NHỮNG ĐIỀU KIỆN CƠ BẢN CHO VIỆC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
DỌC HÀNH LANG QUỐC LỘ 6 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
ThS. Tòng Thị Quỳnh Hương
Khoa Sử - Địa
Tóm tắt:
Vùng Tây Bắc có vị trí và ý nghĩa chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội (KT- XH), an ninh
quốc phòng của Tổ quốc. Đây là vùng địa thế hiểm trở với nhiều điều kiện khó khăn (cũng là vùng có
trình độ phát triển KT- XH lạc hậu so với các vùng khác trong cả nước), song là khu vực còn tiềm
tàng nhiều thế mạnh lâu dài cho sự phát triển, đặc biệt là tiềm năng về thủy điện. Trên địa bàn, quốc lộ
(QL 6) là tuyến giao thông huyết mạch, đang được cải tạo, nâng cấp đạt chất lượng cao hơn. QL 6
cũng đã kéo theo sự phát triển của các địa phương nó đi qua nói riêng và toàn vùng Tây Bắc nói
chung. Trên toàn tuyến, đoạn QL 6 qua Sơn La có chiều dài dài nhất với 212 km. Trong phạm vi bài
báo này sẽ khái quát những điều kiện cơ bản nhất cho việc hình thành và phát triển kinh tế dọc hành
lang QL 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đó là: sự hiện diện của QL 6; những thuận lợi về điều kiện tự
nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dân cư, lao động dọc QL 6; sự có mặt của các đô thị trung tâm và
lãnh thổ có khả năng tập trung hoạt động kinh tế dọc tuyến trục giao thông QL 6; chủ trương, định
hướng và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
1. Khái quát về lãnh thổ nghiên cứu
Quốc lộ 6 bao gồm 2 quốc lộ là QL 6 và 279, xuất phát từ Hà Đông (Hà Nội) qua thành phố Hòa
Bình tới thành phố Sơn La và kết thúc ở thành phố Điện Biên Phủ, có chiều dài 478 km, trong đó
đoạn qua vùng Tây Bắc có chiều dài 465 km, ở Sơn La QL 6 dài 212 km. Trong phạm vi bài báo này,
địa bàn nghiên cứu của hành lang đường 6 được giới hạn từ huyện Vân Hồ đến huyện Thuận Châu
cùng với vùng ảnh hưởng giữa hành lang với hai bên quốc lộ 6 (được xác định theo đơn vị hành chính
huyện, thị, thành phố) nơi có 212 km quốc lộ 6 chạy qua thuộc tỉnh Sơn La.
2. Những điều kiện cơ bản cho việc hình thành và phát triển kinh tế dọc hành lang quốc lộ 6
trên địa bàn tỉnh Sơn La
Khu vực lãnh thổ QL 6 tại Sơn La đã hội tụ tương đối đầy đủ các điều kiện cho việc hình thành
và phát triển kinh tế ở đây.
2.1. Sự hiện diện của quốc lộ 6 - trục giao thông huyết mạch của toàn tỉnh và cả vùng Tây Bắc
Quốc lộ 6 là con đường gần như độc đạo nối Hà Nội với vùng Tây Bắc rộng lớn, là tuyến đường
có ý nghĩa sống còn đối với toàn vùng cũng như các tỉnh cả về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh
quốc phòng. Tuyến đường này qua địa phận tỉnh Sơn La có chiều dài 212 km, đi qua các trung tâm
kinh tế quan trọng nhất của tỉnh như thị trấn Mộc Châu, thị trấn Cò Nòi, thị trấn Hát Lót, thành phố
Sơn La. Trong những năm qua, tuyến giao thông này không ngừng được nâng cấp cải thiện, toàn
tuyến được xây dựng mặt đường bê tông nhựa, kết cấu mặt đảm bảo yêu cầu theo cấp đường của từng
đoạn và trở thành trục giao thông - kinh tế quan trọng của vùng Tây Bắc cũng như của cả nước. Sự
thuận tiện và hiện đại về mặt giao thông ở đây là cơ sở, là tiền đề quan trọng cho việc hình thành và
phát triển kinh tế trên tuyến hành lang QL 6.
