BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Quan Văn Út
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH
BẠC LIÊU: TIỀM NĂNG, THỰC
TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐỊA LÝ HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh –2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Quan Văn Út
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH
BẠC LIÊU: TIỀM NĂNG, THỰC
TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
Chuyên ngành : Địa Lý Học
Mã số
: 60 31 05 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ ĐỊA LÝ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRỊNH DUY OÁNH
Thành phố Hồ Chí Minh –2013
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trong luận
văn là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng. Kết quả luận văn chưa từng được ai công bố trong
bất kì công trình nào.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
Quan Văn Út
1
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành quyển luận văn này, ngoài những nổ lực hết mình của bản thân tác giả.
Bên cạnh đó, còn có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ nhiều cá nhân, tập thể và các đơn vị, nhân đây
tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành của bản thân đến:
Lời đầu tiên, tác giả luận văn xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến TS.
Trịnh Duy Oánh – Giảng viên trường Đại học Sài Gòn – Người hướng dẫn khoa học đã
nhiệt tình góp ý, chỉ bảo, chỉnh sửa và tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp tác giả trong suốt
quá trình nghiên cứu và thực hiện luận văn.
Tác giả xin chân thành cảm ơn các thầy cô khoa Địa Lý, trường Đại học Sư phạm
thành phố Hồ Chí Minh, cùng các thầy cô đã trực tiếp giảng dạy tác giả trong chương trình
sau đại học, đã nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ, cũng như định hướng luận văn.
Xin cảm ơn Phòng sau đại học, thư viện nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
tác giả trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận văn.
Trong quá trình thực hiện luận văn, tác giả đã tham khảo nhiều tài liệu, công trình
nghiên cứu của các cơ quan, đơn vị và các tác giả khác. Xin chân thành cảm ơn tất cả các
tác giả của các tài liệu tôi đã tham khảo. Bên cạnh đó, tôi vô cùng cảm kích và cảm ơn các
đơn vị: Cục thống kê Bạc Liêu; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu; Sở Nông
nghiệp tỉnh Bạc Liêu; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu; Sở Kế hoạch và Đầu
tư tỉnh Bạc Liêu;… đã nhiệt tình cung cấp thông tin tư liệu và số liệu, tạo mọi điều kiện
giúp tác giả thu thập thông tin hoàn thành luận văn.
Cuối cùng, tác giả xin gửi lời cảm ơn đến gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp đã giúp
đỡ, động viên tôi hoàn thành luận văn
Chân thành cảm ơn!
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
Quan Văn Út
2
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 2
MỤC LỤC .................................................................................................................... 3
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT ...................................................................................... 6
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 7
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................. 7
2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu ..................................................................................... 8
3. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu ................................................................................... 8
4. Những công trình nghiên cứu liên quan ....................................................................... 9
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu........................................................ 10
6. Cấu trúc luận văn ......................................................................................................... 13
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ BIỂN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN 15
1.1. Một số quan niệm và khái niệm về biển .................................................................. 15
1.1.1. Biển và đại dương ................................................................................................. 15
1.1.2. Phạm vị không gian biển ....................................................................................... 17
1.1.3. Quan niệm về vùng ven biển ................................................................................. 17
1.2. Kinh tế biển ................................................................................................................ 19
1.2.1. Khái niệm kinh tế biển .......................................................................................... 19
1.2.2. Cơ cấu kinh tế biển ................................................................................................ 22
1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển ............................................... 32
1.2.4. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến kinh tế biển và vùng ven biển ........................... 34
1.2.5. Tổ chức lãnh thổ (không gian) kinh tế biển .......................................................... 37
1.2.6. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế biển ........................................ 39
1.3. Kinh nghiệm phát triển kinh tế biển quốc gia và vùng .......................................... 40
1.3.1. Phát triển kinh tế biển Việt Nam ........................................................................... 40
1.3.2. Phát triển kinh tế biển vùng đồng bằng sông Cửu Long ....................................... 46
CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
TỈNH BẠC LIÊU....................................................................................................... 51
2.1. Khái quát chung về tỉnh Bạc Liêu ............................................................................ 51
2.2. Tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu.................................................... 55
2.2.1. Tiềm năng về vị trí địa lí vùng biển và ven biển ................................................... 55
2.2.2. Tiềm năng về tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên ................................................. 56
3
2.2.3. Tiềm năng về kinh tế - xã hội ................................................................................ 66
2.2.4. Đánh giá về điều kiện và tiềm năng phát triển ...................................................... 70
2.3. Thực trạng phát triển một số ngành kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu........................... 72
2.3.1. Ngành thủy hải sản ................................................................................................ 72
