Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

Quyền con người trong Tư tưởng Hồ Chí Minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (180.34 KB, 12 trang )

1

QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH – MỘT
TRONG NHỮNG DI SẢN VÔ GIÁ HIỆN NAY
Quyền con người là những giá trị làm nên bản chất người, là quyền tự
nhiên, vốn có của mỗi cá thể người. Đây là một trong những vấn đề lịch sử lâu
đời về cả phương diện thực tiễn cũng như lý luận. Đó luôn là mối quan tâm của
nhân loại. Mỗi thời kỳ phát triển của quyền con người đều gắn liền với thành
quả của cuộc đấu tranh giai cấp, các cuộc cách mạng – xã hội. Hồ Chí Minh là
một trong những vĩ nhân hàng đầu của thế kỷ XX đã đóng góp to lớn vào giải
quyết các vấn đề quyền con người, giải phóng con người, giải phóng dân tộc,
giải phóng xã hội và là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển dân chủ và
nhân quyền Việt Nam trong thời đại cách mạng chống đề quốc thực dân, phong
kiến giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền
con người góp phần phát triển lý luận nhân quyền của nhân loại trong thời đại
ngày nay, là kim chỉ nam về lý luận và thực tiễn cho hoạt động của Đảng và Nhà
nước ta trong suốt 85 năm qua. Do đó, tìm hiểu đóng góp của Người về nhân
quyền là cần thiết, quan trọng.
1. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn sâu xa từ truyền
thống nhân đạo và tinh thần yêu nước của dân tộc, kế thừa tư tưởng nhân quyền
tiến bộ của phương Đông và phương Tây, nhất là tư tưởng cách mạng giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã hun đúc, tạo lập
cho dân ta một nền văn hoá phong phú, đa dạng và thống nhất bền vững với
những giá trị truyền thống tốt đẹp, cao quý, trong đó chủ nghĩa yêu nước Việt
Nam là nấc thang cao nhất của văn hoá Việt Nam. Người sinh ra trong một gia
đình và ở miền quê giàu truyền thống yêu nước, thương người, Nguyễn Tất
Thành ngay từ thuở ấu thơ đã được kế thừa tư tưởng yêu nước, thương dân của
thân phụ - cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và của các nhân sĩ yêu nước đương
thời. Chính điều này đã góp phần hình thành nên lòng yêu nước trong Nguyễn


Tất Thành. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chính là cơ sở xuất phát ban đầu hình
thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung.
Từ giữa thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã có những nhân
tố mới do ảnh hưởng của trào lưu cách mạng dân chủ tư sản. Trong bối cảnh đó,
"ái quốc" bao hàm cả ý nghĩa thương dân, là đấu tranh giành lại độc lập, xóa bỏ
thân phận nô lệ cho dân tộc. Nhân tố mới của phong trào yêu nước ở giai đoạn
này là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước truyền thống với sự chọn lọc, kế thừa tư
tưởng dân chủ tư sản, mà ban đầu là ảnh hưởng từ cuộc vận động cải cách của
Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu qua "tân thư", tư tưởng "Tam dân" của Tôn
Trung Sơn - "Dân tộc độc lập", "Dân quyền tự do", "Dân sinh hạnh phúc".
Những tư tưởng này đã tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trí thức Nho học bấy
giờ. Đồng thời những tư tưởng nhân quyền của cách mạng dân chủ tư sản Pháp
với khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” cũng đã được đưa vào Việt Nam


2

qua con đường giáo dục, qua chính sách "khai hóa" của thực dân Pháp. Đến đầu
thế kỷ XX, lúc 12-13 tuổi, Hồ Chí Minh đã biết đến các khẩu hiệu tự do, bình
đẳng, bác ái này và còn chứng kiến các phong trào chịu ảnh hưởng to lớn của
các khẩu hiệu cách mạng tiến bộ đó ở Việt Nam. Các phong trào Duy tân, Đông
kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du... diễn ra sôi sục khắp Bắc, Trung, Nam
trong các năm 1906-1908, thu hút nhiều tri thức trẻ tuổi. Phong trào Đông Du
do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo với tôn chỉ giành độc lập dân tộc, thiết lập chế độ
cộng hòa đại nghị tư sản bằng bạo động vũ trang và phong trào cải cách của cụ
Phan Chu Trinh và nhiều bậc chí sĩ khác với chủ trương đấu tranh hòa
bình: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đều bị thực dân Pháp câu kết
với chế độ phong kiến đàn áp thẳng tay. Năm 1908, Cụ Phan Bội Châu bị trục
xuất khỏi Nhật, Cụ Phan Chu Trinh bị bắt và ba năm lưu đày Côn Đảo. Trước
tình cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân khổ cực, lầm than và các con đường cứu

