Tải bản đầy đủ (.pdf) (217 trang)

Luận án hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.24 MB, 217 trang )

Bộ GIáO DụC Và ĐàO TạO

Bộ VĂN HóA, THể THAO Và DU LịCH

VIệN VĂN HóA NGHệ THUậT QUốC GIA VIệT NAM
--------------

Nguyễn Đức Thắng

HOạT ĐộNG BIểU DIễN NGHệ THUậT
CA TRù CủA MộT Số CÂU LạC Bộ,
GIáO PHƯờNG TạI Hà NộI

LUậN áN TIếN Sĩ VĂN HóA HọC

Hà Nội - 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
--------------

Nguyễn Đức Thắng

HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT
CA TRÙ CỦA MỘT SỐ CÂU LẠC BỘ,
GIÁO PHƯỜNG TẠI HÀ NỘI


Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số:
62 31 06 40

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS Bùi Hoài Sơn
2. TS. Nguyễn Văn Lưu

Hà Nội - 2016


1

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án Tiến sĩ “Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca
trù của một số câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội” là công trình nghiên
cứu của riêng tôi. Các trích dẫn, số liệu và kết quả nêu trong luận án là trung
thực và có xuất xứ rõ ràng.
Hà Nội, ngày tháng năm 2016
Tác giả luận án

Nguyễn Đức Thắng


2
MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................. 1

MỤC LỤC ......................................................................................................... 2
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ........................................................................ 3
DANH MỤC BẢNG - BIỂU ............................................................................ 4
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 5
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN
CỨU ................................................................................................................ 22
1.1. Một số khái niệm ..................................................................................... 22
1.2. Khái lược về sự hình thành và phát triển ca trù ...................................... 32
1.3. Giá trị di sản ca trù .................................................................................. 51
1.4. Kinh nghiệm bảo tồn, phát huy di sản ..................................................... 60
Chương 2. THỰC TRẠNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CA TRÙ CỦA
MỘT SỐ CÂU LẠC BỘ, GIÁO PHƯỜNG TẠI HÀ NỘI ...................... 73
2.1. Thực trạng hoạt động của một số câu lạc bộ, .......................................... 73
2.2. Những khó khăn, thuận lợi .................................................................... 106
Chương 3. BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CA TRÙ, MỘT SỐ VẤN ĐỀ
CẦN BÀN LUẬN ........................................................................................ 123
3.1. Bàn luận về quan điểm bảo tồn, phát huy di sản ca trù ........................ 123
3.2. Những biến đổi của một số câu lạc bộ, giáo phường ........................... 129
3.3. Bàn luận mô hình phù hợp cho việc biểu diễn nghệ thuật của một …...140
3.4. Bàn luận một số giải pháp ...…...……………………………….……..146
KẾT LUẬN ................................................................................................... 165
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ................................... 169
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................. 170
PHỤ LỤC ...................................................................................................... 179


3
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
ASEAN:


Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

Bộ VHTT:

Bộ Văn hóa - Thông tin

Bộ VHTTDL:

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

BQL:

Ban Quản lý

CLB

Câu lạc bộ

CNH, HĐH:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

GP:

Giáo phường

GS:

Giáo sư


NCS:

Nghiên cứu sinh

NNDG:

Nghệ nhân dân gian

NS

Nghệ sĩ

NSND:

Nghệ sĩ nhân dân

NSƯT:

Nghệ sĩ ưu tú

Nxb:

Nhà xuất bản

PGS.TS:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Sở VHTT:


Sở Văn hóa - Thông tin

Sở VH,TT:

Sở Văn hóa, Thể thao

Sở VH,TT&DL:

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

TP.HCM:

Thành phố Hồ Chí Minh

TS:

Tiến sĩ

UNESCO:

Ủy ban Giáo dục, Khoa học, Văn hóa
của Liên hợp quốc

UNWTO:

Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc


4
DANH MỤC BẢNG - BIỂU


Danh mục bảng
Bảng 1.1. Tổng hợp các CLB, giáo phường, làng thôn ca trù Hà Nội
đã và đang hoạt động từ 1991 - 2014
Bảng 2.1. Số lượng nghệ nhân, nghệ sỹ tên tuổi của một số CLB,
giáo phường ca trù trên địa bàn Hà Nội

Trang
46

79

Bảng 2.2. Lịch biểu diễn của một số CLB, giáo phường

88

Bảng 2.3. Bố cục một buổi diễn của CLB và Giáo phường

89

Bảng 2.4. Nhân lực phục vụ một buổi diễn 60 phút

92

Bảng 2.5. Số lượng khách quốc tế theo quốc tịch thưởng thức ca trù

94

Bảng 2.6. Loại hình nghệ thuật truyền thống đã từng xem


100

Bảng 2.7. Loại hình nghệ thuật được ưa thích nhất

101

Bảng 2.8. Những không gian hay hình thức xem, nghe nghệ thuật
truyền thống mà giới trẻ lựa chọn
Bảng 2.9. Mức độ hiểu biết về ca trù
Bảng 2.10. Mức độ biết về thông tin ca trù trở thành di sản thế giới
của Việt Nam cần được bảo vệ khẩn cấp

102
103
104

Bảng 2.11. Đánh giá về mức giá hiện nay của CLB ca trù

105

Bảng 3.1. Phân tích ưu điểm, hạn chế của một số mô hình CLB,

144

giáo phường tiêu biểu ở Thủ đô Hà Nội
Bảng 3.2. Các biện pháp để ca trù được các bạn trẻ biết đến nhiều

