Tải bản đầy đủ (.doc) (24 trang)

Tóm tắt luận văn Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (193.02 KB, 24 trang )

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đầu thế kỉ XV, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra trên cả nước để chống lại ách đô
hộ của giặc Minh, trong đó cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa - cuộc khởi
nghĩa tiêu tập hợp đượ đông đảo nhân dân tham gia nhất và đã giành lại độc lập cho
dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành đề tài lớn cho nhiều thể loại văn học
văn học dân gian, đặc biệt là truyền thuyết. Một hệ thống hàng trăm truyền thuyết
đã được sáng tạo, lưu truyền hơn 6 thế kỷ nay thể hiện sự đánh giá toàn diện của
nhân dân về cuộc chiến cũng như thái độ tôn kính của họ đối với vị chủ tướng Lê
Lợi.
Việc nghiên cứu bộ phận truyền thuyết đó không chỉ góp phần bảo tồn và phát
huy một di sản văn hóa phi vật thể mà còn giúp chúng ta hiểu được tài năng sáng tạo
nghệ thuật ngôn từ của nhân dân lao động. Những dấu hiệu ban đầu nhận biết được
từ chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho thấy đây là một trong số
những chùm truyền thuyết điển hình về mặt thể loại của bộ phận truyền thuyết anh
hùng Việt Nam.
Trong hoàn cảnh trong nền văn học đương đại có những văn nghệ sĩ đang
muốn “giải thiêng” lịch sử, bôi xấu, xúc phạm những anh hùng lịch sử đã trở thành
biểu tượng thiêng liêng của dân tộc; trong tình trạng thế hệ trẻ Việt Nam đang ngày
một quên dần lịch sử hào hùng của cha ông, thì việc tìm hiểu những sáng tạo nghệ
thuật ngôn từ của cha ông đối với những trang sử vàng của dân tộc sẽ góp thêm
phần bồi dưỡng cảm quan lịch sử cho những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đó là những lí do cơ bản để chúng tôi chọn đề tài Truyền thuyết về cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi ở Thanh Hóa làm đề tài nghiên
cứu.
2. Lịch sử vấn đề

1



Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi giành
được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
2.1. Năm 1979, tác giả Vũ Ngọc Khánh, Sơn Anh cho ra mắt bạn đọc cuốn
Đất Lam Sơn (NXB Văn hóa). Đây là một công trình nghiên cứu không chỉ cung
cấp cho bạn đọc những kiến thức địa lý về vùng đất Lam Sơn mà còn chỉ ra được
sự gắn bó giữa truyền thuyết với những địa danh như núi Mục, núi Dầu, sông Cầu
Chày... trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa.
2.2. Năm 1980, cuốn Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời kỳ khởi nghĩa
Lam Sơn của Bùi Văn Nguyên (NXB KHXH) được xuất bản đã đề cập đến một số
truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như: Bảy con chim thước, Nguyễn Trãi
đi tìm minh chủ, Câu chuyện về chiếc gươm thần. Tuy nhiên, trong cuốn sách này,
tác giả chủ yếu tập trung nghiên cứu chủ nghĩa yêu nước trong văn học viết.
2.3. Năm 1985, tác giả Hoàng Tiến Tựu trong bài viết Bước đầu tìm hiểu sáng
tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa (Ty Văn hóa Thanh
Hóa) đã đề cập đến một số truyền thuyết xung quanh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Song đúng như lời tác giả nhận định đây là những việc làm bước đầu, chủ yếu mang
tính chất đặt vấn đề, chưa phải là kết luận, càng chưa phải là kết thúc (trang 216).
Những nhận định, đánh giá của tác giả đúng đắn, sắc sảo tuy nhiên do dừng lại ở
phạm vi một một bài viết nên chưa đi sâu vào nghiên cứu đặc điểm về nội dung và
hình thức của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi.
2.4. Năm 1997 đến năm 2009, một số luận văn thạc sĩ bảo vệ có đề cập đến
truyền thuyết xứ Thanh, nhưng trong đó truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
chỉ được đề cập đến như một bộ phận trong toàn bộ truyền thuyết anh hùng ở
Thanh Hóa.
2.5. Năm 2003, Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh cho ra mắt cuốn Lê Lợi và đất
Lam Sơn (NXB Văn hóa - thông tin) dựa trên cơ sở hai cuốn sách trước kia của ông
là Lê Lợi con người và sự nghiệp và Đất Lam Sơn. Đây là một cuốn sách được biên

2



soạn công phu, đề cập đến nhiều khía cạnh về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn,
tuy nhiên công trình nặng về nhiên cứu địa lý, lịch sử hơn là văn học.
2.6. Trong bài viết gần đây nhan đề Lê Thái Tổ và sự phát triển Thăng Long
- Đông Đô (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật), tác giả Nguyễn Thị Thúy đã đề cập đến
huyền thoại về Lê Lợi quanh việc “nhận gươm” và “trả gươm”. Tác giả của bài viết
khẳng định nhận gươm hay trả gươm là Lê Lợi đang lãnh sứ mệnh vì hòa bình.
Như vậy rõ ràng truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là mảng truyền
thuyết thu hút được nhiều công trình nghiên cứu, tuy nhiên, hầu hết chỉ nghiên cứu
mảng truyền thuyết này trong tổng thể các thể loại văn học dân gian, trong truyền
thuyết dân gian người Việt ở Thanh Hóa hoặc nghiên cứu ở một địa bàn đơn vị một
huyện. Chúng tôi nhận thấy chưa có một công trình nào đi sâu vào nghiên cứu một
cách tổng thể truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê
Lợi.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Trong phạm vi một luận văn thạc sĩ, chúng tôi khảo sát truyền thuyết về khởi
nghĩa Lam Sơn với tư cách một nghệ thuật ngôn từ dân gian, cụ thể hơn, ở đây
chúng tôi tập trung khảo sát đặc điểm nội dung và nghệ thuật của chùm truyền
thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn đã được văn bản hóa. Những truyền thuyết phục vụ
nghiên cứu được lựa chọn từ các tài liệu sau đây:
- Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, Vũ Ngọc Khánh, Ty Văn hóa Thanh
Hóa xuất bản, 1974.
- Một số truyền thuyết và giai thoại về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Bá
Xuân, NXB Văn hóa - thông tin, 2012.
- Sáng tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, Nhiều tác giả (Biên
tập: Trọng Miễn), Ty Văn hóa Thanh Hóa xuất bản, 1985.
- Ngoài những bộ tài liệu trên, chúng tôi còn lựa chọn một số truyền thuyết
từ một số bản ghi chép chưa xuất bản của sinh viên Đại học vình và một số nhà
nghiên cứu ở Thanh Hóa.
3



4. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
- Chỉ ra những đặc điểm về nội dung của chuỗi truyền thuyết về cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn, trong đó có cách đánh giá toàn diện của nhân dân đối với cuộc
khởi nghĩa và người anh hùng Lê Lợi.
- Chỉ ra những đặc điểm về nghệ thuật của chuỗi truyền thuyết về cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích văn bản văn học dân gian
- Phương pháp nghiên cứu tiếp cận hệ thống
- Phương pháp nghiên cứu loại hình
- Phương pháp so sánh loại hình
6. Đóng góp của luận văn
- Từ việc chỉ ra đặc điểm, đặc trưng nội dung, nghệ thuật của truyền thuyết
về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, luận văn đóng góp cái nhìn toàn diện về hệ thống
truyền thuyết này.
- Về thực tiễn: Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần bồi dưỡng cảm quan lịch sử
cho bạn đọc, nhất là tuổi trẻ xứ Thanh, giáo dục thanh thiếu niên lòng tự hào về
truyền thống anh hùng của ông cha ta.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, phần nội dung
của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương 2: Đặc điểm nội dung của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn và người anh hùng Lê Lợi.
Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn và người anh hùng Lê Lợi.
NỘI DUNG
I. Khái quát về địa lí, lịch sử Thanh Hóa

4


1. Vị trí đia lí
Thanh Hóa là vùng đất nằm ở cửa ngõ Bắc - Nam, khép lại Bắc Bộ nhưng
đồng thời mở ra Trung Bộ, là con đường thông thương giữa hai miền Nam - Bắc.
Người dân Thanh Hóa bao đời nay luôn phải gồng mình chống chọi lại với
thiên nhiên khắc nghiệt để khai khẩn, tạo lập địa bàn cư trú, ổn định đời sống sản
xuất và sinh hoạt.
Với diện tích rộng lớn, đồng bằng màu mỡ, tài nguyên dồi dào, lại nằm ở vị trí
địa lý thuận lợi không chỉ trong giao lưu văn hóa, kinh tế trong nước và nước ngoài,
Thanh Hóa từ xưa đến nay đã và đang góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp
dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Hơn thế nữa, người Thanh Hóa luôn ý
thức được vùng đất mình đang sinh sống nằm ở vị trí địa lý chiến lược của tổ quốc
nên bao đời nay họ luôn giữ vững vùng đất được coi là phên dậu của Tổ quốc, là cửa
ngõ Bắc Nam này.
2. Truyền thống lịch sử
Thanh Hóa là vùng đất có lịch sử lâu đời không đứt quãng xuyên suốt từ thời
đại đồ đá cũ cho đến nay. Các triều đại của nhà nước phong kiến luôn coi đây là
vùng đất phên dậu, vùng đất trọng yếu của Tổ quốc. Với vị trí chiến lược lại thêm
truyền thống yêu nước bao đời nên không có chặng đường nào của dân tộc mà
thiếu mặt người dân Thanh Hóa mà hơn nữa họ còn ghi lại những dấu ấn rõ rệt.
Thanh Hóa là một địa phương giàu truyền thống yêu nước. Thanh Hóa có
nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc như Bà
Triệu, Dương Đình Nghệ... Nhân dân nơi đây còn hăng hái tham gia các cuộc khởi
nghĩa trên toàn quốc. Tiếp đó trong mấy ngàn năm lịch sử, Thanh Hóa đều có
những đóng góp lớn cho đất nước, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân Minh
thành công của người anh hùng Lê Lợi. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn được coi là
vùng đất khai sáng các triều đại. Đây là một nét chỉ có ở Thanh Hóa mà không một
vùng nào có được. Vào thời kì cận - hiện đại, Thanh Hóa được ghi nhận với những


5


cố gắng của mình qua các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, trong Cách
mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tóm lại, ở chặng đường nào, Thanh Hóa cũng được ghi nhận như một gương
mặt điển hình trong trang sử vàng chói lọi suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ
nước hào hùng của dân tộc.
1.3. Truyền thống văn hóa
Thanh Hoá là một vùng đất lịch sử lâu đời với đầy đủ những mốc nổi tiếng
đánh dấu các giai đoạn lớn của lịch sử, từ tối cổ đến tận ngày nay. Do vậy, thiên
nhiên và văn hoá Xứ Thanh đều thấm đượm sắc màu lịch sử.
Nếu như sông Hồng mở ra nền văn minh của dân tộc Việt ở phía Bắc thì
sông Mã của tỉnh Thanh với dòng chảy bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới
nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Hoa Lộc), văn hóa Đông Sơn đồ đồng, góp phần làm nên nền văn hóa Việt phát triển rực rỡ.
Như vậy, hơn bất kỳ địa phương nào khác, Thanh Hóa là nơi đã phát hiện
các di chỉ khảo cổ học lớn của nước ta thời tiền sử và sơ sử. Đây không phải một
ngẫu nhiên mà là một điều tất yếu bởi vì về địa lí hay về mặt văn hóa thì Thanh
Hóa được coi là “một Việt Nam thu nhỏ”.
Thiên nhiên và văn hóa xứ Thanh đậm màu sắc lịch sử nên đi đến đâu trên
mảnh đất này cũng có những câu chuyện, lời ca ghi lại những nhân vật, những sự
kiện lịch sử của địa phương. Hệ thống truyền thuyết ở Thanh Hóa thực sự phong
phú và phát triển rực rỡ. Đó là hệ thống truyền thuyết về người nữ anh hùng Triệu
Thị Trinh, là truyền thuyết về Lê Phụng Hiểu, Lê Hoàn… và đặc biệt là hệ thống
truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Làng của người xứ Thanh mang đậm tính chất Bắc Bộ - làng truyền thống của
người Việt. Làng xứ Thanh cũng như nhiều làng quê Bắc Bộ khác tự hào bởi truyền
thống khoa bảng, văn chương. Các làng văn hóa cổ truyền của Việt Nam cũng như
các làng văn hóa xứ Thanh xưa kia gồm có làng nghề, làng chợ, làng văn, làng võ…


