Tải bản đầy đủ (.docx) (132 trang)

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN: HÀ NỘI NHƯ NHỮNG DIỄN NGÔN (KHẢO SÁT TRONG VĂN HỌC MIỀN BẮC VIỆT NAM 1945 1975)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (605.31 KB, 132 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

HOÀNG LAN HƯƠNG

HÀ NỘI NHƯ NHỮNG DIỄN NGÔN
(KHẢO SÁT TRONG VĂN HỌC MIỀN BẮC
VIỆT NAM 1945- 1975)
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60.22.01.20

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Trần Đình Sử

HÀ NỘI- 2015


MỤC LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài

Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định sự tồn tại cả một dòng văn học nghệ
thuật về thành phố. Bởi sự hiện diện của thành phố trong tác phẩm nghệ thuật không
còn đơn giản chỉ là phông nền, bối cảnh cho những câu chuyện, những tâm tình mà nó
chính là “nhân vật chính” của những tác phẩm ấy. Sự hiện diện của thành phố trong
văn chương nghệ thuật cũng không đơn thuần là sự chuyển hóa hình ảnh thành phố vật
chất vào tác phẩm mà quan trọng hơn, hình ảnh thành phố được thể hiện như thế nào,
bản thân nó đã là một ý tưởng. Trong những tác phẩm đầu tiên về thành phố ở phương


Tây, thành phố đã hiện lên như một ý niệm tinh thần hơn là một thực thể vật chất.
Người Germain đã xây dựng hình ảnh Riga như một ngụy tạo văn hóa phục vụ cho
mục đích mở rộng lãnh thổ của mình. Trong sách Khải huyền của Thánh Augustine,
thành phố hiện lên như là một đối cực của thành phố trên cao- thành phố của Chúa- trật
tự hoàn hảo, vì thế thành phố của con người là một biểu tượng tha hóa, cái bất toàn.
Thànnh phố như là những huyễn tưởng được xây dựng trong Utopia của Thomas
Moore hay Thành phố mặt trời của Thomas Campanella. Paris thường xuyên hiện diện
với huyền thoại về kinh đô ánh sáng, Rome với huyền thoại về thành phố tình yêu…
Do những khác biệt về điều kiện phát triển kinh tế xã hội nên những thành phố ở châu
Á xuất hiện muộn hơn và ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Tuy kém về bề dày
lịch sử nhưng những thành phố châu Á vẫn tạo dựng một dòng mạch riêng. Châu Á có
những dòng văn học nghệ thuật về Bắc Kinh như là thành phố của giấc mơ Xã hội chủ
nghĩa, Hồng Kông như là một thành phố quốc tế… Hà Nội, với vị trí của một thủ đô
1000 năm tuổi, cũng có một dòng mạch riêng viết về nó, khởi đầu từ năm 1010, liên
tục phát triển, tổng hợp, rẽ nhánh cho đến tận hôm nay. Khi lựa chọn đề tài này, chúng
tôi muốn nghiên cứu các tác phẩm văn chương về Hà Nội như là một phần của dòng
văn học thành phố.
Khi tiếp cận dòng văn chương viết về Hà Nội, chúng tôi nhận thấy một hình
ảnh Hà Nội không cố định và không thuần nhất ngay tại một thời điểm. Vì thế có

3


thể thấy rằng hình ảnh Hà Nội trong văn học nghệ thuật không thể hiểu đơn giản là
sự phản ánh đời sống vào tác phẩm. Các tác phẩm văn học nghệ thuật về Hà Nội
cần được nhìn nhận ở bản chất diễn ngôn- tức là mỗi hình ảnh Hà Nội được kiến tạo
nên đều nhằm một mục đích nào đó, chịu sự chi phối của một tư tưởng hệ, một mĩ
cảm nào đó, thậm chí đi theo một số công thức biểu đạt nhất định… Hà Nội trong
văn học nghệ thuật là một kiến tạo ngôn ngữ với nhiều ảo tưởng, nhiều tham vọng
chứ không phải là một thực thể trong suốt có thể quy chiếu về thành phố thực tại

như ta vẫn tưởng.
Ba mươi năm 1945- 1975 là giai đoạn đầy biến động trong lịch sử dân tộc.
Bão táp chiến tranh đã cuốn vào trong nó cuộc đời của những cá nhân, lịch sử của
những gia đình và cả lịch sử của những thành phố như Hà Nội. Ba mươi năm khốc
liệt ấy không chỉ để lại dấu ấn trên cảnh quan của thành phố với sự hiện diện của
những lỗ châu mai, của những hầm trú ẩn, những mảng tường lở loét vì bom đạn
chiến tranh, những tượng đài quyết tử… mà còn để lại dấu ấn trong văn học nghệ
thuật và vẫn còn hằn sâu trong kí ức của những người Hà Nội hôm qua và hôm nay.
Thời đại này đã sản sinh ra những cảm thức hết sức mới mẻ, trước đây chưa từng có
về chốn kinh kì văn hiến, nơi đô thị phồn hoa và tạo dựng cho thành phố này một
diện mạo tinh thần mới.
2. Lịch sử vấn đề
2.1.

Lịch sử nghiên cứu về Hà Nội như một diễn ngôn trong văn học nghệ thuật
Hà Nội với bề dày lịch sử của mình đã trở thành đối tượng nghiên cứu của
rất nhiều ngành như địa lí, lịch sử, khảo cổ, xã hội học, kiến trúc, khảo sát văn hóa
phong tục… Các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu về Hà Nội, con người Hà Nội,
bản sắc văn hoá Hà Nội trong văn học nghệ thuật, tuy nhiên những nghiên cứu này
chủ yếu mang tính chất mô tả, quy chiếu về diện mạo của thành phố thực chứ không
nhìn nó như một thực thể tinh thần, không lí giải nguyên nhân hay cơ chế thẩm mĩ
nào dẫn đến sự kiến tạo hình ảnh Hà Nội qua các thời kì như ta thấy. Trong số các
nghiên cứu về Hà Nội trong văn học nghệ thuật, đáng kể nhất là hội thảo Về bản sắc
văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỉ XX do trường Đại học Mỹ thuật
Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên trong hội thảo này cũng chỉ có duy nhất bài tham luận
4


“Nghệ thuật và thành phố- Chân dung Hà Nội trong mắt nghệ sĩ Việt Nam” của TS
Natalia Kraevskaya và Lisa Drummond “xem xét những xu hướng trong việc diễn

giải và khái niệm hóa Hà Nội như một chủ thể nghệ thuật” [47, 149]. Các bài tham
luận khác hầu hết có tính chất khái quát những đặc điểm của Hà Nội được thể hiện
qua sáng tác, nghĩa là nhìn nhận nó như là một đối tượng phản ánh của nghệ thuật và
quan tâm đến cách thức xử lí những hình ảnh đó bằng phương tiện của các loại hình
nghệ thuật.
Trong khóa luận tốt nghiệp Viết lại Hà Nội: diễn ngôn về thành phố trong
sáng tác của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Bình Phương, chúng tôi cũng đã bước đầu
xác lập Hà Nội với tư cách một văn bản liên tục được viết lại theo thời gian. Các
diễn ngôn song song tồn tại với nhau, thay thế nhau, giao thoa nhau trong từng thời
kì tạo nên diện mạo Hà Nội trong văn học nghệ thuật. Trong dòng mạch đó chúng
tôi định vị và nhận diện diễn ngôn về Hà Nội trong sáng tác của hai nhà văn. Tuy
nhiên đây chỉ là những bước đi ban đầu, chúng tôi cảm thấy cần phải có sự nghiên
cứu sâu sắc hơn đối với diễn ngôn về Hà Nội trong từng giai đoạn, đặc biệt là một
giai đoạn có nhiều nhánh diễn ngôn đa dạng, phong phú như giai đoạn 1945- 1975.
2.2.