2.3.2. Khai thác khoáng sản biển .................................................................................... 84
2.3.3. Ngành lâm nghiệp ................................................................................................. 88
2.3.4. Ngành dịch vụ, du lịch .......................................................................................... 90
2.3.5. Ngành giao thông vận tải biển............................................................................... 93
2.4. Vị trí kinh tế biển trong nền kinh tế tỉnh Bạc Liêu ................................................ 96
2.5. Một số vấn đề liên quan trong phát triển kinh tế biển và vùng ven biển tỉnh Bạc
Liêu ..................................................................................................................................... 99
2.5.1. Vấn đề khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển .......................................... 99
2.5.2. Phòng chống thiên tài, bảo vệ môi trường biển và ven biển ................................. 99
2.5.3. Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển ..................... 100
2.5.4. Về bảo vệ an ninh – quốc phòng vùng biển ........................................................ 101
2.5.5. Vấn đề ứng phó với BĐKH tác động đến kinh tế biển và VBVBBL ................. 101
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN
TỈNH BẠC LIÊU..................................................................................................... 103
3.1. Cơ sở khoa học xây dựng định hướng và giải pháp ............................................. 103
3.1.1. Bối cảnh quốc tế và trong nước........................................................................... 103
3.1.2. Định hướng phát triển kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 105
3.1.3. Chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu ...................... 106
3.2. Các định hướng phát triển kinh tế biển chung ..................................................... 107
3.2.1. Tổ chức không gian phát triển kinh tế biển......................................................... 107
3.2.2. Định hướng phát triển các ngành kinh tế biển .................................................... 108
3.2.3. Phát triển nguồn nhân lực.................................................................................... 118
3.2.4. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và dân cư ven biển ............................ 118
3.2.5. Khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ............................................. 119
3.2.6. Xây dựng hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu và dự báo phát triển kinh tế biển, vùng
biển ven biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 ................................................................... 120
3.2.7. Quốc phòng, an ninh ........................................................................................... 120
3.3. Các giải pháp chủ yếu.............................................................................................. 121
3.3.1. Quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế biển .................... 121
3.3.2. Hoàn thiện chính sách và hệ thống quản lí và khai thác biển ............................. 121
3.3.3. Huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài tỉnh ................................................ 122
4
3.3.4. Về phát triển khoa học, công nghệ ...................................................................... 122
3.3.5. Xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường ................................................................ 123
3.3.6. Về môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ................................. 124
3.3.7. Gắn phát triến kinh tế biển với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh
xã hội ............................................................................................................................. 125
3.4. Kiến nghị ................................................................................................................... 126
KẾT LUẬN .............................................................................................................. 128
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 130
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 132
5
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
Từ viết đầy đủ
Từ viết tắt
BĐKH
Biến đổi khí hậu
CNH, HĐH
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
DWT
Đơn vị đo năng lực vận tải an toàn của tàu thủy
ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long
EU
Liên minh châu Âu
NN&PTNT
Nông nghiệp và phát triển nông thôn
NTTS
Nuôi trồng thủy sản
QL1A
Quốc lộ 1A
TP
Thành phố
CTCN
Chất thải công nghiệp
UBND
Uỷ ban nhân dân
USAID
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ
VBVBBL
Các huyện thị ven biển Bạc Liêu
6
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong thời đại ngày nay, khi diện tích lục địa ngày càng thu hẹp, nguồn tài nguyên trên
lục địa đang bị khai thác một cách kiệt huệ, thì biển và đại dương chính là lối thoát cho bế
tắc về nơi sinh sống, nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu cho con người. Nhiều nhà kinh tế
học cho rằng “nền kinh tế tương lai của loài người trước hết là nền kinh tế gắn với biển”.
Thế kỷ XXI được các nhà chiến lược xem là “Thế kỷ của đại dương”. Chính vì vậy mà ngày
nay, hầu như tất cả các quốc gia có biển (kể cả các quốc gia không có biển) cũng đều chú ý
đến việc nghiên cứu, khai thác nguồn lợi từ biển trong quá trình phát triển kinh tế đất nước,
nhằm hội nhập chung với xu hướng quốc tế.
Nằm trên bán đảo Đông Dương, rìa phía Tây của biển Đông, Việt Nam là một quốc gia
biển. Vùng biển Việt Nam trên biển Đông rộng khoảng 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích
đất liền. Bờ biển Việt Nam dài hơn 3260 km, trung bình 100 km2 đất liền thì có 1 km đường
bờ biển (cao gấp 6 lần tỉ lệ này của thế giới). Ven bờ biển có hơn 3000 đảo lớn nhỏ các loại,
với tổng diện tích 1720 km2. Vùng biển Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển và là
địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Với vị
trí chiến lược địa chính trị vô cùng quan trọng trong giao lưu và hợp tác quốc tế, thuận lợi
trong thu hút đầu tư. Các tài nguyên ở biển và ven biển khá phong phú và đa dạng. Trong đó,
một số tiềm năng lớn như dầu khí, hải sản, điều kiện xây dựng cảng, tài nguyên du lịch…là
những nguồn lợi quan trọng. Tất cả các yếu tố đó đã giúp cho Việt Nam có nhiều thế mạnh
để phát triển kinh tế biển. Đã từ bao đời nay, biển đã là cái nôi gắn bó mật thiết và chặt chẽ
với mọi hoạt động sống và sản xuất của dân tộc ta và ngay nay biển chính là động lực to lớn
thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước hội nhập quốc tế.
