Vấn đề 8: Bằng những kiến thức đã học và sự hiểu biết thực tiễn. Đồng chí hãy trình
bày ý kiến của mình về vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta trong
giai đoạn hiện nay.
BÀI LÀM
1- Khái niệm hệ thống pháp luật, hệ thống cấu trúc (bên trong) và hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật (bên ngoài), các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Hệ thống PL XHCN là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau,
được quy định thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản
quy phạm PL do nhà nước ban hành theo những trình tự, thủ tục và hình thức nhất định.
Theo định nghĩa trên, hệ thống PL chính là khái niệm gồm hai mặt trong chỉnh thể thống nhất
là hệ thống cấu trúc (cơ cấu bên trong) và hệ thống văn bản quy phạm PL (hình thức biểu hiện
bên ngoài của PL).
- Hệ thống cấu trúc của PL: là tổng thể các quy phạm PL có mối liên hệ nội tại thống nhất với
nhau, được phân chia thành các chế định PL và các ngành luật. Hệ thống cấu trúc có ba cấp độ:
quy phạm PL, chế định PL và ngành luật.
Quy phạm PL là thành tố nhỏ nhất (tế bào) trong hệ thống cấu trúc của PL. Nó cấu thành chế
định PL, các ngành luật và cả hệ thống PL. Như vậy, quy phạm PL không tồn tại với tư cách như
bộ phận độc lập trong hệ thống PL. Nó có tính khát quát (vì là quy tắc xử sự chung được áp
dụng trên diện rộng và trong thời gian dài), vừa có tính cụ thể (vì là chuẩn mực để áp dụng vào
trường hợp cụ thể được dự liệu bằng phương pháp trừu tượng hóa); nội dung quy phạm PL luôn
phải đảm bảo chính xác một nghĩa dù quy phạm được diễn đạt ngắn gọn.
Chế định PL: là một nhóm các quy phạm PL điều chỉnh quan hệ XH có những đặc điểm
chung và có quan hệ mật thiết với nhau thuộc cùng một loại quan hệ XH do một ngành luật điều
chỉnh.
Ngành luật: là tổng thể các các quy phạm PL điều chỉnh một loại quan hệ XH có cùng tính
chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống XH. Việc phân định các ngành luật phải dựa trên
hai căn cứ: đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh. Việc xác định cơ cấu các ngành
luật là yêu cầu khách quan, cần thiết, không xây dựng cơ cấu ngành luật thì khó có thể xây dựng
hệ thống PL hoàn chỉnh.
- Hệ thống văn bản quy phạm PL: là hệ thống được hình thành bởi sự liên kết các văn bản
quy phạm PL thành một chỉnh thể thống nhất, toàn diện và ổn định, cụ thể, chặt chẽ, trên cơ sở
sự phân công và phân cấp hợp lý về thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn
bản và hệ thống hóa PL.
Khi xem xét hệ thống văn bản quy phạm PL phải đồng thời đứng trên cả hai góc độ: Xét theo
chiều ngang, hệ thống văn bản quy phạm PL phù hợp với cấu trúc của PL và xét theo chiều dọc,
hệ thống văn bản quy phạm PL mang tính thứ bậc: Hiến pháp, đạo luật, nghị quyết do Quốc Hội
ban hành; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch
nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; quyết
định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; nghị quyết của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; quyết định, chỉ thị, thông tư của Chánh án Toà án nhân
dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội; Nghị quyết của HĐND các cấp
và quyết định, chỉ thị của UBND các cấp. Như vậy, trong hệ thống văn bản quy phạm PL, Hiến
pháp có giá trị pháp lí cao nhất, sau đó đến các đạo luật rồi mới đến các văn bản quy phạm PL
dưới luật.
Có thể diễn tả hệ thống PL như cái hình tháp, trong đó chân tháp là đời sống XH với những
quan hệ XH đa dạng, đòi hỏi phải có nhiều loại, nhiều nhóm quy phạm điều chỉnh. Đáp ứng nhu
cầu đó, một hệ thống PL được hình thành mà các quy phạm PL điều chỉnh những loại quan hệ
XH tạo thành cơ cấu nội dung (trải theo chiều ngang) còn chiều cao của tháp là hệ thống văn bản
PL với các thang bậc giá trị khác nhau. Toàn bộ khối tháp ấy dựa trên cơ sở XH nhằm mục đích
trở lại điều chỉnh các quan hệ XH để thiết lập trật tự PL với cơ chế điều chỉnh phù hợp.