nước của các bậc tiền bối bị thất bại... năm 1911, nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn
Tất Thành đã quyết tâm đi tìm hiểu những gì ẩn giấu dưới những từ tự do, bình
đẳng, bác ái ngay tại các cường quốc Pháp, Anh , Mỹ... quê hương của các
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền và các cuộc cách mạng nổi tiếng toàn thế
giới.
Từ 1919, Người đã đi và đến sống tại Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước
thuộc địa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ, tận mắt chứng kiến cuộc sống thực tế
của các tầng lớp nhân dân khác nhau ở các nước thuộc địa và các nước tự gọi là
văn minh. Thực tiễn phong phú giúp Người nhận thức sâu sắc nhiều vấn đề mới.
Người thấy rõ: Nhân dân lao động, dù là da vàng, da trắng hay da đen đều bị
tước đi những quyền và tự do cơ bản của họ. Tại các nước thuộc địa đâu đâu
người lao động cũng bị chủ nghĩa thực dân đầy ải trong tủi nhục, đói nghèo, bị
bóc lột, áp bức dã man. Ở các nước tư bản phát triển cũng có hai loại người:
tầng lớp trên sống xa hoa, thừa thãi, còn đa số nhân dân lao động sống trong
nghèo khổ, bần hàn. Từ những nhận thức quan trọng này, Người tích cực tham
gia các hoạt động chính trị, xã hội: không chỉ tham gia Hội nhân quyền dân
quyền Pháp, Hội những người Việt Nam yêu nước, mà còn gia nhập Đảng Xã
hội Pháp.
Năm 1919 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng về tư tưởng chính trị của
Nguyễn Tất Thành - Nguyến Ái Quốc. Bản Yêu sách tám điểm đòi các quyền tự
do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam gửi Hội nghị Vécxây bị các cường quốc
Mỹ, Anh, Pháp... bác bỏ đã cho Người thấy rõ trò bịp bợm của chủ nghĩa
Uynxơn¹. Người đi đến kết luận rằng chủ nghĩa đế quốc thực dân không hề muốn
trao quyền tự quyết cho các dân tộc thuộc địa, chia xẻ các thành quả tự do, dân
chủ, bình đẳng, nhân quyền cho nhân dân lao động. Các dân tộc không thể trông
chờ sự ban ơn của chủ nghĩa đế quốc, mà phải tự đấu tranh để giành lấy độc lập
¹¹ Chủ nghĩa Uynxơn: Uynxơn là Tổng thống Mỹ từ năm 1913 đến 1921. Năm 1917, Uynxơn tuyên bố nước Mỹ tham gia
Chiến tranh thế giới thứ nhất, đứng về phía Anh, Pháp để chống Đức. Khi chiến tranh sắp kết thúc, Uynxơn đưa ra “Chương trình 14
điểm” làm cơ sở cho Hội nghị Vécxây (1919). Thực chất của nó là chính sách đối ngoại ăn cướp của đế quốc Mỹ chống lại nước Nga
Xôviết mới ra đời, lợi dụng sự suy yếu của các nước tư bản châu Âu để nâng cao địa vị quốc tế của Mỹ và tăng cường nô dịch các

dân tộc bị áp bức. Nhưng nó lại được che giấu bằng những lời lẽ mị dân về “dân chủ” và “quyền dân tộc tự quyết”


3

dân tộc, phải làm cách mạng. Vứt bỏ ảo tưởng vào sự ban ơn của chủ nghĩa đế
quốc và các trò lừa bịp bằng các mỹ từ tự do, bình đẳng, Nguyễn Ái Quốc quyết
tâm tìm kiếm con đường cứu nước khác triệt để hơn, thực tế và khả quan
hơn. Luận cương của Lê nin về các dân tộc thuộc địa, đường lối của Quốc tế
cộng sản về ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc đã thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc
trở thành người cộng sản và là người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920,
Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người chịu ảnh hưởng
sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng
Mười Nga cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước của nhân dân Liên Xô dưới sự
lãnh đạo của V.I. Lê-nin và Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong hồi ký "Con đường
dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin", Người viết: Lúc đầu chính chủ nghĩa yêu nước,
chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đưa tôi tin theo Lê-nin... Từng bước một,
trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác
thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản
mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế
giới.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn sâu xa từ
lịch sử dân tộc và thực tiễn của đất nước, kế thừa có chọn lọc những tư tưởng
nhân quyền tiến bộ của các nước phương Đông cũng như các nước phương Tây.
Đặc biệt là vận dụng có sáng tạo tư tưởng giải phóng con người và xã hội của
chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đây là đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Hồ Chí
Minh về nhân quyền.
2. Những đóng góp có ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về
quyền con người

Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam đã tiếp cận sớm nhất
và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người, và chính bản thân Người đã phấn đấu
hy sinh suốt đời cho việc thực hiện quyền con người. Xuất phát từ lợi ích của
dân tộc ta và các dân tộc tộc bị áp bức, từ chọn lọc, kế thừa và phát triển các giá
trị nhân quyền của nhiều học thuyết, nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng, nhất
là từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người góp
phần phát triển lý luận nhân quyền của nhân loại trong thời đại ngày nay. Có thể
nói, Người đã đặt nền móng về mặt lý luận và thực tiễn về vấn đề quyền con
người ở Việt Nam.
Trước hết, về mặt lý luận, Người đã đưa ra những luận điểm mới mẻ, sâu
sắc và toàn diện về quyền con người, đây là đặc điểm quan trọng và nét đặc sắc
trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Cụ thể:
Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, quyền con người gắn liền với quyền dân
tộc, với độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Nội dung chủ yếu và cốt lõi trong tư tưởng về nhân quyền ở nhiều nước
phương Tây nêu ra, đó là đòi quyền tự do của mỗi cá nhân. Như Tuyên ngôn độc
lập của Mỹ năm 1776 đã khẳng định: “...Tất cả mọi người sinh ra đều bình
đẳng; tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm, trong đó là quyền sống,


4

quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…” hay bản Tuyên ngôn nhân
quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “người ta sinh ra
tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về
quyền lợi”. Điều này như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đó là “những lời
bất hủ”, “những lẽ phải không ai chối cãi được” nhưng lại chưa đủ trong thời kỳ
phát triển mới. Bởi vì, thời kỳ này chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã chuyển
sang chủ nghĩa đế quốc xâm chiếm các thuộc địa, đặt ách thống trị bóc lột tàn
bạo cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Bọn đế quốc thực dân và bọn bồi

bút luôn khoe khoang về “khai hoa văn minh”, đem tự do, bình đẳng, bác ái,
nhân từ, khoan dung, công bằng, tiến bộ… cho các dân tộc thuộc địa. Tự do, các
quyền con người của cá nhân không thể có được trong các nước thuộc địa, phụ
thuộc. Thực tiễn lịch sử Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và của
nhiều nước thuộc địa khác cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chứng minh rõ
điều đó. Chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ, đáng xấu hổ trong lịch sử nhân loại.
Kiểm nghiệm thực tế đó khắp năm châu và Việt Nam, Người chỉ rõ: “ bọn thực
dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức
đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về
chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành các luật pháp dã man... Chúng lập nhà tù nhiều hơn trường
học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta.
Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu. Chúng ràng buộc dư luận,
thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm nòi
giống ta suy nhược... Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta
nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta sơ xác, tiêu điều... Chúng bóc lột công nhân ta
vô cùng tàn nhẫn...Cuối năm ngoái sang đầu năm nay hơn hai triệu đồng bào ta
bị chết đói” [1].
Các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Đây công lý của thực dân
Pháp ở Đông Dương do Người biên soạn trong những năm 1920 là những cuốn
sách trắng về những tội ác chồng chất chà đạp lên quyền con người, quyền làm
người ở Việt Nam và các thuộc địa. Dưới chế độ thực dân, người bản xứ bị đối
xử như những “nô lệ ” hiện đại, những dân tộc “dã man”, “hạ đẳng”, giống
như “súc vật”. Tất cả lịch sử các cuộc xâm chiếm thuộc địa từ đầu đến cuối đều
viết bằng máu người bản xứ. Các cuộc khai hóa văn minh mà người châu Âu tự
khoe khoang thực chất là cuộc khai hóa giết người để làm giàu cho chính quốc.
Ở các thuộc địa các châm ngôn tự do, bình đẳng, bác ái chỉ là các mỹ từ sáo
rỗng được bọn thực dân sử dụng để che đậy cho sự xấu xa của chế độ bóc lột,
giết người. Không hề có pháp luật, công lý bênh vực người bản xứ. Trích dẫn lời
một quan chức Pháp, ông Vinhê Đốctông: “Pháp luật, công lý đối với người bản

xứ ư? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài mới là những thứ xứng
đáng với lũ dòi bọ ấy”, Người kết luận: “Chưa bao giờ ở một thời đại nào,
người ta lại vi phạm quyền làm người một cách độc ác, trơ tráo đến thế "[2].


