Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

sáng kiến kinh nghiệm một số biện pháp giúp cải thiện hành vi tăng động, giảm tập trung cho học sinh chậm phát triển trí tuệ lớp 1c tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (628.86 KB, 17 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI
TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT
Mã số:………………

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

MỘT SỐ BIỆN PHÁP
GIÚP CẢI THIỆN HÀNH VI TĂNG ĐỘNG, GIẢM TẬP TRUNG
CHO HỌC SINH CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ LỚP 1C
TẠI TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT

Người thực hiện: ĐOÀN THỊ NGỌC TÂM
Lĩnh vực / Môn nghiên cứu:
Giáo dục khuyết tật: Giáo dục hành vi

Sản phẩm đính kèm:
 Mô hình

 Phần mềm

 Phim ảnh

Năm học: 2012 – 2013

 Hiện vật khác


SƠ LƯỢC LÝ LỊCH KHOA HỌC

I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CÁ NHÂN
1. Họ và tên: ĐOÀN THỊ NGỌC TÂM


2. Ngày tháng năm sinh: 07/11/1986
3. Nam, nữ: Nữ
4. Địa chỉ: 1549D, ấp 4, tổ 9, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai
5. Điện thoại: CQ: 0613954171 ; ĐTDĐ: 0978340971
6. Fax:
E-mail:
7. Chức vụ:
8. Đơn vị công tác: Trung tâm Nuôi Dạy Trẻ Khuyết tật Đồng Nai
II. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO
- Học vị (hoặc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ) cao nhất: Cử nhân khoa học
- Năm nhận bằng: 2008
- Chuyên ngành đào tạo: Giáo dục đặc biệt
III. KINH NGHIỆM KHOA HỌC
- Lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm: dạy học sinh Chậm phát triển trí tuệ
Số năm có kinh nghiệm: 05 năm
- Các sáng kiến kinh nghiệm đã có trong 5 năm gần đây:
 Một số biện pháp giúp tăng khả năng tập trung chú ý cho trẻ CPTTT từ 6 – 8
tuổi ở lớp 1A tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật
 Một số biện pháp giúp tăng khả năng tiếp nhận ngôn ngữ cho học sinh CPTTT
lớp 1A tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật


MỘT SỐ BIỆN PHÁP
GIÚP CẢI THIỆN HÀNH VI TĂNG ĐỘNG, GIẢM TẬP TRUNG
CHO HỌC SINH CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ LỚP 1C
TẠI TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Khi bước vào mỗi ngôi trường, chúng ta đều thấy dòng chữ: “Mỗi ngày đến
trường là một niềm vui”. Câu nói ấy đã trở nên thân quen, gần gũi với mọi giáo
viên và học sinh. Câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng là lời nhắc nhở

cho những giáo viên ngày ngày làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức, đem bao điều
mới lạ đến các học trò thân yêu. Và hơn hết, lời khuyên bảo ấy càng như một thuật
ngữ, một châm ngôn làm việc của những giáo viên dạy học sinh Chậm phát triển
trí tuệ.
Trẻ Chậm phát triển trí tuệ có trí tuệ bị suy giảm nên việc học của các em diễn
ra chậm hơn trẻ bình thường. Do não bị tổn thương và hoạt động nhận thức bị rối
loạn nên các em gặp nhiều khó khăn để lĩnh hội kiến thức như: Tư duy kém, khả
năng tưởng tượng bị hạn chế, khó tiếp thu bài học… Các em cần một môi trường
học tập an toàn với những phương pháp giảng dạy phong phú để tiếp nhận kiến
thức đạt hiệu quả cao.
Ở lớp 1C, lớp chuyên biệt dành cho học sinh Chậm phát triển trí tuệ, các em
có các độ tuổi từ 9 đến 16 tuổi với nhiều dạng khuyết tật trí tuệ. Trong những ảnh
hưởng do tổn thương của não, hành vi tăng động, giảm tập trung của một em học
sinh không những làm hạn chế khả năng học của em mà tập thể của lớp cũng bị
ảnh hưởng rất nhiều. Em thường hay có những triệu chứng xung động tức thì trong
giờ học như la hét, chạy ra khỏi chỗ ngồi, bật nhảy liên tục xung quanh các bạn.
Do đó, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong lúc giảng dạy. Lời giảng của cô giáo bị
ngắt quãng, hoạt động học bị ngưng lại, khoảng thời gian quý báu để tiếp nhận
kiến thức mới bị gián đoạn do những hành vi bất thường của em gây ra. Điều này
làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường học tập của lớp.
Và hơn ai hết, bản thân trẻ Chậm phát triển trí tuệ có hành vi tăng động,
giảm tập trung gặp nhiều khó khăn trong học tập vì trẻ không theo kịp bài giảng,
không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày hay trong lúc
chơi, trẻ có những biểu hiện bốc đồng, thô bạo, thậm chí hung hăng nên hay gặp
rắc rối trong quan hệ với bạn bè, anh chị em trong nhà. Do bị rối loạn trong việc
kiểm soát hành vi nên trẻ có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, ảnh hưởng không
chỉ trực tiếp đến bản thân mà cả những người sống xung quanh em.
Là giáo viên phụ trách chủ nhiệm của lớp, tôi nhận thức được cần phải có
những biện pháp can thiệp kịp thời để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực do hành
vi tăng động, giảm tập trung của trẻ gây ra. Tôi cố gắng tìm tòi tài liệu để hiểu sâu

hơn về hội chứng của trẻ, từ đó vận dụng và sáng tạo nhiều phương pháp có thể
ứng dụng được trong lớp. Sau đây, tôi xin chia sẻ đến các bạn đồng nghiệp một vài
kinh nghiệm nhỏ được đúc kết từ thực tế với đề tài: “Một số biện pháp giúp cải
thiện hành vi tăng động, giảm tập trung cho học sinh Chậm phát triển trí tuệ lớp
1C tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật”.
1