155

hơn ở Hà Nội

Danh mục biểu
Biểu số 2.1. Tỷ lệ khán giả trong nước và quốc tế

95

Biểu số 2.2. Mục đích thưởng thức ca trù của các du khách

99

Biểu số 2.3. Kênh thông tin du khách đến xem ca trù

116


5
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việc nghiên cứu đề tài luận án này xuất phát từ hai lý do chính là lý do
thực tiễn và lý do khoa học.
- Lý do khoa học
Trong tổng thể nội tại sự phát triển khoa học vấn đề nghiên cứu, đến thời
điểm này, ca trù hầu như chỉ được nghiên cứu ở khía cạnh di sản, khía cạnh
nghệ thuật, trong khi những hệ thống lý thuyết liên quan đến những biến đổi,
những xung đột gắn với bảo tồn, phát huy đối với các thiết chế văn hóa cơ
bản của nghệ thuật này là các giáo phường (hay các CLB) thì vẫn còn một
khoảng trống nhất định.
Bên cạnh đó, do đây là luận án tiến sĩ văn hóa học, nên những nghiên
cứu, kiến giải của luận án sẽ tiếp cận nhiều nhất có thể theo những nội hàm lý
thuyết của văn hóa học, với mong muốn góp phần hoàn thiện, tổng hợp và bổ
sung các luận cứ khoa học, cơ sở lý thuyết, lý luận khoa học, khái niệm có

tính chuyên sâu về di sản văn hóa phi vật thể ca trù, CLB ca trù, giáo phường
ca trù, đặc biệt là mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với hoạt
động biểu diễn nghệ thuật ca trù qua một số CLB, giáo phường tại Hà Nội.
Mặt khác, quá trình nghiên cứu sẽ giúp NCS có được vốn kiến thức khoa
học chuyên sâu về lĩnh vực di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật
thể ca trù nói riêng, trong đó có hệ thống nội hàm lý thuyết văn hóa học gắn
với lĩnh vực nghiên cứu. Qua đó dần tích lũy kinh nghiệm và khả năng nghiên
cứu ở trình độ luận án TS văn hóa học, có được phương pháp nghiên cứu
khoa học hiệu quả và nắm bắt được các cách thức nghiên cứu để rút ra bài học
kinh nghiệm cho quá trình nghiên cứu lâu dài sau này.
- Lý do thực tiễn


6
Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo công ước UNESCO năm 2003, các di sản
văn hóa phi vật thể của các quốc gia sau khi được đề cử, công nhận sẽ đăng
ký vào danh sách Di sản đại diện của nhân loại hoặc Di sản cần được bảo vệ
khẩn cấp. Di sản từ danh sách này có thể chuyển sang danh sách khác căn cứ
vào hiện trạng, sức sống của di sản. Với lộ trình đó, đến giai đoạn 2014-2015,
Việt Nam phải hoàn thành nhiệm vụ đưa loại hình di sản văn hóa phi vật thể
này vượt qua ranh giới "cần được bảo vệ khẩn cấp”. Việc bảo tồn, phát huy
giá trị di sản ca trù để đưa loại hình di sản văn hóa phi vật thể này vượt qua
ranh giới "cần được bảo vệ khẩn cấp” không hề đơn giản. Trong suốt thời
gian qua, với nỗ lực của các nghệ nhân, các làng, thôn ca trù, các CLB, giáo
phường, đến nay, ca trù cơ bản đã giải quyết được bài toán nan giải, đó là
không bị rút tên khỏi danh mục di sản thế giới, nhưng vẫn là một di sản rất
cần được xã hội quan tâm và vun đắp, để vượt qua những kiểm soát gắt gao
của UNESCO, để đạt được danh hiệu "Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện
cho nhân loại” và quan trọng hơn là để ca trù ngày càng ăn sâu trong tiềm

thức người Việt.
Ngay sau khi ca trù được UNESCO ghi danh, năm 2010, Bộ VHTTDL
đã công bố Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ ca trù giai đoạn 20102015 với các nội dung chính: 1) Nâng cao nhận thức và năng lực của các cộng
đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị độc đáo của ca trù; 2)
Tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu, trình diễn, học hỏi và chia sẻ kinh
nghiệm với các cộng đồng khác trong nước và quốc tế nhằm tăng cường sự
hiểu biết, góp phần bảo vệ và phát huy đa dạng văn hóa; 3) Triển khai các
biện pháp và kế hoạch cụ thể, ưu tiên kiểm kê, nghiên cứu và hệ thống hóa tư
liệu với mục đích bảo tồn bền vững di sản; 4) Xây dựng các chương trình văn
hóa, giáo dục và truyền thông đa dạng giới thiệu, phổ biến, quảng bá, nhằm


7
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội đối với việc bảo vệ di sản; 5) Ban
hành chính sách đãi ngộ, phong tặng nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú cho
các cá nhân có tài năng xuất sắc, có công bảo vệ, có đóng góp quan trọng
trong việc giữ gìn phát huy giá trị di sản ca trù nhằm tạo điều kiện, khuyến
khích bảo tồn, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ; và 6) Tăng cường nguồn đầu
tư nhà nước, đi đôi với các nguồn lực xã hội góp phần bảo vệ di sản. Có thể
nói, trong 6 nội dung của Chương trình hành động Quốc gia về bảo vệ di sản
ca trù thì nội dung số 2 chính là nội dung liên quan trực tiếp đến mục đích
nghiên cứu của luận án này. Đó là vấn đề bảo tồn nghệ thuật ca trù dựa trên
khía cạnh phát huy đa dạng văn hóa, giao lưu, trình diễn, học hỏi chia sẻ
kinh nghiệm với các cộng đồng khác trong nước và quốc tế nhằm tăng cường
sự hiểu biết, góp phần bảo vệ và phát huy đa dạng văn hóa. Một trong những
yếu tố quan trọng nhất để giải quyết được vấn đề này chính là hoạt động hiệu
quả của các CLB, giáo phường ca trù trong việc giữ gìn nền nếp ca trù như
truyền thống, đồng thời tổ chức giao lưu, giới thiệu, trình diễn cho du khách
xem, nghe và thưởng thức, thấu hiểu giá trị nghệ thuật ca trù dù cho đã có sự
biến đổi không nhỏ về hình thức tổ chức hoạt động của các CLB, giáo phường