5

Chính vì vậy, trong thư gửi Anbe Xarô ² năm 1922, Người viết: “Cái mà tôi cần
nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”[3]
Qua đó, có thể khẳng định: Tự do của mỗi người không thể có được nếu
không có độc lập dân tộc. Tự do là lý tưởng cao quý, nhưng luôn gắn chặt với
độc lập dân tộc. Tự do của mỗi con người không tồn tại một mình, tách rời tự do
của nhân dân, quyền của mỗi người không thể tách khỏi quyền của cộng đồng.
Một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do. Độc lập dân tộc vừa là quyền tự
do tập thể, vừa là tiền đề tiên quyết, điều kiện cần phải có để bảo đảm tự do cho
mỗi cá nhân và cho mọi người dân. Đấu tranh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ
cách mạng trước tiên để bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Dân
tộc đi áp bức và dân tộc bị áp bức đều là các dân tộc không có tự do, không bình
đẳng. . Chính vì vậy, Người trịnh trọng tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập năm
1945: “Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có
quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Việc đề ra các quyền cơ bản của
các dân tộc và gắn chặt quyền con người với độc lập dân tộc, quyền tự quyết dân
tộc là một cống hiến lý luận to lớn của Hồ Chí Minh vào kho tàng tư tưởng nhân
quyền của nhân loại. Mãi đến năm 1966, sau hơn 20 năm đấu tranh tại Liên hợp
quốc, quyền dân tộc tự quyết, quyền dân tộc độc lập mới được quy định trong
điều 1 của các Hiệp ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, về các quyền
kinh tế, văn hóa và xã hội. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là
chân lý lớn của thời đại, được thừa nhận trên toàn thế giới. Sự ra đời của hơn
một trăm quốc gia độc lập trẻ tuổi trong thế kỷ XX là thắng lợi của thời đại giải
phóng dân tộc, một tiến bộ lịch sử to lớn của nhân loại. Các dân tộc bị áp bức,

bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, quyền tự do, quyền dân chủ và phát
triển, bình đẳng sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thứ hai, gắn chặt tự do, độc lập với hạnh phúc của con người, của đại
đa số nhân dân, gắn chặt cuộc đấu tranh giải phóng con người với giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội làm nền tảng để bảo đảm triệt để các quyền con người, giải phóng con người
là một tư tưởng cốt lõi xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí
Minh và sự lựa chọn đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là kinh
nghiệm và đóng góp lớn vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.
Ngay từ những năm 1920, Người đã thấy rõ công lao và hạn chế lịch sử
của các cuộc cách mạng Anh, Pháp, Mỹ đối với sự nghiệp giải phóng con người
và hiện thực hóa quyền con người. Người chỉ ra rằng các cuộc cách mạng ấy là
các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, các cuộc cách mạng biết giương cao ngọn
cờ nhân quyền với các khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái nên đã huy động được
nhân dân đứng lên lật đổ chế độ quân chủ phong kiến tàn bạo, lập nên chế độ
cộng hòa, mở đầu cho sự nghiệp giải phóng con người. Nhưng cũng từ rất sớm,
Người thấy rõ những hạn chế của các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, Mỹ.
Những khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái mà bọn thực dân tuyên truyền chỉ là
²² Anbe Xarô đã từng làm Toàn quyền Đông Dương hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ thứ nhất từ tháng 11/1911 đến tháng 1/1914.
Nhiệm kỳ thứ hai từ tháng 1/1917 đến tháng 5/1919. Sau nhiệm kỳ này ông trở về Pháp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thuộc địa.