Lịch sử nghiên cứu diễn ngôn về Hà Nội trong văn học giai đoạn 1945- 1975
Giai đoạn 1945- 1975 là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình văn học
Việt Nam thế kỉ XX, vì thế nó nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu
văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, do những đặc trưng về hoàn cảnh lịch sử xã hội,
chủ trương văn hóa văn nghệ đại chúng, thi pháp thời đại mà các nhà nghiên cứu
chưa chú trọng đến nghiên cứu diễn ngôn về các vùng miền trong văn học, nhất là
diễn ngôn về thành phố.
3. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các diễn ngôn về Hà Nội trong văn học
miền Bắc Việt Nam 1945- 1975
4. Phạm vi nghiên cứu

Trong luận văn này, chúng tôi khảo sát các diễn ngôn về Hà Nội trong giai

đoạn từ 1945 đên 1975, tập trung khai thác những diễn ngôn văn chương tiêu biểu ở
miền Bắc (bao gồm các thể loại văn xuôi, thơ, kí)
5


5. Mục đích nghiên cứu

Mục đích của chúng tôi khi lựa chọn nghiên cứu đề tài này là:
-

Thứ nhất: nhận diện các diễn ngôn về Hà Nội trong văn học miền Bắc Việt Nam
1945- 1975 trong dòng mạch các diễn ngôn liên tục viết tiếp và viết lại về Hà Nội
trong hơn 1000 năm qua.

-

Thứ hai: chỉ ra được những công thức diễn ngôn tiêu biểu, cơ chế kiến tạo và giá trị
của những công thức diễn ngôn này trong việc kiến tạo hình ảnh Hà Nội trong văn
học nghệ thuật cũng như trong tâm thức con người.

6. Phương pháp nghiên cứu
-

Phương pháp nghiên cứu liên ngành: nghiên cứu sự kiến tạo hình ảnh Hà Nội giai
đoạn 1945- 1975 trên cơ sở kết hợp các diễn ngôn lịch sử, văn hóa, các diễn ngôn
văn học, mỹ thuật, âm nhạc , điện ảnh, các nghiên cứu trên lĩnh vực kiến trúc, quy
hoạch đô thị.

-


Phương pháp thống kê, phân loại

-

Phương pháp tổng hợp

-

Phương pháp so sánh, đối chiếu

-

Phương pháp phân tích văn bản và liên văn bản

7. Cấu trúc luận văn

Phần nội dung chính của luận văn gồm có ba chương:
Chương I: Diễn ngôn về Hà Nội trong văn học miền Bắc Việt Nam 19451975- những vấn đề chung
Chương II: Thủ đô/ đô thị- hai diễn ngôn độc lập, tương tranh
Chương III: Thủ đô và đô thị- khi các diễn ngôn tìm được sự hòa giải.

6


NỘI DUNG
CHƯƠNG I
DIỄN NGÔN VỀ HÀ NỘI TRONG VĂN HỌC MIỀN BẮC
VIỆT NAM 1945- 1975- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1.


Thành phố- một thực thể diễn ngôn
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến sự ra đời của những thành phố đầu tiên từ
cách đây mấy nghìn năm. Từ những thành bang như Aten của Hy Lạp cổ đại đến
những thành thị trung đại, từ những thành phố cảng, những công xưởng lớn của thời
kì Cách mạng công nghiệp cho đến những thành phố quốc tế ngày nay, thành phố đã
đi một hành trình dài từ lúc khai sinh, liên tục phát triển và trở nên định hình trong
dáng vẻ cũng như trong ý niệm của con người về nó. Tất nhiên, sự định hình mà
chúng tôi nhắc đến ở đây chỉ mang tính chất tương đối, bởi sự phát triển năng động
của đời sống khiến cho diện mạo của các thành phố không ngừng đổi thay từng
ngày và theo những quy luật nhận thức và tâm lý, cách mà chúng ta nghĩ về thành
phố hôm nay cũng chẳng bao giờ trọn vẹn là những ấn tượng, cảm nghĩ của ngày
hôm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thừa nhận rằng, quá trình phát triển dài lâu
đã khiến cho sự phân định giữa thành phố với những miền không gian khác trở nên
hết sức rõ ràng. Không còn khó khăn hay tranh cãi khi chúng ta gọi một không gian
là thành phố hay xác định nó không phải thành phố bởi chúng ta đang cùng chia sẻ
một ý niệm chung, cùng đồng thuận trong một cách hiểu nhất định về thành phố.
“Thành phố là gì?” hiển nhiên là câu hỏi mà bất cứ ai cũng trả lời được, thậm chí có
thể trả lời rất nhanh chóng và dễ dàng. Nó đã quá đỗi quen thuộc trong sự quan sát,
trải nghiệm và suy nghĩ của chúng ta. Xác lập lại định nghĩa về thành phố dường
như đã trở thành một việc không cần thiết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ bắt đầu từ chính
điểm dường như không cần thiết này để khám phá diện mạo và bản chất của thành
phố cũng như sự xuất hiện của thành phố trong văn học với tư cách diễn ngôn thay
vì chỉ là bối cảnh, phông nền cho những truyện kể.
7


1.1.1. Thế nào là một thành phố?
1.1.1.1.

Thành phố- một thực thể vật chất

Sở dĩ chúng ta có thể dễ dàng đưa ra một định nghĩa về thành phố bởi nó
không phải là một ý niệm trừu tượng, một sản phẩm thuần túy của suy tưởng. Thành
phố là một thực thể vật chất đang hiện hữu ngay bên cạnh chúng ta, thậm chí nó
chính là không gian bao bọc sự tồn tại của chúng ta, là cuộc sống thường ngày, gắn
bó trong những thói quen, trong từng bước đi, từng hơi thở. Trong từng tháng ngày
đang sống, ta vừa cảm nhận về thành phố mơ hồ trong cảm giác vừa sống động
trong sự tiếp xúc của tất cả các giác quan. Thành phố không phải là những hình
dung xa xôi hay là một miền tưởng tượng, thành phố ở rất gần và rất thực, là những
hình ảnh mắt ta trông thấy, những âm thanh tai ta nghe thấy, những cảm giác chật
chội, nóng bức hay rộng dài, thênh thang, bay bổng hàng ngày đọng lại thành những
ấn tượng, lưu lại trong trí nhớ. Thành phố thực và gần gũi như khung cửa sổ, mái
hiên, hàng cây trước ngõ, những con đường, những nếp nhà những mái phố, những
ngã ba… Nhưng cũng chính sự gắn bó giản dị và thân thuộc như hơi thở thậm chí
như máu thịt ấy đã khiến cho cách mà chúng ta nghĩ và định nghĩa về thành phố có
phần đơn giản.
Trong cách hiểu phổ biến nhất, thành phố thường được định nghĩa là một
khu vực tập trung dân cư, được xác định bởi một diện tích giới hạn, quy mô dân số
nhất định, các hoạt động kinh tế, chính trị văn hóa xã hội đặc trưng và các công
trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại… Các nhà xã hội học và kinh tế
học từ lâu đã đưa ra một hệ thống các tiêu chí và các con số làm tiêu chuẩn đánh giá
cũng như phân cấp đô thị. Các con số này không cố định mà liên tục biến đổi theo
thời gian, tương ứng với trình độ phát triển kinh tế xã hội cũng như tốc độ đô thị
hóa. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy rằng về cơ bản những tiêu chí xác định một
vùng không gian có phải là thành phố hay không dường như không có nhiều thay
đổi. Thành phố vẫn được nhận diện rõ nét nhất trong sự đối sánh với không gian trái
ngược là nông thôn. Trong sự phân biệt muôn thuở này, thành thị và nông thôn luôn
là hai đối cực. Nông thôn luôn được nhắc đến là miền không gian rộng lớn, dân cư