ca trù tại Hà Nội hiện nay. NCS lựa chọn phạm vi nghiên cứu nội thành Hà
Nội mà không phải khu vực khác cũng là để có được cái nhìn thấu đáo hơn
những gì đang diễn ra đối với một số CLB, giáo phường, qua đó cũng đánh
giá được sau 5 năm làm NCS, trùng khớp với 5 năm của chương trình hành
động Quốc gia, Hà Nội đã làm được những gì?
Đối với nghệ thuật ca trù ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói
riêng, ngoài những giá trị nổi bật đã được mọi người biết đến và thế giới tôn
vinh, cũng như những vấn đề chung của Chương trình hành động Quốc gia về
bảo vệ ca trù, cho thấy một số đặc điểm nổi bật như sau:


8
Thứ nhất, nhờ được UNESCO công nhận, ca trù giờ đây đã có một vị trí
nhất định trong kho tàng văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là trong các loại hình
nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Sự công nhận của UNESCO đối với ca trù
đã tạo ra “thương hiệu” riêng cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống này. Như
vậy, sau khi có “thương hiệu”, mọi người đều trông đợi những gì đó khởi sắc
từ ca trù và trong đó, du khách khi đến với Hà Nội, ngoài biết đến các giá trị
văn hóa vật thể, phi vật thể nổi bật khác thì còn biết đến một di sản thế giới về
nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang tồn tại ngay trong lòng Thủ đô.
Thứ hai, được công nhận ở loại hình di sản cần được bảo vệ khẩn cấp, ca
trù trở thành một nghệ thuật được thừa nhận là có nguy cơ biến mất cao.
Chính vì lý do đó, các biện pháp bảo tồn và phát huy ca trù luôn nhận được sự
quan tâm, cộng với tâm lý cần bảo tồn thận trọng di sản này (nếu không sẽ bị
biến mất hoàn toàn). Vì vậy, việc sử dụng, khai thác giá trị di sản ca trù không
phải là một việc làm đơn giản. Nhưng nếu bảo tồn quá cẩn trọng, không cho
ca trù được giao lưu, trình diễn, chia sẻ, học hỏi với cộng đồng (trong và
ngoài nước) thì cũng khó lòng mà giữ cho ca trù tồn tại bền vững được. Vì
nghệ thuật biểu diễn truyền thống hiện nay muốn phát huy giá trị thì phải có
“đất sống”, phải có cộng đồng chứng kiến, chào đón, xem, nghe và tìm hiểu.

Thứ ba, trong bối cảnh xã hội hiện nay, kinh tế phát triển, thương mại
năng động, đa chiều, văn hóa đa dạng và phức tạp, nhiều CLB ca trù đã tiên
phong, mạnh dạn đi đầu trong việc phát huy giá trị di sản thông qua các hoạt
động giới thiệu, quảng bá nghệ thuật ca trù tới du khách bằng cách tổ chức
các buổi biểu diễn ca trù cho du khách, chủ yếu theo các tour du lịch đã đặt
trước. Thực chất, đây là xu thế tất yếu của thực tế đời sống, khi nhu cầu của
khách du lịch rất đa dạng, chi phối các sản phẩm du lịch thì việc sử dụng ca
trù cho mục đích phát triển du lịch không phải lúc nào cũng được xem là một
giải pháp tốt, đặc biệt là khi các CLB, giáo phường ca trù nội thành Hà Nội


9
đã có những biến đổi nhất định về hình thức tổ chức hoạt động, trong đó có
hoạt động biểu diễn. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng để NCS
lựa chọn các CLB, giáo phường khu vực nội thành Hà Nội (mà không lựa
chọn địa phương khác) để nghiên cứu luận án.
Có thể nói, thực tế đã chứng minh khi chính các nghệ sĩ ca trù tên tuổi là
những người tiên phong thành lập các CLB ca trù trong suốt những năm qua
(từ năm 1991 đã có CLB ca trù đầu tiên là CLB ca trù Hà Nội, sau này tên
giáo phường mới xuất hiện) nhằm mục đích ban đầu là tạo cơ hội để những
nghệ nhân, nghệ sĩ, những người yêu ca trù tụ hội về sinh hoạt chung dưới
một mái nhà, và từ đó xây dựng, đầu tư, củng cố, bảo tồn thông qua đào tạo,
truyền nghề, gìn giữ và sau này, khi đã vững vàng, họ mới thông qua hoạt
động của CLB để giới thiệu ca trù với cộng đồng và bạn bè quốc tế. Như vậy,
có thể nói, các CLB, các giáo phường khi hình thành đã phần nào giải quyết
được cả khía cạnh bảo tồn và khía cạnh phát huy, đúng như tinh thần chung
của UNESCO về bảo vệ giá trị di sản.
Tất nhiên, trong mối quan hệ bảo tồn và phát huy có những mâu thuẫn
có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của nghệ thuật này. Có những tác động tốt,
nhưng cũng sẽ có những mặt trái làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững di

sản. Thực tế cho thấy, trong mối quan hệ với du lịch, ca trù, mặc dù đã được
công nhận là di sản thế giới, nhưng vẫn chưa được các cấp, các ngành, các
doanh nghiệp du lịch quan tâm đúng mức. Ca trù vẫn là lựa chọn thứ hai, thứ
ba sau múa rối nước, quan họ hay biểu diễn âm nhạc dân tộc trong các tour du
lịch, trong các hoạt động giải trí, giao lưu văn hóa dân tộc, mà các công ty du
lịch xây dựng để quảng bá và đón khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó,
thực tế hoạt động của các CLB, giáo phường ca trù tại Hà Nội trong phạm vi
nội, ngoại thành vẫn còn manh mún, chưa được quan tâm đầu tư bài bản, có
định hướng phát triển rõ ràng.