Pháp luật XHCN thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phù hợp với các
quan hệ kinh tế – xã hội khách quan có sự thống nhất hài hòa bên trong không mâu thuẫn, chồng
chéo và phủ định lẫn nhau, trên cơ sở phản ánh lợi ích giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
- Hệ thống PL nước ta hiện nay có 12 ngành luật cơ bản sau:
Ngành Luật Nhà nước (luật Hiến pháp): Là tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ
cơ bản phát sinh trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân trên các lĩnh vực cơ bản của đời
sống XH: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước,
mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Luật Nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ chế độ nhà nước,
chế độ XHCN, thực hiện dân chủ XHCN. Là ngành luật chủ đạo trong hệ thống PL, nó điều chỉnh
những quan hệ XH quan trọng nhất của quốc gia, tất cả các ngành luật khác đều được hình
thành trên cơ sở những nguyên tắc của luật Nhà nước. Phương pháp điều chỉnh của Luật Nhà
nước là mang tính tổng hợp, phù hợp với các chế định cụ thể của nó, nhưng nói chung phương
pháp mệnh lệnh - quyền uy là chủ đạo. Nguồn cơ bản của Luật Nhà nước là Hiến pháp.
Ngành Luật Hành chính: Là ngành luật điều chỉnh các quan hệ XH phát sinh trong hoạt động
quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống XH. Phương pháp điều chỉnh chủ
yếu của Luật Hành chính là phương pháp mệnh lệnh, xuất phát từ tính chất không bình đẳng
trong quan hệ pháp luật hành chính.
Ngành Luật Tài chính: Là tổng hợp các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ XH phát sinh
trong lĩnh vực hoạt động tài chính của Nhà nước. Đó là hoạt động xây dựng, phê chuẩn phân bố,
sử dụng thu – chi ngân sách Nhà nước; hoạt động tín dụng. Phương pháp điều chỉnh chủ yếu là
phương pháp mệnh lệnh.
Ngành Luật Đất đai: Là tổng hợp các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ XH hình thành
trong lĩnh vực quản lí, sử dụng và bảo vệ đất đai; quy định quyền hạn và trách nhiệm của Nhà
nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lí theo quy hoạch và kế hoạch
chung, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Nguồn chủ yếu của Luật Đất đai là Hiến pháp.
Phương pháp điều chỉnh chủ yếu là kết hợp phương pháp mệnh lệnh với khuyến khích động
viên.
Ngành Luật Lao động: Là tổng hợp các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ XH phát sinh
giữa người lao động và người sử dụng lao động (cá nhân hoặc tổ chức) và các quan hệ phát
sinh từ quan hệ lao động như quan hệ giữa tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động trong
lĩnh vực đời sống và lao động của người lao động, quan hệ về bồi thường thiệt hại, về bảo hiểm
xã hội và giải quyết tranh chấp lao động. Hiện nay, Nhà nứơc ta ban hành Bộ luật Lao động để
điều chỉnh các quan hệ lao động phù hợp với quan hệ kinh tế hàng hoá nhiều thành phần hoạt
động theo cơ chế thị trường và sự bình đẳng trước pháp luật giữa các thành phần kinh tế, và
nhằm để bảo vệ quyền lợi của người lao động Việt Nam.
Ngành Luật Hôn nhân và gia đình: Là tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh những quan hệ
nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh do sự kiện kết hôn và nhận nuôi con nuôi như: các điều
kiện, thủ tục kết hôn, ly hôn, nhận nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ và quan hệ tài sản giữa vợ và
chồng, cha mẹ và các con nhằm mục đích đảm bảo chế độ hôn nhân tự do, tiến bộ, một vợ một
chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ lợi ích bà mẹ và trẻ em, chăm
sóc và giáo dục con cái.