6


hàm chứa biết bao giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, ghi dấu những nét riêng để
tạo thành sắc thái đặc sắc của mỗi miền quê.
Người xứ Thanh cũng như các miền quê khác trên đất nước Việt Nam luôn tự
hào về tình làng nghĩa xóm, về sự cố kết cộng đồng, về ý chí quật cường, bất khuất. Vì
lẽ đó mà bao đời nay trên mảnh đất này luôn là nơi đi đầu trong các phong trào yêu
nước chống kẻ thù xâm lược. Xứ Thanh đã góp mặt như một đóa hoa đầy hương sắc,
tạo nên một nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng nhưng giàu bản sắc dân tộc.
2. Tình hình Đại Việt và Thanh Hóa đầu thế kỷ XV, trước khởi nghĩa Lam
Sơn
2.1. Hoàn cảnh lịch sử
Trong suốt thế kỷ XIV, xã hội và nhân dân Đại Việt bước vào thời kỳ khủng
hoảng với biết bao biến cố dữ dội của dân tộc. Nhà Trần đi vào thời kỳ suy thoái,
nhiều cuộc chém giết trong nội cung xảy ra, tầng lớp quý tộc ăn chơi xa đọa, bóc lột
dân chúng. Nhiều cuộc khởi nghĩa trong quần chúng nhân dân đã làm cho nhà Trần
suy yếu, sự sụp đổ của vương triều này là điều không tránh khỏi.
Hồ Quý Ly - một quan đại thần của nhà Trần đã phế truất vua Trần và lên làm
vua. Mặc dù nhà Hồ đã có nhiều cố gắng để phục hưng đất nước nhưng không có
kết quả. Thêm vào đó việc giành ngôi của nhà Trần dù sao cũng gây nên những
phản ứng tâm lý trong dân chúng. Chiến tranh với Chiêm Thành dù có chiếm được
đất đai cũng không làm cho họ Hồ được thêm thiện cảm mà chỉ gây thêm nỗi khổ
cho dân chúng vì nạn phu dịch, chết chóc ở chiến trường.
Những năm đầu của thế kỉ XV, âm mưu bành trướng của nhà Minh càng rõ
rệt hơn. Ngoài những đòi hỏi cống tế hàng năm, chúng bắt đầu đưa ra yêu sách về
đất đai. Sau khi thăm dò, thấy được rõ hơn tình hình suy yếu của nước ta, quân
Minh cất quân đánh nước ta dưới ngọn cờ “phù Trần, diệt Hồ”. Đến tháng 6/ 1407,
Hồ Quý Ly bị bắt, đất nước ta rơi vào ách thống trị của giặc Minh.

2.2. Chính sách cai trị của giặc Minh
Ngay sau khi chiếm được nước ta, nhà Minh bắt đầu thi hành hàng loạt chính
7


sách nhằm nô dịch áp bức nhân dân ta với những biện pháp được coi tàn khốc nhất
trong lịch sử. Tháng 4 năm 1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu xóa quốc hiệu, đổi nước
ta thành quận Giao Chỉ, Đại Việt bị sát nhập vào bản đồ của nhà Minh. Minh
Thành Tổ trực tiếp chỉ đạo chính sách đồng hóa, đàn áp và vơ vét. Đồng thời, các
quan lại nhà Minh còn ráo riết thi hành chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc nhằm
xoá bỏ quá khứ đấu tranh dựng nước và giữ nước bất khuất của dân tộc ta, thủ tiêu
những di sản văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân Đại Việt để chiếm đóng
vĩnh viễn đất nước ta.
Mặc dù từ năm 1407, nhà Minh đánh bại được nhà Hồ và chiếm đóng trên
đất nước ta nhưng thực tế chúng vẫn không kiểm soát được trọn vẹn đất đai, dân số.
Đặc biệt một dải miền rừng núi rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào đến Thuận Hóa
nhân dân ta liên tiếp đứng lên kháng chiến chống quân Minh xâm lược
Với những chính sách cai trị hà khắc, thâm hiểm, nhà Minh đã gây nhiều hậu
quả nặng nề cho đất nước ta. Thế nhưng, nền đô hộ tàn bạo của nhà Minh không
tiêu diệt được ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân ta.
Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đã sớm bùng lên liên tục cho tới khi đất
nước được độc lập, tự chủ hoàn toàn. Một trong những nơi phong trào chống giặc
Minh phát triển mạnh mẽ nhất và sau này cũng là trung tâm chống Minh là Thanh
Hóa.
2.3. Phong trào đấu tranh chống giặc Minh trước cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn
Ngay sau khi kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy
khởi nghĩa. Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) có khởi nghĩa Phạm Ngọc, ở Quảng Ninh có
khởi nghĩa Lê Ngã, ở Phú Thọ có khởi nghĩa Trần Nguyên Thôi, ở Thái Nguyên có
khởi nghĩa Trần Nguyên Khang, ở Khoái Châu có Phạm Tuân, ở Thanh Hóa có

Đồng Mặc, Nguyễn Chích… Trong đó có hai cuộc khởi nghĩa tiêu biểu là Trần
Ngỗi ở Yên Mô (Ninh Bình) và Trần Quý Khoáng ở Nghệ An.
Cho dù giặc Minh dùng những chính sách áp bức bóc lột tàn bạo nhất; thẳng
8


tay đàn áp, nhấn chìm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong bể máu nhưng
chúng không thể khuất phục được ý chí quật cường của nhân dân ta. Cùng với cả
nước, nhân dân Thanh Hóa không ngừng đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù. Núi
rừng Thanh Hóa luôn là căn cứ địa vững chắc của các phong trào yêu nước.
3. Khởi nghĩa Lam Sơn - Một cuộc chiến tranh nhân dân thần tốc
Dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi - một hào trưởng có uy tín, giàu lòng yêu nước,
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở rừng núi phía tây Thanh Hóa manh nha và nhanh
chóng tỏa sáng khắp mọi miền. Nó trở thành một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
mang tính chất toàn quốc. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ giữa thời kì gay go nhất lại
một lần nữa khẳng định truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân Thanh Hóa.
Như vậy, trong vòng 10 năm từ một cuộc khởi nghĩa ở vùng núi Thanh Hóa,
nghĩa quân Lam Sơn đã mau chóng làm chủ cả vùng đất Thanh Hóa rộng lớn. Với
tầm nhìn chiến lược, bộ chỉ huy của nghĩa quân liên tiếp mở rộng địa bàn hoạt
động. Đi đến đâu, nghĩa quân cùng giành được sự giúp đỡ, cưu mang, đùm bọc của
dân chúng. Sức mạnh của của nghĩa quân Lam Sơn ngày càng tăng bởi sự đồng
lòng, chung sức của toàn quân, toàn dân. Trong thời gian bốn năm (1424 - 1428)
sau khi tiến quân vào Nghệ An, khởi nghĩa Lam Sơn đã liên tiếp giành được những
thắng lợi to lớn. Tiến quân ra Bắc chỉ khoảng một năm nhưng nghĩa quân đã hoàn
toàn làm chủ được tình thế, mau chóng đánh đuổi quân Minh về nước.
4. Truyền thuyết và diện mạo truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn
4.1. Truyền thuyết
Có thể thấy truyền thuyết là thể loại văn học dân gian khá phổ biến nhưng lại
được nghiên cứu chậm nhất ở tư cách một thể loại của văn học dân gian. Trong
giáo trình Văn học dân gian Việt Nam của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội do GS