8



thưa thớt, nhắc đến không gian nông thôn là nhắc đến sự thoáng đãng và khoáng
đạt. Trong khi đó, dù diện tích thường được đo bằng những con số rất lớn nhưng
không gian đô thị chưa bao giờ thôi đem đến cảm giác chật chội cho những cư dân
của nó. Cho dù diện tích có được mở rộng đến đâu thì hình như vẫn cứ là chưa đủ
so với quy mô dân số ngày càng phình to và mật độ cư dân nơi đô thị. Nông thôn là
không gian liền khối. Sự phân cắt không gian duy nhất hiện diện trong hình ảnh con
đường làng. Đây là trục giao thông chính nối hai nửa đặc trưng của không gian
nông thôn: không gian sản xuất (nông trại, cánh đồng) và không gian cư trú (xóm
làng). Trong khi đó, thành phố liên tục bị phân cắt thành các mảng không gian chức
năng hết sức đa dạng: không gian cư trú, không gian làm việc, không gian của các
dịch vụ y tế, thể thao, mua sắm, giải trí…Xen giữa những mảnh vỡ không gian đó là
hệ thống giao thông phức tạp. Nếu như ở nông thôn chỉ có một con đường duy nhất,
thằng tắp ít những ngã rẽ cắt ngang thì ở thành thị, đường phố tạo thành một mê
cung chằng chịt những phố, những đường, những ngõ nhỏ quanh co, sâu hun hút và
chúng lại có khả năng vô tận trong việc kết nối những con đường lại với nhau…
Không ai bị lạc trên những con đường nông thôn trong khi đó là cảm giác thường
trực ở chốn thị thành, ta liên tục bị đẩy vào tình huống lựa chọn, chỉ cần một chút lơ
đãng là ngay lập tức con người bị rơi vào những miền không gian xa lạ, loay hoay
xác định phương hướng để tìm về cảm giác quen. Những ngôi nhà ở nông thôn
thường nổi bật ở sự mộc mạc và giản dị, các công trình kiến trúc thường không quá
cao, về cơ bản là phù hợp với công năng sử dụng cũng như hài hòa với không gian
xung quanh. Trong khi đó thị thành trưng ra một diện mạo lộng lẫy, xa hoa với
những công trình kiến trúc bề thế, kiểu cách và hết sức cầu kì. Đó là những khối
nhà cao tầng với cửa kính, đèn gương sáng loáng, những tòa nhà chọc trời cao ngất,
thậm chí vượt khỏi tầm mắt ngước lên. Diện mạo thành phố chia thành những mảng
đầy màu sắc và kiểu dáng: những mảng kiến trúc phương Đông xen giữa mảng kiến
trúc phương Tây, những công trình hiện diện như biểu tượng của sự giao thoa văn
hóa bên cạnh những công trình mang dấu ấn truyền thống hay sừng sững những
biểu tượng của nền văn mình toàn cầu… Những mảng khối ấy đặt bên cạnh nhau,


9


tương tác với nhau đem đến cho thành phố một chân dung liên tục biến ảo như nhìn
qua chiếc kính vạn hoa. Và nếu như nông thôn đem đến cho người ta ấn tượng về
màu xanh của bầu trời, vẻ tươi non của cây cối, sự trong trẻo trong màu vàng của
nắng mai, sự mộc mạc trong màu nâu của đất…- những màu sắc giản dị và thuần
phác thì thành phố lại để lại một ấn tượng khác hẳn. Thành phố là một bảng màu mà
chúng ta sẽ thất bại nếu như cố gắng xác định số lượng màu sắc. Nó là một hòa sắc,
ở đó các màu sắc đan xen trộn lẫn vào nhau làm nên vẻ rực rỡ ban ngày và lại càng
thêm lung linh diễm ảo khi đường phố lên đèn. Đời sống yên bình ở làng quê ngàn
đời gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp còn thành phố đặc trưng ở các hoạt
động sản xuất công nghiệp và thương mại. Những thành phố đầu tiên ra đời trên thế
giới gắn với sự phát triển của thương mại, buôn bán trao đổi hang hóa giữa các
thành bang cổ đại. Những thành phố lớn nhất thời trung đại đều là những thành phố
cảng như Venice (Italia), Macxay (Pháp)… nơi hoạt động trao đổi hàng hóa đã vượt
ra ngoài lãnh thổ một quốc gia để kết nối nhiều quốc gia với nhau. Từ những thành
phố cảng này, những con thuyền khám phá đã nhổ neo đưa người phương Tây đến
những miền đất mới- nơi sẽ trở thành vùng nguyên liệu mới, thị trường mới và về
sau còn là nơi cư trú mới của họ. Thế kỉ XVII, ở Việt Nam cũng đã xuất hiện những
đô thị lớn mà dấu ấn của nó còn để lại trong những câu ca dân gian như “Thứ nhất
kinh kì, thứ nhì Phố Hiến”. Kinh thành Thăng Long thế kỉ XVII là nơi có cảng
đường sông lớn nhất ở miền Bắc, hoạt động buôn bán trên bến dưới thuyền vô cùng
tấp nập, thậm chí ấn tượng về sự sầm uất ấy còn được ghi lại trong những trang bút
kí của những nhà du hành châu Âu đến Bắc kì lúc bấy giờ. Đương thời, ở miền
Trung có đô thị cổ Hội An là nơi thu hút rất nhiều thương gia Nhật Bản, Trung
Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Hà Lan… Thời kì Cách mạng công nghiệp làm thay đổi
toàn bộ diện mạo nền sản xuất châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, những
thành phố lớn là những thành phố công nghiệp với hình ảnh đặc trưng là những nhà

máy, những công xưởng lớn với hệ thống máy móc hiện đại… Cho đến nay bước
chuyển quan trọng nhất trong quá trình đô thị hóa trên đất nước chúng ta vẫn là sự
thay thế hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng sản xuất công nghiệp, sự thay thế có

10


thể nhận thấy rất dễ dàng trên diện mạo: những con đường đất được thay bằng
đường nhựa, đường rộng thêm ra, tăng cường chiếu sáng…, trên mảnh đất từng là
đồng ruộng mọc lên những dãy nhà, những cột ống khói, những biển hiệu của các
khu công nghiệp, khu chế xuất, những dãy cột điện và đèn cao áp thay thế ấn tượng
về những hàng cây xanh rì rào trong buổi chiều quê lộng gió… Thành phố hôm nay,
thành phố của thời kì toàn cầu hóa trưng ra lộng lẫy những trung tâm thương mại
sầm uất, những tòa nhà chọc trời, đâu đâu người ta cũng bắt gặp hệ thống biển hiệu
của những thương hiệu toàn cầu. Thành phố của hôm nay không chỉ sống trong giấc
mơ nhỏ bé của mình mà ôm mộng trở thành những thành phố quốc tế, biểu tượng
của toàn thế giới…
Sự nhận diện một thành phố có thể dựa trên những tiêu chí tổng thể, vĩ mô,
đôi khi có thể chỉ bắt đầu từ cảm nhận hết sức quen thuộc giữa đời thường. Thành
phố- đó là nơi ta hàng ngày lội giữa biển người và mắc kẹt giữa dòng xe cộ vào giờ
cao điểm, nơi cảm giác ngột ngạt khó thở lơ lửng giữa khói bụi của phương tiện và
hơi nóng hầm hập tỏa ra từ mặt đường và những tòa nhà xây dựng bằng bê tông cao
ngất… Thành phố- đó là nơi tầm mắt liên tục bị giới hạn bởi các công trình, đôi mắt
trong veo tìm kiếm mãi mà vẫn không sao chạm được đến chân trời, nơi đôi tai luôn
bị đặt giữa một dòng âm thanh hỗn loạn của tiếng nhạc ầm ĩ vọng ra từ các cửa
hàng, tiếng còi xe nhốn nháo, tiếng người nói léo xéo, tiếng máy móc ầm ì…và
tuyệt vọng trong nỗ lực thanh lọc lấy những thanh âm trong trẻo và thuần khiết nhất
của đời sống như tiếng chim hót, tiếng gió vi vút, âm thanh rì rào của những hàng
cây… Đôi khi ánh mắt tìm thấy bầu trời cao rộng nhất là bầu trời in hình rõ rệt trên
những mảng kính lớn của các tòa nhà chọc trời và đôi khi âm thanh trong trẻo nhất

lại là tiếng hót của một chú chim cảnh bị nhốt trong lồng trên ban công của một
ngôi nhà trong ngõ sâu hun hút- thứ âm thanh khắc khoải hướng về tự do…
1.1.1.2.