10
Nhìn chung, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản qua hoạt động biểu
diễn nghệ thuật ca trù và mối quan hệ của nó với sự biến đổi về văn hóa, nghệ
thuật ca trù ở mỗi cộng đồng làng, thôn, CLB, giáo phường tại Hà Nội hiện
nay so với các giai đoạn trước đây, và NCS phải nghiên cứu để tìm ra lời giải
cho câu hỏi sau đây: Sự biến đổi về hình thức tổ chức hoạt động (trong đó có
hoạt động biểu diễn) ở mỗi cộng đồng làng, thôn, CLB, giáo phường tại Hà
Nội nói chung và một số CLB, giáo phường nội thành nói riêng hiện nay so
với các giai đoạn trước đây là như thế nào, qua đó đưa ra những vấn đề cần
bàn luận gì để phù hợp với sự biến đổi đó? Các CLB, giáo phường ca trù
trong khu vực nội thành Hà Nội phải làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị di
sản ca trù để phù hợp với những biến đổi của các tổ chức CLB, giáo phường
trong bối cảnh xã hội hiện đại giữa lòng Thủ đô?
Với những lý do trên, NCS mong muốn nghiên cứu, đưa ra những bàn
luận về hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số CLB, giáo phường
tại nội thành Hà Nội, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và phát triển bền vững
giá trị di sản.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
2.1. Mục đích

NCS mong muốn luận án đạt được những mục đích sau: 1) Xây dựng một
công trình khoa học có giá trị áp dụng vào thực tiễn, góp phần cùng các cấp,
các ngành, các chuyên gia, các nghệ nhân, các CLB, giáo phường nhận diện
thực tế biểu diễn nghệ thuật ca trù hiện nay để đưa ra những vấn đề trọng tâm
cần bàn luận và hướng phát triển bền vững giá trị di sản ca trù tại Hà Nội; và
2) Đánh giá hiện trạng, đề xuất, bàn luận mô hình hoạt động biểu diễn cụ thể
cho các CLB, giáo phường nội thành Hà Nội và một số bàn luận, kiến nghị,
giải pháp phù hợp để vừa đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn, giữ gìn bản sắc di


11
sản văn hóa, vừa phát huy được giá trị di sản thông qua các hoạt động biểu
diễn của chính các CLB, giáo phường đó.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục tiêu nêu trên, luận án có các nhiệm vụ chính sau đây:
- Bám sát và áp dụng xuyên suốt trong các chương, mục của luận án, hệ
thống hóa lý thuyết bảo tồn trên cơ sở kế thừa và phát triển dựa trên những
biến đổi theo thời gian qua hoạt động của các CLB, giáo phường ca trù tại Hà
Nội, lý thuyết phát triển bền vững. Trả lời câu hỏi nghiên cứu nêu ở trên để
cùng tìm ra hướng đi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù qua hoạt
động biểu diễn ca trù của các CLB, giáo phường tại Hà Nội;
- Tìm ra bản chất của sự biến đổi các hình thức tổ chức hoạt động
CLB, giáo phường xưa và nay, để qua đó bàn luận, đề xuất mô hình CLB,
giáo phường ca trù phù hợp ở nội thành Hà Nội hiện nay, nhằm bảo tồn, phát
huy, phát triển bền vững giá trị di sản, trong đó có hoạt động biểu diễn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu của luận án là vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo
tồn, phát huy giá trị di sản ca trù và những biến đổi của các CLB, giáo
phường tại Hà Nội thông qua hoạt động biểu diễn.

- Đối tượng nghiên cứu cụ thể luận án đề cập chính là các CLB, giáo
phường ca trù trong phạm vi nội thành Hà Nội (tập trung chủ yếu vào CLB ca
trù Hà Nội, CLB ca trù Thái Hà, Giáo phường ca trù Thăng Long).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
a) Về nội dung
- Nghiên cứu, tổng hợp, hệ thống hoá các khái niệm và vấn đề lý luận, lý
thuyết áp dụng liên quan đến ca trù và nghệ thuật biểu diễn truyền thống; di


12
sản và bảo tồn phát huy giá trị di sản ca trù; vấn đề biến đổi của các tổ chức
văn hóa CLB, giáo phường;
- Nghiên cứu thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca trù và những
biến đổi qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca trù của các CLB, giáo phường
tại nội thành Hà Nội;
- Tìm ra những vấn đề cần bàn luận và kiến nghị cho ca trù Hà Nội để
vừa đáp ứng được yêu cầu về bảo tồn, giữ gìn bản sắc di sản văn hóa, vừa
phát huy được giá trị di sản. Trong quá trình nghiên cứu hoạt động của các
CLB, giáo phường ca trù thì luận án sẽ nghiên cứu sâu hai khía cạnh: Bảo tồn,
phát huy giá trị di sản ca trù và sự biến đổi về tổ chức hoạt động, trong đó chủ
yếu là hoạt động biểu diễn của chính các CLB, giáo phường đó.
- Bên cạnh đó, nghiên cứu, đánh giá những nội dung sau:
+ Nghiên cứu đánh giá của cộng đồng, khách du lịch về các hoạt động
trình diễn, giới thiệu ca trù của các CLB, giáo phường tại nội thành Hà Nội.
+ Nghiên cứu đánh giá của chính các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ ca trù,
các nhà quản lý CLB, giáo phường, một số nhà nghiên cứu về ca trù và nghệ
thuật âm nhạc truyền thống.
b) Về thời gian
- Luận án sẽ được triển khai với các tư liệu trong giai đoạn 2010 đến đầu
năm 2015, vì vậy, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật ca trù sẽ

được đề cập ở tất cả những công trình không tính mốc thời gian; các số liệu
thống kê sẽ được khảo sát từ năm 2009 đến nay (từ thời điểm nhận bằng
UNESCO và công bố chương trình hành động Quốc gia về bảo vệ di sản ca
trù); trong khi các khảo sát, điền dã, phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhanh, phỏng
vấn hồi cố, sử dụng bảng hỏi điều tra sẽ được tiến hành trong năm 2013-2014.


