Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Hợp đồng vay tài sản qua thực tiễn giải quyết tranh chấp tại TAND quận hai bà trưng – thành phố hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (298.33 KB, 5 trang )

Hợp đồng vay tài sản qua thực tiễn giải quyết
tranh chấp tại TAND quận Hai Bà Trưng – thành
phố Hà Nội
Đỗ Thị Hồng Hạnh
Khoa Luật
Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật dân sự; Mã số: 60 38 30
Người hướng dẫn: PGS.TS. Phùng Trung Tập
Năm bảo vệ: 2014
Keywords. Luật dân sự; Hợp đồng vay tài sản; Tranh chấp tài sản; Pháp luật Việt Nam
Content
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, việc xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam theo định hướng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân là một
trong những nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Trong Nhà nước pháp quyền, tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng. Hoạt động của Tòa án
được xác định là trung tâm có vai trò quan trọng trong hệ thống cơ quan tư pháp và là cơ quan duy
nhất nhân danh Nhà nước tiến hành các hoạt động xét xử các loại án nói chung và án dân sự nói
riêng. Hoạt động xét xử trong những năm gần đây cho thấy các vụ án dân sự ngày càng tăng về số
lượng và tính chất ngày càng phức tạp, trong đó có các loại án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản.
Quan hệ vay tài sản là một loại quan hệ dân sự diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội. Đặc biệt
trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cho phép các cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế
khác nhau được tự do, sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật và không bị hạn chế về vốn,
quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc huy động vốn trong kinh doanh đã trở nên hết
sức sôi động. Việc vay vốn diễn ra giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức và đặc biệt
là giữa cá nhân, tổ chức với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng đang là một loại án diễn ra phổ biến
hiện nay trong tổng số các vụ án dân sự mà Tòa án thụ lý, giải quyết. Những tranh chấp về lãi suất,
phương thức thanh toán diễn ra theo sự tăng lên về số lượng và giá trị của các hợp đồng vay ngày
càng lớn. Hiện nay, việc giải quyết các tranh chấp về dân sự của Tòa án đã góp phần quan trọng
trong việc giải quyết được những mâu thuẫn trong các quan hệ dân sự. Hầu hết các bản án, quyết
định của Tòa án được ban hành đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý và có tính giáo dục ý thức tôn
trọng pháp luật trong nhân dân. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính


trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân và các
tổ chức.
Là một trong những Tòa án lớn, có số lượng án nhiều nhất trong hệ thống Tòa án thủ đô, số
lượng vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản ở TAND quận Hai Bà Trưng trong những năm qua
có xu hướng ngày càng tăng. Mỗi vụ án có nội dung đa dạng và tính phức tạp cũng khác nhau nên
việc giải quyết loại án này gặp không ít khó khăn, trong nhận thức vận dụng pháp luật cũng như
những khó khăn từ khách quan mang lại. Tuy nhiên, quá trình giải quyết TAND quận Hai Bà


Trưng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào việc giải quyết số lượng án và nâng cao
tỷ lệ giải quyết của đơn vị và của toàn ngành. Thông qua việc giải quyết vụ án đã góp phần giải
quyết các mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, giữ gìn
kỷ cương pháp luật, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Đồng
thời, thông qua việc giải quyết án, ngoài việc đấu tranh với các hành vi trái pháp luật nảy sinh trong
lĩnh vực dân sự vay tài sản, còn phổ biến, tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân.
Ngoài ra, qua thực tiễn giải quyết án vay tài sản sẽ phát hiện ra những thiếu sót trong pháp luật để
có những đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp với những đòi hỏi của thực tiễn trong
từng giai đoạn cụ thể.
Bên cạnh những mặt đã đạt được trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự vẫn còn
những thiếu sót như có những vụ án còn để tồn đọng, kéo dài, vi phạm thời hạn tố tụng, có những
vụ án còn bị sửa, hủy, đặc biệt có những vụ án bị hủy nhiều lần, kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng
đến quyền lợi của các bên đương sự. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức
xúc, khiếu nại vượt cấp trong nhân dân. Tồn tại trên ảnh hưởng tới quá trình xây dựng nhà nước
pháp quyền, xây dựng nền tư pháp vững mạnh, trong sạch.
Do vậy, với mong muốn nghiên cứu và phân tích những tồn tại để đưa ra những giải pháp
khắc phục nhằm góp phần giải quyết các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản ở TAND quận Hai Bà
Trưng nói riêng và ngành TAND nói chung trong thời gian gần, tác giả đã chọn đề tài "Hợp đồng
vay tài sản qua thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng" làm đề
tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài

Giải quyết các vụ án dân sự nói chung và giải quyết án về hợp đồng vay tài sản nói riêng đã
được các nhà khoa học pháp lý và nhất là những người trực tiếp làm công tác xét xử của ngành Tòa
án quan tâm nghiên cứu. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đề cập đến một số khía cạnh
về những vấn đề liên quan đến đề tài. Có thể kể đến các công trình nghiên cứu sau: “Hợp đồng vay
tài sản trong Luật Dân sự Việt Nam”, Luận văn thạc sỹ Luật học, của Bùi Kim Hiếu, Trường Đại
học Luật Hà Nội, năm 2007; “Hợp đồng vay tài sản theo qui định của pháp luật dân sự Việt Nam”,
Luận văn thạc sỹ Luật học, của Nguyễn Hương Lan, Khoa luật Trường Đại học Quốc gia Hà Nội,
năm 2012; Với đề tài này, tác giả đã nghiên cứu các quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng
vay tài sản, trong đó đi sâu nghiên cứu vấn đề lý luận và nội dung các quy định pháp luật, qua đó
chỉ ra các bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật. Hay như, một số giáo trình, sách
khoa học như "Bình luận khoa học một số vấn đề cơ bản của Luật Dân sự", của TS. Nguyễn Ngọc
Điện, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2001; "Giáo trình Luật Dân sự", Tập 2, của Trường Đại
học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2006. Ngoài ra, phải kể đến một số bài báo trên các tạp
chí chuyên nghành như bài viết “Một số vấn đề bảo lãnh trong hợp đồng vay tài sản”, của Dương
Quốc Thành, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 12/2004; "Cần sửa đổi, bổ sung một số điều về hợp đồng
vay tài sản", của Nguyễn Minh Oanh, Tạp chí Luật học, số 11/2003;"Một số vướng mắc trong việc
giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản liên quan đến trả lãi và lãi suất", của Trần Văn Biên,
Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11/2001; "Hậu quả pháp lý của hợp đồng vay tài sản bị vô hiệu
một phần", của Thanh Thủy, Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao (21/12/2004); “Một số ý kiến góp
ý cho các quy định của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) về hợp đồng vay tài sản", của Trần Văn
Biên - Viện Nhà nước và pháp luật, 26/12/2008; " Về chế định hợp đồng vay tài sản", của Trần Văn
Biên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 9/2004. “Có thỏa thuận phạt nhiều lần về một vi phạm, thỏa
thuận lãi chồng lãi trong hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng không?”, của Tưởng Duy
Lượng, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 24/2013 và số 1/2014; “Vướng mắc trong việc giải quyết yêu
cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán trong hợp đồng dân sự và thương mại ở Việt Nam”,
Nguyễn Thanh Tùng, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21/2013; “Vướng mắc trong áp dụng pháp luật
về lãi suất trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng vay tiền”, Đoàn Đức Lương, Tạp chí Tòa án nhân
dân, số 20/2013; “Những bất cập trong quy định của pháp luật về quy trình, thủ tục giao kết hợp



đồng điện tử và một số giải pháp đề xuất”, Đặng An Thanh, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 7/2014.
Qua nghiên cứu những công trình nghiên cứu nêu trên cho thấy, các tác giả chủ yếu khai
thác một số khía cạnh pháp lý của hợp đồng vay tài sản. Chưa có một công trình nào nghiên cứu
một cách hệ thống, đầy đủ trong việc giải quyết hợp đồng vay tài sản trên một địa bàn cụ thể. Việc
làm rõ vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại một địa bàn cụ thể cần phải được xác
định và nghiên cứu để làm nổi bật những đặc thù trong quan hệ vay tài sản tại một địa bàn lớn của
thành phố Hà Nội như quận Hai Bà Trưng là cần thiết. Vì đây là một trong những quận nội thành
có dân số đông nhất, có nhiều các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại lớn, nhiều hộ làm
ăn cá thể, tiểu thương phát triển mạnh … Cùng với sự tăng trưởng về các sản phẩm do lao động,
sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận cũng phát triển, nhu cầu về vốn tăng cao, vì vậy
quan hệ vay tài sản cũng không ngừng gia tăng về số lượng, giá trị cũng như tính phức tạp. Nhận
thức được tính phức tạp của quan hệ vay tài sản nói chung và việc giải quyết tranh chấp về hợp
đồng vay tài sản của TAND quận Hai Bà Trưng nói riêng nên việc nghiên cứu đề tài này là hết sức
quan trọng và cần thiết.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài
Đối tượng nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận, nội dung các
quy định pháp luật về hợp đồng vay tài sản và việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản
tại TAND quận Hai Bà Trưng. Nguyên nhân và những bất cập trong việc giải quyết tranh chấp hợp
đồng vay tài sản, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử và góp phần giải
quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản tại Tòa án ngày một tốt hơn.
Phạm vi nghiên cứu: Luận văn xem xét, nghiên cứu về hợp đồng vay tài sản và việc giải
quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản của TAND quận Hai Bà Trưng trong 05 năm gần đây,
trong đó đi sâu phân tích nguyên nhân của những tồn tại và đưa ra giải pháp khắc phục.
4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
Mục đích của luận văn: Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là làm sáng tỏ một số vấn đề
lý luận và thực tiễn của chế định hợp đồng vay tài sản, đưa ra những kiến nghị có tính ứng dụng
cao trong hoạt động xét xử của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử liên quan đến tranh
chấp hợp đồng vay tài sản trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng và cả nước nói chung.
Nhiệm vụ của luận văn: Để thực hiện được mục đích trên luận văn có nhiệm vụ cụ thể sau
đây:

