Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

DẠY HỌC THEO TIẾP CẬN LIÊN MÔN VỚI VIỆC BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC HỌC SINH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (258.01 KB, 10 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 2, pp. 51-60
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0030

DẠY HỌC THEO TIẾP CẬN LIÊN MÔN
VỚI VIỆC BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC HỌC SINH
Đỗ Hương Trà
Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dạy học theo tiếp cận liên môn là dạy học xung quanh một chủ đề đòi hỏi sử dụng
kiến thức của nhiều môn học trong tiến trình tìm tòi nghiên cứu. Dạy học theo tiếp cận liên
môn tạo thuận lợi cho việc trao đổi và giao nhau giữa các mục tiêu dạy học của các môn
học khác nhau. Việc tổ chức dạy học theo tiếp cận liên môn mở ra triển vọng cho việc thực
hiện dạy học theo tiếp cận năng lực, nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với giáo viên.
Bài báo phân tích mối quan hệ giữa các môn học với dạy học theo tiếp cận liên môn cũng
như tiến trình sư phạm thực hiện dạy học theo tiếp cận liên môn nhằm bồi dưỡng năng lực
cho người học.
Từ khóa: Dạy học theo tiếp cận liên môn, tiến trình sư phạm, năng lực.

1.

Mở đầu

Việc tích tụ giản đơn các khái niệm, sự lặp lại một cách đơn điệu các kiến thức sẽ trở nên
không chấp nhận được bởi vì người học không thể thu nhận và lưu giữ tất cả các thông tin riêng
lẻ đến một cách thường xuyên. Điều này cho thấy cần tổ chức lại dạy học “xuất phát từ sự thống
nhất” để người học đủ để biết các dữ kiện ở đâu, nó là gì để khi cần có thể tìm thấy. Người học
cần biết các địa chỉ để nhận được những lời khuyên và có thể giành năng lượng của mình cho việc
khai thác, hiểu và phân tích thông tin [2].
Các nước đi đầu trong giáo dục ưu tiên cho việc hình thành ở học sinh năng lực tư duy phê


phán, có nghĩa là khả năng đặt câu hỏi, xem xét lại mối liên hệ giữa các sự kiện, hiện tượng. Học
sinh cần phải được dẫn đến giải quyết các vấn đề thực sự, đặt câu hỏi về cái đã giới thiệu với họ,
kiểm tra theo cách có phê phán những kết quả đã đưa ra.
Sự ưu tiên cho việc hình thành năng lực tư duy phê phán sẽ dẫn giáo viên (và cả cha mẹ
học sinh) luôn kiểm tra lại niềm tin của mình một cách sâu sắc hơn, mà điều này không phải luôn
dễ dàng. Việc học chỉ có giá trị khi người học tiếp nhận trong tương lai sự thanh thản trước những
khó khăn gặp phải vì họ có khả năng vượt qua chúng và tin rằng có thể vượt qua.
Một định hướng nữa cần ưu tiên trong dạy học là hình thành ở người học năng lực sáng tạo.
Giáo viên không chỉ yêu cầu học sinh đưa ra các câu trả lời một cách giản đơn mà khuyến khích
họ tìm ra câu trả lời riêng, đưa ra một giải pháp riêng và hiệu quả. Điều này có nghĩa người học
phải có năng lực thích ứng, phát hiện và giải quyết các vấn đề phức hợp trong thực tiễn [5] và vấn
đề bồi dưỡng năng lực đã được nhiều nghiên cứu đề cập.
Hiện nay, kết cấu các môn học ở nhà trường là kết cấu chặt chẽ “giả tạo”, bởi có thể tìm
thấy trong chương trình học nhiều mục tiêu riêng biệt, thiếu kết nối một cách tổng thể các tri thức
Ngày nhận bài: 12/10/2014. Ngày nhận đăng: 17/03/2015.
Liên hệ: Đỗ Hương Trà, e-mail:

51


Đỗ Hương Trà

với nhau. Liên môn (có nghĩa là một tổng thể các thành phần của các môn học có mối liên hệ với
nhau và ảnh hưởng qua lại với nhau) nhằm tách cái cần thiết từ cái không cần thiết. Tiến trình dạy
học liên môn cần tôn trọng đặc trưng của mỗi môn học, đưa người học vào hoạt động giải quyết
các vấn đề thực tiễn tạo điều kiện cho việc hình thành năng lực bởi năng lực chỉ được hình thành
và phát triển trong quá trình huy động các kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề của thực
tiễn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tổ chức dạy học như thế nào để có thể bồi dưỡng được năng lực
cho người học? Đó là điều mà bài báo muốn đề cập.