13
- Trong quá trình nghiên cứu, luận án cũng sẽ tìm tòi và tổng hợp tư liệu
cũng như dùng phương pháp phỏng vấn hồi cố để có được cái nhìn tổng thể
về ca trù giai đoạn trước 2010.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
- Về ý nghĩa khoa học: Do luận án là một công trình nghiên cứu thuộc
chuyên ngành văn hóa học nên nghiên cứu sinh sẽ áp dụng một số quan điểm
lý thuyết để phân tích giá trị di sản ca trù dưới 3 góc độ: 1) Di sản văn hóa phi
vật thể được UNESCO công nhận; 2) Di sản thế giới cần được bảo vệ khẩn
cấp; và 3) “Di sản sống” của cộng đồng được phổ biến ở đô thị hiện đại,
thông qua các CLB và các giáo phường. Từ đó, mong muốn kiểm chứng các
quan điểm lý thuyết và tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất cho đối tượng cụ
thể là các CLB, giáo phường ca trù tại nội thành Hà Nội, những vấn đề về
bảo tồn, phát huy và những biến đổi cụ thể.
- Ý nghĩa thực tiễn: Từ các kết quả khảo sát thực tiễn, luận án sẽ tổng
hợp được cái nhìn nhiều chiều từ các khía cạnh có liên quan về di sản ca trù
với vấn đề bảo tồn, phát huy, biến đổi qua các CLB, giáo phường, dưới góc
nhìn văn hóa học thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Đây là những kết
quả khoa học có thể được cơ quan quản lý về di sản văn hóa ở Hà Nội sử
dụng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù.
Ngoài ra, qua nghiên cứu sự biến đổi qua hoạt động biểu diễn của
CLB, giáo phường ca trù xưa và nay, kết quả nghiên cứu của luận án hướng
tới việc thử nghiệm xây dựng mô hình CLB, giáo phường phù hợp trong bối

cảnh hiện nay, vừa phát huy, quảng bá, vừa bảo tồn được giá trị.
5. Phương pháp nghiên cứu
- NCS sử dụng phương pháp nghiên cứu tiếp cận liên ngành văn hóa
học, xã hội học, nhân học văn hóa, lịch sử văn hóa, văn hóa dân gian,…
trong đó hạt nhân chủ yếu là tiếp cận chuyên sâu văn hóa dân gian, ở đó xem


14
xét giáo phường ca trù như một hình thức sinh hoạt dân gian đã và đang tồn
tại trong cộng đồng. Bên cạnh đó, NCS sử dụng phương pháp nghiên cứu xã
hội học để xem xét các câu lạc bộ - giáo phường dưới góc độ một thiết chế xã
hội, có những vai trò và chức năng xã hội nhất định, vì vậy, cần phải được
xem xét từ nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của các chủ thể có liên quan
đến thiết chế xã hội ấy;
- Đối với các phương pháp nghiên cứu cụ thể, NCS sử dụng các phương
pháp, cách thức tiếp cận sau:
+ Phương pháp phân tích và tổng hợp tư liệu: Các tài liệu liên quan tới
các nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, các tài liệu nghiên cứu về di sản,
giá trị di sản, ca trù, văn hóa - nghệ thuật ca trù, những vấn đề về CLB, giáo
phường, quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản và những biến đổi liên quan…
+ Tiếp cận bằng hình thức quan sát tham dự: NCS trực tiếp đến quan sát
tại một số điểm biểu diễn ca trù nhằm phục vụ du khách trong phạm vi khu
vực Hà Nội để có cách cảm nhận và đánh giá khách quan về thực trạng tổ
chức hoạt động và biểu diễn ca trù ở các địa điểm khảo sát này.
+ Tiếp cận qua điều tra bằng bảng hỏi: Hướng đến đối tượng là khách
du lịch (quốc tế và trong nước 200 phiếu); và nhóm đối tượng để so sánh
(chưa đến các câu lạc bộ - giáo phường 300 phiếu);
+ Phương pháp phỏng vấn cá nhân: Phỏng vấn các nghệ nhân, nghệ sĩ
ca trù, nhà quản lý CLB, giáo phường ca trù; nhà nghiên cứu văn hóa và âm
nhạc truyền thống, đại diện lãnh đạo quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch,...

6. Lịch sử nghiên cứu đề tài luận án
- Về mặt lý luận, lý thuyết áp dụng
Lý thuyết áp dụng trong đề tài luận án được tiếp cận theo văn hóa học,
trong đó sẽ đề cập chuyên sâu đến tiếp cận lý thuyết văn hóa dân gian là
trọng tâm, song song là các lý thuyết về nhân học văn hóa, xã hội học văn