II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI
1. Cơ sở lý luận:
1.1. Tiêu chí chẩn đoán trẻ Chậm phát triển trí tuệ:
Định nghĩa theo DSM - IV (Tài liệu Chẩn đoán và Thống kê các bệnh về
tâm thần, một hệ thống phân loại), đưa ra các tiêu chí chẩn đoán cho trẻ khuyết tật
trí tuệ:
- Chức năng hoạt động của trí tuệ dưới mức trung bình đáng kể (chỉ số thông minh
IQ vào khoảng 70 hay thấp hơn dựa vào kiểm tra chỉ số thông minh).
- Thiếu hay khiếm khuyết trong hoạt động thích ứng, hạn chế ít nhất hai trong các
lĩnh vực sau: giao tiếp, tự chăm sóc, sinh sống tại gia đình, kĩ năng xã hội và liên
cá nhân, sử dụng các tiện ích của cộng đồng, tự định hướng, kĩ năng học đường
hiệu quả, công việc, giải trí, sức khỏe và sự an toàn.
- Thời gian phát bệnh trước 18 tuổi. Sau 18 tuổi, trẻ có vấn đề về suy giảm chức
năng thần kinh thì đó không phải là trường hợp của Chậm phát triển trí tuệ.
1.2. Hoạt động nhận thức của trẻ Chậm phát triển trí tuệ:
- Tư duy mang tính trực quan – cụ thể: Trẻ nhận biết sự vật chủ yếu bằng cách
quan sát hình ảnh.
- Quá trình hình thành kiến thức chậm và không vững chắc: Do chức năng vỏ não
bị suy giảm nên trẻ Chậm phát triển trí tuệ gặp khó khăn khi tiếp thu kiến thức mới
và dễ mất kiến thức đã được tiếp thu.
- Ngôn ngữ chậm hơn so với trẻ bình thường cùng lứa tuổi: trẻ Chậm phát triển trí
tuệ có vốn từ ít nên gặp khó khăn khi hiểu lời nói, hoặc không có từ để diễn tả, bắt

chước phát âm các tiếng không rõ.
- Trí nhớ ngắn hạn và máy móc: Trẻ có đặc điểm chậm nhớ, chóng quên và ghi
nhớ bằng hình ảnh, khó ghi nhớ bằng lời nói.
1.3. Rối loạn tăng động, giảm tập trung của trẻ Chậm phát triển trí tuệ:
Rối loạn tăng động, giảm tập trung là bệnh lí khởi phát sớm và có thể kéo dài
đến tuổi trưởng thành, chiếm tỉ lệ 3 – 6% ở trẻ em, thường gặp ở trẻ Chậm phát
triển trí tuệ. Tên viết tắt trong tiếng Anh là ADHD: Attention Deficit / Hyperactive
Disorder nên các nhà chuyên môn gọi những trẻ bị rối loạn tăng động, giảm tập
trung là trẻ ADHD. Triệu chứng của rối loạn ADHD nằm trong hai loại: Quá hiếu
động và tập trung chú ý kém.
a) Triệu chứng quá hiếu động:
- Tay chân hay ngọ nguậy hoặc nhúc nhích trên ghế (khều các đồ vật trên bàn, vỗ
tay, đung đưa bàn chân hoặc cả chân).
- Có biểu hiện bứt rứt không ngồi yên được.
- Thường rời khỏi chỗ ngồi trong lớp hoặc ở những tình huống yêu cầu trẻ ngồi cố
định một chỗ như tham dự buổi Lễ Khai giảng, Lễ Tổng kết ở trường.
- Thường chạy nhảy quá mức trong những tình huống không nên làm thế.
- Thường khó chơi hoặc khó tham gia một cách bình tĩnh vào các hoạt động giải
trí.
- Hay chọc phá bạn ngồi kế bên.
- Hay bật cười hoặc là bật lên những câu nói ở trong đầu, không liên quan đến bài
giảng.
- Hay bộc phát cơn nổi cáu và không kiềm chế được trong khoảng thời gian ngắn.
2


b) Triệu chứng thiếu chú ý:
- Khó duy trì sự tập trung vào các nhiệm vụ hoặc các hoạt động giải trí và khó có
thể chịu đựng được nhiệm vụ cho tới khi hoàn thành.
- Không chú ý đến lời người khác nói. Trẻ thường có vẻ như trí óc đang để ở đâu

đó hoặc như thể không nghe những gì người đối thoại đang nói trực tiếp với mình.
- Thường tránh né, không thích hoặc miễn cưỡng tham gia các hoạt động đòi hỏi
duy trì nỗ lực trí tuệ như nghe giảng bài, thực hiện bài tập.
- Thường hay mắc lỗi do không cẩn thận trong bài vở.
- Hay làm mất đồ dùng như quần áo, sách, bút…
- Đang làm hoạt động này chuyển sang hoạt động khác.
- Khi tham gia trò chơi, trẻ không tuân thủ đúng các luật của trò chơi.
- Dễ bị phân tán bởi những kích thích bên ngoài. Trẻ thường ngừng các hoạt động
đang làm dở để theo dõi một âm thanh bên ngoài hay một sự việc mà những trẻ
khác cho là bình thường và thường bỏ qua (ví dụ như tiếng còi ô tô, một cuộc nói
chuyện bên ngoài, ai đó đi ngang qua).
2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài:
Theo các tài liệu nghiên cứu, việc cải thiện hành vi cho trẻ có hội chứng
ADHD cần có sự kết hợp của y khoa và tâm lí. Trẻ được sử dụng thuốc dưới sự
theo dõi chặt chẽ của bác sĩ tâm thần, thực hiện chế độ ăn uống hợp lí và khoa học.
Với đề tài này, tôi xin đưa một vài biện pháp giáo dục để cải thiện hành vi cho trẻ
ADHD. Biện pháp giáo dục được nói đến là công tác chủ nhiệm và công tác giảng
dạy.
Sau đây, tôi xin đưa ra một số biện pháp giúp cải thiện hành vi cho trẻ có hội
chứng ADHD.
2.1. Biện pháp thực hiện với công tác chủ nhiệm
2.1.1. Biện pháp 1. Tìm hiểu ban đầu về học sinh ADHD
Sau khi nhận thấy lớp học có học sinh với những triệu chứng quá tăng động,
giảm tập trung, tôi cố gắng thu thập nhiều thông tin về hội chứng ADHD và những
biểu hiện hành vi rõ nhất về học sinh trong lớp của mình bằng cách tiến hành:
a) Quan sát trực tiếp trẻ: Tôi cố gắng dành nhiều thời gian để theo dõi và ghi
chép lại những hành vi bất thường của trẻ trong giờ học lẫn giờ chơi, những biểu
hiện tích cực và tiêu cực của trẻ khi ở nhà, cố gắng tìm hiểu và lí giải cho nguyên
nhân dẫn đến các hành vi đó.
b) Sử dụng các bài kiểm tra: Vào đầu năm học, sau khi làm quen với trẻ, tôi