Thành phố- một ý niệm tinh thần
Đó là thành phố vật chất đang hiện hữu sống động trong từng cảm giác, từng
giây phút của chúng ta giữa đời thường. Đó là phần diện mạo bên ngoài mà bất cứ
ai cũng có thể dễ dàng nhận ra, phác thảo và gọi tên. Tuy nhiên thành phố là một

11


thực thể phức tạp hơn thế. Nó đã bắt đầu lịch sử của mình từ cách đây hàng nghìn
năm, trải qua nhiều biến cố phức tạp, nhiều lần đổi thay diện mạo, bao phen bị hủy
hoại sau đó lại hồi sinh. Vì thế mà không thể chỉ định nghĩa thành phố trên phương
diện vật chất, không thể chỉ đo đếm kích thước dài rộng của nó bằng hình ảnh ở thời
hiện tại, càng không thể thăm dò đến đáy cùng chiều sâu của nó dựa vào trải
nghiệm của một cuộc đời, ngay cả khi đó là trải nghiệm của nhiều cuộc đời hay trải
nghiệm của một thế hệ thì vẫn là chưa đủ. Câu hỏi “Thành phố là gì? Thế nào là
một thành phố?” chưa bao giờ khó trả lời kì thực lại không dễ để có được một câu
trả lời thỏa đáng. Diện mạo vật chất chỉ là lớp vỏ, chỉ là cái áo ẩn chứa tận sâu bên
trong, phía sau bao nhiêu ý niệm tinh thần. Những ý niệm đó không chỉ là cái ẩn
chứa, cái được cất giấu mà có khi còn tạo thành chính không quyển tinh thần bao
bọc thành phố, cũng như giới hạn suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta.
Trong ý thức văn hóa của chúng ta, hai chữ “thành phố” chưa bao giờ đơn
giản chỉ quy chiếu về một thực thể vật chất, một loại địa bàn cư trú, một kiểu tổ
chức đời sống xã hội. Có rất nhiều những suy nghĩ, cảm giác theo cùng hai chữ
“thành phố” ấy- đó chính là cảm thức đô thị. Và không phải chỉ có những người
sinh ra, lớn lên, sống trọn vẹn cuộc đời ở thành phố hay những người từng có trải
nghiệm với thành phố mới có cảm thức này. Ngay cả đối với những người chưa

từng biết thế nào là đô thị, chưa từng có bất kì trải nghiệm trực tiếp nào với khung
cảnh hay cuộc sống nơi thị thành thì hai chữ “thành phố” vẫn gợi ra trong họ rất
nhiều suy nghĩ. Những cảm thức ấy không phải đợi đến khi con người ta tiếp xúc
với đô thị mới hình thành mà nó đã có từ trước, trước những trải nghiệm của ta,
trước cả sự ra đời của ta, của cha ông ta, nó nằm ở tầng sâu của vô thức xã hội.
Những kinh nghiệm cá nhân của chúng ta với thị thành chỉ là sự nối dài, bồi đắp
thêm, cũng có khi đối thoại và làm phong phú thêm cho ý niệm xã hội đó. Chúng tôi
gọi nó là vô thức đô thị- ở đó thành thị và nông thôn, từ hai miền không gian có
nhiều đặc điểm trái ngược đã nâng lên thành trung tâm của một hệ thống ý niệm và
cảm thức hoàn toàn đối lập nhau. Trong tiểu luận nổi tiếng Nông thôn và thành thị
(The country and the city), Raymond Williams ngay từ đầu đã khẳng định “Nông

12


thôn và thành thị là những từ ngữ đầy quyền lực và không có gì đáng ngạc nhiên khi
chúng ta nhớ ra nó hàm chứa bên trong bao nhiêu kinh nghiệm của cộng đồng” [55,
1]. Ông khẳng định “Trên cơ sở sự định cư thực tế, cái mà lịch sử sẽ làm biến dạng
đi một cách đáng ngạc nhiên, những cảm thức quyền lực tập hợp lại và trở nên phổ
biến. Trong từ nông thôn tập trung ý niệm về phương diện tự nhiên của đời sống: về
sự thanh bình, hồn nhiên, trong trẻo và thuần khiết. Trong từ thành phố dồn nén ý
tưởng về trung tâm của những thành tựu: về học tập, giao tiếp và ánh sáng. Những
liên tưởng đối nghịch mang tính quyền lực cũng liên tục phát triển: thành phố được
xem như là không gian của sự ồn ào náo nhiệt, và tham vọng trong khi nông thôn là
nơi lạc hậu, không gian của sự giới hạn và là miền đất bị lãng quên.” [55, 1]
Từ những đặc điểm mang tính vật chất, những ý niệm về nông thôn và thành
thị vẫn không ngừng sản sinh và từ bao giờ con người đã quen nhìn nhận chúng như
là những đặc tính tự nhiên. Thành thị- nông thôn là sự đối lập ánh sáng và bóng tối.
Không gian thị thành luôn tràn ngập ánh sáng, buổi tối nơi phố phường thậm chí
còn lung linh hơn bởi những biển hiệu và hệ thống đèn chiếu sáng. Trong khi đó, ở

nông thôn, khi ánh hoàng hôn vừa tắt cũng là lúc những xóm làng lập tức chìm vào
bóng tối sâu thẳm. Thành phố là hiện thân của ánh sáng văn minh, của tri thức, của
những thành tựu mới mẻ và hiện đại. Ở thành phố, cuộc sống thay đổi từng ngày,
thậm chí từng giờ, những thành tựu liên tục được cập nhật, tiện nghi liên tục được
thay thế với những đặc điểm và tính năng vượt trội hơn. Trong khi đó, nông thôn
mang một diện mạo cố định, gần như không đổi thay. Những nếp nhà thấp, lũy tre
làng, con đường làng, cánh đồng quê thẳng cánh cò bay… đem đến cảm giác quen
thuộc, bình yên như cả nghìn năm rồi vẫn thế. Những câu ca dao xưa vẫn còn đúng
với cảm nhận về làng quê bây giờ dù diện mạo làng quê, nếp sống nếp sinh hoạt
cũng ít nhiều đổi khác. Làng quê và thành phố tạo thành những cặp ý niệm cũ kĩ và
mới mẻ, truyền thống và hiện đại, lạc hậu và văn minh, bền vững và biến đổi, đơn
giản và phức tạp… Nông thôn, với vẻ cũ kĩ của mình thường đem đến cho con
người cảm giác binh yên, thanh thản được trở về với những giá trị bền vững. Nhân
vật Thanh trong truyện Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam từng cảm thấy hồn

13


mình trong trẻo, bình yên vô cùng khi trở về chốn làng quê, dưới bóng cây xanh
mát và hương thơm dịu dàng của cây hoàng lan từ ngày thơ bé, cảm nhận tình yêu
thương, sự chăm sóc dịu dàng của người bà như chưa từng trải qua những xa cách
tháng năm. Trong văn chương, xuất hiện rất nhiều môtip chán chường, rời bỏ đô thị
để tìm về cuộc sống bình yên nơi làng quê, thôn dã. Ngược lại, cuộc sống đô thị với
đặc điểm nổi bật là liên tục biến đổi thậm chí đổi thay một cách chóng vánh lại đem
đến cho người ta cảm giác bất an thường trực. Thành phố tuy nhiều nguy cơ nhưng
lại là nơi hấp dẫn và mới mẻ, là không gian rộng mở cho sự thể hiện, thử thách tài
năng cũng như những đam mê, ước vọng của con người. Nông thôn tuy bình yên
nhưng mặt khác lại gợi ra cảm giác về sự tù đọng, trì trệ, giam hãm, giới hạn những
khát vọng của con người. Bởi thế, trong đời sống cũng như trong văn chương hành
động rời nông thôn lên thành thị luôn là hành động rời bỏ ao tù để vươn ra biển lớn,

vượt ra ngoài bóng tối để tìm kiếm ánh sáng, thoát ra khỏi sự giới hạn để tìm đến tự
do, theo đuổi khát vọng. Thành phố luôn hiện ra như một chân trời mơ ước, một
miền đất hứa, đích đến mời gọi khát khao dấn thân đô thị. Nhân vật Rastinhac trong
bộ tiểu thuyết Tấn trò đời đã rời bỏ quê hương đến Paris, đầu tiên ngưỡng vọng về
nó như một quầng sáng xa hoa sau đó từng bước từng bước tìm cách nhập vào trong
quầng sáng đó, trở thành một phần trong giới thượng lưu ở thành phố này. Đầu thế
kỉ XX, rất nhiều nhà thơ Mới đã rời làng quê lên đô thị, “Bỏ vườn cam, bỏ mái
gianh/ Tôi đi dan díu với kinh thành” (thơ Nguyễn Bính) ôm giấc mơ xây đắp
“mộng huy hoàng”. Rời nông thôn lên đô thị là phản ứng tâm lý tất yếu của con
người từ bóng tối hướng về ánh sáng, từ nơi lạc hậu hướng về chốn văn minh.
Nhưng trong đó còn có cả một giấc mơ đô thị, giấc mơ đổi đời của những thôn dân
thậm chí là cả một cơn cuồng say đô thị- ngưỡng vọng sự xa hoa và một thứ khao
khát đến vĩ cuồng được thuộc về nơi đó. Với miền không gian có tính chất hai mặt
như thế, tất yếu sẽ có những người đô thị tự hào một cách kín đáo, cũng có thể kiêu
hãnh một cách phô phang về cái mác “thị dân” của mình, cũng có những người
chán ngán sự phức tạp, ngổn ngang, bất trắc, những giá trị nhân tạo và đời sống
cuồng quay nơi thị thành. Nếu như hành động rời nông thôn lên thành thị không

