ương Đảng, của Liên khu uỷ 5 và cấp uỷ các địa phương và chiến
tranh du kích ở Tây Nguyên từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954
- Về mặt không gian: Luận văn nghiên cứu sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến
tranh du kích của Trung ương Đảng, của Liên khu uỷ 5 và các Đảng bộ địa
phương các tỉnh Tây Nguyên, bao gồm các tỉnh theo địa giới hành chính lúc
đó là: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu

5.1. Nguồn tư liệu
- Các văn kiện của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Liên khu uỷ 5 và
của các cấp uỷ địa phương từ năm 1945 đến năm 1954.
- Lịch sử các đảng bộ, lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
của các địa phương, tài liệu tổng kết chiến tranh du kích của các tỉnh Tây
Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Các công trình khoa học, bài báo, tạp chí, luận án, luận văn có liên
quan đến đề tài.
- Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung
tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng và Quân khu 5.
5.2. Phương pháp
Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử là chủ yếu kết hợp với
phương pháp logic. Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp phân tích,
thống kê, so sánh… nhằm làm nổi bật quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của
Trung ương Đảng, Liên khu ủy 5 và các cấp uỷ địa phương trong quá trình
lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh du kích, cũng như phong trào đấu tranh của
quân và dân các tỉnh Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp xâm lược (1945 – 1954).

7


6. Đóng góp của luận văn
- Dựng lại một cách có hệ thống quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Trung
ương Đảng, Liên khu uỷ 5 và các cấp uỷ Đảng địa phương; đồng thời trình
bày quá trình quân và dân Tây Nguyên tiến hành chiến tranh du kích, trong
kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
- Góp phần làm sáng tỏ hơn về chiến tranh du kích nói riêng, chiến tranh
nhân dân nói chung trên địa bàn Tây Nguyên. Qua đó làm rõ thêm về tinh thần
đoàn kết, chiến đấu anh dũng hi sinh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

- Rút ra một số nhận xét và kinh nghiệm của Đảng trong việc lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức thực hiện chiến tranh du kích trên chiến trường Tây Nguyên.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận văn được chia thành 3 chương:
- Chương 1: Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng và tiến hành chiến
tranh du kích ở Tây Nguyên trong những năm 1945-1950
- Chương 2: Tăng cường lãnh đạo phong trào chiến tranh du kích, góp
phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược (1951-1954)
- Chương 3: Một số nhận xét và bài học kinh nghiệm

8


Chương 1
ĐẢNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG
VÀ TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH DU KÍCH Ở TÂY NGUYÊN
TRONG NHỮNG NĂM 1945-1950
1.1. Khái quát về Tây Nguyên
1.1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Tây Nguyên là vùng rừng núi trùng điệp, hiện nay gồm có 5 tỉnh: Kon
Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông1, Lâm Đồng nối tiếp nhau chạy dài theo
hướng Bắc – Nam. Phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Nam; phía Nam nối liền với
các tỉnh Đông Nam Bộ (tỉnh Bình Phước và Đồng Nai); phía Đông giáp tỉnh
Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận;
phía Tây giáp với Lào và Đông Bắc Campuchia, với đường biên giới chung là
732 km (Nam Lào 288km, Đông Bắc Campuchia 444km) [34, tr. 7]. Tây
Nguyên2 là vùng rừng núi, với nhiều núi cao, rừng rậm, có nhiều ngọn cao từ
1.500 đến trên 2.000m. Do địa thế hiểm trở, Tây Nguyên có một thế đứng vô

cùng lợi hại có thể khống chế hầu như toàn bộ khu vực xung quanh, giữ vị trí
chiến lược quan trọng không những đối với miền Nam nước ta, mà cả với
phần Nam Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rừng ở Tây
Nguyên còn bạt ngàn, che phủ trên 80% diện tích tự nhiên. Trong 5 cao nguyên
Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Lang Biang, Di Linh có độ cao trung bình từ 700800m, trong đó nổi lên một số dãy núi cao có giá trị khống chế các khu vực xung
1

Đắk Nông được tách từ Đắk Lắk ra thành lập theo quyết định 23/2003/QH11 ban hành ngày 26 tháng 11
năm 2003 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2
Ở đây có nhiều tài liệu dẫn khác nhau, theo Bộ Tư lệnh quân khu 5, Khu 5- 30 năm chiến tranh giải phóng,
xuất bản năm 1986, trang 16: Tây Nguyên rộng 67.000km2, còn theo Từ điển Bách khoa quân sự, do Trung
tâm từ điển bách khoa quân sự - Bộ Quốc phòng thì Tây Nguyên có diện tích rộng khoảng 55.568,9km2, hay
theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nguyên trên đường phát triển bền vững ở trang 19 có diện tích rộng
khoảng 54.538km2. Còn theo Bộ Tổng tham mưu, Chuyên đề Chiến tranh du kích trên chiến trường Tây
Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb QĐND, trang 7, thì Tây Nguyên có diện tích rộng
khoảng 37.000 km.