6

bánh vẽ, trò lừa bịp lớn. Trong cuốn Đường Cách mệnh Người viết: “Tư bản nó
dùng Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi
dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân” [4].
Người thấy rõ những hạn chế của cách mạng tư sản: “Cách mệnh Pháp cũng
như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng
là cộng hòa dân chủ, kỳ thực trong nước thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó

áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi mà nay công nông Pháp hẵng còn
phải mưu cách mệnh một lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức…”[5]. “Mỹ
tuy cách mệnh thành công 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn
cứ lo cách mạng lần thứ hai” [6]. Người thấy rõ các cuộc cách mạng đó chỉ
đem lại tự do, hạnh phúc cho một thiểu số người, chưa đem lại độc lập, tự do
chân chính cho các dân tộc thuộc địa, cho đa số nhân dân lao động. Dưới chế độ
tư bản vẫn còn đầy rẫy bất công xã hội, ách áp bức, bóc lột. Người cũng thấy
rõ: độc lập, tự do là cần thiết nhưng chưa đủ để cho nhân dân hạnh phúc...
Tự do, hạnh phúc không phải chỉ dành cho số ít, mà cho toàn xã hội, cho loài
người mới là những giá trị siêu việt mà đức Phật, chúa Giêsu, Các Mác, Tôn Dật
Tiên ... và Người theo đuổi. Bác bỏ con đường cách mạng tư sản Pháp, Mỹ vì
chúng không đem lại quyền cho dân chúng số nhiều và hạnh phúc cho đa số
nhân dân, Người lựa chọn đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười
Nga. Người chỉ rõ, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công và thành công đến
nơi vì “dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thực sự, không
phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên
An Nam [7]. Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tin theo chủ nghĩa cộng sản, Người
khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân
tộc và nhân dân lao động khỏi ách nô lệ. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là nhân
đạo, nên nó tôn trọng và bảo vệ các quyền con người. Không có chế độ nào tôn
trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho
nó bằng chủ nghĩa xã hội vì nó là chế độ xã hội không có người bóc lột người,
không còn đói rét, mọi người đều được ấm no, hạnh phúc. Đó là con đường cách
mạng triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại thoát
khỏi mọi ách áp bức, bóc lột, đáp ứng tốt nhất các quyền tự do và phát triển của
con người, đem lại hạnh phúc cho đa số nhân dân. Sau khi nước nhà giành được
độc lập, Người cũng nhấn mạnh: "Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh
phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[8].
Về mặt thực tiễn, cũng như các nội dung khác trong tư tưởng Hồ Chí

Minh, Người triệt để thực hiện giữa nói và làm, trở thành một nguyên tắc trong
hành động của Hồ Chí Minh. Và chính Người đã nêu một tấm gương mẫu mực
trong việc thực hiện triệt để nhất những tư tưởng đó còn hơn rất nhiều lần so với
những điều Người nói và viết. Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, giữa lý
luận và thực tiễn, giữa động cơ và hiệu quả đã trở thành đặc trưng nổi bật của
Hồ Chí Minh so các nhà tư tưởng, các lãnh tụ khác. Người là tấm gương sáng,
một pho sách trọn vẹn về nhân quyền và cuộc đấu tranh cho quyền con người.
Người nói : “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta


7

được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có căm ăn, áo mặc, ai cũng được học
hành”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu
cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp
nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích
đó”. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề con người và giải
phóng con người, coi đó là mục đích cao nhất cần đạt tới trong mọi hoạt động
cách mạng của mình. Người là một nhân vật hiếm có trong lịch sử nhân loại,
một lãnh tụ lấy mong muốn của dân tộc làm ham muốn của mình, lấy nỗi lo của
nhân dân làm động cơ, mục đích hoạt động thực tiễn.
Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và lãnh đạo ngay từ khi ra
đời năm 1930 đến nay luôn đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng quyền con
người, độc lập dân tộc và giải phóng con người, cho tự do, dân chủ, dân sinh,
công bằng và tiến bộ xã hội. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng do Hồ Chí
Minh soạn thảo ghi rõ chủ trương của Đảng là “làm tư sản dân quyền cách mạng
và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản”. Cuộc cách mạng này có nhiệm
vụ đánh đổ đế quốc Pháp, giải phóng dân tộc, đem lại độc lập cho Tổ quốc và
mọi quyền tự do cho nhân dân: dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình
quyền, phổ thông giáo dục, thực hiện ngày làm 8 giờ, thủ tiêu hết các thứ quốc