Đinh Gia Khánh chủ biên, các nhà foklore học quan niệm truyền thuyết chỉ là
những truyện được lưu truyền không chính thức trong dân gian và vì thế truyền
thuyết không phải là thể loại của văn học dân gian.
Hiện nay việc xem truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian đã trở
9


thành mặc nhiên, nhưng phạm vi khái niệm chưa được minh định đầy đủ như các
thể loại thần thoại, cổ tích. Nguyên nhân chính là vì trong truyền thuyết, ngoài bộ
phận truyền thuyết anh hùng (có người gọi là truyền thuyết lịch sử), bộ phận còn lại
rất khó xác định ranh giới.
Bởi không nhằm bàn về lý thuyết truyền thuyết, vả lại đối tượng mà chúng
tôi khảo sát trong đề tài này hoàn toàn thuộc về bộ phận truyền thuyết anh hùng nên
chúng tôi sử dụng thuật ngữ truyền thuyết anh hùng đã được các nhà folklore học
đi trước xác định.
4.2. Diện mạo chung của truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn
4.2.1. Về số lượng
Nguồn tư liệu chúng tôi sử dụng để triển khai đề tài này gồm có:
- Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn: 46 truyện
- Sáng tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn: 91 truyện.
- Một số truyền thuyết và giai thoại về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: 101 truyện.
Khi tổng hợp, so sánh nội dung các truyện trong các tài liệu trên, nhận thấy
có nhiều truyện được biên tập ở cả ba cuốn sách, cần phải loại ra, nên tổng số
truyền thuyết còn lại là 130, trong đó có 98 truyền thuyết được lưu truyền ở Thanh
Hóa.
So với truyền thuyết về các cuộc khởi nghĩa khác có thể thấy truyền thuyết
về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi có số lượng lớn hơn rất
nhiều.
Con số truyền thuyết nêu trên vừa nói lên tính chất oanh liệt của cuộc chiến
vừa nói lên tình cảm mến yêu, kính trọng muôn phần của nhân dân ta dành cho

cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với người anh hùng áo vải Lê Lợi và vị tướng thiên tài
Nguyễn Trãi. Khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành một đề tài phong phú cho các sáng
tác văn học dân gian với đủ các thể loại ca dao, hò vè, tục ngữ, trong đó đặc biệt
nhất là truyền thuyết. Truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê
Lợi không chỉ điển hình cho những sáng tác dân gian về đề tài này mà có thể nói là
10


chùm truyền thuyết điển hình nhất về phương diện thể loại trong truyền thuyết anh
hùng của Việt Nam.
4.2.2. Về sự phân bố
4.2.2.1. Trên địa bàn miền Bắc
Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không chỉ được nghe kể, được
lưu truyền ở Thanh Hóa mà còn có mặt ở nhiều địa phương khác như: Nghệ An, Hà
Tĩnh, Lạng Sơn, Nam Định, Hưng Yên…
Cho đến nay, theo con số chúng tôi thu thập được từ những tài liệu đã công
bố, truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn được sáng tạo và lưu truyền tại những địa
phương ngoài Thanh Hóa trên địa bàn miền Bắc chủ yếu tập trung ở Nghệ Tĩnh (10
truyện) và Lạng Sơn (10 truyện). Còn lại ở những địa bàn cuộc chiến đi qua, chỉ rải
rác một vài truyện, không đáng kể. Điều này cũng là lẽ thường tình bởi sau Thanh
Hóa thì Nghệ An được coi là căn cứ thứ hai, là vùng đất đứng chân của cuộc khởi
nghĩa. Vì vậy, nơi đây còn lưu dấu nhiều mẩu chuyện về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn. Hệ thống truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn được lưu truyền ở Lạng
Sơn chủ yếu là những câu chuyện kể về sự thất bại đớn hèn của Liễu Thăng. Trận
đánh khiến Liễu Thăng - một trong hai cánh quân chi viện của giặc Minh - tử trận là
một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Minh. Vì vậy tác giả
dân gian đã chọn nó làm một đề tài cụ thể của truyền thuyết.
Rải rác ở các tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định cũng lưu
truyền những câu chuyện về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trong số các
truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn gắn với địa danh phía Bắc,

đáng chú ý nhất là truyền thuyết Sự tích hồ Hoàn Kiếm.
4.2.2.2. Trên đất xứ Thanh
Mặc dù truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có mặt ở nhiều nơi như
đã kể trên nhưng Thanh Hóa vẫn là địa bàn có số lượng truyền thuyết được sáng tác
lưu truyền nhiều nhất. Điều đó hoàn toàn đúng với nguyên lý sáng tạo và lưu
truyền, với tính địa phương của truyền thuyết.
11


Chùm truyền thuyết này ở Thanh Hóa cũng có sự phân bố khác nhau giữa
các vùng. Có những vùng lưu truyền nhiều truyền thuyết như Thọ Xuân với căn cứ
địa Lam Kinh (31 truyện), Ngọc Lặc - vùng giáp Lam Kinh (17 truyện), Lang
Chánh (7 truyện); có những vùng ít hơn như Thường Xuân (4 truyện), Vĩnh Lộc (4
truyện), Bá Thước (4 truyện), Yên Định (3 truyện), Thiệu Hóa (3 truyện), cũng có
vùng chỉ lưu truyền một truyền thuyết như các huyện Hoằng Hóa, Triệu Sơn, Nông
Cống, Quan Hóa.
Lí giải cho điều này cũng không khó khăn bởi những nơi lưu truyền nhiều
truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là quê hương của người chủ tướng Lê
Lợi, cũng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa.
Chương 2
Đặc điểm nội dung của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và
người anh hùng Lê Lợi
2.1. Rất nhiều truyền thuyết về những cuộc bại trận
Chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi
có một đặc điểm về nội dung khá nổi bật, đó là số truyện nói về sự thất bại trong
quá trình chiến đấu, chiến thắng quân xâm lược, nhất là thời kỳ đầu của cuộc khởi
nghĩa, chiếm tỷ lệ rất lớn và dĩ nhiên phần nhiều trong số đó gắn với miền đất
Thanh - Nghệ, nơi Lê Lợi dấy binh.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy cảm hứng chủ đạo trong bộ phận
truyền thuyết nói đến thất bại của Lê Lợi trong cuộc chiến vẫn là cảm hứng ngợi ca.