9


quanh. Hai cao nguyên Pleiku và Đắk Lắk nối liền nhau, hợp thành một vùng đất
rộng ở trung độ Tây Nguyên, vùng đất này lại nối liền với Đông Bắc Campuchia
tạo thành một chiến trường có dung lượng lớn ở phía bắc Đông Dương.
Nằm vào khoảng giữa nam bán đảo Đông Dương, nơi có chung biên
giới với Lào và Campuchia, Tây Nguyên có mạng lưới giao thông phong phú,
đa dạng, có thể ra Bắc, vào Nam, xuống đồng bằng ven biển, sang Lào và
Campuchia. Quốc lộ số 14 chạy từ Đà Nẵng lên phía Tây, xuyên suốt chiều
dài Tây Nguyên vào đến Đông Nam Bộ. Đường số 5 (nay là đường số 24) từ

Thạch Trụ (Mộ Đức - Quảng Ngãi lên giáp với Đường 14 ở Đắk Tô (Kon
Tum). Đường 19 từ cảng Quy Nhơn lên giáp Đường 14 ở thị xã Pleiku rồi
chạy thẳng sang Đông Bắc Campuchia giáp với Đường số 13 ở phía Nam Thị
xã Stung treng. Đường số 7 (nay là đường số 25) từ thị xã Tuy Hoà đi Cheo
Reo và giáp với Đường 14 ở ngã ba Mỹ Thạch. Đường số 21 nay là Đường số
26 từ Ninh Hoà (Khánh Hoà) lên đến thành phố Buôn Ma Thuột. Đường số
11 (nay là Đường số 20) từ thị xã Phan Rang lên Đà Lạt. Đường số 8 (nay là
Đường số 28) ở phía Nam Thị xã Phan Thiết lên giáp với Đường số 20 ở Di
Linh rồi chạy thẳng lên gặp Đường số 14 ở ngã ba Đắk Song. Đường 20 từ
ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) lên Đà Lạt. Đường số 18 từ Đắk Tô (Kon Tum)
đi Nam Lào. Tất cả các con đường này đều chạy qua các vùng núi cao, rừng
rậm, lắm đèo, nhiều dốc quanh co, có đèo với chiều dài lên đến 20km.
Hệ thống sông ngòi ở Tây Nguyên dọc ngang chằng chịt, lắm ghềnh
nhiều thác; là nơi khởi nguồn của 4 hệ thống sông chính gồm: hệ thống sông
Pô Kô - Sê San ở Kon Tum đổ vào sông Mê Kông; hệ thống sông Ba - Ayun
ở Gia Lai đổ vào sông Đà Rằng chảy ra biển Đông; hệ thống sông Sêrêpôk ở
Đắk Lắk đổ vào sông Mê Kông và hệ thống sông Đồng Nai ở Đắk Nông và
Lâm Đồng chảy ra biển Đông. Vào mùa mưa, nước dâng cao và chảy xiết.
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, lại có độ cao trung bình từ 400m
đến hơn 2.000m so với mực nước biển, có núi, cao nguyên và vùng trũng, khí
10


hậu Tây Nguyên vừa có những điểm chung, vừa có những điểm riêng, đan
xen, phức tạp, gồm nhiều tiểu vùng, nhưng phổ biến là khí hậu nhiệt đới gió
mùa cao nguyên, chia thành hai mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến
tháng 10 dương lịch, thường gây ra lũ lớn, làm cho việc đi lại gặp nhiều khó
khăn. Mùa khô, phần lớn các con sông nhỏ và suối đều khô, cạn, nhất là ở
Nam Tây Nguyên.
Tây Nguyên là vùng đất đỏ ba dan lớn nhất nước ta. Các loại cây cao