tiến hành cho trẻ thực hiện một số bài tập để kiểm tra mức phát triển hiện tại về:
Khả năng đọc, viết, làm toán cộng, toán trừ, vận động tinh, ngôn ngữ tiếp nhận –
ngôn ngữ biểu đạt, khả năng ghi nhớ, khả năng giao tiếp, tư duy, cách ứng xử tình
huống,…
c) Phỏng vấn: Tôi trao đổi trực tiếp với ba mẹ, anh em của trẻ để thu thập
thông tin về quá trình phát triển của trẻ từ nhỏ, thông tin y tế, tình hình sức khỏe
cũng như các bệnh trẻ đang mắc phải như bệnh động kinh, sử dụng thuốc. Ngoài
ra, tôi cũng cần các thành viên trong gia đình cung cấp thêm về: Tình cảm gắn bó
của trẻ với người thân, sở thích về ăn uống, giải trí, đồ chơi; những điều thích và
không thích, tính tình, biểu hiện của hành vi bất thường khi ở nhà, thời gian thường
xảy ra và cách xử lí của gia đình với các hành vi đó.
3


Sau khi có những thông tin tổng quát về trẻ, tôi tiến hành lập kế hoạch để
can thiệp những hành vi bất thường của trẻ.
2.1.2. Biện pháp 2. Thiết lập và duy trì mối quan hệ với phụ huynh của trẻ
Trẻ không thể có tiến bộ nếu chỉ được giáo dục ở lớp học. Trẻ cần được giáo
dục sớm từ môi trường gia đình. Cha mẹ có vai trò quan trọng để can thiệp hành vi
cho trẻ vì cha mẹ là người hiểu con mình nhất và dành nhiều thời gian cho con hơn
bất kì ai hết. Sự tham gia nhiệt tình của cha mẹ là nguồn lực tốt cho thành công
trong việc giúp đỡ trẻ. Thế nhưng cha mẹ không được trang bị những kiến thức và
kĩ năng đặc thù nên giáo viên là một cầu nối giữa cha mẹ và trẻ. Do đó, việc xây
dựng mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh là rất cần thiết.
Một số thông tin cần thiết để giáo viên trao đổi với phụ huynh là:
- Giúp phụ huynh nhận biết những hành vi tăng động, giảm tập trung thường gặp ở
trẻ.
- Cố gắng giúp đỡ cha mẹ cách lí giải các hành vi của con họ.
- Trao đổi với phụ huynh về bản kế hoạch can thiệp cho những hành vi bất thường.
- Hướng dẫn phụ huynh các biện pháp để can thiệp hành vi cho trẻ ở nhà.

- Cung cấp các dụng cụ, đồ dùng, tranh ảnh, đồ chơi và cách sử dụng chúng có
hiệu quả.
- Động viên phụ huynh kiểm soát thường xuyên các hành vi của trẻ.
- Tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp với trẻ ADHD như các nhóm thức ăn cần
thiết (thực phẩm giàu khoáng chất, vitamin A - B - C, các loại đậu, hạt,…) và các
nhóm thức ăn cần tránh (thức ăn chứa nhiều đường, màu nhân tạo, chất kích thích,
thực phẩm gây dị ứng,…).
- Tư vấn phụ huynh cách phòng tránh các chấn thương dễ xảy ra khi trẻ tăng động
bằng cách xếp đặt bàn ghế sao cho nhà có nhiều không gian để hạn chế trẻ bị va
đập, các đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, sử dụng đồ nội thất không nên có cạnh nhọn.
- Giúp phụ huynh nhận thấy những tiến bộ trẻ đạt được cũng như những vấn đề
còn tồn tại sau một quá trình can thiệp.
- Cùng với phụ huynh thực hiện tiếp bản kế hoạch mới.
Để tạo mối quan hệ chặt chẽ với phụ huynh, tôi có một vài kinh nghiệm:
- Lắng nghe và bày tỏ sự cảm thông với những lo lắng của phụ huynh về tình trạng
khuyết tật của trẻ.
- Tạo niềm tin và hy vọng cho phụ huynh. Giáo viên cần cho họ biết rằng: “Với
tình thương và sự giúp đỡ tích cực của phụ huynh thì trẻ sẽ nhất định tiến bộ”.
- Bày tỏ để phụ huynh thấy rằng giáo viên luôn sẵn sàng hỗ trợ họ.
- Dùng từ ngữ đơn giản dễ hiểu, tránh giải thích quá dài dòng, hạn chế dùng từ ngữ
chuyên môn khi trao đổi với phụ huynh.
- Thường xuyên liên lạc với phụ huynh.
2.1.3. Biện pháp 3. Giúp trẻ phát triển tốt mối quan hệ với bạn bè
Ông bà ta có câu: “Học thầy không tày học bạn”. Do vậy, bạn bè là yếu tố
quan trọng để giúp trẻ ADHD có được sự tiến bộ. Qua bạn bè, trẻ được học hỏi,
động viên, giúp đỡ và hợp tác lẫn nhau. Điều này tạo ra nhiều mối tương tác qua
lại trong mọi hoạt động ở lớp, lúc chơi hay lúc học. Nhờ sự tương tác đó, trẻ được
hình thành các tình cảm, thái độ tích cực để hòa nhập với tập thể.
4