Sự ngợi ca chung thuộc về Lê Lợi và cuộc chiến tranh vệ quốc do ông khởi xướng và
lãnh đạo, nhưng trong mỗi truyện, có khi sự ngợi ca lại hướng về người dân, người
lính. Lấy cái thất bại có thể có thật trong tiến trình cuộc chiến để ca ngợi sự ủng hộ,
sự hy sinh hết mình của tướng sĩ, nhất là của nhân dân, thực chất cũng là nhằm ca
ngợi tính chất chính nghĩa của cuộc chiến mà Lê Lợi phát động và như vậy, điều này
vẫn nằm trong phạm vi sự đánh giá của nhân dân về các sự kiện lịch sử, các nhân vật
lịch sử mà cảm hứng chủ đạo chung vẫn là ngợi ca.
12


2.2. Rất nhiều truyền thuyết địa danh
Trong 130 truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thống kê ở trên, có tới
72 truyền thuyết địa danh và di tích. Trong số 98 truyền thuyết được lưu truyền ở
Thanh Hóa thì có tới 61 truyện về địa danh và di tích gắn liền với núi sông, làng
mạc xứ Thanh, nơi khởi nguồn cuộc chiến, trong đó, cùng liên quan tới một địa
danh, một di tích có thể có nhiều truyện kể khác nhau như về địa danh núi Dầu, núi
Mục, làng Cẩm Bào, núi Đèn… Sự khác nhau giữa các bản kể lí giải về sự ra đời
của các địa danh, di tích có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn đã cho thấy ở các
tỉnh thành khác nhau, các huyện khác nhau trong một tỉnh hay ngay trong một
huyện, một xã cùng nói về sự ra đời của một địa danh, di tích nhưng lại có cách lí
giải khác nhau. Có những bản kể, sự khác biệt tương đối ít nhưng lại có những bản
kể lại khác hẳn nhau. Điều này cho thấy cách nhìn nhận phong phú, đa dạng của
nhân dân về cùng một sự việc, hiện tượng. Cách nhìn nhận khác nhau ấy còn cho
thấy các hiện tượng được phản ánh đã trở thành phổ biến ở nhiều địa phương.
2.3. Rất nhiều truyền thuyết về các anh hùng dấy binh
Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa tuy số lượng nhóm
truyền thuyết về nhân vật không nhiều bằng truyền thuyết về địa danh và di tích
nhưng nó đã phản ánh được một cách toàn diện những sự kiện, nhân vật tiêu biểu
của cuộc khởi nghĩa như Hội thề Lũng Nhai, Vùng đất đứng chân, Bãi tập của ông
Lê Lợi, bước đường đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Nguyễn Trãi… Đặc biệt

hơn cả phải nói đến truyền thuyết về chiếc gươm thần của Lê Lợi.
2.4. Rất nhiều truyền thuyết đánh giá toàn diện về cuộc khởi nghĩa
Một thực tế dễ nhận thấy là với một số lượng rất lớn, chùm truyền thuyết về
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã thể hiện sự đánh giá toàn diện, nhiều mặt của nhân
dân về cuộc khởi nghĩa và người và người anh hùng Lê Lợi. Đặc điểm này không
rõ nét ở những chùm truyền thuyết khác, trong đó có chùm truyền thuyết về cuộc
khởi nghĩa của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
2.4.1. Đánh giá qua tính chất chính nghĩa của cuộc chiến
13


Dưới góc nhìn của nhân dân thì cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mang tính chất
chính nghĩa, thuận ý trời, hợp lòng dân. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hợp lòng dân nên
thu hút được hào kiệt khắp nơi trong cả nước cùng về tụ nghĩa. Đó là vị quân sư tài
ba Nguyễn Trãi, là vị tướng quân tài giỏi Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Xí… là những
người lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh ở các vùng khác như Nguyễn
Chích ở Đông Sơn, chúa Minh Khang ở Thúy Sơn (Ngọc Lặc)… Không chỉ vậy, đi
đến đâu nhân dân cũng ủng hộ, giúp đỡ nghĩa quân hết lòng.
Về với Lam Sơn không chỉ có con người mà có cả quê hương xứ sở, cả loài
sinh vật, cả những giống vô tri. Ở đây, từ cụ già đến các em nhỏ, từ miền ngược
đến miền xuôi, từ con trâu, con quốc, khúc sông… đều có mặt trong trận tuyến diệt
thù cứu nước.
Khởi nghĩa Lam Sơn được phát động nhằm đánh đuổi kẻ thù ra khỏi bờ cõi.
Điều đó là nguyện vọng chính đáng của dân tộc ta. Hơn thế nữa, người chủ tướng
đứng đầu cuộc khởi nghĩa lại là một người đức độ, tài rộng, trí cao, được nhân dân
mến mộ. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa này đã thu hút, đã nhận được sự ủng hộ của cả
lòng người, cả ý trời. Như vậy, truyền thuyết cùng với lịch sử đã thể hiện tính chất
toàn dân, tính chất chính nghĩa khởi nghĩa Lam Sơn.
2.4.2. Đánh giá qua các nhân vật đứng đứng đầu
Qua những nhân vật đứng đầu của chùm truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc

khởi nghĩa Lam Sơn, chúng tôi nhận thấy cái nhìn toàn diện và sâu sắc của nhân
dân về những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Họ là những con người bình thường
nhưng chứa đựng tài năng phi thường, sự quên mình vì nghiệp lớn. Thấp thoáng
đằng sau bóng hình của họ là hồn thiêng sông núi, là truyền thống yêu nước ngàn
đời của người Việt Nam.
2.4.3. Đánh giá qua sự hết lòng của tướng sĩ
Các tướng sĩ của Lê Lợi không chỉ có những cá nhân anh hùng mà còn có cả
một tập thể anh hùng. Họ sẵn sàng từ bỏ tài sản, công sức lao động và cả tính mạng
để giúp đỡ, bảo vệ nghĩa quân.
14


Tướng sĩ của Thánh Gióng, của Bà Triệu, của Lê Lợi đa phần là những người
vô danh nhưng dù vô danh hay hữu danh nó đều thể hiện ý chí của một dân tộc anh
hùng. Quân và dân ở đây đã thống nhất làm một, tạo thành một khối đoàn kết, thành
nguồn sức mạnh khổng lồ đè bẹp tất cả các thế lực xâm lăng.
2.4.4. Đánh giá qua sự góp sức của nhân dân
Nhân dân là lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất trong cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn. Nhờ có họ mà nhiều lần nghĩa quân và Lê Lợi được che chở, cứu giúp.
Sự có mặt ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân lại một lần nữa thể hiện tính chất
chính nghĩa của cuộc chiến và niềm tin vào người chủ tướng Lam Sơn.
*Tiểu kết
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy một trong những đặc điểm nổi
bật trong nội dung của chùm truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn ít
thấy hoặc mờ nhạt ở những chùm truyền thuyết khác, đó là nội dung gần với hiện
thực hơn.
Chương 3
Đặc điểm nghệ thuật của truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và
người anh hùng Lê Lợi
Nghệ thuật truyền thuyết là vấn đề rộng lớn, dù chỉ đối với một chùm