15
hóa, triết học văn hóa, lịch sử văn hóa. Có thể nói, xét về khía cạnh lý luận,
lý thuyết áp dụng văn hóa học thì nhiều công trình nghiên cứu trước đây ở cấp
độ luận án về ca trù cũng đã tiếp cận và nghiên cứu chuyên sâu. Nhưng để tìm
ra một công trình nghiên cứu hay một luận án nghiên cứu chuyên sâu về ca
trù tiếp cận tổng hợp các yếu tố của văn hóa học, lại chuyên về một đối tượng
cụ thể là CLB, giáo phường ca trù ở Hà Nội, thì hầu như chưa có công trình
nào, bởi các công trình, luận án trước đây đều chỉ đề cập đến nghệ thuật ca
trù, lịch sử ca trù hay văn hóa ca trù.
Về lý thuyết áp dụng cụ thể, NCS sẽ áp dụng lý thuyết bảo tồn dựa trên
cơ sở kế thừa và phát huy giá trị di sản, nhằm phát triển bền vững di sản ca
trù, qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật của một số CLB, giáo phường tại
Hà Nội. Với nhiều công trình nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể thì
việc áp dụng lý thuyết này là hết sức bình thường, bởi di sản nào cũng sẽ chịu
ảnh hưởng, tác động bởi những xung đột, biến đổi trong xã hội hiện đại.
Nhưng nghiên cứu những biến đổi, xung đột để bảo tồn, phát huy qua hoạt
động của các CLB, giáo phường ca trù thì theo tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu,
chưa có công trình nào đề cập chuyên sâu vấn đề đó. Nếu có chỉ dừng lại ở
các bài báo, bài nghiên cứu tạp chí, chưa có công trình cấp độ luận án.
- Về mặt thực tiễn
Trước hết, đề tài “Hoạt động biễu diễn nghệ thuật ca trù của một số
câu lạc bộ, giáo phường tại Hà Nội” chưa trở thành đối tượng nghiên cứu cụ
thể, chuyên sâu của công trình khoa học nào trước đó đã nghiên cứu về các

vấn đề liên quan, đặc biệt là ở cấp độ luận án TS. Nói cách khác, đây là công
trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về di sản ca trù qua hoạt động của các
CLB, giáo phường tại Hà Nội.
Các vấn đề đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay liên quan đến đối tượng
và vấn đề nghiên cứu của luận án. Trong thời đại biến đổi toàn cầu, khoa học


16
công nghệ phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hoá đang có tác động mạnh mẽ
đến tất cả các quốc gia, dân tộc, khu vực và tất nhiên, tác động mạnh mẽ đến
văn hóa. Việc Việt Nam được công nhận hàng chục di sản văn hóa vật thể,
phi vật thể, tư liệu trong thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm của đất nước
tới việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Nhưng trong đó, ca trù (cùng hát
Xoan) là di sản đặc biệt cần được bảo vệ khẩn cấp thì hơn lúc nào hết, việc
giữ gìn và phát huy giá trị của nó được đặt ra một cách bức thiết. Do đó, xét
về mặt thực tiễn, đây cũng chính là vấn đề mới của đề tài luận án khi xét thấy
lịch sử nghiên cứu chưa có công trình nào đề cập cụ thể, chi tiết đến khía cạnh
phát huy giá trị di sản ca trù qua hoạt động của các CLB, giáo phường tại Hà
Nội, khi nghiên cứu hoạt động của các CLB, giáo phường ca trù trong bối
cảnh đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bản sắc văn hóa
có nguy cơ bị biến đổi, mai một, mất đi những giá trị truyền thống, lại dễ bị
tác động bởi nhiều yếu tố ngoại lai.
- Đối với các công trình đã nghiên cứu trước đây và hiện nay
Ca trù là nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có một vị trí đặc biệt trong kho
tàng âm nhạc của người Việt. Ca trù gắn liền với văn chương, âm nhạc, lễ hội,
phong tục, tín ngưỡng, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Nghiên cứu về
ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn
hóa Việt Nam. Ca trù nhận được sự quan tâm của nhiều học giả và các nhà
quản lý, đặc biệt là sau khi ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ca trù là nghệ thuật mang tính bác học, nhưng lại được nuôi dưỡng và
gìn giữ trong dân gian. Không gian sinh hoạt văn hóa của ca trù rất đa dạng,
trong một vùng rộng lớn và chủ yếu ở vùng nông thôn Bắc Bộ và Bắc Trung
Bộ, được bảo lưu một cách trọn vẹn nhất. Sự bảo lưu của ca trù trong dân gian
từ lâu đã được một số học giả để tâm nghiên cứu, sưu tầm. Một số làng như


17
Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội), Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội), Phú Đô
(Nam Từ Liêm), Đồng Trữ (Hà Nội), Đào Đặng (Trung Nghĩa, Hưng Yên),
Ngọc Bộ (Châu Giang, Hưng Yên), Ngọc Trung (Thọ Xuân, Thanh Hóa), Cổ
Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh),.. là nơi có đền thờ và lưu truyền nhiều câu
chuyện về sự tích các ca nữ, ca công.
Tư liệu để nghiên cứu ca trù bao gồm nhiều nguồn khác nhau, hiện đang
tồn tại trong dân gian như: tượng thờ, tự khí, câu đối, hoành phi, sắc phong,
văn bia, ca phả trong các di tích, cùng những tín ngưỡng, tập tục, kiêng kị; các
bài ca lưu truyền trong các giáo phường... Mỗi nguồn tư liệu này đều có giá
trị nhất định trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về ca trù. Tư liệu Hán Nôm về ca
trù bao gồm sách, thần tích, văn bia và khánh... đang mang một trữ lượng
thông tin lớn xung quanh nghệ thuật ca trù. Đây là mảng tài liệu rất quý và
đáng tin cậy để nghiên cứu về lịch sử ca trù, lịch sử nghiên cứu ca trù, nghệ
thuật biểu diễn và các văn bản thơ - ca trù.
Những tuyển tập như Việt Nam ca trù biên khảo của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ
Trọng Huề; Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Hát ả đào của Trần Văn
Khê, Tuyển tập thơ ca trù của Ngô Linh Ngọc, Ngô Văn Phú, Ca trù nhìn từ
nhiều phía của Nguyễn Đức Mậu,…phải nói là những tư liệu đặc biệt về nghệ
thuật ca trù, lịch sử ca trù; Những bài khảo cứu của thời kì trước đây trên Tạp
chí Nam Phong hay sau này là những nghiên cứu của Nguyễn Xuân Diện với
Góp phần tìm hiểu lịch sử ca trù; Nguyễn Đức Mậu với Hát nói Nguyễn Công
Trứ… cũng là những công trình nghiên cứu quan trọng. Những tư liệu này sẽ

giúp cho các nhà nghiên cứu và biểu diễn ca trù hình dung và hiểu được về
một bộ môn nghệ thuật bác học hiện đang mai một dần. Đây cũng là nguồn tư
liệu quan trọng để chứng minh nghệ thuật ca trù là một bộ môn mang tính bác
học mà lề lối và cách thức đã nâng lên thành những chuẩn mực với tính khái
quát cao. Sử dụng nguồn tư liệu này đối với NCS là không dễ vì nhiều tư liệu