trái, miễn thuế và chia đất cho dân cày nghèo, mở mang công nghiệp và nông
nghiệp v.v... Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tại cuộc họp đầu tiên
của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của
nước ta là: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có
chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”. Người luôn tâm niệm, Nhà nước được độc
lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ chết đói, chết rét thì độc lập ấy
chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân
được ăn no, mặc đủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên
không bao giờ được quên “dân là chủ” với quan niệm trên, trong chế độ mới, giá
trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho người dân,
phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội nhân dân
là người chủ của nước, nước là nước của nhân dân. Các cơ quan Đảng và Nhà
nước là tổ chức được dân ủy thác làm công bộc phục vụ cho nhân dân. Nhiệm
vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ
của dân. Đầy tớ là công bộc của dân, vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân,
phải trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Họ phải như những
người lính vâng mệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết
định, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước phục vụ nhân dân. Người nhấn
mạnh: Đảng không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân.
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ giá trị của quyền con người và quyền
làm người. Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ một ngày
sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 03-9-1945 trong phiên họp đầu tiên của
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người chỉ ra 6 nhiệm vụ cấp bách
trong đó có nhiệm vụ ban hành hiến pháp để bảo đảm quyền tự do dân chủ của
nhân dân và đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ
phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền


8


ứng cử và bầu cử theo luật định không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo và
giống nòi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy các quyền con người phải được bảo vệ
và phải được ghi nhận bằng pháp luật. Chỉ sau một ngày khi đọc Tuyên ngôn
độc lập, ngay hôm sau (ngày 3 tháng 9 năm 1945) trong phiên họp đầu tiên của
chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem việc tổng tuyển cử, xây dựng
Hiến pháp là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách. Điểm cốt lõi trong quan niệm
dân chủ của Hồ Chí Minh là xác định mối quan hệ giữa nhân dân với toàn bộ
các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, các tổ chức
đoàn thể, trong đó nhân dân lao động là người làm chủ xã hội. Điều này được
Người vận dụng triệt để và nhất quán trong suốt quá trình xây dựng nhà nước
kiểu mới và hệ thống pháp luật dân chủ. Về mặt nhà nước, phải nắm vững bản
chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam mới:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”.
Nhận thức tầm quan trọng của việc nhân dân tham gia công việc nhà
nước, làm chủ Nhà nước, điều quan trọng nhân dân phải hiểu được các hoạt
động của nhà nước, nên ngay khi xây dựng Hiến pháp năm 1946, Người đã đặt
ra thiết chế dân chủ, rằng: “Nghị viện họp công khai, công chúng được vào
nghe”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng sau này, Người luôn khẳng định
nguồn gốc quyền lực nhà nước là ở nhân dân; Nhà nước chỉ là cơ quan đại diện
được nhân dân trao quyền, nghĩa là quyết định cuối cùng vẫn là ở nhân dân.
Những quyền hiến định và các nguyên tắc nhân quyền như bình đẳng, tự do, tôn
trọng nhân phẩm của Hiến pháp 1946 vẫn giữ nguyên giá trị và được kế thừa
trong các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã có
những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người.
Việc thực hiện bảo đảm quyền con người một phần quan trọng tùy thuộc
vào hệ thống pháp luật và đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp. Là người

sáng lập Nhà nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây
dựng nền pháp chế của quốc gia, đặc biệt là xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ
công lý, quyền con người. Lãnh đạo bởi tư tưởng "Trăm điều phải có thần linh
pháp quyền", Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Hiến
pháp 1946, Hiến pháp 1959), ký và công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều
văn bản dưới luật khác. Hồ Chí Minh đề cao tính nghiêm minh pháp luật, đòi
hỏi pháp luật đó phải xuất phát từ con người, kết hợp chặt chẽ với đạo đức, với
tình thương và sự khoan dung, nhân đạo. Người viết: “nghĩ cho cùng, vấn đề tư
pháp cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người”.
Khẳng định "NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì
dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, nên bảo đảm cho dân hưởng quyền tự


9

do dân chủ, quyền con người là trách nhiệm của Nhà nước, mà cụ thể các cơ
quan và cán bộ của Nhà nước. Người viết: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ
gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc…Chúng ta phải hiểu rằng, các
cơ quan Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đềy là công bộc của nhân
dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho đân, chứ không phải để đè đầu dân
như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật” [9]. “Chính phủ nhân
dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân
thì làm. Việc gì có hại cho dân phải tránh”[10]. Trong quan niệm phổ biến của
cộng đồng quốc tế việc bảo đảm quyền con người chỉ thuộc trách nhiệm của nhà
nước, các cơ quan tư pháp, đặc biệt là toà án. Đối với Hồ Chí Minh, bảo đảm
quyền con người còn thuộc về trách nhiệm của Đảng và các tổ chức xã hội, tức
là trách nhiệm của tất cả các tổ chức hợp thành hệ thống chính trị, trong đó trách
nhiệm chính thuộc về Đảng và Nhà nước. Người nhấn mạnh trách nhiệm của
Đảng và Chính phủ: "Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là
Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân

ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”[11].
Hơn thế nữa, kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, Chủ tịch Hồ
Chí Minh chủ trương thi hành một chính sách nhân quyền, khoan dung đối với
tù binh, những người lầm đường lạc lối. Người luôn nhắc nhở ". "Đối với những
đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ". Đối với
những quan lại cũ, cả với những người từng có nợ máu với cách mạng, Người
cũng khuyên "không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới,... mà nên
dùng chính sách cảm hóa, khoan dung". Chính sách đại đoàn kết và tấm lòng
khoan dung, độ lượng của Bác Hồ đã làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ
thù, đã cảm hoá được nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi, kể cả các quan lại cao
cấp của chế độ cũ, một lòng một dạ đi theo cách mạng và kháng chiến, không
quản ngại gian khổ, hy sinh. Ngay cả đối với đối phương buộc chúng ta phải
cầm súng đứng lên tự vệ, Người đã luôn luôn giáo dục chúng ta biết phân biệt
bọn thực dân xâm lược phản động với nhân dân nước ngoài yêu chuộng hòa
bình và công lý. Người đã tìm mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất những
thương vong trên chiến trường, cho quân ta và cho cả quân địch. Trong Tuyên
bố về chính sách của Chính phủ liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ
tịch, Người viết: “… Về chính sách đối ngoại: Đối với Pháp, chỉ đánh bọn thực
dân, còn đối với những kiều dân Pháp không làm hại gì cho nền độc lập của ta,
ta sẽ bảo vệ tính mạng và tài sản của họ”[12].
Ngay từ năm 1946 tức là trước cả bản tuyên ngôn thế giới về nhân quyền
ra đời (1948) - phù hợp với luật nhân đạo và luật quốc tế về quyền con người,
trong quốc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh ký, Điều 7
ghi “vô cơ sát hại kiều dân ngoại quốc sẽ bị xử tử”. Trong Báo cáo chính trị tại
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II do Người trình bày có đoạn: “Tính mệnh
và tài sản của kiều dân nước ngoài tuân theo pháp luật Việt Nam, phải được bảo
hộ”. Đây chính là tiền đề cho những quy định về quyền dân sự của người nước
ngoài trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.



10

Như vậy là ngay cả trong điều kiện chiến tranh ác liệt, quyền dân sự của
ngoại kiều vẫn được ghi nhận - tư duy pháp lý về quyền con người của Chủ tịch
Hồ Chí Minh chẳng những luôn phù hợp, không bị gián đoạn, trái lại luôn luôn
kế thừa truyền thống khoan dung nhân đạo cao cả của dân tộc trong việc xử lý
đối với người nước ngoài.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người hết sức phong phú và
sâu sắc, đã đặt nền móng về lý luận và thực tiễn cho quyền con người ở Việt
Nam. Bởi vậy có thể nói tư tưởng đó là một trong những tư tưởng tiên tiến nhất
của thời đại và tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc ta và cả nhân
loại. Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, có thể rút ra được
một số nhận xét như sau:
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kế thừa truyền thống
nhân ái và dân chủ của dân tộc ta, là sự tiếp thu những tư tưởng về quyền con
người tiến bộ của các nước phương Đông và các nước phương Tây. Đặc biệt tư
tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự vận dụng và phát triển một cách
có sáng tạo tư tưởng của Các Mác, Ph Ănghen và V.I Lênin về sự nghiệp giải
phóng triệt để đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc bị áp
bức và mọi sự tha hóa đối với con người.
2. Trên lĩnh vực quyền con người, đóng góp có tính thời đại của Chủ tịch
Hồ Chí Minh là đã nghiên cứu đưa ra các luận điểm giải quyết vấn đề quyền con
người trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng giải phóng dân tộc
và xây dựng xã hội mới ở các nước thuộc địa. Cốt lõi tư tưởng đó là độc lập dân
tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước - tiền đề và điều
kiện cơ bản nhất bảo đảm các quyền và tự do của con người.
3. Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những giá trị phổ biến về nhân quyền
trong lịch sử mà còn nâng những giá trị đó lên một tầm cao mới. Ở đây, Người
không chỉ đấu tranh đòi quyền cho con người, mà Người còn nhấn mạnh tới
quyền làm người. Bởi vì, quyền con người không chỉ cần ăn, mặc, ở, đi lại để