Bạc Liêu là tỉnh được tái thành lập từ tỉnh Minh Hải, chính thức thành lập vào ngày
01/01/2007. Vùng biển và ven biển tỉnh Bạc Liêu nằm trong khu vực bán đảo Cà Mau nối
liền với vịnh Thái Lan, tiếp giáp với vùng biển của nhiều nước Đông Nam Á có vị trí chiến
lược quan trọng trong phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng. Bạc Liêu có bờ
biển dài 56 km từ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (giáp huyện Vĩnh Châu, Sóc
Trăng) đến thị trấn Gành Hào huyện Đông Hải (giáp tỉnh Cà Mau); nội thủy khoảng 3645
km2, vùng lãnh hải khoảng 1136 km2. Bạc Liêu có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển vì
nằm giữa hai vùng sinh thái mặn và ngọt. Trong Nghị quyết của tỉnh ủy đã xác định phát
7
triển kinh tế biển là trọng tâm của thế kỷ XXI, phấn đấu trong 10 năm tới tỉnh sẽ có thế
mạnh về kinh tế biển và làm giàu từ biển. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nhiều năm qua
đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp của các ngành kinh tế
biển và vùng ven biển. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế biển của tỉnh chỉ mới được khởi
động và còn nhiều vấn đề bất cập trong quá trình phát triển. Kinh tế biển trong cơ cấu kinh
tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của biển. Nhận thức được tầm quan trọng
và vai trò của kinh tế biển tỉnh nhà trong tương lai, tôi đã quyết định chọn đề tài: “Phát
triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu: Tiềm năng, thực trạng và giải pháp” nhằm góp phần nhỏ
những hiểu biết của tôi cho sự quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian
tới.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1.
Mục tiêu nghiên cứu
Vận dụng những cơ sở lý luận về biển và phát triển kinh tế biển trên thế giới và Việt
Nam vào nghiên cứu phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu, nhằm đạt những mục tiêu sau:
- Khảo sát và đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu.
- Phân tích và đánh giá thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu
giai đoạn 2002 – 2011.
- Đưa ra định hướng và những giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu trong
thời gian tới.
2.2.
Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan cơ sở lý luận và những nội dung có liên quan đến phát triển kinh tế biển
được đúc kết trên thế giới và Việt Nam.
- Thu thập thông tin, số liệu, tư liệu và khảo sát thực tế để đánh giá tiềm năng làm cơ
sở cho việc phân tích và đánh giá thực trạng phát triển kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu.
- Căn cứ vào những phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc
Liêu, tìm ra những hạn chế và bất cập trong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng kinh
tế biển. Từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp tốt và khả thi.
3. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
- Không gian nghiên cứu: được xác định là vùng biển và tiếp giáp với biển của tỉnh
Bạc Liêu bao gồm các đơn vị hành chính cấp huyện (TP): TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình,
huyện Đông Hải.
8
- Thời gian nghiên cứu: Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu kinh tế biển của tỉnh Bạc
Liêu giai đoạn 2002 – 2011.
- Nội dung nghiên cứu: đánh giá tiềm năng và phân tích thực trạng khai thác tiềm
năng để phát triển các ngành kinh tế biển. Đánh giá những lợi thế so sánh về điều kiện phát
triển và những kết quả đạt được và những khó khăn hạn chế trong quá trình phát triển các
ngành kinh tế biển làm cơ sở cho xây dựng định hướng phát triển một số ngành kinh tế biển
mũi nhọn của tỉnh: ngành thủy sản, ngành du lịch, nghề muối biển, công nghiệp khai thác và
chế biến và các lĩnh vực liên quan.
4. Những công trình nghiên cứu liên quan
Kinh tế biển là một bộ phận có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế của các quốc
gia có biển, trong đó có Việt Nam, đồng thời là xu hướng phát triển của thời đại. Vì vậy,
kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan nhưng chủ
yếu là mang tầm vĩ mô. Những công trình nghiên cứu này sẽ là cơ sở và tài liệu tham khảo
để tác giả hoàn thành đề tài này.