Ngành Luật Kinh tế: Là tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh
trong quá trình các cơ quan quản lý nhà nước quản lý các hoạt động kinh tế và các quan hệ giữa
các đơn vị kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện
nay, vấn đề xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế, luật kinh tế đang là nhiệm vụ cấp bách của nhà
nước ta. Phương pháp điều chỉnh là phương pháp thoả thuận và mệnh lệnh.
Ngành Luật Hình sự: Là tổng thể các quy phạm PL xác định những hành vi nào nguy hiểm
cho XH bị coi là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với các tội phạm ấy. Luật Hình sự có
nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, hệ thống kinh tế, chính trị, bảo vệ các quyền và tự do của công
dân. Nguồn cơ bản của Luật Hình sự là Hiến pháp và Bộ luật Hình sự hiện hành. Luật Hình sự là
phương pháp quyền lực để điều chỉnh.
Ngành Luật Dân sự: Là tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính
chất hàng hóa - tiền tệ và một số quan hệ nhân thân phi tài sản như danh dự, quyền phát minh,
sáng chế, quyền tác giả … Phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự là bình đẳng, thỏa thuận
giữa các chủ thể.
Ngành Luật Tố tụng dân sự: Là tổng thể các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ tố tụng
trong quá trình điều tra và giải quyết các vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà
nước, tập thể và công dân; bảo vệ pháp chế XHCN. Phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật
này là tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, trách nhiệm hòa giải của tòa án trên tinh thần
dân chủ, đoàn kết nhằm giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Ngành Luật Tố tụng hình sự: Là tổng thể các quy phạm PL, quy định các nguyên tắc, điều
kiện, thủ tục giải quyết một vụ án hình sự, từ việc khởi tố, điều tra, kiểm sát và xét xử các vụ án
hình sự, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hình sự. Luật Tố tụng hình sự có
nhiệm vụ bảo đảm nhanh chóng phát hiện tội phạm, điều tra chính xác và xét xử nghiêm minh,
bảo đảm các quyền cơ bản của công dân. Luật Tố tụng hình sự thể hiện rõ các nguyên tắc dân
chủ, pháp chế và nhân đạo.
Luật Quốc tế: là một hệ thống các quy phạm PL được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa
các quốc gia có chủ quyền và chủ thể của luật quốc tế thể hiện ý chí chung giữa các quốc gia đó.
Đương nhiên, ý chí đó luôn luôn gắn với lợi ích của giai cấp cầm quyền ở mỗi nước. Vì vậy, có
thể coi những văn bản PL quốc tế được nhà nước tham gia hay ký kết hoặc công nhận là một bộ
phận của hệ thống PL nước ta. Luật quốc tế được chia thành công pháp và tư pháp quốc tế.
2/ Thực trạng hệ thống pháp luật nước ta hiện nay
Trong những năm qua, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống PL, tạo
điều kiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển
văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng
thời không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế. Pháp luật đã trở thành
công cụ chủ yếu để quản lý nhà nước và XH. Nguyên tắc pháp quyền từng bước được đề cao và
phát huy hiệu quả trên thực tế.
Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống PL nước ta vẫn chưa đáp ứng các đòi hỏi của công cuộc xây
dựng và phát triển của đất nước, còn bộ lộ nhiều yếu kém: Hệ thống PL nước ta còn chưa đầy
đủ, chưa đồng bộ, thiếu toàn diện. Nhiều lĩnh vực của đời sống XH chưa có luật điều chỉnh, ngay
trong lĩnh vực kinh tế còn thiếu rất nhiều luật như: Luật về cạnh tranh, Luật kiểm toán nhà nước,
Luật về đấu thầu, Luật về chống bán phá giá … Hơn nữa các luật đã ban hành còn thiếu độ minh
bạch, thiếu ổn định, nhiều quy định không trực tiếp điều chỉnh được các quan hệ XH mà phải chờ
đợi văn bản hướng dẫn mới đi vào cuộc sống nên kém hiệu lực, hiệu quả. Một số điều ước mà
Nhà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập chưa được quan tâm đúng mức để tổ chức thực hiện và
nội luật hóa kịp thời.
3/ Vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật: tập hợp hóa, pháp điển hóa và
xây dựng pháp luật theo các tiêu chí: tính toàn diện, tính đồng bộ, tính phù hợp và trình
độ kỹ thuật pháp lý cao.