18
bằng Hán Nôm, nhiều tư liệu chỉ đề cập chuyên biệt về thể cách, nghệ thuật
ca trù, trong khi mục đích nghiên cứu của NCS không đi sâu vào nghiên cứu
ca trù ở góc độ nghệ thuật mà là nghiên cứu vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di
sản ca trù. Ngoài những phần thuộc về biểu diễn, một số tư liệu cũng có trình
bày những hiểu biết về âm nhạc ca trù theo lối hiểu cổ truyền. Những kiến
thức như vậy là cứ liệu cho nhà nghiên cứu về âm nhạc đời sau tìm hiểu âm
nhạc trong quá khứ.
Phong phú nhất trong mảng sách về ca trù trong kho tàng thư tịch Hán
Nôm là những bài thơ soạn cho ca trù. Số lượng của các bài ca trù là khá lớn.
Nhiều làn điệu rất cổ, hiện rất ít người hát và thuộc được, dường như đã thất
truyền thì ca từ vẫn còn được chép trong những sách này. Các bài ca trù này
gợi mở rất nhiều cho việc nghiên cứu, không những ở tư cách một nghệ thuật
ngôn từ, mà ở trong đó còn chứa đựng những triết lý và quan niệm nhân sinh
mới mẻ và phóng khoáng, là một tư liệu bổ ích trong việc nghiên cứu lịch sử
tư tưởng của người Việt. Thể loại hát nói hầu hết sáng tác bằng chữ Nôm và
nhiều tác phẩm đã đạt giá trị văn học rất cao. Do vậy, phải được coi là có một
vị trí xứng đáng trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc. Thể thơ này cũng
mang trong nó trữ lượng đáng kể về vốn sống, vốn ngôn từ, vốn thơ ca và tri
thức dân gian.
Hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần
được bảo vệ khẩn cấp được xây dựng trong giai đoạn 2006-2009, là tài liệu
quan trọng về ca trù. Tài liệu này nghiên cứu tổng thể về văn hóa ca trù và

nghệ thuật ca trù, cũng như những thông tin tổng hợp về số lượng tỉnh, thành,
làng, xã, thôn, xóm còn lưu giữ nghệ thuật ca trù ở Việt Nam, số lượng nghệ
nhân, nghệ sĩ ca trù cũng như những tài liệu, tư liệu về nghề tổ ca trù ở một số
địa phương. Điểm nổi bật của Hồ sơ trình UNESCO này mà NCS nhận thấy
sẽ tìm tòi được một số dữ liệu quan trọng để nghiên cứu cho đề tài luận án, đó


19
là một số ý về hoạt động của một số CLB, giáo phường đã và đang diễn ra tại
Hà Nội, TP.HCM, một số tỉnh thành khác trên cả nước.
Nhìn chung, đây là những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về nghệ thuật
ca trù trên nhiều phương diện, từ nghệ thuật biểu diễn, giá trị văn học, văn
hóa, đến đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên, không có công trình nào đề cập
chuyên sâu đến vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy giá trị
di sản ca trù và hoạt động biểu diễn nghệ thuật của một số CLB, giáo phường
tại Hà Nội hiện nay.
Trên phương diện luận án hoặc công trình có liên quan, đối với nhóm
các công trình nghiên cứu về ca trù thì ở Việt Nam và trên thế giới, tính đến
hiện nay, đã có 02 luận án tiến sĩ nghiên cứu riêng biệt về nghệ thuật ca trù
và đã được bảo vệ thành công năm 2007 của một nghiên cứu sinh Việt Nam
(Nguồn tư liệu Hán Nôm với việc nghiên cứu ca trù của Nguyễn Xuân Diện)
và năm 2012 của một nghiên cứu sinh người nước ngoài (Lịch sử và âm nhạc
của ca trù - Alienor Anisensel - Đại học Paris Ouest-Nanterre - Pháp, do
GS.TS. Trần Văn Khê và GS.TS. Trần Quang Hải hướng dẫn). Hai luận án
này tập trung nghiên cứu học thuật và lịch sử, nguồn gốc cũng như quan tâm
đến vấn đề nghệ thuật ca trù, nhằm làm rõ và sáng tỏ lịch sử ca trù cũng như
nhiều quan điểm nghệ thuật ca trù tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có công trình
cấp độ luận văn thạc sĩ văn hóa học của thạc sĩ Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm
CLB ca trù Hà Nội là Đào nương và nghệ thuật hát ca trù, hiện đang được
nghệ sĩ tiếp nối thành luận án tiến sĩ đang trong quá trình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, có thể kể đến Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Hát ca trù
người Việt năm 2006 tại Hà Nội với một số công trình nghiên cứu có giá trị
về ca trù của một số học giả trong và ngoài nước như: GS.TS. Trần Văn Khê,
cố vấn khoa học dự án lập Hồ sơ Quốc gia trình UNESCO với công trình: Ca
trù - một nghệ thuật độc nhất vô nhị; TS. Yves Defrance, Giám đốc Trung