14


đơn thuần là hành động dịch chuyển qua những miền không gian thì hành động rời
thành thị tìm về nông thôn cũng chứa đựng trong nó nhiều ý niệm tinh thần. Đó là
nỗi chán chường đô thị, quan niệm thành phố là nơi ở tạm, là chốn vong thân, nông
thôn mới là nơi trở về. Cảm giác bất an mà thành phố thời hiện đại mang lại còn gắn
với những bí mật, những âm mưu, thủ đoạn, những màn kịch che đậy những tham
vọng tăm tối… Trong tâm thức xã hội nảy sinh thêm ý niệm về sự tha hóa đô thị và
tất nhiên cả ý niệm về nông thôn tha hóa, nhất là khi đối diện với sự xâm lăng của
đô thị. Như vậy, thành phố không chỉ là sự tập hợp, phân hóa cảnh quan không gian
gắn với chức năng của chúng trong đời sống của cư dân đô thị, thành phố còn là sự

tập hợp những cảm giác của con người về không gian, những quan niệm và cả
những mơ ước mà con người gán cho những không gian đó.
Trong tiểu luận Những thành phố vô hình (The Invisible City) nhà văn Italo
Calvino đã đánh thức diện mạo thực sự của một thành phố bằng cách đặt nó trong
những mối quan hệ giữa thành phố và kí ức, thành phố và những khát vọng, thành
phố và con mắt mà ta nhìn nhận nó… Thành phố là một hiện tượng mang tính lịch
sử. Thành phố nào cũng có quá khứ của riêng nó và quá khứ ấy chưa bao giờ là cái
đã xảy ra, đã kết thúc trọn vẹn tại một thời điểm và vĩnh viễn không còn bất cứ mối
quan hệ nào với hiện tại. Thành phố nào cũng mang trong hiện tại của mình những
dấu vết và âm vang của quá khứ. Italo Calvino đã viết về nỗ lực miêu tả một thành
phố như sau: “Thật vô vọng, hỡi ngài Kublai đại lượng, làm sao tôi có thể cố gắng
miêu tả Zaira, thành phố của những thành lũy cao ngất. Tôi có thể nói cho ngài biết
bao nhiêu bước để tạo nên những con phố như những bậc cầu thang và độ cong của
những mái vòm hay loại kẽm nào được sử dụng để bao phủ các mái nhà, nhưng tôi
ngay lập tức nhận ra điều đó đồng nghĩa với việc chẳng nói với ngài bất cứ điều gì
cả. Thành phố không bao gồm những cái đó mà mang trong mình mối quan hệ giữa
những ước định không gian và những sự kiện xảy ra trong quá khứ… Khi làn sóng
kí ức tràn vào, thành phố ngâm mình trong đó và phình to ra như một miếng bọt
biển. Bất kì sự miêu tả nào về Zaira như nó hiện hữu hôm nay đều bao gồm tất cả
quá khứ của nó. Thành phố không nói về quá khứ của nó mà mang quá khứ ấy trong

15


mình như những đường chỉ tay trên một bàn tay, quá khứ được viết trên những góc
phố, những chấn song cửa sổ, lan can của từng bậc cầu thang…”[53, 11] Thành phố
hiện diện trước mắt ta hôm nay cho dù không còn dấu tích những công trình của
quá khứ thì những gì đã diễn ra vẫn sống động trong dòng hồi tưởng, trong những
câu chuyện kể về những gì đã qua. Bản thân hành động ghi lại lịch sử một thành
phố cũng là cất giữ một kỉ niệm, cố định một hình ảnh, thậm chí kiến tạo nên một cả

huyền thoại. Phần lịch sử đó là kí ức chung của cả cộng đồng hay là phần kí ức tái
tạo được cả cộng đồng chấp nhận để rồi từ đó mỗi biến cố, mỗi dấu tích đều gợi
nhắc một hình dung, một cảm thức giống nhau. Trong thành phố đang hiện hữu của
hôm nay có bóng dáng của thành phố ngày hôm qua, thành phố từ hàng trăm thậm
chí hàng nghìn năm trước và tiềm tàng cả những giấc mơ về thành phố của tương
lai. Trong cuốn Hà Nội tiểu sử một đô thị, tác giả đã trích lại ý kiến của Alan
Balfour trong cuốn Tính chính trị của trật tự (The politics of orders) bàn về sự phức
tạp của trong diện mạo cũng như trong ý niệm về thành phố: “Sự hiện diện của quá
khứ đan xen bền chặt với niềm hứa hẹn của tương lai. Không có giấc mơ trong sự
biệt lập, tất cả đều được phản ánh và tác động trong một vòng xoáy hỗn độn của sự
tồn tại đã qua. Sự tích tụ này, trên mảnh đất và trong tâm trí đã gây nên một sự lẫn
lộn không thể nào hòa hợp được trong trật tự các sự vật” [45, 10]. Sự tồn tại đồng
thời trên nhiều khung tham chiếu không gian- thời gian khiến cho thành phố giống
một bức tranh chồng hình, và bất kì hình ảnh nào của thành phố cũng chập chờn
giữa bao nhiêu phiên bản.
Tuy nhiên thành phố không chỉ gắn với kinh nghiệm của cộng đồng mà còn
có mối quan hệ rất đặc biệt với những kinh nghiệm cá nhân, đặc biệt là trải nghiệm
của cá nhân với đời sống đô thị. Hơn bất kì miền không gian nào, thành thị là nơi
giải phóng mạnh mẽ những khát vọng cá nhân của con người, nhịp sống đổi thay
nhanh chóng càng khiến thành phố không bao giờ là một ý niệm thuần nhất, trùng
khít trong trải nghiệm của mỗi người. Với mỗi người nó gắn bó một khác. Luôn có
sự vênh lệch khi đặt thành phố trong kí ức cộng đồng bên cạnh thành phố trong hồi
tưởng của mỗi cá nhân và kí ức của mỗi cá nhân cũng lưu lại những ấn tượng rất

16


khác biệt về cùng một thành phố. Trên nền thành phố như chúng ta thấy, như chúng
ta biết có thành phố tuổi thơ của mỗi người, có thành phố trong dòng hồi tưởng đứt
nối của một trí nhớ đã nhiều sai lệch, có thành phố ngập tràn tình yêu, có thành phố

vụn vỡ những mất mát, có thành phố ta hằng sống và vẫn hằng mơ, có thành phố xa
xôi nơi thiết tha một ngày được đặt chân đến, hay mong mỏi được thuộc về… Tất
cả những hình ảnh ấy phối trộn lẫn nhau trong một khả năng biến ảo vô tận để đôi
khi thành phố của ước mơ, của khát khao chưa chạm tay đến được trong phút giây
đã hóa thành kỉ niệm. Italo Calvino đã viết thành phố và khát vọng trong hình thức
một câu chuyện đời người: “Anh ta nghĩ về tất cả những điều này khi khao khát mơ
tưởng về thành phố. Insidora, vì thế, là thành phố trong giấc mơ của anh ta với một
điểm khác biệt. Thành phố mơ về ấy bao gồm cả anh ta như một chàng trai trẻ, còn
thực tế anh ta đến Insidora khi đã già. Ở quảng trường có một bức tường nơi một
người đàn ông già ngồi nhìn những người trẻ đi qua, ông đã được xếp vào cùng một
hàng với họ. Khát vọng ngay lập tức trở thành kỉ niệm” [53, 8]
1.1.1.3.