- Ở Việt Nam: Kinh tế biển đã được chính phủ xác định là chiến lược phát triển và
có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Vì vậy, việc nghiên
cứu phát triển kinh tế biển những năm gần đây rất được chú trọng, có thể kể ra những công
trình nghiên cứu liên quan như: “Kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển ở nước ta” của
Võ Nguyên Giáp; Nghiên cứu về “Địa lí biển Đông” của Nguyễn Văn Âu; “Tìm hiểu về
nguồn lợi sinh vật biển Đông” của Vũ Trọng Tạng … Hoặc các nghiên cứu mang tính chất
ngành kinh tế biển có thể kể đến “Biển và cảng biển thế giới” của Phạm Văn Giáp; “Rừng biển và kinh tế thủy sản” của Quang Luyện …
Ở nghiên cứu cấp quốc gia có thể kể đến các đề tài, công trình nghiên cứu có ý nghĩa
quan trọng như “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển và các hải đảo Việt Nam đến
năm 2010” của Viện Chiến lược Phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đề tài này đánh giá
các nguồn lực và thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 1995 và đưa ra
phương hướng, giải pháp quy hoạch phát triển cho từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế biển và
tổ chức không gian kinh tế biển đến năm 2010. Thứ hai là đề tài “Cơ sở khoa học cho việc
phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển Việt Nam, đề xuất các mô hình phát triển cho một số
khu vực trọng điểm”, cũng của Viện Chiến lược phát triển, năm 2004. Đề tài này cũng phân
tích vai trò, vị trí, nguồn lực và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển Việt Nam,
9
từ đó đưa ra các phương hướng, giải pháp và các mô hình phát triển điển hình cho các vùng
trọng điểm của dải ven biển nước ta đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Thứ ba là “Hội thảo
phát triển kinh tế biển ở Việt Nam”, được tổ chức từ năm 2000 với rất nhiều bài tham luận
của các tác giả là lãnh đạo các cấp, các ngành và các nhà nghiên cứu trong cả nước đã trình
bày rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế biển Việt Nam với nhiều quan điểm và
hướng tiếp cận khác nhau. Thứ tư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy
sản Việt Nam”, năm 2007. Trong kỷ yếu hội thảo này tập trung nhiều ý kiến phân tích, đóng
góp của các tác giả đối với phát triển kinh tế biển, tổ chức không gian và tập trung phân tích
các định hướng và giải pháp phát triển ngành thủy sản.
Về phía Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết và chỉ thị liên quan đến phát
triển kinh tế biển của đất nước như: Ngày 06/05/1995 Bộ Chính trị ra Nghị quyết 03NQ/TW về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt; Ngày
22/09/1997 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển
theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung
ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,
phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển…
- Đối với tỉnh Bạc Liêu: Kinh tế biển đã được xác định là lợi thế và mục tiêu phát
triển của tỉnh nhà. Năm 2008, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành “Đề án phát triển kinh tế
biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020”. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đã ban hành “chương trình
số 23”, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành “Nghị quyết số 04”, tất cả các văn bản nhằm cụ
thể hóa Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và cũng nhằm mục tiêu phát triển kinh tế
biển và vùng ven biển Bạc Liêu.
Các công trình nghiên cứu trên là nguồn tư liệu tham khảo rất hữu ích và có giá trị cho
việc nghiên cứu và hoàn thành đề tài của tác giả. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu về
kinh tế biển còn rất ít, đặc biệt là kinh tế biển Bạc Liêu vẫn chưa có đề tài nào được thực
hiện.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1.
Phương pháp luận
5.1.1. Quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử
10
Quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin là
phương pháp luận khoa học. Trong quá trình nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn
phát triển kinh tế biển cần có sự xem xét trong sự phát triển của lĩnh vực khoa học này với sự
phát triển của các lĩnh vực khoa học. Từ đó, xem xét các lĩnh vực này có liên quan trong sự
vận động, phát triển kinh tế - xã hội theo những quy luật khách quan và trong mối quan hệ
biện chứng qua lại, gắn kết chặt chẽ với nhau.
5.1.2.
Quan điểm hệ thống
Địa lý kinh tế học nghiên cứu tổng hợp thể lãnh thổ sản xuất trong một hệ thống, các
mối quan hệ tác động qua lại với môi trường xung quanh. Quan niệm hệ thống được sử
dụng rộng rãi trong quá trình nghiên cứu. Trước hết, kinh tế biển là một bộ phận của nền
kinh tế nói chung, nó có quan hệ với nhiều ngành khoa học khác. Mặt khác, bản thân kinh tế
biển cũng bao gồm nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau hợp thành và trong nội bộ
của nó cũng có sự liên kết và gắn bó chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Bên cạnh đó, kinh tế biển
chỉ phát triển khi có sự gắn kết giữa các bộ phận hợp thành nền kinh tế chung lại với nhau
thành một hệ thống thống nhất. Vì vậy, khi nghiên cứu chúng ta phải đặt vấn đề phát triển
trong mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại của các yếu tố tạo thành một hệ thống hoàn
chỉnh, phải coi việc phát triển kinh tế biển như là một hệ thống thành phần nằm trong hệ
thống kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, luôn luôn vận động và phát triển.