1
2.2. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dân cư, lao động dọc theo quốc lộ 6 tại Sơn La
có nhiều thuận lợi cho việc hình thành và phát triển kinh tế
Các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và dân cư, lao động của các địa phương dọc theo
QL 6 trong tỉnh tương đối đa dạng và phong phú. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên khá
thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, quy mô dân số khá đông, nguồn lao động dồi
dào và đang từng bước được nâng cao trình độ cũng là tiền đề quan trọng đối với sự hình thành và
phát triển kinh tế dọc QL 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
- Địa hình
Đặc trưng nổi bật của địa hình ven QL6 tại tỉnh Sơn La là địa hình núi trung bình, sắp xếp theo
hướng thấp dần từ Tây bắc đến Đông nam, gồm những dãy núi chạy dài xen kẽ những thung lũng hẹp
và những cao nguyên khá rộng. Trong đó địa hình cao nguyên và thung lũng có vai trò quan trọng cho
phát triển KT-XH.
Dọc địa bàn nghiên cứu có hai cao nguyên quan trọng: cao nguyên Mộc Châu và Sơn La. Cao
nguyên Sơn La có địa hình thấp hẳn xuống, độ cao trung bình chỉ 600m, bề mặt rộng lớn hơn, dài
90km, rộng 20km, có quang cảnh trù phú. Sườn Bắc ngả xuống sông Đà thành ruộng bậc thang, nơi
cư trú của đồng bào Thái, phía Đông Nam là những rặng núi dọc theo sông Mã. Cao nguyên Mộc
Châu có địa thế cao hơn, kém bằng phẳng hơn, gồm các dải núi đá song song cao 1200-1400m, giới
hạn ngoài rìa bởi những hành lang phẳng ở độ cao 400-500m. Các cao nguyên rộng lớn có nhiều thế
mạnh để phát triển kinh tế, nhất là chăn nuôi và trồng cây công nghiệp.
Địa hình thung lũng, trũng giữa và lòng chảo với sự xuất hiện của đất phù sa sông, suối và đất
thung lũng dốc tụ. Đây là dạng địa hình tương đối phẳng, thuận lợi cho sản xuất và cư trú, là các điểm
đô thị của tỉnh.
- Khí hậu
Do ảnh hưởng của vị trí địa lí và độ cao địa hình nên Sơn La thuộc miền khí hậu phía Bắc - khí
hậu nhiệt đới gió mùa chí tuyến, song có những nét đặc thù. Nhờ tác dụng chắn gió mùa đông bắc của
dãy Hoàng Liên Sơn nên ảnh hưởng trực tiếp của các front cực đới đến khu vực này đã suy yếu đi rất
nhiều. Vì vậy, đặc điểm quan trọng nhất của khí hậu Sơn La là có một mùa đông tương đối ấm và suốt
mùa đông duy trì tình trạng khô hanh điển hình của khí hậu gió mùa. Đây là điều kiện thuận lợi để các
địa phương phát triển một cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng mang tính chất nhiệt đới.
- Đất đai
Phần lớn đất đai của các địa phương phát triển trên vùng đá vôi, một số ít phát triển trên đá sa
thạch và phiến thạch. Ven sông suối có đất phù sa. Đặc điểm chung là tầng đất khá dày (đất có độ dày
từ 50 cm trở lên chiếm 69,6% và dưới 50 cm chiếm 30,4%), thấm nước tốt, tỉ lệ đạm và lân trong đất
cao. Đất chủ yếu có độ dốc cao > 25 0. Tuy nhiên trong địa bàn nghiên cứu lại có 2 cao nguyên tương
đối bằng phẳng, các cao nguyên này là nơi phân bố các loại đất có độ phì cao, tầng đất dày mang lại
ưu thế phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá với quy mô tập trung (phát triển cây công nghiệp, cây
ăn quả... và phát triển đàn gia súc ăn cỏ nhất là bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu).
2
Trong cơ cấu sử dụng đất của các huyện thì đất lâm nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất, khoảng 55%
diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất nông nghiệp còn khá thấp, gần 15%. Diện tích đất chuyên dùng và
thổ cư rất thấp, chưa tới 5%. Đất chưa sử dụng mặc dù tỉ lệ có giảm đi trong thời gian qua nhưng còn
khá lớn, nguyên nhân là do chưa được khai thác và chuyển sang đất lâm nghiệp và nông nghiệp.
- Thủy văn
Các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ thuộc địa bàn nghiên cứu nằm trong lưu
vực của hệ thống sông Đà. Sông Đà bắt nguồn từ huyện Cảnh Dương (Vân Nam, Trung Quốc), dài
983 km, chảy qua địa phận tỉnh Sơn La 239 km. Ngoài ra còn có rất nhiều các con suối lớn nhỏ khác
nhau đã tạo ra cho Sơn La có mạng lưới sông suối dày đặc (1,2-1,8 km/km 2) song phân bố không đều
giữa các vùng, vùng núi đá vôi Mộc Châu mật độ thấp hơn, chỉ 0,5km/km 2. Ngoài hệ thống sông suối,
địa bàn còn có nhiều hồ thuỷ điện vừa và nhỏ, nhiều hồ chứa như hồ bản Mòng, hồ Tiền Phong… đây
là nguồn nước quan trọng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, nhất là trong mùa khô.