truyền thuyết, vì thế trong chương này chúng tôi không bàn tới toàn bộ nghệ thuật
của truyền thuyết về khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi mà chỉ bàn
về một số đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của chùm truyện kể này.
3.1. Tổ chức cốt truyện
3.1.1. Kết cấu chùm
Kết cấu chùm là dạng kết cấu do nhiều mẩu truyện kết thành một tập hợp
truyện mà nội dung của chúng tập trung xoay quanh một nhân vật trung tâm. Kết
cấu chùm là dạng kết cấu phổ biến của truyền thuyết Việt Nam về các nhân vật lịch
sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Công Uẩn… Xoay quanh các nhân vật này có nhiều
15


truyện kể, mỗi truyện có thể kể về những nhân vật, những sự kiện khác nhau song
tựu trung lại đều nhằm làm nổi bật hình tượng người anh hùng đứng đầu.
Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi cũng
thể hiện rất rõ nét dạng kết cấu này. Đó là một tập hợp các truyện kể dân gian bao
gồm 130 truyện, mỗi truyện đều có một cốt truyện riêng song giữa chúng lại có mối
quan hệ ngầm, rất chặt chẽ, xâu chuỗi với nhau tạo thành một chùm truyện thống
nhất, phản ánh một cách sinh động và toàn diện đánh giá của nhân dân về Lê Lợi
và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà chúng tôi đã đề cập đầy đủ trong chương hai.
Bên trong chùm truyện lớn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng
Lê Lợi còn có những chùm nhỏ, vừa hướng về cuộc khởi nghĩa và người anh hùng
trung tâm lại vừa xoay quanh một nhân vật trung tâm là bộ tướng của Lê Lợi, hoặc
về một đề tài, một chủ đề. Đây là một đặc điểm ít thấy có ở những chùm truyền
thuyết khác (ngoại trừ truyền thuyết về ba anh em Tây Sơn, một cuộc khởi nghĩa mà
mở đầu có tới 3 nhân vật trung tâm).
3.1.1.1. Chùm lớn
Tất cả các truyện kể trong chùm truyền thuyết này dù ở miền ngược hay
miền xuôi, dù ở Thanh Hóa hay ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn… đều lấy những
sự kiện liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và Lê Lợi làm đề tài.

Ở từng truyện riêng lẻ: Người anh hùng đánh két, Nguyễn Trãi đi tìm minh
chủ, Em bé thành Tây Đô, Đất phát vương, Cánh đồng mẫu hậu, Hang Ta Lới, Bà
hàng nước bên thành Cổ Lộng, Sự tích ả đào, Thành Lục Niên… nhìn bề ngoài có
vẻ như không có mối liên hệ nào, cốt truyện của chúng hoàn toàn khác nhau, mỗi
truyện kể về một con người, một sự kiện riêng. Nhưng tất cả những câu chuyện trên
đều gặp nhau ở một điểm đó là đều hướng tới cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người
anh hùng Lê Lợi.
3.1.1.2. Chùm con
Như trên đã nói, trong hệ thống truyền thuyết về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam
Sơn trong chùm lớn có các chùm con.
16


Hệ thống chùm con lại có 2 loại: Loại truyện xoay quanh một nhân vật là bộ
tướng của Lê Lợi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Nguyễn Chích… và những truyện
xoay quanh một chủ đề con như nhận được gươm thần, đi tìm minh chủ, về người
dân cưu mang, giúp đỡ Lê Lợi…
Chính hệ thống chùm con này không chỉ đem lại một đặc điểm trong cấu trúc
chùm chung của chùm truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà
còn tạo nên đặc điểm riêng, mở rộng khái nhiệm CHÙM mà các nhà folklore học
Việt Nam đã khái quát như đã nêu trên đây. Trong số các truyền thuyết về Lê Lợi
và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có được, chúng tôi thấy có rất nhiều truyện kể có
chung dạng cốt truyện ngắn gọn với những chủ đề nhất định.
3.1.2. Mạch sự kiện
Giống như truyện cổ tích và các truyện kể dân gian khác, truyền thuyết
về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có mạch sự kiện được kể xuôi chiều thời gian.
Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi đã tái
hiện được những sự kiện quan trọng của cuộc khởi nghĩa nằm giữa hai huyền thoại
“nhận gươm” và “trả gươm”. Các sự kiện được kể liên tiếp nhau đã tái hiện được
cả không gian lẫn thời gian của cuộc khởi nghĩa từ khi bắt đầu còn non yếu cho đến

lúc lớn mạnh với những trận đánh lớn làm cho quân giặc về đến nước vẫn “tim đập,
chân run”, “hồn xiêu phách lạc”.
Mạch sự kiện được kể xuôi chiều thời gian như ở trên là xét ở cả chùm
truyền thuyết, xét riêng từng truyền thuyết, tác giả dân gian vẫn triển khai mạch sự
kiện đó. Tuy nhiên, trong mạch sự kiện được kể xuôi chiều thời gian, có những
truyện được kể bắt đầu từ tên địa danh, di tích của hiện tại rồi trở về quá khứ để
giải thích tên gọi đó.
3.2. Hệ thống các motif
3.2.1. Motif về sự xuất thân
Motif về sự xuất thân của các nhân vật trong truyện cổ là khá phong phú và
thể hiện nhiều quan niệm khác nhau.
17


Truyền thuyết về sự ra đời của Lê Lợi cũng nhuốm màu thần thoại. Lê Lợi
được truyền tụng là hóa thân của hổ. Bên cạnh Lê Lợi, Nguyễn Xí và Phạm Cuống,
sứ Thanh Đồng cũng có sự xuất thân lạ thường.
Những hư cấu ấy không chỉ tô điểm thêm cho nhân vật mà còn góp phần
thiêng hóa nhân vật. Điều đó góp phần tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân về
người anh hùng đồng thời dự báo những con người ấy sẽ có hành trạng và chiến
công phi thường.
3.2.2. Motif báo mộng
Motif báo mộng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong chùm truyện kể về Lê Lợi
và khởi nghĩa Lam Sơn. Khi thì Nguyễn Trãi, khi thì Trần Nguyên Hãn được
mộng; lúc thì Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống được mộng báo về người
chủ tướng Lam Sơn; có lúc đó lại chính là Lê Lợi được mộng.
Báo mộng để biết được điềm tốt lành, nên theo hay không theo chỉ là một
cách giải thích của người xưa nhưng dẫu sao nó cũng góp phần làm cho truyền
thuyết Việt Nam thấm đẫm chất mộng và thơ.
3.2.3. Motif vật cứu nạn