2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Mối quan hệ giữa các môn học trong chương trình đào tạo

Trong dạy học theo tiếp cận liên môn, để tôn trọng mục tiêu chuyên biệt của mỗi môn học,
cần thiết phải xem xét chỗ dựa của mỗi môn trong chương trình đào tạo chung [1], ở đó khai thác
vị trí của các môn học (tự nhiên và xã hội – nhân văn) trong sự phát triển không thể tách rời của
người học ở nhà trường. Việc xác định vị trí của các môn học trong chương trình nhà trường cho
phép thấy được cơ hội đóng góp của mỗi môn học trong việc bồi dưỡng năng lực cho học sinh.
Với môn tiếng Việt và ngôn ngữ thứ hai
Mục tiêu của việc học ngôn ngữ là người học phải hiểu và thực hiện được các bài viết/nói
có nghĩa. Việc học ngôn ngữ nhằm làm cho người học hiểu và thực hiện được các bài viết/nói chứa
đựng các thông tin được cấu trúc chặt chẽ, có đặc trưng kích thích và được diễn đạt một cách trong
sáng. Có nghĩa là phát triển kĩ năng phát đi và thu nhận các thông tin dưới dạng ngôn ngữ nói cũng
như ngôn ngữ viết.
Mục đích của học ngôn ngữ là trao đổi thông tin. Để học sinh có thể phát triển các kĩ năng
ngôn ngữ cần đưa ra các bài tập thực tế, các tình huống giao tiếp đích thực, đa dạng. Chính vì thế,
trong giờ học ngôn ngữ, tất cả các “vật liệu” được sử dụng để phát triển ngôn ngữ cần thích đáng
để đạt đến mục tiêu ngôn ngữ bằng cách khuyến khích sử dụng các kiểu bài viết và nói khác nhau,
tùy theo đòi hỏi của bối cảnh và tính thích đáng của việc sử dụng nó. Cần tạo mọi cơ hội cho học
sinh sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ đã được mã hóa (sơ đồ, biểu đồ, các kí hiệu và đồ
thị, . . . ) để nâng cao chất lượng của ngôn ngữ. Vì thế có thể nói tất cả các môn học đều tham gia
vào rèn kĩ năng ngôn ngữ tiếng Việt (kể cả ngôn ngữ thứ hai).
Với môn Toán học
Toán học cũng là một ngôn ngữ đặc biệt để diễn đạt tư duy. Dạy toán cần nhấn mạnh tới
việc làm sáng tỏ mối liên hệ giữa toán với thực tế cuộc sống, bằng cách nhấn mạnh rằng toán là
một công cụ mô tả cái thực tế.
Nhiều môn học sử dụng các khái niệm toán học, ví dụ như các phép đo, cách xác định một

bản đồ, xây dựng đồ thị hoặc bảng số liệu. Các hoạt động trí tuệ như phân loại, suy diễn, thiết lập
mối quan hệ, . . . cung cấp công cụ diễn đạt cho phép tích hợp các khái niệm của riêng toán học
vào các môn học khác. Ngôn ngữ và toán học dựa trên cái cụ thể, cái thực tế để phát triển và hiện
thực hóa. Do vậy, sẽ thuận lợi cho học sinh khi các kiến thức toán được giới thiệu trong bối cảnh
có nghĩa, trong tình huống của thực tế.
Với các môn khoa học tự nhiên
Mục tiêu của ngôn ngữ và toán học là diễn đạt về một thực tế đã được xây dựng. Trong khi
khoa học tự nhiên lại đề cập đến việc xây dựng mô hình để giải thích và tiên đoán thực tế này.
Mục đích của khoa học tự nhiên là phát triển ở học sinh những kiến thức cơ bản về thế giới. Để
xây dựng nên các kiến thức này, học sinh cần được làm quen với tiến trình thực nghiệm/khoa học,
và đáp ứng những yêu cầu của tiến trình này. Học sinh học cách hiểu, cách giải thích và cách can
thiệp vào thế giới thực tế bằng hành động và bằng tư duy của chính mình.
52


Dạy học theo tiếp cận liên môn với việc bồi dưỡng năng lực học sinh

Với các môn khoa học xã hội và nhân văn
Nếu đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên là các hiện tượng tự nhiên thì khoa học xã
hội và nhân văn nghiên cứu về xã hội và con người (không phải là con người vật chất, con người
sinh học) cùng những quan hệ, hoạt động của con người với xã hội và môi trường xung quanh.
Với các môn nghệ thuật
Môn nghệ thuật (nặn, múa, âm nhạc, . . . ) được xem là “phương tiện ưu tiên để hiểu con
người và thế giới xung quanh bởi trực giác” [1] và đó là cảm nhận bên trong của mỗi người, giúp
học sinh thể hiện tình cảm, thể chất, trí tuệ, . . . của mình với thế giới xung quanh.
Với các môn giáo dục thể chất, giáo dục công dân
Các môn học này nhằm phát triển mối quan hệ của học sinh với thực tế. Thể chất mang đến
quan hệ của học sinh với chính cơ thể của họ. Giáo dục công dân đề cập đến các qui tắc hành động,
sự chịu trách nhiệm của con người với xã hội.
Từ phân tích đặc thù của mỗi môn học, sơ đồ dưới đây cho phép nhìn thấy vị trí các môn

học trong chương trình nhà trường và sự đóng góp của mỗi môn học vào sự hình thành và phát
triển năng lực cho học sinh, trong đó:
- Một số môn học có đối tượng là xây dựng mô hình biểu đạt cái thực tế (Khoa học xã hội
nhân văn và khoa học tự nhiên)
- Một số môn lại có đối tượng là diễn đạt cái thực tế này (Ngôn ngữ và toán học)
- Một số môn khác lại có đối tượng là mối quan hệ với thực tế và tập trung vào thái độ (Giáo
dục thể chất, giáo dục công dân).