Thành phố- một phức hợp vật chất và tinh thần
Câu trả lời thực sự cho câu hỏi “Thành phố là gì? Như thế nào là thành phố?”
sẽ phải làm nổi bật được diện mạo thành phố vừa là một thực thể vật chất vừa là
một ý niệm tinh thần, vừa là cái thực vừa là cái phi thực. Viết về một thành phố phải
làm thế nào miêu tả một thành phố hữu hình đồng thời gọi dậy diện mạo của vô số
những “thành phố vô hình”? Làm sao để thấy nó như là một hình ảnh mang đậm
dấu ấn thời gian hiện tại lại đồng thời là một hình ảnh, một ý niệm xuyên thời gian
nối dài từ quá khứ đến hiện tại và cả những ước vọng tương lai? Hơn thế, thành phố
còn là một ý niệm phi thời gian. Paris- kinh đô ánh sáng là một ý niệm không tuổi.
Hình ảnh Rome như là thành phố tình yêu cũng là một hình ảnh hoàn toàn không có
dấu ấn thời gian và đã trở thành một phản xạ tự nhiên trong ý thức mỗi khi ta nghĩ
về thành phố này. Dù ở điểm thời gian nào thì ở Rome “nơi người ta yêu nhau trên
những bậc thềm” (trích dẫn trong phim “To Rome with love”) cũng chỉ có một câu
chuyện duy nhất- câu chuyện tình yêu. Hà Nội ngày nay cho dù đã phôi pha, nhạt
nhòa đi biết bao nhiêu nét văn minh, thanh lịch trên thực tế thì trong suy nghĩ của

17



chúng ta nó vẫn hiện diện kiêu hãnh “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không
thanh lịch cũng người Tràng An”. Một thành phố luôn luôn được tạo nên bởi phần
diện mạo vật chất và diện mạo tinh thần. Tuy nhiên, phần diện mạo vật chất không
đơn giản chỉ là phần nổi, là lớp vỏ bên ngoài ẩn chứa bên trong diện mạo tinh thần
và diện mạo tinh thần cũng không chỉ là phần chìm giấu mình ở bên trong. Chúng
không phải là hai phần tách rời, được đặt cạnh nhau, kết nối một cách lỏng lẻo. Mối
quan hệ giữa hai phần trong diện mạo một thành phố là sự gắn bó chặt chẽ mang
tính triết học. Ở đó diện mạo vật chất không thuần túy là hình thức mà là hình thức
mang tính tinh thần và cái tinh thần cũng không thuần túy là phần linh hồn vô hình,
trừu tượng, khó nắm bắt mà nó đã tìm được cách hiện diện trong không gian vật
chất cụ thể của thành phố. Cái tinh thần còn bao trùm lên toàn bộ không gian, một
cách vô thức chi phối đến sự cải tạo cảnh quan đô thị của chúng ta. Không gian
sống của chúng ta chính là sự chuyển hóa, sự hữu hình hóa những ý niệm tinh thần
và bất cứ sự thay đổi nào trên diện mạo vật chất của thành phố cũng ngay lập tức
sản sinh ra những cảm thức mới mẻ. Thành phố là một hiện tượng phức tạp tự thân,
vì thế sự xuất hiện của thành phố trong sáng tác văn chương sẽ không đơn giản chỉ
là phản ánh một không gian thực trên trang sách.
1.1.2. Diễn ngôn- những vấn đề chung

Thế kỉ XX là thế kỉ chứng kiến nhiều biến động trên hầu hết các lĩnh vực của
đời sống xã hội và đặc biệt là văn hóa, tư tưởng. Từ khoảng giữa những năm 1960
đến nay, có một hướng nghiên cứu thu hút được sự chú ý nhiều nhất của các học giả
và cũng có ảnh hưởng quan trọng, toàn diện đến nhiều ngành nghiên cứu khoa học
xã hội thậm chí dẫn đến sự phát triển của những nghiên cứu liên ngành như triết học
khoa học, triết học nghệ thuật, sự kết nối giữa nghệ thuật và khoa học, khoa học và
tôn giáo… Đó chính là hướng nghiên cứu diễn ngôn. Trong bài viết mang tính chất
tổng thuật về hướng nghiên cứu diễn ngôn Các lí thuyết diễn ngôn hiện đại: Kinh
nghiệm phân loại, tác giả O. F. Rusakova đã nhận xét: “Suốt cả thế kỉ XX, các khoa

học nhân văn vị các hiện tượng ngôn ngữ hút hồn. Nói theo Richard Rorty, “ngôn
ngữ chiêu mộ thế giới” và, tất nhiên, tri thức đáng tin cậy nhất về thế giới đã được

18


mã hóa trong ngôn ngữ. Nghiên cứu ngôn ngữ là chìa khóa để nghiên cứu con
người và thế giới. Định đề này được ghi nhớ như là cơ sở phương pháp luận của các
khoa học xã hội khác nhau và được trao cho danh hiệu “bước mặt ngôn ngữ học”.
Từ cuối những năm 1960, trước tiên, nhờ hệ thống thuật ngữ và tư tưởng của chủ
nghĩa hậu hiện đại và kí hiệu học được quảng bá rộng rãi trong giới học thuật,
“bước ngoặt ngôn ngữ” biến thành “bước ngoặt diễn ngôn” [18]. Diễn ngôn không
phải là một thuật ngữ hoàn toàn mới mẻ, nó đã tồn tại từ trước trong hệ từ vựng của
nhiều ngôn ngữ. Nó chính là từ “discourse” trong tiếng Anh và “discours” trong
tiếng Pháp. Cách hiểu phổ biến về ý nghĩa của từ này trong đời sống cũng khá đơn
giản. Đến khi được hiểu như một thuật ngữ trong nghiên cứu khoa học, nội hàm ý
nghĩa của nó mới được mở rộng và trở nên phong phú hơn. Bản thân thuật ngữ diễn
ngôn đến giờ vẫn chưa thực sự cố định và thống nhất về mặt ý nghĩa, mỗi nhà
nghiên cứu, mỗi hướng nghiên cứu lại chọn khai thác một phương diện của nó. Cho
đến nay, diễn ngôn vẫn được xem là thuật ngữ năng động và có tính gợi mở cao
nhất cho nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Ở Việt Nam, hướng nghiên cứu diễn
ngôn tuy không hoàn toàn mới mẻ nhưng cũng chỉ mới đạt được những thành tựu
bước đầu. Chỉ riêng sự đồng thuận trong cách dịch thuật ngữ và thống nhất tương
đối về cách hiểu và diễn giải thuật ngữ giữa các nhà nghiên cứu cũng phải trải qua
một quãng thời gian khá dài mới có được. Sau đó, quá trình vận dụng lí thuyết vào
nghiên cứu diễn ngôn thơ ca, diễn ngôn tiểu thuyết, diễn ngôn kí, diễn ngôn phê
bình… cũng không phải là một khoảng thời gian ngắn. Giờ đây “diễn ngôn” xuất
hiện thường xuyên trên các bài báo, các công trình nghiên cứu như một thuật ngữ
thời thượng, hay đôi khi bị lạm dụng như một thứ trang sức làm nên vẻ hiện đại và
tân kì cho trang viết. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần phải thừa nhận rằng hướng

nghiên cứu diễn ngôn đang mở ra rất nhiều hướng đi tiềm năng cho nghiên cứu văn
học nói riêng và nghiên cứu văn hóa, xã hội ở Việt Nam nói chung.
1.1.2.1.

Bước ngoặt diễn ngôn.
Lí thuyết diễn ngôn thực sự đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng không chỉ
trong lĩnh vực nghiên cứu mà còn làm thay đổi căn bản cái nhìn của chúng ta về thế

19


giới xung quanh. Nhiều nhà nghiên cứu còn đánh giá bước ngoặt diễn ngôn như
một sự thay đổi hệ hình tri thức và tư duy của con người. Trước hết, việc thừa nhận
thuật ngữ diễn ngôn đã thay đổi quan niệm của chúng ta về bản thể. Sự thay đổi
không chỉ diễn ra trong nhận thức của con người về bản thế thế giới mà còn diễn ra
trong chính nhận thức của chúng ta về bản thân mình. Quan niệm về nhận thức của
chúng ta từ trước đến nay thường gắn với lí thuyết phản ánh. Theo đó, thế giới bên
ngoài tồn tại khách quan, hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan
của con người, tồn tại xã hội là cái có trước, ý thức ra đời sau, nhằm nhận thức
những yếu tố có trong thực tại. Lí thuyết phản ánh nhìn nhận tồn tại xã hội và ý
thức xã hội trong mối quan hệ nhân quả: tồn tại xã hội là nguyên nhân, là nơi khởi
sinh nhu cầu nhận thức, là cơ sở cho quá trình nhận thức còn ý thức xã hội chính là
kết quả của quá trình nhận thức đó. Trong mối quan hệ này, thực tế không chỉ có vai
trò định hình nhận thức của chúng ta mà còn là nơi kiểm chứng tính đúng đắn của
những nhận thức đó. Những tri thức được hình thành trong quá trình con người
khám phá, tìm hiểu thế giới đều phải đảm bảo phản ánh đúng đắn chân thực những
sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Những quy luật được đúc kết sẽ mãi mãi ở dạng giả
thuyết mà không được thừa nhận nếu như không chứng minh được sự phù hợp với
các quá trình hoạt động của thế giới trong thực tế. Chỉ khi ấy, những tri thức và quy
luật mới được công nhận là chân lí. Trong lí thuyết phản ánh, sự phù hợp, tương