Xây dựng pháp luật là nhằm tạo nên một mối hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, làm
cơ sở pháp lý để Nhà nước quản lý mọi mặt về đời sống xã hội. Trong công tác xây dựng pháp
luật phải đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản sau:
+ Nguyên tắc bảo đảm và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: Trong xây dựng
pháp luật phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng nhằm làm cho pháp luật được thể chế hoá kịp
thời và chính xác đường lối, chính sách của Đảng. Đồng thời sự lãnh đạo của Đảng trong xây
dựng pháp luật thực hiện thông qua tổ chức các Đảng và Đảng viên trong các cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật.
+ Nguyên tắc khách quan: Pháp luật là một phạm trù chủ quan phản ánh hiện thực khách
quan. Pháp luật có phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan thì mới địều chỉnh được các quan
hệ xã hội, mới được xã hội chấp nhận.
+ Nguyên tắc dân chủ XHCN: Pháp luật XHCN về bản chất thể hiện ý chí của GCCN và
NDLĐ. Nguyên tắc này thể hiện ở sự tham gia của nhân dân lao động và tổ chức chính trị xã hội
vào hoạt động xây dựng pháp luật nhằm mục đích tránh chủ quan duy ý chí, đồng thời là tác
dụng tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhân dân, thực hiện khẩu hiệu “dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra”
+ Nguyên tắc pháp chế XHCN: Các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL phải
thực hiện nghiêm chỉnh về nội dung và hình thức văn bản cũng như phải tuân thủ trình tự, thủ tục
ban hành văn bản. Văn bản QPPL ban hành phải phù hợp Hiến pháp; văn bản cấp dưới phải phù
hợp, không trái với văn bản cấp trên.
Hệ thống hoá hệ thống pháp luật: là công tác có ý nghĩa rất quan trọng đối với xây dựng pháp
luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá tổng
quát đối với pháp luật hiện hành, phát hiện những điểm không phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo
và những lổ hổng của sự điều chỉnh pháp luật, từ đó có biện pháp khắc phục hoàn thiện. Có hai
hình thức hệ thống hoá pháp luật: tập hợp hoá và pháp điển hoá.
Tập hợp hóa: là sắp xếp các văn bản QPPL kể cả các QPPL riêng biệt theo những căn cứ
nhất định. Tập hợp hoá tuy không làm thay đổi nội dung văn bản, không sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ
văn bản hoặc các quy định trong văn bản song sẽ góp phần kiện toàn hệ thống văn bản, chỉnh lý
thiếu sót trong in ấn, loại bỏ những quy phạm đã hết hiệu lực hoặc mâu thuẫn với văn bản cấp
trên. Thực tế, việc tập hợp hóa theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước không chỉ giúp cho việc
áp dụng pháp luật thuận tiện mà còn thực hiện sự sắp xếp lại hệ thốnt văn bản hợp lý, qua đó
giúp nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền nhìn nhận đánh giá chính xác thực trạng hệ thống
PL, tạo cơ sở cho việc lập chương trình xây dựng PL.
Pháp điển hoá: là phương pháp xây dựng PL được thực hiện trên cơ sở tập hợp và xử lý các
văn bản quy phạm PL do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành. Pháp điển hóa cho phép
loại bỏ những văn bản, những điều khoản lỗi thời, mâu thuẫn, sửa đổi cho phù hợp, bổ sung quy
phạm mới, thực hiện sự sắp xếp, liên kết các quy phạm lại theo một trật tự nhất quán, chặt chẽ.
Kết quả của nó là sự ra đời các văn bản QPPL mới có hiệu lực pháp lý cao hơn, hoàn thiện hơn
cả về phạm vi, phương pháp điều chỉnh và chất lượng kỹ thuật lập pháp. Thực tế, việc xây dựng
các luật, bộ luật có đối tượng điều chỉnh của một chế định hay ngành luật thường được thực hiện
bằng phương pháp pháp điển hóa. Như thế, pháp điển hóa là hoạt động lập pháp tiên tiến bởi nó
bảo đảm tính kế thừa, phát triển liên tục của hệ thống văn bản, tạo ra sự hài hòa, tương đồng
giữa PL thực định với các yếu tố của hệ thống cấu trúc (hình thức bên trong), vừa làm giản lược
số lượng văn bản, vừa tăng sự hiện diện của các đạo luật và do đó, làm tăng uy tín, hiệu lực điều
chỉnh của PL. Như vậy, tăng cường pháp điển hóa cũng có thể được xem là định hướng phát
triển của xây dựng PL phù hợp với đặc trưng phổ quát về địa vị tối cao của luật trong nhà nước
PL.