20
tâm thông tin các nhạc sĩ - Đại học Rennes, Pháp: Hát Ca trù - một hiện
tượng âm nhạc độc đáo trên thế giới; GS.TS. Trần Quang Hải, Phòng thí
nghiệm nghiên cứu âm nhạc dân tộc học, Pháp: Ca trù - Nhìn từ quan điểm
âm thanh học; TS. Bountheng Souksavatd, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu
Văn hóa Lào: Ca trù - Laođơm, nét tương đồng, dị biệt; Gisa Jahnichen, Giáo
sư âm nhạc học đại học Frankfurt, Đức: Liệu chúng ta có thể giữ được truyền
thống của nghệ thuật Ả đào? hay Cuộc thử nghiệm về hát ả đào; TS. Barley
Norton, Giảng viên Khoa âm nhạc Đại học Rockchamton, London, Anh: Phục
hồi Ca trù: Những vấn đề và thách thức; TS. Aliennor Anisensel: Những
chuyến khảo sát về ca trù ở Việt Nam [57,tr317].
Đối với nhóm các công trình nghiên cứu về bảo tồn, phát huy giá trị di
sản ca trù, có không nhiều các nghiên cứu mang tính hệ thống và chuyên sâu
về mối liên hệ giữa văn hóa, di sản văn hóa ca trù, nghệ thuật ca trù với hoạt
động của các CLB, giáo phường, đặc biệt là nghiên cứu chuyên sâu khu vực
Hà Nội. Đa số các công trình, hội thảo chỉ dừng lại ở một số quan điểm, bài
báo, bài chuyên đề viết về vấn đề cảm nhận của du khách khi đi xem, nghe ca
trù ở các CLB, giáo phường nội thành Hà Nội hoặc viết về những khó khăn
của các giáo phường, CLB ngoại thành... Trong một số các nghiên cứu về di
sản với du lịch văn hóa hoặc các vấn đề có liên quan, các học giả trong và
ngoài nước ít nhiều cũng đã có đề cập và xem xét đến mối quan hệ này nhưng
chủ yếu là làm rõ các vấn đề như: tác động qua lại giữa hai ngành như các tác
động tích cực và tiêu cực của du lịch lên cộng đồng, di sản, môi trường; định

hướng phát triển nhằm hạn chế các tác động của du lịch;...
7. Bố cục luận án
Ngoài phần mở đầu (17 trang), kết luận (4 trang), các danh mục, bảng
biểu, phụ lục và tài liệu tham khảo (8 trang), nội dung chính của luận án được
kết cấu thành 3 chương:


21
- Chương 1. Cơ sở lý luận và tổng quan các vấn đề nghiên cứu (51
trang);
- Chương 2. Thực trạng biểu diễn nghệ thuật ca trù của một số CLB, giáo
phường tại Hà Nội (50 trang);
- Chương 3. Nghệ thuật biểu diễn ca trù, một số vấn đề bàn luận (41
trang).


22

Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Một số khái niệm
1.1.1. Những khái niệm liên quan đến di sản
- Di sản văn hóa: Theo văn kiện được Đại hội đồng ICOMOS (Hội đồng
quốc tế các di tích và di chỉ: International Council Museum Organization and
Sites) lần thứ 11 ở Sofia (Bungari) tháng 10 năm 1966 phê chuẩn: “Di sản văn
hóa là để chỉ những di tích, những cụm kiến trúc và những di chỉ có giá trị di
sản, tạo thành môi trường lịch sử hoặc môi trường xây dựng”.
Theo Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 và Luật di
sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa
đổi, bổ sung năm 2009, thì: “Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất có

giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ
khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [41,tr2]. Di sản văn hóa là
tài sản văn hóa của quốc gia, dân tộc, được lưu giữ, truyền giao cho các thế hệ
kế tiếp. Đó chính là thành quả của quá trình đấu tranh anh hùng dựng nước và
giữ nước của các thế hệ người Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa VIII đã
chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo,
đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt
Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới
để không ngừng hoàn thiện mình…”. Di sản văn hóa Việt Nam kết tinh những
giá trị vật chất, tinh thần to lớn và sâu sắc của cả dân tộc, được chung đúc qua
quá trình lao động, dựng xây, chiến đấu bảo vệ, giữ gìn của các dân tộc trên
lãnh thổ Việt Nam. Di sản văn hóa không phải là cái gì xa lạ mà là tất cả
những cái nằm ngay trong đời sống hàng ngày, là những cái rất bình thường


23
giản dị, gần gũi và thân quen với tất cả mọi người sống trong môi trường đó.
Di sản văn hóa chính là môi trường sống, là điều kiện sống của tất cả con
người. Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam là tài sản văn hóa của quốc gia, dân
tộc, không thuộc riêng một giai tầng xã hội nào, kho tàng đó luôn được lưu
giữ, trao truyền cho các thế hệ kế tiếp và các thế hệ kế tiếp có trách nhiệm gìn
giữ, phát triển, nâng lên những tầng cao mới.
- Di sản văn hóa thế giới: Hiện nay, Việt Nam đã có 16 di sản văn hóa
vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận (tác giả sắp xếp theo không
gian vị trí địa lý), bao gồm 01 di sản hỗn hợp thế giới (quần thể danh thắng
Tràng An); 05 di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà
Hồ, Quần thể di tích cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn); 10 di
sản văn hóa phi vật thể gồm nhóm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại (7 di sản, xếp theo không gian địa lý): Dân ca Quan họ Bắc Ninh,

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và
đền Sóc, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian
văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam Bộ; nhóm di sản cần
được bảo vệ khẩn cấp (2 di sản): Nghệ thuật Ca trù và Hát Xoan Phú Thọ và
01 di sản đa quốc gia là Nghi lễ và trò chơi kéo co.
Việt Nam còn có 6 di sản tư liệu theo chương trình kí ức thế giới là Mộc
bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, 82
bia đá thời Lê - Mạc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và mới đây nhất,
ngày 19/5/2016, Việt Nam có thêm 02 di sản tư liệu "Thơ văn trên Kiến trúc
cung đình Huế" và “Mộc bản trường học Phúc Giang” (Hà Tĩnh) được công
nhận là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2016.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 2 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO
công nhận là Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.


×