5.1.3.
Quan điểm tổng hợp lãnh thổ
Trong thực tế, các sự vật và hiện tượng luôn luôn có sự phân hóa theo không gian làm
cho chúng có sự khác biệt nhau giữa khu vực này và khu vực khác. Nghiên cứu kinh tế biển
tỉnh Bạc Liêu cũng vậy, cần chú ý mối quan hê liên ngành và mối quan hệ không gian tổ
chức của các ngành kinh tế biển để có sự phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, việc phát triển
kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu cũng không thể tách rời vấn đề phát triển kinh tế biển của
vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
5.1.4.
Quan điển lịch sử - viễn cảnh
Mọi sự vật không ngừng vận động và biến đổi. Sự phát triển kinh tế - xã hội và kinh tế
biển trong quá khứ, hiện tại có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và kinh tế biển trong
tương lai. Trong từng giai đoạn khác nhau, có thể ngành kinh tế biển này giữ vai trò chủ đạo
nhưng trong giai đoạn khác ngành kinh tế biển khác đóng vai trò quyết định sự phát triển
kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Do đó, nghiên cứu kinh tế biển
phải đặc biệt chú ý mối quan hệ quá khứ - hiện tại để có cơ sở vững chắc để định hướng cho
11
tương lai, làm rõ được bản chất của vấn đề theo một chuỗi thời gian, đảm bảo tính logic,
khoa học và chính xác khi nghiên cứu.
5.1.5.
Quan điểm sinh thái và phát triển bền vững
Nghiên cứu vấn đề biển phải dựa trên quan niệm sinh thái và phát triển bền vững.
Nguồn tài nguyên biển như hải sản, các tài nguyên du lịch biển, rừng,... không phải là vô
tận. Phát triển kinh tế biển phải đi đôi với sử dụng hợp lý kết hợp với bảo vệ và tái tạo tài
nguyên, chống gây ô nhiễm môi trường, có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với
tiến bộ và công bằng xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống con người không chỉ trong
hiện tại mà phải không làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp thu thập tài liệu
Để hoàn thành luận vặn tốt nghiệp này, tác giả phải thu thập nguồn tài liệu, số liệu từ
nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, tạp chí, báo cáo, văn kiện, cơ sở dữ liệu của các
ngành, các cấp,… có liên quan. Nguồn tư liệu thu thập được rất nhiều và đa dạng nên khi sử
dụng vào luận văn phải có tính chọn lọc các tư liệu phù hợp với mục đích và nội dung
nghiên cứu. Đồng thời, tác giả phải thường xuyên cập nhật thông tin, tư liệu mới để tăng
tính thực tế khách quan và hiệu quả nghiên cứu của đề tài.
5.2.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, sau khi thu thập tài liệu việc vận dụng phương pháp
phân tích tổng hợp một cách thuần thục sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thiết thực cho
đề tài. Vì việc dựa trên phân tích tài liệu đã có cũng như thực tế sẽ giúp chúng ta có cái nhìn
toàn diện và khách quan về vấn đề nghiên cứu. Sau khi phân tích tài liệu, chúng ta rút ra
được những nội dung tổng hợp nhất, đầy đủ nhất và khái quát nhất, nhằm đáp ứng được
những nhiệm vụ và mục tiêu của đề tài đã đặt ra.
5.2.3.
Phương pháp khảo sát thực địa
Thực địa là phương pháp truyền thống và rất quan trọng trong nghiên cứu địa lí. Trong
quá trình thực hiện đề tài, tác giả sử dụng phương pháp này để kiểm tra độ chính xác, độ tin
cậy giữa lý thuyết từ các nguồn tài liệu đã thu thập được và thực tế. Từ đó, giúp tác giả có
cái nhìn khách quan hơn về vấn đề nghiên cứu. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài và điều
kiện cho phép, tác giả đã tiến hành thực địa, thực hiện các phương pháp quan sát, mô tả, ghi
chép sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực kinh tế biển trên địa bàn 3 huyện có biển của
tỉnh Bạc Liêu.
12
5.2.4.