Trong lớp học, trẻ ADHD thường có những hành vi bất thường như đập bàn
ghế, la hét, bực bội, chọc phá bạn. Điều này khiến cho các bạn không thích chơi
chung với trẻ, tránh xa hay xua đuổi, làm trẻ có cảm giác tự ti, bị tách rời khỏi tập
thể. Là giáo viên chủ nhiệm của lớp, tôi cố gắng thay đổi thái độ của các bạn học
chung để trẻ được tập thể nhìn nhận như một thành viên gắn bó của lớp, cùng giúp
đỡ nhau học tập và cùng sinh hoạt vui chơi.
Để tạo mối quan hệ bạn bè cho trẻ ADHD, tôi sử dụng nhiều biện pháp như:
- Khai thác tài năng của trẻ: hát, đọc thơ, vẽ tranh… để các bạn học có sự tôn trọng
với trẻ.
- Tuyên dương các cố gắng của em trước tập thể.
- Tổ chức hình thức hoạt động nhóm vào bài học để trẻ cùng các bạn tham gia vào
một hoạt động.
Ví dụ: Ở môn Toán, bài “Số 8”, tôi tổ chức học sinh thi đua theo nhóm, mỗi
nhóm hai bạn. Tôi sắp xếp trẻ ADHD với một em có năng lực học tốt. Mỗi cặp sẽ
cố gắng viết nhiều số 8 vào phần bảng của mình. Nhóm nào viết được nhiều số 8 sẽ
là nhóm chiến thắng.
- Tổ chức các trò chơi tập thể đơn giản để thắt chặt tình cảm các học sinh trong
lớp.
Ví dụ: Trong trò chơi “Con muỗi”, tôi động viên trẻ ADHD đóng vai là con
muỗi, hai tay đập nhanh để bay đi, đến gần các bạn, nhanh tay chạm vào người của
bạn như là để hút máu. Còn các bạn khác phải xua tay chân không cho con muỗi
chạm tay vào người của mình. Trò chơi này có sự tương tác rất tốt và trẻ được bộc
lộ nhiều cảm xúc.

Hình: Các nhóm thi viết số 8

Hình: Học sinh chơi trò: “Con muỗi”

2.1.4. Biện pháp 4. Điều chỉnh không gian lớp học

Môi trường học tập ảnh hưởng rất lớn đến hành vi cư xử của trẻ. Nếu môi
trường ồn ào, nóng bức có thể làm cho trẻ ADHD bộc phát những hành vi bất
thường. Vì vậy, việc bài trí lớp học một cách khoa học là rất quan trọng. Ở lớp học,
tôi cố gắng sắp xếp bàn ghế gọn gàng, phù hợp với các hoạt động học.
Ví dụ:
- Khi học bài mới, tôi cho học sinh ngồi thành vòng cung trên ghế đơn để rút ngắn
khoảng cách giữa giáo viên và học sinh và tránh tình trạng trẻ ADHD đập bàn ghế,
nằm lăn lộn trên ghế khi lên cơn cáu giận.
5


- Khi viết bài, tôi cho học sinh ngồi thành hình vuông, giáo viên giám sát được mọi
học sinh.
- Ở mỗi hình thức ngồi học, tôi luôn xếp vị trí trẻ ADHD ở gần giáo viên sao cho
dễ quản lí mọi hành vi của em nhất.
- Không trang trí quá nhiều tranh ảnh lên tường dễ làm cho trẻ bị phân tâm.
- Đảm bảo tầm nhìn rõ ràng để trẻ theo dõi bài giảng tốt.
- Không để trẻ ADHD ngồi ở vị trí có hướng nhìn ra cửa sổ.
- Đồ dùng học tập và đồ chơi để đúng nơi quy định, tốt nhất là để ở kệ có cửa khóa
lại, giúp trẻ tập trung học bài tốt.

Hình: Tiết học bài mới

Hình: Tiết học tập viết

2.2. Biện pháp thực hiện với công tác giảng dạy
2.2.1. Biện pháp 1. Giúp trẻ hình thành và phát triển các hành vi mong
muốn
Hành vi mong muốn là những hành vi tốt trong học tập và trong sinh hoạt
của trẻ. Đó là các hành vi: Chú ý lắng nghe, phát biểu bài, biết đợi đến lượt mình,

chơi hòa thuận với các bạn, hoàn thành bài tập, tự giác vào chỗ ngồi…
Tôi sử dụng hình thức củng cố tích cực ở bất kì tình huống trong lớp nhằm
giúp trẻ hình thành các hành vi mong muốn. Sự củng cố tích cực được thể hiện với
nhiều cách khác nhau như khen ngợi, phần thưởng, một hoạt động mà trẻ thích hay
những sự ưu tiên đặc biệt.
Qua kinh nghiệm, tôi xin chia sẻ một vài hình thức củng cố:
- Chọn hình thức củng cố dễ thực hiện trong điều kiện của lớp học. Ví dụ: Giáo
viên nói: “Các bạn nhìn xem, bạn A đã làm hết bài toán, chúng ta cùng vỗ tay hoan
hô bạn A nào!”, phần thưởng cho trẻ có thể là một hộp sữa uống vào giờ ra chơi
hay một hoạt động chơi bóng, chạy xe đạp.
- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn. Ví dụ: “Bạn A giỏi lắm!”.
- Nắm bắt ngay thời điểm trẻ có hành vi tốt rồi khen ngợi. Ví dụ: Nếu trẻ thường
hay đi lung tung, không ngồi vào ghế như các bạn khác mà hôm nay tự giác ngồi
vào ghế thì giáo viên cần nhận thấy và khen trẻ ngay lập tức.
- Đa dạng hóa phần thưởng: Thưởng cho trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau sẽ
làm cho trẻ không bị nhàm chán và có tác dụng trong những lần sau.
- Khen ngợi những bạn trong lớp có biểu hiện tích cực để trẻ ADHD lấy đó làm
gương.
6