Vật cứu nạn là một motif điển hình và tập trung nhiều nhất ở chùm truyền
thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vật cứu nạn giữ một vai trò quan trọng giúp
cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn vượt qua được những tình thế nguy cấp, hiểm
nghèo.
Motif vật cứu nạn trong chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có
thể là khá đặc biệt bởi lẽ vật cứu nạn ở đây không phải là những lực lượng siêu nhiên
với nhiều phép thần mà là những gì gần gũi, thân thuộc nhất. Đó là các con vật, cây
cối, đồ vật và phần đông là nhân dân - những con người bình thường, không hề có
một chút phép thần nào như Tiên, Bụt trong truyện cổ tích mà sức mạnh lớn nhất ở
họ chính là lòng yêu nước.
Motif vật cứu nạn đã nói lên được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc từ
bụi nứa, bờ sông, các con vật đến lòng người đều hướng về cuộc khởi nghĩa. Sức
18


mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã đưa cuộc khởi nghĩa đi đến toàn thắng.
3.2.4. Motif nhận gươm thần
Trong chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi - minh chủ
của cuộc khởi nghĩa, đã được trời/tổ tiên trao cho vật báu là cây gươm thần.
Dường như tất cả hồn thiêng sông núi đã hội tụ trong thanh gươm này nên Lê
Lợi đánh đâu thắng ở đó. Có thanh gươm, cục diện giữa ta và địch đã thay đổi. Ta từ
yếu nay trở nên mạnh hơn, từ chỗ phải chạy trốn nay chủ động tìm giặc mà tiêu diệt,
tiến tới “nền thái bình vững chắc” muôn thuở.
3.2.5. Motif chiến công hiển hách
Motif chiến công hiển hách được sử dụng nhiều trong chùm truyền thuyết về
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là điều không khó hiểu. Nhưng điều làm nên sự khác biệt
của chùm truyền thuyết này đó chính là những chiến công hiển hách ấy được bao
bọc bởi bề ngoài hết sức bình dị.
Thông qua motif chiến công hiển hách, nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào sự
lớn manh của nghĩa quân Lam Sơn; vào vị chủ tướng có đủ tài năng lãnh đạo cuộc

khởi nghĩa. Bên cạnh đó, motif này còn thể hiện lòng quyết tâm cao độ của quần
chúng nhân dân không chịu khuất phục trước quân thù.
3.3. Nhân vật
3.3.1. Nhân vật trung tâm
Một điều dễ nhận thấy là hệ thống truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn tuy phong phú về số lượng, đa dạng về nội dung nhưng đều tập trung vào nhân
vật trung tâm là người anh hùng Lê Lợi.
Hình tượng Lê Lợi được khắc họa ở nhiều phương diện và hình thức thể hiện
khác nhau. Hai khuynh hướng thần thành hóa và bình thường hóa luôn diễn ra song
song trong quá trình xây nhân vật này. Lê Lợi có mặt trong toàn bộ hệ thống truyện
kể, khi thì gián tiếp, khi thì trực tiếp, song không thể thiếu vì lúc này Lê Lợi đã trở
thành trung tâm của đất trời, trở thành nơi quy tụ của sức mạnh dân tộc. Do đó,
truyện nào cũng phải liên quan, cũng phải gắn kết với Lê Lợi.
19


Vị trí vai trò chính, phụ của các nhân vật cũng sẽ thay đổi khác nhau trong
từng tác phẩm, tùy theo chủ đề riêng của nó. Nhưng chủ đề chung và nhân vật
trung tâm của toàn bộ hệ thống sáng tác dân gian này đều xoay quanh Lê Lợi,
khẳng định, ca ngợi sự nghiệp chống Minh cứu nước vĩ đại của Lê Lợi.
Các loại nhân vật chung quanh Lê Lợi, hòa nhập vào tạo thành sức mạnh nhân
dân, Lê Lợi trở thành nhân vật trung tâm, từ Lê Lợi tỏa ra một sức cuốn hút lớn, quy
tụ mọi lực lượng của mọi vùng đất nước hướng về ngọn cờ đại nghĩa.
3.3.2. Nhân vật chính trong mỗi truyền thuyết và nhân vật trung tâm trong
chùm chủ đề
Nhân vật chính trong các truyện kể của chùm truyền thuyết về cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi vô cùng phong phú, đa dạng. Ở mỗi
truyền thuyết lại có nhân vật chính riêng. Họ được khắc họa ở nhiều phương diện
khác nhau. Nhờ các nhân vật chính ở mỗi truyện mà hình tượng nhân vật trung tâm
mới bộc lộ được tính cách của mình. Nhân vật chính của mỗi truyện góp phần làm

rõ nhân vật trung tâm và ngược lại nhân vật trung tâm lại có tác dụng làm các nhân
vật tồn tại có ý nghĩa.
Nhân vật trung tâm của chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là Lê
Lợi nhưng trong đó có những nhân vật được nói tới nhiều lần ở các truyện kể khác
nhau đã tạo thành nhân vật trung tâm của chùm truyền thuyết nhỏ.
Nếu như đề tài làm nên chùm truyện lớn của truyện kể về cuộc khởi nghĩa
Lam Sơn thì chủ đề lại lập thành những chùm truyện nhỏ trong hệ thống đó. Chúng
tôi nhận thấy có rất nhiều truyện kể có chung một kiểu cốt truyện ngắn gọn với
những chủ đề nhất định.
3.3.2.1. Chùm truyện về gươm thần
Ở chùm truyện này, tác giả dân gian đề cao tính chất kỳ diệu của gươm thần,
nhờ đó mà Lê Lợi đánh tan quân xâm lược.
3.3.2.2. Chùm truyện đi tìm minh chủ:
Cốt truyện cơ bản của chùm truyện này là anh hùng hào kiệt, nhân dân từ
20


bốn phương có thể là được thần báo mộng, có thể là nghe danh tiếng của Lê Lợi
nên mến mộ tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.
Với cốt truyện cơ bản đó, chùm truyện này đã thể hiện được tinh thần đoàn
kết của nhân dân, đồng thời cũng cho thấy rõ vai trò minh chủ của Lê Lợi trong
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
3.3.2.3. Chùm truyện về sự đùm bọc, che chở, cưu mang của nhân dân đối
với Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Đây là chùm truyện chủ yếu gắn với truyện kể về địa danh và di tích, chiếm
số lượng lớn nhất trong chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa
bàn xứ Thanh.
Các nhân vật chính của chùm truyện này đã góp phần thể hiện mối quan hệ
giữa nhân dân với chủ tướng và thể hiện hình tượng nhân vật trung tâm ở góc độ
một con người bình dị, gần gũi. Đồng thời, chùm truyện cũng thể hiện quan niệm