Sơ đồ 1. Mối quan hệ giữa các môn học

2.2.

Dạy học theo tiếp cận liên môn với việc bồi dưỡng năng lực

Phát triển năng lực là một mục tiêu quan trọng trong dạy học các môn học. Kiến thức với
đầy đủ nghĩa của nó không bao giờ được tiếp nhận một cách thụ động mà người học cần được thu
hút vào tiến trình học một cách tích cực. Để xây dựng kiến thức cho mình, học sinh cần giải thích,
phân tích, lập luận hoặc tiến hành các thí nghiệm, xây dựng các mô hình, ... Tuy nhiên, điều đó chỉ
thực sự diễn ra với điều kiện đó là các hoạt động tự chủ, tích cực, được đề nghị bởi chính người
học nhằm đáp ứng nhu cầu học, bởi vì phương diện trí tuệ của người học không thể phát triển độc
lập với phương diện tình cảm. Tình cảm là một trong những “động cơ khởi động” nhu cầu nhận
thức, điều này có thể thực hiện bằng việc đặt người học trước các tình huống thực tiễn cuộc sống,
53


Đỗ Hương Trà

gần gũi và hấp dẫn với người học. Đó thường là các tình huống phức hợp, đòi hỏi sự có mặt của
các kiến thức đến từ các môn học khác nhau.
Bảng 1 nhóm các đặc trưng cho phép phân biệt dạy học theo tiếp cận liên môn với tiếp cận

được xử lí theo từng môn học riêng rẽ.
Bảng 1. Dạy học theo tiếp cận liên môn và dạy học một môn
Phương diện

Liên môn

Dạy từng môn

Mục tiêu

Phục vụ cho mục tiêu chung của một số
nội dung thuộc các môn khác nhau.

Phục vụ cho mục tiêu riêng rẽ của
từng môn học.

Bản chất của mục
tiêu theo đuổi

Mục tiêu rộng, ưu tiên các mục tiêu
chung. Các mục tiêu trung gian đóng
góp vào việc đạt được mục tiêu chung.

Mục tiêu hạn chế hơn, chuyên biệt
hơn (thường là các kiến thức và kĩ
năng).

Kế hoạch dạy học

Kết nối với lợi ích và sự quan tâm của

học sinh, của cộng đồng.

Xuất phát từ một tình huống có liên
quan tới nội dung của một môn học.

Tổ chức dạy học

Xuất phát từ vấn đề cần giải quyết hoặc
một dự án cần thực hiện, việc tự chủ
giải quyết vấn đề cần viện vào các
kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học
khác nhau.

Hoạt động học được cấu trúc chặt
chẽ theo tiến trình đã dự kiến (trước
khi thực hiện hoạt động) hoặc diễn
tự phát.

Trung tâm của việc
dạy

Nhấn mạnh đặc biệt đến sự phát triển
và làm chủ mục tiêu lâu dài như là các
phương pháp, kĩ năng và thái độ của
người học.

Có quan tâm đến phát triển các kĩ
năng, thái độ của người học nhưng
đặc biệt nhằm tới việc làm chủ mục
tiêu ngắn hạn như kiến thức.


Ảnh hưởng của việc
học

Dẫn đến việc phát triển thái độ và kĩ
năng phức hợp, trí tuệ cũng như tình
cảm (đánh giá, phân tích, phê phán,
sáng tạo, làm việc nhóm). Hoạt động
học dẫn đến việc tích hợp các kiến thức
đã tiếp nhận.

Dẫn đến việc tiếp nhận kiến thức và
kĩ năng mang đặc thù của môn học.