Phương pháp biểu đồ - bản đồ
Phương pháp biểu đồ - bản đồ là phương pháp đặc thù của khoa học địa lí, bởi vì mọi
nghiên cứu địa lí kinh tế - xã hội đều có sử dụng phương pháp này. Ý nghĩa to lớn của nó là
góp phần giải quyết nhiều nội dung nghiên cứu như đánh giá các nguồn lực, phân tích thực
trạng theo ngành và theo lãnh thổ. Biểu đồ - bản đồ là cơ sở thể hiện một cách trực quan,
khoa học mối quan hệ về thời gian, không gian, sự thay đổi và phát triển của các đối tượng
và yếu tố liên quan trong phát triển kinh tế biển. Sử dụng phương pháp này giúp cho các vấn
đề nghiên cứu được cụ thể, trực quan và toàn diện hơn. Ngày nay, bản đồ được hoàn thiện
và đem lại hiệu quả cao trong nghiên cứu nhờ kỹ thuật viễn thám và hệ thống thông tin địa lí
(GIS).
5.2.5.
Phương pháp toán học
Phương pháp toán học rất quan trọng, vì trên cơ sở thu thập được những số liệu liên
quan đến nội dung nghiên cứu, chúng ta phải xử lý số liệu thông qua tính toán, so sánh…
Từ đó, rút ra được những đặc điểm về tình hình phát triển kinh tế biển của tỉnh thông qua
các số liệu thống kê, cũng nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn nhận và đánh giá chính xác mối
quan hệ giữa kinh tế biển và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu.
5.2.6.
Phương pháp sử dụng hệ thông tin địa lí
Hệ thống thông tin địa lí (GIS) là hệ thống đa dạng dùng để lưu trữ, xử lý, phân tích,
tổng hợp, điều hành và quản lý những dữ liệu không gian. Đồng thời cho phép lấy và trình
bày thông tin dưới dạng dễ tiếp nhận, trao đổi và sử dụng. Các phần mềm và ứng dụng GIS là
công cụ đắc lực cho việc số hóa bản đồ, xây dựng các lớp dữ liệu thuộc tính và không gian,
thành lập các bản đồ chuyên đề phù hợp với việc thể hiện các nguồn lực phát triển, thực trạng
phát triển các ngành và định hướng phát triển các ngành kinh tế biển của tỉnh Bạc Liêu trong
hiện tại và tương lai.
5.2.7.
Phương pháp dự báo
Phương pháp dự báo được sử dụng dựa trên cơ sở xem xét, tính toán từ các số liệu và
nguồn tư liệu đã thu thập được và sự phát triển có tính quy luật của các sự vật và hiện tương
phát triển kinh tế biển của tỉnh trong quá khứ đến hiện tại và dự báo cho tương lai.
6. Cấu trúc luận văn
Cấu trúc luận văn được chia làm 3 phần:
13
Phần mở đầu
Phần nội dung: Bao gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về biển và phát triển kinh tế biển
Chương 2: Tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu
Chương 3: Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu
Phần kết luận
14
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ BIỂN VÀ PHÁT TRIỂN KINH
TẾ BIỂN
1.1. Một số quan niệm và khái niệm về biển
1.1.1. Biển và đại dương
Trái đất là một hành tinh nước, vì biển và các đại dương chiếm khoảng 71% diện tích
bề mặt của nó. Biển và đại dương đã được các nhà khoa học công nhận là cội nguồn của sự
sống trên Trái đất, bởi lẽ biển và đại dương có nhiều chức năng quan trọng liên quan tới sự
sống trên Trái đất. Như đã biết, biển và đại dương chứa đựng nhiều hệ thống tự nhiên ở
những cấp độ và qui mô khác nhau. Vì vậy, hiểu biết chính xác khái niệm về chúng giúp các
nhà nghiên cứu và quản lý biết đúng đối tượng nghiên cứu và quản lý của mình ngay từ khi
bắt đầu công việc.
Theo sự tưởng tượng của người Babylon và người Ai Cập cổ thì tên gọi “đại dương”
bắt nguồn từ tên riêng của con sông thần thoại Okêan. Con sông này bao quanh các vùng đất
nổi mà hình dạng như một cái dĩa bằng phẳng. Tuy nhiên, với sự phát triển của ngành hàng
hải dần dần cho thấy rằng, rõ ràng “đại dương” không phải là một con sông bao quanh các
lục địa mà đó chính là biển. Ngày nay, đã có sự phân biệt và cách hiểu rõ ràng về biển và
đại dương. Để hiểu rõ hơn vấn đề trước hết ta cần biết về khái niệm thủy vực.
Thủy vực (water - body) là một vùng trũng bất kỳ trên bề mặt Trái đất có chứa nước
thường xuyên bất kể nước ngọt, nước lợ hoặc nước mặn, với các hình thái và qui mô khác
nhau.
Đại dương thế giới (word ocean) là toàn bộ các thủy vực có chứa nước mặn của Trái
đất và không phân biệt ranh giới. Như vậy, trên hành tinh chúng ta chỉ tồn tại một đại dương
thế giới.