- Không lạm dụng hình thức khen ngợi hoặc là khen ngợi không đúng lúc làm trẻ
thấy việc khen ngợi không còn khích lệ nữa.
Ví dụ: Để ứng dụng cho hình thức khen ngợi, ở lớp học, tôi thiết kế một
bảng thi đua. Trên bảng thi đua có các khu vực cắm cờ cho mỗi học sinh. Nếu
trong một buổi học, em nào đạt được 5 ngôi sao ở góc thi đua trên bảng thì sẽ được
cắm 1 lá cờ vào bảng thi đua của lớp. Mỗi lá cờ tương ứng với một cái bánh nhỏ
mà học sinh được nhận vào cuối ngày học. Điều này làm các em rất thích và cố
gắng để tham gia học tốt, kể cả trẻ ADHD.


Hình: Bảng lớp có Góc thi đua

Hình: Bảng thi đua

2.2.2. Biện pháp 2: Giảm bớt hành vi không mong muốn
Hành vi không mong muốn là những hành vi gây rối làm khó chịu cho
những người xung quanh. Đó là những hành vi nhảy nhót, đi lại lung tung trong
lớp học, những cơn nổi cáu, la hét, gây sự, phản kháng…
Để tránh những hành vi tiêu cực đó xảy ra, tôi giúp trẻ có điều kiện hoạt
động nhưng đưa về hoạt động có chủ đích.
Ví dụ:
+ Giao trẻ nhiệm vụ phân phát vở, đồ dùng học tập cho các bạn.
+ Nhờ trẻ thu gom phiếu bài tập của các bạn dùm cô.
+ Sau một tiết học, giáo viên tổ chức cho cả lớp chơi các trò chơi vận động nhỏ
như: Con thỏ, Trời nắng - trời mưa, Pha nước chanh, Thỏ tìm củ cải, Lăn bóng
bằng tay, thi bật nhảy tại chỗ xem bạn nào nhảy cao nhất lớp,…
+ Hát và vận động theo nhạc các bài hát đơn giản như: Một con vịt, Bóng tròn
to, Đi một hai, Chú bộ đội, Một đoàn tàu …
+ Đọc và minh họa các bài thơ ngắn như: Hỏi cây, Cô dạy, Ong và bướm, Giúp
mẹ, Đi dép …
Nếu trẻ có biểu hiện hành vi gây rối, giáo viên có thể nhắc nhở trẻ. Có nhiều
hình thức khác nhau để nhắc nhở học sinh. Tôi cố gắng sử dụng các biện pháp can
thiệp ít mang tính chất xâm phạm nhất, sao cho các hành vi gây rối bị loại trừ
nhanh gọn và các hoạt động của lớp ít bị ảnh hưởng nhất. Sau đây là một vài kinh
nghiệm thực tế tôi rút ra được:
- Nên đứng gần và xoa tay lên các vùng mặt khi thấy trẻ có biểu hiện bực bội.
- Gọi tên khi trẻ không tập trung rồi hỏi trẻ những câu hỏi mà giáo viên biết là trẻ
có thể trả lời được.
7



- Sử dụng cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt về phía trẻ cho thấy sự không hài lòng khi trẻ có
những hành vi không thích hợp như chỉ tay, lắc đầu, đưa mắt nhìn trẻ một khoảng
thời gian.
- Giáo viên dùng lời nói nhẹ nhàng, chậm rãi, không quát tháo, nói lớn tiếng và nói
nhanh.
- Sử dụng hình thức dập tắt: Khi thấy trẻ có những hành vi như hét lên, đánh đập,
tôi sẽ tỏ ra phớt lờ, không quan tâm đến những hành vi đó. Vì sự quan tâm thường
có tác dụng như phần thưởng khi trẻ muốn gây sự chú ý. Khi thấy trẻ có biểu hiện
nguy hiểm hơn, tôi tìm cách ngăn hành vi đó lại như là quay người trẻ, kéo tay trẻ
đưa lên cao. Ngay cả trong lúc này, tôi cố gắng tỏ ra không chú ý đến trẻ nhiều, có
thái độ bình tĩnh, nói ngắn gọn, kiềm chế cảm xúc và không quá nghiêm khắc, dễ
dẫn đến những hành vi tiêu cực khác.
- Sử dụng hình thức phạt: Có 3 cách thông thường là khiển trách, phạt bằng thời
gian cách biệt, phạt trả giá hành vi.
+ Khiển trách: Tôi cố gắng giữ thái độ bình tĩnh, đến gần trẻ với một khoảng
cách nhất định, dùng lời nói để cho trẻ biết hành vi trẻ vừa gây ra là không hay,
không được cho phép.
+ Phạt bằng thời gian cách biệt: Nói trẻ biết lí do bị phạt và không cho phép trẻ
tham gia vào một hành động trong lớp nào đó mà trẻ hứng thú. Ví dụ: Không cho
phép trẻ được chơi bóng, chơi tạo hình…
+ Phạt trả giá hành vi: Khi thấy trẻ có những hành vi tiêu cực, tôi sẽ giải thích lí
do trẻ bị phạt và phạt bằng cách lấy đi một cái gì đó của trẻ mà trẻ thích như là
bông hoa thưởng, cờ thi đua…
2.2.3. Biện pháp 3. Sử dụng bài tập có tác dụng kích thích trẻ
Trẻ ADHD gặp rối loạn về khả năng chú ý. Trẻ bao giờ cũng có thời gian
chú ý rất ngắn hoặc gặp khó khăn trong việc tập trung tâm trí để giải quyết một
nhiệm vụ. Hậu quả của sự giảm chú ý này là thái độ chần chừ, chán nản, trì hoãn
việc làm bài tập.
Để giúp trẻ thoát khỏi tâm trạng e ngại làm bài tập, tôi sử dụng các bài tập