Như vậy, dạy học theo tiếp cận liên môn nhằm tạo ra mối liên hệ trong học tập bằng việc
kết nối các môn khác nhau, nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau và mối quan hệ giữa các môn
học. Dạy học theo tiếp cận liên môn dựa trên niềm tin ở người học và nhìn thấy khả năng tự chủ
trong học tập của họ. Tuy nhiên tiếp cận này yêu cầu giáo viên có một đầu óc cởi mở, mềm dẻo và
sẵn sàng đối đầu với nguy cơ, họ tình nguyện đầu tư thời gian cần thiết cho việc lập kế hoạch và
tiếp nhận các nguồn thông tin.
Tiếp cận liên môn là phương tiện hiệu quả để kiến thức được cấu trúc theo cách có tổ chức
và vững chắc, khi có rất nhiều kiến thức, kĩ năng của các môn học khác nhau mà các giáo viên
thuộc các môn học khác nhau đó yêu cầu học sinh phải học.
Dạy học theo tiếp cận liên môn thường gắn với bối cảnh thực tế và gắn với nhu cầu người
học cho phép học sinh kéo theo những ích lợi, sự tích cực và sự chịu trách nhiệm của mình. Có
nghĩa, người học cần có những đáp ứng tích cực với các hoạt động cần thực hiện, hiểu rõ mục đích
các hoạt động, thậm chí là kết quả cần đạt được. Khi đó, các hoạt động học trở thành nhu cầu tự
thân. Dạy học theo tiếp cận liên môn có những lợi ích:
Về phía học sinh
- Quá trình học diễn ra một cách thống nhất, tự nhiên bởi vì trong cuộc sống hàng ngày, các

hiện tượng tự nhiên không bị chia cách thành từng phần, riêng biệt. Học sinh học bằng cách tìm
54


Dạy học theo tiếp cận liên môn với việc bồi dưỡng năng lực học sinh

cách giải thích và tiên đoán các hiện tượng tự nhiên và xã hội qua mối liên hệ giữa các phần khác
nhau của kiến thức thuộc các môn khác nhau.
- Việc học được đặt trong bối cảnh phức hợp, tạo điều kiện cho học sinh đưa ra được
những lập luận có căn cứ, có lí lẽ, qua đó để biết được vì sao hoạt động học diễn ra như vậy
(Siêu nhận thức).
- Giúp nhìn thấy tiến trình phát triển logic của việc học trong mối quan hệ giữa các môn
học, làm cho học sinh có ý thức về việc học mà họ thực hiện.
- Tạo điều kiện phát triển các phương pháp và kĩ năng cơ bản ở người học như: lập kế hoạch,
phân tích, tổng hợp thông tin, đề xuất các giải pháp một cách sáng tạo,. . . khi học sinh sử dụng nó
để thực hiện giải quyết vấn đề phức hợp trong thực tế.
- Tạo điều kiện kéo theo số lớn học sinh tham gia vào hoạt động học. Ví dụ, khi lập kế
hoạch, học sinh cung cấp vấn đề cần giải quyết, câu hỏi cần xử lí, hoặc khi thực hiện dự án, học
sinh thực hiện các nghiên cứu, mang đến các vật liệu, trao đổi về những phát hiện của mình,. . .
- Khởi động động cơ, lợi ích và sự tham gia, thậm chí với cả các học sinh trung bình và yếu
về năng lực học.
Điều này đồng nghĩa với việc tạo cơ hội để bồi dưỡng các năng lực của người học.
Về phía chương trình học
- Tạo điều kiện cho việc thực hiện tích mục tiêu của hai hay nhiều môn học.
- Cho phép tiết kiệm thời gian khi tổ chức hoạt động học mà vẫn đảm bảo học tích cực,
học sâu.
- Tạo điều kiện tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng, tận dụng các nguồn tài nguyên đa
dạng cũng như sự huy động các lực lượng xã hội tham gia vào quá trình giáo dục.
Bên cạnh những lợi ích, dạy học theo tiếp cận liên môn cũng đặt ra những thách thức:
- Tiết kiệm thời gian cho việc thực hiện các hoạt động thì lại đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian,

công sức cho việc xây dựng nội dung học và thiết kế các hoạt động học.
- Không loại bỏ sự cần thiết của tình huống “dạy trực tiếp” nhằm phát triển sự làm chủ kĩ
năng cơ bản hoặc tiếp nhận một số kiến thức, cho phép giáo viên và học sinh giải tỏa sức ép của
việc tiếp nhận phức hợp các kiến thức.

2.3.

Lựa chọn và xây dựng nội dung học trong dạy học theo tiếp cận liên môn

Trong dạy học theo tiếp cận liên môn, để thiết kế được các hoạt động học, giáo viên cần
quan tâm đến một số các yếu tố có tính nguyên tắc:
- Lựa chọn và xây dựng nội dung học;
- Đánh giá các phản hồi;
- Bố trí lớp học và quản lí khu vực làm việc của học sinh;
- Quản lí thời gian học;
- Thiết kế các hoạt động học;
- Đánh giá, quan sát và cho điểm.
Như vậy, việc đầu tiên cần làm là phải lựa chọn và xây dựng nội dung học. Điều này đề cập
đến việc phải có hiểu biết sâu sắc về chương trình (định hướng phát triển chương trình, mục đích,
mục tiêu chương trình, tiến trình dạy học và các chủ đề) và đặt chương trình các môn học cạnh
nhau để so sánh, để tôn trọng những đặc trưng nhằm dẫn học sinh đạt mục tiêu xác định.
Để xây dựng nội dung học cần thiết kế lại chương trình học, điều này đòi hỏi giáo viên phải
đọc với đầu óc phân tích, phê phán tất cả các chương trình học có liên quan, trong đó kết hợp cả
hai cách đọc: đọc thẳng đứng và đọc nằm ngang.
+ Đọc thẳng đứng: Việc thực hiện đọc thẳng đứng các chương trình để nắm bắt sự liên tục,
55