Đại dương (ocean) là những thủy vực nước mặn có qui mô lớn trong đại dương thế
giới. Nó cũng là những bộ phận quan trọng của đại dương thế giới và được phân định tương
đối bởi ranh giới “nhân tạo”. Thông thường, ranh giới về phía lục địa của đại dương được
phân định với các vùng biển phía trong bởi các hệ thống đảo, tương ứng với các đới phá hủy
cấu trúc địa chất của rìa lục địa ở phía dưới.
Trước kia, dựa vào truyền thuyết người ta đã chia ra thành 7 đại dương là: Bắc Băng
Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Đại Tây Dương, Nam Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương,
15
Nam Thái Bình Dương và Đại Dương Nam Cực. Đến năm 1845, tên của 3 đại dương: Đại
Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mới được thừa nhận chính thức. Đến nay,
người ta chia ra và thừa nhận 4 đại dương chính: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ
Dương và Bắc Băng Dương.
Biển (sea) là một loại hình thủy vực nước mặn của đại dương thế giới, nằm sát các đại
lục và ngăn cách với đại dương ở phía ngoài bởi hệ thống đảo, bán đảo và ở phía trong bởi
bờ lục địa (còn gọi là bờ biển - shoreline). Do nằm sát lục địa và chịu ảnh hưởng của các
quá trình lục địa (chủ yếu thông qua hệ thống sông ngòi), nước biển thường có thành phần
và tính chất khác với nước đại dương. Cho nên trong các văn liệu, người ta còn gọi chúng là
các biển rìa (marginal sea).
Theo thuật ngữ Địa lí (Nguyễn Dược - Nguyễn Trung Hải, NXBGD - 2001) đã đưa ra
khái niệm biển như sau: “Biển là bộ phận của đại dương, nằm gần hoặc xa đất liền nhưng có
những đặc điểm riêng khác với vùng nước của đại dương bao quanh (như nhiệt độ, độ mặn,
chế độ thủy văn, các vật liệu trầm tích đáy, các sinh vật…)”.
Ngày nay, theo cách hiểu thông thường có thể thấy biển là một bộ phận biệt lập của
đại dương, nó được phân biệt bởi những đặc điểm tự nhiên, chủ yếu là bởi những đặc điểm
thủy văn và khí hậu. Biển có thể nằm giữa hai lục địa, ăn sâu vào lục địa hoặc tách ra khỏi
đại dương bởi các bán đảo, đảo và địa hình ngầm.
Điểm khác nhau cơ bản giữa biển và đại dương là kích thước, biển thì nhỏ hơn đại
dương. Biển thường là phần mở rộng của đại dương và là phần nối của đại dương và đất liền,
khi biển rời xa hẳn khỏi đất liền thì lúc đó người ta gọi là đại dương.
Tùy thuộc vào đặc tính của sự tiếp xúc giữa lục địa và đại dương, các biển được phân
chia thành ba nhóm:
- Các biển trong lục địa: các biển này ăn sâu vào trong lục địa, nằm ở thềm lục địa và
có độ sâu không lớn.
- Các biển rìa lục địa: các biển này được tách ra khỏi đại dương bởi các quần đảo hay
bán đảo, được nối với các đại dương trên những tuyến rộng. Các biển này được bố trí hoặc
là ở thềm lục địa với độ sâu nhỏ, hoặc là ở sườn lục địa với sự tăng nhanh đến độ sâu của
đại dương.
- Các biển giữa các lục địa: các biển này được bố trí giữa hai lục địa. Cần chú ý rằng
các biển giữa các lục địa nằm ở các vòng đai đứt gãy của vỏ Trái đất, cho nên những nét đặc
16
trưng của các biển này là sự chia cắt mạnh mẽ của đường bờ, sự chênh lệch rõ rệt của độ
sâu, hoạt động địa chấn và hoạt động núi lửa mạnh mẽ.
Như vậy, dù có nhiều cách hiểu dựa trên quan điểm tiếp cận về biển và đại dương khác
nhau nhưng nó vẫn là khối nước khổng lồ bao quanh các lục địa. Ngày nay, biển và đại
dương cung cấp cho con người một kho tàng khổng lồ về thực phẩm, khí đốt, hóa chất, vật
liệu, điều hòa môi trường, phát triển du lịch và giải trí là nền tảng để phát triển kinh tế - xã
hội và tạo dựng nền văn minh cho loài người.
1.1.2. Phạm vị không gian biển
Năm 1973, Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 3 về Luật biển (Third United Nations
Conference on the Law of the Sea) được tổ chức tại New York, với hơn 160 nước tham gia.