mang tính kích thích cho trẻ thực hiện. Một số dạng bài tập như là:
- Bài tập điền vào chỗ trống. Tôi nhận thấy với dạng bài tập này, trẻ có cảm giác
phải tập trung để bổ sung vào chỗ còn thiếu để bài tập được hoàn chỉnh.
Ví dụ: Điền từ vào chỗ trống của bài thơ: “Ong và bướm”
Con … trắng
… trả lời
Lượn vườn …
Tôi còn …
Gặp con …
… tôi dặn
Đang … vội
Việc … xong
… liền gọi
Đi … rong
Rủ đi …
Mẹ không …
(Các từ cần điền là: Bướm, hồng, ong, bay, bướm, chơi, ong, bận, mẹ, chưa,
chơi, thích).
- Bài tập có đối tượng gần gũi. Do trẻ không hứng thú với môn chính tả, tôi tận
dụng năng khiếu âm nhạc của trẻ, dùng các bài hát trẻ thường hay hát để thay thế
cho các bài viết trong sách giáo khoa. Ví dụ: Học sinh viết bài hát: Em mơ gặp Bác
Hồ, Cả nhà thương nhau; các bài thơ nhỏ: Các cô thợ, Hỏi cây, Cô dạy…
8


- Bài tập có gợi ý được minh họa bằng hình ảnh: Trẻ ADHD được gợi ý bài tập bởi
những hình ảnh đẹp, giúp trẻ thích thú hoàn thành bài tập được giao.
Ví dụ: Điền từ tương ứng với hình gợi ý vào chỗ trống:
“Kể cho bé nghe”
Hay nói ầm ĩ

Là con

Hay chăng dây điện


bầu.

Hay hỏi đâu đâu
Là con

Là con



con.

Ăn no quay tròn
… vện.

Là cối



(Các từ tương ứng với hình gợi ý là: Vịt, chó, nhện, xay lúa).
Trong quá trình tổ chức cho trẻ thực hiện bài tập, tôi có một vài kinh
nghiệm:
+ Nhắc lại kiến thức một cách cụ thể và mau chóng.
+ Hướng dẫn bài tập rõ ràng.
+ Đảm bảo trẻ hiểu được yêu cầu của bài tập.
+ Giới hạn thời gian để hoàn thành một bài tập.

+ Đa dạng hóa bài tập để tránh tình trạng trẻ bị nhàm chán.
+ Không lạm dụng sự chú ý của trẻ mà kéo dài thêm thời gian học.
2.2.4. Biện pháp 4. Sử dụng phương pháp phân tích nhiệm vụ
Trẻ ADHD hay ngại khó khăn khi tiếp nhận một kiến thức mới, luôn cảm
thấy mệt mỏi với lượng kiến thức giáo viên cung cấp, từ đó có biểu hiện xung động
và muốn thoát ra khỏi tiết học.
Trẻ ADHD thường không theo dõi hết các chỉ dẫn nên không hiểu cách giải
quyết bài tập. Trẻ cũng hay chuyển từ hoạt động chưa xong này sang hoạt động
khác, mà không hoàn thành việc nào.
Để giúp trẻ ADHD có thêm niềm tin trong học tập, tôi dùng phương pháp
phân tích nhiệm vụ khi truyền đạt kiến thức mới và cả khi thực hiện bài tập.
Phương pháp này là chia bài tập ra thành các bước nhỏ, yêu cầu trẻ hoàn thành
xong các bước nhỏ, mỗi bước nhỏ giáo viên đều chắc chắn trẻ có thể thực hiện
được.
Khi áp dụng phương pháp này, tôi thường lưu ý:
- Giáo viên làm mẫu các bước chậm rãi, cụ thể.
- Dùng lời nói rõ ràng, dứt khoát để hướng dẫn từng bước cụ thể.
- Động viên và tuyên dương sau khi trẻ hoàn thành mỗi bước nhỏ.
- Nếu ở một bước nào đó trẻ không làm được thì giáo viên phải dừng lại và hướng
dẫn trẻ.
- Việc thực hiện các bước nhiệm vụ phải được lặp lại thường xuyên.
- Giảm dần hướng dẫn khi trẻ đã quen các bước.
- Rút ngắn các bước nhỏ lại sau một thời gian trẻ luyện tập.
Ví dụ 1: Ở môn Toán, bài “Số tròn chục trừ đi một số”, tôi hướng dẫn học
sinh thực hiện qua bốn bước nhỏ để có được kết quả:
9


90
23

….

* 0 không trừ được 3
* 10 – 3 = 7, viết 7, nhớ 1
* 2 + 1 =3
* 9 – 3 = 6, viết 6

Ví dụ 2: Ở môn kĩ năng tự phục vụ, bài “Xếp áo thun không cổ”, tôi hướng
dẫn trẻ thực hiện với các bước:
- Bước 1: Trải áo cho phẳng trên bàn.
- Bước 2: Xếp hai tay áo vào trong.
- Bước 3: Xếp thân áo thành hai phần.
- Bước 4: Xếp áo lại lần nữa.