su, cà phê, chè đều rất thích hợp. Do điều kiện địa hình đa dạng tạo cho Tây
Nguyên không chỉ có thể trồng chủ yếu các loại cây công nghiệp mà còn có
điều kiện phát triển nông nghiệp tương đối toàn diện. Những vùng đất phù sa
màu mỡ chạy dọc theo các con sông lớn ở Gia Lai, Đắk Lắk có thể làm nông
nghiệp trồng lúa 2 đến 3 vụ trong một năm. Tuy nhiên, nền kinh tế Tây
Nguyên cho đến trước cách mạng tháng Tám 1945, đồng bào các dân tộc Tây
Nguyên chủ yếu sống theo lối du canh, du cư, quanh năm thiếu đói. Người
Kinh chủ yếu làm trong các đồn điền của chủ tư bản Pháp, bị bóc lột nặng nề,
cuộc sống thiếu đói, kham khổ, làm cho bức tranh kinh tế Tây Nguyên nghèo
nàn, lạc hậu.
Đơn vị cơ sở xã hội ở Tây Nguyên là buôn làng với những đại gia đình
theo chế độ mẫu hệ. Các gia đình trong một buôn đều có quan hệ thân tộc
hoặc thích tộc ở những mức độ khác nhau, mối quan hệ đó là cơ sở để hình
thành một cộng đồng của buôn, làng được duy trì khá bền vững.
Xuất phát từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, trong điều kiện phải đương
đầu với thiên nhiên khắc nghiệt nên đã hình thành trong mỗi cộng đồng các
dân tộc những tập quán tốt trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, tinh
thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau và tinh thần thượng võ là đặc điểm
nổi bật của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Tây Nguyên vẫn
còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu như mê tín dị đoan, cúng cử, một số tập tục
trong ma chay, cưới hỏi, tục giết ma lai.v.v. Các yếu tố mê tín đã ảnh hưởng
11


và tác động nhiều đến cuộc sống sinh hoạt, đời sống sản xuất của đồng bào.
Những yếu tố này là tâm điểm để kẻ thù xâm lược lợi dụng, kìm hãm nhân
dân các dân tộc trong vòng tăm tối, thực hiện chia rẽ dân tộc, thôn tính lâu dài
và làm giảm bớt tinh thần đấu tranh của nhân dân.
1.1.2. Dân cư, truyền thống yêu nước và cách mạng
Tây Nguyên là nơi sinh sống của gần 30 dân tộc anh em, nhưng mật

độ dân số còn rất thấp. Đến năm 1936, số lượng của một số dân tộc đông
người nhất ở đây như sau: dân tộc Gia Rai có 151.300 người, Bana có
147.000 người, Sê Đăng có 12.160 người, Ê Đê có 80.000 người, Mạ có
34.150 người, M’nông có 31.160 và Kơ Ho là 64.4700 người [97, tr. 255].
Dân cư thưa thớt, tuyệt đại bộ phận đồng bào các dân tộc ít người thường
sinh sống ở vùng núi cao hoặc các vùng đất bằng ở xa các đô thị. Tuy không
hình thành những vùng lãnh thổ tộc người riêng, nhưng mỗi bộ tộc đều quần
tụ trong một khu vực nhất định. Các bộ tộc có số lượng đông thường theo
nhóm người địa phương.
Vào khoảng thế kỷ XVII, khi quân Nguyễn đánh vào Nghệ An, chiếm 7
huyện Nam sông Cả, bắt cư dân người kinh đưa vào sống ở vùng Tây Sơn;
tiếp theo là một số dân lao khổ ở đồng bằng lên sinh cơ lập nghiệp, đến giữa
thế kỷ XVIII đã có một số thôn ấp người Kinh ở vùng Tây Sơn thượng đạo.
Đến thế kỷ XIX, một số cư dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình
Định và một số theo đạo Thiên chúa giáo, để lánh sự truy nã của triều đình
Huế đã đến sinh sống ở Kon Tum, Gia Lai…
Ở Lâm Đồng, trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất,
chỉ có đồng bào dân tộc ít người. Khi xâm lược nước ta, đặt chân đến Lâm
Đồng và phát hiện cao Nguyên Lang Biang và Di Linh (1893), đặc biệt sau
chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp mới ra sức bắt ép người Kinh
từ miền Bắc, miền Trung đưa lên xây dựng Đà Lạt, Di Linh và khai thác vùng
Lâm Đồng. Trong khi đó, ở Đắk Lắk, do chính sách ngăn cấm của thực dân
12