Cuối cùng một Công ước về luật biển hay Hiệp ước về luật biển được hình thành, sau nhiều
lần chỉnh sửa cho đến năm 1982. Kết quả là một công ước có hiệu lực từ ngày 16 tháng 11
năm 1994. Nội dung Công ước bao gồm một loạt điều khoản. Những điều khoản quan trọng
nhất quy định về việc thiết lập các giới hạn, giao thông đường biển, trạng thái biển đảo, và
các chế độ quá cảnh, các vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán thềm lục địa, khai khoáng
lòng biển sâu, chính sách khai thác, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, và dàn
xếp các tranh chấp. Công ước đặt ra giới hạn cho các khu vực, tính từ đường cơ sở (baseline)
được định nghĩa rõ ràng, bao gồm các bộ phận:
- Nội thủy
- Lãnh hải
- Vùng tiếp giáp lãnh hải
- Vùng đặc quyền kinh tế
- Thềm lục địa
Ngoài ra, còn có vùng biển quốc tế (vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của
các quốc gia ven biển). Ở vùng biển quốc tế, các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải, tự
do hàng không, đặt dây cáp và ống ngầm, đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học... nhưng phải
tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác cũng như tuân thủ các quy định có liên quan đến
công ước Luật biển năm 1982.
1.1.3. Quan niệm về vùng ven biển
Vùng ven biển (hay còn gọi là dải ven biển, đới bờ, dải ven bờ, hoặc dải bờ biển…) là
một thực thể tự nhiên hoàn chỉnh cấp hành tinh, có đặc trưng riêng về nguồn gốc phát sinh,
17
về hình thái, cấu trúc, về cơ cấu tài nguyên và quá trình phát triển, tiến hóa… Mặc dù đã
được nghiên cứu từ lâu nhưng cho đến nay, khái niệm về vùng ven biển vẫn còn chưa được
thống nhất, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học cả trong khoa học tự nhiên và trong
khoa học kinh tế. Theo các tài liệu nước ngoài, có các thuật ngữ sau:
- Nga: Vùng duyên hải
- Pháp: Vùng ven biển (Littoral hoặc Côte).
- Anh: Vùng ven biển (Coastal zone)
- Trung Quốc: Vùng diên hải hay Vùng duyên hải.
Như vậy, quan niệm việc phân định và tiêu chí để xác định ranh giới vùng ven biển
của mỗi nước cũng khác nhau. Dưới đây là một số khái niệm về vùng ven biển được chọn
lọc từ nhiều quốc gia và từng lĩnh vực khoa học cụ thể.
Trong “Từ điển bách khoa các thuật ngữ Địa lí tự nhiên (bốn thứ tiếng Nga, Anh,
Pháp, Đức)” – NXB Tiến bộ, Maxcơva 1980, vùng ven biển được định nghĩa như sau:
“Vùng ven biển là dải ranh giới giữa đất liền và biển, đặc trưng bởi sự có mặt phổ biến của
các dạng địa hình bờ biển cổ và hiện đại. Ở dạng đầy đủ hơn, bao gồm khái niệm vùng
duyên hải – là dải lục địa có các thềm biển cổ, dải bờ - nơi có các dạng bờ hiện đại, và ven
bờ biển hoặc là nơi có các dạng bờ cổ bị chìm ngập”. Định nghĩa này phù hợp với nghiên
cứu môi trường và tài nguyên thiên nhiên, nhưng hạn chế khi nghiên cứu về địa lí, nhân
khẩu học và kinh tế học, không nêu được những ảnh hưởng của biển đến các hoạt động kinh
tế biển.
Tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Nghiên cứu và quản lý vùng ven biển Việt Nam” tháng
12 năm 1992, Giáo sư Joe Baker của viện khoa học biển Autralia đã đưa ra định nghĩa: “Vùng
ven biển là vùng đất – biển kéo dài từ giới hạn phía trên của lưu vực các con sông, suối…
chảy vào biển, tới giới hạn ảnh hưởng của lục địa”. Định nghĩa này đề cập đến tương tác biển
và lục địa nhưng vẫn còn hạn chế khi nghiên cứu về các tác động kinh tế - xã hội trong quá
trình khai thác lợi thế của biển.
Trong nghiên cứu hỗ trợ cho lĩnh vực môi trường ở Việt Nam, Tổ chức bảo tồn thiên
nhiên Quốc tế IUCN cho rằng: “Việc xác định thế nào là vùng ven biển rất khó, song có thể
nói đó là vùng tính sâu vào nội địa tới điểm ảnh hưởng của thủy triều lên các con sông, suối
và các vùng đất ngập nước, hoặc tính sâu vào nội địa 10 km, tùy theo khoảng cách nào lớn
hơn”. Định nghĩa này tương đối phù hợp với hướng nghiên cứu những vấn đề về điều kiện tự
nhiên và tài nguyên vùng ven biển. Song, đối với nghiên cứu vấn đề về dân cư, kinh tế - xã
18