Bên cạnh nguồn nước mặt, nước ngầm của các địa phương cũng khá phong phú, theo kết quả
nghiên cứu, điều tra địa tầng thì nguồn nước ngầm trong tỉnh tập trung theo quốc lộ 6 từ Thuận Châu
đến Vân Hồ, tồn tại ở 2 dạng chủ yếu là: nước ngầm chứa trong các kẽ nứt của đá, thường xuất lộ ra
ngoài tạo thành dòng chảy (mó nước), thấy ở Yên Châu, Mộc Châu và nguồn nước ngầm karst.
- Sinh vật
Phần lớn rừng hiện nay ở đây đều là rừng thứ sinh đã bị tác động mạnh, rừng thuộc các kiểu rừng
kín lá rộng thường xanh nhiệt đới, rừng lá rộng hỗn giao thường xanh và rừng lá rộng nhiệt đới. Các
loài thực vật quan trọng là: táu, chò, thông, dẻ, de, dầu, mộc lan, đỗ quyên… Trong rừng có các loài
động vật chủ yếu như: nai, hoẵng, cheo, sơn dương, công, trĩ… Dọc QL 6 còn tồn tại nhiều hệ sinh
thái điển hình, có giá trị phục vụ du lịch cao: Hang Kia – Pà Cò, khu rừng già Pa Cô (Mộc Châu), Cò
Mạ (Thuận Châu)…
- Khoáng sản
Do đặc điểm địa chất đa dạng và phức tạp nên Sơn La rất phong phú loại hình khoáng sản, song
đa số các điểm quặng đều có trữ lượng nhỏ nhưng cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của địa
phương và là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp.
Các khoáng sản chủ yếu gồm: sắt là khoáng sản phổ biến nhất trên địa bàn tỉnh, có ở Mường Bon
(Mai Sơn); đồng có ở Vạn Sài, Cò Muông (Yên Châu), bôxit có ở Nữ Cò, Chiềng Đen (thành phố Sơn
La). Về khoáng sản năng lượng, đáng chú ý nhất là than, mỏ than lớn nhất là mỏ Suối Bàng (Mộc
Châu) có trữ lượng 2,4 triệu tấn, ngoài ra còn có ở Mường Lúm (Yên Châu). Sơn La cũng có nguồn
nước khoáng phong phú ở bản Mòng (thành phố Sơn La), Phu Mao (Mộc Châu). Nguồn đá vôi và sét
của các địa phương có trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp và đang được khai thác.
b) Dân cư và lao động
- Dân số
Sơn La là một tỉnh có dân số đông, với 1134,3 nghìn người năm 2012, đứng thứ 4 trong 14 tỉnh
của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, mật độ trung bình 80 người/km 2, trong đó dân số đô thị chiếm
khoảng 15%. So với năm 2000, dân số Sơn La năm 2012 tăng gấp gần 1,3 lần. Bình quân giai đoạn
2006-2012 tỉ lệ gia tăng dân số trung bình là 1,5%/ năm, thấp hơn so với giai đoạn năm 2000 - 2006 là
3
1,71%/ năm. Chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La đã góp
phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ gia tăng dân số trong những năm gần đây.
So với toàn tỉnh, năm 2012, địa bàn nghiên cứu có số dân là 635,7 nghìn người, chiếm 56% tổng
số dân của tỉnh, có diện tích 6216,5 km2, chiếm 43,9% diện tích của tỉnh, có mật độ 102 người/km2.
Các huyện dọc QL 6 tại Sơn La hầu hết đều là các địa phương có số dân đông nhất của tỉnh: Mộc
Châu (161,3 nghìn người), Thuận Châu (159,3 nghìn người), Mai Sơn (146,6 nghìn người). Riêng 3
huyện này đã chiếm 73,2% dân số dọc hành lang và 41% dân số toàn tỉnh.