ứng giữa ý thức xã hội với cái có trước nó là tồn tại xã hội chính là tiêu chuẩn của
chân lí. Hai phạm trù triết học quan trọng nhất mà phản ánh luận đề cao, đó chính là
thừa nhận sự chân thực và đặt niềm tin tuyệt đối ở chân lí. Chân lí là ý thức duy
nhất phản ánh chân thực và đúng đắn bản chất của thế giới xung quanh. Như vậy,
tất cả các hình thái ý thức xã hội như khoa học, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo… đều
là sự phản ánh thực tại bằng phương tiện đặc trưng. Từ thời cổ đại, trong cuốn Nghệ
thuật thi ca, Aristotes đã xác định bản chất của văn chương nằm ở sự mô phỏng
thực tại. Trong những tiêu chí đưa ra để xác định đặc trưng của thể loại bi kịch, ông
có nhấn mạnh tính chất mô phỏng, bắt chước hành động thực tế của con người,
Phạm trù Mimesis trong văn học từ lâu đã bị hiểu một cách máy móc là sự bắt
chước đến xác thực.

20


Phát hiện và đề cao thuật ngữ diễn ngôn, các nhà nghiên cứu không phủ nhận
thực tại khách quan. Thế giới xung quanh chúng ta là tồn tại có thực và độc lập với ý
muốn chủ quan của con người, dù ta muốn hay không muốn thì thế giới bên ngoài ta
cũng đã sinh thành và vận hành như thế. Tuy nhiên, ý thức của con người về thế giới
không bao giờ là trọn vẹn khách quan và chân thực tuyệt đối. Nhận thức của chúng ta
luôn gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ. Chúng ta nhận thức bằng ngôn ngữ và thông qua
ngôn ngữ. Tất cả những tri thức, quy luật mà con người đúc kết được về thế giới từ
trước đến nay đều cho ta thấy diện mạo đầy ảo tưởng về một thế giới như nó vốn có.
Tất thảy chỉ là thế giới trong nỗ lực thể hiện bằng ngôn ngữ, thế giới như ta nói về nó,
như ta viết về nó. Thế giới khách quan vẫn tồn tại bên ngoài con người, vẫn là đối
tượng của nhận thức, tuy nhiên, nó chỉ được biết đến thông qua diễn ngôn. Và bởi ý
thức của con người về thế giới không phải là bức ảnh chụp, nhận thức của chúng ta
chưa bao giờ là nhận thức theo lối gương soi, bản chất của quá trình nhận thức là sự tái
tạo, phản ánh thông qua ngôn ngữ là thứ phản ánh nhiều sai lệch nên những phạm trù
mà chúng ta đặt vào đó nhiều niềm tin nhất ngay lập tức bị hoài nghi: hiện thực, lịch

sử, chân lý. Không có hiện thực tuyệt đối mà chỉ có hiện thực của diễn ngôn. Không có
chân lý tuyệt đối, chân lý là những gì được xem là chân lý, dược tin là chân lý. Và lịch
sử không chỉnh xác là những gì đã xảy ra, nó chỉ là một trong vô số diễn ngôn về quá
khứ, một khả năng được cộng đồng đặt vào đó nhiều niềm tin nhất.
Cũng giống như nhận thức về thế giới, nhận thức về bản thân của chúng ta
không bao giờ nằm ngoài ngôn ngữ. Các nhà triết học ngôn ngữ đã chỉ cho chúng ta
thấy rằng “ngôn ngữ là ngôi nhà của tồn tại”, chúng ta gọi tên mình, định nghĩa
mình, tất cả đều bằng ngôn ngữ, chúng ta tồn tại trong một thế giới được tạo nên bởi
ngôn ngữ. Khi thừa nhận tính diễn ngôn, con người đồng thời nhận ra thế giới xung
quanh bao bọc sự tồn tại của mình là không tuyệt đối và những ý niệm về bản thể,
cái tôi cũng không tuyệt đối. Bản thế cũng chỉ là một kiến tạo của ngôn ngữ mà
chúng ta tin rằng có và cái tôi cũng chỉ là diễn ngôn chứ không phải sự thật.
Hướng nghiên cứu diễn ngôn đồng thời tạo ra bước ngoặt quan trọng trong
nhận thức của con người về ngôn ngữ. Ngôn ngữ không còn đơn thuần được xem là

21


phương tiện chuyên chở ý nghĩa, một công cụ biểu đạt thông tin một cách chính
xác, chân thực trong hoạt động giao tiếp. Ngược lại, ngôn ngữ là một thứ “công cụ”
đầy quyền năng, một thiết chế quyền lực có khả năng can thiệp rất sâu, chi phối,
thậm chí giới hạn các hành vi biểu đạt của con người. Từ khoảng giữa thế kỉ XIX
trở về trước, con người đặt niềm tin trọn vẹn ở ngôn ngữ như là phương tiện có khả
năng biểu đạt một cách chân thực và chính xác những suy nghĩ, tình cảm của con
người. Không mảy may có bất kì sự nghi ngờ nào đối với sự trong suốt của ngôn
ngữ. Khi viết bộ tiểu thuyết đồ sộ Tấn trò đời với tham vọng miêu tả chính xác diện
mạo Paris với những cảnh đời nông thôn, những cảnh đời đô thị và khi đưa ra nhận
xét rằng tác phẩm này đã đem đến thông tin đầy đủ, chính xác và thậm chí phong
phú hơn cả những tài liệu chính trị, kinh tế, xã hội học cộng lại, cả Balzac và Engels
đều tin vào sức mạnh truyền tải thông tin của ngôn ngữ. Nhưng từ nửa cuối thế kỉ

XIX trở đi, con người bắt đầu hoài nghi và nhận ra tính chính xác và vẻ trong suốt
của ngôn ngữ chỉ là một ảo tưởng. Ngôn ngữ là một loại kí hiệu, nó gồm hai mặt:
cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Cái biểu đạt là hình thức chữ viết cũng như lớp vỏ
ngữ âm, còn cái được biểu đạt chính là ý nghĩa quy chiếu đến một sự vật, hiện
tượng trong đời sống. Khi khai thác mối quan hệ giữa chúng, các nhà nghiên cứu đã
chỉ ra sự tương ứng giữa hình thức biểu đạt với nội dung được biểu đạt của kí hiệu
ngôn ngữ không phải là tự nhiên và tất yếu. Đó là mối quan hệ có tính chất võ đoán
và tính chất quy ước trong phạm vi một cộng đồng. Hơn thế trong nội dung biểu
đạt, một kí hiệu ngôn ngữ không đơn thuần chỉ mang thông tin biểu vật, quy chiếu
đến những sự kiện tương ứng ngoài ngôn ngữ mà còn chứa đựng thông tin về tình
cảm, thái độ của người nói, người viết. Vì thế sẽ không thể có được sự trùng khít, có
nghĩa là không có sự chính xác tuyệt đối khi xuất phát từ ngôn ngữ mà quy chiếu về
thực tại. Kể từ “bước ngoặt ngôn ngữ”, người ta đã “phân biệt nghiên cứu sự thực
và nghiên cứu ngôn ngữ để biểu đạt chúng, từ nghiên cứu các sự thật chuyển vào
nghiên cứu cấu trúc, ý nghĩa của ngôn ngữ, qua đó tư duy lại về cách hiểu của con
người với tư cách chủ thể và nhận thức lại cách thức nhận thức chân lí, khắc phục
các ý thức siêu hình”. Bước ngoặt ngôn ngữ nếu như mới chỉ nhấn mạnh vào sự