Hình: Trải áo cho phẳng trên bàn

Hình: Xếp hai tay áo vào trong

Hình: Xếp thân áo thành hai phần

Hình: Xếp áo lại lần nữa

2.2.5. Biện pháp 5. Sử dụng phương pháp Tâm vận động
Tâm vận động là một phương pháp can thiệp thuộc lĩnh vực tâm lí và giáo
dục, nhấn mạnh vai trò của những hành vi hoặc tác phong vận động, để hội nhập
một cách hài hòa giữa vận động và tâm thần.
Nhờ các hoạt động của phương pháp Tâm vận động, trẻ ADHD được giải tỏa
và giảm hạ những áp lực, được tống xuất ra ngoài những nỗi lo sợ, bức xúc trong
nội tâm.
10



Để tổ chức tốt tiết học Tâm vận động, giáo viên phải chuẩn bị các dụng cụ
trực quan sinh động, kiểm tra không gian vui chơi luôn đảm bảo an toàn cho trẻ.
Khi thực hiện phương pháp này, tôi cố gắng sắp xếp các buổi sinh hoạt Tâm
vận động thành ba phần nối tiếp:
- Sinh hoạt vận động: Trẻ được tham gia các hoạt động nhào lộn, cuộn tròn, đu đưa
qua lại, nhảy cao, gây tiếng động, xây dựng rồi phá hủy… Các dụng cụ để thực
hiện là các ống dài bằng mút, bóng lớn, các khối vuông bằng mút, tấm vải để làm
võng, nhạc cụ để gõ (trống, phách gỗ), đường hầm bằng các thùng giấy…
- Sinh hoạt tạo hình: Trẻ được rèn luyện khả năng hình dung, tưởng tượng, bày tỏ
cảm xúc qua các hoạt động tô màu, ghép hình, vẽ tranh, nặn hình. Trong sinh hoạt
tạo hình, giáo viên cần chuẩn bị các dụng cụ như đất sét công nghiệp, giấy, bút chì,
màu sáp, hình tô màu, các bộ ghép hình bằng gỗ…
- Sinh hoạt diễn tả bằng ngôn ngữ: Tôi chọn các đề tài gần gũi với thực tế của trẻ
để kể cho trẻ nghe các câu chuyện như “Chú cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên
đường phố”, “Bạn nhỏ đi khám bác sĩ”, “Bé đi tắm biển cùng bố mẹ”… Để kích
thích trẻ theo dõi, giáo viên có thể cho trẻ tham dự vào câu chuyện kể như tạo tiếng
kêu của bạn vịt con hay làm hành động hung dữ của con chó sói… Giáo viên sưu
tầm các bộ tranh kể chuyện ngắn gọn, nhiều màu sắc, hình ảnh đẹp và các phục
trang cho câu chuyện như mũ đội, áo choàng…

Hình: Bé chơi lăn người trên bóng

Hình: Bé chơi nặn đất sét

Hình: Bé nghe cô kể chuyện
Trên đây là một số biện pháp giúp cải thiện hành vi tăng động, giảm tập
trung cho học sinh Chậm phát triển trí tuệ. Để thực hiện tốt đề tài, giáo viên cần áp
dụng linh hoạt các biện pháp trên trong mọi tình huống sinh hoạt của trẻ.

11


III. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
Sau quá trình vận dụng linh hoạt các biện pháp trên, tôi nhận thấy các hành
vi rối loạn của trẻ ADHD được cải thiện rõ rệt.
Dưới đây là Bảng thống kê các hành vi tích cực mà trẻ ADHD đã đạt được
vào hai thời điểm Giữa học kì I và Cuối học kì II trong năm học 2012– 2013:

HÀNH VI TÍCH CỰC

GIỮA HỌC KÌ I
CHƯA
ĐẠT
ĐẠT

Tự giác ngồi vào ghế
Phát biểu xây dựng bài
Hoàn thành bài chính tả
ngắn
Chú ý bài giảng trong 5
phút
Nhận xét bài làm của
các bạn
Hát trọn vẹn một bài hát
Đọc một bài thơ ngắn
Biết đợi đến lượt mình
Nhường đồ chơi cho bạn

CUỐI HỌC KÌ II

CHƯA
ĐẠT
ĐẠT

x
x

x
x

x

x

x

x

x

x

x
x
x
x

x
x
x

x

Bảng thống kê cho thấy thời gian đầu năm học, học sinh ADHD có nhiều
hành vi gây rối. Nhưng qua một thời gian được can thiệp hành vi, trẻ đã xuất hiện
nhiều hành vi mong muốn rất tốt cho việc học tập, sinh hoạt và vui chơi của trẻ.
Nhờ có những biến đổi tích cực về hành vi, trẻ ADHD ngày càng có nhiều
tiến bộ về mặt học tập. Điều này được thể hiện qua Bảng thống kê xếp loại học lực
môn của trẻ ADHD vào hai thời điểm là Giữa học kì I và Cuối học kì II trong năm
học 2012– 2013 như sau:
Bảng xếp loại học lực môn:
Toán Tiếng Đạo TNXH Âm
Mĩ Thủ Thể Kĩ
Việt đức
nhạc thuật công dục năng
sống
Giữa
HKI
Cuối
HKI

Yếu

Trung
bình

B

A

A


B

B

B

B

Khá

Khá

A

A

A+

A+

A

A

A

Sau một thời gian được hỗ trợ cải thiện hành vi, trẻ ADHD đạt được kết quả
học tập rất khả quan vào cuối năm học. Ở các tiết học, trẻ có nhiều cố gắng để
hoàn thành các bài tập toán, bài viết chính tả, lắng nghe cô giảng bài, tham gia xây