+ Nghiên cứu cơ sở lý luận và pháp lý của chế định hợp đồng vay tài sản theo quy định
pháp luật hiện hành của Việt Nam.
+ Nghiên cứu tranh chấp thực tế đã phát sinh qua thực tiễn giải quyết của TAND quận Hai
Bà Trưng để làm rõ những điểm còn bất cập của pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh hợp
đồng vay tài sản hiện nay.
+ Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật hợp đồng vay tài
sản.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu đề tài
Cơ sở lý luận: Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước và pháp luật, trong
đó có vấn đề giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản.
Phương pháp nghiên cứu: Để có được kết quả trình bày trong luận văn, tác giả đã sử dụng
phương pháp duy vật biện chứng và phương pháp duy vật lịch sử; phương pháp lịch sử và logic;
phương pháp kết hợp lý luận và thực tiễn; phương pháp phân tích, thống kê, so sánh, điều tra, khảo
sát.
6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn
Luận văn làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn trong giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay
tài sản, làm rõ những đặc thù của loại án này tại TAND quận Hai Bà Trưng.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, chỉ ra những bất cập trong hoạt động giải quyết tranh chấp


về hợp đồng vay tài sản ở TAND quận Hai Bà Trưng và đề ra các giải pháp có tính khả thi nhằm
đảm bảo cho hoạt động giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản ở TAND quận Hai Bà Trưng
ngày càng hiệu quả, đáp ứng được công cuộc cải cách tư pháp. Đề xuất phương hướng hoàn thiện
các quy định pháp luật về hợp đồng vay tài sản đồng thời là cơ sở sửa đổi, bổ sung chế định pháp
luật dân sự theo Bộ luật dân sự năm 2005, góp phần nâng cao chất lượng xét xử nói chung trong
việc giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản.
7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Về mặt khoa học, luận văn có thể sử dụng làm tài liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu,
giảng dạy khoa học pháp lý nói chung và đào tạo chức danh tư pháp nói riêng.

Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần phục vụ yêu cầu thực tiễn
của việc không ngừng nâng cao chất lượng xét xử của TAND trong công cuộc cải cách tư pháp
hiện nay, đặc biệt trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản tại TAND quận Hai
Bà Trưng.
Mặt khác, nội dung luận văn có thể góp phần xây dựng kỹ năng nghề nghiệp của người
Thẩm phán trong việc nghiên cứu, giải quyết các loại án dân sự trong đó có án kiện về tranh chấp
hợp đồng vay tài sản.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm
ba chương:
Chương 1: Khái niệm chung về hợp đồng vay tài sản và sơ lược một số nét về Quận Hai Bà
Trưng – thành phố Hà Nội.
Chương 2: Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng vay tài sản của TAND quận Hai Bà
Trưng
Chương 3: Một số giải pháp nhằm hoàn thiện những quy định pháp luật về hợp đồng vay tài
sản

References
1. Các Mác (1973), Tư bản, quyển 1, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội
2. Chính phủ (2006), Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12 về giao dịch bảo đảm, Hà Nội.
3. Chính phủ (2010), Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10 hướng dẫn một số điều của Luật
Doanh nghiệp, Hà Nội.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2001), Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối
với khách hàng, Hà Nội.
5. Quốc hội (2005), Bộ luật Dân sự, Hà Nội
6. Quốc hội (2005), Luật Giao dịch điện tử, Hà Nội.
7. Quốc hội (2010), Luật các tổ chức tín dụng, Hà Nội
8. Quốc hội (1995), Bộ luật Dân sự, Hà Nội.
9. Quốc hội (2011), Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, bổ sung, Hà Nội

10. Quốc hội (2000), Luật Hôn nhân và gia đình, Hà Nội
11. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (2009), Báo cáo tổng kết ngành
Tòa án năm 2009, Hà Nội.
12. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (2010), Báo cáo tổng kết ngành
Tòa án năm 2010, Hà Nội.
13. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (2011), Báo cáo tổng kết ngành
Tòa án năm 2011, Hà Nội
14. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (2012), Báo cáo tổng kết ngành
Tòa án năm 2012, Hà Nội.


15. Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội (2013), Báo cáo tổng kết ngành
Tòa án năm 2013, Hà Nội.
16. Triệu Quốc Mạnh (2000), Pháp luật và dân luật đại cương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
17. Trung tâm Từ điển học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
18. Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, tập 2, Nxb Công an
nhân dân.
19. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1993), Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt
Nam, Hà Nội.
20. Ủy ban thường vụ Quốc hội (2005), Pháp lệnh quản lý Ngoại hối, Hà Nội.



×