Đỗ Hương Trà


sự phát triển của các kiến thức. Thực hiện việc đọc thẳng đứng chương trình học (theo chủ đề)
trong tính toàn vẹn của nó để xác định các mục tiêu cần dạy ở các trình độ khác nhau. Việc đọc
thẳng đứng cho phép phân biệt các mức độ yêu cầu khác nhau về chủ đề như kiến thức, thái độ,
năng lực hoặc kĩ năng đặc thù.
+ Đọc nằm ngang: Dành cho việc xem xét các môn khác nhau theo cách loại trừ. Nó cho
phép xác định các kiến thức, kĩ năng cần đạt bên trong mỗi chương trình học. Điều này cho phép
tránh việc lặp lại không cần thiết và khoanh vùng các kĩ năng cần phát triển theo cách đảm bảo các
hoạt động đa dạng và có tính kích thích phù hợp với các trình độ khác nhau. Việc đọc nằm ngang
cũng giúp giáo viên xác định các mục tiêu cần truyền tải bởi các môn khác nhau và xác định được
các nội dung cần tích hợp cũng như các địa chỉ tích hợp.

2.4.

Dạy học giải quyết vấn đề trong dạy học theo tiếp cận liên môn

Học trong dạy học theo tiếp cận liên môn hay học trong dạy học các môn học riêng biệt, dù
là ngôn ngữ, toán học hay các môn khoa học đều phải xuất phát từ một tình huống học tập thích
đáng, để dẫn đến một tiến trình sư phạm gồm nhiều giai đoạn [3,4].
Giai đoạn 1: Đưa ra tình huống nhằm phát hiện vấn đề
Mục tiêu của việc đưa ra tình huống nhằm giúp người học phát hiện được vấn đề cần nghiên
cứu và phát biểu được vấn đề cần nghiên cứu mang tính liên môn. Việc xác định đối tượng nghiên
cứu có thể gợi nên từ một tình huống phức hợp, gắn với thực tế và hình thành mục tiêu mà người
học cần theo đuổi về kiến thức, kĩ năng và thái độ.
Tình huống có mục đích kích thích học sinh và tạo thuận lợi cho việc tham gia thực hiện
nhiệm vụ của họ. Người học cần đưa ra những câu hỏi xung quanh tình huống, các câu hỏi giữa
các học sinh sẽ dẫn tới việc khai thác chủ đề học tập. Tình huống tốt là tình huống xuất phát từ nhu
cầu của học sinh cũng như sở thích và lợi ích mà họ diễn đạt và thiết lập được mối liên hệ giữa vốn
kinh nghiệm của họ với mục tiêu dạy học cần đạt. Như vậy, hiển nhiên rằng tình huống đã chuẩn
bị cho lớp này khó cấy ghép trong lớp khác ở cùng thời điểm bởi vì sở thích, nhu cầu của học sinh
dường như có khác nhau giữa các lớp.

Các tình huống cụ thể, thường ngày và hấp dẫn sẽ tập trung sự chú ý đến một đối tượng,
một ý nghĩ, một vấn đề, một sự tương tự trong mối liên hệ với mục tiêu dạy học. Để đạt được mục
tiêu này, giáo viên có thể sử dụng:
- Các hình ảnh, các phim, phim dương bản;
- Nghiên cứu trái đất, bản đồ địa lí;
- Một câu chuyện lịch sử mà giáo viên đọc, một bản nhạc;
- Thăm quan (triển lãm, xưởng làm bánh kẹo, ...);
- Các bài báo, tạp chí;
- Tờ rơi du lịch;
- Một cáo thị; một chương trình tivi, chương trình phát thanh;
- Một bài báo mà tất cả học sinh phải đọc; một sự kiện ở địa phương;
Điều này làm cho học sinh ý thức được cái mà họ đã biết về chủ đề học tập và xác định mục
tiêu học tập cần đạt.
Sau khi học sinh đã xác định được vấn đề, xác định được mục tiêu cần đạt trong quá trình
học, giáo viên có thể, xác định những hoạt động cơ bản người học cần thực hiện.
Giai đoạn 2: giải quyết vấn đề
Ở giai đoạn này, học sinh hình thành các giả thuyết, lập kế hoạch giải quyết vấn đề, từ đó
thực hiện các nghiên cứu, tìm kiếm những thông tin và dữ kiện cần thiết, tổ chức thông tin và đánh
giá nó. Học sinh được dẫn đến các hoạt động khác nhau để khám phá, để khai thác quá trình phát
hiện, để đồng hóa và điều tiết thông tin và người học cần sáng tạo trong cách xử lí vấn đề. Giáo
56