Pháp nên đến năm 1929 mới có người Kinh lên sinh sống. Do đó, tính đến
năm 1936, toàn Tây Nguyên mới chỉ có 30.750 người Kinh sinh sống [97, tr.
255] và cho đến trước ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công,
phần lớn người Kinh là công nhân ở các đồn điền, còn lại phần ít tham gia sản
xuất nông nghiệp, số còn lại buôn bán nhỏ, làm nghề thủ công ở các thị xã, thị

trấn. Bên cạnh người Kinh, người Hoa đã đến Tây Nguyên khi các thị xã bắt
đầu hình thành, chủ yếu sống bằng buôn bán.
Về văn hoá, mặc dù có một số điểm khác nhau, nhưng tựu chung lại
đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn còn lưu giữ và duy trì được những yếu
tố văn hoá thống nhất tiêu biểu cho nền văn hoá bản địa cổ đại. Theo các tài
liệu khảo cổ cho chúng ta thấy, Tây Nguyên thuộc vùng đất cổ, có lịch sử
hình thành và phát triển lâu đời, đã tồn tại các tập đoàn dân cư cổ, đã định cư
nông nghiệp phân bố khá rộng. Tiêu biểu nhất vẫn là văn hoá Biển Hồ và văn
hoá Cát Tiên. Văn hoá Biển Hồ phân bổ khá rộng trên cao nguyên đất đỏ
Pleiku và có quan hệ nhất định với Văn hoá Sa Huỳnh của cư dân ven biển
Trung Bộ. Các nền văn hoá đó góp phần tô đậm thêm truyền thống văn hoá và
bức tranh tiền sử của các dân tộc Tây Nguyên.
Nói đến Tây Nguyên, không thể nhắc tới kho tàng văn nghệ dân gian
phong phú và nét độc đáo mang bản sắc văn hoá đặc trưng của cư dân cao
nguyên, bao gồm văn học, âm nhạc, điêu khắc, múa hát, kiến trúc… với đặc
trưng văn hoá gắn chặt với sinh hoạt cộng đồng và trở thành nhu cầu không thể
thiếu trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Thông qua kho tàng truyện thần thoại, truyện cười, cổ tích, ngụ ngôn,
chiến đấu… làm cho nền văn hoá dân gian Tây Nguyên mang nét đậm đà, tiêu
biểu cho cách nghĩ, cách nhìn của đồng bào nơi đây. Với những bản trường ca
(người Bana gọi là Hơ-mon; người Gia Rai gọi là Hơ Ri; người Ê Đê gọi là
Khan) là những bản hùng ca, ca ngợi những nhân dân kỳ vĩ, biểu hiện tinh
thần chống áp bức, phản ánh khát vọng tự do, muốn phá vỡ những ràng buộc
13


của xã hội cũ. Các bản trường ca Đam San, Xing Nhã, Đăm Di… không chỉ là
niềm tự hào của Tây Nguyên mà còn có giá trị lớn trong kho tàng văn học và
truyện cổ dân gian Việt Nam. Ngoài ra, một số dân tộc ở Tây Nguyên còn có
“Luật tục ca”, một bộ phận của kho tàng ca dao, tục ngữ và cũng là cơ sở của