của nhân dân về vai trò lịch sử của quần chúng trước vận mệnh của nước nhà.
3.3.2.4. Chùm truyện về sự phù trợ của tổ tiên, thần thánh
Chùm truyện này cũng có cốt truyện giống như chùm truyện về sự đùm bọc,
che chở, cưu mang của nhân dân đối với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Điều khác
ở đây là Lê Lợi và nghĩa quân nhận được sự giúp đỡ không phải từ những con
người đang hiện hữu trên thế gian này mà là linh hồn của người cõi âm hoặc của
các vị thần linh.
3.3.2.5. Chùm truyện về các tướng lĩnh của Lê Lợi
Các tướng lĩnh của Lê Lợi đều có tài năng (dạy chó biết ra trận, dạy chim bồ
câu đưa tin tức); sẵn sàng từ bỏ cả tính mạng của bản thân vì sự nghiệp cứu nước.
Trên đây, chúng tôi đã dẫn ra một số chùm truyện trong chùm truyện kể về
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tuy nhiên, xuất phát từ các điểm nhìn khác nhau thì sẽ
có sự phân chia khác nhau. Sự phân chia thành các chùm truyện như trên dựa vào
mối liên hệ ngầm trong mạch sự kiện.
3.4. Hiện thực và hư cấu trong truyện kể về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và
21


người anh hùng Lê Lợi
Bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng được nhào nặn trên cơ sở hiện thực.
Riêng truyền thuyết thì cơ sở hiện thực của nó chính là cái “cốt lõi lịch sử” mà
truyện phản ánh. Tất cả các truyện kể trong chùm truyện về cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn đều được xây dựng trên cơ sở của sự thật lịch sử là cuộc kháng chiến chống
quân Minh kéo dài suốt mười năm. Tuy nhiên tính chất “hiện thực” trong mỗi truyện
có khi lại bị lấn át bởi hư cấu, có khi dựa trên sự kiện có thật và phần hư cấu thuộc
về cách tổ chức truyện kể. Trong trường hợp này, tính chất “hiện thực” thuộc về
thái độ đánh giá của nhân dân về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng
Lê Lợi.
Chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dù được thể hiện ở trạng
thái nào (hiện thực/ hư cấu) thì đều mang tính xác định lịch sử. Đó là thời gian

kháng chiến chống quân Minh gian khổ nhưng cũng rất đỗi hào hùng. Thời gian
trong truyện có thể không được biểu hiện dưới những con số cụ thể nhưng lại luôn
gắn với những sự kiện nhất định của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Không gian trong
truyện là không gian đã từng chứng kiến biết bao sự kiện từ việc chuẩn bị khởi
nghĩa, tập hợp lực lưỡng, những thất bại, những chiến thắng vang dội của nghĩa
quân.
Yếu tố hiện thực và hư cấu luôn đan cài vào nhau trong một truyền thuyết. Sự
kết hợp chặt chẽ hiện thực và hư cấu làm nên thể loại truyền thuyết nói chung và
truyện kể về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nói riêng.
* Tiểu kết:
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể thấy chùm truyền thuyết về Lê Lợi
và khởi nghĩa Lam Sơn là chùm truyền thuyết thể hiện đầy đủ nhất những đặc trưng
về nghệ thuật của thể loại này. Tuy nhiên, trong các yếu tố trên, vẫn có những điểm
làm nên sự khác biệt của chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người
anh hùng Lê Lợi. Sự khác biệt trong kết cấu của chùm truyền thuyết này là bên cạnh
nhân vật trung tâm là Lê Lợi ở chùm truyện lớn còn có nhân vật trung tâm của chùm
22


truyện nhỏ như Nguyễn Trãi, Lê Thận… ngoài ra trong chùm lớn còn có những
chùm nhỏ về những đề tài cụ thể mà chưa thấy có ở những chùm truyền thuyết quen
thuộc khác như chùm truyện về đề tài đi tìm minh chủ, chùm truyện về được gươm
thần… Một đặc điểm nữa ít thấy, hoặc mờ nhạt trong nghệ thuật của những chùm
truyền thuyết khác là việc xây dựng các nhân vật trung tâm là người dân (có khi là
hồn ma của một người dân chết nạn). Do biết lấy “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” để
trừ quân “điếu phạt” nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã huy động được sự đóng góp
của toàn dân và đến lượt mình, nhân dân lại sáng tác nên hàng loạt những truyện kể
về đóng góp của những con người “nhỏ bé” đó.
KẾT LUẬN
Truyền thuyết dân gian đã chứng tỏ một sự thật lịch sử: cuộc khởi nghĩa Lam

Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã đi vào lòng dân với tất cả sự thiết tha, sâu đậm. Mọi
miền quê trên tổ quốc đều quy tụ về Lam Sơn.
Truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi được
hình thành từ trung tâm của căn cứ địa Lam Sơn, từ đó mở rộng, lan xa dần theo
không gian và hình thành nên những điểm tụ. Những điểm đó lại có khuynh hướng
vận động theo thời gian và ở địa điểm nào cũng nhằm làm nổi bật lên tinh thần tụ
nghĩa.
Trên cái nền của văn hóa làng bản, hình tượng Lê Lợi quả là một hình tượng
xuyên suốt trở thành linh hồn của các sáng tác dân gian thuộc chủ đề chống xâm
lược. Các nhân vật, các yếu tố phụ chỉ mang tính chất đại diện cho từng mặt hoạt
động lớn của nhân vật trung tâm. Nhân vật trung tâm tồn tại nhờ vượt lên tất cả
những nét đẹp đẽ đó và trở thành nhân vật trọn vẹn nhất.
Chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi
có thể coi là một kiểu mẫu của truyền thuyết lịch sử về mọi phương diện. Tuy
nhiên, nó cũng có những đặc điểm nổi bật mà nhiều truyền thuyết lịch sử khác
không có được. Thứ nhất, về số lượng, truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
thực sự là một kho tàng phong phú, đồ sộ, cho đến thời điểm này chưa có một hệ
23


thống truyền thuyết nào có thể vượt qua. Thứ hai, chùm truyền thuyết này yếu tố
tưởng tượng kỳ ảo khá mờ nhạt mà thay vào đó là những yếu tố hiện thực. Thứ ba,
cốt truyện của truyền thuyết về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có kết cấu
chùm nhưng trong chùm truyện lớn lại có những chùm truyện nhỏ; bên cạnh nhân
vật trung tâm của chùm truyện lớn lại có nhân vật trung tâm của chùm truyện nhỏ.
Trên đây chỉ là những nghiên cứu mang tính chất bước đầu về đặc điểm nội
dung và hình thức của chùm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là người
anh hùng Lê Lợi. Hi vọng, việc nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp bạn đọc có cái
nhìn đúng đắn hơn về thể loại truyền thuyết nói chung và chùm truyền thuyết về
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng Lê Lợi nói riêng.

D. TÀI LIỆU THAM KHẢO

24



×