- Dân tộc
Tỉnh Sơn La nói chung và địa bàn nghiên cứu nói riêng là địa bàn cư trú lâu đời của nhiều dân
tộc, trong đó tiêu biểu là dân tộc Thái, Mường, Dao, H’mông, Xinh mun, Tày…
Sự phân bố các dân tộc dọc QL6 có một số đặc điểm sau:
Cơ cấu thành phần dân tộc trong vùng có nhiều biến đổi theo thời gian, nhất là từ sau Cách mạng
tháng 8 đến nay. Trước đây vùng này chủ yếu là người Thái, H’mông, nên đã có một thời thành lập
“khu tự trị Thái – Mèo”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một bộ phận quân đội giải ngũ ở lại làm kinh
tế và tiếp theo là đồng bào miền xuôi (nhất là đồng bào Thái Bình) được điều động lên xây dựng kinh
tế mới, cộng với lực lượng kỹ thuật (giáo viên, y bác sĩ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật…) được bổ sung
hàng năm đã làm cho thành phần dân tộc trong vùng có sự thay đổi cơ bản, góp phần to lớn vào việc
mở mang dân trí, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa bàn dọc QL6 nói riêng và Tỉnh Sơn La cũng
như vùng Tây Bắc nói chung.
Sự phân bố các dân tộc cũng có sự khác biệt rõ rệt trong phạm vi từng khu vực, từng huyện. Sơn
La có khoảng 16 dân tộc song số lượng các dân tộc cũng khác nhau trong nội bộ từng huyện: Mộc
Châu có 7 dân tộc, các huyện khác từ 4 - 5 dân tộc.
Một điểm đáng lưu ý là các dân tộc Thái, Mường phân bố ở hầu khắp các tỉnh trong vùng, các
dân tộc còn lại chỉ cư trú trên từng vùng lãnh thổ nhất định.
- Lao động
Dân số trong độ tuổi lao động năm 2012 trên 665 nghìn người, chiếm 61% dân số. Lao động đang
làm việc khoảng 600 nghìn người. Đây là nguồn lao động dồi dào để triển khai các hoạt động kinh tế.
Trong cơ cấu lao động đang hoạt động, lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm một tỉ lệ khá lớn, gần
85%, công nghiệp – xây dựng chỉ có khoảng 3%, còn lại là dịch vụ.
Lao động nhìn chung chất lượng còn thấp, nhất là đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu xa.
Năm 2012, lao động đã qua đào tạo chuyên môn kĩ thuật chỉ chiếm khoảng 10%, tỉ lệ thất nghiệp
thành thị là 4%. Tuy vậy trong những năm qua ở Sơn La lực lượng lao động có trình độ thâm canh sản
xuất cao ngày một nhiều, nhất là các vùng thấp, ven các trục đường giao thông do sớm tiếp cận các
thông tin và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
→ Nhìn chung, địa bàn nghiên cứu có nhiều thuận lợi cả về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên
nhiên cũng như dân cư, lao động cho việc cư trú và sản xuất, có ưu thế đặc biệt để chăn nuôi đại gia
súc, nhất là bò thịt và bò sữa cao sản, phát triển cây công nghiệp như chè, cây lấy dầu (trẩu, thầu dầu
ve) và cây dược liệu.
4
2.3. Sự hiện diện của các đô thị trung tâm và lãnh thổ có khả năng tập trung hoạt động kinh tế dọc
tuyến trục giao thông quốc lộ 6
QL 6 là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Việc
phát huy các nguồn lực phát triển kinh tế, tận dụng các điều kiện trong và ngoài nước đã góp phần
hình thành các đô thị, các trung tâm thương mại, dịch vụ lớn tập trung trên địa bàn các huyện và tỉnh
có tuyến QL 6 đi qua như: thành phố Sơn La với cụm công nghiệp thành phố Sơn La và vùng phụ cận,
thị trấn Mộc Châu với cụm công nghiệp Mộc Châu, ngoài ra còn có các điểm công nghiệp đang được
hình thành ở các thị trấn Thuận Châu, Mai Sơn và dọc QL 6.
Thành phố Sơn La nằm trên cao nguyên Sơn La, là thủ phủ của “Khu tự trị Thái - Mèo” trước
đây. Đây là tỉnh lị, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và chùm đô thị Sơn La sẽ là cực tăng
trưởng với trung tâm công nghiệp thủy điện, du lịch sinh thái nhân văn và là đầu mối giao lưu toàn
vùng Tây Bắc.
Thị trấn Mộc Châu nằm trên cao nguyên cùng tên, là trung tâm kinh tế của các huyện phía Nam
tỉnh Sơn La, có thế mạnh về chăn nuôi, cây công nghiệp, cây ăn quả và công nghiệp chế biến nông –
lâm sản, cung cấp thực phẩm cao cấp cho nội vùng và ngoài vùng.
2.4. Chủ trương, định hướng và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết định tạo điều kiện nền tảng, cơ sở
cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.