- Hoàn thiện hệ thống PL nước ta:
Trong hai mươi năm đổi mới, xây dựng PL ở nước ta đã trở thành hình thức hoạt động cơ
bản của Nhà nước, được đẩy mạnh ở cả ba cấp độ: lập pháp, lập quy của cơ quan nhà nước
Trung ương và cấp độ lập quy của chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương. Năng lực lập pháp, lập quy của Quốc Hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ngày càng được
nâng cao, những cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng được hoàn
thiện và sự lãnh đạo của Đảng, mối quan tâm của toàn XH đối với xây dựng PL ngày càng được
tăng cường, coi trọng. Đại hội IX của Đảng Cộng sản VN tiếp tục chủ trương xây dựng và hoàn
thiện hệ thống PL, theo định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân; xác định cụ thể các lĩnh vực KT-XH, tổ chức và quản lý nhà cần có luật
điều chỉnh.
Hoàn thiện hệ thống PL phải theo hướng đảm bảo những tiêu chuẩn cơ bản sau:.
Tính toàn diện: Hệ thống PL pảhi có đủ các ngành luật theo cơ cấu, nội dung logic và thể hiện
sự thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm PL. Mỗi ngành luật phải có đủ chế định PL và
các quy phạm PL, nhằm điều chỉnh các quan hệ XH trong phạm vi ngành luật điều chỉnh.
Tính đồng bộ: thể hiện ở sự thống nhất; không mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo giữa các
ngành luật với nhau. Phải xác định rõ ranh giới của các ngành luật. Phải tạo ra được một hệ
thống pháp luật cân bằng để tạo cơ sở tính thống nhất của toàn hệ thống PL. Tính đồng bộ còn
thể hiện sự thống nhất, không mâu thuẫn, không trùng lặp, không chồng chéo trong một ngành
luật và chế định PL và giữa các quy phạm PL với nhau.
Tính phù hợp: thể hiện sự tương quan giữa trình độ của hệ thống PL với trình độ phát triển
KT-XH, nó không thể cao hơn hoặc thấp hơn trình độ phát triển đó. Phải giải quyết tốt mối quan
hệ giữa PL với kinh tế, chính trị, đạo đức, tập quán, truyền thống và các quy phạm XH khác.
Một hệ thống PL hoàn thiện phải được xây dựng ở trình độ kỹ thuật pháp lý cao. Kỹ thuật
pháp lý thể hiện ở những nguyên tắc tối ưu được vạch ra để áp dụng trong quá trình xây dựng
và hoàn thiện PL. Trình độ kỹ thuật pháp lý thể hiện ở việc xác định chính xác cơ cấu của PL.
Cách diễn đạt bằng ngôn ngữ pháp lý phải bảo đảm tính cô đọng, chính xác và một nghĩa.
IV/ KẾT LUẬN :
Ở bất cứ một nền kinh tế nào cũng phải có vai trò của Nhà nước và sự đảm bảo bằng pháp
luật. Ở nước ta, trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định
hướng XHCN thì pháp chế và trật tư pháp luật có vai trò qua trọng trong việc tổ chức, điều hành
kinh tế, trong việc bảo vệ và củng cố chế độ XHCN, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân, thực hiện công bằng xã hội và củng cố cơ sở pháp luật của đời sống xã hội.
Đặc biệt nước ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì không thể không
tiếp tục xây dựng Nhà nước, hoàn chỉnh pháp luật và tăng cường pháp chế XHCN để hướng dẫn
và giúp đỡ nền kinh tế thị trường phát huy tích cực và khắc phục hạn chế vốn của nó. Đồng thời,
việc xây dựng nền dân chủ ở nước ta cũng không thể tách rời việc tăng cường pháp chế, các
quyền và lợi ích của công dân cũng như những thể chế dân chủ khác mới trở thành thực tế của
đời sống