các tập tục của nhân dân.
Các dân tộc Tây Nguyên đã sáng tạo ra nhiều đạo cụ độc đáo như đàn
đá, đàn Tơ rưng, đàn Klong pút, các loại cồng chiêng…. làm phong phú thêm
đời sống âm nhạc và đời sống tinh thần của người Tây Nguyên.
Ngoài điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội phong phú, đa dạng,
Tây Nguyên còn là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên
cường. Trong lịch sử đấu tranh, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã nhiều
lần đứng lên chống lại các cuộc xâm lược của Xiêm La (Thái Lan), Vạn
Tượng (Lào)… Ngay giữa thế kỷ XVIII, nhân dân Tây Nguyên đã nổi dậy
mạnh mẽ dưới ngọn cờ của nghĩa quân Tây Sơn chống lại ách thống trị của
chúa Nguyễn hà khắc ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Những đàn
voi chiến của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên thuần dưỡng, huấn luyện là
lực lượng đột kích chủ yếu của nghĩa quân Tây Sơn trong sự nghiệp thống
nhất đất nước trong chiến dịch đại phá 29 vạn quân Thanh của người anh
hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Hiểu rõ vị trí và tầm quan trọng của địa bàn chiến lược Tây Nguyên,
ngay từ giữa thế kỷ XIX để chuẩn bị cho quá trình xâm lược nước ta, thực dân
Pháp đã cho hàng loạt tên gián điệp đội lốt giáo sĩ xâm nhập khảo sát địa dư,
lập một số cơ sở Thiên chúa giáo trong những làng của đồng bào thiểu số. Theo
chân các giáo sĩ, những đoàn thăm dò, phái bộ quân sự của thực dân Pháp liên
tiếp đến Tây Nguyên thực hiện âm mưu cai trị vùng đất chiến lược này. Bằng
các thủ đoạn thâm độc lừa bịp, mua chuộc, chia để trị đi đôi với trấn áp vũ
trang, đến năm 1889, thực dân Pháp thiết lập chế độ “trực trị”, chính thức truất
hẳn quyền hành của triều đình Huế khỏi Tây Nguyên. Dưới ách thống trị tàn
14


nhẫn của quân cướp nước, người dân Tây Nguyên bị cướp đất đai để lập đồn
điền; phải nộp sưu thuế, lao dịch cực kỳ hà khắc; nhân dân bị chìm đắm trong
cảnh hủ bại “ngu dân”. Với chính sách thống trị thâm độc của thực dân Pháp đã

đẩy đồng bào vào cuộc sống ngày càng bần hàn, nạn đói triền miên.
Tuy nhiên, với quyết tâm không chịu sống kiếp đời nô lệ, phát huy
truyền thống bất khuất được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt
bằng tinh thần thượng võ và ý chí kiên cường, đồng bào các dân tộc Tây
Nguyên đã đứng lên cầm vũ khí chiến đấu chống quân xâm lược.
Trong những năm 1885-1886, nhân dân vùng An Khê đã hưởng ứng
mạnh mẽ chiếu Cần Vương cứu nước, hội tụ dưới cờ khởi nghĩa của Mai
Xuân Thưởng (Bình Định), tiến hành san bằng nhiều cơ sở bàn đạp của quân
xâm lược và thành lập các đội nghĩa quân. Trong đó, nhân dân làng Tio (vùng
Jrai) đã chặn đánh đoàn công cán của Công sứ Pháp Na-ven, buộc chúng phải
rút chạy về Quy Nhơn. Cùng thời gian này, đồng bào Ba Na, Xê Đăng ở Kon
Tum đã sát cánh cùng nghĩa quân Bình Định, Quảng Ngãi đánh thực dân
Pháp xâm lược. Tiếp đó là cuộc nổi dậy quật khởi của đồng bào Xê Đăng ở
Kon Tum (trong các năm 1901, 1909 và 1914); cuộc đấu tranh chống sưu
thuế của nhân dân An Khê, Cheo Reo hưởng ứng phong trào Duy Tân; nổi bật
là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mơ Nông do Nơ Trang Lơng lãnh đạo, kéo
dài hơn 20 năm (1912-1936).
Nhìn chung, những cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào các dân tộc
Tây Nguyên đã gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề. Ở nhiều vùng,
nhân dân vẫn làm chủ núi rừng, nhiều buôn làng sống hiên ngang như những
pháo đài bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh trên đều
chưa có một đường lối đúng đắn, chưa có một phương hướng lãnh đạo phù
hợp và chưa có sự liên kết rộng rãi giữa các dân tộc, các lực lượng, các vùng
miền. Lực lượng nhỏ, yếu, phân tán, chiến đấu đơn lẻ nên tuy rất anh dũng,
kiên cường nhưng cuối cùng đã thất bại.
15


Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đảm nhận
sứ mệnh lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi thành lập và

suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn coi trọng công tác
dân vận, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc ít người. Nghị quyết về công tác
trong các dân tộc ít người thông qua tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng năm
1935 đã khẳng định: “Lực lượng đấu tranh của các dân tộc thiểu số là một lực
lượng rất lớn. Cuộc dân tộc giải phóng của họ là một bộ phận quan trọng
trong cuộc cách mạng phản đế và điền địa ở Đông Dương” [58, tr. 73].
Ở Tây Nguyên, ngay từ những năm 1928-1929, thị xã Kon Tum và Đà
Lạt đã có cơ sở của Đảng Tân Việt. Tiếp theo một số đảng viên Đảng cộng
sản “vô sản hoá” hoặc tránh các đợt khủng bố của địch ở các tỉnh đồng bằng
lên hoạt động ở các đồn điền. Một số tổ chức quần chúng như Hội Ái Hữu,
Cứu Tế đỏ, Công Hội đỏ lần lượt ra đời.
Từ cuối năm 1930, nhằm khủng bố tinh thần cách mạng của những
chiến sĩ cộng sản yêu nước và để uy hiếp, khủng bố tinh thần nhân dân, thực
dân Pháp đã đưa nhiều chiến sĩ cách mạng vào cảnh tù đày khổ sai. Ở Tây
Nguyên, thực dân Pháp đã bắt bớ và đưa hàng trăm chiến sĩ cách mạng từ
khắp cả nước vào giam giữ ở các nhà tù Kon Tum và Buôn Ma Thuột. Với
chế độ lao tù hà khắc, tù đày khổ ải, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã bị giết
hại trên các công trường làm đường ở Đắk Tô, Đắk Pét (Kon Tum), Đắk Mil
(Đắk Lắk). Nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra mà điển hình là cuộc đấu
tranh của các chiến sĩ cộng sản diễn ra ngày 12 tháng 12 năm 1931 phản đối
chế độ hà khắc của địch ở ngục Kon Tum.
Bằng nhiều thủ đoạn nhằm ly gián, chia rẽ các chiến sĩ cách mạng với
quần chúng nhân dân. Nhưng qua các cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường đó
đã làm cho quần chúng càng hiểu rõ hơn về cách mạng, về người chiến sĩ cộng
sản. Những cuộc tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng mà trước hết là
trong hàng ngũ hạ sĩ quan binh sĩ và công chức bộ máy thống trị đã đưa lại
16


nhiều kết quả. Đến đầu năm 1931, ở thị xã Kon Tum đã thành lập được một chi

bộ Đảng Cộng sản trong binh lính ở nhà lao và một số chi bộ đường phố.
Trong những năm 1931 đến cuối năm 1939, mặc dù bị địch đàn áp
khủng bố ác liệt nhưng hạt giống cách mạng đã gieo mầm trên mảnh đất Tây
Nguyên vẫn tồn tại. Tuy vậy, phong trào cách mạng và những ảnh hưởng của
Đảng Cộng sản mới phát triển chủ yếu trong đồng bào người Kinh. Cơ sở
cách mạng của Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số mới trong phạm vi một
số công chức, hạ sĩ quan binh sĩ, trong các làng người dân tộc ven thị xã, gần
các đồn điền và những nơi có các chiến sĩ cộng sản lưu đày.
Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai đang bước vào giai đoạn
cuối. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp để tránh bị
đánh úp phía sau. Nắm thời cơ, phong trào cách mạng khắp từ Bắc, Trung,
Nam diễn ra sôi nổi đã tác động mạnh mẽ đến tình hình Tây Nguyên.
Các chiến sĩ Cộng sản đang bị giam cầm ở các nhà tù Kon Tum, Buôn
Ma Thuột kiên quyết đấu tranh để thoát khỏi ách giam cầm của địch trở thành
hạt nhân lãnh đạo của các địa phương. Tuy lúc này tổ chức Đảng ở một số
tỉnh Tây Nguyên chưa được khôi phục, nhưng các đảng viên đã tự động bắt
liên lạc với nhau để tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở
từng địa phương. Một số tỉnh tuy chưa có cơ sở Việt Minh, nhưng quần chúng
yêu nước chịu ảnh hưởng từ lâu của Đảng đã tổ chức ra một số tổ chức yêu
nước vừa vận động nhân dân vừa tìm bắt liên lạc với Đảng.
Mặc dù, trước ngày Nhật đảo chính Pháp, ở Tây Nguyên là nơi ít có cơ
sở Việt Minh và tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, nhưng khi có lệnh Tổng
khởi nghĩa, với tinh thần yêu nước quật khởi, quần chúng nhân dân ở Tây
Nguyên đã tự giác nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 10 ngày (từ 18
đến 28 tháng 8 năm 1945), làn sóng cách mạng của đồng bào các dân tộc
khắp các tỉnh ở Tây Nguyên đã quật đổ xiềng xích thống trị của thực dân,
phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần xứng đáng vào
thắng lợi chung của dân tộc.
17