Dạy học theo tiếp cận liên môn với việc bồi dưỡng năng lực học sinh

viên hướng dẫn việc học của học sinh, đặt câu hỏi, đưa ra cho họ các giải pháp nếu cần thiết. Quá
trình giải quyết vấn đề có thể có các hoạt động sau:
- Hoạt động thăm dò: Ở hoạt động này, học sinh quan sát, hỏi, so sánh, nghiên cứu để hiểu,
hình thành giả thuyết và đi đến việc trình bày toàn thể giải pháp của mình. Học sinh có thể sử
dụng các hình ảnh, phim, nghe các đĩa nhạc, tiến hành phỏng vấn, điều tra, đọc, ghi nhận, dùng

các phép qui chiếu và bản đồ.
- Hoạt động khai thác thông tin và tiến hành thực nghiệm: Trong những hoạt động này, học
sinh thực hiện các hoạt động để thỏa mãn nhu cầu khai thác và tổ chức thông tin bằng cách: sưu
tầm, đo đạc, chứng minh, tiến hành thí nghiệm. Hoạt động khai thác thông tin và thực nghiệm
cũng có thể là các hoạt động tay chân, chuyển động của cơ thể như nhảy, múa, hoạt động thể thao
hay nghệ thuật tạo hình, ...
- Hoạt động đồng hóa thông tin: Đồng hóa thông tin cho phép học sinh xử lí dữ kiện thu
được. Học sinh xác định, lựa chọn, tổ chức các thông tin cần thiết cho việc giải quyết vấn đề nảy
sinh trong tình huống. Học sinh có thể sử dụng từ điển, bản đồ, atlas, bách khoa toàn thư để tìm
kiếm thông tin.
- Hoạt động điều tiết thông tin: Hoạt động này sẽ dẫn học sinh đến việc tạo ra các bài viết
hoặc bài nói có nghĩa, có tổ chức, có cấu trúc và được diễn đạt rõ ràng, trong sáng. Các thông tin
được tổ chức nhờ: sắp xếp, nhóm, sơ đồ, đánh số, bảng, biểu, ...
- Hoạt động sáng tạo: Việc khai thác từ “bão các ý tưởng”, các thảo luận, các nghiên cứu,
các bài đọc giúp học sinh trở nên tự chủ hơn để “chuyển dịch” thông tin của mình trong các tình
huống khác nhau. Ở đây, bên cạnh việc vận dụng các thông tin đã thu nhận vào các tình huống mới
thì các trò chơi đóng kịch, âm nhạc, múa, nghệ thuật, diễn đạt cử chỉ của cơ thể đều mang đến tầm
quan trọng của nó.
Trong hoạt động sáng tạo, học sinh phát triển các ý tưởng, giải quyết vấn đề, tổng hợp các
thông tin thu nhận được, khái quát hóa và áp dụng cái đã học. Điều này đòi hỏi học sinh cần có
năng lực đặt câu hỏi, đưa ra các giả thuyết và kiểm tra nó. Trong suốt quá trình giải quyết vấn đề,
giáo viên mang đến những trợ giúp, giúp học sinh cấu trúc thông tin, kích thích họ khái quát và
phát triển những ý nghĩ riêng.
- Hoạt động đánh giá: Bao gồm đánh giá thông tin, đánh giá các giải pháp, các ý tưởng (cái
nào thích đáng, cái nào chưa thích đáng).
Việc giải quyết vấn đề chỉ bằng một cách thức không thể mang đến tất cả các thông tin
mong muốn. Do vậy, cần sử dụng đa dạng các nguồn thông tin, ví dụ:
- Các bài khóa ở thư viện nhà trường, hình ảnh, phim, phim dương bản, cáo thị;
- Thực hiện các buổi tham quan, điều tra, phỏng vấn;
- Tham gia các hoạt động xã hội;

- ...
Giai đoạn 3: đánh giá kết quả và quá trình giải quyết vấn đề
Trong giai đoạn này, học sinh trình bày kết quả hoạt động. Đó cũng là thời gian củng cố và
làm sâu những điểm mạnh của việc học, rút ra các kết luận, hình thành những khái quát, đặt tất cả
các thông tin nhận được trong một tổng thể vững chắc và liên kết chúng trong mạng lưới kiến thức
tổng thể của học sinh.
Đó cũng là thời điểm khách quan hóa và tự đánh giá của học sinh. Họ cần phải dẫn đến việc
nhận thức cái mà họ đã học, những câu hỏi họ chưa thể trả lời. Họ có dịp để chia sẻ (nói và viết)
cái mà họ đã sống, có dịp quay lại những thành công và những ước mơ, về cái đã vận hành tốt và
cái cần thay đổi để thực hiện công việc của mình. Họ phát hiện một số kiến thức và kĩ năng cần
phát triển để có thể hoàn thành các nhiệm vụ khác tương tự (đầu tư lại). Học sinh cũng có dịp tự
đánh giá và nói về sự hài lòng và chưa hài lòng đối với nhiệm vụ đã thực hiện.
57