dựng bài học, tích cực tham gia hợp tác nhóm …
12


Bên cạnh đó, nhờ sự giảm bớt các hành vi bất thường của trẻ ADHD mà môi
trường học tập của lớp học được cải thiện rất nhiều. Học sinh chăm chú nghe cô
giảng bài, hứng thú, say mê học tập. Mỗi tiết học, từng cá nhân học sinh đều thấy
mình học được cái gì đó mới hơn, có ích cho bản thân. Và sau mỗi ngày đến lớp,
trẻ nhận được niềm vui khi thấy mình đang trưởng thành và phát triển hơn.
IV. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG ĐỀ TÀI
Để các biện pháp can thiệp hành vi cho học sinh ADHD được thực hiện có
hiệu quả, qua kinh nghiệm thực tế, tôi có một số đề xuất sau:
1. Đối với giáo viên dạy lớp có học sinh ADHD
- Cần có thái độ thiện cảm, nhiệt tình, thương yêu học sinh.
- Hiểu và thông cảm với khó khăn của trẻ.
- Giữ thái độ cương quyết trong hướng dẫn, nghiêm khắc nhưng không độc
đoán với trẻ.
- Sưu tầm nhiều đồ chơi và trò chơi để lôi cuốn trẻ tham gia học tập.
- Không ngừng trao đổi và học tập kinh nghiệm giảng dạy.
- Kết hợp chặt chẽ với phụ huynh để rèn luyện và theo dõi sự tiến bộ của trẻ.
2. Đối với Trung tâm và các cấp quản lí ngành
- Nâng cao chất lượng nhiều hơn nữa cho phòng Tâm vận động của Trung tâm.
- Xây dựng Trung tâm can thiệp sớm ở mỗi địa phương.
- Thành lập câu lạc bộ các bà mẹ có con Chậm phát triển trí tuệ để giúp phụ
huynh học tập và trao đổi lẫn nhau về kinh nghiệm nuôi con.
3. Đối với phụ huynh
- Dành nhiều thời gian để dạy trẻ học và chơi với trẻ.
- Hiểu rõ về hội chứng ADHD của con mình.
- Luôn giữ thái độ kiên nhẫn khi trẻ còn nhiều biểu hiện của hành vi không
mong muốn.

- Giám sát hành vi của con chặt chẽ.
- Trao đổi với giáo viên khi thấy trẻ có hành vi mới xuất hiện, hành vi rối loạn
hay là hành vi tích cực.
Để hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm và giảng dạy ở lớp Chậm phát triển trí
tuệ có học sinh ADHD là một thử thách lớn của người giáo viên. Với sự nỗ lực hết
mình, không ngừng học hỏi và sáng tạo, tôi tin rằng người giáo viên có thể giúp
cho mỗi học sinh khuyết tật đủ tự tin và khả năng để hòa nhập cuộc sống sau này.
Trên đây là một số kinh nghiệm nhằm cải thiện hành vi tăng động, giảm tập
trung cho học sinh Chậm phát triển trí tuệ sau nhiều năm thực hiện. Trong khi thực
hiện không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý tận tình
của toàn thể quý thầy cô giáo, hội đồng xét duyệt để đề tài được hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Nghệ thuật giáo dục trẻ Tăng động, giảm tập trung, Nguyễn Trọng Trung biên
soạn, Nhà xuất bản Thanh niên
2/ Tâm vận động của Bernard Aucouturier, Nicole Huart – Nguyễn Văn Thành
chuyển ngữ, Tủ sách tình người
3/ Giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật, Viện khoa học giáo dục, Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia Hà Nội - 2000
13


4/ Tài liệu bài giảng: Can thiệp sớm cho trẻ Chậm phát triển trí tuệ, giảng viên
Nguyễn Thị Tường Vân, Trường Cao đẳng Sư Phạm Trung Ương TP. HCM
5/ Tài liệu bài giảng: Giáo dục trẻ tự kỉ, giảng viên Nguyễn Thị Tường Vân,
Trường Cao đẳng Sư Phạm Trung Ương TP. HCM
6/ Tự kỉ và trị liệu, tài liệu do Nhóm tương trợ phụ huynh Việt Nam ở Úc châu
thực hiện – Võ Nguyễn Tinh Vân tổng hợp.
Biên Hòa, ngày 28 tháng 4 năm 2013
NGƯỜI THỰC HIỆN


Đoàn Thị NgọcTâm

14


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI
TT NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Biên Hòa, ngày

tháng

năm 2013

PHIẾU NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Năm học: 2012 - 2013
–––––––––––––––––
Tên sáng kiến kinh nghiệm:
MỘT SỐ BIỆN PHÁP
GIÚP CẢI THIỆN HÀNH VI TĂNG ĐỘNG, GIẢM TẬP TRUNG
CHO HỌC SINH CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ LỚP 1C
TẠI TRUNG TÂM NUÔI DẠY TRẺ KHUYẾT TẬT ĐỒNG NAI
Họ và tên tác giả: ĐOÀN THỊ NGỌC TÂM
Tổ: Giáo viên
Lĩnh vực / Môn nghiên cứu:
Giáo dục khuyết tật: Giáo dục hành vi

Sáng kiến kinh nghiệm đã được triển khai áp dụng: Tại đơn vị  Trong Ngành 
1. Tính mới
- Có giải pháp hoàn toàn mới

- Có giải pháp cải tiến, đổi mới từ giải pháp đã có 
2. Hiệu quả
- Hoàn toàn mới và đã triển khai áp dụng trong toàn ngành có hiệu quả cao 
- Có tính cải tiến hoặc đổi mới từ những giải pháp đã có và đã triển khai áp
dụng trong toàn ngành có hiệu quả cao 
- Hoàn toàn mới và đã triển khai áp dụng tại đơn vị có hiệu quả cao 
- Có tính cải tiến hoặc đổi mới từ những giải pháp đã có và đã triển khai áp
dụng tại đơn vị có hiệu quả 
3. Khả năng áp dụng
- Cung cấp được các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính
sách:
Tốt 
Khá 
Đạt 
- Đưa ra các giải pháp khuyến nghị có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ thực
hiện và dễ đi vào cuộc sống: Tốt 
Khá 
Đạt 
- Đã được áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả hoặc có khả năng áp dụng đạt
hiệu quả trong phạm vi rộng: Tốt 
Khá 
Đạt 
XÁC NHẬN CỦA TỔ CHUYÊN MÔN

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ




×