tồn tại mà còn vươn lên trên cái tồn tại để hoàn thiện và phát triển bản thân. Đó
chính là quyền học tập, sáng tạo, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do, quyền
dân sự, quyền về chính trị, kinh tế - văn hóa xã hội, cũng như quyền của các
nhóm người đặc biệt trong xã hội như: quyền các dân tộc thiểu số, quyền phụ
nữ, quyền của trẻ em, quyền của nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để họ hòa nhập với cộng đồng
xã hội… Như vậy, có thể thấy nội dung quyền con người trong tư tưởng của Hồ
Chí Minh được phát triển rất phong phú cả về bề rộng và chiều sâu, tạo ra một
hệ thống về quyền con người theo quan điểm khoa học và cách mạng.
4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người không chỉ giới hạn ở việc
là kiên quyết giành, bảo vệ độc lập dân tộc và quyền con người của nhân dân ta,
mà còn tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người của dân tộc khác. Tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đề ra chính sách đối ngoại, hòa bình,
hữu nghị và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia, dân tộc không phân biệt chế độ
chính trị cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.


11

5. Từ những tư tưởng của Hồ Chí Minh mà hệ thống chính trị xã hội cùng
Hiến pháp, pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là cơ
chế chung quản lý xã hội, đồng thời đó cũng là cơ chế bảo đảm quyền con người
ở Việt Nam. Đây là một di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ chế đảm bảo
quyền con người. Tất cả quyền lực Nhà nước và xã hội đều thuộc về nhân dân là tư tưởng lớn nhất và nhất quán của Người trong việc đảm bảo quyền con
người. Sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước là nhằm bảo đảm
quyền làm chủ của nhân dân một trong những quyền cơ bản của quyền con
người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, bảo
đảm các quyền con người là động lực quan trọng của sự phát triển xã hội. Bảo
đảm quyền con người không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan
tư pháp mà còn là trách nhiệm của tất cả các tổ chức hợp thành hệ thống chính

trị. Đồng thời, mọi người dân cần phải biết sử dụng những tổ chức đó để tự bảo
vệ các quyền của mình. Đây là nét đặc sắc, khác biệt của cơ chế bảo đảm quyền
con người ở Việt Nam so với các quốc gia khác.
6. Trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh đã dồn hết tâm lực, trí tuệ để lãnh
đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc, giành quyền làm chủ của con người,
xây dựng, phát triển đất nước mang lại hạnh phúc và quyền làm người cho nhân
dân, làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường
quốc năm châu. Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là mẫu mực cho việc phục vụ
nhân dân, trong Di chúc, Người viết: VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng
hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ
biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không
được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Và điều mong muốn cuối cùng của
Người là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt
Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng
vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Tư tưởng nhân quyền của Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục soi sáng con đường
đấu tranh và bảo vệ quyền con người trong thời đại hiện nay. Kế thừa tư tưởng
Hồ Chí Minh, Đảng ta đã khẳng định quan điểm nhất quán của mình: “Chăm lo
cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người”. Đó vừa là
mục tiêu, đồng thời cũng là động lực phát triển của xã hội Việt Nam trong công
cuộc đổi mới hiện nay vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn
minh. Để hiện thực hóa tất cả các quyền con người, Nhà nước cần phải phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm các quyền có việc làm, ăn, ở, mặc, đi lại,
học hành, nghỉ ngơi, chữa bệnh, chăm sóc người già, trẻ em, phụ nữ,... cải thiện
ngày một tốt hơn đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Chế độ
kinh tế và xã hội của chủ nghĩa xã hội, theo Người, “nhằm thực hiện đầy đủ
quyền dân chủ của nhân dân” là, làm cho dân giàu, nước mạnh”, làm cho “mọi
người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do”, là công bằng, hợp lý. Xây dựng
chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân, trước hết là nhân dân lao động chính là thực hiện trên thực tế sự nghiệp giải

phóng con người theo lý tưởng nhân văn tiến bộ của nhân loại./.


12

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.1-2.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.383.
3. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, t.1,
tr.172.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.272
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr. 274
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr. 270
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr. 280.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.56.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.22
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.572.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr. 698.
12. Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Sđd, t 1, tr 374, 392



×