Đỗ Hương Trà

Bảng kế hoạch được lập ra từ đầu dùng cho đánh giá này. Đó là thời điểm ở đó giáo viên
kiểm tra xem các mục tiêu đã gặp nhau chưa, học sinh đã tiếp nhận kiến thức chưa, họ đã phát
triển các kĩ năng chưa, đã trao đổi, cải thiện thói quen làm việc chưa,...
Bảng 2 giới thiệu mối liên hệ giữa tiến trình sư phạm trong các môn học khác nhau và các
đặc thù riêng của nó.
Bảng 2. Tiến trình sư phạm trong các môn học
Tiến trình
sư phạm

Tiếng Việt
và ngôn ngữ thứ hai

Các môn

Khoa học

1. Đưa ra tình
huống nhằm phát
hiện vấn đề

Đưa ra tình huống
trao đổi.

Xác định vấn đề.

2. Giải
vấn đề

Hình thành và xử lí
các bài viết/nói sao
cho có nghĩa.

quyết

3. Đánh giá việc
giải quyết vấn đề

Khách quan hóa.
Trao đổi.

Hình thành giả
thuyết.
Lựa chọn, thu
thập dữ liệu.

Xử lí dữ liệu.
Giải thích kết quả.
Trao đổi kết quả.

Các môn
Nghệ thuật

Toán học

Cảm nhận.

Xác định vấn đề.
Quan sát vấn đề.

Học cách thực
hiện.

Lập kế hoạch giải quyết.
Thực hiện kế hoạch.

Xem

hành động

Kiểm tra giải pháp.
Trao đổi giải pháp.

Việc xem xét tiến trình sư phạm trong các môn học khác nhau có thể đưa ra các gợi ý khi
tổ chức các hoạt động học trong dạy học theo tiếp cận liên môn. Đây là một tiến trình dân chủ,
khai thác nguyên tắc cùng quản lí nhằm đưa người học chịu trách nhiệm hơn về hoạt động học và

đặt người học vào tình huống để phát triển kĩ năng tư duy bậc cao bởi việc làm chủ tiến trình giải
quyết vấn đề thực tế.

2.5.

Dạy học chủ đề Ô nhiễm tiếng ồn với đời sống con người

Trên cơ sở đọc thẳng đứng và đọc nằm ngang chương trình vật lí, sinh học, chúng tôi nhận
thấy có thể lựa chọn chủ đề tích hợp: Ô nhiễm tiếng ồn với đời sống con người.
Chủ đề đòi hỏi các kiến thức về âm trong chương trình vật lí (bản chất của âm, âm đơn, âm
phức, các đặc đặc tính vật lí của âm, các tính chất của âm, khái niệm cường độ âm và mức cường
độ âm, cách đo cường độ âm, phân biệt giữa âm thanh và tiếng ồn, các biện pháp phòng tránh tiếng
ồn,. . . ) và các kiến thức về sinh học (cấu tạo của tai, ngưỡng nghe, định luật Weber, các đặc tính
sinh lí của âm,. . . ) cũng như các kiến thức của toán học như đọc đồ thị, xây dựng các biểu đồ, đồ
thị, xử lí thống kê các số liệu, . . .
Giai đoạn 1: Đưa ra tình huống nhằm phát hiện vấn đề
Tình huống: Theo đà phát triển của cuộc sống hiện đại, một số vấn đề sức khỏe đã nảy sinh
do hậu quả của xã hội công nghiệp hóa, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng nhưng ít được
mọi người quan tâm. Em hãy kể ra các yếu tố đó và đặt ra các câu hỏi.
Trong giai đoạn này, học sinh cần phát hiện được một trong các yếu tố ảnh hưởng đến sức
khỏe cộng đồng là: Ô nhiễm tiếng ồn. Các câu hỏi có thể được đưa ra:
- Tiếng ồn ở trường học có ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư ở gần đó không?
- Tiếng ồn ở các nhà máy, khu công nghiệp liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và
dân cư không?
- ...
58