Xuất phát từ đặc điểm, vị trí địa lý hiểm trở, liên hoàn, tài nguyên thiên
nhiên phong phú đa dạng; nhân dân kiên cường dũng cảm, bất khuất trong
đấu tranh bảo vệ buôn làng… Với những đặc trưng đó, Tây Nguyên chiếm
một vị thế lợi hại, là địa bàn lý tưởng của chiến tranh du kích và cũng là đất
căn cứ lâu dài và bền vững của cách mạng; là cơ sở để phát triển chiến tranh
nhân dân trong những giai đoạn tiếp theo.
1.2. Bước đầu lãnh đạo xây dựng lực lượng và tiến hành chiến
tranh du kích của Đảng ở Tây Nguyên từ năm 1945 đến 1948
1.2.1. Chủ trương của Đảng về chiến tranh du kích ở Tây Nguyên
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2 tháng 9, tại Quảng
trường Ba Đình, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc
bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ
đây, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập, tự
do, thống nhất. Nhân dân đã trở thành người làm chủ đất nước, tự mình quyết
định con đường xây dựng cuộc sống mới tự do, hạnh phúc sau hơn 80 năm sống
dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và sau năm năm bị phát xít Nhật chiếm đóng.
Vừa mới ra đời, con thuyền cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản
Đông Dương lãnh đạo, chèo lái phải đương đầu với muôn vàn khó khăn và thách
thức. Trong đó, nạn ngoại xâm trở nên ngày một bức thiết do chủ nghĩa đế quốc
và các thế lực phản động liên kết với nhau bao vây, chống phá quyết liệt.
Bên cạnh đó, chính quyền cách mạng non trẻ cũng phải đương đầu với
nhiều khó khăn, đặc biệt là nạn đói và nạn dốt. Tất cả những khó khăn đó đã
tạo nên một bức tranh được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Đúng như dự đoán, chỉ sau chưa đầy một tháng giành độc lập, ngày 23
tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, chính thức xâm
lược nước ta một lần nữa.
Trước tình thế thù trong giặc ngoài, khó khăn chồng chất khó khăn,
ngày 25 tháng 11 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị
18



“Kháng chiến, kiến quốc”, đề ra các nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trước mắt
và những chính sách lớn, trong đó xác định: “Cuộc cách mạng Đông Dương
lúc này là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp
diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa được hoàn toàn độc lập. Khẩu hiệu
vẫn là “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Kẻ thù chính của ta lúc này là
thực dân Pháp xâm lăng”[50, tr. 26].
Đầu năm 1946, thực dân Pháp mưu tính kế hoạch đưa quân Pháp ra
miền Bắc thay thế quân Tưởng. Ngày 28 tháng 2 năm 1946, tại Trùng Khánh,
thực dân Pháp và Tưởng đã ký một bản hiệp ước – “Hiệp ước Hoa - Pháp”,
trong đó Pháp nhân nhượng một số quyền lợi kinh tế cho chính quyền Tưởng
trên đất Trung Hoa để Pháp được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam. Tưởng
nhân nhượng với Pháp để rút quân về nước đối phó với Quân giải phóng nhân
dân Trung Quốc.
Nhận thức đầy đủ tình hình mới, ngày 3 tháng 3 năm 1946, Ban
Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Tình hình và chủ trương”. Chỉ thị đã
nhận định: Hiệp ước Pháp – Hoa là biểu hiện sự thoả hiệp giữa bọn đế quốc
với nhau. Do vậy, “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn
đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận thức một cách khách quan những
điều kiện lợi hại trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng” [50, tr.
43-44]. Trung ương Đảng và Chính phủ, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã quyết định chọn giải pháp đàm phán với Pháp với mục đích: “buộc
quân Tưởng rút ngay về nước, tránh tình trạng một lúc phải đối đầu với nhiều
kẻ thù, bảo toàn lực lượng, tranh thủ thời gian hoà hoãn để chuẩn bị một cuộc
chiến đấu mới, tiến lên giành thắng lợi”[120, tr. 113]. Đảng nhấn mạnh, trong
khi mở cuộc đàm phán, ta phải: “không ngừng một phút, một công việc sửa
soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn phải hết sức xúc
tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm
nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”[50, tr. 46].

19


×