Ngay từ những năm 90 của thế kỉ XX, nhận thức được vai trò của QL 6 với vùng Tây Bắc, Đảng
và Nhà nước đã đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều đoạn đường trên tuyến quốc lộ này để
tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước. Năm
2013, trong Quyết định số 356/QĐ-TTg về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch và phát triển giao
thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính
phủ cũng đã đề xuất nâng cấp tuyến QL 6, kéo tuyến quốc lộ này chạy từ Hà Đông (Hà Nội) đến
Mường Lay (Lai Châu), dài 512 km, nâng cấp đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đạt tiêu chuẩn đường cấp
II, 4 làn xe; đoạn tránh thành phố Hòa Bình đạt tiêu chuẩn đường cấp II đến cấp I, 4 - 6 làn xe; các
đoạn còn lại đạt tối thiểu tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe. Như vậy, tuyến QL 6 sẽ ngày càng hiện
đại và thuận tiện hơn cho việc thông thương và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã
hội của các địa phương mà nó đi qua.
3. Kết luận
Quốc lộ 6 là tuyến giao thông huyết mạch, là con đường độc đạo nối vùng Tây Bắc xa xôi, giàu
tài nguyên với vùng đồng bằng sông Hồng. Việc nâng cấp ngày càng hiện đại QL 6 cùng với việc
thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á – đi vào hoạt động đã tạo đà và kéo
theo sự phát triển kinh tế, xã hội của những địa phương có QL 6 đi qua. QL 6 tại tỉnh Sơn La có chiều
dài dài nhất với 212 km, đi qua 6 huyện, thành phố là huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn,
thành phố Sơn La và huyện Thuận Châu. Các địa phương này hội tụ khá đầy đủ các điều kiện cho việc
hình thành và phát triển kinh tế, đó là sự hiện diện của QL 6; những thuận lợi về điều kiện tự nhiên,
tài nguyên thiên nhiên và dân cư, lao động dọc QL 6; sự có mặt của các đô thị trung tâm và lãnh thổ
có khả năng tập trung hoạt động kinh tế dọc tuyến trục giao thông QL 6; chủ trương, định hướng và sự
5
quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, dọc theo tuyến quốc lộ này, các hoạt động kinh tế
phát triển sôi động và khởi sắc, tạo nên vùng kinh tế dọc hành lang quốc lộ 6 – vùng kinh tế năng
động nhất của tỉnh Sơn La.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tòng Thị Quỳnh Hương, 2009. Tiềm năng và thực trạng phát triển kinh tế dọc hành lang
quốc lộ 6. Khóa luận tốt nghiệp – Trường ĐHSP Hà Nội.
[2] Tòng Thị Quỳnh Hương, 2011. Phát triển nông – lâm – thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 20002009. Luận văn cao học – Trường ĐHSP Hà Nội.
[3] PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ (Chủ biên), 2009. Địa lí các vùng kinh tế Việt Nam. NXB Giáo
dục Việt Nam.
[4] PGS.TS Lê Thông (Chủ biên), 2009. Địa lí các tỉnh và thành phố Việt Nam (tập 3). NXB GD.
[5] PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ (Chủ biên), 2011. Địa lí dịch vụ (tập 1). NXB Đại học Sư phạm.
[6] GS.TS Lê Thông (Chủ biên), 2011. Địa lí kinh tế - xã hội Việt Nam. NXB Đại học Sư phạm.
BASIC CONDITIONS FOR THE FORMATION AND ECONOMIC DEVELOPMENT
CORRIDOR ALONG HIGHWAY 6 IN SON LA PROVINCE
Abstract:
Northwest is located and important strategic significance of economic, social, security and
defense of the Fatherland. This is rugged terrain with difficult conditions (as well as the level of socioeconomic development lags behind other regions in the country), but the region is still much potential
for long-term strength development, especially hydropower potential. In the area, Highway 6 is a
major transportation routes, are being renovated and upgraded to higher quality. Highway 6 has also
led to the development of local it goes through and throughout the North West in general. Across the
line, the national highway 6 through Son La has the longest length to 212 km. Within the scope of this
article outlines the most basic conditions for the formation and economic development corridor along
Highway 6 in Son La province. That is: the presence of Highway 6; the favorable natural conditions,
natural resources and population, labor along Highway 6; the presence of the urban center and has the
ability territory concentration of economic activity along the national Highway Traffic axis 6; policy,
orientation and direction of interest and the State Party.
Tác giả: ThS. Tòng Thị Quỳnh Hương
Khoa Sử - Địa
Sđt: 0917.886.185
Email:
6