Dạy học theo tiếp cận liên môn với việc bồi dưỡng năng lực học sinh


Thảo luận giữa các học sinh sẽ dẫn đến vấn đề cần giải quyết: Âm thanh là gì? Tiếng ồn là
gì? Làm thế nào có thể so sánh được âm ở những nơi khác nhau?
Giai đoạn 2: Giải quyết vấn đề
Để giải quyết vấn đề đặt ra, học sinh cần:
- Thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu để tìm hiểu bản chất của âm, các đặc tính vật lí và
sinh lí của âm, các khái niệm cường độ âm, mức cường độ âm, cách đo cường độ âm, cấu tạo của
tai, . . . Tìm hiểu tài liệu, học sinh có thể phân biệt được âm thanh và tiếng ồn, cũng như thu thập
được các thông tin về các loại tiếng ồn như:
- Tiếng ồn kéo dài
- Tiếng ồn ngẫu nhiên
- Tiếng ồn gián đoạn
- Tiếng ồn xung
- Đề xuất nguyên tắc đo và phương án đo tiếng ồn
Việc thiết kế máy đo tiếng ồn là không khả thi với học
sinh. Tuy nhiên, học sinh biết rằng sóng âm truyền qua không
khí tạo ra áp suất (đo bằng Paxcan – Pa). Để đo tiếng ồn người
ta dùng đơn vị Dexiben (dB), từ đó có thể đề xuất nguyên tắc đo
Hình 1. Máy đo tiếng ồn
dựa trên nguyên tắc biến các dao động áp suất không khí thành
các dao động điện từ ở các micro. Phương án đo là nơi đo cần
cách các vật phản xạ âm (như các tấm tường lớn) khoảng 3,5m,
độ cao tiến hành đo khoảng từ 1,2m đến 1,5m trên mặt đất, . . .
- Thu thập thông tin từ điều tra, phỏng vấn
Các thông tin thu được sẽ được xử lí, so sánh bằng các đồ thị, biểu đồ

Sơ đồ 2. Tiến trình sư phạm trong dạy học chủ đề Ô nhiễm tiếng ồn với đời sống con người

59



Đỗ Hương Trà

Giai đoạn 3: Đánh giá kết quả và quá trình giải quyết vấn đề
Ngoài những kiến thức thu được, qua thảo luận về tiến trình đã thực hiện, học sinh đã:
- Xác định được tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng theo các tiêu chuẩn cho phép.
- Xác định được ảnh hưởng của các nguồn gây tiếng ồn
- Cung cấp thông tin giúp cho việc lập kế hoạch kiểm soát tiếng ồn, các biện pháp giảm
thiểu ô nhiễm tiếng ồn
- Xác định được trách nhiệm và thái độ công dân đối với ô nhiễm tiếng ồn.
Tiến trình dạy học chủ đề có thể được mô tả bằng Sơ đồ 2.

3.

Kết luận

Dựa trên phân tích đặc thù của dạy học một môn và đặc thù của dạy học theo tiếp cận liên
môn, nghiên cứu đề cập đến cơ hội bồi dưỡng năng lực cho người học trong dạy học theo tiếp cận
liên môn. Việc đề xuất cách thức xây dựng và lựa chọn chủ đề tích hợp, về tiến trình sư phạm trong
dạy học theo tiếp cận liên môn nhằm khai thác điểm mạnh của tiến trình sư phạm của các môn học
khác nhau sẽ cho phép học sinh làm chủ dần dần các kiến thức và năng lực cần hình thành, mặt
khác, giáo viên có thể kiểm soát được các hoạt động học.
Tuy nhiên, trong dạy học, dạy học liên môn không phải là giải pháp ma thuật, thậm chí một
sự chuẩn bị tuyệt vời của dạy học liên môn cũng không thể giải quyết được tất cả các vấn đề của
dạy học. Dạy học theo tiếp cận liên môn giúp chúng ta đạt được một số mục tiêu học tập nhất định
nhưng không có một kiểu dạy học nào tồn tại một mình, cần đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa dạy
học một môn và dạy học theo tiếp cận liên môn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]

Caron, Jacqueline. Quand revient septembre. Guide sur la gestion de classe participative. Les

Éditions de la Chenelière 1994.

[2]

Charron, Richard. Apprendre à apprendre. Vie pédagogique, 68, sept./oct. 1990.

[3]

De Flandres, Charles. Louis Charbonneau. Gilles Thibert. L’approche interdisciplinaire: une
démarche pédagogique basée sur la résolution de problème.

[4]

Robillard, Marcel. Approches interdisciplinaires. Une démarche d’organisation d’un projet
thématique à caractère interdisciplinaire. Québec franc¸ais, no. 95, automne 1994.

[5]

Schwartz, Susan, Mindy Pollischuke. Construire une école axée sur l’enfant. Les Éditions de
la Chenelière. Montréal, Québec. 1992.
ABSTRACT
Teaching using an interdisciplinary approach to achieve student competency

Interdisciplinary education is a manner of teaching which requires the use of knowledge
of many disciplines. It could be said that interdisciplinary education would facilitate trade and it
would facilitate the learning objectives of various disciplines. In order to organize interdisciplinary
education, the development of many skills must be carried out, but this is a challenge for teachers.
This article analyzes the relationship between those disciplines included in interdisciplinary
teaching and the process of learning how to carry out interdisciplinary teaching.
Keywords: Teaching an interdisciplinary approach, educational process, competencies.

60



×