22


khác biệt và chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cấu trúc biểu đạt của ngôn ngữ thì
bước ngoặt diễn ngôn nhấn mạnh đến tính chất kiến tạo sự thật của ngôn ngữ. Nói
cách khác, hướng nghiên cứu diễn ngôn không nhìn nhận ngôn ngữ như những cấu
trúc nội tại nữa mà nhìn nhận nó như là một thiết chế quyền lực. Ngôn ngữ là dạng
thức tồn tại của quyền lực xã hội: tính chất phân hóa thứ bậc, hệ tư tưởng văn hóa
trung tâm, thống trị trong đời sống, ảnh hưởng trực tiếp, chi phối, giới hạn hành vi
của con người trong cộng đồng. Trong tiểu luận Độ không của lối viết, Roland
Barthes có viết: “Ta biết rằng ngôn ngữ là một tập hợp những chỉ định và những tập
tục, chung cho tất cả các nhà văn trong một thời đại. Ðiều đó có nghĩa là ngôn ngữ

giống như một bản chất trôi tuột hết qua lời nói của nhà văn, mà không đem lại cho
lời nói ấy một hình thức nào hết, thậm chí cũng không nuôi dưỡng lời nói ấy: nó
như một địa hạt trừu tượng của các chân lý, mà chỉ bên ngoài đó mới bắt đầu lắng
lại tỷ trọng của một lời nói đơn độc. Nó bao bọc toàn bộ sự sáng tạo văn học gần
như kiểu bầu trời, mặt đất và sự nối kết giữa hai cái ấy phác ra cho con người một
chốn cư trú thân thuộc. Nó là một phạm vi hơn là một kho dự trữ chất liệu, tức vừa
là một giới hạn vừa là một nơi chốn, tóm lại một khoảng rộng yên ổn của một kết
cấu. Ðúng ra nhà văn chẳng rút ra được gì từ đấy cả: đối với anh ta ngôn ngữ giống
như một đường kẻ ngăn mà vi phạm vào đó có thể làm bật ra một siêu tính chất của
hành ngôn: nó là sân bãi của một hành động, là xác định và chờ đợi một khả năng.
Nó không là nơi diễn ra sự dấn thân xã nội, mà chỉ là một phản xạ không lựa chọn,
là tài sản chung của mọi người chứ không phải của các nhà văn, nó nằm ngoài nghi
thức của văn chương, nó là một sự vật có tính chất xã hội do định nghĩa chứ không
phải do lựa chọn; không có gia công trước, không ai có thể lồng sự tự do của nhà
văn của mình vào trong khoảng mờ đục của ngôn ngữ, bởi vì toàn bộ Lịch sử đã
chiếm hết cái khoảng đó, trọn vẹn và trơn phẳng, theo kiểu một Bản chất” [2]
Sự thay đổi trong quan niệm về nhận thức và ngôn ngữ tất yếu dẫn đến sự
thay đổi trong quan niệm của con người về văn chương. Ảnh hưởng từ lí thuyết
phản ánh, suốt một thời gian dài văn chương được quan niệm như là một hình thái ý
thức xã hội. Mặc dù được nhìn nhận như một dạng thức phản ánh với nhiều nét đặc

23


thù của tư duy nghệ thuật cũng như những đặc điểm về chất liệu, khác với chính trị,
tôn giáo, khoa học… nhưng về cơ bản, chúng ta vẫn hay quy chiếu văn chương về
thực tại, vẫn lấy khả năng khám phá, phản ánh hiện thực ra làm một trong những
tiêu chí quan trọng đánh giá tác phẩm văn chương. Bước ngoặt diễn ngôn khiến
chúng ta phải từ bỏ thói quen đánh giá văn chương từ góc độ phản ánh và xác định
lại bản chất của nó. Diễn ngôn ngay lập tức làm lung lay những định nghĩa của

chúng ta về văn học, làm xô lệch những tiêu chí phân biệt giữa văn học và cái phi
văn học, khiến cho sự phân định cũng không còn xác tín một cách tuyệt đối. Diễn
ngôn khiến cho ranh giới giữa văn học và phi văn học trở thành ranh giới mềm và
không cố định. Đó là thứ ranh giới dễ bị vi phạm, thậm chí các nhà văn còn cố ý
thách thức nó để tạo ra những đột phá về giá trị. Văn học xét cho cùng là tập hợp
những gì chúng ta coi là văn học. Văn học là một trong rất nhiều cách mà con người
nhận thức về đời sống nhưng nhận thức đó không đơn thuần chỉ là phản ánh. Bản
chất của văn học là diễn ngôn về đời sống. Trong bài viết Bước ngoặt diễn ngôn và
sự đổi thay hệ hình nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã khẳng
định: “Là một diễn ngôn, văn học mang tính chất chung của diễn ngôn nói chung
nhưng có nét đặc thù. Cái chung đó là diễn ngôn văn học mang tính ý thức hệ, là
phương thức tồn tại của con người, kiến tạo nên bản thân hiện thực, có quy tắc, cơ
chế và chức năng riêng, nghiên cứu diễn ngôn văn học là nghiên cứu con người, xã
hội, văn hóa […] Tính đặc thù của diễn ngôn văn học là một vấn đề phức tạp. Đã có
nhiều công trình lí luận văn học khẳng định đặc trưng của diễn ngôn văn học như
“tính văn học”, “tính hư cấu”, “các biện pháp tu từ”, “hình tượng” nhưng theo các
ông J. Culler, Tz Todorov, T. Eagleton, A. Campagnon thì đặc trưng ấy rất mong
manh” [27]. Như vậy quan niệm về văn học cũng như bản chất của văn học đã thay
đổi, trở nên cởi mở và linh hoạt hơn.
1.1.2.2.

Khái niệm diễn ngôn
Diễn ngôn là một thuật ngữ với nội hàm phức tạp, ngoại diên trải ra trên một
phạm vi cực kì rộng lớn và quá trình vận động ý nghĩa vẫn chưa dừng lại. Vì thế
trong khuôn khổ của luận văn này, chúng tôi không thể bao quát toàn bộ các

24


phương diện của thuật ngữ cũng như khả năng ứng dụng phong phú của nó trong

nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Chúng tôi sẽ lược thuật lại các hướng tiếp
cận thuật ngữ diễn ngôn và đi sâu vào những phương diện có liên quan trực tiếp đến
quá trình tạo lập và diễn giải, sự khởi sinh và được chấp nhận của diễn ngôn về
thành phố trong văn học nói chung và diễn ngôn về thành phố Hà Nội trong văn học
miền Bắc Việt Nam giai đoạn từ năm 1945 đến 1975.
Trước hết, trong các từ điển ngôn ngữ phổ thông, diễn ngôn thường được
hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, diễn ngôn là sự giao tiếp bằng tiếng nói (cuộc trò
chuyện, lời nói, bài phát biểu…). Thứ hai, diễn ngôn là sự nghiên cứu tường minh,
có hệ thống về một đề tài nào đó (luận án, luận văn, các sản phẩm của suy luận…)
Cả hai định nghĩa thông dụng này đều xem diễn ngôn là thực tiễn giao tiếp ngôn
ngữ. Trong hai trường hợp này diễn ngôn là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng
ngôn ngữ, được đồng nhất với văn bản (bao gồm cả văn bản nói và văn bản viết).
Cũng chính từ cách hiểu phổ biến này mà hướng phân tích diễn ngôn thường bị
nhầm lẫn về mặt bản chất với phân tích văn bản. Văn bản là khái niệm được khai
thác sâu sắc bởi hướng tiếp cận của chủ nghĩa cấu trúc, trong tương quan phân biệt
với tác phẩm. Văn bản là hình thức tồn tại của tác phẩm, nhấn mạnh khái niệm văn
bản là nhấn mạnh đến cấu trúc nội tại của tác phẩm, hệ thống tổ chức ngôn ngữ, tổ
chức hình tượng nhằm chuyển tải được ý nghĩa. Văn bản chỉ là dạng thức tồn tại cụ
thể của diễn ngôn mà thôi. Và một diễn ngôn không chỉ tồn tại trên một văn bản,
diễn ngôn là hiện tượng xuyên văn bản, liên văn bản, thậm chí siêu văn bản. Để
nhận diện một diễn ngôn, cần có cái nhìn xuyên qua, kết nối các văn bản có cùng
một nội dung biểu đạt, cùng hướng tiếp cận đối tượng, sử dụng cùng một hệ biểu
tượng… Sự kết nối này cũng không phải là một phép cộng giản đơn cho ra kết quả
là diễn ngôn bằng các văn bản cộng lại. Đó phải là sự nhìn nhận văn bản trong tính
liên kết và liên tục tương tác với nhau và tương tác với các yếu tố ngoài văn bản có
liên quan đến quá trình tạo lập văn bản. Trong bài biết Quan niệm diễn ngôn như là
yếu tố siêu ngôn ngữ của nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu Juri Rudnev đã trích
lại ý được diễn giải trong từ điển của Arutiunova: “diễn ngôn là văn bản có tính liên

25



×